Chương 3

     hôn cất vợ được mười ngày, anh bán các đồ đạc không dùng, gói gắm các thứ cần thiết. Rồi một buổi sáng, anh từ giã vợ chồng anh Phan cùng bà con lân cận, tay bồng tay dắt, đem các con trở về làng cũ.
Tình hình lúc ấy đang hỗn độn, ai nấy đều khuyên anh tạm ở lại ít lâu, nhưng thấy anh nhất quyết, họ đành để anh đi. Anh bồng con Mai, vai mang một gói lớn đựng gạo và các đồ cần dùng. Thằng Hùng và con Huệ mỗi đứa mang một bọc nhỏ áo quần. Cha con đi lần xuống đường cái. Hễ các con kêu mệt, anh lại nghỉ. Tối đến, anh đem các con vào trú trong các chùa miếu, điếm canh hay trong các nhà gần đường. Thấy cảnh ngộ anh không ai mà không thương xót; họ giúp đỡ gạo tiền và cho an uống. Cha con đi lần hồi, vừa đi vừa kiếm ăn qua ngày.
Một buổi chiều, cha con về tới sông Mỹ Chánh. Chiều hôm ấy, người đang chở đò cũng khá đông, có khi phải đi hai chuyến mới hết. Phần nhiều là bộ đội, có vài người đi chợ về, nhưng cũng có ít người lén lút hồi cư như anh Lâm. Đò cập bến, người ta tranh nhau lên, anh Lâm sợ tối, bảo thằng Hùng chen lên trước thì ba, bốn người giành liên tiếp, nên anh Lâm đành đợi chuyến sau. Thằng Hùng thấy ba nó không lên được, toan nhảy xuống, nhưng đò đã chống ra khỏi bến. Anh Lâm bảo con:
_ Con cứ qua trước đi, ba sang chuyến sau. Chiếc đò đầy người, chỉ hơi nghiêng một tí là nước ùa vào. Mọi người ngồi yên không dám cựa quậy. Con đò theo nhịp chèo từ từ ra giữa lòng sông. Bỗng mọi người trên bờ, trong thuyền, ai nấy đều hốt hoảng vì có tiếng máy bay từ phía biển vọng lên. Họ nhớn nhác nhìn lên trời: một chiếc, rồi hai chiếc máy bay đang từ phía dưới phóng lên. Tiếng động cơ mỗi lúc một rõ. Những kẻ trên bờ, vội vàng chạy nấp vào các bụi rậm và chui xuống các hầm trú cá nhân hai bên vệ đường. Những kẻ trên đò mới thật là nguy hiểm. Chiếc đò mới ra giữa lòng sông rộng, rõ ràng quá không biết tránh vào đâu. Khốn nỗi, trong đò phần nhiều là bộ đội. Người ta nháo nhác sợ hãi, chiếc đò chùng chình, nước ào vào. Tiếng kêu khóc thét lên! Viên chỉ huy bộ đội hét lớn:
_ Ngồi yên, không can gì đâu mà sợ!
Nhưng từ xa, hai chiếc máy bay đã sà xuống thấp và những làn khói nhả ra liên tiếp những tiếng nổ liên thanh. Một người lính sợ quá nhảy tùm xuống nước. Con thuyền chao đi, rồi lật úp lại. Tiếng kêu cứu, la khóc vang trời, nghe rất rùng rợn. Những bàn tay yếu ớt, chơi vơi, quờ quạng rồi chìm lỉm! Những kẻ biết lội ra sức bơi vào bờ, nhưng lại bị người không biết bơi nắm chặt lại, vật lộn nhau, kêu la inh ỏi! Những kẻ trên bờ, biết chiếc đò chìm, nhưng hai chiếc máy bay vẫn vòng quanh trên đầu, nhả đạn xuống, nên không ai dám ra khỏi hầm trú. Anh Lâm và hai con nấp trong hầm, nghe tiếng kêu la thất thanh, biết con mình đang gặp nguy hiểm, cũng không dám liều mạng, đành ôm hai con khóc rống lên:
_ Ôi con ơi, Hùng ơi!
Một lúc sau, hai chiếc máy bay đã đi xa, mọi người bò ra khỏi nơi trú, chạy ngay ra sông nhìn xuống, nước sông vẫn lặng lờ chảy, như không xảy ra việc gì cả. Một số bộ đội bơi vào bờ được, nằm sóng sượt trên bờ vì mệt. Người ta chia nhau, kẻ cấp cứu người bị uống nước, người đi với kẻ bị chìm. Con thuyền đầy nước, đang lừ đừ trôi đi khá xa, người ta lội ra kéo vào nhưng không còn một người nào trong thuyền cả. Anh Lâm bảo con Huệ giữ em, rồi cởi áo chạy dọc theo bờ sông, hể chỗ nào sủi bọt là anh nhào xuống tìm, nhưng vẫn không thấy Hùng đâu. Hai bên bờ dần dần đầy người, kẻ tìm cha mẹ, người tìm vợ chồng con cái. Một vài người đã tìm thấy xác thân nhân khóc lóc thảm thiết. Đến tối mịt, nhiều người vẫn chưa tìm được xác thân nhân, họ bàn nhau thuê thuyền về xuôi để tìm. Anh Lâm mệt mỏi đi dọc theo bờ sông khá xa mà vẫn không thấy tung tích con. Thấy người ta thuê thuyền, anh cũng toan đi theo, nhưng vì con Huệ, con Mai, từ trưa đến giờ chưa có gì ăn, anh buồn rầu trở lại chỗ cũ. Từ đàng xa, anh đã nghe tiếng hai con khóc: con Mai khóc đói, con Huệ dỗ em không được cũng khóc theo.
Anh Lâm đau đớn, bao nhiêu tang tóc dồn dập lên mình; khiến anh như điên dại. Một người trong xóm gần đó, cám cảnh đem cha con anh về cho trú tạm. Ngày tháng trôi qua, mới đó mà thằng Hùng mất tích đã hai tuần lễ. Ngày nào anh Lâm cũng bước lần theo bờ sông nghe ngóng. Cuối cùng không hy vọng gì nữa, anh mới bồng con lên đường trở về. Mất đứa con nương cậy, anh thất thểu hai tuần nữa mới về đến làng. Tính từ ngày anh bỏ La-vang đến nay đã hơn một tháng.
Làng An Hoà, nơi xưa kia vui vẻ đầm ấm bao nhiêu, nay buồn bã điêu tàn bấy nhiêu. Lúc người dân trong làng tản cư, bộ đội đã theo chính sách “tiêu thổ kháng chiến” phá bình địa những nhà gạch nhà ngói, triệt hạ đình chùa để cho địch không có chỗ ở. Bây giờ người ta cũng đã hồi cư về nhiều. Ruộng vườn đã bắt đầu cày cấy lại, nhưng chỉ làm được những nơi gần làng, những thửa ruộng khuất sau núi không ai dám ra làm. Tuy có đồn binh sĩ quốc gia đóng cạnh làng, nhưng đêm đêm thường bị đột kích. Mỗi lần hai bên đánh nhau, nhiều người dân làng bị chết vì đạn lạc. Có kẻ sợ nguy hiểm, bỏ làng về thành phố làm thuê qua ngày. Anh Lâm về nhà, buồn rầu không muốn đi nữa, nhưng ruộng vườn làm không được, anh đành theo họ ra phố kiếm việc sống qua ngày.
Thành phố Huế sau những ngày khói lửa, đã khoác lại bộ mặt tươi đẹp. Người ta hồi cư khá nhiều, họ đang dọn mở cửa phố để buôn bán, công việc kiến thiết rầm rộ, nhiều người nhờ đó có công việc làm ăn khá. Mang dấu vết chiến tranh nặng nhất có lẽ là cầu Tràng Tiền, chiếc cầu xinh nhất xứ Huế, đã bị sập mất hai nhịp. Trong lúc chờ sửa chữa, người ta qua lại phải đi đò. Anh Lâm bồng con về đến thành phố Huế, thấy cảnh nhộn nhịp chốn kinh thành, nam thanh nữ tú áo quần đẹp đẽ quay lại dập dìu, anh ngao ngán tự hỏi:
_ Các con cái mình có ngày nào được sung sướng như họ không?
“Đói thì đầu gối phải bò”, anh lang thang tay bồng tay dắt, lần bước từ phố, hành khất nuôi con. Có người thương xót cảnh ngộ anh nhưng cũng có người hất hủi mắng nhiếc cha con anh không tiếc lời. Anh buồn rầu chán nản, nhiều lúc không thiết sống nữa, nhưng mỗi lần nhìn hai đứa con, anh lại thấy mình can đảm sống. Lang thang khắp nẻo phố, hễ ai thuê vác xách, khiêng gánh gì, anh làm ngay. Tối đến, anh lại đem con vào ngủ trong chợ Đông Ba, hay trong công viên.
Một hôm, lần đi sang xin bên chợ An Cựu, tình cờ anh gặp được anh Hai, người làng ở cạnh nhà anh lúc trước. Vợ chồng anh Hai có nhà ở cạnh đình làng Dương Phẩm. Anh đi làm thợ nề, chị buôn bán, kể cũng đủ sống. Thấy tình cảnh anh Lâm tội nghiệp quá, anh Hai đem cha con anh về nhà cho ở tạm để tìm việc làm. Chị Hai nghe nói chị Lâm đã mất và thằng Hùng chết đuối, chị thương khóc mãi. Nhờ anh Hai cậy người quen biết xin giúp, nên sau vài tuần, anh Lâm được vào làm việc trong xưởng cưa máy gần đó.
Sau một năm ở nhờ nhà anh chị Hai, anh Lâm dành dụm được ít tiền, nối thêm một căn nhỏ cạnh nhà anh chị Hai để ở cho rộng rãi. Huệ đã có thể nấu ăn và lo lắng cho em Mai, nên anh Lâm chỉ nhờ chị Hai mua giúp gạo và thức ăn, chớ không nhờ chị nấu ăn như trước nữa. Nhà anh Hai ở ngay trong đất đình làng Dương Phẩm, ngôi đình này tạm thời người ta dùng làm trường học cho các trẻ con trong vùng. Anh Lâm thấy Huệ bị thất học đã lâu, nên cho nó theo học ở đó. Buổi trưa đi làm về, cha con lại hì hục thổi cơm ăn.
Thấm thoát, cha con anh Lâm hồi cư đã được 7 năm. Mai đã lên tám, anh cho nó đi học trường An Cựu, vì lớp học tư ở đình Dương Phẩm đã bỏ. Mai càng lớn càng ngoan ngoãn dễ thương. Huệ năm nay đã 18 tuổi. Nàng đi học được bốn năm rồi bỏ học, theo chị Hai buôn bán dưới chợ An Cựu. Đau khổ đã đè nặng lên vai nàng lúc mới lên 9, nhưng trời xanh không nỡ bỏ người thiếu nữa nghèo nàn, cho nên Huệ càng lớn lên càng xinh đẹp. Nét mặt thùy mị, đôi mắt huyền phảng phất một vẻ buồn trang nghiêm, nàng giống hệt mẹ nàng lúc trước. Đã đẹp người, nàng còn đẹp nết. Tính tình nàng đằm thắm, nết na, ăn nói lễ độ, láng giềng ai cũng cảm phục. Nhiều cha mẹ đã ngỏ ý cầu thân cho con mình. Nhưng trước bao nhiêu hứa hẹn, nàng vẫn nhã nhặn chối từ, viện lẽ còn phải giúp cha già, em dại.
Phần anh Lâm, ngày ngày đi làm trong xưởng, công việc nhiều, người làm đông, nên anh khuây khỏa được nỗi buồn. Nhưng những ngày nghỉ việc, anh lại bâng khuâng nghĩ đến vợ hiền, đến nấm mồ của vợ ở nơi xa xôi, có khi đã bị dế đùng cỏ lấp, không một ai thăm viếng. Nhìn dòng sông An Cựu lặng lờ chảy, anh liên tưởng đến Hùng, đứa con trai độc nhất đã bị vùi sâu trong lòng sông Mỹ Chánh. Anh chỉ còn một chút an ủi trên hai đứa con còn lại. Mỗi buổi tối, dưới ngọn đèn dầu leo lét, anh sung sướng ẵm Mai vào lòng, mỉm cười nghe con thỏ thẻ và nghe Huệ kể chuyện buôn bán ngoài chợ. Câu chuyện đi lại chỉ có thế, mà có nhiều đêm cha con trò chuyện với nhau mãi đến khuya mới đi ngủ.
Một buổi tối mùa đông, trời lạnh lắm. Huệ bỏ thêm củi vào bếp rồi bắc ghế mời cha lại sưởi cho đỡ lạnh. Hơi lửa nóng làm mặt nàng đỏ bừng đỏ. Chợt nhìn con, anh Lâm cau mặt suy nghĩ. Con Mai đã ngủ thiếp đi trong tay, anh nhẹ nhàng đứng dậy đặt con vào giường, đắp chăn cho nó rồi trở lại bếp lửa gọi Huệ:
_ Huệ ơi!
Huệ đang bỏ thêm củi để giữ cho lửa khỏi tắt, ngạc nhiên ngẩng đầu lên hỏi:
_ Ba gọi con?
Anh Lâm nhìn con, ngập ngừng một lúc rồi mới nói:
_ Huệ à, con đã khôn lớn rồi, ba khuyên con nên chọn một nơi nào để nương tựa, chứ con nhất định ở vậy rồi sau này đời con sẽ ra làm sao? Người con gái chỉ có một thời hoa nở…
Huệ nhìn cha, nước mắt chảy vòng quanh, mếu máo:
_ Sao ba nói đến chuyện ấy làm gì? Bây giờ ba đã yếu nhiều, mà em con còn nhỏ dại, con lòng nào bỏ ba như thế được. Và rồi thiên hạ sẽ chê cười con là hạng bất hiếu chỉ biết hạnh phúc riêng mình mà để cho cha mẹ khổ. Đời con sẽ ra sao con không lo, con chỉ ước ao một điều là được ở với ba lâu dài, để đền ơn ba đã vất vả nuôi con bấy lâu. Nếu anh Hùng con còn sống thì ba bảo sao con cũng nghe, nhưng nay anh con…
Huệ òa lên khóc, không nói được nữa, anh Lâm nghẹn ngào, vuốt tóc con, dịu dàng:
_ Thôi con đừng khóc nữa, ba để tùy ý con!
Đêm ấy anh Lâm trằn trọc mãi không sao ngủ được. Nhớ đến vợ, đến con, bao nhiêu kỉ niệm êm đềm, cay đắng lần lượt diễn lại trong trí, anh thở dài áo não. Đêm về khuya càng lạnh. Ngoài trưa mưa rỉ rả, gió bấc thổi từng cơn, lùa gió lạnh qua khe cửa vào nhà, anh cảm thấy lòng anh như một bãi tha ma…