Chương Mười Bảy
Mầm Ðau Thương

Sau cùng thì anh đành chiều tôi.

    
háng Giêng năm 1999.
Chúng tôi sang lại một nhà hàng ở phía cực Tây của thành phố Westminster, cách khu Little Saigon 3 dặm. Nhà hàng vẫn tiếp tục mở cửa trong thời gian chuyển tiếp. Công việc để chuẩn bị cho ngày khai trương quá nhiều, tôi và anh làm việc suốt ngày đêm. Tôi bận rộn lo mua sắm để trang hoàng cho nhà hàng này. Nó không sang trọng, nhưng trang nhã, trình bày rất nghệ thuật. Tôi liên lạc với họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vì tôi rất thích tranh vẽ của chị. Vì quý mến chúng tôi, chị tặng cho tôi một số lịch có những bức họa do chị vẽ, tôi đem về lồng vào khung gỗ quý tổng cộng 16 bức hình tuyệt đẹp của chị. Nhà hàng đẹp hẳn ra nhờ những bức tranh với nét vẽ rất độc đáo tuyệt vời của họa sĩ Nguyễn Thị Hợp. Chưa xong, tôi còn lặn lội đi tìm mua những dụng cụ âm nhạc cổ truyền thật như đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Tì Bà, đàn Gáo, đàn Mộc để đi chung với những bức tranh của chị. Tôi cũng mua rất nhiều hoa lụa để trang hoàng, nhưng hoa lụa của tôi là loại hoa mà dù cho có sờ tay vào cũng không thể nào biết là giả được vì chất liệu tốt và màu sắc rất tự nhiên trông giống như thật. Tôi có mua một vài cây huệ đỏ, loại huệ mà ngày xưa ta thường hay thấy trong đồng quê Việt Nam, người ta trồng dọc theo hàng rào. Nó rất đẹp, khách hàng mặc sức mà sờ vào nó, nhưng vẫn không biết là giả. Anh và tôi làm đẹp cho nhà hàng từ trong ra ngoài, đã được rất nhiều khách đến ăn khen tặng hết lòng vì những lối trang hoàng rất lạ mắt và rất nghệ thuật của chúng tôi.
Thuở đó dù cho có làm việc thật cực nhọc nhưng tôi rất vui vì thấy công trình của mình được rất nhiều người cảm kích và biết đến.
Cũng trong tháng Giêng năm 1999, anh được hội Không Quân Miền Trung Florida mời đi dự Ngày Không Quân Hội Ngộ 1999 tại Khách sạn Holiday Inn vào ngày thứ Bảy 13 tháng 3 năm 1999 nhân dịp đầu Xuân và cũng là để Kỷ Niệm 10 Năm Thành Lập Hội. Anh nói với tôi anh rất vui mừng được đi dự ngày kỷ niệm này và cũng là dịp anh gặp lại các anh em chiến hữu Không Quân thân yêu của anh. Anh chuẩn bị cho chuyến đi.
Tối ngày 8 tháng 2 năm 1999, một ngày trước khi chúng tôi thực thụ dọn vào nhà hàng, anh và tôi đi chợ để mua những gì cần thiết cho ngày hôm sau.Anh nói với tôi anh muốn ngồi trong xe để chờ tôi vì không muốn vào chợ. Nhưng khi tôi đang đứng chờ ở quầy trả tiền, tôi thấy anh đã đứng gần cửa ra vào chờ tôi từ bao giờ. Tôi ngạc nhiên hỏi anh:
- Anh vào hồi nào, chờ em có lâu không?
Anh trả lời, nét mặt có vẻ mệt mỏi và đau đớn:
- Anh mới vào để tìm mua một chai dầu để xoa đầu gối bị đau vì anh mới bị té khi bước ra khỏi xe.
Tôi hốt hoảng kêu lên:
- Trời ơi, vì sao anh bị té vậy?
- Anh không biết, ngồi chờ em mãi thấy em chưa ra, anh mới đứng dậy ra khỏi xe để tìm em, nhưng anh đã không biết rằng chân trái không còn cảm giác gì nữa từ đầu gối trở xuống, nên khi vừa bước ra khỏi xe thì anh bị hụt, chới với rồi té quỵ xuống.
Tôi hối hận vô cùng:
- Em xin lỗi Bố. Chợ Viễn Ðông mới khai trương nên quá đông, em đứng sắp hàng chờ lâu quá rất sốt ruột. Tội nghiệp Bố quá đi thôi. Bố té có đau không?
Anh rất bình thản:
- Thôi xong rồi, không có gì mà em phải tự trách. Anh không đau lắm, chỉ hơi bị xuống tinh thần một chút thôi. Nhưng anh khỏe lại rồi.
- Nhưng mà tại sao tự nhiên anh lại bị như vậy?
- Anh không biết!
- Anh có bị tê chân không? Hay là tại anh ngồi lâu quá mà tê chân?
- Anh không nghĩ rằng anh bị tê chân.
Ðầu óc tôi lo nghĩ, tìm một câu trả lời. Nhưng vì thái độ rất bình thản của anh làm tôi cũng bớt lo đi.
Sau đó vì bận rộn về việc nhà hàng, anh thì cũng vẫn bình thường nên việc anh té bị đi vào quên lãng vì lúc nào tôi cũng nghĩ rằng có lẽ ngày đó anh bị tê chân vì ngồi lâu trong xe.
Nhưng sau đó, anh cảm thấy chân anh càng ngày càng yếu, anh đi đứng không được nhanh nhẹn và tự nhiên nữa. Anh lại bị đau ở lưng, anh cho rằng có lẽ vì phải khiêng những thùng đồ nặng nề hay vì công việc nhà hàng rất cực nên anh bị đau lưng và từ đó lan xuống chân. Tôi giới thiệu anh đến một bác sĩ chỉnh xương người Mỹ bạn của tôi để chạy chữa. Quả thật vị bác sĩ này đã tìm ra các khớp xương bị thương của anh và ông ta đã tận tình cứu chữa cho anh. Trong tháng đầu chạy chữa, lưng anh bớt đau, nhưng chân vẫn còn yếu, và trong thời gian này tôi không cho anh làm gì nặng nề cả vì sợï anh bị đau lại. Anh đã cố gắng không đụng đến những công việc cực nhọc nữa. Anh ngồi viết lại thực đơn mới và dạy các nhân viên cách nấu phở và sửa lại công thức của những món ăn nào mà anh không hài lòng lắm.
Mỗi đêm từ nhà hàng về nhà, sau khi ăn tối xong, anh nằm ở một cái ghế dài nhỏ tôi đặt ở cạnh giường ngủ để chơi game của con nít, đó là những game ở Play Station mà hình ảnh hiện trên TV rất đẹp mắt. Anh có vẻ thích thú về những trò chơi này lắm, anh nhõng nhẽo với tôi:
- Con bé Crystal giỏi thật, anh không thế nào bằng được phân nửa của nó, nó chơi game này đạt được điểm rất cao, còn anh thì..chẳng đi đến đâu cả. Ði hoài mà không tới nơi được vì cứ bị sụp hố hoài?
Tôi cười, nửa đùa nửa thật với anh:
- Tại nó là con nít, mà con nít đứa nào cũng chơi giỏi cả vì chúng rất nhanh nhẹn và tinh anh. Còn anh thì là ông già lụm cụm rồi, làm sao mà bì được với con nít. Em sợ anh chơi những game này sẽ làm thần kinh của anh bị căng thẳng.
- Không, anh thấy trái lại, nó làm anh thoải mái lắm. Nhất là sau một ngày làm việc cực nhọc, anh cần lắm. Em à, anh rất bứt rứt, bồn chồn không biết có nên đi Florida hay không vì chân anh càng ngày càng yếu. Nếu anh đợi cho đến cận ngày mới biết đi được hay không thì anh sợ trễ, làm như vậy không tốt, nhưng từ chối ngay bây giờ thì cũng không được, nếu đến ngày ấy anh đi được thì người ta sẽ phiền anh nói đi rồi nói lại. Ban tổ chức sẽ bị rối trí.
Cũng trong dịp này, anh nói rằng anh cần phải thanh toán rất nhiều việc sổ sách với thân chủ và một vài chuyện riêng tư, anh phải trở về San Jose một thời gian ngắn.
Tôi góp ý kiến với anh:
- Anh cứ chờ xem sao. Khi anh từ San Jose về mà cảm thấy khỏe thì anh đi Florida, còn nếu có gì thì anh nên cho người ta biết để họ định liệu.
Tôi đưa anh ra phi trường, anh quyến luyến không muốn ra đi, còn tôi thì rất buồn mà lòng thì lo âu vô cùng vì chân trái của anh càng ngày càng yếu. Tôi van lơn khuyên anh nên đi bác sĩ, anh bảo:
- Em đừng lo, anh sẽ đi bác sĩ bạn của anh ở trên ấy.
Ở lại, tôi cảm thấy một cái gì không ổn, thật không ổn, linh tính cho tôi biết sẽ có điều gì bất thường xảy ra. Tôi rất lo sợ, việc nhà hàng quá cực, tôi rất cần anh, giờ anh đã bỏ đi, một mình tôi làm sao lo được tất cả mọi việc, vì tôi còn làm việc ở sở một ngày 10 tiếng nữa. Ban ngày ai sẽ thay anh để lo việc điều hành? Tôi đâm ra lo sợ và rối trí. Ban ngày làm việc trong sở, nhân viên nhà hàng gọi tôi không biết bao nhiêu lần về tất cả mọi vấn đề: Cái cống nước không thông nữa, nhà bếp bị ngập nước, ty chữa lửa sẽ phạt nếu không làm cái này, cái nọ. Hay: Cô Lan ơi, tôi cần hành ngò, hết rồi. Cô Lan ơi tôi cần ly giấy, cô Lan ơi, tôi cần một thùng dầu, hết dầu chiên rồi vân vân... Mặc dù tất cả mọi chuyện mọi thứ đã được dự tính, và trù liệu tất cả rồi, vật liệu cho nhà hàng cũng đã được mua trữ trước đó rồi, nhưng những trường hợp này vẫn xảy ra, và xảy ra rất thường.
Tôi tự trách, rõ là tôi quá ngu xuẩn, hết việc làm rồi hay sao mà tự nhiên đi vác thêm một cái nhà hàng cho thêm khổ, anh Phú đã từng nói với tôi:
- Có một người bạn nói với anh câu này nếu ta không thích ai, thì cứ xúi người ấy làm nhà hàng.
Ngày xưa nếu tôi nghe lời anh ngăn cản, thì đâu có cực như vậy. Chẳng thà chịu đóng thuế mà ngủ ngon và không cực cái thân, còn hơn làm nhà hàng chi cho quá cực khổ như vầy mà chưa chắc gì không bị đóng thuế.
Thật sự thì tôi không sợ cực. Nếu tôi chỉ làm nhà hàng không thôi thì tôi không ngại và chắc cũng không đến nỗi nào. Nhưng vì tôi phải làm việc một ngày chín mười tiếng đồng hồ ở sở, tối về làm ở nhà hàng cho đến mười giờ mấy mới về đến nhà, tôi không còn thì giờ để làm gì khác được nữa. Chúng tôi về đến nhà mỗi người một ý tưởng, không ai nói chuyện đến ai, quần áo hôi hám vì những bụi khói dầu mỡ trong nhà bếp bám vào. Cuộc sống êm đềm của chúng tôi bị xáo trộn và thay đổi hoàn toàn từ ngày chúng tôi mở nhà hàng. Tôi không còn thì giờ cho anh và cho con gái của tôi nữa. Tôi rất hối hận đã làm khổ và làm cực thân anh.
Hai tuần lễ sau đó, ngày 11 tháng ba, anh trở về quận Cam. Lúc này trông anh rất yếu đuối, rất bệnh hoạn. Chân trái của anh rất yếu. Tôi rất vui mừng khi anh trở về và đề nghị anh nên ở nhà luôn để dưỡng bệnh và đừng ra nhà hàng nữa. Anh cho tôi biết:
- Khi về nhà ở trên San Jose, mấy đứa nhỏ con của chị Út đã dời xe của anh ra khỏi garage để chúng làm gì đó. Chúng kéo ghế xe anh lại gần tay lái để ngồi, rồi quên không sửa lại lúc xong việc. Khi anh vào xe, vừa ngồi xuống là thấy khác liền, vô ý anh bị đập đầu vào cửa xe. Ngay lập tức chân trái của anh bị dội lên và rớt xuống và rồi anh không còn cảm giác gì nữa. Chân trái của anh hoàn toàn bị tê liệt không nhấc lên nổi nữa. Người nhà trên ấy mới đưa anh đi bác sĩ bạn của anh.
Tôi nóng ruột hỏi anh:
- Bác sĩ nói như thế nào hở anh?
- Theo X-ray của vị bác sĩ bạn anh hai đốt xương sống L4 và 5 bị chấn động, chân trái của anh bị bong gân. Nhưng anh vẫn hy vọng đi Orlando, Florida được ở giờ phút cuối. Tuy nhiên anh đã có nói với anh Thuyên chút ít về trường hợp của anh, hy vọng bên ấy không mong chờ nhiều về anh.
Tôi thở dài lo lắng:
- Anh đau bệnh như vầy làm sao mà đi. Thôi anh ơi, ngày mai này em sẽ đem anh đi bác sĩ và thầy châm cứu. Em biết có một ông thầy châm cứu người Tàu, ông rất nổi tiếng ở vùng Lake Forest, ngày mai em sẽ gọi ông ta và đưa anh đi.
Tôi giục anh đi bác sĩ hay vào nhà thương, nhưng anh chần chờ. Tôi hỏi anh:
- Tại sao anh không muốn đi bác sĩ hay vào nhà thương?
Anh ngại ngùng:
- Ông bác sĩ Mỹ bạn của em đã nói với anh rằng anh phải vào nhà thương gấp vì cái gì đó nó làm cho chân anh yếu như vầy, chứ không phải là chứng đau lưng bình thường nữa....
Tôi ngắt lời anh:
- Vậy thì anh phải đi vào nhà thương gấp!
- Nhưng?
- Nhưng sao anh?
- Bảo hiểm sức khỏe của anh em biết đấy, cái phần tiền hai mươi phần trăm mà bệnh nhân phải trả trước cho nhà thương cao lắm. Mấy năm nay anh làm việc độc lập rồi, đâu còn làm cho hãng Mỹ nữa, 20 phần trăm của tiền nhà thương rất nhiều, anh không thể nào trả nổi.
- Em rất tiếc cho anh. Sao hồi đó anh không đổi qua loại bảo hiểm nào mà người bệnh không phải trả nhiều?
- Ðược như em nói thì anh đã đổi từ lâu. Càng lớn tuổi, vấn đề bảo hiểm sức khỏe càng phức tạp và khó gia nhập các bảo hiểm tốt. Nếu không muốn trả nhiều lúc vào nhà thương, thì hàng tháng phải trả rất cao. Mỗi tháng tiền bảo hiểm sức khỏe anh đóng cũng cao rồi và tiền khấu trừ mỗi năm là 2000 đô la. Mười năm nay không có năm nào anh xài hết 2000 đô la nên anh luôn luôn phải xuất tiền túi mỗi khi đi khám bệnh. Anh để dành bảo hiểm cho trường hợp khẩn cấp mà thôi.
- Thì bây giờ là trường hợïp khẩn cấp rồi. Anh có vẻ không muốn vào nhà thương thì đúng hơn. Anh cứ lần lựa mãi. Em không hiểu tại sao.
- Tuần sau em đưa anh đi ông thầy châm cứu gì đó, nếu trong hai tuần mà không thấy thuyên giảm thì anh nhờ em đưa anh đi nhà thương.
Chủ nhật sau đó, anh và tôi đi mua một cây gậy cho anh vì chân anh rất yếu và càng ngày càng co rút nhỏ lại.
Rồi ngày thứ hai, tôi bỏ việc sở, bỏ luôn cả nhà hàng, để đưa anh đến ông thầy châm cứu người Tàu ở thành phố Lake Forest cách nhà tôi khoảng hơn 30 dặm về phía Nam. Ông tên là Sam C. Liang. Ông thầy cho một cái hẹn mà giờ giấc rất bất tiện cho chúng tôi, vì kẹt xe quá nhiều, mãi hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi.
Từ trong xe, tôi dìu anh ra, nâng và đỡ anh để anh đừng bị té. Lúc ấy anh rất ốm yếu, cao lêu khêu, chân đi xiêu vẹo, rất khó khăn, tưởng chừng như anh sắp sửa ngã đến nơi. Khổ sở lắm tôi mới đưa được anh vào đến văn phòng của ông Liang.
Cũng như các ông bác sĩ chỉnh xương, ông này hứa sẽ cố gắng giúp anh vì tất cả đều nghĩ rằng anh bị đau lưng rồi biến chứng xụi chân. Thật ra, tôi cũng đã từng bị bệnh y hệt như anh, đau lưng rồi lan dần xuống chân, nên lúc nào chúng tôi cũng cố nghĩ có lẽ anh đau chân vì bị đau lưng và hy vọng không có gì tệ hại hơn nữa.
Tôi ngồi trong phòng chữa trị với anh, đem theo một cuốn sách đọc để cho anh được yên tịnh nghỉ ngơi trị bệnh. Mỗi lần như vậy là chúng tôi ở trong phòng mạch khoảng một tiếng đồng hồ. Lúc về vì chân anh quá yếu, phải vất vả lắm tôi mới đem được anh ra khỏi xe để vào nhà.
Thời gian đó anh sợ tôi phải cực khổ vì anh, nên anh ngỏ ý muốn trở về San Jose để sống.
Tôi nhất quyết không cho anh về:
- Anh về trên ấy không có ai lo cho anh đâu. Anh có gì cũng không ai biết vì anh đơn chiếc quá. Tại sao anh không ở dưới này để em lo cho anh?
- Anh sợ em cực thế thôi, chứ được Ngọc Lan lo cho anh thì anh cảm thấy may mắn vô cùng. Nhưng anh thấy thật là bất công và oan ức cho em vô cùng. Anh chưa làm được gì cho em mà bây giờ em lại phải gồng gánh anh. Anh làm sao chịu nổi sự hối hận dầy vò? Ngày anh có tất cả thì anh không có em. Bây giờ không còn gì hết mà lại bệnh hoạn thì được em lo, anh thấy tàn nhẫn và bất công lắm, anh không muốn em chịu thiệt thòi.
- Anh tự trọng, biết điều nên khéo lo xa, em không phải là loại thường tình nhi nữ. Em không bao giờ nghĩ đó là một sự bất công và thiệt thòi. Em nghĩ rằng em vô cùng may mắn có anh trong những giờ phút này, đây là một diễm phúc lớn bề trên ban cho em để được lo lắng cho anh những lúc như thế này. Xin anh đừng nghĩ gì khác hơn và hãy để cho em được lo lắng cho anh.
Anh cảm động lắm vì những lời tôi nói. Anh ôm tôi vào lòng mặc dù chân trái anh suy yếu. Nhưng sau đó, anh vẫn nhất quyết trở về San Jose.
Tôi phải dùng kế hoãn binh:
- Thôi được, nếu bố muốn về, thì em sẽ thu xếp cho bố về. Nhưng hãy ráng xong xuôi chương trình chữa trị với ông Sam Liang đi rồi hãy hay, bố nhé!
Anh bằng lòng đề nghị của tôi.
Mỗi ngày tôi đi làm việc sở và việc nhà hàng, tôi bù đầu vào những công việc hàng ngày và vẫn tiếp tục đưa anh đi chữa bệnh. Tôi đi làm trễ và về thật sớm để đưa anh đi châm cứu. Bệnh tình của anh không thuyên giảm mấy, nhưng cũng không tệ lắm.
Có một hôm, khi đưa anh vào một phòng đợi khác để chờ được trị liệu, tôi chợt thấy một khung hình trên tường có lồng những nhạc khí cổ truyền tí hon giống y hệt mấy cây đàn tôi đang treo ở nhà hàng. Kèm theo là lời giải thích về lịch sử của các cây đàn này và những năm tháng, đời vua chúa nào bên Tàu mà chúng được phổ biến trong dân gian. Tôi mừng rỡ lấy giấy ghi xuống những lời chú thích này, vì đã có rất nhiều người khách hàng của chúng tôi, cả Việt lẫn Mỹ đều hay hỏi chúng tôi về lịch sử những cây đàn tôi treo trong nhà hàng nhưng chúng tôi chưa tìm được câu trả lời.
Anh đang nằm chờ ông thầy đến, bảo tôi:
- Em đọc cho anh nghe những lời chú thích đi em.
Tôi đọc cho anh nghe. Anh bảo tôi:
- Những lời chú thích này sai rồi em à.
- Sai ở chỗ nào anh?
Anh chưa kịp trả lời, thì vừa lúc ấy, ông thầy châm cứu gõ cửa bước vào.
Ông chào chúng tôi, thấy tôi lui cui viết những lời chú thích vào một tờ giấy nhỏ xíu, ông nói rằng ông sẽ chụp cho tôi một tấm hình để tôi không phải mất công viết xuống.
Tôi nói với ông:
- Thưa ông, chồng tôi nói có một lời ghi chú về lịch sử của một cây đàn sai rồi ông ạ!
Ông thầy châm cứu ngạc nhiên:
- Thưa ông sai? Sai ở chỗ nào, tôi đã xem kỹ lắm rồi, đâu có thấy sai ở đâu?
Anh Sĩ Phú nói một đoạn về những vị vua ở bên Tàu ngày xưa, đời vua nào kế tiếp ông nào, năm nào ông vua này lên và năm nào vị vua khác lên. Cái đời của vua A này không thể nào là năm cây đàn sinh ra..vì cây đàn này sinh năm đó thuộc thời vua B chứ không phải đời vua A...vân vân...
Ông thầy châm cứu ngẩn người ra..
Ông suy nghĩ một chút rồi chợt vỗ trán reo lên:
- Ðúng rồi, ông nói đúng. Trời ơi ông quả là một người thông suốt về lịch sử Trung Hoa, chính tôi cũng không thấy cho đến khi ông nêu lên. Ðúng rồi, năm này đâu phải là năm của vị vua này. Ông vua này sinh sau đến..
Ông vỗ trán.
Anh Phú ngắt lời:
- Hơn ba trăm năm sau?
Ông thầy lại một lần nữa kêu lên với một vẻ thán phục:
- Ðúng vậy, Chúng tôi rất tự hào là biết rất nhiều về lịch sử Trung Hoa mà bây giờ bị một người đàn ông Việt Nam sửa sai. Ô, tôi khâm phục ông vô cùng, ông nói đúng. Ông nói đúng...
Ông nhìn qua tôi:
- Chồng của cô nói đúng đấy. Tôi không ngờ một người đàn ông VN mà lại quá rành về lịch sử Trung Hoa như vậy. Tôi đã đọc hết những gì trong tranh này, nhưng hoàn toàn không thấy lỗi lầm đó đến khi chồng cô nêu lên.
Anh Phú điềm đạm trả lễ:
- It is OK, it doesn't matter, I just wanted to correct the error. That's all.
Tạm dịch:
- Không có gì hết, tôi chỉ muốn sửa sai một cái lỗi thôi chứ không có gì phải đáng nói.
Từ đó về sau, ông có vẻ quý anh Sĩ Phú ra mặt. Ông không thể hiểu nổi tại sao một người VN mà lại có thể thâm uyên lịch sử Tàu đến như vậy.
Ba ngày trước khi đại nhạc hội của Không Quân ở Florida khai mạc, biết chắc chắn là không thể nào tham dự được, anh buộc lòng thảo một lá thư xin lỗi, anh rất ái ngại về việc không thể qua bên Orlando, Florida để dự. Ngày ấy tôi xin giúp anh đánh máy lá thư đó và fax qua cho anh Lý Trực Thuyên. Nhưng anh rất khó tính, khi làm việc với quân đội, sau khi nhìn lá thư đánh máy rất đẹp của tôi, anh vẫn không bằng lòng, anh tự thảo lá thư viết tay với nét chữ trang trọng, lời lẽ rất chân thành và gửi đi. Chúng tôi chỉ còn hy vọng các anh Không Quân bên ấy sẽ thông cảm vì sức khỏe của anh càng ngày càng yếu dần.