Dịch giả: LÂM HOÀNG MẠNH - NGUYỄN HỌC
CHƯƠNG III
NHÀ CÁCH MẠNG TẬP SỰ

     uối mùa hè năm 1923, nước Nga Xô viết vẫn trong giai đoạn phục hồi sau gần 7 năm chiến tranh cách mạng và nội chiến đầy gian khó. Bên ngoài Petrograd, Moscow và một số thành phố lớn khác ở các vùng châu Âu của nước Nga, theo hồi ức của Lev Trotsky, cách mạng tháng Mười là một “cuộc cách mạng qua điện tín”. Ở các làng quê và thị trấn nằm rải rác thuộc đế quốc Nga rộng lớn, Lenin chỉ có khoảng 50.000 người Bolsevich - thời điểm diễn ra các cuộc nổi dậy -, được sự ủng hộ ít ỏi của hàng triệu nông dân Nga, những người không hiểu gì về tư tưởng Marx, thậm chí còn không quan tâm đến số phận của cách mạng thế giới.
Lúc đầu, Ban lãnh đạo cuộc cách mạng đã cố gắng hợp pháp hoá thông báo về sự ra đời của chính phủ mới bằng cách gửi điện tín cho tất cả các đơn vị hành chính. Nhưng chẳng mấy chốc mọi người nhận thấy một tờ giấy như vậy chưa đủ để đưa ra quyền lực cách mạng đến được vùng xa xôi của Sa hoàng. Vài tuần sau khi tấn công Cung điện Mùa đông vào tháng 10-1917 (lịch Nga), các lực lượng đối lập bắt đầu xuất hiện: Các phần tử Bạch vệ trung thành với Sa hoàng Nikolai Đệ nhị và nền quân chủ cũ; các lực lượng dân tộc trong các nhóm dân tộc thiểu số dưới đế chế cũ, từ Ukraina đến Trung Á; thậm chí cả các đội quân nước ngoài đóng ở Nga để giúp đánh Đức.

Chính quyền Bolshevik đã cấp tốc huy động nhân lực lấy từ công nhân và bần cố nông để xây dựng lực lượng Hồng Quân. Sau ba năm đổ máu, cuối cùng chính phủ đã trấn áp được các lực lượng phản cách mạng và thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với nhà nước Xô Viết mới. Nhưng trong quá trình đó, chính phủ đã xa rời các tầng lớp chủ chốt trong xã hội Nga, kể cả nông dân, những người mà mùa màng của họ bị nhà nước trưng thu để nuôi Hồng Quân và người lao động trong các thành phố, các thành viên của các nhóm dân tộc không phải là người Nga mà lãnh đạo của họ đã bị đánh bại và làm suy yếu bởi lực lượng an ninh Xô-Viết và những người khác bị lực lượng an ninh bí mật của Feliks Dzerzhinsky bắt giữ và hành quyết, -với cái tên viết tắt Cheka (Chrezvychainyi Komiter-Uỷ Ban Đặc Biệt).
Đảng Bolsevich đã cấp tốc huy động nhân lực từ lực lượng công nhân, bần cố nông để xây dựng lực luợng Hồng quân. Sau ba năm đổ máu, cuối cùng chính phủ đã trấn áp được các lực lượng phản cách mạng, thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước Xô viết mới. Nhưng trong quá trình đó, chính phủ đã xa rời các tầng lớp chủ chốt trong xã hội Nga kể cả nông dân, những người mà mùa màng của họ bị nhà nước trưng thu để nuôi Hồng quân và người lao động trong các thành phố, các thành viên của các nhóm dân tộc không phải là người Nga mà lãnh đạo của họ đã bị đánh bại và làm suy yếu một cách không thương tiếc bởi lực lượng an ninh Xô viết, và những người khác bị lực lượng an ninh của Feliks Dzerzhinsky bắt giữ và hành quyết, thường được biết đến với cái tên Cheka ( Chrezvychainyi Komiter -Uỷ ban Đặc biệt).
Trong khi nước Nga cố gắng phục hồi sau nội chiến, Lenin nhận thấy nước Nga cần phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trước khi bắt đầu quá trình chuyển đổi khó khăn lên chủ nghĩa xã hội. Năm 1921, ông thúc đẩy một chương trình phát triển kinh tế - xã hội ôn hoà, còn gọi là Chính sách kinh tế mới gọi là NEP. Các nhân tố chính của chương trình này kết hợp các kỹ thuật của tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa để tăng cường sản xuất, trong khi đó phổ biến khái niệm sở hữu của chủ nghĩa xã hội và duy trì sự quản lý vững chắc của Đảng đối với hệ thống chính trị. Các ngành mũi nhọn và công ích và các ngân hàng vẫn nằm trong tay nhà nước nhưng doanh nghiệp tư nhân thì hoạt động ở các cấp độ thấp hơn. Việc trưng thu ngũ cốc bắt buộc, gây ra sự bất ổn nghiêm trọng ở khu vực nông thôn, giờ đ ây được thay thế bằng việc đánh thuế sản xuất. Đất đai vẫn nằm trong tay tư nhân.
Những ngày đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc ở thiên đường xã hội chủ nghĩa mới mà trước đó ông đã mô tả đầy nhiệt huyết trong các bài báo viết ở Pháp, chắc hẳn đã làm cho ông ít nhiều mất đi nhuệ khí. Sau khi rời tàu Karl Liebknecht ở bến cảng Petrograd, ông bị một nhân viên nhập cảnh trẻ nghi ngờ, thẩm vấn. Do thiếu giấy tờ chính thức ngoại trừ thị thực giả mang tên một nhà buôn Trung Quốc. Thị thực này trước đó được lãnh sự quán Xô viết ở Berlin chấp nhận, nhưng lại không có địa chỉ liên lạc trong thành phố, ông đã bị giam vài tuần “trong một không khí căng thẳng” cho đến khi lai lịch của ông được xác minh bởi một đại diện của Đảng cộng sản Pháp ở Moscow. Sau đó ông được phép đi lại và lên tàu đi Moscow vào cuối tháng 7. Sau khi ở tạm trong một khách sạn gần điện Kreml, ông được vào làm ở Văn phòng Viễn Đông (gọi tắt là Dalburo) tại trụ sở của Quốc tế Cộng sản đối diện với Bảo tàng Rumyantsev (nay là thư viện Lenin).[1]
Văn phòng Viễn Đông được thành lập do kết quả Đại hội lần thứ hai của Quốc tế Cộng sản năm 1920 theo đề nghị của Maring (tên thật Hendrik Sneevliet), đại biểu người Hà Lan, sau này có uy tín lớn, làm cố vấn cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Là một người tin tưởng sâu sắc vào tầm quan trọng của các vùng thuộc địa đối với tương lai của cách mạng thế giới, Maring đã đề nghị thành lập các phòng tuyên truyền cho Trung Đông và Viễn Đông cũng như mở một Viện Marxist ở Moscow đào tạo các nhà lãnh đạo cách mạng châu Á có triển vọng. Với việc các luận chứng của Lenin sắp được thông qua, đề nghị của Maring được chấp thuận, tháng 6-1920, tại một cuộc họp của Uỷ ban Điều hành Quốc tế Cộng sản, Văn phòng Viễn Đông được thành lập dưới sự dẫn dắt của G. Safarov - nhà Đông phương học người Nga.[2]

Những tháng sau đó, các nhà lãnh đạo Quốc tế Cộng sản thực hiện một số bước đi khác để thúc đẩy thiết lập phong trào cách mạng ở châu Á và châu Phi. Tất cả các Đảng cộng sản ở Tây Âu được hướng dẫn thiết lập các Uỷ ban thuộc địa để đánh giá tình hình, ủng hộ cuộc đấu tranh những người bị áp bức ở thuộc địa (do đó Ban Nghiên cứu Thuộc địa đặt ở Pháp). Đồng thời đưa ra các kế hoạch thiết lập các viện đào tạo ở nước Nga Xô viết để truyền bá cho những người có tư tưởng cấp tiến châu Á, châu Phi và chuẩn bị cho họ quay về quê hương tiến hành các hoạt động cách mạng.
Đến lúc đó, Quốc tế Cộng sản III bắt đầu tham gia vào một số hoạt động ban đầu ở Đông Á. Mùa xuân năm 1920, Grigori Voitinsky - đại diện của Quốc tế Cộng sản - được cử sang Trung Hoa để liên lạc với các nhà cách mạng ở đó. Các đại diện khác đóng ở Vladvostok cũng sang Thượng Hải, Sài Gòn và Singapore thiết lập đường dây liên lạc với các phần tử cấp tiến, giúp họ hoạt động cách mạng. Tháng 11-1920, có tin hai người Nga vừa chân ướt chân ráo đến Sài Gòn đã bị trục xuất do bị nghi vấn đã thực hiện các hoạt động đó.[3]
Với bản chất hăng hái, nhiệt tình, Nguyễn Ái Quốc đã không để phí thời gian làm cho mọi người biết đến sự hiện diện của mình. Chẳng bao lâu sau khi đến Moscow, ông viết một bức thư gửi Uỷ ban Trưng ương Đảng cộng sản Pháp, chỉ trích các đồng sự của mình đã không chú ý gì đến các quyết định của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ tư và mở rộng các hoạt động về các vấn đề thuộc địa. Trong khi ông công nhận Đảng cộng sản Pháp đã bước đầu tuân thủ lệnh của Quốc tế Cộng sản III thiết lập Ban Nghiên cứu Thuộc địa cũng như có một chuyên mục thường kỳ về vấn đề thuộc địa trên tờ báo của đảng L’Humanite (Nhân Đạo), ông phàn nàn trong những tháng gần đây, chuyên mục đó đã bị đình lại vì do ông vắng mặt, uỷ ban trên hầu như đã chết rồi. Ông nêu rõ, “các tuyên bố đưa ra tại Đại hội toàn quốc ủng hộ người dân thuộc địa đã giúp củng cố tình cảm của họ đối với Đảng”, nhưng “nếu chỉ lặp đi lặp lại một điều mà không thực hiện thì không hợp lý”. Người dân thuộc địa, thấy có nhiều lời hứa mà có rất ít việc làm cụ thể, sẽ bắt đầu tự hỏi liệu những người cộng sản có nghiêm túc không hay chỉ bịp bợm. Cuối thư, ông nhắc nhở rằng một điều kiện then chốt để gia nhập Quốc tế Cộng sản III là vận động một cách hệ thống để ủng hộ công cuộc giải phóng người dân thuộc địa.[4]
Đồng thời Nguyễn Ái Quốc viết báo cáo lên Đoàn chủ tịch của Ban điều hành Quốc tế Cộng sản III, nêu chi tiết ý tưởng của mình về phương thức thúc đẩy đấu tranh cách mạng ở Đông Dương. Theo như ông mô tả, tình hình hầu như chẳng có hứa hẹn gì. Bắc Kỳ và Nam Kỳ dưới sự kiểm soát trực tiếp của người Pháp, trong khi Trung Kỳ về danh nghĩa vẫn nằm dưới quyền của triều đình, nhưng thực tế cũng nằm dưới ách đô hộ thực dân. Giới vô sản thành thị chỉ chiếm 2% tổng dân số và chưa có tổ chức. Tầng lớp trung lưu nhỏ, chủ yếu sống ở các thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn và ở các thành phố là thủ phủ của các tỉnh trên toàn đất nước, tuy nhiên, về mặt kinh tế, bộ phận dân cư này chủ yếu là Hoa kiều. Giai cấp tư sản bao gồm các tiểu thương, viên chức, nhân viên chính phủ ở cấp thấp, số thợ thủ công rất ít và quan điểm chính trị không kiên định, mặc dù họ thực sự có xu hướng ủng hộ sự nghiệp độc lập dân tộc. Nông dân bị đàn áp nặng nề, nếu được tổ chức họ sẽ là lực lượng đầy tiềm năng của phong trào cách mạng. Nhưng lực lượng chủ chốt trong chính sách hành động mạnh mẽ về chính trị lại là trí thức và sĩ phu yêu nước. Ông nói, chính họ đã phát động các cuộc khởi nghĩa chống chính quyền trước đây. Do đó nhu cầu cấp thiết cần có hoạt động phối hợp giữa những người yêu nước “cách mạng dân tộc” và một Đảng cộng sản.[5]
Những đề xuất của Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn theo chủ nghĩa Lenin, như đã được phản ánh sau này trong “Luận Cương Về Các Vấn Đề Dân Tộc và Thuộc Địa” của Lenin. Nhưng trong bối cảnh các sự kiện đang diễn ra tại Moscow, nơi mà sự quan tâm dành cho các vùng thuộc địa đã giảm sút mạnh mẽ kể từ những ngày nóng vội của Đại Hội Đệ Tam Quốc Tế lần thứ II, người ta nghi ngờ không biết các ý tưởng của ông có thu hút sự quan tâm của những người cấp trên không. Trong khi đó, các quan chức có ảnh hưởng ở Xô Viết dần dần nhận biết sự có mặt của nhà cách mạng trẻ đầy tham vọng đến từ Đông Dương và thực tế ông là một trong số ít nhà cộng sản châu Á sống ở Moscow, họ nhận thức được về những gì ông có thể làm. Trong suốt mùa hè năm 1923 đã có sự quan tâm mạnh mẽ tới quan điểm của Lenin về một chính phủ công nông ở các xã hội chưa trải qua thời kỳ cách mạng công nghiệp. Ở Prague, các phần tử theo chủ nghĩa dân tuý đã thiết lập tổ chức “Quốc tế Xanh” nhằm nhận được sự hỗ trợ của các nhóm nông dân ở khu vực. Nổi lên trong nỗ lực này là nhà cộng sản người Ba Lan, Thomas Dombal -còn gọi là Dabal-, đã bị chính phủ Ba Lan bắt và đưa sang Moscow vào mùa xuân năm 1923 để trao đổi tù binh với nước Nga Xô Viết.
Trong bối cảnh hầu hết những người Bolshevik, phản ánh quan điểm của những người theo chủ nghĩa Marxist châu Âu khác đứng đầu là Karl Marx, luôn nghi ngờ nông dân về bản chất là “tư sản” trên cơ sở khái niệm tài sản tư nhân, rất ít quan chức của Đệ Tam Quốc Tế quan tâm nhiều đến các ý tưởng của Dombal, nhưng họ đồng ý thúc đẩy thực hiện những ý tưởng này. Để chuẩn bị tổ chức một hội nghị mang tính tổ chức, họ tận dụng một cuộc triển lãm nông nghiệp quốc tế ở Moscow vào tháng Tám và quyết định tìm kiếm một phòng họp rộng cho người nước ngoài quan tâm đến nông thôn, những người có thể được nhận làm đại biểu của cuộc họp đó. Nguyễn Ái Quốc, dường như quan tâm đến mọi sự việc đang diễn ra ở Moscow, đã tham dự triển lãm khai trương lần đầu vào tháng Tám và người ta phỏng đoán ông đã được chọn làm đại biểu đại diện cho Đông Dương tại Hội Nghị Nông Dân Quốc Tế tổ chức tại Moscow vào ngày 10 tháng 10 năm 1923. Ông đã nói lên quan điểm của mình về vai trò của giai cấp nông dân trong báo cáo gửi Ban điều hành Quốc tế Cộng sản, khi ông nhận xét họ “rất yêu nước” vì họ bị bóc lột tàn nhẫn.[6]
Hội nghị được tổ chức tại Cung Andreyevskiy -, trong Điện Kremlin, Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách một trong 150 đại biểu đến từ 40 nước khác nhau. Mikhail Kalinin, một đảng viên kỳ cựu mới được cử làm Chủ Tịch Liên Bang Nga, đọc diễn văn khai mạc, trong khi một vị Bolshevik cựu trào, Gruigory Zinoviev, người đứng đầu Đệ Tam Quốc tế, trình bày quan điểm chính thức của Đảng về vai trò của nông dân trong cách mạng thế giới.
Ngày 13-10-1923 Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu tại Hội Nghị. Ông phát biểu bằng tiếng Pháp (vì chưa thạo tiếng Nga), ông không đề cập khả năng thông qua một “chiến lược nông thôn” ở các vùng thuộc địa cũng như việc nông dân cần phải có vai trò cụ thể trong tiến trình cách mạng châu Á. Ông trình bày một cách đơn giản không hoa mỹ về những điều kiện khó khăn của người nông dân ở nhiều xã hội thuộc địa châu Á, nêu rõ nông dân là nạn nhân chịu nhiều đau khổ nhất của chế độ đế quốc áp bức trong khu vực. Ông khẳng định, Đệ Tam Quốc Tế sẽ trở thành Quốc tế Cộng sản theo đúng nghĩa chỉ khi nào có sự tham gia tích cực của đại diện của giới nông dân châu Á.1
Kết thúc Hội nghị, ban tổ chức đã đồng ý thành lập Quốc tế nông dân mới (tiếng Nga Krestiansky International, viết tắt là Krest-intern). Mục đích của tổ chức này “thiết lập và duy trì quan hệ vững chắc với các hợp tác xã và các tổ chức chính trị và kinh tế của nông dân ở khắp các nước” “điều phối các tổ chức nông dân và các nỗ lực của nông dân nhắm thực hiện khẩu hiệu xây dựng một chính quyền công nông”. Một Hội đồng nông dân quốc tế cũng đã được thiếp lập và Nguyễn Ái Quốc được bầu làm một trong 11 thành viên của Đoàn chủ tịch. Chức vụ Tổng thư ký Hội Quốc tế nông dân được trao cho một quan chức có uy tín của phe Bolsevich là Alexandr Smirnov và Dombal được cử làm trợ lý.[7]
Tháng 12 năm 1923, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu theo học tại Trường Đại Học Cộng sản Toilers các khóa  phương Đông học. Trường thành lập theo lệnh của Lenin năm 1921, theo quyết định của Đại Hội Đệ Tam Quốc tế lần thứ II vào năm trước. Lúc đầu trường được đặt dưới quyền Uỷ Ban Nhân Dân Các Dân Tộc của Joseph Stalin vì thế trở nên nổi tiếng với cái tên “Trường Stalin”. Dưới sự chỉ đạo của Stalin, trường này trở thành học viện hàng đầu đào tạo các nhà cách mạng châu Á được mời đến nước Nga Xô Viết cũng như các cán bộ không phải người Nga đến từ các vùng phía đông của đế chế Sa Hoàng cũ. Học viện thứ hai, Trường Quốc Tế Lenin, được thành lập để đào tạo các cán bộ cao cấp đến từ các nước Tây Âu.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc có một bài báo ngắn bằng Pháp ngữ đăng trên tờ La Vie Ouvriere (Đời Sống Công Nhân) trong đó mô tả đặc điểm của trường. Thông tin này, cùng với tài liệu các sở tình báo Pháp thu thập được lúc đó và công trình mới hoàn tất của các nhà nghiên cứu Nga ở Moscow đã cho thấy một bức tranh khá rõ nét và các hoạt động của trường. Trong thời gian ông học ở đó, có hơn 1.000 sinh viên đến từ 62 nước khác nhau. Hầu hết những người nhập học đến từ các vùng Xô Viết chiếm đóng ở Trung Á, nhưng cũng có một số người nước ngoài, trong đó có một vài người Trung Quốc và Triều Tiên. Không có sinh viên nào đến từ Đông Dương trước khi ông Nguyễn Ái Quốc đến. Gần 900 người là đảng viên của các Đảng Cộng sản và khoảng 150 người là phụ nữ. Khoảng một nửa trong số đó xuất thân từ các gia đình nông dân, trong khi số người còn lại là công nhân và “trí thức vô sản”.
Có 150 giảng viên ở trường, dạy nhiều khoa khác nhau, trong đó có khoa học xã hội và tự nhiên, toán học, lịch sử cách mạng và phong trào công nhân, học thuyết Marx về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Dạy học không dùng các bài giảng mà qua việc sử dụng phương pháp Socrat, theo đó sinh viên được giao cho các chủ đề cá nhân để chuẩn bị với sự giúp đỡ của giảng viên và thảo luận trên lớp. Các giáo trình gồm có cuốn “Nhà nước và Cách mạng” của Lenin, “Cách mạng tháng Mười và Chiến thuật của chủ nghĩa cộng sản Nga” của Stalin và cuốn “Lịch sử Nga: Một chặng đường ngắn” của I.M. Yaroslavsky. Trường đóng trong một toà nhà mười tầng với trụ sở đặt ở tu viện cổ ở phố Tverskaya (nay là phố Gorki), các quán cà-phê và nhà ở tập thể ở gần đồn công an cũ.[8]
Trường được quản lý theo quy định nghiêm ngặt của quân đội, sinh viên không chỉ học trên lớp mà còn được đào tạo nghiệp vụ quân sự và được dạy về các hoạt động cách mạng có ích, như làm thế nào để kêu gọi đình công và phương pháp tuyên truyền. Ban đầu các lớp được dạy bằng tiếng Pháp hoặc bằng tiếng mẹ đẻ của sinh viên, nhưng sau đó sinh viên được khuyến khích nói chuyện bằng tiếng Nga, -(một yêu cầu không phải lúc nào cũng thực hiện). Chỗ ở được miễn phí nhưng tất cả các sinh viên được khuyến khích thay phiên nhau làm các công việc hành chính hoặc làm việc trong nhà bếp. Các chi bộ đảng được thành lập để kiểm soát hành vi của các đảng viên và bảo đảm sự chính thống về tư tưởng. Khi nhập học, mỗi sinh viên được đặt cho một biệt danh và chỉ có cán bộ an ninh của trường mới biết được lai lịch của sinh viên đó.
Học ở trường không phải là khó nhọc lắm. Năm học bắt đầu từ tháng 9 đến đầu tháng 7 năm sau, trong đó có ba tuần nghỉ lễ Giáng Sinh và một tuần nghỉ vào mùa xuân. Mỗi tuần sinh viên được đến rạp chiếu phim hai lần và có hai trại ở Krym để sinh viên tham gia các hoạt động vừa làm việc vừa học tập trong kỳ nghỉ hè. Ở đó một số sinh viên được dạy cách nuôi gia súc, trong khi những người khác trồng trọt trên một trăm mẫu đất để làm thực phẩm phục vụ trại hè. Trong suốt kỳ nghỉ, sinh viên giúp nông dân địa phương thu hoạch hoặc tham gia các dịch vụ cộng đồng khác. Tuy nhiên, nhiều sinh viên, có thể do không quen với cái lạnh kinh khủng của mùa đông nước Nga, bị ốm và vì lý do đó mà một số bị loại không được tham gia chương trình nữa. Một sinh viên Việt Nam mắc bệnh lao và được chuyển đến một thành phố ở phía nam Liên Xô.
Như Nguyễn Ái Quốc mô tả trong bài báo của mình, trường là một nơi thanh bình để học tập. Có hai thư viện với 47.000 đầu sách và mỗi quốc gia có học sinh học ở trường có một ngăn sách và tạp chí bằng ngôn ngữ của quốc gia đó. Các sinh viên “nghiêm túc và đầy nhiệt huyết”“có niềm đam mê cháy bỏng muốn thu kiến thức và học tập”. Nhân viên và giáo viên đối xử với các sinh viên nước ngoài “như những người anh em” và thậm chí còn mời họ “tham gia vào đời sống chính trị của đất nước”.[9]
Nguyễn Ái Quốc không hài lòng với tất cả hoạt động của trường này. Chẳng bao lâu sau khi tham dự lễ kỷ niệm lần thứ ba của trường vào tháng tư năm 1924, ông viết một bức thư gửi đồng chí Petrov, thư ký của Văn phòng Viễn Đông, phàn nàn rằng thực tế không có người Việt Nam trong trường và gợi ý cần xây dựng một khu riêng cho sinh viên châu Á. Ông nêu rõ, trường Stalin làm một khuôn mẫu định hướng tư tưởng của thế hệ các nhà cách mạng châu Á sau này và sẽ trở thành cơ sở để cuối cùng thành lập một “hiệp hội” Cộng sản của phương Đông.[10]
Trường Stalin có hai cấp - một chương trình cơ bản kéo dài 3 năm về chủ nghĩa Marx-Lenin và các ngành khoa học và “khoá ngắn hạn” trong khoảng 7 tháng cho các sinh viên học ngắn hạn. Nguyễn Ái Quốc theo học khoá ngắn hạn, có lẽ vì ông đang làm việc cho Quốc tế Cộng sản và không có ý định ở lại thêm Moscow. Ông cũng tham gia một số tổ chức khác do Xô viết thành lập cách đó ít lâu, như Quốc tế Lao động Đỏ, Quốc tế Thanh niên và Quốc tế phụ nữ. Rõ ràng là giới lãnh đạo Quốc tế Cộng sản coi ông là biểu tượng của các dân tộc thuộc địa, người đóng góp một nét châu Á cho vô số các hoạt động mặt trận trong những ngày sôi động ấy. Đầu tháng 5 năm 1924, ông được mời tham gia các lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động hằng năm và nói chuyện về tình đoàn kết công nhân quốc tế tại lễ ở Quảng trường Đỏ. Hai tháng sau, ông là đại diện của Đông Dương dự Đại hội lần thứ ba Quốc tế Lao động Đỏ. Ông cũng dự Đại hội Phụ Quốc tế, ti ếp chuyện với người vợ goá của Lê-nin, quả phụ Nadezhda Krupskaya.
Qua vô số các hoạt động khác nhau, Nguyễn Ái Quốc dần dần trở thành một nhân vật nổi tiếng ở Moscow, quen biết các nhân vật chủ chốt của phong trào cộng sản quốc tế, như Nikolai Bukharin -nhà cách mạng Bolshevik cựu trào-, nhà cộng sản Phần Lan Otto Knuusinen, thủ lĩnh Quốc Tế Cộng Sản người Bugaria Georgi Dimitrov và Ernst Thalman, đứng đầu Đảng Cộng sản Đức. Ông cũng gặp một số đồng chí người Trung Quốc đang theo học tại trường, -(trong đó có Chu Ân Lai, người mà ông gặp lần đầu tại Paris), cũng như cố vấn trưởng quân đội của Tôn Dật Tiên là Tưởng Giới Thạch, người đã thăm Moscow trong 3 tháng vào cuối mùa hè và mùa thu năm 1923.
Nhìn chung, mọi người có vẻ quý mến ông. Ruth Fischer, nhà cộng sản uy tín người Đức, nhận xét, -tuy Quốc không gây được ấn tượng lúc ban đầu nhưng chẳng bao lâu sau ông được tất cả mọi người kính trọng và yêu mến nhờ “đức tính tốt và sự giản dị”. Là người hành động thực tế hơn là nhà lý thuyết, ông tỏ ra thông thạo trong việc tránh các tranh chấp bè nhóm căng thẳng đã bắt đầu nảy sinh trong giới lãnh đạo Xô viết và cuối cùng dẫn đến sự suy yếu của Đảng Bolshevik (đổi thành Đảng Cộng sản Liên Xô) và Đệ Tam Quốc tế trong thập niên sau đó. Thời kỳ Chính sách Kinh tế Mới là một khoảng giao thời tương đối ngắn khi mà đối với nhiều người dân Xô viết và tương lai người nước ngoài đáng lẽ ra phải sáng sủa hơn. Nội chiến kết thúc, Liên Xô bãi bỏ chính sách cưỡng chế và đàn áp những kẻ thù tiềm ẩn, bắt đầu khuyến khích dân chúng tham gia việc xây dựng nền kinh tế “tự làm giàu”, -(khẩu hiệu phổ biến vào thời đó). Đời sống văn hoá vẫn phong phú và đa dạng, vì các nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ sáng tác âm nhạc Xô Viết tìm tòi sáng tạo một phong cách cách mạng mới có thể diễn tả chính xác những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên đất nước. Một vài năm sau đó, với thái độ độc đoán, chuyên chính của Stalin, thời kỳ tốt đẹp này bất ngờ đi đến kết thúc.
Nhưng Nguyễn Ái Quốc không bị mất đi nhiệt huyết cách mạng một chút nào. Ký giả Ossip Mandelstam, người đã phỏng vấn ông viết cho tạp chí Ogonyok (Ngọn Lửa Nhỏ) tháng 12 năm 1923, nhận xét,- người đàn ông trẻ tuổi này có đầy đủ phẩm chất của tầng lớp trí thức Nho Giáo, có đôi mắt to đen láy, mỗi khi nói về các điều kiện sống ở đất nước ông, toàn thân như không thể kìm nén được sự xúc động và đôi mắt ông dường như rực lửa. Trong cuộc phỏng vấn, ông đã nói đến từ “khai hoá văn minh” với thái độ ghê tởm, chỉ trích gay gắt Nhà thờ Catholic ở Đông Dương vì đã chiếm gần một phần năm đất canh tác của các nước. Theo Boris Souvarine, cộng sản người Pháp, sau này đã từ bỏ phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc giờ đây đã trở thành“một người theo gót Stalin hoàn hảo
Chỉ có một người quen của ông lúc đó đánh giá thấp Nguyễn Ái Quốc, - nhà cộng sản lỗi lạc Ấn Độ M.N. Roy, sau này đại diện Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc (theo quan điểm của nhiều quan sát viên). Việc thiếu trình độ là yếu tố chính dẫn đến sự thất bại của các nhà hoạt động cộng sản Trung Quốc dưới bàn tay của Tưởng Giới Thạch năm 1927, cảm thấy người thanh niên Việt Nam này về tư tưởng cũng như hình dáng không có gì gây ấn tượng và lại là một sinh viên nghèo nữa. Thật mỉa mai, Nguyễn Ái Quốc lại là một trong số ít người ở Moscow đồng ý luận chứng của Roy rằng cách mạng châu Á là bước khởi đầu quan trọng để lật đổ chủ nghĩa tư bản thế giới.[11]
Nguyễn Ái Quốc cũng giành nhiều thời gian để viết, ông là cộng tác viên thường xuyên cho các tờ báo cánh tả của Pháp và cho báo chí Xô Viết, xuất bản một số bài báo trên tờ Inprecor (Thư Tín Quốc Tế- cơ quan ngôn luận chính thức của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản). Chủ đề của báo rất phong phú, nhưng luôn luôn có thiên hướng cách mạng. Ông viết về sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc ở Trung Quốc, về các hoạt động của Đảng 3 K ở Hoa Kỳ, về cuộc sống sôi động của nhân dân Liên Bang Xô Viết, và tất nhiên cả về sực bóc lột dân bản địa ở châu Á và châu Phi của thực dân. Cùng với các sinh viên Trung Quốc ở Trường Stalin, ông đã chủ biên soạn một cuốn sách nhỏ “Trung Hoa và Thanh Niên Trung Quốc”, xuất bản năm 1925 bằng Hán - Pháp và Nga ngữ. Ông cũng viết về lịch sử Đông Dương dưới chế độ Pháp thuộc, -theo hồ sơ của Quốc tế Cộng sản cuốn sách này chưa được xuất bản.2
Tuy nhiên, bài viết chính của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ông ở Moscow là “Le Procès de la Colonisation Francaise”, (Bản Án Chế Độ Thực Dân Pháp). Dựa trên những bài báo ông đã viết khi sống ở Paris cũng như bản thảo Những Người Bị Áp Bức biến mất trước khi xuất bản năm 1920, cuốn sách được hoàn thành ở Moscow, do nhà xuất bản Lao Động Thư Quán ấn hành ở Paris năm 1926, một thời gian dài sau khi ông rời Pháp đi Moscow. Đây là một bản cáo trạng không có trật tự về điều kiện của thuộc địa trên toàn thế giới và kết thúc bằng lời kêu gọi tha thiết thanh niên Đông Dương vùng lên chống những kẻ bóc lột. Nhiều tư liệu trong cuốn sách nói về Đông Dương nhưng cũng có những chỗ đề cập các thuộc địa ở châu Phi. Mặc dù có thể đó là một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của Hồ Chí Minh, cuốn sách bố cục rất kém và viết dở đến mức một nhà chuyên viết tiểu sử đã dự đoán, nó có thể do người Việt Nam nào khác viết và sau đó được in dưới cái tên của ông. Nhưng lời văn và phong cách rất gần với các bài viết khác của Nguyễn Ái Quốc mà hầu hết các học giả khó có thể nghi ngờ về việc nó có phải là tác phẩm của ông hay không. Điều có thể nói về cuốn sách này cho thấy bằng chứng là đã được viết một cách cẩu thả.1
Trong tất cả những lần phát biểu công khai, Nguyễn Ái Quốc dường như vẫn là một người có lòng tin đích thực. Những bài viết của ông về Liên Bang Xô Viết đều có những lời lẽ ca ngợi và dường như sự ngưỡng mộ của ông đối với Lenin là vô bờ bến. Ông đã rất thất vọng khi không thể gặp được vị lãnh tụ đảng Bolshevik cho tới khi ông qua đời. Khi được hỏi về mục đích chuyến đi khi ông đến Petrograd vào tháng Bẩy năm 1923, ông trả lời, -muốn được gặp Lenin và rất đau khổ khi biết nhà lãnh đạo Xô Viết bị ốm. Đến tháng một, ông rất đau buồn khi biết Lenin đã qua đời. Giovanni Germanetto, một người Ý quen ông, kể lại:
 “Moscow tháng 1 năm 1924. Mùa đông nước Nga đang ở vào thời kỳ lạnh giá nhất. Đôi khi nhiệt độ xuống đến mức âm 40 độ. Vài ngày trước Lenin qua đời. Buổi sáng hôm đó, một tiếng gõ cửa nhẹ ở phòng chúng tôi trong khách sạn Lux đã đánh thức tôi. Cửa mở và một người đàn ông trẻ gầy gò bước vào. Ông nói ông là người Việt Nam, tên là Nguyễn Ái Quốc. Ông cũng nói là ông định đến Nhà Công đoàn để tiễn biệt Lenin.
Tôi nói với ông rằng ông mặc quá phong phanh so với thời tiết giá lạnh ở bên ngoài. Tôi nói rằng ông nên đợi, chúng tôi sẽ đưa cho ông một số quần áo ấm. Nguyễn Ái Quốc thở dài và ngồi xuống uống trà với chúng tôi, và cuối cùng về phòng ông. Chúng tôi nghĩ rằng ông đã nghe theo lời khuyên của chúng tôi và đã ở lại trong phòng. Khoảng 10 giờ tối hôm đó, tôi lại nghe thấy một tiếng gõ cửa nhẹ. Đó là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Mặt xanh nhợt, và mắt, mũi, các ngón tay cũng xanh nhợt do cái lạnh tê tái. Nguyễn Ái Quốc nói rằng vừa gặp đồng chí Lenin. Ông lạnh run lên trong khi giải thích với chúng tôi rằng ông không thể chờ đến sáng mai để tiễn đưa người bạn tốt nhất của nhân dân thuộc địa… Cuối cùng ông hỏi chúng tôi có trà nóng không”.
Theo ông Yevgeny Kobelev, -sử gia Xô Viết viết tiểu sử Hồ Chí Minh-, sau khi tham dự đám tang Lenin, Nguyễn Ái Quốc tự nhốt mình trong phòng và viết bài bút ký về sự đau buồn của ông trước cái chết của nhà lãnh đạo thiên tài Bolshevik, người đã dành thời gian và sức lực để chăm lo cho việc giải phóng nhân dân thuộc địa. Ông kết luận “Trong cuộc đời mình, Lenin là người cha, người thầy, người đồng chí và cũng là người cố vấn của chúng tôi. Giờ đây, ông là ngôi sao sáng soi đường cho chúng tôi trong quá trình cách mạng xã hội. Lenin vẫn sống mãi trong sự nghiệp của chúng tôi. Ông là người bất tử”.1
Tuy nhiên, một số chi tiết lại cho thấy không phải tất cả mọi thứ đều có thể làm ông vừa lòng. Khi chuyển đến khách sạn Lux vào đầu tháng 12 năm 1923, được xếp một phòng nhỏ ở chung với 4 hay 5 sinh viên, ông đã không hài lòng. Đến tháng Ba, ông viết một bức thư phàn nàn về các điều kiện – ban ngày bị đánh thức bởi tiếng ồn, ban đêm tiếng côn trùng làm ông không ngủ được – ông tuyên bố, ông rút lại 5 rubles tiền thuê phòng một tháng để phản đối. Cuối cùng ông cũng được thu xếp ở phòng khác.
Trong một tư liệu quan trọng hơn, Nguyễn Ái Quốc không phải lúc nào cũng hài lòng với các quyết định chiến lược. Trong nhiều tháng ông đã kích động những người quen của mình về vấn đề chủ nghĩa thực dân. Tháng 2 năm 1924, ông viết cho một người bạn ở trụ sở Quốc Tế Cộng Sản, -có thể là Dimitrov Manuilsky, để cảm ơn vì đã nêu vấn đề thuộc địa tại hội nghị của Đảng Cộng sản Pháp tại Lyons. Cũng hôm đó, ông viết thư cho Tổng Thư ký Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, Grigory Zinoviev, yêu cầu được gặp riêng để thảo luận vấn đề thuộc địa. Không có hồi âm, ông viết một lá thư thứ hai phàn nàn không nhận được hồi âm về đề nghị phỏng vấn của mình. Không tìm thấy tài liệu nào Zinoviev đã trả lời đề nghị của ông.
Không rõ ông muốn thảo luận với Zinoviev vấn đề gì, nhưng trong một bài báo xuất bản trong số tháng 4 của tờ Inprecor (Điện tín Quốc tế) có tựa đề “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Nguyễn Ái Quốc đã tuyên bố rằng mặc dù thoạt nhìn vấn đề châu Á không có liên quan gì đến các công nhân châu Âu, trên thực tế vấn đề Đông Dương và châu Á có tầm quan trọng đối với công nhân trên tất cả các nước. Ông nói, sự bóc lột của thực dân ở khu vực không chỉ làm giàu cho các nhà tư bản và các chính trị gia làm bừa, mà còn có nguy cơ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc mới. Những hành động đó đã trở thành mối đe doạ đối với công nhân ở Đông Dương và châu Á và cả với giai cấp vô sản quốc tế nữa.
Khi đề cập mốí quan hệ giữa các điều kiện ở châu Âu và châu Á, không biết Nguyễn Ái Quốc cố tình hay vô ý, đã đề cập đến một khu hầm mỏ lúc đó đang là đề tài tranh luận gay gắt ở các cuộc họp của Quốc tế Cộng sản kể từ sau Đại hội thứ hai năm 1920. Những người phát ngôn của nhân dân phương Đông thuộc địa như M.N. Roy đã tranh luận, một giải pháp cho “vấn đề phương Đông” là cần thiết quyết định số phận cuối cùng của cách mạng thế giới, nhưng nhiều nhà cộng sản châu Âu phản bác lại rằng không thể có cách mạng ở châu Á chừng nào các đảng cộng sản chưa cầm quyền ở các nước châu Âu.
Thoạt đầu, những người chủ trương một chiến lược dựa vào châu Á có thuận lợi là có bạn bè ở địa vị cao - trong đó có cả Lenin và thậm chí Joseph Stalin - những người rất thấu hiểu các quan điểm của họ. Nhưng đến năm 1924, Lenin mất và Stalin bận rộn với cuộc đấu tranh nội bộ đảng để giành vị trí chủ chốt ở Moscow thì Zinoviev, lúc đó đứng đầu Quốc tế Cộng sản, tỏ ra không hứng thú gì với vấn đề này. Nhà cộng sản người Hà Lan, ông Maring, đã bỏ Quốc tế Cộng sản và thậm chí Manyusky - nhà bảo trợ lúc đầu của Nguyễn Ái Quốc, một người Ukraina hiểu biết rất ít biết về châu Á - giờ lại tập trung hoạt động của mình ở vùng Balkans.
Khi đó người ta chẳng quan tâm gì đến vai trò của nông dân. Sau sự khởi đầu rầm rộ, Krest-intern đã mất thanh thế và không được các quan chức trong đảng công nhân ở Moscow qua tâm đến. Ngay cả Nikolai Bukharin, một trong những nhà lãnh đạo có hiểu biết của Bolsevich, cười khẩy coi Thomas Dombal có “tầm nhìn của nông dân”, Nguyễn Ái Quốc đã cố gắng không để cho vấn đề này bị lãng quên, nêu vấn đề giai cấp nông dân tại một hội nghị Krest-intern vào tháng 6-1924, nhưng ông ít được hưởng ứng. Tự nhận xét với bạn, ông cười nhạo, coi đã “gào khóc trong sự hoang dã trên chính trường”.[12]
Đại hội V Quốc tế Cộng sản diễn ra đầu mùa hè năm 1924, là một cơ hội hiếm hoi cho Nguyễn Ái Quốc trình bày quan điểm của mình với đông đảo ban điều hành của tổ chức. Lý do ban đầu họp đại hội có thể vì việc ông đến Moscow, khi mà Dimitri Manuilsky coi ông là một nguồn thông tin và ông sẽ phát biểu về vấn đề thuộc địa tại hội nghị. Vì ở Đông Dương chưa có Đảng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc tham gia hội nghị với tư cách thành viên của đoàn đại biểu Đảng cộng sản Pháp.[13]
Đại hội V khai mạc vào ngày 17-6-1924 và các phiên họp diễn ra tại Nhà hát lớn, trung tâm Moscow.[14] Hơn 500 đại biểu đại diện cho gần 50 nước đã tham dự. Ban lãnh đạo Quốc tế Cộng sản ngày càng trở nên nhạy cảm với những lời buộc tội của những đại diện châu Á về thái độ xao lãng, họ quyết định dành một phiên đặc biệt thảo luận về vấn đề thuộc địa và các vấn đề liên quan đến các dân tộc không phải dân tộc Nga. Ngoài ra, Đại hội đã thành lập một uỷ ban giải quyết vấn đề này. Nhưng Đại hội lại diễn ra đúng vào lúc cao điểm của cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Stalin và Lev Trotsky - đối thủ của ông, nên các lãnh tụ Đảng cộng sản Liên Xô bận rộn với cuộc đấu tranh trong điện Kremlin chẳng quan tâm gì đến vấn đề phương Đông. Trong phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Zinoviev - ít lâu sau là người tranh giành vai trò lãnh đạo Đảng với Stalin - chỉ nhắc qua vấn đề quốc gia và thuộc địa chủ yếu tập trung vào các nước ở Đông Âu. Có thể do Nguyễn Ái Quốc hối thúc - trước đó đã làm phiền ông về việc nêu vấn đề đó - Zinoviev chỉ trích Đảng cộng sản Pháp đã không quan tâm đầy đủ đến vấn đề thuộc địa.
Ngay từ đầu, Nguyễn Ái Quốc đã làm cho mọi người chú ý sự có mặt của ông. Trong phiên khai mạc, khi đại biểu Vaxili Kolarov đang đọc bản thảo nghị quyết để công bố sau khi kết thúc Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đứng lên hỏi liệu Đại hội có đáp ứng một lời kêu gọi đặc biệt cho nhân dân các nước thuộc địa không. Kolarov lo ngại trả lời “vấn đề thuộc địa đã có trong chương trình nghị sự rồi và do đó bất cứ đại biểu nào cũng có thể nêu lên tại hội nghị”. Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ ý kiến của mình và yêu cầu mọi bài phát biểu đều phải có câu “đối với nhân dân các nước thuộc địa”. Đề nghị này được các đại biểu chấp thuận.
Ngày 23-6, Nguyễn Ái Quốc lên bục phát biểu với các đại biểu:
 “Hôm nay tôi có mặt ở đây để liên tục nhắc nhở Quốc tế Cộng sản về sự tồn tại của các thuộc địa và vạch ra cuộc cách mạng sẽ phải đối mặt với một hiểm hoạ cũng như tương lai huy hoàng từ các thuộc địa. Dường như tôi thấy các đồng chí không hiểu hết một thực tế về số phận của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là số phận của giai cấp vô sản ở các nước hiếu chiến đã xâm lược các thuộc địa, có quan hệ mật thiết với số phận của những người bị áp bức ở các nước thuộc địa. Chính vì những điều này tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có thể được hoặc, nếu cần thiết, tạo cơ hội để chỉ rõ tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa.
Các bạn hãy thông cảm cho sự bộc trực của tôi, vì tôi không thể không vạch ra các bài phát biểu của các đồng chí từ các mẫu quốc đã để lại cho tôi ấn tượng họ định giết con rắn bằng cách đánh giập đuôi. Tất cả các bạn đều biết ngày nay nọc độc và sức sống của con rắn tư bản tập trung nhiều ở thuộc địa hơn là ở mẫu quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu thô cho công nghiệp, cung cấp lính cho quân đội. Trong tương lai, các thuộc địa sẽ là những thành trì phản cách mạng. Thế mà trong các cuộc thảo luận về cách mạng, các bạn đã bỏ qua không nói về thuộc địa. Nếu bạn muốn đập vỡ một quả trứng hay một hòn đá, bạn phải cần tìm một công cụ mà sức mạnh của nó tương ứng với vật mà bạn định làm vỡ. Tại sao trong cuộc cách mạng này bạn lại không làm cho sức mạnh và sự tuyên truyền của bạn ngang tầm với kẻ thù mà bạn định đánh bại? Tại sao bạn lại bỏ qua thuộc địa, tại sao chủ nghĩa tư bản lại sử dụng chúng để hỗ trợ cho chính nó, tự bảo vệ và đánh bại bạn?”[15]
Ngày 1-7-1924, Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lại phát biểu để nhấn mạnh việc Dimitri Manuilsky chỉ trích các Đảng cộng sản châu Âu đã thất bại trong việc đưa ra vấn đề thuộc địa. Trong một báo cáo dài, ông đã nêu ra không chỉ các Đảng cộng sản Pháp mà còn các Đảng cộng sản Anh và Hà Lan thiếu nỗ lực thực hiện một chính sách thuộc địa mạnh mẽ và liên lạc với các nhân tố cách mạng ở các nước thuộc địa. Vạch ra thực tế các tờ báo của Đảng cộng sản Pháp đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để làm cho độc giả chú ý đến vấn đề này, ông kêu gọi cần có một số biện pháp cụ thể để cải thiện tình hình. Trong bài phát biểu tại hội nghị về nông dân, ông không khẳng định vai trò trung tâm của nông thôn trong cuộc cách mạng tới, nhưng ông đã cố gắng chỉ ra rằng nông dân sẽ đóng vai trò tích cực.
Trong tất cả các thuộc địa của Pháp, nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Ở nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy nhưng lần nào cũng bị dìm trong biển máu. Nếu hiện nay nông dân vẫn còn ở trong tình trạng tiêu cực, thì nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo. Quốc tế Cộng sản cần phải chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.[16]
Với những gì ông làm tại Đại hội Quốc tế Cộng sản V, Nguyễn Ái Quốc đã làm cho các nhà lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới để ý. N.I Krovchenko - hoạ sĩ Liên Xô - đề nghị ông cho vẽ chân dung, bức chân dung này sau đó xuất hiện trên“Rabotaya Gazeta” Tạp chí Công nhân) vào cuối tháng 7, trong khi tờ Pravda (Sự Thật) kể lại các nhận xét của ông với tựa đề mang tính khiêu khích “Từ lời nói đến việc làm, phát biểu của đại biểu Đông Dương Nguyễn Ái Quốc”. Lúc đó, ông vẫn theo chính sách chính thống, nhưng chẳng bao lâu sau,việc ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giai cấp nông dân đối với cuộc cách mạng ở châu Á bị coi là lập dị và bị trừng phạt nặng nề ở Moscow.[17]
Kết quả là Đại hội V không mang lại sự thay đổi nào đối với chính sách của Quốc tế Cộng sản, nhưng nó đã cho thấy nhận thức về vấn đề thuộc địa đã được cải thiện. Giới lãnh đạo dường như đã nhận ra là phải cần thiết tăng cường tuyên truyền và vận động ở các vùng thuộc địa, và đã thiết lập một uỷ ban về tuyên truyền quốc tế. Nguyễn Ái Quốc được coi là một trong những thành viên sáng lập ra uỷ ban này. Tuy nhiên, Đại hội đã không đưa một tuyên bố đặc biệt nào về vấn đề thuộc địa vào nghị quyết cuối cùng - một sai sót sau này đã được sửa chữa tại Đại hội sau, bốn năm sau đó. Nhưng Quốc tế Cộng sản đã đưa ra một lời kêu gọi rộng rãi “những nô lệ ở thuộc địa”, như Nguyễn Ái Quốc đã đề xuất tại phiên khai mạc.[18]
Không biết có phải để đáp lại sự chỉ trích của Nguyễn Ái Quốc hay không, lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã bắt đầu chú ý đến việc đưa nhiều nhà cách mạng châu Á hơn sang học ở Liên Xô. Trong những năm sau khi Đại hội diễn ra, nhiều người ở châu Á hơn, trong đó có hơn 100 người Việt Nam được cử đến Moscow hoặc Leningrad (thành phố Petrograd đổi tên sau khi Lenin mất) để đào tạo và cuối cùng trở về quê hương để hoạt động. Nhóm đầu tiên gồm ba người Việt Nam đã đến từ Pháp vào giữa năm 1925.
Cơ sở chính của chương trình đào tạo các nhà cách mạng châu Á vẫn là trường Stalin. Đảng cộng sản Pháp đã được chỉ dẫn sửa những sai lầm của mình. Uỷ ban Nghiên cứu Thuộc địa được tái tổ chức thành Uỷ ban Thuộc địa, do Jacque Doriot phụ trách. Đầu năm 1925, Đảng thành lập một trường thuộc địa bí mật gần Port de Clignacourt, ngoại ô phía bắc Paris, đào tạo các nhà cách mạng từ các thuộc địa để chuẩn bị trước khi gửi sang Liên Xô. Lớp học đầu tiên, một trong tám sinh viên là người Việt Nam. Trong nhiều năm sau, nhóm từ 5 đến 10 người Việt Nam đến Moscow hằng năm. Đa số đến từ Pháp nhưng có một số đến thẳng từ Đông Dương.
Việc Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội Đệ Tam Quốc tế lần thứ V đã đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn ông học làm cách mạng và bắt đầu chuyển sang giai đoạn trở thành nhà lãnh đạo châu Á của phong trào cộng sản quốc tế. Giờ đây ông được công nhận là người phát ngôn về vấn đề phương Đông và ủng hộ chính sách quan tâm nhiều hơn các vấn đề liên quan đến giai cấp nông dân. Bằng lòng với chính mình và thoả mãn mong muốn hướng được Quốc Tế Cộng Sản chú ý hơn đến vấn đề thuộc địa, ông cảm thấy đã hoàn thành nhiệm vụ ở Moscow và sẵn sàng quay lại châu Á để phát động quá trình xây dựng phong trào cách mạng ở Đông Dương.
Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc đến Moscow với ý đồ sẽ chỉ ở đó trong thời gian ngắn trước khi trở về tổ quốc. Trong một bức thư gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản tháng 4-1924, ông đã phàn nàn, “cả Ban Quốc tế Cộng sản lẫn Đảng cộng sản Pháp đều không biết nhiều về tình hình ở các thuộc địa của Pháp”. Ông khẳng định điều thiết yếu là phải thiết lập kênh liên lạc với thuộc địa, và ông tự nhận mình làm cán bộ liên lạc. Bức thư đã bày tỏ một cách đầy đủ ý định của ông:
 “Khi đến Moscow, tôi đã quyết định, sau ba tháng ở đây, tôi sẽ đi Trung Quốc để thiết lập kênh liên lạc với nước tôi. Tôi ở đây đến nay đã là tháng thứ chín và đây là tháng thứ sáu mà tôi chờ đợi, tuy nhiên việc ra đi vẫn chưa được quyết định.
Tôi không cảm thấy cần thiết phải nói thêm với các bạn về các phong trào cách mạng hay quốc gia dù cũ hay mới, về sự tồn tại hay không tồn tại của các tổ chức công nhân, hay về các hoạt động của các tổ chức bí mật và các nhóm khác, bởi vì ở đây tôi không có ý định trình bày một luận văn, nhưng tôi muốn nêu rõ sự cần thiết chúng ta phải nghiên cứu tình hình một cách thận trọng và ít ra cũng tạo ra một cái gì đó.
Chuyến đi của tôi sẽ là chuyến đi điều tra và nghiên cứu. Tôi phải cố gắng.
a) Thiết lập các kênh liên lạc giữa Đông Dương với Quốc tế Cộng sản.
b) Nghiên cứu tình hình chính trị, kinh tế và xã hội ở thuộc địa đó.
c) Thiết lập kênh liên lạc với các tổ chức đã có từ trước,
d) Cố gắng tổ chức một cơ sở thông tin và tuyên truyền.
Làm thế nào tôi có thể hy vọng hoàn thành công việc đó? Trước hết, tôi phải đi Trung Quốc. Từ đó, làm bất cứ gì trong khả năng có thể. Số tiền cần có để hỗ trợ cho các hoạt động của tôi sẽ là bao nhiêu? Tôi sẽ phải di chuyển nhiều, duy trì quan hệ với nhiều nhóm, trả tiền thư từ, mua các ấn phẩm phát hành ở Đông Dương, thu xếp chỗ ăn ở v.v… Sau khi thảo luận với các đồng nghiệp người Trung Quốc ở đây, tôi dự tính sẽ cần một ngân sách khoảng 100 đô - la một tháng, không kể tiền đi từ Nga đến Trung Quốc. Tôi không tính tiền thuế.
Tôi hy vọng những điều trên đây sẽ là cơ sở để thảo luận vấn đề cho tôi trở lại Viễn Đông”.[19]
Nguyện vọng trở lại châu Á của Nguyễn Ái Quốc có thể trở nên mạnh mẽ hơn sau các cuộc nói chuyện với đặc vụ Liên Xô S.A. Dalin, vừa tiến hành các hoạt động tuyên truyền ở Quảng Châu trở về. Ở Quảng Châu, nhà ái quốc Tôn Dật Tiên đã thiết lập các trụ sở tạm thời của phong trào cách mạng. Năm trước đó, Tôn Dật Tiên đã ký một thoả thuận cho phép một phái đoàn cố vấn Xô viết dưới sự lãnh đạo của đặc vụ Quốc tế Cộng sản Mikhail Borodin đóng ở Quảng Châu để giúp tổ chức lại Quốc dân đảng của ông Tôn Dật Tiên theo đường lối chủ nghĩa Lenin. Dalin đã là thành viên của nhóm đến Quảng Đông cùng với Borodin vào tháng 10. Khi trở về Moscow, Dalin ở khách sạn Lux, gặp Nguyễn Ái Quốc nói chuyện về các điều kiện ở nam Trung Quốc. Rõ ràng Nguyễn Ái Quốc đã rất vui mừng khi được biết có một số đáng kể người Việt Nam di cư sang đó, tham gia các hoạt động nhằm tiêu diệt chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương.[20]
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chuyến đi của ông bị trì hoãn. Tháng 4-1924, ông được cử đến Irkusk, một thành phố ở vùng Sibiria (Liên Xô), để tháp tùng đoàn đại biểu Trung Quốc đến Moscow. Chẳng bao lâu sau khi quay trở lại, người bảo hộ ông là Dimitri Manyusky mời ông đến nói chuyện. Manuilsky vui vẻ đón tiếp: “Thế nào, đồng chí, đồng chí đang nóng lòng muốn tham gia chiến đấu lắm phải không?”. Nguyễn Ái Quốc nhân dịp này nói lên quan điểm của mình, lập luận rằng các điều kiện đã chín mùi để lập “một đảng Bolsevich” ở Đông Dương. Phong trào công nhân đang lên và có nhiều người Việt Nam di cư đang sống ở Nam Trung Quốc. Ông đề nghị tổ chức họ thành các hạt nhân của một Đảng cộng sản trong tương lai. Manyusky tán thành, nhưng với điều kiện Nguyễn Ái Quốc sẽ dùng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ các dân tộc khác ở khu vực. Ít lâu sau, Nguyễn Ái Quốc được bổ nhiệm làm một uỷ viên của Ban thư ký Viễn Đông thuộc Ban Điều hành Quốc tế Cộng sản.[21]
Dù vậy, các bộ máy quan liêu chuyển động một cách chậm chạp. Trong một bức thư gửi Grigori Voitinsky vào ngày 11 tháng 9, ông Quốc đã phàn nàn rằng chuyến đi đến Trung Quốc của ông đã bị trì hoãn “vì lý do này hay lý do khác” và “từ tuần này đến tuần khác”, và sau đó “từ tháng này đến tháng khác”. Ông rất thất vọng khi phát hiện Văn phòng Viễn Đông không thể tài trợ cho chuyến đi của ông hoặc bổ nhiệm ông vào một chức vụ chính thức ở phái đoàn của Quốc tế Cộng sản với tư cách nào đó, nhưng khi các kế hoạch này không được thông qua thì chuyến đi lại bị hoãn. Không đủ kiên nhẫn để chờ, cuối cùng ông đề nghị tự xin việc làm sau khi đến Quảng Đông nếu Văn phòng Viễn Đông có thể cung cấp vé cho ông. Ngày 25 tháng 9, do thúc giục của đại diện của Đảng cộng sản Pháp ở Moscow, Văn phòng Viễn Đông đã chấp nhận yêu cầu “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc cần đi đến Quảng Châu. Chi phí sẽ do Văn phòng Viễn Đông tài trợ”.[22]
Cuối cùng Nguyễn Ái Quốc đã thuyết phục được Quốc tế Cộng sản cho phép trở lại châu Á để hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, như ông nói với bạn, sự sắp xếp đó có “những điểm bất tiện” vì ông bị buộc phải hoạt động một cách bất hợp pháp ở Quảng Châu, dưới con mắt giám sát của Sở Mật thám Pháp ở tô giới Pháp trong thành phố -thế kỷ thứ 19, nhiều nước châu Âu gây áp lực với triều đình nhà Thanh buộc nhượng cho họ các vùng đất dọc theo bờ biển để người nước ngoài có thể hoạt động dưới quyền tài phán của châu Âu. Ông phải tự trang trải các chi phí ở một nước mà ông chưa bao giờ đến và làm việc đó bằng một ngôn ngữ mà ông chỉ có thể đọc và viết nhưng không nói được. Để tìm cho mình một chỗ dựa và một nguồn tài trợ nào đó, ông đã đến các văn phòng của cơ quan thông tấn Xô viết ROSTA và đồng ý gửi đến Moscow các bài báo viết về tình cảnh ở Trung Quốc.[23]
Vào khoảng tháng 10, Nguyễn Ái Quốc đã rời Moscow bằng tàu hoả từ ga Yaroslavsky. Cũng như trước kia, ông đi mà không báo cho bạn bè, chỉ yêu cầu Thomas Dombal nói lại với mọi người là ông bị ốm, thay cho việc ông sẽ sống bất hợp pháp ở Trung Quốc. Để xoá mọi dấu vết của chuyến đi, ông viết thư cho một người quen Pháp, giải thích ông sẽ trở lại Pháp vì không được phép đến Đông Dương. Lá thư được một điệp viên báo lên cho Sở mật thám Pháp.[24]
Đi Vladivostok trên tàu tốc hành xuyên Siberia thường mất 3 tuần, vì tàu thường xuyên dừng để lấy than và nước, thỉnh thoảng phải đỗ lại để tránh tàu. Từ cửa sổ, Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến thiệt hại lớn ở các thị trấn và làng mạc ở Siberia do hậu quả của cuộc nội chiến đau thương giữa Bolsevich và Bạch vệ, tuy nội chiến đã kết thúc từ bốn năm trước. Nhiều lần, các đơn vị Hồng quân mang súng máy lên tàu, kiểm tra hành khách xem có mang tài liệu chống cách mạng không. Dừng ở Vladivostok một thời gian ngắn, ông ở tại Khách sạn Lenin trên đại lộ chính của thành phố. Ông lại lên một con tàu biển Liên Xô đi Trung Quốc. Tàu cập bến ở Quảng Châu ngày 11-11-1924.[25]
Chú thích:
[1] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 62; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 190, 192; Đặng Hoà, “Bác Hồ: Những năm tháng ở nước ngoài”, trang 51-52. Trong hồi ức của mình, Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số điều kỳ quặc quanh việc ông đến Petrograd. Theo nguồn này, Nguyễn Ái Quốc viết cho Marcel Cachin và Paul Vaillant-Couturier, cả hai đang ở Moscow khi đó, để kiểm tra nhân thân ông. Ông kể, lời đầu tiên ông nói với sĩ quan biên phòng ở Petrograd là ông muốn gặp Lenin vĩ đại, nhưng được trả lời, Lenin vừa qua đời, một sự giả dối rõ ràng. Trong khi chờ đợi giấy phép rời Petrograd ông trú tại Khách sạn International. Xem Trần Dân Tiên, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, “Với Bác Hồ”, trang 52-54
[2] Charles B. McLane, “Chiến lược Liên Xô ở Đông Nam Á”, (NXB Đại học Princeton, N.J., 1966), trang 19; Nguyễn Thanh, “Quốc tế Cộng sản và Cách mạng ở Đông Dương”, trong Tạp chí Cộng sản (tháng 2-1983), trang 53-59, được dịch trong Cơ quan nghiên cứu liên hợp xuất bản (Washington D.C), số 83,452. Năm 1919, Léon Trotsky kêu gọi tăng cường thúc đẩy cách mạng ở Đông Á - xem Anatoly A. Sokolov, “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam” (Moscow: Iv Ran, 1998), trang 5
[3] Nguyễn Thanh, “Quốc tế Cộng sản và Cách mạng ở Đông Dương”, trang 69
[4]. Bản sao bức thư của Quốc hiện ở Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Xem thêm Alain Ruscio, ed., “Những bài viết của Hồ Chí Minh, 1914-1969”, trang 50-53
[5] Bản tiếng Việt của báo cáo này (không ghi ngày tháng) có tên “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” trong Toàn Tập II, Tập I, trang 203. đến 205. Ghi chép của Nguyễn Ái Quốc để chuẩn bị cho cuộc họp của đoàn đại biểu Pháp tại Văn phòng Viễn Đông ngày 21-9-1923 lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội và hầu như đây là điểm cơ bản của tài liệu này. Vấn đề “cách mạng dân tộc” được Quốc tế Cộng sản đưa vào là sự thoả hiệp theo yêu cầu của M.N. Roy - một nhà cộng sản Ấn Độ
[6] Toàn Tập II, Tập I, trang 204; Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 59. Cuốn sách này được dịch sang tiếng Nga từ những bản gốc tiếng Việt. Tôi không thể tìm được bản tiếng Việt. Về nguồn gốc Hội Nông dân Quốc tế, xem George D. Jackson Jr., “Quốc tế Cộng sản và Nông dân ở Đông Âu, 1919-1930”, chương 3 (New York: Nhà in Đại học Columbia, 1966). Về những tuyển tập ban đầu của Nguyễn Ái Quốc, xem Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 61
[7] Hội nghị Nông dân Quốc tế họp năm 1923, SLOTFOM, Series III, hộp 112, CAOM. Theo George D. Jackson, “Quốc tế Cộng sản và Nông dân”, trang 74, Smirnov về sau chuyển sang cánh tả đối lập với Stalin năm 1932 và bị thanh trừng
[8] Về Trường Stalin, xem phần III, hộp 44, SLOTFOM, CAOM. Xem thêm Sokolov, “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam”, trang 15-20, 48-50. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng ông chưa vào trường này trước mùa hè năm 1924. Theo Sokolov (trang 29), không có tư liệu nào trong Kho lưu trữ Nga khẳng định ông vào trường này. Trả lời phỏng vấn của một tờ báo Ý tháng 3-1924, Nguyễn Ái Quốc nói ông là sinh viên trường này - xem Toàn Tập 11, Tập I, trang 480
[9] Nguyễn Ái Quốc, “Liên Xô và các dân tộc thuộc địa”, trích trong Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, trang 45. Bài báo này in nguyên bản trong Inprecor, 46, 1924. Nguyễn Ái Quốc cũng bình luận về trường này trong một cuộc phỏng vấn với Giovanni Germanetto (Đảng viên Cộng sản Ý). Về cuộc phỏng vấn, xem Toàn Tập I, Tập I, trang 194-198. Xem thêm Sokolov, “Quốc tế Cộng sản và Việt Nam”, trang 32-40
[10] Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 70; Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 66; xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 219-220. Bức thư gửi Petrov ghi ngày 20-5-1924. Bảo sao nằm trong Lưu trữ Quốc tế Cộng sản và Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội
[11] M.N. Roy đã tranh luận mạnh mẽ về chủ trương đúng đắn của ông tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ hai và trong vài lần sau này. Quốc bất đồng với M.N. Roy về việc dùng những đảng tư sản dân tộc chủ nghĩa trong quá trình cách mạng. Trong khi Roy lập luận, họ có thể phản bội giai cấp vô sản, Quốc cho rằng họ có thể có ích trong cuộc chiến đấu chung, cuộc tranh luận như thế được đưa ra trong bức thư ông gửi Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản
[12] Bài phát biểu bằng tiếng Nga lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Về lời bình, xem A. Neuberg, ed., “Khởi nghĩa vũ trang” (NLB, London, 1970), trang 22
[13] Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 74. Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 222, ông tham dự với tư cách quan sát viên
[14] Theo “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 222-23, Đại hội diễn ra ở Cung Andreyevsky, Kremlin (Moscow). Những nhà nghiên cứu ở Hà Nội có thể nhầm với Đại hội lần thứ 5 Nông dân Quốc tế
[15] Helmut Gruber, ed., “Các nhà lãnh đạo Nga Xô trong Quốc tế cộng sản”, (Garden City, N.Y.: Anchor/Doubleday, 1974), trang 308-309; xem thêm Toàn Tập II, Tập I, trang 272-275
[16] Bản phát biểu bằng tiếng Anh, xem Bernard Fall, ed., “Hồ Chí Minh trong Cách mạng: Tuyển tập 1920-1966”, trang 63-72. Bản tiếng Việt trong Toàn Tập I, Tập I, trang 215-231. Nửa sau bài phát biểu có lẽ ngày 3-7, xem Toàn Tập II, Tập I, trang 276-289
[17] Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 74; Kobelev, “Hồ Chí Minh”, trang 71-73
[18] Quốc dịch lời yêu cầu sang tiếng Việt. Xem Xenia J. Eudin và Robert C. North, “Nước Nga Xô viết và Phương Đông, 1920-1927” (NXB Đại học Stanford, California, 1957), trang 341. Thông tư ngày 18-11-1924, tập III, hộp 103, SLOTFOM, CAOM. Báo cáo sau (ngày 28-2-1925) tuyên bố tháng 7-1924, 1.500 dấu vết về sự kiện này viết bằng chữ quốc ngữ và được Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản ở Moscow xuất bản, và có ở Đông Dương
[19] Nguyễn Ái Quốc nói với bạn hy vọng sẽ trở về châu Á càng sớm càng tốt trước khi Đại hội Quốc tế Cộng sản V bế mạc. Bức thư này, ngày 11-4-1924, nằm trong Kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản. Chữ “tư bản hoá” là nguyên văn trong bản gốc. Xem Toàn Tập II, Tập I, trang 251-252
[20] Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 77-78
[21] Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 81-82. Ban thư ký Viễn Đông được thành lập ở Ikutsk năm 1920. Nhiều khả năng cuộc gặp này là đáng ngờ, mặc dù nó diễn ra. Theo sách của Hồng Hà, Manuilsky đề nghị Quốc gặp Borodin trước khi rời đi Trung Quốc. Tuy nhiên, Borodin lại đang ở Quảng Châu
[22] Cả hai bức thư gửi Voitinsky và báo cáo ngày 25-9- 1924 có trong Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Theo một nguồn tin, chuyến đi của Quốc tới Trung Hoa có lẽ bị hoãn vì lý do sức khoẻ. Ngày 5-9, ông được lệnh vào viện điều dưỡng ở Crum (Krym) để chữa bệnh lao. Có thể đây là một thủ đoạn nguỵ trang chuyến đi của mình. Xem Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 83-84
[23] Thư gửi Treint, ngày 19-9-1924, trong Toàn Tập II, Tập I, trang 305; xem thêm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 231-34
[24] Báo cáo của đặc vụ Désiré, ngày 10-4-1925, trong hồ sơ “1925”, SPCE, hộp 365, CAOM; “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”, Tập I, trang 237-38; Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 85
[25] Hồng Hà, “Hồ Chí Minh trên đất nước Xô viết”, trang 85