Dịch giả: Bùi Thị Loan
Chương 5

     ày, cậu có đi câu không? - Áo Đỏ hỏi tôi. Hắn có giọng nói nhẹ nhàng đến mức khó chịu. Thật khó mà phân biệt được hắn là đàn ông hay đàn bà. Nếu là đàn ông thì phải nói năng cho ra đàn ông chứ. Hơn nữa, lại còn đã tốt nghiệp đại học kia mà. Đến như tôi đây, chỉ tốt nghiệp cái trường trung học, khoa học tự nhiên thôi, mà tôi còn nói rõ ràng được nữa là. Thế mà mang tiếng là cử nhân. Thật không thể chấp nhận nổi!
Tôi trả lời mập mờ:
- Ừ, có lẽ đi chăng!
- Cậu đã đi câu bao giờ chưa? - Hắn lại hỏi tôi, một câu hỏi rất bất lịch sự.
- Cũng không nhiều lắm. Hồi nhỏ, đã có lần câu được ba con cá chày ở bể câu Không- u- me đấy. Rồi có lần, vào ngày lễ Bi- sha- mon ở Ka- gu- ra- za- ka, một con chép khoảng tám tấc đã mắc vào câu, tôi đang kéo lên thì nó lại rơi tõm ngay xuống. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy tiếc.
Nghe tôi nói thế, Áo Đỏ đưa cổ ra cười hí hí.
Hơi một tí là hắn lại điệu bộ, cười cái kiểu đó.
- Ồ, thế thì anh chưa biết cái thú đi câu rồi. Nếu anh muốn, tôi sẽ "truyền thụ" kinh nghiệm cho. Hắn nói với giọng tự đắc. Ai mà thèm nhờ hắn truyền thụ! Đi câu với lại chả đi săn, chẳng qua chỉ là một bọn người độc ác. Không độc ác thì sao lại phải đi tìm lẽ thú vui bằng những sự sát sinh như thế? Con chim, con cá thì nó cũng muốn được sống chứ. Những người đi câu, đi săn vì kế sinh nhai thì nó đi một nhẽ. Đằng này đã sống no đủ rồi nhưng nếu không đi làm cái chuyện giết chóc như vậy thì không ăn ngon ngủ yên. Thật là quá xa xỉ, phù phiếm! Tôi nghĩ trong bụng như thế nhưng không nói ra. Bởi vì tôi biết, tay này là cử nhân nên mồm mép ghê lắm! Có tranh luận với hắn thì thế nào tôi cũng thua. Thấy tôi im lặng, tiên sinh này tưởng lầm là đã thuyết phục được tôi nên giục luôn:
- Tôi sẽ dạy ngay cho anh. Nếu hôm nay rỗi anh đi ngay với chúng tôi đi. Thế nào? Chỉ có hai người, tôi với anh Yo- shi- ka- wa thì cũng hơi buồn mà!
Yo- shi- ka- wa chính là cái ông thầy dạy vẽ mà tôi đã tặng cho biệt danh là Hề Trống (No- đa- i- không). Tay này chẳng hiểu sao mà suốt ngày thì thà thì thụt ra vào nhà Áo Đỏ, đi đâu cũng bám theo Áo Đỏ như một cái đuôi, trông chả khác gì một ông chủ với một thằng đầy tớ. Áo Đỏ đi đến đâu thì ở đó có Hề Trống. Điều đó đã rõ ràng, chẳng cần phải ngạc nhiên thêm. Nhưng chỉ hai người đi với nhau thôi cũng đủ rồi, sao còn phải mời thêm tôi, một thằng vốn chẳng yêu quý gì họ, để làm gì? Hay là họ muốn tôi đi để khoe khoang cái sở thích câu cá của họ? Nếu thế thì tôi không phải là người để cho họ khoe đâu! Họ có câu được vài ba con cá Ma- gu- ro 1 đi chăng nữa thì cũng đã là cái quái gì? Tôi cũng là người. Dù tôi có kém cỏi đến đâu đi chăng nữa thì tôi cũng có thể thả được sợi dây và biết được là có cái gì mắc vào sợi dây đó chứ. Nhưng nếu tôi từ chối không đi thì ai chứ tay Áo Đỏ này lại nghĩ ngay là tôi sợ bị xấu hổ vì câu kém nên từ chối, chứ hắn có biết đâu là tôi không đi là vì ghét hắn!? Nghĩ như vậy cho nên tôi nhận lời. Thế là dạy hết giờ, tôi về nhà chuẩn bị và ra bến xe đợi Áo Đỏ và Hề Trống, rồi cả ba cùng ra bãi biển.
Chỉ có một người lái đò. Thuyền thì dài và hẹp. Ở Tokyo, tôi chưa nhìn thấy loại thuyền như thế này bao giờ. Ngay từ đầu tôi đã để ý thấy trong thuyền chả có một chiếc cần câu nào. Tôi hỏi Hề Trống: "Không có cần câu cũng câu được à? Sao vậy?" Hắn bảo câu ở ngoài khơi người ta không cần sào, chỉ có sợi dây câu là đủ.
Vừa nói hắn vừa sờ cằm, tỏ vẻ ta đây rất thành thạo. Giá mà biết bị họ lên mặt thế này thì thà tôi cứ im tiệt cho xong!
Người lái đò chèo rất thong thả, nhưng nghệ thuật chèo thuyền của ông ta điêu luyện dễ sợ. Chỉ loáng một cái, quay nhìn lại đã thấy bờ cát lùi tít tận đằng sau, chỉ còn nhìn thấy một tí tẹo. Ngọn tháp năm tầng của chùa Không- ha- ku như một mũi kim nhô lên giữa rùng cây. Ở xa xa, phía bên kia thấy nhô lên đảo Aojima. Nghe nói hòn đảo này không có cư dân. Nhìn kĩ, thấy đảo chỉ toàn đá và thông. Hẳn nào! Toàn đá và thông thế này thì con người làm sao mà sống được?! Áo Đỏ luôn mồm tấm tắc khen cảnh đẹp. Còn Hề Trống thì: "Tuyệt, tuyệt thật. Tuyệt vời quá!" Tôi chẳng biết phong cảnh ở đây có tuyệt hay không tuyệt, nhưng mà cảm thấy rất dễ chịu. Ở đây, trên mặt biển mênh mông thỉnh thoảng lại có những con gió mang hơi mặn phả vào da thịt thì quả thật thuốc bổ cũng không bằng. Tôi thấy bụng cồn cào.
- Kìa, nhìn cây thông kia mà xem. Thân cây thẳng tuốt, những tán lá xòe ra như những tầng ô, trông y hệt tranh của Turner 2 vậy! - Áo Đỏ nói với Hề Trống.
Lập tức Hề Trống họa theo, vẻ mặt đầy tự phụ:
- Ồ, đúng đây là Turner rồi. Những đường nét kia thì không thể chệch đi đâu ngoài Turner. Giống Turner như đúc!
Tôi chẳng biết Turner là cái quái gì. Nhìn không biết thì cũng chẳng cần hỏi để làm gì. Tôi lặng thinh. Chiếc thuyền vòng phải, lượn xung quanh đảo. Mặt biển không một gợn sóng. Ở đây mặt nước yên ả đến nỗi khó mà chấp nhận đó là mặt biển. Nhờ Áo Đỏ, hôm nay tôi được một bữa khoan khoái thú vị. Tôi nảy ra ý định muốn lên đảo chơi, nên hỏi thuyền có thể ghé vào chỗ kia được không?
- Vào thì vào được, nhưng câu cá không nên câu gần bờ.
Áo Đỏ hiểu nhầm ý tôi nên trả lời như vậy. Tôi im không nói gì. Sau đó Hề Trống lại lên tiếng:
- Thế nào thủ trưởng, từ rày ta đặt tên cho hòn đảo kia là Turner chăng?
Hắn nêu lên một sáng kiến vớ vẩn, Áo Đỏ tán thành ngay:
- Ừ, hay đấy! Từ nay chúng ta sẽ gọi như thế.
"Chúng ta" này mà bao gồm cả tôi nữa thì gay thật. Đối với tôi thì cái tên A- o- ji- ma (Đảo xanh) là quá đủ rồi.
- Còn hòn đá kia thì sao nhỉ? Chúng ta phải đặt Madonna của Raphaen 3 lên đó và như thế sẽ được một bức tranh tuyệt vời đấy. - Hề Trống nói.
Hình như câu chuyện về Madonna không có vẻ hay ho lắm nên Áo Đỏ cười khùng khục, một điệu cười ẩn chứa đầy ý xấu. Giá không có ai thì họ muốn cười thế nào mặc xác họ. Nhưng họ lại cố tình liếc nhìn tôi rồi quay mặt đi, cười nhăn cười nhở. Tôi rất khó chịu. Madonna hay Ma- cà- bông thì cũng có liên quan gì đến tôi?! Thích đặt ở đâu thì cứ việc mang mà đặt chứ. Cái kiểu ở đâu, thấy người ta không hiểu thì cứ việc nói xơi xơi trước mặt như vậy là thế nào? Thật là tầm thường. Thế mà dám tự nhận "Tôi cũng là dân Ê- đô đây!" Tôi nghĩ Madonna chắc là biệt danh của một cô đào quen biết nào đó của Áo Đỏ. Đem cô đào tình nhân của mình ra đặt dưới gốc thông trên hòn đảo hoang mà ngắm nghía thì có khó khăn gì đâu? Rồi Hề Trống đem mà vẽ thành tranh sơn dầu, mang đi mà triển lãm cũng có sao!
- Đến chỗ này là được rồi chứ ạ?
Người lái đò cho thuyền dừng lại và thả neo. Áo Đỏ hỏi:
- Chỗ này sâu chừng mấy sải 4 nhỉ?
- Khoảng sáu sải. - Người lái đò trả lời.
- Sáu sải thì khó có cá hồng lắm. Áo Đỏ vừa nói vừa thả dây câu xuống biển. Trông điệu bộ hắn ta có vẻ đầy quyết tâm câu loại cá hồng khổng lồ lắm! Hề Trống cũng vừa thả dây câu vừa nịnh:
- Không sao, thủ trưởng đã ra tay là nhất định sẽ câu được. Hôm nay trời lại im gió nữa.
Đầu dây câu buộc những hòn chì trông như những chiếc dây dọi. Không có phao gì cả. Dây câu mà không có phao thì khác gì đo nhiệt độ không có nhiệt kế. Thấy tôi rốt cục không làm được. Áo Đỏ giục:
- Kìa cậu, câu đi chứ, không có dây à?
- Dây thì khối, thừa cả ra, chỉ có không có phao thôi. Tôi trả lời.
- Phải có phao mới câu được là người mới vào nghề. Đây, làm như thế này này. Khi dây đã xuống đến đáy biển rồi thì dùng ngón tay trỏ đặt lên mạn thuyền để nắm bắt hơi thở của nó. Nếu cá cắn câu là ngón tay cảm thấy liền. Đấy, đến rồi đấy! Ông thầy của tôi vội vàng kéo dây lên. Tôi tưởng phải có con cá nào mắc vào lưỡi câu, nhưng chẳng có con quái nào. Chỉ có mồi thì bị xơi mất, thật sướng.
- Ôi, thủ trưởng, tiếc quá nhỉ! Con vừa xong chắc là phải to lắm đấy. Đã vào tay thủ trưởng rồi mà nó còn chạy thoát được. Hôm nay hơi bị sơ suất đấy. Nhưng mà thôi, bị trượt như vậy còn hơn dùng phao rồi ngồi nhìn chằm chằm vào phao. Câu kiểu ấy giống như người đi xe đạp phải có phanh thì mới đi được ấy.
Hề Trống lại luyên thuyên toàn những câu tầm phào. Có lẽ tôi phải cho hắn một trận mới được. Tôi đây cũng là người chứ. Mà biển này đâu phải của riêng ông hiệu phó. Biển rộng mênh mông thế này, cái gì chứ một con cá ngừ thì làm gì mà không câu được?! Tôi ném tõm hòn dọi và dây câu xuống nước rồi để ngón tay lên dây, chờ một cách lơ đãng.
Một lúc sau thấy động, có lẽ có con gì đã mắc vào câu. Có thể cá. Tôi đoán thế. Bởi vì nếu không thì sao dẫy câu lại rung mạnh thế này.
- A, cắn rồi! Tôi nói và kéo dây lên.
- Ồ, câu được rồi đấy nhỉ. Hậu sinh khả úy mà.
Hề Trống chưa nói hết câu giễu cợt của hắn thì dây đã được kéo lên gần hết, chỉ còn chừng năm tấc vẫn ngập trong nước. Từ trên mạn thuyền nhìn xuống, một con cá có sọc vằn như cá vàng mắc vào lưỡi câu, đang giãy giụa rất hăng và bị kéo dần lên khỏi mặt nước. Thích thật! Khi vừa lên tới mặt nước, nó quẫy mạnh một cái làm nước biển té đầy vào mặt tôi. May mắn đã câu được cá rồi thì lẽ ra tôi phải gỡ con cá ra khỏi lưỡi câu, nhưng tôi không gỡ. Phải sờ tay vào con cá ướt nhớp nháp tôi cảm thấy khó chịu. Gỡ làm quái gì, phiền phức. Tôi vung sợi dây, quật mạnh một cái xuống lòng thuyền. Con cá chết ngay. Cả Áo Đỏ lẫn Hề Trống đều trố mắt nhìn tôi. Tôi thò tay xuống biển rửa soàn xoạt rồi đưa tay lên mũi ngửi vẫn còn thấy tanh. Tôi chán rồi. Câu thì câu nhưng tôi chả thích sờ vào cá. Mà cá, chắc nó cũng chả thích bị tôi sờ vào mình. Tôi cuộn đây câu lại, quăng vào một góc.
Miếng võ đầu tiên tôi đã cho họ biết tay tôi như thế. Vậy mà Hề Trống lại cho một câu rất láo xược:
- À, một con Go- ru- ki 5.
- Go- ru- ki. Cái tên nghe như tên nhà văn Nga 6 ấy nhỉ. Áo Đỏ chơi chữ.
- Vâng, đúng. Đúng là tên nhà văn Nga đấy. Hề Trống tán thưởng ngay.
Goruki thì là tên nhà văn Nga. Maruki là nhà nhiếp ảnh ở phố Shiba, Tokyo. Còn Naruki của cây lúa thì chắc là cha đẻ của mạng sống con người chắc!? Tay Áo Đỏ này có một cái tật là bất kì ai hắn cũng lấy tên của người ta ghép vào một cái tên nước ngoài na ná theo tiếng Nhật. Mỗi người có chuyên môn riêng khác nhau. Tôi là một giáo viên tự nhiên dạy toán. Chả nhẽ tôi lại ghép Goruki với Shariki hay sao. Nếu có nói thì phải nói những cái tiếng nước ngoài mà tôi cũng biết, đại loại như: Tự truyện của Benjamin Franklin hay "Pushing to the front" gì gì đấy thì hơn. Thỉnh thoảng Áo Đỏ vẫn hay đem quyển tạp chí "Văn học đế quốc" bìa đỏ gì đó đến trường đọc với vẻ quý báu lắm. Tôi hỏi Nhím thì hóa ra tất cả những cái tên nước ngoài mà Áo Đỏ có được là ở tạp chí ấy mà ra. Hóa ra, tội vạ là ở cái tạp chí "Văn học đế quốc" ấy cả.
Sau đó Áo Đỏ và Hề Trống lại miệt mài câu. Trong gần một tiếng đồng hồ, họ đã kéo được mười lăm, mười sáu con cá. Nhưng có cái lạ là cũng chỉ toàn cá lẹp, chẳng được một con cá Hồng nào gọi là có.
- Hôm nay nhà văn Nga gặp hạn lớn quá. Áo Đỏ nói với Hề Trống.
- Sở trường của anh là Go- ru- ki cho nên tất nhiên tôi cũng phải theo anh. Hề Trống đáp.
Người lái đò cho biết loại cá lẹp này rất nhiều xương, muốn ăn cũng không thể ăn được, chỉ để làm phân thôi. Thì ra hai người này đã miệt mài để câu được một ít phân đây. Thật là tội nghiệp. Tôi câu được một con xong thì chán, từ nãy đến giờ nằm ngửa trong lòng thuyền ngắm trời xanh. Làm thế này còn đẹp hơn câu cá.
Hai người bắt đầu thì thầm với nhau về chuyện gì đó. Tôi không nghe rõ mà cũng chẳng muốn nghe. Tôi nằm nhìn trời và nghĩ đến bà Ki- yô. Nếu có tiền tôi sẽ đưa bà đến đây để cùng ngắm cảnh đẹp này thì vui biết bao. Còn bây giờ, phải đi cùng với cái loại người như Hề Trống này thì dẫu cảnh có đẹp đến đâu cũng vẫn thấy chán! Mặc dù bà Ki- yô đã già, mặt mũi nhăn nheo, nhưng có đi cùng với bà đến bất kì nơi nào tôi cũng không thấy ngượng. Còn cái loại như Hề Trống này, đù đi ngựa hay đi thuyền, dù có leo đến Lăng Vân Các, tôi cũng chẳng muốn đi cùng với hắn một chút nào. Nếu tôi mà là hiệu phó, còn Áo Đỏ là tôi thì hắn sẽ lại nịnh hót tôi và chế giễu Áo Đỏ như thế cho mà xem. Người ta vẫn bảo dân Êđô là nông cạn, thì ra đúng thế. Thằng cha này, hắn về nông thôn, đi đến đâu cũng vỗ ngực "Tôi là dân Êđô đây!" thảo nào mà những người nhà quê nghĩ rằng cứ những kẻ nào nông cạn thì đúng là dân Ê- đô và hễ là dân Ê- đô thì người nào cũng nông cạn!
Tôi đang ngẫm nghĩ như vậy thì nghe thấy hai người cười khúc khích. Xen giữa những tiếng cười là những lời nói bập bõm, không thể hiểu được nội dung: "Hả, sao?", "Lại thế nữa cơ à?...", "Không hề biết tí nào mà...", "Chết thật đấy nhỉ…", "Thật à...", "Châu chấu... thật đấy..." Những tiếng khác thì tôi không thèm đề ý, nhưng khi Hề Trống nói đến châu chấu thì tôi giật mình. Khi nói từ này, không hiểu sao hắn cố tình nói thật rõ ràng để tôi nghe được, rồi sau đó lại liến láu và thì thầm. Tôi nằm yên không động đậy nhưng vẫn lắng tai nghe:
"Lại tay Hot- ta...", "Có lẽ thế...",
"Tenpura... Hì, hì, hì...",
"Khích động?..."
"Cả bánh trôi nữa?..."
Những câu nói ngắt quãng, mập mờ như vậy, nhưng với những từ "châu chấu", "bánh trôi"... kia thì rõ ràng là họ đang nói về tôi. Nếu nói thì sao không nói to lên. Mà nếu muốn nói sau lưng tôi thì tại sao lại còn rủ tôi đi cùng? Thật là những con người đáng ghét. Châu chấu hay châu cám gì thì lỗi đâu phải tại tôi. Ông hiệu trưởng nói là hãy để đấy, giải quyết sau. Chẳng qua vì nể mặt ông Ta- nu- ki mà chuyện ấy còn gác lại thôi chứ. Hề Trống là cái thớ gì mà dám lên mặt phê phán. Cứ việc ngậm cái bút vẽ cho tốt đi có được không. Việc của tôi thì sớm muộn gì, tôi sẽ giải quyết. Vì vậy tôi chẳng có gì phải sợ cả. Có điều những tiếng như "lại ông Hot- ta", "kích động"... làm tôi phải để ý. Họ định nói là Hot- ta kích động tôi làm to chuyện hay kích động học sinh trêu chọc tôi?
Trong khi tôi mải mê ngắm trời thì ánh nắng đã nhạt dần từ lúc nào không biết. Gió thổi mang theo hơi lạnh se se. Nền trời trong xanh xuất hiện một vài vệt mây trắng, mỏng manh như một làn khói tỏa ra từ đầu que nhang. Những sợi khói mây cứ tan dần, tan dần như luồn sâu vào trong nền trời vô tận, để lại phía sau một vệt mờ mờ rồi mất hẳn.
- Có lẽ chúng ta về chăng? Áo Đỏ nhắc như vừa chợt nhớ ra.
- Ừ, cũng đến giờ rồi đấy nhỉ. Tối nay phải gặp nàng Madonna chứ? Hề Trống nói.
- Đừng có nói lung tung. Nhỡ ra... Áo Đỏ đang ngồi tựa lưng vào mạn thuyền bèn ngồi thẳng người ngay ngắn lại và nói.
- Không sao! Có nghe thì cũng...
Hề Trống vừa nói vừa quay nhìn tôi. Vừa lúc đó tôi cũng lừ mắt nhìn vào mặt hắn. Có lẽ bị cái nhìn khinh bỉ và tức giận của tôi làm cho ngượng, hắn rụt cổ lại và đưa tay lên vò đầu.
- Chà, thế này thì xin đầu hàng. Hắn nói.
Đúng là đồ xỏ lá.
Thuyền từ từ lướt trên mặt biển êm ả, tiến dần vào bờ. Áo Đỏ bảo tôi:
- Cậu có vẻ không thích trò câu cá lắm nhỉ.
- Ừ, nằm nhìn trời khoái hơn.
Tôi nói và liệng mẩu thuốc lá đang hút xuống biển. Mẩu thuốc chạm tới mặt nước kêu xe...èo một cái rồi dập dờn trên con sóng do mái chèo khua nước tạo nên.
- Cậu về đây bọn học sinh chúng nó rất phấn khởi. Cậu nên cố gắng.
Hắn lại nói chuyện chẳng liên quan gì đến việc câu cá.
- Chẳng có học sinh nào phấn khởi về việc tôi về đây cả.
- Không. Không phải tôi nói lấy lòng cậu đâu. Đúng là chúng nó thích cậu thật đấy. Nhỉ! Anh Yo- shi- ka- wa nhỉ.
- Không những chúng thích mà chúng còn làm náo động cả lên nữa kia!
Hề Trống vừa nói vừa cười rất nham hiểm. Không hiểu sao thằng cha này cứ hễ mở miệng nói ra cái gì là đáng ghét cái ấy.
- Nhưng nếu cậu không cẩn thận thì sẽ gay cho cậu đấy. Áo Đỏ nói.
- Đằng nào thì cũng gay rồi. Cẩn thận hay không thì cũng thế. - Tôi trả lời. - Tôi đã sẵn sàng chọn một trong hai khả năng: một là tôi phải thôi việc, hai là tất cả học sinh nội trú phải xin lỗi tôi.
- Cậu nói thế thì cũng không có cơ sở. Thực ra, với địa vị là hiệu phó, tôi nói đây là vì cậu. Cậu đừng nghĩ xấu về chúng tôi.
- Hiệu phó hoàn toàn nghĩ tốt cho cậu nên mới nói. Bản thân tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta cùng là người Êđô, tôi muốn cậu ở lại trường này lâu để giúp đỡ lẫn nhau. Tôi cũng không làm được gì nhưng ngầm cố gắng hết sức giúp đỡ cậu.
Hề Trống nói xen vào. Ra cái vẻ ta đây cũng chẳng kém ai. Nếu phải đi nhờ vả đến cái loại người như hắn thì thà treo cổ còn hơn.
- Thực ra bọn học sinh chúng nó rất hoan nghênh cậu về đây. Song sự đời cũng lắm lí do này khác. Có lẽ cũng có nhiều chuyện không hay làm cậu bực mình. Nhưng cậu phải cố nén chịu. Chúng tôi sẽ không để cho cậu chịu thiệt thòi vô ích đâu.
- Nhiều lí do này khác là những lí do gì?
- Cái đó cũng hơi phức tạp. Nhưng dần dần rồi cậu sẽ hiểu thôi, chẳng cần phải nói thì cậu cũng hiểu. Có phải thế không, anh Yoshikawa nhỉ!?
- Vâng, cũng hơi phức tạp đấy. Cũng không thể hiểu hết ngay trong một sớm một chiều đâu. Rồi dần dần cậu sẽ hiểu ra. Chẳng cần phải nói thì cậu cũng hiểu.
Hề Trống lặp lại nguyên si lời của Áo Đỏ.
- Nếu chuyện rắc rối như thế thì tôi chả cần nghe làm gì. Chẳng qua tự các anh khơi ra nên tôi mới hỏi thôi.
- Nếu thế thì càng tốt. Nếu chúng tôi đã nói ra mà không nói tiếp, thì chúng tôi vô trách nhiệm. Vì vậy, tôi chỉ xin nói một điểm này để anh rõ. Nói anh tha lỗi, anh mới ra trường, vừa mới bắt tay vào nghề dạy học, chưa có kinh nghiệm gì. Nhưng trường học cũng có vấn đề của trường học. Nếu mà anh cứ sống ngây thơ, đơn giản như thời học sinh thì không được đâu.
- Sống tự nhiên không được thì phải thế nào mới được?
- Đó, anh thật thà quá nên không có kinh nghiệm mà!
- Thì đúng là tôi chưa có kinh nghiệm gì. Điều đó thì tôi đã ghi rõ trong lí lịch. Tôi mới hai mươi ba năm, bốn tháng tuổi.
- Chính vì thế mà nhiều khi vô tình anh bị người ta lợi dụng mà anh không biết.
- Nếu mình ngay thẳng thì ai muốn làm gì cũng chẳng sợ.
- Tất nhiên là không sợ rồi. Không sợ thì không sợ, nhưng mà bị thì cũng vẫn cứ bị. Thực ra, trước anh đã có người bị rồi đấy. Vì thế anh nên cẩn thận vẫn hơn.
Sao không thấy Hề Trống nói gì nhỉ. Lúc này tôi mới để ý, thấy hắn đã ra đằng đuôi thuyền, đang nói chuyện về câu cá với người lái đò. Đúng là không có hắn, hai người dễ nói chuyện hơn.
- Trước tôi đã có người bị mắc bẫy của ai vậy?
- À, cái đó thì cũng khó nói ra. Bởi vì nó còn liên quan đến danh dự của người ta. Vả lại cũng chưa có chứng cớ rõ ràng, nên chưa dám khẳng định. Có điều dù sao thì anh cũng đã về trường này, nếu có chuyện gì thì nghĩ cũng tiếc công chúng tôi đã mời anh về. Mong anh lưu ý cẩn thận cho.
- Cẩn thận. Cẩn thận thì cũng đến thế chứ còn thế nào? Tôi nghĩ mình chẳng làm cái gì xấu thì như vậy là được rồi.
Áo Đỏ bỗng cười phá lên. Tôi không hiểu tôi đã nói cái gì đáng cười đến thế. Từ trước đến nay, tôi vẫn tin như vậy là tốt và niềm tin đó, đối với tôi rất khó thay đổi. Xem ra trên đời này phần lớn người ta chỉ toàn khuyên nhau phải xấu đi. Hình như mọi người tin rằng nếu không phải là kẻ tồi tệ thì không thể thành công trong xã hội được. Nếu thỉnh thoảng có gặp một ai trung thực, thẳng thắn thì họ tỏ ra khinh miệt, cố ý chê bai nào là "cậu ấm ngây thơ", nào là "nhãi nhép". Nếu thế thì ở các trường tiểu học, trung học, đừng có dạy luân lí cho học sinh là phải trung thực, không được nói dối... nữa có hơn không. Sao không dạy cho học sinh những phương pháp dối trá, nghệ thuật lừa đảo, không tin ai cả, để mà đào tạo những con người thành đạt, vừa mang lại lợi ích cho xã hội vừa mang lại lợi ích cho những học sinh đó!? Áo Đỏ cười là cười cái sự đơn giản của tôi. Một xã hội mà sự đơn giản, sự trung thực trở thành trò cười thì thật là hết chỗ nói. Nếu ở trường hợp này, bà Ki- yô sẽ không bao giờ cười, bà sẽ luôn luôn khâm phục mà lắng nghe. Bà là người cao quý hơn nhiều so với cái tay Áo Đỏ này.
- Tất nhiên không làm cái gì xấu là được rồi. Nhưng nếu chỉ một mình mình không làm thì cũng không biết cái xấu của người khác, và có thể lúc nào đó gặp phải chuyện gì mà mình không thể lường trước được. Ở đời có những người trông bề ngoài có vẻ cởi mở, thành thật, hào phóng thật đấy, nhưng dẫu họ có nhiệt tình giúp đỡ cả đến chuyện chỗ ăn chỗ ở thì cũng không thể không cảnh giác... Chà, hơi lạnh nhỉ.
Đã bắt đầu mùa thu rồi đấy. Hơi sương làm cho bãi cát ngả sang màu xám, cảnh đẹp quá. Này anh Yo- shi- ka- wa, nhìn cảnh bờ biển kia mà xem.
Hắn lớn tiếng gọi Hề Trống.
- Ừ, quả là tuyệt vời. Nếu có thời gian phải làm một bức kí họa về phong cảnh này mới được. Tiếc quá! Cảnh đẹp thế này mà không vẽ được thì phí quá.
Hề Trống cũng lớn tiếng họa theo.
Khi những ngọn đèn trên gác hai của "Nhà hàng bến cảng" lần lượt bật sáng, tiếng còi tàu hỏa rú ở phía xa xa thì thuyền chúng tôi cũng vừa cập vào mỏm doi cát và dừng lại.
- Các thầy đã sớm về rồi ạ!
Người đàn bà chủ quán đứng trên bờ, đon đả chào Áo Đỏ. Tôi nhảy thụp một cái từ trên mạn thuyền xuống bãi cát.
Chú thích:
1  Maguro là loại cá ngừ lớn, Việt Nam gọi là cá bò gù hay cá ngừ đại dương.
2  Turner (1775- 1851): Họa sĩ vẽ phong cảnh nổi tiếng người Anh.
3  Rafaello (1483- 1520): Danh họa Italia.
4  1 sải = 1,818m.
5  Cá lẹp. Vùng Matsuyama gọi cá lẹp là Goruki.
6  Ám chỉ Makxim Gorki (1868- 1936).