Dịch giả: Đàm Xuân Cận
Chương 15

     arry Angeluzzi bắt đầu thấm mệt khi có đứa con thứ hai và Sở Hỏa xa chỉ cho làm việc ba ngày một tuần. Nó hiểu mình hơn, đỡ nhố nhăng vung vít. Mỗi lần đi đâu vợ dắt thằng lớn chồng bế thằng nhỏ, trông mất hết thớ người. Larry đi đến quyết định trọng đại, bỏ phứt tám năm thâm niên làm cho Sở Hỏa xa để cuộc đời nó đi vào khúc rẽ mới.
Tất cả bắt đầu vào một sáng xuống lò bánh mì mua ít bánh ngọt. Đêm trước nó bỏ sở nghỉ nhà. Guido, thằng con chủ lò bánh, mới tí tuổi đã để râu lún phún, cười toác miệng. Hai đứa có vẻ hợp rơ nhau lắm. Guido đã bỏ học để giúp việc trong lò bánh. Bỗng nhiên nó làm ra giọng người lớn:
- Larry, bồ muốn một công việc rất suya không?
- Có chớ.
- Thế thì vào đây với tớ.
Chúng kéo nhau vào phòng trong cùng. Ông chủ lò bánh đang ngồi nhâm nhi ly rượu anisette, nói chuyện với người khách cùng trạc tuổi ông, dân Ý chính hiệu nhưng ăn mặc theo kiểu Hoa Kỳ, chững chạc đàng hoàng, tóc húi cao, cà vạt xậm.
Guido lên tiếng:
- Larry, tớ muốn cậu gặp ông trùm Di Lucca, bạn nối khố cha tớ từ hồi còn bên Ý. Thưa ông Trùm, đây là bạn mà cháu đã nói với chú nhiều lần.
Larry phổng mũi hãnh diện. Nó cũng chẳng biết ông Trùm có phải là chú Guido thật không, có điều ông Trùm trông thật gồ ghề, dễ nể. Thằng Larry cười toe, cầm tay ông khách lắc lia lịa.
Ông chủ lò bánh rót thêm ly nữa.
- Ngồi đây làm một ly cháu.
- Cám ơn bác, cháu không quen.
Ông Di Lucca chăm chú nhìn nó, có vẻ khoái.
Guido mang cà phê, rót cho ông khách thêm mét ly rượu:
- Ba, có phải chú nói với ba rằng chú muốn kiếm một tay mới, đúng không chú? Larry cừ lắm chú, týp dân chơi chính hiệu...
Hai ông già cười thoải mái. Ông bố định mở miệng trách thằng con ăn nói quá tự do, nhưng ông chú đã giơ tay gạt đi. Ông nói bằng tiếng Ý:
- Thằng này khá chứ bác?
- Xài được.
Hai người uống rượu, đốt hai điếu xì gà De Nobili bự, thở khói phì phào. Ông Di Lucca chịu lắm rồi đó!
Larry không ngạc nhiên. Nó biết mình dễ ưa. Đàn ông đàn bà thấy nó là có cảm tình ngay.
Ông Di Lucca hỏi:
- Anh bạn muốn mần ăn với tôi không?
Trong giới giang hồ, câu này có nghĩa là anh bạn có kính nể tôi không, có chịu coi tôi là xếp không, một ông vía thứ hai, một bố già danh dự không? Nó cũng hiểu hấp tấp dại dột hỏi công việc ra sao, lương lậu thế nào, ở đâu, khi nào, có bảo đảm gì không, thì câu chuyện coi như bỏ đi luôn. Nó chỉ nói nhỏ, tuy chưa biết ất giáp gì hết trọi:
- Thật hân hạnh được ông thu dụng.
Ông Di Lucca vỗ tay ầm ĩ, mắt sáng như đèn pha xe hơi:
- Trời đất, thằng này chơi đúng điệu quá!
Guido cười sung sướng, ông chủ lò bánh cũng vui lây. Riêng Larry chỉ cười nụ.
Ông Di Lucca rút túi lấy ra một xấp bạc, đưa cho Larry ba tờ 20 đô:
- Đây là tiền lương tuần đầu. Sáng mai chú lại văn phòng tôi nhận việc. Mặc đồ đàng hoàng, mốt Hoa Kỳ như tôi, địa chỉ đây.
Ông Trùm ngả người trên ghế, rít một hơi xì gà.
Larry nhận tiền và danh thiếp. Nó lí nhí cảm ơn. Tiền này gấp mấy lương của nó ở Sở Hỏa xa.
Tất cả uống nước ngọt, và giờ đây Larry có thể hỏi về công việc. Ông Di Lucca cho biết Larry sẽ đi thâu tiền cho Nghiệp đoàn lò bánh mì, nó sẽ có một lãnh địa yên ôn dễ dàng, sau một thời gian làm việc đắc lực có thể được chuyển vùng và lãnh thêm công tác. Ông Trùm giải thích mọi chủ lò bánh phải đóng nguyệt liễm và tiền được che chở. Larry giữ sổ sách cho phân minh, tất nhiên dùng bí số, tránh sự dò xét của bạn dân, phải vận động khá năng thuyết phục tế nhị, vui vẻ với mọi người, tuyệt đối không đụng đến rượu trong giờ làm việc, cũng không được dính dáng đến bất cứ mụ đàn bà nào trong các lò bánh. Công việc khó nhọc, nhưng thù lao đàng hoàng. Ông Di Lucca nốc cạn ly rượu:
- Mười giờ sáng mai.
Ông Trùm hôn chủ lò bánh, vỗ má thằng Guido dúi cho nó một tờ giấy bạc.
- Làm việc đàng hoàng nghe cháu. Ba cháu dễ, nhưng đừng lờn mặt.
- Chú yên chí.
Ông Di Lucca nháy mắt:
- Lấy vợ thêm người giúp việc trong nhà đi cháu.
Thằng Guido tiễn chú ra cửa, chạy vào nhảy múa tưng bừng.
- Trúng số rồi đó Larry. Chỉ hai năm mày sẽ mua được nhà ở Long Island. Ông Trùm điệu lắm đúng không?
Ông bố nhâm nhi nốt ly rượu, trầm ngâm:
- Này cháu Lorenzo, từ nay cháu là người lớn thực sự.

*

Larry Angeluzzi sống rất ngăn nắp, giờ nào việc ấy, đâu vào đó. Nó ngủ muộn, ăn trưa tại nha, đi đảo quanh những lò bánh trong lãnh thổ mình phụ trách. Những chủ lò bánh Ý rất điệu, lần nào cũng bắt nó uống cà phê, dùng bánh ngọt, những chủ lò Ba Lan cũng khoái nó vì nó không uống rượu. Mấy em gái Ba Lan chịu nó ra mặt, cứ thấy bóng nó là xúm xít lấy da thịt kích dục...
Người Ý nộp tiền răng rắc. Họ đã sống ở thời mà muốn nhờ mấy đấng nhà tu đọc giùm lá thư phải biếu chục trứng, muốn hỏi ông hội đồng xã cách làm giấy tờ là mất vò rượu mới xong. Mấy cha Ba Lan cũng chịu chi, tuy không mấy hăng hái. Chỉ có mấy cha dân Đức là lộn xộn.
Cũng chẳng phải họ tiếc tiền đâu, nhưng nó có linh tính mấy cha không muốn đưa tiền cho một thằng trẻ như nó. Mỗi lần tới, mấy cha dúi tiền rồi đi thót vào nhà trong, chẳng cà phê bánh trái hay trò chuyện gì hết. Thôi cũng được đi, nốc cà phê thiên hạ đầy bụng rồi, có điều hơi buồn vì thái độ mấy cha coi nó là thằng ăn cướp không bằng.
Nhưng chỉ có một trường hợp bất trị là lão chủ lò bánh người Đức. Hắn giàu sụ, bánh mì ngon nhất, khách hàng chiếu cố kỹ nhất, thế nhưng nhất định không xì ra đồng nào cả. Khi Larry báo cáo, ông Trùm Di Lucca rùn vai.
- Ráng nói ngọt với hắn ta một hai tháng. Lúc đó mà chưa được thì cho tao hay.
Một bữa, thằng Larry lẩn quẩn ở mấy lò bánh hơi lâu. Nó sợ phải ghé lò của lão Hooperman. Thằng chả người lùn tịt, mập ú, đầu lơ thơ mấy sợi tóc, coi Larry như pha. Nó đứng chờ mãi không thấy gì đành bỏ tiền túi ra mua ít bánh để tỏ thiện chí, cũng để cho Hooperman có dịp thương thảo. Nhưng thằng chả tỉnh bơ mới đau! Cho tới giờ này công việc thật dễ xơi, làm chơi mà ăn thiệt. Trong thâm tâm Larry cũng hiểu tất có ngày phải gặp trở ngại, bắt đầu là cái thằng Hooperman đầu bò đầu bướu này đây. Nó biết đã tới lúc phải moi tiền thằng cha cho bằng được. Để khỏi mất tín nhiệm với ông Trùm, Larry đã phải moi tiền túi trám vào phần đóng góp của Hooperman cũng cho là tạm được đi, nhưng rồi, có thêm hai cha chủ lò bánh Đức giở thói chạy làng. Chúng nham nhở hẹn Larry tuần tới. Larry bắt đầu lo lắng vì biết có rắc rối, không khéo phải trở lại nghề cũ bên hỏa xa mất.
Nó bước tới bước lui qua cửa tiệm Hooperman gần ngã tư. Ngay ngã tư quận cảnh sát. Ồ thảo nào thằng chó đẻ làm mặt bảnh. Nó ở gần mấy bố cảnh sát mà. Larry lầm lũi đi, nghĩ cách gỡ rối. Nếu không moi được tiền Hooperman được thì kể như hỏng to. Nó định chờ đến lúc còn có một mình Hooperman để bảo hắn, ông Trùm Di Lucca sẽ đích thân tới gặp đấy. Nhưng nó giật bắn người, ngộ nhỡ ông Trùm lánh mặt sai nó đi thì sao? Có lẽ chỉ còn có cách dọa nạt thằng chả, mà nếu không xong thì đánh nước bài chuồn. Một tên găng tơ? Octavia sẽ cười ré lên. Có thể biết chuyện, má sẽ rút roi rượt nó chạy có cờ. Kẹt cứng rồi!
Nó thu hết can đảm bước vào tiệm Hooperman. Đứa con gái đứng sau tủ bánh gật đầu chào, nhưng Larry không để ý. Nó lầm lũi đi thẳng vào trong. Hooperman đang nói với hai lão chủ lò bánh mới chơi Larry một cú sáng nay. Hình như bọn chúng đang nhậu lave, trên bàn có cả bình lave lớn với ba cái ly bự.
Vừa thấy Larry, ba cha nội phá lên cười hô hố. Chính vẻ vô tư trong giọng cười làm Larry chết điếng. Larry biết họ cho là con nít, sẽ chẳng bắt Hooperman đóng tiền được, bởi nó chỉ là thằng nhỏ học đòi làm người lớn.
Hooperman cố nén cười:
- Ồ, ơ kìa ông thâu tiền. Ông muốn bao nhiêu ông, mười đô, hai mươi đô, năm mươi đô? Được, tôi sẵn sàng.
Hắn đứng dậy, tốc hết tiền trong túi ra đặt trên bàn.
Larry muốn cười gượng nhưng không được. Nó ráng hết sức bình tĩnh.
- Ông chủ không cần trả tiền cho tôi. Tôi chỉ tới để thông báo ông chủ không còn ở trong nghiệp đoàn nữa. Thế thôi.
Hai người khách ngưng cười, nhưng Hooperman nhảy nhổm như ngồi phải lửa.
- Tiên sư cha cả lò cả lũ cái nghiệp đoàn nhà mày. Ông có bao giờ ở cái nghiệp đoàn chó đẻ ấy đâu? Ông không bao giờ dây với hủi.
Larry cố gắng lần chót.
- Tôi trả tiền nguyệt liễm của ông chủ. Tôi không muốn ông chủ gặp rắc rối. Ông chủ làm bánh ngon lắm.
Chạm nọc, Hooperman dí tay vào mặt Larry:
- Thằng ăn cướp! Mày dọa ông không xong mày lại muốn dụ ngon dụ ngọt ông đấy phỏng? Tại sao mày không chịu làm việc như ông? Tại sao mày muốn ăn không công lao mồ hôi nước mắt của ông? Ông làm việc quần quật mười hai giờ, mười bốn giờ một ngày và ông phải cho tiền mày sao? Còn khuya mày ơi. Cút đi cho khuất mắt.
Larry quá kinh ngạc, không biết xử trí ra sao, đành quay ra. Bị choáng váng nhưng ráng làm bộ tỉnh bơ để chứng tỏ mình chưa sợ. Nó dừng lại bảo đứa con gái bán cho mình một ổ bánh mì và thỏi phô-mai, bỗng có tiếng gầm lên từ sau.
- Không bán chác gì cho thằng khốn này cả.
Hooperman nhảy bổ ra:
- Cút ngay lập tức không ông dộng thấy mẹ bây giờ.
Larry chết điếng người. Lão chủ lò bánh nhào tới nắm tay Larry. Larry bình tĩnh vươn tay trái nắm cứng tay phải lão, đồng thời phóng ra một thoi phải ngay mặt địch thủ. Cái đầu ngất ngư bật về phía sau như một quả banh, rồi nẩy ngược lại, lãnh nguyên một cú nữa.
Mặt lão méo sệch. Cái mũi cà chua bẹp dí, máu tuôn ri rỉ. Đôi môi dập bép, gãy mất hai chiếc răng cửa.
Thấy máu, lão chú lò bánh xanh mặt, lão chạy ra ngăn Larry và cái cửa, gọi lớn:
- Gọi cảnh sát mau. Thằng nhỏ giết tao.
Đứa con gái chạy trước, hai lão hàng bánh bánh mì theo sau. Còn lại một mình Hooperman, trông thật thảm. Hắn dang tay nhào đến Larry, như một võ sĩ kiệt sức ráng bám vào con mồi. Larry gỡ tay hắn ra. Vì nó không thể đánh lão già thêm. Hiểu ngay là nó vừa làm ô danh gia đình, và sẽ vào tù... Cảnh sát ập tới.
Hai viên cảnh sát tư pháp dẫn Larry vào phòng nhỏ. Một người hỏi:
- Có gì xảy ra thế này?
- Tôi muốn mua ổ bánh và ông chủ ném nguyên ổ bánh vào mặt tôi. Các ông cứ hỏi cô gái trong tiệm thì biết.
- Mày cho lão đo ván?
Larry nói gọn:
- Không.
Một viên cảnh sát khác ló đầu vào:
- Này, bồ. Xếp nói thằng nhỏ thu tiền cho Di Lucca.
Lập tức viên cảnh sát vừa hỏi Larry đứng dậy ra khỏi phòng. Năm phút sau hắn quay lại, điềm nhiên đốt thuốc hút. Hắn không hỏi Larry thêm câu nào nữa. Tất cả chờ đợi.
Larry rầu rĩ. Nó nghĩ báo chí đăng tin ầm ĩ. Má nó sẽ lồng lộn, vì nó đã phạm tội và sẽ phải ngồi tù. Ai cũng phỉ nhổ nó. Buồn nhất, nó đã gây liên lụy cho ông trùm Di Lucca.
Viên cảnh sát ngó đồng hồ, ra khỏi phòng rồi mấy phút sau trở lại. Hắn xoa tay:
- Xong rồi, nhỏ. Mày được trả tự do.
Larry không còn hiểu trời đất gì nữa. Viên cảnh sát nói tiếp:
- Ông Trùm đang đợi mày.
Viên cảnh sát mở cửa cho Larry. Vừa bước ra, nó đã thấy ông Di Lucca đứng đó. Ông bắt tay viên cảnh sát cảm ơn. Rồi ông nắm tay Larry dẫn nó ra chiếc xe đang chờ sẵn. Tài xế của ông là bạn học của Larry, nhưng đã lâu lắm không gặp. Nó và ông Di Lucca ngồi ở băng sau.
Thật không ngờ. Ông Di Lucca nắm tay nó, nói bằng tiếng Ý: “Hoan hô. Chú em thật tuyệt. Tao có thấy mặt thằng chó để đó nát bấy hết. Chú em đấm hết sẩy. Lorenzo, khi họ bảo tao, chú em đập nó vì nó không chịu bán bánh, tao sướng như điên”.

*

Chiếc xe hơi bóng lộn chạy phom phom từ Đại lộ Thứ Mười xuống trung tâm thành phố. Larry ngó ra sân hỏa xa. Gần như nó đang biến đổi từ phút một, từ giọt máu, từ sớ thịt thành người khác. Nó sẽ không bao giờ trở lại làm việc trên cái sân ga hôi rình ấy nữa. Nó cũng chẳng bao giờ run sợ như trong phòng thẩm vấn. Pháp luật hoàn toàn sụp đổ trước mắt nó, sau cái bắt tay giữa ông Di Lucca và viên cảnh sát tư pháp, vừa đập bể mặt thiên hạ xong, lại được ra về thơ thới hân hoan, mường tượng lại gương mặt đẫm máu nát bấy của lão chủ lò bánh mì. Larry thấy buồn nôn. Nó phải nói thật:
- Thưa ông Trùm, tôi không thể đánh đập thiên hạ ăn tiền. Tôi có thể đi thu nhưng tôi không phải là tên găng tơ.
Ông Trùm vỗ vai nó an úi:
- Tôi hiểu chú em. Ai mà làm những chuyện này cho vui? Tôi, phải là găng tơ đâu? Tôi không có con gái, cháu nội cháu ngoại sao? Há tôi không phải là cha đỡ đầu cho con các bạn tôi sao? Nhưng tôi chắc chú em không biết sinh ra đời bên Ý khổ cực đến mức nào không đã? Mình chẳng khác gì con chó cào đất kiếm miếng xương gậm sống qua ngày. Mình biếu trứng ông cha để ông lo phần linh hồn, lỡ có việc gặp ông hội đồng xã cũng phải thủ chai rượu mới xong. Khi ông điền chủ về quê nghỉ mát, con gái tá điền phải bảo nhau đến hầu hạ ông, sai gì làm nấy. Và rồi phép lạ là đất Mỹ tiền rừng bạc bể. Chú em sống ở đây là may lắm đó.
Bên Ý, điền chủ là Trời, còn mình là đồ bỏ. Nếu tôi lấy của điền chủ một trái ô liu, hay một củ cà rốt, hay lạy Chúa, một ổ bánh mì, mà muốn khỏi nát xương chỉ có cách bỏ xứ mà đi, qua Phi châu, hay đâu đó tùy ý. Nhưng ở đây chú em thấy dễ chịu hơn một trời một vực. Ở đây chú em có quyền tự mình định đoạt tương lai mình. Nhưng chú phải chi tiền.
Thằng cha người Đức kỳ khôi này muốn làm bánh, bán bánh lấy tiền nuôi vợ con cho mập, mà không trả tiền à? Đâu có được? Sống ở đời khó lắm chú em. Hắn có quyền gì mà nướng bánh ở chỗ đó? Ai cho phép hắn? Luật pháp ư? Người nghèo trông mong vào luật pháp có ngày mất mạng. Chỉ trông vào luật pháp thì dân thường chắc chết hết không còn một mống. Chỉ còn lại bọn nhiều tiền đống bạc mà thôi.
Chú em thương hại cha chủ lò bánh ư? Đừng nhé! Chú em đã thấy tận mắt cảnh sát đâu có rớ đến sợi lông chân chú em đâu? Chú em là bạn ta, nhưng còn thằng cha chủ lò bánh mì, có bao giờ nó chịu giao thiệp với ai đâu? Có ai ăn nổi của nó gì không? Chú em có ưa mặt thằng như vậy không?
Ông Di Lucca ngưng nói, mặt có vẻ ghê tởm thật sự:
- Nó tưởng nó làm việc cần cù, lương thiện, không phạm luật, là được yên thân sao? Bây giờ chú em nghe đây. Chú em hãy nghĩ đến chính mình. Chú em đã chịu khó chịu cực, chú em lương thiện, chưa bao giờ phạm luật phải không?
Nhưng không có việc, không ai tới đưa tiền cho chú em vì chú em lương thiện. Chú em không phạm luật, không ai bỏ tù chú em được. Tốt lắm, nhưng vợ con chú em có no cơm ấm áo không?
Vậy thì những người như bọn chúng ta đây biết làm nghề ngỗng gì mà sống? Chúng ta chặc lưỡi tốt, không có việc, không có lương. Chúng ta không thể phạm pháp, và chúng ta không ăn tiền và chúng ta lương thiện, vậy thì tất cả chúng ta chết đói. Tôi, con tôi, vợ tôi, phải không?
Ông Trùm chờ Larry bật cười.
Larry chăm chú nhìn, ông trùm nói tiếp:
- Không phải lúc nào chú em cũng phải dùng trái đấm. Chỉ khi nào gặp trường hợp bất khả kháng. Chú em đồng ý chưa? Vẫn làm việc cho tôi chứ? Một trăm đô la một tuần và một lãnh thổ trách nhiệm mầu mỡ hơn. Đồng ý chứ?
- Cảm ơn ông Trùm. Tôi bằng lòng.
- Nhớ không trả tiền thế cho bất cứ thằng nào hết.
Larry cười rất tươi.
- Dạ, không trả.
Sau khi thầy trò làm một bữa bù khú say sưa, ông Trùm cho xe thả Larry xuống Đại lộ Thứ Mười. Larry thả bộ dọc nhà ga một lát. Nó biết ở đời không thể cứ tử tế được mãi, và cũng không trông cậy vào bất cứ lòng tốt của ai mãi được! Phải bốp chát mới xong. Điều làm cho nó áy náy là thiên hạ rất chịu kẻ nào dám tỏ ra tàn ác. Vì dám đập bể mặt thằng cha chủ lò bánh, nó được ông Trùm tin cẩn. Nó sẽ kiếm tiền như nước, vợ con nó song giàu sang như vợ con nhà triệu phú. Nó sẽ giúp má nó, anh chị em nó. Nhưng phải nhận nó đập thằng cha chủ lò bánh vì bị khiêu khích quá lố, chứ không phải vì tiền.