Chương 2
Danh, lợi, tình

     ọi ngày, ăn cơm sáng xong, vào khoảng mười hai giờ, Nga quen tính ngủ trưa. Hôm nào không được ngủ, thì không sao chịu nổi.
Theo lệ thường, lần này Nga cầm tờ báo, lên giường nằm, đắp chăn để đọc cho dễ ngủ.
Nhưng lạ quá, mắt nhìn vào giấy, mà không thấy chữ gì. Óc nàng cứ lẩn quẩn buồn bã. Rồi chuông đồng hồ điểm một tiếng, nàng đặt tờ báo xuống, cố nhắm mắt lại.
Nhưng càng nhắm mắt, Nga càng khó ngủ. Anh Trương Chi với cô Mỵ Nương lúc nào cũng chập chờn, hiện ra trong trí tưởng tượng của nàng. Nàng thương người con gái si tình, nàng thương người con trai hèn mọn. Nàng lại tiếc không rõ rồi hai người có kết duyên được với nhau không. Mấy lần, Nga toan gọi vú em, để hỏi nốt câu chuyện, nhưng rồi lại thôi. Nàng cho rằng cái sức mạnh sai khiến nôi người ta, không gì bằng ái tình. Đôi trai gái, đã gặp gỡ nhau trên đường tình, thì không có cái gì, có thể chia rẽ được. Đã yêu nhau thì không kê đến giàu nghèo, sang hèn. Chẳng sự khó khăn nào ngăn trở nổi đôi lứa.
Sở dĩ Nga nghĩ ngợi lan man thế, chỉ tại buổi sáng tự nhiên trông thấy Chi, lại biết cảnh nhà Chi. Nàng thương và hối rằng mình đã quá khinh người. Trong thế giới học trò, ai cũng như ai. Địa vị tốt đẹp về mai sau, hẳn chẳng hẹp hòi gì mà đánh lừa người thông minh, có chí.
Rồi tung phắt chăn ra, Nga vùng ngồi dậy, đi mở các cửa sổ. Ánh nắng vàng tươi sáng lọt vào buồng. Bức màn tung theo chiều gió, gợn lên một làn sóng. Cảnh vật ở ngoài hớn hở khoe vui.
Sen vào xếp chăn gối, Nga bảo:
- Tao đi chơi ra phố một tí đây. Mày sắp sẵn nước rửa mặt.
- Thưa cô, có phải đun không?
- Thôi, không cần.
Nga không cần rửa mặt bằng nước nóng, chẳng phải nàng thấy lúc ấy nắng ấm, nhưng chính là nàng muốn ra phố ngay để thỏa chí tò mò. Nàng tò mò muốn biết mặt đáng phục của bác đồ Sơn, muốn xem cái hàng tồi tàn cúa bác. Nàng muốn lại trông thấy anh chàng Chi, anh chàng có bộ dạng lúc nào cũng vui vẻ, dù cảnh ngộ rất đáng buồn.
Nga vào buồng trang điểm; độ nửa giờ, nàng ra buồng khách, đứng trước gương lớn để soi. Nàng nhìn hình trong gương, mỉm cười, vì nàng thấy nàng đẹp lạ. Ngắm bộ quần áo sang trọng, sửa sang đồ nữ trang quý giá, nàng nghĩ đến nhan sắc, địa vị nàng, nàng như đã trông thấy tương lai rực rỡ.
Nga đến cổng, đứng một lúc, nhìn hai bên phố. Rồi nàng đi rẽ về phía tay trái. Nga chú ý vào nhà có cây bàng trước cửa. Cái nhà ấy, đằng trước cũng không sang trọng gì hơn đằng sau. Nghĩa là vách cũng xiêu, cột cũng vẹo. Ở ngoài bày chõng tre, có cái mâm gỗ úp chiếc lồng bàn lở sơn. Trước chõng, là cái ghế dài mà bốn chân lòi cả lên mặt. Ngồi đằng sau, là bác đồ Sơn, trạc độ năm mươi tuổi. Lúc ấy mặt bác rầu rầu, như tư lự điều chi. Nga không trông rõ cánh tay gãy, nhưng nàng chỉ thấy một cánh tay để trên chõng, còn một tay thõng hẳn xuống.
Đi quá nhà bác đồ Sơn, Nga còn quay nhìn lại. Bất đồ nàng thấy không người nào ở phố là không nhìn theo nàng. Lại còn mấy đứa bế em lếch thếch ở cạnh sườn, cũng đi theo nữa.
Nga biết mình ăn mặc sang trọng làm lạ mắt mọi người.
Quả vậy, những quần áo của Nga rất đắt tiền. Hẳn là cái áo nhung bạch tuyết óng ánh, may kiểu thắt đáy ở lưng, lại gài bằng sáu chiếc khuy vuông chạm, làm cho người ta phải ngạc nhiên nhất. Mà Nga lại bôi phớt một lượt phấn hồng, nên cái áo ấy lại làm tăng thêm vẻ mặt ngọc. Mắt và tóc Nga, đen lay láy như nhau, càng làm nổi cái dung nhan lộng lẫy. Cổ tay Nga, sáng lóe chiếc vòng kim cương.
Nga kệ cho lũ trẻ con đi theo sau. Nàng lững thững đi, sung sướng lắm.
Ra đến đầu phố, thì là đồng ruộng. Những luống khoai, lá xanh um, thẳng hàng nhau, trông như vết kẻ ở mặt giấy. Đến tận chân trời, cánh đồng bát ngát, phẳng lặng như tờ. Trời xanh ngắt mà trong, một vài chỗ có nổi lên những áng mây lờ mờ trắng. Phong cảnh nhà quê tĩnh mịch và dịu dàng. Nga thấy tinh thần khoan khoái.
Đứng một chốc, khi mặt trời xế bóng thì Nga về. Bỗng ở trong ngỏ, tiếng huýt gió làm nàng quay nhìn lại. Nàng thấy một người mà nàng ngờ ngợ. Nhưng rồi nàng biết ngay là Chi. Nàng ngợ, vì Chi ăn mặc khác hẳn lúc sáng. Chi mặc áo the thâm, đội mũ trắng, dận guốc, hớn hở, tay cầm cái liễn sứ, mắt nhìn trời, bộ dạng vui vẻ lắm.
Thoạt thấy Chi, thấy cái người lúc nào cũng luôn tìm sự vui một mình, Nga mỉm cười, phải quay mặt che dù lấp đi.
Nga cố bước chậm để nhường Chi lên trước. Nhưng đến năm phút, nàng vẫn thấy tiếng guốc đều đều lê đằng sau lưng. Tự nhiên Nga ngượng nghịu, bối rối lạ. Vì nàng đã tưởng tượng ra hàng trăm nghìn trò ranh mãnh diễn ra ở sau nàng. Nàng quyết đôi mắt Chi không phút nào rời nàng. Nàng đoán óc Chi ngây ngất vì sắc đẹp của nàng. Bỗng nàng thấy kiêu hãnh lạ thường. Rồi định bắt chợp anh chàng đang giỏ trò tinh nghịch, Nga Quay phắt lại.
Nhưng lạ quá, Chi chẳng để ý gì đến nàng. Chi hiền lành, đứng đắn, mắt nhìn đi đâu ấy.
Tự nhiên Nga sượng sùng.
Bỗng một con chó vàng to xồ đến gần Nga. Sợ hết hồn, Nga cuống quýt, rú lên một tiếng, giơ dù ra đỡ. Nhưng con chó cứ hồng hộc, cắn rách dù rồi nhăn răng nhìn Nga. Nga bỏ dù, vừa kêu vừa chạy, trống ngực thình thình, mặt xám ngoét.
Tức thì, xoảng! Con chó ẳng ẳng chạy. Mấy mảnh sứ tan tành ra đường. Người ta vội vã xúm đến hỏi Nga, Nhưng Nga đã thoát nạn, vừa thở vừa cảm ơn mọi người.
Bồi hồi, Nga cảm động về cách cử chỉ của Chi. Nàng quay lại, định đền Chi một nụ cười, nhưng không thấy Chi đâu cả. Thì ra Chi đã thản nhiên, đi tiến lên trước, không nhìn mảnh liễn vỡ cũng không nhìn Nga.
Bên tai, Nga thấy người ta nói:
- Hoài của, cái liễn đẹp thế mà anh ấy quật vỡ.
Rồi người ta nhặt những mảnh, thử chắp lại cho liền, ngắm mãi, và xuýt xoa tiếc.
Nga chào mọi người, rồi rảo cẳng về phủ. Đến nhà, Nga gọi Sen, kể lại nỗi sợ hãi lúc nãy và hỏi:
- Sen, cái liễn sứ ấy bao nhiêu tiền?
- Thưa cô, cũng có cái đắt, có cái rẻ.
Nga móc túi, đưa Sen tờ giấy một đồng, nói:
- Mày ra nhà bác đồ Sơn, đưa cho bác ấy đồng bạc, bảo rằng tao đền cái liễn vỡ nhé. Mày nói cho khéo, vì cái liễn vật thử chả là bao, nhưng con bác ấy biết trọng người hơn của, thì bụng ấy mới là đáng quý.
Sen nhanh nhẩu ra phố. Nga đi theo, đứng trên thành, chỗ sau giậu xương rồng, để nghé sang và nghe cho rõ.
Nga thấy Chi mặt rầu rầu, đứng thừ ở giữa sân. Trong nhà, bác đồ Sơn cáu kỉnh mắng:
- Như thế bận sau ai còn cho mày mượn gì nữa. Khổ quá! Lấy gì mà đền người ta bây giờ?
Mãi mãi, Chi mới đáp:
- Nhưng tiếc cái liễn, thì để chó cắn chết người ta hay sao?
Lúc ấy, Nga nghe rõ tiếng Sen nói:
- Bác Đồ, có cô tôi cho tôi ra để đưa đền bác cái liễn ban nãy.
Bác đồ Sơn hỏi:
- Cô nào?
- Cô Nga ở trong quan.
- Ồ, thế à? Thế ra cô trong quan bị chó cắn, mà thằng Chi nhà tôi nó lấy liễn ném đấy à? Nếu vậy thì thôi, không phải đền gì cả.
- Không, bác cứ cầm lấy, không thì cô tôi mắng.
Chi chạy ra nhà ngoài, nói:
- Không, nhà tôi không lấy đền đâu. Không phải cô ấy là con quan, mà đẻ tôi sợ, đẻ tôi không dám. Dù ai cũng vậy mà thôi. Tôi thấy lúc nguy cấp, sẵn trong tay có thứ để chống cự hộ, thì tôi cứ ném, chứ tôi mong gì đền với bồi. Mà tôi có biết cô ấy ở trong phủ đâu!
Nga thở dài. Ngờ đâu con người ấy, lại thẳng thắn khẳng khái như thế. Đã không cảm vì sắc đẹp, lại coi tnường chỗ quyền quý. Nhất là bị khốn quẫn, mà vẫn coi tiền tài kém bổn phận. Bổn phận của Chi cứu Nga lúc ấy, là bổn phận chỉ những người học thức mới có mà thôi. Nga nghĩ:
- Người ấy hiện nay vào cảnh ngộ khó khăn nhưng nếu đã có óc vượt trên chữ danh, chữ lợi, chữ tình, thì thật là người phi thường, quyết sau này không phải chìm đắm mãi trong vòng gay go.
Sen về, đưa trả Nga tờ giấy bạc, nói:
- Thưa cô, con nói mãi, nhưng bác đồ Sơn khăng khăng không lấy, nhất là con bác ấy.
Nga không nói gì, lẳng lặng cầm tiền bỏ túi, rồi thong thả về.
Nga vào buồng khách, ngồi trên ghế bành gu chạm, chống tay lên cằm, nghĩ ngợi.
Nàng cảm động về cách cử chỉ và tấm lòng quý hóa của Chi. Nàng thương Chi chẳng được tốt số, sinh vào nhà bần tiện, nên dù thế nào, giữa Chi và nàng, cũng có một bức tường nó ngăn đôi hai người, dẫu đứng gần nhau, nhưng không sao gặp nhau được. Cũng như hiện nay, dinh của cha nàng và nhà Chi tuy ở sát nhau, nhưng có bờ thành, có hàng rào xương rồng, nó phân biệt hẳn hai nơi như một trời một vực. Thế thì dù Chi với nàng cùng là người, cùng sức học ngang nhau, cùng ở trên mặt đất bằng phẳng, cùng thở một làn không khí như nhau, nhưng địa vị cha mẹ nàng khác địa vị cha mẹ Chi, thành ra nàng với Chi khác nhau, khác nhau một cách vô lý.
Chợt nàng nhìn thấy hình nàng trong gương, cái hình một cô tiểu thư ngàn vàng. Nàng thở dài...
Rồi bao nhiêu đồ đạc trong phòng, lộn trong tấm gương bày ra trước mắt nàng một cảnh uy nghi khó chịu. Hai bên, hai cái giá cắm những cờ, biển. Giữa, một cái đỉnh đồng đen, cao đến ngực. Rồi bộ ghế gụ chạm, có rải đệm nhung màu tiết dê. Trong cùng, một cái giá chạm, đặt ngang ba thanh quất khảm. Trên tường, ở giữa, một bức truyền thần ông nội nàng, bệ vệ trong bộ mũ áo nhị phẩm; hai bên, những câu đối sơn son phết vàng rực rỡ. Rồi chỗ này, chỗ kia, các ảnh cha nàng, bác Bố, cậu Huyện, chú Tham, như bày cái gia phả dòng thế phiệt.
Nhưng mà nhà Chi? Nga chợt nghĩ đến nhà Chi. Chỗ này để cái chõng tre trên để mâm xôi chè. Chỗ kia cái bức vách thủng. Trên cột, treo cái áo the dài, và cái mũ trắng. Trên tường thì trang hoàng bằng mạng nhện, bằng mảnh nhật trình cho đất vách khỏi long thêm.
Bỗng tiếng còi ô tô inh ỏi ngoài cổng. Ba tiếng trống báo.
Nga mừng rỡ, chạy ra đón cha.
Chiếc xe hòm sơn màu cánh kiến lù lù, êm như ru, tiến đến cửa công đường thì đỗ. Cửa xe mở ra.
Cha Nga vừa trên xe bước xuống, thấy con đã vui vẻ hỏi ngay:
- Ở nhà mình yên đấy chứ con? Từ sáng có chuyện gì không?
Biết tính cha rất săn sóc đến gia đình, thì câu hỏi ấy chỉ là thường lệ, nên nàng chắp tay, dịu dàng đáp:
- Bẩm không ạ.
Mẹ Nga, vừa đặt chân xuống đất, đã nhìn Nga xuýt xoa nói:
- Rét, rét quá!
Nga mỉm cười, trông ánh nắng vẫn còn chiếm một nửa sân.
Nga theo cha mẹ qua buồng khách, rồi vào nhà trong.
Ông Phủ trước khi ngồi xuống ghế, thì đứng thẳng người, giơ hai cánh tay quặt ra đằng sau. Nga biết hiệu, chạy cởi áo ba-đờ-suy lót lông cừu ra, treo lên mắc và tháo cái khăn len lù xù ở cổ. Lúc ấy người mới trông rc cái cổ áo trắng không gài khuy mà mé bên phải, tụt hẳn xuống. Mãi đến khi ông móc cái ví to xù ra để bàn, hai bên cổ áo mới lại cao đều nhau, ông ngồi xuống, tháo thẻ bài ném xuống bàn, tức thì, một tên lính xách đôi guốc kinh, ngồi thụp bên cạnh, cởi giày, bít tất. Anh ta nhớ cả việc lấy bít tất lau các khe ngón, rồi khe khẽ nâng chân đặt vào guốc.
Trong khi ông Phủ không để ý đến công việc của tên lính dù rất chậm chạp, thì bà Phủ lo xo chạy lại, ngồi ghế trước mặt, vẫn kêu:
- Rét, rét quá!
Nhưng hỏa lò than đã đang lách tách ở ngoài hiên. Tên lính khác ôm vào, bà Phủ hơ hai bàn tay xoa vào với nhau rồi hỏi Nga:
- Sao trông mặt con ngơ ngác thế? Con không rét à? Lại đây sưởi với me đi.
- Bẩm me, hôm nay nắng ấm ạ.
- Ừ, thầy me có tuổi, không trách.
Thực ra, quan ông quan bà độ năm mươi tuổi là cùng. Trên mặt chưa có nét dăn nào cả. Có lẽ các ngài ăn sung mặc sướng nên trẻ lâu.
Thấy vú em thập thò ngoài cửa, ông Phủ cười sằng sặc, gọi:
- Bế cậu vào đây.
Nhưng bà vẫy tay ra nói:
- Hãy gượm. Điếu!
- Dạ.
Sen đặt thuốc lào, bưng điếu đặt xuống đất và đánh diêm. Bà với cái xe, uốn cong vắt rồi ngửa mặt hút sòng sọc. Hút xong, bà há mồm để những khói đặc cuồn cuộn tuôn ra, trông rất ngon lành. Rồi khoái chí, bà gọi:
- Nào, cậu vào đây.
Thằng bé con, đang ngậm cái vòng vàng, nước rãi chảy ướt cả ngực áo gấm lam, thấy mẹ giơ tay bế, nhảy lên chồm chồm.
Đằng giường cạnh, Nga đang mở va ly cất đồ đạc vào tủ.
Bà Phủ bế con, nói chuyện:
- Nhỉ, quan nhỉ, thằng con cụ Tuần chả kháu được bằng thằng cậu nhà này nhỉ?
- Ừ, còn xơi. Liu diu sao nở được ra rồng!
Bà phủ gật đầu, hiểu đồng tình:
- Mà thật, con người ta cũng có giống đấy.
- Phải, ông ấy chân thông ngôn ra đấy mà. Có đỗ đạt gì đâu.
- Nhưng mà người ta cũng gọi là cụ Tuần
- Thôi, nhà mình lại tìm chỗ khoa mục thế gia chứ chơi thế nào được với bọn ấy.
- À, ông ấy khoe nó học trường gì Sê nhỉ?
- Trường Lit-sê, nhưng mà dốt như bò! Làm gì được, cái ngữ ấy!
Nói xong, ông nhìn Nga.
Nga đã lắng tai nghe, hiểu cả.
Hai má bày hây đỏ, nàng chợt nghĩ đến những đám đã đánh tiếng hỏi nàng từ năm nàng mới mười ba tuổi. Nàng tính nhẩm, cả đám này là sáu. Mà sáu nơi, toàn là các công tử con quan. Nào cậu Hai nhà quan án Lê, cậu Cả con quan huyện Phạm, cậu Năm con cụ thượng Nguyễn, cậu Cử nhà quan bố Trần, cậu Tâm con cụ hiệp Vũ, lại đến nay, con cụ tuần Dương.
Muốn lảng chuyện, nàng kể cho cha mẹ nghe việc bị chó cắn lúc nãy. Nàng cố nói khéo, cốt tỏ tấm lồng hào hiệp của Chi cho cha mẹ biết. Nghe xong, bà Phủ bảo:
- Ừ, nó dám lấy đền! Việc gì con phải như thế. Chúng nó như chỗ đầy tớ mà.
Ông Phủ cau mặt nhìn con, hách dịch nói:
- Nó lấy thì căng xác nó ra!
Nga khẽ thở dài, nhưng phải lấy lòng cha mẹ, nên đáp:
- Dạ.
Nàng ngậm ngùi. Lá ngọc cành vàng phải bày nơi chung đỉnh. Nga cảm thương Chi chất cỏ mình rơm...