- II - (C)

2. Chánh nghĩa dựa vào một đạo lý có tánh cách tổng quát hơn.
a.Vấn đề chánh nghĩa dựa vào một đạo lý có tánh cách tổng quát.
Câu chuyện của Tiêu Phong và Vi Tiểu Bảo đã cho thấy rằng ngoài chánh nghĩa dân tộc, con người còn có thể phụng thờ một loại chánh nghĩa khác đặt nền tảng trên một đạo lý có tánh cách tổng quát hơn. Loài người vốn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, về mặt chánh trị, đã có nhiều lý tưởng khác nhau xuất hiện. Mặt khác, người muốn tranh đấu cho lý tưởng của mình thường phải kết hợp nhau lại. Vì thế, trong xã hội nào cũng có nhiều đoàn thể khác nhau, mỗi đoàn thể thờ một lý tưởng và xem việc phục vụ lý tưởng đó là một việc làm hợp với chánh nghĩa. Do chỗ có lý tưởng khác nhau, các đoàn thể đã xung đột nhau nhiều khi rất mãnh liệt.
Tuy nhiên, vì nhu cầu, một vài đoàn thể có thế giúp đỡ nhau hoặc kết hợp với nhau một cách chặt chẽ trong một liên minh.
Nhưng trong khi liên minh với nhau, các đoàn thể lại có thể ngầm chống chọi hay phá hại nhau. Mặt khác, bên trong một đoàn thể, có thể có sự bất đồng ý kiến về cách giải thích một nguyên lý chung, hoặc về phương pháp phải áp dụng để đạt mục đích chung. Sự bất đồng ý kiến này có thể đưa đến sự xung đột làm cho đoàn thể phân hóa thành nhiều phe chống chọi nhau. Khi có sự phân hóa như vậy, người của các phe chống chọi nhau có thể áp dụng nguyên tắc “phải diệt kẻ nội thù trước khi chống nhau với ngoại hoạn” và đối phó với nhau một cách quyết liệt. Bởi đó, sự xung đột giữa các phe chống chọi nhau bên trong một đoàn thể lắm lúc còn dữ dội hơn sự xung đột giữa các đoàn thể khác nhau. Các phe chống chọi nhau bên trong một đoàn thể có thể đi đến chỗ hợp tác với đoàn thể khác để triệt hạ phe đối địch với mình.
b. Sự hợp tác và xung đột giữa các phe phái trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và CÔ GÁI ĐỒ LONG.
Việc thành lập phe phái phụng thờ lý tưởng khác nhau và hợp tác với nhau hoặc xung đột với nhau là một hiện tượng tự nhiên và thường trực của mọi xã hội và trong mọi thời kỳ lịch sử. Bởi đó, nó dĩ nhiên phải được Kim Dung mô tả trong các bộ truyện võ hiệp của ông. Có thể nói rằng tác phẩm nào của Kim Dung cũng có những phe nhóm môn phái hợp tác với nhau hoặc xung đột tranh đấu với nhau. Nhung về mặt hợp tác, xung đột và tranh đấu giữa các môn nhái, các tác phẩm có ý kiến đặc biệt đáng lưu ý hơn hết là hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và CÔ GÁI ĐỒ LONG.
1) Đề tài của bộ TIẾU NGẠO GIANG HỔ là cuộc xung đột và tranh đấu giữa các môn phái bên trong một xã hội không có ngoại hoạn. Trong bộ truyện võ hiệp này, Kim Dung đã mô tả hoạt động của một số phe phái trong đó có vai tuồng cốt yếu là Triêu Dương Thần Giáo, chùa Thiếu Lâm, phái Võ Đương, năm kiếm phái của năm hòn núi lớn là Tung Sơn, Thái Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn và Hằng Sơn, và phái Thanh Thành.
Triêu Dương Thần Giáo có những nhà lãnh đạo võ nghệ cao cường và có một kỹ thuật tổ chức và tranh đấu rất tàn độc nhưng rất hữu hiệu. Đoàn thể này chủ trương làm yếu các môn phái khác để bắt các môn phái ấy tùng phục mình, môn phái nào không chấp nhận thì bị tiêu diệt.
Các đoàn thể khác đã được tổ chức theo lề lối cổ truyền khác với lề lối hữu hiệu nhưng tàn độc của Triêu Dương Thần Giáo. Trong sự đối phó với họ, Triêu Dương Thần Giáo lại tỏ ra hết sức hung bạo. Bởi đó, họ tự cho rằng họ thuộc bạch đạo tức là chánh phái trong khi Triêu Dương Thần Giáo bi họ gọi là Ma Giáo tức là tầ đạo. Họ rất thù hằn Ma Giáo và nhứt quyết phải trừ diệt đoàn thể này.
Để đối phó Với Triêu Dương Thần Giáo, các đoàn thể thuộc bạch đạo đáng lẽ phải đoàn kết với nhau một cách thành thật. Hai phái Thiếu Lâm và Võ Đương đã có một thái độ rất đứng đắn. Nhưng các vị cầm đầu hai phái này là những nhà tu hành nê chỉ chấp nhận tham dự việc chống chọi lại Triêu Dương Thần Giáo mà không chịu đứng ra lãnh đạo công cuộc tranh đấu. Nuôi mộng lãnh đạo phe bạch đạo là các cao thủ võ lâm điều khiển các kiếm phái của năm hòn núi lớn. Bề ngoài, các kiếm phái này có vẻ đã hợp tác với nhau một cách chặt chẽ. Nhưng nhà lãnh đạo hai phái Tung Sơn và Hoa Sơn là Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần đã có tham vọng chế ngự hết các phái khác và đã dùng những thủ đoạn thâm hiểm tàn độc để đạt mục đích nên cuối cùng chính họ đã chết mà các kiếm phái trên đây cũng bị suy yếu và tan rã, chỉ còn lại phái Hằng Sơn.
Riêng phái Thanh Thành là một phái nhỏ, ít thế lực, uy tín kém các phái khác. Để tự tăng cường, Chưởng Môn Nhơn phái này là Dư Thanh Hải đã tìm cách lấy TỊCH TÀ KIẾM PHỔ của nhà họ Lâm làm chủ Phước Oai Tiêu Cục. Ông đã xử sự một cách rất ác độc đối với Phước Oai Tiêu Cục và nhà họ Lâm. Phái ông đã sát hại nhiều người của tiêu cục này với những đòn hung bạo, và tra khảo vợ chồng Lâm Chấn Nam một cách tàn nhẫn. Tuy thế, ông vẫn không tim được bộ kiếm phổ để rèn luyện cho võ công tăng tiến hơn. Về sau, ông và đệ tử ông đã bị con Lâm Chấn Nam là Lâm Bình Chi dùng Tịch Tà Kiếm Pháp vũ nhục và sát hại để báo thù cho cha mẹ mình.
Lịnh Hồ Xung chính là nhơn vật đóng vai tuồng chủ yếu trong các cuộc xung đột môn phái này. Trong khi còn là đệ tử phái Hoa Sơn, ông đã có dịp nhận thấy rằng trong các đoàn thể tự xưng là chánh phái, đã có những người tham lam gian xảo. Tệ hơn nữa, một số người tự xưng là thuộc chánh phái, ngay cả trong giới lãnh đạo, lại cũng có những hành động tàn ác bất nhân không khác hành động của Ma Giáo mà họ thù hằn và sỉ vả. Trái lại, trong Ma Giáo lại có những nhơn vật ngay thẳng và hào hiệp.
Các nhận xét trên đây đã làm cho Lịnh Hồ Xung lần lần tách rời quan điểm của các môn phái tự cho mình là chánh và nhứt định triệt để chống lại tất cả những nguời thuộc Triêu Dương Thần Giáo. Ổng đã rất bất bình khi chứng kiến việc Tả Lãnh Thiền lấy danh nghĩa Minh Chủ của Ngũ Nhạc Kiếm Phái để ngăn trở Lưu Chánh Phong trong dự định rửa tay treo kiếm, và tàn sát cả nhà Lưu Chánh Phong vì ông này không chịu trở mặt giết người bạn của mình là Khúc Dương vốn là một Trưởng Lão của Triêu Dương Thần Giáo. Vậy, Lịnh Hồ Xung đã không tán thành thái độ quá khich cuả các đoàn thể tự xưng là chánh phái thuộc phe bạch đạo. Điều này không có nghĩa là ông chấp nhận lập trường của Triêu Dương Thần Giáo. Tuy đã kết bạn với Huớng Vấn Thiên là một nhơn vật quan trọng của đoàn thể này, lại có công giúp Nhậm Ngã Hành thoát khỏi sự giam cầm và đoạt lại ngôi Giáo Chủ, rồi được Nhậm Ngã Hành chịu gả con gái là Nhậm Doanh Doanh cho mình, Lịnh Hồ Xung trước sau vẫn từ khước không chịu gia nhập Triêu Dương Thần Giáo. Ngay cả khi Nhậm Ngã Hành bảo ông rằng sau này, ông có thể lên làm Giáo Chủ và sửa đổi lại lề lối tổ chức và tranh đấu của đoàn thể này theo ý muốn, Lịnh Hồ Xung vẫn không thay đổi lập trường.
Đối với Lịnh Hồ Xung, vấn đề chỉ được giải quyết khi Nhậm Ngã Hành chết một cách thình lình và Nhậm Doanh Doanh được đưa lên làm Giáo Chủ rồi thay đổi hẳn chánh sách của Triêu Dương Thần Giáo làm cho đoàn thể này hết còn là thù địch của các môn phái khác. Lúc làm lễ thành hôn với Nhậm Doanh Doanh, Lịnh Hồ Xung đã từ chức Chưởng Môn Nhơn phái Hằng Sơn, Nhậm Doanh Doanh cũng đã từ chức Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo. Tuy nhiên, trước sau, họ vẫn có liên hệ mật thiết đến các đoàn thể này. Và trong tiệc cưới, hai vợ chồng đã hòa tấu bản nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ do Khúc Dương và Lưu Chánh Phong sáng tác xưa kia, lúc hai người kết bạn với nhau nhưng bị các chánh phái không chấp nhận sự kết bạn này và sát hại cả hai.
2). Đề tài được Kim Dung nêu ra trong bộ cô GÁI ĐỒ LONG khác đề tài của bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ ở chỗ cuộc xung đột giữa các môn phái đã xảy ra trong lúc các môn phái này còn phải chống lại người Mông cổ đương thống trị đất nước mình. Trong bộ cô GÁI ĐỒ LONG, các môn phái đã đóng một vai tuồng quan trọng là Minh Giáo, chùa Thiếu Lâm, phái Võ Đương, phái Nga Mi và Cái Bang.
Minh Giáo là một đoàn thể tôn giáo đã có ở Trung Quốc từ đời nhà Đường. Nó dạy người theo nó tận lực giúp đỡ lẫn nhau. Người theo Minh Giáo thường chống đối sự bóc lột của tham quan ô lại. Do đó, Minh Giáo thường bị triều đình gọi là Ma Giáo. Đã vậy, từ khi Giáo Chủ Dương Phá Thiên chết một cách bất ngờ, đoàn thể này không chỉ định được người kế vị thành ra hàng ngũ phân hóa, một trong các hộ pháp là Hân Thiên Chánh đã tách ra lập Bạch Mi Giáo. Mặt khác, kỷ luật đã không được áp dụng đứng đắn nên có nhiều người làm việc sai quấy. Vì thế, cả Minh Giáo lẫn Bạch Mi Giáo đều bị xem là những đoàn thể tà khúc và bị các đoàn thể tự cho mình là chánh phái chống lại. Sự chống báng này càng có tính cách mãnh liệt hơn vì âm mưu của một người thù Minh Giáo là Thành Khôn đã đưa đến việc gây thêm hiềm khích giữa hai bên.
Trong các chánh phái chống lại Minh Giáo thì quyết liệt nhứt là phái Nga Mi. Chưởng Môn Nhơn phái này là Diệt Tuyệt Sư Thái. Bà có tánh dũng cảm cương nghị và không để cho tình cảm chi phối. Do đó, bà chủ trương sát hại không chút xót thương tất cả những người có liên hệ với tổ chức mà trước sau bà vẫn gọi là Ma Giáo. Mặt khác, bà biết được sự bí mật liên hệ đến kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long và nuôi giấc mộng tìm đủ hai võ khí này để lấy các bí kíp cần thiết giúp Chưởng Môn Nhơn của phái Nga Mi trở thành Minh Chủ Võ Lâm. Lúc chết, bà đã truyền chức vụ Chưởng Môn Nhơn lại cho đệ tử là Châu Chỉ Nhược và dặn cô này phải thực hiện giấc mộng của bà bằng mọi giá.
Vì cha là người của phái Võ Đương còn mẹ là người của Bạch Mi Giáo, Trương Vô Kỵ đã cố gắng vận động cho các chánh phái hòa giải với Minh Giáo, nhứt là từ khi được biết rằng Minh Giáo vốn là một đoàn thể tốt. Ông đã thực hiện được nguyện vong này nhờ nhiều lý do. Trước hết, ông đã may mắn luyện được một võ công siêu tuyệt lại đã giúp cho Minh Giáo khỏi bị các chánh phái tiêu diệt nên được tất cả những người trong Minh Giáo đồng ý tôn lên làm Giáo Chủ của họ. Vì thế, ông đã có thể tổ chức lại Minh Giáo để cho đoàn thể này trở lại có tư cách của một chánh phái. Mặt khác, ông đã xử sự một cách khéo léo đối với các môn phái chống lại Minh Giáo làm cho họ không mất thể diện và sau đó, Minh Giáo duới quyền ông lại còn giúp đỡ họ một cách tận tình. Nhưng quan trọng nhứt là việc Minh Giáo và các môn phái khác cùng có một kẻ thù chung là người Mông Cổ, một dị tộc đương thống trị người Hán. Chỉ có phái Nga Mi không chấp nhận hợp tác với Minh Giáo vì Châu Chỉ Nhược lúc đầu đã tuân theo lời trối của Diệt Tuyệt Sư Thái. Nhưng sau cùng, Châu Chỉ Nhược lại đã trao chức vụ Chưởng Môn Nhơn của phái này cho Trương Vô Kỵ.
c. Các khía cạnh đáng lưu ý liên hệ đến chánh nghĩa đặt nền tảng trên một đạo lý có tánh cách tổng quát.
Với các câu chuyện trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và CÔ GÁI ĐỒ LONG, Kim Dung đã nêu ra một số khía cạnh đáng lưu ý liên hệ đến cái chánh nghĩa đặt nền tảng trên một đạo lý có tánh cách tổng quát.
1) Ông đã cho chúng ta thấy rằng cũng như chánh nghĩa dân tộc, chánh nghĩa dựa trên đạo lý không phải có tính cách tuyệt đối và khách quan mà chỉ là một nhận thức chủ quan dễ dàng đưa đến sự thiên vị.
Nói chung thì đoàn thể nào cũng xem đạo lý mình tôn thờ là đúng, còn đạo lý của đoàn thể khác là sai. Bởi đó, mỗi đoàn thễ đều tự cho mình là chánh và xem đoàn thể chống đối mình hay khác hơn mình là tà.
Mặt khác, dầu cho người ta có lấy nền đạo lý cố hữu của xã hội làm tiêu chuẩn cho sự chơn chánh và xem các nền đạo lý mới lạ là tà, sự phân biệt chánh tà cũng không phải là đơn giản. Trước hết, trong các đoàn thể được xem là chánh phái theo quan điểm trên đây, có cái thật sự theo đúng đạo lý mà nó chánh thức tôn thờ, nhưng cũng có cái đã phản bội lại đạo lý đó và có những chủ trương hành động y hệt phái tà mà nó sỉ vả. Trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và CÔ GÁI ĐỒ LONG, chùa Thiếu Lâm và phái Võ Đương đã cư xử thật sự như là chánh phái. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của các phái Tung Sơn, Hoa Sơn và Thanh Thành trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và nhà lãnh đạo của phái Nga Mi trong bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG lại có những chủ trương và hành động không khác với Triêu Dương Thần Giáo và Minh Giáo mà họ gọi là Ma Giáo. Ngoài ra, trong mọi đoàn thể, dầu là chánh phái thật sự, chánh phái giả hiệu hay là tà phái, đều có người tốt và người xấu, chớ không phải người của chánh phái là nhứt định tốt còn người của tà phái là nhứt định xấu. Qua sự mô tả của Kim Dung, ta có thể thấy rõ rằng có khi những người tự xưng là thuộc chánh phái còn gian trá và tàn độc hơn là người của Ma Giáo.
2) Một ý tưởng khác của Kim Dung mà chúng ta có thể nhận thấy về vấn đề này là hai phe chánh và tà khó có thể tiêu diệt nhau được. Bởi đó, theo ý ông, hay nhứt là hai bên nên hòa giải với nhau. Nhưng sự hoà giải thật ra không phải dễ đạt. Trương Vô Kỵ đã thành công được nhờ một số điều kiện thuận tiện trong đó quan trọng nhứt là nhu cầu đoàn kết để đổi phó với kẻ thù chung của dân tộc. Nhưng phần Lịnh Hồ Xung thì sự thành công chỉ là kết quả của sự ngẫu nhiên. Ta có thể bảo rằng kết cuộc của bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ không phải là một cáo chung tự nhiên, hợp lý, phát xuất từ sự diễn tiến của tình thế đương có. Nó chỉ biểu lộ một mơ ước của tác giả mà thôi.
d. Sự xuất hiện trong thực tế của các điều mà Kim Dung mô tả trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỜ và CÔ GÁI ĐỒ LONG.
Những điều mà Kim Dung mô tả trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỔ và CÔ GÁI ĐỒ LONG không phải là không có xuất hiện trong thực tế. Cuộc tranh đấu giữa Ma Giáo và các chánh phái trong các tác phẩm này chỉ là phản ảnh của cuộc tranh đấu ò Trung Quốc giữa Trung Cộng và các đoàn thể gọi chung là Quốc Gia.
Với một chủ nghĩa hoàn toàn xa lạ đối với nền văn hóa Trung Hoa, với một kỹ thuật tổ chức và hoạt động hữu hiệu nhưng trái với đạo nghĩa Trung Hoa cổ truyền, Trung Cộng thật không khác các Ma Giáo trong các tác phẩm của Kim Dung. Chống đối lại Trung Cộng là các đoàn thể dựa vào đạo lý cổ truyền, hoặc nếu có phần nào theo các tư tưởng và lề lối làm việc của Tây Phương thì cũng không hoàn toàn chọi lại nền đạo lý cổ truyền. Trong các đoàn thể này, có những cái làm đúng theo chủ trương thật sự của mình, nhưng cũng có đoàn thể sỉ vả Trung Cộng mà lại áp dụng đúng các lề lối làm việc của Trung Cộng mà nó chánh thức kết án. Đó là trường hợp của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, bề ngoài thì chủ trương dân chủ và đề cao đạo lý cổ truyền, nhưng thật sự, lại cũng áp dụng chế độ độc đảng, và cũng dùng bạo lực cũng như mọi thủ đoạn hiểm độc tàn ác để đối phó với đối lập y như Trung Cộng. Vậy, các đoàn thể chống Trung Cộng ở Trung Quốc có thể đồng hóa với các tổ chức gọi là chánh phái trong hai bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ và CÔ GÁI ĐỒ LONG.
Giữa Trung Cộng và các đoàn thể quốc gia Trung Hoa, đặc biệt là Trung Hoa Quốc Dân Đảng, đã có sự hợp tác để chống lại cuộc xâm lăng của người Nhựt, giổng như sự hợp tác giữa Minh Giáo và các chánh phái trong CÔ GÁI ĐỒ LONG để chống lại người Mông Cổ. Nhưng khi Nhựt đã thua trận, sự xung đột giữa hai bên Trung Cộng và Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã bộc phát trở lại.
Mặc dầu Trung Cộng đã thắng thế và chiếm cả lục địa Trung Hoa, Trung Hoa Quốc Dân Đảng vẫn còn giữ được Đài Loan và cuộc tranh đấu giữa hai bên vẫn tiếp tục. Có lẽ với lối kết thúc bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, Kim Dung đã nêu ra một hy vọng là sau một thời kỳ chống chọi nhau, hai bên sẽ lại hòa giải nhau được vì hạnh phúc của nhơn dân Trung Hoa. Nhưng liệu hy vọng này có thành sự thật được hay không? Đó là một vấn đề hiện còn đương được đặt ra. Dầu sao thì ý kiến Kim Dung cũng rất rõ rệt: sự hòa giải chỉ có thể thực hiện được khi Triêu Dương Thần Giáo (tức là Trung Cộng) đã thật sự thay đổi chánh sách của mình.