- 9 -


- 4 -

     rong hoàng thành có một nhân vật từ một viên tuỳ tướng, bỗng trở nên trụ cột của triều đình, nơi dựa tin cậy của Chúa.
Ai cũng biết, Chúa Trịnh Sâm vốn là kẻ am tường cả văn lẫn võ. Chúa thường nói với Nguyễn Khản:
- Nếu như phía Tây Nam Trấn Ninh không tráo trở, phía bên kia sông Gianh, Chúa Nguyễn không làm ta mất ăn mất ngủ, thì ta tội gì mà phải nuôi năm nghìn quân cấm vệ người Thanh, Nghệ, việc gì phải dựa vào bốn viên tướng giỏi cầm hàng vạn quân ăn không ngồi rồi ở tứ trấn; cũng chẳng phải ngày đêm nơm nớp chờ đợi tin thắng hoặc thua trận từ phía Nam dải Đèo Ngang truyền tới...
Trước đây, cận thần của Chúa là Nguyễn Khản, Nguyễn Dĩnh, Trần Thân. Lúc ấy Chúa chưa có Đặng Thị Huệ, chưa sinh Trịnh Cán, huân nghiệp của Chúa đang rờ rỡ. Chúa là người quyết đoán thông minh, trí lực hơn người. Được Chúa cha là Trịnh Doanh bù trì từ thuở ẵm ngửa cho đến lúc ra ở ngôi riêng ở Cung Thế Tử.
Khi ngồi vào ngôi Chúa, nhờ biết dùng người giỏi, Trịnh Sâm đã dẹp yên được loạn lạc, vỗ về được lân bang, sửa sang triều chính, loại bớt kẻ bất tài, dựa hẳn vào người có học không kể gì người thân thích hay ngoại tộc, người cao vọng hay kẻ xuất thân từ đám lưu dân.
Bởi thế, phủ Chúa ngày một tấp nập các sứ giả gần xa, các thương đoàn từ Ba Tư, Ấn Độ, Tân Gia Ba tới... Lại có cả những đoàn thám hiểm, những giáo sĩ đem những vật lạ từ phương Tây đến xin yết kiến.
Chúa rất quý trọng Nguyễn Khản. Khản là con Xuân quận Công Nguyễn Nghiễm, đỗ tiến sĩ từ năm còn rất trẻ, Nguyễn Nghiễm từng là thầy học của Trịnh Sâm. Thuở còn tập văn ở nhà riêng Xuân Quận Công, Chúa và Khản thường tranh ngôi thứ nhất nhì...
Khi Trịnh Sâm lên ngôi Chúa, dùng Khản như cận thần, không những bàn bạc về quốc gia trọng sự, mà còn vui chung trong cuộc hoạ thơ, du ngoạn, Chúa từng cùng Khản bàn việc lập đại quan viên, dựng hành cung trên Hồ Tây, các trò vui, hát múa của đám quan hoạn và thị nữ thường Khản bầy vẽ ra cả.
Khản lại rất thích hát ả đào... Có hôm, Chúa vi hành đến chơi, thấy Khản tự gảy đàn làm kép, bả lả bên ca nữ, tay chân bá vai bá cổ, suồng sã như một kẻ tiện dân... Chúa lẳng lặng bỏ ra về. Hôm sau, khi bàn xong việc nước, Chúa đùa hỏi:
- Đại quân nhân khác người thường ở chỗ nào.
Khản đáp:
- Khác ở nghi vệ và phong độ.
Chúa cười:
- Hôm qua ta gặp một đại quan nhân, nhai nhồm nhoàm, tay bá cổ, áo quần xộc xệch, bả lả với đám ca nữ bình dân... Có lúc lại cầm đàn gảy những khúc nhạc tầm thường của đám ngồi đầu hè, giữa chợ, như thế đúng hay không đúng!
Khản biết Chúa quở mình, liền gãi đầu nói:
- Khản này có lúc quá vui, quá chén, những lúc ấy thì đại quan nhân trút lốt đâu mất, chỉ còn thằng Khản thấy hơi rượu ngon là mép rung rinh; thấy đào hát đẹp thì mắt lấm la lấm lét; thấy tiếng hát véo von thì tay muốn cầm đàn gẩy tang tịch tình tang... Tâu Chúa thượng, vận áo mũ đại quan nhân, cũng có lúc muốn đóng cửa, làm một vai tiện dân một chút...
Chúa thở dài, không quở mắng gì thêm nữa. Gần đây, liên tiếp mất mùa, Chúa lại quá ỷ vào tài cai trị của mình, bị đám cận thần bưng bít, cho là triều đình do mình sắp đặt đã mọi bề yên ổn... Nào hay, phe cánh vẫn luôn luôn tụ hội hàng ngày. Người ta cứ muốn xem Chúa ngả đằng nào thì chào đằng ấy, để kiếm chút lợi lộc trước mắt. Thi cử thì lấy việc ca ngợi đời thịnh trị mà ra đầu đề. Sĩ tử quen làm văn hoa mỹ mà thiếu bản lĩnh, thực học. Đỗ đạt rồi, lo tìm đại thần làm người nhờ cậy, che chở, kiếm lấy chút quan mọn trong triều rồi dần dần tiến thân, mà mất đức tính của người khổ học để lo kinh bang tế thế cho đời.
Đặng Thị Huệ thấy các lão thần thường không mặn mà gì với mình, liền lần tìm một người có thể phù trợ cho con trai mình trong lúc ngấp nghé ngôi Chúa và sau này nữa.
Triều đình đang có một quận công trẻ nhất trong đám quận công. Đó là Hoàng Đăng Bảo.
Đăng Bảo là cháu Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc, một danh tướng cột trụ của Chúa cha và Chúa con nhà Trịnh. Bảo đỗ thi hương năm Ất Dậu ngay năm sau, thi võ lại đỗ luôn tạo sĩ. Quận Việp thu nạp ngay ở dưới trướng, đem vào trấn thủ phương Nam, được phép điều binh khiển tướng. Dự các buổi bàn lấn đất Thuận Hoá, giao cho nhiều việc quan trọng, Bảo đều đảm đương được. Bảo lại khéo thu phục nhân tài, mạnh dạn trao cho ngôi thứ đích đáng, hợp với tài cán của họ, do thế hào kiệt tụ hội về dưới trướng quận Việp càng đông. Huy theo quận Việp lập công lớn, dẹp yên được trấn Thuận Hoá, tiếng tăm chú cháu Quận Việp - Quận Huy càng lừng lẫy. Những người hay lo xa, mỗi lúc thấy có tướng tài nổi lên, là lại sợ đến những chuyện lấn quyền thoán ngôi. Một hôm, quận Việp nghe trẻ con hát chơi ngoài đường rằng:
Bỏ một, ruộng tám thành tài
Lúc heo hắt ngọn, lấy ai bù trì?
Có người lại tung ra câu sấm: “Nhất thỉ trục quần dương”. Lại có người truyền đến tai Quận Việp đôi câu đối: “Thổ sất vân gian nguyệt, Hoàng hoa ánh nhật hương” đều là ám chỉ thanh thế lớn của Hoàng ngoài biên ải cả.
Hoàng Ngũ Phúc cho gọi Đăng Bảo đến và nói:
- Ta có nghe trẻ hát đồng dao, nho sĩ làm sấm, câu đối ám chỉ ta và ngươi, ngươi nghĩ thế nào?
Đăng Bảo thưa:
- Xin chú cho cháu nghe.
Quận Việp đọc câu ca vào đôi câu đối và nói:
- Câu “Nhất thỉ trục quần dương” nghĩa là một lợn đuổi bầy dê, đó là nói về cháu. Cháu chẳng tuổi Hợi là lợn ư. Câu đồng dao và đôi câu đối là nhắc đến họ Hoàng ta, thế át triều đình. Lòng ta trung thành với nhà Trịnh, ai cũng biết việc ta truyền binh thư, lối cầm quân gia truyền cho cháu, bởi vì lời nguyền của dòng họ mà thôi. Miệng thế làm sao bịt được. Tuy nhiên, ta nghĩ cháu nên đổi tên đi để cho người ta khỏi vin vào các câu hát, câu sấm, câu đối đang truyền giăng ở kinh thành và bốn trấn, lại bay đến hàng ngàn dặn đường ra tít ngoài biên ải này.
Đặng Bảo nghe Quận Việp nói, vái lạy mà thưa rằng:
- Tướng Công yêu cháu như con. Đặng Bảo có ngày nay đều là do Quan Tướng bù trì cho cả. Tướng Công đã dạy, con nào dám chẳng vâng mệnh. Việc thay tên, con không dám tự đặt. Chú không sinh ra con nhưng công đắp bồi còn hơn cả sinh thành, thì thay tên mới cho con còn ai khác ngoài chú nữa.
Quận Việp nghe rất cảm động, thân xuống đỡ Đặng Bảo đang cúi lạy và thân mật nói:
- Con còn thăng tiến hơn cả ta đấy. Ta rất hài lòng về những công việc ta đã làm cho con. Từ nay, nếu con ưng, ta sẽ gọi thay tên Đặng Bảo bằng Tố Lý.
Hoàng Tố Lý ôm gối Việp Quận Công mà nói:
- Suốt đời con được phú quí vinh hoa là nhờ chú, ơn này, con xin kết cỏ, ngậm vành.
Tố Lý bước ra, lâng lâng, ngạo mạn. Gã biết mình đã đủ lông, đủ cánh để bay tít lên mây...
*

*

Trịnh Sâm cho gọi Thế Tử A Bảo Hân Quận Công Nguyễn Dĩnh và Kiều Nhạc hầu Nguyễn Khản, chỉ huy cơ quan thứ nhất ở Hoàng thành vào hầu.
Chúa hỏi Dĩnh và Khản:
- Hai ông đã biết tin gì ở Thập(1) xứ chưa?
Nguyễn Dĩnh thưa:
- Tôi đã được nghe mật tấu, khi quốc lão Việp Quận Công qua đời, Chúa cho Tên Lợn làm chỉ huy Thập xứ, hắn lập tức xưng hùng, xưng bá, làm nhiều việc lấn quyền Chúa công trao cho, mầm phản hắn đã dấy trong lòng hắn, nếu không một sớm một chiều bẻ đi, hẳn gây ra hậu hoạ.
Chúa quay sang Kiều Nhạc hầu hỏi thân mật:
- Ông Khản, ông nghĩ thế nào?
Khản thưa:
- Phàm tướng giỏi ở ngoài biên ải, phải được thử thách. Như Việp quận Công, mấy đời thờ nhà Trịnh thì tài cao lại càng trung thành với Chúa. Còn như đám trẻ lên cầm quân, thường cậy tài, cậy sức, lòng dạ không biết đâu mà lường. Quận Huy mới ngổm dậy, nhờ Việp quận Công nâng đỡ mà làm được việc. Nhưng đã được Chúa Công cất nhắc rất nhanh, hẳn là hắn không tránh khỏi kiêu ngạo. Từ kiêu ngạo sang ý kia khác hẳn cũng chẳng xa gì.
Chúa nóng ruột hỏi:
- Vậy ta phải xử sự với tên chỉ huy Thập sứ thế nào?
- Huy cấm đổi tiền, trấn áp cường hào, chặn kiện cáo gây rối, thu dụng nhân tài... Ngần ấy việc chưa thể buộc vào tội phản loạn. Còn như tự phong cho người dưới trướng là tả hữu tham quân, thì hạch vào tội vượt quyền Chúa cũng chưa hết nhẽ, vì tướng cầm quân ở nơi có trận mạc thì bao giờ chẳng có phó tướng, tham quân. Họ có đặt những chức như một triều đình con đâu mà mình bắt bẻ được. Tội danh chưa gọi ra được, đem quân đến triệu về thì lòng dân không yên. Xứ Thuận Hoá vừa lấy được là do công của Quận Việp và Quận Huy, Chúa đã cho người tin cẩn ra trấn giữ. Nếu để Quận Huy ở sau lưng Thuận Hoá mà y không hết lòng thì Thập xứ là nơi lui binh, khéo lại là nơi chặn lối của quân ta. Tốt nhất triệu Huy về triều. Nếu Huy chịu về, thì cũng là điệu hổ ra khỏi rừng, bằng không về, thì ta đem quân hỏi tội cũng chưa muộn.
Trịnh Sâm nghe theo kế ấy. Công chúa họ Trịnh là vợ Quận Huy vẫn đang ở triều đình, ngày đêm vẫn sang hầu Đặng Tuyên Phi. Huệ nghe được chuyện kín sau rèm, liền nảy ra một ý riêng: Huệ muốn dựa vào Hoàng Tố Lý, nhân lúc y đang bị triều đình nghi vấn. Chỉ có y mới có thể phò con mình được.
Bữa ấy, Trịnh Công chúa sang chơi, Huệ tiếp niềm nở hơn mọi ngày. Huệ nói:
- Công chúa có người chồng thật giỏi giang, thật đáng kính phục.
Công chúa thở dài:
- Tuyên Phi khen em cũng biết vậy. Nhưng chồng càng giỏi, thì cảnh chồng biên ải, vợ khuê phòng không biết bao giờ chấm dứt.
Huệ cười tủm tỉm:
- Công chúa có muốn sum họp chăng?
- Nếu Tuyên Phi giúp cho em, thì em thật sự sung sướng.
- Ta làm sao giúp được, vả lại đàn bà, Tuyên Phi hay Thái Hậu thì dù có ngồi sau màn nhiếp chính cũng chẳng làm nên trò trống gì! Bà Lã Hậu nhà Hán lừng lẫy thế, mà rồi cũng phải trả quyền cho con... Này, Công chúa, ta rất quý lòng thành thật của Công chúa, nên mách bảo một chuyện này, Công chúa rất nên biết.
Tuyên Phi bèn thuật cho Công chúa nghe những chuyện cơ mật mình nghe lỏm được. Công chúa sợ, mắt dại ra, cuống quít nói:
- Trời ơi, chồng em hết lòng với triều đình, nào có dám làm điều gì kia khác. Chúa Thượng quá nghe lời gièm pha mà nghi oan đó thôi.
Huệ nói:
- Việc Chúa nghi oan hay không, Công chúa làm sao biết được.
Công chúa sụp xuống lạy:
- Xin Tuyên Phi ra ơn cứu giúp. Chỉ Tuyên Phi mới cứu được chồng em!
Thị Huệ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Ta biết Chúa nói là làm. Tốt hơn hết đừng để Chúa triệu về. Công chúa hãy tức tốc cho người xuống thuyền, nương gió vào ngay Nghệ An nói rõ cho Huy Quận Công biết mà đối phó. Hay hãy dâng thư lên Chúa xin được về triều, về đến nơi rồi, còn tuỳ nghi mà xử trí...
Nhận được thư của vợ, Quận Huy sững sờ. Huy hơi bất ngờ, Huy cũng biết tự kiềm chế, sắc diện lấy lại như thường rồi ngồi lặng, tựa tráp suy nghĩ. Huy quyết định phải về triều. Quận Huy xé tan bức thư, đốt thành tro, rồi vẫn điều khiển quân sĩ như thường ngày, rồi dâng biểu lên Chúa Trịnh Sâm, mặt khác cho người gửi thư riêng đến vợ, khẩn khoản đừng để lộ cuộc gặp giữa Công chúa và Huệ, nhưng những việc làm của Huy thì nên nói cho Huệ biết.
Một buổi sớm Công chúa lại đến thăm Huệ, nhìn thấy chồi lan trắng hôm nay toả ngát hoa nở, cánh mỏng, nhị vàng, thật đài các, Công chúa buộc miệng khen:
- Lan đã hoa một dịp Tết, lại ra hoa một lần nữa, Quý Phi chăm hoa thật khó ai bằng. Mà lan nở hai lần thế này, hẳn là lộc của Quý Phi thật dồi dào...
Huệ ranh mãnh nói:
- Ta xuất thân từ đám người lam lũ, nên vừa trồng vừa hưởng. Cây lan này ta coi như ân nhân bởi nhờ nó mà ta được phụng thờ Chúa Thượng. Vì thế ta giữ chậu lan này ở cung này và muốn tự tay chăm sóc. Hoa lan cũng vì ta mà nở thêm một lần nữa đấy.
Chợt Đặng Thị Huệ nhớ ra việc, liền hỏi Công chúa:
- Ông Quận Huy nhà Công chúa đã về đến triều chưa. Nghe nói, ông dâng sớ về triều bằng được... như thế thật khôn ngoan đấy!
Công chúa vội nói:
- Đó là nhờ mưu trí sáng suốt của quý phi bầy vẽ cho. Ơn này, em xin kết cỏ ngậm vành...
Huệ thủng thẳng nói:
- Ông ấy ở biên ải thì anh hùng nhất khoảnh, nhưng về triều đình thì các vị trí trọng trách đã có người giữ cả rồi, bây giờ biết làm gì đây?
Phi nói xong, vờ như có việc bận; cáo vào phòng khuê, thay quần áo, để sang hầu chính phi Dương Ngọc Hoan.
Trước khi vào nhà, Tuyên Phi còn đoái lại, buông thêm một câu:
- Ở đời thế mới biết may hơn khôn. Giá cứ làm chức quan bé, lại văn võ điều kiêm toàn như ông Huy thì làm ở đâu chẳng được, đằng này lại đường đường một vị quận công... Họ Nguyễn Tiên Điền, họ Ngô Thanh Oai, họ Phan Từ Liêm, các chức đứng đầu các bộ, các viện trong phủ Chúa người ta giữ mất hết rồi. Hôm trước, có ông hầu tước nghe đâu cũng giỏi lắm, mà không có chỗ nào, chỉ còn một chức hành tẩu ở Bộ Lễ, thế mà ông ấy cũng chịu nhận đấy. Thám hoa mà làm hành tẩu, thật cũng phí đời...
Công chúa sững người, bần thần ở nhà khách. Càng mong cho chóng Quận Huy ra Bắc, để sớm liệu công việc.
Quận Huy về Thăng Long hết sức ngỡ ngàng. Phố phường đổi thay nhanh thật. Đời Chúa Trịnh Sâm mới có vài chục năm bình trị, mà đô thành đã tấp nập rộn rã khác thường. Cung vua vẫn tráng lệ như xưa, song phủ Chúa lại lộng lẫy hơn nhiều. Trịnh Sâm quả là một vị chúa có bản lĩnh. Ông ta đã làm được một việc mà các đời Chúa trước chưa làm nổi, xây dựng phủ Chúa tách biệt hẳn ra khỏi cung vua, lôi kéo theo rất nhiều lâu đài, dinh thự. Những dinh thượng thư, dinh quận công, tước hầu, tước bá đến châu tuần quanh đây. Đêm đến, từ cổng ngoài đến vườn trong, đèn treo lộng lẫy, lầu gác nguy nga, đàn địch, hát bội, hát chèo, trống vui, trông hài rôm rả... Dinh quan Kiến Nhạc Hầu Nguyễn Khản thì hầu như chẳng đêm nào không có tiếng đàn sáo. Ba mươi sáu phố phường buôn bán cực kỳ sầm uất. Hàng Ngang, Hàng Đào là nơi tơ lụa đầy ắp, đủ thứ lụa vải gấm vóc của Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Lưu Cầu...
Hàng Buồm hàng vàng bạc, châu báu khá phong phú, những thợ kim hoàn chế tạo được những đồ trang sức rất tinh xảo. Phố Cấm Chỉ là nơi những hàng cao lâu ken liền nhau. Cửa Nam với chợ hoa như bày không biết bao nhiêu hoa và cá cảnh, muôn mua thứ gì mà chẳng có. Lại có Hàng Giầy bán toàn hài hán, Hàng Lọng đủ các loại tàn tán từ lục phẩm đến nhất phẩm triều đình, các loại cáng, loại kiệu thứ thì sơn son thếp vàng, thứ thì đơn giản cho các cuộc hành trình xa...
Chất hào hoa thì ở phường Khán Xuân, nơi mà cứ tối đến các giai nhân, ăn vận lộng lẫy như các cung tần mỹ nữ, những chầu hát, cuộc rượu có khi ở trong nhà kín đáo, có khi ở hiên Thưởng Nguyệt, ở Trấn Ba Đình. Có nhà hát, quan viên mang cả lính hầu theo, cho đứng trấn ngay ở ngoài cổng, một mình bao cả một đêm, không có ai bén mảng. Các kỹ nữ thay nhau hầu rượu, cô này đến cô khác suốt cả đêm... Lại nghe nói có những thương khách nước ngoài, nghe những bài hát nhuần thấm hồn Việt, đã nằm lỳ đến hàng tuần không về, rồi chồng tiền hoàn lương cho cô đào hát mình yêu, đem tút lút về tận phương trời nào chẳng rõ...
Quận Huy mới thấy, làm tướng ở biên trấn, đầy lao tâm khổ tứ, lo giặc phía trước, lo dân phía sau, mắt phải biết đến từng vùng đất hiểm, đến trận sóng lớn, sóng nhỏ diễn ra trong mùa gió nồm, mùa gió bắc, phải biết ngóc ngách nơi có thể bày trận mạc, đóng quân; bụng phập phồng sợ lương thực triều đình đến chậm, hoặc Chúa điều cho không đủ nuôi quân vài tháng. Đánh giỏi được Chúa yêu thì triều thần ganh ghét, gièm pha. Giữ không nổi đất vua, đất Chúa thì bị giáng chức, thậm chí cho vào cũi giải vào kinh đô mà chịu những trọng tội... Hoàng Tố Lý cho rằng mình về kinh kỳ này hoá ra lại phải dịp. Đường đường một chức Quận Công, y không thể để cho người khác sai khiến được. Quận Huy về chầu Chúa, xem ra mặt Chúa lạnh lùng, các quan đại thần nhìn Quận Huy chẳng ai có vẻ mặn mà như hồi Huy theo Việp quận Công Hoàng Ngũ Phúc về triều tâu trình về việc tung quân đánh lấy xứ Thuận Hoá thuở nào...
Nhưng Hoàng Tố Lý này đâu có chịu ngồi im.
Chúa tuy hợp mưu với Nguyễn Dĩnh và Nguyễn Khản định giết Quận Huy, nhưng thấy Huy biết phục thiện, về triều trần tình mọi nhẽ, lai bỏ trôi đi. Vả lại tướng văn dễ kiếm, nhưng có được một viên tướng đánh Đông dẹp Bắc đâu có dễ dàng...
Quận Huy ngồi hàng ngày suy ngẫm về việc triều chính.
Quận Huy gọi Trịnh Công chúa đến và hỏi han hết việc. Công chúa nói:
- Đặng Tuyên Phi là người được Chúa Thượng yêu quý nhất. Người ấy nói gì Chúa cũng nghe, muốn gì được nấy. Một người đàn bà khôn ngoan vượt lên trên tất cả những người đàn bàn đẹp trong phủ Chúa. Nhưng bà ta không được các lão thần trong triều ưa thích, cho là một con mẹ nhà quê lấy sắc lộng hành... Chúa yêu Huệ nên yêu Trịnh Cán ra mặt, việc Chúa mưu giết quan tướng, bàn bạc với Nguyễn Khản, Nguyễn Dĩnh là có thật. Việc bà ta xui thiếp gọi quan tướng về triều là có ý muốn nhờ quan tướng bù trì cho Trịnh Cán...
Quận Huy ngồi yên lặng, không nói năng gì. Công chúa nói:
- Thiếp là con gái họ Trịnh. Ngôi Chúa còn thì thiếp cũng được nhờ cậy. Trịnh Tông hay Trịnh Cán cũng đều là cháu chúng ta cả. Việc triều chính đâu phải là chuyện của đàn bà. Tướng quân là người đã xông pha trước gươm giáo, công danh do tài trí mà có chứ đâu có nhờ tập ấm hoặc náu ẩn sau thế lực ông cha. Thiếp tin rằng tướng quân sẽ có phương lược tốt.
Quận Huy nhìn Công chúa nói:
- Ta đang có nhiều chuyện để lo nghĩ. Những điều tâm huyết của Công chúa, đúng là tình vợ chồng gắn bó mà nói, ta sẽ hết sức lưu tâm, chỉ mong Công chúa cứ gần gũi Tuyên phi cho.
Quận Huy lại tiếp tục đi kết thân với đám nho sĩ, đám tuỳ tướng của các nhà đại gia để nghe ngóng. Gần đây mạn Bắc không được yên ổn, Chúa cho Nguyễn Khản ra làm trấn thủ Sơn Tây, và Tuân sinh hầu Nguyễn Khắc Tuân trấn Kinh Bắc. Chúa đổi tước hầu Kiều Nhạc thành Hồng Lĩnh hầu, Khản không được ở hoàng thành nữa mà phải đi trấn thủ ở tứ trấn. Việc gì mà miệng thế chẳng gièm pha. Có người nói đó là mưu điệu hổ ly sơn của Đặng Thị Huệ làm cho những kẻ đầy quyền thế, không được ở bên cạnh Tông nữa. Lại có người nói, hiện nay Chúa yêu Trịnh Cán hơn Trịnh Tông, song Cán còn nhỏ mà Tông thì đã được ở phủ Thế Tử. Tuy chưa chính thức vinh phong cũng là sự chấp nhận ban đầu của Chúa. Việc cho Nguyễn Khản, Nguyễn Khắc Tuân, Nguyễn Dĩnh đi làm quan xa, chính là Chúa có ý tứ tạo cho những vị này biết việc ở ngoài kinh đô để sau này vỗ về dân chúng cho lão luyện. Thế là Chúa vẫn nghiêng về Tông chứ không phải nghiêng về Cán.
Vả lại ngôi quốc mẫu hiện vẫn là bà Dương Ngọc Hoan. Bà vẫn được các đại thần vì nể. Mà các ông này thì chích máu chỗ nào cũng chỉ thấy hai chữ Khổng Mạnh, nào có thấy những máu canh tân như Vương An Thạch, Hàn Xương Lê...
Hoàng Tố Lý liền nghĩ:
- Ta thử xin theo Thế Tử xem sao. Nếu đám cận thần của Chúa chấp nhận ta, thì ta cùng họ giúp Trịnh Tông dựng nghiệp, còn như, Tông ngại ta thì ta theo Đặng Tuyên Phi phò Trịnh Cán, lúc đó cũng chẳng muộn gì!
Quận Huy đem vàng bạc châu báu đút lót cho tay chân của Thế Tử để nhờ họ nói với Trịnh Tông xin cho làm nơi nương tựa. Lại nhờ em trai họ của vợ vốn là người tin cẩn bậc nhất, đem một trăm lạng vàng và mười tấm đoạn Nam Kinh, thân đến nói với bọn hầu cận xin được cho Quận Huy vào yết kiến Thế Tử, để bàn về phương lược. Bọn hầu cận được Huy Quận Công cho rất nhiều vàng bạc, gấm đoạn nên đứa nào cũng vun vào cho Quận Huy.
Nhân một bữa Thế Tử đang vui, chúng liền đem lễ vật đặt trước mặt Thế Tử, và nói rõ thành ý của Quận Huy. Trịnh Tông vốn là người nông nổi, nóng nảy, khi Hoàng Tố Lý về triều đã có nhiều chuyện không hay về y đến tai Thế Tử. Lại có lời dị nghị cho rằng, Huy về để phò Đặng Thị Huệ chứ không phải theo Trịnh Tông. Huy rắp đưa Trịnh Cán vào ngôi Thế Tử. Do đó Trịnh Tông rất ghét nên khi thấy bọn hầu cận đứa nào cũng vun vào, Tông sinh nghi, nhìn hết đứa này sang đứa khác, khiến chúng cũng chột dạ.
Thế Tử nói:
- Chúng bay cố nói cho Quận Huy vào ra mắt ta, liệu có biết hắn là người như thế nào không?
Một đứa nói:
- Tôi nghĩ rằng, Quận Huy là người văn võ toàn tài, lại là nòi nhà tướng. Nếu Chúa Công dùng được người này bên cạnh Hồng Lĩnh Hầu, Tuân Sinh Hầu, A Bảo Nguyễn Dĩnh thì thế lực càng mạnh không ai dám ho he...
Đứa khác lại thêm vào:
- Quận Huy từng giúp quận Việp bình định phương Nam, nếu dùng được hắn, chính là đám quân sĩ đang ngày đêm đối mặt với Chúa Nguyễn cũng theo ta, như thế thật nhất cử lưỡng tiện.
Không ngờ câu nói ấy lại làm Trịnh Tông nổi giận. Tông nói với đám người thân cận rằng:
- Ta biết các ngươi hết lòng giúp rập cho ta ngồi vào ngôi Chúa. Song, ngươi có biết Quận Huy là người thế nào không? Nó là đứa chỉ muốn giành lấy quyền bính vào tay. Trừ Quận Việp là người vừa là thầy đỡ đầu, vừa là người truyền cho những bí quyết cầm quân dòng họ Hoàng cho nó, nó không dám làm phản, còn thì nó chưa hài lòng với chức Quận Công đâu. Mới tí tuổi đã dự vào hàng đầu các bậc Công hầu, nó vẫn chưa bằng lòng ư? Sao nó không ở xứ Nghệ mà làm phản. Đến cha ta cũng còn muốn giết nó. Bây giờ ta dùng nó, hoá ra ta chống lại cha ta hay sao? Nay mai, nếu ta được cha ta trao cho ngôi Chúa, ta sẽ tịch thu cả tài sản của nó chứ mấy lạng vàng, mấy tấm gấm này là cái quái gì.
Nói rồi, phất tay áo, quay vào trong nhà. Một trong đám hầu cận đến tận nhà Quận Huy, nói rõ ý của Thế Tử cho Huy nghe. Huy vẫn giữ sắc mặt rất điềm nhiên và nói:
- Ta cảm ơn các ông đã hết lòng giúp ta để gần Thế Tử, song người không thu nạp, thì biết làm thế nào? Ta chẳng là phò mã của họ Trịnh hay sao. Họ Hoàng ta nhờ có họ Trịnh mới thi thố được tài năng, lẽ nào ta lại quên ơn nhà Chúa...
Bọn hầu cận cho là Quận Huy thật tâm và Thế Tử thì nóng vội. Chúng biết Quận Huy cũng như con đò ở giữa dòng nước xoáy chưa làm gì nổi nên cũng chẳng chú ý gì thêm...
Bị Thế Tử Trịnh Tông chắn đường, bịt lối, Quận Huy không còn đường nào khác quay sang phò Đặng Thị Huệ và Trịnh Cán. Quận Huy bàn với vợ ở phòng riêng sau khi đuổi hết tả hữu ra ngoài.
Quận Huy nói:
- Ta đã nghĩ kỹ lời Công chúa. Đặng Thị Huệ đã có lời xa gần muốn chọn ta làm kẻ phù trợ. Lẽ nào ta dám phụ lòng Tuyên Phi.
Công chúa mừng lắm, liền nói:
- Nếu được Tướng quân giúp thì việc lớn lo gì không thành.
Quận Huy cầm tay vợ và nói:
- Ở ngoài biên ải có cái khó của nó. Nhưng giặc hiện hình trước mặt, nếu chúng có đánh sau lưng thì quân tuần tiễu, trinh sát giỏi cũng báo cho mình biết được. Còn về triều, lo những việc đại sự, thì người chống đối mình không phải là ít. Kẻ muốn hại mình lại ẩn trong bóng tòi, vô hình không nhận ra nổi. Nếu không khéo léo, mất mạng như chơi. Công chúa phải giúp ta hết lòng mới được.
Công chúa nói:
- Em thế nào hẳn quan tướng biết rồi, chẳng lẽ vợ chồng lại còn nghi ngờ gì nữa...
Quận Huy liền bàn với vợ, tìm cách mời Đặng Tuyên Phi cùng đi lễ chùa ở ngoại thành. Rồi Huy đến đó chờ sẵn để ra mắt.
Bên bờ sông hành cung chùa Trấn Quốc, Quận Huy nóng lòng chờ đợi. Huy ngồi chờ bên hành lang rồi lại đi dọc những bờ cây bóng toả xuống nước. Có lúc Huy buông mắt ra phía phủ Chúa, phía Hoa Viên để xem có chiếc thuyền ngự nào tiến đến chăng.
Chúa Trịnh Sâm yêu Đặng Thị Huệ rất mực. Đến Chính Phi cũng chẳng ngự thuyền rồng của Chúa. Huệ cố giữ ý, nhưng Trịnh Sâm cứ muốn Huệ ngồi thuyền rồng của mình. Chúa cho phép Huệ muốn đi đâu trên hồ, cứ lấy thuyền của Chúa mà đi. Thuyền của Chúa đầu rồng, nhưng sơn màu tía như áo Chúa chứ không sơn màu vàng như thuyền của Vua.
Huệ khôn ngoan, chỉ khi nào đi chơi hồ với Chúa thì mới dùng thuyền rồng. Nhưng thằng em trời đánh của Huệ là Đặng Mậu Lân một bữa đến thăm Huệ, liền nhảy tót xuống thuyền rồng, rồi sai chèo đi chơi dọc hồ một lượt. Huệ tức điên người. Từ lúc Mậu Lân giong thuyền đi, Huệ chốc chốc lại ra bờ hồ để ngóng... Cho đến lúc Lân cho thuyền cập bến nhảy lên bờ, Huệ nghiêm mặt lại, quát bảo:
- Lân, em lại đây!
Lân nhăn nhở cười hì hì tiến đến. Huệ giang tay tát thẳng vào mặt một cái và nói:
- Sao mày dám làm việc bạo thiên, nghịch địa thế hở thằng trời đánh kia...
Lâm ôm má, ngẩn mặt ra nhìn thì thấy Chúa đến, sợ đến thất sắc. Huệ nghe thấy bước chân của Chúa ở sau lưng, vẫn chưa nguôi giận, rít răng quát lên:
- Thằng súc sinh kia, tạ tội Chúa đi chứ!
Lân bị dồn nén, biết mình phạm lỗi lớn, liền cứ chân đất sụp lạy Chúa ngay trên đường:
- Thần, Đặng Mậu Lân, tội đáng chết, xin Chúa Công thương tình đại xá...
Chúa hôm nay có nhiều điều đắc ý, lòng rất khoan hoà. Chúa đến cung Đặng Thị Huệ, không thấy Huệ đâu, hỏi cung nữ mới biết Huệ ra bờ hồ liền dắt Trịnh Cán theo ra tìm, thì thấy hai chị em đang mắng nhau, Chúa ôn tồn hỏi:
- Có chuyện chi thế?
Huệ cũng sụp xuống đất lạy Chúa nói:
- Em của thần thiếp đang tuổi phương cương, tội thật đáng chém, xin Chúa Thượng tha tội chết.
Chúa nâng Huệ dậy mà nói:
- Biết tội là được rồi. Ta tha thứ cho. Bận sau không được thế nữa...
Huệ quát:
- Mày không lạy tạ ơn Chúa rồi xéo đi đâu cho rảnh mắt hử...
Lân dập đầu lạy Chúa, lạy chị rồi lấm lét chuồn khỏi vườn ngự, lên kiệu ra về...
Chúa gọi Cán rồi cùng Huệ xuống thuyền đi chơi hồ, rất âu yếm, Chúa thấy Huệ còn tức, vỗ về:
- Phi giận là rất đúng. Nhưng ta đã tha tội cho Mậu Lân rồi. Nếu kẻ nào có hỏi thì Phi nhận là Phi đi là xong chuyện, có gì mà nghĩ ngợi.
Huệ sà vào lòng Chúa, ôm lấy người Chúa nói:
- Chúa thương em đến thế này thì mấy kiếp em cũng không đền ơn Chúa được.
Chúa riết Huệ vào lòng, thả Cán ra ngoài mạn thuyền, kéo rèm và ôm ấp Huệ. Huệ nằm gọn trong lòng Chúa, mắt nhìn Chúa đắm đuối, và nói:
- Trời xui cho em gặp Chúa Thượng. Giá Chúa Thượng không bận việc triều đình, thì em chẳng muốn buông cho Chúa Thượng đi đâu cả...
Trịnh Sâm cười ầm lên, nói:
- Thì ta cũng thế, xong công việc là lại phải tìm đến em luôn.
Chúa luồn tay vào ngực Huệ, nói suồng sã...
- Ta nhớ mùi hương da thịt của em, ta nhớ cái này lắm, nhớ mắt nhớ môi, nhớ mọi thứ trên cơ thể em...
Huệ giơ bàn tay đẹp che miệng Chúa:
- Chúa nói khẽ chứ! Con nó đứng ở ngoài kia. Nó nghe thấy đấy.
Chúa ôm Huệ càng chặt hơn nói:
- Ừ thì khẽ thôi! Em chiều ta nhé!
- Còn con!
- Đã có người giữ nó chơi ngoài ấy rồi!
Huệ ngả vào lòng Chúa...
Lần ấy, Huệ không dùng thuyền ngự mà cũng phải nhận là đi, song lần này đi gặp Quận Huy, Huệ nhất định dùng thuyền của Chúa, thấy thuyền Chúa ra hành cung, thì mọi người không dám bén mảng tới.
Trịnh Công chúa, vợ Quận Huy, đi cùng Tuyên Phi Đặng Thị Huệ... Đến hành cung, Công chúa ngước mắt tìm chồng, rồi đi sang bên chùa Trấn Quốc dâng hương.
Quận Huy nhìn thấy Tuyên Phi bỗng sững người. Sao lại có người đẹp đến như vậy. Chỗ đứng của nàng như toả sáng. Hoa và cây cũng tươi xinh thêm khi được nàng bước dạo qua. Lụa là, trang sức càng tôn thêm vẻ sang trọng cho nàng. Gương mặt, dáng đi đầy vẻ hấp dẫn và thông minh. Huy vái chào Tuyên Phi và nói:
- Tố Lý tôi xin chào quý phi. Thân võ tướng ở tít nơi biên ải, thường được nghe đức sáng và tài trí của Tuyên Phi, nay mới được ra mắt.
Huệ vời Quận Huy ngồi rồi khẽ cười mà hỏi:
- Ta nghe ông dâng vàng trăm lượng, đoạn Nam Kinh mười tấm, để xin phò Thế Tử Trịnh Tông có phải không?
Quận Huy thất sắc, không ngờ Đặng Thị Huệ lại hỏi độp mình như thế! Huy quận chưa biết trả lời ra sao thì Tuyên Phi đã đi đi lại lại, không cho Huy thấy vẻ mặt của mình. Nàng chậm rãi nói như người rất hiểu việc đời:
- Việc ông tìm người để nương tựa, chọn đúng cửa Thế Tử là đúng. Nhưng ông thấy đấy, Thế Tử thiếu gì người tài giúp rập, việc gì cần đến ông. Vả lại, ông ngồi chung chiếu với Nguyễn Khản, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Khắc Tuân thế nào được. Họ có cho ông ngồi, thì cũng chỉ dành chiếu dưới cho ông thôi. Tài năng như ông, trí tuệ như ông, sao lại hạ mình thế.
Quận Huy không ngờ Tuyên Phi lại sắc sảo đến thế, đứng ngây ra không mở miệng nói được câu nào. Tuyên Phi quay lại, miệng vẫn tươi cười:
- Ta có đứa con nhỏ rất thông minh, Chúa Thượng cũng hết lòng yêu quý. Nó thua Thế Tử hơn mười tuổi, nhưng, cầu trời cho Chúa khoẻ mạnh, con ta khôn lớn, thì ắt cơ đồ của nhà Lê - Trịnh hẳn được vững vàng. Cái đám hủ nho, một lũ đại thần cứ đi phò con cả, có biết đâu nhà Chúa đang cai quản thiên hạ chính là chi thứ. Cho nên Thế Tử có lớn mà không có tài. Thầy dạy giỏi bốn xung quanh mà chỉ thích bắn cung, cưỡi ngựa, cho là sách Thánh hiền chẳng mấy quan trọng, nếu có quyền binh trong tay... Ngươi không đón được ý Chúa sao. Thế Tử đã đến tuổi mở Phủ riêng mà Chúa đã chần chừ cho đâu...
Quận Huy thấy Tuyên Phi dừng lại, mới dám thưa:
- Tố Lý tôi là kẻ võ biền, không thấu đạt thời cuộc, không nhìn ra thành đồng vách sắt mà tựa lại định vớ phải chiếc bọt bẩn lúc sắp chết đuối. Vợ chồng tôi cũng là họ hàng của Chúa, mong Tuyên Phi nói cùng Chúa Thượng, tiếc con ngựa tuy không phải ngựa kỳ, ngựa ký đi ngàn dặm một ngày mà chỉ kham nổi việc mang vác, mà dùng đến, thì xin kết cỏ ngậm vành đến tận khi xuống suối vàng, và xin đem hết tình khuyển mã để hết lòng với chủ.
Nói đoạn sụp lạy trước Đặng Thị Huệ. Huệ đỡ dậy mà nói:
- Con ta nhỏ, rất cần người giỏi giúp đỡ. Người của ta cũng đang nắm quân cấm vệ và những phủ, viện quan trọng, nếu ông hết lòng cộng tác thì non sông xã tắc cũng được vẻ vang. Ông về nghĩ lại cho thật kỹ. Ta không ép ông đâu!
Huy lại sụp lạy, mặt đầy tôn kính mà nói:
- Được tôn thờ Chúa Thượng và Quý Phi thật là hồng phúc lớn cho Tố Lý này...
Huệ rất mừng, nhưng vẫn không lộ ra nét mặt, chỉ nói:
- Ông chờ dăm bữa, nửa tháng, ta sẽ nói với Chúa triệu ông vào hầu...
Quận Huy cuống quít tạ ơn. Huệ sang bên chùa dâng hương cùng Công chúa. Huy giữ nguyên vẻ người dạo thăm cảnh, chầm chậm theo lối khác rồi về...
Chú thích:
(1) Đây là bàn việc cơ mật. Chúa dùng chữ Thập (+) xứ để nói đến xứ Nghệ (x). Hai chữ Hán này gần giống nhau.