Chương Mười Năm
Về Việt Nam

    
ầu năm 1998, anh báo cho tôi biết là anh sẽ trở về Việt Nam.
- Anh có rất nhiều chuyện cần phải giải quyết, với các con của anh và cô Châu. Vấn đề này lúc nào cũng là một mối bận tâm cho anh. Ăn ngủ không yên. Mấy đứa con anh chúng nghĩ rằng ở bên này anh là triệu phú. Còn cô Châu thì lúc nào cũng làm bà tiên, chiều chúng đủ điều, làm cho chúng hiểu lầm là bên đây anh giàu lắm. Kỳ về VN lần này, anh sẽ nói cho các con của anh rõ. Anh sẽ ba mặt một lời, cho chúng biết là anh sẽ không còn chịu trách nhiệm nữa về hành động của cô Châu. Từ rày về sau, những gì giữa cô Châu và các con, bố không muốn dính dáng tới.
- Chừng nào thì anh về?
- Hai tuần nữa.
Tôi kêu lên:
- Hai tuần nữa? Làm sao anh lo giấy tờ cho kịp?
- Bà Châu đang lo giùm anh, nếu không kịp thì anh đi sau, còn nếu kịp thì đi chung với bà ấy.
Tôi không còn biết nói gì nữa, chợt nhớ, tôi hỏi anh:
- Anh sẽ xuống thăm em trước khi anh đi hay không?
- Còn tùy, anh có rất nhiều chuyện phải làm giùm bà ấy. Anh phải đóng rất nhiều thùng đồ để gửi về VN. Mỗi lần đi về là mỗi lần bị hao tổn sức khỏe. Anh phải đi mua rất nhiều đồ ăn và đủ loại đồ dùng cho chim chóc, vì anh có đủ loại chim và két bên VN. Rồi lại phải mua thuốc thang cho chúng nữa, chúng bị bệnh thường lắm, nhiều chuyện phải làm lắm, anh sẽ cố gắng thăm em nếu được, còn nếu không thì đừng buồn anh.
- Anh về VN bao lâu?
- Có lẽ khoảng 3,4 tuần em à. Tuy nhiên anh cũng chưa biết chắc, tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà có thể ở lại lâu hơn.
- Em sợ 3, 4 tuần không đủ thì giờ để làm gì cả anh à!
- Thì anh dự định như vậy nhưng chưa biết sẽ ra sao.
- Anh đi phi trường nào?
- San Francisco
- Vậy thì làm sao em đưa anh đi cho được?
- Em không cần phải đưa anh đi. Mấy đứa em của bà Châu sẽ đưa anh đi cũng được rồi.
- Em lo quá anh à!
- Em không có gì phải lo cả, anh đi lần này một lần rồi thôi. Anh muốn cho xong công việc cho rồi, dây dưa mãi không ích gì.
Anh đã không xuống thăm tôi được trước khi đi vì anh có quá nhiều trách nhiệm phải chu toàn trước khi về VN. Cái tòa nhà lộng lẫy mà cô Châu đã xây cần rất nhiều đồ đạc phải gửi về. Anh lo lắng quá nhiều công việc, tất tả ngược xuôi từ sáng sớm đến khuya, ăn uống thất thường nên anh nói với tôi là anh bị đuối sức và rất mệt mỏi dạo đó.
Anh cho tôi biết:
- Bà ấy muốn anh mua cái gì, làm cái gì thì anh làm cái ấy, vì bà ấy không lái xe được nên anh mới cực như vậy.
- Tại sao anh không ở lại trên nhà cô Châu cho tiện. Khi nào xong công việc rồi mới về. Anh đi đi về về như thế này thì sẽ rất mệt mỏi. Hơn nữa, đường từ San Francisco về đến San Jose cũng tốn khoảng một tiếng đồng hồ, đi về khuya như vậy rất là nguy hiểm cho anh, đó là chưa nói lúc bị hư xe dọc đường, em rất lo cho anh, em là cô Châu thì em sẽ không đành lòng cho anh về trễ như vậy đâu.
Và tôi tha thiết:
- Em van anh, đừng về khuya như vậy nữa, em lo lắm, em lo sợ anh bị mệt mỏi, buồn ngủ rồi gây ra tai nạn. Anh nên ở lại trên đó, xong rồi thì hãy về và em được an tâm hơn.
Nhưng anh nhất định:
- Làm gì thì làm cho bà ấy, nhưng anh muốn về San Jose này mỗi đêm. Anh muốn gần em. Anh luôn ngóng về em. Về tới nhà mà không thấy đèn đỏ trong máy nhắn tin thì anh buồn lắm. Sợ em buồn mà không gọi anh. Dù cho bận rộn không có thì giờ nói chuyện với em nữa, nhưng anh cảm thấy ấm áp hơn khi về nhà anh.
Hai tuần lễ đó rất khó để nói chuyện vớùi anh. Khi anh về đến nhà thì vào khoảng 2 giờ sáng, sáng sớm hôm sau khi anh còn ngủ thì tôi phải đi làm, vả lại tôi không muốn đánh thức anh, tôi muốn anh ngủ càng nhiều càng tốt. Khi tôi rỗi rảnh trong sở gọi anh thì anh đã ra đi rồi.
Trước ngày anh đi, tôi gọi cho anh và nhắn tin trong máy của anh:
- Anh ơi, anh gọi lại cho em và nhắn vào máy cho em vài câu để khi anh đi em có buồn thì sẽ nghe tiếng nói của anh cho đỡ nhớ.
Nhưng anh quá bận, không biết vì quá bận nên quên hay không có thì giờ để nghe lời nhắn của tôi, buổi chiều đi làm về, không có tiếng nói của anh nhắn lại trong máy cho tôi. Tôi thất vọng vô cùng, tim tôi se lại, tôi muốn khóc. Anh đã đi rồi, anh đã trên đường trở về Việt Nam.
Ðó là ngày 20 tháng 1 năm 1998.
Hai tuần lễ đầu ở VN, anh không gọi điện thoại cho tôi và tôi cũng không biết anh ở đâu và làm gì. Dĩ nhiên là tôi rất lo lắng và thắc mắc. Tôi tìm sự trấn an và quên lãng vào công việc hàng ngày ở sở. Tôi đi làm thật sớm và đến khuya mới về nhà. Bề trên thương tôi, đã giúp cho tôi thật bận rộn để tôi không phải lo nghĩ về anh nữa.
Tuần lễ thứ ba, anh gọi tôi khoảng hơn mười một giờ đêm.
- Phải Ngọc Lan đó không? Anh đây em!
Tôi không dấu nổi vui mừng:
- Em đây cưng, anh ơi anh đang ở đâu đó? Anh mạnh giỏi không? Sao mấy tuần nay anh không gọi cho em?
- Anh vẫn bình thường em ạ, anh rất sung sướng nghe được giọng nói của em. Anh đang ở bưu điện Sài Gòn.
Tôi dỗi hờn:
- Em cảm ơn anh vẫn còn nhớ đến em.
Giọng anh rất tha thiết:
- Ngọc Lan ơi, em có biết chăng là anh luôn luôn nghĩ đến em. Lúc nào em cũng ở trong đầu anh, trong tim anh. Không gọi cho em không có nghĩa là anh không nhớ em.
- Anh ơi, Lan cũng nhớ anh ghê lắm, nhớ vô cùng, mong anh lắm lắm!
- Hai tuần lễ đầu anh bận bù đầu, mấy đứa con anh không cho anh hở một bước. Chiều hôm nay anh nhớ em khủng khiếp, chịu hết nổi, anh đi tắc xi ra bưu điện gọi cho em. Anh chỉ có 5 phút để nói chuyện với em mà thôi. Anh có số điện thoại này xin em lấy bút ghi, nhanh lên cho anh.
Tôi quơ vội cây bút.
Anh đọc cho tôi số điện thoại nơi anh ở và dặn dò:
- Anh đi về nhà ngay bây giờ, em có thể gọi anh bất cứ lúc nào.
- Vâng, rồi em sẽ gọi cho anh sau. Chừng nào thì anh về lại California?
- Có lẽ cũng phải vài tuần nữa. Các con anh muốn anh ở lại chơi một thời gian vì lâu lâu bố mới về một lần.
- Các con anh vẫn mạnh giỏi hở anh?
- Cảm ơn em, các con anh đều mạnh giỏi, anh đã có dịp nói chuyện sơ với chúng rồi. Thôi nhé em, họ sắp sửa cúp rồi, anh phải đi. Khi nào em gọi qua thì mình sẽ nói nhiều hơn. I love you cưng!
- I love you too. Anh nhớ cẩn thận giữ gìn sức khỏe và ráng ăn uống đầy đủ nhé anh!
- Vâng, anh sẽ cố gắng, em đừng lo, em nhớ đi bộ đều đặn nhé, đừng đi khuya quá, không tốt. Hôn em thật nhiều. Bye cưng!
Mãi hơn một tuần sau, tôi mới gọi cho anh. Anh không có ở nhà. Lúc ấy, một cô gái nhấc điện thoại lên.
Tôi chần chờ rồi hỏi:
- Không biết tôi có gọi lộn số không? Nhưng xin lỗi, cô cho tôi xin nói chuyện với ông Sĩ Phú!
Cô gái lễ phép trả lời câu hỏi của tôi:
- Dạ thưa cô, chú Phú vừa đi ra ngoài với bố cháu khoảng một tiếng đồng hồ rồi.
- Chừng nào chú Phú về vậy cháu?
- Dạ cháu không biết, Chú Phú và bố cháu có lẽ đi ăn phở, rồi sau đó đi thăm mấy ông bạn cũ của chú Phú.
- Xin lỗi quý danh cháu là gì?
- Thưa cô cháu tên Phượng.
- Thế Phượng nghĩ mấy giờ là tiện nhất để cô có thể gọi lại, cô tên là Ngọc Lan, cô gọi từ bên California.
Phượng ngạc nhiên kêu lên:
- À, cô Ngọc Lan, chú Phú có nói về cô với gia đình cháu rất nhiều. Cô Lan ơi, chú Phú trông cô ngày đêm cả tuần nay.
- Thật vậy hở cháu?
- Dạ vâng, chú trông cô lắm, cứ mỗi lần điện thoại reo là chú bắt lên liền, chú canh điện thoại của cô suốt buổi sáng nay, chú mới vừa đi ăn với bố cháu.
- Rồi chừng nào chú trở lại nhà của cháu?
- Chiều nay chú sẽ trở về, chú ở đây mà cô.
Ðến lượt tôi ngạc nhiên:
- Chú Phú ở đây?
- Dạ chú ở đây, chứ chú đâu có ở chỗ nào khác đâu cô?
- Cô cứ tưởng là chú ở villa Eden?
- Không đâu cô ơi, chú ở đây, bao nhiêu lần chú về VN chú đều ở nhà của bố và chúng con.
- Thật vậy sao? Thế còn cô Châu?
- Chúng con không biết, không bao giờ nghe chú nói đến, chúng con cũng chưa từng thấy cô Châu bao giờ.
Tôi ngẩn người ra?
- Cô Lan ơi, con nghe về cô nhiều lắm, chú nói về cô suốt ngày, tội nghiệp chú, chú trông điện thoại của cô ngày đêm.
Tôi chợt cảm thấy hối hận.
- Cô đâu có ngờ, cô không gọi cho chú sớm hơn vì cô không muốn làm phiền chú. Phượng ơi, các con của chú có đến thăm chú không?
- Hình như chú đi thăm các con của chú. Cô Lan ơi, cháu nói điều này với cô, cô đừng nói lại với chú, chú sẽ giận con.
- Ừ, cô hứa sẽ không nói lại chú, Phượng nói đi.
- Chú Phú chiều các con của chú lắm cô ạ! Chú làm hư các con của chú. Chúng nó vòi vĩnh chú rất nhiều. Cái gì cũng xin bố, cái gì cũng đòi. Chú khổ vì con chú lắm. Vợ chồng con ái ngại cho chú lắm cô ơi.
- Nhưng chú Phú sống xa con quá lâu, chúng thiếu thốn rất nhiều, nên lâu lâu gặp lại, vòi vĩnh bố cũng là chuyện thường thôi. Hơn nữa vì sống xa con, nên chú muốn đền bù cho con chú những thiếu thốn bao lâu nay Phượng à!
- Cô à, chúng cháu cũng đâu có khá gì, nhưng chúng cháu không bao giờ vòi vĩnh bố, chúng cháu còn đi làm thêm để giúp đỡ bố cháu nữa kìa. Hơn nữa, các con của chú Phú đã lớn cả rồi, theo lẽ các con của chú phải giúp chú thì đúng hơn. Chú đã nuôi chúng bao nhiêu năm rồi?
- Tội nghiệp cho chú quá Phượng à, chú không có nói cho cô nghe, có lẽ vì sợ cô không hiểu rồi trách chú chiều con...
Vì không biết hoàn cảnh bên đó như thế nào, nên tôi rất khó nói. Sự thật, có thể Phượng cảm nhận được những gì tôi không cảm nhận được trong những ngày gần đây. Tôi ở bên Mỹ thì làm sao thấy được những gì xảy ra bao nhiêu ngày qua giữa anh và các con anh. Phượng có lo lắng thương yêu chú Sĩ Phú thì mới tâm tình cho tôi biết như vậy, tôi cảm ơn Phượng rất nhiều.
Tôi nói chuyện với Phượng gần một tiếng đồng hồ, tôi biết thêm một khía cạnh khác về anh. Gia đình của Phượng rất quý anh, họ thương anh như một người chú ruột. Người con gái tên Phượng rất là dễ thương, cô có một giọng nói thật chân thành, hiền lành và lễ phép. Và giọng nói đó, tư cách đó đã tạo một ấn tượng rất đẹp trong tôi.
Buổi chiều tôi gọi cho anh một lần nữa, anh vội vã nhấc điện thoại lên thật nhanh.
- Hello
- Em đây anh, em canh giờ để gọi anh đây.
- Anh đi ăn phở về, nghe cháu Phượng nói em có gọi. Em khỏe không cưng?
- Dạ thưa anh em khỏe, còn anh thì sao?
- Anh thì mừng vì em gọi. Cả tuần nay, anh trông điện thoại của em ngày đêm, không biết em ra sao?
- Em luôn luôn nhớ anh, lúc nào cũng muốn nói chuyện với anh. Nhưng em nghĩ có lẽ anh bận lắm, nên thôi.
- Bận thì bận, nhưng lúc nào cũng muốn nghe giọng nói của em.
- Anh có nhớ em không?
- Có, nhớ lắm, nhớ vô cùng. Anh xin lỗi em hôm ấy, vì anh chỉ có 25 đô la trong túi cho 5 phút điện thoại nên phải cúp giữa chừng.
- Ðắt như vậy hở anh? Từ rày về sau, em sẽ gọi để anh khỏi phải trả nhiều như vậy.
- Em có cần mua bất cứ thứ gì từ VN không? Anh muốn mua cho em quà kỷ niệm mà không biết em thích cái gì.
- Không anh à. Em không cần gì hết, chỉ cần anh thôi, nhớ mang Sĩ Phú về trả lại cho em, anh nhé!
- Rồi, thì anh sẽ đem Sĩ Phú nào đó trả lại cho em.
- Anh à, anh có thích ở bên VN không?
- Thích lắm em à. Về lần này anh thấy đỡ hơn lần trước. Các bạn anh và các con của anh muốn anh ở lại đây. Anh có cảm tưởng anh sẽ thích hợp với đời sống ở bên đây hơn là ở bên Mỹ. Em biết anh mà, anh thích một đời sống đơn sơ, giản dị. Anh không có nhu cầu gì cả, chỗ nào càng giản tiện, càng có nhiều tình người thì anh càng thích.
- Anh à, vì bây giờ anh là Việt Kiều, anh luôn được bạn bè săn đón, mời mọc, nên anh thích lắm. Nhưng một ngày nào đó khi anh là một thường dân thường như họ thì hoàn cảnh sẽ khác, chưa chắc gì anh sẽ thích.
- Anh biết chứ, nhưng mà chưa chắc em à. Anh không nghĩ vì anh là Việt Kiều được săn đón thành ra anh thích. Tuy nhiên anh chỉ muốn nói với em là anh thích đời sống giản dị ở bên đây mà thôi. Anh không có dự định gì hết. Em hiểu anh mà.
Rồi chợt nhớ ra, anh nói tiếp:
- Tuần sau anh đi Hà Nội.
Tôi kêu lên:
- Anh đi Hà Nội? Rồi tới chừng nào anh về Mỹ?
- Có lẽ khoảng 3 tuần nữa.
- Em biết là chuyến này anh sẽ đi lâu lắm, khi anh nói đi 3, 4 tuần, em không tin.
- Em ơi đừng buồn anh, xin em hiểu cho anh, anh có linh cảm rằng chuyến đi này sẽ là chuyến đi về VN cuối cùng của anh, anh cần gặp rất nhiều người quen với gia đình anh ngoài Hà Nội. Anh muốn nhìn Hà Nội lần cuối cùng.
- Anh à, anh không cần phải nói gì hết, anh muốn đi đâu thì đi. Em hiểu mà. Em chỉ cầu mong cho anh đi đường bình an. Ði đến nơi, về đến chốn là em mừng rồi.
Sau đó anh kể tôi nghe vắn tắt về những sự thăm viếng một số bạn bè cũ mà đã một thời là những nhà làm văn nghệ nổi tiếng của Sài Gòn ngày xưa. Anh có vẻ thương yêu những bạn cũ và yêu thích đời sống giản tiện và đơn sơ ở quê hương Việt Nam lắm. Mỗi lần anh đi thăm bạn bè, là anh luôn luôn đem theo nhiều tiền để tặng họ mỗi người 2, 3 trăm đô la.
- Anh ước gì có em ở đây với anh! Có rất nhiều chỗ và rất nhiều người anh muốn em gặp.
- Sao hồi trước khi đi anh không mời em đi với anh để bây giờ anh khỏi ước mơ?
- Anh tưởng là chuyến đi sẽ ngắn ngủi, vì anh đi có tính cách chuyện riêng của gia đình và hơn nữa, em đâu có thích về Việt Nam!
- Nhưng nếu đi với anh thì em sẽ thích về!
- Em ơi! Anh rất tiếc, thôi chắc chắn năm sau, nếu mọi sự bình an, anh sẽ về cùng em.
Tôi hỏi anh về người bạn của anh:
- Anh có đi thăm anh Nguyễn Ðình Tuyền, bạn của anh không?
- Anh sẽ đi tìm Tuyền nếu Tuyền chưa đi Mỹ.
Người bạn này khá rất nổi tiếng trong giới văn nghệ trước năm 75. Mỗi lần anh đi về Việt Nam là anh luôn ghé thăm người bạn này và chia sẻ tất cả những gì anh có cho người bạn này. Rất tiếc cho anh, sự yêu thương trân quý bạn bè của anh đôi khi cũng làm cho anh đau lòng và gây một phản ứng ngược lại, vì chính người bạn này, sau khi qua được bên Mỹ, có đầy đủ chi tiết về anh để liên lạc với anh nếu muốn, đã không tìm đến anh mà còn làm như rất xa cách với anh. Phải chăng vì do mặc cảm qua sau, qua muộn mà ra??
Trung tuần tháng hai năm 1998, chị Khánh Ly gọi tôi ở sở. Chị cho biết nhân ngày sinh nhật của chị vào tháng 3, chị cùng bạn bè tổ chức một chương trình ca nhạc ở thành phố San Jose vào ngày 8 tháng 3, chị muốn mời anh Sĩ Phú đến hát. Chị xin phép chúng tôi để tên anh Sĩ Phú vào bích chương quảng cáo và cho biết sẽ gửi giấy máy bay cho chúng tôi. Tôi cảm ơn chị có lòng tốt nhưng bảo chị đừng mua vé máy bay cho tôi vì không muốn chị tốn kém.
- Em nghĩ là ngày ấy có lẽ anh Phú đã trở về rồi chị à!Em hy vọng rằng anh ấy sẽ có dịp hát trong chương trình của chị.
Nhưng ngày trình diễn sắp đến, không một tin tức gì về Sĩ Phú, anh vẫn biệt tăm. Anh không gọi về cho tôi.
Chị Khánh Ly bắt đầu sốt ruột. Tôi còn sốt ruột hơn chị nữa. Khi chị gọi lại để hỏi về Sĩ Phú, tôi lo lắng, bồn chồn:
- Chị ơi, hiện tại bây giờ, chính em cũng không biết anh Phú đang ở đâu nữa. Không biết anh ấy còn ở Hà Nội hay đã về lại Sài Gòn. Không thấy gọi gì hết. Em rất tiếc phải xin lỗi chị.
Ngày trình diễn đến rồi qua đi, anh Sĩ Phú vẫn đi biệt không về. Tôi đành phải xin lỗi chị Khánh Ly và gửi đến chị một món quà nhỏ nhân dịp Sinh Nhật của chị.
Mãi đến ngày 15 tháng 3 anh mới gọi về.
Tôi kể lại anh nghe những gì đã xảy ra, anh trấn an tôi:
- Em đừng lo gì về vụ ấy nữa, em đã làm xong phần em rồi. Cứ để anh lo phần anh, anh sẽ nói chuyện với cô ấy sau. Mai (tức ca sĩ Khánh Ly ) là bạn của anh mà.
Anh trở về Hoa Kỳ ngày 22 tháng 3 năm 1998.
Hai ngày sau anh về quận Cam để thăm tôi nhưng anh không gọi tôi để đi đón anh ngoài phi trường, anh mướn xe chạy về nhà. Khi tôi đang loay hoay nấu ăn ở trong bếp, anh mở cửa trước thật nhẹ nhàng không gây một tiếng động nào, anh vụt chạy vào nhà bếp rồi ôm vội lấy tôi, anh vui vẻ nói:
- Anh về rồi em ơi!
Tôi giật mình hoảng hốt, định la lên, tim đập thật mạnh. Ðịnh thần, tôi nhìn thấy anh, đập nhẹ vào tay anh, trách yêu:
- Anh làm em hết hồn, chút nữa là tim ngừng đập.
Anh vui vẻ:
- Anh xin lỗi em. Anh chỉ muốn đùa em một chút.
Sau hai tháng không gặp mặt, chúng tôi mừng vui rối rít trong tay nhau, trò chuyện huyên thuyên. Anh có vẻ lo lắng, sợ tôi buồn anh đủ mọi chuyện, anh nói cho tôi biết vì lý do nào mà anh đã không thể liên lạc với tôi trong thời gian ở Hà Nội.
- Em không trách gì anh hết, em hiểu mà anh. Một vài người quen với em trong sở trở về VN cũng đều nói như anh là rất khó liên lạc ra ngoài nước ngoài từ VN. Gọi về Mỹ ở ty bưu điện rất đắt. Hơn nữa anh không có thân với ai ở Hà Nội, lại càng khó cho anh. Cho dù lý do nào cũng vậy, ví dụ như anh quên em, không thèm gọi em, em cũng không trách anh đâu. Anh trở về bình yên là em mừng lắm rồi.
Anh dọn cơm cho tôi, anh phụ rửa một mớ chén dĩa rồi dọn bàn ăn. Chúng tôi rất trịnh trọng về bữa cơm tối, tôi để chén đĩa, muỗng và đũa ra đàng hoàng, khăn ăn trắng tinh. Tôi chạy ra phòng khách đem bình hoa tươi vào để ở bàn ăn, tôi dọn đồ ăn lên sau cùng vì muốn giữ nóng cho anh, sau cùng thì chúng tôi ngồi vào bàn ăn. Anh xới cơm, bới ra một chén cho tôi, một chén cho anh. Xong, anh nhìn tôi rất trịnh trọng, anh bảo:
- Cho anh một phút nói chuyện với em trước khi mình ăn.
Tôi ngạc nhiên:
- Gì thế anh?
Anh nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng móc trong túi ra một cái hộp nhỏ nhắn, xinh xắn, anh mở hộp lấy ra một chiếc nhẫn xỏ vào ngón tay áp út trái của tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng, nhìn trân trối vào chiếc nhẫn xinh xinh rất dễ thương, kêu lên:
- Chiếc nhẫn đẹp quá, anh mua ở bên Việt Nam cho em?
- Vâng, anh đặt mua ở Việt Nam. Em thấy nó thế nào? Anh cứ sợ em không thích.
Tôi nhìn anh, lòng vô cùng xúc động, một luồng khí ấm áp len lỏi vào trong lòng tôi:
- Em làm sao mà không thích khi mà người mua nhẫn là anh. Có bao giờ anh thích đi mua sắm cái gì đâu. Nếu anh chịu khó bỏ thì giờ đi mua sắm một chiếc nhẫn như thế này thì nhất định anh phải thương em lắm mới làm như vậy!
Tôi đứng dậy bước qua chỗ anh ngồi, ôm chầm anh vào lòng. Anh vẫn ngồi trên ghế, ngước nhìn tôi chan chứa hạnh phúc.
Tôi thì thầm với anh:
- Cảm ơn anh, cảm ơn tình yêu của anh và những ngày tháng có anh.
Anh hôn tôi, chúng tôi hôn nhau đắm đuối.
Chúng tôi yên lặng trong tay nhau thật lâu. Hạnh phúc hoàn toàn ngự trị trong tim của hai chúng tôi. Anh không nói gì hết, nhưng hình như anh đã nói thật nhiều...
Một lúc sau, tôi giục:
- Thôi, mời anh ăn, đồ ăn đã nguội hết rồi!
Tôi nhìn chiếc nhẫn vàng gắn một viên kim cương nhỏ chiếu lóng lánh vừa khít khao trong ngón tay tôi, ngạc nhiên hỏi anh:
- Nhưng làm sao anh biết cỡ ngón tay của em mà mua vừa vặn như thế này?
- Mấy chiếc cà rá của em để trên bàn trong phòng ngủ, anh lấy đồ đo. Nhà mình có đồ đo mà, dễ ợt có gì đâu em!
- Em rất thích kiểu này vì nó thật giản dị nhưng rất quyến rũ.
- Anh nhìn những chiếc nhẫn em có trước, anh biết em thích những kiểu đơn sơ, không rườm rà, nhưng thanh nhã. Họ phải làm đặc biệt cho em đó.
- Cảm ơn anh, em sẽ mang chiếc nhẫn này đến chết.
Anh nói rất dịu dàng, rất chân thành. Tôi có thể cảm nhận được tấm chân tình đó từ giọng nói của anh:
- Anh cũng cảm ơn những ngày tháng có em. Lòng em còn đẹp hơn chiếc nhẫn này bao nhiêu lần. Em là thiên thần của anh. Trên đời này không có thiên thần thật sự, nhưng nếu có, thì anh sẽ chọn em là thiên thần đầu tiên.
Tôi hồn nhiên hỏi anh:
- Thật không anh?
- Thật!
- Sao em thấy? kỳ kỳ?
Rồi tôi cười khúc khích.
Anh mỉm cười:
- Thôi ăn đi em! Anh nói thật mà, em không tin anh sao?
Tôi cười với anh:
- Em tin anh lắm chớ, có bao giờ em được anh khen là thiên thần đâu? À, này anh, cho phép em mua tặng anh một chiếc nhẫn nhé, cứ xem như mình đính hôn đêm nay.
Không cần phải nói nhiều hơn nữa, buổi ăn tối hôm đó chúng tôi ăn rất ngon dù đồ ăn đã nguội lạnh tự bao giờ.
Chúng tôi chung sống với nhau rất hạnh phúc những ngày sau đó. Tôi ước gì hạnh phúc đó sẽ tồn tại mãi mãi. Tôi ước gì chúng tôi sẽ sống bên nhau suốt đời. Ðời sống có anh, dễ chịu và giản dị quá đi thôi... Anh như hơi thở, rất tự nhiên, anh đến trong đời tôi như một bước chân nhẹ nhàng, êm ái....
Anh cứ ở mãi trong nhà, anh không thích đi đâu hết, tôi rủ anh đi ra biển chơi, anh không chịu đi, tôi rủ anh đi sắm sửa, anh cũng không chịu đi, anh chỉ thích nằm nhà đọc sách, anh mê đọc sách cũng như người Mỹ mê xem thể thao. Ðọc sách là một phần đời sống của anh. Anh rất thích đọc lịch sử VN và về tôn giáo. Anh có rất nhiều sách sử VN rất quý giá và đủ loại sách về tâm linh. Anh từng nói với tôi:
- Vì anh rất tha thiết với tổ quốc và tiền đồ dân tộc, nên anh đọc sách để biết rõ về lịch sử của một dân tộc hào hùng mà anh rất hãnh diện là con dân. Không phải ai cũng đều thích đọc sách lịch sử như anh, nhưng không hiểu sao, anh rất mê lịch sử Việt Nam. Anh yêu quê hương VN vô cùng dù cho quê hương mình có như thế nào đi nữa.
Một trong những cuốn sách sử mà anh sưu tầm có cuốn Việt Sử Toàn Thư từ Thựơng Cổ đến Hiện Ðại của tác giả Phạm Văn Sơn, dài 722 trang. Sách nói rất chi tiết về những sự kiện lịch sử quan trọng và nội dung có giá trị cao. Anh đọc sách này hai lần và dùng nó làm tài liệu sưu khảo. Có một lần tôi đọc một đoạn ngay giữa quyển sách, cố nhớ cho thật kỹ chi tiết, rồi làm bộ hỏi anh những câu hỏi để gợi cho anh trả lời về những chi tiết đó. Anh trả lời đúng phóc, không thiếu một chi tiết nào mà lại còn bàn thêm ra nữa. Anh có một khối óc thật thông suốt về tất cả mọi đề tài từ kinh tế, kỹ thuật đến chính trị tôn giáo, mà tôi rất thán phục. Cả đời tôi, hình như tôi chưa bao giờ thán phục tài trí của ai cả. Phải là người như thế nào ấy thì mới chiếm được sự thán phục của tôi. Không những chỉ sự thông thái, trí thức mà thôi, mà người ấy còn phải có một nhân cách cao quý đi kèm. Cái nhân cách của anh là nhân cách của một kẻ sĩ, một đấng trượng phu, quân tử và rộng lượng. Sĩ Phú là người đàn ông duy nhất trên đời này đã chiếm trọn lòng yêu kính và thán phục của tôi vì tôi có đủ trí thông minh để biết rằng tôi không yêu lầm người.
Cùng trong thời gian này, tôi bàn cùng anh một công việc làm ăn mà tôi muốn anh cộng tác với tôi. Tôi muốn thấy anh có đời sống ổn định hơn, và muốn anh ở gần tôi để tôi có thể chăm sóc cho anh, nên tôi bàn với anh về việc mở một nhà hàng ăn. Thoạt đầu anh không chịu, lấy cớ là anh không muốn sống ở quận Cam.
- Ở đâu quen đấy rồi em à. Anh ở trên San Jose đã mười mấy năm rồi, anh không muốn dọn đi đâu hết.
- Ở dưới này rất có nhiều việc làm, em kiếm việc làm cho anh rất dễ, anh xuống này ở với em cho tiện. Anh đi lên đi xuống quá tốn kém. Mấy năm nay, nếu không vì tốn tiền vé máy bay, mướn xe và tiền điện thoại viễn liên, chắc chắn anh đã có dư được nhiều.
- Anh biết thế, nhưng anh không thể xuống được. Nếu em muốn anh giúp thì anh sẽ giúp em một thời gian, sau khi mọi việc ổn định rồi thì anh sẽ rút lui.
Anh nói tiếp:
- Em có chắc muốn làm nhà hàng không? Nhà hàng là một công việc rất cực nhọc, tại sao em chọn nhà hàng?
- Em biết nhà hàng rất cực, nhưng sao em lại muốn làm nhà hàng mới lạ!
- Em đang đi làm việc văn phòng mà tại sao lại muốn mở nhà hàng để rước lấy cái nhức đầu vào người?
- Thứ nhất vì em thích đi ăn ngoài nhưng em rất kén vì em quá kỹ, ăn nhà hàng nào em cũng không thích, nhà hàng không sạch sẽ thì em không muốn đến. Ước mơ của em là mở một nhà hàng chẳng những ngon mà lại sạch và đẹp nữa. Thứ hai, mà cũng là lý do chính, em đóng thuế quá nhiều, rất nhiều. Lương của em sáu số một năm, nội tiền thuế em đóng hàng năm bằng lương của một người. Em muốn có một công việc làm ăn để khấu trừ thuế. Thứ ba, cũng rất quan trọng không kém, là để cho anh có dịp gặp lại bạn bè của anh ở dưới này, để anh có dip trở lại thế giới nghệ thuật, anh khép kín quá đi thôi, anh cần sinh hoạt trở lại chứ nếu không thì anh sẽ bị bệnh vì lúc nào cũng âu sầu, buồn khổ. Em hy vọng có bạn bè và hoạt động trở lại, họa may anh sẽ tìm thấy nguồn vui, anh sẽ vượt qua được nỗi buồn.
Anh nói với tôi một cách cương quyết:
- Anh cảm ơn em đã lo cho anh, nhưng anh không muốn em phải làm bất cứ điều gì cho anh. Anh không cần gì hết.
- Thôi, thời gian còn dài, anh suy nghĩ kỹ đi và xuống đây giúp cho em một tay. Em rất cần anh. Số tiền anh cho em mượn 5 phần trăm để đặt mua nhà, em sẽ trả lại cho anh. Anh dùng tiền đó để mà hùn với em sang một cái nhà hàng. Còn nếu anh không muốn làm chung với em thì em sẽ hoàn lại cho anh lập tức.
- Anh rất quý tấm lòng của em, vì em thương anh nên mới lo cho anh như vậy. Tuy nhiên em đừng làm gì hết trong lúc này, hãy để anh suy nghĩ lại rồi anh sẽ cho em biết.