Chương Hai Mươi Mốt
Khu Phục Hồi

     iệc đầu tiên tôi có thể làm cho anh khi đến Khu Phục Hồi là nói với các cô y tá rằng tôi rất đỗi quan tâm về vấn đề đại tiện của anh. Tôi nghĩ là anh bị động kinh hai lần sau cùng và thường hay bị nhức đầu có lẽ vì do bệnh bướu óc, nhưng có lẽ một phần cũng vì vụ đi tiêu hóa không được.
Các bà y tá trố mắt nhìn chúng tôi trân trối:
- Chín ngày? Chúa ơi, thật như vậy sao? Thật chúng tôi không ngờ. Bà yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng giúp ông ấy nội ngày hôm nay!
- Ồ, nếu được như vậy thì không còn gì quý bằng, xin bà giúp giùm anh ấy!
Chiều hôm ấy, một bà y tá người Mỹ da màu bước vào, giới thiệu tên bà là Debbie và là y tá sẽ chăm sóc anh. Bà có gương mặt rất là hiền hòa như một người mẹ, rất dễ gây cảm tình. Sau khi nghe chúng tôi nói về cái khổ nạn của anh, bà hứa sẽ giúp anh.
Quả tình tôi không biết bà đã làm cái gì cho anh, vì tôi vừa chạy ra ngoài trạm y tá một lúc, khi trở lại, thấy bà đang giúp anh, và sau đó anh đã giải thoát được cái của nợ ấy. Cả ba chúng tôi đều vui mừng khôn xiết, chúng tôi chúc mừng lẫn nhau như chúc mừng một người mẹ vừa sinh được một đứa con.
Bà y tá cười nói với chúng tôi:
- Cả đời tôi, từ ngày làm y tá đến bây giờ, tôi chưa từng bao giờ chứng kiến một cảnh như thế này. Rất là hi hữu.
Cả ba chúng tôi cùng cười, bây giờ khi tôi ghi lại đoạn này, ngước lên nhìn tấm hình của anh để trước mặt tôi, tôi phì cười, nhưng tiếng cười chưa dứt thì nước mắt đã chan hòa trên mặt. Tôi buồn tôi khóc vì ngày ấy, anh và tôi quá cơ cực và rất cô đơn. Ði đến đâu, tôi cũng phải chiến đấu cho anh, dù sự chiến đấu chỉ là âm thầm và rất nhỏ nhoi. Không biết vì tôi quá kỹ và lo lắng quá nhiều cho anh hay chỉ vì đó là một bài học, một thử thách khác về cuộc đời mà bề trên bắt chúng tôi phải học?
Occupational Therapy.
Những ngày sau đó, các chuyên viên vật lý trị liệu đến giúp và chỉ dẫn anh cử động tay, chân, làm những động tác thường nhật như đánh răng, rửa mặt, chải tóc, nắm lấy một món đồ vật, đi lên một vài bực cầu thang và các động tác thường nhật khác nữa như bước vào bồn tắm vân vân, và sau đó họ dạy anh tập đi.
Lần đầu tiên sau hơn một chục ngày nằm liệt giường, bây giờ đứng lên, cử động của anh rất yếu. Ngày đầu tiên, anh hơi chóng mặt, bước đi xiêu vẹo không vững. Người chuyên viên phải buộc một sợi dây nịt quanh bụng anh để bảo vệ và để phòng hờ nếu anh bị té.
Nhưng, nhờ sự mong ước và rất tha thiết được đi trở lại bình thường, anh cố gắng rất nhiều. Mỗi một ngày anh cảm thấy đỡ hơn ngày hôm trước một ít và tiến nhanh hơn.
Chỉ trong vòng có ba bốn ngày, anh đã có thể đi được một mình, dù chỉ là một khoảng ngắn có vài ba bước. Anh rất vui mừng khi nhìn thấy kết quả khả quan, vì cứ nghĩ là có lẽ cả đời anh sẽ không còn đi đứng được nữa.
Trong vòng một tuần lễ, anh cử động và đi đứng trở lại cho dù chưa được như bình thường nhưng cũng là một bước tiến lớn lao đối với anh. Người ta cho anh một cây gậy bốn chân dành cho bệnh nhân mới vừa tập đi trở lại.
Mỗi ngày, nương theo cây gậy, anh tập đi. Có khi anh hăng say, đi một vòng quanh Khu Phục Hồi khoảng 20 phút với sự giúp đỡ của cây gậy. Dĩ nhiên là mỗi lần đi như vậy đều có tôi và bà chuyên viên đi theo phía sau. Anh sung sướng lắm vì không ngờ sự tiến bộ quá nhanh, ngoài sự mong ước. Bây giờ những gì tôi nói về vật lý trị liệu với anh hôm trước không còn quá xa vời nữa. Anh bắt đầu tin tưởng vào lời nói của tôi mà trước đó, anh cứ ngỡ là những lời an ủi suông?
- Một nữ chuyên viên vật lý trị liệu của anh đã nói một câu làm anh suy nghĩ, bà ấy nói rằng Dù cho một phần cơ thể của anh không hoạt động nữa, anh vẫn phải thường xuyên đánh thức nó dậy. Khi anh mở bàn tay ra, nắm một vật gì, hay đưa tay lên mồm đánh răng, hay chải tóc, tức là tay anh báo cho các bộ phận điều khiển những động tác đó ở trên óc biết là anh muốn chúng hoạt động như vậy, anh đánh thức phần điều khiển đó và bảo chúng làm việc như ý anh. Và như thế chúng sẽ làm việc, giúp anh hồi phục nhanh. Dù cho bộ phận nào đó bị hư hại hoàn toàn, các bộ phận khác sẽ thay thế khoảng trống đó. Nhưng nếu anh không cử động, chúng sẽ bị quên lãng và cơ thể của anh sẽ theo đó mà đi xuống. Vì thế cho nên anh phải luôn luôn nên tập cử động, vì đó là lối hay nhất để anh sớm hồi phục. Lời bà ấy nói cũng có lý lắm!
Ngừng một chút, anh nói tiếp:
- Hồi chiều này bà ấy đem đến cho anh rất nhiều những dụng cụ để trợ giúp anh cử động như những sợi dây thung thật lớn để anh giăng hai tay ra cho bắp thịt ở tay cử động, những bao cát nhỏ để anh bóp trong tay. Bà ấy rất tử tế và chịu khó tập cho anh lắm em ạ!
Lời hướng dẫn đó đã giúp anh cố gắng và đạt được kết quả vượt ra ngoài sự mong chờ của chúng tôi.
Thời gian một tuần lễ ở Khu Hồi Phục thật là quý báu, anh được rất nhiều sự chăm sóc chu đáo và tận tình của tất cả mọi người. Còn phần tôi, thì tôi có được một cái giường rộng rãi để nằm, tôi không còn ngủ trên cái giường ngủ ọp ẹp cầm tay như những ngày còn ở lầu năm, khu Oncology. Xưa nay tôi rất kỵ nằm giường của bệnh viện, vì tôi sợ đủ thứ... Nhưng từ ngày vào bệnh viện với anh, tôi nằm giường nào cũng được miễn là có chỗ để tôi nghỉ lưng vì tôi có đem theo chăn sạch từ nhà đến, tôi nằm trên những tấm chăn đó. Khu này là khu hồi phục, tức là nơi mà người ta đến để học đi đứng như anh sau khi đã được chữa bệnh. Có lẽ ở khu này đa số những bệnh nhân tương đối thuyên giảm, số bệnh nhân tử vong trong khu này có lẽ ít, nên tôi yên tâm hơn.
Một buổi chiều giữa tuần, cô Kim Uyên, cùng bà mẹ và người em gái, vào thăm anh.
Anh giới thiệu với tôi:
- Ðây là bà Kim Uyên, đây là Kim Ân, em của Kim Uyên, và mẹ của hai cô.
Rồi day qua họ, anh giới thiệu tôi:
- Và đây, Ngọc Lan.
Chúng tôi chào hỏi lẫn nhau.
Cũng cùng lúc này, Minh Phượng vào thăm anh, chúng tôi tổng cộng sáu người, trò chuyện vui vẻ. Ðó là lần đầu tiên tôi gặp cô Kim Uyên, mẹ và em cô. Vì muốn cho anh có chút riêng tư với cô Kim Uyên nên tôi cùng Minh Phượng lấy lý do để ra khỏi phòng.
Hơn nửa giờ sau, khi chúng tôi trở lại, tôi thấy cô Kim Ân ngồi chờ một mình ở phòng chờ đợi chứ không có trong phòng với mọi người. Hai chúng tôi ngồi nói chuyện với cô rất thân mật. Không hiểu sao, dù rất ít nói, nhưng tôi bỗng có rất nhiều cảm tình với cô. Tôi nhìn thấy một nét gì hiền và chân thật ở người đàn bà này. Nhưng rất tiếc về sau này, mãi cho đến ngày anh qua đời, tôi có rất ít dịp gặp lại vì cô ít khi đến nhà chúng tôi để thăm viếng anh.
Tôi tiễn Phượng và gia đình cô Kim Uyên ra cửa, chào cảm ơn tất cả mọi người. Vừa vào đến phòng, điện thoại reo, tôi nhấc lên giùm anh, cô ca sĩ KL nghe tin anh bị bệnh, từ bên Tây Ðức xa xôi bay qua để thăm anh. Cô đang ở nhà của một người bạn thân gần khu Little Saigon và muốn vào thăm. Tôi không biết làm sao cô có số điện thoại của phòng anh, nhưng việc đó cũng dễ thôi, biết bệnh viện, và biết tên người bệnh là đủ. Anh cảm ơn nhưng mệt mỏi từ chối gặp cô và bảo rằng anh vẫn còn bệnh và không muốn cho cô đến.
Sau khi anh cúp điện thoại, tôi khuyên anh nên ngủ một giấc. Anh đã thấm mệt vì những sự thăm viếng và tôi sẽ về thăm Crystal Mai Lan, đứa con gái nhỏ của tôi. Lúc ấy cháu vừa đúng 12 tuổi. Sinh nhật của cháu gần cuối tháng Tư, tôi không về được. Rồi cả tuần nay không gặp được cháu. Tôi nhớ con tôi lắm!
Ðứa con gái của tôi rất mừng khi thấy mẹ. Tôi ôm nó vào lòng và hôn nó lia lịa, rồi bắt nó hôn lại mẹ. Tôi nói với Crystal:
- Phil (tên Mỹ của anh) đang bị bệnh thật nặng ở bệnh viện mà Phil chỉ còn có mỗi mommy để trông nom mà thôi. Nếu mommy không thường đến thăm con, không có nghĩa là mommy không thương con. Mommy lúc nào cũng nghĩ đến con và rất yêu thương con. Con có hiểu không?
- Con hiểu. Phil bị bệnh gì vậy mommy?
- Phil bị ung thư!
- eeeuuuu....I am sorry!!
Tôi ở lại với Crystal một lúc, xem bài vở của cô bé. Cháu học rất giỏi, lúc nào cũng đứng đầu lớp và mỗi tháng đem bằng ban khen về nhà. Ngoài ra Crystal là một cô bé chơi thể thao rất giỏi. Cô bé đã được các nhật báo lớn như Los Angeles Times, Orange County Register và Brea Progess phỏng vấn, đăng hình lên báo ở các trang thể thao với những thành tích xuất sắc.
Khi tôi viết những trang này. Crystal đã được 13 tuổi rưỡi và cao 5'7. Hình cô bé gái ngồi giữa những hoa trắng trong bìa CD Còn Chút Gì Ðể Nhớ là Crystal, con gái tôi lúc 10 tuổi. Có nhiều người hỏi tôi có phải cô bé ấy là đứa con gái nhỏ đã qua đời của anh Sĩ Phú không? Vì muốn tránh sự ngộ nhận nên tôi đã bỏ hình của cháu Crystal ra khỏi bìa CD của anh khi tôi tái bản lần thứ hai.
Rời cô bé Crystal Mai Lan, tôi trở về nhà, hối hả cắt một mớ wheat grass và rửa thật sạch để cho ráo nước, bào một mớ cà rốt cho anh và hối hả đi làm các công việc khác. Trong thời gian này, tôi không có thì giờ để săn sóc cây cối hay vườn tược. Hệ thống tưới cây tự động của sân trước nhà đã bị hư chưa được sửa lại cho nên các cây cối của tôi bị khô héo hết. Nếu tôi phải tưới bằng tay thì phải tốn ít nhất là 20 phút vì đất đã quá khô khan, nên tôi đành phải chịu vì chính thân tôi còn không có được 15 phút để tắm gội mỗi ngày.
Tôi khệ nệ bưng đồ ra xe. Ðem theo đủ tất cả những thứ gì anh cần. Sau cùng thì tôi mới xay wheat grass cho anh vì anh phải uống chất nước này trong vòng 15 phút đồng hồ sau khi xay xong. Tôi vội vã lái xe vào bệnh viện.
Từ nhà đến bệnh viện cũng mất gần 15 phút rồi.
Sự hối hả làm cho tôi căng thẳng, gây nhức nhối ở trên cổ, trên vai, trên người tôi.
Trời đã tối đen và rất lạnh. Tôi cắm đầu đi thoăn thoắt như chạy vào bệnh viện vì sợ quá 15 phút nước cỏ sẽ không còn giá trị gì hết.
Thuở ấy, tôi trông giống như một bà già, vì luôn luôn mặc những bộ quần áo thật bình dân như một cái quần đen, cái áo ngắn đơn sơ, một cái áo ấm khoác ngoài và luôn luôn mang một đôi giầy tennis đen cho dễ xỏ vào và dễ chạy. Mỗi lần đi vào bệnh viện là tôi mang lỉnh kỉnh rất nhiều thứ, tôi xách những bịch những gói rất nặng nề. Tôi không cần trang điểm lên cho đẹp để làm gì mà nếu có muốn cũng không có thì giờ. Thì giờ để trang điểm, tôi có thể dùng để tắm gội cho mát hơn.
Ngày hôm sau, cô ca sĩ KL gọi hỏi thăm anh một lần nữa. Tôi nói với anh cứ mời cô đến vì cô đã có lòng, từ bên Tây Ðức xa xôi bay qua để thăm anh. Tôi vừa xoa dầu lên tay, chân anh vừa nói:
- Không lẽ anh để cô ấy đến rồi đi mà không gặp được anh à?
Sau cùng anh cho phép cô đến.
Buổi chiều hôm đó, tôi về nhà hàng để nói chuyện với nhân viên về vụ sang nhượng nhà hàng này. Bước vào cửa đã thấy cô KL, một người bạn của cô và anh Nguyễn Sĩ Bảo, đang ngồi nói chuyện, giải khát ở cái bàn trong cùng.
Khi họ sắp sửa chia tay, tôi đề nghị cô bạn của cô KL cứ ra về, tôi sẽ chở KL vào thăm anh Phú. Người bạn cảm ơn chúng tôi rồi ra về.
Tôi lái xe đưa cô KL vào bệnh viện để thăm anh.
- Anh ơi, có khách quý!
Anh ngập ngừng:
-...Ai vậy em?
Cô KL chầm chậm đi vào. Cô đem theo cái xách tay trong có một mớ xoài Thanh Ca rất to và một hộp bánh ngọt cho anh.
Bốn mắt nhìn nhau, tôi thấy cô có vẻ e ấp, thẹn thùng.
Anh Sĩ Phú chào hỏi:
- Chào KL, L đến hồi nào?
- Ðược vài bữa, L nóng lòng không biết anh ra sao?
- Hôm nay anh đã đỡ hơn hôm trước rất nhiều.
Thấy cô đứng ở chân giường anh, tôi kéo một cái ghế mời cô ngồi.
Cô cảm động từ chối.
Tôi ép:
- Thì chị cứ ngồi đi.
Cô ngồi xuống cái ghế, vụng về, lúi húi đưa tay sờ đôi chân yếu đuối của anh và bắt đầu xoa bóp lòng bàn chân của anh. Cô bảo cô rất rành về phương pháp xoa bàn chân, điểm huyệt này. Nó sẽ giúp cho máu lưu thông điều hòa dễ dàng...vân vân...
Tôi nói với anh:
- Em phải chạy về nhà, anh và chị ấy cứ tự nhiên.
Anh nhìn chỗ khác, nhăn mặt:
- Em phải đi à?
- Vâng, em có quá nhiều việc phải làm ở nhà, chừng nào cô ấy muốn về anh cứ gọi cho em.
Anh có vẻ không thích tôi ra đi chút nào, anh nhìn tôi bằng đôi mắt rất áy náy. Tôi đọc được ý anh:
- Em nên ở lại. Em không cần phải đi đâu hết.
Nhưng tôi nhất quyết ra đi vì nếu tôi ra phòng ngoài ngồi đọc sách thì thật là phí thì giờ, về nhà tắm gội có lý hơn.
Tôi day qua nói với cô:
- Lan sẽ chở chị về nhà sau khi chị thăm anh Phú xong. Chị lo cho anh Phú giùm Lan nhé!
KL sốt sắng:
- Ðược rồi, chị Lan cứ đi đi!
Tôi về nhà, tắm gội cho thỏa thích. Mấy bữa nay không có thì giờ để làm gì cả, bây giờ anh Phú có một baby sitter thì tôi an tâm lắm, tôi có ít nhất là hai tiếng đồng hồ để làm những gì cần làm.
Tôi xuống bếp rửa một mớ chén đũa. Lau dọn nhà bếp rồi rửa sẵn một mớ wheat grass để khi cần làm liền không phải chờ đợi. Tôi rửa cái máy xay cỏ, lau thật sạch và thật khô, tháo từng bộ phận để đem vào bệnh viện cho anh. Tôi làm hết công việc này rồi bắt qua công việc kia, không hở tay.
Có tiếng điện thoại reo. Tôi bắc lên:
Giọng anh đứt quãng:
- Em ơi, em vào ngay đi, cô KL....cô ấy xoa bàn chân anh thế nào không biết mà anh bị ho ra máu... Y tá đã vào rồi. Em vào ngay lên đi!
Tôi bỏ hết công việc nhà, túm vội lấy những gì tôi đã làm rồi và mang theo với tôi.
Tôi ra xe phóng đi.
Khi tôi vào đến nơi, cô KL nói lắp bắp những lời gì đó mà tôi không nhớ rõ. Anh nói với tôi:
- Hồi em đi các cô y tá vào hỏi thăm anh, ngạc nhiên thấy có KL đang ngồi xoa bàn chân anh mà không thấy em. Còn cô KL thì cô ấy xoa bàn chân anh, có lẽ chạm ngay cái huyệt gì đó mà khi cô ấy vừa sờ tay vào thì anh ho lên một tiếng và khạc ra nhiều máu. Anh có gọi cô y tá vào liền. Họ ngạc nhiên muốn biết tại sao. Nhưng anh không nói gì cả. Tại sao em đi lâu quá vậy?
- Em có rất nhiều chuyện để làm ở nhà, vả lại em thấy anh và chị ấy cần thì giờ để tâm tình, trò chuyện vì bạn bè lâu lâu gặp nhau một lần mà.
- Thôi đêm đã khuya rồi, KL về đi!
Cô KL rất ái ngại, cô nói:
- Ờ để L nhờ bạn đến chở về...
Tôi vội đỡ lời cô:
- Ðể em đưa chị KL về.
Rồi quay qua cô, tôi nói:
- Ðể Lan đưa chị về, khuya rồi chị ạ, đừng phiền người bạn của chị.
Rồi tôi nói với anh:
- Em sẽ đưa chị KL về, anh thấy trong người như thế nào? Anh có OK không?
- Anh OK rồi, không sao hết, thôi em đi nhanh đi rồi về, em lái xe thật cẩn thận nhé! Anh lo cho em lắm!
Cô KL lưu luyến chào anh rồi theo tôi ra về.
Trên đường về, tôi thấy tội nghiệp cô, cô có vẻ lo âu cho anh Sĩ Phú lắm. Sau một vài câu trao đổi, tôi vụt hỏi cô một câu mà có lẽ nhiều người cũng muốn biết:
- Xin lỗi chị cho Lan hỏi chị một câu... ngày xưa chị với anh Phú... có cái gì với nhau không?
Cô nhìn thoáng tôi:
- Tôi quen ổng mấy chục năm rồi mà có được cái gì đâu!
- Sao hai người quen nhau lâu rồi mà không lấy nhau cho xong?
- Vừa lớn lên thì gia đình bắt tôi đi du học rồi. Qua bên Tây Ðức, sau đó tôi có chồng. Từ đó về sau này, chúng tôi lúc nào cũng chỉ xem nhau như bạn mà thôi.
Tôi đưa cô về nhà người bạn của cô, cô đi vào cổng sau và khoác tay ra dấu bảo tôi đi, nhưng tính tôi kỹ luỡng, tôi ra dấu bảo cô đi vào nhà. Tôi đợi cho trong nhà bật đèn sáng, có người mở cửa cho cô vào, và sau khi cô vào nhà rồi, tôi nghe tiếng cửa đóng lại, mới chịu lui xe ra.
Tôi trở về bệnh viện, anh trách tôi:
- Em đi về nhà làm gì, khi không em bỏ anh mà đi về nhà!
- Anh à, tại vì mấy bữa nay em chưa có thì giờ tắm gội. Hôm nay anh có cô ấy đến thăm, làm baby sitter cho anh vài tiếng đồng hồ thì em mừng lắm! Anh cảm thấy như thế nào, có đỡ hơn không?
Anh lập lại lời anh đã nói lúc trước:
- Khi cô ấy xoa bàn chân anh, không biết đụng phải cái huyệt nào, mà làm cho anh ho một tiếng, máu ra khá nhiều, anh hơi lo một chút. Nhưng hết rồi, anh không thấy đau đớn gì hết. Thôi, em đi ngủ đi. Tội nghiệp thân em quá, làm việc suốt ngày.
Suốt đêm hôm đó, cần gì nửa đêm, anh không gọi y tá, anh chỉ lẳng lặng làm một mình. Anh để yên cho tôi ngủ vì biết tôi rất cần giấc ngủ. Nhưng cứ mỗi lần anh lục đục một mình, là tôi thức giấc, hỏi anh cần gì, để tôi giúp, nhưng anh bảo:
- Em ngủ đi, cứ để mặc anh. Buộc lòng lắm anh mới kêu y tá hay em. Anh không thích làm phiền ai hết. Khi nào tự lo được là anh lo.
Nhưng tôi không yên tâm chút nào. Anh phải dò dẫm trong đêm để vào phòng vệ sinh. Chân anh vẫn còn yếu, tôi sợ anh đi lạng quạng trong đêm tối sẽ bị té nên vội vàng chạy xuống giường đỡ lấy anh trước khi anh có thể ngã chúi xuống đất.
Hôm sau, cô KL lại vào thăm anh một lần nữa và tôi lại sốt sắng đưa cô về nhà như hôm qua. Sau đó, theo lời anh kể, khi cô KL gọi lại cho anh, anh bảo KL thăm viếng như vậy là đủ rồi. Anh bảo cô trước khi trở về Tây Ðức, chỉ cần gọi điện thoại để từ giã anh là đủ, anh không muốn cô vào nữa. Anh muốn được nghỉ ngơi.
Vậy mà một tuần lễ sau đó, tiếng đồn trong giới nghệ sĩ ở khu Little Saigon nói rằng cô KL có than phiền với mọi người rằng ông Sĩ Phú đã từ bỏ cô rồi, chung quy cũng chỉ vì bà Lan đó mà ra.
Tôi sững sờ khi nghe những lời đó, hy vọng đấy chỉ là lời đồn mà thôi. Không biết phải nói gì, tôi chỉ biết im lặng.
Khi tôi nói với anh về lời đồn đó, anh có vẻ chán chường, lặng yên rất lâu. Một lúc sau, anh bảo tôi:
- Anh không bao giờ muốn em đính chính. Em đừng buồn vì anh rất hiểu và quý em vô cùng. Anh cảm động về cách em đối xử với cô KL lắm, và cũng chính vì thế, anh thương em vô cùng!
Tôi bỗng nói một câu không ăn khớp vào đâu:
- Anh à, nếu em mà là anh, thì em đã lấy cô KL lâu rồi!
Anh trân trối nhìn tôi:
- Tại sao em nói như vậy?
- Vì cô ấy rất thương anh và rất chung tình với anh. Em rất quý và cảm kích chân tình cô ấy dành cho anh. Tìm một người đàn bà mà thương anh mấy mươi năm trời như cô ấy ở thời buổi này không dễ đâu anh ạ!
Anh kêu lên:
- Em lầm rồi, tình cảm của cô ấy và anh lúc nào cũng y như vậy, lúc nào cũng chỉ là hai người bạn mà thôi. Cô ấy có gia đình và an vui bên hạnh phúc gia đình của cô ấy, anh có đời sống của riêng anh. Tội nghiệp cho cô, người ta đã nhầm lẫn rất nhiều về cô ấy rồi, em chớ nên nhầm lẫn thêm nữa.
Rồi anh nói thêm:
- Cái miệng cô ấy thì như vậy đó...đôi khi không biết giữ lời...nhưng lòng thì rất tốt, em đừng buồn gì cả.
- Em cũng nghĩ như vậy và em không bao giờ buồn cô ấy!
Nhờ ơn trên, anh phục hồi rất nhanh. Bắt đầu đi đứng được mặc dù rất chậm chạp, nhưng anh rất phấn khởi.
Có nhiều lúc anh khoe với tôi một cách tràn đầy hạnh phúc:
- Ðây em nhìn xem, anh đi được rồi nè!
Rồi anh buông cả hai tay, không vịn vào đâu hết, bước đi những bước thật chậm, nhưng vững chãi.
Nhìn anh lúc ấy như một em bé vừa mới tập đi đang mong chờ người mẹ vỗ tay tán thưởng.
Quả là một phép lạ mà Thượng Ðế đã ban cho anh.
Chưa bao giờ trong đời, tôi thấy sự đi đứng, thở, ăn, nói, nghe, thấy, lại quá quan trọng cho đời sống của con người như vậy. Ngày thường thì không ai để ý đến, vì cho rằng chúng rất bình thường và tự nhiên như nhịp thở. Nhưng đến khi bị mất rồi, thì mới thấy chúng quý giá biết là ngần nào.
Tiền bạc nào có thể mua được hạnh phúc của anh lúc đó...
Ở Khu Phục Hồi đúng một tuần lễ, anh lại phải từ giã để trở về lại khu Neurology ở lầu 4. Chúng tôi lưu luyến chia tay các cô y tá ở khu này vì sự đối đãi và chăm sóc của họ cho anh quáù hoàn hảo. Chúng tôi không biết phải nói gì hơn ngoài những lời ca ngợi họ hết lòng.
Khu Neurology chiếm phân nửa từng lầu cho nên khá nhỏ hẹp, không đủ giường cho bệnh nhân nằm. Hai người chia nhau một phòng thật nhỏ. Giường anh kê gần sát cửa sổ, thật chật chội. Chỉ có đủ chỗ để kê một cái ghế, nhưng không còn chỗ cho cái giường xếp loại bỏ túi của tôi. Người bệnh nhân ở chung phòng với anh là một người Mỹ trắng rất trẻ, 22 tuổi. Cậu ta bị một chấn động rất nặng về thần kinh mà tôi không còn nhớ là bệnh gì và triệu chứng ra sao nữa. Cậu ta nằm mê man mấy ngày, đầu bị băng chặt lại. Tôi có dịp nói chuyện với một cô gái trẻ, người bạn của cậu, cô thường đến đó chăm sóc cậu, và chính cô, cô cũng bị chứng bệnh này nhưng chưa đến lúc bị hành đấy thôi. Cô cho tôi biết đó là chứng bệnh do di truyền mà ra, cô và cậu mang bệnh này từ khi còn bé. Một năm cậu phải vào bệnh viện nhiều lần. Và bệnh này không thể nào chữa được. Cô còn cho biết khi cậu phải vào bệnh viện lần này, cha mẹ cậu đang đi nghỉ hè ở bên Ý Ðại Lợi, cho nên cô phải vào trông nuôi thay thế cho hai ông bà.
Ðêm đến, tôi và cô, hai người đàn bà, ngủ ngồi trên hai chiếc ghế trong một gian phòng rất chật trội, canh chừng hai người yêu. Lúc đó, tôi mới thật thấm thía triết lý Phật Giáo, Sinh Lão Bệnh Tử. Tôi thấy quá thương hại cho người con trai trẻ trung đang nằm sau đống vải thô kia, thương thân phận một người vô tội, với lứa tuổi đôi mươi chưa biết đời là gì mà đã vội nếm mùi đau khổ vì bệnh tật.
Tôi cứ thỉnh thoảng nhìn cậu con trai có gương mặt của một em bé kia, mà ước gì cậu được hết bệnh. Lòng tôi nao nao một nỗi buồn xao xuyến, tôi thương xót cậu ta vô cùng. Tôi cầu mong ơn trên ban phước lành và sự may mắn cho cậu.
Tôi nói với anh Sĩ Phú:
- Sao em tội nghiệp cho cậu bé này quá anh à! Gương mặt cậu ta đẹp như một Thiên Ðồng. Mới vừa lớn lên, chưa biết cuộc đời là gì mà đã mang bệnh nan y như vậy! Mỗi lần nhìn cậu ta rên rỉ lăn lộn như vậy, là em muốn rơi nước mắt! Từ ngày em vào bệnh viện đến giờ, em bỗng mở to con mắt để nhìn thấy rằng, trên đời này có quá nhiều người đau khổ, vừa tinh thần lẫn thể xác. Ðầy rẫy khắp nơi, toàn là những người bệnh hoạn yếu đau. Em thấy cuộc đời vô nghĩa quá! Người ta làm cho lắm, tranh giành, cấu xé nhau chi cho lắm để đến một ngày nào đó cũng phải xuôi tay nhắm mắt, đi vào hư vô và bỏ lại tất cả. Ðời sống quả thực vô thường, phù du... mới đó rồi mất đó. Anh ơi, em cảm thấy buồn vô cùng.
Cậu bé xuất viện trước anh Phú hai ngày, tôi lưu luyến chia tay cậu và người bạn gái chí tình của cậu. Tôi cầu chúc hai người được may mắn và mãi mãi trong vòng tay yêu thương của Thượng Ðế.
Nhìn hai người dắt dìu nhau ra cửa, tôi và anh cùng xúc động tột độ, chúng tôi đều có chung một ý nghĩ:
- Mong ơn trên phù hộ và ban thật nhiều phúc lành, hồng ân cho hai người trẻ này.
Ngày hôm sau, khi anh vừa ăn uống xong xuôi, một chuyên viên đến để giúp anh tập đi đứng. Khi trở về phòng, anh thấy tôi bị đau lưng vì tôi ngủ ngồi mấy đêm, anh nằm xích qua một bên, nhường chỗ cho tôi nằm xuống cạnh anh để nghỉ lưng. Vừa nằm xuống chưa đầy 3 phút, gia đình hai em tôi và người chị đến thăm anh. Họ mang một bình hoa tươi đến tặng anh. Cuộc thăm viếng kéo dài 30 phút trong vòng xã giao thân mật. Họ hỏi thăm anh về bệnh trạng và cầu chúc anh được mau sớm bình phục. Ðó là lần cuối cùng gia đình tôi trừ người em út tên Sang nhìn thấy anh.