Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
MỞ ĐẦU

     áng 30 tháng 4 năm 1975, những chiếc xe tăng Bắc Việt do Liên Xô sản xuất ầm ầm tiến qua các vùng ngoại ô bắc Sài Gòn hướng về phủ tổng thống ở trung tâm thành phố. Ngồi trên những chiếc xe tăng là những người lính mặc quân phục dã chiến, đội mũ cối gắn sao vàng, vẫy cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.
Ngay sau buổi trưa, một tốp xe tăng chậm chạp lăn bánh dọc theo đại lộ Thống Nhất ngang qua Tòa đại sứ Hoa Kỳ, nơi mà cách đó hai tiếng những người lính thuỷ đánh bộ Mỹ cuối cùng được máy bay trực thăng đưa đi từ trên nóc toà nhà. Chiếc xe đi đầu lưỡng lự giây lát ngoài cánh cổng sắt dinh tổng thống rồi đâm thẳng húc đổ cánh cổng, xe dừng lại bên thảm cỏ ngay trước thềm vào dinh. Người chỉ huy xe tăng trẻ tuổi bước vào toà nhà, gặp Tổng thống Dương Văn Minh - “Minh Lớn” chớp nhoáng. Sau đó anh lên nóc dinh, tiến tới cột cờ và thay lá cờ Việt Nam Cộng Hoà bằng lá cờ xanh đỏ của Chính phủ Cách mạng lâm thời.
Cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam đã kết thúc. Sau gần một thập niên chiến đấu gian khổ và đẫm máu đã làm hơn 50.000 lính Mỹ tử trận, những người lính Mỹ cuối cùng đã lên đường về nước sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào 1-1973. Tuy nhiên, Hiệp định này đã nhanh chóng vi phạm, vài tháng sau, các lực lượng vũ trang của chế độ Sài Gòn đã liên tiếp đụng độ với Việt Cộng và quân đội Bắc Việt (Quân đội Nhân dân Việt Nam) trong đó có hơn 100.000 người được Hiệp định ngầm chấp thuận ở lại miền Nam. Tháng 12 năm 1974, được khích lệ bởi thắng lợi trên chiến trường và nhận định Hoa Kỳ sẽ không can thiệp lại vào cuộc chiến, các nhà lãnh đạo đảng (Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó mang tên Đảng Lao động Việt Nam) thông qua kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến hành chiến dịch trong hai năm nhằm đánh đổ chính quyền Sài Gòn vào mùa xuân năm 1976. Tuy nhiên, những trận đánh thăm dò ban đầu dọc biên giới Campuchia và Tây Nguyên đầu năm 1975 đã cho thấy Sài Gòn chống trả yếu ớt. Do vậy, cuối tháng 3-1975, Hà Nội đã ra lệnh cho các tư lệnh chỉ huy ở miền Nam giành thắng lợi cuối cùng trước khi mùa khô kết thúc vào cuối tháng 4-1975. Hệ thống phòng thủ của Sài Gòn phía bắc Nam Bộ đã nhanh chóng sụp đổ và tới giữa tháng Tư những đoàn quân Bắc Việt đã nam tiến về Sài Gòn. Tổng thống Nam Việt Nguyễn Văn Thiệu từ chức ngày 21 tháng 4 năm 1975. Người kế nhiệm là một chính trị gia Sài Gòn lớn tuổi Trần Văn Hương cũng chỉ nắm chính quyền trong bảy ngày và lại bị “Minh Lớn” thay thế với mong muốn tuyệt vọng, viên tướng miền Nam được nhiều người biết đến có thể sẽ khiến cho Bắc Việt chấp nhận thoả hiệp hòa bình. Nhưng những cử chỉ thăm dò hòa bình của tướng Minh đã bị Hà Nội lờ đi.
Thắng lợi của cộng sản ở Sài Gòn là kết quả của lòng quyết tâm và sự lãnh đạo tài tình của nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn và những cộng sự kỳ cựu của ông ở Hà Nội. Một đóng góp không kém phần quan trọng là những đoàn quân Bắc Việt và du kích Việt Cộng - gọi tắt là bộ đội (bộ đội tiếng Việt có nghĩa như GI của Hoa Kỳ), những người đã chiến đấu và hy sinh cả một thế hệ cho sự nghiệp cách mạng trong những khu rừng rậm và đầm lầy ở miền Nam Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả là tầm nhìn, ý chí và khả năng lãnh đạo của một con người. Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo phong trào cách mạng và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới khi ông mất vào năm 1969, sáu năm trước khi chiến tranh kết thúc. Để tỏ lòng kính trọng đối với những cống hiến của ông, sau khi Sài Gòn sụp đổ, các đồng chí của ông đã đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Là đặc vụ của Quốc tế Cộng sản tại Moscow, thành viên phong trào cộng sản quốc tế, kiến trúc sư cho sự thắng lợi của Việt Nam, Hồ Chí Minh, rõ ràng là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX. Hồ Chí Minh còn là một trong những nhân vật huyền bí nhất, một con người với những động cơ và hành động đã gây nhiều tranh cãi. Trong ba thập niên, đã có những tranh luận về một câu hỏi nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản về những động cơ xuyên suốt cuộc đời Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc hay theo chủ nghĩa cộng sản? Hình ảnh giản dị, vô tư của Hồ Chí Minh trước công chúng, chân thực hay giả dối? Với những người ủng hộ, Hồ Chí Minh là biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, là bậc cha anh đã cống hiến tất cả cho hạnh phúc của nhân dân và công cuộc giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Đối với những người đã được gặp ông, cả người Việt Nam cũng như người nước ngoài, ông là một “người hiền lành, tử tế”. Cho dù là một nhà lãnh đạo lớn trên thế giới, thực chất ông là nhà ái quốc vị tha gần gũi với nhân dân và nguyện suốt đời mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại chỉ trích những hành động cách mạng thái quá mà người ta vẫn tin là của ông và ông có tính cách hay thay đổi theo hoàn cảnh, một con sói đội lốt cừu.
Nghi ngờ về tính cách và những động cơ bên trong của Hồ Chí Minh là trọng tâm của cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ về mặt đạo lý của cuộc chiến Việt Nam. Đối với những người chỉ trích chính sách của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh là người yêu nước giản dị đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho nhân dân Việt Nam, người đấu tranh mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa đế quốc toàn cầu trong Thế Giới Thứ Ba. Những người ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Hoa Kỳ nghi ngờ động cơ yêu nước của Hồ Chí Minh gián tiếp chỉ ra rằng, ông từ lâu là đặc vụ của Joseph Stalin, đã có năm thập niên phục vụ cho cách mạng thế giới. Họ cho rằng, hình ảnh chủ nghĩa dân tộc mà Hồ Chí Minh cần mẫn gây dựng chỉ là mưu đồ để giành sự ủng hộ trong nước và quốc tế cho sự nghiệp cách mạng.
Đối với người Mỹ, cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh tạo ra những cảm xúc mạnh mẽ về một cuộc chiến tranh đã đi vào quá khứ. Đối với người Việt Nam cuộc tranh luận gợi nên những câu hỏi quan trọng hơn nhiều, bởi điều này xác định những vấn đề trọng tâm trong cuộc cách mạng Việt Nam - mối quan hệ giữa quyền tự do con người và bình đẳng về kinh tế ở nước Việt Nam mới trỗi dậy sau chiến tranh-. Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các cộng sự của Hồ Chí Minh, một số vẫn đang nắm giữ quyền hành tại Hà Nội, đã không ngừng đúc rút từ những ký ức của Hồ Chí Minh để thần thánh hoá mô hình phát triển đất nước cộng sản. Những người này cho rằng, mục tiêu của Hồ Chí Minh trong suốt sự nghiệp của mình là xoá bỏ bóc lột của chủ nghĩa tư bản toàn cầu và tạo ra một thế giới cách mạng mới với đặc điểm chính là chủ nghĩa xã hội không tưởng của Karl Marx. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại không đồng tình, cho rằng mục tiêu chính trong sự nghiệp của ông là quyết tâm làm mềm mỏng nguyên tắc cứng nhắc bất di bất dịch trong cuộc đấu tranh giai cấp theo luận thuyết Marxist thông qua việc kết hợp nguyên tắc này với Khổng Tử và ba nhân tố cách mạng Pháp là Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Để biện hộ, họ trích dẫn một trong những khẩu hiệu của ông thường thấy ở Việt Nam ngày nay “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.[1]
Vì thế cuộc tranh luận về Hồ Chí Minh là cốt lõi của một số vấn đề quan trọng tạo nên dấu ấn thế kỷ XX, kỷ nguyên của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cách mạng, chủ nghĩa quân bình và phấn đấu vì quyền tự do của con người. Sự phức tạp trong tính cách của Hồ Chí Minh phản ánh phức tạp của thời đại. Ông vẫn là một thế lực đầy uy quyền ở Việt Nam sau chiến tranh được hàng triệu người kính trọng nhưng rõ ràng cũng bị nhiều người căm ghét. Dù tốt hay xấu, Hồ Chí Minh đã thể hiện trong ông hai động lực quan trọng của xã hội hiện đại - khao khát độc lập dân tộc và phấn đấu vì công bằng kinh tế và xã hội. Mặc dù chúng ta chưa có đủ tất cả mọi bằng chứng, nhưng đã đến lúc phải phân tích đánh giá nhân vật có ảnh hưởng trong thế kỷ XX dưới góc độ lịch sử.
Những khó khăn mà bất kỳ một nhà viết tiểu sử nào muốn tìm hiểu vấn đề này gặp phải đều rất lớn. Mặc dù tên Hồ Chí Minh được hàng triệu người trên thế giới biết đến nhưng lâu nay rất thiếu những nguồn thông tin có thể kiểm chứng được về cuộc đời ông. Phần lớn thời thanh niên hoạt động cách mạng chống lại chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, ông đã phải tha phương trong nhiều năm cũng như sống bí mật ngay trên đất nước mình. Suốt thời gian đó, ông sống và đi lại một cách bí mật với nhiều bí danh khác nhau. Người ta ước tính khi sinh thời, ông Hồ đã sử dụng khoảng hơn năm mươi tên giả[2]. Rất nhiều bài viết của ông được đăng dưới các bí danh đó trong khi nhiều bài viết khác của ông bị thất lạc hoặc bị huỷ hoại trong gần ba mươi năm chiến tranh.
Hồ Chí Minh cũng đã tạo ra sự mơ hồ bằng việc chấp nhận điều bí ẩn thú vị về cuộc đời mình. Trong nhiều năm, ông đã phủ nhận nhân vật nổi tiếng chưa được xác định sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh thực ra là Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập Đảng cộng sản Đông Dương và là đặc vụ lỗi lạc của Quốc tế Cộng sản III trong thời kỳ trước chiến tranh. Thậm chí khi sự thật về con người ông được khám phá, Hồ Chí Minh vẫn hết sức giữ bí mật về những sự kiện quan trọng trong cuộc đời trước đây của mình và một số ít tác phẩm tự truyện của ông được viết dưới các bí danh khác nhau. Một trong số những tác phẩm đó được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản bằng nhiều thứ tiếng vào cuối những năm 1950. Chỉ trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu ở Hà Nội mới có thể khẳng định được những tác phẩm đó do chính Hồ Chí Minh viết.[3]
Khó khăn trong việc biên soạn tiểu sử Hồ Chí Minh lại càng lớn hơn vì không thể tiếp cận được các nguồn thông tin. Vì sinh thời ông đã sống, đã đi qua nhiều nước trong suốt cuộc đời nên những thông tin về các hoạt động của ông cũng bị tản mát ở nhiều châu lục. Ông còn biết một số ngoại ngữ và với số lượng lớn các tác phẩm của ông (bao gồm những cuốn sách nhỏ, những bài báo, phóng sự và những bức thư) được viết bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga cũng như bằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ.
Mãi cho tới gần đây, các học giả vẫn chưa có được phần lớn những thông tin này. Thậm chí ngày nay các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài không được tiếp cận các tư liệu lưu trữ tại Hà Nội. Những thông tin liên quan đến các hoạt động của ông ở Trung Quốc, Liên Xô cũng rất hạn chế và hiếm khi được chính phủ Trung Quốc hay Liên Xô tiết lộ. Hầu như chỉ có một quãng thời gian trong cuộc đời Hồ Chí Minh được tìm hiểu kỹ lưỡng là thời gian ngẵn ngủi ông ở Pháp sau Thế chiến thứ Nhất (1914-1918). Việc Pháp công khai các tài liệu lưu trữ thực dân vào đầu những năm 1970 đã giúp công chúng lần đầu tiên được tìm hiểu về những năm tháng đó của cuộc đời ông. Gần đây, những tuyển tập dày các tác phẩm của ông đã được xuất bản tại Việt Nam, tuy nhiên những tuyển tập này hoàn toàn không đầy đủ trong khi việc chính thức hiệu đính một số văn bản lại gây ra mối lo ngại về độ chính xác. Tài liệu lưu trữ của Đệ Tam Quốc tế tại Moscow một phần đã được công khai cho các học giả sử dụng, tuy nhiên các biên bản chi tiết về mối quan hệ giữa ông và các nhà lãnh đạo Xô viết vẫn chưa được công bố cho các nhà quan sát bên ngoài.[4]
Còn một câu hỏi nữa về Hồ Chí Minh liên quan tới đặc điểm lãnh đạo của ông. Mặc dù là người sáng lập Đảng cộng sản Đông Dương và là nhân vật hàng đầu trong phong trào cộng sản quốc tế nhưng ông không phải là một nhân vật có ảnh hưởng lớn như những nhà lãnh đạo cách mạng hiện đại khác như Lenin, Stalin hay Mao Trạch Đông. Sự lãnh đạo của ông hầu như dựa vào sự thuyết phục và đồng thuận thay vì áp đặt ý định của mình thông qua ảnh hưởng cá nhân. Ông cũng không viết nhiều về những tư tưởng hay động cơ bên trong của mình. Trái với các nhân vật cách mạng kiệt xuất khác, Hồ Chí Minh rất ít quan tâm đến ý thức hệ hay tranh luận tri thức, thay vào đó tập trung suy nghĩ và hành động của mình vào những vấn đề thực tiễn để giúp đất nước và các xã hội thuộc địa khác thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc phương Tây. Vì những lý do đó, các học giả, đôi khi cả những người đồng sự, luôn xem Hồ Chí Minh chỉ là một người hoạt thực tiễn hơn là một nhà lý luận cách mạng. Sự phân biệt này dường như không làm ông bận tâm. Một người khi phỏng vấn ông đã hỏi tại sao ông chưa bao giờ viết luận thuyết về ý thức hệ, ông đã khôi hài trả lời, ý thức hệ là điều ông dành cho Mao Trạch Đông. Trong những năm cuối đời, các công trình nghiêm túc về học thuyết chủ nghĩa hay về chiến lược được xuất bản ở Việt Nam thường được các cộng sự của ông là Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh hay Lê Duẩn thực hiện.
Do chủ đề này còn gây tranh cãi cũng như sự hạn chế về những nguồn thông tin đáng tin cậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì vẫn chưa có một cuốn tiểu sử nghiêm chỉnh nào về Hồ Chí Minh được xuất bản bằng tiếng Anh trong hai mươi năm qua. Vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam lên đến đỉnh điểm, một số nghiêm cứu về tiểu sử Hồ Chí Minh đã được xuất bản, tuy nhiên phần lớn trong số này chỉ nhằm vào thị hiếu chứ không tận dụng triệt để các nguồn tài liệu sẵn có. Ở miền Bắc Việt Nam, một số cuốn tiểu sử chính thức hoặc bán chính thức đã được xuất bản nhưng tất cả đều bị mất giá trị bởi vì các nỗ lực thần thoại hoá ông như một vị thánh hơn là một nhân vật chính trị, mang tính biếm hoạ hơn là thực tế.[5]
Ngày nay, khi những cảm xúc mạnh về chiến tranh ở Việt Nam đã bắt đầu lắng xuống và đã có thêm các nguồn tư liệu bổ xung ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta có đủ lý do lạc quan, có thể hiểu rõ hơn về cuộc đời Hồ Chí Minh. (Những nguồn tư liệu này được đề cập ngắn gọn trong phần chú giải về các nguồn tư liệu về cuốn sách). Cho dù không thể làm sáng tỏ toàn bộ những bí mật cuộc đời ông, những người viết tiểu sử chuyên cần giờ đây đã có thể tập hợp được một số giả thuyết để trả lời một số câu hỏi thường xuyên được nêu ra về cuộc đời và nhân cách của ông. Tôi đã cố gắng trả lời những câu hỏi này trong cuốn sách cũng như trong phần chú giải cuốn sách về những vấn đề mang tính học thuật.
Phần lớn những năm đầu cuộc đời ông - giai đoạn trước khi ông đến Paris vào cuối Thế chiến I - chỉ có nguồn từ các bút tích của ông như đã nói trên và các tài liệu lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sách báo được nhà nước ủng hộ đã mô tả ông như một huyền thoại, một thiên tài của thời đại. Một số nhà nghiên cứu đã hoài nghi độ tin cậy của những thông tin về cuộc đời ông được các nguồn chính thức tại Việt Nam công bố. Sau khi xác minh kỹ các bằng chứng, tôi cho rằng phần lớn những thông tin đó là đáng tin cậy mặc dù có một số chi tiết còn gây nhiều tranh cãi và một số khác rõ ràng là không chính xác. Để tránh sự tranh luận kéo dài vô tận liên quan tới độ chính xác của các sự kiện về các hoạt động của ông, tôi đã quyết định thể hiện sự hiểu biết của mình về cuộc đời Hồ Chí Minh dưới dạng tường thuật đồng thời dành phần chú giải cuốn sách cho những tranh luận về các bằng chứng, nếu như có một số lý do hợp lý để nghi ngờ các giải thích nào đó về các sự kiện, vấn đề đã được nêu trong bài viết. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp thể hiện đặc điểm đầy kịch tính về cuộc đời Hồ Chí Minh và tầm quan trọng của đặc điểm đó trong việc hình thành lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
Hiện vẫn tồn tại vấn đề về thiên hướng chính trị. Cũng như thế hệ vừa qua không thể có cách nhìn về cuộc chiến ở Việt Nam một cách khách quan và người viết tiểu sử cũng khó tạo ra một bức tranh về người đã mang lại chiến thắng cho cộng sản mà không đưa ra thiên hướng chính trị của người đó. Qua nhiều thập niên, từ khi tôi hiểu biết nhiều hơn về cuộc đời của Hồ Chí Minh, tôi đã kính trọng tài năng và sự tận tâm của ông với tư cách là một nhà cách mạng mà không hề làm tôi mất đi khả năng đánh giá ông như một nhà cách mạng, một nhà chính trị và một con người. Tôi dần tin rằng sự thật bao giờ cũng phức tạp hơn hình ảnh trước công chúng mà người ta vẫn tưởng tượng, đây cũng là điều thường xẩy ra. Mặc dù luôn có sự thôi thúc để tìm ra một số sợi dây đơn lẻ xuyên suốt (“sự thật giấu dưới lớp thảm” trong câu nói kinh điển của Leon Edel) tôi muốn để cho sự thật tự nói lên tất cả. Do vậy, tôi không cố gắng tạo ra những suy nghĩ hư cấu hay những câu chuyện đối thoại nhằm tìm cách giải thích của riêng tôi về những đặc điểm bên trong của ông. Giống như các nhân vật vĩ đại khác trong lịch sử, Hồ Chí Minh là một con người phức tạp và tương phản, có đầy đủ những tài năng và tính cách có một không hai làm cho ông khác biệt với những nhân vật quan trọng khác của thời đại.
Có thể một số độc giả sẽ nghi ngờ và thất vọng vì bài viết không đề cập nhiều tới những năm tháng cuối trong cuộc đời ông vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trên thực tế, vai trò của Hồ Chí Minh trong việc tạo ra cuộc chiến nhìn chung quan trọng hơn nhiều do với ảnh hưởng của ông ở Hà Nội trong toàn bộ cuộc chiến tranh khi mà ông thường ốm đau hay phải sang Trung Quốc chữa bệnh. Do vậy, nhiều độc giả cũng sẽ nhận ra, phần lớn cuốn sách này sẽ đề cập đến những cá nhân và các sự kiện mà độc giả chưa biết tới. Tôi hy vọng độc giả sẽ cảm thấy được bù lại bởi họ sẽ có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về những nguyên nhân quan trọng của cuộc chiến tranh và những hậu quả của nó.
Trong tất cả những con người vĩ đại đều tiềm ẩn một vẻ huyền bí. Một số người cảm thấy thích thú những vẻ huyền bí đó hơn cả về bản thân Hồ Chí Minh. Trong một cuộc phỏng vấn với Bernard Fall, một học giả nghiên cứu về Việt Nam vào năm 1962, Hồ Chí Minh đã trả lời một trong những câu hỏi của Fall: “Người già thích có một vẻ bí ẩn nho nhỏ về bản thân. Tôi muốn giữ lại một chút bí ẩn của mình. Tôi tin rằng anh sẽ hiểu được điều đó”.[6] Trong ngôi đền thờ các nhân vật anh hùng cách mạng, Hồ Chí Minh hẳn sẽ rất vui khi biết rằng ít ra trong cuốn tiểu sử này của mình, vẻ huyền bí xung quanh ông vẫn còn nguyên vẹn.
Chú thích:
[1] Võ Nguyên Giáp, “Tư tưởng Hồ Chí Minh quá trình hình thành và nội dung cơ bản”, trong Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh (Hà Nội: Viện Hồ Chí Minh, 1993), trang 17. Một số những nhà phê bình cho rằng câu trích này không hoàn chỉnh và nguyên bản “và không có độc lập nếu không có tự do”.
[2] Một số người cho rằng Hồ có hơn 75 bí danh. Xem Sokolov, “Những bí danh của Hồ Chí Minh là kinh nghiệm nghiên cứu tiểu sử chính trị”, (Trung tâm Việt Nam học, Moscow, 1993), trang 187-218, và “Những tên các chuyến đi của Hồ” trong báo “Tin tức Việt Nam”, tháng 5-1981
[3] Cuốn tiếu sử Hồ được biết nhiều nhất là cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, một trong nhiều bí danh của Hồ Chí Minh. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh vài năm sau đó. Bản ngoại ngữ ấn hành sớm nhất và hoàn chỉnh nhất về tiểu sử của ông là cuốn “Tiểu sử Hồ Chí Minh” bằng chữ Trung do Nhà xuất bản “Ba Nguyên Tư Ốc”, Thượng Hải, phát hành năm 1949. Thật kỳ lạ, bản này không giống bất cứ bản ngoại văn nào, đã xác định tên ông là Nguyễn Ái Quốc đã từng sử dụng, đặc vụ Quốc tế Cộng sản, xem trang 4, những công trình nghiên cứu khác về tiểu sử Hồ Chí Minh mà không dịch sang các ngôn ngữ phương Tây như T. Lan, “Vừa đi đường vừa kể chuyện”, (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1976)
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập (Tập I và II) cũng là nguồn rất có giá trị.
[5] Cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh nổi tiếng nhất bằng tiếng Anh của tác giả Jean Lacouture, “Hồ Chí Minh: Tiểu sử một chính trị gia”, Peter Wiles dịch sang tiếng Anh (NXB Vintage, New York, 1968). Tham khảo Nguyễn Khắc Huyền,”Mộng ước đã thành”, (NXB Collier, New York, 1971, (Nhà xuất bản Collier, New York, 1971), và David Halberstam, “Sơ lược tiểu sử Hồ Chí Minh”, NXB Random, New York 1971)
[6] Bernard B. Fall, “Trò chuyện với Hồ Chí Minh”, trong “Tuyển tập những bài viết, 1920-1966” (NXB Praeger, New York 1967), trang 321