Chương 15

     ờ mờ sáng hôm sau Loan đã thức giấc, một số bạn bè thân tín cũng dậy với Loan để uống trà tiễn biệt. Dương húc không quên nhắc Loan nó còn hơn hai trăm đồng gửi ở dưới phòng ký vật can nhân:
- Mày lấy hai bò đi, chỗ tiền lẻ để lại cho tao, hôm qua tao đã làm đơn xin sếp trưởng phòng trao lại cho mày rồi.
Loan cảm ơn bạn, tất cả những thịnh tình của bạn bè làm cho Loan cảm động. Họ thu xếp cho Loan thật chu đáo, cả đến những bộ quần áo để thay đổi, Loan tương đối đầy đủ. Dương húc vừa cười vừa hỏi Loan:
- Khi ra khỏi khám, việc đầu tiên mày sẽ làm gì?
- Tao sẽ uống một ly cà phê thật ngon.
- Chỉ có vậy thôi sao?
- Vậy thôi!
Dương húc cười nói:
- Tao thấy nhiều thằng kỳ lắm, thằng nào thuộc loại dân “ken” thì khi ra nhào vô tiệm hút, thằng nào khoái gái thì vô xóm điếm. Còn tao đớp, đớp no bò lê bò càng ra rồi đút đầu vô rạp xi nê làm một giấc.
Dương húc nhìn Loan ranh mãnh tiếp:
- Mày có thích gái không?
Loan lắc đầu trả lời nước đôi:
- Có lẽ là sẽ khoái, nhưng bây giờ thì chưa!
Thằng Huân con châm chọc:
- Mày có mèo không?
Loan đưa tay véo tai nó:
- Chỉ được cái đấu nhảm là không ai bằng.
Cả bọn uống vơi đến lon “Guigo” trà thứ hai thì vừa lúc giám thị lên gọi Loan. Trời chưa sáng rõ nhưng bọn lỏi tì đã dậy hết. Chúng reo hò âm ĩ, hè nhau nhào đến bên Loan.
- Uýnh bỏ mẹ Loan mắt nhung đi tụi bây ơi!
Được lệnh, thằng nào thằng nấy nhào vô như điên, thằng thoi thằng đá Loan túi bụi. Loan chỉ còn có nước ôm đầu chạy trối chết ra cửa:
- Từ giã anh em!
Theo phong tục của các phòng giam trong khám, khi một kẻ được tự do đều phải chịu một trận đòn hội chợ tống tiễn của các bạn tù. Những kẻ được tự do từ các phòng giam ra nhập bọn mỗi lúc một đông, ai nấy đều tươi cười hớn hở. Xuống tới phòng ký vật can nhân, trời cũng chưa sáng rõ. Loan nhìn ra chấn song sắt trên trần nhà, thấy ánh nắng đầu tiên đã ửng hồng. Loan thấy lòng mình lâng lâng vui sướng. Tiếng nói chuyện, tiếng chào hỏi vang vang khắp phòng. Trên môi ai nấy đều nở nụ cười tươi, họ mời nhau những điếu thuốc không tiếc rẻ... Loan cũng được mời hút thuốc.
Một người đàn ông có tuổi ngậm ngùi:
- Mười năm rồi tôi mới có được giây phút này, tôi tưởng mình chết mất xác ở ngoài đảo rồi chứ.
- Bác mới ở ngoài đảo về à?
Nghe Loan mắt nhung hỏi, người đàn ông rút chiếc khăn ra chậm nước mắt:
- Ừ! Tao bị đày ra đảo mười bảy năm nay rồi, được về khám này gần một tuần lễ, nay chờ trả tự do.
- Bác còn họ hàng thân thích gì ở đây không?
- Chắc chẳng còn ai, nhưng tao xoay xở được, lần này tao quyết làm lại cuộc đời.
- Bác không có vợ con à?
Hỏi đến câu đó, gã đàn ông có tuổi lại chảy nước mắt:
- Có, nhưng tao nghe nói đâu con vợ tao nó bỏ tao đi lấy chồng khác rồi, còn con tao thì chắc tao không còn nhận ra nữa. Khi tao bị bắt nó mới chập chững biết đi. Nhưng nếu gặp lại nó, tao sẽ nuôi nó.
- Bác làm gì có tiền mà nuôi?
Người đàn ông đứng tuổi hừ một tiếng:
- Mày khinh tao không có tiền sao? Tao là thằng giàu nhất đảo đó!
- Tiền ở nhà gửi ra cho bác hả?
Người tù đứng tuổi nhíu mắt có vẻ bực bội:
- Tao đâu có thèm mày ơi! Tao dư sức làm giàu một mình. Suốt bảy năm trời tao nuôi gà, đánh cá, dành dụm từng đồng...
Hắn ta khoe khoang:
- Tao hiện giờ có ngót một trăm ngàn lận, tao đủ sống phong lưu đ... cần thằng nào hết.
Trời vừa sáng rõ, đoàn tù được hướng dẫn ra xe để đưa về Nha Tổng giám đốc Công an trả tự do. Khi lên xe, người giám thị lại lấy còng ra, khóa tay từng cặp vào nhau. Loan ngạc nhiên hỏi:
- Hay nhỉ? Được trả tự do rồi sao lại còn bị còng tay?
Người giám thị trừng mắt nhìn Loan nói cộc lốc:
- Chưa đâu!
Gã tù ngồi bên cạnh giải thích:
- Phương pháp an toàn đó. Biết đâu khi trả về công an, người ta chẳng điều tra ra một tên tù được trả tự do bị mắc một vụ nào đó khác...
Loan chợt hiểu, nó à lên một tiếng. Chiếc xe chạy chầm chậm trong thành phố, Loan thấy thời gian này sao mà dài ghê gớm. Mỗi khi xe ngừng ở một chặng đèn đỏ, các tù nhân lại xô nhau ra cửa nhìn xuống đường reo lên:
- A, đường Phan Đình Phùng, vui quá!
Đúng vào giờ đi làm nên đường phố nườm nượp người qua lại. Có tù nhân không giữ nổi bình tĩnh, giơ tay xuống đường vẫy gọi om sòm. Có người thì ngồi lâm lì một xó có vẻ lo lắng:
- Tao lo quá!
- Lo cái gì?
- Hồi năm năm về trước tao có dính líu đến một vụ buôn lậu, hổng biết họ có tìm ra không? Tao mà phải ngồi lại thêm mấy năm nữa chỉ có nước chết!
Loan cũng không giữ nổi sự vui sướng. Nó cười nói luôn miệng, nó nói đến những việc sẽ làm khi bước chân ra khỏi cửa ải cuối cùng:
- Tao ấy à? Hết tội rồi, khi ra khỏi công an tao “doọt” một đường tới quán cà phê làm một đĩa cơm tấm bì chả, một ly cà phê đen và hút liền tù tì bốn điếu thuốc Ruby. Thú vị đ... chịu được.
Loan nghĩ đến Minh, bạn nó, và Thiệu, thằng em hiền lành mà Loan xa cách suốt mấy tháng trời nay. Loan nghĩ bụng, thôi thì cũng muối mặt nhờ bạn đỡ một thời gian trước khi tìm được việc làm. Loan lại nghĩ đến chị Bảy, đến con người đã đưa Loan vào vòng tù tội, Loan thấy bình tĩnh một cách kỳ lạ, Loan không con thấy căm giận chị Bảy như mấy tháng về trước nữa, hình như thời gian đã làm cho Loan nguôi ngoai hận thù. Nhất là bầu trời ngoài kia, bầu trời xanh ngắt và cao thăm thẳm như xoa dịu tâm hồn Loan, làm cho Loan trở nên một con người bao dung.
Xe chạy từ từ trên đường phố, bóng lá cây chập chờn trên cao những sợi mây thật mỏng thấp thoáng qua khung cửa hẹp giăng lưới sắt mắt cáo. Tiếng động cơ xe cộ, tiếng ồn ào từ dưới đường vọng lên nghe vui vẻ lạ lùng.
Đang mải suy nghĩ vẩn vơ, cả xe bỗng nghe tên tù đang bấu ở cửa reo lên:
- Tới nơi rồi!
Bọn tù ào ra cửa. Phía dưới đường, đàn bà và trẻ con đứng ngó lom lom vào cửa xe rồi reo lên:
- A, ba mày kìa! Anh ơi, sao về muộn quá vậy anh?
- Phải chờ xe!
- Mẹ con tui chờ anh ở ngoài này nghe.
Gã tù vui vẻ quay lại khoe:
- Vợ con tao đó!
Xe chạy vào trong vòng thành. Bọn tù được trả tự do bị dồn vào một phòng giam tạm. Người công an vui vẻ:
- Anh em chịu khó một chút nhé! Chính phủ đãi anh em một bữa cơm tù trưa nay nữa.
Loan thở phào:
- Thế là nhà em mất chương trình cơm tấm buổi sáng rồi...
Người công an nheo mắt nhìn Loan:
- Mày tù bao lâu?
- Dạ năm tháng ạ!
- Năm tháng mày còn chịu nổi nữa huống chi một buổi sáng hôm nay, chịu khó đi cưng.
Vừa nói anh ta vừa tháo còng ra cho các tù nhân.
Loan bẻ những ngón tay kêu răng rắc:
- Thoát nợ, thật là chó chết!
Trong phòng giam tạm, tiếng chuyện trò ồn ào như vỡ chợ. Những người mới bị bắt còng tay đi qua phòng giam lén đưa mắt nhìn vào một cách thèm thuồng. Nhiều tên tù chuyên nghiệp gặp bạn cũ reo lên:
- Ê! Mày bị bắt hồi nào vậy?
Kẻ đi ngoài nhìn trước nhìn sau rồi mới trả lời:
- Mới hôm qua. đ.m, bị đánh quá!
- Vẫn tội đó chứ?
- Vẫn tội đó, mày nhớ nhắn tin cho chúng nó biết nhé, đau quá chịu không nổi tao khai hết trơn rồi.
- Ừ, yên chí!
Loan và các bạn tù bị giữ mãi cho tới ba giờ chiều mới được phóng thích. Ra khỏi cửa công an, Loan đứng lại ngơ ngác nhìn đường phố dập dìu người và xe cộ qua lại. Loan tính về nhà Minh ngay, nhưng nó lại đoán chừng giờ này Minh đi dạy học chưa về nên lại thôi. Loan rảo bước đến quán cà phê gần đó để ngồi. Loan đã bỏ bữa cơm trưa trong công an nhưng nó không thấy đói, nó nghĩ bụng: “Mình tiện tặn được đồng nào hay đồng đó”.
Tâm trạng Loan lúc này bỗng trở nên hoang mang, mới chiều hôm qua Loan còn ngồi ở hành lang khám đường mà bây giờ Loan đã ngồi đây. Loan nhớ đến từng khuôn mặt bạn bè, từng dấu vết cùa nhà giam. Loan thấy cô đơn. Xung quanh Loan toàn là những người xa lạ. Loan nhìn xuống chân, bọc quần áo gói bằng giấy nilon vứt lăn lóc. Loan nhìn quanh và nghĩ bụng, chẳng hiểu người ta có biết mình vừa mới ở tù ra không nhỉ? Ồ! Ở tù với cái tội chó đẻ đó. Mảnh giấy phóng thích có ghi rõ tội trang còn gấp gọn trong túi. Hiện giờ trong người Loan không có một thứ giấy tờ gì hợp pháp ngoài mảnh giấy này.
Loan nghĩ đến tương lai mình, những công việc mình sẽ làm. Bỗng nhiên Loan thấy buồn, một khi biết mình ở tù ra với tội ăn cắp bỉ ổi. Đối với xã hội, Loan không được coi là một kẻ đáng tin cậy nữa, mặc dù Loan đã trả nợ rất đầy đủ cho một tội trạng mà Loan không hề dính vào.
Loan trầm ngâm uống từng hớp cà phê đen đặc. Buổi chiều không có nắng nhưng oi bức. Có thể một trận mưa sẽ đổ ào xuống bất ngờ, bầu trời bên ngoài xám ngắt màu chì.
Loan lại nghĩ đến những buổi chiều thứ bảy ngồi uống cà phê với Thiệu, không biết năm tháng qua Thiệu ra sao, có sự gì thay đổi ở trong chú bé hiền lành và an phận đó không?
Loan thấy mệt mỏi và buồn ngủ díp mắt. Suốt đêm qua đã không chợp mắt, sáng và trưa nay thì nôn nao chờ đợi giờ phóng thích, chờ đợi giờ phút này. Giờ phút ngồi đây với nỗi buôn cô đơn. Loan thở dài, còn những điều nhắn nhủ của Dương húc nữa. Con bé tên Xuân. Những điều hứa hẹn đó Loan phải thực hiện, dù sao đi nữa những người đó luôn tin tưởng ở Loan.
Loan uể oải gạt tàn thuốc lá vào cạnh bàn. Không biết rằng những điều Loan sẽ làm vì lời hứa đó có ảnh hưởng gì đến tương lai không? Loan phải dứt khoát, Loan sẽ thực hiện xong lời hứa rồi sẽ bỏ đi, Loan sẽ tự đi tìm cho mình một tương lai khác. Loan hối hận vì đã nhận lời đón ả giang hồ tên Xuân vào chiều thứ bảy tới. Tại sao lúc đó Loan không từ chối phắt đi. Nhưng biết làm sao được, vì mình đã trót hứa rồi.
Loan thấy mây đen ngoài trời mỗi lúc một thấp. Gió xoay chiều cuốn tung bụi đường cùng rác rưởi. Bộ hành, xe cộ đi lại vội vã. Không khéo trời mưa lớn mất, mình cũng ra đi là vừa. Loan nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường. Đã năm giờ rưỡi rồi, Loan trả tiền rồi đi ra khỏi quán. Loan đã bắt đầu thấy đói, nó nghĩ bụng lát nữa mình sẽ ăn một tô phở. Còn bây giờ hãy đến nhà Minh trước đã. Cơn mưa như đang đuổi theo sau lưng. Một chiếc xe buýt đi qua, Loan nhảy đeo lên cửa xe.
Tới trước con hẻm nhà Minh, Loan xuống xe. Nó ngần ngại chưa muốn bước vào. Mình sẽ nói sao với Minh đây, thú thật hay nói dối. Cuối cùng Loan quyết định nên nói thật hết, không giấu diếm một điều gì. Loan tin rằng Minh là người tốt, Minh sẽ sẵn sàng giúp đỡ và thông cảm cho hoàn cảnh của Loan. Loan lầm lũi bước vào xóm. Nhà của Minh kia rồi, hai cánh cửa đang mở rộng. Mụ chủ nhà vẫn ngồi ở chiếc xích đu mọi khi nhìn ra đường.
Tới trước cửa, Loan đứng lại cúi đầu chào, hình như mụ không nhận ra Loan:
- Không dám, chào cậu. Cậu muốn hỏi ai?
- Dạ tôi muốn hỏi anh Minh ở trên lầu.
Mụ nheo mắt nhìn Loan, rồi mụ đổi giọng liền:
- A, à. Nhà anh có phải là anh gì... mà ở chung với cậu Minh được một ngày hồi nửa năm về trước không?
Loan gật đầu:
- Dạ phải!
Mụ chủ nhà hứ một tiếng:
- Các anh là những kẻ bê bối, tôi đâu có phải là những kẻ ham tiền, tôi chỉ muốn có một chỗ yên tĩnh để tu tâm dưỡng tính, các anh lại tính qua mặt tôi, qua mặt con già này sao nổi. Tôi cứ nghĩ rằng các anh là những kẻ có ăn có học tử tế, ai ngờ toàn một phường...
Mụ nói một thôi một hồi. Loan thấy nóng mặt, và nhất là nó chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao. Loan nghĩ bụng chắc là có chuyện gì liên quan đến mình đây. Loan hỏi:
- Tôi muốn hỏi anh Minh.
Giọng mụ to hon:
- Tôi đuổi ra khỏi nhà rồi, lưu manh quá ai mà chịu cho nổi... Đi với bụt phải mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Các người âm mưu lừa gạt tôi, các người tưởng con già này ngu lắm sao? Ở đâu cũng có lệ hết.
Loan càng hoang mang:
- Bà cho tôi biết lý do, bà cứ sa sả chửi tôi hoài ai mà chịu cho nổi.
Mụ chủ nhà đỏng đảnh:
- Có cả trăm ngàn lý do! Các người thuê nhà rồi tự quyền muốn đem ai tới ở cũng không thèm báo cho chủ nhà biết, đến cuối tháng trả tiền thì chỉ trả cho một người... ức hiếp tôi như vậy đâu có được, đã nói hai người ở thì phải trả hai, dù có ở một ngày cũng phải trả nguyên tháng. Nhà tôi là nhà làm ăn đàng hoàng, chứ có phải nhà điếm nhà thổ đâu mà ai muốn ra thì ra, ai muốn vào thì vào...
Loan vỡ lẽ ra. Loan không bực mình vì những câu đay nghiến của mụ chủ nhà, mà chỉ lo lắng cho Minh, không biết giờ này Minh đang ở đâu. Loan nuốt giận hỏi:
- Bà có biết bây giờ Minh ở đâu không?
- Ai mà biết được! Rời cái nhà này ra chỉ còn có nước nằm đường nằm chợ.
Loan quắc mắt nhìn mụ ta, buông một câu cộc cằn trước khi bỏ đi:
- Hỗn!
Thế là mụ nhảy nhoi lên chửi, Loan mặc xác mụ, cứ việc bỏ đi ra ngoài xóm.