Chương VI
Việc chẳng ngờ

     áng chủ nhật sau, bà Tham lại vào trường đón Nga ra. Nga vẫn ăn mặc xuềnh xoàng như lần trước.
Về đến nhà, Nga thơ thẩn, bồn chồn, chỉ loanh quanh ngoài buồng khách, mắt lúc nào cũng nhìn ra phố.
Lấy làm lạ, ông Tham hỏi:
- Sao từ Tết ra, chú thấy cháu khác lắm. Cháu có sự gì nghĩ ngợi?
Bà Tham nói:
- Hay là cháu lo thi?
Nga đương luống cuống, được một ý để trả lời, bèn đáp:
- Vâng, cháu lo thi.
Ông Tham cau mặt:
- Đừng nên lo quá mà mụ người, học không được nữa đâu.
Nga cười. Bà Tham lại nói:
- Con gái chớ đỗ thì đừng, hơi đâu mà lo rồi gầy người đi cháu ạ. Đỗ làm cô giáo, nhưng rồi khi về nhà người ta, thì lại xin thôi ngay đấy chứ gì.
Nga thẹn thò, cúi mặt.
Bỗng có một hồi còi xe ô tô rất quen tai. Ông Tham ngớ mặt, lắng tai, nói:
- Hay là xe anh.
Rồi cả nhà chạy ra cửa nhìn.
Chiếc ô tô lù lù tiến đến. Nga mừng rỡ:
- Bẩm chú thím, thầy me cháu ạ.
Xe dừng. Cửa xe mở. Ông Phủ, bà Phủ xuống.
Các con ông Tham trong nhà nhảy nhót ra. Ông Tham chào, hớn hở hỏi:
- Bẩm anh chị lên chơi hay có việc gì?
- Lên thăm chú thím thôi.
Nói đoạn, ông xoa đầu những đứa bé con nó sán vào bên cạnh.
Bà Phủ nhìn Nga, ngạc nhiên hỏi:
- Kìa quần áo cô đâu? Sao cô ăn mặc thế kia?
- Bẩm me, con cho chị bạn mượn đi ăn cưới ạ.
Ông Phủ trông Nga, hỏi:
- Cho đứa nào? Nó là con cái nhà ai? Đừng nên cho mượn liều như thế, con ạ.
Nga cúi gầm, không đáp. ổng Phủ lại hỏi:
- Trông con xanh lắm nhỉ. Mà ngơ ngác tệ. Có phải không chú thím?
Bà Tham nói:
- Bẩm, em vừa hỏi cháu. Cháu bảo cháu lo thi.
Bà Phủ thương con, đứng dậy, nhăn nhó:
- Tôi đã bảo ông, cho con nó học làm gì mà!
Ông Phủ móc túi, đưa cho bà Tham tiền, nói:
- Nhờ thím mua cho cháu mấy lạng cao cho cháu tẩm bổ.
Nga cảm động, nhìn cha mẹ, chú thím bằng đôi mắt rất âu yếm.
Chuyện trò một lúc, bà Phủ và bà Tham rủ nhau đến phố Phúc Kiến mua cao. Ông Phủ và ông Tham lên phố Tràng Tiền sắm một vài thứ đồ đạc. Nga xin phép ở nhà coi nhà.
Bắc ghế ngồi sát sau màn cửa kính, Nga ngẫm nghĩ đến Chi. Quyết nhiên Chi tiếp được thư nàng rồi. Chi hối hay Chi giận? Hôm nay, Chi có đến đây hay không?
Nhưng nếu Chi định đến, nàng mong Chi đến ngay lúc này, là lúc cả nhà đi vắng, thì nàng mới dám nói những câu muốn nói. Chứ mà chốc nữa, nếu cha mẹ nàng thấy Chi ở nhà này hẳn nàng bị hỏi vặn, ngờ vực.
Nga biết cha mẹ rất nghiêm khắc, nếu lại rõ là Chi con bác đồ Sơn bán xôi chè ở phố phủ, thì sao nàng cũng không tránh được trận mắng nên thân.
Nga nhìn ra phố, mỗi chốc lại hồi hộp. Thì giờ vẫn chạy rất nhanh. Chẳng mấy chốc nữa đã mười giờ đúng. Rồi lần lượt, mọi người đi vắng đã về.
Bà Phủ bảo Nga:
- Me muốn cho con uống thuốc bổ hơn là ăn cao. Trong trường có ai biết sắc thuốc không?
Bà Tham cười:
- Trong trường còn ai sắc thuốc hộ mình được.
- Thì mình cho tiền người ta mà lại.
Nga từ chối:
- Thôi ạ.
- Thế những đầy tớ hầu hạ, mình không sai được à?
- Bẩm me, sợ bà Đốc biết, bà ấy phạt vì trái phép.
Bà Phủ phát cáu, gắt:
- Phép gì lại có phép vô lý thế! Thế người ta ốm không cho người ta uống thuốc hay sao? Hễ người Đốc có hỏi thì con cứ nói rằng me bắt uống.
- Bẩm me, trong ấy đã có Đốc tờ thường đến khám bệnh, và có người trông nom thuốc thang rồi.
Bà Phủ vẫn lo ngại, thở dài:
- Chả học thì đừng. Bất quá mấy chục bạc lương chứ mấy. May một cái áo cũng hết.
Nga mỉm cười không đáp. Bà Phủ hỏi chồng:
- Ông nghĩ thế nào? Cho con đi học xa, tôi áy náy quá.
Ông Tham nói:
- Chị chớ quan tâm. Đã có chúng em. Chị cứ yên lòng cho cháu học nốt mấy tháng nữa.
Bỗng ngoài cửa có người đội mũ trắng nhòm vào làm cho cả nhà phải quay ra. Nga biến sắc mặt: Chi đến.
Chi mở cửa, cúi chào mọi người. Nga run lên.
Lễ phép, Chi nói:
- Bẩm con hỏi cô Nga.
Mấy con mắt ngạc nhiên đổ dồn về Nga, như có ý hỏi. Nga vừa bực mình vừa bẽn lẽn, không dám lên tiếng, ông Phủ quay lại Nga:
- Đứa nào thế, con?
Nga cuống quýt. Cả nhà im lặng chờ câu trả lời.
Chi vẫn đứng sững, ngượng nghịu quá. Lần này, Chi ăn mặc khác lần trước. Chi mượn được cái áo đi mưa màu rêu, và đi đôi giày tây đá bóng. Ông Phủ thấy Nga chưa đáp, hỏi luôn:
- Đứa nào thế, con?
Câu hỏi khinh người làm cho Chi phải nhìn ông Phủ một cái.
- Bẩm thầy, đấy là một người học trò trường Bưởi.
- Nó hỏi gì con?
Nga chỉ muốn đưa mắt cho Chi ra. Nhưng phiền quá, Nga thấy Chi không nhìn nàng, mà ai nấy cùng trông vào nàng để nghe câu trả lời. Ông Phủ lại hỏi:
- Nó hỏi gì con?
Ấp úng, Nga đáp liều:
- Bẩm con không biết ạ.
Ông Phủ hỏi Chi:
- Mày hỏi gì?
Tức giận, mặt Chi tím bầm lại. Nhanh trí khôn, Nga tiến ra, hỏi Chi:
- Có phải bác là anh chị Thịnh không? Chị Thịnh nhờ tôi đưa bác mấy quyển sách.
Cả nhà vẫn ngơ ngác. Nói xong, Nga chạy lên gác. Mọi người im phăng phắc. Ông Phủ ngồi nghiêm trang, ngắm Chi từ đầu đến chân, rồi khẽ hỏi ông Tham:
- Thằng này con cái nhà ai, chú có biết không?
Ông Tham nhã nhặn hơn, lắc đầu.
Mặt Chi xám lại. Chi cắn môi.
Một lúc Nga xuống, đưa Chi gói sách, ông Phủ hỏi:
- Cái gì thế con?
- Bẩm sách ạ.
- Đưa thầy xem.
Ông mở từng quyển, giở từng tờ, xong rồi đưa Nga, nói:
- Được. Con cho nó về.
Chi bất đắc dĩ cầm lấy sách, hơi gật đầu để chào mọi người. Nhưng vẫn chỉ cái yên lặng nặng nề nghiêm trọng ấy trả lời Chi mà thôi. Chứ không ai nhúc nhích.
Chi dóng cửa đánh thình, quay nhìn lại, rồi vùng vằng đi.
Lúc ấy Nga mới hết sợ. Nhưng cũng ngay lúc ấy, Nga thấy ở vỉa hè trước cửa nhà, Chi đứng nói chuyện với Lại, đi hầu cha mẹ Nga. Lại một hồi trống ngực nổi lên.
Ông Phủ cũng trông thấy, liền gọi:
- Lại!
- Dạ!
Lại tất tả chạy vào. Ông Phủ hỏi:
- Mày nói chuyện gì với nó, vào đây xem có việc gì hầu không chứ!
- Dạ.
Bà Phủ hủi:
- Đứa nào mà mày lại quen thế?
- Bẩm con nhà bác đồ Sơn bán hàng ở phủ ạ.
Nga giật mình đánh thót, tái mét mặt.
Ông Phủ cau mặt nhìn Nga, hỏi:
- Sao nó dám đến đây mượn sách con? Thầy thấy nó xấc láo lắm.
Nga chối:
- Bẩm thầy, sách của một người chị em bạn con nhờ đưa hộ.
Bà Phủ nghiêm mặt nói:
- Thế con có biết nó là con nhà đồ Sơn ở phố phủ không?
- Bẩm me, không.
Ông Phủ nói:
- Thế thì được. Nhưng bận sau có ai nhờ con đưa hộ gì, con chớ cầm. Nhất là thầy không muốn cho con giao thiệp với đàn ông con trai lạ.
- Dạ.
Bà Phủ nói:
- Rồi những quân ấy hỗn láo quen thân, chú ạ.
Ông Tham cười. Nga vẫn đứng im cúi mặt. Tuy đã thoát được một việc hiểm nghèo, nhưng Nga vẫn còn sợ hãi quá vì từ lúc ấy, không lúc nào ông bà Phủ không giảng luân lý cho nàng nghe.
Cả ngày hôm ấy, Nga không được phút nào vui vẻ nữa. Nhất là nàng thấy cha mẹ nhiều lúc quá tự cao tự đại, mà như muốn dạy nàng khinh hết cả mọi người.
Trước kia, nàng coi lời cha mẹ như những bài kinh thánh, dù thế nào cũng yên chí là không sai lầm. Nhưng từ hôm gặp Chi, nàng thấy một vài khi cha mẹ có những tư tưởng quá thiên về gia thế. Cho nên nhiều lúc, tuy nàng chí vâng dạ, mà kỳ thực trong bụng bực dọc lắm.
Nga bực dọc bao nhiêu, lại thương hại những người nghèo khổ, ái ngại cho Chi bấy nhiêu. Nàng ân hận, chẳng may Chi đến nhà nàng vào lúc không nên đến, khiến nàng phải ngượng nghịu về những câu hỏi của cha. Hẳn là Chi cũng căm hờn lắm.
Rồi chờ khi cha mẹ lên xe về, nàng lên gác đóng cửa lại, nằm gục đầu vào chăn.
Lúc nàng đương thở dài, chẳng ngờ bà Tham đứng bên cạnh mà không biết.
Bà Tham ngạc nhiên, không hiểu vì sao, bèn hỏi. Nga mời thím xuống nhà, rồi kể chuyện đầu đuôi cho hai chú thím nghe. Nàng nói thật hết, không giấu diếm tí gì.
Ông Tham bảo:
- Cháu có bụng tốt với người ta, cũng đáng khen đấy. Nhưng còn cái viết thư thì không nên tí nào. Kệ người ta, không đến thì thôi. Viết như thế, lỡ ra mang tiếng.
Nga thở dài, nói:
- Thầy me cháu nhiều lúc quá thiên...
- Phải, tại thầy cháu làm quan. Lại không ở đất Hà Nội. Vả không học chữ Tây, nên có nhiều tư tưởng không hợp thời nữa. Nhưng dù thế nào, cháu cũng không nên trái ý thầy me.
Được nghe chú khuyên giải mấy câu, Nga hơi được hả dạ. Rồi nghĩ ngợi thế nào, đến chiều sẩm, trước khi vào trường, nàng lại lấy bút giấy viết bức thư gửi cho Chi.
Anh Chi,
Chắc sáng hôm nay, anh giận lắm. Nhưng cái đó không tại anh, mà cũng không tại tôi. Chỉ là ở cái không ngờ mà thôi. Thật vậy, không ngờ hôm nay thầy me tôi lên Hà Nội chơi. Không ngờ anh đến thăm tôi giữa lúc thầy me tôi ở nhà.
Thôi, nhưng dù thế nào, tôi cũng xin lỗi anh. Tôi có lỗi cùng anh vì anh đã không phải bằng lòng, là tại tôi cả.
Song, rồi một ngày anh một rõ bụng tôi. Tôi tiêng là con nhà quan, giàu có sang trọng, nhưng tôi không bao giờ phân biệt giai cấp. Tôi chỉ biết có nhân cách.
Vậy xin anh cứ tin ở tôi. Ngoài tôi ra, những điều gì đã làm anh buồn, xin anh vứt bỏ đi đừng để tâm nữa.
Vì muốn anh biết rõ tôi hơn, nên chủ nhật sau mời anh cứ ra nhà tôi. Chú thím tôi đã nghe tôi nói chuyện về anh rồi, nên cũng có lòng quý mến anh lắm. Nhưng nếu anh ngại điều gì mà buổi sáng hồi chín giờ anh không lại đằng nhà, thì xin đến hai giờ chiều, anh chờ tôi ở Đồn Thủy, sau nhà hát Tây.
Nga
Tái bút. Nếu anh thấy có xe ô tô đậu ở cửa nhà, thì xin chớ vào.
Bỏ xong thư, Nga thấy được thật hả dạ. Nàng tưởng tượng như trông thấy Chi đương buồn bả mà đọc mấy lời của nàng, bỗng vui vẻ ngay rồi.