Chương X
Bệnh với thuốc

     ệnh Nga càng ngày càng nặng.
Suốt ngày, Nga lảm nhảm hát hổng, khóc lóc, mà càng hay nhắc đến tên Chi quá. Lúc thì gọi Chi, lúc thì nói một mình như đang chuyện trò với Chi, lúc thì chạy vào góc tường tìm Chi, nhưng có lúc lại réo tên Chi ra chửi mãi.
Bà Phủ muốn thăm con, chỉ dám đứng ngoài dòm vào. Hễ thấy Nga nằm yên, hiền lành, thì còn nhìn lâu. Nhưng gặp khi Nga làm hăng, thì bà lẩn mặt không dám cho nàng trông thấy. Vì hễ thoáng thấy bà, là Nga gọi, có khi gọi bằng chị, có khi gọi bằng con kia, có khi gọi bằng bà lớn.
Công việc trông nom săn sóc Nga, bà Phủ giao cho một con vú. Cũng may được con vú trung thành, chịu khó, lại khỏe mạnh, can đảm, nên nó chẳng quản ngại, nó vẫn quét tước, dỗ dành, dọa nạt, có khi phải đè ngửa Nga ra mà đổ thuốc vào mồm.
Đối với con vú ấy, Nga vừa ghét vừa thù, vừa sợ. Nga sợ nó, có lẽ vì nó bắt uống thuốc. Hễ nó vào, Nga len lét nhìn xem tay nó có mang thuốc hay không. Nếu có, Nga kêu rầm lên giãy giụa như người phải đòn, hoặc chạy trốn như người muốn thoát nạn. Có khi Nga ngoan ngoãn để lừa nó, rồi cầm chén thuốc, hắt toẹt đi. Chỉ có nó là Nga chưa dám chửi lần nào, vì nó dọa hễ chửi thì nó vả vỡ miệng, và bắt uống thuốc.
Đã lâu, Nga không mặc quần áo. Vì quần áo nào chịu được. Đầy người, bẩn lấm như ma lem. Thế mà con vú ấy vẫn phải lau chùi cho Nga, mỗi ngày một lần, không hề kêu ca than thở.
Trông Nga hốc hác quá. Thân thể gầy hẳn đi. Xương gò má và xương vai giô hẳn lên. Cổ tay khẳng khiu, như cái ống nứa.
Cha mẹ họ hàng ai cũng phải đau xót. Khốn nạn, một vị tiểu thư, mơn mởn, nõn nà, vui tươi, lộng lẫy, mà trong hơn một tháng trời, thành một con vật nhơ bẩn, ai cũng phải tởm, ai cũng phải ghê, xấu như con lợn sề, dữ như con chó đẻ, bẩn như con bọ hung.
Con vú mỗi khi vào thăm Nga lại lên kể cho ông Tham nghe, ông Tham phải biên lời nói vào cuốn sổ tay, để nói lại với bác sĩ.
Ngày nào cũng nắng. Nóng quá. Mà càng nắng càng nóng, Nga càng điên, càng cuồng. Cả nhà ai cũng khấn trời cho mưa để thời tiết êm dịu một chút. Nhưng mà vô ích, ban ngày ánh nắng như thiêu đốt, mà ban tối, vầng sao vằng vặc, còn như dọa cái nóng cháy hôm sau.
Ông Phủ vẫn luôn luôn có mật tại Hà Nội, rỗi thì hai ba hôm một lên, bận thì dăm sáu hôm một lần. Đã có bà Phủ và vợ chồng ông Tham săn sóc cho Nga, nên ông cũng yên dạ. Và ông buồn bã, chán ngán. Không thăm con thì bụng áy náy chẳng yên, mà mỗi bận nhìn con, ông đứt từng khúc ruột. Nhất là từ hôm ông nghe Đốc tờ khuyên bảo mấy câu, ông thấy như bị một câu chửi nhục nhã.
Ngày hôm ấy, ông giận quá. Nếu bác sĩ không phải người Pháp, có lẽ ông đã nổi lôi đình rồi. Nên khi bước chân lên xe về Phủ, ông còn dặn ông Tham:
- Anh nể chú thì anh cho mời Đốc tờ, nhưng chú đừng theo thuốc Tây một tí nào nhé. Chúng nó chữa nhảm quá.
Thấy ông Tham dậm dạ cho xong chuyện, ông hiểu ý ngay, nên ông nói dỗi, vì biết rằng lời nói dỗi có công hiệu hơn lời gắt:
- Nếu chú không nghe anh, thì thà chú cầm dao đâm ngay vào cổ anh chị trước, rồi hãy giết cháu.
Nhưng lời nói dỗi, hoặc lời gắt đối với ông Tham, cũng có giá trị như nhau, nghĩa là cũng không công hiệu tí nào.
Ông Tham rất quả quyết. Vả ông hiểu bệnh tình của Nga hơn hết, nên ông rất tin lời có lý của thầy thuốc. Song, ông chỉ dám nói thực với chị, chứ vẫn phải giấu anh. Động nghe tiếng xe ông Phủ đến nơi, ông phải cất hết thuốc Tây, và để một thang thuốc ta sẵn ở bàn làm chứng.
Đã có lần, ông thất vọng, bảo nhỏ với vợ:
- Cháu Nga không khéo thì nguy. Mà nó có đến nỗi nào, chỉ là nó bị nạn về dòng dõi.
- Tại làm sao?
- Bệnh này, giá vào con nhà bình thường, thì cách chữa rất giản tiện. Hoặc giả cháu Nga là con mình, thì có hy vọng khỏi. Ngặt vì anh chị quá cổ, nên khó lòng lắm. Thật sinh trưởng vào thế gia, cũng là một cái lụy.
- Cậu nói vậy là ý thế nào?
- Tôi đã rõ hết cả chuyện con Nga, mà tôi không dám nói với anh chị, sợ anh chị mắng sao để cho nó thế. Cái hôm thằng Chi nó đến đây, tôi hiểu ngay, tôi khéo hỏi nên con Nga thú thực cả. Rồi đến ngay ngày chủ nhật sau, tôi thấy con Nga thơ thẩn, có ý chờ đợi. Tôi chắc rằng nó viết giấy hẹn thằng Chi đến, mà thằng Chi sợ không dám đến. Từ ngày ấy đến hôm con Nga bị bệnh, tôi không hề thấy thằng Chi đến đây. Tôi quyết chúng nó hẹn gặp nhau một chỗ nào đó, vì tôi nhận thấy con Nga ở trường không năng ra nữa.
- Cháu bảo bận học mà!
Ông Tham mím cười:
- Yên tôi nói cho mà nghe.
- Hay là nó ăn phái bùa mê.
- Bùa mê gì! Ái tình là thứ bùa mè mầu nhiệm nhất. Ta cứ tin nhảm cho là bùa mê, nhưng chắc gì có. Tôi không tin như thế. Vì tôi đoán là chuyện ái tình, nên ít lâu nay tôi đi hỏi dò, mới biết rằng lần đầu tiên, chúng nó hẹn nhau ở sau nhà hát Tây.
Bà Tham cau mặt, có ý gắt:
- Sao cậu không ngăn cháu, để xảy ra cho nó thế này, có phải mình cùng có tội không?
- Tôi không biết trước đâu. Nguyên con Nga nhà này thì có bụng tốt, muốn giúp thằng Chi. Con Nga có tính trung hậu thương người thế nào, ai mà chẳng biết, cho nên lúc mới đầu, tuy tôi hiểu ý mà tôi không muốn làm mất cái tính tốt của nó. Vả đời này, con gái có học, đều có ít nhiều tư tưởng bình đẳng, tự do, bác ái, bậc cha chú không thể ngăn cản được. Có tư tưởng ấy là tốt, chứ không phải xấu. Mà sở dĩ tôi mặc kệ nó vì tôi tin ở cái giáo dục của nhà ta. Thật đấy, từ trước đến sau, con Nga vẫn là đứa có giáo dục. Nhưng ngặt vì thằng Chi lại là con nhà hèn mọn quá, nên thấy con Nga tốt bụng, lại không dám hưởng. Cái lần chúng nó gặp nhau ở sau nhà hát Tây, thì chính thằng Chi lãnh đạm không muốn gặp gở con Nga nữa. Nhưng vì thế con Nga càng thương nó. Rồi hỏi dò, biết thằng Chi cũng là một người khá, có nhiều đức tính, nên thường con Nga nói chuyện với chị em bạn, ca tụng thằng Chi. Có một lần, con Nga lên tìm tận chỗ thằng Chi trọ học. Nhưng không thấy. Vì những điều thất vọng ấy, con Nga nghĩ ngợi, sinh ra ngây dại. Rồi càng ngày, hỏi dò thêm, nó càng thấy thằng Chi là người thật hoàn toàn, chỉ vì sa vào cảnh nghèo quẩn nên mới phải đối với nó một cách rụt rè như thế, nó càng đâm ra thương thằng Chi. Nó mơ màng được người chồng như thằng Chi. Nó nghĩ đến cảnh nhà ta đời đời quan sang, giầu có, tất không thể nào ai lại phá cái nếp nhà mà nhận lấy thằng Chi là rể. Nhất là anh chị Phủ, không đời nào lại cho nó lấy thằng Chi, nên nó càng tuyệt vọng. Tuyệt vọng bao nhiêu nó đau đớn bấy nhiêu. Một độ, thấy nó hỏi tôi mấy câu, tôi đã ngờ ngợ. Chứ nếu nó kể rõ tâm sự cho tôi nghe, có lẽ tôi giảng giải, nó cũng đỡ nghĩ ngợi để khỏi đau đớn ngấm ngầm.
- Giá tôi biết thì hơn, vì Nga nó sợ cậu, không dám nói.
- Phải.
- Sao cậu biết rõ đầu đuôi thế?
- Tôi đi hỏi, rồi khớp lại những câu người ta nói thì thành ra câu chuyện nó đi như thế. Vậy thì con Nga trước kia, chỉ cảm thằng Chi. Sau nó thương thằng Chi. Rồi càng thất vọng, nó càng nghĩ đến ái tình. Mà nó nuôi trong óc một thứ ái tình mơ mộng quá, nên từ khi điên, nó nhắc đến tên thằng Chi luôn.
- Thế cậu có nói với Đốc tờ những chỗ hóc hách ấy không?
- Có.
- Vì vậy ông ấy mới bảo anh chị thế, phải không?
- Đó là ông ấy nói ý. Chứ ông ấy nói rõ với tôi rằng nên gọi thằng Chi đến thăm con Nga. Bệnh con Nga là bệnh uất vì tình, thì phải lấy ái tình mà chữa.
- Rồi phải cho hai đứa lấy nhau à?
- Thì có làm sao? Thằng Chi cũng là người chứ là gì?
- Nhưng mà...
- Đàn bà hay cố chấp gàn dớ.
- Không phải. Lấy nhau cũng được. Rồi nếu nó được học, sau này có chả nên ông nọ ông kia hay sao. Nhưng giá khi nó thành đạt rồi, hãy cưới, chứ bây giờ mà cưới thì nghe nó thế nào ấy.
Ông Tham phì cười, lắc đầu:
- An Nam mình lấy nhau, không phải về tinh thần. Phần nhiều trai gái thì trông ông bà ông vải, hoặc tiền của mà lấy nhau. Thì ra chẳng phải hai người lấy nhau. Chỉ là cái phú quý nó kết hôn với nhau mà thôi!
- Cậu định cho thằng Chi đến thăm con Nga à?
Ông Tham gật đầu:
- Tôi rất bằng lòng nhưng tôi không dám toàn quyền. Anh chị thật hết lòng với con. Lúc thường, đối với con thì nưng như nưng trứng, hứng như hứng hoa. Nó hơi nhức đầu, xổ mùi, là đã điên cuồng, chạy nhao lên về thuốc. Độ này, anh chị lo lắng mất ăn mất ngủ, trông thật ái ngại. Nhất là anh, già sọm hẳn đi. Bao nhiêu tiền thuốc thang, anh chị cũng không quản. Người ta mách thứ gì, anh chị cũng tìm cho kỳ được. Thấy đền phủ nào thiêng, chị cũng đến tận nơi để lễ bái, thành kính kêu cầu. Nhưng vô ích cả. Có bệnh thì phải uống thuốc. Mà con Nga không chịu uống, thì có mà trời chữa. Cho nên tôi tưởng cứ thằng Chi vào thăm, dỗ dành cho uống thuốc, tự khắc nó khỏi dần. Chính Đốc tờ người ta bảo rằng chỉ cần cho thằng Chi đi lại nói chuyện nói trò, tự khắc hay bằng trăm bằng nghìn thuốc. Nghĩa là con Nga đưực giải uất, khắc khỏi.
- Nhưng nó điên, biết nó có nhận ra thằng Chi, và chịu chuyện chăng?
- Có nhiều thứ điên. Nguyên nhân bệnh điên của con Nga là thế, thì thuốc đấy, mất đồng xu nào?
- Sao cậu không nói rõ đầu đuôi với anh chị để cho anh chị biết sự cho thằng Chi đi lại là cần.
Ông Tham thở dài, nghĩ ngợi nói:
- Cứ ý tôi, thì sau khi nó khỏi, anh chị nên gả phắt nó cho thằng Chi. Hai đứa yêu nhau, đó là một điều chính trong việc cưới xin. Và thằng Chi mà có công làm cho con Nga khỏi, thì nó đáng được lấy con Nga lắm.
- Thì hãy đến lúc khỏi cái đã, còn như lấy nhau hay không, là tùy ý hai đứa.
- Nhưng tất hai đứa phải lấy nhau, vì chúng nó yêu nhau. Đốc tờ họ có đoán bệnh mập mờ đâu.
- Sao?
- Đốc tờ bảo nên cho thằng Chi vào thăm con Nga luôn, mặc kệ cho chúng nó khuyên bảo chuyện trò cùng nhau. Đừng ai để ý đến. Chúng nó muốn làm gì thì làm, miễn là khỏi được bệnh.
Bà Tham phát vào lưng chồng cười, đỏ mặt:
- Khỉ! Ai lại thế.
Ông Tham vẫn nghiêm trang, đáp:
- Thật đấy. Chính thế mới có lẽ.
Bà Tham buồn rầu, nói:
- Nhưng mà con Nga biết gì là lẽ phải, là ái tình nữa!
- Vậy thì trong một ngày, mợ không thấy thỉnh thoảng nó yên mồm, yên chân tay trong ít lâu là gì. Vả lại cũng có khi nó ăn nói những câu khôn đáo để. Thế thì thằng Chi dỗ dành nó, can ngăn nó, hoặc làm gì, bảo gì chẳng có lúc nó nghe hiểu.
- Thế thì phải nói thực với thằng Chi như thế à?
- Ừ, cứ bảo: nó là vợ anh, anh được phép dỗ dành, khuyên bảo, can ngăn nó.
- Thế thì khỉ lắm nhỉ!
Ông Tham cau mặt:
- Bệnh nào thì thuốc ấy, chứ cứ nề hà, sợ sệt thì có khi con Nga chết oan, không biết chừng.
- Nhưng mà người ngoài cười cho thối óc.
- Sợ người cười chẳng hơn để mình khóc vì nó chết. Một mạng người chứ chơi à? Ấy, cái lụy thế gia là thế đó. Nhà thế gia bắt buộc phải theo luân lý. Mà tôi đã nói với anh, luân lý không phải là cái luật của tạo hóa, chỉ là cái của người xưa đặt ra mà thôi. Cho nên có khi luân lý không hợp thời và hợp chỗ, có khi luân lý làm hại người ta. Đến ngay như cái luật của tạo hóa, mà khi cần, người ta còn phải thắng, phải trái, huống hồ là luân lý.
Bà Tham nghĩ ngợi, nói:
- Nếu vậy Đốc tờ người ta bảo phải đấy. Chỉ có thằng Chi là giải được uất cho con Nga, chỉ có thằng Chi là cho con Nga uống thuốc được. Khốn nạn thân nó, từ ngày ốm, nhà mình tốn kém bao nhiêu mà nó chẳng được uống một hụm thuốc nào. Vì nó cứ nhổ đi mất cả. Ốm mà không có thuốc thì còn gì là người. Mà nhân thế bệnh lại càng nặng. Mà sự để cho hai đứa gặp gỡ nhau lại là vị thuốc thần hiệu nhất. Vậy cậu nên bẩm với anh Phủ, để anh hiểu mà cứu cháu.
Ông Tham trợn mắt, lè lưỡi, nói:
- Khó lắm? Ông ấy hủ lắm, biết có nghe ra không?
- Đến tôi là đàn bà, còn nghe ra, nữa là.
- Nhưng nhà nho còn câu nệ bằng trăm, bằng nghìn đàn bà ấy. Lại còn tự phụ nữa. Có khi cũng tin, cũng chịu, nhưng nhất định không làm. Nhất là xui làm những điều trái với cổ tục thì càng khó.
- Hay là để tôi nói với chị?
Ông Tham ngẫm nghĩ, đáp:
- Chị Phủ là đàn bà, giá nói khéo để gợi lòng mẹ thương con, thì may cũng có thể được. Song chị còn có tư tưởng phân biệt giai cấp bằng mười anh. Thì khó lòng cho chị tin theo. Khỏi thì muốn khỏi, nhưng đời nào chị chịu cho thằng Chi lấy con Nga. Rồi chị cứ hứa với nó và nếu không giữ lời, thì mang tiếng mình lừa.
Bà Tham thở dài:
- Bây giờ tôi mới thấy cái phiền phức của nhà đại gia.
Ông Tham cười:
- Vì con Nga đã thấy thế, mà biết thế không thể nào thoát ly ra được khỏi vòng lễ giáo của nhà đại gia, nên nó mới thành ra một nạn nhân. Mà bây giờ muốn nó khỏi, mình cần phải phá toang cái lễ giáo ấy đi.
- Tôi chỉ sợ lúc cậu nói ra, anh Phủ mắng về tội sao được để con Nga như thế, mà không ngăn nó.
- Ngăn sao được tư tưởng người ta. Vả nó định làm cái gì mà giấu, thì ai có thể biết được. Nhất là những bậc cha chú càng không thể biết những điều của con cháu định làm. Có khi chúng nó bàn bạc với người thân, mà không ai dám nói đến tai mình cả.
- Vậy cậu nên lựa lời, để nói với anh chị.
- Được, đến chủ nhật này.