Dịch giả: Nguyễn Á Châu
Chương 3

     uốt thời gian của bất kỳ cuộc chiến nào đều là thời gian mà người đàn bà cảm thấy quạnh hiu hơn bao giờ hết. Người đàn bà, hàng triệu triệu người đàn bà, đã quạnh hiu, bởi hiện tại mắt họ phải dõi theo những đứa con ra đi và nhượng bộ trên nỗi chết và tật nguyền có thể xảy ra cho chúng. Đứa con, một phần thân thể của người mẹ, đã được chăm sóc, nuôi dưỡng, với tất cả hy vọng, để có một ngày nó trở thành một người lớn đó.
Bà Kung đã hoàn toàn đúng khi đánh giá về ba người con trai của bà. Bà sống, làm việc và những thành công hầu hết được đạt đến là vì ba đứa con này.
Bà yêu thương các cô con gái của bà không kém, nhưng một đứa con trai vẫn giá trị hơn hàng chục đứa con gái. Đừng hói tại sao lại nghĩ như thế. Chuyện này thật đơn giản, người Trung Hoa mang bản tính nhân đạo theo lý lẽ của họ. Họ đã có riêng lòng nhân đạo, theo các phong tục tập quán cổ truyền của họ, mà chúng ta không thể xét đoán bằng đôi mắt, bằng phong tục tập quán của người Tây phương.
Khi một người đàn bà Trung Hoa hạ sanh một bé gái, đứa bé đó chỉ được xem như là sự nối tiếp thân thể của mẹ nó, nghĩa là nó sẽ về nhà khác khi lớn lên.
Nhưng khi một đứa bé trai ra đời, nó được xem như là đã thoát khỏi thân thể của người mẹ. Bà ta đã tạo ra một thực thể được chấp nhận trong gia đình chồng, và xuyên qua đứa con trai, người mẹ như đã bước qua một thế giới khác, thế giới của những người đàn ông.
Khi đứa con trai chẳng may mất đi, người mẹ phải quay trở lại, ẩn dưới bóng tối âm thầm của thế giới đàn bà.
Dĩ nhiên, Rose Kennedy có thế chấp nhận quan niệm kỳ lạ này, xã hội chúng ta cũng không cần phải bàn đến. Bất kỳ một người đàn bà Hoa Kỳ nào có nghị lực và tự tin, đều không thể chấp nhận, dù cho một số quan niệm của người Trung Hoa trên phương diện này, theo tôi, có thể chấp nhận được.
Lúc ấy, dù muốn hay không, Rose Kennedy sẽ phải đối diện với cái chết đầu trên xẩy ra trong gia đình, cái chết của người con trai lớn, một âm bản của người cha trong lãnh vực dũng mãnh của tuổi trẻ, người thanh niên với trí khôn riêng của mình đó, đã quyết định bước vào cuộc chiến đang xảy ra.
Nối bước người anh, John Fitzgerald Kennedy con trai thứ hai của bà, cũng tình nguyện gia nhập vào binh chủng hải quân. Sự cầu nguyện của người mẹ trở thành gấp đôi. Bà chấp nhận sự thách thức của đau khố, như bà đã từng chấp nhận qua đứa con gái lớn của bà, Rosemary. Những gì đã không thể xoay hướng hoặc ngăn chặn được, nhẫn nhục phải được chọn và phải nhẫn nhục với cả hậu quả bi thương nữa. Rose Kennedy đã chuẩn bị, đã sẵn sàng để đón nhận thảm kịch.
Thảm kịch ấy đến vào năm 1943. John mất tích trong khi thi hành nhiệm vụ. Ông là hạm trưởng của một tuần dương hạm. Chiếc tàu đã chìm dưới hoả lực địch. Câu chuyện đã được nói đến nhiều lần và tôi thấy không cần phái lập lại ở đây. Điều quan trọng cần biết là trong một tháng tròn, Rose Kennedy không biết con trai mình chết hay sống. Chỉ có người cha là luôn luôn lạc quan, các con trai của ông đã ảnh hưởng nhiều trên phương diện này, tin tưởng rằng John của ông bất diệt.
Hai ông bà chờ đợi, cầu nguyện và trải qua nhiều đêm không ngủ, và người mẹ vò xé tâm can giữa hy vọng và tuyệt vọng.
Tôi có kinh nghiệm riêng, có thể lấy đó để phán xét tình cảm này. Cùng một cuộc chiến đó, tôi có một người thân trong gia đình tham dự ở mặt trận Bulge.
Vào ngày lễ Giáng sinh, chúng tôi nhận được một điện tín cho biết hắn đã mất tích đang khi thi hành nhiệm vụ. Nhà tôi rất đông trẻ con, liệu chúng sẽ được cho biết tin này? Không, chúng còn quá trẻ, không thể cướp mất niềm tin vui nguy Giáng sinh của chúng.
Chúng tôi, những người lớn tuổi hơn, phải giấu giếm tuy bàng hoàng, đau đớn và xúc động ngoài mặt. Trong ba tuần lễ chúng tôi chờ đợi, lo âu, không biết điện tín kế tiếp sẽ báo cho biết hắn chết hay sống. May mắn thay cho chúng tôi, cũng như cho gia đình Kennedy, hắn còn sống: đời sống đầy thương tích, đó là sự thật.
Nhưng chỉ sống là đủ, để đền bù cho những kẻ đêm ngày cầu nguyện, vì sự cầu nguyện không chỉ quỳ xuống trong một ngôi giáo đường. Những kẻ cầu nguyện đã cầu nguyện bằng tâm hồn mãnh liệt của họ. Kẻ cầu nguyện, mà mong ước kết tinh trong một tiếng hoặc hai, hoặc mong ước đó không có tiếng nào bao gồm được. Rose Kennedy may mắn có được sự tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt là Thiên chúa giáo, tôi nghĩ, tôn giáo này đã cung hiến quang cảnh cho kẻ cầu nguyện - trong nỗi lặng yên của giáo đường bao la, những cây nến lung linh, hình ảnh nhân từ của Đức Mẹ và đây tình thường của Đấng Cứu Thế, những nghi thức trang nghiêm, được cử hành bởi các linh mục vận lễ phục - tất cả, có tính cách dẫn dắt, đưa đến và cứu rỗi những linh hồn lâm vào thống khổ. Tôi chắc rằng Rose Kennedy đã thâu thập lịch duyệt riêng trên nẻo đi mà bước chân của bà đã đặt lên từ ấu thời. Những người đàn bà khác đã thiếu một nẻo đi như thế, hoặc phải bắt đầu tìm một nẻo đi, để gửi lời cầu nguyện của họ đến ân trên.
Bà Kung cũng có lối đi riêng của bà, khá giống với Rose Kennedy. Khi Nhật Bản xâm chiếm Trung Hoa và thanh niên của xứ này đều đứng lên để bảo vệ quê hương, hai người con trai lớn của bà Kung gia nhập quân đội quốc gia. Trong thời gian ấy, bà Kung đến chùa lễ bái mỗi ngày. Trong nhà ngày đêm bà đều thắp hai cây nến trên bàn thờ Phật, mỗi cây nến tượng trưng cho mỗi người con. Trong chùa cũng vậy, bà Kung đã mướn tăng ni trông coi hai cây nến giống như thế. Một hôm bà Kung nhận thấy một trong hai cây nến cháy nhanh hơn và cuối cùng nó bỗng tắt ngấm. Bà quẹt diêm châm lại, nhưng ngọn nến đó vẫn không bắt lửa. Sau đó, bà có nói với tôi: Lần ấy tôi biết một đứa con trai của tôi đã chết. Đó là người con trai thứ hai của bà. Hắn đã nằm xuống vĩnh viễn, khi lâm trận, vào ngày hôm đó. Nhưng Rose Kennedy may mắn hơn. Người con trai thứ hai của bà John F. Kennedy đã trở về. Một vị anh hùng, nhưng là một vị anh hùng duy trì những ngày sống sót trong sự đau đớn triền miền.
Một lần, hình như thảm kịch đã tránh né gia đình Kennedy. Nhưng, thật ra, người chồng và người cha trong thời gian đó bị quấy động không ngừng. Lúc ấy, dường như không có một nơi nào trong khung cảnh chính trị hiện tại dành cho Joseph Patrick Kennedy, lúc mà cuộc chiến vẫn tiếp tục hoành hành. Vào năm 1941, ông được đề cập đến như là một ứng cử viên Tống thống tương lai. Nhưng ba năm sau, các chính trị gia đã truất phế ông.
Dường như lúc ấy không còn gì để ông làm hơn là tiếp tục kiếm tiền. Và ông đã làm việc này với sự bén nhạy thường khi. Bất động sản, thị trường chứng khoán và ông nhẩy cả vào lãnh vực phim ảnh nữa, nghĩa là bất kỳ cách nào hái ra trên đều có mặt ông.
Rose Kennedy biết rằng người đàn ông mà bà yêu còn yêu một quyền thế vượt hơn cả quyền thế của tiền bạc: ông ta muốn nắm giữ một chính quyền. Và ông bắt đầu nuôi mộng cho các con trai của ông.
Đầu tiên, ông nuôi mộng cho người con trai lớn, dĩ nhiên đó là cậu trai mà ông yêu quí nhất, cùng mang một tên với ông, kẻ giúp ông trong việc điều khiển gia đình. Đó là Joe. Jr. sáng chói, thành đạt và đẹp trai của ông.
Vào năm 1943, chàng thanh niên Joe sang Anh trong tư cách một phi công lái oanh tạc cơ tình nguyện.
Tôi chưa gặp Joseph Jr. lần nào, nhưng theo lời một người bạn kể lại, thì Joe rất đẹp trai, nổi bật nhất trong số những người con trai trong gia đình Kennedy.
Nhưng, những người can đảm và táo gan, những người mong muốn chấp nhận sự liều lĩnh trước cái chết, luôn luôn tự thử thách, ngay cả quyết định sau cùng của đời sống họ.
Yêu một thiếu nữ đẹp người Anh, nhưng thất vọng, chàng thanh niên Joe không chọn con đường trở về nhà mà lại quyết tình nguyện lái một oanh tạc cơ Giải phóng để huỷ diệt những nơi đặt hoả tiễn V-2 do người Đức thiết lập ở Normandie. Các phi công sẽ nhảy dù ra ngoài, trên một eo biển miền duyên hải của Pháp, trong khi phi cơ vẫn tiếp tục bay, dưới sự hướng dẫn điện tử, đến mục tiêu và đâm đầu xuống.
Có thể nào, chàng thanh niên này, một con người nửa tỉnh nửa mê, dấn thân vào một cái chết gần như không tự chủ, lại có thể được người cha ước muốn một cách nhiệt thành anh ta, một ngày nào đó, sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ?
Cùng đi với Joe trong chuyến bay đó là Đại uý Hải quân Wilford J. Willy, có một vợ ba con, người hạt Fort Worth thuộc tiểu bang Texas, cũng tình nguyện như Joe. Và thảm kịch lại giáng xuống. Vào ngày 12-8-1944, Đại uý Joseph Kennedy và Đại uý Wilford Will với phi hành đoàn gồm hai người nữa, thực hiện chuyến bay định mệnh. Phi cơ của họ thình lình tan vỡ, không hiểu lý do. Tất cả không ai trở về và mọi cuộc tìm kiếm đều không thấy xác của họ.
Chỉ là một mở đầu cho một thảm kịch khác. Vào mùa xuân năm 1943, Kathleen, người con gái thứ hai, sang Âu Châu phục vụ với tính cách một nữ y tá. Qua sự vắng mặt của Rosemary, Kathleen đã nhận lãnh một vai trò đặc biệt trong gia đình. Người mẹ nhìn nàng như là sự hiểu biết và giúp đỡ. Nàng giúp đỡ người cha hiểu biết người mẹ. Người cha có thể nhìn thấy chính mình trong các người con trai, nhưng người con gái là sự êm đềm và vui tươi cho ông.
Tính Kathleen độc lập, hướng tiến của những người mang họ Kennedy, và có can đảm để làm những gì mà như Joe đối với các em trai, và với tư cách này, nàng lãnh trách nhiệm tạo sự thân cận giữa chị em với nhau.
Một gần gũi giữa Joe và Kathleen, ít ra là trên phương diện này.
Lúc cha làm Đại sứ ở Court of Saint James, Kathleen đã mười tám tuổi, và với cái tuổi này nàng đã có thể thay thế và giúp đỡ mẹ trong lãnh vực giao tế của một mệnh phụ. Nhưng không vì thế mà nàng được buông thả. Nàng không được phép đến một hộp đêm, ngay cả khi nàng được một thanh niên thuộc gia đình tỷ phú Rockefeller mời mọc. Kathleen là một cô gái lôi cuốn, như một thanh niên đã nói: Eunice thông minh và Patricia đẹp nhất, nhưng Kathleen là người mà bạn luôn luôn nhớ đến.
Khi ở Anh, trước chiến tranh, Kathleen gặp gỡ hầu tước William John Robert Cavendish, con trai của một quận công ở Devonshire, giòng dõi của một trong những gia đình lâu đời nhất và cũng giàu có nhất ở Anh. Tình bạn phát triển giữa đôi nam nữ trẻ tuổi này, nhưng họ còn quá trẻ, tình bạn đó không tiến xa hơn nữa. Họ chia tay khi gia đình Kennedy trở về Hoa Kỳ. Tuy nhiên, năm 1942, khi Kathleen trở sang Anh, hai người gặp lại và tình bạn đổi sang tình yêu.
Năm 1944, Kathleen giúp Billy Cavendish trong một cuộc vận động chính trị, nhưng không thành công.
Qua thời gian gần gũi này, họ quyết định tiến đến hôn nhân. Tôn giáo khác biệt đã ngăn trở cuộc hôn nhân này. Billy theo Tân giáo hội trong khi Kathleen là người Công giáo. Nàng không được phép kết hôn với Bill vì như vậy, đương nhiên nàng bị trục xuất ra khỏi giáo hội Công giáo.
Hai người bất chấp, và họ quyết định kết hôn bằng nghi lễ thông thường.
Trong thời gian đó, Rose Kennedy đau nặng và vào nằm trong một bệnh viện. Bà nghe cuộc hôn nhân của con qua lời một người nữ y tá, bà phải chuẩn bị đương đầu ngay với các ký giả đang túc trực bên ngoài cửa phòng. Bà quyết định sẽ không nói gì với các nhà báo, bởi vì bà không phán xét các người trẻ tuổi, các đứa con của bà. Vấn đề đó thuộc vể phần chúng. Bà chỉ nói như thế. Dĩ nhiên, bà biết rằng một cuộc hôn nhân như vậy sẽ không phải là một cuộc hôn nhân, ít ra là đối với những người trong giáo hội của bà. Con gái bà sẽ bị cấm nhận các phép bí tích và bị trục xuất ra khỏi Giáo hội. Nhưng bà vẫn không can thiệp. Kỷ luật bản thân đã giữ bà lại. Vả lại, bà biết rằng cùng kỷ luật bản thân ấy, đã chứng tỏ có trong Kathleen. Cuộc hôn nhân của Kathleen là hình ảnh cuộc hôn nhân của bà trong quá khứ.
Chuyện Kathteen bị trục xuất ra khỏi Giáo hội trở thành sự thật, vào lễ Phục sinh năm ấy, nhưng nàng đã trở thành bà Hầu tước phu nhân và cũng sớm trở thành goá phụ. Khi anh của nàng là Joe chết, nàng trở về Hoa Kỳ thăm cha mẹ. Trong lúc còn ở quê hương, nàng được báo tin chồng nàng, Billy Cavendish, chết vì nhiệm vụ. Sau ngày cưới, họ chỉ gần gũi nhau vỏn vẹn năm tuần lễ trước khi Billy thuyên chuyển sang Pháp, theo Trung đoàn Coldstream Guard và ngã gục khi Trung đội của ông đụng độ ở Normandie, giữa lúc ông được chọn là kẻ thừa kế duy nhất tước công của dòng họ ông ở Devonshire và Kathleen sẽ trở thành Đệ nhất phu nhân bên cạnh nữ hoàng Elizabeth và cũng sẽ là người cầm đầu nghi lễ của Hoàng gia. Được tin Billy chết, chính phủ Anh gửi ngay một phi cơ sang đón Kathleen. Liền ngay sau đám tang, nàng sống gần như ẩn dật, và được Giáo hội Công giáo thừa nhận trở lại. Nàng viết cho một người bạn: Thượng đế đã giải đáp giúp bài toán khó khăn cho anh ấy quá muộn màng!
Và mẹ của Billy đã viết cho bà Rose Kennedy, sau khi chồng nàng mất: Tôi muốn nói với bà về hạnh phúc mà Kathleen đã mang đến trong đời sống của con tôi. Cả hai kết hôn được bốn tháng.
Những năm sau cái chết của chồng, Kathleen tiếp tục sống ở Anh, vùi đầu vào các hoạt động từ thiện.
Nàng xa hắn gia đình, dù vậy, nàng không muốn rời quê hương của người đàn ông mà nàng hết lòng yêu thương. Sau đó, một ngày vào tháng 5 năm 1948, nàng nghe tin cha đang ở Ba Lê trên đường sang Riviera: Kathleen quyết định sang Pháp để gặp cha.
Sẵn dịp một người bạn, Earl Fitzwilliam, đáp phi cơ riêng đến Cannes để xem xét chuồng ngựa đua của ông ta ở đây, ông ta hỏi: Tại sao không cùng đi với tôi cho tiện? Nàng bằng lòng và cùng bay sang Pháp với Earl Fitzwilliam.
Khi đến không phận Pháp, gặp phải một đêm đầy sương mù, phi cơ vỡ tan đâm vào một ngọn núi gần một tỉnh nhỏ, thuộc vùng Privas. Cả hai, Kathleen và Fitzwilliam đều thiệt mạng.
Đó là cái chết ao ước của Kathleen? Có thể như vậy khi mà đời sống của một người trở thành vô vị thì cái chết là một dịp may. Đó là niềm an ủi đến bởi những người còn ở lại. Khi Kathleen được tìm thấy, nàng nằm thẳng thớm y như đang ngủ say, chỉ một vết cắt nhỏ trên đầu và một chiếc giày của nàng tụt ra. Dân làng mang xác nàng xuống núi và chuyển đến Privas. Người cha đau khố đến nhận xác con đưa về Anh và nàng được chôn bên cạnh chồng. Thế là cáo chung một thảm kịch, chấm dứt câu chuyện về người con gái thứ hai của gia đình Kennedy.

*

Ở một phần khác của thế giới, trong gia đình Kung, không có thảm kịch nào phù hợp mấy với thảm kịch vừa nói, mặc dù gia đình Trung Hoa này cũng có cô con gái út, cũng có kinh nghiệm về tình yêu và cũng chết. Mei Lan, tên của nàng.
Vì thời thế biến đổi, gia đình Kung lúc đó đã đổi mới và Mei Lan theo học đến bậc đại học ở Bắc Kinh.
Sau đó Mei Lan bị gia đình ép buộc kết hôn với một thanh niên mà nàng không yêu. Nàng không phản đối một tiếng nào. Tôi từng tham dự lễ cưới của nàng.
Đêm đó, trong chiếc áo thụng bằng nhiễu, tôi thấy Mei Lan xanh xao nhưng thật đẹp. Không có gì khác lạ, thái độ của Mei Lan vẫn tỏ ra đúng với tư cách người con gái của một đại gia đình Trung Hoa. Nhưng, đôi mắt của nàng, đôi mắt tối tăm ấy, tôi không sao quên được.
Ba ngày hôn lễ trôi qua, không có gì xảy ra. Vào sáng ngày thứ tư, tôi thức dậy sớm vì có người từ gia đình Kung sang gọi có việc khẩn cấp. Tôi đến và nhận thấy mọi người đều ủ rũ. Gia đình đã đẩy Mei Lan vào cái chết. Nàng treo cổ tự tử trong đêm. Từ phòng cưới nàng bước sang một căn phòng trống kế bên, nàng xé chiếc áo đã mặc ngày hôn lễ, thắt lại thành một sợi dây, cột một đầu lên xà nhà và đầu còn lại là chiếc thòng lọng. Khi người nhà phát giác, xác Mei Lan đã lạnh. Đêm đó, cũng trong thành phố này, người yêu của nàng tự bắn vào đầu. Thật dễ hiểu, đó là hai chết được thoả thuận.
Sau khi chôn con gái, Joseph Patrick Kennedy lủi thủi trở về xứ, trên chiếc du thuyền của ông. Trên đường về, ông gần như chui rúc trong buồng riêng và gần như không nói với ai tiếng nào. Khi bước lên đất liền, trước đạo binh báo chí, ông nhún vai: Không có gì để nói thêm.
Con gái ông, Patricia, gặp cha ở bến tàu. Họ ôm chầm lấy nhau và lặng lẽ ra xe. Rose, người mẹ, đang chờ ở nhà. Tôi kinh ngạc về mức độ bình tĩnh trong Rose Kennedy. Tôi có nhầm lẫn giữa sự bình tĩnh và năng lực hay không? Và từ đâu năng lực đã đến để bà chấp nhận những gì không thể tránh được? Tôi nghĩ rằng Rose Kennedy đã tin vào sự hiện hữu của Thượng đế, của một Thượng đế toàn năng, đã an bài, đã sắp xếp và đã cân phân. Sau các thảm kịch giáng xuống gia đình này, không lâu sau, thảm kịch lại nhắm vào người con trai út, Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy, qua tai nạn xe hơi. Rose Kennedy, bấy giờ đã tám mươi tuổi, tuyên bố: Đó là một thảm kịch vừa phải. Thượng đế không gửi đến một gánh nặng nào hơn gánh nặng mà chúng tôi có thể mang nổi... Điều quan trọng là làm sao chúng ta đuổi kịp các biến cố, mà không để chính biến cố đuổi kịp chúng ta. Tôi chắc Ted có thể làm được việc đó.
Một vài ngày sau đám tang của Kathleen, Rose quay lại với các chương trình trong đời sống thường nhật. Buổi sáng vào ngày lễ Mi sa, bà đến nhà thờ St. Francis Xavier lúc bảy giờ, trở về dùng điểm tâm với chồng, buổi trưa dầm mình trong hồ bơi, buổi chiều chơi gôn. Dưới sự bình thản ấy, có một cái gì không hoàn toàn êm đẹp, một cái gì có tính cách quyết định dữ dội, được nắm giữ ráo riết và cương mãnh. Rose Kennedy đang tìm cách để vượt thắng các biến cố.
Sau khi Mei Lan chết, tôi có đến nhà viếng bà Kung nhưng không gặp. Người tớ gái cho biết bà đến chùa cầu nguyện cho Mei Lan. Tôi vội đến ngay đấy.
Bà Kung đang đứng cúi đâu trong chánh điện, trước Phật đài miệng lẩm nhẩm vái van. Tôi hiểu, bà Kung, như Rose Kennedy, đang tìm cách để vượt thắng các biến cố.