Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG V
THẦN BẢO KIẾM

     hìn qua cửa sổ toa tàu hỏa trên đường tới Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc ngắm những tia nắng ban mai chiếu trên cánh đồng lúa xanh mơn mởn, những cảm giác thú vị cùng với tình thế thực tại xen lẫn trong lòng ông. Kết quả đã đạt được sau hai năm làm việc vừa qua ở Quảng Châu khiến ông cảm thấy rất hài lòng. Ông đã xây dựng nền tảng vững chắc cho một Đảng cộng sản tương lai ở Đông Dương, huấn luyện gần một trăm chiến sĩ trung kiên, một số chuẩn bị trở về ba miền Việt Nam để xây dựng mạng lưới cách mạng. Tuy nhiên, cuộc tấn công phủ đầu của Tưởng Giới Thạch vào Đảng cộng sản Trung Quốc ở Quảng Châu là một đòn khốc liệt giáng xuống một tổ chức non trẻ. Sự tiếp tục hoạt động của Hội Thanh niên Cách mạng ở nam Trung Hoa trở nên khó khăn, trụ sở của Hội phải di chuyển. Bản thân ông cũng đang phải lao vào cuộc hành trình tới một nơi xa lạ và mối liên lạc với các đồng sự có thể gặp khó khăn trong nhiều năm nữa.
Nguyễn Ái Quốc, (với tên Lý Thuỵ), ban đầu hy vọng trú chân ở Hong Kong, thuộc địa Anh, trong một thời kỳ dài để duy trì mối liên lạc với những thành viên khác của hội và tìm địa điểm mới làm trụ sở. Nhưng chính quyền địa phương nghi ngờ những bài báo ông viết, ra lệnh phải rời khỏi Hong Kong trong vòng hai mươi bốn giờ. Hôm sau, ông đáp tàu thuỷ tới Thượng Hải. Thành phố thương mại lớn này đang quằn quại vì bị “khủng bố trắng” do Tưởng Giới Thạch tiến hành tháng trước chống lại những người cộng sản trong vùng. Để tránh bị phát hiện, Nguyễn Ái Quốc thuê phòng trong khách sạn sang trọng, ăn mặc ra dáng một người giàu có. Nhưng tiền quỹ cạn nhanh quá, ông đành phải đáp tầu thuỷ tới Vladivostok.[1]
Tại Vladivostok, đại bản doanh những hoạt động cách mạng Xô viết ở Viễn Đông vẫn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc gặp bạn cũ - Jacques Doriot - ngôi sao trẻ mới nổi của Đảng cộng sản Pháp. Ông cũng tình cờ gặp Grigory Voitinsky, đặc vụ Quốc tế Cộng sản, đang thúc đẩy việc hình thành phong trào cộng sản ở Trung Hoa. Doriot muốn Quốc trở lại châu Âu rồi sau đó tới Xiêm để xây dựng lại phong trào ở Đông Dương với sự giúp đỡ của Đảng cộng sản Pháp và những thành viên tích cực của hội đang hoạt động. Nhưng Voitinsky lại đề nghị ông quay lại Thượng Hải làm việc với những binh sĩ Việt Nam đang đồn trú ở tô giới Pháp tại thành phố.
Nguyễn Ái Quốc khiêm tốn lắng nghe ý kiến Voitinsky, nhưng ông tán thành dự kiến của Doriot hơn. Thực vậy, trước khi rời Quảng Châu, ông đúc kết, chỉ có hai sự lựa chọn: ở lại Trung Hoa với nguy cơ bị bắt, hoặc tới Xiêm để nối lại liên lạc với phong trào ở nước láng giềng của Đông Dương. Ông đáp tàu hoả tới Moscow vào đầu tháng Sáu. Tại đây, ông gửi thư cho Văn phòng Viễn Đông yêu cầu cho chuyến đi chính thức, viện lẽ tới Xiêm thích hợp hơn quay trở lại Trung Hoa. Ông biện luận, nhiệm vụ quan trọng nhất là củng cố phong trào ở Đông Dương, nơi những sự kiện mới đây ở Trung Hoa gây nên sự hoang mang, thất vọng. Quốc cảm thấy bản thân có thể gây ảnh hưởng tới những sự kiện ở Đông Dương có hiệu quả hơn khi ông có mặt ở Xiêm hơn là ở Thượng Hải.[2]
Nguyễn Ái Quốc gửi tới Văn phòng Viễn Đông lời đề nghị cung cấp ngân quỹ cho chuyến tới Xiêm, từ đó tiếp tục tới Đông Dương để có “một thời gian cư trú dài khoảng hai năm đánh giá tình hình thuộc địa này”. Trong khi chờ Quốc tế Cộng sản trả lời, ông tạm trú tại trụ sở Quốc tế Cộng sản. Trong thời gian rảnh rỗi ông viết bài đăng trên tờ Điện Tín Quốc tế (Inprecor) về tình hình Đông Dương. Sau khi nghỉ an dưỡng tại Eppatoria, gần Crum (Krym), Hắc Hải để trị bệnh, Trường Stalin yêu cầu ông xây dựng một khoa riêng dành cho học viên Việt Nam mà ông đã thu xếp đưa họ đến từ Quảng Châu trước đây. Trong số ba người đang có mặt ở Moscow lúc ấy, có Trần Phú, một chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết với nét mặt thanh tú, quê Quảng Ngãi, con trai của nhân viên toà án. Trần Phú đã học Trường Quốc Học Huế, gia nhập chi bộ Quốc Dân Đảng ở Trung Kỳ. Được các đồng chí của mình cử tới Quảng Châu thương lượng với Nguyễn Ái Quốc nhằm tạo ra một liên minh, Trần Phú đã quyết định gia nhập Hội, được cử đến Moscow năm 1927. Ông gây được ấn tượng rất nhanh do học vấn và lòng hăng say công việc.[3]
Tháng 11-1927, Quốc tế Cộng sản trả lời Nguyễn Ái Quốc về yêu cầu cho chuyến đi. Thay cho việc tới Xiêm, ông được cử đến Paris để trợ giúp Đảng cộng sản Pháp soạn thảo chương trình hành động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng ở Đông Dương, không chỉ trong hàng ngũ Việt Kiều ở Pháp mà còn xây dựng căn cứ ở Xiêm hoặc một nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, họ chẳng hề nhắc tới tiền nong cho chuyến đi sắp tới của ông trở lại châu Á.
Trên đường tới Pháp, Quốc dừng chân ít ngày ở Berlin, giúp các đồng chí người Đức lập Phân hội phản đế mới, một tổ chức bao trùm cho những hoạt động của Liên Xô ở nước ngoài. Sau đó, ông dùng tên giả đi Paris để báo cáo với Trụ sở Đảng cộng sản Pháp ở Montmartre. Đảng cộng sản Pháp cũng không giao công việc hoặc tiền bạc khiến ông không hài lòng. Trong bức thư gửi một đồng nghiệp ở Moscow vào tháng Năm, ông bày tỏ sự thất vọng việc Đảng cộng sản Pháp không thực hiện vấn đề thuộc địa. Tuy vậy ông thừa nhận Đảng cộng sản Pháp cũng có đôi chút quan tâm đối với vấn đề thuộc địa, nhưng phàn nàn, phần lớn những tiến bộ chỉ trên giấy. Để làm rõ thêm, ông kể lại kinh nghiệm bản thân:
“Trong khi tôi mất một tháng rưỡi ở Paris, còn Doriot lại đang trong tù. Tôi không có cơ hội gặp gỡ trao đổi với những người khác. Tôi thường xuyên yêu cầu xin một địa chỉ để có thể gặp họ sau khi tôi trở lại Viễn Đông, nhưng họ từ chối. Họ nói, Uỷ Ban Thuộc địa có một ngân quỹ riêng dành cho những hoạt động thuộc địa, nhưng tôi biết ngân quỹ này rỗng tuếch. Theo tôi, vấn đề tài chính của Uỷ Ban Thuộc địa nên được kiểm soát và thường xuyên báo cáo cho các đồng chí khác về hoạt động và kế hoạch của nó. Trong tương lai, cần phải tổ chức một cách hiệu quả để sao tôi có thể liên lạc với nhân dân chúng tôi ở Đông Dương”.[4]
Nguyễn Ái Quốc dự định ở lại Pháp cho tới khi nhận được tiền để trở về châu Á, nhưng người quen cảnh báo, mật thám đã nghe tin đồn ông trở lại Pháp, họ đang nỗ lực tìm kiếm. Đầu tháng Mười Hai, ông tới Brussels tham dự cuộc họp ban chấp hành Hội Phản đế. Không thấy có tài liệu nào nhắc tới việc ông phát biểu tại hội nghị hay không, nhưng ông đã có dịp làm quen với một số đại biểu tại hội nghị này, gồm Sukarno - người theo chủ nghĩa quốc gia Indonesia, Motilal Nehru, (cha của thủ tướng Ấn Độ sau này Jawaharlal Nehru) và quả phụ Tôn Dật Tiên - Tống Khánh Linh. Ông nối lại tình bạn với Katayama Sen - người cộng sản Nhật Bản - quen biết ở Paris và Moscow. Bà Tống Khánh Linh là trường hợp đặc biệt, sau này đã chứng tỏ vai quan trọng của bà đối với ông trong thời điểm quyết định không xa.[5]
Sau khi hội nghị kết thúc vào giữa tháng Mười Hai, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp ít ngày rồi đi tầu hỏa tới Berlin. Khi đến Berlin, ông viết một bức thư cho Thomas Dombal ở Moscow, hy vọng trở lại Đông Dương sau hai hoặc ba tuần lễ, đề nghị Hội Nông Dân Quốc tế tài trợ chuyến đi và cho ông kế hoạch hành động trong tương lai. Thư đáp của Dombal, đầu tháng Giêng mới chuyển tới, không đả động gì tới lời đề nghị giúp đỡ của Quốc. Dombal biết ông không có khái niệm rõ ràng về tình hình Đông Dương, nên ông đề nghị Quốc trước hết nên chú tâm vào nhiệm vụ vận động nông dân ở những tỉnh cả hai bên nằm dọc biên giới Trung Hoa, tổ chức những đoàn thể nông dân, tiến hành tuyên truyền, nhưng cũng chẳng đếm xỉa đến chuyện trợ giúp tiền bạc.[6]
Trong khoảng thời gian vài tháng sau, Nguyễn Ái Quốc nằm ở Berlin chờ câu trả lời dứt khoát về đề nghị của mình. Để hạn chế chi tiêu tối thiểu, ông sống chung với một đảng viên Đảng cộng sản Đức. Ông viết những bài báo theo những chủ đề khác nhau, từ phong trào Xô viết “Hải Lục Phong” của Bành Bái ở tỉnh Quảng Châu, đặt kế hoạch viết loạt bài sưu tập những kinh nghiệm công tác trong phong trào nông dân ở Trung Hoa. Trong một bức thư viết cho một đồng chí ở Moscow, Quốc ước tính cuốn sách dày khoảng 120 trang, chia thành năm phần riêng biệt. Tuy nhiên, đến tháng Tư, tiền túi đã cạn, ông hết kiên nhẫn đành gửi một thư ngắn cho Văn phòng Viễn Đông báo cáo tình trạng của mình. Thư viết dài dòng, lộn xộn, nhưng cảm động:
Công tác ở Pháp không xong, sống ở Đức thì vô tích sự, nhưng xứ Đông Dương lại rất cần, vì thế tôi nhiều lần đề nghị được trở lại đó. Trong những thư gửi các đồng chí, tôi đã sẵn sàng miễn giảm một ngân khoản cho chuyến di chuyển và công tác phí. Khi Doriot ghé qua Berlin, đã hứa lưu ý đến tình trạng của tôi. Tôi nói với Doriot liệu còn ngân sách hoạt động không, đề nghị cấp ít tiền để tôi có thể rời khỏi đây, hơn một năm nay tôi đã lang bạc hết nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc cần phải làm ở Đông Dương. Nhưng cho tới bây giờ, tôi chưa nhận được chỉ thị từ các đồng chí hoặc câu trả lời từ Doriot. Hiện nay tôi đang trong tình thế khó khăn:
1) Chờ đợi vô hạn (chờ chỉ thị đã bốn tháng),
2) Chẳng có gì để sống, vì thế tôi đã đề nghị MOPRE, (cơ quan thuộc Quốc tế Cộng sản có nhiệm vụ giúp đỡ các đồng chí cách mạng), nhưng họ trả lời, chỉ có thể giúp tôi một khoản hạn chế, tám Marks một tuần (số tiền này chẳng đủ sống…). Đề nghị gửi cho tôi càng sớm càng tốt bản hướng dẫn chi tiết tôi phải làm gì và khi nào tôi có thể rời khỏi đây.[7]
Cuối cùng, hai tuần sau, ông nhận được một bức thư từ Moscow cho phép ông trở về Đông Dương, với khoản tiền cho chuyến đi và chi phí ăn ở trong 3 tháng do Đảng cộng sản Pháp đài thọ. Vào giữa tháng Năm ông viết cho Văn phòng Viễn Đông, đã được phép ra đi và sẽ lên đường vào cuối tháng.[8]
Đầu tháng Sáu, Nguyễn Ái Quốc rời Berlin, đáp tàu hoả qua Thuỵ Sĩ tới Ý. Nhiều năm sau, ông hồi tưởng lại chuyến đi:
Khi (tôi) xin phép qua Italy, chính quyền phát - xít đưa ra nhiều câu hỏi phức tạp. Tại cửa khẩu, lính biên phòng nhìn vào cuốn sổ “Danh sách Chống Cộng sản Quốc tế” dày hai nghìn trang, ghi tên những người cách mạng trên toàn thế giới từ A đến Z. Họ không thấy tên, thế là họ cho tôi qua.
Qua Milan, ông tiếp tục tới Rome, ở đó ông bị đưa đến một đồn cảnh sát và bị tra khảo. Theo chính lời ông kể - đã bị đánh gần như bất tỉnh. Sau đấy, viên phụ trách thẩm vấn bắt tay ông, mời ông một điếu thuốc lá, rồi lại tiếp tục hỏi cung. Sau này Nguyễn Ái Quốc cảnh báo bạn đọc rằng nếu thiếu kinh nghiệm có thể rơi vào cái bẫy của bọn tư bản. Sau khi được thả, ông tiếp tục tới Naples, đáp tàu thuỷ Nhật Bản đến Xiêm vào cuối tháng Sáu.[9]
Nguyễn Ái Quốc tới Bangkok khoảng tháng 7-1928. Do Xiêm không phải là thuộc địa châu Âu, xã hội tương đối ổn định, chính phủ chấp nhận hoạt động của người nước ngoài tương đối dễ dàng, thậm chí cho cả nhà cách mạng tai tiếng Nguyễn Ái Quốc. Vương quốc này cũng có một lượng Việt Kiều đáng kể, phần đông sống ở vùng đồng bằng và cao nguyên Khorat khô ráo ở tây bắc. Điều này đã giúp Nguyễn Ái Quốc đi lại tự do không phải giữ ý quá đáng. Tại vùng đông bắc, hội viên Hội Thanh niên Cách mạng, theo chỉ thị của ông, đã thành lập một chi nhánh địa phương hoạt động trong cộng đồng Việt Kiều. Đặc biệt, chỉ cần đi bộ hai tuần từ đông bắc Xiêm vượt qua những dẫy núi ở Trung Kỳ là tới Trung Bộ Việt Nam.
Những người Việt Nam chống Pháp đã sử dụng khu vực này làm nơi ẩn náu nhiều năm qua. Phần đông trong số hơn hai mươi nghìn người Việt Nam đang sống ở Xiêm khi đó đã di cư trong thế kỷ này. Nhiều người đã ủng hộ phong trào Cần Vương và phong trào chống pháp của Phan Bội Châu. Sau khi một số cộng sự của ông định cư ở đó, Phan Bội Châu đã tới thăm Bangkok năm 1908 và đề nghị Chính phủ Hoàng gia cho phép họ làm nông trại. Nhiều quan chức Xiêm không ưa người Pháp và có thiện cảm với sự nghiệp của Việt Nam nên họ tán thành yêu cầu của ông và một nông trại Việt Kiều được lập ra tại Phichit, thung lũng Chao Phraya phía bắc Bangkok. Vài năm sau, Quang Phục Hội của Phan Bội Châu lập một văn phòng chi nhánh Hội ở Xiêm. Một số người Việt Nam cấp tiến - kể cả những hội viên tương lai như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Phạm Hồng Thái - cũng ghé qua xứ này trên đường tới Trung Hoa. Sau khi từ Moscow tới Quảng Châu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch thành lập một cơ sở của Hội Thanh niên Cách mạng tại xứ này. Năm 1925, Hồ Tùng Mậu được cử để lập bốn chi bộ ở Phichit và trong cộng đồng Việt Kiều tại Nakhon Phanom, Udon Thani và Sakon Nakhon ở vùng đông bắc. Nơi nào cộng đồng Việt Kiều được tổ chức tốt, người ta thành lập hợp tác xã để tiến hành cày cấy và sản xuất hàng hoá thông dụng.[10]
Tháng 8-1928, một người Việt Nam ăn mặc theo lối dân địa phương, tự xưng Thầu Chín (ông Chín) - tới huyện Bandong, tỉnh Phichit, cách Bangkok hai trăm dặm về phía bắc. Làng này có khoảng trên hai chục gia đình Việt Kiều, đã thành lập một chi bộ của Hội năm 1926. Thầu Chín lưu trú trong làng chừng hai tuần lễ, thăm từng gia đình và kể cho họ nghe về tình hình thế giới và tình hình ở Đông Dương.[11]
Vào tháng Chín, khi biết chắc cộng đồng Việt Kiều ở đây ít ỏi, không thể thành lập được cơ sở hoạt động, Nguyễn Ái Quốc, (Thầu Chín), rời Bandong tới Udon Thani nằm ở đông bắc Xiêm. Chuyến đi kéo dài mười lăm ngày gồm mười ngày trèo đèo lội suối dọc theo đường rừng. Những người đi chia thành nhóm nhỏ, tự mang thực phẩm dự trữ cũng như hành lý. Thoạt đầu, Thầu Chín gặp rất nhiều khó khăn, tụt lại sau những người khác, chân trầy da và miệng thở hổn hển. Nhưng vẫn quyết tâm, kết thúc chuyến đi ông đã thể hiện tinh thần bất khuất, kiên cường mỗi ngày đi bộ được bẩy mươi cây số.[12]
Thị trấn Udon rộng hơn Bandong và cộng đồng Việt Kiều đông hơn, đường thông tin thuận lợi nối với những trung tâm thành thị ở cao nguyên Khorat. Vì thế, chi bộ của Hội được thành lập năm 1926 trở thành đại bản doanh cho tất cả hoạt động của Hội tại Xiêm. Dưới tên Thầu Chín, (rất ít người trong cộng đồng Việt Kiều biết tên thật của ông), Quốc hướng dẫn các cộng sự mở rộng tổ chức, xây dựng cơ sở quần chúng cho Hội bằng cách lôi cuốn nhân dân địa phương, trừ những thanh niên cực đoan.
Nguyễn Ái Quốc ở lại Udon vài tháng, giúp thay đổi thói quen làm việc và cuộc sống của cộng đồng Việt kiều. Phần đông Việt Kiều ở tây bắc Xiêm là người buôn bán hoặc thợ thủ công không quen làm công việc tay chân nặng nhọc. Một số Việt Kiều có mối quan hệ với dân địa phương hoặc ngại học tiếng Thái. Quốc nỗ lực thay đổi những thói quen này, nhằm tạo ra một hình mẫu để lôi kéo hàng ngũ lao động chân tay. Khi nhà cầm quyền lập ra một trường học, ông đã tham gia việc chở gạch. Buổi sáng, ông nói chuyện với dân làng về những sự kiện trên thế giới và Đông Dương. Cộng đồng Việt Kiều ở đây dần dần cải thiện mối quan hệ với dân chúng người Thái bằng cách đào giếng, trồng cây và xây dựng những trường học. Bản thân Quốc cũng ra sức học tiếng Thái bằng cách mỗi ngày học mười từ, ông lập những trường học để Việt Kiều học tiếng Thái và hiểu được tập quán của dân địa phương. Ông làm cho đồng bào yêu nước của ông tin rằng nhân dân Xiêm có thiện cảm với cuộc đấu tranh ở Đông Dương, vì Xiêm vừa thoát khỏi thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập nhờ lòng khoan dung của chính quyền thực dân tại xứ này.
Nguyễn Ái Quốc cũng bắt đầu từng bước nâng dần nhận thức chính trị của Việt Kiều bằng cách làm thơ và viết kịch nói lên nỗi thống khổ của dân Việt Nam bị mất độc lập vào tay người Pháp. Thông qua vỏ bọc Hội Ái Hữu thành lập ở đây, ông thường xuyên đi lại, xây dựng những chi bộ mới của Hội từ Mukdahan ở miền đông cho tới Nong Khai, chỉ cần vượt qua sông Mekong sang tới thủ đô Vientiane của chính phủ Lào. Để nâng cao công tác tuyên truyền của Hội, ông chỉnh đốn báo Đồng Thanh - tờ báo tiếng Việt của Việt Kiều địa phương, đổi tên thành Ái Hữu, cách viết giản dị để báo dễ hiểu đối với bạn đọc địa phương.[13]
Đầu năm 1929, Nguyễn Ái Quốc tới Sakon Nakhon, nơi có số Việt Kiều đông hơn ở Udon. Tuy vậy, theo hồi ức của những hội viên sinh sống ở vùng này, Việt Kiều ở Sakon Nakhon thiếu hiểu biết về chính trị hơn ở Udon. Nhiều người theo đạo Thiên Chúa, những người khác theo đạo Phật hoặc ngưỡng mộ tinh thần người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Nhận thấy nhiều người thường đến đền chùa địa phương cúng bái để chữa khỏi bệnh, Quốc giới thiệu về y học hiện đại, mời bác sĩ tới thăm vùng này. Tuy vậy, ông không hối tiếc việc lợi dụng tín ngưỡng vào mục đích của chính ông, viết những vần thơ cho một bài hát ca ngợi Trần Hưng Đạo:
Cúi đầu lễ tạ thần linh
Trước Diên Hồng Điện chứng minh lòng thành
Chúng con dân Việt đồng thanh
Một lòng vì nước vì dân diệt thù
Xương tan thịt nát mặc dù
Quyết tâm đánh giặc đuổi thù khôn nguôi
Non sông gấm vóc đất trời
Việt Nam mãi mãi của người Việt Nam.[14]
Nhà cầm quyền Pháp vẫn không tìm được tung tích Nguyễn Ái Quốc suốt hai năm kể từ khi ông rời Quảng Châu vào tháng 5-1927. Tuy nhiên, có tin đồn ông đang ở Moscow, như vậy mật thám chỉ biết ông đã từng ở Paris một thời gian ngắn cuối năm 1927. Nhưng họ mất dấu vết ngay sau khi ông rời Brussels vào tháng 12-1927. Trong khoảng thời gian 1928 và 1929, họ nghe tin đồn có một người lạ mặt đang lang thang qua những làng Việt Kiều ở miền đông nước Xiêm và nghi ngờ đó là Nguyễn Ái Quốc. Quốc phải rất thận trọng trong hoạt động, vì cả người Pháp lẫn triều đình ở Huế đều đang truy lùng. Ngày 10- 10-1929, phiên toà ở Vinh kết án tử hình vắng mặt ông với tội danh xúi giục nổi loạn ở Trung Kỳ. Trong hồi ký, Quốc viết, người Pháp biết ông đang ở Xiêm, nhưng không biết chính xác chỗ nào vì thế họ cử cảnh sát dò tìm. Có lần bị truy đuổi gắt gao, ông phải trốn trong ngôi chùa, cạo trọc đầu để cải trang.[15]
Trong khi Nguyễn Ái Quốc trên đường đến Xiêm, các cộng sự của ông ở nam Trung Hoa cố gắng duy trì hoạt động của Hội Thanh niên Cách mạng. Đa số thành viên của tổ chức này đã bị bắt, nhưng được thả ngay sau đó và cố gắng trở lại hoạt động ở Quảng Châu dưới sự lãnh đạo của Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Tuy nhiên, họ phải di chuyển trụ sở đến ngõ nhỏ gần phố Dân Sinh, sát Đại Đông Môn, chỗ ban đầu của Viện Huấn luyện. Tháng 12-1927, những đảng viên cực đoan của Đảng cộng sản Trung Quốc lại tiến hành một cuộc nổi dậy mới ở thành phố. Có một số hội viên tham gia bị quân đội Quốc Dân Đảng sát hại khi quân chính phủ đập tan cuộc nổi dậy. Lê Hồng Sơn và một số người bị bắt, bị mang đi xử về tội lật đổ. Nhưng nhà cầm quyền Quốc Dân Đảng không có bằng chứng, cuối cùng những người bị bắt được thả và bị trục xuất. Trong lúc chờ đợi, Hồ Tùng Mậu đã di chuyển trụ sở Hội tới Hong Kong, tạm thời mất liên lạc với Đảng cộng sản Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản ở Moscow.[16]
Dù thoái trào, nhưng đến đầu năm 1928 Hội đã trở thành một cột trụ trong phong trào kháng chiến ở Việt Nam. Tổ chức này mở rộng mạng lưới của mình ở trong nước, tiếp tục thương thảo với những đảng quốc gia không cộng sản để hình thành một mặt trận thống nhất chống lại chế độ thực dân Pháp. Tuy nhiên, những cuộc thương lượng với những nhóm quốc gia khác kéo dài do ngờ vực lẫn nhau, khó khăn nảy sinh do hội kiên quyết yêu cầu tất cả các đảng phái khác phải chấp nhận sự lãnh đạo của hội. Tháng 12-1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập do những người quốc gia cấp tiến ở Hà Nội. Dù đảng mới này có tên giống với tổ chức lưu vong do Phan Bội Châu lập ra ở Trung Hoa đã suy tàn. Đảng này là phe phái khác, thu hút giới giáo viên, nhà báo trẻ tuổi ở Bắc Kỳ và bắc Trung Kỳ. Sau khi thành lập được vài tháng, Việt Nam Quốc Dân Đảng thương thảo với Hội. Thậm chí có lần Việt Nam Quốc Dân Đảng cử người tới Xiêm hội đàm, nhưng đại diện của Hội không tới chỗ hẹn. Vì hai bên có nhiều khác biệt lớn về ý thức hệ: giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng lấy “chủ nghĩa tam dân” của Tôn Dật Tiên làm cương lĩnh, không chấp nhận chủ nghĩa Marxist về đấu tranh giai cấp. Khác biệt nữa là về mức độ chiến thuật, giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương duy trì hoạt động tổ chức của mình ở trong nước. Kết quả, cuộc đấu tranh giữa hai phe nhóm nhanh chóng trở nên khốc liệt.[17]
Ngoại trừ những khó khăn để có được một quan điểm chung với các tổ chức khác chống Pháp ở trong nước, trong nội bộ Hội bắt đầu có sự rạn nứt. Dù Hội đã nhanh chóng trở thành lực lượng năng động nhất trong phong trào dân tộc chủ nghĩa Việt Nam, thu hút nhiều hội viên mới từ khắp ba miền Việt Nam cũng như Việt Kiều hải ngoại, nhưng có sự bất hòa trong nội bộ. Hội được xây dựng theo hai xu hướng cạnh tranh nhau, được Nguyễn Ái Quốc - người sáng lập, đã khôn khéo sắp đặt. Dù khát khao độc lập dân tộc, giới lãnh đạo Hội do Nguyễn Ái Quốc cầm cương, lại tận tâm phục vụ cho mục tiêu quốc tế của chủ nghĩa Marx - Lenin. Theo quan điểm Marxist, mâu thuẫn cơ bản trong thế giới hiện đại là sự bất bình đẳng giai cấp trong xã hội, giữa nhân dân bị áp bức và những kẻ bóc lột. Song tuyên truyền của Hội lại tập trung vào vấn đề độc lập dân tộc, thực tế do nhiều hội viên cựu trào của Hội đã từ những đảng phái dân tộc chủ nghĩa khác chuyển sang.
Nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc phù hợp với Luận Cương của Lenin kết hợp song song hai vấn đề chủ nghĩa dân tộc và đấu tranh giai cấp trong hoàn cảnh Đông Dương, tiếp tục thể hiện trong ban lãnh đạo ngay sau khi ông rời Quảng Đông vào mùa xuân 1927. Một số đàn em của ông, chẳng hạn Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn - cựu trào của Tâm Tâm Xã, trở thành những người Marxist, trong khi những người khác, như vị cựu trào dân tộc chủ nghĩa Lâm Đức Thụ lại không phải như vậy. Sự đổ vỡ này tăng lên thấy rõ vào mùa xuân 1928, khi Hội tổ chức một cuộc họp không chính thức tại nhà Lâm Đức Thụ ở Hong Kong. Tại cuộc họp, Thụ chiếm quyền lãnh đạo Hội và ra sức hô hào chủ nghĩa dân tộc đánh bại cách mạng xã hội chủ nghĩa.[18]
Suốt ba năm đầu kể từ ngày Hội ra đời, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa quốc gia và cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra không ngừng. Nhưng sau cuộc họp ở Hong Kong, kết quả sự xung đột đã phá vỡ Hội.
Trước hết, sự bất mãn trong nội bộ nhóm Bắc Kỳ do Trần Văn Cung cầm đầu. Sinh ở Nghệ An, cựu đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng, từng tham gia khởi nghĩa Quảng Châu tháng 12-1927, từng ngồi tù ở Trung Hoa. Trần Văn Cung dự cuộc họp tại nhà Lâm Đức Thụ ở Hong Kong, hết sức buồn nản về ý thức hệ non kém trong đường lối do giới lãnh đạo mới đề ra. Ông không tin có thể bàn về độc lập dân tộc, về lòng yêu nước và hy vọng tranh thủ được sự ủng hộ của nông dân nghèo và công nhân. Ông thấy phải nhấn mạnh quyền lợi kinh tế thực sự của họ. Luận điểm của Cung không được hội nghị đón nhận. Trên đường về Hà Nội, ông thuyết phục những uỷ viên xứ uỷ Bắc Kỳ theo quan điểm của ông và bắt đầu vạch kế hoạch đối phó.[19]
Một lý do để họ quan tâm là thành phần hội viên tổ chức. Theo quan điểm của Cung, hội chưa tìm cách kết nạp hội viên từ tầng lớp vô sản của nền công nghiệp tuy nhỏ bé nhưng đang phát triển. Tôn Đức Thắng - người tổ chức hội đoàn công nhân - là một trường hợp ngoại lệ. Sau khi làm thợ máy trong hải quân Pháp Thế chiến I, ông trở lại Đông Dương xây dựng một công đoàn trong đám công nhân đóng tàu tại Sài Gòn và một vài công đoàn “đỏ” được thành lập trong những nhà máy ở nhiều thành phố nằm ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, rất ít công nhân được kết nạp vào công đoàn. Việc kếp nạp hội viên tiếp tục dựa vào điều kiện trước tiên là những thành viên tích cực trong đám sinh viên từ Trung Quốc hồi hương - đa số xuất thân từ gia đình Nho giáo - những người này truyền bá sự ủng hộ phong trào trong bạn bè và người thân.[20]
Tương tự, có rất ít những hoạt động của Hội ở nông thôn, mặc dù một số nông hội được thành lập năm 1928. Dù những cuộc bạo động chống Pháp xảy ra ở nông thôn kể từ khi người Pháp xâm lược cuối thế kỷ trước, Hội không có một nỗ lực nào để xây dựng một căn cứ nằm ngoài thành phố. Đa số hội viên của Hội, (mật thám dự đoán 90 phần trăm), xuất thân từ thành phần tiểu tư sản.
Lý do thứ hai Trần Văn Cung và các đồng chí của ông bất đồng do thái độ trì hoãn của lãnh đạo hội thành lập Đảng cộng sản, một quyết định hoàn toàn cần thiết để giữ vững nền tảng tư tưởng của phong trào cách mạng Việt Nam. Trần Văn Cung cho biết, khi ông đứng lên tranh cãi tại cuộc họp tháng 5-1928 ở Hong Kong, Lâm Đức Thụ đã gạt phắt lời ông bằng một câu cụt lủn: “Chúng ta phải chờ đợi”.
Những bất đồng gay gắt có lẽ bắt đầu xuất hiện trước khi Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản tổ chức ở Moscow mùa hè năm 1928. Đại hội như thế này - Nguyễn Ái Quốc đã tham dự hội nghị đầu tiên năm 1924 - làm tăng thêm khiếu nại với những quyết định Moscow đưa ra đánh dấu sự chuyển hướng cơ bản trong chiến lược toàn cầu của cộng sản quốc tế. Bị thất vọng trước những sự kiện mới đây ở Trung Hoa, nơi mà khối liên minh Leninist giữa những người theo chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc bằng một cuộc tàn sát đẫm máu các đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Do sức ép những vấn đề chính trị trong nước đưa đến đường lối tả khuynh trong đối nội, Joseph Stalin, (lúc này đang bận rộn chống Lev Trotsky để giành quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Liên Xô), đã ép các đại biểu dự Hội nghị phải từ bỏ chiến lược mặt trận thống nhất quốc tế mà Đại hội II của Quốc tế Cộng sản đưa ra tám năm trước. Đảng cộng sản ở các nước thuộc địa được chỉ thị phải từ bỏ liên minh với những đảng phái tư sản dân tộc chủ nghĩa ở những nước mà giai cấp tư sản bản xứ đã từ bỏ cách mạng và không còn được tin tưởng là đồng minh của giai cấp vô sản. Hơn nữa, chính bản thân đảng cộng sản cũng phải tự thanh lọc những phần tử tiểu tư sản không tin cậy và phải “Bolsevich hoá”. Trên thực tế, có nghĩa là đại diện tầng lớp lao động trong tất cả những tổ chức cộng sản phải được tăng lên và những cuộc chỉnh lý Đảng phải bắt đầu loại bỏ những phần tử không trong sạch. Đảng viên xuất thân từ tầng lớp trung lưu phải chịu đựng thử thách quá trình “vô sản hoá” (thường hiểu một cách văn vẻ, mặc quần áo công nhân vào nhà máy làm việc) để tăng thêm nhận thức quan điểm vô sản.[21]
Dưới sức ép của Stalin, Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản tuyên bố sẽ mở ra một làn sóng cách mạng mới, khi sự bất ổn kinh tế ở châu Âu làm tăng suy thoái mới của thế giới. Các tổ chức cộng sản và tiền - cộng sản toàn thế giới được chỉ thị phải làm hết sức, không những tăng khả năng của chính họ để đáp ứng với mức độ bất mãn trong xã hội tăng lên mà còn phải khuyến khích tăng cường nhận thức cách mạng bằng cách khởi xướng đình công, các cuộc biểu tình trong giới công nhân và nông dân nghèo và phải thành lập các chi bộ đảng trong nhà máy, trường học và nông thôn, tất cả để chuẩn bị cho cách mạng bùng nổ trong tương lai.
Vì chưa phải là một Đảng cộng sản, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng không có đại diện chính thức tại Đại hội VI, nhưng có ba người Việt Nam tham dự Hội nghị dưới danh nghĩa đại biểu Đảng cộng sản Pháp. Một trong ba người này là Nguyễn Văn Tạo, quê Nghệ An, từng bị đuổi học tại Sài Gòn vì hoạt động tích cực trong thời gian giữa thập niên 1920 và sau đó bí mật sang Pháp. Dự Đại hội với tên An, Nguyễn Văn Tạo đã đọc một bài diễn văn quan trọng. Tạo lý luận, mặc dù một số người cảm thấy Việt Nam chưa sẵn sàng cho một Đảng cộng sản, nhưng thực sự đã có một giai cấp vô sản tuy nhỏ bé nhưng đang phát triển và việc có một Đảng cộng sản là nhu cầu bức thiết, vì giai cấp tư sản địa phương không có khả năng lãnh đạo cách mạng. Trên thực tế, những tổ chức “cải cách dân tộc chủ nghĩa” như Đảng Lập Hiến và Đảng An Nam Độc lập do Nguyễn Thế Truyền, (đồng sự một thời của Nguyễn Ái Quốc), lập ra ở Paris là “hoàn toàn nguy hiểm” trong cuộc tranh cãi về việc Pháp rút lui hoà bình khỏi Đông Dương. Một tình huống như thế có thể làm giảm sự ủng hộ của dân chúng đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thực thụ. Sau khi Đại hội VI kết thúc, Quốc tế Cộng sản gửi một bản hướng dẫn bí mật cho Hội, thông qua Đảng cộng sản Pháp cung cấp thêm những chỉ dẫn cụ thể cho những hoạt động trong tương lai.[22]
Những quyết định của Đại hội VI về tới Việt Nam vào cuối năm làm tăng thêm tranh cãi và nhóm cấp tiến Bắc Kỳ có động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển đổi Hội thành một Đảng cộng sản. Người lãnh đạo công khai của nhóm là Trần Văn Cung - tự tin bằng kinh nghiệm của mình từng làm công nhân trong nhà máy - cho rằng những khẩu hiệu yêu nước mơ hồ không thuyết phục nổi những công nhân thành thị ủng hộ Hội. Tổ chức này phải nhấn mạnh những vấn đề quan trọng thiết yếu cho công nhân như đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn, giảm giờ làm việc - để giành sự ủng hộ vững chắc của giới cần lao. Ông cảm thấy điều này lẽ ra được làm mà không cần phải chuyển đổi Hội thành một Đảng cộng sản chính danh.
Sự tranh cãi xảy ra ngay lúc bắt đầu Đại hội chính thức đầu tiên của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Hội họp ở Hong Kong vào tháng 5-1929. Bảy mươi đại biểu tại Hội nghị, đại diện cho 1.200 hội viên gồm 800 ở Bắc Kỳ, 200 ở Trung Kỳ và 200 ở Nam Kỳ. Vừa tới nơi, Trần Văn Cung gặp Lê Hồng Sơn đề nghị giải tán Hội và thay thế bằng một đảng cộng sản. Lê Hồng Sơn không chống bản dự thảo một cách mạnh mẽ. Là hội viên của nhóm cộng sản trong nước của Nguyễn Ái Quốc từ khi Hội mới hình thành, một trong những gương mặt sừng sỏ của phong trào, Sơn chắc chắn tận tâm với việc tất yếu chuyển đổi Hội thành một tổ chức Marxist - Leninist đúng nghĩa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Lê Hồng Sơn cảm thấy hội nghị chưa chín mùi để ra một quyết định như thế. Thứ nhất, như ông nói chuyện riêng với Trần Văn Cung, nhiều đại biểu tại hội nghị khá ngây thơ về chính trị hoặc chưa đủ năng lực để trở thành những đảng viên chân chính của đảng mới. Thứ hai, việc hình thành một Đảng cộng sản tại Hội nghị này ở Hong Kong hiển nhiên sẽ thu hút sự chú ý của chính quyền Trung Hoa ở tỉnh Quảng Đông liền kề và sẽ khuyến khích họ tăng thêm biện pháp đàn áp Hội. Lê Hồng Sơn khuyên nên thận trọng, từ từ và kín đáo chuyển hội thành một tổ chức sao cho có thể thực hiện có hiệu quả qua những chỉ thị của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản.[23]
Tuy nhiên, Trần Văn Cung là người cứng đầu, vẫn quyết định đem ra tranh luận tại Hội nghị toàn thể. Khi ông và những đại biểu Bắc Kỳ chính thức đưa dự thảo của họ ra trước khi họp, gặp phải một người chống đối quyết liệt - đó là Lâm Đức Thụ - Chủ tịch Hội, quyết liệt chống đối việc lập Đảng cộng sản, bác bỏ bản dự thảo ngay lập tức. Trong cơn giận dữ, Trần Văn Cung và tất cả thành viên đoàn đại biểu bỏ Hội nghị, chỉ để một người ở lại, tuyên bố quyết định thành lập đảng mới gồm những hội viên của họ ở Việt Nam. Ngay sau khi trở về Hà Nội, họ thành lập một tổ chức mới mang tên Đông Dương Cộng sản Đảng, bắt đầu cạnh tranh với Hội trong việc thu nạp những thành viên mới, coi Hội chỉ gồm “những nhà cách mạng giả hiệu”, những người “chưa bao giờ cố gắng cống hiến cho quần chúng vô sản hoặc trung thành với Quốc tế Cộng sản”.[24]
Trong khi đó, các đại biểu còn lại tại Hội nghị cố gắng giải quyết sự chia rẽ đau buồn. Phần đông đại biểu đồng ý về nguyên tắc với dự thảo của Trần Văn Cung, nhưng không dám phát biểu chống lại đồng sự cựu trào Lâm Đức Thụ. Sau khi những đại biểu Bắc Kỳ bỏ về, Hội nghị dự thảo chương trình hành động và một quyết nghị thành lập Đảng cộng sản Đông Dương. Việc thành lập Đảng cộng sản ở Đông Dương, lúc này chưa chín mùi do sự yếu kém của giai cấp công nhân Việt Nam và sự thiếu hiểu biết về lý luận cách mạng. Sau khi thông qua nghị quyết, các đại biểu chính thức yêu cầu Quốc tế Cộng sản công nhận và kết thúc Hội nghị.[25]
Cuộc tranh luận nhanh chóng chuyển từ chỉ trích sang xuẩn ngốc. Nhiều tháng sau hội nghị, Đông Dương Cộng sản Đảng bắt đầu lôi kéo các hội viên bỏ Hội, ép buộc ban lãnh đạo ở Hong Kong phải tự nhận đã có sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật, không ủng hộ Đảng cộng sản trong hàng ngũ hội viên trong nước. Tháng 8-1929, Hồ Tùng Mậu, Lê Quang Đạt được nhà tù Quảng Đông phóng thích, họ trở lại Hong Kong. Được Lê Hồng Sơn tán thành, quyết định lập một đảng cộng sản bí mật riêng nằm trong khuôn khổ Hội - An Nam Cộng sản Đảng, gồm những hội viên tiến bộ nhất của tổ chức. Ban điều hành được trao cho một “chi nhánh đặc biệt” gồm Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Quang Đạt và hai người khác. Vì không tin Lâm Đức Thụ, nên ông không được hỏi ý kiến.[26]
Những chi bộ đầu tiên của đảng mới được thành lập ở Nam Kỳ tháng 8-1929, dù với cái tên như thế, An Nam Cộng sản Đảng tích cực tuyển mộ đảng viên khắp nơi. Nhưng rạn nứt nội bộ phong trào vẫn chưa được hàn gắn. Cũng trong tháng Tám, Hồ Tùng Mậu gửi một bức thư cho Trần Văn Cung và giới lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng đề nghị đại biểu của cả hai đảng mới thành lập nên gặp nhau ở Quảng Châu thảo luận việc hợp nhất. Nhưng giới lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng khinh thường trả lời”rất bận” nên không tham dự. Thất vọng, Hồ Tùng Mậu đề nghị Quốc tế Cộng sản tìm cách nào để tạo ra một Đảng cộng sản thống nhất:
Nếu không chú ý đến việc hình thành một Đảng cộng sản thống nhất ngay lập tức, tôi e rằng chúng tôi sẽ biến thành hai Đảng riêng rẽ, đảng ở Bắc Kỳ và đảng ở Nam Kỳ. Cùng một lúc có hai đảng trong một nước, điều này sẽ khó đạt được sự thống nhất. Giờ đây chúng tôi phải trông cậy vào Quốc tế Cộng sản để giải quyết vấn đề trên như thế nào? Giá như chúng tôi tự giải quyết việc đó thì tốt biết mấy?[27]
Những đảng viên cấp tiến Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ lúc này lại tăng thêm rắc rối bằng một hành động kỳ quặc. Trong một cố gắng tuyệt vọng để bảo vệ chính những người ủng hộ họ, nhiều người đã chạy sang phía đối thủ, họ đã đổi tên tổ chức của mình thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Như thế, cùng lúc ba đảng cộng sản ganh đua nhau ở Đông Dương thuộc Pháp cộng thêm Hội, dù gần như tan rã. Lê Hồng Sơn, vẫn còn ở Hong Kong, nghe tin Nguyễn Ái Quốc đang ở Phichit, Xiêm La. Là người sáng lập Hội và là người lãnh đạo có uy tín nhất, Quốc có thể dùng tài thương lượng xuất chúng giải quyết vấn đề này. Không thông báo cho Lâm Đức Thụ, Sơn cử Lê Duy Diễm - cộng sự của ông - tới Xiêm tìm Nguyễn Ái Quốc và đề nghị Quốc trở về Hong Kong để tháo gỡ mối bòng bong. Diễm lên đường vào cuối tháng 8-1929.[28]
Phản ứng của Moscow trước những sự kiện rối ren xảy ra ở Việt Nam có thể đoán trước được. Ngày 27-10, Moscow gửi một chỉ thị tới giới lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng, nghiêm khắc phê phán việc họ không ngăn cản sự tan rã của những lực lượng cách mạng Việt Nam chia thành ba phái đối lập. Sự yếu kém của một đảng thống nhất tại thời điểm nhiều hứa hẹn này, bản chỉ thị viết, là một nguy hiểm nghiêm trọng đến sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản và là “hoàn toàn sai lầm”. Bản chỉ thị của Quốc tế Cộng sản công khai ủng hộ phe Trần Văn Cung ở Hà Nội, khẳng định những điều kiện khách quan cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang có mặt ở Việt Nam và “sự vắng mặt của một đảng cộng sản giữa thời điểm phát triển của phong trào công nhân và nhân dân đang trở nên hết sức nguy hiểm cho tương lai trước mắt của cách mạng ở Đông Dương”. Hội bị chỉ trích vì “tính do dự và sự thờ ơ” và vì không cố gắng lôi kéo công nhân Việt Nam. Cuối cùng, Moscow kết luận”nhiệm vụ quan trọng và bức thiết nhất của tất cả những người cộng sản ở Đông Dương là phải hình thành một đảng cách mạng mang đặc tính giai cấp vô sản, đó là Đảng cộng sản ở Đông Dương”. Để giải quyết tức khắc tình trạng này, bản chỉ thị đề nghị mở hội nghị thống nhất được triệu tập dưới sự điều khiển của đại diện Quốc tế Cộng sản, người được cử tới làm người trung gian hòa giải.[29]
Phản ứng tức thời và mạnh mẽ của Moscow có thể do nhiều sự kiện xảy ra trong thế giới tư bản, nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế vì ngân hàng ở Áo phá sản, đang tăng lên trong thời gian gần đây. Tin tức về sự sụp đổ bất ngờ thị trường chứng khoán New York lan tới Liên Xô, khiến giới lãnh đạo Xô viết tin rằng sự sụp đổ tài chính của hệ thống tư bản mà họ tiên đoán từ lâu, cuối cùng cũng sắp xảy ra.
Suốt những tháng cuối năm 1929, ba phái tiếp tục tranh cãi nhau, đồng thời cạnh tranh lôi kéo những người ủng hộ và mạt sát nhau bằng từ “Menshevik” - đối thủ ôn hoà trong nội bộ phong trào cách mạng Nga trước khi nổ ra Cách mạng tháng Mười. Một bức thư của nhóm Cung nói, An Nam Cộng sản Đảng và Hội là những tổ chức phản động, phải bị giải thể và sát nhập với Đông Dương Cộng sản Đảng. Nếu Quốc tế Cộng sản khăng khăng thống nhất phong trào, giới lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng sẽ đồng ý làm việc đó, nhưng sẽ vạch ra những khó khăn nảy sinh. Từ Hong Kong, Hồ Tùng Mậu, thay mặt An Nam Cộng sản Đảng, cố xoa dịu đối thủ của mình, tranh luận rằng toàn thể hội viên của Hội mùa xuân 1929 quá hỗn độn và phức tạp nên không thể lập ra Đảng cộng sản. Nhiều hội viên thiếu những phẩm chất cách mạng trong khi đòi hỏi người cộng sản phải tốt, nên việc đề nghị thành lập một đảng cộng sản vào lúc đó là điên rồ. Nếu chỉ đơn giản thành lập một đảng cộng sản bí mật rồi gắn nhãn “Bolsevich”, ông cảnh báo, đó chỉ là hội cũ dưới cái tên mới.
Nhưng Đông Dương Cộng sản Đảng không dễ gì thoả hiệp. Đầu tháng 10-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng lặp lại yêu cầu đòi Hồ Tùng Mậu phải giải tán Hội. Cung và các đồng chí của ông cho biết không có ai tại Hội nghị tháng Năm vừa rồi muốn thành lập một đảng bí mật ngoài họ ra. Bản dự thảo của họ viết,”để ghi dấu trong lịch sử cách mạng, Hội Thanh niên Cách mạng không phải là tổ chức cộng sản, và để quần chúng thấy rõ sự khác nhau giữa Hội và những người cộng sản thật sự”. Khi hội nghị bác bỏ dự thảo, họ đã quyết định từ bỏ Hội và thành lập một tổ chức của riêng mình. Với trách nhiệm tìm cách giải quyết đổ vỡ, Cung đề nghị bất cứ cá nhân nào có phẩm chất cách mạng thích đáng có thể gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng, những người khác phải chờ và phải được thử thách. Ông cũng nói Đông Dương Cộng sản Đảng sẵn lòng cộng tác với Việt Nam Quốc Dân Đảng trên nền tảng tạm thời, nhưng coi nó là một tổ chức chủ nghĩa quốc gia thuần tuý. Sự cộng tác có thể làm được với điều kiện duy nhất, Việt Nam Quốc Dân Đảng không chống đối sự cố gắng của Đông Dương Cộng sản Đảng lôi kéo đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vào đảng của mình. Khả năng Nguyễn Ái Quốc có thể trở lại Hong Kong lo toan việc thống nhất, “Nếu Nguyễn Ái Quốc trở lại,” Cung tuyên bố một cách bí hiểm, “chúng tôi sẽ theo ông ta giống như theo các anh”.[30]
Cuối tháng 10-1929, theo đề nghị của Hồ Tùng Mậu, Đông Dương Cộng sản Đảng cử Đỗ Ngọc Dzu làm đại diện, đến Hong Kong gặp giới lãnh đạo An Nam Cộng sản đảng cố gắng giải quyết bất đồng, không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Nhưng Dzu, dường như hành động cứng nhắc theo chỉ thị, vẫn khăng khăng việc thống nhất diễn ra chỉ khi nào An Nam Cộng sản Đảng phải giải tán trước, sau đó những đảng viên ấy có thể xin gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo từng cá nhân. Chẳng ngạc nhiên, khi đại diện An Nam Cộng sản Đảng bác bỏ đề nghị này.[31]
Trong khi cuộc tranh luận đang tiếp diễn, giới lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng ở Hong Kong mong đợi cuộc đi thăm của viên thanh tra mà Quốc tế Cộng sản đã đề cập trong bức thư ngày 27-10. Họ nhận được thông tin qua thư của một đồng sự ở Moscow, yêu cầu của họ để được công nhận vào Quốc tế Cộng sản sẽ không được chấp thuận chừng nào việc thanh tra chưa hoàn thành. Sự thật Dalburo đã mở một chi nhánh mới ở Thượng Hải, đó là Văn phòng Viễn Đông (Far Eastern Bureau - FEB) vào mùa thu năm 1928, ngay sau đó quyết định hình thành một tổ chức mới chỉ huy những tổ chức cộng sản khác nhau trong khu vực. Tổ chức mới này có tên Liên đoàn Những nhóm Cộng sản Insulinde, có trụ sở đặt tại Singapore. Tất cả những tổ chức cộng sản nào ở châu Á chưa được tổ chức thành Đảng Quốc gia - những tổ chức non trẻ ở Đông Nam Á, kể cả Đông Dương - phải đặt dưới sự điều khiển của tổ chức này và chính tổ chức này được chỉ đạo trực tiếp từ “Ban thư ký nhân dân bị áp bức phương Đông” thuộc Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải. Hình như, giới lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng cũng nhận thức được kế hoạch này vào khoảng mùa Thu. Thư Hồ Tùng Mậu viết giữa tháng 11 cho biết, một đại diện Trung Quốc, đang trên đường từ Singapore tới Thượng Hải để thảo luận, dừng lại ở Hong Kong ngày 2-11 và đã nói với họ về dự án. Tuy nhiên phía Việt Nam chẳng vui gì về ý tưởng đó. Đảng cộng sản Nam Dương được lập ra ở Singapore giữa thập niên 1920 và xem ra đã chỉ đạo văn phòng khu vực mới thành lập ở đó, gồm chủ yếu Hoa Kiều ở Singapore và dưới sự giám sát chung của trụ sở Đảng cộng sản Trung Quốc ở Thượng Hải. Như thế, theo hiệu lực, phong trào cách mạng Việt Nam có lẽ dưới quyền chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo quan điểm của các đồng chí Việt Nam, những người cách mạng Trung Hoa có xu hướng chú trọng riêng vào những đối tượng của chính họ và thường áp đặt quan điểm của họ đối với những hoạt động của các dân tộc khác. Lê Hồng Sơn cử Lê Quang Đạt tới Thượng Hải để tranh luận về trường hợp An Nam Cộng sản Đảng mang danh là một đảng quốc gia trực tiếp dưới quyền Văn phòng Viễn Đông.[32]
Ngày 16-12-1929, Hồ Tùng Mậu và một đồng chí của ông gặp đại diện Quốc tế Cộng sản vừa tới Hong Kong trong chuyến đi thanh tra tất cả những tổ chức cộng sản trong khu vực. Vị đại diện này khuyên Hồ Tùng Mậu, Hội Thanh niên Cách mạng (hoặc người thừa kế là An Nam Cộng sản đảng), Đông Dương Cộng sản Đảng và Liên đoàn Cộng sản Đông Dương chẳng có ai xứng đáng là “cộng sản” cả và cũng chẳng được Quốc tế Cộng sản chính thức công nhận. Từ nay cho tới khi thành lập một đảng thống nhất, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ chỉ đạo tất cả những nhóm Marxist ở Đông Dương.[33]
Tại Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đã biết tin rạn nứt trong nội bộ Hội từ hai đại biểu tham dự Hội nghị tháng 5-1929, và tháng 9-1929. Ông viết thư gửi tới giới lãnh đạo mới của Đông Dương Cộng sản Đảng, thẳng thừng tuyên bố, không tin bất cứ ai, trừ những người cộng sản chân chính. Ông cho rằng họ có thể thể hiện những cử chỉ đẹp, muốn được Quốc tế Cộng sản công nhận, ông mời họ cử đại diện tới cuộc họp vào năm 1930 ở Vladivostok. Giới lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng, nhận thư này qua một Việt Kiều ở Xiêm và đã đọc to trong một cuộc họp của đảng ở Hà Nội nhưng chẳng đưa ra quyết định gì. Quốc hai lần định về Việt Nam, nhưng không thể qua nổi biên giới do sự kiểm tra ngặt nghèo của cảnh sát. Ông chuẩn bị thử lần thứ ba thì một đồng sự của ông vừa từ Hong Kong về - có thể Lê Duy Diễm - thông báo cho ông biết tình hình khẩn cấp. Quốc ngay lập tức đến Bangkok, đáp tàu thuỷ tới Quảng Châu.[34]
Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu ngày 20-1-1930, sống ở khách sạn, viết thư cho các đồng chí ở Hong Kong, đề nghị gặp ông ở Quảng Châu. Có lẽ, ông sợ cảnh sát Anh canh phòng cẩn mật ở biên giới bắt giam. Tuy nhiên, họ cam đoan với ông họp ở Hong Kong an toàn hơn, vì nhà cầm quyền Anh ở đây tương đối khoan dung những hoạt động của những người nước ngoài cư trú chừng nào họ còn giữ được sự ổn định thuộc địa hoàng gia. Hoàn cảnh sinh sống ở Hong Kong nói chung tốt hơn ở Trung Hoa, người Trung Quốc chiếm đa số ở đây sống hiền lành, cho dù có những cuộc đình công của thợ thuyền đã nổ ra vài lần trong thập niên 1920. Hồ Tùng Mậu cử một người tới Quảng Châu để tháp tùng Quốc trở lại Hong Kong bằng tầu hoả, ông tạm trú tại khách sạn ở Cửu Long.[35]
Vừa đến Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc lập tức tới chỗ ở của Lê Hồng Sơn để làm quen với tình hình và thảo luận với Mậu cùng những hội viên khác. Ông phê bình họ không gần gũi quần chúng, không tiên đoán được sự rạn nứt, điều mà ông coi là “trẻ con”. Ông cũng liên lạc với Trụ sở Đảng cộng sản Trung Quốc tại đây. Sau đó ông mời đại diện của ba phái đang gầm ghè nhau ở Đông Dương tới Hong Kong để chuẩn bị cho việc sát nhập ba nhóm thành một đảng mới.[36]
Cuối tháng 1-1930, đại diện An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng ở Đông Dương đã tới Hong Kong. Đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã rời Đông Dương bằng tầu thuỷ, nhưng bị bắt trên đường đi do bị tình nghi đánh bạc. Ngày 3-2-1930, hội nghị nhóm họp tại căn nhà nhỏ trong khu lao động ở Cửu Long. Những phiên họp sau này phải chuyển đi chuyển lại tới nhiều địa điểm khác nhau, kể cả trong sân xem bóng đá ở Cửu Long. An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng mỗi bên có hai đại biểu. Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu dự hội nghị với tư cách đại diện của Hội Thanh niên Cách mạng cũ ở Hong Kong.[37]
Những người tham dự cho biết, một thoả thuận đã đạt được dễ dàng đến kinh ngạc. Nguyễn Ái Quốc khai mạc cuộc họp bằng cách tự giới thiệu bản thân rồi thuyết trình một cách nhẹ nhàng, khiển trách những đại biểu đã để xảy ra sự rạn vỡ. Ông quy trách nhiệm gây ra rạn nứt cho cả hai bên, nhấn mạnh vấn đề trọng yếu lúc này là khôi phục sự thống nhất của phong trào. Việc đó nhanh chóng sẽ trở thành một bằng chứng những khác biệt hiện thời giữa những thành viên của hai phái chỉ do những tự ái cá nhân, tính khí từng miền hơn là do khác biệt về tư tưởng. Những thành viên Bắc Kỳ và Nam Kỳ nghi ngờ nhau về phẩm chất cách mạng chân chính - người Bắc Kỳ thường chê người Nam Kỳ lười biếng và dễ dãi, trong khi người Nam Kỳ chỉ trích người Bắc Kỳ nghèo và cố chấp - nhưng cả hai bên đều không hài lòng về giới lãnh đạo do những thành viên đồng hương Nghệ An của Nguyễn Ái Quốc chiếm giữ. Với giới lãnh đạo An Nam Cộng sản Đảng, sau khi bị Moscow phê bình trong bức thư gửi hồi tháng Mười, lúc này thấy cần thành lập một Đảng cộng sản chính danh. Vấn đề duy nhất còn tranh cãi, giải quyết như thế nào để kết thúc rạn nứt và hoà nhập các phe phái, kể cả Đông Dương Cộng sản Liên đoàn hiện vắng mặt, thành một đảng duy nhất trong những điều khoản thoả đáng giữa các bên. Vị thế của Nguyễn Ái Quốc là đại diện Quốc tế Cộng sản tạo thuận lợi cho ông. Ông cho rằng cách giải quyết đơn giản nhất, chấm dứt mọi sự lôi kéo người của đảng này sang đảng khác, cũng không sát nhập mà giải tán cả hai đảng, lập ra một tổ chức mới, có cương lĩnh mới, có quy chế mới. Tất cả những ai tán thành mục đích và đạt những tiêu chuẩn có thể được kết nạp thành đảng viên. Tất cả đại biểu chấp thuận bản dự thảo một cách nhanh chóng hầu như không có căng thẳng.[38]
Điểm duy nhất còn bất đồng là tên gọi của đảng mới. Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ đến điều này trước khi nhóm họp hội nghị. Trong bản ghi chép riêng của mình ngày 6-1, ông đã liệt kê năm điểm chính mang đến hội nghị. Tên gọi mới của đảng. Tại cuộc họp, ông bám sát ý kiến của mình, cho rằng dùng tên những đảng hiện thời đang tồn tại là không xứng đáng, bởi vì “Đông Dương” ngụ ý tất cả Đông Nam Á, còn “Annam,” đó là tên Trung Quốc nghĩa là “vùng phía nam thái bình,” hiện được người Pháp sử dụng cho chế độ bảo hộ của họ ở Trung Kỳ. Ông đề nghị một đảng mới phải có một tên mới “Đảng cộng sản Việt Nam”. Quốc đã xác định sự thuận lợi trước khi nhóm họp hội nghị. Việt Nam không những là tên chính thức của đất nước dưới thời triều Nguyễn độc lập vào thế kỷ XIX, mà còn gợi lên hình ảnh quốc gia đầu tiên Nam Việt từng hình thành ở châu thổ sông Hồng trước thời Bắc thuộc ở nửa sau thế kỷ thứ II trước công nguyên. Tên này được thông qua tức thì.[39]
Những vấn đề hóc búa nhất đã giải quyết xong, những tranh luận còn lại cũng dễ dàng được giải quyết. Những phiên họp sau, diễn ra “trong bầu không khí thống nhất và thân ái”, đã thảo ra chương trình hành động, điều lệ và quy chế của đảng mới. Nguyễn Ái Quốc đã được xem bản báo cáo tóm tắt kết quả Đại hội VI Quốc tế Cộng sản và ít ra cũng lĩnh hội tổng quát những thay đổi về đường lối chung của phong trào tại thời gian ấy. Nhưng, hình như ông vẫn chưa nhận được bản sao bài phê bình rất dài về Chương trình Hội Thanh niên Cách mạng 1929 vừa được viết tại trụ sở Quốc tế Cộng sản ở Moscow. Những giải pháp cần giải quyết ngay của Đảng cộng sản Đông Dương (“Tâches immédiates des Communistes indochinoises,”) hình như được viết vào khoảng tháng 12-1929, gửi đến Đảng cộng sản Pháp ở Paris, không biết vì lý do nào đó không đến hội ở Hong Kong. Lê Hồng Phong, một trong những người đồng sáng lập Hội lúc đó đang học tập tại Liên Xô, đã có một bản sao ở Moscow, gửi nó cho một đồng sự ở Nam Kỳ. Thật không may, bản sao tới tay người nhận thì hội nghị thống nhất đã kết thúc.[40]
Quốc tế Cộng sản phê bình chương trình của Hội mơ hồ. Dù họ thừa nhận, cuộc cách mạng ở Việt Nam lúc này chỉ là cách mạng dân chủ tư sản, cuộc cách mạng sống còn mà giai cấp công nhân đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc đấu tranh. Để xác lập ưu thế đối với phong trào, Đảng cộng sản tương lai phải chiến đấu với tất cả những ảnh hưởng “cải cách dân tộc chủ nghĩa” đang mạnh mẽ - Đảng Lập Hiến - và theo đuổi lợi ích từ những bộ phận trong giai cấp tư sản dân tộc. Tài liệu này cũng phê bình cách tiếp cận chương trình về cách mạng hai thời kỳ của Lenin. Liên quan tới lý thuyết tham gia chính quyền trong từng thời kỳ, tài liệu cho rằng lý thuyết này “là một dạng của chủ nghĩa cải lương và không phải là chủ nghĩa cộng sản, vì không thể tiên đoán được sự tồn tại những gia đoạn trong phong trào cách mạng trải qua từ một thành công nhỏ nhất tới việc tấn công trực tiếp vào chế độ”, Việc tiếp cận như thế, “trên thực tế chỉ là đặt cái phanh (thắng) vào những hành động của quần chúng và làm cho quần chúng yếu đi, thay vì khuyến khích họ”. Tài liệu vạch ra, trong mọi tình huống, lý thuyết cách mạng chia thành nhiều giai đoạn sẽ bỏ hướng đấu tranh nằm trong tay một số lượng nhỏ trí thức cộng sản, một kết quả trái ngược với những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Marx. “Đây là quần chúng làm cách mạng và những người cộng sản phải có mặt ở đó để chỉ dẫn, tổ chức và lãnh đạo quần chúng”. Cuối cùng, tài liệu kết luận, không cần chờ đến khi An Nam Cộng sản Đảng được tổ chức hoàn chỉnh trước khi nổ ra một cuộc nổi dậy cách mạng.[41]
Bản dự thảo cương lĩnh tại hội nghị tháng 2-1930 cho thấy, sự chuyển hướng chiến lược được Đại hội VI vào tháng 7-1928 thông qua trước đây đã có một ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng Quốc. Khi bản cương lĩnh nhằm vào số đông dân chúng ở Việt Nam bao gồm công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh sinh viên, “những người anh em” bị áp bức và bóc lột, nó đã xoá hẳn ý tưởng cũ của Quốc về đội tiên phong vô sản - bần cố nông (sẽ đưa đến sự mở rộng giai cấp cách mạng), công khai tuyên bố, tổ chức mới là “đảng của giai cấp vô sản” sẽ đấu tranh để lật đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, chủ nghĩa phong kiến, cũng như giai cấp tư sản phản cách mạng, lập ra một “chính phủ của công nhân - bần cố nông và binh lính”. Chính phủ đó sẽ dần dần đưa đường tới thời kỳ thứ hai, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa của cách mạng.[42]
Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa từ bỏ hoàn toàn việc tiếp cận mặt trận thống nhất mở rộng chủ nghĩa Lenin mà ông đã tán thành trong thời gian sinh hoạt ở Hội. Một tài liệu chiến lược được thông qua tại hội nghị kêu gọi mọi nỗ lực để thu phục sự ủng hộ của trí thức, trung nông, giai cấp tiểu tư sản, cũng như những nhóm dân tộc chủ nghĩa như Thanh Niên Hy Vọng Đảng của Nguyễn An Ninh. Ngay cả phú nông và địa chủ nhỏ có thể đồng hành với sự nghiệp chừng nào họ chưa hoàn toàn phản cách mạng. Chỉ có Đảng Lập Hiến, do Bùi Quang Chiêu lãnh đạo là kẻ phản cách mạng.[43]
Từ những nhận xét trong bức thư ngày 18 tháng 2 gửi Văn phòng Viễn Đông, viết sau khi kết thúc hội nghị vài ngày, Nguyễn Ái Quốc tin rằng tài liệu được thảo ra tại hội nghị thống nhất tuân theo đường lối mới của Quốc tế Cộng sản. Trên thực tế, họ đi chệch khỏi chiến lược mới của Moscow ở một vài điểm, dù Quốc là người trung thành tận tuỵ cho chiến lược chủ nghĩa Lenin ở những nước thuộc địa, Moscow tiếp tục tiến về phía trước. Sự chệch hướng sau này trở thành nguyên nhân chính gây khó dễ cho ông trong những năm sắp tới.
Hội nghị bế mạc, bầu ra một Uỷ ban trung ương lâm thời, sau đó các đại biểu trở về Đông Dương thành lập những đảng bộ địa phương của đảng mới. Vài ngày sau, Nguyễn Ái Quốc tới Thượng Hải. Trước khi lên đường, ông viết cho Lê Quang Đạt, dự định bàn với Văn phòng Viễn Đông về mối quan hệ của họ với đảng mới của Đông Dương. Trong thư ngày 18 tháng 2, ông báo cáo kết quả hội nghị thống nhất cho Hilaire Noulens, sếp mới Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải. Hội - được Quốc miêu tả như là “quả trứng nở ra con chim non cộng sản” - giờ đây chính thức bị giải tán và một đảng mới được thành lập. Đảng có 204 đảng viên ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, 51 ở Nam Kỳ, 15 ở Trung Quốc và 40 ở Xiêm. Những tổ chức quần chúng của học sinh sinh viên, nông dân và công nhân do Hội lập ra và những đảng thừa kế của nó trong thời kỳ cuối thập niên 1920 bây giờ có hơn 3.500 người.[44]
Với việc đảng mới thành lập tháng 2-1930, Nguyễn Ái Quốc sắp chuyển tới một giai đoạn mới của cách mạng ở Việt Nam. Như ông miêu tả trong thư gửi Noulens, Đảng này chỉ là một trong số vài đảng và phe phái ở Việt Nam, bao gồm Đảng Lập Hiến, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (sau này giải tán, phần đông gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam), Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội, và Hội Thanh niên Cách mạng vừa xóa sổ. Ông nói, dù Đảng cộng sản còn non trẻ và nhỏ bé, nhưng là “một đảng được tổ chức tốt nhất và năng động nhất trong tất cả các đảng”. Bây giờ cuộc xung đột giữa hai phái cộng sản chủ yếu đã chấm dứt, ông tin tưởng Đảng cộng sản Việt Nam, được vũ trang bằng đường lối đúng đắn, đoàn kết nội bộ sẽ phát triển nhanh chóng. Thần Bảo Kiếm, vũ khí thế kỷ thứ XV mà người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã sử dụng để giải phóng đồng bào mình khỏi kẻ thù ngoại bang, cuối cùng thanh gương đó nằm trong tay Nguyễn Ái Quốc.
Chú thích:
[1] Vài nguồn tin khẳng định ông đi bằng con đường khác, gia nhập một nhóm dân tị nạn Liên Xô từ Thượng Hải, xuyên thẳng Trung Hoa, qua sa mạc Gobi, lộ trình mà trước đây Mikhail Borodin và đảng của ông đã đi. Xem Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 90-91; “Bốn lăm năm quan hệ Trung-Việt” trang 11 của Guo Ming; Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 75. Giả định này đáng tin cậy, vì “Pinot” báo cáo với “Noel” (cấp trên của mình) đã nhận được thư của Nguyễn Ái Quốc gửi từ Hán Khẩu tháng 6-1927. Nhưng bức thư của Quốc gửi Văn phòng Viễn Đông lại được viết sau khi ông đến Moscow, rõ ràng ông đến Liên Xô qua Vladivostok. Có lẽ ông viết cho Thụ để tung hỏa mù đánh lừa những kẻ săn đuổi. Bức thư gửi Văn phòng Viễn Đông có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Xem thêm Toàn Tập II, Tập II, trang 241-244
[2] Ông yêu cầu “một đồng chí nào đó” có thể thay ông ở Thượng Hải, nhưng không phải ở Xiêm. Thư gửi Văn phòng Viễn Đông xem trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, tập I, trang 285-286
[3] Quốc đề nghị Trường Stalin thiết lập tổ người Việt, xem Toàn Tập II, Tập II, trang 255-56. Tham khảo Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 115-118. Thông tin về Phú, xem Tôn Quang Phiệt, “Một vài ý kiến bổ sung về lịch sử hai đồng chí Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 139 (tháng 7 và 8-1971). Những sinh viên Việt Nam khác tại trường Stalin là Nguyễn Thế Rục, Ngô Đức Trì, Bùi Công Trừng, và Bùi Lâm. Lê Hồng Phong lúc đó đang ghi danh vào trường hàng không ở Leningrad. Xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 284-87
[4] Thư bằng tiếng Việt trong Toàn Tập II, vol 2, trang 167-168. Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản đương thời về nhiệm vụ cách mạng ở Đông Dương, xem “Hướng dẫn hoạt động ở Đông Dương” trong Trung tâm lưu trữ và nghiên cứu Nga trong tài liệu Lịch sử hiện đại, Moscow, hộp 495, Series 154, hồ sơ 556
[5] Hội nghị được triệu tập nhằm chống lại sự gia tăng căng thẳng quốc tế và nguy cơ xảy ra chiến tranh thế giới mới. Xem “Những bút danh và những chuyến đi”, Tạp chí Việt Nam (tháng 5-1981), trang 9. Xem thêm Charles Fenn “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Scribner, New York, 1973), trang 51; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 290; “Với Bác Hồ”, trang 61; Charles Fourniau và Léo Figueres, ed., “Hồ Chí Minh: Người đồng chí của chúng tôi”, trang 43, và Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 124-125
[6] Những thư này trong Toàn Tập, Tập II, trang 265 và “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 292-294
[7] “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 296. Trong một bức thư khác gửi bạn, ông viết: “Bạn có thể hiểu tôi về tinh thần và thể trạng. Có nhiều việc phải làm nhưng tôi không thể làm được gì cả, chẳng có gì để ăn và chẳng có tiền. Hôm nay ngày 12-4, liệu tôi còn nghe được trong 24 giờ nữa không?”. “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 297
[8] Theo thư đề 28-4-1928, các chi phí do Văn phòng Viễn Đông đài thọ. Xem “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 300. Tất cả ngân quỹ và chi phí cho các tổ chức của Quốc tế Cộng sản đèu di nhà nước Xô Viết tài trợ. Với thư gửi cho Văn phòng Viễn Đông, xem sách đã dẫn, trang 302
[9] T. Lan, “Vừa đi đường, vừa kể chuyện”, trang 35-36. Liên lạc với Đảng Cộng sản Ý, được gợi ý đi bằng tàu Pháp đến Xiêm, nhưng Quốc bác bỏ, vì quá mạo hiểm - xem Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 127-28
[10] Lê Mạnh Trinh, “Từ Quảng Châu đến Xiêm La”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 102
[11] Lê Mạnh Trinh, “Từ Quảng Châu đến Xiêm La”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 102
[12] Lê Mạnh Trinh, “Từ Quảng Châu đến Xiêm La”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 104; “Bác Hồ ở Quảng Châu” của Thép Mới, Tin tức Việt Nam, số 48 (tháng 5-1976), trang 24
[13] “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1967), trang 142
[14] Lê Mạnh Trinh, “Từ Quảng Châu đến Xiêm La”, trang 110
[15] Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, trang 36; “Nguyễn Ái Quốc có hay không về nước năm 1929?” của Nguyễn Việt Hồng trong Tạp chí Xưa và Nay số 4 (tháng 7-1994), trang 15. Xem thêm “Giọt nước trong biển cả”, hồi ký của Hoàng Văn Hoan (NXB Ngoại văn, Bắc Kinh, 1988), trang 47, và Trần Lâm, “Truyền thuyết và sự thật” trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 122-123
[16] “Về trường hợp những người cách mạng Việt Nam tham gia cuộc nổi dậy Quảng Châu” của Lê Tiến Hưng (Li Xianheng), bài này tôi không xác định được chính xác trong quá trình truy cứu, trang 333
[17] Thông tin về sự cạnh tranh giữa các nhóm khác nhau, có trong “Đóng góp lịch sử trong phong trào chính trị tại Đông Dương thuộc Pháp”, Tập 6 (NXB Đông Phương, 1933)
[18] Xem “Tuyên bố cuối cùng của Nguyễn Đình Tú - nói về Phan Văn Cẩm và Văn Cẩm nói Nguyễn Văn Cẩm - những ngày sống ẩn nấp từ tháng 6-1925 đến ngày 5-8-1929 bị bắt tại Hà Tĩnh”, trang 44 -49, hồ sơ 2690, hộp 335, CAOM. Theo nguồn tin này, Lâm Đức Thụ được bầu làm chủ tịch tại cuộc họp đó. Xem thêm William Duiker, “Quốc tế Cộng sản và Cộng sản Việt Nam” (Athens, Đại học Ohio, Trung tâm nghiên cứu quốc tế, 1975), trang 14
[19] Trần Văn Cung đề cập vấn đề này trong “Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt nam”(Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Hà Nội), trang 105-119
[20] Xem “Phong trào Lao động 1920-1930” của Phan Thanh Sơn trong “Truyền thống Cách mạng Việt Nam” của Jean Ches-neaux, ed. (Paris: n.p., 1971), trang 169-70. Về Tôn Đức Thắng, xem “Chuyện một cuộc đời: Điều tra công khai tiểu sử Tôn Đức Thắng” của Christophe Giebel; K. W. Taylor và John K. Whitmore, eds., “Tiểu luận về quá khứ Việt Nam” (Chương trình Đông Nam Á của Đại học Cornell, 1995), trang 246-271
[21] Về cuộc tranh luận nảy lửa tác động của Đại hội lần thứ sáu của Hội, xem “Giai cấp vô sản và nông dân trong thời kỳ đầu Cộng sản Việt Nam” của Gareth Porter, Tạp chí “Tư tưởng và Xã hội châu Á” I, số 3 (tháng 12-1976)
[22] “Quốc tế Cộng sản và phong trào cách mạng ở Việt Nam” của I.N. Ognetov trong “Quốc tế Cộng sản và Phương Đông” (Moscow, 1969), trang 428. Nguyễn Văn Tạo được chọn làm đại biểu Đảng cộng sản Pháp theo đề xuất của Nguyễn Ái Quốc - xem Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 128. Có một thời, nhiều nhà quan sát tại Việt Nam cho rằng An chính là Nguyễn Ái Quốc, xem Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (Hà Nội: NXB Sự Thật, 1961), trang 215. Trong hồi ký Nguyễn Văn Tạo kế, có tham gia thảo luận tại Đại hội VI. Chủ đề của ông đưa ra, hỏi ai là cấp trên của ông. Xem “Nhớ lại những ngày đã tham dự Đại hội VI của Quốc tế Cộng sản” trong Tạp chí Cộng sản, số 7 (7-1983), dịch trong JPRS, số 84.288. Một trong những đại biểu dự Đại hội, không thích Tạo là Nguyễn Thế Bình, sau đó ông bị Pháp bắt giữ và yêu cầu cung cấp thông tin về Đại hội. Xem “Giải thích mối quan hệ giữa Ngô Đức Trì và Nguyễn Thế Bình”, hồ sơ có nhãn “Sinh viên Việt nam ở trường Stalin và Hiệp ước Pháp- Liên Xô 29-12-1932”, trong SLGTFOM, Series III, hộp 44, CAOM
[23] Sợ bị Trung Quốc trả thù mặc dù việc làm của Lê Hồng Sơn là hợp pháp. Một số bằng chứng cho thấy quan chức Trung Quốc chấp nhận các hoạt động của các hội đoàn, miễn là chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt và đặc biệt trực tiếp với chế độ thực dân ở Đông Dương. Về phía Tưởng Giới Thạch mối ngờ vực ngày một sâu. Tuy nhiên việc thành lập Đảng Cộng sản chính thức, khó kéo dài sự dễ dàng của Trung Quốc đang tìm cách hạn chế công khai. Cũng có thể, dưới ánh sáng của sự kiện sẽ được thảo luận, trong thời điểm Lê Hồng Sơn đã có những nghi ngờ chắc chắn Lâm Thủ Đức là kẻ đưa tin về hoạt động hội đoàn cho kẻ thù. Danh sách các đại biểu có mặt tại Đại hội, xem “Liên đoàn chống Pháp ở Đông Dương và chương trình hành động của cộng sản: Lịch sử”, trong SLOTFOM, Series III, hộp 48, CAOM. Nguồn này, trong hàng loạt báo cáo chung gọi là “Ghi chú Định kỳ” được phát hành định kỳ bởi Tổng thanh tra Mật thám tại Hà Nội từ năm 1929 cho đến đêm trước của Thế Chiến II thì chấm dứt, cung cấp những phân tích sâu sắc, có giá trị về những hoạt động dân tộc chủ nghĩa Việt Nam và những nỗ lực của Pháp kiểm soát họ. Mật thám báo cáo, chính Lê Hồng Sơn người đầu tiên muốn đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay sau khi chuyển trụ sở về Quảng Tây vào năm 1928. Xem “Ghi chú Định kỳ”: Lịch sử”, trang 62, tài liệu nêu trê
[24] Về tuyên bố này, xem Trần Huy Liệu, “Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam”, tập 4, trang 170-173 (Hà Nội, 1958). Tài liệu tham khảo cho các cuộc họp ở Hong Kong, xem “Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt nam” của Trần Văn Cung (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Hà Nội), và “Lê Hồng Sơn: Người chiến sĩ xuất sắc thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam” của Quang Hưng, Quốc Anh trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 184 (tháng 1 và 2 năm 1979), trang 11-16. Báo cáo tình báo Pháp về hội nghị, “Ghi chú Định kỳ” số 4, tháng 1-1930, SLOTFOM, Series III, hộp 48, CAOM
[25] Bức thư yêu cầu trong phần cuối sách phần phụ lục, số 3, “Đóng góp lịch sử, tập 4, phản ứng tiêu cực của Moscow vào tháng 12-1929 - xem phụ lục 7, tài liệu đã dẫn
[26] Thông tin lấy từ hồ sơ Dương Hạc Đính, không ghi ngày tháng, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Dương Hạc Đính, thành viên duy nhất của Bắc Kỳ không rời đại hội vào tháng Năm, sau này trở thành đặc vụ của Pháp
[27] Quang Hưng, Quốc Anh, “Lê Hồng Sơn: Người chiến sĩ xuất sắc thuộc thế hệ những người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam” trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 184, (tháng 1 và 2 năm 1979), trang 19
[28] Quyết định gửi Lê Duy Diễm (bí danh Lê Lợi) để tìm Nguyễn Ái Quốc được báo cáo trong hồ sơ Dương Hạc Đính, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Diệm đã từng là thành viên của Tân Việt Đảng. Sau đổi Tân Việt Đảng thành Liên đoàn Cộng sản Đông Dương, xem “Hồi ức về Liên đoàn Cộng sản Đông Dương” của Trần Hữu Chương trong Tạp chí Cộng sản, số 2 (tháng 2-1983), chuyển ngữ trong JPRS, số 83.452
[29] Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản ngày 27-10-1929, có tiêu đề “Những khó khăn trong việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương” xem trong “Bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt nam” của Trần Văn Cung (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Hà Nội), trang 68-74 và Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 1 (Ban nghiên cứu lịch sử Trung ương Đảng, 1977) trang 9-17. Về bản dịch tiếng Anh, xem “Tài liệu Việt Nam và Ghi chú nghiên cứu (Nhiệm vụ Mỹ tại Việt Nam, Sài Gòn)”, tài liệu số 100, phần II, trang 247-252
[30] Thư trao đổi giữa hai đảng có trong Phụ lục, ghi trong báo của Thống đốc gửi Bộ thuộc địa, 12-2-1930, trong SLOTFOM, Series III, hộp 129, CAOM
[31] Đỗ Ngọc Dzu đã khai về chuyến đi trong cuộc hỏi cung bởi người Pháp. Xem “Hồ sơ những lời khai của Đỗ Ngọc Dzu” ngày 10-8-1931, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Đỗ Ngọc Dzu, còn được gọi là Phiếm Chu, sinh năm 1907 tại Hải Dương. Sinh trưởng trong gia đình gia giáo, học Trường Bảo hộ, bị trục xuất năm 1928 vì tham gia bãi khóa. Sau đó ông gia nhập đoàn thể, dự lớp huấn luyện tại Quảng Châu trong học kỳ hai, từ tháng 10-1926 đến tháng 5-1927. Sau đó ông vào Học viện Hoàng Phố, rồi được cử về nước hoạt động ở Hà nội với Dương Hạc Đính. Xem “Cộng sản Việt Nam, 1925-1945” của Huỳnh Kim Khánh (Ithaca, NY: Đại học Cornell, 1982), trang 124
[32] Sự hình thành của Liên đoàn các nhóm Cộng sản Đông Á và chuyến viếng thăm của “thanh tra Trung Hoa” vào tháng mười đã được ghi nhận bởi người Pháp trong một báo cáo có tiêu đề “Hành động quyết tâm của Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản ở quốc gia An Nam”, không ghi ngày tháng, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Theo các nguồn tin của Pháp, Lê Hồng Sơn và cộng sự không hài lòng khi bị đặt dưới sự giám sát của Trung Quốc, cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã cho người theo dõi trong các nhà máy hoặc loại bỏ những thành viên yếu kém. Xem “Ghi chú Định kỳ”, tháng 11-1929, sách đã dẫn. Về thông tin hình thành Chi nhánh Thượng Hải của Văn phòng Viễn Đông, xem “Quốc tế Cộng sản và Cách mạng thế giới” của Gunther Nollau (NXB Praeger, New York, 1961), trang 141. Xem thêm “Nhiệm vụ của Noulens” của Frederick S. Litten trong Tập san Trung Quốc từng quý, số 138 (tháng 6-1994), trang 503. Theo Nollau, người phụ trách đầu tiên của Chi nhánh Thượng Hải là Earl Browder (cộng sản người Mỹ). Người kế nhiệm ông là Gerhard Eisler (người Đức) vào năm 1929
[33] “Ghi chú Định kỳ”, 1-1930, trang 6, trong SLOTFOM, Series III, hộp 48, CAOM; Giải mật, số 1725/SG, 17-3-1930, trong SPCE, hộp 368, CAOM. Một số nhà quan sát cho rằng người đại diện Quốc tế Cộng sản là Nguyễn Ái Quốc. Thực ra có thể như vậy, vì một du khách Ukraina tên là Hilaire Noulens, đến Thượng Hải làm việc tại Văn phòng năm 1928 và rời khỏi thành phố trong chuyến du lịch địa phương vào mùa đông năm 1929-1930. Như chúng ta đã biết, ông trở về Thượng Hải vào tháng 2 hoặc tháng 4-1930. Xem “Nhiệm vụ của Noulens” của Frederick S. Litten trang 502-503
[34] Thư Quốc gửi Đông Dương cộng sản Đảng chính là “Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi ban lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng”, trong báo cáo của Tổng nha mật thám, 3-12-1929, SPCE, hộp 368, CAOM. Tài liệu của chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc có trong thư gửi Văn phòng Viễn Đông, ngày 18-2-1930, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Về tài liệu của Pháp, xem “Quyết tâm hành động…”, SPCE, hộp 367, CAOM. Có trong Kobelev, trang 96 và Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 135
[35] Có lẽ Nguyễn Ái Quốc đã dùng hộ chiếu giả. Tài liệu về chuyến đi, xem “Cuộc hỏi cung Lê Hồng Sơn” ngày 24-10-1932, SPCE, hộp 367, CAOM. Tài liệu Nguyễn Ái Quốc có trong thư gửi Văn phòng Viễn Đông 18-2-1930, Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Bản tiếng Pháp do mật thám viết, xem “Quyết tâm hành động…”, SPCE, hộp 367, CAOM. Trong thư, Quốc đưa ngày 23-12 là ngày ông đến, nhưng ngày đó được dựa theo ngày âm lịch - xem “Cộng sản Việt Nam” của Huỳnh Kim Khánh, trang 125. Theo “Đóng góp với lịch sử”, tập 4, trang 24, ông đến Hong Kong vào tháng Giêng. Khi Pháp thẩm vấn, Lê Hồng Sơn xác nhận Quốc đến vào tháng Hai và hội nghị thống nhất họp vào tháng Ba
[36] Hồ sơ về Dương Hạc Đính, trong SPCE, hộp 367, CAOM. Bản của Kobelev “Bác Hồ”, xem trang 94. Nguyễn Ái Quốc xin lỗi vì không đến sớm và giải thích tuy ông đã rất cố gắng nhưng không thể xâm nhập Việt Nam qua ngả Xiêm. Cuộc họp giữa Nguyễn Ái Quốc với các thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc được ghi ngắn gọn trong Hoàng Tranh, “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, trang 43. Thư mời cán bộ đến Hong Kong dự hội nghị thống nhất đã được Hồ Tùng Mậu gửi ngày 29-11-1929. Ngày 15-1-1930, Đông Dương Cộng sản Đảng trả lời sẽ cử hai đại biểu. Xem “Đóng góp cho lịch sử”, tập 4, trang 24
[37] Đại biểu của An Nam Cộng sản đảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiều. Đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh. Sự rủi ro đại biểu của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, xem “Các cơ sở bí mật của các cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương” của T.C. trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 37 (tháng 4-1962), trang 20
[38] Huỳnh Kim Khánh, “Cộng sản Việt Nam”, trang 125, vài ngày trước khi thỏa thuận thống nhất đạt được. Nhưng Lê Hồng Sơn cho biết, chương trình được chấp thuận bằng cách bỏ phiếu kín trong một ngày. Xem bản thẩm vấn Sơn ngày 24-10-1932, trong SPCE, hộp 367, CAOM
[39] Những ghi chú ngày 6-1-1930, có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội và bản sao trong Văn Kiện Đảng toàn tập, Tập II (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 1998), “Cộng sản Việt Nam” của Huỳnh Kim Khánh, trang 125, lưu ý với tên mới của Đảng, họ thống nhất cách gọi của người Việt Nam, đặt chữ “đảng” lên trước, thay vì theo lối Trung Hoa, chữ “đảng” để sau cùng. Xem Văn kiện Đảng, tập 1, trang 191
[40] Đây không phải cùng một tài liệu mà Quốc tế Cộng sản gửi từ Moscow vào tháng Mười - xem chú thích 29 ở phần trên. Về tài liệu tham khảo trong báo cáo tháng 12 tại Sài Gòn, xem “Tổ chức và phát động phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ sau khi đảng ta vừa mới thống nhất ra đời” của Nguyễn Nghĩa trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 67 (tháng 10-1964), trang 59. Từ khi Nghĩa không đề cập qua báo cáo về sự xảy ra trong cuộc họp ở Hong Kong, có lẽ Nguyễn Ái Quốc đã không nhận được bản báo cáo nào vào thời điểm đó
[41] Về bản tiếng Pháp, xem “Đóng góp cho lịch sử”, tập 4, phụ lục 7. Bản tiếng Việt có ở Hà Nội. Đoạn trích trong báo cáo mang tên “Hành động quyết định…” trong SPCE, hộp 367, CAOM. Cũng được trích trong “Ghi chú Định kỳ”, 12-1929, trang 4, trong SLOTFOM, Series III, hộp 48, tài liệu đã dẫn
[42] Bản kháng cáo bằng tiếng Việt trong Toàn Tập II, tập 2, Trang 307-308. Bản tiếng Anh tóm tắt, trong tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam (tháng 1-1985), trang 170-171
[43] Về tài liệu chiến lược này, xem Toàn Tập II, tập 2, trang 297-298
[44] Thư gửi Noulens tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội, trong Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, trang 18-25. Trong báo cáo gửi Moscow về kết quả hội nghị, Nguyễn Ái Quốc nhận xét, đó là một sai lầm đã bãi bỏ các hội đoàn. Xem “Báo cáo tóm tắt hội nghị” tài liệu đã dẫn, trang 10-13