Dịch giả: Văn Hòa
Chương III (B)

     ì vậy, trong buổi sáng mùa thu đẹp trời này, một chiếc xe hơi huê kỳ đã đợi sẵn ở trước cửa “Vạn Hoa Đình”. Trong phòng riêng, Kim Sương đã thu nhặt những vật dụng cuối cùng của cô. Chẳng còn gì ngoài những vật dụng, trong ngăn kéo bàn phấn luôn luôn khóa. Sương đã đuổi người giúp việc của nàng ra ngoài để được ở một mình trong phòng. Nàng mở ngăn kéo lôi ra những tấm hình của con nàng và của thằng bé. Nàng cảm thấy tim mình đau nhói khi nhìn cái khuôn mặt xinh trai này. Nàng đã không thành thật khi xác nhận với ông Chu rằng, nàng không có yêu thương gì cái anh chàng người Mỹ này và ông ta đã tin tưởng như vậy. Nhưng trong giờ phút này đây, con tim nàng đã nói lên sự thật. Nếu chàng và nàng còn gặp lại nhau - một giấc mơ mà nàng biết không thể nào có được - nàng sẽ trở lại yêu chàng. Đó là mối tình đầu tiên của đời nàng và không bao giờ nàng có thể yêu ai khác được. Giữa hai người, ngay cả khi ngôn ngữ còn bất đồng, họ đã trao đối cho nhau những cảm tình sâu đậm nhất. Chàng đã yêu nàng, điều này nàng biết chắc. Vợ của chàng chỉ chiếm một địa vị thứ yếu trong tim chàng. Sương tuyệt đối tin tưởng như vậy; không thế thì nàng đã không quyết định rời bỏ “Vạn Hoa Đình” để lấy ông Chu; tuy thế, nàng phải lấy ông ta vì trải qua nhiều năm tháng về nghề nghiệp nàng đã thành công tuyệt đỉnh. Trong một hai năm nữa người ta sẽ bắt đầu để ý đến niên kỷ của nàng và một thiếu phụ trẻ hơn, đẹp hơn, sẽ thay thế địa vị nàng. Nhưng với tư cách là vợ chính thức của ông Chu - dầu là kế thất - nàng sẽ giữ được địa vị của mình trong xã hội mãi cho đến ngày nhắm mắt. Nàng nhìn lại lần cuối cùng khuôn mặt xinh trai của người tình cũ, không, nàng không nên giữ hình ảnh của bất cứ người đàn ông nào trong nhà của chồng nàng. Sương chỉ do dự trong khoảnh khắc; sau đó nàng quẹt diêm châm cây nến đặt trên chiếc bàn nhỏ bằng sơn mài, đốt mấy tấm hình và nhìn nó tiêu thành tro.
Chỉ còn lại tấm hình cuối cùng, tấm hình do ba đứa trẻ chụp lúc nó vừa đầy tháng, nàng đang ẵm nó trong tay. Nàng chăm chăm nhìn ngắm khuôn mặt của chính mình. Độ ấy nang tươi trẻ biết bao! Và xinh đẹp... - phải - xinh đẹp biết bao! Đứa trẻ mặc đồ Mỹ, thật là dễ thương! Nó đã lớn lên và đổi khác... Đứa trẻ đã đi theo người đàn bà Mỹ dường như chẳng liên hệ gì đến đứa hài nhi trong bức hình cả. Sau nhiều năm tháng, nàng đã không còn yêu thương đứa bé, kể từ khi nào? Có thể, vì oán ghét người cha không được nên vô tình nàng đã đâm ra oán ghét đứa con mà chàng đã để lại cho mình. Sống bên đứa trẻ, nàng cảm thấy như hết sức gần gũi với người cha, bởi vì hai cha con giống nhau như hai giọt nước. Nhưng con nàng là một đứa trẻ ngoại quốc, một đứa con bất đắc dĩ, nên không có lý do tồn tại. Tấm hình này cũng được đốt ra tro. Sương thở dài và lượm các mảnh tro tàn để vào lòng bàn tay. Rồi nàng tiến đến bên cạnh cửa lùa, mở nhìn ra phía khu vườn, nàng đưa tay hắt ra ngoài để những mảnh tro tàn bay đi tứ phía, rải rác trên nền đá sạn, trên những thảm rêu và trên mặt nước phẳng lặng của chiếc hồ cá nhỏ.
Tuy vậy, nàng biết rằng không thể nào xóa bỏ được một kỷ niệm một cách dễ dàng như thế. Trong tận đáy lòng nàng, các kỷ niệm về chàng trai xa lạ kia vẫn còn tồn tại mãi, người mà nàng đã yêu thương, một người ngoại quốc, cho đến nay vẫn mãi mãi là một người ngoại quốc và anh ta không còn bao giờ trở lại cùng nàng nữa. Nhưng nàng đã từng kết hợp làm một cùng chàng và những gì nàng đã tiếp nhận nơi chàng đã sống và kết tình thành một đứa con. Mặc dù không gian chia cách họ thế nào đi nữa, bao lâu đứa con còn sống, nó vẫn là cái bằng chứng hùng hồn của sự kết hợp giữa hai người. Không gì có thể hủy diệt được đứa con ấy, kể cả sự chết, bởi vì nó đã được sinh ra và chứng tỏ rằng một khi nó đã được sinh ra, nó có khả năng truyền giống lại. Đứa con mang trong người nó hai dòng máu hoàn toàn khác biệt nhau, và sẽ lưu truyền lại mãi mãi hai dòng máu ấy cho hậu duệ của nó sau này.
Đó là những ý nghĩ trong đầu óc Sương khi nàng sắp sửa ra đi. Không khờ dại cũng không quá giản dị, nàng cũng có những tình cảm sâu sắc và những tư tưởng cao xa thoạt hiện ra trong tâm trí như những con hải âu chao mình xuống mặt biển. Nhưng nàng vội gạt bỏ những cảm nghĩ ấy sang một bên và đảo mắt một lần cuối nhìn quanh gian phòng đã từng là của nàng để được chắc rằng không bỏ sót lại vật gì. Sau đó nàng gọi con Sen vào và bước xuống đường. Ra cổng, nàng quăng mình vào nệm chiếc xe hơi sang trọng, chiếc xe nổ máy phóng đi tức khắc.
Con Sen kề môi vào tai nàng khẽ hỏi:
- Cô không sợ sao cô?
- Sợ gì?
- Về ở nhà ông Chu cô không sợ sao? Nghe đâu nhà cửa to lớn lắm!
- Không, ta không sợ, ta bắt đầu sống một cuộc sống mới.
Tuy đã là thiếu phụ nhưng chưa từng được giữ vai trò làm vợ, bây giờ phải lấy ông Chu, Sương không khỏi không lo ngại đôi chút trong lòng.

*

Bấy giờ đang độ mùa hè.
Greta soạn điểm tâm cho ông bà Winters. Cô đã dọn ra bàn hai ly nước cam tươi và từ bếp mùi cà phê, mùi thịt sấy bay vào thơm phức.
Chris hỏi vợ:
- Thư của ai đây mình?
- Thư của ông Wilton ở viện khảo cứu. Ông ấy muốn em trở lại tiếp tục điều khiển công cuộc nghiên cứu tính chất của các loại hải tảo. Ông ta chú ý đặc biệt đến Engtena.
Chris cười:
- Englena! Nếu anh nghĩ không lầm thì đó không phải là một người đàn bà.
- Không, không phải là một người đàn bà, nhưng chúng em ít quan tâm đến nó. Đó là một loại rêu xanh bao phủ các ao hồ trong mùa hạ, một loại cây tự dưỡng.
Bà ngước mắt nhìn chồng, chờ ông hỏi tiếp. Trước đây, ông thường hỏi bà như vậy, vì ông quan tâm đến công cuộc khảo cứu của vợ và lấy làm tự hào nữa là đằng khác.
- Ồ, không. Anh không có ý hỏi em Engiena là gì.
- Kìa anh, em sẽ giảng cho anh rõ mà: Đó là một loại thảo mộc cần thức ăn như súc vật. Thay vì cung cấp các loại sinh tố như đa số các loại thảo mộc khác thì nó lại cần sinh tố để sống. Nó cần loại sinh tố B12.
- Rồi sao nữa em?
- Nghiên cứu loại rong này có thể chúng ta sẽ khám phá ra một cái gì đây liên quan đến chứng thiếu máu của con người, có thế cả chứng bạch huyết nữa, biết đâu.
Nhưng bà thấy rõ ràng ông đang theo đuổi những tư tưởng của riêng ông mà không nghe bà nói gì hết.
Cuối cùng ông nói:
- Theo anh nghĩ thì trong lúc này em chưa nên trở về viện khảo cứu vội.
- Nhưng em biết làm gì đây anh?
- Em hãy bằng lòng cái vai trò hoàn toàn có tính cách trang trí của em, ít ra là tạm thời, với tư cách là vợ của anh. Cuộc vận động tuyển cử của anh rất hấp dẫn, anh cần có người vợ xinh đẹp mê hồn của anh ở bên cạnh.
- Em không có khiếu giao thiệp chắc anh cũng đã biết.
- Vấn đề giao thiệp cứ để mặc anh. Em chỉ có việc đi bên anh và luôn luôn tươi cười là đủ. Em cứ phải sử dụng nụ cười của em hồi còn trình diễn y phục thời trang. Nụ cười thật quyến rũ.
- Ồ, đã lâu quá rồi anh!
- Chỉ mấy năm. Trước khi em trở thành nữ khoa học gia Laura de Witt.
- Anh đã tỏ ra khá kiên nhẫn.
- Tự hào nữa chứ. Không phải ông Thống đốc nào cũng có thể có một bà vợ xinh đẹp lẫn thông minh.
Bà nhận ra nét chữ của Christopher trên một phong bì trong đống thư. Bà cầm lấy và nói:
- Này mình, thư của bé Christopher. Tuồng chữ xem đã có vẻ chững chạc lắm.
- Nó viết gì thế?
- Thư đề gởi cho mình như thường lệ. Em bóc nhé?
Ông gật đầu. Bà mở phong thư và lớn tiếng đọc:
“Ba thân mến
Hôm nay con viết thư cho ba.
Bây giờ con đã biết bơi và lặn. Con cũng chơi đá cầu và các loại banh khác. Học trò phần đông đã về nhà nghỉ hè. Còn con, khi nào ba muốn con về? Nói cho con biết nghe ba? Rồi đây trường sẽ chỉ còn lại vài học sinh thôi. Ngày nào cũng thế, con ước mong gặp ba kinh khủng. Ba sẽ đến thăm con chứ? Con học khá lắm.
Con của ba”.
Chris nói:
- Thằng bé dễ thương thật!
Hai vợ chồng ít khi nói chuyện về đứa trẻ. Và họ biết nói gì? Họ chỉ biết nói lên lời giải đáp câu hỏi mà họ đã đặt ra trong lòng. Bà biết chồng bà luôn luôn tưởng nhớ đến con trai của ông và mặc dầu đứa trẻ ở xa, cả hai vợ chồng đều cảm thấy như có sự hiện diện của nó trong nhà.
- Mình viết thư trả lời cho con chứ mình?
- Em viết đi.
- Nhưng về vấn đề nghỉ hè thì sao?
- Anh đang bận lắm, nên để nó ở lại trường, ở đây có tổ chức trại hè? Học trò ở lại cũng nhiều. Những đứa trẻ có cha mẹ ly dị, đi du lịch xa, hoặc quân nhân thuyên chuyển.
Laura gấp lá thư bỏ lại vào phong bì. Bà nói:
- Một ngày nào đó, nó sẽ không còn bằng lòng việc em thay mình viết thư cho nó nữa. Bảo rằng mình quá bận việc mà không viết thư cho nó, làm sao nó có thể chấp nhận được?
- Anh xin em, Laura!
Bà ngước nhìn chồng, ngạc nhiên vì giọng bối rối của ông, bà liền dịu giọng:
- Em xin lỗi anh. Nhưng anh nên hiểu rằng chính chúng ta đã mang nó về đây. Bây giờ nó phải sống giữa mọi người xa lạ trong một quốc gia xa lạ...
- Chúng ta sẽ cùng đến nghỉ lễ Giáng sinh với nó kia mà.
- Ồ Chris, thật không anh?
- Sao không? Vả lại em sẽ không bằng lòng nghỉ lễ Nôen với anh một mình. Chúng ta cả hai sẽ không còn cô độc nữa.
- Chỉ vì...
- Anh biết, anh biết. Đó là lỗi của anh.
- Em không muốn nói vậy. Nhưng thằng bé quá cô độc anh ạ. Nếu trước đây anh quyết định để nó lại với cô Sương thì em đã quên nó một cách dễ dàng rồi.
- Không phải anh. Để nó sống trong cái xứ hư hỏng...
- Xứ của cô Sương mà anh...
- Vậy thì gởi trả nó về.
- Nếu anh muốn, em sẽ đưa trả nó về cùng mẹ nó.
Ông đặt thìa xuống bàn:
- Em không nói giỡn chứ?
- Không. Phải có một người sống bên nó Chris ạ, một người mà nó yêu thương.
- Laura, em chọc tức anh đấy à?
- Ở đây nó được nuôi nấng, học hành. Nó sẽ được lớn lên trong một quốc gia mà mỗi người đều có cơ hội của mình. Nếu nó có chí thì sẽ nên. Anh sẽ hết lòng giúp đỡ nó ăn học.
- Vâng, anh giúp nó tất cả, ngoại trừ cái điều mà nó cần hơn hết, đó là một gia đình, một tổ ấm...
Ông ném cái khăn ăn ra giữa bàn:
- Thôi được! Tôi rút lui! Tôi sẽ thông báo cho Berman biết rằng tôi rút lui không tranh cử nữa. Quãng đời con lại của chúng ta sẽ dùng để săn sóc đứa trẻ ấy.
- Kìa, ai sẽ dứt khoát. Nếu dứt khoát như thế thì tôi sẽ ly dị ngay.
- Laura!
- Và rồi anh cũng sẽ dở sống dở chết.
- Không, anh không thể nói rằng anh thích có sự hiện diện của nó.
- Vì em có phải không?
Hai vợ chồng vẫn thường tranh luận, nhưng chưa bao giờ quyết liệt như lần này. Bà nhìn thấy đôi mắt màu xanh của ông trở nên giá lạnh vì giận dữ, tim bà thắt lại đau đớn. Làm sao để giải thích cho chồng hiểu rằng cuộc tranh luận đã vượt xa khỏi vấn đề đứa bé? Làm sao để thú nhận cùng ông rằng bà đã bắt đầu ngờ vực ông. Ngỡ ông trốn tránh trách nhiệm của một kẻ làm cha, chẳng khác nào con chim đà điểu giấu đầu đằng sau một tảng đá? Cái ý tưởng phỉnh gạt này đã làm cho bà đau đớn khôn tả, bà không thể nào chịu đựng nổi.
“Mình không công bằng, bà tự nhủ. Mình đã đoán xét chàng khắc nghiệt quá! Nếu bé Kim là con của ta thì ta có thừa nhận nó không, nếu sự thừa nhận ấy buộc là phải từ bỏ những gì mà ta yêu quý nhất? Nhưng đối với ta, Chris là người mà ta yêu quý nhất trên đời này”.
Bà tiếp tục suy nghĩ, nếu bà có một đứa con tự sinh, đã được gởi vào một cô nhi viện, và nếu bà biết rằng ông không muốn biết điều đó thì bà có dám nói với ông không?
Hay là bà mãi mãi giữ im lặng? Làm sao có thể giải đáp được thắc mắc này, bởi vì đây chỉ là một giả thuyết? Đối với Chris không có vấn đề để mất đi một con người mà là vấn đề hy sinh những tham vọng quá đỗi đắt giá. Ông không tham vọng ích kỷ, bà biết: chồng bà tâm hồn rất cao thượng và nhân cách khuôn rập theo truyền thống tổ tiên, những người theo Thanh giáo, quen phục vụ đồng bào. Thật vậy, chồng bà có tham vọng trở thành một vị Thông đốc tốt vì xét thấy dân chúng là những người có quyền đòi hỏi những nhà hành chánh thanh liêm và tận tụy. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu hoạch định các dự án cải cách Tiểu bang. Ông cổ xúy việc dùng một Tiểu bang làm thí điểm thực hiện các chương trình cải cách ấy để rút kinh nghiệm cho một công cuộc cải cách rộng lớn trên toàn quốc gia.
Bao giờ ông sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ? Tuy chưa từng đặt thành câu hỏi, nhưng cả hai vợ chồng đều đã từng nghĩ đến điều đó. Mới đêm hôm trước đây ông đã thức giấc nửa khuya, đi bách bộ trong phòng, rồi đánh thức bà dậy để trình bày cho bà nghe cái quan điểm cuối cùng của ông về kế hoạch cải cách thuế khóa.
Bà đã lắng nghe, chăm chú đến giọng nói trịnh trọng, đôi mắt ngời sáng cũng như bài diễn văn hùng hồn của ông.
Bà nói:
- Ôi, mình! Em tin tưởng mình hoàn toàn.
Lúc bây giờ ông tiến đến bên vợ, ôm bà vào lòng, cả hai như bị cuốn đi trong tình yêu thác lũ và họ chỉ thiếp đi khi trời vào hừng sáng.
Thế mà chỉ có mấy giờ đồng hồ sau cái đêm ân ái ấy họ đã cãi nhau như vậy đây! Tình yêu của bà đối với ông không một chút suy giảm, nhưng bà cảm thấy có một sự rạn nứt bên trong.
Ông không nói gì với bà về cô Kim Sương cả, điều đó có thể thông qua. Nhưng ông đã thu giấu đứa bé. đó là điều mà bà không thể nào tha thứ được. Bởi vì đứa bé không chịu trách nhiệm gì hết về việc nó phải sinh ra đời. Tuy nó không làm gì để được sinh ra nhưng nó có quyền được sống, không phải là sống một cuộc sống lén lút, tủi hổ mà phải là một cuộc sống tự do trọn vẹn. Thật vậy, Laura nhận thấy lòng quý trọng chồng có sự nứt rạn nhưng bà không biết xác định ra sao. Tuy nhiên, bà vẫn yêu chồng và mãi mãi chỉ yêu ông.
Bà nói cùng chồng:
- Ôi, Chris, tha lỗi cho em. Em yêu anh!
Lòng ông hiền dịu lại. Có trời đất chứng giám lòng anh, anh cũng yêu quý em, em ạ. Đời anh không còn có ai khác ngoài em. Chính vì em mà anh muốn làm tất cả những gì có thể. Anh muốn em hãnh diện về anh.
Ông bước đến ôm lấy bà.
- Xin lỗi...
Hai người giật mình rời khỏi nhau. Berman đứng ở ngưỡng cửa, mặt ửng đỏ, bối rối.
- Xin lỗi. Tôi rất ân hận đã quấy rối ông bà. Thời đại bây giờ mà yêu thương nhau như vậy thật là một hiện tượng hiếm thấy.
- Ồ, không có gì - Chris vừa cười vừa nói - Vào đi anh. Laura, em rót cà phê mời anh Joe đi em. Chúng tôi vừa mới thảo luận về việc nhà tôi giúp tôi vận động tranh cử đây anh ạ. Ngồi xuống đi anh.
Berman ngồi xuống giữa hai người. Anh nói:
- Tôi đến gặp ông bà chính là vì vấn đề đó. Thưa ông Winters, các câu lạc bộ và các hiệp hội phụ nữ muốn được nghe bà nhà nói chuyện. Tôi sẽ lập một chương trình thật sát để bà duyệt trước. Cuộc tiếp xúc sẽ bắt đầu tại các câu lạc bộ ở thành phố, sau đó sẽ lan dần hoạt động khắp tiểu bang.
Laura kinh ngạc:
- Ồ, các bà họ muốn nghe nhà tôi nói chuyện chứ đâu có phải muốn nghe tôi.
Berman cười:
- Thưa bà, xin bà để ông nhà tiếp xúc với các nam cử tri. Đặt địa vị bà là một cử tri xin cho biết bà quan tâm đến gì?
Chris bật cười:
- Đừng có hỏi nhà tôi như vậy. Bà ấy chỉ quan tâm đến các tạo vật kỳ lạ hơn từ đáy biển sâu: thảo mộc bà xem như là súc vật; ít ra là bà đã không xem súc vật như cỏ cây. Các bà ấy sẽ cho thế là gàn, nhưng họ sẽ nghe nhà tôi đấy.
Phân vân, Berman hỏi gặn:
- Ông không đùa chứ?
Laura nói:
- Tôi nghiên cứu về hải dược vật. Nhà tôi trêu anh đây.
- Nhưng thưa bà, tôi ngỡ rằng một người trình diễn y phục thời trang...
- Vâng, hồi trước tôi làm nghề trình diễn y phục để kiếm thêm tiền theo học ở đại học.
Chris vui vẻ:
- Hãy là cô gái trình diễn y phục thời trang nghe mình. Vai trò ấy thích hợp nhất. Kìa, Berman đừng có sợ!
- Tôi không sợ. Bà có thể nói về các hoạt động khoa học của bà với các sinh viên, còn đối với các người khác thì bà có thể nói về các kinh nghiệm của bà về trang phục.
Chris hỏi:
- Còn tôi, tôi sẽ là cái thứ gì ở trong đó?
- Ờ, bà ở đâu, ông phải ở đấy. Các bà họ muốn xét đoán tư cách làm chồng của ông: họ muốn biết ông có giúp bà rửa chén đĩa hay không, ông có yêu thương con cái...
Anh ta im bặt, Laura bình tĩnh nói:
- Chúng tôi rất tiếc vì không có con. Anh không nên có những kết luận sai lầm.
- Berman, nhà tôi sẽ ứng biến tài tình. Anh có thể hoạch định ngay chương trình tiếp xúc. Phải bắt đầu thuyết phục các bà đi thì vừa.