Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG IX
THUỶ TRIỀU LÊN

    
au hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương tại Pác Bó tháng 5-1941, giới lãnh đạo ra về. Tổng bí thư Trường Chinh, cùng Hoàng Quốc Việt và Hoàng Văn Thụ, trở lại Hà Nội để lập một trụ sở mới Ban Chấp hành ở ngoại thành Hà Nội. Các đảng viên khác được cử tới những huyện gần đó để tổ chức những chi đội du kích và bắt đầu xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng núi Việt Bắc. Những người khác vượt biên giới sang Trung Hoa để được huấn luyện tiếp tục cố gắng xây dựng liên minh mỏng mảnh với những nhóm dân tộc chủ nghĩa không cộng sản ở nam Trung Hoa. Bản thân Nguyễn Ái Quốc tạm thời ở lại Pác Bó chuẩn bị việc mở rộng xuống phía nam trong tương lai.
Vài tháng tiếp theo, lặp lại kinh nghiệm trước đây ở Xiêm, ông lại trở thành người thầy và người cha của đám tín đồ của ông. Ông tổ chức khoá học cho những cán bộ truyên truyền địa phương về chủ nghĩa Marx - Lenin, giúp họ hiểu biết quân sự cơ bản để trở thành người chiến sĩ và cán bộ tuyên truyền cách mạng. Sau bốn ngày học, học viên bắt đầu thực hành làm người tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc theo dõi cách làm việc, sau đó góp ý những thiếu sót của họ. Ông cũng là người giảng dạy khoá học, nói chuyện tình hình thế giới, thảo luận tình hình trong nước, nhiệm vụ sắp tới của phong trào cách mạng. Từ khi ký Hiệp ước Xô - Đức tháng 8-1939, các cán bộ đảng luôn đặt ra những câu hỏi yêu cầu giải thích tại sao Stalin lại ký liên minh với Đức Quốc Xã, kẻ thù không đội trời chung của cách mạng thế giới. Cuối tháng 6-1941, Đức tấn công Liên Xô dọc theo biên giới. Điều này tạo thuận lợi cho những cố gắng của Nguyễn Ái Quốc phối hợp những hoạt động Đảng cộng sản Đông Dương với cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại chủ nghĩa phát - xít. Như ông có lần giải thích: “Bọn phát - xít đã tấn công Liên Xô, quê hương cách mạng thế giới, nhưng nhân dân Xô viết nhất định sẽ chiến thắng. Nhân dân Việt Nam chúng ta cũng đứng bên cạnh lực lượng Tân Dân Chủ, ủng hộ Liên Xô chống lại bọn phát - xít”.[1]
Nguyễn Ái Quốc viết tài liệu mỏng nói về chiến thuật chiến tranh du kích, cuốn sách như tư liệu chỉ dẫn cho từng phần của khoá học quân sự. Tư liệu chắc chắc được rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi ông quan sát lực lượng cộng sản ở Trung Hoa, cũng như từ những khoá đào tạo du kích mà ông đã tham dự ở Hoành Dương hai năm trước. Sau chương mở đầu mô tả tóm tắt chiến tranh du kích, nội dung còn lại thảo luận cách thức tổ chức cũng như chiến thuật rút lui, tấn công và xây dựng căn cứ địa. Sau đó, cuốn sách được xuất bản dùng cho chương trình đào tạo ở khu vực Việt Bắc.[2]
Nguyễn Ái Quốc dành thời gian viết nhiều đề tài khác nhau. Ông đóng góp tích cực cho báo Việt Nam Độc Lập, tờ báo ra đời năm ngoái in litô tuyên truyền, hướng dẫn cho các thành viên mới gia nhập. Báo in trên giấy bản làm từ bột nứa, gồm nhiều thể loại, lối viết đơn giản giúp dân chúng địa phương dễ đọc. Thời ấy rất ít người dân địa phương biết đọc biết viết, nên ông mở lớp bình dân học vụ, không những dạy chữ quốc ngữ còn dậy Sơ lược Lịch sử Đảng và cách mạng thế giới. Những bài báo, phần nhiều do chính Nguyễn Ái Quốc viết, đề cập nhiều đề tài nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau, nhưng tất cả đều cùng mục đích phổ biến thông điệp của Việt Minh và chuẩn bị cho người đọc về sự đối đầu sắp tới với kẻ thù. Một bài thơ “Phụ nữ” in trong số báo 104:
Việt Nam phụ nữ ra đời
Nhiều người vì nước vì nòi hy sinh.
Ngàn thu rạng tiếng bà Trưng,
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng.
Bà Triệu Ẩu thật anh hùng,
Cưỡi voi đánh giặc, vẫy vùng bốn phương.
Mấy năm cách mệnh khẩn trương,
Chị em phụ nữ thường thường tham gia.
Mấy phen tranh đấu xông pha,
Lòng vàng gan sắt nào đà kém ai?
Kìa như chị Nguyễn Minh Khai
Bị làm án tử đến hai ba lần.
Bây giờ cơ hội đã gần,
Đánh Tây, đánh Nhật, cứu dân nước nhà
Chị em cả trẻ đến già,
Cùng nhau đoàn kết đặng mà đấu tranh.
Đua nhau vào hội Việt Minh
Trước giúp nước, sau giúp mình mới nên.
Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu Tiên con Rồng.[3]
Từ đầu thập niên 1930, công cụ cơ bản của Đảng là cố gắng tổ chức quần chúng, đại diện cho lợi ích những nhóm xã hội đặc biệt ở Đông Dương. Cách thức lôi kéo những người ủng hộ mức thấp bằng cách dùng những thành viên tiến bộ hơn tuyên truyền sau đó chuyển họ lên những tổ chức mức cao hơn. Đây là chiến thuật do Lenin đưa ra, sau đó được Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn thiện. Trong một bài báo nhan đề “Chiến tranh thế giới và nghĩa vụ của chúng ta”, Nguyễn Ái Quốc vạch ra sự cần thiết đối với tất cả các nhóm yêu nước trong xã hội Việt Nam - dù dân nghèo, thanh niên, phụ nữ, trẻ em, công nhân, binh lính hoặc ngay cả nhà Nho - gia nhập tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Trong những bài viết sau hội nghị Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn nhắc đến nghĩa vụ thiêng liêng giải phóng tổ quốc. Trong một cuốn sách mỏng viết dưới dạng thơ nhan đề “Lịch sử nước ta”, ông mở đầu bằng một lời tuyên ngôn:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt nam”
Rồi ông nhấn mạnh bài học lịch sử lớn:
“Dân ta xin nhớ chữ đồng,
Đồng lòng, đồng sức, đồng tình, đồng minh”.
Cuối sách, ông liệt kê một danh sách ngày tháng quan trọng trong lịch sử nhân dân Việt Nam. Ngày tháng cuối cùng trong danh sách là 1945, “năm Việt Nam độc lập”. Khi các đồng chí của ông hỏi tại sao ông biết chính xác thời gian giải phóng sẽ xảy ra, ông đáp một cách bí ẩn, “Cứ chờ xem”.[4]
Trong khi Nguyễn Ái Quốc đang huấn luyện cán bộ và khích lệ những người ủng hộ sự nghiệp thiêng liêng giải phóng tổ quốc thì các đồng chí của ông cố gắng xây dựng vùng căn cứ giải phóng ở Việt Bắc làm sở chỉ huy cho việc cướp chính quyền sắp tới. Một thời gian ngắn sau khi kết thúc hội nghị Pác Bó, Quốc chỉ thị Phùng Chí Kiên xây dựng một căn cứ như thế ở phía nam hướng về đồng bằng sông Hồng. Cuối cùng, Kiên lập một trụ sở quân sự mới trong vùng núi giữa làng Nguyên Bình và Hoà An, sát ngay phía tây thủ phủ Cao Bằng. Cao Bằng nằm trên Quốc lộ 4, ngoằn ngoèo uốn khúc theo hướng đông nam biên giới, cuối cùng nối với những con đường dẫn tới cùng đồng bằng, nơi có trụ sở Ban Chấp hành Trung ương gần Hà Nội. Một sở chỉ huy mới nằm ở một lòng chảo nhỏ bao quanh bởi những tảng đá lớn màu đỏ, khiến Võ Nguyên Giáp đặt tên “lô cốt đỏ”. Trụ sở là một túp lều nhỏ nằm bên sườn núi, được những cánh rừng xanh mướt che chở. Tuy còn đơn sơ, nhưng so với hang Pác Bó, chỗ ở mới này sang trọng, trong thời gian vài tháng tiếp theo, các cán bộ tại căn cứ xây dựng chương trình đào tạo cho chính họ để chuẩn bị tung ra những hoạt động du kích.
Vào một ngày tháng 1-1942, mặc quần áo bạc mầu dân tộc Nùng, đeo một túi vải nhỏ chứa đồ tuỳ thân (gồm cả máy chữ và dụng cụ tập thể dục), Nguyễn Ái Quốc rời Pác Bó cùng vài đồng sự, đến căn cứ mới của Việt Minh. Có lần nhóm này lạc đường, Nguyễn Ái Quốc dùng sự kiện đó để hài hước: “Thế lại hóa ra hay, trong tương lai chúng ta phải biết rõ nhiều hơn những con đường như thế này để biết cách thoát thân”.[5]
Khi tới sở chỉ huy mới của mình ông đặt tên Lam Sơn, (tưởng nhớ căn cứ kháng chiến của Lê Lợi chống quân Minh thế kỷ XV), Nguyễn Ái Quốc mở khoá huấn luyện chính trị mới cho cán bộ địa phương. Để giữ bí mật, chương trình học tiến hành ngoài trời vào ban đêm và không có tài liệu huấn luyện. Vì trình độ hiểu biết của học viên cao hơn những người ở Pác Bó, tài liệu học tập cũng cao hơn, gồm những cuộc thảo luận về học thuyết Marxist, điều lệ Đảng và lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Để khích lệ tinh thần các đồng chí của mình, còn lo về sự thắng lợi của cuộc chiến đấu kéo dài trước kia chống Pháp, bây giờ lại thêm chống Nhật, Nguyễn Ái Quốc đôi khi kết thúc bài giảng, chỉ ra căn cứ địa rất cần thiết, là cơ sở phát động cuộc tổng khởi nghĩa tương lai. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng cốt lõi xây dựng sức mạnh phong trào qua việc kết nạp những người ủng hộ đáng tin cậy. Ông vạch rõ “Cuộc cách mạng giống như thuỷ triều đang dâng và những người đáng tin cậy giống như rễ cây chìm xuống đáy sông, nó sẽ giữ lại đất khi thuỷ triều rút xuống”.
Tuy nhiên, chỗ mới đến dễ bị lộ so với khu vực biên giới gần Pác Bó khi địch tấn công. Đôi khi, những cán bộ đảng tại sở chỉ huy buộc phải tìm cách lẩn trốn vào trong dân chúng địa phương để thoát khỏi sự phát hiện của lính tuần tra Pháp trong vùng. Để khắc phục, họ lập trại ở giữa cánh rừng, ít người qua lại. Để sống, họ buộc phải ăn ngô, gạo, hoặc hoa chuối rừng. Dù các đồng chí của ông lo ngại, Nguyễn Ái Quốc khăng khăng đòi chia sẻ những khó khăn với đồng đội. Tinh thần lúc lên lúc xuống, ông khuyên: “Kiên trì, bình tĩnh và cảnh giác, đó đức tính mà người cách mạng không bao giờ được quên”.[6]
Trong hoàn cảnh này, mối quan hệ tốt với dân thiểu số trong vùng là điều hết sức cần thiết. Đảng bắt đầu xây dựng sự ủng hộ ở Việt Bắc vào thời kỳ giữa thập niên 1930, tại hội nghị Macao 1935, Đảng hứa quyền tự quyết cho tất cả các dân tộc thiểu số ở liên bang Đông Dương độc lập trong tương lai. Bây giờ, với sự khích lệ của Quốc, các cán bộ cố gắng lôi cuốn sự ủng hộ của dân chúng địa phương bằng cách học tiếng và phong tục của họ. Cán bộ dự các buổi lễ do nhân dân những làng gần đó tổ chức, thậm chí một số bọc răng vàng hoặc lấy vợ người địa phương, cuộc sống gia đình được xây dựng.
Ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân đội Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Hôm sau, Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản. Trong một bài xã luận ngắn in trên báo Việt Nam Độc Lập, Nguyễn Ái Quốc tuyên bố, cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã chuyển thành xung đột lớn thế giới, làm tăng sự cấp bách đối với nhân dân Đông Dương, huy động mọi cố gắng của họ để đáp ứng những thách thức sắp tới. Trở lại Pác Bó vào tháng 7-1942, Quốc chỉ thị các đồng chí của ông gần Cao Bằng mở rộng hoạt động để liên kết với các đồng chí đang hoạt động tại Bắc Sơn và Võ Nhai, xa hơn về phía nam, tạo một hành lang chính trị ổn định từ Cao Bằng chạy về phía nam tới đồng bằng. Phong trào “Nam tiến” (trùng với thuật ngữ dùng cho cuộc di dân trong lịch sử từ đồng bằng sông Hồng xuống phía nam sau khi giành được độc lập từ Trung Quốc ở thế kỷ X), sẽ tiến theo cách này.
Tại Bắc Sơn, Chu Văn Tấn, cán bộ đảng gốc dân tộc Nùng, đã cố gắng tổ chức những người sót lại của lực lượng nổi dậy, từng chiến đấu chống lại Pháp và Nhật Bản mùa Thu năm 1940, thành những chi đội du kích dưới tên rất kêu Cứu Quốc Quân. Vì căn cứ địa gần tỉnh Lạng Sơn, những đơn vị này luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm bị lực lượng an ninh Pháp gần đó thường xuyên tung ra những đợt càn quét quanh vùng, bắt những người tình nghi và đốt phá làng mạc. Trong một trận càn quét, Phùng Chí Kiên, một trong số những đồng chí được tin tưởng nhất của Nguyễn Ái Quốc và là uỷ viên Ban chấp hành Trung ương từ 1935, hy sinh trong chiến đấu. Chính Quốc đã cử Kiên đến Bắc Sơn để tiến hành những khoá đào tạo, mở rộng hoạt động du kích, Quốc tự an ủi, sự hy sinh người đồng chí của ông là tất yếu. Ông thường nhắc nhở nhiệm vụ thông tin liên lạc là “nhiệm vụ quan trọng nhất” cho công tác cách mạng, vì nó quyết định duy trì nguyên tắc chỉ huy thống nhất và triển khai thích ứng lực lượng, đảm bảo thắng lợi cuối cùng.
Đối phó với những hoạt động gia tăng của lực lượng du kích, nhà cầm quyền ra sức đàn áp, đặt lệnh giới nghiêm khắp các tỉnh của Việt Bắc và tăng cường tuần tra để đánh đuổi những lực lượng chống đối. Để giảm thiểu khả năng bị bắt, Nguyễn Ái Quốc rời Lam Sơn tháng 6-1942 và trở lại Pác Bó. Cải trang một thầy cúng địa phương, mang theo áo choàng đen cùng tất cả những đồ cúng tế, gồm bùa, hương và một con gà sống (máu của nó được coi là thuốc chữa được bệnh), ông và đoàn hộ tống trải qua vài chuyện khó khăn khi đi qua những trạm kiểm soát của địch. Có lần viên sĩ quan an ninh tại một trạm kiểm tra địa phương yêu cầu thầy tới cúng cho vợ y đang bị ốm. Một đồng sự của Quốc phải nài nỉ viên sĩ quan rằng nhóm của ông rất vội, vì mẹ vợ thầy cúng cũng đang ốm nặng. Thấy thế, viên sĩ quan thông cảm, nói, khi nào thầy cúng trở về xin mời ghé qua làng.[7]
Cương Lĩnh hoạt động trong nước bây giờ đã nắm trong tay, Nguyễn Ái Quốc quan tâm tìm sự ủng hộ quốc tế cho sự nghiệp. Ngày 13 tháng 8 năm 1942, ông đi bộ sang Trung Hoa cùng với đồng sự Lê Quảng Ba. Để bớt nguy hiểm bị tuần tra Pháp bắt, ban đêm đi, ban ngày nghỉ. Quốc mang thẻ nhà báo Trung Quốc với tên Hồ Chí Minh. Tại Ba Mủng, thị trấn nhỏ biên giới Trung Hoa ngày 25 - 8, ông nghỉ hai ngày tại nhà ông Hứa Vĩ San, nông dân địa phương có thiện cảm với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Hai ngày sau, ông ra đi cùng với một thanh niên dẫn đường, nói với anh ta, ông muốn đi bộ tới một chợ ở thị trấn Bình Mã gần đó để đi xe đò tới thủ đô kháng chiến Trùng Khánh, còn Lê Quảng Ba ở lại Bá Mủng. Cả hai người bị cảnh sát Trung Hoa ở làng Nhai Trường bắt trên đường đi, cách huyện lỵ Thiên Bảo không xa, khoảng 20 dặm đông bắc Tĩnh Tây. Sở dĩ nhà cầm quyền địa phương nghi ngờ, vì ngoài việc mang giấy tờ chứng nhận ông là đại diện một nhóm mang tên “Chi Hội Việt Nam Chống Xâm Lược”, Hồ cũng mang một thẻ đặc biệt của Hãng Thông Tấn Quốc tế (Guoji Xinwenshe), một chứng minh thư quân đội do Văn phòng Bộ tư lệnh Chiến khu 4 cấp. Tất cả những giấy tờ này cấp năm 1940 không còn giá trị. Vì nghi người mang khá nhiều giấy tờ giả là gián điệp Nhật, họ nhốt ông và người thanh niên dẫn đường vào nhà giam.[8]
Mục đích Hồ Chí Minh tới Trung Hoa cho đến nay vẫn còn là chủ đề tranh cãi. Trong hồi ký, mục tiêu của ông bắt liên lạc với tổng thống Tưởng Giới Thạch và những nhân vật cầm quyền Quốc Dân Đảng yêu cầu sự giúp đỡ của Trung Hoa để đuổi Nhật ra khỏi Đông Dương. Vài nguồn tài liệu khác của Việt Nam đã đồng tình. Nhưng một số khác cho mục đích thực là bắt liên lạc với đại diện Đảng cộng sản Trung Quốc tại văn phòng liên lạc ở Trùng Khánh. Rất có khả năng, cả hai đều đúng. Có những lý do chắc chắn đúng là Hồ Chí Minh muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với những nhân vật quen biết trong Đảng cộng sản Trung Quốc, nhiều nhân vật trong số này ông từng quen biết trong chuyến dừng chân ngắn ngủi ở Diên An gần bốn năm trước. Dù Hồ Chí Minh dự định gặp Chu Ân Lai, người bạn cũ, lúc này đang ở Trùng Khánh, nhưng mục tiêu chính của ông chắc chắn tìm sự ủng hộ từ Chính phủ Quốc Dân Đảng và muốn họ công nhận Mặt trận Việt Minh là đại diện hợp pháp của những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa. Lúc này, tin tức Hải Quân Mỹ chiến thắng tại Midway đã lan tới lục địa châu Á, sự ủng hộ của Đồng Minh cho Chính phủ Tưởng Giới Thạch giúp ông ta sống sót vào cuối chiến tranh Thái Bình Dương có vẻ tăng lên. Hồ cũng mới liên lạc với bà Tống Khánh Linh (vợ goá Tôn Dật Tiên) đang cầm đầu chi Hội Phản đế Quốc tế ở Trung Hoa. Phong trào cách mạng Việt Nam bây giờ cần sự giúp đỡ vật chất, vì thế điều cốt yếu là Chính phủ Quốc Dân Đảng phải nới tay cho những hoạt động của Việt Minh ở nam Trung Hoa, ủng hộ vai trò của mặt trận nhân dân bằng cách giúp đỡ để đánh bại Nhật Bản.[9]
Cho rằng người mang khá nhiều giấy tờ giả không những là người nguy hiểm mà còn là một nhân vật chính trị quan trọng, nhà cầm quyền địa phương quyết định liên lạc với toà án quân sự Quế Lâm, thủ phủ tỉnh Quảng Tây. Toà án quân sự đề nghị giải Hồ đến Quế Lâm để thẩm vấn và xử án tại đó nếu có thể. Chặng đường phải qua huyện lỵ Thiên Bảo và Tĩnh Tây, nơi Hồ Chí Minh từng hoạt động ngay trước hội nghị Pác Bó. Ông bị giam tại nhà tù Quốc Dân Đảng ở Tĩnh Tây ngày 29 tháng 8. Lúc này, các đồng chí ở vùng biên giới mới biết ông lâm nạn, họ tức khắc gửi một bức thư cho quan toà Tĩnh Tây, người quen của Hứa Vĩ San. Nhưng vị quan chức này từ chối thả Hồ, báo cáo việc bắt giam bằng điện báo lên cấp trên.[10]
Hồ Chí Minh nằm lại ở nhà tù Tĩnh Tây vài tuần lễ đồng thời chính quyền địa phương chờ chỉ thị xử lý ông. Theo ông miêu tả, điều kiện sống trong nhà tù rất tồi tệ và dã man. Tù nhân ban ngày bị nhốt vào một nhà kho, ban đêm bị xích vào tường nhà lao đầy chấy rận bò lổm ngổm. Ăn uống chỉ có một bát cơm và nửa chậu nước vừa dùng để rửa vừa để uống. Dù vậy, không biết bằng cách nào Hồ Chí Minh vẫn kiếm được giấy bút, trong thời gian rỗi rãi ông luyện tập trí não bằng cách làm thơ, miêu tả những cảm tưởng của ông và tình trạng bị giam cầm. Nhiều năm sau, những bài thơ này được xuất bản mang tên “Nhật ký trong tù”. Những bài thơ tứ tuyệt viết bằng chữ Hán theo thể Đường luật:
 
Mở đầu tập nhật ký
Ngâm thơ ta vốn không ham
Nhưng ngồi trong ngục biết làm chi đây
Ngồi buồn ngâm vịnh cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do
Người tù bày tỏ sự đau xót thân phận mình:
 
Đường đời hiểm trở
Đi khắp đèo cao, khắp núi cao,
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao!
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao?!
Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” ở nhà giam!
Ta người ngay thẳng lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế xưa nay không phải dễ
Mà nay xử thế thật gian nan.
Nhưng với bản tính lạc quan vốn có, ông không bao giờ mất niềm tin và lôi kéo bạn tù phải tin sẽ sống sót:
 
Buổi sớm
Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,
Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài;
Trong ngục giờ đây còn tối mịt,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.
Sớm dậy, người người đua bắt rận,
Tám giờ chuông điểm, bữa ban mai;
Khuyên anh hãy gắng ăn no bụng,
Bĩ cựu rồi ra ắt thái lai.[11]
 
Ngày 10 tháng 10, kỷ niệm 31 năm ngày cách mạng đầu tiên của Trung Hoa, Hồ Chí Minh được giải từ Tĩnh Tây trở lại huyện lỵ Thiên Bảo. Chuyến đi rõ ràng đã làm thay đổi chút khỏi cảnh đơn điệu cuộc sống trong tù:
Đi đường
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
Mới đến nhà lao Thiên Bảo
Năm mươi ba dặm, một ngày trời,
Áo mũ ướt đầm, dép tả tơi;
Lại khổ thâu đêm không chốn ngủ,
Ngồi trên hố xí đợi ban mai.
Đang trên đường
Tại huyện lỵ Thiên Bảo, ông nghe tin Wendell Willkie, phái viên đặc biệt của tổng thống Roosevelt về Trung Hoa, đã tới Trùng Khánh để thảo luận với Tưởng Giới Thạch. Những báo cáo mới về chuyến thăm đã làm ông thất vọng:
Các báo đăng tin: Đại hội hoan nghênh Willkie
Cũng là đi Trùng Khánh,
Cũng là bạn Trung Hoa;
Anh, làm khách trên sảnh,
Tôi, thân tù nhà pha.
Cùng là đại biểu cả,
Khinh trọng sao khác xa?
Thói thường chia ấm lạnh,
Về đông nước chảy mà.
Từ huyện lỵ Thiên Bảo, Hồ được giải qua Đồng Chánh và Long An đến Nam Ninh khoảng 120 dặm, (220 km) về phía tây, trên đường tới Quế Lâm. Do bị giam giữ lâu ngày ông rất căng thẳng.
Đêm lạnh
Đêm thu không đệm cũng không chăn,
Gối quắp, lưng còng, ngủ chẳng an;
Khóm chuối trăng soi càng thấy lạnh,
Nhòm song, Bắc Đẩu đã nằm ngang.
Dù vậy, ông không mất tính hài hước và món quà hài hước đã đánh dấu phong cách viết của ông từ những ngày trước đây khi còn là một người cách mạng ở Paris:
Pha trò
Ăn cơm nhà nước, ngủ nhà công,
Lính tráng thay phiên đến hộ tùng;
Non nước dạo chơi tùy sở thích,
Làm trai như thế cũng hào hùng!
Trên thực tế, tình hình của ông được cải thiện. Ngày 9 tháng 12 năm 1942, ông được giải từ Nam Ninh bằng tàu hoả đến Liễu Châu, nơi Bộ chỉ huy Chiến khu 4 Tưởng Giới Thạch đóng. Hồ Chí Minh chắc chắn hy vọng sự hiện diện của ông sẽ được báo cáo với tư lệnh vùng, Trương Phát Khuê, một tư lệnh cựu trào Quốc Dân Đảng, người không tán thành Tưởng không tin Đảng cộng sản Trung Quốc và là người có thiện cảm với cuộc đấu tranh của người Việt Nam để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, Hồ thất vọng vì họ bắt ông phải chờ đợi, và rốt cuộc, sau đó ông bị giải đến Quế Lâm ngày hôm sau.
Giam lâu không được chuyển
Thuốc đắng cặn liều càng thấy đắng
Đường gay cuối chặng lại thêm gay
Dinh quan chỉ cách đây chừng dặm
Sao mãi giam ta ở chốn này.
Bốn tháng rồi
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”,
Lời người xưa đâu có sai;
Sống khác loài người vừa bốn tháng,
Tiều tuỵ còn hơn mười năm trời
Bởi vì:
Bốn tháng cơm không no,
Bốn tháng đêm thiếu ngủ,
Bốn tháng áo không thay,
Bốn tháng không giặt giũ.
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc,
Tóc bạc thêm mấy phần,
Gày đen như quỷ đói,
Ghẻ lở mọc đầy thân.
Lúc này thân thể ông gày đét, lở loét, tóc ông bắt đầu bạc dần và rụng răng. Nhưng ông không tuyệt vọng:
May mà:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần
Ốm nặng
“Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh,
“Nội thương” đất Việt cảnh lầm than;
Ở tù mắc bệnh càng cay đắng,
Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.
 
Sau vài tuần lễ chậm trễ, sĩ quan chánh án toà án quân sự ở Quế Lâm xử vụ án Hồ Chí Minh. Khi thẩm vấn, Hồ thú nhận đã có quan hệ với phong trào cộng sản ở Đông Dương, nhưng chối ông không có mối quan hệ nào với Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông tuyên bố mình là một tù chính trị. Toà ra lệnh giải ông quay lại đại bản doanh Bộ chỉ huy Chiến khu 4 ở Liễu Châu để xử. Khi ông tới Liễu Châu đầu tháng 2-1943, Trương Phát Khuê chuyển vụ án này sang Phòng Chính trị.[12]
Nghe tin Hồ Chí Minh bị bắt, Lê Quảng Ba tức khắc rời Ba Mủng đến Tĩnh Tây. Hồ nhờ ông chuyển một bức thư cho Ban Chấp Hành Trung ương Đảng ở Việt Nam. Khi tin tức Hồ bị bắt về tới Cao Bằng cuối tháng 10, giới lãnh đạo đảng quyết định phát động phản đối công khai chống lại việc bắt ông. Họ cũng quyết định viết thư gửi tới những hãng thông tấn lớn như UPI, Reuters, TASS (Thông tấn xã Liên Xô) và AFP báo động về tình hình, yêu cầu họ can thiệp với chính phủ Trung Hoa để thả Hồ. Bức điện gửi cho đại diện TASS ở Trùng Khánh, ngày 15 tháng 11, đơn giản xác nhận Hồ Chí Minh là “một trong những người lãnh đạo Chi Hội Việt Nam của Hội Phản đế Quốc tế”, người có “uy tín cao” trong nhân dân. Bức điện nói, Hội có 200.000 thành viên. Trong thời gian này, những báo động tương tự cũng được thu nhận bởi tất cả những cơ quan điện báo ở Trùng Khánh, tuy nhiên, Hồ Chí Minh vẫn đang ở nhà tù Quế Lâm.
Trong lúc đó, Hoàng Đình Giong, cán bộ đảng người dân tộc thiểu số, được cử tới Trung Hoa để đưa bức điện nhân danh Chi Hội Việt Nam của Hội Phản đế Quốc tế tới Tôn Khoa yêu cầu thả Hồ. Tôn Khoa là con trai Tôn Dật Tiên và là Chủ tịch đương thời Viện Lập Pháp ở Trùng Khánh. Tôn Khoa công khai phát biểu ủng hộ việc giải phóng những nước thuộc địa ở châu Á sau khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương, thiện cảm với bức thư này:
Kính gửi Tôn Viện trưởng,
Đại diện của chúng tôi Hồ Tự Minh bị bắt ở Tĩnh Tây trên đường tới Trùng Khánh yết kiến Tưởng tướng công để kính tặng cờ kỷ niệm. Chúng tôi đề nghị ông đánh điện cho chính quyền địa phương thả ông ta lập tức.
Tôn Khoa, có lẽ không biết Hồ Tự Minh là ai, liền chuyển bức điện cho Ngô Thiết Thành, Tổng bí thư Quốc Dân Đảng. Ngày 9 tháng 11, Ngô Thiết Thành gửi điện báo cho chính quyền tỉnh ở Quế Lâm, cũng như tới Bộ chỉ huy Chiến khu IV của Trương Phát Khuê ở Liễu Châu, yêu cầu họ điều tra vấn đề, nếu đúng, ra lệnh thả Hồ. Tuy nhiên, không thể thực hiện được việc đó vào lúc này, Hồ Chí Minh đang bị giải trên đường từ huyện lỵ Thiên Bảo đến Nam Ninh, vẫn chưa tới Liễu Châu.[13]
Trong lúc giới lãnh đạo đảng ở Đông Dương làm hết sức để Hồ Chí Minh được thả, thì họ nghe được tin sốc. Vào một ngày mùa đông 1942-1943, một đảng viên trẻ của Đảng, người được cử tới nam Trung Hoa để tìm Hồ, đã về đến Cao Bằng báo cáo Hồ Chí Minh đã chết. Khi ở Liễu Châu ông ta nghe tin Hồ chết trong tù. Sau khi gửi một bức thư báo động Ban Chấp hành Trung ương tại đóng gần Hà Nội, giới lãnh đạo đảng ở Việt Bắc cử Phạm Văn Đồng tổ chức lễ truy điệu.
Tuy nhiên, vài tuần sau một tạp chí từ Trung Quốc gửi tới. Trên mép bìa tạp chí có một số chữ Hán viết tay: “Các bạn yêu quý của tôi - hãy giữ sức khoẻ và dũng cảm trong công tác. Mình sức khoẻ tốt”. Kèm theo một bài thơ ngắn:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa.
Quá vui mừng, giới lãnh đạo đảng mời người cán bộ kia đến giải thích. Ông này giải trình “Chính tôi cũng không hiểu. Ông tỉnh trưởng người Trung Hoa nói rõ ràng với tôi rằng Bác Hồ đã chết”. Tuy nhiên, khi người cán bộ này thuật lại chính xác lời tỉnh trưởng, mọi người mới té ngửa rằng ông ta nghe nhầm từ “shile, shile” (tốt, tốt) thành “sile, sile” (chết, chết).[14]
Tại Liễu Châu, Hồ Chí Minh vẫn còn bị giam tại một nhà tù quân đội thuộc doanh trại của Phòng Chính trị. Thời gian này - ông làm thơ - cảm thấy mình giống như một quả bóng bị đá đi đá lại giữa các nhà tù và hiện đang ở giữa Quế Lâm và Liễu Châu. Trong thời gian năm tháng cuối cùng, ông bị giải qua mười tám nhà tù ở mười ba huyện khác nhau ở nam Trung Hoa. Dù Hồ vẫn còn buồn bực trước tình cảnh mất tự do, nhưng là một tù chính trị ông được đối xử tử tế hơn. Thức ăn đầy đủ, không vị cùm về ban đêm, thậm chí ông còn được phép đọc sách báo. Định kỳ ông được phép rời buồng giam để tản bộ dãn xương cốt, khuây khoả bản thân, thỉnh thoảng còn được cắt tóc và tắm nước nóng. Ông cũng có điều kiện tốt hơn để giữ liên lạc với các đồng chí ở Việt Nam và thông báo tình hình của ông, vì thế ông thường xuyên gửi cho họ sách, báo chí chứa những thư ngắn viết bằng nước cơm vào lề trống. Đối với những người Trung Quốc cầm tù mình, ông thể hiện hình ảnh một học giả già, nhã nhặn và điềm tĩnh. Để giết thời gian, ông dịch cuốn sách nổi tiếng “Chủ nghĩa Tam Dân” của Tôn Dật Tiên sang tiếng Việt.[15]
Một ngày mùa xuân 1943, tướng Trương Phát Khuê biết được danh tính thực của vị tù nhân rắc rối, hoặc ít nhất cũng xác định được ông là một người cộng sản. Đúng hơn, Trương Phát Khuê cũng chỉ phỏng đoán điều này. Hoàng Văn Hoan, một đồng sự của Hồ Chí Minh, nói danh tính Hồ là đặc vụ Quốc tế Cộng sản bị tiết lộ do Trần Báo, theo chủ nghĩa quốc gia sống trong vùng, hy vọng người ta sẽ xử tử Hồ Chí Minh. Nhưng tướng Lương Hoa Sinh, khi đó là chủ nhiệm Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Chiến khu 4, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau này, trong những cuộc nói chuyện với Hồ, ông biết chắc người tù là cộng sản và đề nghị thủ tiêu. Tuy nhiên, theo Lương Hoa Sinh, đề nghị của ông bị chính quyền trung ương ở Trùng Khánh bác bỏ, mặc dù chính chính quyền Trùng Khánh lúc đó cũng biết danh tính thực của Hồ, nhưng ra lệnh “cảm hoá” Hồ nếu có thể được.[16]
Quyết định của chính phủ về vấn đề này thoạt đầu có thể do chịu ảnh hưởng của Chu Ân Lai, người đứng đầu văn phòng liên lạc Đảng cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Mùa thu năm 1942, khi Chu Ân Lai biết Hồ Chí Minh đã bị bắt, ông đặt vấn đề với tướng Phùng Ngọc Tường, viên tướng nổi tiếng của Trung Hoa, một trong kẻ thù của Tưởng Giới Thạch trong thập niên 1920 và 1930. Phùng Ngọc Tường, thường ve vãn những người cộng sản, nhưng bây giờ là nhân vật có thế lực của giới lãnh đạo Chính phủ Quốc Dân Đảng, tư vấn với cố vấn Xô viết ở Trùng Khánh và sau đó ông nói chuyện với phó tổng thống Lý Tôn Nhân. Họ cùng nhau gặp Tưởng và đề nghị thả Hồ Chí Minh. Theo một người Trung Hoa kể lại, Phùng Ngọc Tường ủng hộ Hồ, lý giải, ngay cả Hồ Chí Minh là thành viên phong trào cộng sản Việt Nam, thì điểm này cũng không liên quan. Sau cùng, ông lập luận, những đại diện cộng sản nước ngoài, gồm cả Liên Xô, cũng không bị cản trở. Điểm chính, Phùng Ngọc Tường khẳng định nhân dân Việt Nam ủng hộ nhân dân Trung Hoa kháng chiến chống Nhật. Nếu Hồ Chí Minh là một người bạn mà bị trừng trị như một tội phạm, điều đó sẽ làm cho Trung Hoa mất sự ủng hộ, mất thiện cảm của quốc tế và không thật lòng với cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Hoa. Lý Tôn Nhân đồng tình với Phùng Ngọc Tường, đề nghị chính phủ trung ương trao vấn đề này cho chính quyền tỉnh Quảng Tây giải quyết. Tưởng Giới Thạch miễn cưỡng đồng ý, gửi điện cho Bộ chỉ huy Chiến khu IV ra lệnh thả Hồ dưới sự theo dõi, đồng thời cố gắng thuyết phục Hồ cộng tác với những mục tiêu của Trùng Khánh.[17]
Không rõ bức điện có tác động gì đến tướng Trương Phát Khuê ở Liễu Châu hay không. Trong những cuộc phỏng vấn bởi Mỹ nhiều năm sau chiến tranh, Trương Phát Khuê phủ nhận hành động trong vấn đề này là do lệnh từ cấp trên. Như ông giải thích, ngay khi phát hiện tù nhân đúng là Nguyễn Ái Quốc, một người có ảnh hưởng trong phong trào cộng sản Việt Nam, ông ra lệnh viên chủ nhiệm chính trị mới ở Phòng Chính trị, tướng Hầu Chí Minh, gạ Nguyễn Ái Quốc hợp tác với Đệ Tứ Chiến khu để đổi lấy tự do. Trong những cuộc nói chuyện với Hồ, Trương Phát Khuê nhận ra năng lực đáng nể, nhiệt huyết chống Pháp của Hồ, tin chắc mặc dù Hồ là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương, nhưng mục tiêu trước mắt là tự do và độc lập cho đất nước ông. Có lẽ Hồ đề nghị giúp đỡ Trương Phát Khuê tái tổ chức phong trào kháng chiến Việt Nam ở nam Trung Hoa và đảm bảo với Trương Phát Khuê một xã hội cộng sản sẽ không thành lập ở Việt Nam ít nhất là sau 50 năm.[18]
Những lý do Trương Phát Khuê quyết định trả tự do người tù rõ ràng gắn liền với những mục tiêu chính trị lâu dài của chính ông. Quê ở Quảng Đông, cựu trào Bắc Phạt giữa thập niên 1920, Trương Phát Khuê, tư lệnh quân đội đáng kính, người tránh xa những mưu toan chính trị của cả Tưởng Giới Thạch và Đảng cộng sản Trung Quốc. Ông căm ghét cả Nhật Bản lẫn chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và chắc chắn có thiện cảm với sự khát khao của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc. Là tư lệnh Chiến khu 4 ở Liễu Châu, ông có trách nhiệm chuẩn bị tấn công vào quân đội Nhật Bản ở Đông Dương trước khi chiến tranh kết thúc. Chạy tới chạy lui, cuối cùng ông đã tìm cách tổ chức được những lực lượng người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa ở nam Trung Hoa trong thời gian đầu thập niên 1940 và đào tạo họ để sử dụng cho những hoạt động tương lai ở Đông Dương.
Tuy nhiên, kế hoạch của Trương Phát Khuê tổ chức lực lượng người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa thành một công cụ hiệu quả đã gặp nhiều khó khăn. Sự cộng tác giữa những nhóm dân tộc chủ nghĩa và Đảng cộng sản Đông Dương thông qua việc hình thành Uỷ Ban Giải Phóng Dân Tộc Việt Nam đã kết thúc cuối năm 1941, giới lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng phát hiện được danh tính thực của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp khai trừ họ ra khỏi tổ chức. Ngay sau đó, chủ nghĩa bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo những người dân tộc chủ nghĩa như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Nghiêm Kế Tổ dẫn tới sự sụp đổ nội bộ Hội. Trương Bội Công, một trong những người tài trợ Uỷ ban, bị nhà cầm quyền địa phương bắt giam vì tội tham nhũng.
Mùa hè năm 1942, Trương Phát Khuê quyết định thử một lần nữa, chỉ thị cho những người lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa thành lập tổ chức mới, chưa có sự tham gia của cộng sản, mang tên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, gọi tắt là Đồng Minh Hội. Tướng Hầu Chí Minh, cấp dưới của Trương Phát Khuê được cử giữ chức cố vấn Trung Hoa cho tổ chức này, cuộc họp đầu tiên diễn ra ở Liễu Châu đầu tháng 10-1942. Đồng Minh Hội cũng không thu hái được những thành công gì hơn tổ chức tiền nhiệm trước đó, khi kế hoạch do tướng Trương Phát Khuê hậu thuẫn, triệu tập Đại hội toàn quốc đầu tháng 9-1943 bị thất bại do sự bất đồng phe cánh trong giới lãnh đạo.
Hy vọng Hồ Chí Minh có thể tạo ra nguồn sinh lực tiếp sức phong trào đấu tranh của những người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa tại nam Trung Hoa, Trương Phát Khuê quyết định trả tự do cho ông. Ngày 10 tháng 9, Hồ được thả khỏi nhà tù nhưng bị hạn chế tự do đi lại. Một uỷ viên Phòng Chính trị Bộ chỉ huy Chiến khu 4 sau này nhớ lại, vào một ngày mùa thu, tù nhân này đột nhiên vào nhà ăn của Phòng Chính trị, ngồi xuống cùng Hầu Chí Minh và những quan chức Trung Hoa khác. Từ lúc đó, người cựu tù này, được những người quen biết gọi là “Bác Hồ”, không còn bị giam giữ nữa, được phép tự do đi lại trong doanh trại, thậm chí còn đi bộ bên ngoài khuôn viên.[19]
Mùa thu 1943, Hồ Chí Minh dần dần bắt đầu nhấn mình vào những hoạt động chính trị địa phương. Bằng cách thúc đẩy hồi sinh những nhóm dân tộc chủ nghĩa Việt Nam cố gắng cho tổ chức hoạt động có hiệu quả, Trương Phát Khuê tuyên bố, trực tiếp nắm Đồng Minh Hội, thay Hầu Chí Minh bằng tướng Tiêu Văn, làm cố vấn Trung Hoa cho Hội. Tiêu Văn, sinh ở Quảng Đông, cha là Hoa kiều, bản thân có thiện cảm với cộng sản. Để mở rộng cơ sở của tổ chức, Trương Phát Khuê chỉ thị, tất cả những người Việt Nam tốt nghiệp lớp đào tạo tại Liễu Châu đều được trở thành Hội viên.
Hồ Chí Minh bây giờ bắt đầu đóng một vai trò tích cực trong Đồng Minh Hội. Tháng 11-1943, theo yêu cầu của tướng Trương Phát Khuê, Hồ được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội. Nguyễn Hải Thần lúc này là chủ tịch Hội, kẻ thù của Hồ từ những ngày hoạt động ở Quảng Châu trong thập niên 1920. Việc bổ nhiệm làm Nguyễn Hải Thần khó chịu, nhưng phải nuốt giận vì không muốn mất lòng người đỡ đầu của mình. Tháng 12-1943, tướng Hầu Chí Minh mở tiệc chiêu đãi, trong bữa tiệc Nguyễn Hải Thần ra câu đối “Hồ Chí Minh, Hầu Chí Minh, hai đồng chí cùng quyết chí minh”. Không kém một ly, Hồ Chí Minh lập tức đối lại: “Anh cách mạng, tôi cách mạng, hai chúng ta cùng nhau cách mạng. Chúng ta chắc chắn sẽ thay đổi số phận của mình”.[20]
Được Trương Phát Khuê ưu ái, cuối mùa thu, Hồ tích cực nhúng tay tái tổ chức Đồng Minh Hội. Bây giờ ông chuyển khỏi doanh trại Phòng Chính Trị, được phép sống tại trụ sở Hội. Ông thường xuyên tham gia giảng dạy về các vấn đề quốc tế và địa phương cho người nghe khắp thành phố cũng như cho lớp đào tạo người Việt Nam dưới dự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến khu IV. Ông hứa với khán giả, sau khi đánh bại Nhật Bản, chắc chắn một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ sẽ xuất hiện ở Đông Nam Á. Có lần, ông ca ngợi Trung Hoa là một lực lượng mạnh cho hoà bình, người anh cả của nhân dân Việt Nam. Ông tiên đoán Đồng Minh sẽ hoàn toàn chiến thắng Nhật trong vòng một năm hoặc chừng đó, Trung Hoa khi đó có thể giúp Việt Nam khôi phục hoàn toàn nền độc lập bằng cách hoà bình và xây dựng một xã hội mới.[21]
Dựa vào Hồ Chí Minh như một công cụ để hồi sinh Đồng Minh Hội, Trương Phát Khuê đề nghị Hồ cố gắng tổ chức Đại hội lần thứ II. Hồ nhận lời. Một hội nghị trù bị được tổ chức tại Liễu Châu cuối tháng 2-1944. Tại Hội nghị, Hồ đề xuất, Hội phải mở rộng phạm vi, có sự tham gia của đại diện Mặt trận Việt Minh và những tổ chức quần chúng cũng như những nhóm khác ở Đông Dương cùng chung sự nghiệp chống phát xít. Có người lo khối liên minh sẽ bị Đảng cộng sản Đông Dương chiếm ưu thế. Hồ vạch rõ, tất cả các đảng phái và tổ chức trong nước biết Đảng cộng sản Đông Dương là đảng có tầm nhìn và ảnh hưởng mạnh nhất. Ông tuyên bố, nhân dân Việt Nam chẳng việc gì phải sợ chủ nghĩa cộng sản, vì chủ nghĩa cộng sản dần dần đưa lại ý tưởng bình đẳng kinh tế khắp thế giới, như nền dân chủ truyền bá khái niệm bình đẳng chính trị khắp châu Âu sau Cách mạng Pháp năm 1789. Kết quả sẽ là thế giới đại đồng. Hồ nói thêm, trong quá khứ, luôn có sự cạnh tranh giữa những đảng phái chính trị Việt Nam. Bây giờ các đảng phái này sẽ thống nhất để đấu tranh chống lại áp bức, đạt được mục tiêu duy nhất là thúc đẩy tất cả các đảng phái để giải phóng đất nước và dân tộc. Làm được điều đó sẽ theo kịp xu thế chung của nhân loại, vì Trung Hoa với chủ nghĩa Tam Dân, đế quốc Anh, cộng sản Nga và tư bản Mỹ hiện nay đang liên minh chống lại kẻ thù chung. Tướng Trương Phát Khuê đồng ý với những ý kiến lớn đó, giao Hồ đặt kế hoạch triệu tập hội nghị Đồng Minh Hội vào cuối tháng 3-1944.[22]
Nhưng ý định của Hồ Chí Minh tính đến đại diện của Mặt trận Việt Minh tại hội nghị không được nhiều thành viên không cộng sản của Đồng Minh Hội tán thành, họ nghi ngờ Hồ âm mưu chi phối hội nghị bằng cách nhét người của ông vào. Để xua tan những lo âu đó, Hồ đề nghị với Trương Phát Khuê, cuộc họp sẽ đơn giản mang tên hội nghị những đại diện hải ngoại của Đồng Minh Hội. Trương Phát Khuê đồng tình, tại một cuộc họp của ban chấp hành Hội, đi đến thoả thuận, hội nghị bao gồm những đại diện của tất cả các nhóm Việt Nam đang hoạt động ở nam Trung Hoa. Tại một bữa tiệc diễn ra giữa tháng 3-1944, Trương Phát Khuê tán thành kế hoạch này, những người chống đối việc mở rộng tham dự của tất cả các nhóm yêu nước tại Hội nghị, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận.
Hội nghị những đại diện hải ngoại Đồng minh Hội khai mạc ở Liễu Châu ngày 25-3-1944. Mười lăm đại biểu tham dự, bao gồm những đại diện Đảng cộng sản Đông Dương, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt dân tộc chủ nghĩa. Vài đại biểu, gồm Phạm Văn Đồng và Lê Tống Sơn, tham dự dưới tên Việt Minh hoặc những tổ chức khác có quan hệ với Đảng. Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị, vạch rõ tình hình hiện tại ở Đông Dương, hoạt động của Mặt trận Việt Minh và chúc mối quan hệ lịch sử gần gũi lâu dài giữa nhân dân Việt Nam và Trung Hoa. Trương Phát Khuê tham dự phiên khai mạc và phiên kết thúc, theo dõi mọi sự kiện sát sao như gà mẹ chăm sóc đàn con mới nở, tin tưởng cuộc họp thành công. Trước khi kết thúc vào ngày 28-3-1944, hội nghị thông qua hai nghị quyết và bầu ban chấp hành gồm bẩy uỷ viên và một ban kiểm tra. Hồ Chí Minh lúc đầu được bầu là uỷ viên dự khuyết, nhưng sau trở thành uỷ viên chính thức. Trương Phát Khuê biểu thị sự hài lòng của mình bằng cách tặng cho các đại biểu một khoản tiền bổ xung.[23]
Trong thời gian vài tháng sau đó, Hồ Chí Minh dấn thân cố gắng hồi sinh Đồng Minh Hội và chuẩn bị trở lại Việt Nam. Tháng Bẩy ông tới Nam Ninh nói chuyện với học viên, những người được Việt Minh gửi tới học tập tại Trường đào tạo ở nam Trung Hoa. Lúc này Trương Phát Khuê khẳng định, Hồ Chí Minh là sự lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo phong trào Việt Nam kháng chiến chống Nhật. Ông nói, trong lúc Hồ làm việc chăm chỉ, thì những người khác lười biếng, cẩu thả và lộn xộn khiến ông đau đầu. Đầu tháng Tám, bất chấp những lời phàn nàn của những người không cộng sản, Trương Phát Khuê cho phép Hồ Chí Minh hoàn toàn tự do hành động và hứa, Hồ có thể sớm trở lại Việt Nam. Hồ vạch kế hoạch hành động khi về nước. Trong bản kế hoạch, ông muốn truyền tải tới nhân dân Việt Nam rằng Trung Hoa đang thúc đẩy độc lập của đất nước họ, phát triển và thúc đẩy Đồng Minh Hội, chuẩn bị điều kiện để quân đội Trung Hoa tiến vào bắc Việt Nam, đẩy mạnh cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Hứa cố gắng phát triển Đồng Minh Hội, Hồ liệt kê những đảng phái chính trị mà ông hy vọng thu hút dưới ngọn cờ của nó: không những chỉ có Đảng cộng sản Đông Dương và những tổ chức quần chúng khác nhau mà còn có cả những đối thủ lâu dài của Đảng, như Việt Nam Quốc Dân Đảng và ngay cả Đảng Lập Hiến, những đảng viên làm công tác tuyên truyền đã ra khỏi đảng, biến chất thành những kẻ phản động làm bù nhìn cho Pháp. Hồ hứa sẽ mở hai căn cứ địa du kích giáp phía nam biên giới, yêu cầu tướng Trương Phát Khuê cung cấp vũ khí, tài chính cùng một thư tay để giới thiệu với những tổ chức khác nhau ở Việt Nam và một bản đồ quân sự Việt Nam. Trương Phát Khuê đồng ý cung cấp Hồ một hộ chiếu ra vào Trung Hoa nhiều lần, thuốc tây và tiền để ông sử dụng cá nhân, nhưng sự ủng hộ tài chính bổ xung cho hoạt động chống Nhật ở Đông Dương sẽ xét vào lúc khác.[24]
Trước khi rời Liễu Châu, Hồ Chí Minh tới thăm lần cuối tướng Tiêu Văn, cố vấn Đồng Minh Hội của Trương Phát Khuê, người đã có những giúp đỡ đáng kể trong những chuẩn bị cuối cùng cho chuyến trở về Việt Nam. “Chín mươi chín phần trăm những gì tôi nói với ông về Việt Nam và phong trào cách mạng Việt Nam là thật”, Hồ quả quyết với vị khách Trung Hoa, “Chỉ còn có một phần trăm tôi chưa nói với ông thôi”. Trước đó, ông đã hứa với tướng Trương Phát Khuê, chủ nghĩa cộng sản sẽ không thực hiện ở Việt Nam trong vòng năm mươi năm.[25]
Một ngày cuối tháng 8-1944, cùng mười tám người Việt Nam vừa tốt nghiệp trường đào tạo của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh rời Liễu Châu, trở lại Đông Dương qua Long Châu và Tĩnh Tây. Để giảm nguy cơ bị lực lượng an ninh địa phương nhòm ngó, tất cả đều mặc quân phục Quốc Dân Đảng. Tại biên giới, họ thay phục trang, mặc quần áo dân địa phương, nhưng vẫn gặp những rắc rối với lính biên phòng, Hồ phải yêu cầu những quan chức địa phương ở Long Châu can thiệp, cho phép họ tiếp tục lên đường. Khi tới Bình Minh - thị trấn biên giới, ông phải ở lại vài ngày trong một túp lều tranh gần thị trấn để phục hồi sức khoẻ và lập nhóm bảo vệ hộ tống ông trở lại Pác Bó. Ngày 20-9-1944, ông về đến Pác Bó.[26]
Trong thời gian Hồ Chí Minh vắng mặt ở nam Trung Hoa, cuộc chiến ở Thái Bình Dương đã xoay chuyển vững chắc có lợi cho Đồng Minh. Thoạt đầu, tổng thống Roosevelt đưa ra kế hoạch tập trung nỗ lực quân sự chủ yếu vào chiến trường Trung Quốc - Miến Điện - Ấn Độ, dựa trên suy luận, lực lượng quân sự Quốc Dân Đảng sẽ đóng một vai trò chính trong chiến tranh. Song Washington vỡ mộng và vứt bỏ kế hoạch này vì Tưởng Giới Thạch không thiện chí dùng quân đội của mình tấn công chống lại Nhật. Năm 1943, một chiến lược mới của Mỹ được vạch ra nhằm chiếm những quần đảo Nhật Bản ở Thái Bình Dương, đã bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu thành công. Lực lượng Đồng Minh đã chiếm một số quần đảo do Nhật chiếm giữ ở Thái Bình Dương, đồng thời những đơn vị quân đội dưới sự chỉ huy của tướng Mỹ, Douglas MacArthur, đã giao chiến trên những đảo của họ suốt từ New Guinea tới Philippines.