Chuột thành phố

     rong cơn khói lửa, nhiều tập bản thảo của những anh em trong văn giới mà chúng tôi được giữ bị mất mát hết cả, không còn gì. Một sự tình cờ lạ lùng đã khiến cho chúng tôi lại thấy tập này: truyện Chuột thành phố của một cây bút rất quen thuộc trong tuần báo Tiểu thuyết Thứ bảy.
Bạn Tô Hoài hiện giờ còn xa vắng, chúng ta ở đây mà có một quyển truyện như Chuột thành phố đê đọc trong lúc này, thật quý.
Chúng tôi xin nói thêm rằng truyện Chuột thành phố của Tô Hoài viết năm 1945 là lúc quân phiệt Nhật đưong tràn lan sang đất nước ta.
(Mấy lời của NXB Tân Dân 1949 ở Hà Nội)

I

Từng chặng đèn ở khắp nơi, sáng rực lên. Thành phố Sài Gòn chói lọi trong ánh sáng. Mặt trời vừa khuất sau những mái lầu bên phía tây, đèn điện bật lên như ngăn trở không muốn cho đêm tối bén mảng đến. Người ở các ngả các xó lũ lượt ngổn ngang từng đoàn từng lũ kéo ra ngoài đường. Họ đi hóng mát. Vào các tiệm, uống ly cà phê, ly nước đá chanh, ly bốc la-de. Có người ăn hủ tíu, một đĩa bánh hỏi, bánh đập... Người ta ăn và uống rầm rĩ, túi bụi lên. Cảnh sống ban đêm của cái thành phố ánh sáng này đông đảo gấp mấy ban ngày.
Cùng với sự sinh hoạt rầm rộ nọ, có một sinh hoạt khác, cũng tấp nập, cũng đông đảo chẳng kém. Ấy là khi đêm lần lần về khuya, người dần dần vắng bớt đi. Ngoài đường, những ngọn đèn nhiều nến được tắt bỏ, đem về cho thành phố những nét dịu dàng mới. Bấy giờ, mặt đường tròn bóng. Người qua lại lác đác. Rồi thỉnh thoảng mới thấy một hai người đi chơi về khuya hoặc vụt qua một bóng xe đạp của thầy mã tà.
Đó, lúc đó, một thế giới hoạt động khác nổi lên. Trong các khe rãnh, các lối cống hai bên vệ đường, họ ra nhiều không thể đếm xiết. Họ đi mò mò. Nhiều lúc, vụt một cái, nối nhau chạy loắt nhoắt, loắt nhoắt vượt qua mặt đường cánh cung, bên này sang bên kia. Đó là khi đi chơi tiêu khiển, hoặc cũng là khi đi uống ly cà phê, ăn đĩa bánh hỏi, chững chạc như mọi người ta. Thành phố của loài người nhưng quá nửa phần đêm về sáng nó thuộc về thành phố của họ.
Ấy là loài nào? Thưa, loài chuột, họ chuột chúng tôi. Phải, chúng tôi gớm ghê như thế đó, chứ sao. Chúng tôi thực xứng đáng với cái địa vị được đem ví von với loài người. Này, thử để ý xem: khắp bốn bể năm châu, chỗ nào có vết chân người, tất chỗ đó có vết chân chúng tôi. Người ở đâu, chúng tôi ở đây. Người ăn gì, chúng tôi ăn nấy. Chúng tôi chỉ hơi khác khác với họ một điều. Như họ thì to lớn, mà chúng tôi thì bé, chỉ bé bằng cái cẳng tay người ta. Tiện đây xin cải chính một điều. Xưa nay, thiên hạ tưởng chúng tôi không biết nói. Xà! Bậy hết sức. Chúng tôi đây cũng biết nói như ai chớ! Chí chí, chúng tôi nói đó. Chúng tôi nói tiếng của chúng tôi. Cũng như người nói tiếng của người. Có cái ngôn ngữ bất đồng, nên cứ tưởng lẫn như vậy. Mà nói về những điểm hơn loài người chúng tôi đây lại còn hơn nhiều. Họ nói, chúng tôi nghe được rõ ràng từng tiếng và họ không nghe được tiếng chúng tôi. Chúng tôi, mới sinh ra đã có râu, có răng. Trẻ con nhà các người nứt mắt đâu đã có răng, đâu đã có râu! Ấy là chưa kể đến cái đuôi dài và nuột nà rất mỹ thuật của chúng tôi, loài người không bao giờ có thể có được rồi. Kém những chỗ ấy nhé!
Nhưng mà hỡi mọi người, mọi người yêu quý của tôi, tôi nói khuếch khoác thế, tất ai đó hẳn đã tức lắm. Chắc có người toan mắng: “Chuột nhép, sống núp bóng ngưòi ta, bặng nhặng cái gì? Ông lại mua con mèo về thì có mà bỏ đời...” Thôi, thôi xin ai đừng mua ông mèo về. Tôi nói đùa mà chơi đấy. Thực ra xưa nay chúng tôi vẫn tôn phục loài người. Người đã làm nhà để cho chúng tôi có nơi ở ké. Người lại làm ra cái bếp để nấu nướng thức ăn, khiến cho chúng tôi có chỗ ăn kẹ. Thỉnh thoảng, người ta lại nuôi một vài chú gà con, để cho các chuột cụ trổ tài quắp trộm.
Chúng tôi lại biết rằng, loài người cũng chẳng khác loài chúng tôi. Ai ai cũng phải làm việc, để mưu sự sống còn. Biết bao nhiêu chông gai đầy rẫy trong lối đi của con đường đời. Vất vả quá, cực nhọc quá. Nhưng có vất vả, có cực nhọc mới đáng được sống ở trên đời, phải không.
Nói chi ai, như tôi đây. Tôi chỉ là một chàng chuột nhỏ bé trong cái quần chúng chuột ở khắp thế giới. Đời sống của tôi cũng vất vả, cực nhọc lắm nhưng tôi không lấy điều đó làm buồn, trái lại nữa. Tôi vui vì những luân lạc cũ. Tôi vui vì nỗi, có lăn lóc, đời mới dạy cho mình được lắm điều hay.
Tôi chắc bạn đọc yêu quý đương đợi tôi kể cho nghe một cuộc đời phiêu lưu, mạo hiểm chi đó. Bởi tôi biết các bạn thích loại chuyện này lắm. Không, đây chỉ là chuyện của đời tôi. Nó có được như những phiêu lưu, những mạo hiểm thì còn phải hỏi lại xem thế nào đã. Tôi chỉ biết rằng tôi muốn nói về những sự gian nan của một cuộc sống, khi ta phải
tranh sống để kiếm miếng ăn. Và tôi cũng muốn nói tới một sự giác ngộ cao cả mà tôi đã nhận được, sau nửa đời lăn lóc.
Hôm nay, vui câu chuyện với các bạn yêu quý, tôi xin kể.

II

Khi còn ít tuổi hơn bây giờ, tinh tình tôi khá kỳ khôi. Tôi cũng không còn nhớ rành rọt mấy. Nhưng có điều nhớ chắc là tôi rất huếnh hoáng và rất nóng nẩy.
Tôi hay soi bóng vào trong vại nước. Tôi gật gù cho tôi là một trang thiếu niên anh tuấn, là một mã thượng phong lưu khách chi đó. Ôi chao, này này các chú thử ngắm tôi mà xem. Đầu tôi nhỏ và nhọn hoắt. Những anh chuột đầu nhỏ, thường là thông minh. Tôi thuộc vào hạng chuột nhỡ. Mình tôi phủ một lượt lông mượt bóng như nhung nõn. Hai hàng ria mép của tôi dài vênh lên. Bốn chân tôi nhỏ nhắn. Đôi mắt tôi long lanh.
Cả ngày, tôi soi ngắm bóng mình, tôi lại nhởn đi đàn đúm với một lũ trong xóm, cũng trạc tuổi với tôi. Tôi làm trùm bọn họ. Bởi tôi chạy nhanh, tôi nhảy, tôi khỏe mà lại biết võ. Biết võ? Tôi biết võ. Rồi tôi rong chơi lu bù. Có khi tôi đi mất mặt đến mấy ngày.
Thời đó, tôi ở với anh chị tôi. Mỗi bận đi chơi về, chị dâu thường cằn nhằn, rầy la tôi. Tôi lấy làm khó chịu. Tôi cho chị tôi là một ả lắm điều. Có một lần, anh tôi mắng tôi:
- Mày chưa kiếm nổi cơm ăn, thì tao bảo gì phải biết nghe? Sao lại cứ chơi nhông cho hư thân mất nết đi.
Tôi cãi:
- Anh không được bỉ tôi như thế. Sao anh lại bảo tôi là không kiếm nổi cơm ăn.
- À, mày cũng lý sự giỏi nhỉ? Mày lý sự cùn, biết không? Mày giỏi nói, mày hãy đi mà kiếm cơm lấy, tao xem!
Tôi hếch mõm, cười nhạt:
- Anh đã đuổi, tôi xin đi...
- Mày đừng nói nặng. Tao không đuổi mày, nhưng...
- Nhưng anh đã nghe xúi bẩy mà đuổi tôi thì cũng thế.
- Tao nghe ai?
Tôi đáp lừng khừng:
- Nghe ai thì anh biết.
Anh tôi cười nhạt:
- Tao hiểu rồi. Mày nghi cho chị dâu đã xui tao. Vì mỗi khi mày đi chơi lếu láo ở đâu về chị thường nói này nói nọ. Đừng ngờ xằng như vậy. Cái gì phải nhìn tận mặt, vạch tận trán hãy nên mở miệng. À, mày cũng khá nhỉ? Tao chỉ nói có thế, mà mày dám bảo rằng “anh đuổi tôi”. Được, đi hay không, tùy ý. Mày đã lớn rồi đấy. Ra ngoài đường, trông cái nọ ngó cái kia, cho rạn bớt kẽ mắt ra. Cũng phải.
Tôi quyết định rồi. Tôi quyết định chẳng ở với anh. Tôi phải đi chứ. Dủ sao, tôi cũng cần có một cuộc đời riêng của tôi, không ỷ lại. Hôm sau tôi xin phép đi, tôi đội ơn công anh chị nuôi tôi bấy lâu. Tôi thành thật nói thế.
- Mày đi thực à?
- Xin anh chị đừng tưởng tính tôi nóng nẩy hay tôi giận dỗi gì anh chị. Không phải thế. Tôi đi là vì cuộc sống của tôi.
Anh tôi gật gù, liếc mắt nhìn tôi:
- Được, mày muốn đi thì đi. Nhưng tao cũng cứ dặn thêm mày rằng khi nào muốn về thì cứ trở về tự nhiên.
Chị dâu tôi còn tha đến cho tôi một miếng thịt gà. Có cái ý ngầm rằng chị chẳng lòng nào mà ghét bỏ em đâu. Tôi biết thế. Tôi ơn chị và gặm miếng thịt ngon lành.
Kể từ hôm đó, tôi đi khỏi nhà anh chị tôi. Lòng đầy hy vọng mới mẻ. Việc trước mắt, tôi đi tìm các bạn chơi của tôi mọi ngày. Để báo tin cho họ biết rằng từ giờ thì lúc nào tôi cũng có thể đi chơi với các anh em được. Tôi thấy họ hơi ngạc nhiên. Rồi một anh hỏi:
- Mày bỏ nhà thực chứ?
- Sao lại không thực! Tao đi, một điều chúng mày chẳng vẫn ao ước đó sao?
Tôi đáp thẳng thắn:
- Tao ăn với chúng mày. Chúng mày vẫn thường mong được có tao ăn chung đó sao?
Một thằng đạo mạo, thủng thẳng nói:
- Thưa quý hữu! Bạn bỏ nhà đi như thế, thực là một điều dại dột. Mọi khi, chúng tôi vẫn nói láo lếu thế chứ sự thực làm sao mà kiếm ăn, nuôi thêm được bạn. Các nhà ở xóm này, người ta cất thức ăn kỹ quá. Chúng tôi gầy rụng cả lông đi đấy... Bạn hãy trở về với anh chị của bạn. Ản cho no, ngủ cho kỹ. Rồi thỉnh thoảng, lại đây, anh em ta khiêu vũ chơi, có phải thích biết bao nhiêu.
Tôi tức quá:
- Chúng bay là những đồ tồi. Chúng bay sợ thiệt, đuổi tao đi đó phỏng? Thực tao không ngờ. Nhưng mà, được được. Tao cũng không cần chúng bay. Trước khi tao đi, chúng bay có giỏi, ra đây tỉ thí với tao một keo.
Tôi vồ một thằng đứng gần tôi nhất, nhay cho nó một miếng. Lập tức, cả bọn chúng xúm lại chiến tôi. Giá cứ đánh nhau tay đôi, tôi quyết chơi chết có thằng. Nhưng chúng đông quá. Những tên nào xưa kia kể vào hàng thân nhất của tôi, thì bây giờ lại càng giả tôi đau tợn. Đau quá, tôi ngã lăn chỏng bốn vó lên. Chúng bỏ chạy vào các hang, rồi lẩn thẳng. Giá tôi có chết ở đấy, chắc cũng đành là thối mạng.
Bò dậy, tôi nhìn quanh quất, không có bóng vía một tên nào. Tôi buồn và cũng nản hết sức. Buồn cho tình bạn, chán cho cảnh đời, vời trông tương lai mờ mịt. Chao ôi! Tôi chắc chúng nuôi tôi. Tôi chắc chúng quý tôi. Tôi chắc chúng...
Hão tất. Chúng lại còn đánh tôi là đằng khác. Ra tranh sống với thiên hạ, không phải dễ dàng đâu. Anh ơi! Lúc này em lưỡng lự muốn quay về.
Tôi tự gạt ngay đi những ý tưởng đó. Xảy ra sự đáng tiếc này, chẳng qua là bấy lâu nay tôi mù, tôi chọn lầm bạn. Không nên vì một thất bại mà đã ngã lòng.
- Phải đi chứ! Phải đi!
Tôi nghĩ luôn thế. Trong im lặng, tôi lồm cồm chui ra ngoài bãi cỏ trước ngõ.

III

Bấy giờ đương là ban đêm vắng vẻ. Tôi bò đi dễ dàng qua một quãng dài, lần hết phố nàv tới phố khác.
Tôi quyết đi thực xa. Xa nhà của anh chị tôi. Và xa chỗ ở của lũ bạn xấu kia. Tôi muốn sống riêng biệt.
Trong cái thành phố đồ sộ này, tìm đâu mà chẳng ra một chỗ để nương náu tấm thân. Tôi kiếm, tôi ra kiếm mãi. Nhà cửa, đường sá và bờ bãi thì rộng thực, nhưng tìm một chỗ nương thân không phải dễ. Khắp nơi nơi, chỗ nào cũng đông nghịt. Có lẽ trên ván có bao nhiêu người ngồi thì dưới gậm, trong xó, cũng có gấp đôi từng ấy chuột.
Mãi sau, tôi cũng tìm được một nhà. Nhà này khá lắm, không ngờ mà tôi lại khéo tìm như vậy.
Căn nhà hai tầng, tường vàng hoe, cửa chớp màu xanh nõn. Tôi thong thả bước vào, mát mẻ, thánh mãnh lắm. Nhà ít người ở, mà lại rộng rãi, nên tôi tha hồ sạo sục, chẳng một ai nhòm thấy. Nhưng có một điều lạ, không có dấu vết một nhách chuột nào đã ở đây. Chẳng lẽ mà họ lại chưa tìm tới chỗ rộng rãi này, trong khi ở những nơi khác phải từng đàn mấy chục mống chen chúc? Tôi chạy nhoăn nhoắt hết nhà trên xuống nhà dưới. Tôi lại cố ý kêu lên mấy tiếng. Chẳng có ai đáp lời.
Ra sân, vục mõm vào máng bể, tôi uống một ngụm nước lã. Nước bám lên hai bên mép ria tôi. Tôi đứng rún rê, rung hai làn ria, ngẫm nghĩ.
- Cha chả là sướng! Chưa ai đặt chân đến chỗ này. Ta là kẻ đến đây trước tiên. Tha hồ tung hoành. Đứa nào đến sau, phải vào hàng tôi tớ của ta. Ta sẽ có biết bao nhiêu là bộ hạ.
Tôi lừng khừng bò vào. Tôi chui xuống gầm cầu thang, đánh một giấc ngủ ngon lành.
Đến chiều, tôi thức dậy, bởi tiếng kèn hát kêu ọ ọ bên tai. À ra bữa cơm chiều đã xong, nhà người ta đương mở máy kèn hát nghe chơi. Nhà này chỉ có hai vợ chổng, hai đứa con và một anh bếp. Có con chó Ki Ki to bằng con bê lúc nào cũng nằm chồm chỗm đầu hè. Tôi ở trong khe, trong ngách, dù có trông thấy tôi, Ki Ki cũng chẳng làm gì tôi tốt.
Tiếng kèn hát vui quá. Có lẽ tôi cũng bò ra nghe chơi. Nhưng bụng tôi đã đoi đói. Tôi nghĩ mình cần phải ăn. Giờ ăn của người xong, bây giờ là giờ ăn của tôi. Tôi đủng đỉnh xuống bếp. Còn cái gì tôi chén tuốt. Có ai vào đây nữa, mà ăn tranh. Con Ki Ki đã có phần của Ki Ki. Chỉ một mẩu bánh, một miếng thịt là đủ bữa ăn ngon của tôi.
Tôi vào bếp. Ồ, cái bếp lạ dữ! Một căn buồng vuông vắn, chiếc ống khói cao ngút và một cái tủ vuông chằng thép mắt cáo. Trong tủ, treo lủng lẳng mấy miếng thịt bò, lăn lóc mấy cái củ đậu. Ngoài ra, trên gạch, trên tường, sạch như lau, không một thứ khả dĩ có thể bỏ vào miệng được. Tôi tìm đến chậu nước vo gạo. Nước vo gạo không có một giọt. Mà thùng đựng rác thì tịnh chẳng thấy đâu.
Tôi đành ôm bụng móp, mò lên nhà trên. Lại đánh mấy ngụm nước lã, rồi ngủ kềnh ở một xó gậm thang gác. Sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm. Tôi đánh hơi được một mùi lạ lùng ghê gớm. Hai cánh mũi tôi nở hếch. Cả những chiếc răng nhọn cũng thò ra. Tôi hít vào những hơi thực dài. Ra đó là mùi thịt bò xào hành tày. Thịt bò xào hành tây thì thơm hết nói, thơm điếc cả mũi. Tôi muốn nhảy ngay xuống bếp. Nhưng vừa thoáng có con Ki Ki đi qua ngoài thang gác, tôi phải đứng nán lại. Ki Ki ra ngay ngoài đầu thang, nằm ịch xuống ngủ gối đầu vào hai chân trước. Hết lối ra của tôi. ức quá, tôi lầm bầm rủa nó. Nhưng sau tôi cũng tìm được một lối khác trèo xuống bếp. Tôi thấy anh bếp vẫn đương khua hai đầu đũa vào chảo thịt. Khói thơm bốc ngạt ngào. Tôi cứ đứng trong xó mà hít bằng mũi, hít bằng mõm và muốn hít cả bằng mắt, bằng tai nữa. Chẳng bao lâu, anh bếp xào xáo đã xong. Anh đổ thịt vào một cái đĩa to rồi bưng lên buồng ăn trên gác. Trước khi bưng đĩa thịt lên, anh đem bỏ cái chảo ra ngoài vòi nước máy, vặn vòi nước chảy xuống ồ ồ. Không nhẽ tôi lại đi theo anh lên buồng ăn. Có phải người ta làm cho tôi nhắm đâu mà tôi dám đi theo. Cái khôn ngoan của tôi, nếu tôi hiểu, là phải đứng nguyên dưới bếp, đợi khi anh mang đĩa thịt xuống, còn miếng nào tôi chén miếng ấy. Tôi đứng yên mà đợi anh bếp.
Chàng đã xuống, hai tay bưng khư khư cái đĩa. Tôi mừng quýnh, suýt nữa kêu bật ra thành tiếng. Nhưng cái đĩa chỉ còn là cái đĩa không. Một chút nước mỡ, anh ta cũng ngửa cổ liếm sạch. Rồi rửa bát, cất bát vào chạn.
Xét ra, ở trong cái nhà này, cái gì có thể ăn được, họ đều cho vào cái chạn chăng lưới mắt cáo khóa tách lại. Tôi mất đường làm ăn! Nhà này không có vại gạo, không có chĩnh nước mắm, không có những đồ bếp núc như mọi nhà khác. Thực ra, tôi cũng chỉ mới biết được có cái nhà của anh chị tôi ở, từ tâm bé tới giờ.
Tôi lại bị đói một bữa nữa. Tôi vốn háu đói. Mới chỉ đói thế vậy, mà đã nôn nao, choáng váng cả người. Đói, lại uống nước lã, lại ngủ. Ngủ cũng là cách để quên đói. Nhưng đói quá, rồi cũng không thể nhắm mắt mà ngủ được. Hai mắt tôi thao láo. Uống mãi nước lã, bụng xót như cào. Cứ thế, liền ba bốn ngày không bói được vật nhỏ gì bỏ vào miệng.
Cho đến ngày thứ tư, tôi đành phải bỏ đi. Tiếc căn nhà rộng rãi, kín đáo, ngăn nắp quá. Nhà đẹp, nhưng không có cái ăn, cũng chẳng thể ở được.
Tôi chui xuống công, lủi thủi. Khốn nạn, còn mấy nả hơi sức mà chẳng bò lủi thủi. Bốn năm ngày nhịn đói. Bụng tôi tóp xuống, giơ hai hàng xương sườn. Tai tôi rụng trắng cả da. Bò được một quãng xa, tôi vừa đứng lại nghỉ, thì đụng đầu với một gã chuột. Anh này cũng trạc tuổi tôi, nhưng béo mập đến cả đuôi. Anh ta hỏi tôi:
- Đi đâu mà cử rử vậy?
Tôi không trả lời, chỉ dùng đuôi mà trỏ vào căn nhà hai tầng phía sau lưng. Anh ta cười ha hả:
- Nhịn đói phỏng?
Tôi gật.
- Mấy ngày rồi?
- Bốn.
- Dáng hẳn đằng ấy ở vùng khác đến?
Tôi gật.
- Thảo nào. Vùng này, ai còn lạ cái nhà đó. Nhà gạch, mái ngói nhưng không thể xơ múi gì.
- Tại sao thế?
- Họ ăn com tây chứ sao! Không có gạo. Không có nước mắm. Nghĩa là không có thứ gì ta lấy được. Ở đấy thì chỉ chết đói nhăn răng ra.
- Tôi không ngờ...
- Cũng nên ngờ một chút chứ. Đằng ấy tính, cái nhà gạch đẹp đẽ thế kia, làm sao mà cánh ta không có ai đến ở? Ắt cũng vì cớ gì chớ? Thôi, tôi kkuyên bác, từ giờ có đi kiếm ăn, đừng bén mảng vào những cửa nhà giầu mà nguy hiểm.
Bỗng nhiên, tôi run rẩy khắp người.
- Sao thế?
- Không... hề... gi...
- Nóng lạnh phỏng?
- Không...
- A, bệnh đói rồi. Để tôi cho một miếng.
Nói xong, anh ta chạy miết. Một chốc, anh tha đến cho tôi nửa quả chuối tây. Tôi ngoạm đâu có độ ba miếng, hết nhẵn thì cũng tan cơn run rẩy, dạ đã nguôi nguôi.
- Thưa, tên anh là gì?
- Họ kêu tôi là Chuột Lốc, bởi tôi béo tròn lông lốc.
- Ơn này, không bao giờ dám quên. Em mong có ngày tái ngộ.
Chuột Lốc cười:
- Có hề gì. Anh em giúp nhau là sự thường.