Dịch giả: Văn Hòa
Chương II (F)

     à đứng dậy và tiến đến bên cửa sổ để nhìn ngắm cái thành phố xa lạ này. Không những bà chỉ giải quyết vấn đề khó khăn cho đứa bé mà thôi mà còn phải nghĩ tới Chris nữa. Riêng bà, bà có thế từ bỏ tư kiến dễ dàng, một phần vì bà có tâm hồn siêu thoát của một nhà bác học và phần khác vì bà là một người biết xem thường tiếng thị phi. Nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Chris tùy thuộc vào tính thất thường của các cử tri, tùy thuộc các thành kiến và những tư tưởng hẹp hòi của họ. Chồng bà sẽ ăn nói làm sao nếu bà mang về một đứa trẻ khá giống ông để gây nên một trận phong ba bàn tán. Trận phong ba ấy có thể phá đổ sự nghiệp của chồng bà. Trong hoàn cảnh này chỉ một mình đứa bé là hoàn toàn vô tội.
Bà tiến đến bên nó và cầm lấy tay nó. Áo quần nó tồi tàn làm sao! Trước hết bà phải cho nó thay quần áo mới. Rồi bà sẽ dẫn nó đến ăn sáng tại phòng ăn của khách sạn. Mình nó chỉ có da bọc xương.
- Kim Christopher, trước hết phải mua quần áo mới cho con đã. Nào hãy chỉ cho ta tiệm bán áo quần.
Bà sờ áo Kim, trề môi và lắc đầu.
- A! - Nó reo lên.
Nó đã hiểu. Nó bước ra cửa một cách hăng hái. Nó vui vẻ nói:
- Con hiểu, con hiểu rồi.
Họ đi mua sắm chưa tới một giờ đồng hồ. Bây giờ đứa trẻ đã mặc áo quần mới và mang giày mới.
- Bỏ những cái giẻ rách này đi.
Bà vừa nói vừa ném bộ quần áo cũ của Kim vào góc phòng.
Bà nhận thấy nó có vẻ bất bình, nhưng bà chẳng nói gì. Bà dẫn Kim đi trên đường phố; trong bộ quần áo như vậy thằng bé có vẻ oai phong lắm, khiến bà rất lấy làm hãnh diện. Ước gì chồng bà có thể nhìn thấy nó bây giờ! Cảm thấy mình hân hoan quá đáng, bà vội kiềm hãm bớt cõi lòng. Thằng bé rất xinh trai, thật vậy, nhưng còn có gì vượt quá sự bình thường: dầu sao, đó là con của Chris và Sương - Phải rộng lượng thừa nhặn điều đó - Nhưng chắc đây là một trường hợp đặc biệt, vì bà chưa từng thấy một đứa bé nào tại Triều Tiên cũng như tại Mỹ quốc đẹp như Kim Christopher. Không phải nó chỉ đẹp về đường nét, về màu da, mà còn đẹp về sự pha trộn của vẻ thanh nhả và cương quyết nữa. Đứa bé này manh dẻ hơn lũ trẻ Hoa Kỳ, nhưng sức mạnh hơn lũ trẻ Triều Tiên. Bà nhớ lại cơ thể của các hải thao mà bà đã nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, mềm mại như cây sậy nhưng mạnh khỏe như voi.
Bà trở về với thực tại. Kim Christopher đang kiên nhẫn chờ đợi lời bình phẩm của bà. Bà ngắm nghía nó và nói:
- Ồ, đẹp lắm.
- Giống Mỹ chứ? - Nó hỏi với đôi mắt chứa chan hy vọng.
- Giống lắm.
Bà nói vậy nhưng sự thật không hoàn toàn đúng thế. Quả vậy, tại cái xứ Triều Tiên này thì Jiim Christopher có vẻ rất Mỹ, nhưng tại Mỹ - Nếu bà mang nó về Mỹ - thì bà biết chắc rằng người ta sẽ nhìn thấy cái vẻ Á đông nơi nó. Vậy thì nó thuộc xứ nào?
Bà bảo Kim Christopher:
- Chúng ta trở về khách sạn để ăn điểm tâm.
Khi bước vào khách sạn, bà nhìn thấy ông Chu đang ngồi ăn sáng nơi cái bàn mà ông thường ngồi cạnh cửa sổ mọi ngày. Bà mỉm cười vẫy tay chào ông, nhưng bà chọn một bàn khác xa đấy để được ngồi một mình cùng đứa trẻ. Nét nhìn tò mò của ông Chu đã làm cho bà thích thú thật sự. Không phải chỉ có một mình ông ta tò mò mà thôi, các du khách ngoại quốc cũng đang nhìn theo bà và bé Kim. Bà nghĩ đến những tư tưởng và ước đoán của họ. Bà kín đáo nhìn đứa trẻ ngồi đối diện bà với đôi mắt của một người từ mẫu. Nhưng đứa trẻ vẫn vô tình không hiểu, nó tò mò bắt chước lối cầm muỗng cầm dao của bà. Nó vừa mới biết đến cái khăn ăn, nó liền làm theo. Bà xúc động nhìn thấy đứa bé chăm chú làm theo bà.
Ông Chu không thể dằn được tính tò mò, khi ăn xong, ông đến bên bàn bà. Ông hỏi bà một cách lịch sự như thường lệ:
- Thưa bà, hôm nay bà mạnh khỏe không ạ?
- Cám ơn ông, tôi vẫn mạnh. Tôi vừa mới đi một vòng cùng Christopher về đây.
Lần đầu tiên bà gọi đứa trẻ là Christopher mà không thêm họ Kim, họ Triều Tiên của nó và ngay bà cũng cảm thấy ngạc nhiên về chính mình.
Đôi mắt sắc bén của ông Chu nhìn trệch sang nơi khác. Ông nói:
- À, thì ra thế. Chú bé quá thanh lịch như vậy, người ta sẽ ngỡ là dân Mỹ chính cống. Thưa bà, bà có đưa nó về Mỹ không ạ?
Laura cười cùng Christopher:
- Con nghĩ sao?
- Con xin sẵn lòng nếu bà muốn. - Nó nhiệt thành đáp.
Ông Chu dò hỏi:
- Nhưng phải có sự đồng ý của mẹ nó chứ, phải không thưa bà?
- Tôi hy vọng bà Sương sẽ bằng lòng. - Bà dằn mạnh từng tiếng và càng ngạc nhiên hơn về những phản ứng của chính mình. Mặc dầu bà chưa có một quyết định nào dứt khoát cả, nhưng thái độ của ông Chu và cái lối phát biểu của ông như thúc đẩy bà quyết định.
- Vâng, tôi cũng hy vọng thế. - Ông thở dài và bỏ đi.
Dù sao bà vẫn bối rối về quyết định này, cái quyết định do ông Chu gợi ý ít nhiều. Bà tiếp tục bữa điểm tâm. Christopher tráng miệng với một cốc kem thật lớn. Bây giờ, bà tự hỏi: phải làm gì đứa trẻ đây? Còn quá nhiều điều phải quyết định và nhiều việc phải làm.
Khi bà trao cho Christopher gói quần áo mới, bà dặn:
- Ngày mai trở lại nghe!... Phải đấy, ngày mai con ạ! - Bà nhắc lại như để xác nhận.
- Thưa bà, vâng.
Bà xuýt buột miệng nói: “Đừng gọi tôi bằng bà”, nhưng biết bảo nó gọi sao bây giờ? Gọi là bà Winters thì quá nhạt nhẽo, mà gọi là Laura thì quá thân mật. Gọi bằng mẹ cũng không thể được bởi vì nó còn có mẹ cơ mà. Trong lúc chờ đợi, đừng có thay đổi cách xưng hô là hơn; vả lại tất cả đều tùy thuộc vào các quyết định sau này.
Để khỏi hôn đứa trẻ, bà khẽ quàng lấy nó vào lòng và nói:
- Thôi con về.

*

Bà nhận được thư của chồng tại phòng riêng, lá thư đầu tiên kể từ ngày bà đến Hán Thành. Tuy chỉ mới đến đây có mấy hôm mà bà xem như là đã trót tháng. Bà cầm lấy phong thư, buông mình xuống ghế phô-tơi và quên đi tất cả những gì khác.
“Cưng ơi, thư em quá vắn...”.
Phải mình ạ, vì rằng em chưa có gì chính xác để nói với mình, bà lẩm bẩm...
“Anh hóa điên lên được. Anh muốn bỏ tất cả và nhảy lên chuyến phi cơ đầu tiên để đến cùng em, nhưng như thế chỉ làm khó khăn thêm cho em mà thôi. Bây giờ, em chắc chắn đã nhìn thấy đứa bé rồi chứ?...”
Ôi! Mình, em cũng muốn cả mình nhìn thấy nó nữa, bà thầm nói, như thế việc quyết định sẽ dễ hơn nhiều. Ít nhất... phải ít nhất điều này không làm trái...
“Anh hy vọng rằng người đàn bà ấy không làm điều gì khó dễ em...”.
Dòng chữ này đã nói lên sự lo lắng của chồng bà, ông muốn được chia sẻ cùng bà những nỗi khó khăn mà bà đang gặp phải. Sau đó, ông hăng say kể lại mọi diễn tiến của cuộc vận động tranh cử. Bà tưởng tượng như đang nhìn thấy ông vội vàng tiếp các khách khứa, bạn bè, cử tri v.v... và ông đang đọc diễn văn trên màn ảnh của vô tuyến truyền hình. Chàng ăn ảnh kinh khủng! Bà thầm nghĩ. Bà ngốn ngấu đọc hết mấy trang thư. Chàng đã tiếp nhận hàng đống thư từ. Chàng đang chống đỡ cuộc tấn công ráo riết của nhóm thủ cựu, họ đã căng một màn lưới trinh thám chuyên bới móc đời tư và ngay cả quá khứ của chàng, kể từ hồi còn thơ ấu. Đó là những gì phương pháp tranh cử đáng khinh bỉ, nhưng lại có lợi cho chàng trong cuộc chiến đấu quyết liệt này. Thuở thiếu thời chàng rất đứng đắn. Và còn vẻ xinh trai phi thường của mình nữa mình ạ. Bà lẩm bẩm.
“Cụ Henry Allen là một người đỡ đầu vững như bàn thạch, chồng bà viết tiếp. Thế lực của cụ không những chỉ vững vàng trong tiểu bang mà khắp cả toàn quốc. Đối với anh, tên của cụ chẳng khác gì một cây lệnh kỳ. Thật vậy, anh phải xứng đáng sự tín nhiệm của cụ và cuộc vận động tranh cử của anh phải ngay thẳng. Nhưng dù sao, sự trái ngược đã làm cho anh kinh sợ”.
Lẽ tự nhiên, Laura hãnh diện nghĩ. Bà gấp lá thư lại, đưa lên môi hôn và nhét vào ngực áo. Rồi bà để lòng tưởng nhớ đến chồng. Bà ngả người ra ghế dựa, mắt nhắm lại, gợi lên trong tâm trí hình ảnh chồng bà. Ở vào cái thời đại mà ái tình chân chính đã bị quá nhiều tiếng xấu và giảm xuống ngang hàng với thú vui thế tục, may mắn biết bao bà đã gặp được một người chồng hiểu biết tình yêu này!
“Chàng yêu ta vì chính con người thật sự của ta mà không tìm đến cách biến ta thành lệ thuộc chàng”. Bà nghĩ. Cái loại hạnh phúc như vậy rất hiếm, không nên để bị mất đi vì một đứa trẻ sinh ra từ phía bên kia góc bể chân trời, một đứa trẻ vô thừa nhận, ngẫu nhiên mà sinh ra. Một đứa trẻ thật xinh đẹp và dễ thương, nhưng cũng không nên vì nó mà phá hỏng một sự hiện hữu tốt đẹp đến thế, có thể hữu ích cho hàng ngàn hàng triệu người... Phải hàng triệu người nếu sự nghiệp của Chris không bị đổ vỡ vì một vài đối thủ ích kỷ, có thế sử dụng đủ mọi thủ đoạn miễn là đạt được mục đích của họ. Cái tên Henry Allen đã làm cho quả tim bà thắt lại. Chồng bà có nên thú thật cùng cụ hay không? Nếu giấu cụ, chồng bà có phải là người chính trực hay không? Ôi! Những nhu cầu bắt buộc của danh dự!
Bà bắt đầu viết thư cho chồng với những dòng chữ lớn và rõ ràng:
“Mình ơi! Mình không nghĩ rằng thế nào rồi cụ Henry Allen cũng biết rõ câu chuyện bé Christopher hay sao? Quả là bó buộc, nếu không được sống như một người dân thường, để có thể bất chấp dư luận. Ở đây có hàng ngàn trẻ con giống như nó, chúng ta chỉ có việc đưa nó về Mỹ và nói rằng chúng ta nuôi nó làm con nuôi rồi để mặc thiên hạ muốn nói gì thì nói. Điều đó cũng chẳng quan hệ gì. Nhưng khốn nỗi thằng bé nó quá tinh anh, chẳng khác mình tí nào cả thì biết ăn nói làm sao đây. Em không thể khuyên mình khước từ việc thừa nhận đứa trẻ, không, em không thể làm như thế, chỉ vì một lỗi lầm nhỏ...”
Bà gạch bỏ chữ “lỗi lầm” để khỏi đọc được, thay vào chữ “từng trải” và hấp tấp viết tiếp:
“Mình không nên nghĩ quấy rằng, thà đừng sinh ra nó còn hơn, bởi vì thằng bé đẹp lắm mình ạ, nó giống mình như đúc, nhưng đồng thời nó cũng khác mình. Thật khó mà biết rõ nó nghĩ gì về mẹ nó, nhưng nó ước ao được mình mang nó về sống với mình. Hôm nay em đã mua áo quần mới cho nó...”.

*

Viết xong bức thư, bà chợt nhận ra rằng bà đã nói quá nhiều về bé Kim: những năm trang đầy. Bà không ngờ bà có thể viết hết câu chuyện dài dòng như vậy. Khi bà đã gởi lá thư bằng đường hàng không, bà cảm thấy cần đến sự hiện diện của chồng bà biết bao. Bà cần ở bên chồng để được ngả vào lòng ông mà thổn thức vì đau khổ. Bà cảm thấy nhớ nhung hết sức, không chỉ nhớ nhung chồng mà còn nhớ đến nơi ăn chốn ở, nhớ cả cái cuộc sống yên vui mà bà hằng thương mến. Bà tưởng nghĩ đến ngôi nhà của vợ chồng bà tọa lạc trên một đường phố yên tĩnh cạnh công trường. Nhà họ rất rộng lớn, mặt tiền xây bằng cẩm thạch trắng, phòng khách chính bằng cẩm thạch trắng rất mát mẻ với một cầu thang tráng lệ cũng bằng cẩm thạch trắng dẫn lên lầu trên. Ngày xưa một vị trong gia đình họ Winters hồi còn xuân trẻ đã yêu say đắm một thiếu nữ người Pháp; nhưng cô ta không muốn rời bỏ tòa lâu đài thân mến của cô nên chàng thanh niên đa tình đã phải cam kết sửa chữa tòa nhà của mình ở Mỹ giống hệt như nhà của người yêu tại Pháp. Với số chi phí thật khổng lồ, người Mỹ đã thành công trong việc bài trí bên trong lâu đài chẳng khác một mảy may chỗ ở cũ của người yêu.
“Ôi! Nhớ nhà làm sao! Laura thầm nghĩ, nhớ những hàng cây hai bên đường, nhớ cả các bạn láng giềng...”. Tuy nhiên, thường ngày bà không để ý tới họ bao nhiêu, vì bà là người ít giao thiệp, hơn nữa vì bà quá say mê việc nội trợ và công cuộc khảo cứu của bà.
Bây giờ đây cách xa hàng ngàn cây số, trong một khách sạn xa lạ giữa cái thành phố Á châu này, ngôi nhà đối với bà cũng có vẻ xa cách như trong một giấc mộng: nhưng chính đó là nơi mà Chris đang sống và bà phải vội vã lo cho xong công việc để trở về cùng chồng. Chồng bà đã căn dặn ba phải luôn luôn giữ trong mình một vé phi cơ khứ hồi, một giấy thông hành và tập chi phiếu du lịch.
Ông đã nói:
“Không ai có thể biết được những gì sẽ xảy ra. Mình chớ quên rằng Hán Thành chỉ cách xa vùng địch quân chiếm đóng khoảng một trăm ba mươi lăm cây số mà thôi. Mình phải luôn luôn sẵn sàng để ra đi bất cứ lúc nào”.
Bà ước ao được ra đi ngay tức khắc. Bà chỉ việc xuống đường, lấy taxi ra phi trường và bước lên chiếc phi cơ đầu tiên để về Mỹ. Bà đã đi trên con đường từ phi trường vào thành phố, nhưng bà cũng biết rằng bà không thể ra đi như thế được. Bà không phải là hạng người có thể lẩn tránh bổn phận. Không, bà phải tự mình thu xếp. Tiếng chuông điện thoại reo vang dường như để đáp lại câu hỏi mà bà đã đặt ra.
- A lô?
- Thưa, phải bà Winters đây không ạ? - Tiếng của trung úy Brown - Jim và tôi muốn mời bà đi du ngoạn một vòng bằng xe hơi rồi sau đó chúng ta đến ăn tối và khiêu vũ tại Walker Hill.
- Một ý kiến hay! - Bà đáp vì cảm thấy buồn cô độc.
- Tốt! Vậy thì thưa bà lát nữa, khoảng nửa giờ, chúng tôi đón bà bên dưới nhé, bà nhé?
- Vâng.

*

Hai chàng thanh niên mặc quân phục dạo phố trông thật khỏe mạnh, bảnh bao.
Trên chiếc xe hơi đưa bà ra vùng quê du ngoạn, bà hỏi:
- Hai anh quen biết nhau trước khi sang đây à?
Trung úy Brown trịnh trọng nói:
- Thưa bà không. Chúng tôi quen nhau từ khi Jim cứu tôi thoát chết. Một hôm, sinh viên Triều Tiên tổ chức biểu tình ngoài đường phố để chống lại một hiệp ước vừa ký kết với Nhật Bản - dĩ nhiên việc ký kết này ít nhiều do áp lực của Hoa Kỳ - họ bất thần tấn công tôi là người Mỹ độc nhất đi trên đường, họ xúm vào đánh đập tôi chí tử. May thay, Jim đi qua đây và kéo tôi ra khỏi trận đòn hội chợ, nhưng tôi cũng đã bị thương khá nặng.
- Tại sao họ chống lại bản hiệp ước ấy?
- Đó là lẽ thường, bởi vì người Nhật Bản đã áp bức họ trong gần nửa thế kỷ. Cho đến lúc đó Triều Tiên đã được độc lập và thưa bà, chắc bà cũng biết lòng tự ái dân tộc của họ ra sao rồi. Người Nhật Bản không có làm gì nửa vời cả; họ cố hủy diệt nền văn hóa Triều Tiên, họ bắt buộc dạy tiếng Nhật trong các trường v.v... Ở đây người ta đa nghi và họ sẽ đa nghi mãi, tôi chắc thế. Họ nghi ngờ người Nhật Bản rắp tâm nhúng tay vào quốc gia họ. Trước hết bằng kinh tế rồi các việc khác sẽ đến sau. Có thể họ có lý. Dầu sao đi nữa...
Bà Laura hỏi ngang:
- Còn lũ trẻ lai Mỹ có can gì không?
- Tôi tưởng chúng nó cũng bị hành hung gì đó trong mươi lăm phút.
- Thế thôi sao? - Jim nói - Anh chớ có quên rằng người ta đã giết chết một số khá nhiều.
- Ồ không, không lẽ!
- Thưa bà đó là sự thật! Bà không để ý đến một số trẻ vị thành niên loại này sao? Người ta đã thanh toán chúng vào năm 1950. Nhiều đứa trong số này đã chết. Một số khác đã bị thiến.
- Câm mồm đi, Jim!
- Ờ, thì tao nói sự thật mà! Tao có quen một viên sĩ quan hầu cận đại tướng, hắn ta nói rằng chính hắn đã nhìn thấy những đứa trẻ khốn khổ này, những mảnh nhỏ, tất cả...
- Thằng khốn, tao đã bảo mày câm đi kia mà! - Trung úy Brown hét lớn.
Jim lách tay lái để tránh một cái ổ gà và ngậm thinh.
Trong khi ánh mặt trời hoàng hôn yên tĩnh chiếu sáng cảnh vật đẹp như tranh thì cả ba đều im lặng nghĩ đến số phận thê thảm của những đứa trẻ nạn nhân của chiến tranh. Bóng tối đã đè nặng lên những khoảng lõm của các thung lũng khi mặt trời ngã trên đỉnh núi. Các đỉnh núi biến sang màu hoa cà, các thung lũng màu xanh lá cây. Đó đây, một cây bạch dương lá úa vàng vì đã sang thu, đứng sừng sững giống như một bó đuốc đang bừng cháy nổi bật lên trên nền sẫm của những lèn đá lởm chởm. Trong các ngôi làng ở giữa những cánh đồng rộng có những người đàn ông cao lớn, mặc áo dài lụa trắng, đội nón rộng vành tết bằng lông đuôi ngựa có quai máng ở cằm. Laura nhận thấy ở nơi họ có một vẻ gì trang nghiêm lạ kỳ. Đàn bà hầu hết đều chưng diện những cái váy rộng lụng thụng dính liền với thân áo trên, và có thói quen mang nặng trang sức trên đầu làm cho họ có dáng điệu của những bà hoàng. Laura nghĩ đến bé Christopher. Chắc bà phải đền đáp xứng đáng cho Sương vì cô ta đã bảo vệ sự sống còn của đứa trẻ... ít ra là thế, nếu không...
Đang suy nghĩ, chợt bà lớn tiếng nói:
- Thật tôi không thể nào hiểu được tại sao các binh sĩ ta có thể... giao du thân mật với những người đàn bà này mà lại để phải có con.
Jim cắt ngang câu nói của bà, mắt vẫn dán chặt xuống mặt đường.
- Tôi có một cô bạn nhỏ ở đây, bà Winters ạ. Cô ta khá xinh và chỉ lấy một mình tôi. Nhưng tôi đã báo trước với cô ta: “Nếu một ngày nào đó em nói với anh rằng em đã thụ thai thì lập tức anh sẽ bỏ rơi em đấy!” Vì vậy, cô ta đã thận trọng. Cô ta biết rằng tôi không muốn có con, bao lâu cô còn vâng lời tôi...
Trung úy Brown nói xen vào, giọng nghiêm khắc:
- Và tìm cách phá thai.
Jim bẻ lại:
- Đó là việc của nó.
- Cái hạng đàn bà này, một số đã phải bắt buộc phá thai tám chín lần trong một năm.
Jim cắt ngang:
- Ồ điều ấy chẳng can hệ gì đến tao hết.
Xe đang chạy bon bon thì có ba đứa trẻ rách rưới xuất hiện trước mắt họ đột ngột đến nỗi chiếc xe phải lái lệch sang một bên và suýt đụng phải một cái miễu nhỏ bên vệ đường. Chúng chìa ra những bàn tay dơ bẩn, miệng xin tiền rối rít.
Tay móc túi, miệng Jim lẩm bẩm:
- Chẳng khác gì lũ sói...
Trung úy Brown nhìn chúng nói:
- Đứa nào cũng lai hết.
Jim thở dài:
- Trong các làng, thiếu khối.
Rồi quay sang một đứa trẻ:
- Đây mày!
Anh ta ném qua cửa xe những đồng bạc lẻ, ba đứa trẻ nhào đến lượm giữa đống bụi cát bên đường, chúng giành nhau, đánh nhau chẳng khác gì bầy chó tranh xương.
Laura cũng để ý đến chúng nó. Quả thật, chúng là những đứa trẻ lai Mỹ. Một thằng nhỏ có mái tóc nâu, mặt đầy tàn hương, một con bé khuôn mặt có những đường nét như thiên thần vừa đấm vào lưng lũ con trai vừa khóc.
Bà nói:
- Chúng ta đi thôi. Tôi nhìn thấy đã quá đủ rồi!

*

Ăn tối xong, họ đang chậm rãi uống cà phê. Laura lưỡng lự ngại lúc trở về khách sạn phải cô độc một mình. Trong gian phòng rộng đầy những người Mỹ mặc quân phục và những cô gái Triều Tiên mặc đầm. Laura không muốn khiêu vũ, hơn nữa bà chán ngấy cái đám người đong đưa nhúc nhích trên sàn nhảy. Jim đang quay tít trong vòng tay một nữ gầy nhưng cao lớn hơn anh ta.
Bạn anh nói:
- Coi chừng đấy, cô ta trông có vẻ bị lao.
Jim đáp, giọng cộc lốc:
- Không có con.
Trung úy Brown hạ giọng nói với Laura:
- Bà xem, trông cô ta có vẻ như bị lao...
Bà hỏi:
- Cô ta không đi chữa bệnh sao?
- Có thể là không. Bởi vì cô ta phải làm việc. Ít ra là một nửa con họ đều ho lao.
- Đến một nửa sao? Tôi hy vọng rằng không nhiều đến thế.
- Sao không? Có ai lo lắng gì đâu.
Nghe cái giọng nói khô khan và chua chát của Brown, bà đoán anh ta là một con người nhân hậu đã hấp thu một nền giáo dục nghiêm túc, vẫn còn khe khắt với cả chính mình.
- Ai lo? Thì chính anh đang lo đấy chứ ai?
- Tôi đâu có quyền.
Đột nhiên người điều khiển chương trình xuất hiện trên sân khấu và âm nhạc vụt tắt, đám đông đang khiêu vũ ngừng lại, trong phòng im phăng phắc. Anh ta nhoẻn miệng cười, cất tiếng giới thiệu:
- Kính thưa quý vị, hôm nay chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị một màn vũ bụng đặc sắc do một vũ nữ nổi danh tại Mỹ quốc vừa từ Cựu Kim Sơn đến trình diễn. Sau đó, quý vị sẽ được thưởng thức tiếng oanh vàng của nữ ca sĩ Kim Sương. Đêm nay, cô Kim Sương trình bày ca khúc này thể theo lời yêu cầu đặc biệt.
Laura giật mình:
- Anh có biết cô ta đến trình diễn tại đây đêm nay không?
- Thưa bà không. Thỉnh thoảng cô ta có đến hát ở đây, nhưng ít khi lắm. Vừa rồi cô ấy có đến trình diễn trong một cuộc tiếp tân các nhân vật công du. Được cô ta nhận lời đến giúp vui dường như là không phải dễ. Người ta nói rằng, được cô Kim Sương chiếu cố đến trình diễn là một vinh dự vì cô ta không hát ở đâu khác ngoài nhà hàng của cô.
- Cô ta có giá trị gì?
- Trong lãnh vực nghề nghiệp, cô là một người đáng giá. Dầu sao đi nữa cô cũng là một người nổi tiếng là khó với bất cứ hạng đàn ông nào.
- Ngay cả những người đàn ông Triều Tiên cũng thế sao?
- Vâng.
Người vũ nữ xuất hiện trên sân khấu: một cô gái đầy đặn, cân đối, cô ta gần như khỏa thân: một cái khố và hai hạt dẽ vàng trên khuôn ngực. Những người khiêu vũ đã trở về chỗ ngồi và ban nhạc bắt đầu chơi một bản nhạc giật gân vang dội inh ỏi. Người vũ nữ bắt đầu chuyển động. Từng thớ thịt một, dường như đang vùng vẫy giẫy giụa một cách sống động quanh cái bộ xương bất động của người vũ nữ. Laura bật cười không thể nào dằn được, bởi vì khuôn mặt của người vũ nữ vẫn không cảm xúc dường như chẳng biết đến những gì xảy ra bên dưới. Đôi mắt màu xanh của cô ta vẫn dửng dưng làn môi đỏ chót vẫn hờ hững.
Laura liếc nhìn các khán giả: những lính Mỹ vui cười, còn những người Á đông thì im lặng. Cuối cùng bà cảm thấy như ngượng ngùng. Cô gái ấy là ai? Cô ta từ đâu đến? Cô ta làm gì trên cái xứ xa lạ này? Màn vũ chấm dứt, những người Mỹ vỗ tay tán thưởng ồn ào nhưng những người Á châu thì chẳng to vẻ gì. Cô vũ nữ khẽ cúi chào và lui vào bên trong.
Người điều khiển chương trình bước ra nói:
- Tiếp theo đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị: Cô Kim Sương!
Sương bước ra trong khi mọi người im phăng phắc. Dường như luôn luôn phục sức theo lối Triều Tiên, nàng mặc một cái váy gấm rộng màu hồng, thân áo trên bằng lụa dệt ngân tuyến óng ánh bạc. Bím tóc của nàng buông thỏng sau lưng, đôi hài màu bạc mũi nhọn vểnh lên theo lối cổ miền Trung Á.
Nàng đứng đợi, hai tay chắp lại một cách bình thản. Âm nhạc bắt đầu trổi lên, khe khẽ trong khi tiếng trống vỗ nhịp theo tiết điệu du dương của tiếng đàn dây. Sau phần tấu khúc dài, Sương ngước mắt lên và cất tiếng hát. Đây không phải là ca khúc Triều Tiên mà là giai điệu bản “Con người cô độc” của Tchaikowsky. Về phía người Mỹ, họ không còn cười đùa nữa mà người ta cũng không còn nhìn thấy vẻ ngạc nhiên nơi những người Á châu. Bài ca này không ai là không hiểu. Trong sự im lặng tuyệt đối, giọng nữ kim trong trẻo của Sương nổi bật lên mọi âm thái, từ tiếng kêu van tha thiết đến tiếng thì thầm hết sức êm dịu. Khi nàng hát xong, căn phòng dường như rơi vào một sự im lặng ma quái, rồi tiếp theo là những tràng vỗ tay tán thưởng vang dội rào rào. Nàng cúi chào và lui ra với những bước chân hết sức nhẹ nhàng, dường như nàng không cất bước mà là lướt đi một cách êm ái. Tiếng vỗ tay vẫn còn tiếp tục không ngừng, người điều khiển chương trình phải bước ra nói:
“Cô Kim Sương có lời cám ơn sự hâm mộ của quý vị, nhưng cô xin cáo lỗi. Cô không hát lại lần thứ hai một bản nhạc nào bao giờ”.
Laura đã lắng nghe Kim Sương hát, thoạt tiên bà ngạc nhiên, rồi khâm phục và cuối cùng ngạc nhiên hơn. Tại sao Sương đã trình bày bản nhạc ấy? Cô ta đã học ở đâu? Phải chăng đây là một dụng ý? Nếu phải thì chỉ là để ngỏ cùng bà mà thôi. Nhưng sao cô ta lại biết chắc có sự hiện diện của bà đêm nay ở đây? Laura không thể tìm ra được câu giải đáp nào mà ngay cả thắc mắc sau đây cũng không thể giải đáp được: Kim Sương thuộc hạng đàn bà nào?
Bà vụt đứng dậy và nói với hai chàng thanh niên:
- Xin lỗi. Tôi cần phải đi gặp cô Kim Sương ngay.
Bà đi về phía hậu trượng thô sơ. Trong một căn phòng nhỏ hẹp có trang bị một bàn phấn. Sương đang khóc nức nở đầu gục xuống hai vòng tay.
Laura ngừng lại ở ngưỡng cửa, rồi bước vào và đặt, tay lên vai Sương. Bà dịu dàng nói:
- Cô Sương! Tôi đây.
Sương ngẩng đầu và lùi lại với một vẻ giận dữ khiến Laura hết sức ngạc nhiên. Hai mắt và má đẫm lệ, nàng hỏi:
- Bà đến đây làm gì? Tại sao?
- Cô... cô hát quá hay - Laura lắp bắp - Nhưng bài hát ấy... tại sao... Ai đã dạy cho cô?
Sương cau có:
- Điều đó quan hệ gì đến bà?
- Quan hệ lắm chứ, nhưng tôi không hiểu tại sao. - Với một giọng nói ngập ngừng bà giải thích cho Sương hiểu điều mà bà cảm thấy - Chúng tôi cần phải hiểu cho nhau cô Sương ạ! Tôi không có ý làm cho cô đau khổ. Tôi mong rằng đó chỉ là vấn đề hỗ tương. Chúng ta có thể cùng nhau quyết định tương lai của đứa trẻ. Tôi xin thành thật thú nhận cùng cô rằng tôi không nghĩ gì đến cô cả mà chỉ nghĩ đến tôi và... chồng... chồng... cha của đứa trẻ.
Sương thấm lệ bằng một khăn lụa nhỏ. Nàng đứng dậy đóng cửa phòng lại. Rồi nàng ngồi xuống ghế và ra hiệu mời Laura ngồi. Sương cắn môi, nói:
- Tôi không phải là hạng đàn bà can đảm. Chỉ là giả vờ can đảm đấy thật. Tôi yêu chồng của... Tôi yêu anh ấy lắm. Vì vậy, tôi tự học lấy bài hát ấy. Nó nói lên điều mà tôi nghĩ, điều mà tôi cảm thấy. Tôi quá mơ mộng. Tôi mơ một ngày nào đó anh ấy sẽ trở lại với tôi. Tôi không thể nào yêu ai khác được.
- Cô muốn nói rằng cô giữ đứa bé phải không?
Sương lắc đầu:
- Không, tôi không nói vậy. Nó cũng như cha nó. Tôi biết nó chẳng thương yêu gì tôi, chẳng bao giờ...
Nàng cắn chặt đôi môi duyên dáng đang bắt đầu run run.
Laura nói:
- Tôi xin có. Cô muốn gì? Tôi sẽ cố hết sức mình để có thể làm cho cô vừa lòng.
Sương lại nức nở khóc và đưa mảnh khăn lụa lên thấm nước mắt.
- Bây giờ thì tôi không còn ước muốn gì hết ngoài tiền. Tôi muốn có tiền.
- Tiền? - Laura ngạc nhiên hỏi.
Sương ngước nhìn Laura với đôi mắt đen to:
- Tôi muốn sống một mình, dẹp nhà hoa, dẹp hết gái, dẹp tất cả. Chỉ một mình tôi sống trong nhà tôi, với những người giúp việc cũ, chỉ có thế. Nếu anh ấy không còn yêu thương tôi nữa thì hãy cho tôi một cái nhà để tôi sống một mình.
- Nhưng... Kim Christopher?
- Nếu không có tiền, tôi buộc lòng giữ nó lại để giúp tôi khai thác “nhà hoa”. Nếu có tiền, bà cứ việc mang nó theo.
Laura liền quyết định:
- Thế thì tôi sẽ mang nó đi.
Mặc dầu muốn ra về ngay, nhưng bà không thể nào rứt khỏi người thiếu phụ quá đẹp và quá cô đơn này. Trong một quốc gia khác vào một thời gian khác có thể tình bạn hữu sẽ nảy sinh giữa hai người. Cái gì đã ngăn cách họ, không phải chủng tộc cũng không phải ngôn ngữ, mà là những đảo lộn của chiến tranh và là mối tình mà cả hai đã hiến dâng cho cùng một người đàn ông.
Laura đặt tay lên vai Sương. Bà khẽ nói:
- Tôi thật tiếc... tiếc lắm.
Nhưng Sương tránh đi. Nàng nói với một giọng dửng dưng:
- Bà có phước, còn tôi thì không.
Và rồi, dường như không có việc gì xảy ra hết, dường như nàng chẳng biết đến việc sắp phải từ bỏ con mình, Sương nghiêng người soi vào gương và cẩn thận tô lại đôi môi tuyệt mỹ bằng thỏi son mua chợ đen, sản phẩm của bang PX Hoa Kỳ.
Laura phải thông báo cho Chris biết điều bà đã quyết định. Không nên để đứa trẻ ở lại đây. Phải đưa nó về Mỹ.

*

Tối hôm ấy, lại phòng riêng ở khách sạn, bà đã viết cho chồng:
“Mình ơi, chúng ta hãy khởi sự từng giai đoạn. Tương lai, em chẳng biết rồi sẽ ra sao, chẳng có gì rõ ràng hết. Vấn đề vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng điều em phải làm trước tiên là đưa đứa bé về Mỹ. Chẳng có gì giản dị hơn. Anh hãy gởi cho em một giấy thừa nhận phụ hệ. Sứ quán ta tại đây sẽ giúp em việc đó. Anh hãy khai rằng Kim Christopher là con của anh và của cô Sương rằng em là vợ của anh và anh muốn em đưa nó theo em về Mỹ. Chỉ có thế. Phần còn lại, em sẽ lo. Nếu anh gởi cho em tờ giấy nói trên ngay sau khi đọc thư này thì em có thể trở về nhà trong vòng một tuần nữa. Anh đến đón em tại Cựu Kim Sơn. Lẽ tự nhiên là em phải chi cho cô Sương một món tiền”.
Bà tả lại cho chồng bà biết cuộc tiến xúc với Sương. Cần phải gởi bao nhiêu tiền? Bà để ông quyết định. Nhưng cần nó rõ tổng số tiền phải trả và trả một lần mà thôi để đề phòng mọi sự khiếu nại khác. Năm ngàn đô la? Cho vay lấy lãi, số tiền này sẽ đủ cho Sương sống. Có thể là mười ngàn đô-la. Không, không nên xem như là một việc mua bán đứa con. Nhưng mà là để cung cấp phương tiện cho Sương thay vì số tiền sẽ do đứa bé kiếm được cho mẹ nó.
Laura viết:
“Cô Sương muốn có tiền, nhưng với một lý do rất ý nghĩa. Cô ấy muốn từ bỏ cách sinh sống hiện tại để lui về ẩn dật một mình. Em tự cảm thấy em có lỗi đối với cô ấy bởi vì em là vợ của mình và bởi vì em đã chiếm cái địa vị mà cô ta hằng mong ước. Em tin chắc rằng cô Sương yêu anh thật”.
Bà dừng bút và sau khi suy nghĩ lại, gạch bỏ dòng chữ cuối cùng. Không: bà không bao giờ biết rõ các tình tiết một cách chính xác và tốt hơn hết là không nên nhắc nhở gì nhiều cho Chris cả.

*

Sương thảo luận cùng ông Chu trong “Nhà Hoa”.
- Ông xem, tôi không thể nào tiếp tục như thế này được. - Nàng nói và với một cử chỉ duyên dáng, khoát tay chỉ căn phòng bài trí trang nhã và các đồ vật chưng diện thẩm mỹ chung quanh.
Ông Chu nghe nàng nói với một cảm tình hết sức sâu đậm. Ông hiểu rõ ràng đã cảm nghĩ như thế nào và đã sống ra sao. Trong mấy năm gần đây tiếng hát của nàng đã mất đi ít nhiều âm sắc êm ái và khuôn mặt kiều diễm của nàng cũng đã bắt đầu tàn phai. Nàng đã trở thành một ca sĩ hạng nhì và là một bà chủ chứa.
- Tôi hiểu lắm. - Ông nói.
Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu ông Chu, không phải là lần đầu tiên, thật vậy. Nếu Kim Sương đóng cửa “Nhà Hoa” và bắt đầu sống trở lại một cuộc sống khác, không phải là ông không thể cưới nàng làm vợ. Người ta cho rằng, một người vợ kế không bao giờ có thể bằng được người vợ trước. Vả lại, nàng là một nghệ sĩ nổi tiếng ít nhiều và là một người uy tín. Người ta có thể chỉ trích người Mỹ nhưng phải nhìn nhận các lợi ích do họ mang lại. Hơn nữa, nếu đứa trẻ ấy - dĩ nhiên là lai Mỹ - lên đường trở về Hoa Kỳ cùng cha nó, thì cuộc đời Sương sẽ không còn lại dấu vết nào về lỗi lầm của nàng trong thời xuân trẻ. Lúc bây giờ, ông có thể chính thức cưới nàng về làm vợ. Ông đưa tay che miệng khẽ ho.
- Tôi khuyên cô nên gởi thằng nhỏ về với cha nó. Thanh danh của nó vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Cô đã hết sức khéo léo giấu nó ở nhà cùng bà ngoại nó, khuất mắt thiên hạ. Theo tôi thì chắc chẳng có ai biết nó là con của cô.
- Thật vậy; nó chỉ mới đến đây có một lần và tôi đã xem nó như một người làm.
- À, ra thế. - Ông thở ra như trút được một gánh nặng - May thay, nó giống bố nó mà không giống cô. Người Mỹ thô tháp hơn nên những đứa trẻ lai luôn luôn giống bố nhiều hơn. Cô nên xa nó càng sớm càng tốt. Cô hãy chấp nhận những gì mà người ta đề nghị đền bồi cho cô, mặc dầu sự đền bồi ấy không thấm vào đâu so với những nỗi khổ đau mà cô đã chịu.
Ông đã mạo muội nhìn nàng với đôi mắt có vẻ trìu mến và tiếp:
- Tôi có những dự tính cho cô - và cho tôi. Những điều khả dĩ có thể thực hiện được. Cô phải quên đi đứa trẻ một khi nó đã ở bên kia bờ đại dương. Cô phải quên đi tất cả quá khứ của cuộc đời cô và chỉ nên nghĩ đến tương lai. Sương, cô cô độc quá! Tôi cũng thế!
Cảm thấy đã nói đủ những điều mình muốn nói, ông Chu bèn đứng dậy. Sương cũng đứng dậy theo. Nàng hiểu hết những lời bóng gió xa gần của ông Chu và rất lấy làm cảm kích, nhưng đồng thời nàng cũng cảm thấy buồn da diết. Nàng biết rõ, kể từ nay nàng sẽ mãi mãi mang nặng một mối sầu thương trong lòng. Con tim yếu mềm của nàng nhắc nhở cho nàng biết rằng, cho dầu ông Chu có đủ tư cách làm nàng kính phục, nhưng nàng sẽ không bao giờ có thể yêu ông.
Ngày xưa, nhiều năm về trước, một chàng trai người Mỹ đã đi vào cuộc đời của nàng biến nàng trở thành một người thiếu phụ, bây giờ nàng đành hy sinh cho mối tình ấy nên không thể yêu ai khác dẫu người đàn ông đó chẳng kém gì chàng về mọi phương diện.
Một điều hết sức trái ngược là nàng cứ hy vọng mãi ngày trở lại của chàng thanh niên ấy. Bây giờ đây nàng mới biết đó chỉ là những hy vọng hão huyền, vì chàng đã nhờ vợ chàng đến đây, một người vợ xinh đẹp, một sắc đẹp kỳ lạ, như bao phủ hào quang, một thứ sắc đẹp mà nàng phải công nhận và kính phục. Nàng đã không biết lấy vẻ diễm kiều và sự ngoan ngoãn của mình để giữ chàng thanh niên ấy. Chắc những người đàn ông Mỹ có tư tưởng độc lập, khó tính và chuyên đoán như thế, chỉ có thể yêu những người đàn bà có tính cách cương nghị như vậy. Chắc họ thích một mối tình ở trong sự bình đẳng tranh chấp hơn là một mối tình ở trong sự bình lặng êm hòa.
Sau những lời thuyết phục của ông Chu, Sương chẳng nói năng gì. Nàng đưa ông ra tận cửa. Ông Chu chào Sương và nàng cúi mình thật thấp để chào đáp lại.