Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG I
THỜI KỲ MẤT NƯỚC

     rong khi những người chiến sĩ của ông hân hoan trên đường phố ăn mừng chiến thắng hay tiếp quản những cơ sở của quân địch thì ông lặng lẽ vào thành phố, không kèn không trống, sống tại toà nhà bình dân hai tầng trong khu thương mại phố Tàu (48 Hàng Ngang, Hà nội - chú thích của người dịch). Ông ở đó vài ngày, cách biệt với bên ngoài, hối hả làm việc với chiếc máy chữ cũ rích mà ông thường đem bên mình trong suốt hơn một thập niên đi đây đó từ Moscow đến miền nam Trung Hoa và sau cùng trở về quê hương trong những tuần đầu của năm 1941, nơi ba muơi năm trước ông đã ra đi.
Cuối tháng ông viết xong bài diễn văn dự định sẽ đọc trước đồng bào của mình, tuyên bố sự ra đời của một quốc gia mới. Ngay 2 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, ông đã có mặt trên lễ đài được dựng trên một khu đất lớn sau này là Quảng trường Ba Đình - phía tây thành phố. Ông mặc bộ quần áo ka-ki bạc mầu rộng so với thân hình gầy gò và chân đi dép cao su. Hàng nghìn người đã tập trung từ sáng sớm để nghe ông phát biểu. Với giọng thanh cao xứ Nghệ, đặc trưng cho nơi ông sinh ra, ông tuyên bố đất nước được độc lập và đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập.
Đối với một vài người Mỹ tình cờ có mặt tại đó, những lời đầu tiên của ông làm họ ngạc nhiên: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Lúc đó là cuối mùa hè năm 1945, ngay sau khi đế quốc Nhật đầu hàng trên toàn châu Á. Địa điểm là Hà Nội, một thời là cố đô của Việt Nam, giờ đây là thành phố thuộc địa im lìm nằm giữa đồng bằng sông Hồng thường gọi là Đông Dương thuộc Pháp. Suốt hai thập niên, Nguyễn Ái Quốc đã tận tuỵ hết lòng khơi dậy lòng căm thù còn e ngại trong đồng bào của mình và những công chức thực dân Pháp cai trị họ. Giờ đây dưới một cái tên mới, ông giới thiệu mình với nhân dân Việt Nam với tư cách là Chủ tịch đầu tiên của một đất nước mới.
Lúc đó cái tên Hồ Chí Minh không được ai biết đến trừ một số ít đồng bào yêu nước của ông. Chẳng mấy ai trong số những người nghe Tuyên ngôn Độc lập hay những người trên khắp đất nước biết, trước đây của ông là đặc vụ của Quốc tế Cộng sản III (một tổ chức cách mạng còn được gọi là Đệ Tam Quốc tế do Lenin, người lãnh đạo Bolsevich sáng lập hai mươi sáu năm về trước), và là người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1930. Giờ đây ông miêu tả mình là “một người yêu nước đã phụng sự đất nước từ lâu”. Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, nhân dân Việt Nam và thế giới đã có đánh giá đúng về ông.
Động lực khởi đầu cho hành trình lâu dài của ông tới Quảng trường Ba Đình đã bắt đầu từ cuối mùa hè năm 1858 khi một đội tàu chiến Pháp, với sự tham gia của một số tàu chiến của Tây Ban Nha, bất ngờ tấn công thành phố Đà Nẵng, một cảng biển thương mại cỡ trung bình thuộc duyên hải miền trung Việt Nam. Cuộc tấn công này không hoàn toàn bất ngờ. Trong nhiều thập niên, con mắt thèm thuồng của Pháp luôn hướng vào Việt Nam: Những nhà truyền giáo với con mắt dõi theo những linh hồn để cứu rỗi, những lái buôn đi khắp địa cầu tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới cũng như tuyến đường sông tới Trung Hoa giàu có, những nhà chính trị tin rằng chỉ thiết lập các thuộc địa ở châu Á mới có thể đảm bảo được sự sống còn của Pháp như là một cường quốc. Đến giữa thế kỷ XIX, chính phủ Pháp tìm cách thiết lập sự có mặt tại Việt Nam qua đường ngoại giao và thậm chí đã cử một phái đoàn tới cố đô Huế, cách Đà Nẵng 90 cây số về phía bắc, nhằm thuyết phục vua Việt Nam mở cửa cho Pháp. Khi các cuộc thương thuyết thất bại, chính phủ của Hoàng đế Louis Napoleon đã quyết định sử dụng sức mạnh.
Đất nước khi mà các tàu chiến Pháp tấn công không xa lạ gì với chiến tranh hay nạn ngoại xâm. Đúng vậy, rất ít dân tộc ở châu Á buộc phải chiến đấu lâu dài và gian khổ như nhân dân Việt Nam để bảo vệ bản sắc của mình là một quốc gia độc lập và tự chủ. Một thực tế nổi bật trong lịch sử Việt Nam là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống lại khuynh hướng bành trướng của Trung Hoa, người láng giềng phương Bắc. Vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên khi nền cộng hoà La Mã còn mới phát triển, Đế chế Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam và tiến hành mạnh mẽ quá trình đồng hoá về chính trị, văn hoá và kinh tế. Mặc dù nhân dân Việt Nam đã cố gắng giành lại độc lập của mình vào thế kỷ thứ mười sau Công nguyên nhưng phải hàng trăm năm sau các hoàng đế Trung Hoa mới chấp nhận Việt Nam tồn tại độc lập; trên thực tế, điều này chỉ xảy ra sau khi Việt Nam miễn cưỡng chấp nhận quan hệ chư hầu với các hoàng đế Trung Hoa.
Quan hệ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Hoa đã để lại những hậu quả triền miên. Hơn một thiên niên kỷ, thể chế chính trị, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, tôn giáo, triết học của Trung Hoa và thậm chí cả tiếng Hán đã cắm rễ sâu trong đất Việt Nam. Kết quả là một Việt Nam “Khổng hoá” mà đối với người tìm hiểu không kỹ là một Trung Hoa thu nhỏ, một “con rồng nhỏ”, bản sao của người láng giềng phương Bắc hùng mạnh. Bản thân các triều đại vua Việt Nam suy nghĩ như vậy, đã áp dụng cách ăn mặc giống hệt tuy không được oai phong bệ vệ như Thiên Tử Trung Hoa. Chế độ tuyển chọn nhân tài quan chức của Việt Nam dần dần theo khuôn mẫu của Trung Hoa (ít ra trên lý thuyết) - dựa trên các cuộc kiểm tra ngặt nghèo về kiến thức đạo Khổng. Nhiều thế hệ nam thanh niên Việt Nam học những cuốn kinh thư mà các bạn của họ ở Trung Hoa được học, thường là học thuộc lòng. Chị em gái của họ bị tục lệ Khổng giáo gia trưởng cứng nhắc không cho theo đuổi con đường sự nghiệp - hay hầu hết các nghề nghiệp gì khác - sống giam cầm trong giới hạn gia đình và được răn dạy phải chuyên tâm trở thành những người vợ và người mẹ hiền.
Việc Việt Nam du nhập văn hoá Trung Quốc có lẽ không phải là một vấn đề đặc biệt đau đớn bởi những điều kiện kinh tế và xã hội giúp tạo nên nền văn minh đạo Khổng ở Trung Hoa cũng đã tồn tại ở mức độ nhất định ở Việt Nam. Cũng như nước láng giềng phương Bắc, xã hội Việt Nam cơ bản là xã hội nông nghiệp. Có khoảng chín trong mười người Việt Nam là nông dân trồng lúa nước sống trong các làng mạc nhỏ rải rác trên khắp đồng bằng sông Hồng trải dài tới vịnh Bắc Bộ. Họ làm việc chăm chỉ, đặt lợi ích của cộng đồng trên lợi ích cá nhân cũng như một hệ thống chính trị xã hội ổn định là những điều được coi trọng. Sự tồn tại của một đội ngũ quan lại có học vấn, nhằm duy trì hệ thống tưới tiêu và mạng lưới đường sá là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên thương mại và sản xuất công nghiệp hầu như không tồn tại. Mặc dù những nhân tố bản xứ trong nền văn hoá của Việt Nam không hề bị mất, nhưng trong con mắt của những người không thạo thì dường như Việt Nam là hình ảnh phản chiếu thu nhỏ của người láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Nếu người Việt Nam tỏ ra sẵn sàng du nhập phần lớn phong tục Trung Hoa hùng mạnh, họ cũng tỏ ra rất kiên quyết trong vấn đề tự trị. Những nhân vật anh hùng của Việt Nam trong quá khứ đều có đặc điểm chung - đấu tranh chống lại sự đô hộ của Trung Hoa. Đó là cuộc nổi dậy như chị em Hai Bà Trưng (chống lại sự cai trị Trung Hoa trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên), vua Lê Lợi và nhà chiến lược lỗi lạc Nguyễn Trãi đã chiến đấu chống lại nhà Minh vào 1.400 năm sau. Những thử thách gắt gao đó đã sản sinh ra một dân tộc có ý thức hệ sâu sắc về bản chất dân tộc, sẵn sàng hy sinh bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm.
Một trong những hệ quả lâu dài của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì sự tồn vong của quốc gia là truyền thống quân sự mạnh mẽ và sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ quốc gia. Trong nhiều thế kỷ kể từ khi giành lại độc lập dân tộc từ tay Trung Hoa vào năm 939, nước Việt Nam mới với cái tên Đại Việt (nước Việt Nam to lớn) đã trải qua các cuộc chiến kéo dài với nước láng giềng phía nam, nước Champa có nền thương mại phát triển. Cuối cùng người Việt Nam đã giành được lợi thế và vào thế kỷ thứ 13 họ đã tiến mạnh về phía nam dọc theo bờ biển. Đến thế kỷ thứ 17, Champa bị thôn tính và lãnh thổ nước Đại Việt được mở rộng tới bán đảo Cà Mau trên vịnh Thái Lan. Những người định cư Việt Nam, phần lớn là những người lính trước đây, di cư về phía Nam tạo ra các cộng đồng trồng lúa nước mới trên mảnh đất phì nhiêu đồng bằng sông Cửu Long. Nước Đại Việt đã trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh ở lục địa Đông Nam Á và vua của Việt Nam trong các mối quan hệ của mình với những người thống trị láng giềng đã bắt đầu cho mình không chỉ là một vị vua mà còn là một hoàng đế.
Tuy nhiên, thành công quân sự của Đại Việt cũng phải trả giá bởi việc mở rộng lãnh thổ đã dẫn tới sự cách biệt ngày càng lớn về chính trị và văn hoá giữa những người có lối suy nghĩ truyền thống ở các tỉnh tại đồng bằng sông Hồng và những người di cư có tư duy độc lập hơn ở những vùng biên giới phía nam mới giành được. Trong suốt hai thế kỷ, ở Việt Nam luôn xảy ra các cuộc nội chiến giữa các giòng họ cầm quyền ở miền Bắc và miền Nam. Vào đầu thế kỷ XIX, hậu duệ của giòng họ cai trị ở miền Nam là Nguyễn Ánh đã thống nhất đất nước và lấy niên hiệu là Gia Long. Lúc đầu triều đình nhà Nguyễn chỉ có ý định giải quyết hậu quả dai dẳng của cuộc nội chiến, tuy nhiên đến giữa thế kỷ những rạn nứt địa phương bắt đầu gia tăng do các khó khăn kinh tế như ruộng đất tập trung vào tay người giàu và càng trở nên phức tạp hơn do sự cai trị yếu kém của triều đình Huế.
Nội chiến ở Việt Nam đã xảy ra vào thời kỳ quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Những đội tàu từ châu Âu tiếp bước nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Vasco da Gama chạy dọc theo bờ biển Đông và vịnh Thái Lan tìm kiếm đồ gia vị mới lạ, kim loại quý và những tâm hồn ngoại đạo để cứu rỗi. Trong số những nước châu Âu quan tâm nhất tới khu vực này có người Pháp và vào thế kỷ thứ XIX khi đối thủ kình định của họ là người Anh bắt đầu củng cố vị trí ở Ấn Độ và Miến Điện, nhà cầm quyền Pháp đã hướng con mắt thèm thuồng của mình vào Việt Nam.
Vào năm 1853, vị vua thứ ba của triều đại nhà Nguyễn băng hà và ngai vàng được chuyển cho nhà vua còn trẻ và thiếu kinh nghiệm là Tự Đức. Đó là điều không may đối với ông và cho cả thần dân của ông bởi trên vai ông là trách nhiệm đẩy lùi mối đe doạ nguy hiểm đầu tiên đối với nền độc lập của Việt Nam trong vài thế kỷ. Mặc dù có thiện chí và thông minh nhưng ông là người không quyết đoán và bệnh tật. Khi những toán quân Pháp đầu tiên đổ bộ vào cảng Đà Nẵng mùa hè năm 1858, phản ứng bản năng đầu tiên của Tự Đức là phải đánh lại. Từ chối đề nghị thương thuyết, ông cho tập trung quân đội triều đình ngay phía bên kia phòng tuyến quân Pháp ở ngoại vi thành phố. Đô đốc Charles Rigault de Genouilly, chỉ huy quân Pháp, được những nhà truyền giáo người Pháp đang làm việc tại khu vực bảo đảm rằng sẽ có một cuộc nổi dậy của dân địa phương chống lại triều đình, nhưng điều này đã không xảy ra. Lúc đầu, viên Đô đốc người Pháp hy vọng chỉ cần chờ đợi sẽ thắng quân địch nhưng khi dịch tả và bênh lỵ làm mất đi nhiều binh lính châu Âu, ông đã quyết định từ bỏ thành phố và tìm một nơi dễ tấn công hơn ở phía Nam. Đầu năm sau, người Pháp trở lại tấn công Sài Gòn, một cảng thương mại nhỏ nhưng phát triển trên một con sông nhỏ cách đồng bằng sông Cửu Long vài dặm về phía Bắc. Quân triều đình Việt Nam ở đó đã cố chống trả nhưng vì vũ khí khá lạc hậu không sánh được với vũ khí của quân xâm lược nên sau hai tuần đã không thể kháng cự được.
Mặc dù phản ứng đầu tiên của nhà vua là sử dụng quân đội để chống lại quân xâm lược nhưng thất bại ở miền Nam đã làm ông nản lòng. Bất chấp những lời kêu gọi tiếp tục chiến đấu của các cố vấn trong triều, Tự Đức đã quyết định thương lượng và vào năm 1862 chấp thuận nhượng ba tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho Pháp, cuối cùng ba tỉnh này (cùng với ba tỉnh khác vài năm sau) trở thành thuộc địa của Pháp ở Nam Kỳ. Vòng đầu Paris đã thắng.
Trong vài năm, triều đình Huế đã duy trì được nền độc lập mong manh nhưng cuối cùng hầu như đã bị tê liệt khi Pháp tiếp tục tấn công vào đầu những năm 1880, đánh thành Hà Nội và chiếm vài thành phố lớn ở đồng bằng sông Hồng, thì triều đình dường như bị tê liệt. Vua Tự Đức băng hà ngay trước khi chiến sự nổ ra và cuộc khủng hoảng về người kế vị khiến triều đình bị chia rẽ thành các phe đối lập. Nhiều tháng sau, một số vị vua mới, mà phần lớn còn nhỏ tuổi đã nhanh chóng được đưa lên ngôi, rồi bị phế truất. Cuối cùng, quyền lực đã rơi vào tay quan nhiếp chính có ảnh hưởng lớn là Tôn Thất Thuyết. Ông đã đưa người được ông bảo trợ là Hàm Nghi lên ngôi với hi vọng tiếp tục kháng chiến. Đáp lại yêu cầu của Việt Nam, triều đình nhà Thanh đã đưa quân đội đến giúp chư hầu, nhưng Việt Nam vẫn không thắng được. Năm 1885, Trung Hoa rút quân và ký thoả ước với Pháp rũ bỏ mối quan hệ chư hầu từ lâu với Việt Nam. Tại Huế, một vị vua bù nhìn được đưa lên ngôi thay cho Hàm Nghi trẻ tuổi đã bỏ trốn cùng Tôn Thất Thuyết - vị cố vấn không chịu đầu hàng - bỏ trốn lên núi để tiếp tục kháng chiến. Trong khi đó, phe thủ hoà chiếm đa số trong triều đã ký một thoả ước mới với Pháp chấp nhận Pháp chi phối về chính trị trên toàn bộ lãnh thổ còn lại của Việt Nam. Người Pháp chuyển vùng đất họ mới giành được trở thành xứ bảo hộ bao gồm Bắc Kỳ (gồm các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và các vùng núi lân cận) và Trung Kỳ (bao gồm các tỉnh duyên hải cho tới vùng thuộc địa Nam Kỳ về phía nam). Ở Trung Kỳ, người Pháp cho phép vua bù nhìn và triều đình của ông ta giữ lại những quyền hạn ít ỏi. Ở Bắc Kỳ, chế độ thuộc địa thực sự có quyền hạn tối cao. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành nhượng địa của Pháp.
Việc người Pháp chinh phục Việt Nam là một phần của quá trình mở rộng thuộc địa của châu Âu bắt đầu sau chiến tranh Napoleon và quá trình mở rộng này đã được đẩy nhanh trong cuối thế kỷ XIX khi các nước phương Tây phát triển bước vào kỷ nguyên công nghiệp. Vì rất mong tìm kiếm nguồn nguyên liệu thô rẻ và thị trường tiêu thụ hàng hoá do chính họ sản xuất, các nước tư bản phương Tây quay sang sử dụng vũ lực nhằm thiết lập quyền bá chủ của họ trên toàn khu vực. Tới cuối thế kỷ XIX, tất cả các nước ở Nam Á và Đông Nam Á trừ vương quốc Xiêm (nay là Thái Lan), đều bị thực dân cai trị theo các hình thức khác nhau.
Việc triều đình đầu hàng đã không ngăn được khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam. Nhiều thế kỷ chống Trung Hoa đã khắc sâu trong tầng lớp thượng lưu Việt Nam truyền thống phụng sự nhà vua và đất nước như bổn phận cơ bản nhất của Nho giáo. Rất nhiều văn võ cá quan quan đã không chịu chấp nhận việc triều đình đầu hàng trước sức mạnh quân sự và đã tổ chức các đội quân vũ trang địa phương nhằm đưa Hàm Nghi quay trở lại nắm quyền. Tại tỉnh Hà Tĩnh, vùng duyên hải Trung Kỳ, nhân sĩ Phan Đình Phùng đã khởi xướng phong trào Cần Vương để tập hợp sự ủng hộ đối với nhà vua bị phế truất và đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi quê hương. Khi được Hoàng Cao Khải là bạn từ thời niên thiếu, người chạy theo hoàn cảnh mới, khuyên ông từ bỏ nỗ lực vô vọng để tránh đổ máu không cần thiết, ông Phùng đã trả lời với giọng cao ngạo của một nhà nho yêu nước:
“Nhiên đệ thoái nhi tư chi, ngã quốc thiên bách niên lai, địa bất quảng, binh bất cường, tài bất phú, sở thị dĩ lập quốc giả, quân thần phụ tử ngũ luân nhi dĩ. Hán Đường Tống Nguyên Minh luỹ dục quận huyện kỳ địa, chung bất khả đắc. Phù tha chi dữ ngã, địa tắc tương liên, lực tắc vạn bội, nhi chung bất khả dĩ vi cường giả, thử vô tha, Nam quốc sơn hà, tiệt nhiên định phận, thi thư chi trạch, thành hữu khả thị dã.
Tư giả, dương nhân dữ ngã, tương cách bất tri kỳ kỷ thiên vạn lý chi dao, việt hải nhi lai, sở chí phong mị, thiên tử bôn ba, cử quốc hoàng hoàng, viêm Tống sơn hà, thành Kim thế giới. Thiên hạ chi trầm nịch hà như, khỉ đồ nhất châu nhất gia đồ thán nhi dĩ tai.”
(Phúc ký Hoàng Cao Khải thư, phiên âm Hán ngữ)
Dịch nghĩa:
Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình ngàn năm nay, đất nước chẳng rộng, quân lính không mạnh, tiền của chẳng giàu, cái chỗ dựa để dựng nước, là nhờ có cái gốc vua tôi, cha con theo năm đạo thường mà thôi. Xưa kia nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, bao nhiêu phen lăm le muốn chiếm lấy đất ta làm quận huyện của họ mà rút cục vẫn chiếm không được. Ôi! Họ đối với nước ta, bờ cõi liền nhau, sức mạnh hơn ta vạn bội, thế mà trước sau họ không thể ỷ mạnh mà nuốt trôi nước ta được, nào có vì lẽ gì khác đâu, chẳng qua non sông nước Nam tự trời định phận riêng rõ ràng rồi, và cái ơn giáo hoá của thi thư vốn là chỗ dựa cho mình đấy. Đến nay người Tây với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể lại đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non sông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà cũng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu”.[1]
Tuy nhiên, việc hai người xưng vua đã tạo ra thế tiến thoái lưỡng nan đối với những người Việt Nam luôn trung thành với vua. Liệu họ có nên tuân theo vua Đồng Khánh mới lên ngôi ở Huế với sự chấp thuận của Pháp hay không? Hay họ nên hưởng ứng lời kêu gọi của vua bị phế truất Hàm Nghi, là người từ nơi ẩn náu trên núi đã kêu gọi sự ủng hộ của tất cả những người yêu nước trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng chống lại bọn hung bạo? Thế lưỡng nan trong việc chọn lựa giữa đấu tranh và thoả hiệp là một việc rất khó khăn đã chia rẽ giới cầm quyền, mà sự chia rẽ này đã không thể hàn gắn được hơn một nửa thế kỷ sau.
Trung tâm của phong trào kháng chiến chống Pháp là tỉnh Nghệ An. Một mảnh đất với những bãi biển yên lành, những rặng núi xanh ngắt, những cánh đồng lúa xanh mướt, những cánh rừng xanh thẫm, Nghệ An nằm ở vùng cán xoong giữa biển Đông và những ngọn núi của dãy Trường Sơn dọc theo biên giới Lào về phía tây. Đó là mảnh đất của những đợt gió nóng khô và những cơn mưa lớn mùa thu làm đổ rạp những cọng lúa và ngập những cánh đồng của nông dân. Nghịch lý là tuy mảnh đất này rất đẹp nhưng lại rất khắc nghiệt đối với những cư dân ở đó. Người Việt Nam sống trên mảnh đất này tập trung tại eo đất nhỏ giữa bờ biển và rặng núi trong đó hơn 90 phần trăm là nông dân phải xoay xở từ mảnh đất của mình và tự thấy cuộc sống là phải tranh đấu. Đất ít, lại bạc màu và thường xuyên ngập mặn. Thiên tai luôn rình rập và mỗi khi xảy ra thiên tai nông dân lại bị rơi vào những hoàn cảnh tuyệt vọng.
Có lẽ điều này giải thích tại sao trong lịch sử người dân Nghệ An được coi là những người Việt Nam cứng cổ hay chống đối nhất, được đồng bào đặt cho tên lóng là “trâu chọi xứ Nghệ”, Trong lịch sử, Nghệ An luôn đi tiên phong chống quân xâm lược cũng như kêu gọi nổi dậy chống lại kẻ cầm quyền không hợp lòng dân. Trong hai thập kỷ cuối thế kỷ XIX, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm của phong trào kháng chiến chống Pháp. Nhiều người con ưu tú của Nghệ An đã chiến đấu và hy sinh dưới ngọn cờ của Phan Đình Phùng và phong trào Cần Vương.
Làng Kim Liên thuộc huyện Nam Đàn, trung tâm tỉnh Nghệ An, cách thị xã Vinh khoảng 16 cây số về phía tây. Huyện Nam Đàn nằm dọc theo bờ bắc sông Cả, con sông chính ở Nghệ An. Phần lớn địa hình ở đây bằng phẳng với những cánh đồng tắm nắng mặt trời vùng bán nhiệt đới vươn ra tới biển một vài dặm về phía đông, nơi những ngọn đồi nhỏ được che phủ bởi thảm thực vật rậm lá xanh xẫm nhô cao hơn vùng đồng bằng xung quanh. Những cây cọ tô điểm cho cảnh vật và tạo bóng mát cho những túp lều mái lá của những người nông dân nhấp nhô trong những xóm nhỏ. Trong mỗi xóm làng, những bụi chuối, gốc cam và những rặng tre là nguồn thức ăn khi cần và còn là nguyên vật liệu xây dựng. Trong thế kỷ XIX, hầu hết những người nông dân ở huyện Nam Đàn vẫn còn nghèo, bởi đây là nơi đông dân cư, đất ít lại bạc màu không đủ nuôi sống con người.
Chính tại đây vào năm 1863, Hà Thị Hy, vợ kế của người nông dân thuần thục nghề nông tên là Nguyễn Sinh Vương (đôi khi được gọi là Nguyễn Sinh Nhậm) - một người giỏi giang việc đồng áng, đã sinh hạ người con trai Nguyễn Sinh Sắc. Người vợ đầu của ông Vương mất trước đó vài năm sau khi sinh đứa con trai đầu lòng Nguyễn Sinh Trợ. Để nuôi con, ông Vương đã cưới Hà Thị Hy, con gái một gia đình nông dân làng bên. Khi lên bốn, Sắc đã mất cả cha lẫn mẹ và được ông Trợ - người anh cùng cha khác mẹ - nuôi dưỡng. Ông Trợ cày cấy trên mảnh đất của cha để lại. Đối với Trợ và những người hàng xóm, cuộc sống đồng áng thật khó khăn. Khi có bão lớn, ruộng ngập nước, mùa màng bị phá huỷ, khi hạn hán cây lúa bị khô cằn. Do vậy, nhiều nông dân trong làng phải làm thêm những nghề phụ khác như nghề mộc, làm gạch, dệt vải hay nghề rèn. Ngoài ra, nơi đây còn có truyền thống hiếu học lâu đời. Một số nhà nho vùng này tham dự các kỳ thi quan, một số người khác mở các lớp để gõ đầu trẻ, thêm thắt cho số thu nhập ít ỏi của mình.
Thoạt đầu, cậu bé Nguyễn Sinh Sắc hầu như không có cơ hội bắt đầu sự nghiệp nho học. Mặc dù lịch sử giòng họ Nguyễn có truyền thống hiếu học đã được khắc bằng chữ Hán trên bức hoành phi bằng gỗ gắn bên cạnh bàn thờ gia tiên, ghi lại rằng ngày xưa đã có nhiều người đỗ đạt trong các kỳ thi. Nhưng trong những thế hệ gần đây không có một ai đỗ đạt trong các kỳ thi. Trợ - người anh cùng cha khác mẹ của Sắc - lại chẳng quan tâm gì đến học hành. Tuy vậy, Sắc rất ham học. Cuối buổi sáng, sau khi chăn trâu Sắc thường ghé qua trường của hàn sĩ Vương Thúc Mậu ở địa phương, buộc trâu lại rồi quanh quẩn ngoài lớp học, lắng nghe thầy giáo giảng bài. Thời gian rỗi, Sắc thường học chứ Hán bằng cách viết lên đất hay lên lá cây hồng.[2]
Khi Sắc lớn, các làng đều biết tính hiếu học của Sắc và điều này khiến cho Hoàng Đường (còn gọi là Hoàng Xuân Đường), một nho sĩ làng Hoàng Trù bên cạnh thường đi qua con đường đất sang Kim Liên để thăm bạn là Vương Thúc Mậu, chú ý. Thấy chàng thanh niên mải mê đọc sách trên lưng trâu trong khi bạn bè chơi đùa trên đồng, Hoàng Đường đã nói chuyện với Nguyễn Sinh Trợ và nhận nuôi cậu bé ăn học mà ông dạy tại nhà. Trợ đồng ý. Năm 1878, vào tuổi mười lăm, Nguyễn Sinh Sắc chuyển tới làng Hoàng Trù và bắt đầu chính thức học kinh thư với người cha nuôi và cũng là người bảo trợ của mình. Điều này không phải là một sự kiện bất thường, theo tục lệ, hững bé trai thông minh xuất thân từ những gia đình nông dân nghèo thường được họ hàng hay hàng xóm giàu có bảo trợ và được học chữ Nho trong trường làng. Nếu như những đứa trẻ thành công trong học tập và trở thành nho sĩ hay quan lại thì họ hàng và xóm cũng sẽ thơm lây bởi uy tín và ảnh hưởng của người đó.
Giống như những nho sĩ khác trong vùng, ông Cử Đường (dân trong vùng gọi ông), vừa là thầy giáo vừa là nông dân. Quê quán của dòng họ Hoàng từ tỉnh Hải Hưng, đồng bằng sông Hồng, phía đông nam Hà Nội, có nhiều người nổi tiếng về học hành. Sau khi tới Nghệ An vào thế kỷ XV, tổ tiên của Hoàng Đường tiếp tục truyền thống hiếu học của gia đình. Bố ông đã thi ba lần và cuối cùng đỗ tú tài (bằng cấp thấp nhất trong hệ thống thi cử Nho học, tương đương với bằng cử nhân tại Hoa Kỳ ngày nay).
Trong khi ông Hoàng Đường dạy học trò tại hai phòng ngoài trong ngôi nhà chật hẹp, vợ ông là Nguyễn Thị Kép và hai cô con gái Hoàng Thị Loan, Hoàng Thị An làm việc ngoài đồng và dệt vải để phụ thêm cho gia đình. Giống như những người phụ nữ khác trong thôn, cũng như nông thôn khắp cả nước, không có người phụ nữ nào trong gia đình Cử Đường được học hành tử tế, vì việc học hành và làm quan chỉ rảnh riêng cho nam giới. Điều này thể hiện nguyên tắc đạo Khổng bắt nguồn từ Trung Hoa lâu đời - trọng nam khinh nữ. Ở Việt Nam, giống như ở Trung Hoa, theo truyền thống người phụ nữ có bổn phận đóng vai trò người mẹ, người nội trợ cũng như phục vụ và giúp đỡ chồng. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, vì phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời ấy ngày càng bị hạn chế. Trong gia đình, họ có vị trí thấp hơn người chồng. Người chồng có toàn quyền, sở hữu tài sản, được phép lấy vợ bé nếu vợ cả không sinh được con trai.
Tuy những giới hạn đó, Nguyễn Thị Kép và hai cô con gái may mắn hơn những người láng giềng vì có chút ít kiến thức văn chương. Bản thân gia đình Kép cùng có truyền thống hiếu học. Cha Kép đã đỗ tú tài giống như bố chồng. Là vợ của một nho sĩ địa phương, Kép được những người trong cộng đồng địa phương kính trọng và ghen tị. Tuy vậy, cuộc sống của Kép như những người con gái khác chẳng hơn gì những người trong làng ít may mắn cũng phải ngày qua ngày còng lưng trên những cánh đồng lầy lội ngoài làng, cần cù chăm sóc lúa cho đến mùa thu hoạch.
Sắc đã lớn lên trong không khí đồng quê ấy. Ông đã sớm chứng tỏ sự uyên thâm chữ Nho và khi Sắc thể hiện tình cảm với cô con gái đáng yêu của Cử Đường thì gia đình đã đồng ý tổ chức đám cưới mặc dù bà Kép lúc đầu dường như chưa bằng lòng vì Sắc mồ côi. Lễ cưới được tổ chức vào năm 1883. Thầy Đường tặng con rể căn nhà tranh một gian hai chái với một mảnh đất nhỏ sát nhà ông và coi đó là của hồi môn. Một gian nhà nhỏ bên cạnh được dùng làm nhà thờ họ để những người đàn ông trong gia đình cúng tổ tiên. Gian nhà dựng cho đôi vợ chồng mới cưới thật gọn gàng và ấm cúng. Gian giữa để tiếp khách, bếp ở phía sau, gian ngoài để Sắc học. Gia đình tuy có phần khá giả hơn phần lớn các gia đình khác trong làng nhưng họ không thuê người làm ruộng. Bảy năm sau, trong khi chồng tiếp tục học, Hoàng Thị Loan đã sinh ba người con, người con gái đầu lòng tên Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884, người con trai Nguyễn Sinh Khiêm 1888 và sau đó vào ngày 19 tháng 5 năm 1890 sinh người con trai thứ hai tên là Nguyễn Sinh Cung sau này là Hồ Chí Minh. (Ở Việt Nam trẻ con khi sinh ra được đặt “nhũ danh”. Khi trưởng thành bố mẹ sẽ đặt cho một tên mới thể hiện mong ước của mình đối với đứa trẻ).[3]
Trong khi Nguyễn Sinh Sắc chuẩn bị thi thì theo truyền thống, bà Loan tiếp tục lo lắng công việc đồng áng và nuôi dạy con cái. Theo như lời của những người cùng thời, bà là một người siêng năng, biết chăm lo vun vén gia đình, đây là hai đức hạnh Nho giáo truyền thống nhưng bà cũng rất giỏi và ham hiểu biết. Bà am hiểu văn học Việt Nam và thường ru con bằng những bài dân ca hay ngâm những câu thơ nổi tiếng trong truyện Kiều của Nguyễn Du, câu chuyện nghiệt ngã về tình yêu đôi lứa bị đạo đức cổ truyền trói buộc.
Năm 1891, Nguyễn Sinh Sắc đã tới thị xã Vinh thi tú tài, nhưng trượt. Tuy nhiên điểm số của ông rất khích lệ, ông lại học tiếp. Về làng, ông mở lớp gõ đầu trẻ để giúp đỡ gia đình. Bố vợ ông, thầy Đường mất năm 1893 làm cho gánh nặng kinh tế của gia đình thêm trầm trọng, Sắc buộc phải hoãn thi. Trong khi, chị cả làm các việc vặt trong gia đình, cậu bé Nguyễn Sinh Cung vui vẻ chơi đùa trên cánh đồng hoặc quanh quẩn xung quanh lớp học của bố. Vào buổi tối trước khi nằm trên võng, bà ngoại đã kể cho cậu nghe những câu chuyện về các vị anh hùng địa phương. Cung rất thông minh và nhanh chóng tiếp thụ tất cả.
Tháng 5 năm 1894, Sắc lên Vinh thi lần thứ hai và đỗ cử nhân, bằng cấp cao hơn tú tài (tương đương với thạc sĩ văn chương Hoa Kỳ). Thành công của Sắc là rất cao so với các nhà nho địa phương và khi trở lại làng Hoàng Trù ông được cấp một mảnh đất là phần thưởng truyền thống của làng dành cho những người đỗ đạt. Sắc đã nhận vì ông chỉ có ba mẫu ruộng là của hồi môn của gia đình vợ, tuy nhiên ông từ chối đề nghị tổ chức một bữa tiệc trọng thể, thay vào đó đề nghị phân phát thịt trâu cho người nghèo trong làng.
Thông thường những người có bằng cử nhân danh giá sẽ tìm một vị trí trong chính quyền để “vinh thân phì gia” nhưng Nguyễn Sinh Sắc đã chọn con đường tiếp tục học hành trong khi kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy học. Theo truyền thống Nho giáo, người vợ phải hy sinh cho chồng con - như trong thành ngữ “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, đầy ý nghĩa của người Việt nam - Hoàng Thị Loan tiếp tục công việc đồng áng và nuôi gia đình.
Mùa xuân năm 1895, Nguyễn Sinh Sắc đi Huế tham gia kỳ thi hội, là bậc cao nhất trong hệ thống giáo dục Nho giáo. Ông trượt nhưng đã quyết định ở lại Huế để vào Quốc Tử Giám chuẩn bị cho lần thi tiếp theo. Quốc Tử Giám bắt đầu có ở Hà Nội từ những năm đầu của nền độc lập dân tộc và là nơi đào tạo những người muốn ra làm quan được triều đình bảo trợ. Sắc không đủ tiền trả học phí và cơm trọ nhưng may mắn là trường có một số học bổng ỉt ỏi đài thọ chi phí ăn ở và nhờ bạn bè giúp đỡ, ông được cấp một học bổng. Sắc quay về Nghệ An đón bà Loan và hai người con trai vào Huế mong rằng vợ có thể tìm được việc làm đỡ đần chi tiêu gia đình.
Thời đó, đi từ thị xã Vinh (tỉnh Nghệ An) đến Huế rất gian nan và nguy hiểm. Chuyến đi kéo dài khoảng một tháng và phải đi qua rừng rậm, núi cao có nhiều cướp. Đi bằng đường biển nhanh và thuận tiện hơn nhưng một nông dân nghèo như Nguyễn Sinh Sắc không đủ tiền mua vé thuyền. Do đó, gia đình đã quyết định đi bộ, mỗi ngày đi khoảng được ba mươi cây số và đi theo nhóm cùng với những người khác để phòng cướp và thú dữ. Với đôi chân nhỏ bé, cậu bé Cung mới năm tuổi rất khó khăn mới theo kịp mọi người nên đôi khi cha cậu phải cõng trong khi kể cho cậu nghe những chuyện về những nhân vật thần thoại và các vị anh hùng xưa của Việt Nam.
Huế, trước gọi là Phú Xuân, từng là đại bản doanh của chúa Nguyễn trị vì Nam Việt Nam trong suốt hai thế kỷ nội chiến. Sau khi nhà Nguyễn ra đời năm 1802, Vua Gia Long đã quyết định dời đô ra đó từ vị trí cũ ở đồng bằng sông Hồng, chứng tỏ quyết tâm thống nhất nước nhà dưới sự cai trị của nhà Nguyễn. Một đô thị nhỏ nép mình bên hai bờ sông Hương giữa hai đồng bằng của hai con sông lớn, đã trở thành trung tâm hành chính sau khi triều đình rời đô về đó, tuy nhiên kinh đô mới nhỏ hơn nhiều so với kinh đô Hà Nội xưa (lúc đó gọi là Thăng Long), có lẽ số dân ở đó chưa tới mười nghìn.
Đến Huế, chắc đã kiệt sức, Nguyễn Sinh Sắc thu xếp tạm trú tại nhà một người bạn. Tuy nhiên, sau đó cả gia đình chuyển tới một căn phòng nhỏ ở phố Mai Thúc Loan, cách tường đông kinh thành không xa trên bờ bắc sông Hương. Quốc Tử Giám nằm trên bờ nam cách phía tây kinh thành khoảng ba cây số nhưng Sắc ít khi đến trường mà dành phần lớn thời gian học tại nhà. Lúc rảnh rỗi ông dạy các con trai và con của những viên chức trong vùng. Coi trọng việc học hành, đặc trưng cho xã hội Nho giáo, ông hết sức hối thúc các con trai, khuyên răn học hành chăm chỉ cũng như quan tâm đến chữ viết của các con. Theo lời hàng xóm, cậu bé Cung đã bắt đầu rất quan tâm đến thế giới quanh mình, cùng anh trai theo dõi lính triều đình luyện tập và cố gắng lẻn vào trong kinh thành để xem rõ hơn. Thấy kiệu vua rời cung trong một dịp lễ hội, cậu trở về hỏi mẹ liệu có phải vua đã bị thương ở chân hay không. Khi hỏi tại sao lại hỏi như vậy, Cung trả lời rằng cậu đã nhìn thấy nhà vua được phu khiêng trên kiệu.
Năm 1898, Sắc thi trượt kỳ thi hội lần thứ hai và quyết định tạm thời làm thầy giáo trong một trường học tại làng Dương Nỗ ngay phía đông kinh thành. Bà Loan, vợ ông, vẫn sống tại căn phòng nhỏ ở Huế dệt vải và giặt thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Trường học ở Dương Nỗ được một phú nông trong làng xây dựng và người nông dân này đã cho phép hai con trai của ông Sắc học tại đó. Đây là lần đầu tiên hai chàng trai được học kinh thư chữ Hán.
Tháng tám năm 1900, Sắc được triều đình bổ nhiệm làm giám thị kỳ thi hương ở Thanh Hoá, một tỉnh lỵ cách kinh thành khoảng năm trăm cây số về phía bắc. Việc bổ nhiệm này là một vinh hạnh vì cử nhân thường không được phép làm giám thị. Người con trai cả của Sắc là Khiêm đã tới đó cùng ông, còn Cung thì ở lại Huế với mẹ. Khi từ Thanh Hoá trở về Huế, Sắc đã lưu lại làng Kim Liên - quê ông - một thời gian ngắn để xây mộ cho cha mẹ.
Quyết định này đã phải trả giá đắt. Ở Huế, vợ ông đã sinh con thứ tư, con trai tên là Nguyễn Sinh Xin (từ xin theo nghĩa đen là ăn xin). Tuy nhiên, việc sinh đẻ đã làm cho bà yếu đi và với thể trạng vốn đã ốm yếu, mặc dù đã được một lương y trong vùng chữa chạy, bà lâm bệnh và mất ngày 10-2-1901. Những người hàng xóm kể lại trong dịp Tết, cậu bé Cung vừa khóc vừa chạy từ nhà này sang nhà khác để xin sữa cho em và chỉ trong vài tuần lễ, vẻ vui tươi hàng ngày của cậu đã chuyển sang u sầu.[4]
Được tin vợ mất, Sắc lập tức trở về Huế để đưa các con về làng Hoàng Trù, tại đó ông tiếp tục dạy học. Trong một thời gian dài, bé Cung tiếp tục học với cha, nhưng sau đó ông Sắc đã gửi cậu cho một người bà con xa bên ngoại là nho sĩ Vương Thúc Đỗ. Cậu bé Cung bắt đầu đạt được những tiến bộ đáng kể trong học tập. Cậu có thể nhận mặt được nhiều chữ Hán - là phương tiện quan trọng trong nền giáo dục Nho giáo vẫn được sử dụng để thể hiện tiếng Việt thường ngày - và rất thích tập viết. Cung rất nhanh trí và ham học hỏi tuy nhiên cha cậu lại lo ngại bởi đôi khi cậu mải chơi, chểnh mảng học hành. Có lẽ thầy giáo mới của Cung đã giúp cậu nhiều trong chuyện này. Vương Thúc Đỗ thật sự yêu quý và theo như người khác kể lại không bao giờ đánh đập các học trò của mình - là điều khác thường vào thời đó - và ông thường kể cho học trò nghe những câu chuyện về những vị anh hùng chính trực trong quá khứ, trong số đó có anh trai của ông là người đã tham gia chiến đấu trong phong trào Cần Vương chống Pháp của Phan Đình Phùng.
Sau vài tháng ở Hoàng Trù, ông Sắc lại vào Huế, mẹ vợ ông là Nguyễn Thị Kép trông nom các cháu. Khi những người còn lại trong gia đình vào Huế, Nguyễn Thị Thanh, con gái ông, cũng ở lại làng với bà ngoại. Thanh đã trưởng thành nhưng chưa lấy chồng nên ở lại để giảm gánh nặng cho gia đình. Cung giúp đỡ việc nhà và vườn tược nhưng vẫn có thời gian vui chơi. Mùa hè, cậu cùng bạn câu cá trong ao làng, thả diều (nhiều năm sau, người làng vẫn kể lại rằng khi trời lặng gió các bạn của cậu đã chán, còn Cung vẫn cố gắng giữ cho diều bay), và leo lên những ngọn núi ở vùng lân cận. Ngọn núi đáng nhớ nhất là núi Chung trên đỉnh có đền thờ Nguyễn Đức Dụ - vị tướng vào thế kỷ thứ mười ba đã chiến đấu chống quân Nguyên xâm lược. Cũng chính tại đây, năm 1885, nhà nho yêu nước Vương Thúc Mậu đã chiêu mộ một nhóm người nổi dậy chiến đấu dưới ngọn cờ phòng trào Cần Vương. Chính tại nơi đây, ông Sắc đã thấy niềm ham học của mình, từ đỉnh núi Chung, người ta có thể thấy được cảnh ngoạn mục những đồng lúa, những rặng tre và những cây cọ, và một dãy núi xanh thẫm dọc hướng tây. Trong thời niên thiếu đầy hạnh phúc của cậu bé Cung chỉ có một thời gian buồn khi đứa em trai Xin của cậu ốm yếu và mất khi tròn một tuổi.
Trở lại Huế, Nguyễn Sinh Sắc thi lại kỳ thi hội và lần này ông đã đỗ tiến sĩ, loại hai (phó bảng). Tin ông đỗ phó bảng đã gây xôn xao ở làng Hoàng Trù và Kim Liên quê ông. Người ta kể rằng kể từ giữa thế kỷ 17, các làng trong vùng đã có gần hai trăm người có học vị cử nhân và thạc sĩ nhưng ông là người đầu tiên đỗ phó bảng. Khi ông về làng Hoàng Trù, dân làng đã có kế hoạch tổ chức lễ rước nhưng ông, rõ ràng là không thích sự phô trương và lễ nghi, một lần nữa đã từ chối vinh hạnh đó. Mặc dù ông không đồng ý, dân làng vẫn tổ chức một bữa tiệc lớn để ăn mừng sự kiện này. Tuy nhiên, ông đề nghị, chia một số thức ăn cho người nghèo.
Theo phong tục, vinh hạnh được thí sinh thi đỗ là thuộc về làng - quê hương của người cha. Và tất nhiên Sắc cũng vậy, điều này có nghĩa là làng được coi là “đất văn vật, chốn thi thư”, chính là làng Kim Liên, nơi bố ông sinh ra chứ không phải là làng Hoàng Trù là nơi ông sống. Để thưởng cho người con của làng, chức sắc làng Kim Liên đã dùng tiền công dựng một ngôi nhà gỗ mái lá nhỏ trên mảnh đất của làng và mời ông tới sống ở đó. Sắc đồng ý sống trong ngôi nhà mới đã dành cho mình cùng ba người con. Ngôi nhà rộng hơn ngôi nhà của ông ở làng Hoàng Trù một chút có ba gian, một gian làm chuồng trâu, một gian nhỏ đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan. Ngoài ngôi nhà ra, Sắc còn được vài mẫu ruộng và mảnh vườn nhỏ trồng khoai lang.
Trong xã hội Việt Nam xưa, học vị phó bảng là một vinh dự lớn đem lại danh tiếng và may mắn, thường là sự nghiệp quan trường. Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Sắc không hề muốn ra làm quan, đặc biệt trong lúc nước nhà bị ô nhục. Từ chối làm quan trong triều với lý do đang để tang vợ, ông Sắc quyết định ở lại Kim Liên mở một lớp học nhỏ dạy chữ nho. Tiền dạy học đã ít ông Sắc còn gặp khó khăn hơn vì thường giúp những người nghèo trong làng. Tuy nhiên ông Sắc đã đổi tên thành Nguyễn Sinh Huy với ý “sinh để huy hoàng” cho phù hợp với địa vị mới của mình.[5]
Lên 11 tuổi, khi Cung chớm tuổi thanh niên, ông Sắc đã có một quyết định rất quan trọng đối với cuộc đời cậu. Theo phong tục của xã hội Việt Nam, để dánh dấu sự kiện này, cha cậu đã đặt cho cậu tên mới là Nguyễn Tất Thành, “người sẽ thành đạt”, ghi trong sổ sách của làng. Lúc đầu cậu bé học với cha, nhưng sau đó được gửi tới lớp học của Vương Thúc Quý là bạn của cha, con trai nhà nho Vương Thúc Mậu - người đã nhảy xuống ao tự vẫn để khỏi bị giặc Pháp bắt. Cũng là một người đỗ đạt giống như ông Sắc, ông Quý đã từ chối không ra làm quan mà dạy học ở làng và bí mật tham gia các hoạt động lật đổ chính quyền bù nhìn Huế. Khi dạy học trò, ông phản đối cách dạy mô phạm truyền thống bắt học trò phải học thuộc lòng sách vở, thay vào đó rất quan tâm hướng học trò vào tính nhân đạo cốt lõi của sách thánh hiền, đồng thời khắc sâu trong óc các học trò tinh thần yêu nước nồng nàn đối với sự sống còn của nước Việt Nam độc lập. Để soi sáng thông điệp của mình trong tâm hồn các học trò, trước khi bắt đầu mỗi bài học ông thường thắp ngọn đèn trên bàn thờ cha trên tường lớp học.
Nguyễn Tất Thành trưởng thành dưới sự dạy dỗ của người thầy mới, viết những bài luận yêu nước dưới sự hướng dẫn của ông Quý và những người thường tới lớp giúp giảng bài về những chủ đề khác nhau. Thật không may, việc này không kéo dài được lâu, ông Quý đóng cửa lớp học và rời làng tham gia hoạt động nổi dậy. Thành đã theo học một thầy giáo khác ở làng bên trong một thời gian ngắn, tuy nhiên cách dạy của thầy giáo mới quá cổ hủ đối với Thành và chàng thanh niên quyết định trở về học với cha - người có thái độ vị tha hơn trong việc dạy học. Cũng như Vương Thúc Quý, ông Sắc phê phán lối học vẹt, cho rằng học tả cảnh “hoa lá” là việc vô ích xa rời thực tế. Ông khuyên học trò không nên chỉ bước trên con đường quan trường mà cố gắng hiểu những điều cốt lõi trong sách thánh hiền để giúp đỡ đồng bào. Sắc đã nói với một người bạn “Tại sao tôi phải bắt học trò của mình học thuộc bài chỉ để thi? Tôi sẽ không bao giờ dạy con mình cách đó”.[6]
Thành rất thích quan điểm của cha mình, bởi vì Thành thích đọc những pho truyện nổi tiếng của Trung Hoa như Tam Quốc diễn nghĩa, một truyền thuyết về chủ nghĩa anh hùng trong thời kỳ hỗn loạn khi nhà Hán suy vong, Tây du ký, kể về nhà sư Đường Tăng trên đường qua Trung Á tới Ấn Độ thỉnh kinh Phật. (Trong khi Thành học ở làng Dương Nỗ, một học trò lớn tuổi hơn được giao nhiệm vụ trông nom thấy cần phải buộc một sợi dây vào chân Thành để biết Thành ở đâu mỗi khi Thành có ý định bỏ ra ngoài chơi và thường thì lúc đó Thành đã học xong bài).[7]
Nguyễn Tất Thành không chỉ học trong lớp. Nhà của cha Thành nằm cạnh một lò rèn của người thợ trong làng tên là Diễn - người đã dạy Thành cách sử dụng bễ rèn và thường cho cậu bắn chim. Sở thích kể chuyện của Diễn đã biến lò rèn thành một trong những nơi tụ họp quen thuộc trong vùng. Thường vào buổi tối, Thành cùng các thanh niên khác trong làng ngồi nghe Diễn kể chuyện về anh hùng địa phương theo nhóm Cần Vương đã thất bại trong việc đánh đuổi bọn hung tàn khỏi mảnh đất quê hương như thế nào. Cùng với những người khác, Thành được nghe về những chiến công hiển hách của những chiến sĩ đã hy sinh từ lâu như Lê Lợi và Mai Thúc Loan, những người đã chiến đấu bảo vệ quê hương chống quân xâm lược. Thành xúc động lắng nghe chuyện Vương Thúc Mậu tự vẫn, và chuyện về người lãnh đạo phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã chết vì bệnh lỵ vào năm 1895, đem lại kết thúc bi thảm cho phong trào khi quân của ông bị suy yếu phải lùi sâu vào núi dọc theo biên giới Lào. Thành cũng rất vui khi được biết một số người trong gia đình của cha mình đã chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp cứu nước.
Từ đó, Thành bắt đầu mang trong mình chủ nghĩa yêu nước nồng nàn. Khi còn sống với cha mẹ ở Huế, Thành đã tham dự một lễ tưởng niệm liệt sĩ tại một đền gần nơi ông ở. Họ là những tử sĩ chiến đấu chống Pháp và cũng như những người khác Thành đã rơi nước mắt trước sự hy sinh của họ.
Trở về làng vào năm 1901, Thành rất khó chịu khi phát hiện ra hầu hết các cuốn sách cổ đang được sử dụng ở làng đều kể về lịch sử Trung Hoa thay vì lịch sử Việt Nam và quyết định đi bộ đến Vinh mua những cuốn sách nói về lịch sử đất nước mình. Khi thấy những cuốn sách đó quá đắt, Thành đã cố ghi nhớ những nội dung chính để có thể kể lại cho bạn bè khi trở về làng Kim Liên.
Mãi đến tận lúc bấy giờ, sự hiểu biết của Thành về người Pháp mới chỉ dừng lại ở sự quan sát của một đứa trẻ con trên những đường phố Huế, những người thời đó sau này kể lại rằng Thành tò mò không hiểu tại sao ngay cả những quan lại danh tiếng của Việt Nam đều phải cúi chào tất cả những người châu Âu, đôi khi Thành và anh trai mải mê theo dõi công nhân Pháp đang xây cầu sắt bắc qua sông Hương ngay phía đông thành. Thỉnh thoảng những người công nhân chơi đùa và cho các cậu bé kẹo khiến Thành hỏi mẹ tại sao có người nước ngoài lại thân thiện hơn so với những người khác. Tuy nhiên, khi trở về quê, Thành càng trở nên không thích người nước ngoài khi nghe thấy việc người Pháp đối xử tồi tệ với những người lao động làm thuê trên một con đường đang được xây dựng chạy vòng vèo từ phía tây qua các ngọn núi sang Lào. Trong khi Thành và anh trai là con của một người thuộc tầng lớp có học được miễn lao dịch trong các dự án thì nhiều dân làng khác đã không có được may mắn đó. Trong số đó, những người may mắn trở về nhà mang theo thương tật cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều người khác sức khoẻ bị tàn phá bởi bệnh sốt rét, suy dinh dưỡng và làm việc quá sức đã bỏ xác. Mặc dù lao dịch thường áp dụng đối với những người nông dân vào thời kỳ đầu thực dân, nhưng những dự án như vậy thường có quy mô vừa và thời gian làm việc cũng không dài. Con đường sang Lào - là “con đường chết chóc” nổi tiếng với người Việt - đã trở thành nguyên nhân chính khiến nhân dân phản kháng chế độ thuộc địa mới.
Một trong những người bạn thân thiết của Nguyễn Sinh Sắc là nhà nho yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu, sống cách Kim Liên vài cây số. Cha của ông Châu đỗ tú tài, vì thế Châu được học hành từ nhỏ. Đối với Châu thì nỗi thống khổ của nước nhà còn quan trọng hơn hứa hẹn nơi quan trường. Khi còn trẻ, ông Châu đã lập một đội dân quân nhỏ gồm các thanh niên trong làng để tiếp bước cha anh chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Khi quân Pháp tiến vào làng đàn áp phong trào Phan Bội Châu coi như chính bản thân mình bị sỉ nhục, trốn vào rừng cùng đồng đội ẩn náu.
Sau đó, ông Châu tiếp tục học chữ nho và năm 1900 ông đỗ giải nguyên trong kỳ thi hội. Giống như Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội Châu cũng không muốn ra làm quan và ngay sau đó đã đi khắp các tỉnh miền trung đất nước chiêu mộ các sĩ phu cho phong trào liên kết chống lại triều đình phong kiến và chính phủ bảo hộ thực dân Pháp. Lúc này ông Châu bắt đầu đọc các tác phẩm của những người theo chủ nghĩa cải lương tiến bộ Trung Hoa như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu và tin rằng Việt Nam cần học phương Tây để tồn tại.
Khi đi đó đây, Phan Bội Châu thường dừng lại ở làng Kim Liên để thăm Nguyễn Sinh Sắc và Vương Thúc Quý, cùng bàn thế sự. Với khả năng ăn nói lưu loát và tính tình niềm nở, ông Châu là một người ủng hộ sự nghiệp cứu nước đầy thuyết phục đã gây được ấn tượng đối với Thành. Thành thường mang bình rượu hay ấm trà vào phòng khách khi ông Châu và ông Sắc cùng nhau đàm đạo trên chiếc chiếu mây. Người thanh niên nhạy cảm này đã đọc một số bài viết yêu nước của ông Châu khích lệ tinh thần phản kháng, cũng như coi thường truyền thống phong kiến và sự mục nát của triều đình Huế.[8]
Như nêu rõ trong các bài viết của mình, Phan Bội Châu cho rằng người Việt cần xoá bỏ hệ thống cũ tồn tại qua hàng nghìn năm để áp dụng những thể chế và công nghệ mới của nước ngoài. Tuy nhiên, ông tin rằng chỉ có tầng lớp sĩ phu mới có thể lãnh đạo nhân dân tiến hành cải cách và để nhận được sự ủng hộ của nhân dân, phong trào của ông phải đi theo con đường kỳ diệu của những thế kỷ trước. Kết quả là, đầu năm 1904, ông đã thành lập một tổ chức gọi là Duy Tân Hội nhằm thu hút sự ủng hộ của các sĩ phu yêu nước trên khắp đất nước, ông đã chọn Kỳ ngoại hầu Cường Để một người bất đồng chính kiến trong hoàng tộc nhà Nguyễn, làm người lãnh đạo trên danh nghĩa của hội với mục tiêu đánh đuổi giặc Pháp, thành lập nền quân chủ lập hiến.
Giống như những nhân vật tiến bộ đương thời ở Trung Hoa, Phan Bội Châu đã tìm được một mô hình cho chương trình của mình tại Nhật Bản nơi các thành phần theo chủ nghĩa cải lương thuộc tầng lớp quý tộc tập hợp xung quanh Nhật hoàng Minh Trị với mục đích thúc đẩy cải cách xã hội truyền thống Nhật Bản. Như nhiều người Việt Nam khác, ông thán phục thành công của quân đội Nhật trong cuộc chiến vừa diễn ra với quân Sa hoàng Nga, coi đó là bằng chứng của việc người châu Á có khả năng đánh bại xâm lược phương Tây. Ông Châu tin rằng Việt Nam có thể yêu cầu hỗ trợ từ bên ngoài để biến kế hoạch của mình thành hiện thực. Cuối năm 1904, ông tới Nhật Bản và thành lập một trường học ở Yahama để đào tạo những thanh niên Việt Nam yêu nước cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong tương lai. Mùa hè năm sau, ông trở về Huế bắt đầu chiêu mộ người trên khắp đất nước.[9]
Ngay sau khi trở về Việt Nam, Phan Bội Châu đã tới làng Kim Liên, đề nghị Nguyễn Tất Thành và anh trai Thành tham gia phong trào Đông Du của mình. Tuy nhiên, Thành đã khước từ lời đề nghị đó. Theo một số tài liệu, Thành quyết định như vậy vì cho rằng dựa vào người Nhật Bản để đuổi người Pháp chẳng khác gì với việc “đuổi hổ cửa trước, rước sói cửa sau”. Một số tài liệu khác cho rằng quyết định đó chính là của cha Thành. Trong tự thuật của mình được ký dưới bí danh, sau này Hồ Chí Minh đã giải thích, ông rất muốn tới Pháp để tìm hiểu tận nguồn bí quyết thành công của phương Tây.[10]
Thành quyết định từ chối lời đề nghị của Phan Bội Châu có thể là do một trong những lời giải thích của ông Châu. Khi Thành hỏi làm thế nào mà Nhật Bản có được sự thành công về công nghệ, ông Châu đáp lại do người Nhật bản đã học hỏi phương Tây. Ngay sau đó, Thành nói với cha mình muốn học tiếng Pháp. Ông Sắc chần chừ không muốn, vì lúc đó chỉ có những người Việt Nam cộng tác với Pháp mới phải lo học tiếng Pháp. Nhưng bản thân ông Sắc cũng bắt đầu hiểu sơ qua văn hoá phương Tây khi ông tham gia một câu lạc bộ bạn đọc và đọc những bài viết của các tác giả là những trí thức Trung Hoa theo chủ nghĩa cải lương tìm cách thuyết phục triều đình nhà Thanh thay đổi đường lối, nên cuối cùng ông đã bị thuyết phục bởi lập luận của con trai.
Lúc đầu, Thành có rất ít cơ hội để thực hiện mục tiêu mới của mình. Mùa hè năm 1905, Thành bắt đầu học tiếng Pháp và văn hoá Pháp dưới sự giúp đỡ của một người bạn của cha, cũng là nhà nho ở làng Kim Liên. Sau đó vào tháng chín, ông Sắc đã cho cả hai con theo học trường dự bị Pháp - Việt ở Vinh. Theo đề nghị của toàn quyền Paul Doumer, chính quyền Pháp đã quyết định thành lập các trường dự bị sơ cấp dạy tiếng Pháp và văn hoá Pháp tại tất cả các tỉnh miền trung Việt Nam. Chủ đích của Doumer là thu hút các học sinh từ trường dạy chữ nho để tạo nguồn nhân lực sau này cho chính quyền thuộc địa mới; các quỹ học bổng dành cho những học sinh khó khăn đã được thành lập. Nguyễn Sinh Sắc, tuy đã cố cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho nền giáo dục Nho giáo cổ truyền, lại bắt đầu tin rằng thế hệ trẻ cần phải thích nghi với thực tế mới và cần học những người chủ mới của đất nước. Ông thường trích lời Nguyễn Trãi - nho sĩ của thế kỷ XV - người từng cho rằng để chiến thắng kẻ thù cần phảỉ hiểu kẻ thù. Trong năm học sau đó, Thành và anh trai lần đầu tiên được thực sự làm quen với tiếng Pháp và văn hoá Pháp. Họ cũng bắt đầu học chữ quốc ngữ, là ngôn ngữ thường ngày Việt Nam được chuyển sang hệ chữ cái La-tinh, được các nhà truyền giáo dòng Chúa Cứu thế sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ 17 và được các sĩ phu tiến bộ truyền bá nhằm thay thế chữ Hán rắc rối đang được sử dụng trong nhiều thế kỷ.
Từ năm 1901, khi giành được học vị phó bảng, Nguyễn Sinh Sắc đã từ chối kiên quyết không ra làm quan với lý do sức khoẻ không tốt và nặng gánh gia đình, tuy nhiên khi được triệu vào triều vào tháng 5 năm 1906, ông thấy không thể từ chối được nữa nên đã nhận lời. Để người con gái trông nom ngôi nhà ở Kim Liên, ông Sắc trở lại kinh thành cùng với hai con trai vào tháng 6. Lần này họ lại đi bộ nhưng chắc thuận lợi hơn so với lần trước bởi hai cậu bé giờ đã đến tuổi trưởng thành. Trên đường đi, Sắc kể những câu chuyện về Nguyễn Trãi và các nhân vật lịch sử nổi tiếng khác trong khi Thành đố anh trai tên của những vị vua Việt Nam.[11]
Kinh thành đã thay đổi khá nhiều so với trước. Hoàng thành, với những tường cao màu xám và cột cờ lớn, vẫn sừng sững nằm trên bờ bắc sông Hương êm đềm chảy dọc dưới nước từ những rặng núi trên dãy Trường Sơn ở phía tây. Trên những thuyền tam bản dọc sông, những cô gái làng chơi với mái tóc đen bồng bềnh làm người Việt Nam say đắm chào mời khách trên bờ sông. Tuy nhiên, cũng có một số thay đổi dễ nhận thấy. Mùa hè hai năm trước, một cơn bão lớn đã đổ vào toàn bộ khu vực duyên hải miền trung, phá huỷ cây cối để lại những vũng nước đầy rêu hai bên bờ sông. Dọc theo bờ Nam, ngang qua dòng sông phía kinh thành, những cửa hàng không có gì đặc biệt trong khu thương mại cổ của thành phố đã nhanh chóng được thay thế bởi những ngôi nhà kiểu châu Âu được quét vôi trắng là nơi đặt văn phòng của các cố vấn Pháp.
Tới Huế, ông Sắc và hai con trai sống tạm tại nhà của một người bạn nhưng sau đó được phân một căn phòng nhỏ ở gần cổng chợ Đông Ba ở nam kinh thành. Ngôi nhà được dựng bằng gỗ có lợp ngói từng là trại lính, nay là nơi ở của các quan nhỏ trong triều. Phòng của ông Sắc nhỏ chỉ vừa đủ kê một chiếc bàn và một cái giường. Căn phòng không có bếp riêng và nước máy, do đó những người trong gia đình phải đi lấy nước giếng hoặc nước kênh gần kề ngay bên ngoài cổng chợ Đông Ba. Họ ăn uống đạm bạc, bữa ăn chủ yếu gồm cá kho mặn, rau, muối vừng và loại gạo rẻ tiền. Công việc nấu nướng do Thành đảm nhận. Mặc dù điều kiện ở đây tốt hơn nhiều so với phần lớn đồng bào của họ ở nông thôn nhưng rõ ràng điều kiện ăn ở của họ thật đơn sơ so với những quan lớn trong triều.[12]
Ngay sau khi tới Huế, ông Sắc đã nói chuyện với người đỡ đầu của mình là Cao Xuân Dục, một vị quan làm việc tại Viện Lịch sử và là người đã giúp đỡ ông trong lần đầu sống ở kinh thành. Nhờ sự can thiệp này tại triều đình, ông Sắc được bổ nhiệm làm thanh tra tại Bộ Lễ có trách nhiệm giám sát sinh viên trong Quốc Tử Giám. Đó không phải là vị trí có uy tín đặc biệt cho một người có bằng cấp như ông bởi phần lớn các phó bảng khoa 1901 đều đã được thăng tiến trở thành quan huyện hoặc các chức quan khác cao hơn trong triều. Tuy nhiên việc Nguyễn Sinh Sắc từ lâu đã từ chối ra làm quan khiến cho triều đình chú ý và nghi ngờ lòng trung thành của ông.[13]
Đối với ông Sắc, thời gian làm việc trong triều rõ ràng là quãng đời rất khó chịu. Ông bắt đầu không thoải mái đối với nghĩa vụ phục vụ nền quân chủ bù nhìn trong tay kẻ thống trị ngoại bang. Ông băn khoăn về ý nghĩa đương thời của câu nói truyền thống “trung quân ái quốc?” Ông bắt đầu trao đổi với bạn bè về sự cần thiết phải cách tân hệ thống cũ, vì theo ông đã ngày càng trở nên mục nát và không thích hợp, ông khuyên học trò không nên mưu cầu quan trường. Trong con mắt ông, sự hiện diện của quan lại chỉ để bức hại dân lành.
Nỗi thất vọng của Nguyễn Sinh Sắc về sự suy đồi của chế độ cũ rất có cơ sở. Mô hình hành chính Nho giáo luôn dựa vào đạo lý như là phương tiện để duy trì năng lực và sự liêm chính của các quan lại được tuyển chọn qua hệ thống thi cử. Trên lý thuyết, các quan địa phương, được thấm nhuần từ thời thơ ấu về một hệ thống các giá trị đạo đức xã hội dựa trên sự cống hiến cho cộng đồng, sự chính trực cá nhân và lòng nhân đức phải tuân theo những nguyên tắc này trong việc sử dụng quyền lực với các đối tượng dưới quyền. Khuynh hướng ngạo mạn và tự tư tự lợi của quan lại có thể được khống chế bởi người trị vì đầy nghị lực và lòng nhân đức đứng ở vị trí tối cao trong chế độ. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ XIX, sự suy yếu của triều đình đã dẫn tới sự tan rã thật sự của các thể chế Nho giáo trong xã hội Việt Nam cũng như tới uy tín và quyền lực của nhà vua. Thiếu sự chỉ đạo từ Huế, quan lại dễ dàng lạm dụng quyền hạn vơ vét cho đầy túi, làm lợi cho bạn bè và người thân. Đất công dành cho gia đình nghèo giờ đây bị những người giầu chiếm đoạt và những người này được miễn - giảm tô hằng năm.
Ông Sắc không phải là Nho sĩ duy nhất không tuân lệnh triều đình. Lúc đó tiếng nói của vị quan trong triều Phan Chu Trinh lần đầu tiên được nhân dân biết tới. Ông Trinh đỗ phó bảng cùng năm với Nguyễn Sinh Sắc. Sinh tại tỉnh Quảng Nam năm 1872, ông Trinh là con út trong số ba người con trong gia đình. Cha ông là một quan võ đã từng thi trượt. Tin rằng con đường cũ là vô dụng, cha ông đã đứng trong đội ngũ phong trào Cần Vương nhưng sau đó ông bị nghi là phản bội và bị những người nổi dậy hành quyết. Bản thân ông Trinh từng làm việc tại Bộ Lễ vào năm 1903, nhưng ông đã rất khó chịu về tệ tham nhũng, sự thiếu năng lực của quan lại trong triều đình và các quan lại địa phương. Ông công khai nêu vấn đề này trước học trò đang chuẩn bị cho kỳ thi hội năm 1904. Ông bắt đầu nghiên cứu các bài viết của các nhà cải lương Trung Hoa và năm 1905 ông từ quan, đi khắp đất nước trao đổi với các sĩ phu về các hoạt động tương lai.
Cuối cùng ông Trinh gặp Phan Bội Châu ở Hong Kong và cùng ông Châu tới Nhật Bản, ông Trinh ủng hộ nỗ lực của Châu trong việc đào tạo một thế hệ trí thức mới Việt Nam, nhằm cứu nước khỏi hoạ diệt vong, nhưng không tán thành quyết định của ông Châu dựa vào sự ủng hộ của một thành viên triều đình. Theo ông Trinh, nên hợp tác với người Pháp với hy vọng họ sẽ tiến hành cách tân để thay đổi xã hội Việt Nam. Tháng tám năm 1906 ông viết một bức thư gửi toàn quyền Paul Beau nói về những điều ông cho là “tình cảnh đặc biệt nguy cấp” của đất nước.
Trong thư, ông Trinh thừa nhận người Pháp đã mang lại một số lợi ích cho nhân dân Việt Nam bao gồm giai đoạn phát triển đầu tiên về hệ thống giao thông liên lạc hiện đại. Tuy nhiên, ông cho rằng sự dung túng bộ máy quan liêu triều đình ở miền trung Việt Nam, chính quyền thuộc địa đã duy trì bộ máy tham nhũng mục nát, làm phức tạp thêm tình hình bởi việc đối xử trịch thượng và khinh miệt đối với nhân dân Việt Nam, do đó làm nảy sinh thái độ thù địch trong dân chúng. Ông Trinh đề nghị Toàn quyền Paul Beau cách tân hệ thống pháp luật và giáo dục để phá bỏ chế độ cũ, đưa vào các thể chế chính trị hiện đại cũng như khái niệm dân chủ phương Tây. Nếu làm được như vậy, nhân dân Việt Nam sẽ biết ơn ông mãi mãi.
“Với nỗi đau sâu thẳm từ đáy lòng và không biết bày tỏ sự thật với ai, tôi đành mượn ngòi bút viết những suy nghĩ thẳng thắn của tôi tới ông. Nếu chính phủ Pháp, thực sự muốn đối xử với nhân dân An Nam tự do hơn, họ nên chấp thuận sáng kiến và lời khuyên của tôi. Chính phủ Pháp sẽ mời tôi trình bày trước các đại diện của chính phủ về vấn đề này. Khi tới ngày đó, tôi sẽ cởi mở hết mình, sẽ cho họ biết chúng tôi đã chịu đựng đau khổ và cần những gì. Tôi thật sự hy vọng những điều đó sẽ thức tỉnh cũng như sự hồi sinh của dân tộc tôi”.[14]
Lá thư của Phan Chu Trinh được công bố đã gây chấn động giới trí thức trong nước, nhất là những nơi chống lại nhà cầm quyền thuộc địa đang phát triển. Đằng sau chiếc mặt nạ “sứ mệnh truyền bá văn minh”, người Pháp ra sức khai thác các nguồn tài nguyên kinh tế Đông Dương, truyền bá nghi lễ ngoại lai gây ra sự bất bình trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Quan lại, sĩ phu tức giận vì việc người Pháp chỉ trích các thể chế Nho giáo. Nông dân nổi giận vì các loại thuế mới ban hành đánh vào rượu, muối và thuốc phiện mà chính quyền Pháp áp đặt biến Đông Dương trở thành một lãnh địa tự cung tự cấp. Thuế rượu rất nặng, người Việt Nam bị cấm nấu rượu từ gạo - một truyền thống sản xuất rượu thủ công lâu đời qua nhiều thế kỷ - bắt họ phải mua các loại rượu đắt tiền nhập từ Pháp. Những người nông dân phải rời làng quê đi kiếm việc làm nhưng môi trường mới không đem lại kết quả tốt hơn. Điều kiện sống và làm việc trong các đồn điền cao su ở Nam Bộ rất khắc nghiệt, các phu đồn điền thường bị ốm và chết. Mặc dù việc mộ phu dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế họ thường bị cưỡng bức. Tình cảnh của những người công nhân làm việc trong nhà máy hay tại các mỏ than cũng chẳng tốt hơn vì lương thấp, thời gian làm quá việc dài và điều kiện sống rất cùng cực.
Ấy thế Phan Chu Trinh vẫn hy vọng người Pháp sẽ thực hiện trách nhiệm truyền bá văn minh cho Đông Dương. Ông không phải là người duy nhất tìm kiếm câu trả lời từ phương Tây về nỗi thống khổ của dân tộc. Đầu năm 1907, một nhóm những người trí thức tiến bộ ở Hà Nội thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục theo khuôn mẫu của một trường mới được nhà cách tân Fukuzawa Yukichi thành lập ở Nhật Bản. Trường là một thể chế độc lập với mục đích khuếch trương tiến bộ phương Tây và tư tưởng của Trung Hoa trong thế hệ người Việt Nam sau này. Đến giữa hè năm đó, trường đã có hơn 40 lớp học với 1.000 học sinh. Trong khi đó Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động tích cực tại Nhật Bản, thu hút thanh niên Việt Nam đến với chương trình đào tạo của mình và viết những cuốn sách nhỏ gửi về Đông Dương nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân. Trong số đó có cuốn Việt Nam Vong Quốc Sử, nhưng thật trớ trêu, cuốn sách lại viết bằng chữ Hán.
Trong một vài tháng, các hoạt động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục không hề bị quan chức Pháp ở Bắc Bộ để ý nhưng sau đó họ bắt đầu nghi ngờ mục tiêu của trường không chỉ là giáo dục và buộc trường phải đóng cửa vào tháng 12. Tuy nhiên, người Pháp đã không làm gì để làm lắng xuống cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người Việt Nam về việc bảo đảm sự tồn tại của đất nước. Bản thân Nguyễn Sinh Sắc cũng rất tức giận, khi nhận xét về một bài giảng tại Quốc Tử Giám, rằng làm việc cho triều đình là hình thức nô lệ tồi tệ nhất - quan lại chẳng là gì và thực chất chỉ là kẻ nô lệ làm việc theo mệnh lệnh của một xã hội nô lệ. Tuy nhiên, ông Sắc thấy khó đưa ra một giải pháp. Nhiều năm sau, Hồ Chí Minh nhớ lại, cha ông thường hỏi đi hỏi lại, người Việt có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của nước nào: Anh, Nhật Bản hay Hoa Kỳ?[15
Chú thích:
[1] Trương Bửu Lâm, “Việt Nam kháng chiến chống Pháp, 1858-1900” (NXB Đại học Yale, New Haven, 1967), trang 127-128
[2] Thông tin về Nguyễn Sinh Sắc rất khan hiếm. Tôi đã dựa trên cuộc phỏng vấn giữa tôi với nhân viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở làng Kim Liên và hai nghiên cứu gần đây của Ban nghiên cứu của tỉnh Nghệ Tĩnh mới công bố tại Việt Nam. Cuốn “Bác Hồ thời niên thiếu” (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1989). Theo Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, lần theo dấu vết gia phả, giòng họ Nguyễn Bá Phụ di cư đến làng Kim Liên từ thế kỷ XVI (trang 13)
[3] Ngày sinh của Hồ Chí Minh gây rất nhiều tranh luận. Khi trưởng thành, ông đưa ra một số ngày sinh khác nhau, có thể đây là sự gây khó khăn cho chính quyền. Ví dụ, trong một bản tự khai ở Moscow, ông sinh năm 1903; trong một văn bản khác, ông đưa ra sinh năm 1894. Nguồn tin chính thức tại Hà Nội, khẳng định ông sinh vào năm 1890, nhưng một số nhà nghiêm cứu hoài nghi khi đi tìm sự thật với bằng chứng liên quan đến thời thơ ấu của ông. Chẳng hạn như chuyến đi dài ngày của ông đến Huế với gia đình năm 1895 và các hoạt động thời thơ ấu khác, những sự kiện đó làm cho người ta nghi ngờ về tính xác thực về ngày sinh. Xem Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 17. Có nhiều giả thuyết về ngày sinh của ông. Một số nó được chọn để trùng với ngày thành lập Mặt Trận Việt Minh năm 1941. Lại có ý kiến lấy cớ kỷ niệm sinh nhật ông treo cờ để chào đón phái đoàn Pháp đến Hà nội vào mùa xuân 1946. Xem Huỳnh Kim Khánh, “Cộng sản Việt nam, 1925-1945” (NXB Đại học Cornell, Ithaca, N.Y, 1982) trang 52. Cuộc phỏng vấn ông Vũ Thư Hiên (Tạp chí Chính trị Thế giới, 1997), tại thời điểm ông ra đời, người dân Việt nam thường sử dụng ngày tháng âm lịch và khả năng cao chính bản thân Hồ cũng không bao giờ biết rõ ngày sinh của mình
[4] Xem Sơn Tùng, “Chuyện thời niên thiếu Bác Hồ ở Huế”, trang 25-29. Xem thêm Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 39-40. Theo Phú, hàng xóm đã dỗ cậu bé Cung đứng khóc trước hiên nhà, vì theo luật không được thể hiện sự đau khổ gần Hoàng Thành. Câu chuyện này dựa vào “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”; “Bác Hồ thời niên thiếu”; Đức Vượng, “Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh” (NXB Chính trị Quốc gia, 1993, Hà Nội); Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”; và “Di tích Kim Liên quê hương Bác Hồ” (NXB Nghệ Tĩnh, 1985); cũng như những cuộc phỏng vấn với cán bộ Khu lưu niệm Hồ Chí Minh ở Kim Liên
[5] Có lần Sắc nói đùa với một người khách, bằng cách chơi chữ hai người con trai của mình rằng tên của chúng là “không cơm” hoặc “không gạo” - xem “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 29. Xem thêm “Di tích Kim Liên…” trang 36-40. Nguyễn Sinh Sắc bi quan trước thời cuộc có lẽ do ảnh hưởng chuyện thi Hội và chỉ nhờ sự can thiệp của một người bạn có thế lực tại triều đình mà ông có được học vị - xem Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 46-47
[6] Trích “Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta” (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1967, trang 26). Những nhận xét tương tự, xem Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 21, 36
[7] Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 34-35
[8] Trong một lần uống rượu tại nhà Sắc, Phan Bội Châu nhấn mạnh, ông không hề muốn học sách xưa và ngâm một bài thơ nhạo báng “sách thánh hiền”. Hai mươi năm sau, khi gặp lại Phan Bội Châu ở Hoa Nam, Nguyễn Tất Thành nhắc lại bài thơ này cho Phan Bội Châu. Xem “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 35; trích Phan Bội Châu “Phan Bội Châu niên biểu” (Tạp chí Văn Sử Địa, Hà Nội, 1955, trang 55). Xem thêm Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 22-23, và Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 51-52
[9] Về sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu có thể tìm thấy trong hai tự truyện của ông: “Phan Bội Châu niên biểu” và “Ngục Trung Thu” (xuất bản tại Sài gòn). Để phân tích, xem David G. Marr, “Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân, 1885-1925” (NXB Đại học California, Berkeley, California, 1971); William Duiker, “Sự trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam, 1900-1941” (NXB Đại học Cornell, Ithaca, New York, 1976); và Vinh Sinh, ed., “Phan Bội Châu và phong trào Đông Du” của (Yale Center for International và Area Studies, New Haven, 1988)
[10] Cuốn thứ nhất, xem Trường Chinh, “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lãnh tụ kính yên của nhân dân Việt Nam” (NXB Ngoại văn, 1966), trang 10-11. Bản thứ hai, xem Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 51. Theo Nguyễn Đắc Xuân, cụ Châu đã gặp Thành trên phà. Kobelev cho rằng, chẳng qua Thành mượn cớ phải xin phép bố để từ chối lời mời - xem Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 18. Theo Hồng Hà, “Thời niên thiếu của Bác Hồ”, Phan Bội Châu cử người tới làng Kim Liên, chứ không phải cụ đích thân đến gặp, xem trang 11. Xem thêm “Bác Hồ” (NXB Ngoại văn, 1972, trang 15-16), chương đầu cuốn này trích dẫn từ cuốn “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”
[11] “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 53; Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập I, trang 35; “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ”, trang 51
[12] Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 186 (tháng 5 và 6-1979). Xem thêm Trịnh Quang Phú, “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, trang 45). Căn nhà này trên đường Mai Thúc Loan, gần nơi họ ở lần cuối tại Huế
[13] Thời đó, phẩm truật triều đình Huế chia ra làm cửu phẩm (chín phẩm hàm), mỗi phẩm chia ra làm hai cấp. Nguyễn Sinh Sắc được phong Thất Phẩm bậc 2 (Tòng Thất phẩm). Biên niên sử tập 1 trang 35. Theo Nguyễn Đắc Xuân, “Thời niên thiếu của Bác ở Huế”, trang 54-55, Cao Xuân Dục thuyết phục Sắc nhận một chỗ tại Bộ Lễ để Sắc có thể ở lại ở Huế và con cái có điều kiện học hành. Dục nói, ở tuổi Sắc, nếu không nhận một chức vụ trong triều thì chỉ còn cách trở thành kẻ nổi loạn. Sắc đồng ý, nhưng chỉ nhận chức quan mọn để ông không phải phụng sự chế độ tham nhũng
[14] Bản gốc tiếng Pháp trong Tập San Trường Viễn Đông (tháng 3 và 6-1907), trang 166-175. Để thảo luận, xem Phan Chu Trinh, “Nhà Nguyễn” (xuất bản ở Sài gòn, 1956)
[15] “Bác Hồ thời niên thiếu”, trang 60. Trong lá thư gửi người anh họ trong làng, Sắc viết một bài thơ ý thâm nho, bí ẩn:
Đời người như giấc chiêm bao
Trôi nhanh tựa đám mây hồng mà thôi
Có tài chớ cậy chi tài
Tài nhiều hạn lắm nhớ điều ai ơi!
Trong “Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ” trang 58