Dịch giả: Bảo Sơn
Chương IV

     rước ngày lễ Thăng Thiên là tuần trai, không một ai ngạc nhiên về ý định của tôi sửa soạn chịu lễ ban thánh thể cả.
Suốt cả tuần ấy, Sách không đến thăm chúng tôi một lần nào; không những tôi không lấy thế làm ngạc nhiên, buồn hay giận; trái lại, tôi lấy làm vui sướng và chỉ chờ đợi Sách đến vào ngày sinh nhật của tôi thôi. Đến ngày lễ, tôi dậy rất sớm và trong khi người nhà đóng ngựa, thì tôi đi dạo ở ngoài vườn, nhớ lại những tội lỗi của tôi chiều hôm trước, và nghĩ xem ngày hôm ấy tôi phải làm những gì để được thỏa mãn suốt ngày và khỏi phạm một tội nào cả? Tôi thấy hình như tôi chỉ cố gắng một chút là được.
Ngựa đã tới, tôi và Dì Cát cùng một người ở gái nữa, lên xe, và đi đến nhà thờ cách đấy độ ba cây số. Đến gần nhà thờ, tôi nhớ phải cầu nguyên cho moi người, “trong lòng kính sợ Đức Chúa Giê-su”, và tôi vừa có giữ lòng kính sợ, vừa trèo lên hai cái bực cổng có cỏ mọc giữa kẽ những viên đá lát. Giờ ấy có năm bảy người vừa nhà quê, vừa đầy tớ đương làm lễ sám hối; họ chào tôi, và tôi cố làm ra vẻ khiêm tốn đáp lại họ; tôi thân đi đến tận chỗ tủ đựng nến, và coi như làm một công trạng gì lớn lao lắm; tôi lấy mấy cây nến đem đến đặt trước tượng Đức Mẹ. Trông qua cửa chính điện, tôi thấy cái khăn trải bàn thờ của mẹ tôi thêu, trên môt tấm bình phong có hình hai thiên thần, mà thuở bé tôi coi thấy to lớn lắm, cùng với một con chim bồ câu chạm có ánh hào quang thuở bé tôi rất thích. Ông cố mặc một cái áo lễ giống như cái áo liệm của cha tôi, và làm lễ bằng một giọng tôi vẫn nghe quen trong những buổi lễ ở nhà tôi, những khi rửa tội cho em Xuyến, cầu nguyện cho cha tôi và mai táng mẹ tôi. Cũng vẫn cái giọng rè rè ấy của viên ca sĩ vang lên trong lúc hợp xướng, cũng vẫn cái bà già bé nhỏ ấy lúc nào tôi cũng thấy ở nhà thờ, đứng lom khom dựa vào tường, ngước mắt nhìn lên tượng đức Mẹ, nước mắt chan hòa, quấn ngón tay vào cái khăn quàng cổ, lẩm nhẩm cầu kinh.
Tất cả những thứ ấy trước kia tôi chỉ thấy nó là lạ, hay hay, bây giờ nó thành ra quan trọng và thiêng liêng quá. Trong khi đọc kinh, tôi để ý đến từng chữ một và cố tìm hiểu nghĩa, nếu có chữ nào không hiểu, thì tôi lại cầu xin Chúa chỉ dẫn cho tôi, hoặc tôi tưởng tượng bịa ra những câu khác để thay thế vào những đoạn khó hiểu. Khi đọc đến kinh sám hối, thì tôi nhớ lại cái quá khứ của tôi, cái quá khứ thơ ngây nếu tôi đem ra so sánh với cái tâm trạng sáng sủa của tôi bây giờ, tôi thấy hình như đen tối quá; tôi đâm ra hoảng sợ và phát khóc lên; nhưng, đồng thời, tôi lại thấy sẽ được tha thứ hết mọi tội lỗi, mà ngay dẫu tôi có phạm thêm tội lỗi nữa thì sự ăn năn hối hận của tôi cũng chỉ thêm phần êm dịu mà thôi. Khi lễ tất, ông cố nói: “Đức Chúa Trời sẽ ban ân lành cho các con”, thoáng một cái tôi thấy hình như người tôi nhẹ nhõm thảnh thơi vì được ân xá, y như là tự nhiên có một chút ánh sáng và hơi nóng nhập vào tâm tôi. Xong lễ, ông cố lại hỏi tôi xem cố có phải lại nhà tôi làm lễ chiều không; tôi cảm động cảm ơn cố hết lòng vì tôi, và đáp rằng đến chiều tôi sẽ thân hành lại nhà thờ làm lễ.
Ông cố nói:
- Sao tiểu thơ lại muốn nhọc mình như vậy?
Tôi không biết đáp thế nào cho khỏi phạm lỗi kiêu kỳ.
Sau khi tan lễ, nếu Dì Cát không cùng đi thì tôi đã cho ngựa về trước, để đi bộ một mình về: tôi sẽ khiêm tốn cúi đầu chào tất cả mọi người tôi gặp, tìm dịp giúp đỡ họ, hoặc khuyên nhủ, hoặc giúp họ đẩy một cái xe, ru một đứa bé, tôi sẽ nép mình ở dọc đường, và để cát bụi bám đầy mình tôi. Một hôm tôi thấy người quản lý nói với Dì Cát là anh Cu Tèo hỏi xin ván để làm áo quan cho cái Đĩ con gái anh, và một đồng bạc để làm cơm đưa ma; người quản lý lại nói thêm rằng đã cho anh Cu Tèo rồi.
Tôi liền hỏi:
- Họ nghèo lắm sao?
Người quản lý đáp:
- Thưa cô, nghèo lắm ạ, đến nỗi muối cũng không có mà ăn.
Lòng tôi se lại, nhưng đồng thời tôi lại thấy như vui vui. Tôi cố tình nói dối Dì Cát rằng tôi đi chơi; thực ra tôi chạy vội lên buồng lấy túi tiền của tôi - cũng không có bao nhiêu - rồi làm dấu thánh giá xong tôi đi qua sân, qua vườn, vào làng, tìm đến nhà Cu Tèo. Nhà ở ngay đầu xóm; không ai trông thấy tôi cả, tôi rón rén lại bên cửa sổ đặt cái gói tiền ở cạnh cửa kính. Có người ở bên trong ra mở cửa đánh kẹt một cái, và gọi to; nhưng tôi run lên như người phạm tội, vội vàng chạy tuốt về nhà, Dì Cát hỏi tôi đi đâu về và có chuyện gì. Tôi không hiểu rõ Dì Cát, và không trả lời. Bỗng nhiên tôi thấy cái gì cũng khốn nạn và ti tiện vô cùng. Tôi giam mình ở trong buồng, đi đi lại lại rất lâu, không thể làm được việc gì, nghĩ điều gì và cũng không thể phân tách được tình cảm của tôi lúc bấy giờ. Tôi nghĩ đến sự vui sướng của tất cả mọi người trong gia đình kia, những lời họ nói về người cho họ túi tiền và tôi hối đã không tự tay tôi đưa tiền cho họ.
Bây giờ tôi tự hỏi không biết nếu Sách biết tôi làm như vậy thì sẽ nghĩ ra làm sao, và mừng rằng không có ai biết một tí gì về việc này cả. Tôi vui sướng quá, tôi thấy tất cả mọi người, kể cả tôi nữa, đáng ghét quá, tôn trọng mọi vật và tự hạ mình quá đến nỗi tôi nghĩ đến cái chết y như là tôi mơ ước hạnh phúc vậy. Tôi cười, tôi khóc, tôi cầu nguyện và trong cái phút ấy tôi cảm thấy tôi yêu tất cả mọi người và cả tôi một cách say đắm. Giữa những giờ làm lễ, tôi đọc sách Phúc âm, càng đọc càng thấy rõ nghĩa hơn ra, và càng cảm động; câu chuyện về cuộc đời của thần thánh ấy, tôi cũng thấy giản dị; nhưng cái thâm thúy của những tình cảm và tư tưởng ở trong giảo lý tôi càng thấy khó hiểu và khiếp sợ. Trái lại, khi tôi rời cuốn sách ra và nghĩ đến cuộc đời ở xung quanh tôi, thì tôi thấy mọi sự đều giản dị. Tôi thấy hình như khó sống một cách độc ác xấu xa quá; thương yêu người khác và được người khác thương yêu thật là hết sức giản dị. Ai đối với tôi cũng tốt; ngay em Xuyến cũng đổi tính đi, tôi vẫn dạy Xuyến học; Xuyến hiểu, và cố làm cho tôi vui lòng.
Tôi nhớ lại xem tất cả có bao nhiêu người thù ghét và cần phải thứ lỗi trước khi làm lễ thú tội, thì tôi chỉ có thấy mỗi một con bé láng giềng mà cách đây một năm tôi chế nhạo nó ở chỗ đông người và từ đấy nó không đến chơi với chúng tôi nữa. Tôi liền viết thư cho nó, nhận lỗi mình và yêu cầu nó tha lỗi cho tôi. Nó viết thư trả lời nó không trách tôi và nó lại xin tôi tha lỗi cho nó. Đọc những hàng chữ giản dị ấy tôi khóc lên và vui mừng và cảm kích sâu xa. Khi tôi xin lỗi vú nuôi tôi, vú cũng khóc. Tại sao mà ai cũng tốt với tôi như thế? Tôi làm thế nào để xứng đáng với những lòng thương mến ấy? Tôi tự hỏi tôi như vậy, rồi bỗng dưng tôi nhớ đến Sách, và nghĩ rất lâu về Sách. Tôi không thể làm được việc gì cả, và cũng không cho việc ấy là một tội lỗi. Nhưng bây giờ tôi nghĩ đến Sách một cách khác hẳn cái đêm hôm lần đầu tiên tôi nhận thấy tôi yêu Sách; tôi nghĩ đến Sách như là nghĩ đến chính tôi vậy, tôi vô tình ghép Sách vào những giấc mộng về tương lai của tôi. Từ trước đứng trước mặt Sách tôi vẫn thấy khó chịu về cái quyền bề trên của Sách đối với tôi. Nhưng bây giờ thôi hết; tôi thấy ngang hàng với Sách; và trong lúc tinh thần của tôi phấn khởi, tôi tin là tôi hiểu được Sách. Chỗ nào trước kia tôi lờ mờ thì nay tôi thấy rõ ràng. Mãi bây giờ tôi mới hiểu tại sao Sách lại bảo rằng chỉ có thể có mỗi một hạnh phúc là sống vì người khác, và tôi biểu đồng tình với Sách. Tôi thấy hình như cả hai chúng tôi sẽ sung sướng vô cùng. Tôi không mơ tưởng đến những cuộc đi chơi những nơi xa lạ, hay những cảnh đời phồn hoa sáng lạn, tôi chỉ ao ước một cuộc đời vợ chồng êm ấm ở nhà quê, với một lòng hy sinh vĩnh viễn, một tình tương thân tương ái bền chặt, một lòng tin tưởng Thượng Đế bất di bất dịch, luôn luôn cứu nhân độ thế.
Đúng y như tôi đã dự định, tôi làm lễ ban thánh thể ngày hôm sinh nhật của tôi. Ở nhà thờ về, tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc hoàn toàn quá, khiến tôi đâm ra nghi ngờ cuộc đời, nghi ngờ tất cả mọi cảm giác, tất cả những cái gì có thể làm cho tan vỡ cái hạnh phúc lớn ấy. Chúng tôi vừa xuống khỏi xe bước lên bậc thềm, thì đã nghe thấy tiếng xe ngựa quen và trông thấy Sách. Sách chào, mừng tôi và chúng tôi cùng đi vào phòng khách. Từ khi quen biết Sách chưa bao giờ tôi cảm thấy tôi bình tĩnh, và tự chủ đối với Sách như lúc bấy giờ. Tôi cảm thấy một thế giới mới dựng lên ở trước mặt tôi, một vũ trụ mà Sách không thể hiểu được; một vũ trụ cao quá đối với Sách. Trước mặt Sách, tôi không thấy ngượng nghịu nữa. Chắc là Sách đoán thấy nguyên nhân thái độ của tôi Sách tỏ ra rất dịu dàng và thành kính. Tôi định lại bên dương cầm, nhưng Sách đóng ngay lại và bỏ chìa khóa vào túi. Sách nói:
- Đừng quấy rối cái tâm trạng của cháu. Lúc này không còn nhạc điệu nào đẹp bằng nhạc điệu của tâm hồn cháu nữa.
Tôi chiều lòng Sách, nhưng cùng một lúc thấy Sách hiểu tất cả những điều thầm kín ở trong lòng tôi một cách dễ dàng và minh bạch quá như thế, tôi khó chịu lạ. Trong khi ăn cơm, Sách nói rằng đến để chúc mừng tôi và từ biệt mọi người để hôm sau đi Mốt-Cu. Khi nói thì Sách nhìn Dì Cát, xong liếc nhìn tôi một cái nhanh, tôi biết là Sách không muốn thấy tôi bối rối. Nhưng tôi không ngạc nhiên, mà cũng không lo ngại, tôi cũng không hỏi xem Sách đi lâu hay chóng. Sao tôi lại có thể tin chắc như thế? Tôi không thể giải đáp được; nhưng trong cái ngày hôm đáng ghi nhớ ấy, hình như tôi biết hết tất cả mọi việc đã xảy ra và sẽ xảy ra. Tôi như người ở trong một giấc mộng tuyệt vời sung sướng, vì những việc xảy ra hình như đã có dự tính sẵn từ lâu người ta đã đoán biết chắc chắn những việc phải xảy ra và quả nhiên xảy ra thực.
Sách định đi ngay sau bữa cơm, nhưng Dì Cát đi lễ về mệt phải về phòng nghỉ, thành ra bắt buộc Sách phải đợi Dì thức dậy để từ biệt. Mặt trời chiếu vào trong phòng nên chúng tôi ra ngoài sân thượng ngồi. Khi chúng tôi vừa ngồi xuống thì tôi nguyện chiều hôm ấy phải quyết định cho xong việc của tôi. Tôi sẽ mở đầu câu chuyện không sớm quá mà cũng không muộn quá, vừa vặn đúng lúc chúng tôi ngồi xuống, chưa ai kịp nói một câu gì có thể đưa câu chuyện sang một vấn đề khác, có thể ngăn cản tôi nói ra được điều muốn nói. Tự tôi tôi cũng không hiểu tại sao lại có được cái bình tĩnh, cái quả quyết, cái rành mạch ấy, trong những lời lẽ của tôi. Y như không phải tự tôi nói ra, mà là một ý chí nào của ai khác nhắc cho tôi nói. Sách ngồi ở trước mặt tôi, tựa vào lan can, vít một cành lệ lan xuống ngắt lá. Khi tôi bắt đầu nói thì Sách buông cành cây ra, tay chống lấy đầu. Dáng điệu ấy có thể là của một người hết sức bình tĩnh, hoặc hết sức cảm động.
Tôi nhìn thẳng vào mặt Sách nghiêm trang nói, không hấp tấp:
- Tại sao chú đi?
Sách không trả lời ngay, mãi mới nói, mắt nhìn xuống:
- Vì công việc.
Tôi biết là Sách khó nói dối lắm, nhất là dối với một câu hỏi hết sức thẳng thắn như vậy. Tôi nói:
- Chú hãy nghe cháu, chú đã biết hôm nay là ngày gì của cháu. Ngày hôm nay là ngày rất trọng đại vì nhiều lễ. Nếu cháu hỏi chú câu này không phải vì lễ gì khác mà chỉ vì cháu cần phải biết. Chú đã biết cháu quyến luyến chú, cháu yêu chú. Tại sao chú đi?
- Chú thật khó nói sự thực với cháu. Suốt tuần lễ vừa qua chú đã nghĩ nhiều về cháu và về chú, và chú đã quả quyết đi xa. Chắc cháu đã hiểu vì lẽ gì? Và nếu cháu yêu chú, thì cháu sẽ đừng hỏi thêm gì nữa.
Sách lấy tay xoa trán và che mắt đi, rồi lại tiếp:
- Chú rất khô tâm về việc này... và cháu đã hiểu cả.
Tim tôi đập rất mạnh, tôi nói:
- Cháu không hiểu, cháu hiểu làm sao được, chú phải nói ra, có Trời đất chứng giám, ngày hôm nay, chú phải nói ra, cháu có thể bình tĩnh nghe tất cả.
Sách đổi lại dáng ngồi, nhìn tôi và lại vin cành lệ lan xuống.
Sau một lúc yên lặng, Sách nói cố lấy giọng cho có vẻ quả quyết:
- Nếu vậy thì chú cố giãi bày để cháu hiểu tuy rằng rất khó nói, tuy rằng nói ra chú rất đau lòng.
Nét mặt Sách biến đi như bị đau đớn quá.
- Chú cứ nói đi!
- Cháu thử tưởng tượng xưa có một người đàn ông ta tạm gọi tên là A, người đã đứng tuổi, cằn cỗi với đời, và một người đàn bà tên là B, trẻ trung sung sướng, chưa biết đời và đàn ông là gì. Vì những lẽ này lẽ khác của hoàn cảnh gia đình, A bắt đầu yêu B như con gái mình, chứ không dám nghĩ đến yêu một cách khác.
Nói đến đây thi Sách im lặng, và tôi đợi Sách nói tiếp. Một lúc Sách lại tiếp, lần này rất lưu loát và quả quyết, mà không nhìn tôi:
- Nhưng A quên rằng B còn trẻ lắm, đối với B cuộc đời còn như một trò chơi, B có thể yêu một cách khác, và thấy cuộc yêu đương ấy cũng là một chuyện hay hay. Nhưng A đã lầm về chính mình và bất thình lình lại có một cảm tình khác xâm chiếm lấy tâm hồn A và làm cho A khiếp sợ, A lo sợ mất tình bè bạn giữa hai người, và nhất định ra đi trước khi cái tình bè bạn ấy bị mất.
Sách vừa nói vừa cố làm ra vẻ ung dung lấy tay dụi mắt và che đi.
Tôi hỏi:
- Tại sao A lại yêu B một cách khác?
Tôi cố nén cảm động để cho khỏi mất giọng đi, nhưng thành ra nói khẽ quá, hình như là không ra hơi.
Sách đáp:
- Cô còn trẻ, mà tôi thì đã luống tuổi ròi. Cô thì muốn đùa giỡn, mà tôi thì cần cái khác. Cô cứ đùa đi, nhưng đừng đùa với tôi, tôi có thể nói rằng tôi sẽ khổ sở và cô thì sẽ hối hận. Đấy là A nói như thế đấy. Vả lại toàn là những chuyện vớ vển và chắc là cháu hiểu vì sao chú phải đi. Thôi đừng nói nữa, chú xin cháu!
Tôi nói như muốn khóc:
- Không! Không! Chúng mình cứ nói! A có yêu B không? Có hay không?
Sách không đáp. Tôi lại nói:
- Và nếu A không yêu B cớ sao A lại đùa với B như đùa với một đứa trẻ?
Sách vội ngắt lời tôi:
- Vâng, vâng, A có lỗi; nhưng thôi hết rồi, và hai người xa nhau... nhưng vẫn giữ tình bằng hữu.
- Thế thì chết mất! Không còn cách nào nữa ư?
Tôi vừa lẩm bẩm nói vừa sợ hãi về những lời đã thốt ra.
Sách buông tay ra, để lộ khuôn mặt bối rối, nhìn thẳng vào tôi rồi nói:
- Có, có một cách, hai cách là khác. Nhưng xin cháu làm ơn đừng ngắt lời chú và cố hiểu chú.
Sách đứng lên, mỉm cười đau đớn, nói tiếp:
- Có người thì cho rằng... cho rằng A bị mất lý trí, A mê B quá và ngỏ ý với B... B chỉ cười. Đối với B, chỉ là một trò đùa, mà đối với A thì lại là một vấn đề sống hay là chết.
Tôi run lên và muốn ngăn không cho Sách thay tôi nói như thế nữa, nhưng Sách đoán được ý tôi, liền đặt tay lên tay tôi, và nói, giọng run run:
- Cháu hãy khoan, người khác thì cho rằng B chỉ thương hại A, cô bé chưa hiểu gì chuyện đời, tưởng rằng có thể yêu được A và nhận làm vợ A, anh chàng điên rồ kia thì tưởng rằng có thể làm lại cuộc đời mình, nhưng rồi B nhận thấy rằng mình đã lừa dối A và rồi chính mình cũng đã bị lừa dối... Thôi, đừng nói đến hắn nữa.
Sách kết luận như vậy và chắc là không đủ sức nói tiếp được nữa, Sách mới đi đi lại lại ở sân.
Sách có nói: “Thôi đừng nói đến hắn nữa” nhưng tôi biết rằng Sách đang mong đợi tôi trả lời. Tôi muốn nói, nhưng không nói được, ngực tôi như bị đè ép tức thở. Tôi nhìn Sách, mặt Sách tái đi, môi dưới mấp máy. Tôi thương hại quá. Tôi cố sức và bật ra nói, giọng tuy giữ được bình tĩnh mà trong lòng thì lo lắng sợ tan vỡ:
- Thế còn giả thuyết thứ ba?
Tôi đợi Sách trả lời, nhưng Sách vẫn im lặng. Tôi nói:
- Giả thuyết thứ ba là A không yêu B, A làm cho B đau khổ và A tưởng rằng mình có quyền bỏ ra đi, và A ra đi với một chút lòng kiêu hãnh để mặc B đau khổ hơn.
- Chính chú, chứ không phải cháu, coi chuyện này là một trò đùa; ngay buổi đầu, cháu yêu chú, cháu yêu chú...
Tôi nhắc đi nhắc lại mấy tiếng đó và trong thâm tâm tôi tiếng “yêu” vang lên như một tiếng kêu khiến tôi sợ hãi.
Sách đứng trước mặt tôi, mặt càng thêm tái, môi dưới càng run lên bần bật và hai giọt nước mắt chảy lăn trên má.
- Chú đừng làm thế, không tốt.
Tôi nghẹn ngào nén giữ nước mắt và kêu lên như vậy.
- Cháu có làm gì đáng để chú cư xử như thế đâu?
Nói xong tôi đứng lên, định đi; nhưng Sách ngăn lại. Đầu Sách gục vào đầu gối tôi, môi Sách vẫn còn run run hôn lên tay tôi và nước mắt rơi ướt cả lòng bàn tay tôi.
Sách rên rỉ:
- Trời ơi, nếu chú biết trước!
- Cháu có làm gì đâu? Có làm gì đáng để chú cư xử như thế đâu?
Ngoài miệng tuy nói thế nhưng trong lòng tôi thì đầy dẫy cả một hạnh phúc, không bao giờ mất được.
Năm phút sau, em Xuyến lên buồng Dì Cát reo ầm lên rằng: “Chị Mai đòi cưới chú Sách!”