Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 4

     rường có lệ phải trực đêm. Các giáo viên phải thay nhau đến ngủ trực ban đêm ở trường. Riêng ông Ta- nu- ki mắt lồi và tay Áo Đỏ là được miễn. Tôi hỏi tại sao hai người này được miễn thì người ta bảo rằng đó là ưu tiên những người có chức quyền. Thật vớ vẩn. Sao lại bất công như vậy? Đã lương cao, dạy ít giờ lại được miễn trực đêm. Tự mình tùy tiện đặt ra luật lệ rồi vênh vang coi đó là chính đáng. Sao mà lại có thể trơ tráo đến thế nhỉ. Tôi rất bất bình về chuyện này. Nhưng Nhím giải thích là một mình mình bất bình thì cũng chả giải quyết được gì. Một mình hay hai mình, đã là lẽ phải thì phải nghe theo chứ. Nhím dùng câu tiếng Anh để khuyên tôi: "Might is right (Chân lí thuộc về kẻ mạnh)." Tôi không chịu, hỏi lại thì Nhím giải thích rằng kẻ mạnh là kẻ có quyền. Điều đó thì tôi đã biết từ lâu, chẳng cần phải đợi đến Nhím giải thích. Nhưng giữa cái quyền của kẻ mạnh với cái việc trực đêm này là hai cái hoàn toàn khác nhau. Ai công nhận Ta- nu- ki mắt lồi và tay Áo Đỏ là kẻ mạnh? Tranh luận thì tranh, cuối cùng vẫn cứ đến phiên tôi phải trực. Tôi là đứa rất khó tính. Ban đêm mà không có chăn chiếu của mình thì tôi không thể ngủ được. Từ nhỏ tôi rất ít khi đi ngủ ở nhà bạn bè chứ không nói đến ngủ ở trường. Mặc dù ngại đấy nhưng đây là việc làm bất đắc dĩ, vì nó nằm trong bốn mươi yên tiền công mà tôi nhận hàng tháng, nên tôi phải bấm bụng mà chịu và đi trực vậy.
Sau khi các giáo viên và học sinh về hết rồi, ở lại trường một mình ngẩn ngơ, thời gian sao mà trống trải. Phòng của giáo viên trực đêm nằm ở đầu hồi phía Tây dãy nhà kí túc xá của học sinh nội trú, sau các phòng học. Tôi bước thử vào phòng xem thế nào? Nắng phía Tây rọi thẳng vào phòng, ngột ngạt không chịu nổi. Ở nông thôn, đã đến mùa thu rồi mà cái nóng vẫn còn dai dẳng. Bữa cơm tối tôi ăn ghé với bọn học sinh, nhưng thức ăn dở phát sợ. Ăn như thế này mà sao chúng nó cũng khỏe phá phách thế không biết. Đã thế, mới bốn giờ rưỡi chiều đã cơm nước xong xuôi hết rồi, nên chúng càng có điều kiện để quấy phá.
Cơm tối xong rồi mặt trời vẫn chưa lặn, chẳng lẽ lại đi ngủ. Tôi muốn đi tắm nước nóng một chút. Nhưng trong lúc trực mà lại bỏ đi, liệu có tiện không? Tốt xấu gì chẳng biết, nhưng tự nhiên bị giam như giam lỏng thế này, ai mà chịu nổi. Hôm đầu tiên đến trường này, hỏi người trực trường, người tạp dịch nói là người ấy đi vắng, tôi thấy lạ. Nhưng bây giờ đến lượt mình thì tôi đã hiểu chẳng có gì lạ cả. Chính phải đi như thế mới là không lạ. Tôi liền nói với người tạp dịch là tôi đi đàng này một chút. Ông ta hỏi thầy đi có việc gì? Tôi bảo chẳng có việc gì cả, tôi đi tắm nước nóng. Nói xong tôi đi liền. Đáng tiếc là tôi bỏ quên chiếc khăn hồng ở nhà trọ. Nhưng không sao, hôm nay tôi sẽ mượn khăn của nhà tắm.
Tôi thong thả tắm xong, ra khỏi nhà tắm thì mặt trời đã lặn. Tôi lên xe lửa và xuống ở bến xe phố Không- ma- chi. Chỗ này cách trường độ bốn đinh 1, chẳng lẽ lại không đi thả bộ được! Tôi lững thững bước và bỗng thấy từ phía trước mặt, lão Ta- nu- ki đang đi ngược lại. Có lẽ lão định đi xe lửa từ đây đến nhà tắm chăng? Hắn đi rất nhanh lại phía tôi. Khi giáp mặt, hắn nhận ra tôi nên tôi chào hắn. Ta- nu- ki hỏi tôi một cách rất chân thành, nghiêm chỉnh:
- Hôm nay không phải là ngày anh phải trực trường nhỉ?
"Không phải nhỉ" cái gì? Vừa cách đây hai tiếng đồng hồ, chính hắn nói với tôi: "Hôm nay là buổi trực đầu tiên của anh, cố gắng nhé!" Thế mà... Thì ra khi trở thành anh hiệu trưởng thì người ta phải ăn nói uốn éo như thế này đấy! Tôi cáu tiết, nói ngay:
- Không, hôm nay tôi trực. Vì trực hôm nay nên tối nay về tôi sẽ ngủ ở trường, như vậy tức là trực.
Nói xong tôi đi thẳng.
Đến ngã tư phố Ta- te- ma- chi, tôi lại gặp Nhím. Cái xứ này sao mà chật hẹp thế. Cứ bước chân ra khỏi cửa là nhất định phải chạm trán với một người nào đó!
- Ôi, hôm nay cậu trực cơ mà? - Hắn hỏi.
- Ừ, hôm nay tôi trực. Tôi trả lời.
- Trực mà sao lại đi thế này? Không được đâu!
- Đi một tí mà không được gì? Không đi mới dở thì có! - Tôi nói vẻ chày bửa.
- Đừng làm ẩu như thế, sẽ gay đấy. Nhở gặp hiệu trưởng hay hiệu phó thì lại rách việc ra. Nhím nói những lời rất xa lạ với bản tính hàng ngày của hắn. Tôi liền bảo:
- Tớ vừa gặp hiệu trưởng rồi. Ông ấy còn khuyên tớ là nóng như thế này mà không đi cho nó mát, nằm ở nhà có mà chết.
Tuy miệng nói thế nhưng cảm thấy phiền toái nên tôi quay ngay về trường.
Trời đã tối hẳn. Hai tiếng đồng hồ đầu, tôi gọi người tạp dịch vào phòng nói chuyện. Nhưng rồi cũng chán. Thôi, không ngủ cũng cứ nằm. Tôi nghĩ và thay quần áo, buông màn. Rũ chiếc chăn chiên màu đỏ trải ra, rồi gieo mình đánh phịch vào đó, nằm ngửa mặt lên trời. Từ nhỏ tôi vẫn có thói quen mỗi khi đi ngủ lại gieo mình đến phịch một cái như thế. Đây là thói quen rất dở nên hồi trọ học ở phố O- ga- wa- ma- chi đã bị gã học sinh trường luật trọ ở phòng tầng dưới chỗ phòng tôi không chịu nổi, chạy lên cự nự. Anh học sinh trường luật này, người thì nhỏ bé mà mồm mép thì rất ghê. Anh ta cứ lải nhải mãi làm tôi bực mình. Tôi liền cãi lại anh ta:
- Nằm xuống giường mà gây ra tiếng động đến uỳnh một cái như vậy thì lỗi đâu phải tại cái mông của tôi. Chẳng qua là tại cái nhà làm quá xoàng. Nếu anh muốn giải quyết thì đi tìm ông chủ nhà mà thương lượng.
Phòng trực hôm nay không phải ở gác hai cho nên có gieo uỳnh xuống mạnh đến mấy cũng chẳng sợ gì. Nếu không nằm mạnh như vậy thì rất khó ngủ. Ồ thoải mái thật! Tôi khoan khoái nghĩ và duỗi thẳng cả hai chân. Bỗng có con gì bay ra đậu vào chân tôi. Tôi cảm thấy nham nháp nên chắc đó không phải là rệp. Ngạc nhiên quá, tôi vung chân giãy giụa trong chăn hai, ba lần. Song cái thứ nham nháp đó bỗng tăng lên rất nhanh. Ở bắp chân năm, sáu con. Ở đùi ba, bốn con. Một con bị đè bẹp dưới mông, một con nhảy lên tận rốn. Tôi hoảng hồn ngồi bật dậy. Tôi vứt chiếc chăn chiên sang một bên thì từ trong chăn có đến năm sáu chục con châu chấu bay ra.
Lúc chưa biết là cái gì thì tôi hơi sờ sợ. Nhưng khi biết đó là châu chấu rồi, lập tức tôi tức điên lên. Châu chấu mà cũng dám làm người ta hốt hoảng hay sao? Hãy xem đây, ta sẽ cho chúng mày biết tay! Tôi vớ lấy cái gối, vung thẳng cánh đập mấy cái liền vào chăn. Nhưng những con châu chấu quá nhỏ so với sức đập của tôi nên ngược lại chả ăn thua gì. Không biết làm thế nào, tôi lại ngồi lên trên chăn, đập lấy đập để xung quanh mình giống như người ta đập chiếu để rũ bụi. Những con châu chấu bị đập và hoảng sợ bay lung tung hoặc đậu bừa vào vai, vào đầu, vào mũi tôi. Những con đậu vào mặt thì không thể dùng gối đập được. Tôi dùng tay bắt và nghiến răng quật mạnh xuống sàn. Nhưng tức cái là, dù quật mạnh đến đâu cũng bị vướng đình màn nên những con châu chấu chỉ quay long lóc một tí rồi đâu lại hoàn đấy, chả ăn thua gì. Những con bị quật xong lại bám vào đỉnh màn, chẳng con nào chết cả. Phải mất đến ba mươi phút tôi mới dẹp xong được đám châu chấu. Tôi đi lấy chổi để quét xác chúng ra ngoài. Người tạp dịch vào hỏi:
- Cái gì thế?
- Còn cái gì nữa à? Có đời thuở nhà ai lại đi nuôi châu chấu trong giường ngủ bao giờ. Đồ ngu xuẩn! - Tôi mắng. Ông ta thanh minh:
- Tôi không hề biết chuyện này.
- Không biết à? Không biết mà được à? - Tôi ném cái chổi ra ngoài thềm. Người tạp dịch sợ sệt cầm chiếc chổi đi ra.
Tôi lập tức gọi ba thằng học sinh nội trú vào làm đại diện cho bọn học sinh. Nhưng có tới sáu thằng đến. Sáu thằng hay mười thằng cũng được. Tôi mặc nguyên quần áo ngủ và vung tay nói chuyện ngay với chúng:
- Tại sao các cậu nhốt châu chấu vào giường ngủ của tôi?
- Châu chấu là cái gì cơ?
Một thằng lên tiếng trước. Nó tỏ ra điềm tĩnh một cách đáng ghét. Cái trường này, không chỉ một mình ông hiệu trưởng mà tất cả bọn học sinh đều có cách ăn nói lèo lái.
- Các cậu không biết châu chấu là cái gì à? Không biết thì đây, tôi cho các cậu xem.
Nhưng bực quá, đám châu chấu đã bị quét sạch hết chẳng còn con nào. Tôi lại gọi người tạp dịch:
- Ông mang những con châu chấu lúc nãy vào đây. Tôi bảo ông ta.
- Vứt hết ra ngoài thùng rác rồi. Lại nhặt đem vào à? - Người ấy hỏi.
- Vâng, ông nhặt ngay vào đây cho tôi.
Người tạp dịch hối hả chạy đi. Một lúc sau ông ta mang về chừng độ chục con, đựng trong một tờ giấy bản.
- Khổ quá, ban đêm tôi chỉ nhặt được có từng này con thôi. Để sáng mai tôi lại nhặt mang về cho thầy. Ông ta nói.
Đến cả cái ông tạp dịch cũng lại hâm nốt! Tôi cầm một con châu chấu đưa cho bọn học trò xem và nói:
- Châu chấu là cái này đây. Lớn xác bằng ấy mà không biết con châu chấu là thế nào?
Một thằng mặt tròn, đứng ở góc trong cùng bên trái, lên tiếng cãi lại tôi rất hỗn láo.
- A, đấy là con cào cào chứ lị.
- Đừng có mà liến láu. Cào cào hay châu chấu thì cũng vậy. Trước hết nói với thầy giáo không được chứ lị, chứ lị như thế. Cái loại cháo hổ lốn ấy chỉ có bọn ăn mày nó mới ăn nghe chưa? - Tôi quật lại thẳng thừng.
- "Chứ lị" với lại "cháo lộn" 2 khác nhau chứ lị! Nói thế nào chúng nó cũng không chừa được cái tật nói thiếu lễ độ.
- Cào cào hay châu chấu thì tại sao lại đem bỏ vào giường tôi là thế nào? Tôi có bảo các anh đem châu chấu thả vào giường cho tôi không?
- Chả ai bỏ cả.
- Không ai bỏ sao lại có châu chấu trong giường?
- Cào cào nó thích chỗ ấm. Chắc là tự nó chui vào thì sao?
- Chỉ nói láo. Châu chấu mà tự nó vào được à? Các ngài cào cào, châu chấu tự tìm đến ngự trong chăn đệm đấy à? Sao? Các anh nói đi. Tại sao các anh nghịch ngợm cái trò này?
- Nói đi cái gì? Mình không làm thì làm sao mà nói được nhỉ?
Bọn đê tiện. Chúng nó đã không dám nói nổi cái điều chúng làm thì cũng chẳng thèm chấp làm gì nữa. Bọn này thật trơ tráo. Không có chứng cớ là chúng cãi bay cãi biến ngay đi được. Hồi học trung học, tôi cũng đã từng nghịch ngợm, nhưng mỗi lần bị truy hỏi là tôi nhận ngay, không bao giờ chối cãi. Chưa bao giờ tôi làm cái chuyện bỉ ổi là trí trá để giấu tội của mình. Mình làm hay không, điều đó là rõ ràng, dứt khoát. Tôi là một thằng dù nghịch ngợm đến đâu vẫn là kẻ trong sạch. Đã muốn giấu tội của mình thì ngay từ đầu sao còn nghịch ngợm? Đã nghịch bậy thì tất nhiên phải bị trừng phạt. Có gan ăn vụng thì phải có gan chịu đòn chứ. Cái kiểu đâu lại muốn xí tội một cách hèn mạt như vậy? Bọn này đúng là đang đi học để sau này lớn lên trở thành những kẻ lừa đảo, quỵt nợ đây. Mục đích đi học để làm gì? Vào trường để nói dối, trí trá, ngấm ngầm làm những trò tai quái, mất dạy, rồi cũng tốt nghiệp, vênh váo với thiên hạ ta đây là kẻ có học thì thật là lầm. Đây là một lũ tạp binh, khó mà có thể nói chuyên bằng lời với chúng được. Tôi cảm thấy không muốn nói chuyện với những kẻ đầu óc đã bị mọt ruỗng này nữa.
- Các cậu đã không nói được thì tôi cũng không cần hỏi các cậu nữa. Học đến trung học rồi mà không phân biệt nổi thế nào là xấu thế nào là tốt thì thật thảm hại!
Tôi nói và đuổi cả sáu thằng về.
Lời nói cũng như cử chỉ của tôi chẳng phải là cao thượng, nhưng tôi tự thấy tâm hồn mình cao hơn bọn này rất nhiều. Sáu thằng ung dung ra về. Trông chúng có vẻ oai hơn người thầy dạy chúng là tôi rất nhiều. Thái độ ngạo nghễ của chúng càng nói lên sự tồi tệ. Tôi không thể có can đảm làm được như chúng một chút nào.
Sau đó tôi chui vào màn thì trong màn muỗi kêu vo vo vì sự kiện ban nãy. Đốt nến lên mà soi từng con thì mất thì giờ, tôi gỡ màn, túm lại mang ra giữa phòng quay tít thò lò để rũ. Bất ngờ cái vòng buộc dây màn bắn tung ra, đập vào mu bàn tay tôi, đau điếng. Lần thứ ba chui vào giường tôi đã hơi bình tĩnh trở lại nhưng mãi vẫn không ngủ được. Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn mười rưỡi. Nằm nghĩ thấy mình đã đến một cái nơi thật chả ra làm sao. Làm cái anh giáo viên trung học thì đi đâu mà chả được. Thế mà lại đi về đây mà dạy cái lũ học trò như thế này, thật tội nghiệp. Giáo viên là cái thứ thừa bứa ế ẩm nên phải cố mà nín nhịn. Vì thế nên phải là những người hiền lành nhẫn nhục thì mới làm được. Tôi nhất định không thể làm được điều đó! Càng nghĩ càng thấy chính bà Ki- yô lại là người cao quý hơn. Bà chẳng được học hành, chẳng có địa vị xã hội gì nhưng về tư cách làm người thì bà rất đáng kính. Từ trước tới nay tôi đã nhận từ bà nhiều sự săn sóc, giúp đỡ nhưng tôi không nhận thấy cái ơn ấy. Bây giờ đi xa tôi mới thấm thìa tình thân của bà. Bà bảo bà thích ăn kẹo E- chi- go. Có lẽ phải đi đến tận vùng E- chi- go mà mua kẹo thì mới đầy đủ giá trị của kẹo cũng như giá trị của người cho. Lúc nào bà cũng khen tôi là không có lòng tham, tính nết thẳng thắn. Nhưng chính bà mới là người đáng quý hơn cái người mà bà khen. Sao tôi thấy nhớ và muốn gặp bà Ki- yô thế!
Tôi vừa nghĩ đến bà Ki- yô vừa trằn trọc không ngủ được. Bỗng nhiên trên đầu có tiếng giậm thình thình, tưởng chừng có tới ba bốn chục người cùng giậm, cùng nhảy một lúc, làm cho trần nhà rung lên như muốn sập ngay xuống. Cùng với tiếng chân giậm là tiếng thét đồng thanh to chưa từng thấy. Tưởng có chuyện gì xảy ra, tôi vội chồm dậy. Nhưng ngay lập tức, tôi hiểu ra đây là cách trả đũa của bọn học trò đối với sự việc ban nãy. Việc mình làm sai, chưa nhận lỗi, tội vẫn còn đấy. Chúng nó phải nhớ cái lỗi của mình chứ. Lẽ ra sau khi đi ngủ chúng phải biết hối hận, sáng hôm sau đến xin lỗi tôi thì mới phải. Mà nếu không xin lỗi thì cũng phải biết ăn năn mà nằm ngủ cho yên tĩnh chứ! Vậy mà chúng lại đi gào thét, làm ầm ĩ lên thế này. Thà để kí túc xá này mà nuôi lợn quách cho xong. Làm những trò điên rồ thì cũng vừa vừa phải phải thôi chứ! Thử xem chúng nó làm gì, tôi mặc nguyên quần áo ngủ, lao ra khỏi phòng và cứ nhảy ba bậc thang một chạy lên gác hai. Nhưng thật lạ, những tiếng giậm chân, tiếng thét vừa xong bỗng nhiên im bặt, không hề có tiếng chân bước hay tiếng nói nào cả. Thật kì lạ. Đèn tắt hết, không thể nhìn thấy chỗ nào có cái gì nhưng có hơi người hay không thì phải cảm thấy chứ. Hành lang kéo dài từ phía Đông sang phía Tây, một con chuột cũng không giấu nổi. Từ đầu hành lang ánh trăng chiếu vào sáng lờ mờ. Lạ thật.
Tôi có tật từ nhỏ hay nằm mê. Nhiều lần đang mơ tôi bật dậy nói luyên thuyên làm mọi người cứ cười chế giễu mãi. Năm mười sáu, mười bảy tuổi, có một lần tôi ngủ mơ thấy mình nhặt được một viên kim cương, tôi ngồi nhỏm dậy hỏi ông anh đang nằm bên cạnh: "Viên kim cương vừa xong đâu?" Vì chuyện đó mà cả nhà đã cười giễu tôi suốt ba ngày mới thôi. Có lẽ vừa xong cũng là do tôi ngủ mê thấy chăng? Nhưng rõ ràng là có tiếng động rất ầm ĩ mà! Tôi còn đang đứng giữa hành lang suy nghĩ thì từ đầu hành lang phía bên kia, nơi có ánh trăng chiếu sáng mờ mờ có tiếng hô: một, hai, ba, rồi cả ba bốn chục cái mồm cùng hét lên đồng thanh, tiếp theo là tiếng chân cũng đồng thời nện xuống sàn huỳnh, huỳnh, huỳnh, huỳnh... Đó! Không phải là mơ mà rõ ràng là sự thật đấy.
- Hãy im đi, nửa đêm rồi đấy!
Tôi cũng hét to không kém và chạy lại phía đó. Chỗ hành lang tôi chạy qua tối om, chỉ có đầu phía kia có ánh trăng là mục tiêu để tôi nhằm mà chạy tới. Vừa chạy qua được khoảng bốn gian 3 thì tôi vấp phải một vật gì rất to và cứng ở giữa hành lang. Vừa cảm thấy đau điếng ở chân thì toàn thân đã ngã nhào về phía trước. Bọn khốn kiếp! Tôi đứng lên thử nhưng không bước được nữa. Tôi rất cáu nhưng cái chân không chịu cử động theo ý mình muốn. Sốt ruột, tôi nhảy bằng một chân, tới nơi thì tất cả lại im như tờ. Là con người thì dẫu có bỉ ổi đến đâu cũng không thể đến mức này. Đúng là đồ con lợn. Đã đến nước này thì dứt khoát tôi phải lôi cổ chúng ra, bắt chúng xin lỗi chứ không thể chịu được. Tôi nghĩ thế và mở cửa một phòng, định vào kiểm tra nhưng mở không được. Không biết là chúng đã khóa trái cửa hay chặn gì bên trong mà đẩy thế nào cũng không được. Tôi mở thử cửa phòng đối diện ở phía Bắc cũng không đẩy được. Tôi đang điên tiết, định mở cửa sổ nhảy vào lôi cổ chúng ra thì từ đầu hành lang phía Đông lại vang lên tiếng hét và tiếng giậm chân. Bọn khốn kiếp! Chúng nó hợp đồng với nhau, phối hợp đông tây để trêu tức tôi đây! Tôi nghĩ thế nhưng không biết phải làm thế nào. Phải thú thật là tôi càng dũng cảm bao nhiêu càng thiếu trí khôn bấy nhiêu. Trong những trường hợp như thế này, tôi hoàn toàn không nghĩ ra được nên làm như thế nào là tốt. Không biết làm gì nhưng nhất định không thể chịu thua. Nếu cho qua đi thì tôi còn mặt mũi nào nữa? Người ta sẽ nghĩ dân Ê- đô cũng chả là cái quái gì thì còn gì chán hơn. Để cho mọi người nghĩ rằng mình đi trực, bị bọn nhãi ranh nó trêu chọc mà cũng chẳng dám làm gì, đành nuốt hận thì thật xấu hổ suốt đời. Mình đây cũng là dòng dõi gốc gác nhà Ha- ta- mo- to. Mà Ha- ta- mo- to vốn người của dòng họ Se- i- wa- gen- ji, con cháu của Ta- đa no Man- ju 4, khác hẳn bọn bạch đinh này chứ! Chỉ đáng tiếc là mình không có nhiều trí tuệ nên không biết làm sao đó thôi. Chẳng lẽ bí mà đành chịu thua hay sao? Vì bản tính thật thà nên tôi chịu, không nghĩ ra được phải làm thế nào. Nhưng chả nhẽ trên đời này những người thật thà thì thua, còn những kẻ khác lại thắng hay sao? Phải nghĩ cách. Nếu đêm nay không thắng được thì ngày mai. Ngày mai không thắng được thì ngày kia. Ngày kia cũng không thắng được thì tôi sẽ bảo nhà trọ nắm cơm đến đây, ở cho đến khi nào thắng thì thôi. Tôi hạ quyết tâm như vậy và ngồi xếp bằng tròn giữa hành lang đợi trời sáng. Muỗi bâu đến quanh tôi vo vo nhưng tôi cũng mặc. Tôi sờ tay vào chỗ bắp chân bị vấp lúc nãy thấy dinh dính, có lẽ bị chảy máu. Mặc kệ, muốn chảy thì cho chảy. Trong lúc ngồi như vậy, cơn mệt nhọc từ nãy tới giờ kéo đến làm tôi thiếp đi. Lại có tiếng ầm ĩ, tôi mở choàng mắt. Thôi chết! Tôi đứng bật dậy như chiếc lò xo. Cánh cửa phòng phía tây phải chỗ tôi ngồi mở hé ra một nửa, có hai thằng học trò đứng ngay trước mặt tôi. Tôi tỉnh ngủ hẳn và chợt nhớ ra. Tôi tóm ngay lấy chân thằng đứng sát mũi, kéo thật mạnh làm nó ngã chổng kềnh. Đó, thấy chưa? Còn một thằng đang luống cuống bị tôi nhào tới tóm lấy vai. Tôi ấn vai nó, giúi cho mấy cái, mắt nó đảo ngang đảo dọc.
- Đi về phòng tôi. Tôi ra lệnh và kéo thằng học trò đứng lên. Nó vội đi theo luôn, trông có vẻ rất hèn nhát. Thế là trời đã sáng hẳn.
Đưa thằng học trò về tới phòng, tôi lập tức hỏi rất gay gắt. Nhưng cái giống lợn thì dẫu có đánh, có đập thì lợn vẫn hoàn lợn. Hỏi thế nào nó cũng một mực "Không biết, không biết." Nó có vẻ rất lì lợm, muốn ra sao thì ra nên nhất quyết không khai. Trong khi đó, một thằng, rồi hai thằng, lần lượt tất cả bọn học sinh tầng hai kéo hết cả xuống phòng thường trực. Trông mặt thằng nào cũng có vẻ buồn ngủ, mắt đỏ mọng.
Đúng là lũ bần tiện. Mới chỉ thức có một đêm mà đã mang cái bộ mặt sưng húp như vậy. Thế mà cũng đòi là con trai. Tôi bảo chúng đi rửa mặt đi rồi về đây nói chuyện, nhưng chẳng thằng nào chịu đi cả. Một mình tôi đối đáp với gần năm chục thằng học trò, trong gần một tiếng đồng hồ thì vừa lúc Ta- nu- ki đến. Sau này tôi mới biết là do thấy náo động ầm ĩ nên người tạp dịch đã vội vã chạy đi báo ông hiệu trưởng. Có một tí thế mà cũng phải đi kêu hiệu trưởng, thật là hèn. Chính vì thế cho nên ông ta mới phải đi làm cái chân tạp dịch là phải.
Ông hiệu trưởng yên lặng nghe tôi nói một mạch, rồi nghe bọn học trò nói một chút. Sau đó ông ta bảo tôi chuyện nhỏ này để phân xử sau. Từ giờ đến khi giải quyết vẫn cứ tiếp tục học như bình thường. Bây giờ các học trò phải đi rửa mặt, ăn sáng mau lên kẻo muộn giờ học. Nói xong ông ta tha cho tất cả ra về. Quả là một cách làm ăn quá lỏng lẻo. Vào tay tôi thì tôi phải đuổi học tất cả ngay lập tức. Chính vì cái kiểu giáo dục không nghiêm như thế này cho nên bọn học trò nội trú mới dám khinh nhờn giáo viên trực đêm đấy mà!
Sau đó ông ta quay sang bảo tôi:
- Chắc anh cũng đã mệt vì lo sợ. Hôm nay anh có thể nghỉ một buổi cũng được.
Tôi bảo:
- Không, tôi chẳng lo sợ gì hết. Dù đêm nào cũng xảy ra chuyện thế này tôi cũng chẳng sợ, chẳng lo. Tôi vẫn dạy được. Mới mất ngủ có một đêm mà đã phải nghỉ dạy thì phải trả bớt lại lương cho nhà trường mới xứng.
Không biết ông ta nghĩ gì mà yên lặng nhìn vào mặt tôi một chút rồi nhắc:
- Nhưng mặt anh hơi bị sưng lên đấy.
Quả thật, tôi thấy mặt mình hơi nằng nặng. Hơn nữa khắp người lại ngứa ran. Chắc đêm qua muỗi đã cắn thỏa thê. Tôi vừa gãi mặt soàn soạt vừa trả lời:
- Mặt tôi dẫu có bị sưng đến đâu thì chắc miệng vẫn còn nói được, không có ảnh hưởng gì đến giờ giảng đâu.
Ông ta cười và khen:
- Anh khỏe thật đấy.
Thực ra đâu phải khen mà là ông ta chế giễu tôi.
Chú thích:
1  1 đinh - 109m.
2  Cách nói chơi chữ: Nanosi là quán từ đặc trưng của giọng địa phương vùng này, nghĩa là "chứ lị", "chứ bộ", dùng ở cuối câu. Còn namesi nghĩa là "cơm rau" - Tạm dịch là "cháo hổ lốn" cho hợp với văn cảnh.
3  1 gian = 1,8 m.
4  Hatamoto tức tướng quân Minamoto no Mitsunaga (Nguyên Mãn Trung) 912- 997, vũ tướng thời Hei An, người lập nền móng của dòng họ vũ tướng Genji- Seiwa.

Truyện Cậu Ấm Ngây Thơ Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 !!!15163_6.htm!!! Đã xem 10604 lần. --!!tach_noi_dung!!--

Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 6

--!!tach_noi_dung!!--
     ề Trống là một thằng thật đáng ghét. Loại người này phải mang buộc đá mà quẳng xuống biển thì may ra nước Nhật mới có phận nhờ. Tiếng nói của Áo Đỏ hoàn toàn không lọt được tai. Hắn cố làm bộ mà ngọt ngào đầu lưỡi với tôi thế thôi. Dầu làm bộ thế thì cái bộ mặt của hắn vẫn là đáng ghét. Cô nào mà mê được hắn thì chắc cũng chỉ có cái loại Madonna nào đó mà thôi. Nhưng là hiệu phó, hắn luôn luôn nói cái gì đó khó hiểu hơn Hề Trống. Tôi về nhà, nghĩ lại những lời của Áo Đỏ, thấy rằng phải có ý gì đây! Hắn không nói rõ ra nên không thể biết được là ý gì. Nhưng có lẽ hắn muốn ám chỉ rằng Nhím là con người nguy hiểm, cần phải cảnh giác. Nếu thế thì sao hắn không nói trắng ra? Thật là đàn bà! Mà nếu trong trường có một giáo viên xấu như thế thì sao không cho thôi việc đi? Mang tiếng là hiệu phó, là cử nhân mà thiếu bản lĩnh đến vậy. Thậm chí nói xấu sau lưng người khác mà hắn cũng không dám nói rõ tên người đó ra, thật quá hèn! Những kẻ hèn nhát thường hiền lành, tử tế. Sự hiền lành, tử tế của Áo Đỏ cũng như sự hiền lành thân thiện của đàn bà. Nhưng thân thiện là thân thiện, còn giọng nói là giọng nói. Chẳng lẽ ghét cách nói của hắn mà phủ nhận sự thân thiện của hắn thì không đúng. Song sự đời thật là trớ trêu! Người mà mình không ưa thì lại tỏ ra thân thiện với mình. Còn người bạn mà mình cảm thấy hợp, thấy mến lại là người nham hiểm? Có lẽ ở đây là nhà quê nên mọi sự đều trái ngược với Tokyo chăng?
Thật là một chốn nguy hiểm. Biết đâu bất ngờ lửa lại đóng băng, còn đá thì nhũn ra thành đậu phụ cũng nên! Nhưng rõ ràng không có vẻ gì cho thấy là cái tay Nhím này lại đi xúi bọn học sinh đùa nghịch, làm loạn lên như vậy cả. Nghe nói, Nhím là tay giáo viên được học sinh quý mến nhất ở trường này. Vì vậy, nếu muốn thì quả hắn cũng có thể làm được những chuyện không vừa. Nhưng trước hết, làm gì mà phải làm chuyện lắt léo như vậy? Có gì hắn cứ việc gọi thẳng tôi đến cãi nhau thẳng thừng có phải đơn giản không? Nếu việc tôi về đây làm trở ngại đến hắn thì hắn cứ nói thẳng ra, rằng anh thế này, thế này, anh cản trở tôi, anh hãy thôi việc ở đây đi...
Như vậy cũng có sao đâu?! Hoặc là thương lượng, bàn cãi với nhau, thế nào cũng được cơ mà! Nếu quả đúng như lời Áo Đỏ thì ngay ngày mai tôi cũng có thể xin thôi việc. Không phải chỉ ở đây tôi mới kiếm được cơm ăn. Dù đi đâu thì tôi cũng không đến nỗi phải chết đói cơ mà. Vậy mà chẳng lẽ Nhím lại là kẻ khó chơi như vậy hay sao?! Khi tôi mới đến, Nhím là người đầu tiên đãi tôi một cốc nước đá bào. Nếu hắn là người lá mặt lá trái như thế thì tôi không thể chấp nhận sự thết đãi của hắn được.
Tôi chỉ uống một cốc thôi nên hắn đã phải trả cho tôi một sên rưỡi. Dù là một sên hay năm lin mà phải mang ơn một kẻ dối trá, lừa lọc thì cho đến chết vẫn không hết khó chịu. Ngày mai đến trường, nhất định tôi sẽ trả lại tiền cho hắn. Tôi đã từng vay của bà Ki- yô ba yên, năm năm nay rồi vẫn chưa trả. Không phải tôi không có khả năng trả mà là tôi cố tình không trả! Bà Ki- yô không bao giờ nghĩ là tôi sẽ trả ngay ba yên ấy và có dự định chi tiêu món tiền ấy. Bản thân tôi, tôi cũng không muốn trả món tiền ấy như một kẻ người dưng nước lã. Nếu tôi để ý đến món nợ ấy, nghĩa là tôi nghi ngờ lòng tốt của bà. Chính vì quý bà, coi bà là chỗ thân tình nên tôi cứ để món nợ đấy. Chuyện vay tiền của bà với của Nhím hoàn toàn khác nhau. Dù được đãi một cốc nước đá bào hay cốc chè đường, khi chấp nhận là tôi chấp nhận mối thân tình trong đó, chấp nhận con người đó là một người đàng hoàng, và đó chính là cách đối xử thịnh tình của ta.
Nếu chỉ cần sòng phẳng, tiền ai người ấy trả là xong mà lại không trả, cứ nhận sự chiêu đãi để mang ơn trong lòng thì đó là một sự trả nợ lớn lao, không thể tính bằng tiền được! Một con người, dù là vô danh tiểu tốt đến đâu thì cũng vẫn là người. Nếu con người ấy đã chịu cúi đầu mang ơn ta thì ta phải coi đó là một sự quý giá hơn cả vàng bạc.
Tôi đã để cho Nhím được quyền thết đãi một sên rưỡi đó là với ý muốn trả cho hắn một sự hàm ơn quý hơn cả triệu quan tiền. Nhím phải biết cảm ơn lắm mới phải chứ?! Thế mà sau lưng, hắn lại đi làm cái chuyện tồi tệ như thế thì thật là một kẻ khó chơi. Ngày mai tôi sẽ trả cho hắn một sên rưỡi, thế là giữa hắn với tôi sẽ không còn vay nợ gì nhau nữa. Và sau đó thì tôi sẽ cãi nhau với hắn...
Nằm nghĩ được đến đó thì tôi buồn ngủ và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Sáng hôm sau, mang sẵn ý định, tôi đến trường sớm và chờ Nhím. Nhưng mãi vẫn không thấy hắn đến. Anh Bí Đỏ đến trước, rồi đến ông thầy Hán học. Rồi đến Hề Trống, và cuối cùng là Áo Đỏ. Trên bàn của Nhím vẫn chỉ có một viên phấn nằm bình thản. Tôi định hễ đến phòng giáo viên là tôi trả tiền cho hắn ngay nên từ ở nhà, tôi đã chuẩn bị sẵn một sên rưỡi, cầm lăm lăm trong tay suốt từ nhà đến trường, như là cầm tiền đi tắm vậy. Tay tôi vốn nhiều mồ hôi nên khi mở tay ra thì nhũng đồng tiền đã thấm mồ hôi. Trả những đồng tiền ướt mồ hôi thế này, Nhím sẽ nghĩ gì chăng? Nghĩ thế, tôi để những đồng tiền lên bàn và thổi phù phù rồi lại nắm vào trong tay. Vừa lúc đó, Áo Đỏ đi lại cạnh tôi:
- Xin lỗi, hôm qua tôi đã làm phiền cậu.
- Chả phiền gì cả. Nhờ thế mà tôi đã rất đói bụng, ăn được bao nhiêu là cơm. Tôi trả lời.
Áo Đỏ bèn chống khuỷu tay xuống bàn Nhím, chìa cái mặt phèn phẹt của hắn vào sát mũi tôi. Không biết hắn định làm cái gì đây? Tôi nghĩ.
- Này cậu, chuyện hôm qua chúng ta nói trên thuyền, lúc đi câu về ấy mà, cậu nhớ giữ kín cho nhé, đừng có nói với ai đấy!
Giọng nói của hắn thì thật đàn bà nhưng hắn quả là một người đàn ông có tính lo xa. Nói với ai thì nhất định là tôi không nói rồi. Nhưng ngay bây giờ, tôi đang định nói với Nhím đây. Cho nên tôi đã chuẩn bị sẵn một sên rưỡi cầm trong tay rồi. Vậy mà hắn lại bảo tôi không được nói thì khó thật. Áo Đỏ đúng là Áo Đỏ. Mặc dù trong câu chuyện, hắn không chỉ đích danh, nhưng hắn đã ra cho tôi một câu đố quá đơn giản. Bây giờ tôi đang sắp giải câu đố đó thì hắn lại ngăn chặn. Đúng là một kẻ vô trách nhiệm chứ không thể nghĩ đó là một hiệu phó được. Đáng lẽ tôi và Nhím đang chuẩn bị đánh nhau, vừa rút gươm ra thì hắn phải xông vào giữa và động viên cổ vũ tôi một cách hăng hái mới phải chứ! Như thế thì mới đáng mặt hiệu phó, mặc áo đỏ chứ!
Tôi nói với tay hiệu phó này:
- Tôi chưa nói với ai cả, nhưng đang định nói chuyện với Nhím đây!
Hắn hốt hoảng:
- Ấy chết, cậu làm thế không được. Tôi nhớ là tôi không có nói hẳn điều gì về anh Hot- ta với cậu cả. Nếu cậu gây ra chuyên gì ầm ĩ ở đây thì rất phiền cho tôi. Cậu định làm loạn cái trường này lên hay sao? Hắn hỏi tôi hết sức vô lí như vậy.
- Tất nhiên. Ăn lương của trường mà làm rối loạn trong trường thì cũng rầy rà cho nhà trường đấy! Tôi trả lời.
- Vậy thì chuyện hôm qua, cậu nghe để biết và rút kinh nghiệm thôi, đừng có nói với ai cả.
Hắn lau mồ hôi và khẩn khoản yêu cầu tôi. Thấy thế, tôi cũng chấp nhận và hứa:
- Được rồi, tôi không nói cũng khó cho tôi, nhưng nếu ông sợ như vậy thì tôi sẽ không làm phiền lây đến ông đâu.
- Thật không? Cậu có hứa thật không?
Hắn giao hẹn cho chắc chắn. Thật là đàn bà không để đâu cho hết. Cử nhân văn học gì mà ai cũng như hắn thì thật ngán hết chỗ nói. Sau khi đã mà cả được một bản giao kèo vô đạo đức, thiếu luân lí như thế rồi, hắn có vẻ yên tâm. Tuy vậy, hắn vẫn không tin tôi. Xin lỗi chứ, tôi cũng là đàn ông. Chẳng lẽ tôi lại dễ dàng làm cái chuyện bỉ ổi là đã hứa rồi mà còn đi lật lọng, nuốt lời hứa hay sao?
Những người chủ của hai chiếc ghế bên cạnh đã đến. Áo Đỏ đành phải về chỗ của mình. Đến cả bước đi, hắn cũng chú ý làm điệu, làm bộ. Đi lại trong phòng, bao giờ hắn cũng rón rén bước thật nhẹ. Bây giờ tôi mới biết là bước đi nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động cũng là một việc đáng tự hào kia đấy! Sao lại không bước đi cho nó tự nhiên, đàng hoàng? Có phải rèn luyện để đi ăn trộm đâu mà phải rón ra rón rén như vậy?
Thế rồi kèn báo giờ vào lớp đã thổi. Rốt cuộc, Nhím vẫn không đến. Tôi để một sên rưỡi trên bàn và đi lên lớp.
Tiết đầu tiên tôi cho nghỉ hơi muộn. Khi quay về phòng, các giáo viên khác đã ngồi đông đủ, đang chuyện gẫu với nhau. Nhím cũng đã đến từ lúc nào. Tưởng hôm nay hắn nghỉ, hóa ra hắn đến muộn. Vừa thấy mặt tôi, hắn nói ngay:
- Hôm nay vì cậu mà tớ đi muộn đấy. Bỏ tiền ra nộp phạt đi.
Tôi cầm một sên rưỡi trên bàn đưa cho hắn:
- Đây, tôi trả anh. Anh cầm lấy. Đây là tiền nước đá hôm trước uống ở dưới phố.
Tôi nói và đặt tiền trước mặt Nhím.
- Cậu làm cái gì thế?
Hắn cười và nhìn tôi, nhưng tôi vẫn lạnh như tiền. Hắn liền đẩy tiền về phía bàn của tôi và bảo:
- Cậu đừng có đùa kiểu đó.
Đúng là bản chất của Nhím! Trước sau gì, hắn vẫn cứ nghĩ là hắn chiêu đãi tôi cốc nước đó.
- Tôi không đùa đâu. Nói thật đấy. Tôi chẳng có liên quan gì đến anh mà anh phải đãi tôi uống nước cả. Vì thế cho nên tôi trả lại anh. Anh không có quyền gì mà từ chối, không nhận cả.
- Nếu anh để ý đến một sên rưỡi đến thế thì tôi nhận lại cũng chả sao. Nhưng sao tự nhiên hôm nay anh lại nghĩ ra mà làm như vậy?
- Hôm nay hay hôm nào thì tôi trả là tôi trả. Tôi không muốn được anh chiêu đãi nên tôi trả, thế thôi.
Nhím lạnh lùng nhìn tôi rồi "hừ" một cái. Nếu không bị Áo Đỏ yêu cầu thì tôi đã nói thẳng ra sự bỉ ổi của hắn và cãi nhau ra trò với hắn ngay lập tức. Nhưng vì đã hứa với Áo Đỏ là không nói nên tôi đành im lặng. Người ta giận tím mặt thế này mà hắn chỉ hừ một cái là xong thôi à?
- Tôi sẽ nhận tiền nước đá này. Còn anh thì chuẩn bị chuyển nhà trọ đi.
- Anh chỉ cần nhận tiền là đủ rồi. Còn việc chuyển nhà hay không là việc của tôi, mặc tôi.
- Không mặc anh được. Hôm qua chủ nhà đến chỗ tôi, yêu cầu tôi bảo anh dọn đi. Tôi đã hỏi lí do. Thì ra họ nói thế mà đúng. Mặc dù vậy, để xác minh lại, sáng nay tôi đã phải đến đó hỏi lại cho cặn kẽ, rõ ràng đấy.
Tôi hoàn toàn không hiểu Nhím nói cái gì.
- Chủ nhà đã nói với anh cái gì, tôi làm sao mà biết được? Một mình anh quyết định như thế mà được hả? Có lí do gì thì trước hết anh phải nói xem đã chứ. Chưa chi anh đã bảo chủ nhà nói thế mà đúng. Kiểu nói như vậy thật mất lịch sự.
- Được, thế thì tôi nói cho anh biết. Chủ nhà bảo là anh rất thô bạo. Vợ chủ nhà dù sao thì vẫn là vợ chủ nhà chứ! Có phải là người hầu phòng trong khách sạn đâu mà anh dám bắt người ta lau chân? Thật là kiêu ngạo quá đáng!
- Tôi bắt vợ chủ nhà lau chân bao giờ?
- Có bắt hay không thì tôi không biết. Nhưng rõ ràng là họ bảo họ rất khó chịu với anh. Họ bảo là mười hay mười lăm yên tiền nhà, họ chỉ cần bán một bức tranh là được.
- Đồ lếu láo. Đã biết thế sao họ còn nhận cho tôi trọ?
- Vì sao họ nhận, tôi không biết. Cho trọ thì đã cho trọ rồi. Bây giờ không muốn cho nữa thì họ mời anh đi. Vậy thì anh hãy dọn đi đi.
- Tất nhiên rồi! Dù cho chủ nhà có khoanh tay van lạy, tôi cũng chẳng thèm ở lại nữa đâu. Chính anh, tại sao anh lại đi giới thiệu cho tôi một cái nơi như thế? Anh cũng chẳng ra làm sao cả.
- Có thể, hoặc là tôi chẳng ra làm sao, hoặc là anh là người quá đáng. Có thế thôi.
Nhím cũng là loại dễ nổi khùng chả kém gì tôi, nên hắn cũng gân cổ, nói rất to. Những người trong phòng nghĩ là giữa hai chúng tôi có chuyện gì nên đổ dồn vào nhìn hai đứa rồi ngẩn mặt ra xem chúng tôi cãi nhau. Tôi chẳng thấy ngượng gì cả, đứng lên đi vòng một lượt quanh phòng, nhìn thẳng vào mặt từng người. Ai nấy đều sửng sốt. Riêng chỉ có Hề Trống là cười có vẻ khoái chí lắm. Đôi mắt to của tôi dọi thẳng vào cái mặt dài như quả bí của hắn, vẻ như thách thức "mày cũng muốn cãi nhau hả". Lập tức hắn trở lại bộ mặt nghiêm túc, rất lễ độ. Trông hắn có vẻ hơi sờ sợ. Kèn vào lớp lại thổi. Chúng tôi nghỉ cãi nhau. Cả tôi và Nhím đều đi lên lớp.
Chiều hôm đó có cuộc họp bàn biện pháp xử lí những học sinh nội trú đã vô lễ với tôi hôm trước. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ, tôi chưa từng dự một cuộc họp nào bao giờ cho nên chả biết cuộc họp nó ra làm sao. Có lẽ cuộc họp thì đại loại là các giáo viên ngồi lại với nhau, rồi thì người nào tự do phát biểu ý kiến của người đó, rồi sau đó ông hiệu trưởng sẽ tổng kết, tóm tắt lại ý kiến của mọi người chăng? Tóm tắt, ở đây có nghĩa là tóm tắt những cái gì còn chưa rõ trắng đen, còn cần phải bàn cãi. Nhưng trường hợp hôm nay, họp về một vấn đề mà nội dung của nó ai cũng thấy là miễn cưỡng phải bàn thì chắc họp là một hình thức để giết thời gian? Bởi vì, dù ai muốn nói gì thì nói, sự thật cũng đã quá rõ ràng, chỉ cần hiệu trưởng xử lí ngay lập tức là xong. Thế mà ông ta không chịu xử lí. Như thế này thì hiệu trưởng chẳng là cái quái gì cả. Đó chẳng qua chỉ là một cái tên để chỉ một con người do dự, ù lì, thiếu quyết đoán...
Phòng họp nhỏ và hẹp, nằm ngay cạnh phòng hiệu trưởng. Bình thường, phòng này được dùng làm phòng ăn. Có khoảng hai chục cái ghế bọc da đen đặt xung quanh một chiếc bàn dài. Căn phòng trông giống một tiệm ăn u ở Kan- da. Ông hiệu trưởng ngồi ở đầu bàn. Bên cạnh là Áo Đỏ. Còn lại thì mọi người tùy tiện tìm lấy chỗ của mình. Nghe nói ông thầy dạy thể dục bao giờ cũng khiêm tốn chọn chỗ ngồi ở cuối dãy ghế. Tôi chẳng hiểu đầu đuôi thế nào nên ngồi lọt vào giữa một bên là ông thầy tự nhiên học và một bên là ông thầy Hán học. Đối diện với tôi là Nhím và bên cạnh đó là Hề Trống. Cái mặt tay Hề Trống này, lúc nào trông cũng thấy bỉ ổi. Nhím, mặc dù vừa cãi nhau với tôi nhưng trông mặt hắn còn dễ chịu hơn nhiều. Mặt Nhím trông rất giống một người trong bức tranh treo ở chùa Dưỡng Nguyên ở Khôngbinata mà tôi đã nhìn thấy khi đám tang bố tôi. Vị hòa thượng của chùa cho biết đó là quái vật Vĩ Thái Thiên. Hôm nay hắn tức giận nên mắt cứ đảo ngang đảo dọc, thỉnh thoảng lại nhìn tôi. Tôi cũng chẳng sợ. Mắt tôi cũng long lên, cũng đảo ngang đảo dọc chẳng kém gì và thỉnh thoảng cũng gườm gườm nhìn lại hắn. Mắt tôi không đẹp nhưng được cái to nên chẳng kém ai. Bà Ki- yô vẫn bảo là mắt cậu to nên làm diễn viên thì hợp lắm.
"Thôi có lẽ đông đủ cả rồi đấy nhỉ!"
Ông hiệu trưởng nói xong thì thư kí là anh Ka- wa- mu- ra bắt đầu đếm đầu người: Một, hai, ba, bốn... thiếu một người. Thiếu một người? Tôi cũng nghĩ thế. Hóa ra là thiếu anh Bí Đỏ. Tôi với Bí Đỏ không hiểu có duyên nợ tiền kiếp gì hay không mà từ khi trông thấy anh ta lần đầu tiên, tôi không thể nào quên được bộ mặt anh ấy. Bước vào phòng giáo viên, bao giờ tôi cũng nhìn thấy Bí Đỏ trước nhất. Đang đi trên đường, hình dáng Bí Đỏ cũng hiện ra trước mắt tôi. Thỉnh thoảng đến nhà tắm, tôi cũng gặp anh ta ngồi trong bồn ngâm nước với bộ mặt vàng võ. Mỗi khi tôi cất tiếng chào, anh ta lại sợ sệt cúi đầu đáp lại rất tội nghiệp. Trong trường, không có ai hiền như Bí Đỏ. Anh rất ít khi cười mà cũng chẳng mấy khi nói. Tôi đã đọc được chữ "quân tử" trong sách, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là khái niệm có trong từ điển chứ trong cuộc sống làm gì có người quân tử. Vậy mà từ khi gặp anh, tôi mới vỡ lẽ rằng từ này đã có dẫn chứng thực tế trong cuộc sống.
Vì có mối ràng buộc sâu xa như thế cho nên vừa vào phòng là tôi biết ngay thiếu Bí Đỏ. Thực ra tôi đã đưa mắt tìm, định ngồi cạnh anh ta.
- Thôi được, rồi anh ấy sẽ tới.
Ông hiệu trưởng nói và mở cái khăn bọc bằng lụa màu tím để trước mặt ra, rồi lấy ra một bản tài liệu giống như bản in roneo và bắt đầu đọc. Áo Đỏ thì dùng chiếc khăn tay lụa lau đi lau lại chiếc tẩu hổ phách. Đây là một sở thích riêng của ông ta, rất phù hợp với cái áo màu đỏ. Những người khác, người thì thì thầm nói chuyện với người ngồi cạnh, người thì chả biết làm gì, dùng mẩu cao su ở đuôi bút chì viết bâng quơ cái gì đó trên mặt bàn. Hề Trống thỉnh thoảng lại quay sang nói chuyện với Nhím. Nhưng Nhím không bắt chuyện, chỉ ừ hữ hoặc hả?... hả?... rồi thỉnh thoảng lừ lừ đưa mắt nhìn sang tôi. Tôi cũng không chịu thua, gườm gườm nhìn lại.
Vừa lúc đó thì Bí Đỏ đáng tội nghiệp bước vào.
- Xin lỗi, tôi có chút việc nên đến muộn.
Anh ta lễ phép chào và xin lỗi ông Ta- nu- ki mắt ốc nhồi.
- Thế ta bắt đầu đi.
Ta- nu- ki nói và đưa cho anh thư kí Kawamura những bản in roneo, bảo phân phát cho mọi người. Trong bản đó gồm có các khoản mục: thứ nhất là vấn đề xử lí học trò. Thứ hai là vấn đề dạy dỗ, hướng dẫn... Ngoài ra còn hai ba khoản mục gì gì đó. vẫn như thường lệ, vẻ trịnh trọng và quan trọng hóa, ông Ta- nu- ki vừa thể hiện cái mẫu mực linh hồn của sự giáo dục vừa thuyết như sau:
- Các giáo viên và học sinh trường ta, nếu ai có điều gì sơ suất đều do lỗi tại tôi, bởi vì tôi thiếu nhân đức, chưa nêu gương về đạo đức tốt. Mỗi lần trong trường xảy ra chuyện gì, với trách nhiệm là hiệu trưởng, tôi cảm thấy rất ân hận và hổ thẹn. Lần này, không may trường ta lại xảy ra chuyện ầm ĩ. Tôi xin thành thật nhận lỗi trước tất cả các thầy. Chuyện đã trót xảy ra rồi, chúng ta đành phải chịu. Tất nhiên chúng ta phải hết sức tìm biện pháp xử lí. Sự việc thì như tất cả mọi người đã biết. Bây giờ, để làm rõ vấn đề trái phải, mong các vị thành thật cho ý kiến, không nên giấu giếm điều gì...
Nghe diễn văn mà thật khâm phục hiệu trưởng. Thì ra, dù là hiệu trưởng hay là Ta- nu- ki thì một khi đã nói cái gì là phải toàn những chuyện cao siêu to tát cả. Nếu đã thấy tất cả là lỗi tại mình, tự mình phải xin lỗi, tự mình thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức như thế thì cần gì phải xử lí học sinh nữa. Cứ xử lí ngay hiệu trưởng thôi. Nghĩa là hiệu trưởng chỉ việc xin từ chức là xong. Đã thế thì còn cần gì phải họp hành như thế này cho rắc rối?! Lí lẽ thật đơn giản: tôi đi trực đêm hiền lành, tử tế. Bọn học trò gây sự. Lỗi chẳng phải tại hiệu trưởng, cũng chẳng phải tại tôi. Rõ ràng lỗi đó chỉ có bọn học sinh. Còn nếu đó là do Nhím xúi giục học sinh thì cứ phạt luôn cả học sinh lẫn Nhím là quá đủ. Cái kiểu đâu lại đi lấy đuôi người khác cắm vào đít mình rồi múa may tự nhận "đây là đuôi tôi, đuôi tôi…" như vậy?! Diễn được cái trò này chắc chả có ai ngoài Chồn Cáo ra đâu. Sau khi xổ ra một tràng lí lẽ ngang tai như vậy, ông ta có vẻ đắc ý, đưa mắt nhìn lướt qua một lượt khắp mọi người. Chẳng ai hé răng nói câu nào. Ông thầy dạy tự nhiên học thường thức thì ngồi ngắm con chim đang đậu trên mái nhà lớp Nhất. Ông thầy Hán Học thì hết cuộn vào lại giở ra, rồi lại cuộn vào cái bản in roneo. Nhím thì vẫn còn lườm tôi. Nếu biết họp chán thế này, thà tôi nằm quách ở nhà làm một giấc ngủ trưa còn hơn.
Tôi rất nóng ruột, nghĩ là phải nói cho mọi người hiểu ra mới được. Đang định đứng lên, thấy Áo Đỏ lên tiếng, tôi lại ngồi im. Nhìn sang thì thấy hắn đã cất chiếc tẩu đi, đang cầm cái khăn tay lụa hoa, vừa lau mặt vừa nói. Chiếc khăn này chắc là của nàng Madonna tặng hắn. Đàn ông thì người ta phải dùng khăn tay bằng vải đay trắng mới là đàn ông chứ.
- Nghe thấy chuyện học sinh làm ầm ĩ, náo động cả trong trường, là một người hiệu phó, tôi cảm thấy mình thật có lỗi hết sức. Tôi tự thấy hổ thẹn vì chưa làm tròn bổn phận, chưa chu đáo, thiếu gương mẫu và chưa dạy dỗ các em đến nơi đến chốn, để cho các em thiếu ngoan ngoãn, thiếu lễ độ. Như vậy, chuyện đáng tiếc xảy ra cũng là do thiếu sót của tôi. Trong chuyện này, lỗi xem ra có vẻ ở các em học sinh cả. Nhưng việc làm rõ phải trái ra sao thì ngược lại, đó lại là trách nhiệm của nhà trường. Vì vậy, nếu ta chỉ căn cứ vào những lí do bề ngoài như đã nói, để rồi trừng phạt các em thì tôi e rằng kết quả ngược lại sẽ không có lợi cho tương lai sau này. Các em học sinh thực ra còn trẻ người non dạ, tính hiếu động, chưa biết phân biệt đúng sai, nhiều khi chúng nghịch ngợm một cách vô ý thức. Song, xử lí như thế nào thì đó là tùy suy nghĩ và cách làm của hiệu trưởng, tôi không có ý kiến gì cả. Tôi chỉ tha thiết mong rằng chúng ta nên xem xét sự thể nó là như vậy để có cách xử lí khoan dung, độ lượng đối với các em.
Thật đúng là Ta- nu- ki là Ta- nu- ki, Áo Đỏ là Áo Đỏ. Hắn đã công nhiên tuyên bố rằng học sinh hỗn láo không phải là lỗi của học sinh mà đó là lỗi của giáo viên. Khi một thằng điên đánh vào đầu người khác thì không phải lỗi tại thằng điên, chính người đó có lỗi nên mới bị đánh. Thật là hạnh phúc hiếm có. Nếu các em hiếu động quá, không thể chịu nổi thì sao các em không ra sân mà vật nhau cho bớt hiếu động đi? Việc gì lại đi bắt cào cào thả vào giường người khác rồi gọi đó là nghịch ngợm vô ý thức. Cứ kiểu này thì nếu có ai đang ngủ mà bị cắt cổ thì chắc cũng chỉ là những trò đùa vô ý mà thôi, cứ việc tha bổng tuốt đi chắc?!
Tôi nghĩ bụng như vậy và rất muốn phải nói thế nào để diễn đạt được ý ấy. Nhưng tôi lại sợ là nhỡ mình đang nói giữa chừng mà lại bị tắc thì mọi người sẽ không hiểu nó ra làm sao. Tôi có cái tật là khi tức giận, nói cái gì chỉ được vài câu là tắc tị, không sao nói ra được ý của mình. Những người như Ta- nu- ki, Áo Đỏ, tuy về phẩm chất họ thấp kém hơn tôi rất nhiều nhưng mồm mép họ lại rất ghê. Nếu tôi không khéo, lỡ miệng một cái họ lại vịn vào đó mà bắt bẻ cho thì thật không tiện. Tôi phải chuẩn bị thế nào để nói cho thật đầy đủ mới được. Tôi nghĩ như vậy và sắp xếp ý tứ, câu cú trong đầu. Bỗng nhiên tôi giật mình thấy Hề Trống, ngồi trước mặt tôi, đứng lên. Cái đồ Hề Trống mà cũng định nói năng cái gì đây? Thât bố láo! Bằng cái giọng nịnh bợ thường ngày, hắn nói:
- Chuyện châu chấu và việc xảy ra ồn ào trong trường lần này thực ra là một sự kiện rất đặc biệt, hiếm có từ trước đến nay. Nó làm cho chúng ta, những người giáo viên có lương tâm không thể không băn khoăn lo lắng đối với tương lai của nhà trường sau này. Vì vậy, nhân dịp này, tất cả giáo viên chúng ta phải xem lại mình, chúng ta phải chấn chỉnh lại toàn bộ kỉ cương, lề lối của nhà trường. Vì vậy, ý kiến vừa rồi của ông hiệu trưởng và ông hiệu phó, tôi thấy là rất chính đáng. Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đề nghị chúng ta nên khoan dung, độ lượng đối với các em.
Lời phát biểu của Hề Trống có lời mà không có nghĩa. Hắn đã làm cái trò đi sắp xếp các từ ngữ vào với nhau thành một chuỗi mà chẳng nói lên cái gì. Trong đó, chỉ có mỗi một câu có thể hiểu được, đó là "tôi hoàn toàn đồng ý". Chẳng hiểu được Hề Trống nói cái gì, nhưng tôi rất tức, tôi đứng phắt dậy:
- Tôi hoàn toàn phản đối.
Chỉ nói được đến đó, xong rồi tôi chẳng biết phải nói tiếp gì nữa.
- Cái... cái kiểu làm ăn vớ vẩn như vậy, tôi chúa ghét...
Tôi tiếp thêm được một câu nữa thì mọi người cười ồ cả lên.
- Đại thể là học sinh hoàn toàn sai. Nếu không bắt chúng nhận lỗi thì chúng sẽ quen đi. Nếu cần, đuổi học cũng được. Kiểu đâu hỗn láo... Thấy giáo viên mới đến là tưởng...! Tôi nói thêm rồi ngồi xuống.
Ông thầy tự nhiên học, ngồi bên tay phải tôi lên tiếng. Ông ta đưa ra cái luận điệu yếu hèn thế này:
- Học sinh sai thì đúng là sai rồi nhưng nếu phạt chúng nghiêm khắc quá, sợ chúng phản ứng lại thì càng tệ hơn. Như vậy thì không được.
Ổng Hán học ngồi bên tay trái tôi cũng tán thành giải pháp mềm dẻo. Ông thầy dạy lịch sử thì đồng ý kiến với hiệu phó. Còn lại những người rụt rè, ấp úng thì đại loại cùng một bè với Áo Đỏ cả. Toàn những người thế này, họp lại với nhau để mà thành trường học thì còn trông mong cái nỗi gì?! Tôi đã nhất quyết: một là nhà trường phải bắt học sinh xin lỗi tôi, hai là tôi sẽ thôi dạy ở trường này. Nếu Áo Đỏ thắng thì ngay lập tức bây giờ tôi về, chuẩn bị hành lí đi ngay. Đằng nào thì tôi cũng không thể cãi nhau bằng mồm với bọn này, mà tôi cũng chẳng thèm hơi đâu mà thương lượng, bắt chúng làm theo ý tôi. Tốt nhất là đi khỏi trường này. Còn sau đó, họ muốn làm sao, ra sao mặc họ. Nếu tôi có nói gì nữa thì chắc mọi người chỉ lấy làm trò cười. Ai mà thèm nói. Tôi nghĩ thế và ngồi tỉnh bơ.
Nhím nãy giờ ngồi im lắng nghe, lúc đó bỗng đứng bật dậy. Tôi nghĩ thầm: "Đồ tồi, đừng có mà họa theo giọng của Áo Đỏ. Ừ, thì đằng nào ta cũng cãi nhau với mi đó. Muốn làm gì thì cứ việc làm đi xem nào!?"
Giọng Nhím sang sảng rung cả cửa kính.
- Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của hiệu phó và các vị khác. Bởi vì, trong sự kiện này, xét theo lí lẽ nào thì cũng chỉ có một sự thật là năm chục học sinh nội trú đã khinh nhờn và trêu chọc một giáo viên mới. Ngoài ra không có một lí do nào khác. Ông hiệu phó nói rằng nguyên nhân là tại ở người giáo viên. Nhưng xin lỗi, có lẽ ông ta đã lỡ lời chăng? Người được phân công đi trực là người mới về trường, tiếp xúc với học sinh chưa được hai chục ngày. Trong hai chục ngày đó, học sinh chưa thể có thời gian để đánh giá người này về học vấn và nhân cách. Nếu có lí do chính đáng là giáo viên ấy đáng bị khinh nhờn nên học sinh đã khinh nhờn thì còn có thể cân nhắc khi xét hành vi của học sinh. Đằng này không có lí do gì, chỉ vì chúng nghĩ là thầy giáo mới mà chúng dám hỗn láo, trêu chọc, coi như trò đùa. Đối với những học sinh như vậy mà lại đi rộng lượng, khoan dung thì thiết nghĩ uy tín của nhà trường cũng không hay lắm. Tôi nghĩ rằng tình thần của giáo dục chính là ở chỗ không chỉ dạy cho học sinh về học vấn, mà còn ở chỗ khuyến khích sự lành mạnh, cao thượng, chính trực và quân tử. Đồng thời loại trừ, tẩy rửa tất cả những mầm mống hư hỏng, xấu xa, mang tính chất thấp hèn, mọi rợ, ma giáo, độc ác. Nếu chúng ta sợ học sinh sẽ phản ứng, làm loạn hơn nữa, rồi né tránh nhất thời thì đến bao giờ mới sửa được cái thói xấu này? Chính là nhằm ngăn chặn, loại trừ cái thói quen xấu xa này mà chúng ta dạy học ở cái trường này. Vậy mà chúng ta lại muốn bỏ qua những chuyện như thế này thì tôi nghĩ rằng ngay từ đầu chúng ta không nên làm nghề nhà giáo mới phải. Với lí do trên, tôi đề nghị chúng ta phải xử thật nghiêm đối với tất cả mọi học trò, bắt chúng phải công khai xin lỗi người giáo viên kia, đó mới là cách làm thích đáng nhất.
Nói xong, Nhím ngồi phịch xuống ghế. Tất cả im lặng, không ai nói gì. Áo Đỏ lại bắt đầu lau cái tẩu. Tôi thấy sao mà hả lòng hả dạ. Nhím hầu như đã nói thay tôi tất cả những điều tôi muốn nói. Vốn là người hết sức đơn giản nên tôi quên béng ngay chuyện cãi nhau vừa xong, với bộ mặt biết ơn, tôi hớn hở đưa mắt về phía Nhím, nhưng mặt hắn vẫn tỉnh bơ.
Một lát sau, Nhím lại đứng lên:
- Có một điều tôi quên chưa nói, là tối hôm đó, trong lúc trực trường, hình như người trực đã bỏ đi tắm suối nước nóng. Tôi nghĩ rằng chuyện đó không được. Mình đã nhận trông coi cả một cái trường mà lại lợi dụng không có ai ngăn cấm, bỏ đi chơi, mà lại đi đến tận suối nước nóng thì không được. Chuyện học sinh là học sinh. Riêng về điểm này, tôi đề nghị nhà trường và những người có trách nhiệm cần phải nhắc nhở.
Thật là một con người kì quặc. Vừa mới bênh vực người ta xong đã lại tố cáo ngay được. Tôi hoàn toàn vô tình nghĩ rằng vì trước đây tôi có biết đã có trường hợp người thường trực đi vắng, vậy thì chắc đó là tập quán của trường nên đã bỏ đi suối nước nóng. Bây giờ bị phê bình mới thấy quả là mình sai, bị phê bình cũng đúng. Tôi đứng lên nói:
- Đúng là trong giờ trực tôi đã đi đến suối nước nóng. Việc này tôi hoàn toàn sai. Tôi xin nhận khuyết điểm.
Nói xong tôi ngồi xuống. Tất cả lại cười ồ. Hễ tôi nói cái gì, thậm chí là điều tốt họ cũng cười. Thật là một bọn người đáng ghét. Các người có dám ngang nhiên nhận cái sai của mình như thế không? Không dám nên mới cười chứ gì?!
Sau đó ông hiệu trưởng nói:
- Có lẽ không còn ai có ý kiến gì nữa nhỉ? Thế thì chúng tôi sẽ cân nhắc và tìm biện pháp xử lí.
Kết quả là tất cả bọn học sinh nội trú bị phạt, cấm ra khỏi trường trong một tuần lễ và phải xin lỗi tôi. Giá mà đừng có xin lỗi, cứ để tôi bỏ quách trường ngay hôm ấy thì lại tốt. Đằng này lại đi làm theo ý muốn của tôi, thành ra mới gay cho tôi hơn. Vì sao thì sau này tôi sẽ nói. Cuộc họp vẫn tiếp tục và ông hiệu trưởng đề nghị:
- Tác phong của học sinh như thế nào là do tác dụng cảm hóa của người thầy. Muốn làm được điều đó, trước hết tôi mong rằng giáo viên chúng ta không nên đi ra ngoài ăn uống ở hàng quán. Trừ những trường hợp đặc biệt như liên hoan hay gì đó thì không kể, còn cá nhân giáo viên, chúng ta nên tránh vào những nơi ăn uống không đàng hoàng, ví dụ như hiệu phở, hiệu bánh trôi...
Ông ta nói thêm. Và mọi người lại cười. Hề Trống đưa mắt nhìn Nhím và ra hiệu như muốn nói "ten- pu- ra" nhưng Nhím không hưởng ứng. Hay lắm!
Đầu óc tôi kém nên tôi chẳng hiểu ông Ta- nu- ki nói cái gì?! Nhưng tôi hiểu đại loại là những nơi như quán phở, hiệu bánh không phải là nơi cho những giáo viên trung học, dù đó là những kẻ háu ăn như tôi lui tới. Như thế thì cũng được thôi. Nhưng sao ngay từ đầu họ không ra điều kiện là chỉ tuyển những giáo viên không thích ăn phở, ăn bánh trôi...? Không nói gì cả, tự nhiên đưa công lệnh quyết định, xong rồi thì mới nào là không được ăn phở, không được ăn bánh, nọ kia. Làm như vậy là giáng những đòn chí tử vào những kẻ như tôi, những kẻ chẳng có sở thích gì ngoài cái sở thích háu ăn.
Áo Đỏ lại bắt đầu hót:
- Giáo viên trung học vốn dĩ thuộc tầng lớp có địa vị cao trong xã hội. Vì thế cho nên không thể chỉ đi tìm những thú vui vật chất tầm thường. Nếu cứ lao vào những chỗ đó thì phẩm cách con người cũng bị tiêm nhiễm những cái xấu, trở nên tầm thường. Nhưng có điều, chúng ta là những con người. Là con người mà về cái nơi thôn quê hẻo lánh này, nếu không có một sở thích nào thì kể cũng khó. Phải chăng ta nên đi câu cá, tìm đọc những sách văn học, hay làm thơ... nghĩa là đi tìm một sự thú vui về tinh thần cao thượng nào đó...
Càng thấy mọi người ngồi nghe, không ai nói gì, hắn lại càng nỏ mồm. Nếu những cái trò đi ra biển câu được toàn phân, rồi gọi những con cá lẹp là nhà văn Nga, đem cô đào tình nhân của mình ra đặt dưới gốc cây thông, rồi thì ngâm "con cóc nhảy xuống hồ" 1... là những thú vui tinh thần của hắn thì việc chén bánh, chén phở cũng là thú vui tinh thần chứ sao?! Làm những cái trò vớ vẩn ấy mà gọi là thú vui tình thần thì thà đi mà giặt cho sạch cái áo màu đỏ của hắn đi còn hơn. Tôi lộn ruột quá, không chịu được, bèn hỏi:
- Thế đi tìm em Madonna thì có phải là thú vui tinh thần không?
Nghe thế không ai cười nữa. Mọi người bối rối đưa mắt nhìn nhau. Áo Đỏ có vẻ lúng túng, cúi mặt xuống. Đó, thấy ngay mà. Có tật thì giật mình mà! Nhưng tội nghiệp lại là anh Bí Đỏ. Nghe tôi nói, bộ mặt vốn đã tái của anh lại càng thêm tái mét.
Chú thích:
1  Ám chỉ bài thơ Áo xưa nổi tiếng của Basho.
--!!tach_noi_dung!!--


Nguồn: Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 26 tháng 8 năm 2014

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--