Những Ngày Thôi Quanh Co (tt)

     ua khỏi ngã tư Thủ Đức, thêm một đoạn, bọn tôi chạy rẽ vào khu đầy bóng cây mát. Bảng và Minh chọn một đám cỏ xanh tốt dưới tàn cây rậm. Các cô bày biện đồ ăn, thức uống ra. Nhưng Minh và Hồng, Bảng và Yến chẳng chịu ngồi đó lâu. Họ nắm tay nhau thả bộ đi ra phía khác.
Thúy ngồi nghiêng, tóc rũ một bên. Tôi châm một điếu thuốc, mơ màng nhìn ra con đường đất trải nắng vàng. Tôi hỏi, ba má Thúy còn ở Quy Nhơn? Cô gật đầu, ba má còn ở ngoài ấy, em chỉ ở đây với ông anh và một đứa em trai. Rồi cô say mê kể cho tôi nghe về chuyện gia đình có, ông nội cô giàu có nhứt nhì vùng Qui Nhơn-Bình Định có khoảng một chục người con. Ruộng đất cò bay thẳng cánh, gia sản chất đầy nứt vách. Của cải phân chia đều cho con cái. Một ông bác chỉ lo đi chơi mèo mở, một ông cần kiệm, một ông bỏ nhà đi học võ dẫn con gái thầy trốn mất, ba cô chăm chỉ đời công chức. Các anh chị em cô đều thương yêu nhau, học hành siêng năng, đứa em trai út bốn tuổi dễ thương còn nói ngọng đã biết ca «tình yêu, em sợ tình yêu». Cô kể chuyện say mê quên mất tên khán thính giả ngồi bên lúc nào cũng chỉ chực phân tích tâm lý câu chuyện.
Cô hiếu thảo thật, chẳng bù tôi không có hứng thú mấy kể về chuyện gia đình. Ba tôi đi dạy học có viết một số sách giáo khoa bút hiệu Minh Văn. Cô chẳng biết cái ông mang tên Minh Văn là ai, nhưng vẫn chăm chú nghe, má tôi chỉ ở nhà lo cho gia đình, anh chị đều theo nghề giáo cả chỉ lọt sổ tôi đi cầm ống chích. Tôi thích viết văn có vài chuyện đăng báo. Trong bà con có vài người thích tham gia hoạt động văn nghệ. Cô thích thú khi nghe kể chuyện Trúc Phương là tên chị tôi, ông chú họ thích sáng tác nhạc, dẫn chiếc xe cán đinh xẹp vỏ đến nhà trình diện ba tôi. Ông hỏi ba tôi có hai bản thảo nhạc chưa in là Chiều Làng Em và Đò Chiều, nhưng chưa biết lấy tên gì cho nhạc sĩ. Tôi có người chị qua đời tên là Trúc Phương nên ông hỏi để lấy tên đó và sẵn mượn chút đỉnh vá xe và trả tiền ấn loát. Ông biến mất một thời gian, sau đó hàng loạt nhạc phẩm ra đời như Tàu Đêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Đường Chiều, Buồn Trong Kỷ Niệm, Con Đường Mang Tên Em... Thúy nói, nghe Thanh Thúy ca nhạc Trúc Phương thật là chết cũng không tiếc. Sau đó, tôi kể tiếp, ông dẫn về trình diện ba tôi và đám cháu, thím Trúc Phương. Bà thím đẹp và quá trẻ, nhỏ tuổi hơn cả người anh thứ tư của tôi. Bà góc người Bến Tre, mười sáu tuổi mê nhạc ông rồi bỏ đi theo ông luôn. Thúy hỏi, sau đó anh còn gặp lại ông không? Không còn gặp lại nữa. Đến Bông Cỏ May, Trên Bốn Vùng Chiến Thuật thì bặt tin luôn. Tôi lại kế tiếp chuyện người khác cho Thúy nghe. Có lẽ câu chuyện hấp dẫn lắm rồi, Thúy vuốt tóc ngồi xoay lại gần tôi hơn. Đôi mắt mở lớn, nghiêng tai, liếm đôi môi mọng. Chút xíu nữa tôi đã hôn lên môi đó rồi, bậy quá. Thúy có hay đọc truyện không? Có chứ, cô trả lời. Thế, tôi kể cô nghe chuyện một văn sĩ. Bà là chị em cô cậu, tên Nguyễn Thị Thụy Vũ. Thúy kêu lên, em có đọc truyện của bà. Tôi nói, bà góc người Vĩnh Long, con ông cậu tên là Mặc Khải. Thúy lắc đầu, chẳng biết ông Mặc Khải là ai. Buồn quá, nhưng đừng nói cho cậu biết rằng cô chẳng biết ông là ai. Sông Nước Cổ Chiên với tên Mặc Khải, ai cũng biết hết, nhớ không? Thúy gật đầu. Bà Thụy Vũ bỏ Vĩnh Long lên Sài Gòn, cắt ca cắt củm bản thảo «Mèo Đêm», bà ở nhà ba má tôi đi dạy Anh văn cho các cô me Mỹ. Nếu không có Hồ Trường An thì có lẽ không có tên Nguyễn Thị Thụy Vũ đâu. Thúy hỏi, Hồ Trường An là ai vậy? Tôi đáp, là em của Thụy Vũ, là người đốc xúi, nói khôn, nói dại, bày đường dẫn lối cho bà chị. Thế ông ta làm gì? Anh ấy viết báo kịch trường, phê bình ca sĩ, và hay đi rong chơi.
Chuyện văn lằng nhằng đến lúc xế trưa lúc nào không hay. Hai cặp bạn mất hút không thấy tăm hơi động tĩnh gì. Bọn họ cũng làm ăn kỹ thật.
*
Một điều gì đó thay đổi rất lớn. Tôi không thích cơm nhà bàn của đại tá nữa, nhưng không sao miễn là đừng sụt cân là được, để khỏi bị bắt lên bàn cân hàng tuần. Tôi cảm thấy ngột ngạt hơn trong khung cảnh trường, bực bội vì chuyện điểm danh, kiểm súng, kiểm quân phục, diễn hành. Tôi gặp Thúy thường xuyên, tuần vài ngày có khi hàng ngày. Nhưng chẳng có gì tiến xa hơn ngoài chuyện vãn lông bông. Chiếc xe tôi không còn quen đường cũ về trường Quân Y, nó thuộc đường mới nhanh chóng, cứ ra khỏi trường y khoa là phóng ngay về Phạm Viết Chánh.
Tết lại sắp đến trong cảnh hỗn loạn chiến tranh trên đất nước. Người ta không còn nôn nao chuẩn bị Tết như ngày xưa nữa. Không còn cảnh treo đèn, treo hoa, hay lau chùi sơn phết nhà cửa. Không còn cảnh chùi bộ lư đồng. Những cảnh bếp lửa ấm cúng với nồi bánh tét sôi sùng sục còn tồn tại. Thúy báo cho tôi biết cô và anh em phải trở về nhà ăn Tết với cha mẹ hai tuần lễ. Cô cho tôi biết ngày trở lại. Tôi mua vài món quà gởi cho các em Thúy nhưng cô không nhận. Tôi đề nghị đưa Thúy ra bến xe nhưng cô từ chối. Tôi cảm thấy sắp mất điều gì đó lớn lao trong tôi. Cô say mê nói chuyện về gia đình, cha mẹ, anh em, về cái xứ Qui Nhơn lạ hoắc, có bờ biển, có tôm cá, có những hòn đảo để đi chơi hè rất vui. Tôi không cần biết những thứ đó, cứ giả vờ lắng nghe, nhưng chúng lọt vào tai này qua tai kia chạy biến mất ngay. Tôi chờ đợi cô nói một điều gì buồn khi cô phải xa thành phố này vài tuần. Những con đường Hồng Thập Tự, Phan Đình Phùng đầy bóng mát, những quán cà phê buổi tối, những bản nhạc dịu dàng, những buổi đi chơi vui nhộn. Tuyệt nhiên chúng không được nhắc tới. Chúng mất hút nhanh chóng, dễ dàng trong trí nhớ cô, như số phận tôi vậy thôi, một tên sống cũng như chết. Chắc tôi phải làm cô hồn trong những ngày sắp tới.
Thúy đi rồi, tôi chẳng muốn đi chơi với đám Minh, Hồng, Bảng, Yến nữa. Viện cớ mẹ già sức khỏe yếu phải về nhà hàng tuần. Thật đúng là tên bất hiếu nhất trên đời, những khi chán nản về cuộc sống mới ló mặt về nhà. Ba má tôi cũng ngạc nhiên nhưng cứ nghĩ thi cử xong xuôi, đứa con mới có được thời giờ rảnh về nhà, tội nghiệp nó.
Tin chiến sự dồn dập bay về, những trận đánh không gặt hái kết quả tốt lắm dân chúng càng thêm hoang mang. Địch vẫn lấn chiếm những phần đất ngoài Trung. Sinh viên học sinh không thể nào ngồi yên học được. Trong trường Quan Y bộ chỉ huy đã ra kế hoạch phòng thủ. Giao thông hào được đào quanh trại và khu nội trú sinh viện Quân Y. Lệnh gioi nghiệm một trăm phần trăm sau tám giờ tối.
Chiều hôm đó từ trường y khoa trở về, tôi gặp Minh ngoài bãi đậu xe, hắn nói, Thúy về chiều nay, tao và Hồng đi đón ngoài bến xe. Tao biết. Mày biết sao không đi đón cô ấy? Tao định đi đây. Thúy mời bọn mình đến ăn cơm chiều mai. Vậy hả, tao đi đây. Chiếc xe chưa tắt máy, lại bị quay đầu chạy băng qua vũ đình trường ra khỏi trường Quân Y. Buổi chiều xe thật đông, chiếc xe như con ngựa bất kham, lòn lách qua những khoảng trống. Gió ù ù thổi bên tai.
Thúy đang đứng bên cửa sổ. Tôi dừng xe ngay cổng nhà. Cô chạy ra, vui vẻ nói, em về tới chiều nay. Tôi gật đầu. Thúy đi đường có mệt lắm không, tôi hỏi. Cô lắc đầu, không mệt, chỉ mong trở về đây thôi. Tôi thở ra một hơi dài như mắc nghẽn suốt hai tuần nay mới được thông. Thúy nói, đi uống cà phê đi. Thật là một đề nghị dễ thương. Tôi quay xe trở lại. Ra khỏi con hẻm nhỏ, băng qua Phạm Viết Chánh, quẹo về Hồng Thập Tự, tôi vẫn thích con đường này, rộng rãi, nhiều bóng mát. Thúy hỏi, sao không thấy anh ra bến xe chiều nay? Tôi đáp, bận việc ở nhà thương. Thúy nói, chỉ thấy Minh, Hồng, Bảng, Yến nhưng ngó mãi không thấy anh. Kẹt phụ mổ với anh bác sĩ hướng dẫn, tôi đáp. Thúy nói nhỏ, em chờ mà không thấy anh đến. Giọng nói rất nhẹ pha lẫn âm nghẹt mũi. Tóc Thúy phủ xuống gáy phất ra trước mặt tôi. Tôi buông tay ra cầm tay Thúy đang nắm yên xe. Bàn tay thật mềm và êm dịu. Tôi quàng tay Thúy qua hông, cô ngã người vào lưng tôi. Một luồng hơi ấm lạ lùng, tôi cảm thấy lan tỏa khắp thân thể. Xe cứ tiếp tục chạy đều. Cầu mong con đường Hồng Thập Tự dài hơn như nó đã từng. Bây giờ, tôi không còn cần cái áo treillis dày của đại tá nữa.
Tôi không cần đến một nơi nào cả, cứ đi về phía trước, thẳng đường. Chúng tôi không nói gì, nhưng chính thật nói với nhau rất nhiều. Bàn tay Thúy hơi cựa quậy, xoay lại, những ngón tay thon nhỏ đan vào tay tôi. Những sợi tóc vẫn nhẹ nhàng mơn trớn sau gáy và bên mặt tôi. Hơi ấm dịu dàng u sau lưng tôi. Chiếc xe qua khỏi Thị Nghè, rẽ trái một đoạn xa lộ Biên Hòa, qua cầu Phan Thanh Giản, sang Đinh Tiên Hoàng, trở lên Phan Đình Phùng, con đường nhỏ dài nhiều bóng mát.
Tôi nói nhỏ, Thúy. Dạ! Mình đi đâu. Không biết. Nhưng quá bảy giờ rồi, anh phải vào trường. Không cần! Không được, anh đừng xao lãng chuyện học. Cảm ơn Thúy đã cảnh tỉnh hồn sa tăng. Cảm ơn An, giữa niềm vui, nhớ về người bạn cũ, đã yên dưới lòng đất lạnh.
Chiếc xe qua Lý Thái Tổ, vọng về Phạm Viết Chánh, rẽ vào con hẻm thân thương. Buổi tối yên lặng, mọi người đã đi hết rồi. Chúng tôi bước vào nhà. Thúy quay lại, thế đủ rồi. Tôi ngã lưng vào tường, Thúy ngã người vào tôi. Tôi ôm vào một ấm áp nhất đời tôi, chưa từng có trong những ngày đã qua. Cái dáng dấp mảnh mai, yếu ớt, khuôn mặt dịu dàng, hương tóc nồng nàn ấy, là cả một bầu trời trong sáng mở rộng, là cả niềm tin bền vững cho tôi. Cúi xuống, gần lại, tôi nhìn thấy một vùng tình yêu ấm áp. Bờ vai gầy, dốc cổ thon, tôi hôn lên gò má, tìm về đôi môi đang run rẩy chờ đợi. Một ngọt lịm thấm suốt hồn tôi, đầu lưỡi rụt rè, những chiếc răng ngây thơ chạm khẽ.
Một cơn gió khẽ lay tấm mành mành bên cửa sổ. Thúy hơi cựa quậy dụi đầu vào vai tôi. Lần này, mạnh hơn tôi ôm ghì lại, như muốn giữ Thúy vào tận trong lòng tôi. Lần này, như bảo táp trên môi, trên mũi, trên má, trên mặt. Thúy chợt lắc khẽ đầu, em không muốn anh vào trễ bị phạt, gần tám giờ rồi.
Tôi buông Thúy ra, giữ bàn tay, nắm lại, như muốn lấy thêm phần nào đó ấm áp. Thúy nói nhỏ, mai gặp lại nghe. Thúy hôn nhẹ lên má tôi. Thật là một đòn đánh trúng ngay tử huyệt. Tôi đứng lặng người, như muốn bay, như muốn ngã quị, như muốn giữ cái hôn đó mãi mãi. Tôi hôn nhẹ lên má Thúy, nàng áp bàn tay lên mặt tôi.
Thúy đẩy tôi ra ngoài. Tôi khép cổng, nhẹ nhàng cài móc lại. Tôi khẽ đạp máy xe, nhẹ rồ máy. Tôi chỉ sợ làm bể vụn tất cả mọi vật chung quanh tôi. Bây giờ về thẳng trường Quân Y, không còn phải quanh co đi đâu hết.
Không có gì không quan trọng cả.