Chương Hai
Nguyễn Sĩ Phú và Tuổi Thơ

     ĩ Phú ra đời ngày 9 tháng 1 năm 1942 tại thành phố Boneng Thaket bên Lào. Bố anh là người Hà Nội, mẹ anh quê ở Bắc Ninh. Bố anh làm việc bên Lào, nên 3 anh em anh đều sinh ra tại đó. Gia đình anh là một gia đình khá giả, nề nếp, mẫu mực. Anh là người con út trong gia đình 4 người con. Chị Dung, người chị cả đã bị mất liên lạc từ khi chị định cư tại Thái Lan, anh không nhớ năm nào. Anh chỉ còn có ông anh, Nguyễn Sĩ Bảo và bà chị Nguyễn Thị Phúc mà thôi. Năm 1944 anh theo cha mẹ từ Lào trở về Hà Nội. Tại đây, họ sống trong một ngôi biệt thự sang trọng cho đến khi di cư vào Nam.
Mãi cho đến 4 tuổi, anh cũng vẫn chưa biết nói, theo gia đình cho biết, anh rất sáng, biết được tất cả mọi sự việc chung quanh, nhưng nhất định không nói. Mẹ anh buồn rầu lo lắng, nhưng bỗng một ngày, trước sự ngạc nhiên và vui mừng của mọi người, sau khi cùng anh Bảo được chị vú dẫn đi chơi ở sở thú về, anh đã chạy lại nói với mẹ:
- Mợ ơi, em thấy con voi. Mợ ơi, em thấy con voi!
Anh nói một loạt hai câu như vậy. Và đó là hai câu nói đầu tiên trong đời anh.
Không lâu sau, lúc vừa lên 5, 6 tuổi là anh đã chứng tỏ rằng mình có khiếu về ca hát, anh bắt đầu tập hát và thường nghêu ngao ca hát suốt ngày.
Mẹ anh đặt cho anh một cái tên cúng cơm rất dễ thương, cậu bé Tí Tò. Khi Tí Tò còn nhỏ, cậu rất ngoan ngoãn, lúc nào cũng quấn quít bên mẹ. Anh bảo anh là con trai cưng của mẹ.
Cậu bé Tí Tò được một chị vú nuôi từ thuở nhỏ, cậu rất quyến luyến chị này, khi chị xin phép về quê lấy chồng, Tí Tò khóc hết nước mắt không chịu ăn uống gì hết, cậu nói cậu sẽ làm đám cưới với chị một ngày nào khi cậu lớn lên.
Anh kể tôi nghe, có một lần, bị mẹ lãng quên, cậu ở nhà tức tối đem đồ trong nhà ra đập bể hết. Mẹ cậu không đánh đòn con về tội này, chỉ lẳng lặng nhờ chị ở dọn dẹp những vật đổ vỡ. Cậu vỡ lẽ, hối hận và thán phục hành động của mẹ, từ đó về sau và có lẽ hết cuộc đời, cậu không bao giờ dám đập vỡ bất cứ một cái gì vì biết rằng việc đó sẽ không giải quyết được gì cả ngoài sự mất mát, hư hao.
Anh là một người con rất hiếu thảo, anh yêu cha mẹ vô cùng. Trong suốt thời gian tôi quen anh, lúc nào anh cũng nhắc nhở tới bố mẹ, nhất là mẹ anh. Bà chính là hình ảnh của một bà mẹ hiền Việt Nam. Suốt đời tận tụy hy sinh cho chồng con. Anh giống bố ở dáng vóc cao lớn và nhân cách rộng lượng, nhưng lại rất gần mẹ. Bà cụ là một người đàn bà có vóc dáng cao đẹp. Bà là một người đàn bà có học thức, yêu văn hóa, rất tháo vát và tận tụy. Ðối với anh, mẹ là tất cả, anh luôn nói về mẹ với một sự tôn kính và thán phục.
Ngôi nhà của gia đình anh ở Hà Nội cũng đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, anh kể tôi nghe một vài chuyện ma về ngôi nhà này làm tôi rởn tóc gáy, tôi sợ lắm, không cho anh kể thêm nữa.
Theo chị Phúc kể lại, cái tinh thần bất khuất, anh dũng của anh đã có từ những ngày còn thơ.
Chị kể, lúc anh vừa được 9 tuổi, một hôm trên đường đi học về nhà, anh thấy anh Bảo đang bị một bọn học sinh du đãng bao vây và áp đảo, lúc ấy anh Bảo độ khoảng mười lăm tuổi nhưng rất hiền lành, yếu đuối. Anh Sĩ Phú nhanh trí chạy vào một cái quán nhỏ kế bên, chụp vội một cái chai không, đập bể cổ chai, chạy ra ngoài đứng ngay giữa đám đông quơ cái chai có miệng vỡ lởm chởm vào bọn chúng và la to lên:
- Ðứa nào có giỏi thì vào đây, chúng mày đụng đến anh tao thì sẽ bị vỡ mặt đấy!
Bọn học sinh sau đó lần lượt tháo chạy vì cậu bé Sĩ Phú lúc đó mặc dù chỉ 9 tuổi nhưng đã dám hiên ngang đứng lên chống lại bọn chúng. Hai anh em xách cập chạy về nhà kể lại cho bố mẹ nghe. Dĩ nhiên là bố mẹ rất vui lòng vì biết anh đã chứng tỏ là một đứa bé can đảm hào hiệp ở cái tuổi còn măng sữa.
Năm 1954, theo chân hàng triệu người khác, gia đình anh di cư vào Nam. Anh bùi ngùi lìa xa ngôi nhà thân yêu chất đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, năm đó, anh chỉ mới 12 tuổi.
Gia đình anh lúc đầu định cư ở khu Chợ Quán, quận 5. Vài năm sau, dời về cư ngụ ở đường Lê Văn Duyệt, Hòa Hưng cho đến năm 1975.
Vào trung học đệ nhất cấp ở Nguyễn Khuyến và sau đó đệ nhị cấp ở Chu Văn An, cậu bé Tí Tò ngày nào, bây giờ đã là một cậu thiếu niên cao lêu nghêu, khôi ngô và sáng dạ.
Anh có một trí thông minh rất đặc biệt, anh nhớ hết những gì thầy giảng và những sách nào anh đã đọc qua. Bài vở ở trường, về nhà anh ít khi đọc lại, nhưng vẫn luôn được điểm cao, chả bù với những bạn bè chung quanh phải học suốt đêm để rồi cũng chỉ bằng anh mà thôi. Anh Nguyễn Bá Bình, bạn anh từ thời niên thiếu đã nói với tôi:
- Phú nó thông minh lắm chị Lan ơi, nó không có bao giờ đụng đến sách vở mà vẫn được điểm cao, còn tụi này học quá trời cũng chỉ bằng Phú.
Anh rất giỏi toán và ca hát cũng là một trong những sinh hoạt thời bấy giờ của anh. Tôi được chị Phúc cho biết là lúc anh học Ðệ Ngũ, chị và anh Sĩ Phú có theo học một lớp nhạc tư về nhạc lý, nhưng sau đó chị bỏ cuộc, anh Phú tiếp tục học thêm được 3 năm. Chị cho tôi biết anh Phú thổi khẩu cầm, và thổi sáo rất hay. Nhạc cụ nào anh cũng có thể sử dụng được, nhưng lại chỉ thích chú trọng về ca hát mà thôi.
Chị Phúc kể, lúc Tí Tò vừa lên 7 hay 8 tuổi, mẹ dẫn cậu đi chợ mua một đôi giầy mới, cậu không chịu, cứ nhất định đòi mẹ mua cho một cây đàn guitar. Mẹ không thích cho cậu đánh đàn, không muốn con mẹ đi theo con đường văn nghệ. Nhưng cậu bé Tí Tò cứ nhất định đòi cho được cây đàn. Mẹ không mua cho, nên cậu giận mẹ lắm và nhất định không bao giờ xỏ chân vào đôi giầy mới cho đến khi chân cậu lớn dài ra không còn mang được nữa. Anh Phú kể thêm với tôi:
- Lúc vào tiệm, mẹ bảo thử giầy, anh nói với mẹ là không có một đôi giầy nào trong tiệm này vừa chân anh hết. Anh không muốn mẹ mua đôi giầy, mà chỉ muốn mẹ để dành tiền đó mua cho anh một cây đàn mà thôi. Rất tiếc là mẹ đã nhất định không mua cho anh cây đàn chứ nếu không thì anh đã trở thành nhạc sĩ mất rồi!
Sau này, trong niềm thương tiếc em, chị Phúc nói:
- Tội nghiệp Phú lắm Lan ơi, lúc còn nhỏ Phú rất cô đơn, đến lớn Phú lại càng cô đơn hơn. Tôi thì là chị gái không hiểu và gần gũi em trai nhiều. Còn anh Bảo thì cách xa Phú đến 5, 6 tuổi. Phú nó chơi một mình lẻ loi lắm. Trong nhà có một thiên tài mà rất tiếc không ai nhìn thấy để nâng đỡ hỗ trợ tinh thần. Phú nó thông minh, có khiếu về âm nhạc. Phú đi lên và nổi tiếng là do công một mình của Phú.
Rồi chị chắt lưỡi:
- Tiếc quá đi thôi Lan ơi, tội Phú quá, bây giờ nghĩ lại, tôi càng thương Phú vô cùng!Cũng trong thời niên thiếu, anh có theo học võ Vovinam, đạt đến đẳng Huyền Ðai. Vì vậy, sau này có dịp, anh được cử làm giám đốc của trung tâm Võ Ðạo Thần Phong của Không Quân VN khoảng trên một năm để thay thế cho vị giám đốc thực thụ đang du học ở ngoại quốc.
Chị cũng nói thêm là anh Phú thuở nhỏ học rất giỏi, nên đã nhảy lớp vào đại học lúc chỉ mới 16 tuổi.
Mối tình đầu...
Anh chập chững đi vào đời với một mối tình non dại mà anh bảo đây là mối tình đầu của anh. Năm 17 tuổi, một sinh viên nghèo, tay trắng, anh quen biết một cô học trò đệ nhị cấp mà tôi sẽ gọi là cô Thùy. Họ quý mến nhau trong tình thương yêu trong sạch của tuổi thanh xuân. Tình bạn bỗng chốc gắn bó dịu dàng trong nề nếp của một xã hội còn khép kín. Một ngày nọ, khi đến thăm cô, anh đã phải đối diện với các ông anh của cô. Họ cho anh biết là họ không bằng lòng anh gặp em gái của họ nữa vì cô em của họ là một cành vàng lá ngọc, phải được đặt để ở một nơi chốn cao sang hơn, xứng đáng hơn, còn anh chỉ là một anh sinh viên nghèo rớt mồng tơi, thì đừng hòng đụng đến cô em gái của họ.
Anh buồn và thất vọng. Vì tự trọng, anh âm thầm bỏ ra đi, và không bao giờ tìm gặp Thùy nữa. Sự việc này đã gây một vết hằn tâm lý sâu đậm nơi anh. Anh tâm tình với tôi:
- Từ đó về sau, anh không bao giờ muốn làm quen với các cô gái kín cổng cao tường, cành vàng lá ngọc nữa. Anh sợ rồi...
Anh vào đời, với sự e dè, thiếu tự tin vì sợ bị chối bỏ một lần nữa.
Nhưng câu chuyện tình này không dừng lại ở đây. chúng ta hãy nghe anh nói về những năm tháng sau đó:
- Năm năm sau, vào một ngày nắng ấm, lúc ấy anh là trung úy Không Quân. Tình cờ, trong lúc lái xe jeep vào cổng trại, anh phải ngừng lại để cho một người đàn bà tay bồng một đứa trẻ thơ rất nhỏ và tay kia dẫn một đứa bé khoảng 2 tuổi rưỡi băng qua đường. Người thiếu phụ trông có vẻ lam lũ, xốc xếch. Hình dáng người đàn bà này quá quen thuộc. Anh chợt nhìn kỹ một lần nữa. Trời ơi, anh giật nẩy người, người đàn bà này không ai khác hơn là Thùy, người yêu đầu đời bé nhỏ của anh ngày xưa. Giờ đây nàng đã là một thiếu phụ tay bồng tay bế. Anh xúc động mãnh liệt. Anh gọi khẽ, "Thùy, có phải Thùy đó hay không?" Người đàn bà chợt quay lại nhìn anh, bốn mắt nhìn nhau. Quả thật rồi, nàng đấy chứ còn ai nữa. Chỉ năm năm thôi mà nàng đã thay đổi quá nhiều. Ôi, còn đâu người con gái cành vàng lá ngọc ngày xưa. Anh nghẹn ngào không nói nên lời...Người thiếu phụ vội vã quay đi, dẫn đứa con nhỏ đi thật nhanh, bỏ lại sau lưng một hình bóng, một kỷ niệm buồn.
Trong hai năm 1960-1961, lúc vừa tròn 18 tuổi, anh sinh viên Sĩ Phú khởi đầu nghiệp dĩ của anh là giáo sư đệ nhất cấp của hai trường trung học Thăng Long và La San Nghĩa Thục. Anh dạy Toán và Lý Hóa cho lớp Ðệ Tứ. Theo lời anh Hải Nguyễn, Giám đốc điều hành văn phòng Luật Sư Richard S. Herschenfeld tại Little Saigon, California và cũng là một người bạn dạy chung trường với anh trong những năm này đãø nói với tôi, là học trò trường Thăng Long dạo ấy rất mê anh giáo trẻ Sĩ Phú. Tôi tưởng tượng một lớp học đầy những học sinh, nam cũng như nữ chen chúc nhau nhìn anh giáo trẻ đẹp trai giảng dạy môn toán Lý Hóa một cách rất chăm chú. Môn này vốn là một môn học khô khan, khó nuốt như cơm sống nhưng có lẽ nét đẹp trẻ trung của anh cũng đã giúp cho môn học này một phần nào đỡ chán phèo.
Cũng trong thời gian này, anh ca hát rất nhiều nhưng không có hoạt động nào rầm rộ cả vì anh chỉ hát cho các chương trình của Tổng Hội Sinh Viên mà thôi.
Anh lúc nào cũng tự ví mình là một Chàng Lãng Tử từ đâu đến, ôm đàn hát giữa trời (lời Phạm Duy Nhượng).