Dịch giả: Bảo Sơn
Chương III

     ừ ngày hôm ấy, cuộc đời giữa chúng tôi thay đổi hẳn đi. Gần nhau, chúng tôi không thấy sung sướng nữa. Chúng tôi tránh nói với nhau một vài vấn đề, và khi có thêm người thứ ba nữa thì chúng tôi nói chuyện với nhau dễ hơn. Mỗi khi nói đến chuyện dạ hội hoặc cuộc đời ở nhà quê, chúng tôi tự nhiên thấy bối rối và không thể nhìn thẳng vào mặt nhau, như là cả hai chúng tôi đều nhận thấy cái hố nó chia rẽ chúng tôi ở chỗ nào rồi và chúng tôi đều sợ không dám tới gần. Tôi biết chắc là Sách rất kiêu ngạo vào dễ cáu giận, nên tôi hết sức thạn trọng để khỏi nói chạm đến Sách. Còn Sách thì nhất định cho là tôi không thể sống xa cái đời phồn hoa được, thôn quê không phải là chốn tôi ở, và Sách phải chịu chiều cái sở thích đáng ghét đó và cả hai chúng tôi đều tránh nói thẳng vào những vấn đề ấy. Từ lâu chúng tôi không còn coi nhau là những nhân vật hoàn toàn nhất đời nữa, đem nhau ra so sánh với người này người khác và ngấm ngầm chỉ trích nhau.
Trước ngày khởi hành, tôi hơi mệt và đáng lẽ về thẳng quê thì chúng tôi đến ở một làng khác, xong rồi Sách một mình về ở với mẹ. Khi Sách sắp đi tới cũng đã đỡ và có thể theo Sách vẽ được, nhưng Sách nhất định ép tôi ở lại tỏ ý như e ngại sức khỏe của tôi. Tôi cảm thấy Sách nói vậy thôi, chứ chắc Sách không muốn cho tôi về quê hơn là lo đến sức khỏe của tôi; thành thử tôi ở lại không đi nữa.
Sách đi rồi tôi thấy đời tôi trơ trọi; nhưng khi Sách trở lại, tôi không thấy Sách đem lại được cái gì khác hơn cả. Xưa kia mỗi khi tôi có điều gì mà không nói ra với Sách, thì tôi băn khoăn như có tội lỗi, mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của Sách đối với tôi là một kiểu mẫu hoàn mỹ, lại có những lúc chúng tôi vô cớ nhìn nhau vui cười; bây giờ thì khác rồi, mà nó thay đổi lúc nào chúng tôi không hay, khi biết tới thì đã muộn. Mỗi người có những công việc riêng, những phiền muộn riêng, không ai nói với ai, mỗi người có một thế giới riêng, chẳng ai cần tìm hiểu ai cả. Chúng tôi sống như vậy quen đến nỗi chỉ một năm sau chúng tôi đã có thể nhìn thẳng vào mặt nhau mà không còn thấy bối rối như trước nữa. Những cơn vui vẻ, những tính tình trẻ trung của Sách đã biến đi hết, cả cái tính đại lượng kẻ cả và cái tính thờ ơ lãnh đạm mà xưa kia tôi rất khó chịu, cả cái nhìn đằm thắm đã làm cho tôi bẽn lẽn và sung sướng, những phút vui bên nhau, những khi cùng nhau cầu nguyện cũng không còn nữa. Thường thường mấy ngày chúng tôi mới gặp nhau một vài lần; Sách đi vắng luôn và không còn áy náy để tôi một mình như trước; còn tôi thì luôn luôn có bè bạn ở bên cạnh và cũng không thấy cần có mặt Sách.
Tôi cố làm cho Sách yên lòng và Sách cũng cố ý chiều tôi; chúng tôi ăn ở với nhau có vẻ hòa thuận lắm.
Ít khi chúng tôi ngồi riêng với nhau mà có chăng nữa thì cũng chẳng thấy ngượng nghịu, vui mừng, cảm động gì cả. Tôi biết rõ rằng đấy là chồng tối, không phải là một người xa lạ hay mới quen biết gì, một người tốt, một người mà tôi hiểu rõ như tôi hiểu chính tôi vậy. Tôi lại đoán biết chắc chắn những việc Sách làm, những lời Sách nói; và nếu Sách không làm theo đúng ý tôi đoán thì tôi cho ngay là Sách lầm. Nói tóm lại, đấy là chồng tôi không hơn không kém. Tôi thấy Sách phải như thế, chúng tôi không thể nào ăn ở với nhau khác đi được nữa, mà cũng chưa bao giờ khác cả. Khi Sách đi vắng, nhất là những ngày đầu tôi cảm thấy cô đơn, tôi sợ hãi và những lúc ấy tôi cùng nhận thấy rõ rằng tôi cần phải nương tựa vào Sách, khi Sách về tôi vui sướng bá lấy cổ Sách, mặc dầu hai giờ sau, tôi đã quên hết cả nỗi vui sướng ấy và chẳng biết nói chuyện gì với Sách cả. Chỉ những lúc âu yếm - âu yếm một cách bình tĩnh và đều hòa, hình như tôi mới nhận thấy có điều gì bất hòa giữa chúng tôi, nó làm cho tôi đau khổ, và có lẽ Sách cũng nhận thấy như vậy. Tôi cảm thấy sự âu yếm ấy có một giới hạn mà Sách không muốn vượt qua. Nhiều khi tôi buồn nhưng tôi cũng chẳng thiết nghĩ ngợi lôi thôi về chuyện gì, tôi cố quên cái buồn ấy, trong những cuộc vui chơi giải trí luôn luôn sẵn có. Cuộc đời phù hoa lúc đầu làm cho tôi say mê cái cảnh huy hoàng của nó, về sau chiếm hẳn chí hướng của tôi. Tôi không lúc nào ngồi yên một mình cả, và tôi sợ không dám phân tách rõ tình cảnh của tôi. Thời giờ của tôi, bận suốt từ sáng sớm đến đêm khuya, không còn là thời giờ của tôi nữa, ngay dẫu tôi không ra khỏi nhà cũng vậy. Tôi cũng chẳng lấy thế lảm vui hay buồn nữa; tôi cho hình như là mọi việc phải như thế, không thể nào làm khác được.
Ba năm trôi đi như vậy, chúng tôi ăn ở với nhau không có gì thay đổi, chẳng hơn lên mà cũng chẳng kém đi. Trong ba năm ấy có hai việc quan trọng xảy ra nhưng cũng chẳng thay đổi chi cuộc đời của chúng tôi cả. Việc thứ nhất là chúng tôi sinh một đứa con đầu lòng và việc thứ hai là cái chết của bà An. Lúc đầu tình làm mẹ chiếm lòng tôi một cách mãnh liệt, tôi say sưa chờ đợi cuộc đời tôi thay đổi nhưng độ hai tháng sau, tôi bắt đầu đi lại được, cái tình ấy cũng lần lần lạt đi và chỉ còn là một thói quen, một bổn phân phải làm thôi. Trái lại từ khi sinh thằng con ấy, tính tình Sách lại như cũ, dịu dàng bình tĩnh, lúc nào cũng du dú ở nhà, vui vẻ âu yếm đứa con. Nhiều lần, đi dự những buổi dạ hội về tôi còn mặc nguyên quần áo, vào phòng thăm con, lần nào tôi cũng gặp Sách ở trong ấy; mắt nhìn tôi đầy trách móc. Tôi xấu hổ, bỗng nhiên tôi nghĩ đến sự hờ hững của tôi đối với con và phát sợ, tôi tự hỏi: “Mình có tệ như những người đàn bà khác không? Làm sao bây giờ?... Mình yêu con nhưng không làm sao mà ở nhà suốt ngày với nó được, mình sẽ buồn, mà mình không thể giả dối được”.
Cái chết của mẹ chồng tôi khiến Sách đau buồn hết sức; Sách bảo Sách không thể ở thành Nam mà vắng bà ấy được nữa; còn tôi thì nhớ tiếc bà và thương Sách, nhưng nay tôi lại thấy thích cuộc đời ở nhà quê êm tĩnh và thú vị. Suốt trong ba năm, chúng tôi phần nhiều ở tỉnh và tôi chỉ về Nam có mỗi một lần hai tháng; năm thứ ba chúng tôi đi ra ngoại quốc.
Mùa Hè chúng tôi đến ở một nơi nghỉ mát.
Bấy giờ tôi hai mươi mốt tuổi: tôi cho cuộc đời của chúng tôi rất tươi đẹp, và trong đời làm vợ tôi không còn đòi hỏi gì hơn nữa. Tất cả mọi người quen biết tôi đều yêu mến tôi, tôi rất khỏe mạnh chẳng bao giờ ốm đau cả. Quần áo trang sức của tôi là những thứ sang trọng lịch sự nhất, tôi tự biết là tôi đẹp, xung quanh tôi lúc nào cũng có một bầu không khí tao nhã, vui vẻ trẻ trung.
Không phải là cái vui vẻ như ở thành Nam mà tự lòng tôi thấy sung sướng, tự mình thấy xứng đáng với cái hạnh phúc lớn của mình tuy nó lớn thực nhưng lúc nào nó cũng để cho tôi khao khác hơn nữa. Cái vui ở đây khác hẳn; tôi không ao ước hy vọng gì cả, tôi không lo lắng gì cả tôi thấy đời tôi đầy đủ. lương tâm tôi yên tĩnh. Tất cả đám thanh niên đến nghỉ mát ở đây tôi coi ai cũng như ai, cả đến lão đại sứ của nước tôi là hoàng thân Khanh, muốn tán tỉnh tôi cũng vậy. Người già hay người trẻ người Anh tóc hung hung hay người Pháp với bộ râu lún phún, tôi hờ hững với tất cả, nhưng lại cần dùng tất cả, vì họ gây ra bầu không khí vui vẻ ở xung quanh tôi. Chỉ có mỗi một người là hầu tước Dung, người nước Ý, có thể làm cho tôi chú ý, vì cái lối tán tỉnh trắng trợn của chàng ta. Không bao giơ chàng ta bỏ lỡ dịp để được gần bên tôi, để khiêu vũ, đi ngựa, đi coi hát v.v... và để khen tôi đẹp. Nhiều lần nhìn qua cửa sổ tôi bắt gặp Dung lượn ở gần nhà tôi và thường khi hai mắt chàng sáng long lanh chăm chăm nhìn tôi làm tôi ngượng phải quay mặt đi. Dung người trẻ đẹp, lịch sự và nhất là cái cười, và cái trán của chàng ta, giống y như của Sách mà có vẻ đẹp hơn của Sách. Tôi sửng sốt về sự giống nhau ấy, tuy trong toàn thể, trong cái miệng và cái nhìn, trong cái cằm dài của hầu tước Dung không có cái vẻ hiền hậu và sáng sủa quyến rũ người ta như của Sách; nét mặt Dung có một cái gì có vẻ thú vật nó làm giảm bớt cái đẹp đi. Tôi biết là Dung say mê tôi; một đôi khi nghĩ tới chàng tôi vừa kiêu hãnh mà vừa thương hại. Tôi tìm cách làm cho Dung dịu lòng đi, đưa Dung vào tình bạn hữu thân tín nhưng Dung gạt bỏ hết những ý tốt của tôi, một cách sống sượng, và, cứ đắm say, mê muội theo dõi làm phiền tôi hoài. Tôi không nói ra nhưng sợ Dung lắm, tuy lòng không muốn mà cứ phải nghĩ đến Sách biết những chuyện ấy; đối với những người quen biết khác thì chẳng sao cả, nhưng đối với Dung thì Sách giữ vẻ lạnh lùng và trang nghiêm. Vào cuối hè tôi bị đau, phải nằm ở nhà mất đến nửa tháng. Khi tôi khỏi vừa bước chân ra ngoài đã nghe nói trong lúc vắng mặt tôi, có bà Sương mới tới, Sương vẫn nổi tiếng là đẹp và nhiều người vẫn ước mong gặp bà. Thấy tôi nhiều người vui mừng hớn hở vây lấy tôi; nhưng cái đám người xúm chung quanh “con hổ cái” mới kia xem có vẻ rực rỡ bảnh bao hơn. Quanh tôi người ta chỉ nói đến Sương, bàn tán đến cái sắc đẹp của Sương, Sương đẹp thật, nhưng tôi khó chịu thấy Sương có vẻ hợm hĩnh lắm và tôi nói ra miệng. Ngày hôm ấy, tôi thấy ngán tất cả những cái trước kia tôi rất thích; hôm sau Sương tổ chức một cuộc đi chơi thăm thành cổ, tôi từ chối không dự. Mọi người đều đi hết không ai ở nhà với tôi cả, và trước mắt tôi cái gì cũng thay đổi. Tất cả cái gì tôi cũng thấy buồn thấy ngán, tôi muốn khóc, tôi muốn chữa bệnh cho thật chóng khỏi để trở về Nga. Trong tâm trí tôi có nhiều ý tưởng hèn hạ mà tôi không dám tự thú nhận. Người tôi hình như lại yếu đi nhiều và tôi không thò mặt ra với bạn bè nữa. Chỉ có buổi sáng, thỉnh thoảng tôi đi tắm một mình hoặc đi chơi những vùng lân cận với bà Mộng Lan, cũng là người Nga. Lúc ấy nhà tôi đi Hàn Dương vắng, trong khi đợi tôi khỏi bịnh để cùng về Nga, và ít khi về thăm tôi.
Một hôm Sương đưa tất cả bọn đi săn; buổi trưa hôm ấy tôi và Mộng Lan đi chơi thành cổ. Trong khi xe đang tiến bước một vào trong hào thành, theo một con đường ngoắt ngoéo hai bên trồng toàn dẻ cổ thụ có những quãng ánh hoàng hôn chiếu xuống trông tuyệt đẹp, chúng tôi bắt đầu nói chuyện đứng đắn; từ trước tới nay chúng tôi chưa nói như thế bao giờ. Tôi biết rõ Mộng Lan mà lần ấy là lần đầu tiên tôi thấy Mộng Lan là một người tốt và thông minh có thể nói hết mọi chuyện và tin cậy như một người bạn thiết. Chúng tôi nói chuyện gia đình con cái, cuộc đời vô nghĩa lý ở cái đất này; chúng tôi ao ước trở về Nga, ở chốn thôn quê, rồi cả hai đều nao nao buồn cảm. Ở dươi giữa hai bên tường thành có bóng râm mát; trên cao mặt trời chiếu vào những nơi phế tích, bỗng chúng tôi nghe thấy tiếng người nói và tiếng chân bước đi. Một khuôn cửa lớn đóng khung một phong cảnh đẹp, tuy đối với chúng tôi người Nga, coi có vẻ hơi lạnh lẽo. Chúng tôi ngồi nghỉ chân và ngắm cảnh hoàng hôn. Tiếng người mỗi lúc một rõ hơn, và hình như họ có nói tới tên tôi. Tôi lắng tai nghe và tình cờ tôi nhận được tiếng của từng người, tức là của hầu tước Dung và của một người Pháp, ông Bôn bạn của Dung mà tôi cũng hơi quen. Họ nói về tôi với bà Sương. Bôn so sánh tôi với Sương, phân tách hai vẻ đẹp, Bôn không nói điều gì xúc phạm, nhưng máu tôi cũng dồn cả lên tim. Bôn phân tách tỉ mỉ tôi và Sương có những cái gì hay. Tôi đã có một con, còn Sương mới có mười chín tuổi; tóc của tôi đẹp hơn, nhưng dáng người Sương mảnh dẻ hơn; hơn nữa cô Ăng-lê ấy là một nhà đại quý phái, còn cái cô của anh (Bôn nói như vậy) chỉ là một công chúa Nga bé nhỏ người ta bắt đầu thấy nhan nhản ra ở đây; rồi Bôn kết thúc rằng tôi không ganh đua với Sương là phải.
Dung nói:
- Tôi thương hại cho bà Sách.
Bởn lại nói trong một tiếng cười đắc ý và độc ác:
- Trừ phi bà ta chịu kết với anh!
Dung thốt ra nói:
- Nếu nàng đi, tôi cũng đi theo.
Bôn cười:
- Sướng chưa! Anh vẫn còn yêu được kia à?
- Yêu! Tôi không thể không yêu! Thiếu tình yêu, đời chẳng còn nghĩa lý gì, chỉ có tạo cuộc đời mình thành một thiên tiểu thuyết là hơn hết. Mà những tiểu thuyết của tôi không bao giờ ngừng lại ở nửa chừng đâu, cuốn này cũng vậy, thế nào tôi cũng viết xong mà rất hay.
- Chúc anh được may mắn nhé!
Chúng tôi không được nghe nốt đoạn chót, vì họ rẽ vào một lối khác, rồi chúng tôi nghe thấy bước chân họ đi ở phía bên kia. Họ xuống một cầu thang, rồi một lúc sau đi ra một cái cửa ngách, họ hết sức ngạc nhiên thấy chúng tôi ngồi đó. Tôi đỏ mặt lên khi hầu tước Dung đến gần tôi, và khi ra về lúc Dung đưa tay cho tôi tựa, tôi sợ quá. Tôi không thể từ chối, đành phải cùng chàng đi theo sau Mộng Lan đi trước với người Pháp để ra xe. Tôi đau đớn ê chề vì những lời của Bôn bình phẩm về tôi, tuy trong thâm tâm tôi nhận thấy Bôn nói rất đúng, y như những điều tự tôi đã cảm thấy; nhưng những lời thô bỉ của Dung nói như đâm vào tôi và làm cho tôi tức giận. Tôi bứt rứt về nỗi đã nghe thấy những lời của Dung nói, mà nhất là hình như Dung biết mà chẳng e sợ gì cả. Nghĩ hắn đi sát cạnh tôi mà tôi phát tởm, tôi làm như không nghe thấy Dung nói gì cả, tôi chẳng nhìn hắn mà cũng chẳng trả lời hắn, và cố đi nhanh cho kịp Bôn và Mộng Lan. Dung nói những chuyện trên trời dưới biển, nào khen phong cảnh đẹp, nào sung sướng bất ngờ được gặp tôi, nhưng tôi cứ lờ đi, tôi nghĩ đến chồng tôi, đến con tôi, đến nước Nga. Tôi thấy có điều gì xấu hổ, tôi vẩn vơ hối hận, ước ao những cái gì không biết, và mong chóng về tới nhà vào phòng riêng để suy nghĩ về những điều mới nảy ra ở tâm hồn tôi. Nhưng Mộng Lan thì đi nhanh quá, xe thì đậu ở xa, mà Dung thì cố ý kìm bước lại như muốn giữ lấy tôi.
Tôi nghĩ “Không thể như thế được!” và quả quyết bước nhanh lên. Nhưng Dung giữ tôi lại, khép chặt lấy cánh tay tôi; Mộng Lan đi đã khuất khỏi một chỗ rẽ, chỉ còn lại có độc hai chúng tôi. Tôi sợ quá, muốn tháo thân, nói:
- Xin lỗi hầu tước.
Nhưng cái đăng-ten ở cổ tay áo tôi bị vướng vào một cái khuy của Dung. Dung tựa người vào tôi để gỡ cái đăng-ten ra, ngón tay của Dung chạm vào cánh tay tôi. Một cảm giác mới lạ vừa sợ vừa thích làm tôi rợn lên. Tôi ngước mắt nhìn Dung để tỏ cho hắn biết tôi khinh ghét hắn biết chừng nào; nhưng cái nhìn của tôi lại tỏ ra vẻ khác, nó tỏ ra tôi khiếp sợ và bối rối. Đôi mắt của hắn ươn ướt và say sưa nhìn rất gần vào cổ tay tôi, ngực tôi, hai tay hắn vuốt cánh tay tôi, đôi môi hắn hé mở nói rằng hắn yêu tôi, ngoài tôi ra hắn không còn thiết gì nữa và đôi môi càng lúc càng ghé gần lại, tay hắn siết lấy tay tôi mỗi lúc một chặt hơn và làm cho tôi nóng người lên. Tôi thấy lửa chạy khắp trong mạch máu, mắt tôi mờ đi, tôi run lên, và những lời để cản hắn lại mắc nghẹt ở trong cổ họng tôi. Bỗng tôi thấy một cái hôn trên má tôi, tôi run lên, như chết cứng ra tại chỗ, tôi nhìn hắn. Tôi không thể nói được và cũng không cử động được nữa, tôi sợ quá, tôi chờ đợi, tôi cầu mong một cái gì... Tất cả chỉ xảy ra trong khoảnh khắc; nhưng cái khoảnh khắc ấy ghê gớm quá; trong một giây phút tôi trông thấy hết cả. Trông mặt hắn tôi hiểu rõ: cái trán nhô dưới cái mũ nhắc nhở đến chồng tôi, cái mũi đẹp thẳng, độ ria nhọn, chòm râu trơn bóng, đôi má cạo nhẵn thín, cái cổ nắng rám. Tôi ghét quá, sợ hắn quá, tôi thấy hắn đối với tôi xa lạ vô cùng, nhưng trong giây phút ấy sự hồi hộp và tình mê cảm con người xa lạ đáng ghét ấy phát lộ ra ở tôi mãnh liệt quá! Tôi hình như muốn phó mặc cho cái miệng tầm thường và đẹp ấy hôn, cho hai cái bàn tay trẳng hơi nổi gân xanh và có đeo nhẫn ấy ghì siết lấy. Tôi muốn đâm đầu vào cái hố mở ra ở trước mặt tôi đầy những thú vui tội lỗi quyến rũ...
Tôi nghĩ thầm: “Mình đã khốn nạn đến thế; thì cho khốn nạn hơn nữa cần gì...”
Hắn một tay ghì lấy tôi, và cúi xuống mặt tôi...
“Nhục nhã và tội lỗi càng gần tôi hơn nữa”...
Hắn khe khẽ nói một giọng giống giọng Sách như đúc:
- Anh yêu em.
Hình ảnh chồng con hiện ra ở trong óc tôi như những người yêu mến tự xưa mà nay chẳng còn tình nghĩa chi nữa. Lúc ấy bỗng có tiếng Mộng Lan gọi tôi ở chỗ rẽ kia. Lập tức tôi bình tĩnh lại và đi gần như chạy để theo kịp Mộng Lan, không nhìn lại hắn nữa. Chúng tôi lên xe và đến lúc ấy tôi mới nhìn hắn. Hắn đã bỏ mũ ra, cười hỏi một điều chi, tôi không nghe rõ; hắn không biết rằng lúc ấy tôi ghê tởm hắn đến thế nào.
Tôi thấy đời tôi khốn nạn quá, tương lai thì vô vọng mà quá khứ thì tối đen! Mộng Lan nói chuyện với tôi nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Hình như Mộng Lan nói chỉ vì thương hại tôi, để che giấu lòng khinh bỉ tôi. Trong mỗi lời nói, mỗi cái nhìn của Mộng Lan, tôi thấy như có lẫn cả lòng khinh bỉ ấy với lòng thương hại nó lăng nhục tôi. Tôi thấy nhục vì cái hôn của nó làm cho má tôi như phải bỏng, tôi nghĩ đến Sách và con tôi, tôi không thể chịu được. Một mình ngồi trong phòng, tôi tưởng có thể suy nghĩ về cảnh ngộ của tôi, nhưng cảnh vắng vẻ làm cho tôi kinh sợ. Tôi không thể dùng hết bữa trà người ta vừa bưng ra cho tôi, và tôi không hiểu rõ vì lý gì tôi hấp tấp soạn hành lý để kịp đi chuyến xe hỏa chiều đến Hàn Dương với nhà tôi. Khi tôi đã ngồi với con hầu của tôi trong toa xe trống rỗng, khi xe bắt đầu chuyển bánh và có một ít gió mát thổi qua cửa sổ đập vào tôi, tôi mới thấy bình tĩnh lại và nhận định được rõ ràng quá khứ và tương lai của tôi; tất cả cuộc đời làm vợ của tôi, từ khi tôi đến Bắc-Tơ-Bua bỗng hiện ra ở trong trí tôi một cách mới mẻ và cắn rứt lương tâm tôi. Lần đầu tiên tôi hồi tưởng đến những buổi đầu của cuộc đời chúng tôi, tôi ở nhà quê, những dự định của chúng và lần đầu tiên tôi tự hỏi: “Trong mấy năm nay Sách có gì vui sướng không? Tôi tự cảm thấy có tội đối với Sách. Nhưng tại sao Sách không ngăn cản tôi lại? Tại sao Sách lại giả dối trước mặt tôi. Tại sao lại tránh không giảng giải cho nhau nghe điều hơn lẽ thiệt? Tại sao lại sỉ nhục tôi? Tại sao Sách không dùng quyền lực của tình yêu để đối phó với tôi? Hay Sách không yêu tôi?” Nhưng dù Sách có lỗi gì đi nữa, cái hôn của người xa lạ kia vẫn còn đấy, đốt phỏng má tôi và tôi vẫn còn đang cảm thấy. Xe chạy càng gần tới Hàn Dương, tôi càng trông thấy rõ nhà tôi, và tôi càng sợ gặp nhà tôi. Tôi nghĩ thầm: “Mình sẽ nói tất cả không giấu diếm một tí gì, mình sẽ trút hết nước mắt ra, thổ lộ hết sự hối hận ra, và Sách sẽ tha thứ cho mình”. Nhưng tôi lại không biết những cái “tất cả” tôi sẽ nói ra ấy là những cái gì, và tôi không chắc Sách sẽ tha thứ cho tôi.
Nhưng khi tôi thoạt bước vào phòng Sách, trông thấy vẻ mặt Sách bình thản tuy ngạc nhiên, tôi thấy tôi không có gì đáng thú tội, và đáng phải xin lỗi Sách cả. Tôi phải chôn chặt trong lòng nỗi đau khổ và ăn năn không thú ra được của tôi.
Sách hỏi tôi:
- Em nghĩ sao tới đây? Anh vừa định mai sẽ về kiếm em.
Nhưng khi nhìn gần tôi, Sách kinh hoảng lên:
- Sao, em làm sao thế. Em có chuyện gì thế?
Tôi cố giữ nước mắt khỏi phải trào ra:
- Không chẳng có gì cả. Em đến không phải là để chơi đâu. Chúng mình về đi, mai đi về Nga đi.
Sách nhìn tôi một lúc lâu rồi nói:
- Nhưng em hãy nói xem có chuyện chi đã chứ?
Dù tôi cố giữ mà mặt cứ đỏ lên và cúi xuống; Sách nhìn tôi lộ ra vẻ tức giận như sỉ nhục. Tôi sợ Sách có thể nghĩ đến điều gì khác, tôi vội nói dối, đến nỗi chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên:
- Chẳng có chuyện gì cả, chỉ có mỗi một điều em buồn, ở một mình không chịu được, em nghĩ rất nhiều về cuộc đời của chúng mình và về anh. Đã từ lâu lắm em rất có lỗi đối với anh! Tại sao anh lại đưa em đến chỗ ấy mà anh chẳng thích chút nào? Đã từ lâu lắm em rất có lỗi với anh. Thôi đi về quê thôi và từ giờ về sau em chẳng đi đâu nữa.
Tôi vừa nhắc lại câu “Đã từ lâu em rất có lỗi với anh” thì nước mắt tôi lại trào ra.
Sách lạnh lùng nói:
- A! Thôi đi em, hãy tha cho anh những cảnh não lòng đi. Em muốn về quê thì về, vừa hay tiền đã cạn; còn chuyện “từ giờ về chẳng đi đâu nữa” chỉ là một chuyện mơ hồ. Anh biết em chẳng chịu được đầu. Thôi em hãy uống nước trà cho dễ chịu đi đã.
Nói xong Sách đứng dậy để gọi đầy tớ.
Tôi tưởng tượng ra tất cả những điều Sách có thể nghĩ tới được và nghĩ đến những ý tưởng tệ hại tôi vừa gán cho Sách khi tôi thấy Sách nhìn tôi nghi ngờ mà tôi đau lòng. Không, Sách không muốn và không thể hiểu được tôi! Tôi lấy cớ thăm con đứng dậy đi ra ngoài. Tôi muốn ngồi một mình và muốn khóc, khóc thật nhiều...