Chương Hai Mươi Tám
Những Ngày Cuối Cùng

     gày 5 tháng 7 năm 2000
Các con anh được cấp giấy thông hành để xin xuất ngoaị.
Ðược tin này, anh vui mừng ra mặt. Cuối tháng Sáu, sau khi quyết định đem các con anh qua, chúng tôi đã đồng ý trả đất nghĩa trang lại hầu có tiền để lo vé máy bay cho các cháu.
Tôi liền gọi điện thoại cho một nhân viên của họ, anh HTL, một cựu Không Quân có quen biết anh Sĩ Phú, và là người đại diện đã bán hai miếng đất đó cho tôi. Anh HTL hứa là chắc chắn tôi sẽ được trả tiền lại.
Tôi vui mừng vì mọi chuyện đều có chiều hướng tốt đẹp.
Nhưng tôi và cả anh Sĩ Phú đều lầm to. Mãi hơn một tháng sau, Westminster Memorial Park (WMP) mới cho chúng tôi biết rằng, vì tôi đã trả bằng tiền mặt cho hai miếng đất đó rồi cho nên nó là của tôi. Họ sẽ không trả tiền lại. Tuy nhiên họ sẽ dành cho tôi mọi sự dễ dãi để bán hai miếng đất đó.
Anh HTL hứa là sẽ giúp tôi bán hai miếng đất ấy.
Nhưng cho mãi đến bây giờ, tháng Năm 2001, anh vẫn chưa bán được dù là hai miếng đất đó nằm ở một vị trí thật tốt. Tôi đã trả một giá rất cao vì tôi muốn anh Sĩ Phú được an nghỉ ở một nơi chốn tốt đẹp. Lý do chưa bán đất được tôi cũng đã hiểu nhưng vì bận với quyển sách này, nên tôi chưa làm gì được hết.
Ngày 6 tháng 7 năm 2000
Vì tôi quá bận rộn nên Mục Sư Bảo đã thay tôi lái xe vào phi trường Los Angeles để tìm người quen hay bất cứ ai có lòng tốt đem những giấy tờ bảo lãnh bản chính của tôi về Việt Nam cho các con anh để khi đi phỏng vấn, các cháu sẽ đem theo đưa cho nhân viên tòa Tổng Lãnh Sự.
Theo lời Mục Sư kể lại, khi đến phi trường, ông vào nơi có chuyến bay về VN và hỏi trong đám hành khách đang ngồi chờ lên máy bay:
- Ở đây có ai biết ca sĩ Sĩ Phú không? Có ai có thể giúp chúng tôi để đem giùm những giấy tờ này về Saigon cho con của anh Sĩ Phú được không?
Trong nhóm người, có một vài người nhận lời giúp ông. Họ nói rằng họ có quen biết Sĩ Phú và sẵn sàng đem về giùm chúng tôi.
Ðây là một nghĩa cử rất cao đẹp của Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo. Tôi biết ngày ấy ông rất bận rộn với những công tác từ thiện giúp đời, nhưng vì cảm thương hoàn cảnh đơn chiếc của chúng tôi, mà ông đã không ngại tốn mất rất nhiều thì giờ cho chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn tấm lòng cao cả và sự hy sinh, tận tụy của Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo. Xin cảm ơn vị hành khách nào đó đã giúp chúng tôi đem tài liệu bảo lãnh về VN.
Ngày 7 tháng 7 năm 2000
Trường Sơn và Thanh Tuyền được tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Saigon gọi đi phỏng vấn. Cả hai đều bị đánh rớt sau cuộc phỏng vấn thật ngắn ngủi với một nhân viên của tòa Tổng Lãnh Sự gốc Á Châu.
Trường Sơn gọi điện thoại cho Bố biết tin buồn.
Dĩ nhiên là anh và tôi rất buồn. Buồn thấm thía. Tôi cảm thấy quá bất lực trước hoàn cảnh. Tôi không thể nào an ủi cho anh nguôi ngoai được. Hy vọng gặp lại con tiêu tan như mây khói. Tôi tự trách mình đã bày ra chuyện này và làm anh đau khổ, chỉ gây bệnh nặng thêm mà thôi.
Chúng tôi chỉ còn hy vọng vào mỗi Trường Thành. Cháu có nhà cửa, công ăn việc làm vững chắc, hy vọng cháu sẽ may mắn được đậu phỏng vấn và qua Mỹ gặp bố. Nhưng một lần nữa, họ đánh rớt Trường Thành. Họ không màng hỏi về công việc làm ăn hay nhà cửa của cháu mà đánh rớt cháu liền sau năm phút đối thoại.
Trước đó, tôi có liên lạc với người đàn bà đã lo giấy thông hành cho các cháu ở Sàigon. Cô ta là giám đốc hay chủ nhân của hãng du lịch chuyên lo làm giấy thông hành đi ngoại quốc. Cô ta đòi thêm một số tiền cho mỗi vụ phỏng vấn nếu muốn các con anh được tòa Tổng Lãnh Sự cho phép qua. Tôi nghi ngờ không biết là có nên đưa tiền cho cô ta hay không hay chỉ là tiền mất tật mang mà thôi. Cô ta nói với tôi bằng một giọng chắc chắn rằng các con anh sẽ bị đánh rớt. Nếu muốn được đậu phỏng vấn, thì phải đưa thêm thật nhiều tiền. Tôi nghi ngờ đây là một âm mưu làm tiền, chưa chắc gì tôi đưa tiền thêm mà các con của anh sẽ được đi qua. Mười mấy năm nay, chính anh là cha ruột mà còn lo chưa được thì huống gì... Tôi thận trọng không hứa gì với cô ta cả. Mà thật tình lúc đó, tôi không còn tiền để đưa thêm. Người ta không hoàn lại tiền hai miếng đất tôi muốn trả lại, cho nên tôi chỉ còn một hai ngàn bạc để dành mua vé máy bay cho các cháu, nếu được phép qua thăm bố. Thì giờ quá cấp bách, tôi không thể vay mượn đâu được cả. Nên đành thôi!
Anh trở bệnh thật nặng. Anh rất buồn, nhưng không có một lời trách cứ gì ai cả. Một lần nữa, anh lặng lẽ chấp nhận phần số hẩm hiu cuối đời của mình.
Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo kêu gọi sự giúp đỡ và can thiệp của Quốc Hội Hoa Kỳ. Ông gọi điện thoại cho văn phòng của Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, và tòa Tổng Lãnh Sự VN tại Sài Gòn. Văn Phòng của vị Thượng Nghị Sĩ khá mau mắn, họ liên lạc liền về VN nhưng tại đây, các nhân viên tòa Tổng Lãnh Sự làm việc rất chậm chạp. Trong suốt thời gian này cho đến ngày định mệnh 19 tháng 7, họ lần lựa trả lời một cách mơ hồ, không rõ ràng gì cả. Mãi một tháng sau ngày anh qua đời, họ mới cho Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo biết rằng các con của anh bị Tòa Tổng Lãnh Sự từ chối vì chúng là con ngoại hôn. Ðây chỉ là những lời nói miệng mà thôi. Nhưng trên giấy tờ thì không có nói như vậy. Họ chỉ nói lòng vòng mà thôi.
Theo tôi nghĩ, trường hợp của anh khá phức tạp, anh chưa bao giờ làm hôn thú với ai, những đứa con sinh tại Sài Gòn trong lúc anh lại là người sinh tại Lào. Ðối với người Mỹ, sinh tại quốc gia Lào được xem như là dân Lào, chứ không phải là một công dân và một người tị nạn Việt Nam nữa. Nếu anh sinh tại Việt Nam thì mọi sự có lẽ đỡ rắc rối hơn.
Có thể tôi sai, nhưng những yếu tố này luôn luôn làm tôi suy nghĩ. Có một lần, anh bỏ rất nhiều thì giờ để tìm kiếm một lá thư của Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Thái Lan gửi cho anh nhiều năm trước đó. Thư nói rằng trường hợp của con anh sẽ không được nhập cảnh Hoa Kỳ và họ sẽ không tái xét hồ sơ xin đoàn tụ của anh nữa.
Ðây là một nỗi thất vọng tái tê và chán nản vô cùng của anh. Cơ thể anh đã trở nên một môi trường rất thuận lợi cho những tế bào ung thư có cơ hội hoành hành. Khi đọc đến đây, có người sẽ tự hỏi, tại sao anh Sĩ Phú lại phải lo buồn đến độ sinh bệnh? Chuyện đâu còn có đó chứ, thua keo này thì bày keo khác, tội gì phải tự chuốc lấy nỗi buồn. Như đã nói ở phần đầu, Sĩ Phú là một người sống rất nhiều bằng tình cảm và nội tâm, anh rất dễ bị xúc động, cho nên lá thư từ chối đó đã làm cho anh bi quan rất nhiều.
May mắn cho tôi, trong những ngày chị Phúc qua, tôi đã được chị thay phiên chăm sóc cho anh. Nhờ có chị mà tôi có chút thì giờ làm nốt những công việc dang dở và cũng nhờ chị, mà anh Sĩ Phú mới nguôi đi nỗi buồn vắng con trong những ngày tháng cuối đời. Tôi căn dặn chị rất kỹ những gì tôi muốn chị làm cho em chị. Vì sợ lây bệnh nên đồ dùng của anh tôi giữ riêng rất cẩn thận. Tôi đem theo rất nhiều bọc ni lông sạch để đựng từng cái muỗng cái nĩa. Ngay cả việc treo quần áo trong tủ đứng, tôi cũng đem mấy cái móc áo từ nhà đến chứ không xài của họ. Tôi không bao giờ cho anh xài khăn hay uống nước ở bệnh viện... tôi căn dặn chị đủ điều. Chị suýt xoa và nói với tôi:
- Lan lo cho Phú chu đáo quá!
Mỗi ngày, chị hết lòng chăm sóc em chị tận tình như một người mẹ hiền lo cho con. Hai chị em chị Phúc vì vậy có rất nhiều thì giờ tâm tình để bù vào bao ngày xa vắng.
Cũng trong những ngày này, anh căn dặn tôi nhiều lần là, với số tiền thu được từ đêm ra mắt và bán CD sau này, nếu tôi muốn gửi về VN, anh muốn tôi gửi 5000 đô la cho Lộc, đứa con riêng của người đàn bà, mẹ của các con anh bên VN. Còn ba người con ruột của anh, anh nói rằng tôi không cần thiết phải gửi về. Nhưng cần nhất, anh lập lại nhiều lần, là phải gửi về cho cậu con riêng của bà 5000 đô la. Khi tôi hỏi vì sao anh quyết định như vậy, anh trả lời:
- Dù sao đi nữa, Lộc đã góp công giúp nuôi dưỡng và săn sóc các con của anh nên người. Công lao ấy rất lớn, dù cho anh đền đáp thế nào đi nữa cũng không bao giờ đủ. Anh muốn gửi thêm về cho cậu số tiền 5000 đô la để sau này nếu khôn khéo thì sẽ có chút ít vốn liếng mua bán. Còn về phần các con của anh, em không phải gửi gì hết.
Anh tuyệt đối, không muốn tôi giúp đỡ các con của anh sau này vì không muốn tôi phải gánh nặng trách nhiệm của anh.
Ngày 8 tháng 8 năm 2000, gom góp tất cả số tiền bán CD của anh từ các trung tâm băng nhạc, tôi thu được 8000 đô la. Mục Sư Nguyễn Xuân Bảo trong một chuyến về VN để cứu trợ từ thiện, đã đem số tiền đó về cho các cháu thay tôi. Ông đã gặp Lộc, người con trai riêng của người đàn bà, và ba người con của Sĩ Phú là Trường Sơn, Trường Thành và Thanh Tuyền để trao tận tay họ số tiền kể trên. Ông đã giao cho Lộc 5000 đô la, ba người con của anh mỗi người 1000 đô la.
Ba ngày sau đó, gom góp từ tiền bán CD và tiền do chính tôi xoay sở, tôi đã nhờ tiệm vải Anh Minh tại Little Saigon gửi về VN cho Trường Sơn thêm 16,000 đô la cho đủ số tiền 20,000 đô la mà Sơn cần để mua một căn nhà khang trang hơn vì căn chung cư mà gia đình Sơn đang ở bị suy sụp tàn tệ theo thời gian.
Ngày 8 tháng 7 năm 2000
Tôi nhận được 3 lá thư của thính giả gửi cho anh. Tôi đem vào nhà thương để đọc cho anh nghe.
- Anh ơi, anh có thư của thính giả, em đọc cho anh nghe nhé!
- Vâng, cảm ơn em. Em đọc giùm anh!
Tấm thiệp của Khiêm Hà ở Santa Ana gửi cho anh với lời lẽ chân thành dễ thương như sau:
Anh Sĩ Phú mến,
Từ hôm đi xem đêm ra mắt cuốn CD Còn chút Gì Ðể Nhớ của anh đến nay, không lúc nào em ngừng ngâm nga...phố núi cao, phố núi đầy sương... Trong đời em, đi bao nhiêu lần nghe nhạc, dạ vũ, nhưng đêm hôm đó là đêm đáng ghi nhớ nhất. Nghe anh đang bệnh nặng, em không biết gì hơn là cầu nguyện. Hôm qua em đã gửi thư lên Ðền Thánh Khiết Tâm Mẹ Missouri, xin cho anh được khỏe. Cần nhất là tinh thần, anh ráng phấn đấu lên anh nhé, don't ever give up. We pray for you every night..mong mọi sự tốt đẹp đến với anh.
Em Khiêm
- Và đây là lá thư Khiêm gửi cho em, anh có muốn nghe không anh?
- Sao cũng được, tùy em!
- Em đọc cho anh nghe nhé!
Chị Ngọc Lan mến,
Hôm ra mắt CD có nghe anh Sĩ Phú đề cập đến chị là người giúp anh ấy trong lúc anh ấy bệnh hoạn. Cách đây 14 năm, Khiêm cũng như chị, chăm sóc bố Khiêm mang căn bệnh như anh Sĩ Phú bây giờ, Khiêm thương mến anh Sĩ Phú vì giọng hát ấm áp của anh ấy, và rất quý mến chị đã thay cho bao nhiêu người ái mộ anh ấy, chăm sóc cho anh trong lúc ngặt nghèo này. Anh ấy bây giờ bên cạnh chỉ có chị. Hướng Ðạo có câu châm ngôn:
Vui tươi trong lúc khó khăn chị nản lòng sẽ làm anh ấy nản theo lắm. Cố gắng nha chị. Khiêm hiểu vì lúc xưa chăm sóc ba Khiêm, lúc Khiêm đuối sức đâm ra cọc, sau này hối hận thì đã muộn.
Cầu xin Thượng Ðế ban phép lạ đến cho anh and give you the energy to help him out. Take care nha chị Ngọc Lan.
Khiêm Hà
Andrew Lưu ở thành phố Camarillo CA, đã ưu ái gửi cho anh Sĩ Phú một tấm thiệp rất đẹp do Andrew tự làm lấy với những lời lẽ khích lệ như sau:
Anh Sĩ Phú thân mến,
Tôi từ VN qua năm 80, có thường xuyên theo dõi chương trình Văn Nghệ VN trên TV. Gần đây được biết anh đang bị ung thư qua phỏng vấn của Nam Lộc, làm tôi rất buồn.
Tôi mới mua được CD Còn Chút Gì Ðể Nhớ. Tôi nhớ vào đầu thập niên 70 lần đầu tiên biết về anh qua những bản Hoài Cảm, Cô Láng Giềng và hình như Lá Ðổ Muôn Chiều. Bây giờ nghe lại bản Hoài Cảm, tôi rất cảm động. Không những anh hát rất truyền cảm và nhẹ nhàng như trước, mà lại còn hay hơn.
Tôi chúc cho anh nhiều can đảm, sức lực và nhiều may mắn để chiến đấu bịnh trạng. Anh đã cho thính giả kho tàng âm nhạc rất quý báu và không bao giờ quên.
You can do it, wish you best of luck and fast recovery.
Andrew Lưu 07/05/2000
- Lá thư đầy tình người của ca sĩ Lê Huỳnh
Anh Sĩ Phú Kính Mến!
Em có đôi lời gởi đến anh. Trước hết cho em gởi lời thăm sức khỏe của anh. Cầu mong ơn trên gia hộ cho Anh mau chóng lành bệnh. Em xin lỗi anh vì mãi tới hôm nay em mới gởi tấm check này đến cho anh, và đây cũng là tấm lòng của em đối với anh... Một người anh cũng như là một người thầy trong lãnh vực âm nhạc đối với em.
Mong là anh sẽ cảm nhận tấm lòng của em mặc dù duyên phần của hai anh em mình có đến hơi muộn chăng?
Vài dòng gởi đến anh, một lần nữa, cầu chúc cho anh mau chóng lành bệnh để trở lại với tụi em.
Kính thư,
Em
Lê Huỳnh
Kèm theo lá thư là một cái chi phiếu 100 đô la của Lê Huỳnh.
Anh rất cảm động về ba lá thư của Khiêm Hà, Andrew Lưu và Lê Huỳnh. Anh bảo tôi đưa cho anh xem ba lá thư, rồi anh úp ba lá thư này vào ngực và nhắm mắt lại, xúc động mãnh liệt, không nói nên lời. Mãi một lúc sau, giọng anh run run:
- Anh nhờ em lo giùm anh việc này. Chiều nay em đi mua giùm anh những tấm thiệp cảm ơn và viết trả lời cho Khiêm, Andrew và Lê Huỳnh giùm anh. Anh sẽ đọc cho em viết thay anh vì anh không còn viết được nữa.
Buổi chiều sau khi anh ngủ, tôi chạy ra tiệm mua một hộp thiệp cảm ơn. Trở về bệnh viện, anh đọc cho tôi viết những gì anh muốn nói với Khiêm, Andrew và Lê Huỳnh. Riêng Lê Huỳnh:
...Anh thành thật xin lỗi em, anh phải gửi trả lại cho em 100 đô la này vì anh biết nghệ sĩ nghèo lắm em ơi! Anh không thể nào lấy tiền của em được, cái lòng tốt của em nghĩ đến anh trong lúc này là quý lắm rồi... "
và anh Sĩ Phú nhắc nhở tôi trả lại người em Lê Huỳnh cái chi phiếu kèm theo thiệp cảm ơn.
Ngày 10 tháng 7 năm 2000
Càng ngày thì lá phổi mặt của anh càng bị nặng. Anh không thở được dễ dàng mà phải nhờ vào một ống trợ thở. Anh nói chuyện rất khó khăn, vất vả nên không buồn nói chuyện nữa. Trong những ngày ấy, tôi và chị Phúc rất cực. Chúng tôi phải tranh đấu rất nhiều để kêu gọi sự chú ý của y tá cũng như của bác sĩ. Người y tá trưởng tên Loan cũng rất hết lòng giúp đỡ cho chúng tôi, nhưng cô làm việc chỉ sau 4 giờ chiều, cho nên sự giúp đỡ bị hạn chế vào ban ngày. Sau cùng, vì thấy anh quá khổ sở, đôi khi không thở được, tôi hốt hoảng đốc thúc nhân viên trong carehouse gọi xe cứu cấp chở anh vào UCI. Họ lần lựa từ chối. Bảo là họ có đủ phương tiện tại chỗ để giúp anh, anh không cần phải vào nhà thương lớn.
Một cô y tá nói:
- Nếu chúng tôi chở ông Phú vào bệnh viện lớn, họ sẽ trách chúng tôi là tại sao không lo cứu chữa trước, chừng nào không được mới chuyển đi. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi có đủ phương tiện, xin bà yên tâm để chúng tôi lo cho ông.
Tôi nhất định không chịu, đòi cho được là họ phải cho xe cứu cấp đến chuyển anh qua bệnh viện UCI gấp. Lúc ấy có Loan ở đó, tôi nói với Loan:
- Chị phải đem anh ấy đi gấp, nếu họ không kêu xe cứu thương cho chị thì chị sẽ gọi. Hay là Loan gọi giùm chị đi!
Loan mau mắn gọi xe cứu thương đến.
Mười phút sau, xe cứu thương đến và đưa anh vào phòng cứu cấp của bệnh viện UCI.
Tại đây, bác sĩ nói là anh đang bị sưng phổi và thương hàn trầm trọng. Họ rất tiếc là chúng tôi đem anh đến quá trễ vì anh có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Lập tức, anh được đưa vào phòng Medical Intensive Care Unit (MICU). Họ cho phép tôi và chị Phúc thay phiên nhau vào chăm sóc. Tôi thức trắng đêm hôm đó để theo dõi bệnh tình của anh. Người ta cho anh thở bằng những ống thở thật lớn. Họ cho thuốc và cả morphin vào người anh qua các dây chằng chịt khắp người. Anh nửa tỉnh nửa mê suốt đêm hôm ấy, nhưng hơi thở tương đối đều đặn. Quá nửa đêm, anh thức giấc, thấy tôi còn thức, anh ra dấu cho tôi lại gần, anh nói qua ống thở:
- Em đi ngủ đi cưng, đừng thức đêm nhiều quá.
- Tội nghiệp anh quá, đã bệnh như thế này mà còn lo cho em. Anh đỡ không? Anh có cảm thấy dễ chịu không?
Anh gật đầu. Tôi ra dấu với anh rằng anh không cần phải nói gì thêm rồi đắp thêm chăn cho anh. Tôi nhìn anh và cảm thấy thương anh vô cùng. Một người cả đời chưa từng bao giờ giết một con ruồi, con kiến, chưa từng bao giờ làm buồn lòng ai và hiền đức, đạo hạnh như anh, sao lại khổ sở đến thế này. Thượng Ðế ơi, Ngài ở đâu rồi? Xin Ngài đến cứu vớt đời anh...
Tôi trở lại ngồi xuống ghế nhắm mắt, cố gắng tìm một chút bình an trong tâm hồn trước khi các cô y tá vào.
Ngày 11 tháng 7 năm 2000
Tám giờ sáng, anh tỉnh dậy, mặc dù ống thở to rất phức tạp, nhưng anh cảm thấy dễ chịu và có vẻ tỉnh táo hơn. Anh nói với vị bác sĩ:
- Ngày hôm qua, có lúc, tôi tưởng là đã chết rồi vì không còn thở được nữa. Nhưng hôm nay tôi cảm thấy đỡ hơn rất nhiều.
Tội nghiệp anh quá!
Trong tuyệt vọng và đau đớn, anh đang cố giành lại mạng sống dù rất mong manh vì anh đã tìm được hạnh phúc ở cuối đời. Anh muốn sống, anh muốn sống lắm để được ôm chầm lấy hạnh phúc đó, để được làm lại từ đầu.
Nhưng, trời ơi, định mệnh đã an bài, có lẽ quá muộn chăng?
Tôi đau đớn muốn ôm mặt khóc òa lên, nhưng sợ anh buồn hơn, nên lặng lẽ nuốt nước mắt.
Tôi quấn quít một bên, vỗ về, xoa dịu anh. Tôi cầm bàn tay nặng nề vì chằng chịt những dây, những ống, hôn lên ấy. Tôi hôn lên môi anh, má anh những nụ hôn chân thành tha thiết nhất. Tôi biết anh hạnh phúc lắm từ tình yêu của tôi dành cho anh.
Suốt ngày hôm ấy, chị Phúc vào lo cho anh. Tội nghiệp chị, cái giường ngủ của hai chúng tôi là một cái ghế trong một gian phòng rất chật hẹp, vì máy móc dụng cụ nhà thương chiếm gần hơn phân nửa diện tích của căn phòng rồi.
Bác sĩ trưởng của khu hồi sinh là một người Việt Nam, người ta gọi ông là Bác sĩ VoVan. Ông rất trẻ và khá linh động. Ông nói với tôi là ông sẽ cho rút nước từ trong phổi của anh ra, vì nước trong phổi rất nguy hiểm. Nó đã gây ra sự khó thở và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Họ dự định sẽ rút nước bên dưới lá phổi bên mặt. Tôi liền hỏi bác sĩ VoVan:
- Bác sĩ dự định làm như thế nào? Chú Phú có bị đau đớn không?
- Chúng tôi sẽ đặt kim vào chỗ muốn rút nước để nước thoát ra qua một cái ống. Phương pháp rất giản dị và rất nhanh chóng. Chú Phú sẽ bị ê ẩm một chút thôi không sao đâu cô ạ!
Tôi vào bên anh, cầm tay anh nhưng rất khổ sở, vì dây và ống thuốc cao su chằng chịt đầy hết người anh. Mặt anh thì có đeo ống thở thật lớn nên tôi không thể nói chuyện bình thường với anh được.
Sau đó các bác sĩ đến phòng anh để làm nhiệm vụ. Chúng tôi phải ra ngồi ngoài phòng chờ đợi gần hai tiếng đồng hồ.
Kết quả là người ta không rút nước ra được, vì không có nước ở phổi mặt.
Ngày 12 tháng 7 năm 2000
Người ta chụp CT Scan một lần nữa. Tìm ra nước ở phổi trái và sau cùng họ rút đuợc nước ở phổi bên trái của anh ra. Nhưng bác sĩ Vovan đã cho tôi hay rằng, dù lấy được nước ra hết, nhưng rồi nước sẽ trở lại, vì phổi anh đã bị hư hại, ung thư và radiation sẽ tiếp tục làm nước tiết ra thêm nữa. Cứ mỗi một ngày, sự băng hoại trong lá phổi sẽ làm cho anh yếu đi và cuối cùng, tính mệnh sẽ bị đe dọa.
Tôi đau khổ, chán chường. Lúc ấy tôi chỉ muốn được đi trước anh. Tôi không muốn chứng kiến cái chết dần chết mòn của anh.
Nhưng trong sự thất vọng tột cùng ấy, tôi lại nghĩ rằng, Chúa Giê Su sẽ đến cứu anh và anh sẽ được mạnh giỏi trở lại. Tôi mơ thấy anh bỗng nhiên ngồi dậy thật khỏe mạnh, từ trên giường bệnh bước xuống mang giầy vào và vui vẻ nói với tôi:
- Mình đi về nhà đi em, anh đã hết bệnh rồi.
Chính anh cũng hy vọng là giờ phút cuối, Chúa sẽ giúp anh hết bệnh.
Anh có quyền chứ, còn nước thì còn tát, còn sống thì còn hy vọng. Tôi sẽ cùng anh chiến đấu đến ngày cuối cùng.
Nhưng... những tin tức quá bi quan cứ ào đến tới tấp dồn dập làm cho mất đi sự tự tin trong tôi.
Ngày 13 tháng 7 năm 2000
Người ta chuyển cho anh ra phòng ngoài bình thường ở lầu 3. Nhưng cùng ngày đó người ta lại một lần nữa dời anh về khu PCU ở lầu 4. Tại đây, chúng tôi được quen biết một bác sĩ rất trẻ tên Phạm Thu Khanh và một lần nữa, chúng tôi gặp lại bác sĩ Nguyễn, người mà chúng tôi đã từng gặp khi anh mới đến bệnh viện lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1999.
Bác sĩ Khanh dáng vóc nhỏ nhắn, trông thật hiền hậu và dễ thương, đặc biệt chăm sóc anh trong những ngày anh ở lại đây.
Mỗi buổi sáng, BS Khanh thường hay đến để hỏi thăm về tình trạng của anh:
- Chào Chú, hôm nay chú thấy trong người thế nào?
- Chào Khanh, hôm nay chú cảm thấy không có gì thay đổi cả ngoài sự khó thở và dễ bị mệt.
Khi nào anh có cần gì, thì anh cho BS Khanh biết, và mỗi lần như vậy BS Khanh luôn sẵn sàng giúp đỡ.
BS Khanh vào thăm rất thường để giúp thêm thuốc cho anh được thoải mái vì anh khó thở thường xuyên. Nhờ chất morphin theo nước biển vào người, dần dần anh có cảm giác thở dễ dàng hơn và hơn nữa morphin cũng làm giảm sự đau đớn trong cơ thể.
Bác sĩ chính của anh trong thời gian này là ông Solomon Liao, một bác sĩ trẻ người Trung Hoa. Ông có một vóc dáng hiền lành và giọng nói thật nhân hậu.
Ðã nhiều lần, ông ngụ ý cho tôi và chị Phúc hay rằng anh đang ở thời kỳ rất nguy ngập. Nhưng chúng tôi không muốn tin, hay đúng hơn, không bao giờ nghĩ là anh sẽ ra đi. Tôi luôn luôn tin tưởng tuyệt đối vào ơn trên và tin rằng anh sẽ được cứu sống vào phút cuối cùng như em của một người bạn tôi. Cô này đã được Chúa Giê Su cứu sống ở giây phút cuối cùng của cuộc đời khi cơ thể của cô đã bị ung thư tàn phá hoàn toàn. Cô hiện giờ còn sống, và rất khỏe mạnh như chưa từng bao giờ bị bệnh ung thư.
Tôi không bao giờ có thể nghĩ rằng anh sẽ vĩnh viễn ra đi. Tôi không thể tưởng tượng ra thế giới này mà không có anh. Không, anh sẽ không bao giờ chết, chỉ bị bệnh thôi, và khi hết bệnh, anh sẽ trở về nhà như xưa.
Anh sẽ hết bệnh vì Chúa sẽ cứu anh.
Lạ thay, cả chị Phúc cũng vậy, chị không bao giờ nghĩ là Phú của chị sẽ ra đi nhanh như thế. Chúng tôi không nghĩ gì cả ngoài sự săn sóc anh tận tình tận lực ngày đêm.
Tôi xin bác sĩ Liao hãy làm bất cứ gì để cứu anh. Nhưng bác sĩ Liao nói với chúng tôi rằng:
- Chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi có thể làm để giúp ông Phú được nhẹ nhàng thoải mái và không đau đớn. Nhưng bệnh của ông đã chuyển sang giai đoạn trầm trọng rồi, chúng tôi lo sợ là sẽ không thể nào làm gì nhiều hơn được nữa.
Hình như có một đấng vô hình nào đó hướng dẫn chúng tôi ở những ngày này. Chúng tôi hoàn toàn không bao giờ nghĩ rằng anh sẽ ra đi. Chúng tôi nghĩ là anh sẽ qua khỏi và sẽ được ơn trên cứu anh ở phút giây cuối cùng. Tôi giao phó sinh mạng anh cho ơn trên. Tôi cầu nguyện ngày cũng như đêm. Lên xe là tôi bắt đầu niệm Lục Tự Di Ðà cho đến lúc đến nơi. Gần hai năm nay, tôi không nghe nhạc hay nghe các đài phát thanh trên xe như ngày xưa nữa. Bây giờ, tôi chỉ biết niệm Phật và cầu nguyện cho anh mà thôi.
Theo lẽ chị Phúc phải trở về Virginia sau hai tuần lễ nghỉ hè nhưng vì bệnh trạng của anh thay đổi quá nhanh, nên chị đổi vé máy bay, ở lại để chăm sóc cho em mình thêm một tuần lễ nữa.
Tôi rất mừng vì chị ở lại thêm một tuần nữa với em chị.
Ơn trên đã xếp đặt hết rồi!
Ngày 13 tháng 7 năm 2000
KQ Nguyễn Hồng Vân đến thăm lúc anh đang ngủ. Anh Hồng Vân ngồi nhìn người bạn thân yêu giờ đây đang nằm đó và đau đớn cho thân phận con người, cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh, anh xúc động không nói nên lời. Anh ngồi mãi, thật lâu, chờ bạn thức giấc, nhưng Sĩ Phú vẫn ngủ, anh chờ hơn một tiếng đồng hồ, sau cùng anh phải ra đi, để lại một danh thiếp. Và đó là lần cuối cùng anh Hồng Vân nhìn thấy mặt người bạn thân yêu của anh.
Tôi nhớ lần đầu tiên gặp anh Hồng Vân, anh Sĩ Phú giới thiệu anh Vân với tôi như thế này:
- Ðây là người bạn mà anh quý nhất, anh Hồng Vân là một người bạn rất tốt, và dễ thương nhất của anh.
Anh Hồng Vân đã trả lễ bằng một câu nói từ trong tim anh phát ra với một sự mến phục vô vàn trên gương mặt anh:
- Anh Sĩ Phú là người dễ thương nhất trong binh chủng Không Quân. Không ai mà không thương Sĩ Phú!
Khi thức giấc và biết là anh Hồng Vân đã đến, anh tiếc lắm... đọc tấm danh thiếp và không nói một lời nào cả. Có lẽ anh nghĩ, anh Vân sẽ trở lại ngày mai...
Vẫn tiếp tục hàng ngày với nước biển, morphin, và ống trợ thở. Anh bắt đầu ăn uống bớt lại. Anh ăn mỗi ngày một ít. Khi tôi đút cho anh ăn, anh rất sung sướng và ăn khá nhiều. Khi nào tôi bận việc đi đâu, anh không thèm ăn gì cả. Chị Phúc bảo tôi:
- Suốt ngày Phú không ăn gì cả. Cứ chờ Lan về mới chịu ăn. Thức ăn chị Bảo nấu cho Phú tôi đem vào từ sáng đến giờ vẫn còn nguyên.
Tôi nói nhỏ vào tai anh khi không có chị Phúc ở đó:
- Anh phải ăn chứ, chị Phúc thương anh và lo cho anh mà. Anh phải ăn để lấy sức chống lại bệnh tật nhé cưng!
Anh gật đầu, nhấc cái ống thở ở mũi ra cho dễ nói:
- Tại anh không muốn ăn, chứ không phải anh chê!
- Thôi bây giờ em cho anh ăn nhé cưng?
- Vâng, nhờ em giúp anh!
Tôi đi hâm nóng thức ăn và trở về phòng lấy một cái khăn thật sạch phủ lên trên ngực anh và đút thức ăn cho anh.
- Tội nghiệp anh quá, tội nghiệp bố quá. Ráng đi cưng, ráng lên cho hết bệnh rồi mình về nhà.
Cứ mỗi lần tôi nhắc đến việc đi về nhà, anh yên lặng, không nói gì nữa. Có lẽ anh còn buồn tủi vì câu nói cay cú tôi lỡ thốt ra ngày 16 tháng 6. Cho nên anh không biết phải nói gì với tôi. Lời trách nào dù nhẹ nhàng đi chăng nữa cũng sẽ không cứu vãn được gì mà còn làm cho tôi đau đớn thêm. Yên lặng là hay nhất. Tôi đọc được tư tưởng anh, nên thì thầm vào tai anh:
- Anh ơi xin anh tha thứ những lỗi lầm của em. Nếu em lỡ đã làm anh buồn.
Anh nhấc ống thở lên để tôi dễ nghe anh nói:
- Lúc nào anh cũng tha thứ cho em được hết.
Ðây là nguyên văn lời của Sĩ Phú khi anh nói lời tha thứ cho tôi.
Gương mặt anh hiền và oai nghi như một hiền nhân. Lòng anh vẫn luôn rộng lượng và nhân từ. Anh nói:
- Anh không than trách gì cả. Nghiệp ai nấy trả. Anh đang trả nghiệp của anh đây. Anh chỉ tiếc một điều là các con anh đã không được may mắn để qua thăm bố, dù là chỉ qua được một đứa, và anh rất tiếc vì anh mà em phải chịu cực khổ gần hai năm nay.
Tôi nói với anh rất nhiều lần:
- Anh ơi, em không bao giờ tiếc công với anh. Em chỉ tiếc rằng em đã không thể nào lo cho anh nhiều hơn được. Em lo cho anh bao nhiêu cũng không thấy đủ vì anh rất xứng đáng. Em chưa thấy một người bệnh nhân nào dễ thương và chịu đựng như anh cho đến giờ phút này.
Khi người ta đến tắm cho anh, tôi và chị Phúc ra phòng ngoài ngồi ăn tối và nói chuyện. Chị nói:
- Mấy bữa nay, tôi có nói chuyện với Phú. Phú nó thương Lan lắm đó. Phú nói với tôi là Phú rất thương Lan. Lan ơi, Phú nói với tôi I love her.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên hai chị em tâm tình với nhau vì cũng có thể, anh biết lần gặp gỡ này là sau cùng cho nên anh thổ lộ với chị về tình yêu anh dành cho tôi.
Ngày 14 tháng 7 năm 2000
Người ta đề nghị đưa anh về carehouse hay một viện dưỡng bệnh mà người Mỹ gọi là hospice. Tôi phản đối. Tôi muốn họ tiếp tục trị bệnh cho anh tại bệnh viện UCI. Nhưng họ lấy lý do là hãng bảo hiểm sẽ không chịu trả tiền nếu anh ở lại, và vì anh không thể về nhà được trong tình trạng như vậy, nên họ phải dời anh qua carehouse hay hospice.
Anh không muốn bị dời qua hospice, anh muốn được ở lại UCI. Tôi tìm kế hoãn binh. Tôi xin họ cho anh ở lại cho qua cuối tuần rồi tôi sẽ tính việc đưa anh đi chỗ khác ngày thứ Hai.
Bệnh viện bằng lòng lời đề nghị của tôi nên anh được ở lại thêm qua cuối tuần.
Mỗi đêm tôi ở lại với anh. Tôi ngủ ngồi trên hai chiếc ghế xếp. Lưng và vai tôi bắt đầu đau nhức vô ngần.
Buổi chiều, tôi đi bác sĩ chỉnh xương để chữa trị bệnh đau lưng và cổ. Tối về, tôi xin sữa Ensure cho anh uống. Tôi cho anh uống bằng ống hút và anh uống một cách ngon lành. Anh thích sữa có vị chocolat.
Với ống trợ thở to lớn chụp vào mũi, anh nói chuyện rất khó khăn và vì thế, trong những ngày này anh nói chuyện rất ít.
Ngày 15 tháng 7 năm 2000
Tôi ở bên anh suốt ngày, chăm sóc cho anh từ sáng sớm đến chiều tối vì tôi muốn chị Phúc được về nhà nghỉ ngơi sau hai tuần thăm nuôi anh.
Anh vui lắm vì có tôi quanh quẩn bên anh suốt ngày. Nhưng cũng đau đớn vô ngần, lá phổi của anh càng ngày càng tác hại và đầu anh mỗi lúc lại nhức nhối và bất ổn. Anh bị những trận động kinh nho nhỏ trong suốt thời gian này.
Mỗi lần tôi giúp anh ăn, anh ăn một cách ngon lành. Anh nói anh cố ăn uống để sống và anh vẫn còn hy vọng các con sẽ được qua Mỹ nếu văn phòng của Thượng Nghị Sĩ Kennedy can thiệp kịp thời. Tôi cố gắng tạo sự hy vọng cho anh. Tôi nói với anh là văn phòng của Thượng Nghị Sĩ đang liên lạc với Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Việt Nam để can thiệp, và sự thật là như vậy.
Tối hôm đó, tôi nhờ người đàn bà đang ở trọ nhà tôi, đến giúp tôi trông nom cho anh một vài tiếng đồng vào buổi sáng hôm sau vì tôi phải đưa Catherine và Crystal, con tôi, ra phi trường Los Angeles để Crystal đi tham dự giải vô địch bóng rổ tại Hawaii. Tôi nhấn mạnh với người đàn bà này là tôi cần cô ta có mặt lúc 8 giờ sáng tại bệnh viện, vì các bác sĩ sẽ vào thăm bệnh khoảng 8 giờ 30. Tôi nhờ cô có mặt đúng giờ. Người đàn bà này nhận lời giúp tôi.
Tôi cho anh biết:
- Ngày mai 8 giờ sáng, Xuân sẽ ra lo cho anh. Sáu giờ sáng em phải về nhà để đưa Crystal và Catherine ra phi trường. Anh cứ tiếp tục ngủ bình thường sau khi em đi anh nhé! Em sẽ cố gắng trở về đây ngay khi xong chuyện.
Ngày 16 tháng 7 năm 2000
Sáu giờ sáng, tôi rời bệnh viện lúc anh còn đang ngủ. Tôi đi đón chị em Crystal và bố của cháu, đưa cả ba ra phi trường Los Angeles. Nhà tôi cách phi trường 1 tiếng lái xe nên tốn ít nhất khoảng hai tiếng đồng hồ bận đi và về.
Chín giờ hơn tôi về đến bệnh viện. Người đàn bà mà tôi nhờ lo giùm cho anh không thấy đến.
Anh ra dấu cho tôi đến gần anh. Anh nói một cách thật chậm rãi:
- Hồi sáng này, người ta (bác sĩ thầy và sinh viên y khoa) đến đông lắm. Họ nói với nhau những gì anh không rõ nhưng I feel very strange and very lonely (nguyên văn lời anh nói bằng tiếng Mỹ).
Lúc anh kể lại, tôi nhìn gương mặt anh, có một cái gì bí ẩn, anh biết mà không tiện nói ra. Câu nói của anh ngụ ý cho tôi biết là họ đã quyết định vận mệnh của anh trong buổi sáng hôm đó và anh cảm thấy bất ổn và thật cô đơn.
Tôi hốt hoảng và thật bối rối. Tôi nghe máu nóng chạy rần rần trong cơ thể. Tôi bỗng cảm nhận là họ đã quyết định rồi. Tôi cảm thấy lo sợ vô cùng.
Tôi hỏi lại:
- Anh có chắc như vậy không?
- Anh chắc chắn! I feel very strange and very lonely!
Tôi đau khổ nhìn anh.
- Trời ơi! Em không ngờ, em chỉ đi có 3 tiếng đồng hồ mà đã có chuyện. Em sẽ hỏi lại họ cho rành rẽ.
Tôi buồn người đàn bà ở trọ mà tôi đã nhờ ngày hôm qua. Cô ta đã không đến như lời đã hứa. Tối hôm đó, tôi còn gọi điện thoại cho cô ta bảo đi ngủ sớm để mai ra chăm sóc cho anh thay tôi lúc 8 giờ sáng. Nếu cô ta có mặt ở đó, thì ít ra là hai người sẽ nghe đầy đủ những gì các bác sĩ bàn với nhau về anh. Hoặc giả, có thể họ sẽ không bàn gì hết vì có mặt người thứ ba...
Mãi đến 11 giờ trưa cô ta mới đủng đỉnh đi vào một cách vô tư như cô ta đang đi chơi. Tôi không giận cô ta, nhưng tôi rất thất vọng vì cả một đời, tôi là một người luôn luôn giữ đúng lời hứa và rất trách nhiệm. Bây giờ phải đương đầu với một người hoàn toàn trái ngược, rất là khổ sở cho tôi. Chúng tôi cho cô ta ở trọ và lo lắng cho đời sống cô ta là hoàn toàn vì lý do nhân đạo chứ không có tiền bạc gì cả.
Tôi nhìn cô ta buồn bã nói:
- Em ra quá trễ, chị đã dặn dò em là ra sớm giùm chị. Vì người ta có đến đây sáng sớm, nói những lời gì đó làm cho anh Phú cảm thấy không ổn.
Cô ta không buồn nói một lời nào, dù là một câu xin lỗi tầm thường nhất. Mãi một lúc sau, cô ta mới nói:
- Nếu có Xuân ở đây, Xuân cũng không làm được gì! Xuân không biết gì hết!
Tôi chán nản không muốn nói một lời nào cả.
Tôi lo lắng bồn chồn. Tôi đi tìm bác sĩ Khanh và Nguyễn. Tôi mời hai vị đến phòng của anh và lặp lại những lời gì các bác sĩ đã nói sáng mai khiến cho chú Phú phân vân và cảm thấy bất ổn.
Bác sĩ Khanh nói rằng tất cả những bác sĩ của anh đã đồng ý là họ sẽ làm những gì họ có thể làm để giúp anh được thoải mái và bớt đau đớn (more comfortable and less painful). Vì bệnh trạng của anh cũng đã khá nặng, mọi lối chữa trị họ đã thử hết nhưng không thành công, giờ chỉ mong giúp cho anh được thoải mái và không đau đớn cho đến lúc anh ra đi. Họ hứa sẽ tận dụng tất cả khả năng để giúp anh.
Sau khi hai vị bác sĩ rời khỏi phòng, anh nói với tôi:
- Anh feel very strange and lonely hồi sáng này. Họ nói cái gì đó, anh không thể nào tập trung tư tưởng để nhận thức hết được vì lúc ấy, anh không khỏe, khó thở và rất khó chịu trong người, nhưng anh biết có gì đó...làm anh không ổn.
Ngày hôm ấy là ngày cuối cùng anh được vô nước biển.
Những gì anh cảm thấy, thật không sai.
Ngày 17 tháng 7 năm 2000
Người ta chấm dứt vô nước biển cho anh vì cho rằng anh không cần nữa. Bệnh viện UCI muốn dời anh đi Hospice, là chỗ mà theo tôi hiểu là người ta cho người bệnh nan y vào đó để săn sóc thuốc thang cho đến ngày từ trần.
Buổi sáng anh nói với chị Phúc:
- Khi em nhìn lên trần, em thấy lơ lửng một cửa sổ, và thấy hai đứa bé đang mở cửa sổ nhìn xuống em.
Khi chị thuật lại tôi bỗng hoảng sợ:
- Em bé là thiên thần ấy, Không lẽ...
Tôi không dám nghĩ nữa.
Anh sẽ không chết, anh sẽ sống và sẽ về nhà. Anh sẽ không bao giờ chết. Tôi không tin rằng anh sẽ chết.
Anh là người hiền đức, anh đã không làm gì tội lỗi trên đời này, bệnh hoạn chẳng qua là do cái nghiệp mà thôi. Anh đã trả nghiệp gần hết rồi, và anh sẽ được ơn trên chữa bệnh.
Ðức Năng sẽ Thắng Số.
Dù bệnh thật nặng, nhưng anh rất minh mẫn, không có một triệu chứng gì về sự băng hoại của thần kinh. Dù anh không nói chuyện nhiều vì cái ống thở to lớn gây trở ngại, nhưng anh biết hết tất cả mọi sự việc xảy ra chung quanh.
Buổi chiều lúc bốn giờ, các bác sĩ Khanh, Nguyễn, Liao,
Chị Phúc và tôi vào phòng họp. Chúng tôi bàn về tình trạng của anh. Bác sĩ Liao nói với tôi:
- Ông Phú bị bệnh rất nặng, ông không còn sống bao lâu nữa đâu. Chúng tôi khuyên bà hãy sửa soạn tinh thần. Có lẽ chúng tôi phải chuyển ông ấy về một trung tâm hospice nào đó do bà chọn. Nơi đó sẽ có người lo cho ông chu đáo và ông ấy sẽ không cảm thấy khác hơn như ở nhà thương của chúng tôi đâu.
Tôi vô cùng xúc động nói với các vị bác sĩ:
- Xin các bác sĩ hãy giúp tôi, cứu giùm mạng sống của anh ấy. Xin các bác sĩ hãy đừng bỏ cuộc. Chỉ khi nào ông ấy không còn tri giác gì nữa, thì lúc ấy, quý vị hãy tháo ống ra và để cho ông ấy đi vì chính ông ấy cũng muốn như vậy. Nhưng ngày nào ông ấy còn thở được và còn tri giác, thì tôi van xin quý vị hãy cứu ông ấy. Ông Phú muốn được ở lại bệnh viện này, ông ấy không muốn đi hospice. Tôi nghe rất nhiều chuyện không lạc quan chút nào về hospice, tôi cũng không muốn ông ấy đi nữa.
- Nhưng rất khó cho chúng tôi để ông Phú lại đây. Chúng tôi chỉ có thể làm cho ông ấy thoải mái và không đau đớn gì nữa mà thôi. Chúng tôi không thể nào chữa trị được nữa. Ở hospice, người ta cũng có thể làm được chuyện đó và giá cả tương đối rẻ hơn nhiều, hãng bảo hiểm của ông Phú sẽ trả.
- Xin bác sĩ cho tôi biết tình trạng của anh ra sao?
Bác Sĩ Khanh nói:
- Cô ơi, Khanh rất tiếc phải nói cho cô biết chú bệnh nặng lắm. Khanh hiểu đó là một việc thật khổ sở cho cô để cô chấp nhận. Khanh hoàn toàn thông cảm tâm trạng của cô. Nhưng cô phải hiểu rằng chú bị bệnh nặng lắm! Chú có thể bị động kinh bất cứ lúc nào vì các bướu trên óc của chú. Phổi của chú trong tình trạng nguy kịch...
Nước mắt tôi lặng lẽ tuôn rơi...
Bác sĩ Khanh chạy ra ngoài lấy khăn giấy đem vào cho tôi.
Tôi nhìn Khanh, Nguyễn, Liao qua màn lệ, không nói một lời nào.
Các bác sĩ lặng thinh, sự thông cảm dâng đầy trên gương mặt của họ. Tôi nhìn gương mặt hơi buồn của bác sĩ Liao, rồi đến hai bác sĩ trẻ Khanh, Nguyễn qua màn lệ:
- Ông Phú muốn được ở lại đây. Ông ấy không muốn đi hospice và tôi cũng không muốn ông ấy đi hospice.
Và tôi nghẹn ngào hỏi chị Phúc:
- Chị Phúc có câu hỏi gì cho các bác sĩ không? Chị nghĩ thế nào?
Lúc ấy chị Phúc mới lên tiếng:
- Tôi đồng ý với Lan, Lan làm thế nào tốt cho Phú thì thôi. Tôi cũng biết là Phú không muốn đi hospice, nếu Phú còn có thể chữa được thì xin các bác sĩ hãy chữa cho Phú.
Các bác sĩ hứa sẽ để anh Sĩ Phú ở lại bệnh viện UCI.
Tôi trở về nói với anh là anh sẽ không đi hospice.
Anh nói:
- Nếu anh phải chết, anh muốn được chết ở nhà thương này chứ anh không thích đi đâu nữa.
Chị Phúc nói với tôi sau này:
- Người ta không muốn cho Phú ở mà hối đem đi hospice vì người ta không muốn Phú chết ở bệnh viện của họ. Sẽ bị mang tiếng là để bệnh nhân chết. Nhưng đó là chuyện không thể tránh được.
Sáu giờ tối, tôi giúp anh ăn bữa cơm tối. Anh sung sướng hả miệng ra như con chim non há mỏ cho chim mẹ mớm thức ăn. Anh ăn hết một tô cháo gà, một tô nhỏ xà lách Mỹ, anh uống một ly sữa Ensure, và ăn một chút bánh ngọt. Tôi lau mặt thật sạch cho anh.
Chị Phúc ở lại với chúng tôi khoảng 9 giờ đêm, tôi hối chị đi về sớm để nghỉ ngơi, trong lúc chị sửa soạn ra về, anh ra dấu cho chị ở lại vì anh cần chị.
- Chị Phúc ở lại một chút nữa, đừng đi vội. Xin hai người đàn bà ở lại hôm nay. (Nguyên văn lời Sĩ Phú)
Chị Phúc âu yếm nhìn em:
- Ðược rồi, Phú muốn chị ở lại, chị sẽ ở lại với Phú nhé!
Anh không nói gì cả, gương mặt thật hài lòng.
Mười một giờ mười lăm phút khuya hôm ấy, anh bị động kinh dữ dội. Chúng tôi cho y tá hay liền và nhờ họ gọi bác sĩ gấp. Người bác sĩ trực đêm hôm đó không đến. Bốn mươi lăm phút đồng hồ sau đó, anh bị động kinh một lần nữa cũng rất dữ dội không kém lần đầu tiên. Chúng tôi hối thúc y tá hàng chục lần để gọi cho bác sĩ trực liền lập tức, may ra vị bác sĩ này có thể cho anh uống thuốc để giảm động kinh hay ngăn ngừa lần động kinh sắp đến, nếu có xảy ra. Nhưng vị bác sĩ nhất định không đến. Họ nói với chúng tôi là vị bác sĩ này đang rất bận ở phòng cứu cấp. Tôi cầu nguyện thật nhiều cho anh, tôi chỉ biết cầu nguyện mà thôi, cứ mỗi lần anh bị động kinh, tôi ôm anh, vuốt ve, trấn an và đau với nỗi đau của anh.
Vị bác sĩ trực đã không đến. Sau mỗi lần động kinh, anh lấy lại bình tĩnh, anh yên lặng không nói gì, chung quanh anh, hai người đàn bà mà anh yêu thương nhất trên đời đều có mặt, anh cảm thấy an ủi và yên tâm biết là dường nào. Tôi và chị Phúc than phiền về sự chậm trễ của vị bác sĩ trực với y tá, họ cũng chỉ chấp nhận mà thôi vì họ không làm gì thêm cho chúng tôi được nữa.
Nửa đêm, tôi nhớ lời của bác sĩ Liao đã căn dặn, là gọi cho ông bất cứ lúc nào khi tôi cần đến ông. Tôi bảo chị Phúc canh chừng anh Sĩ Phú rồi ra ngoài trạm y tá nói với họ rằng tôi muốn nói chuyện với bác sĩ Liao. Họ gọi ông giùm tôi. Năm phút sau, bác sĩ Liao gọi lại. Tôi nói với ông:
- Thưa bác sĩ Liao, tôi thành thật xin lỗi ông, tôi phải gọi ông nửa khuya như thế này, nhưng ông Phú bị động kinh quá dữ dội, mà bác sĩ trực lại không đến, xin ông giúp cho ông Phú. Chúng tôi rất cần ông.
Có lẽ vì bị đánh thức bất ngờ, nên bác sĩ Liao nghe không kỹ, ông tưởng tôi là một trong các bác sĩ hay y tá gì đó, ông nhờ tôi làm giùm ông một vài điều. Tôi cho ông biết là tôi không phải là người mà ông tưởng.
- Oh, xin lỗi bà Phú, cái gì đã xảy ra?
Tôi kể lại ông nghe những gì đã xảy ra cho anh từ 11 giờ 15 tối đến giờ.
Ông nhờ tôi chuyển điện thoại cho một người nào đó chung quanh tôi.Tôi đưa điện thoaị lại cho người y tá đứng gần bên tôi nhất.
Mười hai giờ hai mươi người y tá mang thuốc an thần vào cho anh uống.
Gần bốn giờ sáng vị bác sĩ trực mới đến.
Anh đã bị động kinh dữ dội 6 lần.
v Bác sĩ trực là một cô gái rất trẻ người Trung Hoa hay Ðại Hàn gì đó, mặt cô ta lạnh như tiền, cô ta lẳng lặng nhìn chúng rồi hỏi trỏng:
- What can I do for you?
Tôi đau khổ hỏi gặn lại cô ta:
- What can you do for me? Where were you when we needed you? Mr. Phú Nguyễn had 6 violent seizures in the last 5 hours. We asked for you many times. Why didn't you come when we called you? You might have been able to control the seizures. We understand that you are very busy with other patients, but Mr. Nguyễn was very sick and he needed you too! You should have seen him at least once! What you did to him is inexcusable!'
(Tạm dịch:
- Tôi có thể làm gì cho các người?
- Cô có thể làm gì cho chúng tôi? Khi chúng tôi cần cô, cô ở đâu? Ông Phú Nguyễn đã bị động kinh dữ dội 6 lần trong 5 tiếng đồng hồ vừa qua. Chúng tôi gọi cô rất nhiều lần. Nếu cô đến đúng lúc, có thể cô đã giúp kiềm chế được sự động kinh (bằng cách cho thuốc). Chúng tôi thông cảm rằng cô rất bận với các bệnh nhân khác, nhưng ông Phú bệnh rất nặng và ông ấy rất cần cô. Ít ra, là cô nên cố gắng găïp ông ấy một lần. Thái độ bất cần của cô không thể tha thứ được. )
Sau khi nghe tôi nói, cô có vẻ dịu dàng hơn. Cô phân trần là cô rất bận mà đêm hôm đó cô là người bác sĩ trực duy nhất của bệnh viện...
Tôi không nghĩ cô là người bác sĩ duy nhất đêm đó.
Tôi bỗng cảm thấy thương hại cô phải đổ lỗi là vì quá bận mà ra nông nổi. Nhưng nghĩ lại, thái độ khinh khỉnh của cô lúc đầu, và sự bỏ rơi anh Sĩ Phú suốt năm tiếng đồng hồ vừa qua trong lúc cực kỳ nguy hiểm cho tính mệnh của anh, tôi không còn cảm thấy thương hại cô nữa.
Sau đó, cô cho anh Sĩ Phú một toa thuốc để cầm chân chứng động kinh. Anh nói với cô:
- Tôi không nghĩ là cô cho tôi đủ liều thuốc. Vì bác sĩ trước đã cho như vậy nhưng động kinh vẫn xảy ra. Cô có thể tăng liều thuốc lên một chút nữa được không?
Cô ta lắc đầu:
- Bệnh của ông càng lúc càng khác, vì thế tôi phải cho toa tùy theo căn bệnh.
- Nhưng lần trước bác sĩ của tôi cho liều mạnh hơn mà tôi cũng vẫn còn bị. Bây giờ cô cho tôi liều thật yếu, thì làm sao mà cầm chân động kinh? Tôi chỉ thắc mắc vậy thôi! Nhưng không sao, cô giúp tôi là tôi mừng rồi. Cảm ơn cô.
Trước đó cô nói chuyện với bác sĩ Liao, ông đề nghị là cho anh một liều thuốc an thần. Thuốc này sẽ giúp anh nghỉ ngơi dễ dàng hơn và sẽ tránh nạn động kinh chết người này. Anh sẽ ngủ và sẽ tỉnh lại trong vòng 4, 5 tiếng đồng hồ. Và vì thế, cô cho anh hai loại thuốc để giúp anh lấy lại sức và tinh thần sau 6 trận động kinh dữ dội. Sau khi bác sĩ trực ra khỏi phòng, tôi và chị Phúc an ủi anh hết lòng. Chúng tôi hy vọng với những viên thuốc, anh sẽ không bị động kinh nữa.
- Thôi Phú nghỉ ngơi đi, bác sĩ cho thuốc rồi, chắc không còn động kinh nữa đâu!
- Anh ơi, anh cảm thấy như thế nào? Tội nghiệp bố quá. Thôi anh nghĩ đi cưng.
Anh nhấc ống thở lên, cố gắng nói và căn dặn chúng tôi một vài điều, câu nói sau cùng là:
- Thôi chị Phúc đi về đi. À...còn này nữa.....
Anh muốn thấy chị Phúc đi về với tôi và ở trong nhà tôi. Và anh còn muốn nói thêm nữa. Nhưng vì thấy anh có vẻ rất mệt nhọc và rất khó khăn khi nói chuyện vì cái ống trợ thở cồng kềnh, tôi bảo:
- Thôi anh nên nghỉ ngơi đi, anh có vẻ mệt mỏi lắm rồi đó, ngày mai mình sẽ nói chuyện tiếp, nhé cưng!
- Chị đi về, ngày mai chị gặp Phú nhé!
Anh nghe lời tôi. Dừng lại, không nói thêm những điều anh muốn nói.
Cũng vì thế, mà tôi bị hối hận dầy vò cho đến bây giờ. Lý do là thuốc an thần và hậu quả của nạn động kinh đã làm cho anh ngủ mê man luôn từ đó cho đến ngày anh mất. Tôi không còn được nghe anh nói nữa.
Sáng sớm hôm đó, tôi đưa chị Phúc về nhà tôi để chị nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hôm sau.
Nhìn cách điều hành những việc ưu tiên, cùng tinh thần trách nhiệm (handling the job priority and responsibililty) của người bác sĩ trẻ này từ lúc anh bị động kinh cho đến bấy giờ, tôi thấy cần phải nói lên tiếng nói của mình. Ước gì ngay từ những ngày đầu, anh có được một bác sĩ thật tận tâm, có lương tâm nghề nghiệp và nhiều kinh nghiệm, biết đâu chừng tình trạng của anh sẽ đỡ hơn rất nhiều. Tôi xin lỗi những bác sĩ trẻ, tôi không có ý chê bai quý vị. Trái lại, tôi tôn trọng vì quý vị đã được đào tạo rất chu đáo để trở thành những bác sĩ. Nhưng sau khi chứng kiến biết bao sự vô lý, tắc trách và trái tai gai mắt trong suốt thời gian trông lo cho anh, tôi tự nhủ sau này, tôi sẽ không bao giờ giao sức khỏe và mạng sống quý giá của tôi cho cô bác sĩ trẻ đó.
Một sinh viên Y khoa điểm A trong lớp, khi tốt nghiệp, sẽ trở thành bác sĩ. Một sinh viên Y khoa điểm B- hay C-, nếu tốt nghiệp, cũng sẽ là bác sĩ. Nhưng bệnh nhân nào vô phúc lắm, sẽ gặp các bác sĩ nào đã tốt nghiệp với điểm số C. Một thí dụ rất cụ thể, một bác sĩ trẻ đã không giúp gì được cho anh khi anh không đi tiêu hóa được những 9 ngày trời. Trong khi đó, một người y tá kinh nghiệm với một tấm lòng chân thành đã giúp anh giải quyết vấn đề nan giải trên trong vòng không đầy nửa tiếng đồng hồ. Chỉ ngần ấy thôi, cũng đủ làm chúng tôi phải nhìn lại vấn đề và suy nghĩ.
Tôi có lối nhìn mọi sự việc hơi khác người. Tôi không bao giờ tin tưởng mù quáng rằng bác sĩ nào cũng giỏi và biết rõ công việc của họ.
Không, tôi không nghĩ như vậy. Bác sĩ cũng như tất cả mọi người khác trong xã hội. Có người rất giỏi và có người không giỏi chút nào.
Nếu tôi là cô bác sĩ trẻ này, thì ít ra tôi cũng sẽ cố gắng gặp anh một lần để cho anh thuốc uống hay ít ra định bệnh và nói với anh một lời nào đó...hay gọi các cô y tá để hỏi thăm về anh. Tuyệt nhiên, cô đã không làm như vậy.
Phòng cấp cứu có rất nhiều y tá chuyên nghiệp giỏi, vì thế vị bác sĩ trẻ này có thể dành cho anh mười phút mà tôi chắc chắn sẽ không ai nguy hiểm gì cả khi cô chỉ rời phòng trong thời gian ngắn ngủi đó. Ða số những bệnh nhân ở phòng cấp cứu, trừ những người trong trường hợp khẩn cấp thực sự, đều là những người bị bệnh thông thường chứ không phải cực kỳ nguy hiểm đến tính mệnh. Nhưng vì họ muốn insurance trả 100% tiền nhà thương nên vào lối khẩn cấp. Bằng chứng là người nào cũng ngồi ngoài phòng đợi những 2, 3 tiếng đồng hồ. Nếu như khi anh vừa bị động kinh lần đầu tiên lúc 11 giờ 15 phút và yêu cầu xe cứu thương chở qua phòng cứu cấp lập tức, chắc chắn họ sẽ tiếp nhận anh như trường hợp khẩn cấp. Nhưng họ đã không giúp đỡ gì khi anh kêu cứu nhiều lần trên giường bệnh. Họ để anh trong tình trạng nặng nề đó suốt gần 5 tiếng đồng hồ. Không lẽ chỉ vì anh đang nằm trong bệnh viện, nên họ không cần thiết phải cứu chữa ngay? Thật là vô lý!
Nếu anh chết trong lúc bị động kinh lần thứ ba và trong lúc đang kêu cứu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho hành động vô trách nhiệm này? UCI hay cô bác sĩ trẻ kia?
Lương tâm của người bác sĩ này ở đâu? Cô ta có công theo học nghề thuốc, nhưng đối với tôi, không đủ trí thông minh để đối phó và giải quyết vấn đề. Hay cũng có thể, cô ta không có chút lương tâm nào và cô ta bất cần. Một nghi vấn khác trong đầu tôi: có thể họ đã biết trước rằng bệnh anh quá nặng, nên bỏ rơi anh? Nếu quả thật thế thì họ lại càng đáng trách hơn nữa.
Cũng vì thế, tôi không thể không viết lên những lời này như một tiếng chuông báo động đến quý vị, nhất là những quý vị có cha mẹ già hay người thân đang bệnh nặng...
Tôi đã tranh đấu rất nhiều cho anh, trong ôn hòa và tế nhị. Nhưng, buồn thay, những sự việc tắc trách vẫn xảy ra hằng ngày vì cái nếp, cái cung cách làm việc của họ là như vậy rồi, khó mà có thể thay đổi.
Tôi viết lên những lời này, không ngoài mục đích nói lên sự thật những gì đã xảy ra cho anh để quý vị một phần nào am tường và nếu cần, dùng những thông tin này trong tương lai như một lời nhắc nhở khi quý vị phải đương đầu với thực tế.