Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG X
NHỮNG NGÀY THÁNG TÁM

     gày 14 tháng 8 năm 1945, tiếng súng im lặng trên toàn châu Á. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, tướng Mỹ Douglas MacArthur đến vịnh Tokyo đưa những điều kiện hoà bình của Đồng Minh cho đại diện triều đình Nhật Bản trên chiến hạm Missouri.
Tại vùng rừng núi Tân Trào, các nhà lãnh đạo Việt Minh đợi chờ tin tức Tokyo đầu hàng và bắt đầu hành động. Ngày 16-8-1945, khai mạc Hội nghị Nhân Dân Toàn Quốc, những đơn vị Việt Nam Giải Phóng Quân của Võ Nguyên Giáp, cùng thiếu tá Allison Thomas và toán Con Nai, bắt đầu di chuyển về phía nam hướng tới đồng bằng sông Hồng. Cũng ngày hôm đó, những cuộc nổi dậy của nhân dân nổ ra ở các huyện lỵ nông thôn khắp Bắc Việt Nam. Một số hành động mang tính tự phát, một số khác do những đơn vị Việt Minh ở địa phương thực hiện. Ở những vùng chính quyền bị đạp tan hoàn toàn, những “Uỷ ban giải phóng nhân dân” được thành lập. Chính quyền mới thay thế chính quyền cũ, những phần tử thù địch bị đánh đập và một vài trường hợp bị đánh đến chết.
Chính nạn đói ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vẫn tiếp diễn từ mùa đông năm ngoái cho đến nay đã góp sức mạnh cho lực lượng cách mạng nổi dậy. Chính phủ của Thủ tướng Trần Trọng Kim, do Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm sau khi Nhật đảo chính tháng Ba, đã cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng cách dừng việc bắt phải bán gạo cho chính quyền Nhật, đặt giá trần và tìm cách tăng vận chuyển ngũ cốc từ các tỉnh miền Nam ra, cải thiện các phương tiện vận tải. Các hội chống đói được thành lập cung cấp ngũ cốc cho người nghèo. Vụ lúa xuân được mùa đã giúp giảm bớt nạn đói, nhưng những trận mưa lớn giữa mùa hè khiến sông Hồng và các chi lưu của nó gây ngập lụt. Nhiều gia đình nông dân sống trong vùng đất trũng đồng bằng sông Hồng buộc phải bỏ nhà cửa vườn tược chạy lên đê tránh lụt. Nạn đói lan rộng là cơ hội vàng cho Việt Minh kích động những nông dân căm phẫn trong vùng chiếm kho thóc. Tuy trong một thời gian ngắn ngủi, sự cải thiện chút xíu cũng đã giảm bớt khốn khổ của dân chúng. Hơn một triệu người, gần mười phần trăm dân số Bắc Kỳ, đã bị chết đói chỉ trong vòng sáu tháng đầu năm 1945.[1]
Một số ví dụ khác, những người nổi dậy đụng độ với quân đội chiếm đóng Nhật Bản. Khi những đơn vị Việt Nam Giải Phóng Quân của Giáp, mang vũ khí Mỹ, mặc đồng phục, tiến vào tỉnh lỵ Thái Nguyên sáng ngày 19-8-1945, một cuộc biểu tình quần chúng lớn nổ ra ở trung tâm tỉnh lỵ chào đón những người mới đến, uy hiếp tinh thần binh lính Bảo An khiến họ nộp súng cho những người tấn công. Chính quyền Việt Nam và những quan chức đầu tỉnh tuyên bố đầu hàng, nhưng quân đội Nhật Bản vẫn kháng cự mạnh ở đại bản doanh tại trung tâm tỉnh lỵ. Khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng biết tin bọn Nhật ngoan cố chống cự, ra lệnh cho Giáp để một bộ phận ở lại Thái Nguyên bao vây quân Nhật, đồng thời đem những phần quân đội còn lại tiến về thủ đô Hà Nội. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở tỉnh Tuyên Quang kế bên.[2]
Ở Hà Nội, ngày 11-8-1945, tin đồn Nhật Bản sắp đầu hàng đã bắt đầu lan truyền, sau khi quả bom nguyên tử thứ hai thả xuống Nagasaki hai ngày trước đó. Những uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Khang nhanh chóng chuẩn bị khởi nghĩa chiếm thành phố từ tay quân Nhật. Trên thực tế, họ đã chuẩn bị việc này từ vài tháng trước. Dù chỉ có khoảng 50 đảng viên ở thủ đô, vài ngàn dân tham gia Hội Cứu Quốc của Việt Minh khi vỡ mộng với những chính sách vô ích của chính phủ Trần Trọng Kim đưa ra. Cuối năm 1944, phần lớn những hoạt động là tuyển mộ những đơn vị chiến đấu, vạch kế hoạch đánh chiếm các cơ quan chính phủ, lập đơn vị danh dự thực hiện ám sát, khủng bố nhằm vào những quan chức và những người ủng hộ chế độ. Ở nhiều làng xung quanh, các đơn vị tuyên truyền vũ trang được hình thành chuẩn bị thời điểm khi được lệnh tiến vào Hà Nội khuấy động nhân dân thành thị và trợ giúp lực lượng nội thành cướp chính quyền.[3]
Tình hình kinh tế tồi tệ trong tất cả khu vực thành thị diễn ra có lợi cho những người nổi dậy. Sản xuất công nghiệp tụt giảm trong hai năm gần đây, đồng thời nạn lạm phát - cũng góp một phần do việc chính quyền quân phiệt Nhật Bản in thêm tiền để chi tiêu cho nhu cầu của họ - cũng tăng lên nhanh chóng. Trong vài tháng, tỷ giá đồng bạc Đông Dương từ 0,25 đô la giảm xuống dưới 0,10 đô la Mỹ. Theo đánh giá, giá cả sinh hoạt tăng lên ba lần so với lúc bắt đầu chiến tranh. Do giá sinh hoạt gia tăng, nạn thiếu hụt thực phẩm vẫn tiếp tục trầm trọng, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác ngả sang Việt Minh, thậm chí một số người bắt đầu mua “trái phiếu cách mạng” của Việt Minh để lấy lòng chính quyền cách mạng mới.
Trong hai tuần lễ đầu tháng Tám, giới lãnh đạo đảng ở Hà Nội tìm cách thâm nhập những đơn vị quân đội chính phủ đóng ở thủ đô, bắt liên lạc với Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần ở Bắc Kỳ. Phan Kế Toại, theo báo cáo, người có thiện cảm bí mật với lực lượng cách mạng (con trai ông tham gia tích cực trong Mặt trận Việt Minh), gặp Nguyễn Khang ngày 13-8-1945 và đề nghị Việt Minh tham gia chính phủ Bảo Đại, bây giờ đang chuẩn bị đàm phán với phe Đồng Minh chiến thắng. Nhưng Khang từ chối, khuyên vua Bảo Đại nên thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ cộng hoà mới. Phan Kế Toại không phải là người được uỷ thác, nhưng đồng ý chuyển thư tới triều đình ở Huế. Cùng ngày, Thủ tướng Trần Trọng Kim, cảm thấy nhục nhã về sự không hợp pháp của chính phủ đương thời, đau đớn vì bản thân thiếu kinh nghiệm, (trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông chỉ là nhà sử học có quan điểm chính trị ôn hoà), đã từ chức ở Huế và trao quyền cho một uỷ ban được thành lập làm chính phủ lâm thời cho tới khi lực lượng Đồng Minh tới. Những người chủ nghĩa dân tộc không cộng sản thành lập Uỷ ban Cứu Quốc làm đại diện của chính phủ tại Hà Nội.[4]
Tin Tokyo đã chấp nhận những điều kiện hoà bình của Đồng Minh bay đến Hà Nội ngày 15-8-1945. Chính quyền chiếm đóng Nhật Bản lập tức trao quyền lực cho chính phủ lâm thời Việt Nam. Chiều hôm đó, các uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ họp tại ngoại thành Hà Đông tìm ra cách ứng phó với những sự kiện trong tuần. Dù Xứ uỷ Bắc Kỳ không nhận được lệnh của Hồ Chí Minh tại Tân Trào, nhưng chỉ thị tháng 3-1945 của đảng đã nhấn mạnh tầm quan trọng sáng kiến địa phương tận dụng cơ hội tốt nhất khoảng trống quyền lực tạo ra tại thời điểm do Nhật Bản đầu hàng. Xứ uỷ Bắc Kỳ ra lệnh tổng khởi nghĩa khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng để chuẩn bị cho một cuộc tấn công sắp tới vào thủ đô. “Uỷ ban Khởi nghĩa Quân sự” gồn năm người được thành lập do Nguyễn Khang trực tiếp lãnh đạo. Sáng hôm sau, Khang đạp xe vào Hà Nội, gặp những người lãnh đạo cơ sở phối hợp hành động. Nhưng không có chỉ thị từ Tân Trào, họ vẫn không dám quyết định dứt khoát cướp chính quyền khi nào và như thế nào.[5]
Đêm 16-8-1945, nhân dân Hà Nội thấp thỏm trong bóng đêm chờ số phận của họ. Đèn đường ở trung tâm phố xá bị tắt, bóng đêm bao phủ thành phố chuẩn bị cho cuộc không tập có thể xảy ra. Ánh sáng le lói phát ra từ những khách sạn và nhà hàng tương phản sắc nét với bóng đen bao phủ thành phố. Bất thình lình, trong bóng đêm yên lặng vang lên tiếng súng lục nổ. Một đội Việt Minh xông vào một rạp chiếu bóng cạnh hồ Hoàn Kiếm, bắt dừng chiếu phim và nhảy lên diễn thuyết. Viên sĩ quan Nhật đang xem phim bỏ chạy ra khỏi rạp bị bắn gục trên phố. Xác ông ta nằm bất động nhiều giờ trên đường.
Hy vọng ứng phó với sự biến đổi nhanh chóng của tình hình, những người lãnh đạo Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ - cơ quan bù nhìn được Pháp lập ra hai thập niên trước đây - triệu tập họp hội đồng tại Phủ Toàn quyền nằm ở tây bắc thành phố vào ngày 17-8-1945. Cuộc họp chủ yếu gồm những người thân Nhật của Đảng Đại Việt, chiếm đa số trong Uỷ ban Cứu Quốc vừa lập ra bốn ngày trước đó. Họ kêu gọi nhân dân biểu tình ủng hộ chính phủ Bảo Đại. Trong khi đó, những đơn vị Việt Minh ở ngoại thành - theo lệnh Uỷ ban Khởi nghĩa Quân sự - bắt đầu hành động, chiếm chính quyền ở địa phương và thành lập Uỷ ban Nhân dân Cách mạng. Những đơn vị tự vệ, chỉ có gậy gộc, dáo mác gồm những người khoẻ mạnh, đã chuẩn bị tiến vào thành phố sáng hôm sau.[6]
Những sự kiện khuấy động xảy ra ở ngoại ô dâng cao đến mức tác động đến nội thành. Chiều ngày 17 tháng 8, trong khi Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ vẫn còn họp ở Phủ Toàn quyền, một cuộc mít tinh khác được tổ chức tại Nhà Hát Lớn - nhà hát opera kiểu Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX ở trung tâm Hà Nội -. Cuộc mít tinh được tổ chức theo lời kêu gọi các đảng phái chính trị, những nhóm trung thành với Chính phủ lâm thời Trần Trọng Kim vừa lập ra. Đám đông ước tính 20.000 người, tập hợp thành từng khối phía trước Nhà Hát Lớn để thị uy. Nhưng khi cuộc mít tinh mở màn, những người biểu tình thân Việt Minh hành động theo lệnh của Ban Chấp hành Thành ủy đảng bắt đầu hô to những khẩu hiệu đòi độc lập dân tộc, chính quyền về tay nhân dân. Lập tức, những tự vệ xung kích tiến vào toà nhà, trèo lên tầng hai, hạ lá cờ quẻ ly của hoàng đế trên ban công và treo lá cờ đỏ sao vàng của Mặt trận Việt Minh. Nguyễn Khang nhảy lên diễn đàn dựng trước Nhà Hát Lớn, tuyên bố Nhật đầu hàng, kêu gọi những người biểu tình ủng hộ cuộc khởi nghĩa sắp tới. Cuộc mít tinh kết thúc trong hỗn loạn, đám đông biến thành dòng người đội mưa kéo tới Bắc Bộ Phủ, cách đó mấy toà nhà. Những dòng người khác tiếp tục kéo tới Phủ Toàn quyền, tới khu trung tâm buôn bán của thành phố.
Tối hôm đó, khi thành phố chìm trong tình thế căng thẳng và trong cái nóng oi ả của mùa hè, đảng bộ thành phố họp tại một địa điểm bí mật ở ngoại ô vạch kế hoạch cho ngày hôm sau. Được Nguyễn Khang khích lệ, Thành ủy quyết định ngày hôm sau sẽ tuồn vũ khí vào nội thành, những đội tự vệ xung kích sẽ án ngữ những vị trí quan trọng cho cuộc khởi nghĩa dự kiến nổ ra ngày 19 tháng 8. Đảng bộ Hà Nội ước tính, có hơn 100.000 người ủng hộ Việt Minh hoặc ít nhất cũng một nửa dân thành phố. Để tăng cùng sức mạnh, lực lượng tự vệ ngoại thành được lệnh thâm nhập nội thành. Đêm ngày 18-8-1945, các uỷ viên Uỷ ban Khởi nghĩa Quân sự âm thầm lọt vào Hà Nội để chỉ đạo hành động.
Đông đảo quần chúng nhân dân bắt đầu tập hợp thành từng khối trước quảng trường Nhà Hát Lớn vào sáng sớm. Nhiều nông dân từ những làng xung quanh Hà Nội như Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, được những đội tuyên truyền vũ trang Việt Minh huy động, bắt đầu tràn vào thành phố trước khi trời rạng. Những người trong thành phố, như công nhân, học sinh sinh viên, người buôn bán và viên chức chính phủ vì hiếu kỳ mà tham gia sự kiện sắp xảy ra. Theo một người tham dự kể lại, đàn ông mặc áo nâu, chân đi dép cao su (dép râu), còn phụ nữ mặc áo nâu, chít khăn vuông, chân đất. Trên đường phố là cả một rừng cờ đỏ, mỗi điểm bây giờ giống như ngôi sao vàng ở giữa. Vì là ngày chủ nhật, tất cả các cửa hiệu cũng như các chợ đều đóng cửa.
Gần trưa, buổi lễ bắt đầu trước cửa Nhà Hát Lớn. Sau một phút im lặng tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, ban nhạc cử quốc ca, lá cờ đỏ sao vàng kéo lên. Sau đó một uỷ viên đảng bộ Hà Nội xuất hiện trên ban công, tuyên bố cuộc tổng khởi nghĩa bắt đầu. Ngay sau đó, đàm đông chia thành vài dòng người, tiến về những vị trí quan trọng trong thành phố: Toà Thị Chính, Sở Cảnh Sát, Bắc Bộ Phủ. Nói chung không có sự chống cự, nhưng có một vài đụng độ nhỏ. Khi khối dân chúng do Nguyễn Khang dẫn đầu tiến đến Bắc Bộ Phủ, một đơn vị Bảo An Binh dàn quân chống cự, nhưng sau một hồi đấu lý với một đội tự vệ xung kích của Việt Minh, viên sĩ quan đầu hàng. Những thành viên Việt Minh kết thành một hàng rào sắt trước mặt Bắc Bộ Phủ, lá cờ Việt Minh nhanh chóng được kéo lên cột cờ. Những dòng người khác tiến đến trụ sở Bảo An Binh, nhà tù thành phố, các dinh thự công sở thành phố và chiếm chúng.
Chính phủ lâm thời và quân Nhật chẳng hề chống cự. Sau khi thương lượng với Việt Minh, chính quyền chiếm đóng Nhật Bản đồng ý quân đội Nhật Bản không can thiệp. Uỷ ban Cứu Quốc lập ra vài ngày trước đó bất lực - trên thực tế, đã tan rã trước khi màn đêm buông xuống. Đến cuối chiều, Hà Nội đã nằm trong tay lực lượng cách mạng trong một cuộc chính biến không đổ máu, chính quyền Việt Minh gửi thư tới những đơn vị các nơi thông báo thắng lợi và đưa ra những phuơng hướng hành động tiếp theo: “Nếu có thể, hãy hành động như ở Hà Nội. Nhưng chỗ nào quân Nhật chống cự, hãy tấn công quyết liệt. Bằng tất cả mọi giá phải cướp được chính quyền”.
Những sự kiện vài ngày qua, làm nức lòng nhân dân Hà Nội, từng phải chịu đựng suốt nhiều năm khó khăn về kinh tế, sự chiếm đóng của quân đội Nhật Bản. Không lo quân cảnh Nhật tấn công, các đám đông đi quanh đường phố phất cờ, hô to khẩu hiệu đòi độc lập, yêu cầu triều đình bù nhìn từ chức. Rất ít người biểu tình biết rõ về Việt Minh. Nhưng với số đông còn lại, chẳng hiểu Việt Minh là ai và tại sao lại có thể đại diện cho dân tộc, nhưng cuộc chiến tranh Thái Bình Dương đã kết thúc, viễn cảnh tống cổ người Pháp ra khỏi đất nước cũng quá đủ để họ ăn mừng.
Tin tức thắng lợi ở thủ đô lan nhanh khắp Bắc Kỳ, chắc chắn tạo thuận lợi cho Việt Minh cướp chính quyền ở những nơi khác. Lực lượng cách mạng đã gạt sang bên sự chống cự yếu ớt của chính quyền địa phương hoặc quân Nhật và ở vô số làng mạc, thị trấn, việc cướp chính quyền hầu như không gặp chống cự. Đến ngày 22-8-1945, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp Bắc Kỳ và những huyện phía trên vùng cán xoong (ám chỉ Thanh Hoá). Hôm sau Việt Minh thương lượng ngừng bắn, tất cả lực lượng quân đội Nhật bỏ vũ khí đầu hàng ở Thái Nguyên.
Ở các tỉnh Trung Kỳ chạy dọc phía nam bờ biển, tình hình có đôi chút khó khăn. Phong trào cách mạng chưa được tổ chức tốt ở các tỉnh Trung Kỳ và không có căn cứ địa giải phóng để thu nạp hội viên mới cũng như nhận chỉ thị. Khoảng cách địa lý xa khiến thông tin liên lạc với ban lãnh đạo Việt Minh ở phía bắc khó khăn hơn mặc dù những đảng bộ đã nhận được chỉ thị tháng 3-1945 từ Ban Thường Vụ, nhưng phải mất vài ngày mới nhận được thư từ Tân Trào, thậm chí những tin tức nóng hổi về những sự kiện đang diễn ra ở Hà Nội.
Trong hoàn cảnh này, lãnh đạo đảng bộ địa phương quyết định hành động theo sáng kiến riêng. Trọng tâm của họ là kinh đô Huế, nơi Đảng bộ đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa từ khi nhận được chỉ thị tháng Ba. Nhưng dân chúng vùng này không ủng hộ cách mạng như ở phía bắc. Cố đô Huế, thành phố của những quan lại cai trị hơn là của công nhân hoặc người buôn bán. Tuy một số người dân - đặc biệt học sinh, sinh viên, thợ thủ công, tiểu thương - ngả về cách mạng, nhưng cũng có một số đảng phái chính trị ủng hộ chế độ cũ, thậm chí ủng hộ cả Nhật Bản. Do đó, cán bộ đảng phải tập trung cố gắng ở vành đai nông thôn, nơi ủng hộ Việt Minh khá mạnh.
Ngày 21-8-1945, vua Bảo Đại ở Huế nhận được bức điện của chính phủ mới ở Hà Nội yêu cầu ông thoái vị. Lãnh đạo đảng địa phương hình như không biết rõ cái gì phải làm, nhưng khi Tố Hữu - nhà thơ cách mạng trẻ tuổi - thay mặt Việt Minh tới Huế, Đảng bộ tỉnh bắt đầu hoạt động. Lực lượng Việt Minh chiếm chính quyền ở nông thôn quanh Huế, bắt đầu tổ chức những đơn vị tự vệ nông dân. Sau đó, ngày 22-8, hơn 100.000 người tụ tập ở Ngọ Môn chứng kiến Uỷ ban Khởi Nghĩa địa phương cướp chính quyền. Giống như ở Hà Nội, hầu như không có sự chống cự của chính phủ địa phương hay quân Nhật.
Đối với Việt Minh, Nam Kỳ quả là khó nhằn. Sau khi cuộc khởi nghĩa 1940 bị đàn áp, Xứ uỷ Nam Kỳ hầu như tan vỡ. Phần đông ban lãnh đạo đảng chết, hoặc bị tù còn những người ủng hộ Đảng bị mất tinh thần. Trong khi đó, những phần tử không cộng sản lại thu được thành công dưới sự chiếm đóng của Nhật, khuyến khích phát triển phong trào dân tộc chủ nghĩa trực tiếp chống lại phương Tây được phản ánh quan điểm của Tokyo theo Học thuyết Monroe, dựa trên khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á”. Chính quyền Jean Decoux cố gắng duy trì ảnh hưởng bằng cách nuôi dưỡng những phần tử ôn hoà có quan hệ với tầng lớp trung lưu tương đối giàu có tại Sài Gòn và những thị xã lớn ở đồng bằng Cửu Long.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, các đảng viên cố gắng khôi phục lại phong trào trong hoàn cảnh hỗn loạn. Đi đầu trong những cố gắng này là cựu học viên Trường Stalin Trần Văn Giàu, bị tù trong thời gian khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhưng đã vượt ngục mùa hè năm sau. Trong hoàn cảnh không có bất cứ thông tin liên lạc từ ban lãnh đạo đảng ở miền Bắc, Xứ uỷ Nam Kỳ phải tuân theo tinh thần Hội nghị VI từ năm 1939, chuẩn bị tổng khởi nghĩa trong tương lai, đồng thời vận dụng nó vào hoàn cảnh hiện tại ở Nam Kỳ. Không có những căn cứ rừng núi như ở Việt Bắc, Giàu quyết định tập trung mọi nỗ lực của Đảng vào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, đồng thời xây dựng sức mạnh ở nông thôn chuẩn bị tổng khởi nghĩa khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. Dù hoạt động của Đảng không thắng được những đối thủ dân tộc chủ nghĩa như những nơi khác trong nước, Giàu cố gắng nâng cao tinh thần các đồng chí bằng cách dẫn ra những tấm gương cách mạng Bolsevich để dẫn đến tác dụng rằng một dân tộc nhược tiểu được huấn luyện và có kỷ luật có thể giành chính quyền trong tình hình nước sôi lửa bỏng. Bởi thế ông bắt đầu vạch kế hoạch khởi nghĩa ở thành thị cùng sự giúp đỡ của nông dân từ ngoại thành thâm nhập vào thành phố.[7]
Đầu năm 1945 Đảng đã hình thành một phong trào bí mật trong công nhân tại Sài Gòn với hơn 70 chi bộ, gồm 3.000 công nhân. Sau khi Nhật đảo chính tháng Ba lật đổ Pháp ở Đông Dương, Xứ uỷ Nam Kỳ tận dụng cơ hội kiểm soát một tổ chức thanh niên do Nhật đỡ đầu mang tên Đội Thanh Niên Xung Phong.
Dưới sự lãnh đạo của Phạm Ngọc Thạch, (con trai Phạm Ngọc Thọ, người che chở Hồ Chí Minh ở Qui Nhơn trong chuyến đi về nam sau khi tham gia vụ nông dân bạo động năm 1908) - dưới vỏ bọc Đội Thanh Niên Xung Phong để phục vụ Đảng, cố gắng huy động thanh niên yêu nước phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Đội này có một cái gì đó mang hơi hướng phong trào Hướng đạo ở phương Tây, mặc quần áo đồng phục, hát những bài hát của đội và hoạt động mang tính tập thể. Đội Thanh Niên Xung Phong phát triển nhanh chóng trong thời kỳ mùa xuân và mùa hè năm 1945 ở trường học, nhà máy và làng quê. Đến tháng 8-1945, Đội Thanh Niên Xung Phong có hơn một triệu đoàn viên, chủ yếu ở các tỉnh Nam Kỳ.[8]
Sau cuộc đảo chính tháng Ba, Nhật Bản duy trì kiểm soát cai trị Nam Kỳ vì những lý do chiến lược. Ngày 14 tháng 8 chính quyền chiếm đóng Nam Kỳ cho phép vua Bảo Đại bổ nhiệm một cựu trào dân tộc chủ nghĩa Nguyễn Văn Sâm làm phó vương của triều đình tại Nam Kỳ. Những người không cộng sản thành lập Mặt trận Quốc gia Thống Nhất để lấp lỗ trống sau khi quân Nhật ra đi. Ngày 16-8-1945, Ban Chấp hành Mặt trận Quốc gia Thống Nhất nhận quyền lực tại Sài Gòn trong một cuộc đảo chính không đổ máu, trong lúc chờ Phó vương tới.
Trước hai nguy cơ, viễn cảnh Pháp quay lại và việc mọc ra chính quyền Việt Nam không cộng sản tại Sài Gòn, Trần Văn Giàu cố gắng lật ván cờ. Nghe tin Nhật Bản đầu hàng ngày 14-8-1945, ông họp bàn với Xứ uỷ Nam Kỳ lập ra Uỷ ban Khởi Nghĩa và chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa. Nhưng một số uỷ viên - chắc hẳn nhớ lại sự thất bại năm 1940 - tỏ ý nghi ngờ lực lượng cách mạng không đủ sức cướp chính quyền. Không những thiếu vũ khí trang bị cho lực lượng bán vũ trang được tổ chức trong hàng ngũ công nhân tiến bộ và đa số thành viên Đội Thanh Niên Xung Phong, giới lãnh đạo đảng ở Nam Kỳ không nhận thức được ý định của các đồng chí của họ ở miền Bắc. Cuối cùng, Ban Chấp hành quyết định dừng cuộc khởi nghĩa cho đến khi nào nhận được tin tức về tình hình ở Hà Nội. Trong khi đó, họ tiến hành “khởi nghĩa thử” cướp chính quyền ở một số nơi ở nông thôn, đồng thời tìm cách xây dựng cơ sở phong trào Việt Minh trong hàng ngũ nhân dân khắp các tỉnh ở Nam Kỳ.
Khi tin tức Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội đến Sài Gòn, ngày 20-8-1945, Trần Văn Giàu yêu cầu mở cuộc họp với Ban chấp hành Mặt trận Quốc gia Thống Nhất. Hai ngày sau, tại cuộc họp, ông lập luận, Mặt trận gồm nhiều đảng phái có mối ràng buộc nguy hiểm với chế độ chiếm đóng Nhật Bản, chắc chắn không được chính quyền Đồng Minh chấp nhận là đại diện hợp pháp cho ý nguyện của dân tộc Việt Nam. Ông cho rằng, chỉ có Mặt trận Việt Minh, mới được sự ủng hộ hoàn toàn của Đồng Minh - có thể làm được việc này. Trong khi đang họp, có tin vua Bảo Đại đề nghị chính quyền cách mạng ở Hà Nội thành lập một chính phủ mới để thay thế chính quyền Trần Trọng Kim. Bất đắc dĩ, những người dân tộc chủ nghĩa phải đồng ý, sau đó đồng ý cộng tác với Việt Minh. Mặt trận quốc gia thống nhất bị giải tán, thay thế bằng Uỷ ban Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm chủ tịch.
Trong khi đó, Giàu tiến hành “khởi nghĩa thử” ở Tân An, một thị trấn cách Sài Gòn về phía tây - nam hơn 10 cây số ở đồng bằng Cửu Long. Cuộc khởi nghĩa không gặp phải bất cứ kháng cự nào của quân Nhật. Thành công này giúp Giàu thuyết phục những người nghi ngờ trong Xứ uỷ chấp thuận tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Sài Gòn vào ngày 25-8-1945. Chiến dịch này được tiếp nối bởi những cuộc khởi nghĩa nhỏ, lẻ tẻ ở nông thôn. Ông lập luận, thành công “chắc chắn chín mươi phần trăm”, nhưng phải hành động trước khi quân đội Đồng Minh kéo tới. Đêm đó, kế hoạch thông qua lần cuối, sáng ngày 25-8-1945, các đội tự vệ xung kích chiếm tất cả cơ quan quan trọng của chính phủ và các nhà máy, xí nghiệp, đồng thời hàng ngàn nông dân đã tập hợp sẵn sàng ở ngoại thành, tràn vào thành phố hoà cùng nhân dân nội thị hô to khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc, đả đảo thực dân Pháp, Việt nam của người Việt nam” “Tất cả chính quyền về tay Việt Minh”. Đến giữa buối sáng, thành phố hầu như nằm trong tay những người khởi nghĩa. Dù những đơn vị cách mạng được lệnh tránh những đối đầu với quân Nhật, nghe nói có cả những vụ thảm sát người châu Âu trên đường phố Sài Gòn. Đến trưa ngày 25-8-1945, Uỷ ban Nam Bộ với 6 thành viên là Việt Minh đã tuyên thệ nhậm chức Chính phủ lâm thời Nam Kỳ. Ngày hôm sau, Đài phát thanh Việt Minh loan tin cách mạng thành công ở “thành phố Sài Gòn”.[9]
Trong khi làn sóng cách mạng mạnh mẽ tràn qua từ Bắc xuống Nam, Hồ Chí Minh chuẩn bị rời căn cứ du kích Tân Trào về Hà Nội. Dù ông đang chia sẻ niềm vui hân hoan chung những sự kiện long trời lở đất đang diễn ra trên toàn quốc, chắc chắn ông cũng nhận thức được những thử thách khốc liệt ở phía trước, câu nói nổi tiếng của Lenin cảnh tỉnh các đồng chí của ông: “Giành được chính quyền là vấn đề khó, nhưng giữ được chính quyền lại còn khó hơn”.
Sáng ngày 22-8-1945, ông về tới Thái Nguyên, vừa đi bộ, vừa đi ô tô qua phà đò, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc ông đến. Đây là chuyến đi thật gian khổ đối với ông - ông vẫn còn chịu hậu quả trận ốm nặng vừa qua - một số đoạn đường phải nằm trên cáng. Hôm sau, được một nữ cán bộ địa phương đưa đi, ông tiếp tục đi ô tô theo Quốc lộ 3 xuống đồng bằng và qua sông Hồng - nước chảy xiết do những trận mưa lớn mùa hè - đến phía bắc ngoại thành Hà Nội. Nạn lụt đang hoành hành, nước vẫn mênh mông trên những cánh đồng lúa và làng mạc, khiến ông phải xót thương: “Chúng ta phải làm gì để cứu nhân dân khỏi đau khổ và đói?”
Sáng ngày 25-8-1945, tại làng Gạ ở ngoại thành, Hồ gặp Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh, từ Hà Nội lên đón và báo cáo tình hình thủ đô. Ngay sau đó, Trường Chinh tới. Buổi chiều hôm đó, Trường Chinh và Hồ lên xe về thành phố. Qua cầu Long Biên, qua những đường phố bây giờ tràn ngập cờ, biểu ngữ Việt Minh và đến thẳng khu phố Tầu, xe dừng trước một ngôi nhà ba tầng ở Hàng Ngang, chủ nhân là người ủng hộ Việt Minh. Căn nhà này được sử dụng làm chỗ ở tạm thời cho một số cán bộ Đảng. Phòng của Hồ Chí Minh ở tầng trên cùng. Đây là lần đầu tiên sau 55 năm Hồ Chí Minh đặt chân lên Hà Nội.[10]
Chiều đó, Hồ Chí Minh triệu tập họp Ban Thường Vụ Đảng tại chỗ ở mới. Trong khi hội nghị họp, những chi đội đầu tiên Việt Nam Giải Phóng Quân bắt đầu từ Thái Nguyên tiến về, sau những cuộc thương lượng kéo dài với chính quyền Nhật, qua cầu tiến vào thành phố. Cuộc họp diễn ra ở tầng hai, nơi Giáp và Ninh làm chỗ ngủ. Như Võ Nguyên Giáp miêu tả, phòng được dùng làm phòng ăn và phòng khách không có bàn. Hồ làm việc tại bàn ăn, với chiếc máy chữ quen thuộc đặt trên chiếc bàn nhỏ vuông phủ vải xanh ở một ở góc. Sau đêm đầu tiên, ông từ tầng ba đi xuống, ngủ trên chiếc giường gấp bằng vải bạt để có thể xếp gọn về ban ngày, đồng thời những người ở cùng ngả lưng trên xô pha hoặc hai chiếc ghế băng kê sát nhau. Đối với gia nhân và hàng xóm, Hồ và các đồng chí của ông đơn giản chỉ là “mấy người họ hàng từ quê ra chơi”.[11]
Chủ đề chính tại cuộc họp, cần phải tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời. Ban Thường vụ khẳng định, Uỷ ban Giải phóng Dân tộc lập ra tại Tân Trào do Hồ làm chủ tịch, sẽ là chính phủ lâm thời cho đến khi một chính phủ chính thức được bầu. Tại cuộc họp, Hồ đề nghị Chính Phủ lâm thời nên mở rộng cho một số nhân sĩ và thành viên chính phủ mới, nên có mặt tại cuộc tuần hành quần chúng để tuyên bố độc lập dân tộc. Ông thúc giục, tất cả những điều này phải được làm xong trước khi lực lượng chiếm đóng Đồng Minh kéo vào.
Tình hình biến chuyển quá nhanh đến nỗi trong khi Hồ Chí Minh đang thành lập chính phủ mới, thì những nhóm quân nhân nước ngoài đã tới Hà Nội. Theo Hội nghị Potsdam diễn ra ở ngoại ô Berlin vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8-1945, Đồng Minh thoả thuận chia Đông Dương thuộc Pháp thành hai vùng riêng biệt để tiếp nhận đầu hàng của quân đội Nhật, khôi phục luật pháp và trật tự trong nước. Do Mỹ tích cực tham gia vào việc tiếp nhận đầu hàng của quân đội hoàng gia Nhật Bản, nên những nơi khác ở châu Á, quân đội Mỹ không tham gia. Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở lên, nhiệm vụ này giao cho quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Phía nam giao cho quân đội Anh. Do sự cương quyết của Mỹ, nên Pháp không được tham gia công việc này.
Do chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc mau lẹ như một tia chớp, những đơn vị chủ yếu của lực lượng chiếm đóng không thể tới Đông Dương trong vòng vài tuần lễ. Nhưng một toán tiền trạm người Mỹ, sĩ quan Pháp đã tới sân bay Gia Lâm và ở tại khách sạn Metropole, Hà Nội. Khách sạn Metropole là một khách sạn sang trọng xây dựng theo kiến trúc Pháp, nằm đối diện trực tiếp với Bắc Bộ phủ và một khối nhà phía đông Hoàn Kiếm. Trong đoàn khách mới đến có đại uý Archimedes Patti, sĩ quan Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ, người đã tranh thủ sự cộng tác Hồ Chí Minh thời gian họ ở Tĩnh Tây bốn tháng trước đây.
Ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, Patti được bổ nhiệm đứng đầu toán “Mercy” (Nhân Từ) bay tới Hà Nội để tiếp nhận tù binh Đồng Minh bị Nhật giam ở các trại tập trung, cũng như cung cấp tin tức tình báo về Đông Dương. Jean Sainteny - một thời cầm đầu phái bộ quân sự Pháp - bây giờ đại diện của chính phủ “Nước Pháp Tự do” của tướng Charles de Gaulle ở Trung Hoa, yêu cầu được tham gia toán của Patti, với lý do để bảo vệ những người Pháp bị kẹt lại. Dù cả chính phủ Trung Hoa và Mỹ không muốn Pháp đóng một vai trò chính thức nào trong việc đầu hàng của Nhật, song cuối cùng Sainteny cũng kiếm được phép đi theo đoàn Patti đến Hà Nội, công việc chỉ đóng khung tham gia những hoạt động nhân đạo.
Ngay khi yên vị tại khách sạn Metropole, Patti mở những cuộc nói chuyện với chính quyền chiếm đóng Nhật Bản. Ông cũng liên lạc đại diện Mặt trận Việt Minh, cũng như những nhóm đại diện cho Pháp kiều ở thành phố, nhiều người khiếp sợ khả năng những cuộc tấn công vào người châu Âu. Chiều ngày 26 tháng 8, bất ngờ Patti nhận được lời mời tới gặp Hồ Chí Minh. Ông lái xe vòng vèo tới nơi ở của Hồ ở phố Hàng Ngang. Sau khi màn chào hỏi và bữa ăn ngon gồm riêu cá, gà kho, thịt lợn, bánh nếp và hoa quả, hai người hội đàm dài về tình hình hiện tại. Hồ phàn nàn về toán người Pháp có mặt - theo lệnh Sainteny, vừa chiếm Phủ Toàn quyền - cảnh báo Patti về mục đích thật việc này có đúng theo lời phát biểu của Sainteny, chỉ quan tâm đến điều kiện của Pháp kiều ở Đông Dương. Ông bày tỏ mối quan tâm về quan điểm của chính phủ Trung Hoa và Anh, nhấn mạnh Anh đã chia sẻ quyền lợi với Pháp trong việc duy trì những thuộc địa ở châu Á, trong khi chính phủ Trung Hoa muốn bán đứng lợi ích của người Việt Nam để thu lợi cho chính họ.
Hồ cũng thăm dò Patti về tương lai Đông Dương. Thừa biết những quan sát viên chính trị lão luyện cho ông là đặc vụ lão làng của Quốc tế Cộng sản, Hồ phản đối việc này và quả quyết ông chỉ là một người “dân tộc và xã hội chủ nghĩa tiến bộ”, đi theo cộng sản Moscow và Trung Quốc chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy. Nhưng Patti, theo ý kiến bản thân, không được giao nhiệm vụ quyền bàn về những vấn đề chính trị địa phương. Đối với Hồ Chí Minh, đây là một tin tức tốt. Ngay trước khi Patti ra về, Hồ nhận được một tin Nguyễn Văn Sâm, Phó vương Nam Kỳ, đã đệ đơn lên triều đình Huế xin từ chức. Lúc 3 giờ 30 phút chiều, Patti cáo từ, về chỗ ở mới tại biệt thự Gautier sang trọng trên một phố đầy cây và yên tĩnh gần hồ Hoàn Kiếm.
Tại biệt thự Gautier, Patti nhận thư của Jean Sainteny, mời ông đến Phủ Toàn quyền để hội đàm. Sainteny, thừa biết người Mỹ đã có tiếp xúc với Hồ Chí Minh, bày tỏ mong muốn có một cuộc gặp với những người lãnh đạo Việt Nam. Patti đồng ý chuyển thư. Cuối ngày ông nhận được hồi âm, Võ Nguyên Giáp đồng ý gặp Sainteny và Patti vào sáng hôm sau. Rõ ràng phía Việt Nam hy vọng sự có mặt của người Mỹ làm tăng sức mạnh trong lần gặp gỡ đầu tiên với một quan chức Pháp kể từ khi kết thúc chiến tranh. Sáng hôm sau Giáp tới dinh trong bộ quần áo trắng với chiếc mũ cũ, ngay lập tức Sainteny phàn nàn về việc Việt Minh đã lơ là trong việc bảo vệ luật pháp, trật tự và tính mạng của những người Pháp. Giáp phản bác, ông đến đây không phải để giải thích các hành động của người Việt mà để tiếp xúc với đại diện “tân chính phủ Pháp”.
Sainteny lúc này trở nên ôn hoà, hứa với Võ Nguyên Giáp, chính phủ Pháp sẽ có cách ứng xử có lợi những đòi hỏi của nhân dân “An Nam”. Nhưng ông từ chối đi vào chi tiết, bóng gió doạ, không dựa vào Pháp, số phận nhân dân Bắc Việt Nam có thể bị quân đội chiếm đóng Trung Hoa định đoạt. Cuộc họp kết thúc không đi đến đâu.[12]
Trong khi Hồ Chí Minh bắt đầu cuộc thương lượng đầy sóng gió với Pháp về số phận mới của nhân dân Việt Nam sau chiến tranh, chính phủ Việt Minh vẫn tiếp tục thương lượng với triều đình Huế về việc Bảo Đại thoái vị. Ngày 20- 8-1945, Bảo Đại thông báo sẵn sàng thoái vị theo đề nghị của nhóm yêu nước ở Hà - Nội và kêu gọi Hà Nội thành lập Tân Chính Phủ. Nhưng Hồ và các đồng chí của ông quyết định ra tay trước hành động của Bảo Đại bằng cách cử một đoàn đại biểu đến Huế yêu cầu Bảo Đại thoái vị để ủng hộ nước Cộng Hoà Việt Nam mới. Đoàn đại biểu, gồm nhà tổ chức lão thành công nhân Hoàng Quốc Việt, người đồng chí có tuổi của Hồ, Nguyễn Lương Bằng và Trần Huy Liệu - nhà báo, nhà tuyên truyền của Đảng - đến Huế ngày 29 tháng 8. Sau khi dự mít tinh quần chúng trước Ngọ Môn để giải thích những ý định của Việt Minh, họ gặp vua Bảo Đại ngày hôm sau ở Hoàng Thành. Trần Huy Liệu, một đảng viên nổi tiếng của Đảng cộng sản Đông Dương, thay mặt đoàn đại biểu nói: “Thay mặt nhân dân, thay mặt Hồ Chí Minh tôn kính, vị chủ tịch của Uỷ ban Giải Phóng, đã cho chúng tôi một vinh dự tới gặp Hoàng thượng để tiếp nhận chính quyền Hoàng Triều”.
Bảo Đại, chưa từng nghe tên Hồ Chí Minh nhưng ngờ rằng chủ tịch mới có thể là nhà lão thành cách mạng Nguyễn Ái Quốc, ông chính thức làm lễ thoái vị. Sau đó, theo yêu cầu của đoàn đại biểu, ông nhắc lại điều này ngay tại buổi chiều trước những người nghe trong buổi lễ ngắn ngủi trước Ngọ Môn, cổng vào Hoàng thành, nơi lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Sau khi nhận ấn hoàng đế, Trần Huy Liệu chuyển lời Hồ Chí Minh mời Bảo Đại tới Hà Nội tham gia thành lập chính phủ mới. Bảo Đại đồng ý tham dự với tư cách thường dân của nước cộng hoà non trẻ. Nói chung, bầu không khí quanh lễ tiếp nhận thoái vị có vẻ là hội hè hơn là làm người ta kinh sợ, mặc dù một số người dự cũng thấy thất vọng vì nhà vua thoái vị, dù hành động này là tự nguyện.
Không phải tất cả cận thần của Bảo Đại được đối xử lịch sự như thế. Hai nhân vật nổi bật chống đối Đảng cộng sản Đông Dương, nhà báo - nhà chính trị ôn hoà Phạm Quỳnh, thượng thư Ngô Đình Khôi, bị bắt ngay ở Huế và bị hành quyết đầu tháng Chín. Ở tỉnh Quảng Ngãi, xa hơn về phía nam, Tạ Thu Thâu một Trotskyst lão thành, một trong những người phê phán mạnh mẽ Đảng cộng sản Đông Dương, bị Việt Minh bắt và cùng chung số phận.[13]
Ngày 27-8-1945, Hồ Chí Minh họp Uỷ ban Giải Phóng Dân Tộc, chẳng bao lâu trở thành chính phủ lâm thời mới, tại Bắc Bộ phủ. Theo phong cách ăn mặc riêng, Hồ xuất hiện tại cuộc họp trong chiếc áo chàm miền núi, quần soóc nâu sờn, dép cao su, mũ cát. Vấn đề bàn trong cuộc họp là thông qua danh sách chính thức tân chính phủ và thảo luận lời văn Tuyên Ngôn Độc Lập. Hồ từng ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ kém ánh sáng phía sau căn nhà trên phố Hàng Ngang, đánh máy nhiều lần sửa đi sửa lại bản thảo. Bây giờ ông sẵn sàng đưa nó cho các đồng chí của ông xem. Như Hồ Chí Minh nói với họ sau này, đây là “những giây phút hạnh phúc nhất” đời ông.[14]
Tại cuộc họp, Hồ đề nghị chính phủ mới nên mở rộng thành phần cơ bản bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ tiến bộ trong nước và chính sách của chính phủ phải nhằm đạt được sự thống nhất rộng rãi trong nhân dân. Đề xuất của ông được nhất trí thông qua, vài uỷ viên Việt Minh còn đề nghị từ chức để dành chỗ cho những đảng phái chính trị khác. Sau khi Hồ Chí Minh được bầu làm chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông tiếp từng thành viên chính phủ mới và quyết định trụ sở là Bắc Bộ Phủ.
Hai ngày sau, đài phát thanh công bố tên những thành viên chính phủ mới. Ngoài chức vụ chủ tịch, Hồ Chí Minh kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Nội Vụ, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài Chính, Chu Văn Tấn giữ chức Bộ trưởng Quốc Phòng và Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền. Những quan chức cao cấp khác từ Đảng Dân Chủ - một đảng bù nhìn đại diện cho trí thức tiến bộ thành lập dưới sự che chở của Mặt trận Việt Minh năm 1944, trong số những người bổ nhiệm có một người theo đạo Thiên Chúa Giáo, vài nhân sĩ không đảng phái. Khoảng một nửa bộ trưởng trong chính phủ mới là uỷ viên Mặt trận Việt Minh.[15]
Suốt mấy ngày sau đó, Hồ Chí Minh làm việc miệt mài tại một phòng nhỏ ở Bắc Bộ Phủ, chau chuốt bản Tuyên Ngôn Độc Lập dự kiến sẽ đọc vào ngày 2 tháng 9. Ông đã chuyển đến ở một biệt thự nhỏ trên phố Bonchamps, nhưng vẫn tiếp tục ăn với các đồng chí của ông ở phố Hàng Ngang. Giới lãnh đạo đảng quyết định buổi lễ sẽ tổ chức tại Quảng trường Puginier, một quảng trường rộng gần Phủ Toàn quyền. Thành phố trở lại vẻ sinh hoạt bình thường, mặc dù những cuộc biểu tình của nhân dân ủng hộ chính phủ mới diễn ra gần như suốt ngày. Cờ đỏ sao vàng bắt đầu tung bay trước nhà và cửa hàng, trong khi những đơn vị tự vệ Việt Minh canh gác công sở. Người ta gỡ bỏ những miếng che đèn đường từng sử dụng để che ánh sáng trong thời gian cuối chiến tranh, khu vực buôn bán trở lại sầm uất thay cho bóng tối. Có ít người nước ngoài trên đường phố, vì đa số người Pháp bị nhốt sau đảo chính tháng 3-1945 vẫn chưa được thả khỏi nhà tù và quân đội Tưởng Giới Thạch vẫn chưa tới. Quân đội Nhật nói chung ở ngoài mắt công chúng, mặc dù trong một vài trường hợp có sự đối đầu giữa những đơn vị Nhật và Việt Minh, nhưng tránh được ở phút cuối cùng qua những cuộc thương lượng kịp thời.
Từ mờ sáng ngày 2-9-1945, nhân dân bắt đầu tập trung đông ở quảng trường Puginier, sau này đổi tên thành Quảng trường Ba Đình. Nhiều năm sau Võ Nguyên Giáp mô tả lại không khí ngày hôm đó:
Hà Nội lộng lẫy trong rừng cờ đỏ. Một thế giới của cờ, đèn lồng và hoa. Những lá cờ đỏ tung bay phấp phới trên nóc nhà, cây và quanh hồ.
Cờ đuôi nheo treo dọc đường phố, mang khẩu hiệu bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga: “Việt Nam của người Việt Nam”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Chào mừng phái bộ Đồng minh”, v.v…
Nhà máy, cửa hàng lớn nhỏ tất cả đều đóng cửa. Chợ búa vắng tanh… Toàn thành phố, già trẻ, đàn ông và đàn bà đổ ra đường… Một dòng người đủ mầu sắc chảy tới Quảng Trường Ba Đình từ tất cả các ngả.
Công nhân trong sơ mi trắng, quần xanh đứng thành hàng ngũ, tràn đầy mạnh mẽ và tin tưởng… Hàng trăm hàng ngàn nông dân từ ngoại thành đổ vào. Tự vệ mang gậy tầm vông, kiếm hoặc hoặc mã tấu. Một số ít người thậm chí mang cả giáo cổ bằng đồng và thanh long đao lấy từ đồ thờ ở chùa chiền. Phụ nữ nông dân ăn mặc quần áo lế hội, một số mặc áo tứ thân, vấn khăn vàng, thắt lưng màu hoa lý…
Sống động nhất là thiếu nhi… Các cháu hành quân từng bước theo còi của người phụ trách, hát vang những bài ca cách mạng.[16]
Chính giữa quảng trường, đội danh dự đứng nghiêmm trong nắng hè chói trang, trước một khán đài bằng gỗ mới dựng lên hôm trước. Đây là khán đài mà chủ tịch sẽ tự giới thiệu bản thân, giới thiệu tân chính phủ và đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Khi giờ lễ đến gần, Hồ Chí Minh băn khoăn về bộ quần áo ông sẽ mặc, đề nghị các cộng sự tìm bộ quần áo thích hợp cho sự kiện này. Cuối cùng ai đấy cho ông mượn bộ quần áo ka-ki và chiếc áo vét cao cổ với đôi dép cao su trắng.
Buổi lễ dự kiến khai mạc lúc 2 giờ chiều, nhưng vì đoàn người diễu hành đổ về trên các ngả đường cho nên Hồ Chí Minh và nội các đến chậm mấy phút do đoàn xe Mỹ phải khó khăn lắm mới vượt qua được biển người. Sau khi tất cả đã lên khán đài, Võ Nguyên Giáp tân Bộ trưởng Nội Vụ, giới thiệu Hồ Chí Minh với quần chúng. Hồ Chí Minh phát biểu ngắn gọn nhưng đầy xúc động:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Sau đó Hồ Chí Minh miêu tả những tội ác mà chế độ thực dân Pháp đã gây ra cho Việt nam, cuối cùng người Việt nam đã phải đứng lên đánh đuổi Pháp dành lại độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh kết luận: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Giữa bài phát biểu, Hồ đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?” Theo lời Giáp kể, hàng triệu người đã reo lên như tiếng sấm “Có”. Buổi lễ kết thúc bằng sự giới thiệu những thành viên chính phủ. Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu tóm tắt và tuyên thệ lời thề độc lập. Sau đó mọi người rời khỏi lễ đài, đám đông giải tán, một số người phấn chấn khi phi đội máy bay Mỹ P-38S bay qua đầu. Những lễ kỷ niệm Ngày Độc Lập cũng diễn ra tại một ngôi chùa và Nhà Thờ Công Giáo. Tối hôm đó, tân chủ tịch gặp gỡ, tiếp đoàn đại diện các tỉnh.
Những công dân Pháp chứng kiến sự kiện này với vẻ lo lắng. Có khoảng 15.000 người Pháp sống ở Hà Nội lúc cuối chiến tranh và nhiều người đã phòng bị tự vũ trang để chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp tới. Có gần 5.000 tù nhân Pháp đang bị giam ở Hoả Lò, Patti nói, họ âm thầm chuẩn bị nổi dậy cầm vũ khí khi binh sĩ “Nước Pháp Tự do” đổ bộ vào Đông Dương.[17]
Ngày 3-9-1945, mặc bộ quân phục ka-ki đã sờn, đi đôi giầy vải xanh ông thường dùng ở Việt Bắc, chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên tại phòng họp ở tầng dưới Bắc Bộ Phủ. Đại hội Quốc Dân tổ chức tại Tân Trào đã thông qua một loạt những biện pháp - mang tên “mười chính sách lớn” - đã được Tổng Bộ Việt Minh thảo ra trước đây. Một số điểm đề cập những hoạt động cần thiết phải tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu trong tương lai với Pháp hoặc với lực lượng chiếm đóng Đồng minh, một số điểm khác liên quan tới tới vấn đề tạo ra một hệ thống chính trị mới, đưa những biện pháp cải thiện kinh tế quốc dân, xây dựng mối quan hệ với những nước khác trong khu vực và thế giới thế giới.[18]
Mở đầu, Hồ Chí Minh giải thích vấn đề cấp bách nhất là nạn đói khủng khiếp - đặc biệt, làm sao để giảm bớt được hậu quả nạn đói. Dù khủng hoảng có thể giảm bớt đôi chút từ đầu mùa hè do vụ lúa chiêm được mùa, nhưng tình hình tệ thêm nữa vào tháng Tám, khi nước sông Hồng gây ra lụt lội, ngập úng những cánh đồng lúa vùng trũng khắp đồng bằng sông Hồng. Sinh viên các trường Đại học Hà Nội tổ chức những đội quân hàng ngày mỗi buổi sáng dậy sớm đem chôn những xác chết chất đống trên đường phố trong 24 giờ qua. Tại cuộc họp, chính phủ mới đưa ra một loạt những biện pháp khẩn cấp chiến đấu với nạn đói, bao gồm một chiến dịch khuyến khích nhân dân tiết kiệm, giảm bớt tiêu thụ thực phẩm. Để làm gương, Hồ tuyên bố cứ mười ngày, ông nhịn ăn một ngày. Số thực phẩm tiết kiệm chia cho người nghèo. Trong những tuần lễ sau, chính phủ thông qua một số chính sách bổ xung để tiết kiệm gạo và tăng sản xuất. Đất công, chiếm hơn 20 phần trăm toàn bộ đất canh tác ở tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ, được trưng thu chia đều cho dân nghèo từ 18 tuổi trở lên. Cấm làm bún và nấu rượu, giảm thuế nông nghiệp sau đó bỏ hoàn toàn, mở các trạm tín dụng nông nghiệp tại xã cung cấp cho nông dân tín dụng dễ dàng, đất hoang ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ phải được khai phá, trồng trọt.[19]
Chính phủ cũng chú ý tới một số vấn đề khác. Một trong những lo âu đầu tiên của Hồ Chí Minh, như ông bày tỏ tại cuộc họp ngày 3 tháng 9, trình độ dân trí thấp ở Việt Nam. Theo một nguồn tài liệu, năm 1945, 90 phần trăm dân Việt Nam mù chữ, là bản cáo trạng chính sách giáo dục của Pháp trong một xã hội nơi tỷ lệ người biết đọc biết viết từng có truyền thống cao nhất ở châu Á. Bây giờ sắc lệnh ban ra đòi hỏi tất cả người Việt Nam phải biết đọc biết viết chữ quốc ngữ trong vòng một năm. Sắc lệnh mang ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ viết: “Ai chưa biết đọc biết viết chữ quốc ngữ thì phải học. Vợ học chồng. Em học anh. Già học trẻ. Bố mẹ học con. Con gái và đàn bà đều phải học chăm chỉ hơn”. Các lớp học xoá nạn mù chữ được mở ra để dậy học sinh trong độ tuổi từ thiếu nhi đến người già. Dù thiếu giáo viên và cơ sở học hành (nhiều nơi chùa chiền, bệnh viện và chợ được biến thành trường học), chương trình xoá nạn mù chữ có tác dụng trông thấy: đến mùa thu năm 1946, hơn 2 triệu người Việt nam đã được xoá nạn mù chữ.[20]
Tại cuộc họp nội các, Hồ Chí Minh đưa ra vấn đề chuẩn bị tổng bầu cử để thành lập một chính phủ chính thức dựa trên tự do dân chủ. Ngày 8 tháng 9, ban hành sắc lệnh tuyên bố cuộc tổng tuyển cử bầu ra quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức trước, sau hai tháng sẽ ban hành dự thảo hiến pháp mới của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mọi công dân trên 18 tuổi có quyền đi bầu. Các sắc lệnh sau này tuyên bố quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tự do tín ngưỡng. Ngày 13-10-1945, ban hành sắc lệnh tuyên bố bãi bỏ chế độ quan lại truyền thống, thành lập các uỷ ban nhân dân và hội đồng nhân dân thông qua bầu cử tại tất cả các tỉnh ở Bắc Kỳ.[21]
Chính phủ mới tập trung những nỗ lực giải quyết vấn đề kinh tế như giảm thuế, cải thiện điều kiện làm việc, chia đất cho người nghèo. Bãi bỏ các loại thuế do Pháp đặt ra: thuế đất, thuế thân - những khoản thuế này chiếm 3/4 thuế thu nhập thương niên của chính phủ - bãi bỏ thuế sản xuất muối và rượu, các loại thuế buôn bác khác cũng lập tức bị bãi bỏ, đồng thời chính thức cấm tiêu thụ thuốc phiện và lao động khổ sai. Công bố ngày làm việc tám giờ và người chủ phải cho người làm thuê biết những lý do, báo trước một thời gian cho họ trước khi bị sa thải. Ở nông thôn, việc thuế đất được lệnh cắt giảm 25 phần trăm và tất cả những món nợ lâu năm bị xoá bỏ.
Tuy nhiên, chính phủ không quốc hữu hoá cơ sở công nghiệp hoặc thương mại, không tham vọng chương trình cải cách ruộng đất bằng cách tịch thu ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo. Lúc đó, chỉ có ruộng đất của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai người Việt mới bị tịch thu. Trong những bài báo và phát biểu trong thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, Hồ Chí Minh đã nói rõ, sau khi cuộc tổng khởi nghĩa thành công, xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn đầu tiên, tức giai đoạn dân chủ nhân dân theo quá trình cách mạng của Lenin. Giai đoạn đó nổi bật là sự thành lập chính phủ mặt trận thống nhất mở rộng, đại diện cho khối đoàn kết toàn dân và những chính sách cải cách ôn hoà trong kinh tế và xã hội.
Quyết định chính phủ lâm thời thể hiện bộ mặt ôn hoà trước nhân dân Việt Nam, một nước cờ mà Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông tính toán nhằm thu hút sự ủng hộ của tất cả các tầng lớp nhân dân để tập trung vào nhiệm vụ then chốt trước sự đe doạ của chủ nghĩa đế quốc nước ngoài. Dù những nỗ lực của Hồ nhằm tránh xúc phạm những người ôn hoà, tuy nhiên chính phủ không phải lúc nào cũng kiểm soát được những phần tử quá khích ở địa phương muốn ghi điểm cá nhân hoặc thúc đẩy đấu tranh giai cấp. Trong một số trường hợp, những người giàu hoặc hoặc quan lại bị đánh, bị bắt hoặc thậm chí bị thủ tiêu. Ở một số làng ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, những hội đồng vừa được bầu ra đã tuyên bố ngang ngược bãi bỏ những phong tục lễ nghi truyền thống và tịch thu tài sản của những người giàu. Để tránh phức tạp, chính phủ cử những đảng viên chủ chốt xuống cơ sở để đảo ngược lại những biện pháp đó, làm giảm đi tinh thần hăng hái của những phần tử cách mạng quá khích.
Trong khi Hồ Chí Minh đang chau chuốt nét bút cuối cùng cho bản Tuyên Ngôn Độc lập thì những đơn vị đầu tiên quân Tưởng Giới Thạch vượt qua biên giới, đang tiến về Hà Nội. Dưới mắt nhiều người Việt Nam, quân Tưởng là một lũ khố rách áo ôm, bộ quân phục màu vàng lôi thôi, rách rưới, đồ dùng của họ treo lủng lẳng ở hai đầu đòn gánh đặt trên vai, chân sưng do bệnh phù thũng vì thiếu dinh dưỡng. Nhiều người trong số họ mang theo vợ con.
Đó không phải là đám lính thiện chiến của quân đội Quốc Dân Đảng. Vì những lý do chính trị, Tưởng Giới Thạch đã bỏ kế hoạch sử dụng đám lính thiện chiến ở tỉnh Quảng Tây của Trương Phát Khuê làm lực lượng chính chiếm đóng Đông Dương. Tưởng Giới Thạch chỉ thị Lư Hán, tư lệnh tỉnh Vân Nam, cử Quân Đoàn I xuôi sông Hồng về Hà Nội. Trong khi đó, tướng Tiêu Văn, người đỡ đầu Hồ Chí Minh một vài tháng trước đây ở Liễu Châu, chỉ huy những đơn vị tỉnh Quảng Tây của Trương Phát Khuê vượt biên giới tại Lạng Sơn. Lư Hán được bổ nhiệm làm tư lệnh lực lượng chiếm đóng, khoảng 180.000 quân, còn Tiêu Văn được cử làm cố vấn chính trị. Trong hành trang của họ có Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh và những thành viên khác phong trào dân tộc chủ nghĩa sống lưu vong nhiều năm ở nam Trung Hoa.
Ngày 9 tháng 9, bộ phận chính của quân đội tướng Lư Hán vào Hà Nội. Archimedes Patti miêu tả cảnh này:
Suốt đêm, quân Lư Hán đổ vào thành phố. Chúng tôi nghe rõ tiếng bước chân, tiếng động cơ rồi tiếng quát tháo. Sáng hôm sau, đập vào mắt chúng tôi là một cảnh tượng gây sốc thực sự. Chất lượng “quân đội” Trung Hoa biến đổi một cách thảm hại. Các đơn vị “tinh nhuệ” hôm qua đã biến thành đội quân “thổ phỉ”.
Tôi chứng kiến cảnh tượng trên khắp phố xá là cảnh hỗn loạn, lính Tàu đi lại lang thang vô mục đích. Trên các hè phồ, lề đường, vườn hoa, ngổn ngang quân lính và thân nhân của của họ, các dụng cụ gia đình lẫn lộn với quân trang quân dụng. Một số đám đang đun chè uống, xếp đồ đạc, thậm chí giặt giũ.[22]
Đối với Hồ Chí Minh, bề ngoài của đội quân này không quan trọng bằng mục đích của nó. Vẻ ngoài họ được cử đến để chấp nhận sự đầu hàng quân đội Nhật Bản, bảo vệ luật pháp, lập lại trật tự ở Đông Dương cho tới khi chính quyền dân sự mới thành lập. Nhưng chính phủ Trùng Khánh đã nhìn thấy trước chính phủ nào ở Đông Dương, Trung Hoa đóng vai trò gì tại đó sau hậu chiến? Dù tại Hội nghị Cairo năm 1943, Tưởng Giới Thạch đã hứa với tổng thống Roosevelt, Trung Hoa không có ý định chiếm Việt Nam, hình như ngay hồi ấy đã có nghi ngờ chính phủ Tưởng Giới Thạch định thao túng tình hình địa phương để duy trì ảnh hưởng ở Việt Nam. Tiếp theo chính quyền chiếm đóng Trung Hoa phản ứng như thế nào đối với những dã tâm của Pháp khôi phục sự cai trị thuộc địa ở Việt Nam dưới chính quyền của họ? Dù một số sĩ quan quân đội Trung Hoa, như tướng Trương Phát Khuê, có tư tưởng chống Pháp, nhưng những người khác có thể bị mua chuộc để tiến hành thoả hiệp với Pháp để mở rộng lợi ích của Trung Hoa. Đây là mối quan tâm Hồ Chí Minh đã bày tỏ với Patti trong cuộc gặp ngày 26-8-1945.
Thậm chí trước khi phát động Cách mạng tháng Tám, giới lãnh đạo đảng đã tính đến việc nên bàn bạc với Đồng Minh như thế nào. Tại cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Tân Trào giữa tháng Tám, Hồ Chí Minh đã giải thích cho các đồng chí của ông về sự phức tạp của vấn đề và chính phủ lâm thời tương lai phải lợi dụng khai thác những mâu thuẫn trong Đồng Minh để giành thuận lợi cho mình. Trong bước đó, ông phân tích thấu đáo tình hình thế giới theo quan điểm của ông và điều đó sẽ có tác động ra sao tới cách mạng Việt Nam. Theo quan điểm của Hồ, nguy hiểm nhất là Liên minh Pháp - Tưởng. Pháp khát khao khôi phục lại địa vị cai trị thuộc địa, còn Tưởng âm mưu giành lấy quyền kiểm soát Bắc Việt Nam hoặc ủng hộ đám người quốc gia chủ nghĩa thân Trung Hoa để cướp chính quyền ở Hà Nội. Ông tiên đoán những mâu thuẫn trong Đồng Minh sẽ dẫn đến hai hướng khác nhau: Thứ nhất, những khác biệt xuất hiện một bên giữa Mỹ - Tưởng và bên kia Anh - Pháp đối với việc Pháp thèm khát khôi phục chính quyền thuộc địa. Ông nói, đây là yếu điểm Việt Nam cần khai thác. Mặt khác, nếu căng thẳng giữa Đồng Minh và Liên Xô tăng lên, có thể khiến Mỹ và Anh quay sang ủng hộ Pháp, cho phép họ trở về Đông Dương.
Trong hoàn cảnh này, Hồ Chí Minh đề xuất chia Đồng Minh thành hai phần riêng biệt, hai chiến thuật khác nhau để ứng phó với từng bên. Ông giải thích, đối với Pháp “Chúng ta phải tránh xung đột quân sự, nhưng khi họ kéo tới, chúng ta cần phải lãnh đạo quần chúng biểu tình chống lại mưu đồ của Pháp khôi phục quyền lực của họ ở Đông Dương”. Đối với Anh và Tưởng, nên có cách thích hợp để tránh đụng độ với lực lượng của họ, phát triển quan hệ hữu nghị với cả hai chính phủ, nhưng nếu họ xâm phạm chủ quyền chính phủ lâm thời thì cần phải huy động quần chúng đòi độc lập dân tộc. Đặc biệt, điều quan trọng phải tránh chiến đấu đơn độc, cái đó chỉ có lợi cho Pháp và bọn tay sai bán nước mà thôi.[23]
Dựa trên chính sách đó, chính phủ mới đã hết sức mềm dẻo với Tưởng. Khi Tiêu Văn, người có thời bảo trợ Hồ Chí Minh, đến Hà Nội làm cố vấn chính trị cho tướng Lư Hán, Hồ thận trọng bày tỏ khát khao chính phủ ông cộng tác với chính quyền Trung Hoa. Để giảm thiểu nguy hiểm do những đụng độ quân sự giữa những đơn vị quân đội Việt Nam và Trung Hoa, Việt Nam Giải Phóng Quân được đổi tên thành Vệ Quốc Quân, quân đội của Võ Nguyên Giáp rút ra khỏi Hà Nội, đồng thời cẩn thận bố trí lại các đơn vị khác đóng ở thủ đô để tránh xung đột. Khi tướng Lư Hán đến Hà Nội ngày 14-9-1945, chính phủ không phản đối ông chiếm Phủ Toàn quyền từ tay Pháp làm đại bản doanh. Thất thế, Sainteny và tuỳ tùng buộc phải chuyển đến một biệt thự gần Ngân hàng Đông Dương, khi đó vẫn do Nhật chiếm.
Một khó khăn tiềm ẩn giữa chính phủ và quân Tưởng là đối xử như thế nào đối với những chính khách quốc gia chủ nghĩa Việt Nam theo chân quân Tưởng đến Hà Nội. Trên đường từ biên giới về Hà Nội, một số chính khách đã âm mưu chiếm những trụ sở Uỷ ban Nhân dân Cách mạng địa phương, nên chính phủ phải cử phái viên tới các tỉnh biên giới chỉ thị những đơn vị quân đội địa phương và cán bộ chính quyền tránh va chạm với đám người mới đến. Chân ướt chân ráo đến Hà Nội, Nguyễn Hải Thần cùng cộng sự của ông ở cùng một khu phố, âm mưu thành lập một “vùng tự trị”, làm căn cứ kích động chống lại chính phủ mới.
Trong đầu Hồ Chí Minh hiểu rõ Mỹ có thể đóng vai trò then chốt trong ván cờ gạt những đối đầu của các thế lực trên thế giới và ông tìm cách tận dụng mọi cơ hội từ mối quan hệ lỏng lẻo ông đã gây dựng với Cơ quan Tình báo Chiến lược vào mùa xuân năm 1945. Nhưng Hồ cần phải hiểu, những cố gắng của ông mang lại kết quả rất nhỏ nhoi. Giữa tháng 8 -1945, ông viết bức thư cuối cùng cho Charles Fenn, bạn ông và người cộng tác với Văn Phòng Trợ Giúp Không Lực Mặt Đất đang chuẩn bị trở về Mỹ. Ông nhấn mạnh, thật hạnh phúc cho tất cả mọi người khi chiến tranh kết thúc, nhưng cảm thấy rất buồn khi những người bạn Mỹ đã nhanh chóng bỏ rơi ông. Ông nói “Và việc họ ra đi có nghĩa là những mối quan hệ giữa các ông và chúng tôi sẽ xấu đi”.[24]
Nhìn lại sự việc, nhận xét của Hồ tỏ ra ông đã có con mắt nhìn xa trông rộng, họ hoàn toàn biết Hồ đã hiểu về thực chất thế giới và những chính sách trong tương lai của Mỹ. Khi chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt, Hồ nhìn nước Mỹ như là một yếu tố trụ cột nhưng bí hiểm đối với cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc của ông. Là nước tư bản, Mỹ sẽ chống lại cách mạng thế giới trong tương lai. Mặt khác, tổng thống Roosevelt trong thời gian chiến tranh Thái Bình Dương thể hiện người có quyền lực lớn nhất, cất tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ việc giải phóng các dân tộc bị áp bức châu Á, châu Phi và Hồ có lẽ tưởng Roosevelt sẽ tiếp tục giữ quan điểm ấy sau khi kết thúc chiến tranh.
Quan điểm của Hồ giờ đây về tính hai mặt của Mỹ, vừa bật đèn xanh cho quyền tự do con người và vừa là một thành trì của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, đã được thể hiện sinh động trong nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tại Tân Trào vào giữa tháng 8-1945. Một mặt, Hồ cảm thấy việc Mỹ không ưa chủ nghĩa thực dân châu Âu có thể mang lại thuận lợi cho cuộc đấu tranh của Đảng ngăn cản Pháp chiếm quyền lực ở Đông Dương. Mặt khác, nếu mâu thuẫn giữa chính quyền các nước tư bản chủ nghĩa và Liên Xô tăng lên, Washington có thể nhượng bộ Paris để tranh thủ Pháp cố gắng cản trở sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản.
Khi Harry S. Truman lên làm tổng thống sau khi Roosevelt qua đời tháng 4-1945, ông ngầm từ bỏ những cố gắng Roosevelt ngăn cản phục hồi quyền lực Pháp ở Đông Dương. Tại hội nghị San Francisco thành lập Liên hiệp Quốc tháng 5-1945, quan chức Mỹ thể hiện họ không chống đối Pháp trở lại Đông Dương sau khi kết thúc chiến tranh. Sự thay đổi chính sách đó đã bị các chuyên viên Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại Giao phản đối, nhiều người trong số họ thiện cảm với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc. Nhưng Vụ châu Âu lập luận, việc Mỹ chống đối chủ quyền của Pháp ở Đông Dương có thể làm phức tạp mối quan hệ với Paris sau chiến tranh - trong khi sự căng thẳng giữa Moscow và Washington đang tăng lên ở châu Âu - thì quan điểm của họ thắng thế. Tháng 3-1945, Charles De Gaulle, cầm đầu “Nước Pháp Tự do”, cố gắng xoa dịu những lo âu của Mỹ bằng cách hứa hẹn, sẽ có “quyền tự trị tương xứng với tiến bộ và thành quả”. Tại San Francisco, đại diện Mỹ đáp lại bằng cách tuyên bố, Washington sẽ không thúc ép đưa Đông Dương vào sự uỷ thác quản trị quốc tế. Dù vậy, để chiều lòng quan điểm của những chuyên viên Vụ châu Á Bộ Ngoại Giao, chính quyền “phải bảo đảm có những biện pháp tiến bộ cho chính phủ tự trị của tất cả các dân tộc mong muốn độc lập thực sự hoặc sát nhập vào liên bang tuỳ theo hoàn cảnh và khả năng của dân tộc đó đảm đương trách nhiệm này”.[25]
Cuối tháng 8-1945, ngay lúc Việt Minh đang củng cố chính quyền ở Hà Nội, De Gaulle gặp Truman tại Nhà Trắng. De Gaulle bác bỏ đề nghị của Truman trao trả độc lập cho Đông Dương, viện cớ, bất kỳ những tuyên bố công khai sẽ chỉ là “hứa suông”. De Gaulle cam đoan với Mỹ, chính phủ Pháp sẽ có những bước đi thích hợp để cuối cùng đưa tới chính phủ tự trị của các dân tộc trong khu vực này. Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Mỹ không phản đối Pháp đòi lại chủ quyền ở Đông Dương. Không may, tin về quyết định này mãi đến tận tháng 10-1945 mới đến tai Trùng Khánh. Do đó, Archimedes Patti và những người Mỹ khác đến Hà Nội chẳng nhận được chỉ thị chính thức nào của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trùng Khánh về tương lai chính sách của Mỹ trong khu vực.
Không biết Patti có biết gì hơn mình về chính sách hiện thời của Mỹ, Hồ Chí Minh cố gắng làm yên lòng Pattti. Trong cuộc gặp Patti ngày 26-8-1945, Hồ trình bày những mưu toan của Tưởng ở Đông Dương, cũng như những mưu toan của Pháp. Sau đó, ngày 1-9-1945, Hồ lại gặp Patti phàn nàn, nhiều quan chức Mỹ không hiểu Tưởng và Pháp đang có ý định làm gì ở Đông Dương. Để xua tan nghi ngờ của Mỹ về xu hướng tư tưởng của chính phủ mình, một lần nữa ông phủ nhận Mặt trận Việt Minh do Đảng cộng sản Đông Dương thống trị và nói chính phủ ông sẵn sàng chấp nhận một hình thức độc lập tối thiểu từ Pháp (trong bức điện tín mô tả về cuộc gặp, Patti trích dẫn lời Hồ chỉ yêu cầu “độc lập có giới hạn, thoát khỏi thống trị Pháp, quyền được sống như một dân tộc tự do trong đại gia đình các dân tộc và sau cùng là quyền được bàn bạc trực tiếp với thế giới bên ngoài”. Để khích lệ, Hồ nói với Patti, Việt Nam rất cần đầu tư và sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, vui lòng dành cho Mỹ những nhượng bộ đặc biệt trong quyền lợi thương mại ở Việt Nam.
Theo ý kiến cá nhân, Patti (có lẽ giống như bất cứ người Mỹ nào gặp Hồ trong những ngày gần kết thúc chiến tranh) đều có thiện cảm với Hồ Chí Minh và tân chính phủ, nhưng Patti chỉ làm việc trong giới hạn liên quan tới nhiệm vụ của ông trong những nhập nhằng chính sách của Mỹ, vì thế không dám hứa hẹn điều gì. Một chuyến đi ngắn tới Côn Minh đầu tháng 9-1945 cũng không làm dịu mối quan tâm của Patti. Richard Heppner, thủ trưởng Cơ quan Tình báo Chiến lược bất bình việc Patti thiện chí làm trung gian trong những cuộc tranh cãi Pháp - Việt Minh và ra lệnh cho ông kiềm chế những hoạt động chính trị tương lai. Bỏ lại những kế chước của mình, Hồ Chí Minh quyết định quay sang Tưởng. Khi tướng Tiêu Văn gặp ông đầu tháng 9-1945, nhắc khéo nên bổ xung thêm những lãnh tụ không cộng sản vào chính phủ lâm thời, Hồ đáp lại, mục tiêu cuối cùng của ông là “dân chủ hoá” chính phủ nhưng cuộc bầu cử đó có thể được tiến hành cuối năm.[26]
Trong khi Hồ Chí Minh và các đồng sự đang cố gắng bảo vệ chính phủ non trẻ ở Hà Nội thì ở phía Nam phải đối mặt với nhiều đe doạ trực tiếp. Sau sự kiện cướp chính quyền ầm ĩ tại Sài Gòn ngày 25-8-1945, tình hình tại đó bắt đầu đi vào ổn định, khi Uỷ ban Nam Bộ, do Trần Văn Giàu lãnh đạo, cố gắng củng cố quyền lực chuẩn bị đối phó cho việc lực lượng chiếm đóng Anh sắp kéo vào. Vài ngày sau, Hoàng Quốc Việt đến Sài Gòn với tư cách đại diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông khuyên Giàu tránh những hành động khiêu khích hay bất cứ sự đối đầu nào với quân đội Anh khi họ tới. Nhưng vị thế của Giàu khá tế nhị. Ông buộc phải chia sẻ quyền lực của Uỷ ban cho những đại diện đảng phái đối địch, những người này không những luôn luôn nghi ngờ bản chất của Việt Minh mà còn rình rập thời cơ tố cáo Việt Minh thoả hiệp với quân thù. Bất chấp sự có mặt của Hoàng Quốc Việt, Giàu và các đồng sự coi như vẫn còn bị mất sự lãnh đạo của Đảng từ Hà Nội, buộc phải tự quyết định theo đường lối riêng làm cho tình hình càng tồi tệ hơn.
Chỉ khi gặp Hoàng Quốc Việt họ mới biết nhân vật bí ẩn Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Từ lâu đã quen tự quyết định tình hình, những người lãnh đạo phía Nam không nhiệt tình với những đề xuất của Hoàng Quốc Việt, đôi khi coi như là mệnh lệnh. Ngược lại, Hoàng Quốc Việt, một lãnh tụ xuất thân từ phong trào công nhân, tư tưởng chính trị cứng nhắc, có lẽ nhìn Giàu và hội của Giàu như những kẻ phiêu lưu tiểu tư sản đã bị nhiễm lối sống của tư bản Sài Gòn. Sự chia rẽ giữa Xứ uỷ hai miền từ cuối những năm 1930 nay càng trở nên căng thẳng giữa hoàn cảnh hai vùng trước và sau Cách mạng tháng Tám.
Ngày 2-9-1945, dân chúng tập hợp đông đảo phía trước dinh Norodom ở trung tâm Sài Gòn mừng Ngày Độc Lập và nghe đài phát thanh truyền bài phát biểu của Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Nhưng căng thẳng giữa người Việt và Pháp Kiều ở thành phố này lên rất cao. Đoàn người biểu tình bắt đầu tuần hành trên phố Catinat, một phố buôn bán sầm uất nối từ nhà thờ đến sông Sài Gòn, bất thình lình có tiếng súng nổ vang ở sân phía trước nhà thờ. Đám đông bị kích động, nhiều thanh niên nổi giận xông vào những toà nhà gần đó tìm kẻ bắn tỉa người Pháp. Thế là mọi việc trở nên hỗn loạn không thể kiềm chế. Cha Tricoire, quản trị nhà thờ, trúng đạn chết ngay tại thềm cửa nhà thờ. Được cổ vũ bởi sự quá khích, bạo lực lan ra, nhà cửa bị đập phá, cửa hàng bị cướp bóc, đám quá khích tràn ra đường phố tìm người Âu đánh đập. Kết thúc “Chủ nhật đen” - báo chí Pháp đặt tên - với bốn người chết và hàng trăm người bị thương.
Suốt mấy ngày sau, Trần Văn Giàu kêu gọi đồng chí của mình duy trì kỷ luật, kiềm chế tránh bị lôi kéo vào những hành động manh động, nhưng những người dân tộc chủ nghĩa và nhóm Trotskyst chỉ rình khai thác những sơ suất của Việt Minh để trục lợi. Đối lập với Việt Minh là hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo, cả hai giáo phái bắt nguồn và sinh sôi nảy nở trên đồng bằng Mekong từ đầu thế kỷ XX. Thuyết pháp hổ lốn về bản chất và hăng hái duy trì quyền lực với đám tín đồ, hai giáo phái thu nạp vài trăm ngàn giáo dân, cũng ra sức củng cố quyền lực trong khu vực hoạt động của mình, chống lại sự bành trướng của Việt Minh.
Ngày 12-9-1945, những đơn vị đầu tiên lực lượng chiếm đóng Anh, chủ yếu sư đoàn Gurkhas, một vài lính Pháp, tới sân bay Tân Sơn Nhất. Thiếu tướng Tư lệnh Anh, Douglas Gracey, ngày hôm sau cũng tới. Dáng khắc khổ, với bộ ria mép, Gracey là đặc trưng cho các vị tướng Anh. Ông là con trai của một viên chức thực dân ở Ấn Độ, tốt nghiệp học viện quân sự Sandhurst. Sư đoàn 20 Ấn Độ của ông vừa chiến thắng chống quân Nhật ở Burma. Gracey đã có nhiều thời gian trong đời binh nghiệp ở các xứ thuộc địa và ông được binh sĩ (người Á châu) kính trọng vì lòng dũng cảm và sự công bằng. Có vẻ như Gracey là sự bổ nhiệm hoàn hảo cho nhiệm vụ tiếp quản sự đầu hàng của Nhật và duy trì luật pháp tại Đông Dương cho tới khi đạt được sự dàn xếp chính trị.
Tuy nhiên ngay từ những ngày đầu ông đã gặp phải những vấn đề lớn. Đầu tiên là thiếu kinh nghiệm xử lý chính trị, xuất phát từ nguồn gốc gia đình. Do phục vụ lâu trong quân ngũ Anh, Gracey coi việc các dân tộc châu Á phải bị cai trị là đương nhiên. Thêm nữa, nhiệm vụ được giao cũng không rõ ràng. Khi ở Rangoon, ông được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh tất cả lực lượng bộ binh Đồng Minh ở nam Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở xuống, nhưng trên đường tới Sài Gòn, trung tướng William J. Slim, Tổng tư lệnh lực lượng bộ binh Anh ở chương trình Đông Nam Á đã thay đổi mệnh lệnh gửi ông. Gracey được lệnh duy trì luật pháp và trật tự chỉ ở những vùng trọng yếu của Đông Dương, trừ khi nhà cầm quyền Pháp hoặc tướng Louis Mountbatten, Tư lệnh tối cao Bộ Tư Lệnh Đồng Minh ở Đông Nam Á (SEAC) yêu cầu. Trụ sở Bộ Tư Lệnh Đồng minh tại Ceylon, chỉ huy các hành động Đồng Minh tại nhiều khu vực này trong chiến tranh Thái Bình Dương. Hàm ý của tướng Slim trao lại nửa phía nam Đông Dương cho Pháp.
Những điều kiện tại Sài Gòn khi Gracey tới cũng không thuận lợi. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, vấn đề then chốt duy trì luật pháp và trật tự không còn nữa. Cảnh sát Việt Nam tuần tra thành phố bây giờ không biết phụng sự cho ai. Ngày 8-9-1945, Trần Văn Giàu kêu gọi dân chúng địa phương bình tĩnh và cộng tác Uỷ ban Nam Bộ, ngay lập tức bị các thành viên dân tộc chủ nghĩa phê phán, ngay cả một số thành viên của đảng, cũng nghi ngờ ông là “tay sai” của Pháp. Ngày hôm sau, Uỷ ban này tái cơ cấu, Giàu từ chức chủ tịch nhường chỗ cho Phạm Văn Bạch, một người dân tộc chủ nghĩa. Thành phần của Uỷ ban được mở rộng, Việt Minh chỉ chiếm 4 trong 13 chỗ. Ngày 12-9-1945, tù binh Pháp được lính Pháp đi theo Gracey giải cứu ùa ra đường, đập phá cướp bóc cửa hiệu và tấn công những người Việt nam. Kinh hãi trước tình cảnh hỗn loạn tại Sài Gòn, Gracey chỉ còn cách duy nhất ông có thể làm được, ra lệnh quân đội Nhật Bản tước vũ khí của tất cả những người Việt Nam, đuổi Uỷ ban Nam Bộ ra khỏi dinh Toàn quyền. Bộ chỉ huy Anh tuyên bố quân đội Anh sẽ duy trì luật pháp và trật tự cho đến khi chế độ thực dân Pháp được phục hồi.[27]
Nhận chỉ thị từ Hà Nội tránh quân đội Anh tìm cớ can thiệp mạnh hơn, Trần Văn Giàu và những uỷ viên Uỷ ban Nam Bộ tìm cách ngăn cản bùng nổ xung đột, nhưng để phòng ngừa Giàu bắt đầu rút những những đơn vị Việt Minh chủ lực ra khỏi thành phố. Trong suốt mấy ngày sau, lực lượng Gracey bắt đầu quét sạch quân “phiến loạn” ra khỏi những vị trí trọng yếu. Trong khi đó, Trần Văn Giàu và những uỷ viên Uỷ ban Nam Bộ tìm cách thoả hiệp với Jean Cedile, đại diện cao cấp Pháp ở Nam Kỳ. Cedile, vừa nhảy dù xuống Nam Kỳ ngày 22-8-1945, một người có quan điểm chính trị tự do và ôn hoà, nhưng những cuộc hội đàm cũng chẳng đi đến đâu. Cedile yêu cầu, tương lai chính trị của Đông Dương chỉ được thảo luận sau khi chế độ cai trị thực dân Pháp được khôi phục lại, còn Giàu khăng khăng việc này phải được làm trước khi Pháp công nhận nền độc lập dân tộc Việt Nam. Những cuộc thương lượng tiếp theo vào tháng 9-1945 theo sắp đặt của trung tá Mỹ Peter Dewey, người giống hệt Patti, cả hai bên đều cứng rắn không thể thoả hiệp được. Như nhà ngoại giao Pháp Bernard de Folin nhận xét, đây là của đối thoại của bọn điếc.
Đến giữa tháng 9-1945, Phạm Văn Bạch, tân chủ tịch Ủy Ban Nam Bộ cho rằng các cuộc đàm phán với Pháp vô nghĩa, ông kêu gọi tổng bãi công vào ngày 17-9-1945. Ngay lập tức Gracey ra lệnh thiết quân luật, thả tất cả quân Pháp (chủ yếu lính lê dương), trang bị vũ khí cho họ, ra lệnh lập lại trật tự. Đụng độ đã xảy ra giữa quân Việt Nam và Pháp, tình hình nóng lên. Đêm 22-9-1945, Cedile ra lệnh cho quân Pháp chiếm lại tất cả các vị trí trọng yếu, đuổi Uỷ ban ra khỏi trụ sở mới là toà Thị Chính Sài Gòn. Sáng hôm sau, 22.000 người Pháp hân hoan biết rằng Sài gòn lại dưới quyền cai trị của họ. Người Pháp tràn ra đường phố đánh đập bất cứ người Việt nam nào bất kể trẻ già, trai, gái chúng gặp trên đường. Hàng trăm, có lẽ hàng ngàn người bị thương.
Đại tá Dewey, đại diện cao cấp Mỹ tại Sài Gòn, kinh hãi trước hành động kiên quyền của Cedile. Dewey tốt nghiệp Đại học Yale, từng là nhà báo tờ Chicago Daily News, được Cơ quan Tình báo Chiến lược tuyển dụng năm 1943 và phục vụ ở chiến trường châu Âu. Dewey, 28 tuổi, con trai đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, nói thành thạo tiếng Pháp nhưng có quan điểm chống chính sách thuộc địa giống như Archimedes Patti ở Hà Nội. Dewey tức tốc tới đại bản doanh quân Anh để phàn nàn với Gracey, nhưng viên tướng này từ chối tiếp Dewey. Thực vậy, Gracey đổ lỗi cho những lộn xộn mới đây tại Sài Gòn là do những hoạt động của nhóm Cơ quan Tình báo Chiến lược mà ông gán cho là “rõ ràng có ý đồ lật đổ”, yêu cầu Dewey phải rời Đông Dương càng sớm càng tốt, nhưng đồng ý rút quân Pháp ra khỏi đường phố, chuyển nhiệm vụ duy trì luật pháp và trật tự hoàn toàn cho quân Nhật.[28]
Mãi đến tận lúc đó, đại diện Việt Minh tại Sài Gòn mới nhận ra những hoạt động quá khích, như đã xảy ra trong vụ “Chủ Nhật đen” ngày 2-9-1945, không phải là một phần của giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc, nhưng những lệnh đó đã bị phớt lờ. Ngày 24-9-1945, vài trăm người Việt Nam vũ trang, chủ yếu Cao Đài và Bình Xuyên cùng nhóm tội phạm địa phương tại Sài Gòn, tràn vào khu phố Heraut người Pháp sinh sống, hô lớn “giết hết bọn Tây”. Dù xung quanh được quân Nhật gác, nhưng hơn 150 người Âu châu bị thảm sát, phần đông phụ nữ và trẻ em, trong khi quân đội Nhật Bản khoanh tay đứng nhìn. Một trăm người Pháp bị lôi đi mất tích. Bạo lực lan ra cả nông thôn xung quanh, ở đó những vụ bạo động của nông dân tàn phá nhiều trang trại, cướp và chia đất của những người giầu, giết một vài địa chủ.
Lúc này Trần Văn Giàu không còn tin tưởng vào khả năng của mình đưa đến thoả hiệp nữa. Lo sợ những đối thủ dân tộc chủ nghĩa sẽ chiếm vai trò lãnh đạo phong trào, ông kêu gọi một cuộc tổng bãi công mới, ra lệnh cho các đồng chí của ông bao vây thành phố. Chiến luỹ được dựng lên ngăn cản người Pháp ra khỏi Sài Gòn và ngăn người Việt Nam từ ngoài vào. Trong bức điện gửi Patti ở Hà Nội, Dewey (miêu tả sự bất ổn tại Sài Gòn là “chiến tranh cận kề”) nói rằng “Nam Kỳ đang bùng cháy”, yêu cầu người Mỹ “cần hoạt động ở Đông Nam Á”. Chiều hôm sau, trên đường ra sân bay, ông bị trúng đạn khi ngồi xe Jeep tại một chiến luỹ ở thành phố và chết ngay tại chỗ. Ngay sau đó, trụ sở Cơ quan Tình báo Chiến lược gần đó cũng bị những đơn vị Việt Nam tấn công suốt vài giờ, chỉ chấm dứt khi binh sĩ sư đoàn Gurkhas của Gracey đến giải cứu.[29]
Cái chết của Đại tá Dewey, quân nhân Mỹ đầu tiên chết ở Việt Nam, gây nên những lời buộc tội lẫn nhau. Người ta đổ lỗi cho cả hai phía. Một cuộc điều tra của nhóm Cơ quan Tình báo Chiến lược kết luận, không có bằng chứng nào về âm mưu độc ác chống Dewey do người Mỹ hoặc do Việt Minh. Trên thực tế, người Mỹ tại Sài Gòn lúc đó tin rằng người Việt Nam nhìn họ khác hẳn với những người phương Tây, có nhiều thiện cảm với nguyện vọng giành độc lập dân tộc. Trách nhiệm riêng cho vụ này thuộc về tướng Gracey, vì Gracey đã từ chối cho phép Dewey cắm cờ Mỹ trên xe Jeep của mình, lập luận, ông không phải là sĩ quan được hưởng quyền cắm cờ trên xe. Đây là sự đổ máu đáng buồn giữa Gracey và phái bộ Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Các sĩ quan Cơ quan Tình báo Chiến lược kết luận sự cố này có lẽ do nhầm lẫn, binh sĩ Việt Nam cho rằng xe Jeep chở lính Pháp. Khi nghe Patti thông báo, Hồ Chí Minh buồn rầu, ông viết một thư riêng gửi tổng thống Truman, bầy tỏ sự đáng tiếc xảy ra.1
Sự cố này cũng đem lại những hậu quả cho Bộ Tư Lệnh Anh ở Đông Nam Á. Báo chí đưa tin tình hình tại Sài Gòn làm hại thanh danh vai trò của lực lượng gìn giữ hoà bình của Anh ở Đông Dương. Bực mình về những sự kiện cuối tháng 9-1945, Thượng nghị sĩ Mountbatten gặp Cedile và tướng Gracey ở Singapore, ra lệnh cho họ phải thu xếp một cuộc ngừng bắn, chấm dứt những xung đột đang lan rộng. Ông khiển trách Gracey vì cố áp dụng luật pháp và trật tự một cách bừa bãi ở Nam Kỳ, đã từ chối thương thuyết với nhà cầm quyền Việt Nam. Nhưng ý kiến của Mountbatten không làm cho tình hình dịu đi, do xuất hiện cả hai phía. Đầu tháng 11-1945, quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Henri Leclerc bắt đầu tới Sài Gòn, vài ngày sau - Pháp kiều ở thành phố này ăn mừng tại sân thể thao Cercle Sportif nằm ngay phía sau Phủ Toàn quyền - Gracey ký thoả thuận trao lại quyền cai trị cho người Pháp ở toàn bộ phía nam Đông Dương kể từ vĩ tuyến 16 trở xuống.[30]
Ngày 10-10-1945, lực lượng Trần Văn Giàu tấn công quân Pháp và Anh tại sân bay Tân Sơn Nhất và trạm kiểm soát trên đường vào thành phố. Trong vài tuần lễ sau, những đơn vị quân đội còn lại Việt Minh và những nhóm dân tộc chủ nghĩa khác bị Pháp đánh bật khỏi Sài Gòn. Những cán bộ Việt Minh dưới sự chỉ huy của Lê Duẩn - đã nhiều năm ngồi tù - họp tại một địa điểm bí mật ở đồng bằng Cửu Long bắt đầu chuẩn bị chiến tranh. Nhưng lực lượng Việt Minh thiếu sức mạnh và kinh nghiệm đối phó với quân Pháp giàu kinh nghiệm vừa dồn quân Việt Nam ra khỏi ngoại thành, buộc phải lẩn trốn vào đầm lầy và rừng sâu. Trong khi đó, Hoàng Quốc Việt cố gắng thống nhất những đảng phái chính trị khác nhau và hai giáo phái để tập hợp lực lượng chống Pháp.
Khi tình hình ở Nam Kỳ xấu đi, chính phủ Hồ Chí Minh ở Hà Nội làm tất cả những gì có thể làm để giúp đỡ. Ngày 26-9-1945, qua đài phát thanh, Hồ Chí Minh đọc bức thư gửi đồng bào miền Nam, hứa, toàn thể dân tộc sẽ huy động sức mạnh của mình để giành thắng lợi. Ở một số tỉnh Trung Kỳ, người dân đổ vào Nam - “Nam tiến” - chiến đấu chống Pháp. Tuy nhiên, trong những cuộc họp kín, Hồ khuyên các đồng chí phải kiên nhẫn, dẫn ra những thí dụ trong lịch sử Việt Nam, chỉ có cuộc chiến tranh lâu dài mới giành được thắng lợi.[31]
Thực vậy, tân chính phủ cũng chưa sẵn sàng một cuộc chiến tranh. Tình hình kinh tế ở miền Bắc vẫn còn tồi tệ thảm hại, mặc dù quân Pháp chưa tới, nhưng các đảng phái dân tộc chủ nghĩa, được quân Tưởng hậu thuẫn, đang ngày càng lấn lướt. Trước những đe doạ từ mọi phía, Hồ Chí Minh tìm cách lôi kéo Đồng Minh và cô lập kẻ thù. Để xoa dịu Lư Hán, tư lệnh quân Tưởng, ông ra lệnh thuộc hạ cung cấp đầy đủ thuốc phiện cho Lư Hán. Ông mời cựu hoàng Bảo Đại, bây giờ là công dân Vĩnh Thuỵ, làm cố vấn chính phủ. Rời Huế, tới Hà Nội ngày 6-9-1945, Vĩnh Thuỵ lập tức gặp Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh tỏ ý không tán thành việc ép Bảo Đại thoái vị. Hồ nhấn mạnh “Cá nhân tôi cho rằng ngài phải lãnh đạo đất nước, còn tôi sẽ lãnh đạo chính phủ”. Tại một bữa ăn tối vài ngày sau, Hồ đề nghị Bảo Đại giữ chức vụ Cố vấn tối cao. Vĩnh Thuỵ chấp thuận.[32]
Dù vậy, áp lực mạnh nhất là những đảng phái dân tộc chủ nghĩa chống Việt Nam. Nguyễn Hải Thần, kẻ thù của Hồ Chí Minh, bây giờ là một ông già 70 tuổi nhưng vẫn là lãnh tụ Đồng Minh Hội, đã công kích chính phủ Hồ Chí Minh - coi “Hồ và đồng bọn chỉ là bọn khố rách áo ôm” - sẵn lòng thoả hiệp với Pháp. Các lãnh tụ Đại Việt từ nam Trung Hoa cũng về Hà Nội vào tháng 9-1945, bắt đầu lớn tiếng trong những bức thư đăng trên báo của họ. Dù Hồ cố gắng tỏ thái độ hữu nghị và ôn hoà đối với nhân dân, nhưng ông không thể làm giảm bớt sự chống đối và nghi ngờ với phần tử thù địch dân tộc chủ nghĩa, hầu như họ đã rút ra bài học kinh nghiệm ở nam Trung Hoa, không thể cộng tác với Hồ và các đồng chí Việt Minh của ông. Theo những lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa, việc Việt Minh đơn phương cướp chính quyền ở Hà Nội là một bằng chứng về sự tráo trở, lá mặt lá trái của Hồ. Trong khi những phần tử dân tộc chủ nghĩa không có sức mạnh chính trị và quân sự để cạnh tranh trực tiếp với Việt Minh - như Patti nhận xét, không một lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa nào đưa ra được chương trình kinh tế xã hội để giải quyết tình hình và “mất phương hướng chính trị một cách vô vọng” - thì họ có trong tay một con bài quan trọng là sự ủng hộ của quân Tưởng. Tin chắc quân Tưởng buộc phải ủng hộ mình, những phần tử dân tộc chủ nghĩa Vũ Hồng Khanh đã có đường lối cứng rắn khi đàm phán với Việt Minh. Việt Nam Quốc Dân Đảng của Khanh, phát hành một tờ báo đối lập và những loa phóng thanh to tại trụ sở của họ, ra rả tố cáo “bọn khủng bố đỏ”.[33]
Nhưng kẻ thù của Hồ cũng chia rẽ, không những bản thân hội của họ mà còn trong quan hệ với Trung Hoa. Những phần tử này thuộc Đồng Minh Hội do tướng Tiêu Văn ủng hộ, trở nên căm ghét Hồ Chí Minh quan điểm độc lập, bây giờ họ hy vọng quân Tưởng và Nhật rút sớm để có thể thành lập chính phủ độc lập dưới sự lãnh đạo của người dân tộc chủ nghĩa. Những nhóm khác, như Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng, được Lư Hán ủng hộ, muốn quân chiếm đóng Tưởng ở lại lâu dài coi như thể hiện mối bang giao bền vững Hoa - Việt.
Trong nội bộ Việt Minh cũng có sự chia rẽ. Theo nhà báo Pháp Philippe Devillers, lúc đó ở Hà Nội, trong chính phủ có ít nhất ba nhóm: Nhóm cộng sản hiếu chiến như Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Hồ Tùng Mậu. Nhóm cộng sản thực dụng hơn, những người từng theo đuổi sự nghiệp công khai trong thập niên 1930, như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám và Đặng Thai Mai (bố vợ Giáp). Nhóm thứ 3 là nhóm không cộng sản, theo Việt Minh vì yêu nước. Deviller cho rằng Hồ Chí Minh đã rất khéo léo xoa dịu mâu thuẫn giữa các nhóm, đặc biệt thuyết phục các đồng chí theo đường lối hiếu chiến muốn thẳng tay với những phần tử dân tộc chủ nghĩa, tranh luận về chính sách hoà giải. Quan điểm của Hồ thể hiện trong bài bình luận, các đảng phái dân tộc chủ nghĩa sẽ bị trung lập hoá từ từ để quét sạch lực lượng của họ “từng bước”. Khi một thành viên chính phủ bày tỏ tính cách xấc xược của những phần tử dân tộc chủ nghĩa, Hồ khuyên ông ta nên kiên nhẫn, hứa vấn đề đó sẽ được giải quyết khi chính phủ đủ mạnh. Nhiều lúc tình hình quá căng thẳng, Hồ phải thay đổi chỗ ở thường xuyên, đề phòng bị ám sát.[34]
Theo quan điểm của Hồ, cách tốt nhất để giải quyết những đối thủ dân tộc chủ nghĩa là xoa dịu nhà cầm quyền Tưởng. Vẫn chưa biết rõ khi nào quân Tưởng rút khỏi Đông Dương. Cuối tháng 9-1945, tướng Lư Hán nói thẳng, không có thời gian biểu rút quân Tưởng. Đầu tháng 10-1945, sau khi Hà Ứng Khâm - tư lệnh thân tín của Tưởng Giới Thạch - đến Hà Nội phê phán Lư Hán không có kế hoạch hành động ngăn chặn cộng sản thâu tóm quyền lực thì việc rút quân Tưởng thậm chí không còn nữa.
Trong khi đó Pháp vẫn là mối đe doạ lớn nhất. Nếu các nước Đồng Minh cùng xúm lại để chống Nga, đương nhiên Pháp sẽ được rảnh tay chiếm lại Đông Dương dù rất khó chịu, nhưng cũng đành phải tạm thời chấp nhận. Giữa tháng 9-1945, để xoa dịu kẻ thù, Hồ Chí Minh bắt đầu thương lượng bí mật với đại diện Pháp, tướng Marcel Alessandri và Leon Pignon (Jean Sainteny bấy giờ chuyển sang làm lãnh sự Pháp ở Ấn Độ). Trả lời phỏng vấn nhà báo phương Tây, Hồ nói, Pháp sẽ được chào đón khi quay lại Đông Dương với tư cách cố vấn, miễn là họ đến như những người bạn, không phải là kẻ xâm lược.[35]
Với các viên tư lệnh Trung Hoa, họ đang ủng hộ các đảng phái dân tộc chủ nghĩa ở miền Bắc. Với quân Anh họ lại giấu tay giúp Pháp ở miền Nam. Còn với đại diện Mỹ, hy vọng tốt nhất cuối cùng của họ đối với Hồ Chí Minh sẽ là người đỡ đầu cho chính phủ Hà Nội. Từ cuối hè đến đầu mùa thu, Hồ cố gắng làm tốt mối quan hệ với Mỹ, điều đáng chú ý, Archimedes Patti, một người rất có thiện cảm với sự nghiệp độc lập của Việt Nam cũng như đa số đại diện Mỹ ở Hà Nội. Dù cấp trên của Patti ở Trùng Khánh không hài lòng việc ông có thái độ thiện cảm với tân chính phủ Việt Nam, Patti tiếp tục báo cáo tình hình ở Đông Dương. Đầu tháng 9-1945, ông gửi điện nói, tuy chính phủ mới rõ ràng thiên tả, nhưng vẫn hoàn toàn kiểm soát tình hình, sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu chống Pháp quay trở lại. Vài tuần sau, ông báo cáo về những mục đích giới lãnh đạo Việt Nam, họ dự định một nền độc lập dân tộc trong mười năm, một Toàn quyền Pháp với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Ông báo cáo, qua theo dõi kinh nghiệm Mỹ ở Philippines, Việt Nam rất muốn được Mỹ bảo trợ cho tới khi khôi phục hoàn toàn độc lập, nhưng họ không tin chắc điều đó có xảy ra hay không và vui lòng chấp nhận sự cai trị tạm thời của Pháp, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.[36]
Nhưng thái độ của Mỹ về tình hình ở Đông Dương vẫn không nhất quán. Một lý do của sự không nhất quán đó sự khác biệt về chính sách giữa Vụ châu Á và Vụ châu Âu Bộ Ngoại Giao lại bùng nổ. Qua bức điện tín của Patti và tin tức của phái bộ ngoại giao ở châu Á, Washington đã biết chính phủ Việt Minh có xu hướng cộng sản. Những người thân cận biết, trên thực tế chính Hồ Chí Minh là đặc vụ Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Chuyên viên Vụ châu Á ngày càng lo lắng về bóng dáng chiến tranh ở Đông Dương. Ngày 28-9-1945, trợ lý Vụ trưởng Vụ Viễn Đông John Carter Vincent (sau này ông là một trong những nạn nhân của xây dựng chống Cộng do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy chủ xướng) đã đặt vấn đề với thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Dean Acheson, cảnh báo, chính sách hiện thời “không can thiệp” của Mỹ, không chống đối việc khôi phục chủ quyền của Pháp ở Đông Dương sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện Đông Dương vì Pháp quyết tâm khôi phục chủ quyền của mình trước khi mở những cuộc thương lượng với chính phủ Việt Nam. Vincent dự kiến, Mỹ sẽ phối hợp với Anh thành lập một uỷ ban điều tra tình hình Đông Dương. Ông đề nghị, không cho phép thêm quân Pháp vào Đông Dương. Ông kết luận, báo cáo của uỷ ban có thể trở thành cơ sở cho những cuộc thảo luận quốc tế trong số các nước liên quan, bao gồm những đại diện “An Nam” thích hợp. Vincent thừa nhận Paris có thể không hài lòng những sáng kiến đó, nhưng ông vạch ra điều này ít nguy hiểm hơn sự bùng nổ chủ nghĩa dân tộc An Nam.[37]
Vụ châu Âu Bộ ngoại giao có quan điểm khác. Freeman Mathews, Vụ trưởng Vụ châu Âu lập luận, tốt nhất cứ để Anh và Pháp tự giải quyết vấn đề này. Vụ châu Âu lo ngại, uỷ ban đó có thể chỉ đưa đến một kết quả - là sự tống cổ người Pháp ra khỏi Đông Dương. Điều đó cũng có thể khuyến khích Moscow đòi có một vai trò trong khu vực. Điều này “sẽ tệ hại cho Pháp và phương Tây nói chung và cũng tệ hại cho chính bản thân nhân dân Đông Dương”. Acheson, vốn xuất thân từ châu Âu, đồng ý với Mathews, từ chối hành động trừ khi tình hình xấu đi nghiêm trọng. Ngày 20 tháng 10, Vincent ra thông báo, Mỹ không phản đối chủ quyền của Pháp và Hà Lan ở các thuộc địa của họ tại Đông Nam Á, nhưng Mỹ hy vọng chính quyền thuộc địa châu Âu sẽ chuẩn bị những điều kiện cho nhân dân thuộc địa hiểu nghĩa vụ và trách nhiệm của chính phủ tự trị.[38]
Pháp rõ ràng không muốn bất cứ sự can thiệp nào. Cuối tháng 10-1945, một quan chức Đại sứ quán Pháp ở Washington, D.C., gặp nhân viên Vụ Viễn Đông Abbot Low Moffat để phàn nàn tin tức, một đại diện của chính phủ Hồ Chí Minh đang trên đường tới Washington để thảo luận tình hình với quan chức Mỹ. Vị quan chức Đại sứ Quán Pháp cảnh cáo “bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ sẽ được coi là một hành động không thân thiện” với chính phủ Pháp.[39]
Hồ Chí Minh không biết được sự kiện ấy ở Mỹ, nhưng ông lo lắng về xu hướng chính sách của Hoa Kỳ. Ngày 30-9-1945, ngày cuối cùng của Patti tại Đông Dương, Hồ Chí Minh mời Patti đến Bắc Bộ Phủ hội đàm lần cuối. Sau bữa tiệc, Hồ nhấn mạnh, ông không thể hoà giải được quan điểm chính thức của Hoa Kỳ về quyền tự quyết đã được đưa ra tại hội nghị Tehran, Quebec và Potsdam với chính sách hiện thời của Mỹ đứng sang một bên, cho phép Anh và Trung Hoa giúp Pháp quay lại Đông Dương. Ông hỏi, tại sao Hiến Chương Đại Tây Dương lại không áp dụng cho Việt Nam? Hồ đề xuất thành lập một cộng đồng toàn châu Á bao gồm mấy nước thuộc địa trong vùng, được chương trình kinh tế và chính trị giúp để thịnh vượng. Patti bày tỏ thiện cảm của cá nhân ông trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành độc lập, nhưng lặp đi lặp lại, chính sách của Hoa Kỳ không đòi hỏi chủ quyền của Pháp và cũng không ủng hộ những tham vọng của đế quốc Pháp. Kết thúc hội đàm, Hồ kể lại cho Patti một số sự kiện mấu chốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Ông cho rằng nhiều người Mỹ coi ông là “bù nhìn của Moscow”, Hồ phủ nhận, ông là người cộng sản theo cách hiểu của người Mỹ. Ông đã trả món nợ cho Liên Xô bằng mười lăm năm làm việc cho Đảng, bây giờ ông tự coi mình là một người tự do. Ông nói thẳng, trong những tháng gần đây, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhận được nhiều ủng hộ từ Hoa Kỳ hơn là từ Liên Xô. Tại sao Việt Nam phải mang nợ Moscow?
Khi chia tay, Hồ Chí Minh đề nghị vị khách của ông mang về Hoa Kỳ một thông điệp, nội dung là nhân dân Việt Nam luôn luôn biết ơn sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, không quên Mỹ là một người bạn, một đồng minh và cuộc chiến đấu vì độc lập của Hoa Kỳ luôn luôn là tấm gương cho Việt Nam. Vài tuần sau, một bức thư của Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman được một sĩ quan khác chuyển tới Côn Minh. Nhưng tất cả sự giúp đỡ của những người Mỹ nhanh chóng trở nên vô vọng. Những hoạt động của Patti càng làm cho quan chức Mỹ ở cả Trung Hoa lẫn Mỹ thêm ngờ vực, khi người kế nhiệm ông điện về Washington, Hà Nội rất muốn Hoa Kỳ làm trung gian hoà giải mâu thuẫn, nhưng cả những lời đề nghị của Hà Nội và bức thư của Hồ gửi Truman đều bị phớt lờ.[40]
Đầu mùa thu 1945, hình ảnh Cách mạng tháng Tám trở nên xấu hơn. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã kiểm soát được miền Bắc, nhưng sự ủng hộ chủ yếu nhờ sự hồ hởi vì lời hứa hẹn độc lập và hình ảnh huyền thoại của chủ tịch Hồ Chí Minh trong dân chúng. Ngoài ra, quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa vẫn chiếm đóng một số vùng. Ở miền Nam, Đảng bị suy yếu do cuộc khởi nghĩa chết yểu năm 1940 và sự cạnh tranh của các phần tử dân tộc chủ nghĩa đang mạnh lên, người Pháp cố gắng khôi phục quyền cai trị thuộc địa, mặc dù lực lượng Việt Minh đang vật lộn xây dựng cơ sở kháng chiến ở nông thôn.
Đối với Hồ Chí Minh, diễn biến trên chính trường quốc tế mới là điều quan trọng. Hồ muốn sự giúp đỡ của những lực lượng tiến bộ ngăn chặn tham vọng thực dân của Pháp khôi phục quyền cai trị thuộc địa. Kinh nghiệm của một người từng nghiên cứu cách mạng ở Moscow giúp Hồ Chí Minh nhận thức triển vọng làn sóng cách mạng sau chiến tranh sẽ lan rộng tương tự như những gì đã đem đến cho những người Bolsevich trong cách mạng tháng Mười năm 1917. Nhưng những kinh nghiệm lâu năm cảnh báo ông, Stalin chẳng quan tâm gì đến châu Á, có thể không tính đến việc kéo Liên Xô về phía lực lượng cách mạng tại đó. Nguồn giúp đỡ chính vẫn là Hoa Kỳ, có tinh thần chống chủ nghĩa thực dân mạnh mẽ. Nhưng hy vọng về sự giúp đỡ của Washington vẫn mong manh. Nếu liên minh trong chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô tan rã do bất đồng sau chiến tranh, Hoa Kỳ có thể ủng hộ chính quyền thuộc địa châu Âu, Việt Nam có thể trở thành con tốt đen trong cuộc xung đột toàn cầu mới. Trong trường hợp đó, Hồ Chí Minh buộc phải trung thành với Liên Xô. Trong giai đoạn này của cách mạng Việt Nam, đối thủ chính là Pháp. Moscow có thể không ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành dân tộc, nhưng ít có khả năng giúp Pháp khôi phục quyền cai trị thuộc địa ở Đông Dương. Nhưng đối với Hoa Kỳ, vì sợ cách mạng thế giới, có thể quay sang ủng hộ Pháp, như ông đã nhấn mạnh tại hội nghị Tân Trào.
Dù con đường phía trước còn đầy chông gai, bước đầu tiên đã được thực hiện, một chính phủ Việt Nam độc lập đang nắm quyền ở Hà Nội, tuy mong manh. Những năm sau này, Cách mạng tháng Tám được thổi phồng thành huyền thoại, khi các nhà sử học của Đảng ở Hà Nội mô tả những sự kiện xảy ra cuối chiến tranh Thái Bình Dương là bằng chứng vai trò lãnh đạo của tài tình và lớn lao của Đảng. Chiến lược cuộc khởi nghĩa - được miêu tả là sự phối hợp giữa đấu tranh chính trị và quân sự cướp chính quyền ở cả thành thị và nông thôn - trở thành khuôn mẫu cho cuộc đấu tranh tương lai giải phóng dân tộc, không những ở Việt Nam mà còn cả ở các nước Thế Giới Thứ Ba, như châu Phi, châu Mỹ La tinh và Đông Nam Á.
Gần đây nhiều nhà học giả phương Tây lại cho rằng Cách mạng tháng Tám là cuộc nổi dậy tự phát của nhân dân, rất ít có kế hoạch tuy có sự chỉ đạo. Một số học giả khác cho những sự kiện Tháng Tám không phải là cuộc cách mạng, chỉ là một cuộc đảo chính.
Những nhận xét này cũng có phần đúng, vì một yếu tố cũng làm thay đổi tình thế trong tất cả các cuộc cách mạng. Lenin đã từng nói thực tế cách mạng phức tạp hơn nhiều so với lý thuyết cách mạng. Cho dù Đảng cố gắng đề ra kế hoạch chi tiết, cẩn thận tại Tân Trào, vẫn có yếu tố tự phát và tự ứng biến về thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh ở châu Á. Ở nhiều vùng, ngay cả cán bộ Đảng không liên lạc được Ban Chấp hành Trung ương ở miền Bắc, buộc phải tự quyết định hành động. Và tất nhiên, nạn đói khủng khiếp trong cả nước làm nhân dân nổi giận đã giúp Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông giành được thắng lợi.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận Cách mạng tháng Tám là một thành công to lớn phi thường. Không thể có một cuộc cách mạng nếu không có những người cách mạng. Ban lãnh đạo Đảng tin có thể chớp lấy thời cơ hiếm có khi kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. Trong khi những lãnh tụ quốc gia chủ nghĩa nằm co ro ở nam Trung Hoa, chờ Đồng Minh đánh bại Nhật Bản, Hồ và các đồng chí của ông dám chấp nhận thử thách và đặt thế giới vào “việc đã rồi”.
Sử dụng Mặt trận Việt Minh như là một phong trào có cơ sở rộng rãi với một cương lính thu hút tất cả những lực lượng tiến bộ và yêu nước. Hồ không những mở rộng đáng kể phạm vi ảnh hưởng của Đảng cộng sản, mà còn vận động Đồng Minh công nhận tiếng nói hợp pháp của dân tộc Việt Nam. Không phải tất cả các đồng chí của ông vừa lòng trước hành động ôn hoà của ông. Không ít người như Trường Chinh sau này lấy làm tiếc trong Cách mạng tháng Tám không có đủ sức để tống cổ tất cả kẻ thù của Đảng ra ngoài.[41]
Bộ mặt hiền hoà rõ ràng chính là hình ảnh của Hồ Chí Minh. Ông là người cha, người anh ở nông thôn, “người yêu nước bình thường” trong bộ quần áo ka-ki và đi giầy vải xanh, Hồ không những chiếm trọn trái tim hàng triệu người Việt, mà còn chiếm được sự ngưỡng mộ, kính trọng của những người gần gũi, như những sĩ quan Hoa Kỳ Charles Fenn, Archimedes Patti, nhà thương thuyết Pháp Jean Sainteny và tướng Leclerc. Tất nhiên, cũng có yếu tố tính toán được nguỵ trang kín đáo của Hồ Chí Minh, đối với một số người thân, thỉnh thoảng ông lỡ miệng cho biết, nhiều khi đó chỉ là những mưu mẹo. Nhưng muốn thành công lớn phải dùng thủ đoạn. Không ngạc nhiên khi ông sử dụng nó làm yếu tố chủ chốt trong kho tàng chiến lược của ông trong những ngày cuối đời.[42]
Tuy nhiên, cũng có mạo hiểm khi sử dụng thủ đoạn ôn hoà, làm như thế Hồ và các đồng chí của ông đi tới quyền lực dưới bộ mặt giả tạo. Cương lĩnh Mặt trận Việt Minh không phải là đồ án chi tiết cho tương lai Việt Nam, nó chỉ là điểm khởi đầu. Khi Đảng đã hiện nguyên hình bộ mặt thật và các mục tiêu của nó trước thế giới, nhân dân sẽ rất thất vọng. Nhưng Hồ Chí Minh, trên hết, là một người thực dụng. Trong cuộc phỏng vấn mùa thu năm 1945, ông trả lời nhà báo Mỹ Harold R. Isaacs: “Độc lập là một sự kiện. Cái gì phải đến nó sẽ đến. Nhưng độc lập phải có trước, không phụ thuộc sau đó sẽ là cái gì”. Có giữ được độc lập hay không là một chuyện khác. Ông nhấn mạnh với Isaacs: “Chúng tôi có lẽ đang đơn độc, nên chúng tôi phải dựa vào chính mình”. Ông cần sử dụng mọi thủ đoạn làm kim chỉ nam để nhìn rõ con đường phía trước.[43]
Chú thích:
[1] Đánh giá số người chết, xem David G. Marr, “Việt Nam 1945: Truy lùng quyền lực” (Berkeley, Calif., Nhà in Đại học California, 1995), trang 104. Việc chở gạo ra miền Bắc bị cản trở bởi nhiều yếu tố, kể cả việc ném bom của không quân Mỹ, đánh mìn cảng Hải Phòng, và quân đội Japanese trưng dụng tất cả những tàu thuyền lớn để họ sử dụng - xem hồi ký của một Trung tướng Nguyễn Quyết “Hà Nội tháng Tám” đăng ở báo “Hà Nội Mới”, 26 đến 31-8 và tháng 4-9-1980, bản dịch có trong Cơ quan nghiên cứu liên hợp xuất bản (Washington D.C), 81,203, ngày 2-7- 1982.
[2] “Lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1972), trang 125-26; Võ Nguyên Giáp, “Hồ Chí Minh: Cha của quân đội cách mạng Việt Nam”, trong “Những kỷ niệm về Bác Hồ”, trang 212; nhận xét của Henry Prunier tại Hội nghị Cơ quan công tác chiến lược (OSS) - Việt Minh, 23-9-1997.
[3] Xem Nguyễn Khang, “Hà Nội khởi nghĩa” trong “Những ngày tháng Tám” (NXB Văn Học, 1961), trang 125-127. Theo Khang, cuối năm 1944 Đảng đã thu nạp ba ngàn người trong các tổ chức của Đảng và có thể mua vũ khí hoặc nhận được vũ khí từ những người ủng hộ bí mật trong quân đội bản xứ. Những đơn vị ám sát được lựa chọn trong số những thanh niên nhiệt tình nhất của Hội Thanh niên Cứu quốc. Những người này bỏ hết những trách nhiệm khác và đặt dưới quyền của Ban chấp hành khu vực.
[4] Nguyễn Khang, “Hà Nội khởi nghĩa” trong “Những ngày tháng Tám” (NXB Văn Học, 1961), trang 133; Nguyễn Quyết, “Hà Nội tháng Tám”.
[5] Trần Huy Liệu, “Lịch sử thủ đô Hà Nội” (Hà Nội, 1960), trang 213-15; Nguyễn Khang, “Hà Nội khởi nghĩa”, trang 133-34. Nguyễn Quyết, “Hà Nội tháng Tám”.
[6] Xem “Giai cấp công nhân Việt Nam” của Trần Văn Giàu, tập 3, 1939-1945 (NXB Sự thật, 1963), trang 238-43; Nguyễn Quyết, “Hà Nội tháng Tám”
[7] “Một số đặc điểm của khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Nam Bộ, Sài gòn” của Trần Văn Giàu, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 34 (tháng 6-1990), trang 4-10. Giàu thú nhận (trang 5), năm 1945 những chính khách không cộng sản đông hơn đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương theo tỷ lệ 10/ 1.
[8] “Giai cấp công nhân Việt Nam” của Trần Văn Giàu, tập 1, trang 256. Về Trần Văn Giàu, xem Stein Tonnesson, “Cách mạng Việt Nam năm 1945: Roosevelt, Hồ Chí Minh, và De Gaulle trong chiến tranh thế giới” (NXB Sage, London, 1991), trang 142; Tonnesson viết về Trần Văn Giàu, nhấn mạnh ba trăm đồng chí sống trong tù với Giàu năm 1940 được bảo vệ khỏi sự đàn áp và thiết lập được “lực lượng hậu bị” cho Đảng để đưa lên vị trí quyền lực trong tương lai. Phạm Ngọc Thạch lúc đó là một bác sĩ giàu có, quốc tịch Pháp và một số Đảng viên nghi ngờ sự xứng đáng của ông trong ban lãnh đạo - xem cuộc phỏng vấn với Trần Văn Giàu trong Marr, “Việt Nam 1945”, trang 217.
[9] “Một số đặc điểm của khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Nam Bộ, Sài gòn” của Trần Văn Giàu, trang 8-10; Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?” Khúc dạo đầu cho chim hải âu của Mỹ (Berkeley, Calif., Nhà in Đại học California, 1980), trang 182-89; Trương Như Tảng “Hồi ký một Việt Cộng” (San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1985), trang 7.
[10] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1975), trang 9-16; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 269; Những sự kiện lịch sử Đảng, tập 1 (NXB Sự thật, 1976), trang 660. Nhận xét của Hồ về nạn lụt, xem Trần Dân Tiên, trong “Với Bác Hồ” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1972), trang 103. Hồ Chí Minh, đường từ Tân Trào về Hà Nội” trong “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, 267-70. Xem thêm Nguyễn Quyết, “Hà Nội tháng Tám”. Có một số sai khác về thời gian Hồ về Hà Nội. Một số nguồn cho là ngày 25-8, nguồn khác cho 26-8. Tôi nghiêng về phía chấp nhận nguồn đầu tiên vì Archimedes Patti nhận được lời mời gặp Hồ chiều ngày 26 tháng 8 và Hồ lúc đó đã sống yên ổn ở Hà Nội rồi. Daniel Hemery cho là ông về Hà Nội ngày 21-8 - xem Daniel Hemery, “Hồ Chí Minh: Từ Đông Dương tới Việt Nam” (NXB Gallimard, Paris, 1990), trang 89.
[11] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 22.
[12] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 199-211.
[13] Trong hồi ký của mình, Bảo Đại viết, người nghe, phần đông là quan chức hoặc triều thần, lặng người vì choáng váng khi nghe tin thoái vị - xem S. M. Bảo Đại, “Con rồng An Nam” (NXB Plon, Paris, 1980), trang 117-21. Trần Huy Liệu kể về sự kiện này trong “Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 18 (tháng 9-1960), trang 46-51. Theo Liệu, chuyến hành trình vào Nam nổi bật về sự mừng rỡ của dân chúng địa phương trên đường. Sau khi Bảo Đại thoái vị, Hoàng Cung và tài sản ở đó, cùng với các lăng tẩm ở vùng núi phía tây thành phố Huế trao cho Uỷ ban nhân dân địa phương bảo quản. Ở thời điểm khó xử sau khi thoái vị, Trần Huy Liệu hỏi Bảo Đại, có phải sự thống trị của Pháp và Nhật Bản làm cho đất nước đau khổ. Bảo Đại đáp gọn “Đúng là như vậy” (xem trang 50). Trong hồi ký của mình, Bảo Đại miêu tả Trần Huy Liệu “một người lùn, tiều tuỵ, ẩn đằng sau cặp kính đen là mắt lác khiến người ta bối rối khi nhìn ông ta”.
[14] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 24-25.
[15] Hoàng Văn Hoan, “Giọt nước trong biển cả” (NXB Ngoại văn, Bắc Kinh), 1988), trang 217; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập II, trang 272; Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 25-26.
[16] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 27-28. Quảng trường mang tên Puginier - Giám mục Pháp ở Đông Dương thế kỷ XIX. Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên chỗ này thành Quảng trường Ba Đình để vinh danh ba làng ở Thanh Hoá đã nổi dậy chống xâm lược Pháp cuối thế kỷ XIX - xem Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 174. Về Hồ thay đổi chỗ ở, xem Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ, “Hà Nội, 1936-1996: Màu cờ Đỏ và Xanh” (NXB Autrement, Paris, 1997); XP-99.
[17] NR 63 từ XUF, ngày 2-9-1945, hộp 199, Thư mục 3373, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Về số lượng đám đông, xem Marr, “Việt Nam 1945”, trang 530, 239; Marr ước tính đám đông không đúng, vượt quá 400.000, trong bối cảnh dân chúng Hà Nội lúc bấy giờ khoảng 200.000. Theo một số quan sát viên, khi máy bay Đồng minh bay qua Quảng trường, quan chức Việt Minh tuyên bố một cách tự hào “Máy bay của chúng ta”. Tôi có bản dịch Bản tuyên ngôn Độc lập Hồ Chí Minh từ “Hồ Chí Minh: Tuyển tập” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1977), trang 55-56. Archimedes Patti có bản dịch từng chữ sang tiếng Anh sau này (trang 250). Một cựu trào Việt Minh gần đây kể, khi đài phát thanh phát lời Hồ, dân làng Tân Trào mở radio - thứ mà họ chưa hề nhìn thấy trước đó - để xem liệu họ có thể tìm thấy người nói bên trong radio - ý kiến của Trần Minh Châu, tại Hội nghị OSS - Việt Minh, ngày 23-9-1997
[18] Xem “Lịch sử một cuộc cách mạng”, trang 120-21. Theo Georges Boudarel, bộ quần áo ka-ki của Hồ được may riêng theo ý ông. Khi thư ký riêng của ông, Vũ Đình Huỳnh, đề xuất mua bộ quần áo tốt hơn và giầy da, Hồ từ chối và yêu cầu quần áo giản dị, chắc chắn, và thuận tiện, hơn là đắt và xa hoa - xem những phát biểu của Hồ trong Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ, “Hà Nội, 1936-1996: Màu cờ Đỏ và Xanh” (NXB Autrement, Paris, 1997), trang 99-100. Hồ nhấn mạnh với Huỳnh, ông chư từng thẳ cravate, nhưng điều dó chắc chắn không đúng, như một số bức hình chứng thực.
[19] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 39-41, và Bùi Diễm, “Gọng kiềm lịch sử” (NXB Houghton Mifflin, Boston, 1987), trang 39. Một nguồn Việt Nam cho biết, mười lăm tỉnh đồng bằng sông Hồng thu hoạch gạo vụ hè-thu năm 1945 chỉ 500.000 tấn, so sánh với 832.000 tấn của năm trước - xem Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 140-141, trích dẫn báo Sự thật, ngày 12-12-1945
[20] Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 153-54, trích dẫn Sự thật, ngày 13-9-1946
[21]Philippe Devillers, “Lịch sử Việt Nam, 1940-1952” (NXB du Seuil. Paris, 1952), trang 189; Nguyễn Công Binh, “Bàn về tính chất cuộc cách mạng tháng Tám”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 17 (tháng 8-1960), trang 4
[22] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 284. Theo Archimedes Patti (trang 291), toàn bộ quân Tưởng chưa bao giờ quá 50.000. “Những đội quân ưu tú ngày hôm qua” là những binh sĩ có kỷ luật đã tới một ngày trước đó và đóng ở Hoàng Thành hoặc ở sân Phủ Toàn quyền.
[23] “Nghị quyết của Toàn quốc Hội nghị Dảng Cộng sản Đông Dương”, trong Văn kiện Đảng (1930-1945), tập 3 (NXB Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, 1977), trang 412-423, đặc biệt trang 415-417.
[24] Charles Fenn “Giới thiệu tiểu sử Hồ Chí Minh” (NXB Scribner, New York, 1973), trang 8.
[25] Xem William Duiker, “Chính sách ngăn chặn của Mỹ và cuộc xung đột ở Đông Dương” (NXB Đại học Stanford, California, 1994), trang 27. Vấn đề uỷ thác được thảo luận đầy đủ tại San Francisco và có bất đồng trong những quan chức Mỹ, liệu Mỹ cứ khăng khăng về nền độc lập trong tương lai hoặc chính phủ tự trị. Quan điểm sau thắng thế, dù lời yêu cầu của Charles Taussig - cố vấn tổng thống Mỹ - nói là Roosevelt muốn nền độc lập. Những quan chức khác cảm thấy nước Anh có thể không chấp nhận “độc lập” và có thể phá vỡ toàn bộ khái niệm. Xem William Conrad Gibbons, “Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam: vai trò điều hành, lập pháp và những mối quan hệ, tập 1 (NXB Đại học Princeton, N.J., 1986), trang 14-15.
[26] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 289. Cấp trên của Archimedes Patti ở Trung Quốc cảm thấy Mỹ nhúng tay vào những cuộc thương lượng Pháp-Việt Minh, có thể dẫn đến “khó khăn nghiêm trọng”. Xem bằng điện báo Davis gửi Heppner, ngày 1-9-1945, hộp 199, và Heppner gửi Davis, bằng điện tín ngày 1-9-1945, Entry 154, hộp 18, cả hai trong Thư mục 3373, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md).
[27] Về bối cảnh Sài gòn do một quan sát viên Mỹ miêu tả, xem báo cáo của Đại uý J. Herbert Bluechel, ngày 30-9-1945, trong “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, trang 283-84. Về lời chỉ trích Trần Văn Giàu trong Đảng cộng sản Đông Dương, xem Marr, “Việt Nam 1945”, trang 462.
[28] Chi đội thuộc Cơ quan công tác chiến lược được gửi cấp tốc đến Sài gòn với trách nhiệm đấu tranh tộc ác chiến tranh, điều kiện sống của tù binh chiến tranh và bảo vệ tài sản của người Mỹ. Về quan điểm của Gracey, xem Peter M. Dunn, “Cuộc chiến tranh Việt Nam lần I” (NXB St. Martin’s, New York, 1985), trang 155.
[29] Những báo cáo chính thức lúc bấy giờ về cuộc tấn công có trong “Uỷ ban đối ngoại Thượng Viện Mỹ, Nguyên nhân, khởi thuỷ và bài học cuộc chiến tranh Việt Nam, 91A Congress, 2d sess., 1972”, trang 283-98. Tôi rút ra những nhận xét của George Wickes tại Hội nghị OSS - Việt Minh, ngày 22 và 23-9-1997.
[30] Trong điện tín Paris gửi Ngoại trưởng, ngày 12-10-1945, RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[31] Nguyễn Kiên Giang, “Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám” (NXB Sự thật, 1961), trang 117-18; Bài báo không có tiêu đề của Võ Nguyên Giáp trên báo Cứu Quốc, số 83, ngày 5-10-1945. Về những giáo phái, xem Hồ Tài Huệ Tâm, “Millenarianism và chính kiến của nông dân ở Việt Nam” (Nhà in Đại học Harvard, Cambridge, Mass., 1983), và Jayne Werner, “Cao Đài: Chính kiến của phong trào tôn giáo hổ lốn Việt Nam” (Ph.D. diss., Đại học Cornell, 1976).
[32] Bảo Đại, “Con rồng An Nam” (NXB Plon, Paris, 1980), trang 130-31. Tham khảo về thuốc phiện, xem Vũ Thư Hiên, “Đêm giữa ban ngày” (NXB Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1997), trang 108. Dù đã cố gắng, nhưng Hồ Chí Minh có lẽ bị chính quyền Trung Hoa gây cản trở ít nhất một trường hợp (tài liệu đã dẫn, trang 28). Dù vậy, Lư Hán thôi gọi ông là “Ngài Hồ” mà gọi là “Chủ tịch Hồ” - xem Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 46.
[33] Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 300.
[34] Võ Nguyên Giáp, “Những năm tháng không thể nào quên”, trang 68; Philippe Devillers, “Lịch sử Việt Nam, 1940-1952” (NXB du Seuil. Paris, 1952), trang 177; Mai Văn Bộ, “Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ”, (NXB Trẻ, t.p HCM, 1998), trang 46.
[35] Việc Sainteny ra đi đã lấy đi của Hồ Chí Minh một trong những đối thủ hoà giải nhất của ông. Sainteny không thích số phần tử hiếu chiến chống Pháp của phong trào dân tộc chủ nghĩa và quan sát trong một báo cáo gửi Paris, liệu những nhà lãnh đạo mới Việt Nam (như Hồ Chí Minh chẳng hạn) có nên đưa họ lưu vong, và họ có thể trở về với sự ủng hộ của Pháp để trở thành “những đồng minh tốt nhất của chúng ta”. Chú thích ngày 3-10-1945 (SA1-02/3), trích trong Philippe Devillers, “Paris: Sài gòn: Hà Nội” (Paris: NXB Gallimard, 1988), trang 98. Ông cũng nhấn mạnh rằng người Việt Nam không có ý tưởng về ý nghĩa thực sự của độc lập, chỉ đơn giản là bị mê hoặc bởi biểu tượng của từ này. Xem thêm Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 299.
[36] Điện tín, Côn Minh (Sprouse) gửi Ngoại trưởng, ngày 27-9-1945, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Báo cáo gửi đầu tháng 9 có trong thư của Donovan gửi Ballantine, Giám đốc Vụ Viễn Đông, ngày 5-9-1945, trong tài liệu đã dẫn.
[37] Bản ghi nhớ trong FE (Vincent) gửi U (Acheson), “Đông Dương”, 28-9- 1945, trong RG 59, NXB Đại học Mỹ. Hồ Chí Minh xác nhận ông là Nguyễn Ái Quốc trong một cuộc trò chuyện dài với Archimedes Patti ngày 30-9-19455 - xem Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 371-373.
[38] Trích Bản ghi nhớ của Bonbright gửi Matthews (EUR), ngày 2-10-1945, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ.
[39] “Đại diện Việt Minh có thể hướng tới Washington” (bản ghi nhớ cuộc nói chuyện ngày 31-10-1945) trong RG 59, NXB Đại học Mỹ.
[40] Nhận xét Carlton Swift tại Hội nghị OSS - Việt Minh, ngày 22 và 23-9-1997. Lá thư của Hồ gửi Truman, ngày 22-10-1945, có trong Tổng Lãnh sự (Côn Minh) gửi Ngoại trưởng, ngày 24-10-1945, trong RG 59, NXB Đại học Hoa Kỳ. Xem thêm Archimedes Patti, “Tại sao Việt Nam?”, trang 373-74.
[41] Xem Trường Chinh, “Cách mạng tháng Tám”, trong “Trường Chinh: Tuyển tập” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1977), trang 45-47. Theo Nguyễn Văn Trấn, Trần Văn Giàu cũng dè dặt về chiến lược ô hoà của Hồ - xem Nguyễn Văn Trấn “Viết cho Mẹ và Quốc hội” (Garden Grove, Calif.: NXB Văn Nghệ, 1996), trang 152.
[42] Xem Harold Isaacs, “Không có hoà bình cho châu Á” (NXB Macmillan, New York, 1947). Isaacs biết Hồ Chí Minh từ hồi ông sống hàn vi ở Thượng Hải trong thập niên 1930. Trong cuộc nói chuyện với Isaacs tại Bắc Bộ phủ mùa thu năm 1945, Hồ cười và nói, “Và bây giờ, tôi là chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Cộng hoà (nguyên văn). Họ gọi tôi “xuất chúng” “Buồn cười không?” (trang 163).
[43] Harold Isaacs, “Không có hoà bình cho châu Á”, trang 165, 177.