CHƯƠNG IV

     hưng dẫu quý trọng Thầy đến mức nào thì tôi cũng phải thú nhận rằng sức học của tôi cứ thế…đuối dần, nhất là môn Toán! Hồi ở tiểu học, tôi quen với lối giải toán “giả thử” như thế này, “giả thử” như thế kia, rồi so sánh với các dữ kiện bài toán đã cho để tìm ra đáp số đúng. Cách giải này luyện cho bộ óc của chúng tôi biết suy luận, biết khách quan, biết chọn lựa phương hướng đúng..v.v….
Ấy vậy mà đi vào môn Vẽ Toán ở năm đầu bậc trung học, tôi cứ phải chia tỉ mỉ trang giấy thành nhiều ô, mỗi ô tương trưng cho một độ chiều dài có khi tính bằng centimet, có khi bằng mét, rồi vẽ hình vuông, hình chữ nhật, hình thang, hình đa giác..v..v.. tất nhiên lợi ích của nó là rèn luyện tính tỉ mỉ và chính xác vốn là điều kiện căn bản để đi xa hơn trong lãnh vực toán học. Nhưng hồi ấy sao tôi thấy chán ơi là chán. Trước thì lơ đãng lúc nghe giảng bài, sau vì bài học đã đi sâu hơn nữa thì tôi lõm bõm không hiểu thầy nói gì (hay có khi là không chịu khó tìm hiểu ). Thế là đâm ra chán học, rồi từ chỗ chán học, tôi lại bắt đầu buông thả trở về với những cám dỗ “văn nghệ” ngày xưa.
Ngã rẽ khởi đầu vào một hôm trong giờ Vẽ Toán, anh bạn ngồi bên cạnh tôi lén mở tờ nhật báo Giang Sơn ra khoe:
- Cậu có thấy cái này không?
Tôi nhìn xuống trang báo ngắm nghía. Hắn chỉ ngay vào một bút hiệu đặt dưới cái truyện ngắn đăng trong mục “Truyện ngắn hằng ngày”:
- Song Vũ đó!
- Song Vũ là ai?
Hắn vỗ ngực:
- Tớ chứ còn ai! Trời ơi! Tớ viết báo từ lâu, cậu không biết à?
Tôi nhìn hắn nghi ngờ. Trong thâm tâm, tôi không thấy có liên hệ mảy may gì giữa cái tên cúng cơm Trần văn Tắc của hắn với cái bút hiệu Song Vũ hào hoa kia. Chừng như hiểu rõ sự nghi ngờ của tôi, hắn hụp lưng xuống gậm bàn để tránh cặp mắt kiểm soát của giáo sư, rồi moi ở ví ra một tấm danh thiếp trao cho tôi. Tôi cầm lấy, liếc qua. Quả nhiên hắn làm cho tôi phục lăn vì mấy hàng chữ:
TRẦN VĂN TẮC
Bút hiệu SONG VŨ
Journaliste
Journaliste thì là ký giả đứt đuôi đi rồi. Ôi chà! Mới mấy phút trước, đối với tôi hắn chỉ là một thằng nhãi con, nhưng coi xong tôi thấy hắn trở nên to lớn trọng đại vô cùng. Giuốc-nan-lít! Giuốc-nan-lít! Ba cái tiếng đó như nổ lên đùng đùng, nghe sao mà hấp dẫn và giòn giã đến thế!
Tôi cầm tấm thiệp như cầm trong tay một phép lạ và nhìn hắn cảm động như tôi đang được hân hạnh tiếp xúc với một yếu nhân. Mãi rồi tôi mới hỏi hắn được một câu:
- Oai quá nhỉ! Cậu nhỏ thế này mà cũng được nhà báo mời cộng tác kia à?
Tắc nhún vai ra vẻ điệu nghệ nhà nghề lắm:
- Ờ …thì cũng gửi bài thường xuyên.
- Đăng được bao nhiêu tác phẩm rồi?
Tắc hơi ấp úng:
- Cũng vài ba truyện gì đó…
Tôi chợt nghĩ bụng, dám tên này "lòe" mình lắm. Mới vừa rồi nó nói " Tớ viết báo từ lâu", lại nói: "..thì cũng gửi bài thường xuyên", như vậy mà mới chỉ đăng có "vài ba truyện gì đó" là sao? Nhưng mặc dù vậy, sự cảm phục của tôi đối với hắn cũng chỉ giảm đi có tí xíu, tí xịu thôi. Vì hắn có bài được đăng báo hẳn hòi, chẳng phải là oai lắm sao. Mà bài báo ấy là đây, ngay trước mặt tôi, một truyện có tên là "Nợ đời chưa trả" với cái tên tác giả SONG VŨ chềnh ềnh, được in tới hai lần, một lần ở ngay cạnh tít bài, một lần ở cuối truyện, có mở ngoặc đơn ghi thêm hàng chữ: " Hà Đô, một ngày sang mùa năm Sửu."
Ối chà chà….nghe sao nó "văn nghệ" đến thế!
Thế là từ buổi hôm đó, tôi cứ xoắn lấy Trần văn Tắc như bóng với hình. Tôi cung phụng hắn đủ thứ mà không bao giờ tiếc tiền. Ăn một cái bánh rán tôi cũng mua hai cái. Tính uống một ly nước, tôi cũng muốn cố chờ bằng được để mời Tắc một ly dù đang khát khô cổ. Tắc không còn là thằng bạn tầm thường ngồi bên tôi cả mấy tháng trời nay nữa. Bây giờ dưới mắt tôi, đó là một "Giuốc-nan-lít" chính cống Bà lang Trọc, có "Các-vi-dít" in đàng hoàng và có tác phẩm in trên nhật báo Giang Sơn.
Qua câu chuyện với Tắc, tôi vẫn giấu hắn là tôi cũng đã từng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ Bút Mới. Nói ra xấu hổ chết, vì một đàng báo của hắn là báo in, có độc giả trên toàn quốc, còn báo của tôi chỉ là thứ báo con nít, nào có khác chi một hòn non bộ để cạnh núi Thái Sơn. Bởi thế, tôi chỉ đóng vai khù khờ "yêu văn nghệ nhưng không dám làm văn nghệ" và cứ để cho hắn tha hồ huyênh hoang, nồ nạt tôi đủ thứ toàn những danh từ đao to búa lớn như sáng tạo, thiên tài, vạch đường cho một nền văn nghệ mới…v..v…
Thực sự trong thâm tâm, tôi đã có chủ đích rồi. Tôi sẽ trở lại với nghề văn chương. Nhưng lần này tôi sẽ quyết tâm đi bằng cánh cửa lớn: cánh cửa "Nhật báo Giang Sơn" như Tắc vậy, chứ không thèm viết báo con nít in thạch bản nhì nhằng nữa.
Định kiến của tôi là sẽ viết được một truyện ngắn thật hay, rồi một hôm nào đó sẽ trịnh trọng mời Song Vũ đi ăn một chầu bánh tôm ở Cổ Ngư. Khi đó tôi sẽ nhờ hắn giới thiệu với tòa soạn báo Giang Sơn. Hẳn nhiên là hắn sẽ chẳng bao giờ chối từ một kẻ đã không quên nghĩ đến hắn từ một ly kem đến một cái bánh rán, hoặc hôm nào rủng rẻng thì còn có thể thêm một chầu thạch trắng hay thạch đen gì đó nữa không chừng.
Vấn đề chính yếu đi vào lãnh vực báo chí không phải là thiếu người giới thiệu mà là ở chỗ phải viết cho hay. Viết không hay thì dù có đến trăm lời gửi gấm tất cũng bị sổ toẹt.
Vậy thì tôi biết viết cái gì đây? Mà thế nào thì được gọi là một tác phẩm hay? Ôi chà! Từ xưa đến nay đã bao nhiêu lần tôi được đọc các tác phẩm hay của biết bao nhiêu tác giả lừng danh đương thời, vậy mà bây giờ bảo định nghĩa thế nào là “một tác phẩm hay” thì tôi tịt mít.
Phải chi mà ngày đó tôi có được những bài đề cập đến việc viết lách như cuốn “ Viết và đọc Tiểu Thuyết” của nhà văn Nhất Linh, hay bỏ rẻ lắm thì cũng có được bài viết đăng ở Thiếu Nhi số 57 vào tháng 9-1972 thì hay ho biết mấy. Xin trích lại như sau:
VIẾT LÀ GÌ?
“Viết là thể hiện lên trang giấy những cảm nghĩ, những tư tưởngcủa mình. Có thể ta viết cho chính mình (viết nhật ký), cho bạn bè ( viết thư từ), cho đám đông (sáng tác Thơ, Văn, Kịch, phê bình, biên khảo…).
Có nhiều vấn đề để viết. Có thể ta viết để mô tả một hành động, diễn tả một tâm trạng, phát biểu một ý nghĩ, trình bầy một sự kiện, một biến cố…v.v..
Muốn viết được, trước tiên ta phải có Ý. Sau đem thể hiện Ý thành LỜI tức CÂU VĂN.
Quy tắc viết một CÂU VĂN cho đúng, cho gẫy gọn gọi là VĂN PHẠM.
Trong một câu văn, Lời và Ý phải tương xứng với nhau. Ý ít mà lời nhiều thì câu văn rườm rà, nhạt nhẽo. Ngược lại Ý nhiều mà lời ngắn ngủi thì câu Văn trở nên Cộc.
Bởi vậy Ý và Lời luôn luôn có ảnh hưởng mật thiết với nhau. Hễ sửa một Lời cho đẹp thì Ý có thể được nâng lên, mới hơn, hay hơn. Hãy nhận xét đoạn văn dưới đây:
“ Và bên kia con đường Phan Thanh Giản một cây phượng đã nhô lên sau bức tường của một ngôi biệt thự những cành cây khẳng khiu mang đầy hoa đỏ nhìn ra trông thật tuyệt, mầu đỏ của phượng nổi bật giữa màu xanh tươi mướt mịn của lá cây trong khu vườn ngoài cửa sổ lớp Hà”
Ta thấy tác giả có những ý sau đây:
1) Tác giả ngổi ở cửa sổ lớp học nhìn ra.
2) Ngoài cửa sổ là khu vườn có cây xanh tươi mướt mịn.
3) Bên kia khu vườn, qua đường Phan Thanh Giản là một cây phượng nhô lên khỏi bức tường của một căn biệt thự. Hoa phượng đỏ trên cành nổi bật trên nền lá xanh của khu vườn.
4) Cảnh đó thật tuyệt.
Với những ý đã phân tích và với lời trích đăng ở trên, ta thấy lời không thể hiện hết ý, việc xếp đặt ý hãy còn lộn xộn làm câu văn chưa được sáng sủa, mạch lạc. Có thể sửa lại như sau:
“ Qua khung cửa sổ chỗ Hà ngồi là vườn cây xanh mướt. Phía sau vườn cây, bên kia đường Phan Thanh Giản là một cây phượng khẳng khiu nhô lên từ dẫy tường vôi của một ngôi biệt thự. Hoa Phượng đỏ thắm. Mầu đỏ chói mắt điểm trên màu xanh mát mắt của lùm cây, nom thật tuyệt.”
Văn sửa được như vậy được coi là gọn. Nhưng đoạn văn còn theo khuôn mẫu tả cảnh thông thường bởi những chữ: bên kia đường là một cây phượng nhô lên nom thật tuyệt. Có thể vẫn ý ấy, ta diễn tả một cách khác mang nhiều tính cánh sáng tạo, riêng biệt hơn:
“Khung cửa sổ chỗ Hà ngồi là một thế giới đầy mầu sắc. Mầu xanh trong của nền trời. Mầu xanh mướt của vườn cây. Mầu vàng chói của dẫy tường vôi trong ngôi biệt thự phía đằng xa. Mầu nâu đậm của những cành cây phượng khẳng khiu, gầy guộc. Và mầu hoa phượng nở đỏ chói trên cành. Tất cả như bừng dậy, rực rỡ dưới bầu trời chan hòa ánh sáng.”
(ngưng trích)

*

Từ đoạn tả cảnh I đến đoạn tả cảnh III ở trên, ta thấy rõ là có một sự biến đổi sáng tạo. Viết văn, cần nhất là sáng tạo. Đó là trên nền tảng của những cái chung, ta tìm ra được những khía cạnh riêng của mình mà không ai thấy, không ai có..v..v….Điều này sẽ làm cho tác phẩm dễ hay và không bị nhàm chán bởi nếu không thì sẽ chóng rơi vào tình trạng “viết như thế thì ai cũng có thể viết được”.
Vào thời gian đó, tôi không tìm thấy những bài báo nào hướng dẫn cụ thể cho mình “viết văn” đại loại như loạt bài trên Thiếu Nhi kể trên. Mặc dù vậy, tôi cũng biết tự mò mẫm bằng cách “đọc kỹ một cuốn sách”, rồi lại “đọc trên báo bài giới thiệu hay phê bình cuốn đó”, mục đích là để nghiền ngẫm xem các phê bình gia mổ xẻ và đánh giá một tác phẩm như thế nào. Tất nhiên những cuốn của các nhà phê bình chuyên nghiệp như Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan thì bọn tôi cũng đã vầy nát, không phải cả cuốn mà chỉ chú trọng ở những trang nói về các tác giả hay tác phẩm nào mà mình thích thôi.
Căn cứ vào dư luận độc giả, cuốn được khen nồng nhiệt nhất vào thời kỳ đó là cuốn "Đất" của nhà văn Ngọc Giao. Tác phẩm này diễn tả cuộc đời vợ chồng anh Xã Bèo khốn khổ, sống chết cho mảnh đất của mình. Tôi xúc động nhất là cái cảnh chị Xã Bèo còn đau chưa khỏi mà vẫn phải theo chồng ra ruộng. Rồi anh chị thay nhau làm trâu kéo cầy để để vỡ mảnh đất của mình cho kịp ngày gieo mạ. Đó là một hình ảnh chua xót của người nông dân V.N sau tám mươi năm Pháp thuộc, nhưng đấy cũng là hình ảnh hào hùng, kiên nhẫn, chịu đựng của một thế hệ mới đang ra công khai dựng lại từ đầu với hai bàn tay trắng và với sự bền bỉ, nhẫn nại chỉ có ở những con người quê mùa, chất phác.
Tôi không dám ước mơ là sẽ đạt tới ngay mức nghệ thuật của các bậc đàn Anh, đàn Cụ như vậy. Ước mơ nhỏ bé của tôi chỉ vừa vặn bằng một phần tư trang nhật báo hàng ngày. Nghĩa là vừa đủ tầm mức để tòa báo chấp nhận cho một truyện của tôi được đăng vô đó.
Tôi bỗng nẩy ra cái ý nghĩ đem bài của Song Vũ ra làm tiêu chuẩn để mà sáng tác. Thật ra ba cái truyện ngắn của Vũ tôi đã đọc gần như thuộc lòng vài đoạn. Hắn có biệt tài dùng câu văn sáo và rỗng, đọc lên chẳng có mấy nghĩa lý gì nhưng nghe lại uyển chuyển vui tai. Tỉ dụ như tả cảnh buổi chiều ở thành phố, hắn viết dông dài đại để như:
" Con phố rưng rưng trải dài triền miên trong không gian khắc khoải tím như nỗi tím buồn hoàng hôn đong đầy không gian cô quạnh của thành phố lúc lên đèn".
Hoặc giả những câu:" Đã hơn một lần mưa về trong khóm lá…", "Đã hơn một lần con tim dạt dào thổn thức…"..v..v..Phải thành thật mà nói, gò được như thế cũng không phải là dễ. Và vào thời kỳ đó, văn chương tân kỳ gọt giũa bề gì cũng được tiếp đón nồng hậu hơn là thứ văn xuôi xị, thẳng đuồn đuột, có gì nói nấy.
Bắt chước Song Vũ, tôi bắt đầu đem các truyện ngắn đã viết của tôi ra lựa chọn và sửa chữa tuy không theo hẳn giọng văn cầu kỳ đó nhưng cũng loại bớt đi những câu mà tôi cho là quá "thật thà". Truyện ngắn được tôi lựa chọn đầu tiên là truyện "Chiếc nhẫn Mặt Ngọc", tác phẩm mà đã có lần Hòa mạt sát không tiếc lời.
Tất nhiên những ý kiến của Hòa cũng đem lại cho tôi nhiều điều hữu ích. Tôi sửa chữa cốt truyện lại cho bớt vẻ xếp đặt hơn, câu văn gọt giũa lại cho bớt nôm na đi, và nhất là theo kiểu Song Vũ, thỉnh thoảng tôi lại chêm vào ít đoạn tả cảnh theo đúng mốt đương thời: cũng hoàng hôn tím tím, cũng thành phố lên đèn, cũng dòng đời tám hướng hay lạc nẻo tâm tư. Tổng cộng truyện ngắn của tôi dài tới tám trang giấy khổ đôi, chữ nhỏ xíu. Sau khi kiểm điểm lại theo đúng luật lệ nhà báo: chấm phẩy rõ ràng, khi đối thoại phải hai chấm xuống dòng, có gạch đầu dòng, không viết tháu, không viết tắt, những chỗ in nghiêng để nhấn mạnh phải gạch dưới, bài chỉ chép có một mặt giấy..v..v…
Cuối cùng, tôi hoàn toàn tự mãn về cả hình thức lẫn nội dung. Rồi tôi trịnh trọng cho tác phẩm vào một phong bì thật trắng, thật phẳng phiu, ngoài nắn nót đề: " Kính gửi ông Chủ Nhiệm nhật báo Giang Sơn", ở dưới lại cẩn thận ghi thêm: "Bài lai cảo, không lấy nhuận bút."
Ối chà! Đấy là một kinh nghiệm bằng vàng mà Song Vũ truyền lại cho tôi. Hắn nói:
- Cậu là tay mơ mới vô nghề, muốn dễ dãi được đăng thì phải đề rõ là "không lấy nhuận bút". Bầy tỏ ý định dứt khoát như vậy sẽ khiến người ta không ngại, chứ cứ im lìm không nói rõ ra, họ sợ khi đăng rồi, mình tới gõ cửa đòi tiền thì vỡ nợ. Mà nếu có phải trả tiền thì thà họ để mua bài của các cây bút đã nổi tiếng còn hơn.
Tôi thắc mắc:
- Thế rồi nay mai có bài đăng hoài, mình cũng phải theo cái kiểu cơm nhà vác ngà voi vậy mãi sao?
Song Vũ cười ha hả:
- Cậu thật chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng. Thì cứ mong nó đăng cho hoài đi đã nào. Càng đăng nhiều càng có tiếng. Một khi đã nổi tiếng rồi thì ô-voa tụi nó, chạy qua báo khác. Có khi độc giả sẽ óe lên, cật vấn tòa soạn là sao lâu không thấy xuất hiện bài của tác giả đó nữa. Ui cha, lúc đó phải biết, có mà họ phải trải chiếu hoa mời cậu lại, chứ ở đó mà kỳ kèo chuyện nhuận bút!
Ngừng một lát, Vũ lim dim:
- Trong hoàn cảnh đó, mình sẽ vô làng báo bằng cánh cửa lớn! Chả cứ một tờ mà vô số tờ xúm lại mời cộng tác. Cái cảnh "lai cảo" sẽ không còn nữa mà cậu sẽ trở thành một nhà bỉnh bút, cậu hiểu chưa! Bỉnh bút chứ không phải thứ độc giả tép riu gửi bài thất thường nữa. Tới chừng đó, nếu Thánh cho ăn lộc, cậu sẽ lại còn được mời giữ một mục cố định trên trang báo, đại để mục Truyện ngắn, mục Thơ hàng ngày…Úi chà chà…."văn học sử" có tên mấy hồi!
Cái tương lai do Song Vũ vừa vẽ ra nghe huy hoàng quá, tôi nghe mà thấy sốt cả ruột, không biết cái phận mình sẽ phải tới bao giờ thì mới đạt được sự vinh quang đó.
Nhưng anh chàng Trần văn Tắc tự Song Vũ này bản tính cũng hay khoác lác lắm. Nhiều lần hắn khoe là đã quen lớn ở tòa soạn báo Giang Sơn, lại "trộ" (hù) tôi là đã được hân hạnh bắt tay bác sĩ Chủ nhiệm Hoàng Cơ Bình mấy lần vì tác phẩm của hắn được độc giả viết thư về ca tụng không tiếc lời. Ấy vậy mà khi tôi nhờ hắn gửi bài đi cho tôi, kèm theo "mấy lời gửi gấm nồng nhiệt" thì hắn lại kiếm cớ thoái thác hoài. Cuối cùng tôi giận lắn, đi ăn kem một mình và nhủ thầm:
- Đếch cần thằng nào nữa. Mình gửi lấy một mình, có làm sao.
Lý thuyết thì như vậy, nhưng bước vào thực tế thì tôi thấy quả là rất cam go. Tôi còn nhớ là mình đã phải thật công phu mới đẩy trôi được cái phong bì của tôi vào tòa soạn.
Trước tiên là tôi phải làm một cuộc điều nghiên về cái vị trí của tòa báo. Nó nằm ở cuối phố Hàng Trống, tiếp giáp với phố Hàng Khay, mặt tiền quay ra Hồ Gươm, xế cửa phía bên kia đường là nhà Khai Trí Tiến Đức, còn bên cạnh thì có tiệm ảnh Hưng Ký, khách sạn Phú Gia, rạp chớp bóng Lửa Hồng của Hội Hướng Đạo. Tòa báo tuy không to lắm nhưng cũng rất khang trang. Nhìn bên ngoài thì chỉ thấy bảng hiệu báo Giang Sơn quét sơn đỏ chói, phía dưới thì một bên là cửa ra vào, còn một bên là tủ kính trong suốt, đứng ở ngoài, ngó xa xa lại sẽ chẳng thấy gì hết trơn ngoài mặt nước Hồ Gươm và lùm cây xanh phản chiếu trong kính gương thấp thoáng.
Phía trước của tòa báo là một cái giá gỗ khuôn khổ bằng một tờ nhật báo mở rộng. Mặt giá bên này dán trang 1 và trang 4 của tờ báo ra trong ngày. Mặt giá bên kia dán trang 2 và trang 3. Vào thời kỳ đó, các báo ở Hà Nội có một mỹ tục rất đáng tuyên dương là đem báo dán ở cửa tòa soạn cho độc giả không tiền mua báo được coi thong thả. Ven hồ Hoàn Kiếm, xế rạp Philharmonique cũng có một dẫy bảng dán báo như vậy, nhưng công trình này thuộc về Sở Thông Tin Đô Thành với chủ trương báo chí phải được phổ biến sâu rộng để nâng cao dân trí.
Nếu ai chịu khó bước vào phòng Thông Tin ở ngay cạnh đó thì còn được xem "chùa" đủ các loại báo, kể cả những tờ nhật báo từ Sài Gòn gửi ra. Mặc dù vậy, chẳng vì thế mà số báo bán ra của các tòa soạn bị suy giảm. Ở Hà Nội, giới trung lưu, hầu như nhà nào cũng mua báo riêng để đọc, ít ra là 1 tờ. Đọc báo ở nhà là một cái thú của nhiều người. Không ai tiếc 1 đồng (sau lên giá 2 đồng) để mất công lóc cóc đi đọc báo cọp. Nạn thuê báo không bao giờ xẩy ra như có một dạo tệ nạn này đã xẩy ra ở ngay tại Sài Gòn khiến nhiều tờ nhật báo như Ngôn Luận, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông..v..v…la lên chói lói.
Khách khứa của những bảng dán báo vì thế không đông đảo là bao. Phần đông chỉ là những người rảnh rỗi, chán cuốc bộ vỉa hè thì áp vô, liếc qua coi tin tức cho giết thì giờ. Chỉ có bọn chúng tôi thì mới là đệ tử trung thành của những truyện ngắn, truyện dài, phóng sự đăng rải rác trên các báo. Tha hồ mà đọc, mỏi chân thì thôi, chứ không hề mỏi mắt bao giờ!
Buổi "ra quân" hôm ấy tôi đã đứng chồn chân ở cái giá để báo. Tờ Giang Sơn phát hành buổi sáng tôi đã đọc không sót một mẩu rao vặt nào. Mấy lần cứ định bước đại vô tòa soạn thì tiếng cười nói ồn ào ở trong lại làm tôi khựng lại. Mồ hôi của tôi rịn ra ướt hết cả chân tóc. Tim phổi gì đâu, cứ đập loạn xạ như người ăn vụng bị bắt quả tang. Tôi tưởng tượng ra cái cảnh mọi người nhìn tôi chế nhạo khi biết tôi bé loắt choắt thế này mà dám làm hành động chơi trèo là gửi bài sáng tác cho báo người lớn. Như nếu tôi bước vào, có vị sẽ hỏi tôi:
- Cậu kiếm ai?
Tôi sẽ phải đáp rằng:
- Cháu…cháu có cái thư.. (tất nhiên là phải nói dối là thư, chứ ai dại gì mà nói là bài).
Vị ấy sẽ hỏi lại:
- Thư gửi cho ai?
Thế là khổ rồi! Tôi sẽ không trả lời được là sẽ gửi cho ai. Rồi người ta sẽ bóc thư ra coi. Họ sẽ khám phá ngay được rằng bên trong chẳng có thư từ gì hết mà chỉ là một bài lai cảo, lại là thứ truyện ngắn nữa thì mới là động trời.
Ôi chà! Một thằng nhãi ranh thế này mà cũng học đòi viết truyện ngắn sao? Họ sẽ nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại. Rồi có thể họ sẽ hỏi tôi tên gì, năm nay “lên mấy”, rồi nếu ú ớ thì họ sẽ khuyên tôi nên về chịu khó học hành tử tế đi đã rồi hãy tính chuyện sáng tác. Lại có khi còn tệ hơn nữa, là họ sẽ còn chất vấn tôi con cái nhà ai, bố làm gì, mẹ làm gì, có mấy anh chị em, đang học trường nào, lớp mấy, đứng hạng mấy, luận văn trong lớp được mấy điểm…Ôi trời trời, hãy cứ giáng những cú búa tạ vào đầu tôi còn hơn là bắt tôi đứng trước tòa soạn mà phải cung khai tá lả những điều như thế!
Vì cứ tưởng tượng ra như vậy nên bao nhiêu cái hăm hở hăng hái lúc ban đầu đều tiêu tan hết ra mây khói. Suy đi nghĩ lại, tôi đành ôm cái phong bì lủi thủi ra về mà không dám bước chân qua ngưỡng cửa tòa báo. Nhưng khi về đến nhà, rút cái phong bì ra (lúc này đã hơi bị nhầu nát), tôi lại nổi cơn giận với chính mình. Ừ! Có gì đâu. Chỉ cần bước đại vô, kiếm một ông ngồi gần nhất, xỉa bao thư ra, nói đại một câu:
- Cháu gửi ông "cái này "!
Thế rồi chẳng cần biết ông ta có ngẩng đầu lên hỏi "cái này là cái gì", mình cứ việc quay lưng đi thẳng ra cửa là hết hỏi, hết còn ai để thắc mắc.
Tất nhiên là họ sẽ phải mở phong bì ra. Họ sẽ thấy đó là một bài sáng tác. Họ sẽ chuyển qua bàn làm việc của ông Chủ Bút. Ông Chủ Bút sẽ mở ra đọc và thấy …hay! Ông sẽ bấm chuông gọi phòng xếp chữ đem bài xuống sắp xếp. Thế là xong! Chỉ không đầy một phút cố gắng là mọi việc sẽ ổn thỏa. Chỉ ngày mai, hay ngày mốt, cùng lắm là qua tuần sau là bài của tôi sẽ được in trên báo với tên tác giả Nhật Tiến rành rành, vừa to, vừa trịnh trọng chẳng kém gì cái tên Song Vũ trên truyện ngắn của hắn hôm nào! Việc dễ như thế mà không làm để đến nỗi đứng chôn chân ở ngoài cửa rồi đi không, lại cắp đít về không thì đúng là tay ấm ớ, dớ dẩn. Thật tôi giận tôi vô cùng.
Thế là tôi quyết định phải làm lại. Và tôi tự thề nếu lần này sứ mạng mà không xong, tráng sĩ ra đi ….quyết không trở về. Sáng hôm sau tôi trở lại tòa báo sớm, hầu như chỉ mới mở cửa và tôi là người khách đầu tiên trong ngày. Đi vào giờ đó rất thuận tiện vì tòa soạn lúc này chưa đông đảo, hẳn ít tiếng người cười nói ồn ào, nhất là những tiếng cười mà tôi cứ bị cái ám ảnh "các ông ấy" cười là để chế giễu mình.
Đúng như tôi dự đoán, bấy giờ tòa báo chỉ có cụ thư ký già đang ngồi đánh máy lóc cóc. Cặp mắt Cụ hấp him, bàn tay run rẩy, cái mũi hơi khoằm xuống mang vẻ khó ưa. Những hình ảnh này đã khiến cho tôi có cảm giác rằng Cụ này hẳn là không văn nghệ văn gừng gì. Như vậy càng tốt, tôi càng đỡ phải "khai báo" lôi thôi. Thế là tôi chào Cụ bằng tất cả sự lễ phép có thể diễn tả được và tôi nói thản nhiên:
- Thưa Cụ, cháu gửi bài!
Ông cụ không đáp, cũng chẳng ngẩng lên nhìn. Đôi mắt hấp him của Cụ còn bận dò những dòng chữ kín mít trên trang giấy. Cụ chỉ giơ bàn tay già nua về phía tôi mà không ngó lại, như thể cái cảnh gửi bài này Cụ cũng đã từng gặp thường xuyên. Tôi vội vã đặt bao thư vào tay Cụ. Cụ cầm lấy, để nó qua bên cạnh và thản nhiên đánh máy tiếp. Thế là xong! Không đầy 15 giây ngắn ngủi tôi đã làm xong nhiệmn vụ. Tráng sĩ ra đi quả có ngày trở về! Giản dị quá, dễ dàng quá, có thế mà ngày hôm qua tôi đã băn khoăn đến trằn trọc gần như suốt cả đêm dài.
Ở tòa báo ra, tôi băng qua đường Bờ Hồ, lòng cực kỳ khoan khoái. Làn gió mơn man từ phía mặt hồ lại thổi qua càng khiến cho tôi khoan khoái hơn lên. Tôi kiếm ngay một cái ghế đá còn trống để ngồi xuống tự thưởng thức sự thành công vừa qua của mình. Cái phong bì đã đưa được vào tòa báo một cách chót lọt. Nhưng đó mới chỉ là một bước tí xíu khởi đầu. Sẽ còn phải qua nhiều chặng nữa, nào là bài của tôi phải tới tay ông Chủ Bút, rồi ông Chủ Bút phải để thì giờ mở ra đọc. Đọc xong rồi ông ấy quyết định cho đăng. Rồi ông ấy mới chuyển nó xuống nhà in cho thợ xếp chữ….
Ôi, chặng đường càng nghĩ càng thấy dài và bỗng nhiên một ý nghĩ chợt thoáng qua làm cho tôi khựng lại, tê tái.
Ừ, không biết bao thư và số phận của nó lúc này ra sao? Không biết ông già có nhớ tới nó mà trao lại cho tòa soạn không? Biết đâu nó lẫn trong đống hồ sơ bên cạnh rồi ông vô tình hốt hết cả đám đem cất vô hộc tủ và khóa lại, không biết đến bao giờ mới nhớ ra? Hay tệ hơn nữa, biết đâu nó lại chẳng đứng chênh vênh bên mép bàn, rồi chỉ một cái quơ tay vô tình của ông cụ là nó rớt xuống đất. Bao thư mà nằm dưới đất là thứ rác bỏ đi, đến giờ dọn dẹp lao công sẽ hốt nó lên, tống chẳng tiếc tay vô thùng rác. Thế thì ôi thôi, công trình tim óc cũng như mơ mộng hão huyền của tôi sẽ đi đời nhà ma trong âm thầm lặng lẽ. Lòng tôi chợt nóng lên như lửa đốt. Tôi vô cùng hối hận là đã giao phó một cách bừa bãi đứa con tinh thần của mình cho một người không quen, không hề biết văn nghệ văn gừng là cái giống gì. Ôi! Thật là tắc trách, thật là ngu muội, thật là thất sách. Nhưng tôi còn làm được cái gì nữa? Bề gì thì sự thể cũng đã muộn rồi. Bây giờ chỉ còn biết cầu trời khấn Phật cho đứa con của mình tai qua nạn khỏi để nó được thuận buồm, xuôi gió!!!