Chương XII
Một chút hy vọng

     hi y lời đã hẹn với ông Tham, đến thăm Nga. Nói chuyện qua loa một lúc, Chi theo ông Tham vào nhà trong, bẽn lẽn, cảm động.
Cửa buồng mở ra, Chi thoạt thấy Nga, bỗng lạnh hẳn người, nước mắt như muốn ứa trào ra. Thật là không ngờ. Nga gầy còm quá, thân hình chẳng khác gì con ma đói. Nga mặc cái quần thâm và khoác cái khố tải mới. Những thức ấy, ông Tham vừa bảo vú bắt Nga che thân cho đỡ lõa lồ.
Đưa Chi đến cửa rồi, ông Tham lên nhà ngồi chờ.
Trống ngực Chi nổi lên. Nhưng Chi cố giữ hết can đảm. Lúc bấy giờ Chi chỉ có mục đích cứu một người con gái, người con gái khốn nạn hơn mình, có lẽ vì yêu mình quá mà phát điên, nên chàng không kỳ quản gì hết, dù đã đoán trước thế nào cũng bị hoặc đánh, hoặc xé, hoặc chửi.
Chi đứng lặng nhìn Nga đương lúi húi cắm cổ ngắm vuốt cái diềm khố tải. Khe khẽ, Chi đóng cửa lại, rồi cất giọng run run gọi thử:
- Cô Nga! Nga!
Nga thấy tiếng người, ngẩng mặt nhìn Chi bằng đôi mắt ngây dại. Chi lại nghẹn ngào, hỏi:
- Cô Nga, cô có biết tôi là ai không?
Nhìn Chi một lúc, Nga như chẳng biết gì, lại cúi đầu, điềm nhiên vê cái diềm khố tải. Thấy vậy Chi thương hại vô cùng. Nghĩ một lúc, Chi xưng danh:
- Cô Nga! Chi đây mà!
Nga ngẩng đầu nhìn, rồi mặc kệ, lại cúi xuống như trước.
Chi yên lặng tiến đến gần. Bỗng một tiếng cười khanh khách. Chi giật mình đánh thót, ù té chạy. Nhưng Nga đã giơ cái khố tải lên, và khoe:
- Này, cái áo đại trào này đẹp đấy chứ, anh Chi nhỉ?
Chi dừng lại nhìn.
Thấy Nga gọi tên mình, sao gặp mặt mình, không có ý mừng rỡ? Chi đương nghĩ ngợi, thì thấy Nga mới chòng chọc trông Chi. Rồi độ năm phút, hình như nàng hiểu biết, bẽn lẽn, kéo lại cái quần, sắp lại cái khố tải, lui lủi vào ngồi xổm trong xó nhà, có ý sợ sệt.
Chi yên tâm, đánh bạo theo vào. Nga len lét như con vật bị trói thấy người giơ gậy ra sắp đánh vậy. Nghĩa là hình như chỉ rắp chịu đau đớn mà không thể chống cự.
Chi ngồi gần Nga, hỏi:
- Cô Nga, tôi là Chi đây mà. Tôi yêu cô lắm.
Như nghe hiểu, Nga đỡ sợ. Chi lại nói luôn:
- Cô có biết rằng Chi này yêu cô không?
Nga mỉm cười, quay đi, nói:
- Cái con mẹ ấy thế mà độc ác nhỉ!
- Này! Cô Nga, con mẹ nào? Cô điên đấy à?
Nga cau mặt, nhìn Chi, cãi:
- Không! Anh bảo tôi điên à? Tôi có điên đâu?
- Thế cô nói con mẹ nào?
Nga ngẩn mặt, phá ra cười, đáp:
- Ừ nhỉ. Các bác ấy kia đấy, anh Chi nhỉ.
Thấy Nga hiền lành, lại biết gọi tên mình, Chi phấn chấn, nói:
- Tôi bảo này, cô Nga. Thôi, đừng nói lẩn thẩn nữa.
Nga lườm Chi một cái, rồi đứng dậy, đi sang ngồi bên xó khác. Chi lại theo.
- Cô Nga. Cô nói chuyện với tôi nhé?
Nga nhìn Chi một lúc rồi đáp:
- Ừ, anh cứ nói đi.
- Ai lại ăn mặc thế này? Con quan mà tồi thế à? Thế thì tôi không yêu đâu.
Nga vừa cười, vừa nói như để làm lành:
- Quần áo trước tôi xé cả rồi.
- Sao lại phí của thế?
- Bực mình lắm, anh ạ.
- Thế cô không thương tôi nghèo à? Không mặc thì cho tôi có được không?
Rồi âu yếm, Chi sắp lại cái khố tải cho kín tay. Nga tỏ ý vui sướng.
- Cô Nga ạ, nếu cô cứ ăn mặc thế này mãi tôi không yêu cô đâu.
Nga dẩu mỏ, đáp:
- Nhưng ở đây, họ ghét tôi, có cho tôi mặc quần áo đâu.
- Tại cô cứ xé mà!
- Không, tôi không xé nữa.
- Cô có uống thuốc không?
Nga nghe thấy tiếng thuốc, len lét lại đi sang ngồi xó trước, như muốn chạy trốn. Chi theo sau, rồi bảo:
- Cô lên phản mà ngồi. Con gái ai lại bẩn thỉu thế này?
Nga thẩn thơ nhìn lên trần, nói một mình:
- Tài quá! Cao thế kia mà nó nhảy được.
Lại ngọt ngào, Chi nói:
- Này, cô Nga, cô đương nói chuyện với Chi kia mà.
Nga trừng trừng nhìn Chi. Chi lại nói:
- Cô đương nói chuyện với Chi kia mà.
- Chi Chi cái gì! Bà lại tát cho vỡ mồm bây giờ! Cút!
Nói xong, sừng sộ đứng dậy.
Chi giật lùi, sợ quá.
Nga được thể, hai tay nắm lấy hai đầu khố tải, căng mạnh một cái để xé, nhưng không rách. Rồi đỏ mặt tía tai, Nga xỉa xói vào Chi:
- Rõ dơ, chỗ đàn bà con gái người ta nằm, vào đây làm gì?
Vừa nói vừa đuổi Chi quầy quậy.
Trống ngực nổi lên thình thình, Chi chạy quanh. Nga đuổi theo nắm được vạt áo, giật mạnh một cái.
Soạt!
Rồi Nga chửi rầm rĩ.
Ông Tham nghe tiếng, chạy vội vào, gọi:
- Thôi để bận khác cậu ạ.
Chi mở cửa rõ nhanh để trốn ra, rồi đóng ập và khóa lại. Nga lay phá mãi không được, réo Chi chửi mãi.
Chi theo ông Tham lên nhà, ông Tham hỏi:
- Thế nào?
Vui vẻ, Chi đáp:
- Thưa ông, có hy vọng khỏi được.
- Em nó có biết cậu không?
- Hình như có. Tôi hỏi đến quần áo, thì cô ấy bảo vì không ai cho cô ấy mặc.
- Cậu có đả động đến chuyện uống thuốc không?
- Thưa có. Nhưng đến đây thì cô ấy hết khôn. Có lẽ vì chuyện thuốc, mà cô ấy bắt đầu sinh sự với tôi, rồi lại điên rồ như trước.
Ông Tham ngẫm nghĩ, rồi bảo:
- À, phải. Mọi khi con vú phải dằn nó ra để đổ thuốc, mà nó cứ phun phì phì ra ngoài.
- Tôi tưởng không nên thế. Phải dỗ dành ngọt ngào thì hơn.
- Nhưng bây giờ nó sợ hết cá mọi người. Cho rằng ai cùng định bắt nó uống thuốc! Nó chửi cả nhà, chả từ ai. Ban nãy nó có nói xằng nói bậy, cậu đừng chấp nhé.
Chi cười. Ông Tham tiếp:
- Dễ thường nó chỉ mới thấy cậu là người đầu tiên chưa ép nó uống thuốc bao giờ. Vậy cậu có cách nào cho nó uống được không?
Chi nghĩ một lúc, rồi đáp:
- May thì được. Tôi sẽ có cách.
- Thế nào? Cậu thử nói xem.
- Một là đổ thuốc vào ấm, có nắp đậy kín, cho cô ấy khỏi ngửi thấy mùi. Rồi cứ để luôn trong buồng như nước. Cô ấy khát thì uống.
Ông Tham gật gù:
- Có lẽ được.
- Hai là tìm cách lừa cho cô ấy uống.
- Lừa thế nào?
- Hoặc là nói tức. Hoặc là làm cho cô ấy bắt chước mình. Còn cách sau cùng là dỗ dành bằng lời ngọt ngào.
Ông Tham mỉm cười gật gù:
- Tôi tưởng dù dùng cách gì, nhưng thỉnh thoảng cũng nên dỗ dành ngọt ngào. Nếu nó uống, tất là nó biết nghe. Nó đã biết nghe, là nó hiểu một đôi chút.
- Có, cô ấy có nhiều lúc hiểu biết.
- Phải.
- Vậy thì những lúc ấy hãy nên cho uống.
- Nhưng trừ cậu ra khó có người dỗ dành. Bây giờ nó thù ghét cả nhà rồi.
- Vâng, tôi xin cố.
- Bởi vì nó chỉ khát khao tấm lòng yêu của cậu, cậu lợi dụng ái tình mà chữa cho nó.
Chi ngượng nghịu ấp úng đáp:
- Vâng. Một lời ông đã báo, tôi xin hết lòng. Bởi vì tôi biết cô Nga đối với tôi nhiều phen muốn tỏ bụng tử tế. Chỉ vì tôi lãnh đạm, nên cô ấy mới thất vọng rồi cô ấy nghĩ đến cái giai cấp, nên tuyệt vọng, mà đến nỗi này. Đó có lẽ cùng là lỗi ở tôi một nửa.
Ông Tham thở dài:
- Ở vào một gia đình dòng dõi trâm anh như gia đình tôi, mà muốn đánh đổ giai cấp, thật là một việc rất khó. Một đằng cứ nhắm mắt giữ nền nếp cũ, một đằng mạnh bạo mà thực hành những tư tưởng mới. Thành ra hai đằng coi nhau như hai cái thái cực, xung đột nhau.
Chi ngậm ngùi:
- Chỉ chúng tôi là không phải bó buộc.
- Phải, được tự do theo tư tưởng của mình thì còn gì sung sướng bằng.
Chuyện trò hồi lâu, Chi bắt buộc phải cáo từ ông Tham. Đó là cái thì giờ nó không cho Chi được ngồi lâu, chứ Chi thấy ông Tham vui vẻ, thật thà, thì rất cảm phục. Mà cảm phục nhất, là Chi nhận ra ông Tham là một người nhã nhặn, coi Chi như người bạn kém tuổi mà thôi. Thực trái hẳn với cha Nga.
Chi về, ông Tham dặn:
- Đến mai, cậu chớ để tôi phải mong nhé.
Từ hôm đó, mỗi ngày Chi đến thăm Nga một lượt. Bà Tham thì cứ hết đền nọ đến phủ kia, đưa bà Phủ đi hàng ba bốn hôm mới trở về. Ông Phủ từ hôm bực mình với ông Tham, thì không lên Hà Nội nữa. Vì vậy, cứ hai ngày, ông Tham lại phải viết thư kể rõ bệnh tình của Nga. Thư nào ông Tham cũng xin tạ tội, nhưng nhất định ông Phủ không trả lời. Cho nên nhân một lần được nghỉ lễ, ông Tham phải về tận phủ để chịu anh mắng tàn nhẫn.
Song, ông Tham vẫn theo ý riêng ông, nghĩa là chữa Nga theo cách Đốc tờ đã dặn.
Nga vì được Chi đến dỗ dành, thì dần dần tỉnh lâu hơn trước. Lại được một dạo đến gần một tuần lễ, trời cứ mưa luôn, nên ngày đêm mát mẻ. Bệnh Nga vì thế mà được dịu bớt.
Chi rất có hy vọng Nga khỏi được, vì đã trông thấy kết quả hay.
Ngày ấy, tuy gần đến kỳ thi nhưng Chi không tối nào là không để ra vài giờ tìm câu chuyện hôm sau nói cho Nga nghe.
Dần dần, Chi thuộc tâm lý Nga, nên rồi chuyện trò với Nga được bền hơn, mà Nga không giở mặt với Chi nữa.
Nhưng có một điều Chi lấy làm lo ngại, vì một hôm Chi được tiếp ông Đốc tờ chữa cho Nga. Bác sĩ cười bảo:
- Cô ấy cần phải cưới ngay, thì mới có thể khỏi thực được. Nếu không cưới ngay thì bệnh chỉ lửng lơ. Mà có lẽ phải lại nữa.
Chi chợt nhớ ra một chuyện: ở làng Chi có người con gái điên bị một người tuần hiếp, rồi bỗng khỏi bệnh.
Đối với Nga, Chi rất thương, Chi thương vì trông thấy hiện nay Nga khốn nạn hơn mình. Cho nên ngẫm lời thầy thuốc, Chi khó nghĩ quá.
Bởi vì, khi hứa giúp ông Tham mà đến dỗ dành Nga, Chi chưa hề tưởng tới ái tình, huống chi là mong được cùng Nga ân ái.
Nhưng ái tình không thể nào không có được. Nó ngấm ngầm đến, nó đến để làm keo sơn cho đôi trái tim non, nó đến để làm cho Chi ít lâu nay sinh ra vơ vẩn và bạo dạn.
Cho nên đã có lần Chi ngồi cạnh Nga vuốt lưng nàng và thỏ thẻ nói:
- Em Nga ơi, nếu anh không phụ bụng em thì chi đã đến nỗi em khổ.
Vậy mà Nga như cảm động, giương đôi mắt ngây thơ ra nhìn Chi. Chi thấy mặt nóng bừng. Chàng run run ôm lấy cổ Nga, đan năm ngón tay mình vào năm ngón tay Nga, nâng nó đến, để rịt vào miệng. Mà trong khi hai cái lồng xương ngực nở to ra, thì bốn tầm con mắt dịu dàng gặp nhau long lanh quầng lệ, tựa hồ như muốn tả rõ hai khúc đàn tim hòa theo một nhịp vậy...