Dịch giả: Văn Hòa
Chương II (B)

     ỗng nhiên Laura cảm thấy bà có thể hoàn toàn tin cậy ông Chu và yên tâm có được một người bạn ở đây. Bà chậm rãi:
- Tôi rất sung sướng được ông đưa đi.
Ông Chu hỏi:
- Bao giờ bà đi?

*

Trong khi xe chạy qua các đường phố Hán Thành. Laura quyết không nói thêm điều gì nữa. Ngay từ hồi còn bé Laura đã học được tính không bộc lộ tâm sự và cũng không giải thích thái độ của mình. Mẹ bà có mắng mỏ hay rầy la, bà chỉ trả lời bằng cách im lặng. Nhờ cái thói quen ít lời mà bà đã sống được một cuộc sống yên tĩnh.
Là một người trí thức và lịch sự, ông Chu không hỏi những gì mà Laura không thể trả lời. Trên đường, ông chỉ cho Laura biết các đền đài quan trọng. Ông hy vọng bà có thì giờ đi thăm các cung điện, các viện bảo tàng, và ông sẽ tự nguyện là người hướng dẫn.
Tươi cười, Laura nhã nhặn từ chối và liếc trộm cái khuôn mặt nhìn nghiêng tuyệt đẹp của ông Chu. Làm việc chung với đàn ông đã quen, nhưng lần này bà nhận thấy mình đang ở trước một người đàn ông khác lạ, không những chỉ khác lạ bề ngoài mà còn khác lạ cả trong tâm hồn nữa.
Ông Chu làm cho người ta liên tưởng đến một thứ ngà voi già, trơn tru, trắng đục, nhưng rắn chắc và quý giá. Phức tạp và khó hiểu thật - bà thầm nghĩ. Tự nhiên bà tin tưởng ông Chu, nhưng bà không chắc là...
Bà quan sát ông Chu với tất cả kiên nhẫn như quan sát một giống hải thực vật tại phòng thí nghiệm. Ông Chu vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, một sự mềm dẻo thiên bẩm. Ông đã tỏ ra ngay thẳng, không một chút e dè, tuy thế ông vẫn kín đáo. Ông biết đặt những câu hỏi khéo léo để Laura tùy ý trả lời.
- Thưa bà, bà là một nghệ sĩ phải không ạ?
- Không, tại sao ông nghĩ tôi là nghệ sĩ?
- Trông bà có vẻ như thế, bà vừa cởi mở vừa hiểu biết.
- Tôi là nhà sinh vật học.
- Một nữ sinh vật học? Như thế có mâu thuẫn không?
- Ở nước tôi, đàn bà theo học ngành sinh vật học không có gì mâu thuẫn, nhưng cũng không có nhiều. Cũng như ông, tôi đã học được và đồng thời tôi học thêm cả nghành hải dương học để có thể khảo cứu sinh thực vật ở dưới biển.
- Bà có đi thám hiểm để lấy mẫu về điều chế thuốc không? Ở nước tôi người ta cũng dùng hải sản để chữa bệnh.
- Có, tôi có tham dự các cuộc thám hiểm, nhưng không thường xuyên bằng hồi tôi chưa lập gia đình.
- Bà nghiên cứu loại gì?
- Kỳ thám hiểm cuối cùng, chúng tôi thu thập các loại phiêu tảo tại biển Panama.
- Chắc không phải chỉ có một mình bà?
- Vâng, tôi và ba nhà khoa học khác. Chúng tôi nghiên cứu về địa thế các đáy bể, tính chất của nước bể về phương diện vật lý và hóa học, những luồng nước và các sinh thực vật. Đó là một công cuộc khảo cứu trường kỳ. Mỗi người chúng tôi đều có trách nhiệm riêng. Phần tôi, tôi thường nghiên cứu về các cơ thể hải sinh thực vật có đặc tính vừa là sinh vật vừa là thảo mộc.
- À ra thế. Vậy thì quan trọng thật. Nhưng bà đã làm cho tôi ngạc nhiên.
Laura chưa kịp nói gì thì chiếc taxi đã đậu ngay trước một căn nhà nhỏ nằm giữa hai ngôi nhà lớn hơn. Ông Chu nói tiếng Triều Tiên với người tài xế, anh ta gật đầu. Ông quay sang Laura:
- Thưa bà, đã tới nơi. Nếu bà cho phép, tôi sẽ đưa bà vào giới thiệu, rồi ra xe đợi bà.
Nhưng lúc ấy Laura cảm thấy không thể nào một mình đương đầu nổi với thử thách. Bà nói:
- Ông làm ơn đưa tôi đi. Tôi không hiểu gì hết. Tôi xin nói để ông rõ, tôi đến đây để tìm một đứa trẻ và mẹ của nó.
- Nếu vậy thì...
Ông Chu xuống xe và ra hiệu cho tài xê ngồi chờ.
- Bây giờ, bà cho phép tôi vào trước để hỏi thăm xem đã. Thưa bà, người ấy tên là gì?
- Cô ta tên Kim Sương.
Ông Chu bình thản gõ vào cánh cửa mở hé và hắng giọng thật to. Một bà già bận áo cộc xanh và váy đen, vá nhiều chỗ, đi ra mở cửa. Hai người trao đổi vài câu, rồi ông Chu quay lại nói:
- Thưa bà Winters, cô Sương còn ngủ. Cô đi làm đêm ở... làm đêm nên dậy muộn. Đây là bà cụ thân mẫu cô Sương. Bà cụ mời bà vào nhà chơi. Bà cụ sẽ đi đánh thức cô ấy.
Laura ngẫm nghĩ, định quay trở về.
Bà hỏi:
- Nhà có đứa trẻ nào không ông?
Ông Chu chuyển câu hỏi sang bà cụ và dịch câu trả lời:
- Có.
- Con trai phải không ạ?
- Con trai.
- Nó có nhà không ạ?
Bà cụ lắc đầu rồi nói một thôi một hồi. Ông Chu giơ tay ra hiệu bảo bà cụ im và dịch lại:
- Bây giờ nó không có nhà. Nó nghịch ngợm lắm, trốn đi chơi, đói mới mò về. Bà cụ và mẹ nó không ai trị nổi nó. Nó là một đứa trẻ khó dạy. Nó mới có mười một tuổi.
- Để tôi vào nhà. Tôi muốn gặp mẹ nó để nói chuyện. Tôi ân hận đã làm cô ấy thức dậy khi cô còn mệt. Nhưng tôi ở xa đến và muốn trở về ngay càng sớm càng tốt.
Ông Chu trịnh trọng nói:
- Vâng, thưa bà tôi hiểu.
Hai người bước vào một căn phòng nhỏ, đồ đạc ngổn ngang, nền nhà sạch như chùi. Một chiếc bàn thấp, vài quyển sách, mấy chiếc đệm để ở đất. Một bức tranh phong cảnh treo trên tường, loại tranh cuốn. Ngoài ra không có thứ đồ gỗ nào khác. Bà cụ vỗ vỗ vào chiếc ghế đệm. Ông Chu nói:
- Bà cụ mời bà ngồi.
Hai người ngồi xuống đệm. Bà cụ đi khỏi.
Họ im lặng chờ đợi, Laura tự hỏi không biết có nên giải thích cho ông Chu rõ vì sao bà đến đây hay không, nhưng rồi với thói quen cố hữu, bà giữ im lặng. Bà mới biết ông Chu cách đây có mấy giờ và có lẽ không còn gặp lại ông nữa. Bà nhìn ông Chu và mỉm cười tỏ lòng biết ơn. Ông Chu giải thích như để bào chữa:
- Gia đình này nghèo quá. Tôi không biết cô Sương làm nghề gì. Nếu cô đã lấy chồng, có lẽ người chồng làm công cho một tiệm buôn, hay nhân viên bưu điện, hoặc một nghề gì tương tự. Tôi không nghĩ là chồng cô ấy ở trong ngành giáo chức, trừ phi là giáo viên Tiểu học. Có thể cô ấy là “gái bán ba”. Phần nhiều các cô “bán ba” có chồng đều đi làm buổi tối, khi người chồng đã trở về trông nom con cái. Hơn nữa, cô Sương còn mẹ già phải nuôi dưỡng và có lẽ người chồng cũng phải đi làm đêm, vì giá sinh hoạt đắt đỏ quá!
Laura không trả lời. Cánh cửa mở từ từ, Sương đứng ngoài ngưỡng cửa. Laura nhận ra ngay. Sương không còn ở cái thuở ban đầu của tuổi trẻ nữa. Nàng đang trong cái thời kỳ mà sắc đẹp nảy nở trọn vẹn. Nàng mặc quốc phục Triều Tiên, váy dài màu sẫm, thân áo trên màu trắng có thắt dây phía trước. Mái tóc của nàng đen nháy, cột thành búi trên gáy và dưới hai hàng mi tô đậm nét, đôi mắt nàng dịu dàng làm tươi khuôn mặt trắng xanh. Trông nàng thật dịu hiền, thật mềm mại và thật duyên dáng, đến nỗi Laura không thể nào không có thiện cảm. Bà tự tin vào thiên tư của mình và biết rằng cái tình cảm đầu tiên này đã dứt khoát. Lúc ấy Laura mới thành thật nhìn nhận rằng trước đây bà đã muốn coi Sương như một tình địch.
Bà đã nói với chồng:
- Em sẽ mặc người đàn bà ấy vì không muốn mắc mớ gì với cô ta. Nhưng còn đứa trẻ, nó là con anh, em muốn nó được đi học, không phải ở đây mà ở quê hương của nó.
Chris đã ngạc nhiên nhìn vợ:
- Ừ, thì ở quê hương của nó chứ sao.
Sương từ ngoài bước vào nhè nhẹ với đôi giày vải đế cao su. Nàng đến trước ông Chu và nói một tràng dài, giọng nàng trong thanh như giọng một đứa bé gái. Ông Chu lắng nghe, mỗi lúc một ngạc nhiên hơn, môi ông như mím lại.
Laura hỏi:
- Cô ấy nói gì đây ông?
- Cô ấy bảo là cô ấy biết tôi. - Ông Chu trả lời một cách vắn tắt.
Laura chờ đợi, rồi bà lại hỏi:
- Cô ấy có nói gì khác không ông?
- Không. Bây giờ thì tôi nhớ ra cô ấy rồi.
Bà do dự, nhận ra sự bất lực của mình. Sương đã ngồi xuống và câu chuyện giữa hai người trở nên tương đắc như muốn bỏ quên Laura. Mẹ Sương bước vào, bà cụ ngồi xổm dưới đất, dựa lưng vào tường, ở ngoài cửa, trẻ con lối xóm tò mò bu lại, xô đẩy chen lấn nhau để được coi cho rõ. Ông Chu làm nghiêm, đe dọa, chúng mới tản đi chỗ khác. Nhưng khi câu chuyện tiếp tục, chúng lại lò dò bu đến trước cửa như cũ.
Laura chờ đợi; mới có nửa giờ mà bà xem như đã suốt buổi. Khi ấy ông Chu mới quay sang nói với bà:
- Xin bà tha lỗi. Cô Sương đang có chuyện xích mích với chủ phố. Con cô ấy ngỗ nghịch nên người ta muốn cô ấy dọn đi nơi khác. Hình như nó đã ăn cắp đồ của lối xóm. Cô ấy không có chồng lại phải nuôi mẹ già con dại.
Laura hỏi:
- Thế cô ấy làm ở đâu?
Hơi khó nói, ông Chu lấy khăn thấm mồ hôi trán và lau tay:
- Tôi sẽ giải thích với bà sau. Cô Sương đã cho tôi biết nỗi lo lắng chính của cô. Con cô ấy không phải như những đứa trẻ khác. Nó là con của một người Mỹ. Cách đây mười hai năm, khi cuộc chiến chấm dứt, Sương đã gặp người Mỹ ấy ở đây. Hai người sống với nhau được một năm thì người Mỹ ấy về nước. Ông ta hứa sẽ trở lại và Sương hy vọng sẽ được làm lễ cưới. Lúc bấy giờ thằng bé mới được một tháng. Rồi từ bấy đến nay Sương không nhận được tin tức gì của người Mỹ ấy nữa. Bây giờ cô ta phải một mình nuôi dưỡng nó. Trách nhiệm đâu phải là cô ta.
Laura lắng nghe, tim đập mạnh. Bà không phản bội Chris. Nhưng bà mong được họ tin rằng bà đến đây với tư cách một người bạn, chứ không phải một người vợ.
Bà nói:
- Sao? Đây là trách nhiệm của cô ấy chứ. Cô ấy là mẹ đứa bé mà.
Ông Chu bình tĩnh lắng nghe, hai bàn tay để trên gối:
- Ở nước chúng tôi, người cha có trách nhiệm về đứa trẻ. Không cha thì không có gia đình, đứa trẻ sẽ là đứa con hoang. Nó sẽ không được đi học và không thể kiếm được việc làm, vì không được người cha khai sinh cho. Đối với chúng tôi, nó kể như không có. Không có gia đình bảo vệ, người ta xem nó như chưa ra đời.
Laura kêu lên một cách bực bội:
- Kỳ cục thật! Nếu đứa trẻ đã ra đời, thì nó phải ở đây, nó phải sống chứ?
- Nhưng không được hợp pháp.
Laura im lặng; thật là một thế giới kỳ dị, lạ lùng, bà không làm sao hiểu nổi... Bà quay nhìn Sương, ánh mắt như van lơn. Là bạn đàn bà với nhau, chắc hẳn giữa hai người đã có sự liên đới, cảm thông? Như để đáp lại nét nhìn van lơn cầu khẩn ấy, Sương đứng dậy đến chiếc bàn thấp. Nàng rút ngăn kéo lấy chiếc phong bì bọc trong một vuông lụa. Nàng cầm hai tấm hình đưa cho ông Chu và dịu dàng giải thích.
Ông Chu nhìn hai tấm hình, rồi trao cho Laura và nói:
- Đây là hình của cha đứa bé.
Laura không muốn nhìn hai tấm hình ấy, nhưng cứ cầm xem. Đúng Chris rồi, Chris của thời xuân trẻ mà Laura đã yêu say đắm với một mối tình trinh nguyên, e lệ, trong sáng và hạnh phúc. Tấm hình chụp Chris mỉm cười quàng vai Sương; Sương rất tươi trẻ, sung sướng ngước mắt nhìn chàng. Tấm hình kia chụp Chris bế con và Sương đứng tựa đầu vào vai chàng.
Laura buồn rầu tự nhủ: “Ta chưa bao giờ được diễm phúc nhìn Chris bồng con ta trong lòng”.
Bà nén khổ đau trả lại Sương mấy tấm hình và từ phút ấy bà cảm thấy cần nói chuyện với cô ta.
- Cô còn nói được tiếng Anh không?
Sương lắc đầu:
- Bây giờ tôi còn nói được ít lắm.
Ông Chu khuyến khích:
- Cô đừng ngại. Bà đây là bạn, bà đến đây để gặp cô.
Sương chỉ tay vào ngực nàng:
- Để gặp tôi?
- Vâng. Tôi từ xa đến đây để gặp cô.
Nếu bà không nói rõ sự thật thì làm sao có thể tiếp tục câu chuyện được? Bà liếc nhìn Sương và ông Chu. Bà thấy trên khuôn mặt hai người một sự ngạc nhiên rất lễ độ, một sự kiên nhẫn đầy xã giao, họ im lặng như chờ đợi, như tò mò. Sương châm thêm trà nóng vào mấy cái tách để trên bàn. Chu cầm một tách trà lên vừa uống từng ngụm lớn vừa xuýt xoa. Sương ngồi ở chiếc đệm giữa nền nhà, khoanh tay trên gối. Cả hai đều nhìn Laura, chờ đợi. Laura hiểu rằng đã đến lúc phải nói hết. Bà mở ví lấy ra một khung ảnh bằng da. Đây là hình của Chris, chồng bà đang mỉm cười, nhưng Chris không còn trẻ như xưa nữa. Nét nhìn ngay thẳng. Laura lẳng lặng trao tấm hình cho Sương.
Sương chăm chú nhìn một hồi lâu, rồi quay sang Laura:
- Chính anh ấy!
Giọng Sương nhỏ như tiếng thì thầm, nhưng Laura vẫn nghe và gật đầu. Sương đưa tấm hình cho ông Chu. Ông Chu quan sát:
- Cô ấy bảo đây là hình của cha đứa bé.
Laura bình tĩnh:
- Vâng.
Bà cảm thấy xây xẩm, tai ù, tim đập mạnh. Ông Chu quay sang hỏi Sương một câu bằng tiếng Triều Tiên. Nàng trả lời, một cách chậm rãi và rõ ràng:
- Chrit-to-pha Winter-s.
Ông Chu trao tấm hình lại cho Laura, và nói:
- Thưa bà, bà là một người chân thật, can đảm và độ lượng.
Laura sửng sốt thấy nước mắt mình trào ra và chảy dài xuống má. Bà tìm chiếc khăn tay của mình mà không thấy, nên đã nhận chiếc khăn lụa của ông Chu để lau nước mắt.
Bà nói:
- Tôi muốn được nói chuyện riêng với ông. Chúng ta ra xe thôi.
- Vâng, xin tùy ý bà.
Ông Chu đáp rồi dịch lại cho Sương nghe. Sương đứng dậy ngập ngừng. Cô bước đến bên Laura như muốn nói điều gì, nhưng Sương đã không nói, và Laura cảm thấy có một bàn tay nhè nhẹ lướt qua má bà như một cánh bướm.
Vào trong xe, ông Chu nhìn Laura ngồi bên cạnh, tay mang găng và đặt trên cái xắc. Từ khi rời khỏi ngôi nhà nhỏ bé của Sương, Laura không nói một lời. Bà bắt gặp nét nhìn của ông Chu và cố mỉm cười mà không được. Mặc dầu chỉ có hai người, nhưng bà cũng chẳng nói được lời nào.
Những con đường phố đông đúc với những tấm bảng hiệu khó hiểu này và những ngọn núi lạnh lùng vây quanh thành phố, tất cả đổi với bà đều có vẻ xa lạ, cả người đàn ông này nữa, đang ngồi ở bên cạnh bà, cũng là một kẻ mà bà chưa hề quen biết. Đi đâu một mình với ông ta bây giờ? Hơn nữa, bà đã nhất định nói chuyện với ông ta chưa? Bà chưa hề biết thổ lộ tâm tình với ai. Ít nói ngay từ hồi còn nhỏ, và sau này lấy chồng cũng vậy, tình yêu của bà được biểu lộ bằng hành động hơn là bằng lời nói. Nhưng, sáng nay, Chris ở quá xa, quanh bà chẳng có ai trừ người đàn ông này tình cờ bà đã gặp hồi sáng và có lẽ phải nhờ cậy vì ông ta là người nói được tiếng Anh.
Ông Chu hỏi:
- Bà mệt phải không? Bà nên uống một tách trà hay ăn một chút gì cho lại sức. Bây giờ cũng đã quá ngọ rồi. Tôi muốn mời bà...
Ông ngập ngừng, rồi tiếp:
- Ờ phải. Sao lại không nhỉ? Bà là người Mỹ. Tôi biết rõ phong tục của người Mỹ. Xin mời bà lại nhà tôi dùng cơm. Ở đây chúng ta có thể nói chuyện với nhau. Mẹ tôi đã già, không biết nói tiếng Anh, nhưng cụ sẽ hài lòng được biết bà. Cụ vẫn nhớ ơn người Mỹ đã tử tế với tôi hồi còn du học ở xứ bà. Sau tôi, bây giờ con trai tôi cũng được hưởng cái ân huệ ấy.
Laura khẽ nói:
- Xin đa tạ ông.
Chiếc xe lao mình qua những đường phố đông đúc, inh ỏi tiếng còi rồi rẽ vào một đám đông như một con tàu rẽ sóng. Ông Chu im lặng mãi cho đến khi hai người ra khỏi thành phố, tới một con đường trồng dầy bạch dương dẫn đến một chiếc cổng gỗ, sơn đỏ, tường gạch. Sau tiếng gọi của người tài xế, một lão bộc ra mở cống.
Xuống xe, ông Chu giới thiệu:
- Đây là ngôi tổ đình của chúng tôi.
Ông dẫn Laura đi qua một khu vườn rộng rãi tĩnh mịch, có ngôi nhà một tầng xinh xắn, mái ngói cong cong, cột kèo đều sơn son đỏ chót rất chắc chắn.
Laura nói:
- Ở đây thật yên tĩnh.
- Bây giờ mới được yên tĩnh vậy đây. Hồi trước, người Nhật và sau đó, người Mỹ chiếm ngụ đâu có được như thế này. Chúng tôi mới thâu hồi lại được mười hai năm nay.
Một tỳ nữ đợi hai người ở cửa để cởi giày da và mang giày vải cho họ. Ông Chu khẽ bảo cô ấy lui ra và giải thích với Laura:
- Cô ấy đi báo tin cho bà cụ tôi biết là chúng ta đã về. Trong lúc chờ đợi, xin bà nghỉ ngơi chút đã, vội chi. Mời bà ngồi dậy. Chỗ này bà có thể trông ra vườn và hồ nước. Sau mùa đông, mùa này là mùa vạn vật được hồi sinh. Tôi mong đó là một điềm lành cho bà.
Gian phòng rộng rãi, trang hoàng theo lối Tây phương: một bộ salông, một chiếc đi-văng, một tấm thảm và màn gió hai lớp bằng xa tanh vàng óng ánh. Một trong những tường ngăn là một cánh cửa lùa, nhưng người ta không thể nào biết được sau đó có gì, Laura ngồi xuống ghế, bà nhìn ra lối đi lát đá, ngoằn ngoèo qua sân cỏ, dẫn đến một hồ nước, xa xa thấp thoáng những mái nhà cong cong.
Ông Chu mở một hộp sơn mài, khảm xà cừ hình một cành đào màu hồng, lấy thuốc ra mời Laura, nhưng bà lắc đầu từ chối. Ông Chu châm thuốc hút một mình. Người tớ gái đã bưng khay trà lên, một người khác bưng đĩa bánh mứt theo sau.
- Mời bà giải lao, rồi nghỉ ngơi cho lại sức. Bà bị xúc động nên mệt mỏi đấy.
Laura uống trà trong cảnh yên lặng và cảm thấy khỏe khoắn. Khi bà đặt chiếc tách xuống bàn, ông Chu châm đầy thêm trà nóng. Hai người nhìn nhau và bà nhận thấy đôi mắt ông đầy khích lệ.
Bà nói:
- Tôi thật có lỗi, không biết ông quen vđi cô Sương.
- Mọi người đều biết cô ấy. Mời bà xơi bánh. Bà cụ tôi làm đây. Chúng tôi rất thích thứ bánh này.
Laura cầm bánh lên ăn và khen:
- Ngon tuyệt! Mà sao ai cũng biết cô Sương vậy hả ông?
- Cô Sương nổi tiếng vì nghề nghiệp của cô ta. Bà có thể coi cô ta như một người chủ chứa, nhưng cô ta không phải là hạng người tầm thường. Bà cũng đã nhìn thấy nếp sống giản dị của cô ta. Trước đây, nhà cửa của cô ta, địa chỉ của cô ta ở đâu tôi cũng không biết. Ngay cả tên thật của cô ta tôi cũng mù tịt, vì tên gọi trong nghề là một tên khác. “Nhà Hoa” của cô được nổi tiếng là sang trọng, nhiều gái đẹp và hợp thời trang. Cô ta đã dạy cho họ ca và múa, mặc dầu cá nhân cô không còn hành nghề ca hát như xưa. Cô đặt ra một quy lệ hết sức khắt khe, là khách hàng phải là người Triều Tiên, thuộc hạng sang giàu và chịu chi nhiều tiền.
Ông Chu có thường lui tới chơi bời ở “Nhà Hoa” này hay không? Ông không nói ra. Tuy vậy, ông quen biết Kim Sương. Ồ, mà quan hệ gì đến bà? Bà đến đây chỉ vì Chris.
Bà sắp xếp câu chuyện cho có thứ tự và tiếp:
- Mười hai năm trước, nhà tôi đến xứ Triều Tiên. Anh ấy đã gặp cô Kim Sương khi cô còn là một thiếu nữ. Hai người đã có với nhau một đứa con. Lâu nay nhà tôi chẳng nói gì với tôi về chuyện ấy cả. Gia đình chúng tôi sống trong hạnh phúc. Có lẽ chồng tôi chẳng có lý do gì để nói ra chuyện ấy, phần tôi thì tin tưởng rằng hai chúng tôi chẳng có gì giấu diếm nhau. Nhưng vừa rồi đây đứa trẻ đã viết thư cho nhà tôi để phàn nàn rằng nó chẳng được đi học. Tôi đến đây để...
Ông Chu nghiêng về phía Laura và thân mật hỏi:
- Bà Winters thân mến, bà muốn nói rằng ông nhà đã gởi bà sang đây để...
Laura cắt ngang:
- Thưa ông, tôi sang đây là hoàn toàn do ý tôi muốn. Chúng tôi đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Nhà tôi không thể nào vắng mặt đi xa được. Vả lại, tôi cũng cảm thấy trách nhiệm của mình đối với tương lai của đứa trẻ đó. Tôi không muốn con trai của chồng tôi phải sống trong sự ngu dốt, và...
Laura ngập ngừng, và vì bản tính chân thật, bà không thể nói dối, bà tiếp:
- Và... tôi cũng muốn xem cho tận mắt người đàn bà ấy ra sao.
Ông Chu dịu dàng nói:
- Còn gì tự nhiên hơn! Bà yêu chồng. Trong bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào, người vợ cũng đau khổ khi khám phá ra bóng dáng một người đàn bà khác trong đời sống của chồng mình.
- Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau.
Bà nhìn ông Chu và đọc được trong đôi mắt ông biết bao niềm thông cảm, xót thương, đến đỗi bà không cầm được nước mắt. Tuy nhiên, bà đã cố mỉm cười nói tiếp:
- Vợ chồng chúng tôi sống hạnh phúc. Ngay cả... bất cứ điều gì xảy ra cũng không thể nào chia rẽ chúng tôi được. Điều đó xem ra khó tin, nhưng chúng tôi hiểu biết lẫn nhau và mỗi người cố gắng hòa dịu... chia sẻ...
Ông Chu trịnh trọng:
- Tôi hiểu. Nhưng vết thương còn đây phải chữa chạy cho nó lành đã. Bà đến đây trước tiên là để gặp cô Sương, sau đó mới đến đứa bé, có phải như thế không ạ? Vậy thì, thưa bà, bà nghĩ sao về cô Sương?
Laura nghĩ ngợi:
- Tôi cũng không rõ nữa. Trong trường hợp này, tôi đành phó thác cho tình cảm hơn là lý trí. Cô ta là một người dịu hiền và đáng thương.
- Ồ, thế nhưng cô ta cứng như thép đấy!
- Nhưng cô ta đã vuốt vào má tôi.
- Cô ta cũng có lòng thương hại.
- Thương hại tôi sao?
- Thương hại một người đàn bà khác. Đối với bọn đàn ông, cô ta chẳng có mơ tưởng gì. Bà nên nghe cô ta khuyến cáo lũ người làm công.
Ông cười thầm và tiếp:
- Tôi biết cô ta rất nhiều... biết nhiều lắm. Vả lại, tôi là khách hàng của cô ta. Bà nên biết, cô ta rất nổi tiếng. Cô ta hận... hận đời và trả thù đời bằng cách từ chối không tiếp bất cứ người khách ngoại quốc nào. Không một người Tây phương nào kể cả người Mỹ không được phép bước vào ngưỡng cửa “Nhà Hoa” của cô. Cô ta thường bực tức nói “bọn ấy chỉ đáng được tiếp ở những nơi mạt hạng!” Những người Triều Tiên sang giàu, chịu chi nhiều tiền, ít ra họ cũng tin được rằng gái ở “Vạn Hoa đình” không có tiếp khách ngoại quốc, hoặc tiếp những hạng người mạt lưu trong xã hội. Chúng tôi biết rằng gái tại đây đều sạch sẽ được chọn lựa kỹ càng và nhất là họ đều là người Triều Tiên.
Laura ngồi nghe, công phẫn và kinh ngạc, nhưng nhạy cảm về tính cách bi hài của hoàn cảnh. Thật đáng thương cho Chris...
Bà hỏi:
- Cô ta luôn luôn hận đời như thế sao?
- Không, không phải luôn luôn như thế. Lần đầu tiên tôi gặp cô ta...
Ông Chu ngập ngừng, khẽ ho khan.
- Xin ông cứ nói, đừng ngại. Chúng ta đều đã trải qua giai đoạn đó cả rồi. Mặc dầu chúng ta vừa mới quen biết nhau.
Ông Chu cười:
- Vâng, bà là một người một người rất hiểu biết. Khi tôi gặp cô Sương, cô ấy chưa làm chủ cơ sở làm ăn bây giờ. Cô ta hát và vũ tại một nhà khác rất nổi tiếng. Nói tóm lại cô ta là một vũ nữ. Tôi đã bị thu hút bởi vẻ buồn ray rứt tiết ra từ khuôn mặt của cô, ngay cả khi cô diễn xuất một màn hài hước cũng thế. Tôi đã cho mời cô đến ngồi bàn với tôi và chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Cô cho tôi biết cô phải nuôi mẹ già và con dại. Mãi sau này tôi mới rõ sự thật về thằng bé ấy và biết rằng cô Sương vẫn còn nuôi hy vọng gặp lại người cha, mặc dầu ông ta chưa bao giờ trả lời thư cô ấy.
Ông cười:
- Tôi nhớ lại hồi đó tôi cũng có ghen hờn đôi chút. Nhưng tôi biết rõ cô Sương chẳng có nhận được thư từ gì cả, nên tôi đã khuyên cô mở một nhà hàng riêng. Tôi đã cho cô mượn tiền và sau đó cô đã trả lại đầy đủ. Cô Sương là một người đàn bà đáng tin cậy.
Laura thầm nghĩ và lấy làm ngạc nhiên rằng sự tình cờ quả đã run rủi bà gặp được nhiều điều hay, xui khiến bà gặp ông Chu, một người quen biết với Kim Sương. Bà chưa kịp nói gì thì người tớ gái đã hiện ra ở ngưỡng cửa và nói gì với ông Chu bằng tiếng bản xứ.
Ông Chu quay sang bà:
- Thưa bà, mẹ tôi đã sẵn sàng xin mời bà.
Người tớ gái đưa Laura và ông Chu vào gian phòng chính mà các bức tường gỗ ngăn dọc hành lang đã được mở rộng để có thể nhìn thấy các phòng khác chung quanh. Gian phòng tuyệt đẹp, sàn nhà sạch bóng như gương, những tấm đệm ngồi bọc nhung đỏ và xa-tanh đen, một cái bàn chân quỳ thấp và các tủ sách đều bằng gỗ sơn mài khảm xà cừ lóng lánh. Một bà cụ vóc người nhỏ nhắn đang ngồi đợi trong phòng. Dưới mái tóc bạc như tuyết, khuôn mặt của bà cụ vẫn còn giữ được những đường nét thanh tú với đôi mắt đen nồng ấm sáng ngời.