háng 5 năm 1959, đoàn báo Việt Nam sang thăm Trung Quốc, tôi gia nhập đoàn.
Một sáng vào Trung Nam Hải. Trung Quốc “giải phóng” Tây Tạng. Dalai Latma ngồi bò yak trốn sang Ấn Độ, cổ tay đeo chiếc Rolex do Tổng thống Roosevelt tặng, thời cờ năm sao chưa cắm trên đất Lhassa. Phong nhã, đẹp, Chu Ân Lai lên án và giải thích chính nghĩa của Trung Quốc. Đều khách nước ngoài, phần lớn là các “nhà cách mạng” thường trú Bắc Kinh.
Mãi sau tôi mới hiểu lớp thực khách Xuân Thu Chiến Quốc đời mới này sẵn sàng hô vang khẩu hiệu đại loạn của Bắc Kinh. Ở các hội nghị Á Phi chống xét lại, ở Hà Nội, các chân gỗ không chằng không rễ chuyên đánh trống trận bằng mồm xúi thiên hạ loạn li tơi bời này thuần chỉ có tác dụng thổi ống đu đủ và rồi đều bị quẳng vào sọt rác hết.
Thình lình Mao hiện ra. Cao lớn, trắng hồng, từ tốn. Đi như khẽ xê dịch, kiểu như biết mình càng chậm thì người ta càng được ngắm nghía và người ta càng thích. Thong thả ngả người ra ghế, một chỏm tóc sau gáy liền vổng ngay đuôi gà, nếp tóc nhờn bết của những người ít tắm gội và nằm là chính.
Hai bàn tay đặt trên thành ghế thật đẹp. Tôi nghĩ ngay tới các tối chủ nhật, Trung Nam Hải thường đón các cháu nữ sinh Trường Múa đến khiêu vũ cùng chủ tịch. Hồng Linh nói các bạn đi về bảo Chủ tịch thích ôm eo chứ không đỡ lưng.
Mao nói. Ngồi nói. Nói ngọng vì giọng Hồ Nam. N thành L, R thành L. Thí dụ Hội phụ lữ Việt lam lổi lận, - Hội phụ nữ Việt Nam nổi giận. Và s thành x.
Hôm ấy Mao mở miệng chửi xà-lù (tiếng Pháp: salaud, salopard: đồ đểu - BT) thủ tướng Ấn Độ. Dám cho Dalai Latma đến sống nhờ trên đất Ấn Độ mà không bắt giao nộp Bắc Kinh.
- Nie he lu, ta xi xen mo len? Ta xi ban len ban gui dì, ban liu mang ban len xi tì… (Đúng ra phải là Nie he lu, ta shi shen mo ren? Ta shi ban ren ban gui dì, ta shi ban liu mang ban ren shi di… Nehru là người thế nào? Hắn là nửa người nửa quỷ, nửa nhân sĩ nửa lưu manh).
Trước đó không lâu Bắc Kinh ca ngợi vị nhân sĩ này là đồng tác giả với Indonesia của năm nguyên tắc chung sống hoà bình. Khi xấp mặt thì bạn lớn đều hoá ra súc vật hay côn đồ.
Định cắm cho cái kim vào đít Khruschev và nay ôn tồn, thư thả rủa Nehru thế mà vẫn kêu gọi toàn thế giới đoàn kết lại. Tôi bắt đầu ngán ông. Đơn giản từ khi tôi bập vào bài tố cáo tội ác Stalin, từ lúc Mao công khai nói ra mẹo ác nhử rắn của ông… Không đến gần ông để chụp ảnh. Chả biết Việt Nam bé tẹo thì ông coi ra cái gì, tự nhiên vận vào đất nước mà thấy sờ sợ. Bỗng nhớ Cụ Hồ đã nói ai sai thì sai chứ Mao Chủ tịch và Stalin thì không thể nào sai được.
Sau đó chúng tôi xuống miền Nam. Thăm nhà Tôn Trung Sơn và Lỗ Tấn ở Thượng Hải, thăm mộ Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh. Ông lập nên Trung Hoa Dân Quốc với tấm hộ chiếu công dân Hoa Kỳ ở trong túi - ngày nay người ta sẽ la làng lên là ông “diễn biến hoà bình”, “tay sai đế quốc Mỹ”.
Rời Thiệu Hưng quê Lỗ Tấn, chiếc Mercedes thẳng chiếu núi Cối Kê mờ xa phóng đi. Trên xe Thép Mới bảo tôi:
- Tao thích thơ mày, tao lăng-xê lên báo nhưng Ồng Kễnh gọi bảo thơ Trần Đĩnh là kiểu Trần Dần, không được, tao đành thích thơ mày ở trong bụng vậy. Khen vệ tinh nhân tạo đầu tiên mà mày viết “Con người ném gương lên treo giữa các vì sao, ngửng đầu soi thấy mình đẹp quá” thì Kễnh không xài được. Con người chung chung là đếch được, chiến thắng vô sản lớn thế mà lại cho con người trừu tượng vào… (Kễnh là Tố Hữu).
Phản ứng tức thì của tôi là tôi đếch cần Kễnh. Ơ kìa, ngày nào tai tôi nghe Kễnh bị Trường Chinh nhận xét mặt như hai ngón tay chéo lại học đòi ngậm píp như Nguyễn Tuân…
Báo Nhân Dân vừa đăng một bài thơ của tôi viết về những cao ốc mới mọc. “Xây những ban công giữa trời và những vườn hoa trong óc…”. Dưới chân cao ốc mới, một bà đẩy xe nôi. “Anh cúi thơm má chú, rồi hôn vào gót chân, mai kia qua gót chú, anh hôn các tinh cầu…” và Kễnh lắc.
Người chỉ dịu đi khi thăm vùng chè Long Tỉnh. Những nương chè hai bên con suối Hổ Chạy - từng hõm sâu dưới dòng nước, dấu vết chân con hổ chạy để lại. Trên đỉnh đồi um tùm cây, một quán trà thô sơ kiểu cổ. Người phục vụ múc lên một bát sứ nước suối Hổ Chạy chìa ra trước mặt chúng tôi. Như có một sức thần bí ở lòng bát, tự nhiên mặt nước phồng nổi lên thành một mặt kính sáng quắc che đèn pha xe hơi. Người phục vụ đặt lên trên chỗ nước doi cao nhất một đồng hào thiếc. Nó nổi và lênh đênh ngao du. Mặt nước có thêm cái nhũ hoa bỗng biến thành một bầu vú lung linh…
Mấy hôm sau, viếng mộ Phạm Hồng Thái ở Hoàng Hoa Cương, một phó tổng biên tập báo ta hỏi bạn nhà báo Trung Quốc ở cạnh: “Chắc đồng chí liệt sĩ đây cũng quê ở Hồ Nam?”.
Kiểu ở ta thì Nguyễn Thái Học quê Nam Đàn.

*

Chia tay với đoàn báo về nước ở Nam Ninh, tôi ngược Bắc Kinh cũng với chánh văn phòng Nhân Dân nhật báo.
Mấy hôm sau đến Văn Nghệ báo, cơ quan của Văn Liên (Hội liên hiệp văn học nghệ thuật) cũng quanh quẩn Nhân Dân nhật báo ở Vương Phủ Tỉnh thực tập.
Tôi muốn đi sâu tìm hiểu văn học Trung Quốc và nhất là qua nó nhìn rõ hơn động thái chính trị của đảng. Tại sao đảng lại hay cho sóng gió nổi lên trước ở trong văn nghệ?
Tại đây tôi đã được thấy mặt các đại bút đại danh Trung Quốc nhấm, nghe không? Kèm một tấm ảnh đề ở lưng: “Xa xôi trăm dặm mẹ gửi lòng yêu thương của mẹ và các em vào bức ảnh này. Ban tặng Trần Đĩnh”.
Tôi nặng lời dặn đầu. Nhẹ lời sau. Thuốc lá mán dầy cộp và nhơm nhớp nhựa tôi quấn hai ba lá thành một điếu xì gà gộc dài hai chục phân tây còn nguyên các cánh hoa cỏ, những cánh hoa li ti trắng như những mã số khói loằng ngoằng một loài chim mật ghi tri thức tông truyền mà tôi nuốt trộm. Còn những “vì sao sáng” thành hết Nam Tào, Bắc Đẩu và tôi thì sẵn sàng hy sinh mình cho các ánh sáng thiêng liêng đó. Đôi khi dựng ra những kịch bản ảo rất hiểm nghèo để tập xả thân.
Một nếp quen gần thành kỷ luật của thời hoạt động chui lủi là mỗi người một bí danh. Cái bí danh hết sức hấp dẫn, ai cũng loay hoay cả tháng kén tìm cho mình một cái: nó cho anh một vận hội mới, nó cho ta sang trang, đổi đời thay phận cơ mà.
Chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả. Tuy đôi khi cảm thấy bên sườn trống chếnh thật!
Dạo đó ở Ateka, an toàn khu không nói tới giai cấp với chủ nghĩa xã hội. “Giấc ngủ mười năm” của Cụ Hồ mượn tên Trần Lực chỉ viết đến kháng chiến thắng lợi và đất nước hạnh phúc chung chung. Ai rồ mà lại nói chủ nghĩa xã hội, cải cách ruộng đất, thủ tiêu giai cấp? Để cho dân bỏ vào tề hết à? Về danh nghĩa Đảng đã giải tán, hoạt động trong bóng tối che chắn của chính quyền do đảng nắm chặt. Nội san của đảng cũng chỉ nói đến “tổ chức” hay “đoàn thể” và người ta đã đăng lên đó một chuyện vui: khi tuyên thệ trước ảnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Xít, “hội viên” bần cố nông vừa thôi chui “cổng mù” và mới được “đoàn thể” kết nạp đã “bẩm thưa mấy ông Tây rậm râu!”
Có thể nói lúc đó, Atêka chưa gò ép dữ. Mà còn cho tôi hưởng một không khí dân chủ, thoải mái nhất định. Dạy triết cho anh em quanh văn phòng trung ương, gồm cả báo đảng, đến quy luật lượng đổi chất đổi, Trường Chinh giải thích bằng cái thực tiễn dễ bập nhất vào đầu, cái thực tiễn đang quá ư khan hiếm và là mơ ước rộn rạo của hầu hết. Tức là giao hợp. Những cái nhún nhảy vào ra (nhiều anh em ở đây chưa có vợ nhưng có thể tưởng tượng ra, cái này không phải học mà). Trường Chinh rào trước, ấy là số lượng, số lượng nhiều đến mức nào thì người khoái rủn tỉ lên và lúc ấy là chất đổi. Mọi người cười rầm. Ngỡ chữ “rủn tỉ” chỉ kẻ phàm mới nói. Riêng cái cười Trường Chinh lúc ấy còn ngụ thêm ý: này, đừng tưởng tôi kém cạnh đâu đấy nhé. Chả lẽ tôi lại kê khai ra?
Đám cưới Võ, người cần vụ Trường Chinh, tôi dự đến trót cho tới khi Trường Chinh bảo hai vợ chồng mới cưới về. “Này, tôi bảo về nhưng mà giữ sức khỏe đấy nhá!”. Cười thú vị xong quay lại bảo tôi, khách còn lại cuối cùng ở “phòng khách” nhà anh: Thì cũng dặn sách vở giáo điều thế thôi chứ tôi ấy à, mai bà Minh đây (chỉ vào vợ) đẻ tối nay tôi vẫn jusqu’ au bout - đến cùng” (giơ ngón tay trỏ lên bấm vào gốc làm chừng). Trường Chinh kể một chuyện khiến tôi cảm thêm anh. Pháp đánh vào căn cứ địa chân Núi Hồng, giữa lúc Trường Chinh ở Bắc Cạn bị Pháp nhảy dù và anh đã bị kẹt trong một hầm “tăng sê” có mái ở giữa thị xã đầy lính Pháp. Lính đã đứng ở miệng hầm gọi xuống: “Ra đi, các quan trông thấy cả rồi…”. Trường Chinh bảo hai mẹ con một bà cùng nấp ở dưới hầm: “Bà ra là chúng hiếp cả hai mẹ con rồi giết…”. Anh đã cho hết giấy tờ trong người nhai nát rồi nuốt, chuẩn bị hô hai khẩu hiệu: Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm. (Lúc ấy chưa phú quý nên chưa có lệ lễ nghĩa hô Hồ Chủ tịch muôn năm!) Đợi đêm tối Trường Chinh xuyên rừng mò về chân Núi Hồng thì Trung ương đã dạt cả sang Bắc Sơn - Đình Cả. Pháp theo sát nút. Linh hồn của kháng chiến thoát trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng con chó béc-giê thuộc Tiểu đoàn 51 tiền thân Trung đoàn Thủ đô, con nuôi báo Sự Thật tặng Cụ Hồ đã bị hổ vồ.
Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh. Lê Văn Lương - trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí thư bây giờ - chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông. (Sử sách xưa chép chuyện quân khởi nghĩa Lam Sơn chạy trốn phải rúc vào bụi rậm, quân Minh lao giáo theo chứ nay sử cách mạng cấm ghi mặt trái của chiến thắng…) Qua trận ong, Thường vụ Trung ương đảng vừa sang tới Bắc Sơn thì Pháp nhảy dù tại trận và đổ quân từ Lạng Sơn xuống. Thường vụ lại vội lui giật trở về chân Núi Hồng. Thời gian này, Cụ Hồ gọn nhẹ ra đi cấp tốc, bỏ rơi đại tá hàng binh Đức, Nguyễn Dân được lệnh hộ tống Cụ. Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng ở dưới quyền chỉ huy của viên đại tá nước ngoài này. Thời ấy ý thức “vô sản một nhà” còn mạnh nên hàng binh được phong đại tá và giao trọng trách phò Chủ tịch nước chạy giặc.
Thoát hiểm ở Bắc Cạn về, vừa hay gặp lại Trung ương dạt sang Bắc Sơn quay lui, Trường Chinh ngồi ngay ở bên đường (đầy vết giày đinh Pháp) suy nghĩ. Địch vây lùng như nhìn thấy mọi ngả tung toé chạy giặc của đầu não kháng chiến. Tình hình quá nước sôi lửa bỏng. Nhưng đám Thép Mới, Phạm Văn Khoa, Triện Triệu… vẫn cứ đùa tán ầm ầm. Trường Chinh nghiêm giọng gọi Thép Mới đến:
- Anh Hồng, thích vui vẻ trẻ trung thì anh có thể về Hà Nội!
Thép Mới nghiêm mặt đáp:
- Thưa anh, tôi nghĩ làm cách mạng thì dù tình huống nào ta cũng phải lạc quan vui vẻ chứ anh?
Trường Chinh lặng một lát rồi nói:
- Anh nói đúng nhưng tôi đang cần yên tĩnh, các anh giúp tôi ra xa ngoài kia tán có được không?
Tổng bí thư bớt không gian tư duy chính trị để chia cho cấp dưới không gian du hí. Lúc ấy chế độ trứng nước, người hiếm của kiệm, ngày mai vẫn là ẩn số lớn, lợi ích vật chất không hơn thua nhau mấy, lương lậu chưa có, cơm ăn áo mặc cơ bản bình đẳng, đảng chưa thể ngoài điều lệ lại giấm ớt phụ gia 19 điều cấm với đảng viên. (Và qua việc đảng viên vui nhận 19 khoản cấm đoán vô lý, đủ thấy lợi đã đến với đảng viên lớn tới mức nào).
Tấm áo sang nhất lúc đó ở căn cứ địa là hai chiếc blu-dông Mỹ bằng gabácđin, chiến lợi phẩm Trung đoàn Thủ đô biếu Cụ Hồ và Trường Chinh. Cụ còn có khoản rượu thuốc do Lang Bách, cũng lão thành cách mạng, bạn thân của Kỳ Vân, dưới trướng Nguyễn Lương Bằng pha chế. Lang Bách mang rượu đến tiến Cụ thường hay qua toà soạn báo Sự Thật tán gẫu. Có khi còn hỏi: “Có cậu nào muốn thử không, tớ sớt cho một tí? Một chén thôi là có thể bỏ cơm cả ngày!” Không anh nào dám sớt lấy một ít rượu thiêng.
Cho đến đầu năm 1949 Atêka vẫn chưa có bệnh viện. Trường Chinh đi công việc qua Đại Từ thường mua thuốc chống sốt rét quinacrin dân tản cư bán lẻ trên mẹt ở bên đường rồi về trao cho văn phòng trung ương phát cho người ốm.
Phải nói đến một thiết chế rất đặc biệt: “Nhà hạnh phúc”, một hai gian nhà dành riêng cho người ở cơ quan tiếp vợ hay chồng ở nơi khác đến.
Nhà hạnh phúc ra đời có lẽ là nhờ Trường Chinh. Một hôm anh lắc đầu nói với chúng tôi: “Ai lại anh Dương Đức Hiền, Tổng thư ký đảng Dân Chủ đến thăm vợ ở Phụ Vận (đảng đoàn Hội phụ nữ) mà phải đưa nhau ra rừng, một cụ phụ lão bắt gặp cứ kêu khắp bản lên là ôi thương tụi cán bộ quá, đè nhau ở lưng đồi thế kia. Nghe đâu anh Hiền lại còn ngóc đầu “chào cụ!” nữa chứ, cho đúng kỷ luật dân vận đi thưa gặp chào! Vì thế “Nhà hạnh phúc” bèn xuất hiện.
Một dạo chúng tôi ở Đồi A1, chung với ban kiểm tra của Trần Đăng Ninh và ban kinh tài của Nguyễn Lương Bằng. Tắm giếng, giỡn nhau cách tôi năm mét, Ninh hay bóp vú Sao Đỏ rồi kêu: “Béo nhỉ! Lấy vợ không? Thôi, lấy đi, nằm với vợ mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát”.
Một sáng mưa, trên đỉnh đồi nhìn xuống bếp dưới chân đồi, chúng tôi thấy Dương Đức Hiền đang ngồi xổm sưởi bèn vội xuống mời lên nhưng Hiền từ chối. Hôm ấy có việc thỉnh thị Trường Chinh, anh ghé bếp báo đảng lánh mưa. Tổng bí thư Đảng cộng sản trao việc cho Tổng thư ký Đảng Dân Chủ, còn lương thì tài vụ của Nguyễn Lương Bằng cấp. Cấp cả văn phòng phẩm - bao nhiêu giấy, mấy ngòi bút sắt, bút chì… Chả ai thấy Đảng Dân Chủ là chuyện cây kiểng sất cả.
Thép Mới nổi tiếng ở Atêka về phương châm anh tự đặt ra để răn mình: “mù, què, câm, điếc”. Cưỡng lại kỷ luật đang bắt đầu đi vào nề nếp sau khi cuốn “Bàn về tu dưỡng của người cộng sản” của Lưu Thiếu Kỳ được dịch và học tập rộng rãi. Quyển tu dưỡng đảng viên này dạy đảng viên tuyệt đối trung thành với đảng cùng gìn giữ kỷ luật, tóm lại hãy quên cá nhân đi. Tôi nhớ nhất chuyện một số người hỏi Lê-nin vào Đảng Xã Hội Dân Chủ Nga của Plékhanov rồi phá nó để lập Đảng Cộng sản Bolsevich thì có là chống đảng không, Lưu Thiếu Kỳ giải thích: không, bởi đó là Lê-nin còn anh thì chống đảng vì không là Lê-nin!
Một sáng sớm, Thép Mới và tôi, đứa chai rượu, đứa chai tương (tuột mất nút lá chuối, tôi phải bịt bằng ngón tay cái) đi đến một quán thịt chó trên đường sang Bộ tổng tư lệnh. Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt. Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh. Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra:
- Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là cái điếu cày!”.
Lúc ấy tôi mới thấy ở đầu bản phía trước trắng muốt nguy nga một cây mai đang rộ hoa. Màu mai trắng ngỡ như đang bọc kín lấy cái bản này vào trong một vùng khí riêng thuần khiết. Chợt nghĩ dân bản này chắc phải là nghệ sĩ hết. Mới biết dựng lên bản kỳ, cây cờ của bản, quá đẹp này.
***
Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ.
Hồi đó, nhiều cộng tác viên tên tuổi như Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Xuân Thuỷ, chủ nhiệm báo Cứu Quốc. v.… hay lui tới Sự Thật. Cái tiền sảnh kề bên Tổng bí thư này là nơi các vị được nói năng thoải mái nhất, không sợ lộ bí mật, bô báo. Có mấy vị thường kể chuyện học ở Liên Xô.
Một hôm đi tắt về báo, qua sau dẫy chuồng xí của Văn phòng Tổng bí thư, tôi nghe thấy tiếng Lê Đạt, thư ký văn hoá văn nghệ của Trường Chinh láu táu nói rất to ở trong đó. Lát sau, tôi hỏi Đạt: “Cao đàm khoát luận gì trong chuồng xí thế mày?”. Đạt cười: “À, ngồi cạnh ông Thận, ông ấy hỏi ý kiến về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị nguyên trong triết học ở trên báo chúng mày…”
Nên chú thích: chuồng xí là một dẫy ba ngăn có liếp nứa che chắn từ vai xuống cho nên nếu ai đó cần “lên gân” thì thường phải quay mặt đi cho người ngồi bên không thấy mình đang quá vất vả vận dụng nội lực. Ít nhất đó cũng là chỗ không dung túng cho người ta che giấu hẳn thái độ.
Đầu 1949, Trường Chinh tuyển thư ký phụ trách văn hoá văn nghệ. Lê Đạt học ở trường luật được đưa về. Vừa tới trướng phủ, vừa nhất kiến Tổng bí thư, Đạt đã liền trái ý. Để thử sức thư ký mới, Trường Chinh đưa cho Lê Đạt quyển Le culte de l’ homme của Jacques Ducour, cộng sản Pháp:
- Ông này bàn về thờ phụng con người, anh đọc xong nói lại nhận xét của anh với tôi.
Hai hôm sau Đạt nói:
- Thưa anh, tôi thấy không nên dùng chữ thờ phụng con người.
- Vì sao?
- Tôi cũng chưa nói được rõ nhưng có lẽ nên nói tu dưỡng, vun xới, vun trồng gì đó.
Đang cần thờ phụng con người, Trường Chinh nạp ngay kẻ lần đầu ngỏ lời đã nói trái. Qua mười năm, có kim chỉ nam, ông đánh tơi tả kẻ muốn vun trồng con người, dám nói đến nhân văn.
Lâu về sau, một lần nhắc lại chuyện này, Đạt nói:
- Lúc mình chả có gì giúp nước mấy thì các ông ấy dùng. Lúc mình có nhiều cái để giúp thì các ông ấy nện.
Trở lại chuyện mấy vị lý luận sừng sỏ Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn… của đảng hay tạt Sự Thật tán. Cán bộ nói chung thường độc thân, vấn đề sinh lý nổi lên ám ảnh.
Một bữa, một vị (cho miễn nói tên) nói chuyện khi học ở Liên Xô cua gái Liên Xô thế nào. Này, tóc màu gì thì lông ở chỗ ấy cũng mầu ấy, thế chứ, có đứa như nghịch đem cả một cái mai cua bể luộc đỏ au úp vào… Rồi lại nói Ông Bác chỉ tìm nạ dòng. “Sao lại thế?” Thấy bác dại, chúng tôi kêu lên. Thì được giải thích: “Thế là Bác khôn, nạ dòng thì đỡ rày rà hậu sự …”
 
Nhiều vị thèm lấy vợ bé. Nêu cả danh tính các đối tượng trong mơ ra. Rồi kể tiếu lâm. Những chuyện làm giậm giật hết chân tay đã thành một mục giải trí công cộng. Hội nghị hễ nghỉ giải lao lại tán chuyện tiếu lâm. Ngay tại hội trường.
Họp Quốc hội, đại biểu mắc màn ngủ liền nhau trên sạp nứa dài chừng mươi mười lăm mét, khuya Nguyễn Hữu Đang vào lầm màn linh mục T., thân sĩ kháng chiến nổi tiếng. Nguyễn Hữu Đang kêu lên: “Ối giời, thảo nào mời ra làm cố vấn tối cao. Cao quá kìa!” Linh mục cười: “Mấy hôm họp Quốc hội được 'văn hoá cao' có cá thịt vào bụng nó mới vô kỷ luật thế”.
“Văn hoá cao” nghĩa là ăn có thịt cá. Đến mức khốn nạn nào đó, cờ soái văn hoá nhảy sang cắm vào miếng thịt.
Tố Hữu một trưa dậy ra suối giặt quần đùi. Ca cẩm với Kim Lân:
- Xuân Diệu nó mó máy mà tuột bu nó mất xích, hư Ba Kim, Lão Xá, Mao Thuẫn, Tào Ngu, Hạ Diễn. Báo đều kỳ mời các vị đến chỉ giáo tình hình và kế hoạch bài vở.
Mỗi khi Lão Xá nói tôi lại ngỡ ông đang trình tấu mẫu chuẩn tiếng Bắc Kinh ông cất gửi tại Viện đo lường quốc gia. Nhìn ông và Ba Kim, tôi cố mường tượng ra dấu vết nước Anh, nước Pháp hồi các ông bên đó, dạy học bên đó. Không thấy. Lão Xá nom quá sơ sài. Thì cũng không một dấu vết nào cho thấy những ngày tháng đen tối khốn đốn mai hậu của các ông. Ai ngờ nổi sau này Lão Xá bị Hồng Vệ Binh đánh chết quẳng xác ra ven một cái hồ ông hằng yêu mến. Ông nằm bên hồ, phủ một tấm chăn. Người ta mời vợ ông ra. Bà toan vén chăn nhìn mặt chồng lần cuối thì người ta đẩy bà ra:
- Xem có phải đúng là giầy chồng bà không? - Đúng! Thế hả, được rồi.
Nhìn chồng lần cuối không được, chôn cất chồng không xong. Ai ngờ được, trong mười năm giam cầm, hành hạ, Ba Kim sẽ nhảy tưng tưng, giơ tay hét “Đả đảo Ba Kim” để rồi sau này, hồi tưởng lại, ông phải kêu lên rằng ông có ăn cháo lú đâu mà có thể há mồm hô đả đảo ngay chính mỉnh, có thể cam tâm để cho kẻ khác tước đoạt mất quyền làm người của mình mà không hề có chút mảy may nào phản ứng…
Diệp Quần, một nữ biên tập viên coi mảng điện ảnh, hay tha tôi đến đại sứ quán Liên Xô xem phim chiếu nội bộ và chả thứ gì lưu lại ấn tượng mạnh bằng bà biên tập viên văn nghệ hết sức Tây phương. Tân kỳ, trẻ, xinh xắn và rất diễn viên, rất diện. Toàn giầy da kiểu escarpin đế mỏng mầu sô cô la, đỏ, nâu, trắng… Sau này nghe vợ Lâm Bưu là Diệp Quần, tôi giật mình: ngay ngày ấy tôi đã ngờ chị là vợ một cốp to lắm. Cung cách sang trọng, điệu đà một cách hào sảng và tự tin như vậy ở Bắc Kinh là phải có một bối cảnh chính trị lớn như thế nào.
Tôi có hai anh bạn thân là biên tập viên của báo.
Một hôm hai anh nói mai chi bộ các anh nghe Chu Dương, Bộ trưởng tuyên truyền trung ương đảng truyền đạt một chỉ thị quan trọng của Chủ tịch. Tôi đề nghị cho tôi nghe boóng.
Các anh nói sẽ xin ý kiến đảng uỷ tờ báo. Chiều các anh bảo tôi trên Bộ tuyên truyền trung ương đảng nói không nên vì tôi là đảng viên nước ngoài. Nhưng hứa sẽ cho tôi biết tinh thần chỉ thị.
Hai hôm sau, giờ cơm trưa, hai anh và tôi ra phố. Hai anh lộ ra cho hay cái chỉ thị có thể gọi là chỉ thị “bom nguyên tử ném thì ném, không sợ!” Chủ tịch nói chúng nó cứ doạ bom nguyên tử. Hòng buộc chân trói tay chúng ta lại mà. Việc gì phải sợ? Vì Mỹ dẫu cho có ném xuống một nghìn quả bom nguyên tử, dẫu trái đất có bị tan hoang đi nữa thì ít nhất cũng còn sót lại một huyện dân Trung Quốc, huyện dân ấy sẽ đi ương lại giống người trên quả đất này…
Tôi rợn người. Sợ cái tính toán chi li này hơn cả sợ bom nguyên tử. Cũng thoáng một chút ghen tị: thế ra Trung Quốc sẽ được đi cấy tái giá lại giống người trên quả đất. Trong khi những Lào, An-ba-ni thì trống huếch trống hoác còn Việt Nam may lắm trời cho sót lại vài ba anh đực rựa vô dụng vì teo hết nhẵn hai hột tinh hoàn.
Chỗ nghe, nghe sang tai, ở gần cửa hàng quốc tế, kiểu cửa hàng cạnh Phú Gia, Hồ Gươm Hà Nội. Chỗ này đường bảy tám chục mét rộng, thoáng đãng, gần Vương Phủ Tỉnh mà tôi thấy ngạt thở. Ở cửa hàng này tôi hay bị người coi cổng đẩy ra, nghi tôi đồng bào cải trang giả làm nước ngoài vào mua lậu gấm với nhung đem ra bán lại. Một lần tôi bảo anh ta: “Người Trung quốc chúng ta không có thói xấu nhận vơ là người nước ngoài đâu đấy nhớ!” Anh ta ngẩn ra nhìn tôi. Tôi vào lượn một vòng quay ra nói: “Kan, mei mai shen mo! Trông đấy, không mua cái gì cả”. (Kỳ thật không có tiền).
Hôm nay nhìn nó tôi nghĩ mai kia toàn thế giới đều Triệu, Lý, Trương, Vương cả với nhau thì hết sợ lầm đồng bào với dị bào.
Chuyện “chỉ thị quan trọng” này về nước tôi có nói với Nguyễn Tuân. Tuân bảo các nhà văn ta cũng được nghe Hoài Thanh truyền đạt là cho dẫu Mỹ có ném đến một nghìn quả bom nguyên tử xuống cũng không sợ. Tuân bèn giơ tay hỏi thưa anh con số một nghìn là anh phát triển lên hay vốn sẵn như thế ạ, thì Hoài Thanh đỏ mặt nói tôi nghe truyền đạt của trung ương, có ghi sổ cả đây. Rồi Tuân bình:
- Này cái hệ thống loa dọc nhà này xem ra thông suốt đáo để. Xa có đến năm nghìn, đến thế không? Ừ, xa có đến năm nghìn cây lô mếch mà họ truyền đạt cấm có sai lấy cho nhau một con zê-rô…
Hai anh bạn ở Văn Nghệ báo đã giúp tôi gặp Lâm Mặc Hàm, phó bí thư đảng đoàn Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc; Hạ Kính Chi,
phó tổng biên tập Văn Nghệ báo và Trương Quang Niên, cây bút lý luận quan trọng của báo, thường ký tên Mã Tiền Tốt. Ông đã cùng quân Tưởng vào Việt Nam ngả Lào Cai năm 1945, “cờ đỏ đầy Hà Nội lúc bấy giờ, đẹp lắm”, ông bảo tôi.
Các ông có lòng mời tôi dạo Di Hoà Viên. Trưa lên quả núi có Phật Hương Các, vào một khách sạn ngồi ăn ngoài trời ngắm cảnh hồ nước, núi rừng…
Lúc bấy giờ công xã nhân dân đã mạt kỳ. Nhưng “phong trào thơ xã viên” vẫn được nuôi. Mỗi lao động mỗi sáng ra đồng đều phải nộp đủ chỉ tiêu bao nhiêu bài thơ (tuỳ đảng uỷ mỗi công xã đặt). Không nộp đủ thì về, ngày ấy không công điểm. Các báo ra xã luận ca ngợi thiên tài thơ ca của nông dân. Thi nhau đăng thơ xã viên mà đặc điểm là rất giống nhau. Ta là Ngọc Hoàng, Ta là Đại địa, Ta làm nên tất cả… Ta là Lão Thiên, ta là Long Vương, ta đào núi, ta lấp biển. Ta là Đại hải, ta là Thái dương, ta không sợ thánh thần cùng ma quỷ… Nếu là nhà thơ nhóc con thì Ta là Na Tra…
Tức là một tập hợp bách khoa toàn thư văn vần dành riêng cho một từ TA để cho toàn dân định nghĩa. Ta là tinh tú, ta là sao chổi, ta là nguyên tử, ta là sấm, ta là sét… Tựu chung vơ lấy mọi sức mạnh tự nhiên, siêu nhiên. Có một nét không ai dám ví tới. Đó là không bao giờ nhận mình là đảng, là Chủ tịch, là ta bảo đảng tiến, ta vẫy đảng đi. v.v… Còn được một chữ sợ làm trần cho mọi vi vu bay bổng. Nhận mình là thiên địa rồi tự hào vì sức mạnh đó, ấy là lãng mạn cách mạng. Còn sau đó ta theo ngọn cờ đào, ta theo Chủ
tịch, ta san núi, ta dịch sông, ta là người lính tốt của Mao Chủ tịch thì đó là chủ nghĩa hiện thực cách mạng. Mao để ra phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng là nhằm phang chết tươi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Stalin bắt Gorki soạn thảo.
Chúng tôi hôm ấy đả phá sai lầm trong văn học nhưng không ai dám nói đến chữ tả khuynh. Chữ ấy vẫn còn hào quang chói loà và thiêng liêng của nó. Đặng Tiểu Bình chưa ra mắt để tổng kết cách mạng Trung quốc chủ yếu là tả khuynh và thật ra chính tả khuynh có hại hơn hữu. Lâm Mặc Hàm bạo nhất thì hôm ấy nói:
- Proletkul, trò văn hoá vô sản nực cười đã chết giấp ở Liên Xô từ những năm 20 thế mà người ta lại đào mồ cho trỗi dậy ghê gớm như thế này ở Trung Quốc thì đáng sợ thật…
Hôm ấy chúng tôi đúng là cùng một lứa chân trời phủ nhận. Đến Cách mạng văn hoá cả ba ông đều điêu đứng. Tôi sớm hơn.
Nhưng rồi cả ba lại tái xuất giang hồ khi Đặng hạ Mao xuống. Hạ Kính Chi lên thay Vương Mông làm bộ trưởng văn hoá sau vụ 4 tháng 6 năm 1989 tàn sát sinh viên ở Thiên An Môn. Vương Mông phái tự do của Triệu Tử Dương, Hạ Kính Chi phái bảo thủ của Dương Thượng Côn. Tới khi Dương Thượng Côn xuống thì Hạ Kính Chi lại thôi bộ trưởng. Dương phản đối Đặng Tiểu Bình, phản đối Đặng đưa Giang Trạch Dân là dân sự lên chứ không phải nhà binh.
Nên nói một ít đến Vương Mông. Năm 1957, ông viết truyện “có một người trẻ tuổi đến vụ tổ chức”. Bị phê phán tơi bời. Bôi nhọ, đả kích công tác tổ chức của đảng… Đang ầm ầm thì Mao phán là tôi đã đọc, quyển sách tốt đấy, in ra có sao. In nhưng người liền biệt tích. Miền tây xa thẳm hàng chục năm trời chăn cừu cuốc đất cho tới khi Đặng Tiểu Bình trỗi dậy hú hồn cho sống lại tất cả xét lại, hữu, đi đường tư bản tái xuất giang hồ. Hồ Diệu Bang thảo kế hoạch nhân sự mới: Vương Mông làm bộ trưởng văn hoá…
Những Hồ Phong, Lâm Ngữ Đường, Hồ Thích, Lý Tông Ngô, Du Bình Bá… phản động đều được sạch sẽ trở lại. Hồ Phong làm cố vấn cho Bộ văn hoá, nghe đâu tiền lương truy lĩnh và bồi thường danh dự nhiều quá xá. Thấy đảng sòng phẳng, ăn tiêu ra người lớn, Hoa kiều mạnh bạo rót tiền và chất xám về…

*

Di Hoà Viên về, tôi viết thư cho Trường Chinh. Nhận xét đảng ta hay bắt chước Trung Quốc mà Trung Quốc thì rất tả khuynh…
Trường Chinh trả lời. Tự tay anh viết chữ Trung Quốc (rất đẹp) trên phong bì. Cảm ơn tôi. Đề nghị tôi nghiên cứu thêm mấy vấn đề như văn nghệ sĩ đi vào thực tế, chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp chủ nghĩa lãng mạn cách mạng. Nói đã chuyển thư tôi sang Tố Hữu để anh ấy nghiên cứu. Cuối thư viết tôi phê bình đảng ta “tắp lắp của Trung Quốc nhiều là rất
đúng”. Nguyên nhân vì sùng bái nước ngoài, vì trình độ lý luận thấp và vì kém tổng kết kinh nghiệm.
Tôi không nghiên cứu hai vấn đề anh đề nghị. Thấy vô bổ.
Lúc đó tôi chưa biết Trường Chinh đã bàn giao quyền Tổng bí thư cho Lê Duẩn. Nghĩa là anh có thể nghĩ tôi phê ta tắp lắp Trung Quốc quá xá là nói móc anh - như nhiều thân tín cũ của anh đã quay giáo - nhưng anh tin tôi lòng thành yêu mến anh và hơn nữa biết tôi không phải thứ người cạnh khoé.
Tháng 8, nhận bằng tốt nghiệp, chuẩn bị về nước. Quá bịn rịn. Không chỉ với Linh còn ở lại thêm vài tháng mà bịn rịn với cảnh với người Trung Quốc.
Chi bộ họp phiên cuối cùng rồi giải tán. Nhận xét tôi phải hết sức cảnh giác tư tưởng lập trường, về nước tôi rất dễ phục vụ giai cấp tư sản như “bọn” Nhân Văn - Giai Phẩm. Rất tức nhưng cố nín.
Nhà trường biết tôi không có thứ đựng đồ đạc, chăn màn, sách vở đã mua cho một thùng gỗ thông vừa đập hòm xong.
Ra ga tiễn tôi có Hồng Linh, hai bạn biên tập viên và một chị ở văn phòng Văn Nghệ báo. Chụp ảnh ở sân trường…
Các anh chị, tôi không thể nào quên. Giả như những năm sau đó các anh chị có hô lạc điệu đi nữa, tôi cũng chẳng giảm tình. Nói thế thôi chứ
chắc chắn các anh chị đều không thoát cảnh nạn nhân. Từ ngày chúng ta quen biết nhau và thường loanh quanh vùng Vương Phủ Tỉnh mỗi trưa, tôi đã biết các anh đứng ở đâu trong bảy “phản” mà cách mạng văn hoá phải tiễu trừ rồi.
Trên tàu gặp vợ chồng Hồ Bản Anh, phân xã trưởng Tân Hoa Xã Hà Nội. Nửa tháng sau, Hoàng Tùng chiêu đãi họ, tôi dự. Bản Anh ố to một tiếng và như tụt mất cả kính trắng kêu lên:
- Thế ra là người Việt Nam? Tôi cứ tưởng người Trung Quốc!… Chui cha…, tiếng Trung Quốc nói đẹp quá, shuo di ken piao liang… Lại tưởng người Trung Quốc chứ…
Piao liang là đẹp.
Có thể tôi đẹp tiếng nói. Nhưng đẹp lời thì không.
Hai năm sau, tôi lao đao: ngọng lời Mao Chủ tịch. Người đã thành đại giáo chủ, đầu tàu-gió-đông. Con chiên xóm đạo lẻ thường sùng đạo hơn con chiên thành thị thì phải.

Hiệu đính và Biên tập: - Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái và Võ Ngàn Sông.
Chương 34

     ong hạn cải tạo lao động, tôi về lại Ban nông nghiệp báo.
Dưới gốc đa, Phan Quang, mới lên trưởng ban sau cuộc đánh phá xét lại và chuyến đi Bắc Kinh xức dầu thánh; Hữu Thọ hay “lính dù Kong Le” (chỗ nào đảng uỷ cần đánh dẹp thì phái anh ta đến) một nhát nhảy mấy bậc lên ghế phó trưởng ban dưới Phan Quang, phổ biến ba quyết định của Ban biên tập và đảng uỷ về tôi:
1) Không được ký tên Trần Đĩnh
2) Chỉ viết nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà… Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp uỷ cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.
3) Không được gần thanh niên, “bởi lẽ sẽ đầu độc họ”.
Đã có những ban phổ biến điều 3 này rất ngặt. Trưởng ban văn hoá Đức Thi họp ban đe hẳn hoi. Nguyễn Hồng Nam, anh hoạ sĩ trẻ đã bảo lại tôi.
Mấy chục năm sau, trong một lần gặp mặt anh chị em về hưu của báo, Hồng Nam lại kể lại chuyện này. “Nghe kỷ luật như thế thì rất sợ nhưng thế nào tất cả bọn trẻ lại cứ thích gần anh Trần Đĩnh, hay thật!”
Trong đầu không ít người, tôi đã thành một bóng ma đáng sợ, kiểu bóng ma từng ám ảnh thế giới của Marx. Đảng đâu hiểu đảng cứ giáng kỷ luật vào tôi, tôi lại yên lòng. Tôi thành tâm mong chia sẻ phần nào đau khổ của các anh chị trong tù. Muốn giữ tiết nghĩa với anh chị em chứ không nhằm lấy lại tin cậy của đảng.
Tôi về báo được ba ngày thì Nguyễn Trung Thành, vụ trưởng bảo vệ Ban tổ chức trung ương điện thoại mời chiều lên gặp. Gác hai trường Tây con Albert Sarraut cũ.
Trung Thành thân mật nói:
- Anh Thọ nói mời anh lên để nhắn anh rằng anh là điển hình của trí thức(!), Đảng cần giúp cho anh tiến bộ. Có anh - thôi, nói tên ra, anh Vũ Khiêu có quen anh đấy, nói viết hàng nghìn trang lý luận mà anh Thọ có bảo là điển hình trí thức đâu. Hôm nay gặp để hỏi xem anh có khó khăn gì thì xin anh nói ra, đảng sẽ cùng với anh giải quyết.
Tín hiệu quá rõ: “vẫn là lợi khí của Đảng nhưng phải lòng dạ trong, tư tưởng sáng”. Lòng dạ trong là gì hãy tự hiểu lấy.
Và Vũ Khiêu, người khai viết hàng nghìn trang lý luận cũng đã khoe với tôi thành tích ông báo với đảng như thế. Tôi khai cung về, ông đã hỏi sao đi lâu thế, có nói gì về ông ta không. Tôi phải cao giọng lên “Không ai đụng gì đến ông một câu nào”, ông mới thôi liếm mép, một dấu hiệu lo lắng.
Trả lời Trung Thành, tôi nói:
- Xin cảm ơn anh Thọ và anh anh Thành ạ. Tôi thật tình không có khó khăn gì. Duy Chính Yên chỉ là nghe tôi thôi mà gánh nặng gia đình lại nặng, lương ít thì Đảng nên chú ý giúp anh ấy… Nhưng tôi có thắc mắc thôi, anh có cần biết không?
Trung Thành cười nhã nhặn. Hiền lành nữa.
- Anh có muốn tôi nói dối không anh Thành? - tôi hỏi - Thí dụ nói rằng nhờ đi cải tạo tôi đã sáng ra, nhận thấy mình sai… Nhưng anh Thành ạ, anh bảo tôi nói dối tôi cũng không nói đâu. Vậy bây giờ tôi nói thắc mắc của tôi ra để anh nghe. Cũng là những điều anh đã biết vì ở trong biên bản cả rồi. Chỉ là nhắc lại ở một mức độ cao hơn thôi. Thứ nhất, Đảng tiếp tục tha hoá, biến chất, đảng viên càng ngậm miệng ăn tiền. Thứ hai Trung ương vẫn chưa hiểu kinh tế, sản xuất tiếp tục trì trệ, chủ yếu nhờ vào chi viện bên ngoài. Thứ ba, về sinh hoạt vật chất, Bộ chính trị xa cách với nhân dân quá xá.
Im một lát, Trung Thành khẽ nói:
- Điều anh nói đầu tiên, Đảng đang sửa. Sẽ thanh toán những phần tử cơ hội chủ nghĩa thoái hoá. Về kinh tế, Đảng đang đề ra nhiều chính sách mới đấy. Còn cái thứ ba thì lôi thôi lắm, anh Đĩnh ạ. Bên bảo vệ đặt ra quá nhiều quy định này nọ, anh Nguyễn Chí Thanh bực lắm, họ đặt ra nhiều cái cứ như bó chân bó tay các anh Bộ chính trị lại.
Suýt buột ra “Tôi không thích gà rán mà vợ cứ rán thì tôi…”, nhưng tôi lại nói:
- Tôi chỉ là chân thành góp ý với Đảng, tôi nói lại là không có khó khăn gì. Cảm ơn anh Thọ và anh.
Trung Thành tiễn tôi đi hết hành lang dài trên gác, qua những lớp học Tây con ngày xưa nay thành trụ sở ban bệ của Trung ương đảng. Tự nhiên tôi nghĩ thì cũng như Bác (Hồ) có qua việc vào đảng cộng sản Pháp rồi mới làm Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Đến đầu cầu thang, bắt tay tôi, Nguyễn Trung Thành nói:
- Anh Trần Đĩnh, gặp anh tôi học được nhiều…
Tôi đã nghĩ lâu đến câu này. Giả dối ư? Chẳng lẽ lại khiêm tốn đến thế? Duy cầm chắc một điều là không thể vờ ra nét mặt chất phác hiền hậu này lúc ấy. Phải hơn hai chục năm sau, anh có đơn đề nghị Trung ương minh oan cho chúng tôi, tôi mới hiểu đằng sau câu anh nói hôm tiễn tôi ấy là một gốc nhân bản chưa bị giết chết ở anh.
Thú thật lúc ấy tôi không ngờ cuộc gặp này là ý Lê Đức Thọ cho đò đón tôi qua sông sang bờ quan quyền. Không ngờ vì không bao giờ tôi xếp tôi vào thứ được nhân sự của đảng nhòm đến. Rồi cũng vì cái tạng không tính được thua cho đời. Nếu có thì tính đến chuyện được thua ở nhân phẩm… Sau này nhiều bạn bảo tôi ông Sáu ưu ái ông quá. Đã không bắt ông lại còn luôn luôn cho người đón ông, ông mà “chuyển biến” thì đường mây rong ruổi phải biết.
Nhưng làm sao được? Tôi đã lỡ thấy cái thứ vô giá, không thể mặc cả.
Đảng thường xuyên dạy đảng viên có ý thức đảng, có ý thức kỷ luật tức là làm tất cả những gì đảng bảo. Hay buông mình hoàn toàn cho đảng. Rồi dần mất cả ranh giới với nịnh người lãnh đạo. Nịnh nọt, bợ đỡ mà vẫn tưởng mình hăng hái, trung thành, tu dưỡng đạo đức.
Sau đó chừng nửa tháng, Chính Yên mặt đau khổ bảo tôi:
- Mình vừa lên anh Thọ, anh ấy rất cáu, bảo về nói với thằng Trần Đĩnh là nó láo lắm, không ai chịu được nó nữa đâu.
Rồi Nguyễn Hữu Chỉnh cũng sửng sốt bảo tôi:
- Ủa, Trần Đĩnh, làm gì để ông già cáu thế chứ?
- Này, - tôi hỏi Chỉnh sang chuyện khác. - Đi Paris cùng với ông Lê, ông ấy có nhắc tới chuyện xin giấy vào sứ quán Liên Xô ăn bơ sữa và an ninh đang xem xét chuyện ấy nữa không?
- Ô, bây giờ thân lắm, - Chỉnh hỉ hả nói.
Dưới ô Lê Đức Thọ, ngựa một tàu đã xuất ngoại đều tuấn mã. Bi kịch của tôi là đã không biết may cho mệnh số mình bằng cái thước đo của ông Sáu Thọ!
Nghe Chỉnh tôi nhớ lại hình ảnh anh bứt tóc giậm chân kêu thất thanh: “Ai định hại tôi đây?”
Ở Paris về, Nguyễn Thành Lê đi một Peugeot mầu đỏ ớt, thứ hàng cả Hà Nội thèm. Một sáng đến cơ quan, tôi thấy mấy người xúm quanh Lê bàn tán râm ran. Khom lưng xuống thật thấp, Hữu Thọ trầm trồ:
- Anh phải mách cho bọn tôi biết nơi sơn với chứ, chết, chết… sơn lại mà nom y như mới nguyên thế này cơ chứ.
Phải thấy cái miệng nhành ra “chết, chết” thán phục. Ý là vào tay anh cái rác cũng hoá quý vật!
Tôi đến bên cả cái đám đang rực lửa thán phục xe sơn lại mà như mới:
- Anh Lê, anh đánh cược không? Xe vẫn đi anh để cho ai, chắc thế, còn cái này cũng Paris về nhưng mới đập hòm. Anh cho xem biển số xe ở giấy chứng nhận xe thì biết, nếu xe mới thật, anh mất cái này cho tôi còn xe sơn lại thì tôi mất cho anh cái giống như cái đấy.
Tôi chỉ cần tố xì như thế! Dàn hợp hót liền tan. Tôi đã góp phần giữ vệ sinh công cộng.
Viết nông nghiệp tôi ký Trần Đồng Áng. Lê Điền duyệt bài nói: “Ký thế này người ta lại kêu là ông trêu ghẹo, thôi thì ký Trần Đồng nhé”.
Tôi nói:
- Thì Trần Đồng bí thư khu Vĩnh Linh lại kêu tôi cướp lănh đạo của ông ấy. Thôi, ký Trần Áng vậy. Có biết áng là gì không? Về Thuỷ Nguyên trẻ con nó vẫn bảo “bu đang ở áng…”. Rồi tôi ký thêm Bản Quyên, cái tên sau hay dùng cho việc dịch.
Sau những ngày tháng lận đận, vì cái gì không rõ, có thể vì cách nhìn mới mà một hành tinh xa nào đó gửi đến tôi qua khối chữ mới đúc óng ánh bảy sắc cầu vồng, tôi chợt thấy tôi giàu con mắt. Khải thị từ giây phút nào? Nhưng có thể coi lần dưới đây là lần phát hiện đầu tiên.
Năm 1973 lên hợp tác xã Ngọc Nham, huyện Yên Thế viết cây lạc trồng thí nghiệm theo chỉ dẫn của chuyên gia Trung Quốc, tôi đạp xe ngược sông máng vào đất Cụ Đề, vùng đồn điền Chesnay và Tartarin chiếm sau khi dẹp Đề Thám. Hoang vu. Những đồi sim mua tít tắp xù lên lớp lông tiền sử. Con sông đào phồng ưỡn lên như chăng ra một câu đố thuỷ tinh khiến tôi phải đi xuống bờ nước. Cúi đầu toan vốc nước rửa mặt liền dừng sững. Rồi quỳ xuống bàng hoàng: giữa hai bờ vách đá trắng uy nghi, trên nền vần vụ mây bông nguyên thuỷ, Chúa đang nghiêm trang, thương cảm nhìn tôi. Đôi mắt đau đáu, vòi vọi, mặt Chúa vừa lạ vừa thân quen, vừa muốn tôi khóc vì lỗi lầm lại vừa muốn tôi ôm lấy Người nhận về lời khen. Và cũng thình lình Chúa tan biến: hai vách đá trắng là hai mái đầu bạc của tôi. Chúa vừa mới mượn bộ mặt bốn chục tuổi của tôi để cho tôi chiêm ngưỡng Người.
Một sợi tóc bạc rụng. Tôi cầm lên soi. Cuộc đời in vivo - trong cơ thể tối tăm nhếch nhác của tôi rút vào thành cuộc đời in vitro - trong cái ống nghiệm thấu suốt nhỏ mọn này ư? Năng lượng nào đúc nên khối tinh khiết đầy ứ này? Tự hỏi rồi thầm mừng cho cái nguồn trắng tượng trưng cho sự giàu có vô dụng của chính mình.
Một chuyện cũng lại dính đến Thượng đế! Lần đầu cải tạo lao động xong, đi viết nông nghiệp, tôi về xã Hải Anh, Hải Hậu, nơi có Cầu Mái và Chùa trăm cửa. Chủ tịch xã là người từng ở trong trung đội lính bảo vệ Văn phòng Quốc hội và đóng trong dẫy nhà phụ ở bên phải lối từ cổng Uỷ ban khoa học xã hội đi vào, trông chéo vào nhà Hoàng Minh Chính cạnh nhà sư Thiện Chiếu, có thể đã để ý tôi hay ra vào nhà Chính. Một chiều muộn, ở Hải Anh, tôi tới thăm Nhà thờ xứ Đông Biên gồm có cả một toà Nhà Dòng nguy nga. Tôi bỗng rất buồn: thấy rõ triển vọng thâm u, tiêu điều của khu vực tôn nghiêm bắt đầu hoang vắng này. Một tảng băng Bắc cực sẽ tan vào hư không. Có một hàng rào sắt ôm bọc lấy một bức tượng Đức Mẹ. Tôi đến cạnh đứng lặng lẽ, thấy rõ sương vần vụ dâng đầy quanh mình, quyến luyến, che chở. Chợt thấy thiên nhiên đang tự thể hiện về dạng uyên nguyên để cho tôi chiêm nghiệm bản thể của thiên nhiên và sự sống. Bồng bềnh thế đó, không hình không bóng thế đó! Mà cai quản, sai khiến tất cả dó. Mà dạ con của vạn vật đó…
Vừa hay một cánh hồng bạch trồng quanh bệ tượng Đức Mẹ bong ra, khẽ thở dài lìa đài hoa, buông mình: một con thuyền lênh đênh giữa vô lợi vô hại. Thì đồng thời một hạt sương đậu xuống má tôi. Thiên nhiên vừa chấm lên tôi một giọt nước dung nạp. Từ ngày có hơi nước ban sơ cho quả đất này, qua hàng tỉ tỉ tỉ xoay vần biến hoá cạn - khô, khô - cạn, vấy bẩn - lọc sạch, lọc sạch - vấy bẩn, giọt nước đầu tay ấy của Thượng đế bữa nay chọn mặt tôi làm bãi đáp.
Tôi cũng qua nó lần đầu tiên cảm thụ đầy mình chiều dài biền biệt của sát na, chiều sâu không đáy của đơn chiếc.
Chả biết có phải vì thế không mà ở trong tù đọc bài ký về xã Hải Anh, Châu nhận ra đó là tôi viết - khi ra tù anh bảo tôi.
… Lần ấy, đến Ngọc Nham ở nhà Nhuận, chủ nhiệm hợp tác xã mà tôi thấy vẫn quanh quất đâu đó bóng Đề Thám. Mẹ Nhuận chỉ cái sân trước nhà bảo tôi: ngày trước cụ Đề thường về đây, bố tôi, ông thằng này (chỉ Nhuận) vẫn rải chiếu cho Cụ ngồi ở ngay chính chỗ này, đây cái sân đây. Bốn người lính theo hầu Cụ Đề ôm bốn cây súng rõ thật là dài ngồi xoay lưng cả vào Cụ Đề rồi ngoảnh hết các ngọn súng ra tứ phương thế này che rõ là thật kín cho Cụ. Cụ thường bảo trẻ con chúng tôi xoè tay ra rồi cho một kẽm mua bánh đúc. Đấy, ở đầu làng nhìn sang bên kia sông, trên quả núi vẫn còn cái đồn Tây xây đánh Cụ nay đổ nát đấy.
Tiền khởi nghĩa, vợ chồng bà lão là cơ sở của du kích, như bố mẹ bà lão là cơ sở của Cụ Đề. Cải cách ruộng đất, Nhuận thành “Quốc Dân Đảng đội lốt bí thư chi bộ Cộng sản” bị đội trói gô lại bắt quỳ. Anh không chịu. Du kích cứ báng súng ghè vào đầu gối anh. Gia đình này cơ sở cách mạng, ba đời, từ Cụ Đề, không có biết quỳ, - anh bò lồm ngồm dậy nói.
Trước khi dời đi, tôi ôm lấy bà cụ ở dưới gốc cây hoè xưa lính Cụ Đề vẫn quàng nón áo và bao gạo vào đó, nói:
- Cụ cho cháu lấy tí hơi Cụ Đề…
Rồi tôi mở bàn tay cụ ra, xoa xoa các ngón tay tôi vào đó. Tôi thật sự bồi hồi đoán xưa cụ Đề cho tiền thế nào chả đã chạm tay vào đây.
Một chiều ở đấy, tôi đạp xe thăm Nguyên Hồng. Anh lại đang ở Hải Phòng, - anh là chủ tịch Hội nhà văn dưới đó. Chị Nguyên Hồng giữ tôi lại. Giết gà. Tôi rất ân hận. Anh chị quá nghèo, tôi đã vạc một miếng vào tài sản anh chị. Đêm mưa to. Khó ngủ. Nhớ lại đêm nào mấy đứa Hà Xuân Trường, Như Phong, Địch Dũng và tôi ngủ ở cái phản này. Địch Dũng và tôi có mỗi cái chăn mỏng. Chăn dầy dành cho hai gã “lão thiềng”.
Đời là tình cờ. Một hôm tôi và Vũ Hạnh Hiên ngồi ở quán cà phê cô Minh, Lý Thường Kiệt - Quang Trung thì một bà đi vào. Cao, trắng ngời, sang trọng, ví đầm. Bà cầm tách cà phê loay hoay tìm chỗ - quán quá đông. Tôi vội mời bà ngồi cùng bàn. Merci - cảm ơn, - bà thân mật đáp. Một Việt kiều, tôi thầm nghĩ. Bà mở ví lấy ra bao Tam Đảo, thứ thuốc lá gần mạt hạng lúc đó. Tôi vội mời bà Điện Biên, cao hơn một hào vừa mua theo tiêu chuẩn công đoàn một tháng hai bao tám hào.
Bà cầm lấy một điếu:
- Merci encore, j’en prends une, volontiers - Cảm ơn nữa, tôi sẵn sàng hút một điếu.
Rồi tiếp luôn, vẫn bằng tiếng của tổng thống Pompidou:
- Anh là nhà văn và bạn của Nguyễn Tuân, đúng chứ, mais c’ est vrai, oui, tôi thấy? Lâu lắm tôi không gặp ông ta.
- Tôi là Trần Đĩnh, tôi mới gặp ông ta vài ngày trước.
- Tôi là Hoàng Thị Thế.
- A, (tôi buột reo lên). Ah, la fille de notre héro national, grand salut!! A, con gái của anh hùng dân tộc, chào kính!. Còn tôi, tôi là cháu cụ Đề Tít. Cụ bà đẻ ra ông nội tôi là em ruột cụ Đề Tít.
Đến lượt bà reo:
- Tôi biết cụ Đề Tít, bạn của bố tôi. Khi cụ chết ở chỗ lưu đày, tôi biết. Thi hài được đưa về quê. Hải Dương nhỉ?
Chuyện thân mật hơn lên nhờ hai Cụ Đề quá cố. Bà chợt hỏi tôi sinh năm nào. Tôi vừa đáp, bà nói luôn.
- Năm 1967, anh gặp chuyện lôi thôi lớn đấy.
- Je frôlais la príson. Tôi sượt qua nhà tù.
- Mais on ne vous laisse pas encore tranquille, tenez - vous le pour dit, - Nhưng người ta chưa để anh yên đâu, hãy nhớ lấy, tuy dễ chịu hơn, hoà bình rồi mà. Tới 1979, cái việc khiến anh khốn nạn sẽ rõ ra… nhưng sẽ không có gì thay đổi cho anh. Khoan, đúng! 1979, Việt Nam lại có chiến tranh. Nhưng anh nhớ lấy, anh đâu vẫn đấy… (Sau này Trung Quốc nện ta, Mao sai lòi ra; còn tôi chống Mao trước Đảng thì vẫn sao y bản cũ).… Anh có một con gái, một thôi. Nó giống anh từ mũi xuống. Anh đang sống ở một túp nhà tranh, có một mảnh vườn, vous habitez dans une paillote avec un tout petit jardin.
Tôi nói:
- Vraiment sorcier, quoi. Kìa, như thần!
- Tôi nhìn thấy một bóng trắng đằng sau anh, một bóng phù hộ, che chở anh, une ombre blanche, une ombre providentielle…
- Mais c’ est maman! Là mẹ tôi đấy! - Sởn da gà lên tôi vội nói - Quên, còn cô em gái chết mười bảy tuổi, bà cô. Nhưng sao bà biết? Comment vous savez ca?
- Je lis ca dans les astres, tôi đọc ở các vì sao.
Bà cho biết mỗi tháng bà được phụ cấp một trăm đồng. Bà có một con gái, như tôi. Đúng, bà đã đóng phim. Con gái ở Pháp vẫn có thư cho bà nhưng người ta chặn mất cả. Người ta không muốn chúng ta liên hệ với nước ngoài, dù mẹ con. Mẹ con cũng không nên tin nhau mù quáng. Il faut voir le monde avec des yeux… quoi, phải nhìn thế giới với các con mắt, sao nhỉ…?
- Des yeux marxistes… Mais prendre garde: marxistes et non marsiens. Nhìn với con mắt mác-xít, nhưng cần chú ý: mắt mác-xít chứ không phải mắt người Sao Hoả.
Bà Thế chĩa ngón tay “phê phán” ngoay ngoáy vào tôi.
Chuyện lan man rất vui, chợt tôi nghĩ liệu Đề Thám và Bà Ba có lấy tử vi cho người con gái yêu khi sinh ra cô không? Tôi hỏi:
- Xin lỗi, nếu bà cho phép? Tại sao bố mẹ bà đặt tên bà là Thế?
Bà mở to mắt, rất ngạc nhiên
- Vâng, thế là thay! Phải chăng các cụ có ý để cho con gái lớn lên sẽ thay mẹ làm tướng không? Mais avaient - ils eu, vos parents, l’intention de vous faire la remplacante de notre célèbre commandante Bà Ba?
Bà úp hai tay lên ngực, rất cảm động:
- Lần đầu tiên có người hỏi tôi thế. Mà đúng, nên nghĩ là các cụ đã có ý ấy, dù tôi chỉ là một người thua cuộc. Anh là một người làm vườn lớn, vườn ký ức của tôi đẹp lên nhiều nhờ anh, mon jardin de souvenirs a été embelli beaucoup grace à vous.
Bà mở ví. Tôi nói laissez - moi, để tôi.
Bà ra cửa, ngoắt quay rất nhanh lại, cười thật thân, thật tươi nói:
- Dès la première vue, je te trouve déjà très sympa, très, très, tout de suite, tu sais, mais tiens, viens me voir, tu as pris mon adresse, au revoir - Ngay phút đầu tiên tớ đã thấy mến đằng ấy, ngay lập tức, rất rất, cậu biết đấy, nhưng này, đến thăm tớ đấy, cậu đã ghi địa chỉ, Trương Định, chào tạm biệt.
Sau đó, nhiều lần tôi đến bà. Không Trương Định mà Khu Văn Chương. Tiều tuỵ đi nhanh hơn, mấy tháng thêm một nấc thiểu não trông thấy. Hết mặt hoa da phấn, hết sang trọng. Và vẫn không có những bức thư con gái gửi cho vì bị “interceptées” - chặn lại. Nghe chữ intercepter, tôi nghĩ ngay tới máy bay tiêm kích P51 Mustang của Mỹ hồi Thế chiến 2 mà tôi còn bé đã rất kính nể. Ngày một chiếc bánh mì hai lạng hai lai cô hàng xóm xếp hàng hay chen hàng mua hộ. Tôi thường thấy những mẩu bánh mốc trên bàn, những hòn đá vặn vẹo ở lòng suối cạn hay những gót guốc mộc gẫy bẩn. Bà hay nói đến chiến tranh thế giới thứ ba:
- Sẽ là một cuộc chiến tranh nguyên tử, giống người tồi tàn này khó tránh được sự huỷ diệt…. - Thì thào như một mong mỏi, một nguyện cầu…
Hôm ấy tôi đến xẩm chiều, trời âm u mà mất điện. Bà đầu tóc bù xù rối, muối tiêu, tóc xác xơ với màu xám xỉn có lúc làm tôi ngỡ bà đội một mớ ngải cứu khô cong rã rượi, hai bàn chân buông thõng, không giầy không tất, sàn láng xi măng anh ánh lạnh. Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu, ôi Nguyễn Gia Thiều. Gót chân kia đã chạy ở vạt rừng Yên Thế chưa?
Bắt tay bà, cổ tôi nghèn nghẹn. Bà nói có một lãnh tụ nào nói điện khí hoá phải đi trước một bước, nhưng nó với ông ta đi trước xa quá… bỏ chúng ta lại với bóng tối khắp nơi, de l’ ombre partout…
- Lê-nin… Lê-nin nói thế, - tôi nói.
- Lê-nin, qui ca, ce mec, - thằng cha ấy là ai? - Bà nhún vai.
Mới hôm nào tôi kể chuyện tôi đến một nơi gọi là Ngọc Nham, nơi ấy Cụ Đề ngày xưa hay về. Ngồi xếp bằng ở chiếu rải giữa sân, bốn xung quanh là bốn người lính súng dài lắm chĩa ra bốn phía… Bà cụ chủ nhà lúc ấy bé hay được Cụ Đề cho một kẽm… Khi rời Ngọc Nham, đứng dưới gốc cây hoè Cụ Đề từng cúi xuống để vào sân nhà, tôi ôm lấy bà cụ chủ nhà nói: “Cụ cho cháu xin tí mùi Cụ Đề ạ…”
Hoàng Thị Thế chợt thẳng người lên:
- Anh giữ gìn rất tốt mẩu vườn ký ức của tôi. - Rồi lập cập giơ hai tay gầy ra níu lấy tôi. - Qua anh tôi cũng lại như ngửi thấy mùi bố tôi… Tôi thoáng nghĩ bà nói như thế vì có lẽ bà chả có mấy ký ức về bố.
Tối nay, trước khi về, tôi nói:
- Nếu là chính phủ, tôi sẽ mời bà đến ở một biệt thự nhỏ gần đám điện ảnh trên đường Hoàng Hoa Thám. Chỗ ấy đa nghĩa với bà.
Bụng nghĩ nói tiếng Pháp thì mày tao chi tớ, về với tiếng Việt lại phải bà!
Hoàng Thị Thế nhìn tôi, chờ đợi. Tôi thấp giọng:
- Ở khúc đường vành đai cổ xưa nhất và thân thiện này của Hà Nội, bà được sống chung với bố, với nghề xưa.
Tôi ân hận. Mắt con gái Đề Thám chợt như lạc chìm vào đâu. Rồi tôi lại yên lòng. Ít ra có nơi để chìm vào.
Tôi chào rồi ra cửa. Xuống thang thì nghe tiếng Hoàng Thị Thế gọi theo:
- Attention aux marches de l’ escalier, Đĩnh! Ce mec qui faisait grand tapage sur l’ électrification nous laissait tous submerger dans l’ ombre. Cẩn thận bậc thang, Đĩnh. Cái cha làm ỏm tỏi lên về điện khí hoá kia bỏ chúng ta chìm hoàn toàn trong bóng tối.
Toan gọi đùa lại:
- Parce que son plan d’ electrification électrocute toute lumière, - vì điện khí hoá của ông ta giật chết hết mọi ánh sáng.
Mở khoá xe ở cạnh cầu thang tối om dưới nhà, tôi vẩn vơ nghĩ nếu Cụ Đề và Bà Ba sống những thập niên chống phát xít, trên căn cứ địa Yên Thế có John, có Thomas sĩ quan tình báo Mỹ OSS huấn luyện rồi cùng tiến quân đánh Nhật ở Bố Hạ? Thì tháng 9 năm 1945, Hoàng Thị Thế đã là đại sứ đầu tiên của Việt Nam trình quốc thư tại Hoa Kỳ? Nay chẳng ai đỡ đần cho bà ngồi êm ả khóc những ngày xa, sống trong đùm bọc thương yêu của Hùm Thiêng Yên Thế. Đứa con gái viết thư gửi mẹ thì Pháp cho đi nhưng Việt Nam không cho tới. Đề Thám đâu hay cháu ngoại mình lại được Tây yêu và bị ta ghét…

*

Bố của Văn Sơn, biên tập viên báo Nhân Dân, anh cả Hoàng Minh Chính chết do đó cơ quan đi đưa rất đông, cả chánh phó Tổng biên tập Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê. Hoàng Minh Chính được ra tù ba ngày về dự tang bố.
Trong ngõ nhà xác bệnh viện Việt Nam - Cuba, anh chị em của báo đứng đầy. Tôi vào tận trong cùng, hy vọng gặp Chính. Thì thấy Chính quần áo xô đứng chống gậy bên cổng nhà xác - sắp đưa quan tài ra. Tôi đến bắt tay Chính chia buồn. Sáng sớm nào tôi làm diễn viên Kinh kịch tùng tùng tùng xoèng chói tai trên nóc bể nước trước cửa căn hộ của anh?
Chính bảo tôi:
- Mình muốn ôm Trần Đĩnh quá.
- Mình cũng vậy, nào, allons- y!
Hai đứa ôm nhau lâu một lúc. Thấy rõ bầu khí im cứng đanh lại của mọi người xung quanh.
Tôi góp một tay khiêng áo cụ ra. Xe tang đến đầu Yết Kiêu dừng lại. Chính đứng cảm ơn bà con đi đưa. Vái lạy trước tiên tôi, ba cái.
Về lại cơ quan, gần một chục người lè lưỡi bảo tôi:
- Sợ cho ông thật! Lại ôm nhau, vái nhau với trùm phản động trước mặt cả chánh phó thủ trưởng…
- Và ít nhất năm công an mật - tôi nói.
Sau này, tận 2004, vào Sài gòn, Chính bảo tới Văn Sơn rồi cứ vặn hỏi thằng nào ôm trước bữa ấy, gớm thế! Chính nói “Tớ bảo là cùng đồng khởi nhất tề! Họ sợ ghê quá nhỉ!”

*

Năm 1971, Thép Mới ở Rờ (Trung ương cục miền Nam) ra. Anh tìm tôi ngay. Ngơ ngác, bồn chồn, thấp thỏm… Anh như muốn nói với tôi một cái gì quan trọng nhưng lại không dám. Tôi cảm thấy anh nhìn tôi có khác những ngày anh chuẩn bị đi Bê. Tôi chưa hiểu là khói lửa đã giúp cho chân lý phần nào ló mặt ra ở anh.
Chưa đôi hồi, Thép Mới đã khẽ bảo tôi:
- Tao với cái Châu ra đến giữa đường Trường Sơn thì gặp thằng V.P. Nó bảo ngoài ấy thối hơn chuồng xí thì đâm đầu ra làm gì? (V.P. sau là uỷ viên trung ương đảng. Chắc nó tin có mình vào Trung ương thì cái chuồng này sẽ sạch)
Tiếp ngay sau đo, Thép Mới nói:
- Tôi kinh cho anh quá… Tao với thằng Mai Lộc đang nằm võng thế này thì xừ Sáu Thọ đến mắc võng nằm len vào giữa. Bảo ngay là thằng Đĩnh nó láo lắm. Bắt đi cải tạo rồi…
Tôi hỏi:
- Sao kinh?
- Sợ mày khai ra cái gì thì chết tao…
- Thế có chết không? - Tôi hỏi lại, rồi nói tiếp - Đi đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Lưu Thiếu Kỳ chết, Đặng Tiểu Bình tù… Đều là Khruschev cả. Nên biết một cái đang là xu thế chung trên thế giới hiện nay: khoa học kỹ thuật chứ không phải hồng thay đổi thế giới. Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ năm rồi. Tiếp cận và tiếp nhận thế giới thế nào thành vấn đề căn bản…
Tôi ngụ ý cần đi với thế giới với khoa học chứ đừng rúc vào cái hủm chính trị hàng đầu made in Bắc quốc.
- Tao chuyến này ra sẽ mời mày làm cố vấn. - Thép Mới gật gù nói.
… Anh đã đưa tôi và Chính Yên về ban văn hoá mà anh phụ trách. Thấy tôi đọc De la personalité humaine (Về vấn đề bản nhân) của Lucien Sève, uỷ viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Pháp mới thay Garaudy phụ trách ý thức hệ, anh đề nghị tôi trình bày với ban văn hoá. Có lý do thực dụng. Anh bảo tôi:
- Cha Duẩn đang nghiền cái này để cha ra một công thức mới về quan hệ giữa đảng và con người, mày ạ.
Tôi trình bày. Kết luận với ý tôi: Trong các chính sách đã có, đảng thiếu một cái hết sức quan trọng, đó là la politique de l’ homme, chính sách con người. Ngồi cạnh tôi, Thép Mới lật sổ tay lia bút viết chéo hết hai trang giấy: politique de l’ homme! Ngỡ tôi lấy ở sách Lucien Sève.
Tôi bảo Thép Mới:
- Lucien Sève thay Garaudy đã hội đàm với Jacques Lacan, tổ sư bồ đề của phân tâm học và viện sĩ hàn lâm Pháp. Một điểm mới, đó, người ta không sợ đối thoại. Hơn thế, trong hội đàm, trùm tư tưởng cộng sản lại tự phê bình rằng các người Mác-xít đã sai lầm là coi thường vô thức, trong khi các ông, từ Freud đã biết đi sâu vào nó.
Ít lâu sau tôi biết công thức mà Duẩn đưa ra về đảng và con người là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ.
Cái bánh ngon chia làm ba, anh nào cũng đầy đủ nhân thịt, mỡ, hành, tiêu, lá dong, lá chuối hết, đừng kêu ca phân bì tị nạnh nhé, sức mạnh tổng hợp của cách mạng đấy!
Về chuyện Lê Duẩn nghiên cứu con người, có một kinh lịch hãi hùng của Trần Đức Thảo. Nhưng xin chờ hồi sau.

*

Năm 1971, lụt lớn chín tỉnh. Tôi vào vùng lụt sâu của Hải Dương, cùng với Minh Trường, phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam Thông tấn xã. Mặc quần đùi lội trong các xóm mênh mông nước lạnh buốt nghe dân ngồi chồm hỗm trên các hiên nhà kháo nhau mà xấu hổ:
- Béo nhẩy, gớm, đùi cứ trắng lôm lốp, nần nẫn hơn vế đàn bà. Đói nằm bên cứ vỗ đùi suông cũng hoá no. Gạo thịt tem phiếu nên thịt da khác thằng đếch có phiếu thật.
Ở Thư Thị, Hưng Yên, nơi hồi mới hợp tác hoá nông nghiệp - theo lệnh Tố Hữu, văn nghệ sĩ “đi thực tế” xuống - đông tới mức bữa ăn đi va đụng vào nhau mất cả chục phút mới dạt được vào khoảnh sân bày sẵn cơm canh ngay trên nền gạch - những gầm cống xi măng giữa đồng đầy bèo bên trong đỏ đỏ xanh xanh lóng lánh mắt những búi, những cuộn rắn tránh lụt, những con mắt trong tối đeo lên những hạt cườm màu nom bỗng thôi miên và đền miếu. Tôi thoáng nghĩ tại sao có những con mắt rực sáng lên xanh đỏ lục vàng uy nghi thần thánh? Và tại sao chúng kết đoàn tránh tai ương còn con người thì lại liều lĩnh kết đoàn hợp tác xã để chuốc lấy tội nợ?… Lại văng vẳng câu Mao rủa chậm lên hợp tác hoá như đàn bà bó chân đi.
Lên Lập Thạch nghe ngóng tình hình cấy tái giá, qua bè dây kéo ở sông Phó Đáy thấy dân nói đêm nằm đã phải đắp chiếu thì cấy có mà để lấy cỏ, tôi quay sang Lâm Thao, trở lại thăm thời hai mươi mốt tuổi, những ngày Tố Hữu về làm Tổng biên tập báo Nhân Dân mới ra mắt, cử “đi thực tế”. Đạp xe suốt nhiều chặng đường xơ xác, gần Hy Cương Đền Hùng, rác dắt hàng búi tú ụ trên các ngọn cây cao hai mét, trông mà cứ ngỡ tổ đại bằng lưu lại từ thời Vua Hùng còn đóng khố họp hội đồng thị tộc, vua vừa phổ biến kinh nghiệm đi vệ sinh chớ dùng lá han mà gãi phải biết rồi sau đó cả hội đồng thị tộc hun khói bắt chuột đồng liên hoan … Hơi bồi hồi qua đoạn đường một cô gái mắt lá răm xưa cứ bắt tôi giữ xe đạp cho cô tập, những chiều tôi ở Lũng Vàng, cạnh Xóm Muôn (nay có tên Làng ung thư), Thạch Sơn chạy bộ thể dục. Được ba buổi tình cờ một chiều ra giếng tắm. Mấy cô đang thỗn thện bên thành giếng. Thấy tôi quay lưng toan về thì cô mắt lá răm hú lên một tiếng rồi hai đùi quặp vào nhau cứ thế nhảy tưng bừng gọi: “Anh ơi, lại đây em dội cho mấy gầu nào, gớm, mặt đỏ thế…”. Tôi chợt hiểu
quê cha đất tổ nó nguyên thuỷ hồn nhiên như thế nào. Cả một dẻo ấy lên đến Hoà Bình, Sơn La, Tây Bắc… cứ cứ tinh hoa bày hết ra ngoài tắm như vậy.
Rồi ban nông nghiệp báo không bắt tôi theo việc cấy tái giá nữa, cho rằng tôi là đứa vốn kém ý thức chấp hành nghị quyết đảng.
Ở Hải Hưng, Tố Hữu họp với tỉnh uỷ hất đầu hỏi:
- Thế nào, Đường 5 anh hùng có đởm lượng phủ xanh toàn bộ diện tích không. Cờ lệnh tư tưởng lúc này là cấy lại hết đồng đất bị lụt ở chín tỉnh thể hiện tinh thần quật cường tiến công không chịu thua bất kể kẻ thù nào.
Hoàng Tâm, thường vụ tỉnh uỷ phụ trách nông nghiệp đứng lên nói trời đã heo may, cấy bằng đổ thóc giống ra mất toi.
Như không biết có Hoàng Tâm nói, Tố Hữu lạnh mặt hỏi cả hội nghị:
- Thế nào? Đởm lượng anh hùng bị lụt mất hết rồi ư?
Lê Quý Quỳnh bí thư bèn đứng lên xung phong “phủ xanh lại tất cả diện tích bị lụt”. Với Quỳnh, đởm lượng anh hùng trước tiên đòi làm vui lòng cấp trên bởi lẽ cấp trên ban danh hiệu anh hùng. Và anh hùng thì thơm ngon hơn khoa học.
Kết quả mấy chục nghìn tấn thóc giống gieo mạ đem cấy lấy cỏ. Còn Hoàng Tâm thì về vườn. Một lần đến Sặt thăm anh nằm khàn trong gian nhà lá cất ở giữa ao, rất Khương Tử Nha, tôi bảo anh may là đảng đang nhấn mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt chứ không thì anh… tù.
Anh nói:
- Thóc giống vất ra có phải tiền của họ đâu? Tố Hữu trồng mây trồng gió thì được chứ trồng lúa ngô thì chắc chắn kém xa tớ.
- Nhưng Duẩn nhắm cho làm thủ tướng rồi Tổng bí thư nên bảo đi cai quản kinh tế.
Tôi muốn nói chút ít đến Hoàng Tâm. Anh vốn không biết tôi nhưng từ khi tôi về tỉnh vài lần xin anh giấy giới thiệu xuống huyện, xuống xã thì anh liền biệt nhỡn. Chắc nghe ai đó nói “cha này viết Bất Khuất đấy” và thế là mến mộ.
Mỗi lần ký giấy cho tôi, anh lại nói anh cũng có việc xuống cái huyện đó và bảo tài xế buộc xe đạp tôi lên sau xe rồi cùng anh về huyện. Tôi xin kiếu thì cuối cùng anh nói:
- Ông cũng phải cho bọn sai nha chúng tôi có dịp làm cái mà lương tâm chúng thấy là cần phải làm chứ”. Nhìn người như ông đạp xe tứ xứ trong khi bọn ba bị chúng nó ngồi ô tô về toàn vòi thịt chó với rượu, tôi thật sự muốn chửi.
Ở Hải Hưng lúc ấy còn một tỉnh uỷ viên nữa ưu ái tôi. Phùng, bí thư Cẩm Giàng. Ngay thẳng, ngang tàng. Hoàng Tâm chữ nghĩa nho nhã, Phùng thì Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm. cũng lại kiếm cớ về Hà Nội để buộc xe tôi vào chiếc Volga tầm tầm của huyen. Qua cầu phao sông Hồng đến giữa Nhà hát lớn và Bảo tàng cách mạng, Phùng mới quay lui.
Có một chuyện vui. Đỗ Mười, phó thủ tướng xuống Cẩm Giàng vào nhà kho thóc kiêm nghiên cứu giống mới gần Lai Xá, Tứ Thông. Một đàn chó hơn chục con nhào ra sủa. Đỗ Mười tụt về căn cứ địa bất khả xâm phạm là ô tô thò đầu ra, trợn mắt nạt Phùng:
- Vô kỷ luật! Có lệnh triệt để mà vẫn còn chó hả?
Phùng nói:
- Thì lệnh chả nói là có triệt có để đấy thôi, đâu phải chúng tôi vi phạm. Thủ trưởng đưa tay tôi dắt, tôi hay ăn chó, chó sợ, bảo đảm an toàn trăm phần trăm.
Năm 1972, khi đang bom đạn dữ, tôi xuống Cẩm Giàng, đêm ngủ dưới hầm sâu với Phùng nghe F-111 cánh cụp cánh xoè xẹt ngay trên đường xe lửa mà ngỡ thấy mùi không khí bị khoan cháy khét. Một hôm khoảng bốn giờ sáng, tiếng bom mạn Phú Thái đánh thức tôi dậy. Thấy Phùng chĩa đèn pin quặp giữa ngón chân cái và ngón cạnh vào chiếc đài bán dẫn Xung Mao Trung Quốc.
- Chữa để tí nữa nghe Bibixi - anh nói.
- Không sợ nó nói dối? - tôi hỏi. Bụng nghĩ đến chuyện Tô Hoài nói ông chủ nhà anh và Tế Hanh ngủ nhờ ở gần Chùa Hương sớm nào cũng gạ anh “mở Abêxê”.
- Ta thì nói thật ư? - Vẫn hí hoáy chữa, Phùng hỏi…
Tôi lặng nhìn anh. Thú thật là tôi đã nghĩ khéo anh “khiêu khích”. Phùng đã nói tiếp:
- Này, qua ông, tôi thấy cái này… Là mình không sợ họ thì họ sợ mình! Thế đấy.
Đến câu này tôi lại tin anh. Và cảm động. Rồi giật mình: A, cái sợ nó lộ ra ở mặt anh đấy! Đã toan thanh minh: không, tôi sợ đấy, F-111 nó cày bới trời thành luống thành rãnh sâu hoăm hoắm lên thế kia mà không sợ ư? Gia tát cạn được bụng dạ thì tìm thấy vô khối xác thằng sợ…
Nghe nói thời đánh Pháp, khi xuống hầm bí mật, nếu là một cặp đàn ông đàn bà thì thường dễ chuyện kia. Đặc biệt những khi lính địch đi lộp cộp trên đầu, thuỗn sắt thọc xuống, đất rơi lả tả lên đầu, lên vai… Tiếng thở của người nép sát bên cạnh bỗng dồn dập, nóng ẩm và hai người tìm nhau… Căn hầm sâu giữa giường Phụng và giường tôi, mùi không khí cháy khi cánh cụp cánh xoè lật cánh sang trái rồi lại lật sang phải như để nhòm rõ con đường sắt, tiếng bom rền…, phải chăng đã đưa Phùng đến gần chân lý?
Một tối chờ B52, Chính Yên, Đỗ Hải và tôi đến Lê Đạt kéo nhau ra Hàng Giầy ăn lục tào xá. Về đến Cột đồng hồ đầu Hàng Đào thì loa báo động rùng rợn rú kèm câu kín đáo báo B52 đang vào. Anh em chạy vội. Biết không tiện đưa Lê Đạt vào hầm báo đảng, tôi bảo Lê Đạt:
- Tớ đưa cậu về.
Tôi đi cùng Đạt, xuyên trong tiếng loa rền rĩ m quái đang trùm lên các mặt nha im ỉm khiếp sợ và thấy chân bồng bềnh bước trên một băng dây chuyền làm bằng những đợt sóng âm thanh trầm bổng. Đến nhà, tôi trở về, Đạt bảo: “Giờ này còn giữ văn hoá như mày là hiếm”. Tôi nói: “Đã không cùng với mày qua cửa Nhân Văn thì nay tao bỏ mày một mình qua cửa B52 sao được?”
Thời gian này chánh phó ban nông nghịêp, Phan Quang và Hữu Thọ hục hặc nhau. Họp chi bộ, Phan Quang nói:
- Tôi ngồi cạnh đồng chí Hữu Thọ mà sợ như ngồi bên rắn độc.
Cười cười nói nói đấy mà thình lình mổ một cái là có người chết tươi.
Tôi nghĩ thì cũng rắn độc và mãng xà vương anaconda cả thôi. Cái ghế trưởng ban thành con mồi.
Phan Quang và Hữu Thọ thế nào sau này lại cùng Đại hội 7. P.K.L., một lãnh đạo đài cùng dự đại hội bảo tôi khi Hữu Thọ vào Trung ương, Phan Quang chợt nom không bình thường, sau họp vào nằm ngay bệnh viện. Hình như cu cậu bị sốc, thằng nó mổ chết người như chơi nay lại trèo lên đầu mình!
Vào Trung ương Hữu Thọ được giới báo chí tặng danh hiệu “Ông ngược chiều kim đồng hồ?”. Xì xào là khai thụt mấy năm sinh.
Cuộc đời tàn nhẫn với tôi nhưng cuộc đời cũng khá chiều tôi: nó luôn ủng hộ các nhận xét của tôi về nhân thế. Phải nói tôi thường tận hưởng một mình vị ngon cùa món quà này Trung ương cử Hữu Thọ về phụ trách tạp chí “Người cộng sản”. Nguyễn Phú Trọng từ chối, tuy chưa trung ương. Thọ đành dạt tới làm phó cho Trần Thái Ninh. Nhờ chốt lại ở tạp chí lý luận của đảng, nên khi đảng cho tất cả những người phụ trách báo đài trung ương - mà tôi gọi là hệ lưỡi thất thiệt - đều trở thành uỷ viên trung ương thì Nguyễn Phú Trọng liền vào Trung ương rồi Bộ chính trị rồi… rồi nắm các thứ. Nhưng sao Trọng có thể từ chối một uỷ viên trung ương theo lệnh Trung ương về phụ trách đó? Tôi hay nghĩ ai là bà mụ trong đảng của Trọng. Chuyện Trọng đá Thọ thật là hay! Cho sự nghiêm minh của chế độ nhân sự đảng. Bị đá đi khỏi tạp chí lý luận của đảng thì Thọ sang cai quản hệ thống tư tưởng cả nước. Tức là nhờ Trọng vẩy tay gạt Thọ mà hệ thống tư tưởng cả nước lọt vào tay Hữu Thọ. Biện chứng kinh!
Giữa những năm 90, một sáng Văn Trọng mời tôi đến nhà anh nhậu. Đến thấy đã có Trần Minh Tân, Trần Hoàn, hai cựu Trưởng ty thông tin Hải Dương và Hải Phòng. Trần Hoàn đưa ra chai vang Pháp. Minh Tân cầm lên nói:
- Lẽ ra mày phải một két. Trung ương uỷ viên thì ăn nhiều lắm rồi chứ! Ừ, còn thế này, về rồi thì lặn hẳn đi chứ lại còn đến làm phó cho thằng Hữu Thọ đàn em xưa.
- Thì Hữu Thọ đấy, cũng đã đến làm phó cho chú em Trần Thái Ninh. - Văn Trọng, cũng một cựu trưởng ty thông tin Hải Dương, nói.
- Cái máng ăn của đảng nó hơi bé. - tôi nói. Trần Hoàn im lặng.
Ai đó nói: “Thằng này nó mát tính nhỉ?”
Minh Tân nói:
- Không giỏi nhịn thì sao vào được Trung ương?
- Thế sao không cứ làm nhạc mà vào Trung ương làm gì?
- Cứ làm nhạc thì nhạt vì phải mát tính với thằng vụ trưởng nghệ thuật, thằng tổng giám đốc phát thanh…
- Ngả đ… nào cũng phải nhạt, phải mát tính hết, thôi… vang nó ngon đấy, uống đi…

*

Năm 1971 có chuyện ngoại giao bóng bàn mà tôi cho là rèm sân khấu đã hé. Theo lệ vẫn báo Mỹ đọc. Thấy đoàn Mỹ được chủ nhân Trung Quốc cho ăn bốn năm bữa một ngày, mỗi bữa chín mười món, có dạ dày cá mập, đầu khỉ, chân gà… Và được đội Trung Quốc nhường cho thắng. Nhưng qua các cửa hàng vẫn thấy viết “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn chó săn tay sai”.
Chả hiểu sao, tôi bật cười. Tự nhiên rất lạ, hai câu ca dao chợt vẳng lên bên tai tôi: “Ban ngày quan lớn như thần, Ban đêm quan lớn tần mần như ma…”. Dân biết sao được khi lãnh đạo đi đêm thì tần mần hẹn ước với Mỹ thế nào? Rồi nảy ra một cái ý: nếu ở dưới quai hàm quan lại có một khoá kéo. Mỗi háng một lần quan nào cũng phải mở khoá kéo cho tập thể nhòm vào tận đáy cái hộp sọ xem thần và ma chung sống hài hoà ra sao…
Chưa biết chửi khỏe Mỹ cũng là giấu nỗi thèm chơi với Mỹ.