Dịch giả: Nguyễn Á Châu
Chương 2

    
ose Kennedy thuộc loại phụ nữ nào? Bà ta đẹp, - đẹp thể chất, tôi có thể nói, cái đẹp đó như là tặng phẩm đầu tiên của Thượng đế dành cho người đàn bà. Với vẻ đẹp này, các trận chiến của bà đều chiến thắng dễ dàng, nếu không đẹp, bà phải bày mưu lập kế khó khăn. Vẻ đẹp cho bà đức tính tự tin.
 
Vẻ đẹp khiến và vượt qua mọi rắc rối. Với vẻ đẹp mà bà biết ấy, bà có thể đạt đến những tham vọng, có thể tiến đến các mục tiêu của bà. Bà sẽ được tha thứ, vì bà đẹp. Một người đàn bà không thể thất bại nếu có sắc đẹp, đương nhiên như thế, trừ phi người đàn bà ấy cố ý tự huỷ diệt, hoặc ngu dốt và điên cuồng. Người đàn bà quá đẹp không tìm được sự yêu mến của những người cùng phái, nhưng họ sẽ được những người đàn ông yêu mến và, không còn sự ao ước nào hơn! Hơn nữa, sắc đẹp là của hồi môn mà người vợ dành cho người chồng. Hắn sẽ phô trương người vợ một cách ngạo nghễ. Hắn sẽ xăm xoi tài sản, phong vị tuyệt hảo này. Hắn xem như đã nắm trong tay một viên ngọc, và thấy vượt hẳn lên mọi người. Những người đàn ông khác sẽ ganh tị với hắn.
Nhưng, Rose Kennedy còn vượt hơn nhan sắc mà bà có. Đời sống ngoài công chúng của bà, tháp tùng bên cạnh người cha, đã dạy bà đức tính tự chủ, một bề ngoài bình thản và trầm lặng. Như mẹ của bà, bà không chạy đuổi theo các cuộc vui công cộng. Nhưng khi tham dự vào, bà tự biết tư thế của mình một cách nghiêm cẩn và buông thả vừa phải, đề không có ai có thể đàm tiếu, mà cũng không để ai có thể nghĩ là bà lạnh lùng. Bên cái đáng yêu bề ngoài, phong nhã, thích ứng luôn luôn trầm tĩnh ấy, Rose có một cung cách riêng. Bà luôn luôn sẵn lòng với kẻ khác. Bà có thể chấp nhận mọi người một cách đơn giản, không đòi hỏi, không hy vọng mang đến cho bà một cái gì. Vì bà có mọi thứ.
Cung cách này, tôi nghĩ, bà dành cả cho chồng bà, vì nó cũng bao hàm một sử hiểu biết duy nhất, mãnh liệt và rộng lượng, đối với người đàn ông khó tính mà bà đã kết hôn. Bà không bao giờ hồ nghi về sự giàu có quyền thế của chồng bà.
Tại Hoa Kỳ, tiền bạc là sức mạnh không có gì thay thế được. Yêu thích tiền bạc hay không, bà thấy không cần thiết, nếu chồng bà được hạnh phúc. Vì thế, bà không cần phải tìm hiểu công việc của chồng. Ngay vào năm 1933, khi Uỷ ban Ngân hàng và Tĩền tệ Thượng viện điều tra Joseph Patrick Kennedy, về sự sinh lợi to tát của một tổ hợp tài chánh do ông quản trị, bà không hề tò mò hỏi ông một câu nào liên quan đến vấn đề này.
Bà tự chôn cuộc đời trong nhà, bên cạnh các con. Trong ba năm, bà sanh hai trai, Joseph và John.
Rose Kennedy đã có lý khi nối bước khuôn thước của mẹ bà: Bỏ hết cuộc đời vào gia đình. Trong khi chồng bà tận tụy với công việc mới, điều khiển xưởng đóng tàu Bethlehem Steel Fore River và để thực hiện mục tiêu: tạo ra một triệu đô la trong khi còn đủ sự trẻ trung để thụ hưởng, thì bà tận tụy với các con. Bà trở thành ngoan đạo hơn, không chỉ vào những ngày chủ nhật, mà vào mọi lúc, và tín ngưỡng đã trở thành một phần đời của bà.
Tôi cũng thấy cùng một tín ngưỡng như thế ở bà Kung. Người mẹ Trung Hoa đến chùa lễ bái, người mẹ Hoa Kỳ đến nhà thờ đề cầu nguyện. Không khác gì nhau.
Tôi biết bà Kung năng đến chùa mỗi ngày, khi gia đình lâm biến cố hoặc có chuyện buồn lớn. Bà mẹ Hoa Kỳ năng đến cầu nguyện ở nhà thờ cũng vậy. Tín ngưỡng của mỗi nơi đều có sức mạnh riêng. Tự nhận thấy hiệu quả của tín ngưỡng tạo ra sự giải tỏa những oằn oại bi thảm, những gánh chịu trong âm thầm.
Hai người đàn bà đều mất những đứa con trai yêu dấu.
Bà Kung, ngoài đứa con trai út bị giết bởi chính tay ông Kung, hai trong hai ba người con lớn còn lại bị đấu tố cho đến chết. Và hai trong ba người con trai lớn của Rose Kennedy đã ngã xuống, vì sự thành công và sự vĩ đại của họ, trong một xứ sở dân chủ, như xứ sở của chúng ta. Ông Kung cũng chết, một nạn nhân của cơn giận dữ từ chính các tá điền bất trị của ông, nhưng người đàn bà Hoa Kỳ có gánh nặng riêng để mang trong cái-chết-hiện-hữu của người chồng thân yêu. Nhọc nhằn biết bao, cái gánh nặng ấy mà chính tôi cũng đã từng mang.

*

Và ngoài ra, bà ta, người đàn bà Hoa Kỳ nhan sắc này còn có một gánh nặng khác để mang. Giữa các đứa con của bà, bốn trai và năm gái, một cô gái, lớn nhất, mãi mãi là một đứa trẻ. Tôi biết viết ra sao về gánh nặng này? Chính tôi đã từng phải mang nó trong nhiều năm triền miền. Tôi cũng từng biết quá rõ khi vị bác sĩ tuyên bố: Thưa bà, đứa con của bà không hy vọng phát triển trí khôn của nó. Trái tim người mẹ quặn thắt làm sao! Câu nói đó, một lần tôi đã được nghe, lúc tôi cho ra đời một cháu gái.
Thoạt đầu bà Rose không thế nào tin lời nói đó.
Bà đã từng sanh hai cậu trai phương phi, mạnh khỏe, có thể nào đứa em gái của chúng lại khác? Sự thật vẫn xảy ra. Đó là một sự thật phũ phàng. Rose Kennedy đã hạ sanh một người không-phải-là-người với đầy đủ ý nghĩa của nó - một sự hoang phí, thừa thãi, người ta có thể nói như thế. Nhưng đối với Rose Kennedy không phải là một hoang phí, thừa thãi. Nó là một ân sủng vượt thoát của nhiều ngàn đứa bé khác, một trấn an cảnh huống nát lòng cho hàng ngàn bậc cha mẹ khác.
Một lần, Rose Kennedy đã nói: "Tôi muốn nói to lên điều này nhưng khó cho tôi khi phải nhắc đến Rose Mary. Đúng là tôi không thể nào tự mình làm việc đó nhiều năm rồi. Nhưng tôi muốn mọi người nhận biết điều mà tôi muốn nói. Bây giờ hy vọng đã đến lúc."
Có hai cách để mang một gánh nặng, đặc biệt gánh nặng đó là một đứa trẻ trì độn. Một số người sẽ than trời trách đất. Họ gào lên, lại tại sao bất hạnh lại thuộc về họ? Họ đã làm gì đến nỗi phải nhận lãnh một đứa trẻ như thế? Và bao nhiêu giận dữ oán hờn họ đều trút lên đầu đứa trẻ. Họ tìm cách tống nó đi cho rảnh mắt. Họ đẩy đứa trẻ vào một học viện dành riêng cho những đứa trẻ như nó càng sớm càng tốt. Họ tước đoạt cái tuổi được quyền hưởng sự yêu thương của gia đình, mà mọi đứa trẻ bình thường khác được quyền hưởng.
Họ cố quên đi, như không bao giờ có đứa trẻ ấy được sanh ra.
Tuy nhiên, có những người khác nhận lấy sự bất hạnh đó một cách can đảm và vui vẻ. Họ xem đứa trẻ, là một phần đời sống của họ. Họ tạo sự hòa hợp đời sống của đứa trẻ với đời sống của mọi người. Rose Kennedy là một trong những người này. Cô con gái bất hạnh của bà không hề lâm vào cảnh biệt lập hoặc giấu giếm. Nó được sống trong gia đình và trong tình thương yêu của mọi người thân, và nhất là của người mẹ. Trong một nhà, trong một gia đình, mọi việc đều hướng vào người mẹ: đặc biệt khi bi thảm giáng xuống. Nếu tinh thần người mẹ bị xao động, mọi người khác đều bị ảnh hưởng đến. Họ dò theo thái độ, trạng thái của người mẹ. Họ ta thán, phàn nàn như người mẹ và cả đến sự xung động nữa, dù rằng họ biết rồi tất cả cũng chẳng đi đến đâu.
Rose Kennedy không phải là mẫu người mẹ như thế. Bà sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh, ngay cả sự thích ứng không cần thiết. Bà đủ thông minh để cân nhắc. Bà chịu đựng bởi tín ngưỡng sẵn có. Ý muốn của Thượng đế là số phận của bà. Có một điểm tụ của sức chịu đựng trong bà, một sự bình thản khó lay chuyền ấy. Đương nhiên bà phải rơi luỵ. Điều này tôi dám chắc. Bà mẹ nào không rơi luỵ dưới gánh nặng oằn vai?
Bà từng nói: Xúc cảm là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Nhưng tôi chắc rằng bà đã khóc âm thầm, cũng như tôi vậy và sau đó bà vội lau nước mắt, để trở về với bổn phận.
Khi Rosemary mười một tuổi, bà đã gửi con gái vào một nơi thoải mái, trường Saint Coletta dành riêng cho các đứa trẻ ngoại lệ, gần Jefferson thuộc tiểu bang Wisconsin. Nơi đó, Rosemay kết bạn với những đứa bé đồng cảnh ngộ và được chăm sóc chu đáo.
Trước đó, khi mà mọi đứa trẻ cùng tuổi bình thường phát triển, thì Rosemary bổng đứng chựng lại, khiến gây ra ngơ ngác cho mọi người, ngay cả anh chị thân yêu của nó. Nhưng biến cố này không có gì gọi là ảnh hưởng đối với uy thế của gia đình. Những kẻ nhỏ nhoi, hèn nhát, tham lam và sợ hãi ý tưởng của người khác, sẽ nhanh tay đóng cánh cửa phía sau lưng đứa trẻ bất hạnh.
Gia đình Kennedy không có những người đó. Họ không có gì để sợ. Họ không cần để ý đến dư luận của kẻ khác. Họ không cần sự tán thưởng mà cũng chẳng sợ sự gièm pha. Họ làm những gì họ muốn. Họ đã công bố sự bất hạnh ra ngoài và tìm kiếm những gia đình có cùng hoàn cảnh, để sau đó, vào năm 1946, cơ sở Joseph P. Kennedy, Jr. ra đời, một tổ chức phụ trách việc chăm sóc những đứa trẻ như Rosemary. Và tổ chức này đã làm thay đổi quan niệm của hàng triệu người Mỹ đối với những đứa trẻ bất hạnh như thế.
Đứng sau cơ sở này là Rose Kennedy. Bà hành động, như là một chấp nhận dũng cảm, từ thảm kịch to tát đầu tiên này, để tự chuẩn bị cho những thảm kịch khác sắp giáng xuống. Nghĩ đến người đàn bà này, duy trì sự bình tĩnh quyết định của mình dưới sức nặng của cảnh ngộ tàn khốc, tôi lại nhớ đến bà Kung và đứa con trai út dễ thương của bà. Tôi nhớ rất rõ đứa trẻ này, đó là một đứa trẻ xung động, bất trị và phản kháng, ngay cả đến tình yêu thương, sự khiển trách và trừng phạt. Dĩ nhiên, những gì mà nó cho là sai lầm. Tôi dám chắc như vậy. Đứa con của bà Kung là một đứa trẻ mắc tâm bệnh, oán ghét những gì mà nó cho là tầm thường và đôi khi cả những gì mà nó cho là vượt mức nữa.
So gánh nặng giữa hai người đàn bà, Rose Kennedy và bà Kung, tôi cảm thấy gánh nặng của người mẹ Trung Hoa có phần nặng nề hơn. Nhưng, thảm kịch vẫn là thảm kịch, và hai người đàn bà đều cùng học hỏi được lòng can đảm và sự chấp nhận. Tôi không sử dụng hai tiếng chịu thua, vì hai tiếng đó mang hàm ý thụ động, trong khi mà hai người đàn bà này trái ngược hẳn, họ duy trì vị thế chủ yếu của họ trong hai đại gia đình mà họ hiện diện. Cả hai, và gia đình họ, lớn hơn thảm kịch giáng xuống.

*

Rose Kennedy vào những năm con cái của bà trưởng thành như thế nào? Bà là một hiền phụ và người chồng của bà vẫn là người cầm đầu trong gia đình. Trên phương diện này bà giống như bà Kung.
Tuy nhiên người mệnh phụ Trung Hoa này có thể, đã chống đối chồng bằng đường lối riêng, dẫu đó là nhưng giọt nước mắt kín đáo, hoặc công khai trước sự hiện diện của gia đình hoặc giữa những người lạ khác. Ông Kung cũng có đường lối riêng trong đời sống và bà vợ luôn luôn giúp đỡ ông.
Vào năm hai mươi tuổi, Joseph P. Kennedy mang gia đình rời khỏi Boston vì không đồng ý với những người Công giáo, cũng như thái độ của những người này đối với dân hạ lưu Ái Nhĩ Lan. Người cha đã dạy các con phải luôn luôn hoạt động và yêu đời, đó là một đặc tính để trở thành một người mang họ Kennedy.
Và đó cũng là điều bắt buộc, để nhận lấy trách nhiệm đối với kẻ khác, với cha mẹ, với cộng đồng, với xứ sở, ngay cả đối với thế giới nữa. Trong khi người cha lãnh phần giáo huấn các con, Rose Kennedy là người duy trì sự giáo huấn đó. Mặc dù giữa Rose và chồng có nhiều sự khác biệt, nhưng cả hai đều cố gắng để san bằng. Người chồng đòi hỏi bữa cơm chính phải có thịt, mỗi ngày bà cất công đi đến một nơi xa hơn để mua thịt, và đến một nơi khác để mua thức ăn riêng cho bà và các con. Khi gia đình ngồi quây quần trong bữa cơm chiều vào ngày chủ nhật, bà tự tay phục vụ mọi người. Bà từng đi dạy học, và cho biết lúc ấy bà chú trọng nhất các bài học dạy cho học sinh biết rằng chúng phải kính trọng người chủ trong gia đình. Ở nhà và ngoài công chúng, bà cố chứng tỏ cho mọi người biết rằng bà là người núp bóng ông chồng, như thế càng khiến bà nổi bật hơn.
Bà là một nội trợ giỏi giang? Không thể xét đoán thông thường về Rose Kennedy trên lãnh vực này. Sự thật, bà không cần trở thành một nội trợ giỏi. Chồng bà không bị phá sản bởi hậu quả cơn khủng hoảng tiền tệ và vào năm 1929, dĩ nhiên là có ảnh hướng chút ít.
Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống vào năm 1932, ông là một trong những người phụ trách quyên tiền vận động cho Franklin D. Roosevelt. Sau đó ông được chỉ định giữ chức vụ chủ tịch đầu tiên của Uỷ ban Thị trường Chứng khoán và Tiết kiệm. Chính với chức vụ này, ông đã rút ra nhiều kinh nghiệm đem áp dụng vào việc gây dựng tài sản riêng của ông. Và sau cùng, vào năm 1937, ông được chỉ định làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Court of St. James (Anh Quốc).
Ông đã mua một căn nhà theo mơ ước sớm hơn dự tính. Đúng ra, phải nói đó là một lâu đài, với hàng chục phòng ốc và tất cả đều được trang trí tuyệt hảo.
Bà Rose Kennedy đã nghĩ gì khi đứng trong các căn phòng được chưng dọn toàn đồ đạc đắt giá và tráng lệ? Tôi không đoán được. Nhưng chắc đó là một ngôi nhà mà bà thích, vì ông Joseph Patrick Kennedy thích.
Bà là một cán cân, để cân bằng tính phiêu lưu, liều lĩnh của người đàn ông, cha của các đứa con của bà. Tính nóng nảy, háo thắng, của người đàn ông ấy, đã được bà nhận chìm bằng hiền dịu. Người cha đòi hỏi các con trai của ông, một khi đã mang họ Kennedy, phải luôn luôn chiến thắng khi dự vào bất kỳ một cuộc chạy đua nào mà chúng đã chọn. Khi các con thua, người mẹ vội vã tìm cách chứng minh với người cha rằng chúng đã hết lòng.
Rose Kennedy yêu những gì chứa đựng trong ngôi nhà của bà hơn là yêu chính ngôi nhà đó. Vì thế, hoàn cảnh không làm bà thay đổi. Vào một buổi tối mùa xuân, năm 1938, Rose Kennedy đã trở thành một người đàn bà của thế giới, phu nhân của một ông Đại sứ và hai ông bà đến dùng cơm với Hoàng đế George và Hoàng hậu Elizabeth ở lâu đài Windsor, trong một khung cảnh đầy dẫy nghi thức. Joseph P. Kennedy đã than phiền với vợ là họ đã đến một nơi xa lạ hơn East Boston. Rose Kennedy chỉ cười lặng lẽ, vì bà đã thích nghi với hoàn cảnh. Joseph P. Kennedy là một người Ái Nhĩ Lan, một người Công giáo, một di dân thế hệ thứ hai và cũng là người đầu tiên có gốc gác như thế được cử làm đại diện cho Hoa Kỳ tại một quốc gia khác, vậy mà ông vẫn duy trì một cách khăng khăng những gì ông có, ngay cả với bà vợ xinh đẹp và các con đã cùng theo ông đến đây đã hoà mình trong hoàn cảnh mới mẻ này. Trong chức vụ của ông, có những lẩn trốn không thể chấp nhận được. Ông không thể mặc quần ngắn tới đầu gối và mang bít tất bằng tơ đen khi hiện diện trước Hoàng gia. Ông phải mặc lễ phục và phải khép mình trong các lễ nghi phiền toái.
Điều này đã gây cho ông sự bực bội. Rose Kennedy không phải là người của nghi thức, nhưng bà biết khi nào cần phải nghi thức, và bà đã thích ứng dễ dàng với vai trò mệnh phụ trong thời gian ấy, nhờ vào sự khôn khéo, quen thuộc với đám đông thượng lưu trong những ngày đi bên cạnh cha và nhất là kiến thức khá phong phú của bà. Kiến thức phong phú này không bao giờ là niềm kiêu hãnh tích cực trong mối giây liên lạc vợ chồng của người đàn bà này. Trước công chúng, bà vẫn là người vợ khép nép. Chỉ ở một phút giây nào đó, cần chứng tỏ sự mạnh mẽ, bà mới sử dụng đến kiến thức phong phú của mình, nhưng chỉ để chứng tỏ lòng yêu thương của bà đối với chồng, đối với người đàn ông thích ưu thế và tự tin ấy mà ông đã chứng tỏ, ít nhất là một lần. Lần ấy, một bài diễn văn của ông được đọc trước một bữa tiệc ngoài trời do đại học đường Harvard tổ chức, với nội dung ca tụng Tống thống Roosevelt, đã bị cho là thiếu nhiệt thành. Và con trai lớn của ông, John Fitzgerald Kennedy với ba năm tận tuỵ trong đội túc cầu của Harvard đã không cho cậu một dịp may đoạt được chứng chỉ văn chương tốt nghiệp.
Và vết thương sâu đậm nhất, đối với vị Đại sứ mới mẻ này, là ông không được Harvard dành cho một địa vị danh dự xứng đáng, như các đại học đường khác đã trang trọng dành cho ông. Tất cả những xúc phạm đó hình như là sự sỉ nhục, không thể tha thứ được, đối với một người luôn luôn thành công. Và vị Đại sứ triệu phú này bèn từ chối tiếp tục giúp đỡ tài chính cho Harvard, ngay cả khoản tài chính dành riêng cho đại học y khoa Harvard sử dụng vào việc nghiên cứu về sự chậm phát triển trí khôn của trẻ con, căn bệnh mà Rosemary con gái ông, mắc phải.
Những lần như vậy, Rose Kennedy vẫn không hề tỏ ra xao xuyến. Bà không cho rằng quyết định của chồng là sai lầm và vẫn phục vụ ông với lòng tin không dời đổi. Bà yêu chồng hơn, bà cho rằng ông có quyền tự do để tạo ra những quyết định riêng, và ông biết nhận trách nhiệm và hậu quả của những quyết định đó.
Chịu đựng và lòng thương đã là bản tính hằn sâu, là tinh tuý của nữ tính trong bà.
Những năm ở Anh là những năm hạnh phúc, dù cho bóng tối của chiến tranh đang lan đến. Bà cùng chồng và tám con tham dự lễ đăng quang của Đức giáo hoàng Pope Pius XII, và Ted, con trai út bà nhận thánh thể đầu tiên.
Hitler tuyên chiến. Lúc ấy, Rose Kennedy lại phải đối mặt với thảm kịch trong vai trò một người đàn bà và một người mẹ. Joe (tức Joeseph Patrick Kennedy, Jr) con trưởng của bà đã đến tuổi phải thi hành quân dịch, nếu một khi Hoa Kỳ quyết định liên kết với các quốc gia Âu châu chống lại Đức Quốc Xã. Bà đồng ý với chồng, khi ông bắc đầu bênh vực quan niệm chống đối sự liên can của Hoa Kỳ.
Joseph Kennedy đã tấn công mạnh mẽ cuộc liên can này qua các quan điểm chủ hoà của ông. Ông cho rằng những kẻ chống đối các quan điểm của ông đều là những kẻ ngu dốt, theo truyền thống của Kennedy.
Nhưng ông đã thất bại ê chề.
Vào năm 1940, ông bị áp lực buộc phải từ chức Đại sứ ở Court of St. James và trước khi rũ áo, ông đưa những lời tuyên bố dữ dội và kiên quyết, nào là chúng ta sẽ không thể ủng hộ Anh Quốc, và chúng ta lâm vào cuộc chiến bằng cách yểm trợ nước Anh sẽ khiến cho tài nguyên của Hoa Kỳ bị tiêu huỷ.
Quan điểm ông tan biến ngay, vào ngày 7-12-1941 khi Nhật Bản bất thần tấn công Trân Châu Cảng. Và vào tháng Bảy trước đó, con trai trưởng của ông, Joseph Jr. gia nhập vào quân chủng Hải quân, và trở thành sinh viên phi công Hải quân.