CHƯƠNG V (tt)

     hấm thoắt đã hơn ba tháng trời, tôi "cộng tác" với tòa soạn Cải Tạo được 8 vở kịch vui. Đó là một thành tích phi thường mà bạn bè tôi ít ai sánh được. Bởi thông thường thì tỷ lệ số bài của bọn trẻ chúng tôi được chọn đăng chỉ bằng khoảng một phần năm số bài gửi đi. Mà được như thế cũng đã là quý hóa lắm rồi.
Trong các bạn bè tôi, chỉ có một người gửi bài nào là dính bài đó. Lại dính ở một tờ báo sáng giá nhất hồi đó là tờ Tia Sáng, ấn bản đặc biệt ngày Chủ Nhật. Đó là anh chàng Nguyễn Thanh Đạm tức nhà thơ Song Hồ bây giờ. Đạm làm nhiều thơ. Thơ của Đạm mới mẻ, tân kỳ. Anh lại có tài tưởng tượng rất phong phú. Chẳng hạn như những ngày hè nóng chẩy mỡ, Đạm chui xuống quầy hàng, chổng mông ra, húc đầu vào, lụi hụi làm thơ trời lạnh có tuyết rơi và ở dưới không quên ghi chú "Paris ngày…."
Tòa soạn Tia Sáng Chủ Nhật chọn đăng thơ của Đạm đều đều. Người ngoài không biết tưởng nhà thơ này đã đi Tây, đã yêu nhiều, đã thất tình và từng lang thang lê gót giang hồ tứ xứ. Ai có ngờ đâu, đó chỉ là một cậu học trò đang mài đũng quần ở bậc trung học đệ nhất cấp!
Một nhân vật khác cũng có tài tưởng tượng hết sức phong phú mà tôi còn nhớ được là anh bạn tên Nguyễn Đức Cầu, tức ký giả Hùng Phong của giới báo chí Sài Gòn bây giờ. Tôi quen Cầu từ năm học lớp Nhất trường Hàng Vôi. Nhà của Cầu ở phố Hàng Than, gần chợ Đồng Xuân Hà Nội. Anh ta chuyên đi một chiếc xe đạp mà cái tay lái (guidon) không hiểu vì sao lại gẫy mất phần bên trái, chỉ còn một bên tay phải, nên Cầu chỉ lái xe bằng có một tay. Cầu chơi đàn Banjo rất giỏi, tiếng đàn gọn, lại chắc qua từng nốt nhạc và lúc "vê" cho âm thanh kéo dài thì nghe rất ròn rã, điệu nghệ. Đã thế, Cầu còn viết cả phóng sự được in hàng ngày trên tờ Liên Hiệp của ông Soubrier Văn Tuyên nữa thì mới "chúa" chứ!
Đó là cái phóng sự nổi tiếng "Con Cò mày đi ăn đêm" chuyên sưu khảo về những chuyện buôn hàng lậu từ Hà Nội ra vùng Kháng Chiến mà hồi đó hay gọi là ra "hậu phương". Thật, cho đến bây giờ tôi cũng vẫn không hiểu anh chàng có cái trán hói, mắt hơi lồi to và thân hình khá loắt choắt này moi tài liệu ở đâu ra mà viết được những thứ đề tài hiếm hoi như thế. Chính tôi cũng đã chịu khó hàng ngày cuốc bộ ra tòa báo Liên Hiệp ở góc phố Hàng Trống và con đường đối diện Nhà Thờ Lớn để đọc "cọp" thiên phóng sự này tại cái bảng treo báo trước cửa tòa soạn. Nội dung thiên phóng sự quả là hấp dẫn với nhiều pha sôi nổi, hồi hộp, gây cấn từ các nhóm đi buôn. Cầu lấy bút hiệu là Hùng Phong mà cho tới bây giờ bút hiệu ấy anh vẫn còn dùng khi viết báo ở Sài Gòn.
Ngoài việc viết phóng sự, Cầu còn chủ trương riêng một mình một tờ tuần báo chuyên dành cho trẻ em. Tôi nói "một mình" là bởi từ Chủ Nhiệm, Chủ Bút đến nhân sự cộng tác viết bài, đi phân phối báo…tất cả chỉ có một mình Cầu ôm tuốt luốt. Anh chàng lại còn vẽ lấy, trình bầy lấy trang báo, tự xoay sở tiền bạc để có thể ra được mỗi tuần mốt số báo dầy 16 trang, khuôn khổ bằng nửa tờ Thiếu Nhi bây giờ.
Chỉ đáng tiếc là tờ báo sống không được lâu vì sau 5 số báo khá chạy, nó bị mấy tờ báo hùng mạnh hơn ra cạnh tranh trong thị trường báo chí con nít. Có thể kể sự xuất hiện của tờ cậu Ấm Cô Chiêu (loại mới) do nhà Văn Hồng Thịnh xuất bản, tờ Ngày Xanh (sau đổi tên là Thiếu Nhi) do nhà văn Anh Hợp chủ trương và tờ Tuổi Ngọc của họa sĩ Thy Thy Tống Ngọc. Một mình cầm cự với ba ê-kíp chuyên nghiệp như thế, lại chỉ là một cậu học sinh chưa qua hết bậc trung học, Cầu dù tài năng cách mấy cũng không thể kéo dài, mặc dù nỗ lực của anh thật đáng khâm phục.
Trường hợp "đơn thương độc mã" ra báo kiểu này, lại một lần nữa xẩy ra trong lịch sử "bọn trẻ có ước mơ trở thành văn sĩ". Đó là trường hợp của nhà văn Lê Tất Điều, thưở ông còn là một học sinh lớp Nhất bậc tiểu học. Vào thời kỳ đó (sau 1954, ở Sài Gòn), cậu học sinh tên Điều cũng tự đảm đương lấy một tờ báo với đủ mọi nhiệm vụ: Chủ nhiệm, Chủ bút, Họa sĩ, Ký giả kiêm luôn cả Thầy cò sửa bản in và nhân viên giao báo. Báo của Điều in tới 2.000 số, bán cũng khá chạy. Điều kể rằng hôm đến nhà phát hành để thu tiền báo, ông giám đốc nhăn mặt nói:
- Cậu về nói với Ba cậu tới đây tính toán. Chuyện tiền nong phải người lớn nói với nhau mới được.
Báo hại, ông chủ nhiệm tí hon phải móc bóp lấy thẻ học sinh có dán ảnh đàng hoàng ra để chứng minh rằng mình tên là Lê Tất Điều mà tên chủ nhiệm in trên báo cũng rành rành là Lê Tất Điều nốt. Cuối cùng ông giám đốc nhà phát hành phải nhượng bộ, thanh toán tiền bạc¸nhưng hẳn vẫn mang trong lòng một nỗi ấm ức không nguôi:"'Chủ nhiệm báo gì mà nhãi ranh như thế nhỉ!!".
Tờ báo của Điều hình như cũng chỉ ra được có vài số rồi chết. Mớ báo cũ, Điều mang đi bán kí lô. Tổng số lời lên tới 600 đồng, một món tiền to, tha hồ vung vít. Ông chủ nhiệm kể rằng đã mua được cây bút máy Pilot để xài khi vào bậc trung học, một cái máy chiếu hình (loại con nít) để chiếu chơi và mời bạn bè đi coi chớp bóng rạp thường trực, tới mấy phim mới hết tiền lận!

***

Một căn bệnh chung nữa của "Thưở mơ làm văn sĩ" là ưa thành lập bút nhóm. Bút nhóm đầu tiên mà tôi gia nhập có tên là Nhóm Nắng Sớm. Gọi là gia nhập thì cũng không đúng hẳn bởi tất cả các thành viên trong nhóm đều là sáng lập viên ngay từ phút đầu. Và sau khi Nhóm đã thành lập rồi thì không còn có ai xin gia nhập nữa.
Tổng số thành viên của Nắng Sớm chỉ vỏn vẹn có ba người. Hơi ít đấy, nhưng bề ngoài thì trông rất đồ sộ. Bởi theo luật của Nhóm thì mỗi thành viên phải mang ít nhất là ba bút hiệu, hai bút hiệu con trai và một bút hiệu con gái (cho nó ra vẻ có nam, có nữ cùng tham gia đông đảo!). Trưởng nhóm của tôi là Trần văn Tắc. Tắc lấy hai bút hiệu con trai là Song Vũ và Đơn Phong (ý hẳn Đơn thì đối với Song, còn Phong thì đối với Vũ). Còn bút hiệu con gái thì Tắc ký là Cát Loan. Loan là tên người yêu trong mộng tưởng của Tắc, còn Cát là chữ Tắc viết ngược lại đó thôi. Về bút hiệu này, Tắc cũng ký dưới vài bài thơ được in trên báo. Hẳn nhiên được đăng bài nào, Tắc cũng gửi theo lối nặc danh cho cô Loan bài đó. Bọn tôi vẫn hay nói đùa:
- Như thế thì cô Loan của cậu sẽ cứ chỉ đi tìm nhà thơ nào có tên là Cát chứ còn khuya mới biết nhà thi sĩ lại có tên cúng cơm là Tắc.
Hầu như Tắc không tin là người trong mộng của mình lại cù lần đến thế. Hẳn nhiên lối tỏ tình của thi sĩ thì phải kín đáo hơn người, chứ ai lại đi nói huỵch toẹt Tắc-Loan thì còn ….văn nghệ nỗi gì! Vả lại Tắc thành Cát, Cát thành Tắc chỉ là lối đọc ngược đọc xuôi có gì khó đâu. Đến như ông nhà văn nổi tiếng viết truyện đường rừng Đái Đức Tuấn còn lấy bút hiệu là TchyA, viết tắt khó khăn như thế mà cũng bị đoán ra là "Tôi chỉ yêu Angèle" đó thôi. Rồi ông họa sĩ ngym vẽ rất tuyệt trên bìa Phổ Thông Bán Nguyệt San hay trên các báo Truyền Bá, Nhi đồng họa bản …mà tụi tôi rất mê, nên cũng đã bàn tán om sòm về cái bút danh ngym này. Có anh nói:
- ngym là người yêu Michèle chứ gì!
Anh khác cãi:
- Sao cậu biết em-mờ là Michèle. Ngộ nhỡ là Mai, là Mơ, là Mỵ …thì sao.
Một anh lại lên giọng thành thạo:
- Các cậu chẳng biết đếch gì hết. Tớ nghe mấy ông chú nói rõ ràng rồi. Em-mờ ấy là Mợ. ngym là mấy chữ tắt của “người yêu mợ”!
Cả bọn nhao lên:
- Mợ? Mợ nào?
Anh kia tủm tỉm cười:
- Còn mợ nào. Mợ là tiếng gọi vợ âu yếm ngày xưa hay dùng. Mở sách Tự Lực Văn Đoàn ra coi, có thiếu gì trang tả cảnh vợ chồng gọi nhau là “cậu-mợ”. Sau này tân tiến hơn mới đổi thành chữ “mình” duy nhất, nghe nó âu yếm và thân thiết biết bao.
Cái anh phát biểu câu này thế mà chí lý. Sau này ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyễn Vỹ mở riêng một mục “Mình ơi” trên báo Phổ Thông của ông. Nội dung mục này là cốt giải đáp mọi thắc mắc trên đời. Những thắc mắc này được nêu ra bởi một nhân vật đóng vai bà vợ. Mỗi khi có thắc mắc thì bà kêu chồng: “Mình ơi!...” để cho ông chồng thông thái trả lời.
Tuy nhiên niềm tin của Tắc là người yêu của mình sẽ đọc “Cát Loan” thành “Tắc Loan”, có lẽ không được cô Loan nào đó chia sẻ. Nên hai năm sau đó, Loan lên xe hoa về nhà chồng. Hỷ tín, chúc mừng có đăng trên báo, nhưng tên của chú Rể ….hỡi ơi, không phải là Trần văn Tắc!
Thành viên thứ hai của nhóm Nắng Sớm là một "nhà", gọi là "nhà" gì cũng được vì anh ta làm thơ, viết truyện kiêm luôn cả phê bình, biên khảo. Anh ta lấy một bút hiệu con trai và có tới 2 bút hiệu con gái lận. Lý do là anh đã thầm yêu trộm nhớ cùng một lúc tới..2 cô! Cả hai người con gái đó đều mới chỉ là người trong mộng. Giả sử nếu được một trong hai người (cô nào cũng được) ngỏ lời yêu trước, thì anh ta làm như sẽ có thể chết vì cô đó được. Duy chỉ có điều là anh rất nhát, gặp mặt người yêu thì quay đi, quay đi rồi về đến nhà lại tiếc, nhưng qua lần sau gặp lại thì mặt lại đỏ phừng, tim đập loạn xạ, chân tay lóng ngóng để rồi …quay đi nữa. Ôi chà, mối tình lẩm cẩm của anh thế mà cũng kéo dài được bốn, năm năm, gợi cho anh biết bao nhiêu cảm hứng sáng tác, giúp anh làm được bao nhiêu là thơ, mà hai bài thơ xuất sắc nhất, lâm ly não nùng nhất là hai bài mà anh làm vào mỗi dịp hai người yêu của anh đi lấy chồng.
Bút nhóm của tôi lấy trụ sở tại căn gác xép số 44 phố hàng Bông Đệm (hồi đó cái biển ở đầu phố còn ghi tiếng Pháp là Rue du Coton). Căn gác chật chội, cái buồng để cho chúng tôi còn chật chội hơn nữa. Gọi là "buồng" nhưng nó chỉ là một khoảnh chìa ra ở mé ngoài, tiếp ráp với phía sân sau của căn gác xép. Nó chỉ vừa đủ kê một nửa cái ghế ngựa (tức là giường ngủ có 2 mảnh ráp lại, kê trên 2 cái kệ gọi là 2 chân mễ, vì đây chỉ có một mảnh nên chỉ là một nửa) và một cái bàn nước. Trong buồng không có chỗ kê ghế nên chúng tôi ngồi cả lên giường. Được cái nhân số của nhóm chỉ có 3 người nên hội họp có vẻ ấm cúng. Tuy nhiên khi họp chỉ được ngồi mà không thể đứng lên, bởi nếu đứng lên thì đầu sẽ đụng vào mái ngói thấp tè, dám vừa bể đầu vừa vỡ ngói vì cái mái này nghe đâu cũng đã được lợp từ trên năm chục năm.
Chương trình nghị sự của buổi họp gồm có:
1) Thứ nhất là: báo cáo thành quả công tác văn nghệ của mỗi thành viên. Nghĩa là anh nào có bài gửi bài đăng báo mà lại được tòa soạn lựa đăng thì đem ra trình diện cho cả nhóm được biết. Theo luật lệ của chúng tôi đề ra thì hễ trong 2 tuần liền, anh nào không có bài được đăng báo thì sẽ bị cảnh cáo, ba tuần liền thì sẽ nộp phạt cho quỹ nhóm 10 đồng, còn đến 4 tuần liền thì ôi thôi… cái thứ không có khả năng văn nghệ như vậy, hoặc có khả năng mà sinh lười biếng, sẽ bị nhóm khai trừ không thương tiếc!!
Tuy nhiên luật Nhóm cũng đã dễ dãi ở chỗ có điều khoản "du di"! Nghĩa là nếu tuần này tôi có những 2 bài thơ được đăng báo thì tôi có thể "để dành", chỉ khai báo một bài, còn bài kia cất giữ phòng hờ những tuần sau chẳng có báo nào in bài của mình. Mà chuyện này thì rất dễ xẩy ra, vì trang báo dành cho mục văn nghệ thì có giới hạn mà bút nhóm thì mọc lên như rươi. Cái nạn "nhân mãn" vẫn là sự đe dọa thường trực đối với những cây bút mới bước vào làng văn như chúng tôi. Về sau, có kinh nghiệm chuyện sợ phải đóng phạt hơn, khi gửi bài cho các báo, chúng tôi gửi kèm cả những mẩu danh ngôn hay những chuyện vui cười. Ấy vậy mà Chuyện vui cười lại được chọn đăng ngay "tút suỵt" (Tout de suite=ngay lập tức!) và chúng tôi có lưng vốn để dành đem ra trình diện Nhóm. Quỹ của Nhóm vì thế chẳng thêm được đồng bạc cắc nào về vụ phạt vạ cả.
2) Tiết mục thứ hai: là trình diện tác phẩm mới sáng tác (vẫn còn nằm trong bản thảo, chưa gửi đi in). Đây là một biện pháp mà Nhóm muốn thúc đẩy các thành viên tích cực làm việc. Tối thiểu mỗi tuần, nhóm viên phải trình diện hai bài viết mới, hoặc thơ, hoặc truyện, hoặc phê bình….nhưng cấm đưa Vui cười hay Danh ngôn ra thay thế vì đó không phải là sáng tác. Nhóm dễ dãi cho việc đăng báo thì được chứ không thể nhân nhượng cho việc sáng tác. Đã vô Nhóm thì phải viết, dù là viết dở không được các báo chọn đăng.
Về điều khoản luật lệ này chẳng có ai vi phạm cả vì bọn chúng tôi, anh nào cũng sáng tác rất hăng. Có tuần Tắc trình diện 6 bài thơ, 2 bài phê bình, 1 cái truyện ngắn và 1 bài bình luận. Ối chà, bản thảo của cu cậu dầy cả xấp, ít ra là cu cậu cũng đã phải xé văng hai cuốn tập, hèn chi mà tập vở ở trường, cuốn nào của Tắc cũng xẹp lép mặc dù ở ngoài bìa có in rõ là vở 100 trang, 200 trang.
Trong những ngày đầu họp Nhóm, ở tiết mục này còn có phần bình tác phẩm của mỗi thành viên để anh em cùng nêu nhận xét. Nhưng chỉ thi hành được có 2 tuần là chúng tôi phải dẹp ngay, lý do dễ hiểu là sau khi bình lên thể nào cũng có những vụ cãi nhau ỏm tỏi. Tác giả thì cho là văn, thơ của mình thâm thúy, sâu sắc, kẻ "phàm phu" đọc không hiểu, người phê bình thì lại sử dụng toàn ngôn ngữ "móc máy" dễ khiến người nghe nổi nóng. Thế là giận nhau, nếu không khéo dàn xếp thì Nhóm có thể tan vỡ mau chóng như bọt xà phòng.
Tôi cón nhớ một lần, Nhóm bình lên bốn câu thơ của Tắc:
"Tôi chờ em dài đường đời tám hướng
Bóng kinh kỳ, ôi ngập ngụa kiêu sa
Em ở đâu, chừ bây giờ buồn hay sướng
Có nhớ tôi, kẻ cô lữ xa nhà
Một cuộc chất vấn loạn xà ngầu sau đó xẩy ra:
- Sao lại tám hướng? Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra, còn có hướng nào nữa?
Mặt Tắc đỏ lên vì tức tối. Gã cãi lại một cách khó khăn vì cơn tức đã dâng đầy lên cổ:
- Đọc thơ mà hạch xách như bố người ta, thế thì còn văn nghệ cái cóc khô gì nữa!
- Nhưng văn nghệ gì thì cũng phải có lý chứ. Phi lý quá sẽ trở thành phi văn nghệ rồi còn gì.
Tắc vụt nghĩ ra câu trả lời bèn cười khẩy:
- Ngoài Đông, Tây, Nam, Bắc ra thì còn Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam nữa, cả thẩy là tám hướng có được không?
Anh kia đuối lý nhưng cũng cười chế giễu:
- Hờ…hờ…thế là cùng khắp cả ….(lấy giọng ngâm) Tôi chờ em dài đường đời cùng khắp mọi nơi..
Tắc cáu sườn lắm, định phá bĩnh không chơi họp nhóm họp nhiếc gì nữa, nhưng tôi đã vội vã can thiệp:
- Tả đường đời mà nói tám hướng là rõ rồi đấy chứ. Người ta còn nói đường đời muôn ngả, nếu lại hỏi muôn ngả là những ngả nào thì bố ai có thể trả lời được. Thôi! Câu đầu thế là hay rồi. Mà chữ "dài đường đời" mà cậu Tắc dùng ở đây là "mới" lắm đấy nhé. Cũng như ông thi sĩ nào đó đã dùng chữ "vàng lá mơ bay" chớ không dùng "lá mơ bay vàng" nghe nó nôm na, phi văn nghệ làm sao.
Tắc được tôi khen nở cả mũi nên cơn giận cũng nguôi ngoai. Nhưng cái hoạn nạn này chưa qua thì cái khác đã tới. Anh bạn nhóm viên của tôi lại phang thêm cho Tắc một chùy nữa:
- Bóng kinh kỳ ngập ngụa kiêu sa! Sáo còn hơn sáo vịt nữa. Nhưng thôi, cũng cho là được đi. Nhưng còn câu thứ ba thì không thể chấp nhận được. Cái gì mà "Em ơi em ở đâu, bây giờ buồn hay sướng.
Tôi nhắc anh ta:
- Em ở đâu, không phải Em ơi em ở đâu…
Anh chàng cười rồi nhắc lại:
- Ờ.. thì..Em ơi ở đâu bây chừ buồn hay sướng. Buồn thì phải đi với vui, chớ đâu lại có buồn đi với sướng.
Tắc cãi lại:
- Được chứ sao không. Thơ mà, chứ đâu phải tội phạm mà hoạnh họe đòi cái này, cái kia.
Tôi cũng đỡ lời Tắc:
- Mấy lỵ ở trên là tám hướng thì ở dưới phải là buồn hay sướng thì mới hợp vận chứ. Sửa thành buồn hay vui thì còn vần với vì gì nữa.
Phần bình thơ cứ cái kiểu móc họng nhau đó kéo dài làm Tắc sùng quá hất tung cả bản thảo rồi vùng vằng:
- Đếch chơi với các cậu nữa. Văn nghệ chó gì mà cứ lôi ra bắt bẻ như vạch lá tìm sâu thì bố ai mà chịu được.
Phiên họp nhóm suýt vì cái màn giận lẫy ấy mà tan vỡ. Rất may là tôi vuốt ve được tự ái của Tắc kịp thời và dàn hòa bằng những chuyện pha trò tuy vô duyên nhưng cũng làm nhẹ được bầu không khí đang căng thẳng. Tắc bằng lòng ở lại nhóm với điều kiện là bỏ cái mục bình thơ đi. Anh hậm hực nói:
- Nếu còn bình thơ thì thà ở nhà đem đàn ra gẩy tai trâu còn sướng hơn.
Thế là món "bình tác phẩm" trong buổi họp Nhóm bị xóa tên trong chương trình nghị sự.
Tiết mục sau cùng của buổi họp là trần thuyết cho nhau nghe về tác phẩm của các nhà văn đi trước. Chúng tôi có lệ là cứ mỗi buổi họp, mỗi thành viên phải trình bầy về một tác phẩm cũ hoặc mới xuất hiện trên thị trường. Công việc này đòi hỏi các nhóm viên phải đọc nhiều, tập nhận xét, phân tích và đưa ra những ý kiến cá nhân đối với tác phẩm.
Tôi còn nhớ trong các buổi họp này, tôi đã trần thuyết về tác phẩm của Ngọc Giao, của Sao Mai, của Nguyễn Minh Lang, của Hoàng Công Khanh..v…v…là những nhà văn thường xuyên góp mặt trên báo chí hồi đó.
Trong số những tác phẩm được đem ra mỏ xẻ, tôi còn nhớ cuốn gây được sôi nổi nhất là cuốn Linh Hồn Ngọc của Hiệp Nhân. Cuốn này gây sôi nổi không phải vì nội dung của nó quá hay hoặc quá dở nhưng là vì tác giả của nó chỉ là một cậu học sinh mới bước vào năm đầu của bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp! Vào thời kỳ đó, đang còn cắp sách đến trường mà có truyện dài in ra là cả một hiện tượng lạ. Anh chàng Hiệp Nhân này đã gây sôi nổi vì đã làm được chuyện đó.
Cuốn truyện dầy gần 200 trang, ấn loát đẹp đẽ, khi mới phát hành Hiệp Nhân có tặng thầy Nguyễn Uyển Diễm một bản. Thầy Nguyễn Uyển Diễm hồi đó cùng hiền nội của thầy là nữ sĩ Mộng Sơn (người có tác phẩm Vượt Cạn vừa phát hành) đang chủ trương nhà xuất bản Vỡ Đất, trụ sở hình như đặt ở Phố Hàng Bát Đàn. Thầy dạy môn Quốc văn ở hầu hết các trường tư lớn ở Hà Nội. Thầy lại là người rất sốt sắng và cởi mở. Bởi vậy khi nhận được sách biếu, thầy đem đi giới thiệu cùng khắp các lớp. Thầy nói đại ý là đã được tác giả cho xem cuốn sách từ khi nó còn là bản thảo. Thầy khuyên tác giả rằng nó còn nhiều khuyết điểm, nên sửa chữa. Nhưng tác giả "hơi vội" đã cho in ngay. Tuy nhiên đó là bước đầu của một cây bút đầy nhiệt thành nên nó rất đáng khen ngợi và đáng khích lệ.
Bọn lau nhau chúng tôi thì cứ tròn xoe mắt lên mà nhìn cuốn sách với tất cả lòng khâm phục. Đối với chúng tôi thì dù là vội, dù là có khiếm khuyết cần sửa chữa, nhưng tác giả của nó đã dầy công "khuậy" được từng ấy trang (gần 200 trang in, đâu phải là chuyện chơi!), lại in được ra thành sách, thế là "chúa" quá đi rồi. Dưới mắt chúng tôi, anh chàng Hiệp Nhân bỗng trở thành một nhà văn thứ thiệt, có tác phẩm bán trên thị trường, tức là đã ngoi chễm chệ lên bàn Nhất chứ không phải bàn Nhì lem nhem chỉ in bài trên mặt báo như bọn chúng tôi.
Chẳng hiểu về sau Hiệp Nhân lời hay lỗ, lỗ thì lỗ bao nhiêu, nhưng công trình đó đã vượt quá xa tầm tay của chúng tôi rồi. Bởi nội cái việc bỏ ra cả ngàn bạc để in thành sách đã là một chuyện kinh khủng đối với lũ mạt rệp như bọn tôi. Mỗi ngày, riêng tôi chỉ có ba đồng để ăn sáng. Tôi chỉ ăn có một đồng xôi để dằn bụng. Còn hai đồng thì để mua thuốc lá phì phèo. Ôi chà, làm sao mà có thể để dành tới bạc ngàn để in sách được.
Cũng còn một con đường khác có thể in được tác phẩm (nhưng rất hiếm hoi). Đó là con đường bán tác phẩm cho nhà xuất bản Chính Ký ở đường Sinh Từ, gần chợ Cửa Nam, Hà Nội. Vào thời kỳ đó, nhà Chính Ký hầu như là một nhà xuất bản duy nhất dám in tác phẩm của các cây viết mới đang chập chững vào nghề, theo tính cách cứ in một cuốn của nhà văn nổi tiếng thì lại chen vào một cuốn của cây bút mới thuộc toàn giới trẻ như Nguyễn Đông Tây, Anh Quân, Thanh Hữu, Hùng Phong, Vũ Mai Anh..v..v… Đáng kể nhất là Vũ Mai Anh, một cây bút còn hoạt động cho đến bây giờ.