Chương 3


Chương 3

     hiến tranh Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương tiếp diễn một cách ác liệt hơn trước. Đùng một cái, trung tuần tháng 9 năm 1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống trên đất Nhật, làm bình địa hai thành phố lớn là Hiroshima và Nagasaki, gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản. Nhật Hoàng lo sợ, xin đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho quân đội Nhật trên khắp các mặt trận phải hạ khí giới. Thật là một tiếng sét làm ngã ngửa tất cả quân đội Nhật và làm rúng động cả thế giới!
Nhật đã đầu hàng Mỹ! Nhật đã đầu hàng Mỹ! Tin ấy truyền từ miệng người này qua kẻ khác. Cục diện thế giới thay đổi: chiến tranh chấm dứt! Các người tản cư sung sướng thu xếp hành trang trở về thành phố
Đợi một vài hôm để nghe tin tức cho chắc chắn, ông bà Đức Hợp bàn với ông bà Nghĩa Hưng đem gia đình trở về Sài Gòn. Ông Nghĩa Hưng chán nản trả lời:
_ Anh chị và các cháu trở về trước đi, tôi thì chưa định sao cả.
Ông thở dài nói tiếp:
_ Nếu cháu Thái còn thì tôi mới về Sài Gòn, bằng không, tôi thuê nhà ở lại đây luôn. Anh chị xem: bao nhiêu hy vọng tôi đặt vào cháu; nếu cháu có thế nào, tôi còn lòng trí đâu mà làm ăn được nữa!
Thấy ông trả lời một cách cương quyết như thế, bà Nghĩa Hưng và ba đứa con chỉ nhìn nhau và ứa nước mắt. Từ ngày tản cư, sống cực sống khổ, bà và con cái chỉ chờ đợi ngày trở về, thế mà bây giờ ông nhất định ở lại. Bà không dám cản ngăn ông sợ ông nổi khùng, thêm khổ.
Sáng hôm sau, ông bà Đức Hợp và hai đứa con thuê xe trở về Sài Gòn. Bà Nghĩa Hưng và ba đưa con tiễn chân ra tận bến xe. Bà nhờ ông bà Đức Hợp khi về đến Sài Gòn, hỏi tin tức Thái cho. Hùng, Thanh, Thu Thảo, Thúy Hạnh nắm lấy tay nhau khóc ròng. Lâu nay, các em chơi thân với nhau, thương yêu nhau như ruột thịt; bây giờ kẻ ở người về, không biết khi nào lại được gặp nhau.
Ông bà Đức Hợp trở về Sài Gòn mới được vài hôm, mà bà Nghĩa Hưng cảm thấy lâu dài quá sức, một đàng vì bà mong tin Thái, đàng khác vì buồn.
Hai hôm nay, bà không đi mua hàng nữa. Thu Thảo và Thanh cũng ở nhà vì cô giáo đã hồi cư. Ông Nghĩa Hưng hết bạn đánh cờ, ông uống rượu nhiều hơn. Rượu say, ông nằm ngủ. Căn gác trước đây, ngày còn gia đình ông bà Đức Hợp ở chung, lúc nào cũng vang rộn tiếng cười đùa của bọn trẻ, bây giờ thì vắng vẻ như “Chùa bà Đanh”!
Chiều hôm thứ hai, bà Nghĩa Hưng dọn cơm tối ra, lại đánh thức chồng dậy. Ông lè nhè, giọng sặc mùi rượu:
_ Bà và các con ăn đi, tôi không đói!
Bà buồn rầu, xới cơm cho ba đứa con ăn. Lòng bà như tơ vò, không biết cách làm cho chồng hăng hái trở lại công việc làm ăn, chứ kéo dài cuộc sống như thế này rồi tương lai con cái sẽ ra sao? Ba đứa con ăn đã gần xong bữa, mà bát cơm của bà vẫn chưa mất một miếng! Bọn trẻ vừa ăn vừa nói chuyện thì thầm với nhau. Bỗng có tiếng chân bước lên cầu thang. Vừa thấy đầu người ló vào cửa, Thu Thảo đã reo lên:
_ Ơ kìa! Anh Thái về, má ơi!
Bà Nghĩa Hưng quay lại nhìn: Thái trở về thật! Bà vội bỏ bát cơm xuống, đứng dậy ôm choàng lấy con nghẹn ngào:
_ Trời ơi, con đi đâu để ba má lo lắng, mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay?
Ba đứa con chạy lại đánh thức ông dậy:
_ Ba ơi! Anh Thái về!
Ông Nghĩa Hưng choàng dậy, thấy đứa con cưng, ông tỉnh hẳn rượu, nắm lấy tay con mừng rỡ:
_ A, Thái! Con ở đâu về đây? Thật ba nhớ con hết sức!
Thái ngồi xuống bên cạnh cha kể chuyện nhỏ tiếng:
_ Con và mấy đứa bạn bị Pháp tình nghi. Sợ ở nhà sẽ bị bắt nên chúng con trốn theo quân đội Nhật. Mới đây, Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chúng con lại trốn về. Con về đến nhà, thấy nhà đóng cửa, con sang nhà bác Đức Hợp thì may gặp hai bác vừa tản cư về. Hai bác chỉ cho con xuống đây.
Bà Nghĩa Hưng đang lắng tai nghe con nói, bỗng bà sực nhớ ra, vội vàng đứng dậy bảo:
_ Con kể tiếp cho ba con nghe đi, má chạy ra phố mua tí đồ ăn, ba con cũng chưa dùng cơm tối đâu.
Gặp được con, ông Nghĩa Hưng vui mừng hết sức, vừa ăn vừa bàn chuyện với con. Bao nhiêu hy vọng của ông tan biến từ trước, nay hiện lên chắc chắn rực rỡ. Các em Thái vui vì sẽ chóng được trở về Sài Gòn, gặp lại bạn bè, tiềp tục việc học. Riêng bà Nghĩa Hưng, có lẽ bà sung sướng hơn cả. Mấy tháng trời, Thái đi biệt tích, có lúc nào lòng bà lại không nghĩ đến con! Nay con trở về, thật chẳng khác gì như thấy con đã chết đi mà sống lại. Một điều làm cho bà vui mừng hơn nữa là nhờ Thái trở về, chồng bà sẽ tìm lại được nguồn an ủi để hăng hái làm ăn, cho tương lai con cái khỏi khổ.
Trưa hôm sau, ông bà và các con, cám ơn và từ giã gia đình ông bà chủ đã vui lòng cho nương náu mấy tháng nay, rồi thuê xe trở về Sài Gòn. Mất gần một tuần dọn dẹp, sắp đặt mọi sự khang trang, hiệu buôn bán xe đạp Nghĩa Hưng lại mở cửa đón khách hàng. Hai người thợ cũ cũng đến làm việc lại. Công việc làm ăn mỗi ngày một tiến, ông Nghĩa Hưng vay thêm tiền để mua dụng cụ, và gọi thêm thợ làm để cung ứng kịp hàng cho khách mua. Lúc này xe đạp bán được nhiều. Người dân quê đã nhận thấy lợi ích của xe đạp, nên dù nghèo cực họ cũng cố dành dụm đồng tiền để sắm cho được một chiếc.
Con cái ông bà lại tiếp tục việc học: Thái vào Đại học Luật Khoa, Thông vào trung học, Thu Thảo và Thanh theo tiểu học. Ít tháng sau thời cuộc lại thay đổi, nhưng ở Sài Gòn, lần này không ảnh hưởng đến công việc làm ăn bao nhiêu.