CHƯƠNG V

     uộc đời nhiều khi có những cái bất ngờ khó ai có thể đoán trước. Trải bẩy, tám cái truyện ngắn được đăng rải rác trên một vài tờ báo ở Thủ Đô như Giang Sơn, Chánh Đạo, Liên Hiệp, Hồ Gươm, Thời Tập…tôi những tưởng mình sẽ theo hoài con đường sáng tác tiểu thuyết. Nhưng với sự lựa chọn này tôi đã bị Tắc chê bai vô số kể.
Hắn nói là tôi dại, tôi quân tử Tầu, tôi không nắm vững bản lĩnh cần thiết để chen chân thường xuyên vào trường văn, trận bút. Bởi nhân số trong vườn hoa văn nghệ thì đông đảo, thiên hạ có biết bao nhiêu người muốn nhào vô các trang báo, cho nên sáng tác gửi đi vài ba cái có khi mới "dính" một cái, còn kỳ dư bao nhiêu công lao ngày đêm cặm cụi đều bị chui vào sọt rác của tòa soạn các báo hết. Vì thế Tắc khuyên tôi viết được thì cứ viết lia. Làm Thơ, viết Văn, soạn Kịch, nếu có gan thì viết cả Phê bình, Sưu khảo nữa. Bản thảo bay về tới tấp các tòa báo, bị loại bài này đã có bài khác thay thế. Trăm bó đuốc tất phải vớ được con ếch. Tên tuổi của mình sẽ xuất hiện thường xuyên trên trang báo, "nổi tiếng mấy hồi"! Đó là châm ngôn làm việc của Tắc vạch ra cho tôi trong những bước đầu trên con đường sự nghiệp. Tắc còn nói:
- Đành rằng cậu thích tiểu thuyết, nhưng ở những bước đầu, đừng bao giờ nói đến chuyện thích. Hãy nhào vô bằng mọi cách cho bàn dân thiên hạ quen thuộc tên tuổi của mình đi đã. Đến lúc mình "trứ danh" rồi, cả nước biết tiếng mình rồi, đã có một chân trên văn đàn rồi, chừng đó cậu lựa "món" gì mà chẳng được.
Những lời khuyên đó, chính Tắc cũng đem ra thực hành. Hắn viết Truyện, làm Thơ và…Phê bình văn chương. Hắn đã viết rất hăng, rất nhiều, nhưng tính sổ lại chỉ có thơ của hắn là được đăng nhiều nhất. Bởi thế trong các cuộc hội họp văn nghệ về sau này, anh em đều gọi hắn là Thi sĩ.
Tắc rất hài lòng về danh hiệu này và con người của hắn bắt đầu có một sự sửa sang để cho phù hợp, đại để như quần áo trở nên lôi thôi hơn, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng hơn, mái tóc biếng chải hóa thành bù xù hơn. Hắn làm cứ như thể từ thưở mới lọt lòng ra, định mệnh đã an bài cho hắn trở thành thi sĩ rồi.
Nói về nhân dáng thì cái bệnh “sửa sang” này không chỉ riêng có một mình Tắc là sa đà vào. Bởi hầu hết bọn trẻ chúng tôi, ít anh nào lại không biết làm dáng cho ra vẻ văn nghệ. Đặc biệt là cái món “để râu” cho thiên hạ thấy mình không phải là thứ nhóc con để bị coi thường, hay bị cất lời dạy dỗ.
Khốn nỗi, ở cái tuổi 16, 17 thì đã làm gì có râu. Ấy vậy mà không biết xuất xứ từ đâu mà bọn chúng tôi loan truyền với nhau rằng muốn cho râu chóng mọc thì cứ bôi Huile de Ricin lên mép là râu sẽ bị “thúc” đến phải lòi ra.
Huile de Ricin thật ra chỉ là tinh dầu lấy từ những hạt trong quả đu đủ. Nó là thứ thuốc “giun” rất hiệu quả mà ngày xưa còn bé, cứ vài tháng, mẹ tôi lại dẫn mấy đứa trong nhà đi đến nhà thương Phủ Doãn để nơi đây cho mỗi đứa uống muột muỗng cái thứ dầu này. Ôi chao là khó nuốt! Dầu vừa trôi qua miệng là muốn ọe hết ngay ra. Nhưng do kinh nghiệm, mẹ tôi đã mang sẵn mấy miếng Oản làm bằng bột trắng tinh, mau tan và ngọt lừ. Cái oản này chận ngay cơn buồn nôn vừa ập đến, và chỉ đến buổi chiều thôi, thì những anh giun trong bụng chịu không thấu đã bị tống ra có khi hàng búi.
Nay thì chúng tôi đem cái thứ thuốc giun này ra xài để cho chóng mọc râu. Ước vọng về râu sâu xa đến nỗi hồi đó còn có cả bài hát về râu nữa. Đó là bài hát Cung Kèn Rạng Đông của nhạc sĩ Hùng Lân đã bị sửa lại lời.
Nguyên văn thì:
Anh nghe chăng cung kèn rạng đông
Đang uy linh lừng vang trên không
Đang thiết tha hùng hồn.
Khơi chí gan Lạc Hồng
Cháy lên nhuộn bao ánh hồng…
Bị đổi thành:
Thân nam nhi tri kỷ bộ râu
Râu ta đây là râu quai nón
Ăn uống tuy nhồm nhoàm
Râu đứng lên nhịp nhàng
Cái râu mọc quanh cái mồm…
Râu ơi râu ơi
Râu mọc quanh mồm….cái râu Sồm
Râu ơi, râu ơi
Râu mọc quanh tai…cái râu Quai
Ôi trời! Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò là như thế. Chắc nhạc sĩ Hùng Lân hồi đó có nghe thấy thì cũng chỉ mỉm cười chứ chẳng nổi cơn lôi đình cho tổn hại sức khỏe.
Kết quả của những ngày chăm chỉ mỗi sáng bôi thuốc mọc râu, riêng tôi thì sau vài tuần cũng thấy râu cũng lún phún mọc ra, nhưng khốn thay, lớp da bị thứ tinh dầu thúc cho nóng quá, nên cứ đùn ra những thứ mụn đỏ, mọc còn mau hơn nữa.
Thế là cả bọn tém giẹp cái vụ râu ria, chẳng anh nào còn dám rớ tới nữa.

*

Trở lại cái vụ lựa chọn bộ môn sáng tác, thì tôi thấy riêng có lãnh vực soạn Kịch là Tắc không dám bước chân vào. Không biết Tắc đọc được ở đâu một lời tuyên bố mà hắn cho là chí lý:
- Muốn viết kịch người ta phải ở tuổi ngoài bốn mươi. Phải đi qua đủ các đoạn đường làm thơ, viết văn đã, rồi mới có đủ khả năng viết kịch. Kịch là chặng kỹ thuật cuối cùng của con đường làm văn học nghệ thuật.
Thực ra thì trong các bộ môn, quả là Kịch khó sáng tác nhất. Khó ở những nút thắt mở, khó ở những tình tiết, ở sự điều động các nhân vật ra, vô hợp lý trên sân khấu. Và dĩ nhiên người viết phải nắm thật vững tâm lý, cử chỉ, ngôn ngữ của các nhân vật.
Hơn nữa, khi viết kịch, tác giả còn phải nắm vững tính cách là “kịch đang diễn trên sân khấu là thể hiện cái "hiện tại" đang xẩy ra”. Người viết phải sắp xếp thế nào để qua ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật sẽ làm khán giả thấu hiểu được "tình huống" của câu chuyện, tức là quá khứ được phục hồi, chứa chất những tình huống có những gúc mắc, những vấn đề nan giải bầy ra cho người trong cuộc phải giải quyết (có sự tham gia suy nghĩ của khán giả) để rồi đi tới tương lai là cái kết thúc lúc hạ màn. Giới viết kịch gọi cái phút chót này là "Coup de Rideau". Mà cái "cú" hạ màn này lại cần phải có tính bất ngờ, gây ngạc nhiên thích thú và cả sự đồng tình, tán thưởng của khán giả thì kịch mới được gọi là thành công.
Viết kịch nghe chừng khó thế nên vào thời kỳ đó, các tác phẩm văn chương xuất hiện rất dồi dào, phong phú nhưng kịch bản thì hầu như chỉ lác đác như lá mùa thu. Mỗi năm, ở Nhà hát Lớn thành phố chỉ có một mùa Kịch thường là vào tháng Chín hay tháng Mười. Lúc đó tiết trời đã vào thu, không khí mát mẻ, người đi xem diễn kịch ăn bận chỉnh tề, sang trọng như đi dự những buổi tiếp tân.
Vài ban kịch nổi tiếng vào thời kỳ đó có thể kể như ban Tiền Phong, ban Sông Hồng gồm nhiều diễn viên tài ba, tận tụy và đam mê với bộ môn Kịch. Tôi còn nhớ những vở kịch nổi tiếng được trình diễn trong các mùa Kịch thời đó như Tâm Sự Kẻ Sang Tần - kịch thơ của Vũ Hoàng Chương; Thế Chiến Quốc, Nửa Đêm Truyền Hịch - của Trần Tử Anh; Bông Hồng dại của Tiền Phong, Thành Cát Tư Hãn - của Vũ Khắc Khoan; Lôi Vũ của Tào Ngu….
Các cụ ngày xưa có câu tục ngữ "Điếc không sợ Sấm". Đem áp dụng vào trường hợp của tôi thật không còn gì đúng hơn nữa, bởi vì bộ môn Kịch khó khăn là thế mà tôi dám cả gan ghé chân vào.
Tất cả chỉ khởi đầu bằng một sự tình cờ. Số là vào thời kỳ đó, có một nhà thi sĩ tạm gọi tên là Nguyễn Đông Tây. Ông này không phải xuất thân từ giới học trò, nên khi xuất hiện trên Thi đàn, bọn chúng tôi hỏi nhau:
"Sao cái tên nghe lạ hoắc thế nhỉ?"
Đã thế, tuy chưa lấy gì làm "nổi" lắm mà hắn lại dám bỏ tiền ra in cả một tập thơ đầu tay thì cũng không phải thứ vừa. Chỉ có điều là khi quảng cáo cho tập thơ này, Nguyễn Đông Tây toàn dùng những chữ đao to búa lớn, tự đề cao mình lên tới tận mây xanh. Điều này làm cho lũ chúng tôi càng xôn xao, kể cả tức giận nữa.
Bài quảng cáo đó in rất trang trọng trên vài tạp chí văn nghệ đang phát hành. Nội dung tôi còn nhớ đại khái như sau:
MỘT VÌ SAO SÁNG VỪA XUẤT HIỆN TRÊN
VÒM TRỜI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
Những người yêu Thơ không thể bỏ qua tập thơ:
MÙA THƯƠNG NHỚ
của Thi sĩ NGUYỄN ĐÔNG TÂY
* Nhẹ nhàng hơn hơi thơ Nguyễn Bính
* Say đắm hơn hồn thơ Xuân Diệu
* Chua chát hơn giọng thơ Trần Tế Xương
* Triền miên hơn ý thơ Nguyễn Du
*…và man mác như bầu trời vô tận của vũ trụ vô vàn Tinh Tú.
Ối chà chà! Chưa bao giờ trong sinh hoạt văn nghệ lại xuất hiện một lối quảng cáo tác phẩm một cách um sùm, cao ngạo và lớn lối đến như thế. Trách gì chẳng gây ra trong bọn chúng tôi một sự bất bình và bàn cõi ỏm tỏi:
- Nguyễn Đông Tây là ai thế? Đã có ai được đọc thơ của Nguyễn Đông Tây bao giờ chưa?
- Rồi! Rồi! Thơ của "lão" đăng trên tờ Quê Hương mấy bài.
- Thế hả? Bao giờ? Số mấy? Sao tớ không thấy nhỉ?
- Mà thơ có hay không?
- Hay mấy thì cũng không thể so sánh với Nguyễn Du, Trần Tế Xương được. Phét lác không chịu được!
- Thì quảng cáo mà!
- Quảng cáo thì quảng cáo chứ. Thơ đâu phải Thuốc ho bà Lang Trọc mà phịa quá như vậy.
- Thôi, hãy cứ chờ xem. Biết đâu lại chẳng là một thiên tài, một vì sao sáng mới mọc trên vòm trời văn học nghệ thuật.
- Ngộ nhỡ thơ ra xong, đọc thối ủm thì sẽ ra sao?
- Thì sẽ "phang" bỏ bố nó đi chứ, cho chừa cái tội bất kính với tiền nhân!
Người phát biểu câu lỗ mãng sau cùng đó là Trần văn Tắc. Hơn ai hết trong cả bọn, Tắc tự cảm thấy mình có bổn phận phải làm sạch sẽ sinh hoạt thi ca, bởi Tắc là thi sĩ. Là thi sĩ thì phải có trách nhiệm với thi ca là đúng quá rồi. Thi ca là vùng đất thiêng liêng, không thể đem ra bôi bác được.
Thế là cả bọn chúng tôi đều háo hức chờ đợi một biến cố văn nghệ. Trước hết là tập thơ Mùa Thương Nhớ của Nguyễn Đông Tây sắp phát hành. Thứ đến là bài phê bình nẩy lửa mà Nguyễn văn Tắc đã hứa hẹn viết.
Hai tuần lễ sau, tập thơ đã phát hành, thấy bầy bán khắp thị trường chữ nghĩa. Tắc giữ đúng lời hứa, cẩn trọng viết một bài phê bình dài 12 trang giấy kín mít. Tôi đòi xem trước nhưng Tắc xua tay:
- Chờ đăng đã! Chờ đăng đã! Phải đăng rồi đọc mới khoái.
Bọn chúng tôi đành phải nén lòng chờ đợi. Nhưng rồi một tuần, hai tuần trôi qua, bài của Tắc chẳng thấy xuất hiện. Tắc ức quá, chép lại một bản khác, có sửa chữa thêm chút đỉnh, rồi gửi cho tờ báo khác. Nhưng rồi tờ này cũng không đăng. Tắc phân bua với anh em:
- Nó có "thế lực văn nghệ", các cậu ạ. Bài tớ viết nẩy lửa như thế đời nào tòa soạn họ dám đăng.
Tuy Tắc viện cớ như vậy để biện minh cho mình nhưng bọn chúng tôi ai cũng nghĩ là khả năng phê bình của Tắc chưa đủ sắc bén để được các tòa soạn tiếp đón một cách nồng nhiệt. Nạn bè phái trong văn nghệ thì thời nào cũng có, nhưng nói thực ra, cây bút Nguyễn Đông Tây không phải là một cây bút quen thuộc, hay đã thành danh để có thể tạo nên thế lực. Theo sự "điều tra" của chúng tôi, thì anh mới nhẩy vào làng văn không đầy bốn tháng. Lại nghe một nguồn dư luận xì xào là anh ta rất ít quen thuộc với giới văn chương. Ở ngoài đời, anh sống bằng nghề đạp xích lô. Đạp xích lô rồi để dành tiền in thơ, đó là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có.
Nhân vật Nguyễn Đông Tây chính vì thế lại càng gây cho bọn chúng tôi sự tò mò, khích động, xôn xao bàn tán. Phải thành thực mà nói, thơ của Nguyễn Đông Tây không dở. Anh ta có nhiều kinh nghiệm sống. Anh ta lại có đầu óc xã hội. Những bài thơ in trong tác phẩm của anh tuy có nhiều nét vụng về nhưng lại dồi dào sinh lực của đời sống. Vào giữa lúc mà văn chương phần đông chỉ hướng vào những chuyện tình than mây khóc gió (giới độc giả phụ nữ thì đua nhau tìm đọc cuốn Đồi Thông Hai Mộ để khóc sướt mướt) thì sự xuất hiện tác phẩm của anh là một tia nắng mới. Chỉ tiếc là anh ta đã quá lớn lối khi so sánh mình với hầu hết những tinh hoa, những Bắc Đẩu của làng thơ đi trước. Đó là một điều không mấy ai hài lòng và tập thơ của anh vô tình đã phải gánh lấy cái vạ lây, mà nói theo kiểu ngôn ngữ bọn trẻ chúng tôi thì là "không thể tha thứ được"!
Sứ mạng quất ngọn roi đầu tiên vào tờ quảng cáo ấy đã giao cho Tắc thì Tắc đã không làm được trọn vẹn. Thế là, trong một phút nổi hứng bất tử, tôi đã nhẩy vô vòng chiến, mà cũng là do cái tính háo thắng mà ra đó thôi.
Lần này tôi khôn hơn Tắc, ở chỗ là tôi không nhắm vào việc phân tích từng câu thơ, từng ý thơ để hạch Nguyễn Đông Tây về tội dám so sánh với Nguyễn Du, Trần Tế Xương ( vả lại thơ không phải lãnh vực của tôi, kiến thức về thơ, tôi được mấy nả mà đòi đi phân tích thơ của người khác). Chiến thuật của tôi là chỉ nhắm triệt để vào mỗi có tờ quảng cáo mà Nguyễn Đông Tây đã quảng bá rộng rãi trên báo chí. Tôi tin rằng cứ đánh đối phương ở khe hở đó chắc chắn sẽ được nhiều người đồng tình, vì nó có…chính nghĩa!
Trọn một đêm hôm ấy tôi đã viết xong vở hài kịch lấy tên là "Tờ Quảng cáo".
Như ở trên tôi đã nói, kịch là bộ môn khó viết nhất, ít ai muốn bước chân vào. Tôi biết như vậy, và thực tâm tôi cũng chẳng mong muốn mình đi theo cái ngành khó khăn ấy. Vậy nếu có viết kịch lần này thì cũng chỉ là để giỡn chơi cho thỏa cái sự ấm ức của tôi trong đôi lúc, mỗi khi nghĩ đến tờ quảng cáo của Nguyễn Đông Tây mà thôi. Vả lại, nhìn tờ quảng cáo ấy dưới khía cạnh hài kịch thì không còn thể văn nào thích hợp hơn.
Ngày hôm sau tôi tức tốc đem lại tòa soạn báo Cải Tạo do ông Phạm văn Thụ làm Chủ Nhiệm để gửi đăng.
Vào thời kỳ ấy, cụ Đào Trinh Nhất đã thôi cộng tác với tờ Cải Tạo là tờ tuần báo có trụ sở ở đường Mongrand sau đổi là Nguyễn Thượng Hiền, gần hồ Halais tức hồ Thuyền Quang Hà Nội. Bộ biên tập sau đó nằm trong tay các cây bút trẻ hơn như Nhị Lang (bút hiệu của Thái Lân, một nhà chí sĩ cách mạng sau này), Văn Bình, Kim Sinh và Phạm văn Thụ. Tôi không rõ lắm về sự phân công trong tòa soạn nhưng hình như công việc chọn lựa bài vở nằm trong tay ông Kim Sinh và ông Văn Bình tức Chàng Thứ Mười Lăm (in trên báo là Chàng thứ XV).
Hai ông này chắc có máu tếu cùng mình nên bản thảo của tôi vừa gửi đi tuần trước thì ở số báo tuần sau nó đã được chọn đăng, chiếm nguyên vẹn một trang báo khổ lớn, nom rất trịnh trọng và xôm trò.
Vở kịch tung ra gây một trận cười vỡ bụng trong làng văn chương choai choai mới lớn. Tôi còn nhớ Toàn (bây giờ là nhà văn Nguyễn đình Toàn), hồi đó nhà ở bên Gia Lâm, cách Hà Nội khoảng vài cây số. Nhà Toàn ở rất đơn sơ, mái tôn, vách gỗ, nhiều chỗ phô ra nhiều khe hở nên bà cụ mẹ Toàn lấy giấy báo trám vô những lỗ thủng. Chính trang báo Cải Tạo có đăng vở kịch của tôi lại cũng được đóng cái vai che chắn đó. Nó lại nằm ngay ở trước bàn nước, nơi xếp ly tách, chai lọ nên một hôm Toàn đứng rót nước uống, vô tình để mắt lên trang báo. Tuy đã đọc từ trước rồi, thế mà chợt nhìn lại, Toàn cũng không nhịn được nên cười phá lên làm nước bắn tung tóe ra mọi người chung quanh. Giai thoại ấy, Toàn đem kể lại cho bạn bè. Thế là nghiễm nhiên tôi đâm ra "nổi tiếng" trong đám văn nghệ choai choai về ngành viết kịch và đám văn nghệ trẻ phong cho tôi là …kịch sĩ!
Thừa thắng xông lên (chữ dùng bây giờ), tôi đình chỉ viết truyện ngắn và chỉ miệt mài sáng tác kịch vui.
Cứ khoảng hai, ba tuần tôi lại cho ra lò một vở hải kịch và vở nào thì tuần báo Cải Tạo cũng dành chỗ trịnh trọng để đăng lên. Điều mà tôi và Tắc vẫn hằng mơ ước bây giờ đối với tôi đã thành sự thật. Nghĩa là cứ gửi bài đến đến đi, gửi thật nhiều, thật bền bỉ, gửi vô điều kiện thì sẽ có lúc mình giành được một mục thường xuyên trên tờ báo. Thế là mình …nổi tiếng, mình đã trở thành "văn nghệ sĩ" và trong ngăn bóp có quyền mang theo một cái các vi-dít đề tên mình với hàng chữ in nghiêng ở dưới: Thi sĩ, Tiểu thuyết gia, Kịch tác gia hoặc muốn cho nó có vẻ khiêm tốn thời thượng hơn thì đổi lại là làm thơ, viết văn, soạn kịch..
Riêng tôi thì chưa có dịp làm cái công việc này, lý do vì in một cái các vi-dít cũng tốn kém lắm, ngót trăm bạc như chơi. Nhưng ngoài "các" ra, chúng tôi còn ưa chuộng một thứ khác gọi là triện son. Triện son có công dụng nhiều hơn là các vi-dít nên hầu như bọn trẻ chúng tôi, anh nào cũng chịu chi cái khoản đi thuê khắc triện có tên của mình ở trên gỗ. Mà giá cả lại rẻ hơn, khoảng bẩy đồng một cái triện hình vuông, mười đồng một cái hình tròn hay bầu dục. Chưa kể hộp mực dấu, phải bỏ thêm tiền nhưng chúng tôi tự xoay xỏa lấy bằng cách lấy cái hộp đựng viên thuốc nhện, tức viên thuốc nhức đầu hồi đó có tên hiệu là Kalmine, nhét đầy bông và đổ mực đỏ vào. Thế là đầy đủ đồ nghề cho một cái triện son.
Nói cho đúng ra, triện son là thú chơi tao nhã của những nhà văn nghệ đã nổi danh, vốn đã có nhiều tác phẩm xuất bản rồi. Mỗi khi in một tác phẩm mới, lúc ký tặng bản bè thì bên cạnh chữ ký, tác giả còn áp thêm một cái triện son mang bút hiệu của mình (thường là khắc theo kiểu chữ Hán) ở ngay bên cạnh. Những trang sách mà có lời đề tặng cùng chữ ký và triện son của tác giả thì nom rất hấp dẫn, trang trọng và ….."văn nghệ" vô cùng!
Dĩ nhiên bọn chúng tôi thì chưa đứa nào có tác phẩm ra đời để viết lời đề tặng và ký tên có triện son bên cạnh cả. Nhưng cần gì phải theo đúng nguyên tắc của các bậc đàn anh. Nghĩa là khi có triện rồi thì chúng tôi đem "ịn" lung tung lên đủ mọi chỗ. Từ tập vở cho đến sách học, từ tờ nháp cho đến sổ tay. Nhất là khi viết thư cho ai thì khỏi nói, cuối thư thế nào cũng áp một con dấu đỏ chói bên cạnh cái chữ ký loằng ngoằng. Nom cũng oách ra phết!