Chèo bẻo đánh quạ (4)

Mùa xuân trở về lúc nào, làn gió ấm nhẹ cả người thổi đến đuổi cái rét mướt sang bên kia núi.
Mặt nước tự dưng trong veo. Một chiếc thuyền đủng đỉnh qua. Nhà chài đi lưới đơm hay vớt đó cá, không biết.
Đã trông rõ chiếc thuyền thúng đi vớt rong. Ở rừng thông, từng đàn bướm bay ra. Bướm vàng, bướm trắng rập rờn quanh các gốc. Những con ngài được hơi nắng ấm, vừa nở thành bướm cánh. Không biết nữa, cánh bướm non chấp chới hay là làn gió rón rén đến rung cho bướm học bay.
Những con Sẻ nhảy chuyền trên cành thông. Mấy lâu, Sẻ tránh rét trong hốc cột. Sẻ ra hỏi thăm ngoài hồ xem các anh Bồ Nông có còn ở đấy không, hay đã trở về phương ấm áp rồi. Hôm trước, Sẻ xuống nhặt thóc rơi trên mạn thuyền, đậu nhầm cả xuống lưng Bồ Nông đứng rình mồi ven nước. Mà anh Bồ Nông hiền, Sẻ đứng nặng trĩu lưng mà vẫn yên lặng, không rũ mình. Từ đấy, Bồ Nông và Sẻ thành bạn.
Những chiếc thuyền lủa tủa thấp thoáng mặt nước như lá tre rơi. Tiếng bơi chèo đập mạn thuyền gỗ, tiếng gõ cá quăng lưới. Bên kia vang tiếng hát, tiếng trẻ ra chơi. Không phải chỉ có những chiếc thuyền vớt rong cho lợn ăn như lúc nãy.
Những con tôm, con cá trong lòng hồ, bơi lấp lánh. Lũ Thờn Bơn, cá Thiểu đón các bạn mới lên ngóp môi thở hớp quanh thuyền.
Góc hồ đằng kia, những bồ nông, những giang, những sếu đương sớn sác bước lên bãi. Tiếng gọi nhau râm ran, lạc đạc, ời ợi. Đàn chim trú đông, nghe làn gió ấm thổi lại, đương bay về phương bắc.
Mùa xuân đến, quanh mình tấp nập, rộn rả. Chèo Bẻo cũng biết như thế. Nhưng Chèo Bẻo âm thầm. Mùa xuân này, Chèo Bẻo chỉ có một mình.
Giữa khoảng trời, Chèo Bẻo nghe quanh mình có tiếng gọi: Chèo Bẻo! Chèo Bẻo! Đấy là tiếng mùa xuân. Mùa xuân thông cảm nỗi đau.
Cả vùng đã quả quyết đi tìm hỏi tội lão Quạ. Các bụi, các cây trong vườn, ngoài bờ tre vắng hẳn. Hãy để mùa xuân tươi đẹp đây, các bạn vỗ cánh bay rợp trời quanh Chèo Bẻo - có cả Chèo Bẻo Đuôi Cờ.
Bài vè Chèo Bẻo đánh Quạ ở làng Liễu Đôi đã nói về khí thế lạ lùng ấy.
Tất cả nước mắt đâm đâm
Run run đứng dậy mà cầm gươm đao
Thù thằng Quạ độc chất cao.
Oan này chỉ quyết phải lao dáo này
Cả đàn, cả lũ, cả bầy
Gặp thằng Quạ độc đánh ngay giữa vườn
Ao ào cánh liệng mỏ vươn
Xông vào đánh Quạ như tuôn thác đồng
Trưa ấy nắng ấm rực rỡ từ trong vườn ra cánh đồng.
Trời có nắng, lão Quạ xòe cánh đắp kín chân, phơi mình trên tảng đá. Lão lim dim ngủ. Lão mới đớp được miếng mồi, no say rồi, mắt dip lại. Vừa nửa thức nửa ngủ, đã ngáy o o.
Thường ngày, cái lão chúa lười này vẫn nằm gật gưỡng thế, cho đến chiều nắng vàng hoe mới lò dò lên tổ trên hốc cây muỗm. Cũng chẳng bao giờ lão cất công làm cái tổ tử tế. Lão chỉ vơ mấy cây que, gác lên hang, thế là thành nhà. Mà chỗ ấy cũng là cái tổ Bồ Các bỏ đi, sẵn mấy que kèo cột. Lắm hôm lão cũng chẳng buồn về tổ. Lão vạ vật chỗ nào cũng được. Lão Quạ đương hấp hiu mắt. Mơ mơ màng màng vi vu...
Bao nhiêu đàn chim bay rợp trời trên đầu lão, giữa cánh đồng. Liếu Điếu trông thấy trước tiên, Liếu Điếu hét:
- Lão Quạ! Lão Quạ!
Thế là lao ngay xuống. Cả bọn chim Ri lao theo. Nhà ri, Ri Đá, Ri Cam, Ri Sừng, cặp mỏ khoằm khoặm như hòn sỏi xám ném vào Quạ. Quạ bị luôn mấy chục quả thụi vào đầu, vào lưng.
Quạ còn đương sửng sốt, bọn Rẽ Giun đã đùng đùng đến. Bẩm sinh, lúc nào các cậu Rẽ Giun cũng run rẩy, lên cơn sốt. Thế mà khi ấy thật táo tợn - mặc dầu so với Lão Quạ, Rẽ Giun chỉ như quả trứng chọi hòn đá. Rẽ Giun thấp lũn cũn, lắc mỏ rứt đám lông quanh bắp chân Quạ, lôi ra được một nạm lông cổ chân Quạ, Rẽ Giun mất đà, ngã ngửa. Lại lóp ngóp xông vào.
Quạ còn đương đỡ đòn bọn Ri.
Liếu Điếu, Rẽ Giun vần túi bụi tới tấp đánh.
Quạ đã bình tĩnh lại, lão bập cái mỏ một cái. Cả nắm lông cánh Rẽ Giun bật máu bung ra. Rẽ Giun choáng váng, lăn xuống lùm cây. Đàn Ri vẫn lao tới như ném chấu. Quạ nghiêng mình, Ri đánh hụt, đâm vào tảng đá, đầu lõa lợi máu. Hãi quá, Liếu Điếu vụt bay tránh lên cao.
Những đàn chim khác vẫn rầm rộ, hầm hầm tới. Lão Quạ thấy không thể coi thường đám đông này. Quạ đứng hẳn dậy, xòe cánh, quắc mắt. Bồ Các vừa hét vừa lao. Những chàng Bồ Các đã không “mũ ni che tai” nữa. Quạ giơ thẳng mỏ. Bồ Các đâm vào mỏ Quạ. Chao ôi, bằng đâm vào bàn chông. Bồ Các rách xoạc miếng lông bụng, gáy một bên cánh. Bị lạng đi, không một Bồ Các nào đủ sức quay lại. Con ngã. Con bắn đi một quầng. Lại Vẹt, lại Bói Cá nhảy đến. Anh Vẹt vác cái mỏ to như chiếc búa. Quạ giơ đầu cánh lên đỡ. Cặp mỏ Vẹt, mỏ Bói Cá to tướng nhưng chỉ là những thứ dùng thường ngày bắt con tép. Và khoét quả ổi, quả na. Va vào đầu cánh Quạ, mỏ bật ra như đụng cối đá.
Lão Quạ cười khậc khậc:
- Vào làm miếng nữa, vào đi!
Tuy vậy, lão Quạ cũng thấy đã thách lỡ lời. Còn đông nghịt bao nhiêu chim đương lăm le. Quạ lẩm bẩm không hiểu chúng nó hóa rồ hay thế nào, mà tự dưng chúng nó kéo đến gây sự.
Trông thấy Sáo Sậu và Chèo Bẻo lão Quạ mới biết là chúng nó thù.
Hiệp sĩ Cú đen sẫm như nhọ chảo dưới trôn nồi nhô lên. Cú chuyên đi đêm, không ai ngờ Cú ra ban ngày. Thương Chèo Bẻo, Cú quên cả ban ngày ban đêm. Cú xòe cánh như quăng lưới.
Lão Quạ vẫn nhơn nhơn. Lão Quạ đã biết hiệp sĩ Cú, to con thế, nhưng mắt có bệnh quáng gà, ban ngày không trông rõ đâu.
Cú hùng hổ tới. Mắt cú lóng lánh tròn bi ve. Hai chân móng giơ ra. Mỏ há nhọn hoắt. Như những con dao mở sẵn. Cú bay như gieo mình xuống. Nhưng quả thực mắt Cú hau háu - hau háu như mắt cú, mắt cú vọ, thế mà ban ngày thì quáng gà, chẳng tinh tường chút nào. Quạ đã tránh sang bên mà Cú không biết. Cú đâm đầu vào tảng đá như Ri Đá lúc nãy. Cú ngã văng xuống.
Lão Quạ cũng chẳng kịp để mắt. Lão còn phải đối phó với một đám đông hơn nữa ập đến. Le Le, Cốc, cả Vạc, cả Diệc... Những cụm móng, những cẳng mò nước, dài như sào gậy. Cái anh Vạc chặp tối mới ra, cũng có mặt. Họ nhà Vạc đi ban ngày - lại cũng như Cú, vừa chui bóng đêm ra cứ ngơ ngác, mà tợn tạo, vì căm thù, vì thương Chèo Bẻo.
Đám Le Le, Cốc, Vạc hoa chân giơ mỏ lủa tủa trên đầu lão Quạ. Lão Quạ đã tỉnh hẳn, chẳng bối rối chút nào. Hai cánh Quạ như hai cái quạt sắt. Đám chân chim gầy guộc lêu nghêu kia mà vướng vào, tựa nắm đũa bị gãy răng rắc. Cả bọn ngã lộp bộp như sung rụng quanh bãi cỏ.
Những đám họ cò, Cò Bợ, Cò Lửa, Cò Xanh, Cò Bạch, Cò Mỏ Vàng - trông cũng mảnh mai thế mà nhanh lắm. Cò tranh nhau chen vào giơ mỏ rứt lông Quạ, ở cổ, ở cánh, ở lưng...
Chim Hét nhảy vào một mình. Chim Hét đen trùi trũi. Mỏ Hét chuyên đào giun dế, to bè như cái bàn cuốc. Lão Quạ xù lông nghênh lên đánh Hét. Hai chiếc mỏ Hét, mỏ Quạ đâm vào nhau rộp rộp. Mỏ Hét cứng ra trò. Rộp... Rộp... Nhưng cũng chẳng thể đối địch được lão Quạ. Hét ngã nghoẹo đầu. Mấy tay Hét tới cứu bạn, lão Quạ tống văng cả bọn ra.
Rồi còn vô số đàn chim các nơi đến đánh trả thù cho nhà Chèo Bẻo, quần với lão Quạ suốt ngày đến tối mịt. Nhưng chẳng ai rứt được thêm cái chân lông Quạ.
Tội nghiệp, vợ chồng nhà Sáo Sậu vừa đánh, vừa hét, vừa khóc. Mỏi rồi, ra nằm thở một lúc, lại lao vào. Không sợ chết, chỉ quyết đòi nợ máu cho con.
Lão Quạ chợt thấy cái tổ tự nhiên lúc lắc quay quay như sắp đứt. Lão Quạ luống cuống hốt hoảng. Lão không trông thấy Chèo Bẻo thoắt tới, đâm thẳng vào cổ lão một phát. Lão Quạ giật thót mình. Cái đầu ngật đi. Lão Quạ chột dạ. Bấy giờ mới nhận ra Chèo Bẻo. Thằng này gan liền. Không thể coi nó dưới mắt được.
Các bạn chạy, các bạn ngã, xác xơ, tan tác. Chèo Bẻo vẫn chao lên chao xuống đánh lão Quạ.
Chèo Bẻo xiên vào nách. Chèo Bẻo đâm thẳng mặt. Chèo Bẻo rúc dưới khoeo chân lên. Mỗi lần Chèo Bẻo liệng, Quạ lại loay hoay đỡ. Chèo Bẻo bám luôn, đánh dồn dập cả bốn phía. Quạ đỡ, Quạ đỡ.
Nhưng lão Quạ chống đỡ cả ngày, lử rồi. Có lúc lão bị Chèo Bẻo húc vào đuôi, đội người lên. Lão Quạ mặc kệ. Mệt quá. Ngồi trên đầu Chèo Bẻo, Chèo Bẻo tưởng Quạ lăn quèo xuống nhưng rồi lão Quạ bay thẳng. Chèo Bẻo đuổi theo lão Quạ bay lắc lư. Chốc chốc lão quặc mỏ lại đánh đòn gió. Rồi lại dướn lên, bay biến. Chèo Bẻo vẫn đuổi, cho đến lúc cả hai bóng chim mờ vào làn sương chiều.
Thế mà dạo ấy chỗ nào cũng vắng chim. Trong làng, ngoài đồng lặng lặng như không. Cò gãy chân, phải đi bó bột. Vẹt bị lật cả mảng mỏ đương bó lá náng. Chim sẻ thì sã cánh. Buồn quá! Đánh nhau với mỗi một lão Quạ mà tai hại thế.
Chỉ mong muốn thôi, chưa đủ. Sức yếu thì chẳng làm gì nổi lão Quạ.
Thế nào bây giờ? Thế nào thì thế, Chèo Bẻo vẫn tìm đánh lão Quạ. Chèo Bẻo Đuôi Cờ đi thám thính bay múa giữa trời. Thình lình, thấy lão Quạ. Thế là ào xuống đánh. Một mình cũng đánh.
Pắp, pắp. Vút như một mũi tên, lão Quạ tránh lên. Nhưng lại phải đương đầu với Chèo Bẻo Đuôi Cờ chặn trên ấy.
Cái đuôi cờ của Chèo Bẻo Đuôi Cờ chỉ đẹp mắt, chẳng được mảy việc nào. Quần thảo một lúc, mấy chiếc lông đuôi nuột nà đã bị lão Quạ cắn cụt lủn. Chèo Bẻo Đuôi Cờ mất đuôi, không lái được, cứ loạng choạng quay tròn, rồi phải đỗ xuống đậu bệt trên cỏ.
Chèo Bẻo nói:
- Bác đã hết lòng với em, không bao giờ em dám quên. Bác ạ, cái đuôi cũng như đôi cánh, mất đuôi rồi bác phải nghỉ thôi.
- Anh sẽ về núi thuốc thang ít lâu. Khi nào lông đuôi mọc như cũ, anh lại về giúp chú. Anh đã nghĩ cách giết được thằng Quạ rồi. Anh sẽ mổ thẳng vào mắt nó. Nó phải mù, nó phải chết.
Chèo Bẻo Đuôi Cờ tha thủi bay về rừng.
Một mình Chèo Bẻo. Chèo Bẻo vẫn tìm đánh Quạ.
Chèo Bẻo mò thám biết lão Quạ, hay nằm phơi nắng giữa cánh đồng. Lão đương thiu thiu ngủ, bất thần Chèo Bẻo lao đến.
Chèo Bẻo nhắm từ trên cao, quyết đâm thủng mắt lão. Nhưng lão Quạ nằm trên tảng đá, chỉ thấy một đám đen ngòm. Không nhận ra chỗ nào đầu, chỗ nào đuôi. Thế là Chèo Bẻo cứ quạng bừa. Lão Quạ giật nẩy mình. Lão thấy trên ức bị cái gì đâm đau chói lên tận óc.
A! Lại thằng Chèo Bẻo. Lão không sợ. Nhưng cũng khiếp. Mỏ nó mà trúng mắt thì mù rồi chứ còn à. Lão không dám coi thường như mọi khi cứ ngồi trên tảng đá hất mỏ, hất cánh, lão phải bay lên đỡ đòn.
Chèo Bẻo bám riết đuôi lão Quạ. Chèo Bẻo và lão Quạ đánh nhau loạn xạ giữa trời. Lão Quạ to béo như cái cối xay lăn ù ù. Chèo Bẻo mỏng mảnh, như chiếc lá, ngọn đuôi nhọn hoắt lái bên phải, quay bên trái.
Lão Quạ thở hộc lên. Hai mắt đỏ đòng đọc. Chèo Bẻo lao tới. Lão Quạ lẳng một cái. Mỏ Quạ giáng đúng đầu Chèo Bẻo. Chèo Bẻo choáng váng, cánh rúm lại, rơi bộp xuống. Như ai ném toạch cục đất.
Lão Quạ kêu to:
- A ha! A ha!
Lão Quạ toan lao xuống bổ thêm Chèo Bẻo mấy phát. Nhưng giữa xóm đông, Quạ ngại có bẫy, có người ra đuổi đánh. Vả lại, rơi xuống thế cũng đủ chết, mày chết rồi. Thế là lão đủng đỉnh bay. Mắt lão nhớn nhác tìm tảng đá ở một chỗ vắng. Lúc nãy, chưa chợp mắt được, thằng Chèo Bẻo đã đến sinh sự.
Lão đã trông thấy tảng đá xa xa và bóng nắng. Lão là là xuống. Đôi cánh xòe rộng, trên bóng nắng tảng đá, lão ngả mình, lim dim mắt. Thình lình, một bóng đen đến sau lưng thoắt cái đâm xuyên dưới bụng lên. Lão cụp nhanh cánh. Khiếp quá, cái gì, cái gì... Lão trông lại. Thằng Chèo Bẻo. Ô hay, nó vẫn còn sống.
Phải, Chèo Bẻo không chết, Chèo Bẻo mở mắt ngơ ngác nhìn quanh. Nhớ ra vừa bị lão Quạ choảng vào đầu. Nhưng ta không thể chết. Chèo Bẻo ngó quanh quất.
Trên vòm trời, bóng Quạ nhỏ dần. Chèo Bẻo vươn hai cánh. Hai cánh Chèo Bẻo vẫn cứng cáp, chẳng sao. Thế là Chèo Bẻo cất mình lên, lại bay đi tìm Quạ.
Lão Quạ lộn tiết lên rồi. Lão Quạ nhỏm đầu đâm thẳng vào Chèo Bẻo. Nhưng Chèo Bẻo vừa hút chết đã biết đỡ đòn. Lão Quạ khỏe mà không nhanh bằng Chèo Bẻo. Lão Quạ đâm tới, Chèo Bẻo thoắt tránh. Quạ hụt đà chúi xuống. Lập tức, Chèo Bẻo bặp đám lông đuôi Quạ, rứt rứt. Lão Quạ buốt lên suốt sống lưng. Lão Quạ chịu đứt chiếc lông đuôi, nhưng quay lại được. Lão Quạ nhảy bổ vào. Chèo Bẻo rơi mình xuống, lách được.
Cứ thế, Quạ và Chèo Bẻo quần nhau giữa trời. Lão Quạ nghĩ bụng: “Đánh nhau cò cưa với nó thế này, nhọc quá. Mà lại thấy đói rồi”. Thế là, Quạ bay thẳng. Chèo Bẻo hấp tấp đuổi theo. Các xóm chim ở bờ nước và trên bụi tre trông thấy Chèo Bẻo đuổi Quạ, cứ ngóng lên hoan hô.
Từ đấy Chèo Bẻo gặp Quạ đâu, Chèo Bẻo xông vào đánh luôn. Có chim bạn, cùng nhau đánh. Có một mình cũng đánh. Đòn như bị bông, cũng không sao tìm được miếng hiểm đánh chết lão Quạ được.
Có dạo trời mưa dầm. Quạ nằm tổ mấy hôm rồi đói bụng, phải lò dò xuống bờ mương rình cá. Chèo Bẻo vẫn đợi sẵn ở đâu đã lao tới. Lão Quạ phải bỏ mồi cá vừa lượn tới.
Mùa đông tới, Quạ tránh gió rét, nằm ro ró trong hốc cây gạo. Thế mà vừa có nắng, lão thò ra, đã bị bốp một cái. Như hòn đá ném trúng sọ. Lão Quạ hoảng hốt dựng người lên. Gió ù ù thổi bạt cánh. Chèo Bẻo đã thúc đầu vào giữa ngực Quạ. Lão Quạ lộn tùng phèo mấy vòng. Nhưng lão gượng ngay, thẳng chân, gầm ghè xù lông, lao vào Chèo Bẻo.
Chèo Bẻo bay quanh, xỉa lung tung lên lưng lão. Cứ đánh nhau liên miên. Có khi lão Quạ mổ vào đầu Chèo Bẻo. Chèo Bẻo ngã ngất, rơi xuống. Rồi lại tỉnh. Chèo Bẻo lại bay lên, lăn vào. Có khi Chèo Bẻo rứt được cả mảng lông bụng Quạ. Nhưng Quạ vẫn chẳng sao.
Năm này qua năm khác.
Thường trông thấy về mùa tre mọc măng, những chiếc măng nảy lộc lủa tủa vút lên nền trời. Chèo Bẻo hay đậu những nhánh măng cao cao ấy. Rồi nhún lên nhún xuống.
Không phải Chèo Bẻo rỗi rãi đánh đu chơi. Bụng dạ đâu mà chơi nhởn. Cây tre non vút lên, vút lên, đứng một chỗ mà nhìn được xa. Chèo Bẻo trông sang tít bên kia. Xem phía nào thấy lão Quạ...
Chèo Bẻo rình Quạ. Lúc nào Chèo Bẻo cũng tìm đánh Quạ. Trên đời, bây giờ Chèo Bẻo chỉ có việc đuổi đánh Quạ, trả thù. Lão Quạ Khoang, mày phải chết.
Mới hôm trước, trời xanh trong, Chèo Bẻo đánh Quạ ở núi Tam Đảo. Trời đẹp thế này, Quạ hay đi tìm mồi gà con lắm đây. Triền núi Tam Đảo mơ màng xanh xanh. Quả nhiên, lão Quạ Khoang lừ đừ bay qua. Bóng lão đen ngòm. Như có người tinh nghịch vẩy một vệt mực xám xịt lên nền trời xanh núi xanh.
Vụt một cái, Chèo Bẻo ở đâu đến đã đuổi tới, thúc thẳng vào bụng Quạ. Quạ bị đội bổng lên như ai xách cổ. Lão chới với đập cánh. Mãi mới quay đầu lại được. Chèo Bẻo lại lao đòn nữa. Nhưng lão Quạ đã kịp giơ mỏ đỡ, hất Chèo Bẻo vẹo người. Chèo Bẻo rối cánh lộn tùng phèo mấy vòng xuống một quãng rồi lại ngóc lên, lại đuổi.
Lão Quạ bay tít vào trong núi. Chèo Bẻo như cái thoi, thúc lên thúc xuống, như đòn gánh đòn càn phang lia lịa. Chèo Bẻo lúc lẩn đi, lúc lại áp vào. Lão Quạ không cách nào dứt ra được. Không biết Chèo Bẻo còn đuổi lão Quạ đến tận đâu.
Lúc ấy, lại một đám đông những Bồ Các, những Vẹt, những Gõ Kiến, cả họ hàng Chèo Bẻo đã nấp sẵn trong khe núi. Trong núi Tam Đảo có bao nhiêu chim, thì hình như bấy nhiêu chim đã xô ra.
Câu vè làng Liễu Đôi kể về trận đánh dữ dội ấy:
Chèo Bẻo kết lại một tầng
Lao vào ngực Quạ như vừng đá to
Quạ kia xông lại muốn vồ
Chèo Bẻo túm lại đánh xơ mặt mày
Quạ kia dùng một dao phay
Xông vào toan chặt cả bầy tan xương
Bẻo càng lao tới như thường
Nhằm hầu mà nện, thái dương mà ghè
Quạ kia dong đôi cánh xè
Ầm ầm chắn lối đánh đè trước sau
Chèo Bẻo kêu thét bảo nhau
Lao vào bụng Quạ thốc đầu ngược lên
Quạ gầm như bị trăm tên
Đập đôi cánh dữ vọt liền lên cao
Chèo Bẻo tới tấp phóng nhào
Quạ càng luống cuống vút vào mây xanh
Tội ác vẫn bay lượn trêu ngươi, trêu tức. Mà lão Quạ cũng uất đến sắp hộc máu. Bởi vì lão to khỏe, nhưng cũng chẳng xé xác được thằng Chèo Bẻo nhanh như chớp được. Đành chịu. Mỗi khi rời tổ, lại cứ đảo điên hai con mắt nhìn quanh quất xem có thấy bóng Chèo Bẻo đâu.
Chèo Bẻo dạo chơi khắp nơi. Chèo Bẻo thăm hỏi những ai đã khỏi đau, những ai đã liền vết thương. Chèo Bẻo bàn bạc. Lão Quạ vẫn nhâng nháo thế đấy. Ta phải tính thế nào.
Mỗi nơi mỗi cảnh khác nhau. Cũng có bọn chột rồi, sợ rồi, như bọn Ngói chỉ biết ăn cho béo và bác Lềnh Đềnh to xác ngày trước. Chim Sâu, chim Sẻ lần nào giáp chiến cũng bị ngã trời giáng mà các cô các cậu ấy không biết sợ. Nhưng đôi chân bằng cái tăm hương chẳng chọi được với Quạ. Chàng Bồ Các và chim Ri vẫn hăng. Nhưng cũng chẳng phải là tay đương đầu với lão Quạ.
Chèo Bẻo đã qua bao nhiêu con sông con hồ, bao nhiêu cánh đồng, bao nhiêu cánh rừng. Chèo Bẻo đã bay suốt cả mùa xuân sang mùa thu vàng đất trời. Có khi bay cả ngày nhìn xuống vẫn chỉ thấy mặt nước.
Hôm sau, vẫn bay, lại vẫn bay tìm bạn. Gặp bóng lão Quạ trên mép nước, đánh liền.
Chèo Bẻo vẫn sạo sục khắp nơi.
Chèo Bẻo tìm đến nhà Phượng Hoàng Đất. Phượng Hoàng Đất sồ sề, to bằng chị gà mái nạ dòng. Bộ mã xuống màu xám lông cú. Phượng Hoàng Đất lúc nào cũng đứng một chỗ, ban ngày không ai nhìn ra. Chỉ vì bộ mả Phượng Hoàng Đất lẫn với đất và lá khô.
- Chào Phượng Hoàng Đất. Có thấy lão Quạ đến đây không?
- Có, lão vẫn đi ngoài cửa vườn kia. Ngày trước, đi buổi sáng. Hồi này lão lại đi chặp tối. Chẳng hiểu tại sao.
- A! Tôi đương tìm đánh lão đây.
- Mách nhé. Lên tận tổ lão mà đánh. Đâm một mỏ trúng vào mắt, lão không biết đằng nào đỡ được. Lão cũng mắc bệnh quáng gà đấy.
Chèo Bẻo mừng quá.
- Anh đưa tôi đi tìm tổ Quạ.
Phượng Hoàng Đất cười buồn.
- Chẳng may, tôi cũng quáng gà. Mặt trời lặn, mắt tôi cũng lặn theo, đêm tối mắt hóa thong manh có nhìn thấy gì đâu. Nhưng tôi sẽ chỉ đường anh tìm tổ Quạ.
Rồi Chèo Bẻo đi một mình. Rất hăng. Mọi khi đi đón lõng, bây giờ đã biết đích xác.
Cái tổ Quạ ở cây gạo. Thần cây đa, ma cây gạo, Quạ ác ở cây gạo cũng phải, hợp với lời thiên hạ rủa sả.
Chặp tối ấy sáng trăng. Chèo Bẻo trông thấy lù lù cái tổ quạ. Bóng cây que lô nhô thụt ra thụt vào.
Chèo Bẻo ngắm thật kỹ. Chèo Bẻo quyết đánh đòn bất chợt. Lên tận nơi, cánh bay không động, Chèo Bẻo lao thẳng, cả mỏ cả móng Chèo Bẻo xòe ra đâm vào cái tổ. Này này... Mày không kịp trở mình, mày không kịp mở mắt. Chèo Bẻo húc một cái. Nhưng chỉ là cái tổ không. Những cành khô gãy răng rắc, rơi xuống.
Chèo Bẻo đương lơ láo, ngơ ngác. Bỗng nghe tiếng bặp mỏ cười khành khạch trong bóng tối. Rồi lão Quạ cất tiếng lè nhè:
- Tìm thấy lão Quạ chưa?
Chèo Bẻo tức điên. Thì ra cái lão Quạ quái quỷ đã phòng xa. Chẳng biết lúc ấy lão đi ăn về, thấy động, không vào, hay lão vẫn đứng đấy, ngủ đứng ở cành cây. Thế là Chèo Bẻo mắc lừa. Đêm hôm, bóng trăng bóng cây, bóng lá lẫn lộn. Biết lão đứng chỗ nào. Không cẩn thận, lão lại phóng cho một đòn thì chết.
Chèo Bẻo đành bay ra. Lại đón lõng.
Một ngày kia, thấy từ chân trời, xôn xao hớn hở màu đỏ, màu vàng. Không nhận rõ đấy là đàn bướm bay hay đấy là hoa nở. Nghe xung quanh, trên lũy tre, mái nhà, trong vườn, tiếng chim ríu rít mới nhớ ra. Mùa xuân lại đến rồi. Đàn bướm hay những thảm đỏ, thảm lúa đầy đồng cũng thế, khi mùa xuân về cả rừng hoa nở, cả đàn bướm bay ra.
Nhớ cái xóm trong chân tre ngày trước. Bụi tre hồi này đương lên măng. Mặt nước phẳng lặng in bóng hoa bóng nước đỏ hây. Vợ chồng chẳng quản nắng nóng, ngày ngày tha rác làm tổ, niềm vui đến quên cả nỗi khó nhọc.
Nghĩ thế, ruột gan lại đau quặn. Ở đâu, những tiếng chim non kêu róc rách như tiếng suối chảy. Chèo Bẻo muốn khóc hay sao. Không, không khóc. Không bao giờ khóc.
Chèo Bẻo nhảy lên đậu trên ngọn măng tre. Gió đưa ngọn măng uốn cong cánh cung, bật lên vi vút. Chèo Bẻo nghiêng đầu, nhô lên, nhìn xa.
Chợt Phượng Hoàng Đất bay qua.
Phượng Hoàng Đất hỏi:
- Thế nào, đã hả lòng chưa?
Chèo Bẻo kể lại tình đầu cái ma quái tối hôm ấy của lão Quạ. Phượng Hoàng Đất thở dài:
- Tôi cũng đến chịu. Tôi chỉ biết thế, chỉ giúp được anh có vậy. Anh thử đi hỏi Phượng Hoàng xem. Phượng Hoàng thật, không phải Phượng Hoàng Đất tôi đâu. Phượng Hoàng Đất tôi chỉ quanh quẩn xó nhà, còn Phượng Hoàng thật mới thật tung hoành khắp nơi khắp chốn.
Chèo Bẻo đi tìm Phượng Hoàng. Phượng Hoàng có phong tục mỗi mùa đi ăn theo một con sông. Cứ đi dọc dòng nước ra đến cửa biển rồi quay trở lại chuyển sang sông khác. Mùa năm nay, chẳng biết Phượng Hoàng đương rong choi theo sông nào.
Nhưng khi ta đã chuyên tâm, thế nào cũng có khi tới được. Chèo Bẻo lần lần qua các dòng sông, từ ngọn nguồn xuống.
Một năm, đi từ đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ thì gặp Phượng Hoàng.
Buổi sáng nắng đẹp. Trên bãi cát trắng mịn, một đàn Phượng Hoàng đương múa. Chim phượng đi đàn, chim tụ lại múa hát. Đã thành lệ vui chơi thế.
Chèo Bẻo gọi to:
- Phượng! Phượng!
Phượng Hoàng ngẩng đầu, mắt long lanh:
- Việc lão Quạ a?
- Ai có thể đi giết lão Quạ?
Phượng Hoàng đáp:
- Có chim Cắt.
- Bây giờ Cắt ở đâu?
Phượng Hoàng trông ra:
- Ngoài cánh đồng kia.
Chèo Bẻo đi ngay.
Cắt đương bay lượn tròn thật cao giữa trời trong xanh.
- Anh Cắt ơi!
- Cái gì thế?
- Lão Quạ...
Cắt nói:
- Tôi biết rồi. Nhưng tháng ba sắp tới, tôi trở về phương Bắc quê tôi có nắng ấm. Đầu mùa thu sang năm, Chèo Bẻo đợi tôi ở cánh đồng này.
Thế rồi chẳng bao lâu mùa thu đã trở lại. Những cây bàng đầu xóm, từng chiếc lá đỏ áy rơi xuống. Từ chân trời dạt dào về làn gió giải đồng. Chèo Bẻo nhớ lời cắt đã hẹn: đợi tôi, đợi tôi, đầu mùa thu...
Chèo Bẻo chẳng phải chờ lâu. Một buổi sáng xanh trong, chim cắt bay từ phía tây tới. Cả đàn Cắt đỗ xuống quanh Chèo Bẻo.
Chèo Bẻo cảm động, cắt nhanh nhẹn, vừa trải nỗi khó nhọc đường xa, mình cắt đanh lại. Như chiếc búa, con dao, thanh gươm. Mỗi hiệp sĩ Cắt có thể ra cho kẻ thù một đòn thí mạng.
Cắt nhanh nhẹn nói ngay:
- Nào chúng ta đi!
Câu nói như lời hô, ai nấy hăng hái cất cánh.
Cắt và Chèo Bẻo bay qua các xóm chim trong lũy tre, bên bờ đầm nước và vườn cây ven đê. Những Vàng Anh, Sáo, Bìm Bịp, Cuốc... trong các xóm đều ngước mắt, reo lên: Có thế! Có thế! Chào các bạn! Chào các hiệp sĩ!
Nhưng mà tìm gặp được lão Quạ cũng chẳng phải dễ. Hình như lão Quạ cũng đã biết có cả Cắt, Quạ lẩn không đâu biết.
Một ngày kia thình lình thấy lão Quạ. Đương giữa thu, lão đứng trong cây đa. Chèo Bẻo kêu toáng. Lập tức, nhanh như chớp, cả đàn Cắt vù vù tủa xuống.
Bất thần, Quạ bay vút đi. Cắt và Chèo Bẻo dồn dập đuổi.
Đến một quãng cây rậm rạp dưới kia, lão Quạ đột nhiên cúp cánh. Lão để rơi mình xuống như hòn gạch. Lão Quạ biến mất vào vườn.
Lại đi tìm, tìm nữa.
Xế chiều gặp lão Quạ lò dò ra bờ sông rình bắt cá. Nhưng lão Quạ lại bay biến. Đàn Cắt đã đuổi kịp sau lưng. Lão Quạ lại giở mẹo. Đương bay, lão lại đột ngột để rơi mình xuống. Vừa chặp tối, mặt đất xám mờ. Không biết lão chui vào vườn cây hay vào cái lỗ chim Bói Cá trên thành đê. Cắt và Chèo Bẻo sục sạo. Nhưng bóng tối nhập nhoạng đã bao phủ tất cả.
Chẳng bao lâu, chim Tu Hú đã về đậu trong cây vải, kêu “Tháng ba! Tu Hú! Tháng ba! Tu Hú...”, Cắt bảo Chèo Bẻo:
- Tháng ba thì vùng biển quê tôi ấm áp rồi, tôi trở về. Mùa thu sang năm, nhớ đợi tôi ở cánh đồng này. Chúng ta đi tìm đánh lão Quạ.
Chèo Bẻo bay tiễn đàn Cắt một quãng đường. Rồi Chèo Bẻo nghĩ: ừ, sang năm Cắt lại về giúp ta. Nhưng ta thì không thể cho lão Quạ được thong thả sống trong một cái chớp mắt.
Chèo Bẻo lên vách đá hỏi thăm Chèo Bẻo Đuôi Cờ xem chân bác đã khỏi đau chưa. Lông cánh, lông đuôi thế nào.
- Cảm ơn chú, khỏi cả rồi, vừa bay, đuôi tôi vừa lái được rồi. Chúng anh lại cùng với chú đi đánh lão Quạ.
Nghe Chèo Bẻo kể chuyện chim cắt, Chèo Bẻo Đuôi Cờ nói:
- Hay lắm, Cắt đánh Quạ, đánh Diều Hâu phải sợ, xưa nay ai cũng biết rồi. Nhưng Cắt chỉ về đây có mùa đông. Trên rừng còn nhiều tay giỏi thử đi hỏi xem.
Chèo Bẻo Đuôi Cờ ở rừng đã có kinh nghiệm mách bảo. Phượng Hoàng Đất bảo Phượng Hoàng, Phượng Hoàng mách chim Cắt. Nhiều các bạn chỉ vẽ, thế nào cũng ra điều hay.
- Bác bảo bây giờ đi tìm ai?
Chèo Bẻo Đuôi Cờ nói:
- Ta đi hỏi anh Bắt Tép Kho Cà.
Chèo Bẻo lên nương. Buổi trưa nắng, những chùm sim tím lịm phoi trên lá. Tiếng kêu thánh thót “bắt tép kho cà” rộn rã. Con chim đứng trong bụi sim kêu đến rạc cả tiếng. Chèo Bẻo Đuôi Cờ nói vọng vào:
- Chào chú Bắt Tép Kho Cà!
Bắt Tép Kho Cà đứng ngay đây, chỉ nhích ra khỏi túm lá sim, mà không ai nhìn thấy. Giỏi náu mình thế.
- Chú có mẹo nào đánh được Quạ không?
Bắt Tép Kho Cà dịu dàng trả lời:
- Các anh nghe tiếng em cũng đoán được em chẳng biết trò trống gì đâu. Chỉ mong được “bắt tép kho cà” mà đã được miếng tép, miếng cà nào đâu.
- Chán nhỉ!
- Anh đến hỏi Khó Khắc Phục. Các anh không để ý à. Con chim páng có biệt hiệu là Khó Khắc Phục thế cũng đủ thiên hạ biết tài. Khó khăn thế nào cũng khắc phục. Khó khăn khắc phục. Các anh đến hỏi xem...
Ừ phải, trên rừng có chim táng páng. Táng páng xưa nay chuyên cần kiếm ăn, tha rác làm tổ. Mọi việc làm không biết khó khăn. Thế đây.
Thế đấy, cho nên mỗi khi nghe táng páng hót huýt huy huýt huỵch, người ta nghe ra bốn tiếng gọi Khó Khăn Khắc Phục... Khó Khăn Khắc phục...
Nhà táng páng ở lỗ cao tít trên cây gỗ chò.
- Chào anh. Xin anh bảo cho cách đánh lão Quạ.
Táng páng đã biết cả mọi chuyện.
- Ừ, đến mùa thu thì Cắt trở lại, nhưng khi ấy thì lão Quạ đã lại hồi sức rồi. Lại phải đánh cho nó ốm dần ốm mòn, nhưng đến lúc nó sắp chết, thì các hiệp sĩ Cắt lại trở về quê. Thế thì mất công đến bao giờ mới chết tiệt được cái ác? Phải choảng cho lão Quạ một phát chết lăn quay ngay ra.
Chèo Bẻo nhìn xa.
- Ai làm được thế? Anh làm được không?
Chim mơ màng:
- Tôi không làm được. Nhưng tôi nghe kể ở thành cổ Bukhara, một vùng đất nước giữa châu Á có chim Đại Bàng mãnh liệt đuổi bắt sống được cả hổ, cả gấu. Một ngày kia, Đại Bàng cùng thợ săn, cưỡi ngựa vào rừng. Đại Bàng đậu trên vai thợ săn, xòe cánh làm ô che nắng cho người thợ săn. Thấy con gấu, Đại Bàng bay tới cất mỏ mổ một cái. Con gấu chảy máu đầu đứng sững lại. Người thợ săn ruổi ngựa tới chỉ việc trói lại. Gặp con hổ, Đại Bàng cũng bay đến mổ một cái vào đầu. Hổ lăn quay ra. Cặp mỏ Đại Bàng ấy mà giã lão Quạ thì chỉ một nhát đã toác đôi đầu lão Quạ.
Chèo Bẻo xuýt xoa:
- Biết đâu rồi chẳng có ngày ta được gặp Đại Bàng như đã gặp Cắt.
Không biết đến bao giờ Chèo Bẻo gặp tráng sĩ Đại Bàng ở thành cổ Bukhara.
Nhưng cho tới ngày nay, quanh năm vẫn thấy Chèo Bẻo đánh Quạ. Con quạ to tướng, mà sợ Chèo Bẻo tí hon. Đến mùa thu tới, lại thấy Chèo Bẻo và Cắt vụt lên vút xuống đuổi đánh Quạ giữa trời.
Chú thích:
[1] Các câu vè trong truyện này đều lấy trong “Sưu tầm khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi” của Bùi văn Cường và Nguyễn Tế Nhị sưu tầm và biên soạn (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1981).

HẾT