Dịch giả: Văn Hòa
Chương III (D)

     ai người vui vẻ chuyện trò trong một tiếng đồng hồ rồi tiếng chuông vang dội báo giờ ăn tối, họ bèn đến nhà ăn.
Trong bữa ăn, bà quan sát đứa bé, nó ngồi ở một bàn khác, giữa đám bạn bè, nó ăn ngon miệng và nói chuyện vui vẻ. Lúc bây giờ, bà quyết định không nói ra cái điều bí mật mà Chris đã muốn giữ kín. Biết giải thích ra sao về thái độ của ông? Đối với ông, dầu sao bà cũng phải tỏ ra thành thật.
Tối hôm ấy bà cùng Christopher đến xem một vở hài kịch ngắn do các lưu học sinh trình diễn và khi nó đưa bà về phòng, đến cửa, nó chào bà. Nhớ lại trong suốt chiều tối hôm đó Kim Christopher tươi cười vui vẻ nên bà cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng thư thái.
Bà nói:
- Sáng mai mẹ con ta cùng ăn điểm tâm với nhau. Sau đó, mẹ phải trở về với ba con.
Đứa trẻ sa sầm nét mặt.
Nó cúi đầu chào:
- Chúc mẹ an giấc.
Bà nhìn theo nó đi dọc hành lang, xa dần, và khép cửa lại khi nó đã khuất dạng.

*

- Chris, anh có biết không, vì vấn đề đứa trẻ chưa được giải quyết nên em cần phải gặp lại nó và cần biết chắc rằng, nó không khổ, để lương tâm em khỏi cắn rứt, ít ra là tạm thời trong lúc này. - Bà đã nói với chồng như vậy khi trở về nhà.
Bà về đến nhà rất muộn, khoảng nửa đêm. Chồng bà ngôi đợi bà ở phòng khách, chung quanh đầy báo chí.
Sau khi tắm gội, bà thay áo lụa hồng và đến ngồi bên chồng trên một ghế tựa dài đặt trước bao lơn. Dưới ánh trăng họ vừa trò chuyện vừa uống một thứ rượu nhẹ ướp đá.
Ông nói, giọng bối rối:
- Anh không thể hiểu được tại sao em lại đi một mình như vậy. Nếu em gặp tai nạn dọc đường anh sẽ không sao biết được em ở đâu để tìm kiếm. Chắc em không cho viện khảo cứu biết em đi đâu. Phải, chắc chắn như thế, vì bác sĩ Wilton vừa điện thoại về đây cho em sáng nay. Nếu ông ta điện thoại chiều hôm qua trước khi em gọi về thì có lẽ anh sẽ điên lên vì lo lắng. Thời đại bây giờ biết bao chuyện có thể xảy ra, Laura... Em không có quyền...
- Em biết, lẽ ra em phải nói trước cho anh rõ, nhưng em buộc lòng phải đi đến đó một mình. Em nhất định phải đến thăm nó.
- Tại sao?
- Em không thể nào quên nó được.
- Còn bây giờ, em đã có thể quên chưa?
- Không, không hoàn toàn quên được, bao lâu chúng ta còn chưa giải quyết dứt khoát chúng ta sẽ làm gì cho nó.
Ông thở dài:
- Nếu nó không giống hệt anh như thế thì...
- Kìa anh, nó giống hệt anh, đó là sự kiện hiển nhiên. Sớm hay muộn sự thật sẽ được phơi bày. Lẽ thường là thế.
- Sau sẽ hay khi anh đã nhậm chức...
- Sau khi nhậm chức, điều đó sẽ tồi tệ hơn nhiều. Nếu là ngài Thống đốc thì thật là một sự hèn đểu! Còn nếu là ngài Tổng thống thì là một sự xấu xa của thế kỷ! Chris, không có ai có thể có được tất cả mọi sự. Anh không thể giấu diếm đứa trẻ được lâu. Một ngày nào đó, thế nào anh cũng phải quyết định nếu anh chọn vinh dự cho con anh và nếu quả thật thế thì, bà tự nghĩ, giày vò vì đau khổ, anh sẽ không có được cái điều mà em tin tưởng. Nếu anh cứ kéo dài mãi cái tình trạng này thì anh không thể thành thật khi anh đọc bài diễn văn nói về giá trị con người.
Bị xúc phạm Chris liền biện bác:
- Sự chọn lựa không phải ở chỗ đó. Anh muốn có con trai, đó là cái chắc. Anh vẫn luôn luôn ước muốn điều đó cơ mà.
Ông không nhìn thấy nét mặt bà nhăn lại nên cứ tiếp tục nói mà không biết là đã làm cho bà đau đớn.
- Trong trường hợp khác, nếu anh là một người thường, anh sẽ nhận lấy đứa trẻ thằng bé ấy và anh sẽ la lên trước mặt thiên hạ rằng anh là cha nó. Nó vinh dự? Anh không cho như thế là cho nó vinh dự. Ngón tay ông gõ gõ xuống thành ghế. Thời đại bây giờ bất cứ một tên ngu ngốc nào cũng có thể tự kiếm lấy vinh dự. Chỉ cần thàn thật.
Ông quay lại và trong đôi mắt ông, Laura đọc được sự giận dữ tột độ.
- Tại sao em là vợ anh mà em không hiểu anh.
Bà dịu dàng:
- Anh muốn có quyền hành Chris ạ. Đó là điều tự nhiên, và em biết rằng anh sẽ sử dụng quyền hành một cách đúng đắn. Em biết rõ điều đó hơn bất cứ ai khác. Anh thích như thế, chẳng có gì đáng trách cả, chỉ có điều là...
- Laura!...
Ông vung tay với một cử chỉ nóng nảy.
- Kể cả em nữa, anh cũng phải nói huỵch toẹt ra cả sao? Anh ứng cử là vì anh muốn được làm một vị Thống đốc tốt của đồng bào. Đó không phải là để thỏa mãn tham vọng cá nhân nhưng để có khả năng sửa chữa một số bất công xã hội. Nếu có thể - và anh sẽ làm bất cứ gì có thể đạt đến - một ngày kia anh sẽ là Tổng thống Hoa Kỳ cũng không phải vì tham vọng cá nhân mà vì anh muốn sửa chữa những bất công trên toàn quốc. Anh nói lên điều đó với tất cả lòng khiêm tốn và anh sẽ cần đến sự giúp đỡ của nhiều người - trước hết là sự giúp đỡ của em. Laura ạ.
Ông lại lớn tiếng vì giận dữ làm bà hết sức khổ tâm.
Ông im lặng một lát rồi say sưa nói tiếp:
- Anh tin tưởng vào chính mình, anh tin chắc những ý định của anh hoàn toàn trong sạch. Anh muốn rằng kỷ nguyên của chúng ta phải là một kỷ nguyên của chúng ta phải là một kỷ nguyên vĩ đại và anh sẽ đạt được điều đó. Anh đã tìm được một số phương thức, một số giải pháp rồi. Vậy thì, anh xin hỏi em, anh có nên hy sinh tất cả các ước nguyện ấy và cả chính mình anh để từ bỏ tất cả các điều lợi ích mà anh có thể thực hiện cho xứ sở chỉ vì một lỗi lầm của tuổi trẻ hay không?
Ông ngồi hẳn dậy, quay sang bà, đăm đăm nhìn mặt vợ dưới ánh trăng. Nhưng bà đưa hai tay ôm lấy mặt, quay nhìn nơi khác. Bà run lên vì giọng nói sắc bén của ông, ông đã hỏi bà và chỉ hỏi một mình bà mà thôi.
- Hồi đó anh đã nghĩ rằng anh sắp chết Laura ạ, và nếu anh đã chết thì bây giờ em chẳng có thành kiến gì hết. Anh đã sống ngụp lặn trong một hỏa ngục trần gian. Đối với anh, dường như em đang ở trong một thế giới khác. Trong tuyệt vọng, anh cần một con người, một khuôn mặt, một sức ấm. Về phương diện này, anh không khác gì bất cứ một tên lính Mỹ nào hết, nhưng anh đã cố gắng để khỏi hư thân với lũ gái điếm chung quanh. Nếu không gặp Kim Sương, anh vẫn cô độc một mình. Nàng cũng đau khổ vì cô độc. Mặc dầu anh đã gặp nàng trong chốn ăn chơi nhưng nàng không phải là một con điếm. Và theo như em đã kể thì cho đến bây giờ nàng vẫn luôn luôn không phải là điếm mặc dầu nàng làm nghề chủ chứa. Em có thể tự mình xét đoán về Kim Sương. Nàng đã yêu anh Laura ạ, và nàng đã cần đến anh cũng như anh đã cần đến nàng. - Tiếng nói ông nhỏ dần như những tiếng thì thầm - Cái mối tình mà anh đã dành cho Kim Sương chẳng có chút thú tính nào. Nếu ngày xưa anh chưa ý thức được trách nhiệm và đã tỏ ra là sơ thiển thì đó chỉ vì anh còn quá trẻ. Nhưng hoàn toàn không phải vật chất, anh cam đoan với em như vậy. Tuy nhiên, so với mối tình của anh đối với em thì nó trở thành vô nghĩa, hoàn toàn vô nghĩa.
Bà ra dấu cho ông tiếp tục. Điều ấy bà đã biết từ đầu và đó là một niềm an ủi cho bà. Nhưng bà vẫn chưa có thể ngước mắt nhìn ông, lòng bà đang rối loạn, bà khổ tâm biết bao!
- Và thế rồi đứa bé ra đời. Anh không bao giờ muốn như thế cả. Anh chán nản vô cùng. Anh cảm thấy ghê sợ, cảm thấy có tội. Tuy nhiên, anh xin thành thật thú nhận rằng, đôi khi, anh đã lấy làm thích thú vì có được một đứa con trai. Nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy thực nó là con anh. Anh chưa bao giờ có ý nghĩ đưa nó về đây. Nó được sinh ra ở Triều Tiên, nó phải sống ở Triều Tiên. Và rồi, anh nghĩ nhưng đây chỉ là đề trấn an lương tâm rằng nhờ có đứa trẻ, Kim Sương sẽ ít cô độc hơn, vì anh phải hồi hương.
Hai người lặng nhìn nhau một hồi lâu. Đoạn ông nói tiếp với một giọng trầm buồn!
- Đòi hỏi người vợ thông cảm một trường hợp như vậy quả thật là quá đáng Laura ạ. Vì vậy, anh không thể nào kể cho em nghe được khi anh về đến nhà. Và cũng bởi vì anh quá yêu em, người vợ tuyệt vời của anh, sắc đẹp của em, trí thông minh của em, sự dịu dàng tuyệt diệu của em, đã làm mờ nhạt ảnh hình kỷ niệm của cái cô gái Triều Tiên bé nhỏ kia và đứa con của cô ta. Anh chẳng có hứa hẹn gì với cô ta cả, giữa anh và cô ta điều đó đã được mặc nhiên thỏa thuận, quá khứ thuộc về quá khứ. Nếu như anh mà nghĩ đến đứa trẻ thì liền nghĩ ngay đến cô ta. Anh làm sao biết được cô ta xem đứa trẻ hoàn toàn là của anh và theo luật pháp xứ Triều Tiên thì nó thuộc về anh?
Không bao giờ đồng bào chúng ta có thể chấp nhận một sự việc như vậy nơi một ứng cử viên Thống đốc có triển vọng trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Con người phần đông khắc nghiệt. Anh biết rõ cái tầm mức khắc nghiệt và bất công của họ. Vậy anh phải từ bỏ tất cả cuộc đời hữu ích của anh để làm trò cười cho thiên hạ hay sao? Anh không tự nộp mình cho họ như thế. Anh không tự nộp mình cho họ như thế. Anh không muốn phá hỏng cuộc đời của anh bởi vì sau đó anh sẽ không còn phục vụ gì đồng bào được nữa cả. Em có thể cho thế là tự phụ, nếu em muốn, nhưng anh thì anh cho đó là một sứ nhiệm.
Bà chăm chú lắng nghe và hiểu rằng câu hỏi đó ông không còn riêng hỏi một mình bà. Ông đã biện minh cho trường hợp của ông trước một tòa án vô hình; dân chúng, tổ quốc, thế giới hoặc ngay cả cuộc sống nữa. Bà thông cảm ông về điều đó và vì thế bà không có nói gì hết. Bà đến bên ông, quỳ xuống ấp mặt vào ngực chồng. Bà cảm nghe tiếng quả tim ông đập nhịp nhàng và vững chắc trong lồng ngực.

*

Tháng này tháng khác trôi qua, ngày đêm Laura mệt phờ người, mệt đến nỗi đôi khi bà cảm thấy như là đang ở trong những xứ miền xa lạ, giữa những con người xa lạ mà bà không hiểu cả ngôn ngữ. Mặt bà đã xếp nếp nhăn vì phải luôn luôn tươi cười, những ngón tay như tê dại vì phải bắt tay cả ngàn lần. Bà đã gầy sút và tấm thân mảnh dẻ của bà đã hóa thành yếu ớt. Đó là một lối sống ngoài lề của cuộc sống. Hai vợ chồng bà giống như các diễn viên, những tên mãi võ, những đào kép hát. Bà phải có một tủ áo hùng hậu luôn luôn thay để khỏi phải nhắm mắt những khi xuất hiện trên hình ảnh báo chí.
Về phần Chris, ông không tỏ vẻ mệt nhọc chút nào cả. Hăng say nhiệt thành trong sứ nhiệm của mình, ông đã bắt đầu tin tưởng vào cái giá trị đặc biệt của sứ nhiệm ấy. Ông hết lòng thuyết phục các cử tri rằng chỉ có ông là người xứng đáng được chọn làm Thống đốc tiểu bang.
Người ta đang sống trong một thời đại rối ren. Thế giới khẩn trương, chiến tranh tại Đông Nam Á, cuộc đấu tranh giữa các quốc gia đang bành trướng, và những sự hỗn loạn nội bộ tại Hoa Kỳ v.v...
Sự khẩn trương. Laura nghĩ ngợi, đó là ngọn lửa tàn phá của các quốc gia. Một đám cháy, dầu ở xa, cũng có thể bắn ra những tia lửa chung quanh những lưỡi lửa len lỏi khắp nơi làm gia tăng sự hiểm nguy của những lò lửa nguy hiểm.
Buổi tối, bà thở dài nói với ông:
- Chris, chúng ta đang sống trong một thời đại nguy hiểm. Em muốn được sống trong một thời khắc...
Ông vui vẻ bảo:
- Đừng có nói dại! Chưa bao giờ người ta được sống trong một thời đại hồi hộp như bây giờ.
- Thời đại bây giờ có nhiều khả nãng dĩ nhiên, nhưng lại lệ thuộc quá nhiều vào một chữ “nếu”: nếu dân chúng muốn thế này hoặc thế khác...
- Anh không có ý để mặc cho dân chúng muốn làm gì thì làm mà anh phải hướng dẫn họ, từ từ, từng bước một... cho đến khi nào tiến tới được cái đích mà anh đã định.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Chúng ta đang có đầy dẫy các tập đoàn dân chúng, các hiệp hội, các tổ chức thân hữu, các đoàn thể quốc gia, các nhóm tôn chủng và các tổ chức mang nhiều nhãn hiệu khác. Họ quên rằng họ được làm dân Mỹ. Tổ quốc còn xa, bao lâu chúng ta còn nghĩ đến tư lợi. Rồi em xem... - Ông đưa ngón tay phải hăm he bà với một nụ cười trào lộng - Thật thế, rồi em sẽ biết, khi anh cầm quyền anh sẽ là một nhà độc tài tốt bụng.
- Nếu anh nói trước mặt công chúng những điều như vậy, Berman sẽ không thích đâu.
- Khi đáng nói thì nói, lúc không đáng nói thì phải ngậm thinh, anh chẳng dại gì nói bừa nói bãi. Trong lúc chờ đợi, anh thuận chịu kê khai các nguyên tắc ái quốc của anh, sau đó, khi đã thành công, anh sẽ ban bố các quyết định.
Trong khi tiến dần đến ngày vắn số, họ chỉ sợ có một điều: những sự dèm pha thâm hiểm mà họ không thể công khai tranh luận. Bà còn nhớ rõ câu chuyện mà thân sinh bà đã kể về Tổng thống Harking: trong lúc tranh cử, các đối thủ của ông đã tố cáo trong người ông có máu da đen. Kể từ đó, đã hai thế kỷ rồi mà loại thành kiến này vẫn còn nghiêm khắc. Dù sao ông Harking cũng đã đắc cử, nhưng suốt đời không bao giờ ông ta có thể xua đuổi được sự ám ảnh ấy trong lòng.
Ông Grover Cleveland, người đã bị khám phá ra là đã có một đứa con tư sinh, cũng đã đắc cử. Nhưng nếu có dư luận về việc Chris có con riêng, thì tiếng nổ sẽ lớn gấp đôi, cả hai thành kiến sẽ bùng nổ một lần.
Bây giờ bà đâm ra lo lắng, bà không còn đến viếng thăm Kim Christopher như trước nữa và chỉ gởi cho nó những tấm bưu thiếp không có ký tên, sợ rằng một anh nhà báo quá tò mò có thể ngửi thấy một cái gì đó dưới sự tương đồng về tên họ.

*

Tháng mười một đã gần kề, những hạt tuyết đầu tiên đã xuất hiện, lá cây đã biến sang màu đỏ và vàng rồi xám nâu, trong khi đó, những cơn gió bấc lạnh lùng vi vu thổi, cuốn theo hàng loạt lá úa đến tận những chiếc lá cuối cùng. Lúc bấy giờ, Laura nhận thấy vẻ mặt của chồng bà như đanh lại. Từ tảng sáng ông không rời Berman một bước. Cuối cùng, vì quá lo âu, bà đã buột miệng hỏi chồng:
- Chris, anh có điều gì lo nghĩ phải không?
- Không. Anh chỉ bực mình về phương thức tranh cử. Ban đầu anh đã định thông qua nhưng rồi anh chống lại. Nhưng hoặc là chấp nhận hoặc là bãi bỏ. Nếu anh muốn đắc cử, anh phải theo dùng cái phương thức ấy, chỉ có thế. Càng nghĩ càng bực mình.
- Anh Berman nói sao?
- Anh ta cứ luôn luôn bảo anh rằng: “Anh phải tìm kiếm địa vị cho một số người, anh phải bảo đảm những lời giao ước với họ. Người ta đã tranh nhau để tham dự buổi đại diện cuối cùng - tối thiểu là một ngàn đô la mỗi người - ai chịu chi nhiều hơn thì sẽ được chỗ tốt hơn”. Anh không bao giờ nghĩ rằng anh phải điều đình! (Ông nhún vai, tức bực). Sự thể là như vậy. Anh thuận điều đình, nhưng bực tội lắm không thể buông xuôi tất cả được. Trong lúc chờ đợi, em có biết người ta đã bươi móc cuộc đời của anh như thế nào không? Người ta bươi móc nào là tôn giáo của anh, nào là tư cách của anh, những ngông cuồng của tuổi trẻ, những giao kèo thương mãi, số tiền đã tỏ ra để vận động tranh cử v.v... tất cả đều được xem xét dưới ống kính hiển vi của một đối thủ chính trị có đôi mắt phản trắc. Thể diện của tiểu bang tùy thuộc vào cuộc đầu phiếu này của toàn thể dân chúng. Riêng đối với anh, em không muốn khuyên khích anh tranh cử chính đáng hay sao, Laura? (Ông nở một nụ cười chua chát) Anh đã bỏ ra trên một triệu đồng để chi tiền trong cuộc tuyển cử này và các đối thủ của anh không có thể khám phá ra một đồng xu nhỏ nào là không do tiền túi của anh. Thế mà, họ đã xúi giục dân chúng chống đối lấy cớ rằng mang tài sản cá nhân ra để chi phí là phản dân chủ, vì với số tiền đó thì chỉ có những tên tài phiệt mới có khả năng bao thầu một cuộc vận động tuyển cử! Tất cả chỉ vì “vị đối thủ khả kính” của anh xuất thân trong một gia đình tầm thường, trong khi anh có nhiều may mắn hơn. Thế thì, anh phải làm những gì đáng làm cho đến khi cuộc tuyển cử chấm dứt. Chỉ có vài tuần nữa thôi.
Đã mấy tuần nay hai ông bà không nhắc nhở gì đến đứa trẻ cả. Ngày hôm ấy cũng không.

*

Trong văn phòng, bác sĩ Bartlett đang soát lại các thông tín bạ của học sinh để tuần tới gởi cho cha mẹ chúng. Trong số năm chục học sinh của nhà trường, ông biết rõ từng đứa một. Ông đích thân săn sóc việc học hành của chúng.
Nghe tiếng gõ cửa, ông nói:
- Cứ vào.
Cánh cửa mở rộng. Kim Christopher bước vào. Ngày sắp tàn, vị hiệu trưởng đã có ý định về sớm để chúc mừng kỷ niệm sinh nhật vợ ông và biếu bà một món quà nhỏ. Nhưng ông phải lo cho lũ học sinh trước, và đặc biệt là thằng bé này.
Ông bảo Kim Christopher:
- Ngồi xuống đi con.
Kim Christopher ngồi ngay xuống bờ chiếc ghế đặt trước bàn giấy hiệu trưởng. Nó lễ phép nói:
- Xin lỗi thầy. Con có quấy rầy thầy không ạ.
Nó học tiếng Anh rất nhanh, đến nỗi chỉ mới ba tháng mà nó đã có thể nói chuyện rất trôi chảy. Bác sĩ Barllett bắt đầu tin tưởng rằng cái thằng bé mảnh khảnh và chóng lớn này sẽ là một đứa trong số rất ít học sinh sẽ làm cho ông hài lòng.
Ông thân mật nói:
- Không. Không có gì.
Ông giở từng tờ tập thông tín bạ của Kim Christopher và tiếp:
- Ta vừa xem điểm của con xong, khá lắm. Ta rất bằng lòng môn sử ký và Anh văn chưa được giỏi nhưng nhờ môn toán học con đã bù lại được số điểm thiếu.
- Con thích toán. Hôm nay con đến đây để hỏi thầy xem thử con có thể học khoa học trong tháng ba tới không?
Bác sĩ Bartlett trố mắt nhìn:
- Thường thì người ta không có học khoa học trước năm đệ nhị.
- Con rất thích học khoa học.
- Con thích học môn nào?
- Con thích môn vật lý học.
Bác sĩ Bartlett dựa vào lưng ghế:
- Con đã bao nhiêu tuổi rồi?
- Mười hai.
- Từ ngày con đến ở đây, con đã kỷ niệm ngày sinh nhật chưa?
- Thưa rồi. Tuần lễ vừa qua.
- Con có nói với ai không?
- Thưa thầy không.
- Đáng tiếc thật. Chúng ta rất muốn biết các ngày kỷ niệm sinh nhật của học sinh. Mỗi khi như thế, bà Battle đều có làm một bánh ga-tô để mừng. Con hãy hứa lần sau con phải báo cho ta biết. A, khoan, để ta ghi ngày sinh nhật của con.
- Ngày hai mươi sáu tháng mười.
Hai thầy trò không ai đả động gì đến gia đình của Christopher nhưng cả hai đều nghĩ đến. Kim Christopher giữ im lặng; nó không dám ngồi lâu, tuy vậy nó cũng không muốn ra về.
Bác sĩ Barllett nhã nhặn hỏi:
- Còn gì nữa không con?
- Nếu thầy cho phép, con có điều muốn nói.
- Cứ nói đi, đừng ngại.
- Nói về con.
- Ơ kìa, không nói về con thì nói về ai?
- Xin thầy cho con biết, con là ai?
Bác sĩ hiệu trương nhìn nó với đôi mắt kinh ngạc. Ông nói:
- Thì con là một trong các con ta.
Christopher nhẫn nại:
- Vâng, nhưng đối với con thì con là ai?
Bác sĩ hiệu trưởng mân mê ở cừm ra chiều nghĩ ngợi. Biết trả lời sao đây?
- Vậy thì, con nói cho thầy biết, con là ai nào?
- Thưa thầy, con không biết. Con nghĩ rằng con là con của cha con. Cha con tên là Winters, như thầy đã rõ. Nhưng con không lấy làm chắc. Có lẽ con chỉ là con của mẹ con. Mẹ con là Kim.
- Mẹ con hiện ở đầu, Christopher?
Nó thận trọng tiến sâu vào một phạm vi rải rác nhiều cạm bẫy, có lẽ bị cấm đoán, nhưng nó chỉ nói ra những gì có thể nói được.
- Thưa thầy, mẹ con ở bên Triều Tiên. Mẹ con là người Triều Tiên.
- Con hãy nói về mẹ con cho ta rõ.
Kim Christopher đỏ mặt:
- Nói rằng biết thì con không có biết gì nhiều. Con chỉ biết mẹ con rất đẹp. Con cũng có bà ngoại người Triều Tiên nữa. Bà ngoại rất già và không được tốt lắm, bà luôn luôn nổi cáu vì con ăn nhiều và vì các lý do khác. Nhưng mẹ con thì không thế. Mẹ con luôn luôn trầm lặng, tuy đôi khi...
Nó lúc lắc đầu và nín bật. Bác sĩ Bartlett gợi ý:
- Đôi khi sao?
Kim Christopher quay đầu đi nơi khác. Nó nói:
- Đôi khi mẹ con ghét con.
- Ơ kìa!
Bác sĩ Barlett cãi lại nhưng ông cảm thấy đó là một vết thương sâu xa.
Kim Christopher tiếp:
- Mẹ con ghét con, đôi khi. Có lẽ vì con là người Mỹ giống như cha con. Tại Triều Tiên con là người Mỹ. Nhưng ở đây thì con không chắc lắm. Ở đây, người ta cho con là Triều Tiên. Ở đây bên ấy người ta gọi con là thứ “mắt tròn”, ở đây người ta gọi con là thứ “mắt xếch”.
Bác sĩ hiệu trưởng phẫn nộ hỏi:
- Đứa nào bảo thế?
- Một đứa trẻ. Nhưng điều đó không quan trọng. Con chỉ muốn biết con là ai bất cứ đâu.
Bác sĩ hiệu trưởng cảm thấy đau nhói ở trong lòng. Có biết bao đứa trẻ đã tìm đến ông với những nỗi buồn lo như vậy! Chúng nó có nhiều thắc mắc không được giải đáp và với một cõi lòng tuyệt vọng đến thế thì cuộc sống ấu thơ của chúng nặng nhọc biết bao! Và những thắc mắc của đứa trẻ này nó cũng có một cường độ riêng biệt. Làm sao giải thích cho Christopher biết được nó là ai? Ông cảm thấy không được rõ vấn đề lắm nên ông phải hết sức thận trọng.
- Chrsitopher này, bởi vì con thích môn khoa học cho nên chúng ta cần nói chuyện đôi chút về sinh vật học. Có một số cơ thể động vật rất quan trọng trong vũ trụ, nhưng người ta không biết phải liệt chúng vào lại hạng nào, đó là địa phương vật hay là địa phương thảo; nó được tạo ra như vậy để nói lên một cái gạch nối giữa thế giới động vật và thế giới thảo mộc. Bà Winters là một chuyên viên về loại này. Con có nói cho bà biết rằng con thích khoa học không? Không sao? Này, con hãy hỏi bà nhờ bà giải thích ảnh hưởng địa phương là gì. Con hiểu mấy danh từ này chứ?
- Dạ hiểu. Thưa thầy con đã tìm trong từ điển.
- Chúng ta hãy lấy một ví dụ cụ thể. Con đã thấy con chuồn chuồn chưa?
- Bên Triều Tiên nhiều lắm.
- Đây cũng nhiều. Chúng đã bắt đầu cuộc sống trong các vùng đầm lầy. Nhưng một ngày nào đó, chúng cảm thấy cần ngoi lên trên mặt nước, ở đó, chúng đã thoát xác và để lộ ra đôi cánh. Chúng không biết đôi cánh là gì, dĩ nhiên, nhưng chúng biết sử dụng bởi vì, ngay khi đó chúng bay bổng lên trời và không bao giờ xuống lại đáy nước nơi chúng đã được sinh ra. Thầy muốn giải thích cho con rõ rằng có nhiều sinh vật đã được tạo thành một thứ trung gian quý giá giữa hai loài. Cái hiện tượng này cũng đã được nhận thấy trong nhân loại. Ta cho rằng chứng rất quý vì chúng đưa đến sự hợp nhất sáng tạo. Phân chia ra, người ta sẽ không giữ được một đặc tính trường tồn.
- Vì con mà thầy đã nghĩ như thế phải không?
- Phải. Một ngày nào đó ở trên thế giới này sẽ có không biết bao nhiêu người giống như con và khi ấy sẽ không ai còn nghĩ đến việc lăng nhục con nữa. Đó là sự tiến hóa của trời đất, không có gì ngăn chận được. Con có một tầm quan trọng đặc biệt, con là cốt yếu. Ta không thể giải thích cho con rõ do hoàn cảnh ngẫu hợp nào con đã trở thành một trong những phần tử trung gian bởi vì ta không biết rõ chuyện của con. Nhưng một ngày nào đó, con sẽ biết. Trong lúc chờ đợi, con đừng quên cái giá trị của con: nhờ con, tạo hóa đã tiếp tục sự tiến hóa rộng lớn để tiến tới hợp nhất và hòa đồng con người.
Có lẽ đứa trẻ không hiểu gì nhiều về cái bài diễn văn quá cao siêu này, nhưng mặc, ông không muốn giải thích gì cả. Ước gì đứa trẻ này cố gắng để giải tỏa nỗi buồn khổ của nó về các thắc mắc không giải đáp được! Kim Chritopher nhìn bác sĩ hiệu trưởng bằng đôi mắt mà - đột nhiên - ông nhận thấy rất đẹp. Ông đứng dậy, thân mật:
- Bây giờ thầy phải về Christopher ạ! Bởi vì hôm nay là ngày kỷ niệm sinh nhật của vợ thầy, thầy muốn dùng cơm tối với bà.
Kim Christopher cũng đứng dậy theo và cúi chào trước khi bước ra.

*

Tối hôm ấy, bác sĩ Bartlett biếu vợ một cái hoa trâm cổ, rất đẹp. Ông vừa ăn, vừa kể cho vợ ông nghe câu chuyện của bé Kim. Cái hoa trâm cài trên ngực áo của bà Bartlett. Bà đang chăm chú nghe ông nói chuyện.
Nghe xong câu chuyện, bà nói với một giọng quả quyết:
- Lý lịch đứa bé thì đã rõ ràng rồi. Chắc chắn cha nó là ông Winters, nó được sinh ra trong thời chiến tranh Triều Tiên, chỉ có thế. Tại sao ông ta đưa nó về Mỹ, tôi không biết, nhưng tôi biết rõ cái lý do nào đã khiến ông ta gởi nó trọ học tại trường chúng ta. Đó là vì hiện ông ta đang ở vào một giai đoạn lúng túng nhất. Một nhân vật đang tranh ngôi Thống đốc không thể đột nhiên phát hiện có một đứa con lai Á, có phải không?
Bác sĩ Bartlett đưa mắt nhìn vợ:
- Ờ nhỉ, vậy thì khi nào một nhân vật như ông ta mới có thể tiết lộ cho mọi người biết về đứa con lai Á ấy?
Với một vẻ nghĩ ngợi, ông tiếp:
- Quả thật không thuận lợi chút nào. Nếu ông ta đắc cử, với tư cách là Thống đốc, ông sẽ nói sao với dân chúng về đứa con mười hai tuổi ấy? Nếu ông ta thất cử... nhưng tôi không tin rằng ông ta thất cử, bởi vì trong giai đoạn hiện tại ông ta là người được tín nhiệm nhất, ông ta là một nhà hùng biện nổi tiếng và tất cả báo chí đều trích đăng các diễn văn của ông.
Bác sĩ Bartlett thở dài, vẻ mặt nghiêm trang:
- Đứa trẻ rồi sẽ ra sao đây?
Vợ ông vừa rót thêm cà phê vào cốc cho ông vừa đáp:
- Khó nói lắm. Nhưng dầu sao đi chăng nữa, cũng không nên giấu diếm đứa trẻ quá lâu ngày.
Trong phòng ngủ, Kim Christopher suy nghĩ về hoàn cảnh của mình và so sánh các điều lợi hại. Ở đây nó được ăn uống thỏa thuê, nhà trường bằng lòng nó; nó có nhiều bạn, áo quần bảnh bao nó thích chơi thể thao; nó có cảm tình với các giáo sư, còn đối với bác sĩ hiệu trưởng thì nó tôn kính thật sự và tiếc rằng ông ta không phải là cha của nó. Đối với cha nó thì tình cảm của nó còn đang lẫn lộn. Nó cảm thấy mình bị hấp dẫn bởi người đàn ông cao lớn đang còn trẻ ấy, nhưng ở nơi ông vẫn còn có một cái gì làm cho nó không dám đến gần, giống y như mẹ nó, vì thế nó không muốn trở về với bà. Nó nhớ lại hồi còn thơ ấu, mẹ nó yêu thương nó nồng nhiệt nhưng pha lẫn những cơn giận dữ vô cớ, và đôi khi còn biểu lộ sự căm thù và cay nghiệt. Ở đây, ít ra là không có ai đánh mắng nó, cũng không ai mong thấy nó biến đi. Nếu nó không cần thiết cho ai thì ít ra nó không phải là đồ bỏ. Đối với ngừoi vợ của cha nó, người mà nó thích gọi bằng “Mẹ”- Nhưng không bao giờ bà gọi nó là “Con của mẹ” - nó không biết đặt bà ở đâu trong lòng. Bà luôn luôn tỏ ra hết sức thương mến nó, nhưng nó không cảm thấy nó là tất cả của bà. Và rồi nó sẽ đóng cái vai trò gì trong đời sống của “cha mẹ” nó, trong khi nó chưa bao giờ được nhìn thấy ngôi nhà của họ và chỉ liên lạc với họ bằng thư từ? Vả lại, bây giờ họ không còn viết thư cho nó nữa. Nó đã sống trong một thứ hoàng hôn. Cái hình ảnh này hiện ra trong tâm trí nó khi nó nhìn ánh mặt trời khuất sau những dãy núi xa và bóng tối phủ khắp đồng nội.

*

Trong khi mặt trời cũng khuất sau công trường Ritterhouse thì Laura thở dài nhẹ nhõm, tay cầm một cuốn sách, đến ngồi bên lò sưởi. Đó là một trong những giờ nghỉ hiếm thấy nhất mà bà được hưởng trong mùa tuyển cử. Bà kiếm dấu ngăn ở trang 218. Cuộc đời của Kim Christopher là mọi vấn đề đã làm cho bà bận tâm lo nghĩ, cuối cùng bà đã tìm ra được một giải pháp trong các tác phẩm về nhân loại học - nếu không phải là để giải quyết thì ít ra là để được yên lòng - Lúc này đây bà đang đọc cuốn: “Man’s Most Dangerous Myth, The Fallacy of Race”.
Tác giả, ông Ashley Montagu đã viết:
“Về vấn đề này, người ta đã nói rằng khó đạt đến được một sự pha giống hoàn hảo hơn cái giống mà người ta đã có. Nhưng đó là một trong những khái niệm tổng quát chỉ những người thiếu óc phê phán mới có thể dễ dàng chấp nhận. Nếu chúng ta hợp khinh khí và dưỡng khí lại với nhau thì chúng ta sẽ có nước... Nếu chúng ta pha kẽm và đồng, chúng ta sẽ có được một loại hợp kim khác, đó là đồng đỏ, một kim loại cứng hơn và tốt hơn mỗi một thứ kim loại nguyên thủy đã tạo ra nó. Như thế phải chăng là người ta đã có được một hợp chất tốt hơn cả hai chất nguyên thủy? Khi hai loại cây hợp lại để sinh ra một loại cây nào đó, thì loại cây mới này luôn luôn cung hiến nhiều phẩm chất và đặc điểm đáng ao ước hơn là các cây me. Súc vật cũng thế. Vậy thì, ta có thể tin rằng sự hợp chủng có khả năng tạo nên những con người mới, có nhiều đặc điểm mong muốn hơn là những con người thuần chủng”.
Bà đặt cuốn sách xuống bàn, trong lòng đột nhiên hứng khởi, niềm hứng khởi mà lẽ ra bà đã cảm thấy sớm hơn. Đứa trẻ ấy - hết sức gần gũi bà - tiêu biểu cho một giống người “lai” đầy tràn trên thế giới. Lần đầu tiên bà thẹn thùng nghĩ đến Kim Christopher, như nghĩ đến một đứa con do chính bà sinh ra. Lâu nay bà chỉ xem nó như một con người được ghép vào cuộc sống của vợ chồng bà bằng cách nào đó, để tiếp nối hình ảnh chồng bà! Nếu chỉ một mình Chris mà thôi thì ông có thể sinh được một con người quan trọng hay không?
Cái ý tưởng này đột nhiên phong phú hóa trí tưởng tượng của bà đến đỗi bà lại cảm thấy giày vò vì hối hận. Nếu đứa trẻ ấy là một phần tử ưu tú thật thì sao? Nếu nó có một sứ mạng phải chu toàn trong tương lai khi hai vợ chồng bà đã già và trở thành vô dụng thì sao? Vợ chồng bà phải làm những gì để chuẩn bị cho đứa trẻ có một tương lai xứng đáng? Từ nay bà hiểu rằng Kim Christopher mang trong người dòng máu của người cha Mỹ và mẹ Á châu, có thể trọng yếu hơn Chris nhiều -trên bình diện nhân loại - giả thiết ngay cả khi Chris đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ, phải, trên bình diện nhân loại cũng như trên bình diện sinh vật học. Cái đầu óc khoa học của bà - đôi khi bà cho là vô dụng đối với một người phụ nữ, những lúc bà theo chân chồng đi từ tỉnh này sang tỉnh nọ - đã bắt đầu hoạt động và bà xem Kim Christopher như là một trách nhiệm mới đới với bà, một trách nhiệm thú vị thật nhưng không kém phần nặng nề. Cái sự kiện sinh một đứa con ra đời vốn tiêu biểu một trách nhiệm vĩ đại, nhưng việc tạo dựng Kim Christopher đã vượt qua tất cả những gì bà có thể dự liệu. Sự việc được cụ thể hóa trong một tương lai mà cả bà lẫn chồng bà vẫn còn chưa biết rõ.
Ồ, vợ chồng bà không nên bỏ quên nó trong một trường học!
Bà nói lớn, mặc dầu chỉ có một mình bà trong phòng sách:
- Không, không phải thế Chris ạ. Bảo đảm cho nó có một đời sống ấm no và học hành tử tế chưa đủ. Phải lo săn sóc cho nó nhiều hơn, nhiều hơn thế nữa.
Nhưng bao giờ bà có thể nói với chồng bà câu nói ấy? Bây giờ thì chắc là không rồi. Không nên tái diễn lại cái cảnh cãi vã nhau mà bà đã làm hồi tháng bảy. Cuộc bỏ phiếu sẽ khởi sự trong vài hôm nữa và tất cả mọi sự đều diễn tiến tốt đẹp.
Tính ngay thẳng của Chris, lòng tận tụy đối với sứ mệnh mà chàng đã quyết tâm theo đuổi, dáng dấp uy nghi và giọng nói nồng ấm của chồng đã luôn luôn kích động quần chúng.
Joe Berman đã bắt đầu thổ lộ:
“Chưa nghe dư luận gì về chuyện Kim Christopher cả”.
Một hôm, trong khi Joe đang cùng Laura nghe đến đoạn cuối bài diễn văn của Chris, anh ta đã nói với bà:
- Tôi chỉ sợ một kẻ ti tiện nào đó biết được câu chuyện đứa bé, nhưng hiện nay thì tôi nghĩ rằng chưa. Dẫu sao chúng ta cũng phải thận trọng mới được. Nếu có gì tôi sẽ thông báo cho bà biết ngay bà Winters ạ.
- Tôi không tin ngăn cản được dư luận. Tôi không tin cả những người làm công. Những hóa đơn...
- Bà đã đích thân trả tiền học cho nhà trường theo hóa đơn à?
- Phải, chính tôi lo lấy tất cả các việc ấy, nhưng anh chớ quên rằng ở trường học, không ai biết sự thật ra sao và cũng không có ai nghi ngờ gì hết. Có thể, ở đó người ta nói đến một đứa trẻ mà chúng tôi đã quan tâm đặc biệt.
Berman lẩm bẩm:
- Không nên xảy ra điều đó.
Bà nhìn Berman. Anh ta là một trong những chính khách thuộc hạng người mà bà đã cố gắng không khinh bỉ, và là một người mà bà biết đã hết sức tận tụy với chồng bà. Phải chăng, chồng bà có biệt tài lôi cuốn sự chú ý của mọi người? Từ rày bà đã quen nghe các bà kháo với nhau: “Đó là người đàn ông có duyên nhất mà tôi được biết”. Nhưng Joe Berman thì trái lại, thật hiếm thấy một người đàn ông như anh ta, một người thô lỗ, cứng cỏi, thật thà vừa phải, sẵn sàng chết và hy sinh cho Chris. Tuy nhiên sự tận tụy hết mình của anh đã làm cho bà cảm thấy khó chịu và bà tỏ sự khó chịu đó ra bằng một câu chống đùi:
- Ồ, rồi một ngày nào đó, thế nào thiên hạ cũng biết. Một sự bí mật sẽ hết còn là bí mật khi được bộc lộ. Dù thế nào đi nữa Chris cũng không thể tiếp tục mãi như thế được. Làm sao anh ta có thể cứ mỗi buổi sáng thức dậy, trong trí cứ nghĩ rằng...
Berman ngắt lời bà:
- Đó chính là một trong những cái tài thiên phú của ông, là không nghĩ đến nếu không muốn. Buổi sáng, khi thức dậy, ông ấy chỉ nghĩ đẽn những gì phải làm trong ngày và quả quyết gạt bỏ tất cả mọi sự còn lại. Đó là thiên phú, tôi xin nói rõ với bà như vậy. Bà xem, làm việc như thế mà ông chẳng có đau ốm gì cả.
Joe đã có lý, dĩ nhiên. Bà có thể hóa bệnh, nhưng Chris thì không. Vậy người hóa bệnh sẽ là bà - có thể - ông sẽ lãnh lấy phần giải quyết trường hợp bé Kim. Ồ, chớ chi bà đừng phát giác ra cái khía cạnh mờ ấy, cái khía cạnh đã làm cho bà thấy rõ vấn đề còn cấp bách hơn! Nó vẫn luôn luôn ở đây, trước ngưỡng cửa lương tâm bà, nhưng bà phải học ông đóng cửa lại. Tuy thế bà vẫn nhìn thấy nó ở đây, và luôn luôn chờ đợi...