Dịch giả: Thiều Hoa
Phần III

     ó lần ngài Jules Janin, một con người kiệt xuất ở Paris, trên đường đi thăm họ hàng ở Nimes đã ghé qua Angoulême của chúng tôi thăm Gildas khiến cho cả thị trấn bé nhỏ của chúng tôi ai cũng lấy làm vinh dự vì được đón tiếp ngài.
Tôi không bao giờ tham gia vào những bữa tối nơi người ta toàn khoe khoang sự thông thái rởm, trình diễn những bộ trang phục lố lăng diêm dúa. Giờ đây tôi như biến chất từ một con người thân thiện, tốt bụng, chất phác, hồn nhiên thành một con rắn độc nhưng không ai phát hiện ra, ngay cả Flora. Nhưng nói cho cùng thì giờ đây cô đâu còn để ý đến những gì liên quan tới tôi nữa. Cô có thể đi qua chỗ tôi mà không thèm nói chuyện với tôi, nhìn về phía tôi mà không nhận ra tôi, nghe tôi nói mà không hiểu tôi nói gì. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng nếu có hôn cô, chiếm đoạt cô thì cô cũng không hề cảm nhận được những sự vuốt ve của tôi. Tôi đã không đủ can đảm để thử. Giờ đây Gildas thay tôi làm việc đó và chứng minh rằng tôi đã lầm.
Một tối nọ trời đổ mưa như trút, trận mưa đầu tiên kể từ khi mùa thu tới. Với tôi đó như một trận đại hồng thủy kể từ khi anh chàng thi sĩ kia quay về. Vì lý do trời mưa nên Gildas tự cho mình vị trí tháp tùng Flora trở về nhà. Trước đó anh ta đã uống một chút rượu nho Toquay hay sâm banh gì đó - một việc không bình thường vì mọi khi anh ta không bao giờ dùng rượu. Và anh ta đã thố lộ với cô điều cô hằng mong chờ, ao ước. Cô để anh ta nói, để anh cúi sát mái đầu đẹp đẽ vào cô trong bóng tôi của cỗ xe, để cho đôi môi gợi cảm của anh ta thăm dò khắp cơ thể, để cho anh ta đi theo tới tận bậc thềm, rồi vào phòng ngủ, rồi lên giường, làm hoen ô tấm dra trắng mà có lần tôi thoáng thấy, hàng đêm tôi vẫn mơ thấy...
Đến giờ tôi vẫn thấy choáng váng, kích động khi nhớ lại sự việc này. Thậm chí tôi đã kích động tới mức bóp gẫy cả cây bút, khiến một mảnh vụn găm vào kẽ móng tay nơi ngón trỏ. Tôi tạm dừng ở đây, để tới khi khác sẽ tiếp tục câu chuyện...

*

Một tháng trước tôi đã định dừng câu chuyện lai thậm chí còn định đốt tất cả những trang sổ này đi. Nhưng tôi đã không thể làm được việc này, một phần vì tôi không thể chịu nổi khi bị xem là một nhà văn xoàng, nhưng chủ yếu là do thói quen không bao giờ làm gì không tới nơi tới chốn của một luật gia đã không cho phép tôi làm như vậy. Vì thế tôi sẽ tiếp tục nhưng tôi sẽ phải cố gắng hết sức để không quá đau đớn, chua xót. Thật ra là khi người đàn ông nói về một người phụ nữ mà anh ta không chinh phục được thì không khỏi có giọng giễu cợt nhạo báng. Anh ta sẽ trở nên cay nghiệt với cô ta hơn so với cách cư xử của một người đàn ông được cô đáp lại, cho dù sau đó tình cảm ấy có phai nhạt hay thay đổi. Dù cho bị ám ảnh vì những thỏa mãn xác thịt trước đó nhưng anh ta chắc hẳn vẫn thấy hạnh phúc ngọt ngào trong sự đổ vỡ. Vì mùi hương, hơi ấm, da thịt của người phụ nữ là những thứ tạo ra một ký ức sâu sắc, khó quên nhất cho người đàn ông. Nếu còn sống thì Gildas chắc hẳn sẽ nói về cô một cách êm ái nhẹ nhàng hơn, trân trọng hơn cho dù anh ta không yêu cô bằng tôi, dù anh ta đã từng lừa dối và phản bội cô.
Ôi Flora, Flora của tôi, trái tim của tôi, tâm hồn tôi, mạt trời của tôi, ngọn lửa duy nhất của đời tôi, niềm vui nụ cười duy nhất của đời tôi... Nếu cô đơn trên cõi đời này, nơi mà em đã tàn phá mọi thứ, trong đêm nơi em đã trốn thoát khỏi tôi, thì em sẽ tha thứ cho tôi cho dù tôi có mỉa mai giễu cợt, vì hằng đêm tôi vẫn thường khóc vì em.
Trở lại câu chuyện của tôi: tất cả xảy ra đã ba mươi năm, ba mươi năm về trước, bắt nguồn từ lối mòn của cái mà chúng ta gọi là định kiến, nhưng thực ra nó là một thứ bản năng còn sót lại trong giới thượng lưu. Nếu anh sống ngược lại với những lề thói, tập quán thông thường thì sẽ bị cả xã hội tẩy chay ngay lập tức.
Flora là một người mang họ Margelasse. Ông tổ bên nội của cô đã từng tham gia hai cuộc Thập tự chinh. Mẹ cô đã lần lại dấu vết của dòng họ tới được tận năm 1450. Còn gia đình Gildas thì từ xa xưa đã là những người làm thuê, những người nông dân, thậm chí là nông nô. Tổ tiên của anh ta đã từng là những người hầu của tổ tiên chúng tôi. Tất cả đều là quá khứ, mà quá khứ là điều không bao giờ thay đổi được. Giờ đây đứng trước chúng tôi những người bạn mới, khi nói chuyện anh ta vẫn luôn phải bỏ mũ. Gildas Caussinade không bao giờ thoát khỏi thực tế này. Cho dù là một thi sĩ tài năng ở Paris nhưng anh ta lúc nào cũng có thể bị xem thường vì gốc gác của mình. Cứ tưởng tượng rằng người yêu, người tình của Flora de Margelasse phải chịu điều đó là tôi lại thấy day dứt. Thật là khó khăn đối với những con người tự mãn trong chúng tôi khi hôm trước anh ta vừa là một tá điền, hôm sau lại phải nhìn nhận anh ta như một quý ông lịch duyệt. Việc gọi anh ta bang chữ “ngài” không chỉ thật khó khăn mà thậm chí còn khiến người ta tức cười nữa.
Liệu hai kẻ đang đắm đuối trong tình yêu kia có mảy may để ý chút gì đến vấn đề này không? Và những điều đó có ảnh hưởng gì tới họ không? Tôi dám chắc rằng không, cho dù điều đó có vẻ lạ lùng. Không một ai trong họ dù chỉ một thoáng có ý nghĩ về sự chia lìa. Khách quan đứng bên ngoài, ai cũng nhận thấy giữa họ có một hố sâu ngăn cách.
Nhưng bản thân họ thì chỉ nghe thấy tiếng nói của con tim mình, người này chỉ quan tâm tới người kia. Họ không cần biết tới quá khứ hay tương lai mà chỉ đắm đuối trong hiện tại hạnh phúc, đam mê quay cuồng. Tóm lại là buổi sáng, khi thức dậy, nếu bầu trời có hiện ra với màu xám xịt buồn bã đơn điệu thì trong mắt họ nó cũng trở thành một bầu trời rực rỡ, đầy ánh mặt trời với tình yêu. Với họ thì có hề gì đâu nếu ẩn sau bầu trời rực rỡ ấy một đám mây đen báo bão, một cơn bão và một vụ tai tiếng. Về phía Flora, cô sẽ bị tẩy chay khỏi thế giới trước đây của cô, thanh danh của cô sẽ bị hủy hoại, tự cô sẽ chuốc lấy vào mình sự cô đơn và ghét bỏ khi tuổi già ập đến. Với Gildas, anh ta sẽ nhận được sự lăng mạ, giận dữ và căm ghét. Nhưng tôi nhắc lại rằng không ai trong số họ có thời gian để mà xem xét, cân nhắc đến những vấn đề này, hoặc nếu có thì họ sẽ coi đó là những điều không có thực, là ảo giác. Không ai trong hai người mảy may sợ hãi, lo lắng, tuyệt vọng mà họ chỉ thấy luyến tiếc mỗi khi đêm qua đi, dù trên đệm nhung hay trên nệm rơm. Cả ba chúng tôi đều có chung nỗi luyên tiếc quá khứ, chung nỗi tuyệt vọng. Nhưng chỉ có tôi là chẳng có gì để lấy làm hài lòng hay khuây khỏa, an ủi cả.
Vào khoảng tháng mười hay tháng mười một gì đó tôi không nhớ rõ, người ta mời tôi đến Bordeaux làm chứng cho việc xét xử một ông bạn từ hồi còn đi học của tôi. Anh ta là một địa chủ nhỏ không may mắn trong mọi thứ, ban đầu vì không đỗ đại học nên bị tước quyền thừa kế, sau này bị chính những người hàng xóm ăn cướp, rồi không chịu nổi sự phản bội của vợ, anh ta đã giết chết chính cô ta. Tôi tới đó, và khi nhận ra các luật sư bào chữa trước đây của anh ta đã đuối lý như thế nào, tôi tự mình tiếp tiếp tục vụ án. Tôi làm việc không đến nỗi tồi, vì cuối cùng tôi đã giữ lại được cho anh ta cái đầu, thứ mà trước đó hai năm anh ta đã tự đưa vào thòng lọng. Thành công của tôi khiến cho các phu nhân phải rơi lệ vì xúc động, cánh nhà bảo từ Paris đổ xô tới để phỏng vấn, viết bài với chủ đề hiếm có: một luật sư tài năng đã làm tất cả để bảo vệ một người đàn ông đáng thương giết vợ do ghen tuông và không chịu nổi sự phản bội. Cánh nhà báo cũng phải rớt nước mắt ngay tại phiên tòa, thậm chí được kích động một chút bằng một loại rượu đặc sản của Bordeaux, họ còn tung hô tôi hết lời. Từ Bordeaux tôi trở về trong vòng nguyệt quế vinh quang.
Tôi nhớ mình đã đi bảy mươi năm dặm đường chỉ trong vòng tám tiếng đồng hồ, đổi ngựa ba lần và về tới Margelasse trong tình trạng kiệt sức, rã rời, không báo trước với ai về chuyến viếng thăm của mình. Con Philemon thì ướt đẫm mồ hôi. Tôi cũng không báo trước với ai sự trở về của mình. Tôi thật khờ khạo khi tin rằng không để lãng phí thời gian, tiếng vang về thành công của phiên tòa ở Bordeaux với tiếng tăm của tôi chắc hẳn phải tới tai Flora và lan khắp Aquitain một cách nhanh chóng, chắc hẳn mọi người đều đã biết tin về sự trở về của tôi. Đây là lần thứ hai nhưng cũng là lần cuối cùng tôi đường đột tới mà không báo trước sự xuất hiện của mình. Một người bác gái của tôi, giờ đã yên nghỉ dưới mồ, trước đây đã nuôi nấng và dạy tôi một quy tắc vàng là đừng bao giờ đột ngột gọi tới ai, hay đến đâu mà không báo trước, nếu không ắt sẽ phải ân hận.
Dù sao thì ngay khi về tới Angoulême, bỗng nhiên tất cả sự hăng hái, sức mạnh đã khiến tôi đi liền một mạch bảy mươi dặm không nghỉ trên lưng ngựa như biến mất, thay vào đó là sự mệt mỏi không thể chịu nổi do chuyến đi vội vã này. Tôi choáng váng xây xẩm, như không còn ý thức được cái miệng ẩm ướt của con Philemon dù cho mới chỉ một tiếng trước tôi còn vẫn nhận ra, và tôi không thể hòa theo kịp nuớc kiệu nhanh nhẹn của nó sau ba ngày nghỉ ngơi. Tôi đâm bực với nó, và khi tới cổng Margelasse, cùng bực mình vì kẻ đang cưỡi trên lưng, toàn thân nó đầm đìa mồ hôi. Tôi xuống ngựa, quyết định để nó nghỉ một lát cho khô mồ hôi cùng nó bước chầm chậm trên con đường nhỏ giữa hai hàng cây dẫn tới ngôi nhà. Tôi cũng đầm đìa mồ hôi nhưng không phải vì sợ hãi mà là vì giận dữ, mặc dù tôi không biết tại sao. Linh tính như mách bảo tôi một điều gì đó không ổn.
Nhưng phải nhắc lại rằng tôi vẫn còn đang say sưa với chiến thắng, trong tai tôi như vẫn còn vang lên những tiếng tung hô tại Bordeaux, tâm trạng đó như lây cả sang con ngựa của tôi. Tôi tưởng như hiểu những suy nghĩ của con vật xinh đẹp: “Nào, đừng có nóng nảy giận dữ. Hôm nay ông chủ của ta thật vụng về, nhưng ông ta không phải là người độc ác, không bao giờ dùng roi da hay đinh thúc bằng sắt với ta. Hãy kiên nhẫn”. Còn tôi cũng tự nhủ: “Đừng có nóng nảy hấp tấp. Flora đang bị quyến rũ, đắm đuối vì gã thi sĩ, nhưng ở cô có thừa sự sáng suốt, đoan trang, đức hạnh và tự trọng. Dĩ nhiên là không có gì ghê gớm xảy ra cả đâu”.
Tôi mong được thấy cô một mình ở nhà, bên cạnh không có anh chàng điển trai kia. Cô là một phụ nữ quý tộc, cô chỉ đề nghị anh ta đọc cho nghe những bài thơ của anh ta mà cô thích, và cô chỉ bày tỏ sự thích thú của mình đối với những vần thơ đó mà thôi. Điều đó cũng không thể làm cho Gildas quên được một điều rằng cô là một phụ nữ quý tộc. Nếu để cô biết được những nghi ngờ của tôi, chắc hẳn cô sẽ cười vào mũi tôi cho mà coi. Và tôi không thể không mỉm cười một mình khi lại nhảy lên ngựa, hình dung ra nụ cười, giọng nói dịu dàng, giễu cợt của cô.
Philemon lại trở lại hăng hái, vui vẻ chạy nước kiệu nhỏ trên đường, tôi chỉ kịp dừng nó lại khi tới sát hàng rào. Nó bồn chồn như đoán được dự định của tôi.

*

Chiều hôm đó cả khu vườn chìm trong sự tĩnh lặng. Bầu trời xanh nhạt sáng lên trên mái ngói, không một gợn gió, oi ả như báo hiệu một cơn bão ngầm.
Tôi vòng sang phía bên phải con ngựa, miễn cưỡng đi trên đúng con đường mòn đáng ghét mà tôi đã đi vào chuyến viếng thăm không đúng lúc lần trước, ngang qua đại sảnh màu vàng. Tôi hy vọng sẽ nhìn thấy cô một mình dưới mái tây hiên trông ra thảm cỏ, nơi cô thường ngồi đọc thơ hoặc cho thiên nga ăn mỗi khi trời đẹp. Thậm chí tôi tin chắc vào điều đó. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể bước một cách nhẹ nhàng, thận trọng đến thế trên lối đi rải sỏi lạo xạo, lén lút trên bãi cỏ ngả màu úa. Tôi không nghĩ ngợi, băn khoăn, lo lắng, đòi hỏi điều gì cả. Tôi cảm thấy kiệt quệ, toát mồ hôi. Tôi chưa bao giờ có những hành động lén lút mờ ám như một tên do thám thế này. Bằng cớ là tôi như một kẻ bị sét đánh, tê liệt hoàn toàn khi vừa vòng qua khỏi góc tòa nhà, tôi trông thấy Flora ngồi đó trên chiếc ghế dựa, còn Gildas thì nằm ngả dưới chân, đầu gối vào lòng cô. Tay cô với ra chiếc đĩa đặt bên phải nhón một quả dâu đưa vào miệng anh ta, anh ta vừa giữ chặt giữa hai hàm răng vừa cười trong cổ họng. Rồi cả hai cùng cười trong khi cô đưa những ngón tay thon thả mơn trớn đôi môi anh ta, chắc hẳn chúng nóng bỏng và gợi cảm - tôi đoán thế. Những ngón tay cô vuốt ve môi, rồi trán, rồi tóc anh ta, cả người cô cúi xuống và họ hôn nhau đắm đuối. Cô nhắm nghiền mắt, vục tay vào mái tóc dày rậm của anh ta. Tôi đứng bất động, sững sờ trước cảnh đang diễn ra, sợ hãi. Vâng, tôi phải thú nhận rằng mình sợ bị trông thấy, sợ bị phát giác đang thực hiện một hành động dò xét, một nỗi sợ hãi ti tiện. Tôi sợ buộc phải cư xử như bất kỳ một người bình thường nào khác khi nhìn thấy cảnh kia, sợ bị coi thường, sỉ nhục, sợ rằng với nghĩa vụ và danh dự của mình, từ nay về sau tôi sẽ phải giữ một khoảng cách nhất định với Flora, phải tránh xa cô vì cô đã đắm vào một tình yêu theo tiếng gọi của bản năng tự nhiên nhưng đi ngược lại các quy tắc xã hội. Cô đã chọn cho mình cách sống theo đúng bản chất tự nhiên, bất chấp các quy tắc vô lý do con người đặt ra. Qua cả cuộc đời mình tôi hiểu được một điều rằng cô ghét nhất là phải tuân lệnh.
Mãi một lúc lâu sau mới từ từ quay lại, lê từng bước chậm chạp trên đường, run sợ vì lo lắng sợ họ trông thấy, vì tôi phải rút lui trong bối cảnh như thế này. Không hiểu trước đó một tháng điều gì đã ngăn cản tôi thực hiện ý đồ giết chết anh ta. Ai là người đàn ông e thẹn, cả lo đang chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng nhưng trên hết, anh ta phải đương đầu với nỗi cô đơn đang bao vây tràn ngập xung quanh? Chạm vào một bức tường mà tôi không biết là ở đâu hiện ra, tôi dựa lưng vào đó, thở phào nhẹ nhõm. Độc giả thân mến, tôi cảm thấy mình đã an toàn và mỉm cười mãn nguyện.
Tại sao tôi lại cảm thấy an toàn được? Vậy là tôi vừa mất đi tất cả niềm hy vọng về hạnh phúc trong cuộc đời này. Tôi vừa chứng kiến Flora bị một kẻ khác mê hoặc, quyến rũ mà từ bỏ tôi, cô miết ngón tay giữa đôi môi, mái tóc anh ta với tất cả niềm khoái cảm, mãn nguyện của một người đàn bà tự nguyện dâng hiên tình yêu và được đền đáp đầy đủ. Tôi đã đau khổ hàng tháng trời vì không thể làm cho cô trở thành của mình, và từ giờ cô sẽ không bao giờ là của tôi nữa rồi... Thậm chí tôi còn hình dung ra cảnh cô đồng ý lời cầu hôn của anh ta.
Tôi vòng trở lại với con Philemon, ấu yêm gọi tên nó, dựa đầu vào cổ nó như thể tìm một sự an ủi, như một kẻ chết đuối vớ được chiếc cọc. Nó quay đầu về phía tôi. Với ánh mắt vô hồn, tôi thấy đôi mắt long lanh như hai viên ngọc của nó nhìn tôi ươn ướt như khóc. Nó dụi cái mũi ẩm ướt mát lạnh vào má tôi, vào khuôn mặt đẫm nước mắt của tôi. Tôi khẽ thì thầm gọi tên nó. Như một kẻ già nua ốm yếu, tôi quay trở lại với cuộc sống buồn tẻ khô cằn xưa nay của mình. Hạnh phúc đã bay xa khỏi tầm tay, vì thế cuộc đời tôi không cần phải hối hả vội vã nữa.
Đó mới chỉ là sự khởi đầu những đau khổ của tôi. Dù sao đi nữa thì họ cũng thật nhẫn tâm. Tôi trở về văn phòng của mình như người chết rồi. Ban đầu những lời chúc mừng của các nhân viên khiến tôi tưởng họ mất trí, một lúc sau mới nhớ ra đó là vì sự thành công của phiên tòa ở Bordeaux. Chúng tôi mở sâm banh. Tôi uống như điên. Rượu cùng với sự kiệt sức, nỗi thất vọng khiến tôi lăn lông lốc dưới gầm bàn, dưới chân những người thư ký. Phải cố gắng lắm tôi mới bò được lên cầu thang để về phòng nghỉ, nằm vật ra giường. Tôi ngủ vùi suốt hai mươi tư tiếng đồng hồ cho bảy mươi năm dặm trên lưng ngựa, ba chai rượu và ba mươi năm cô đơn vừa qua. Khi tôi tỉnh dậy thì tất cả mọi người đều đã biết về mối quan hệ giữa Flora và Gildas.

*

Những gì xảy ra giữa Gildas và Flora mà tôi biết được chính là từ anh ta vào tối cuối cùng chúng tôi gặp gỡ, nói chuyện. Trước mắt tôi như vẫn hiện lên khuôn mặt trẻ trung nhưng rắn rỏi của anh ta, khuôn mặt không chỉ cuốn hút với phụ nữ mà với cả đàn ông nữa. Đôi mắt thẳng thắn, chân thật sáng long lanh thể hiện sức sống mãnh liệt của trí tuệ, cơ thể khỏe mạnh vươn cao như một cây con đón ánh nắng. Anh ta là một thanh niên thông minh, mạnh mẽ - điều này thì tôi nhận ra ngay từ ngày đầu. Quả thực tôi lấy làm tiếc là không thể coi thường anh ta. Tôi rất muốn xem thường anh ta và tôi có đủ lý do nhưng chưa bao giờ tôi làm được điều đó cả. Thú thực là tôi ghen tỵ với anh ta, ghét anh ta, mong cho anh ta chết quách đi. Chưa bao giờ tôi ghen tỵ với ai như vậy, kể cả các luật sư danh tiếng nhất hay những tỷ phú giàu có nhất, đứa trẻ được nuông chiêu nhất, ông bố được kính trọng nhất, chứ đừng nói là với một gã nông dân. Mỗi khi nghĩ đến cảnh đôi tình nhân tỉnh giấc trên chiếc giường trong căn phòng của Flora là máu tôi lại sôi lên như một dòng dung nham nóng bỏng. Nếu tôi khóc chắc hẳn nước mắt sẽ có màu đỏ tía hoặc đen hoặc vàng như nhựa cây rỉ ra khi bị dao chém và có mùi buồn nôn. Song tôi im lặng nghe anh ta kể.
Họ tỉnh dậy ngỡ ngàng. Trước hết là anh ta lạ lùng nhìn cánh tay nâu rám của mình trên tấm dra giường trắng muốt. Tiếp theo là cô bối rối vì hơi ấm, sức nóng gần kề bên cạnh mà vì còn trong trạng thái lơ mơ cô vẫn chưa nhận ra là từ một cơ thể sống. Rồi anh ta nhận ra chiếc giường và căn phòng, cô nhận ra nguồn gốc của hơi ấm kia. Cả hai quay sang nhìn nhau chằm chằm, hốt hoảng và dò hỏi.
“Lúc đó tôi không dám chắc điều gì cả” Anh ta nói với tôi. “Tôi sợ cô ấy khóc, đuổi tôi ra khỏi nhà, mắng chửi sỉ vả tôi, sợ rằng tất cả những gì đang diễn ra chỉ là cơn mơ, sợ cô quên mất những gì đã xảy ra. Tôi thấy mình có lỗi vì đã xúc phạm cô nhưng cũng thấy trên vai những vết răng cô đã cắn tôi hồi đêm”.
Anh ta không nói với tôi xem Flora đã nghĩ gì nhưng tôi có thể tự hiểu. Cô nghĩ rằng giấc mơ của cô là thực, rằng đó là tình yêu của cô, rằng màu trắng của tấm khăn trải giường càng khiến cho cơ thể khỏe mạnh rám nắng của anh ta thêm hấp dẫn. Cô kéo anh ta về phía mình, không nói một lời nào dâng hiến cho anh ta với tất cả sự nồng nàn sôi nổi mà cô đã thể hiện suốt cả đêm trước.
Dĩ nhiên do không phải là điều mà Gildas nói với tôi. Anh ta chỉ nói “Không may cô ấy nhận ngay ra đó là tôi” bằng giọng mãn nguyện rồi dừng lại ở đó, nhắm mắt lại như hồi tưởng về niềm hạnh phúc ngọt ngào trong khi tim tôi nhói đau.
Họ còn nằm bên nhau tới trưa, khi có tiếng gõ cửa vì những gia nhân của Flora bắt đầu lo lắng. Gildas muốn trốn đi để tránh cho cô khỏi bị tổn thương. Anh ta nói bằng tất cả sự ngọt ngào của mình trong khi nhảy ra khỏi giường mặc quần áo, rằng anh ta hiểu cô sẽ không muốn gặp lại anh ta nữa, cô sẽ quên đi tất cả, rằng anh ta hứa sẽ không bao giờ tìm gặp cô nữa, họ sẽ không bao giờ nhìn thấy nhau nữa và không ai có thể biết được về cái đêm tuyệt vời nhất này trong cuộc đời anh ta, anh ta sẽ mang theo nó suốt cuộc đời cũng như khi chết đi. Anh ta sẽ còn tiếp tục bản diễn văn xúc động ấy nếu Flora không phá lên cười, vươn người ra ôm lấy anh ta, chải tóc, sửa lại cổ áo sơ-mi anh ta. Trong khi anh ta nói về dư luận xã hội, về miệng lưỡi thiên hạ thì cô nói về những mốt trang phục quần áo mà cô sẽ mua cho anh ta trong chuyến đi Paris sắp tới. Sự trái ngược đó khiến cả hai đều dừng lại nhìn nhau và cuối cùng đều hiểu những điều tuyệt vời cũng như những khó khăn với tình cảnh này.
Gildas cảm thấy một sự im lặng bao trùm. Anh ta đứng bất động nhìn chằm chằm vào đôi tay mình bằng đôi mắt không thấy gì cả. Rồi anh ta nói với tôi rằng đã sẵn sàng ra đi, sẵn sàng tự sát nhưng cũng sẵn sàng ở lại. Như thể cả ngàn thu đã trôi qua trước khi giọng nói của Flora vang lên một cách nghiêm túc, rằng cô yêu anh ta, cô không hề xấu hổ về việc đó mà ngược lại chỉ thấy hạnh phúc. Anh ta tự thấy mình thật điên rồ song Flora thì không thế. Ở cô luôn toát lên vẻ tự tin, thanh than và duyên dáng khiến cho cái chữ “điên rồ” có vẻ xa lạ với cô.
“Nhưng em không thể, không thể như thế được...” Anh ta lắp bắp.
Cô ngắt lời anh ta bằng cách gọi người hầu gái mang bữa sáng vào phòng cho cả hai.
“Tôi như kẻ không có lý trí” Anh ta tiếp tục câu chuyện. “Mắt tôi chỉ nhìn thấy cô, tai chỉ nghe tiếng cô. Nếu cô muốn tôi có thể treo cổ tự vẫn. Tôi có thể bày tỏ tình yêu của mình ngay trên quảng trường hay thậm chí ngay trên xe ngựa, trước cả thị trấn Angoulême này”.
Có thể đó không phải những gì cô yêu cầu anh ta làm nhưng thực tế họ đã đi chơi cả buổi chiều trên cỗ xe do con Hellie kéo của cô. Họ đi qua khắp các con phố, ngõ ngách, quảng trường trong thị trấn. Cô dừng lại trước tất cả các cửa hiệu, khoác tay anh ta một cách tự hào, hãnh diện, hạnh phúc mỗi khi bước xuống xe mua một cái gì đó hay chào một người quen với cách đúng như của một người phụ nữ đang được yêu đi bên cạnh người đàn ông của mình.
Còn Gildas, anh ta thì bước bên cạnh cô lâng lâng sung sướng, đóng mở cửa xe, đỡ cô lên xuống xe, cười nói với cô mà không biết mình đã nói những gì. Thậm chí cả cô cũng không biết cô đã nói những gì với anh ta. Toàn thể Angoulême hôm đó đều cảm thấy ban đầu là sửng sốt bàng hoàng, sau đó là một làn sóng phẫn nộ giận dữ trào dâng. Đối với họ đây thực sự là một vụ tai tiếng ầm ĩ, nhất là khi chiều đến, đôi tình nhân lại quyết định trở về Margelasse ăn tối và cùng nhau ở đó cho đến sáng. Song cả hai chẳng hề quan tâm.
Hai ngày sau không ai nhìn thấy họ xuất hiện trong thị trấn. Sự việc trở thành đề tài cho những câu chuyện thì thào, nhũng lời đàm tiếu.
Tôi phải viện ra vô số những lời giải thích cho chuyến đi chơi, sự trình diễn trơ trẽn của họ. Sự phẫn nộ của dư luận xã hội đối với những hành động, việc làm không tuân theo chuẩn mực là một điều hoàn toàn dễ hiểu. Việc công khai tình yêu của cô đáng bị chỉ trích hơn là việc cô đem lòng yêu anh ta. Có thể tha thứ cho sự bướng bỉnh của cô, cho việc cô đưa anh ta vào giường của mình nhưng không thể tha thứ cho việc cô bình tĩnh khoác tay anh ta diễu trên đường phố trước toàn thể thị trấn. Mặc dù cũng giận dữ phẫn nộ song tôi không thể không cảm phục và đánh giá cao tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của Flora. Đúng ra là tôi ghét cô nhưng lại ngưỡng mộ cô vì tính cách ấy.
Mặt khác, tôi muốn cười vào mặt những kẻ không muốn thừa nhận Gildas. Họ nói khinh thường anh ta, một kẻ không đáng để họ rút gươm thách đấu, không đáng để họ phải bận tay. Nhưng thực ra họ không dám chiến đấu với anh ta bằng đôi tay yêu ớt của họ, sợ bị bại trận dưới tay anh ta. Tóm lại tôi coi thường tất cả những kẻ buộc tội Flora vì tình yêu, hạnh phúc của cô.
Về phần mình, tôi không biết phải làm gì vì tôi không thể làm việc được. Mà đối với tôi, không làm gì cũng đồng nghĩa với cái chết, đau buồn làm tôi gần như phát điên. Lúc nào tôi cũng cưỡi ngựa đi xa khỏi hướng Margelase. Đã ba ngày trôi qua mà tôi thấy dài như ba mươi ngày. Vào cuối ngày thứ ba đó, khoảng năm giờ chiều, một lá thư của Flora xuất hiện trên bàn tôi, chỉ vẻn vẹn vài câu: “Anh hãy tới, em cần anh. Flora”. Dĩ nhiên là tôi như bay đến bên cô. Họ đang ở trong phòng khách, mặc trang phục đi đường, hành lý gọn gàng trong xe. Trông họ đẹp đôi, ngập tràn hạnh phúc và sẽ đi Paris ngay bây giờ. Cô cầm tay tôi, ngước nhìn dịu dàng.
“Tạm biệt anh, Lomont, thân mến...” - Cô nói - “Em sẽ không bao giờ quên anh. Quả thực thật khó khăn khi phải xa anh. Tạm biệt anh, người bạn tốt nhất của em, tạm biệt...”
Tôi không nói gì, bắt tay Gildas như một kẻ mất trí. Bóng đêm ập xuống. Mùa thu đang tàn dần, đông bắt đầu tới. Flora sẽ không bao giờ quay về nơi đây nữa. Angoulême sẽ là một mùa đông buồn tẻ lạnh giá.
Hai năm trôi qua. Tháng ngày cứ nối tiếp trôi đi nhưng tôi có cảm giác chẳng ngày nào giống ngày nào vì tôi luôn mệt mỏi. Ngược với những gì mọi người thường nghĩ, khi cuộc sống của anh không có gì biến động mà cứ đều đều thì mỗi ngày trôi qua luôn là một ngày mới khác nhau, tùy theo tâm trạng cảm xúc từng lúc. Chỉ khi người ta hạnh phúc thì ngày nào cũng là một ngày mới như nhau. Tôi phát hiện ra điều này vì những buổi hoàng hôn duy nhất, những buổi tối duy nhất mà tôi có thể nhận ra chính là nửa tháng hạnh phúc nhức nhối mà tôi đã nói trước đây trong suốt mùa hè huy hoàng đó, và tôi thật yếu ớt, ngốc nghếch, hài hước, lạc quan tới mức tìm thấy hạnh phúc trong những tháng ngày đó, trong sự bầu bạn với Flora. Nhưng tôi đã bất lực trong việc thu xếp hai tuần đó, sắp xếp hàng nghìn sự kiện xảy ra theo trình tự thời gian. Đôi lúc việc này khiến tôi thấy buồn ngủ díu mắt.
Căn phòng tôi lúc nào cũng chìm trong bóng tối. Đêm đêm, tôi thường chỉ thắp một ngọn nến leo lét vừa đủ để gọi là sáng. Tôi thích ánh sáng nến hơn là đèn khí gas. Điều này cũng chứng tỏ sự già cỗi trước tuổi của tôi. Căn phòng tôi ám đầy muội nến và than. Ngọn lửa trong lò sưởi không đủ để xua tan không khí lạnh lẽo, chúng làm tôi khó thở.
Da thịt tôi co lại, cả cơ thể tôi đã mất đi sức mạnh, trở nên suy nhược, già cỗi, thiếu máu với lớp da trong suốt, nhợt nhạt và khô nhăn nheo, mái tóc ngả màu xám. Lúc nào tôi cũng run lẩy bẩy mặc dù đã có chiếc chăn lông vịt mà bà chủ nhà cho. Khi màn đêm buông xuống, trong căn phòng nhỏ với ánh nến leo lét nhảy nhót, tôi luôn cảm thấy ốm yếu, kiệt sức, như đứng trên bờ vực thẳm của cô đơn và cái chết. Căn phòng của tôi giống như ngôi nhà mộ, cái giường của tôi như quan tài, những tấm dra trắng như vải liệm. Răng tôi giờ chỉ có thể ăn được những món rau và thịt mềm, mí mắt thì sụp xuống, ngay cả giữa ban ngày tôi cũng luôn có cảm giác bị che phủ bởi một lớp màng mỏng, mọi vật nhạt nhòa, còn trong bóng tối thì tôi như bị cận thị. Tôi luôn hoảng hốt mỗi khi trời nhá nhem tối, rồi bóng đêm ập xuống. Giờ đây tôi thường nhắm mắt lại để hình dung ra bầu trời xanh xanh nhất, những chiếc lá đỏ đỏ nhất, những cánh đồng rực rỡ nhất và những người bạn vui vẻ nhất. Tôi thấy mình từ từ chìm vào dĩ vãng, thoát ra khỏi thân xác kiệt quệ, tan thành bọt biển trôi nổi cùng sóng, gió, mặt trời. Tôi để cho mình chìm vào mười bốn ngày hạnh phúc đã trôi qua.
Tôi tưởng tượng ra cảnh cô đang ngồi trên lưng ngựa, miệng mỉm cười, quay lại đợi tôi vì con ngựa của tôi đang bị đau chân bước đi khập khiễng. Khi nghe thấy d’Orty nói điều gì đó ngốc nghếch, cả tôi và cô đều đỏ bừng mặt vì cô nhịn cười. Tôi dùng roi quất ngựa, cô kết tội tôi thô lỗ cục cằn song sau đó lại tha thứ. Cô xoài người sang, đặt tay lên bờm ngựa cạnh tay tôi - đôi tay rắn rỏi như sinh ra để ôm chặt lấy cô. Tôi vẫn không biết rằng cô sẽ chẳng bao giờ thích chúng khi chúng khám phá cơ thể cô. Chỉ có tôi tưởng tượng ra cảnh tay tôi lướt dọc cơ thể cô từ đầu xuống cổ, vai... tới chân một cách đắm say, tôn thờ như thế nào.
Có phải tất cả đã xảy ra trong cùng một ngày không, Flora thì đầy thách thức, ương bướng, con ngựa của tôi thì hoang dại, bản thân tôi thì thô lỗ cục cằn để rồi sau đó lại ăn năn day dứt. Đó là sự khởi đầu hay kết thúc của câu chuyện tình của tôi, nỗi đam mê của tôi, sự đắm say tuyệt vời của tôi đỉnh cao là mười bốn ngày lang thang dạo chơi cùng một người phụ nữ, người phụ nữ mà tôi chỉ có rất ít cơ hội tiếp cận.
Tôi sực tỉnh và nhìn thẳng vào thực tế, hơi ngạc nhiên nhưng dễ chịu vì nến vẫn sáng và tôi vẫn sống. Dễ đến một phút trôi qua trước khi tim tôi thôi đập dồn dập, trước khi những ý nghĩ về nỗi đau đớn rằng tôi vẫn sống mà Flora đã không còn nữa lại quay lại với tôi. Rồi tôi lại chìm vào nỗi buồn thê lương. Tôi bỗng cảm thấy một sự ấm áp, mãn nguyện mơ hồ khi nằm dài thoải mái trên giường. Tôi bắt đầu thở nhè nhẹ một cách dễ dàng, khẽ động đậy các đầu ngón tay. Nhưng đột nhiên ý nghĩ về cái chết sắp sửa đến, sự hình dung mơ hồ về nơi mà tôi phải tới sau khi chết khiến tôi hoảng sợ. Tôi sợ hãi khi nghĩ tới viễn cảnh của chiếc quan tài gỗ sồi hay gỗ linh sam, về sự cô độc và tối tăm. Thân xác tôi sẽ bị những sinh vật phân hủy thành cát bụi, trở thành chất dinh dưỡng cho cỏ dại, còn linh hồn trôi dạt tới tận đâu đâu ngoài vũ trụ, lấp lánh cô độc, lang thang ở những nơi mà con người không hề hay biết, không hề có chút ý niệm gì, nơi mà chỉ có Chúa mới biết. Linh hồn cô độc của tôi sẽ tìm kiếm, gặp gỡ một linh hồn khác hay sẽ chẳng gặp được điều gì, chẳng biết tới một điều gì ngoài sự tồn tại của mình, để rồi biến mất vĩnh viễn và luôn bị ám ảnh vì nỗi sợ hãi không tên này.
Tôi cố vươn dậy, kéo chuông gọi những người phục vụ của tôi - tất cả bọn họ, những người phụ nữ già nua ấy - xưa kia từng là những người hầu phòng trẻ trung - và toàn bộ ngôi nhà đều bị đánh thức dậy, cả bà chủ nhà tàn tật cũng chạy tới. Họ đến bên tôi, tất cả đều xấu xí, già nua, xám xịt, hoảng hốt (cũng giống tôi), nhìn tôi một cách thương hại, lo lắng, bồn chồn.
Flora! Flora! Điều gì đã xảy ra với cô? Có thể cuối cùng cô cũng thành một vì sao đang lấp lánh trên bầu trời, và giờ đây cô đang dõi theo từng bước đi của tôi, một Lomont già nua, tốt bụng, đáng thương. Hay là cuối cùng thì cô cũng cần tới tôi và đang đợi tôi ở thế giới bên kia chăng?
Tôi đã quyết định sẽ dừng lại khi câu chuyện của tôi kết thúc, tức là khi bắt đầu cuộc tình thơ mộng giữa Gildas và Flora, khi họ quyết định chuyến tới Paris, để lại tôi bơ vơ cô đơn đứng nhìn sự ra đi của họ. Khi đó tôi sẽ hạ bút chấm hết rồi cất giấu cuốn sổ này vào một chỗ không ai tìm thấy.
Nhưng tôi đã không thể làm thế. Thay vì phải hạ bút viết từ “Hết” ngay sau dòng chữ “... Bóng đêm ập xuống, Thu bắt đầu tới. Flora sẽ không bao giờ quay về nơi đây nữa. Angoulême sẽ là một mùa đông buồn tẻ lạnh giá” rồi ghi ngày tháng, ký tên thì tôi lại lật sang trang mới với câu “Hai năm trôi qua...”. Lẽ ra tôi phải kết thúc tất cả tại đó. Giá như đôi tay tôi không chịu vâng lời...
Nhưng rốt cục thì sự lừa dối của ngòi bút là cái gì vậy? Việc đó có mang lại điều gì tốt đẹp hay không? Đó là cơ hội cuối cùng cho tôi tự lừa dối chính bản thân mình, mang lại cho tôi chút thoải mái dễ chịu. Không thể phủ nhận rằng tôi không thể thiếu được cuốn sách này, và nếu không hoàn thiện toàn bộ câu chuyện thì tôi không thể sống thêm được quá ba tháng nữa. Kết cục thì tôi đang phải sống khổ sở, đó là sự trả thù của chính tôi.
Cho tới giờ tôi chỉ toàn viết về hạnh phúc của Flora và đau khổ của tôi, chứ không có chút gì hạnh phúc của tôi và đau khổ của cô. Cũng là chuyện bình thường. Dù tôi có cao thượng đến mấy, dù tôi có tha thứ hoàn toàn cho cô thì tôi cũng không khỏi cảm thấy tổn thương và tôi chẳng thể hạnh phúc khi thấy người mình yêu chia sẻ hạnh phúc với một người đàn ông khác. Nhưng không ai có thể đánh giá một cách khách quan toàn diện xem điều đó là tốt hay xấu, là đáng xấu hổ hay không. Mọi thứ đã trôi qua, và kết cục của nó thật tệ. Thay vì mất cả buổi tối ngồi nói lan man như một bà già lẩm cấm, tôi sẽ không lãng phí thời gian để giải thích chính xác mọi việc đã diễn ra vì lý do gì và diễn ra như thế nào.
Hai năm trôi qua, không ai nghe tin tức gì của họ nhưng từ Paris có những tin tức trên báo đánh dấu bước đi của Gildas trên con đường nghệ thuật:
- 03/01/1834: Hôm qua, tại Gymnasium, vở hài kịch “Mũi tên bạc” của Gildas Caussinade đã được hưởng ứng nhiệt liệt.
- 11/9/1834: Sáng nay, Viện Hàn lâm đã trao giải thưởng Grand Prix cho tập thơ “Đại lộ Melancholy” của Gildas Caussinade.
- 10/11/1834: Tối nay, Hoàng thượng đã đích thân đón tiếp nhà thơ trẻ Gildas Caussinade cùng nữ Bá tước Margelase trước đông đảo những người hâm mộ.
- 30/11/1834: Gildas Caussinade được đích thân Hoàng thượng phong Hầu tước.
Và cuối cùng:
- 01/07/1835: Gildas Caussinade vừa rời Paris lên đường đi tới các tỉnh lỵ. Nhà thơ trẻ của chúng ta sẽ về thăm nhà, song có lẽ sẽ nghỉ lại tại dinh thự của nữ Bá tước Margelasse.
Những mẩu tin trên được thu lượm trên tờ “Journal de Debats” - một trong số ít tạp chí đáng tin cậy, được mọi người tìm đọc ở Angoulême. Bạn cũng sẽ không phải xấu hổ khi mọi người thấy bạn đọc tờ báo này ở nơi công cộng. Đó cũng là tờ báo duy nhất tôi hay xem.
Lần nào cũng vậy, tôi cố tìm hiểu sự tiến triển trong mối quan hệ giữa Gildas và Flora qua những mẩu tin vắn ấy. Kể từ khi anh ta thành đạt, nổi tiếng thì mối tình đắm say của họ đã nghiễm nhiên trở thành một mối quan hệ lành mạnh, được mọi người tôn trọng, không ai có thể chỉ trích được điều gì, và hiển nhiên là sâu sắc tới mức chặn đứng tất cả những chuyện ngồi lê đôi mách, tọc mạch của các nhà báo.
Tôi đang ngồi uống cafe cùng ông d’Orty tại sân thượng của quán cafe ưa thích trên quảng trường d’Arme. Chúng tôi cùng ngồi đó để đợi đến giờ phải băng qua quảng trường tới ăn tối tại nhà ông Thị trưởng cùng bà vợ duyên dáng của ông ta Artermise. Những câu chuyện của ông d’Orty, hình như trước đây đã có lần tôi nói, chẳng có gì ngoài sự vui vẻ. Với mục đích là để kiểm tra sự biến động của thị trường chứng khoán, tôi yêu cầu người phục vụ mang cho một tờ “Journal de Debats”. Tôi mở rộng tờ báo trước mặt để cả hai cùng đọc.
Đó là đầu mùa hè, những con chim nhạn bay lượn trên quảng trường báo hiệu một cơn mưa sắp tới, nhưng điều đó không làm giảm hứng thú của chúng tôi. Mặc dù ngày mai là chủ nhật, chúng tôi định đi săn nhưng tôi nghĩ rằng hai ly sherry (một loại rượu mạnh có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, màu vàng hoặc nâu) cũng đã là quá đủ. Ở Angoulême này, nếu cả ngày từ sáng đến tối người ta không làm một việc gì thì chán chết đi được. Nhưng hôm nay là thứ bảy, cả hai chúng tôi đều là những kẻ dậy sớm, đều có ý muốn làm một việc gì đó - sự đồng cảm đó khiến cả hai chúng tôi cùng gặp nhau nơi quán cafe d’Aquitain này, ngồi uống rượu Tây Ban Nha. Đôi mắt vô định của tôi lướt qua vài tiêu đề trên trang báo trước mặt: một vài vụ đụng độ ở biên giới Ba Lan, rồi một số vụ xung đột, ném bom ở một số thành phố châu Âu... Tất cả đều bắt nguồn từ sự điên rồ của loài người.
Chính ông d’Orty là người đầu tiên chú ý đến một tin tức liên quan trực tiếp đến chúng tôi. “Ôi trời ơi” - Ông ta thốt lên cùng một điệu cười mà ông ta cho là đã từng khiến những phụ nữ Paris mê say phát điên hồi ông ta hai mươi tuổi, và bây giờ, ở độ tuổi ba mươi năm, ông ta nghĩ rằng nó vẫn khiến cho mọi người, cả đàn ông cũng như phụ nữ, bị cuốn hút như thế, trong khi thực ra tôi thấy tiếng cười của ông ta mới ngốc nghếch, rỗng tuếch và tự đắc làm sao. Cũng có những người thích ông ta, và cả đời họ có thể tha thứ cho những tật xấu của ông ta với một sự nhẫn nại - một sự nhẫn nại vì lòng tốt mà đối với người thân trong gia đình, hoặc bạn bè, người yêu họ không thể có, nhẫn nại tới mức không thể chê vào đâu được. Vì thế tôi không hề vội vàng gì để ý tới cột báo mà đã khiến ông ta phải thốt lên cái câu “ôi trời ơi” ấy. Phải đến mười phút sau tôi mới liếc mắt đến đó, chắc mẩm sẽ phải thất vọng, nhưng tôi đã thực sự choáng váng: “Nhà thơ trẻ của chúng ta sẽ trở về thăm quê nhà và nghỉ lại tại dinh thự của nữ Bá tước Margelasse...”
Chiếc tách bỗng nặng trĩu trên tay tôi, rơi xuống nền nhà vỡ tan, cafe bắn tung tóe lên chiếc quần ống túm vải trúc bâu trắng của ông d’Orty khốn khố. Ông ta nhảy dựng lên, chửi thề và cuống quýt gọi bồi bàn. Song nước nóng cũng như khăn bông đều bất lực trước những vết cafe loang lổ. Tôi cố gắng xin lỗi ông vì sự vụng về lúng túng của mình và sự bực mình thái quá của ông ta giúp tôi có đủ thời gian để trấn tĩnh lại, để thoát khỏi tình trạng đau đớn, vụng về lóng ngóng ấy.
Khi chúng tôi đi ngang qua quảng trường thì những con chim én đã trở lại lạc quan, đang bay vút lên không trung với những tiếng hót vui vẻ. Bóng chúng lướt qua những bức tường, những phiến đã lát đường. Nhưng với tôi, những tiếng hót và đường bay của chúng như báo hiệu một điềm chẳng lành. Đó là tiếng hót thể hiện nỗi thổng khổ của những nạn nhân ở những nơi mà chúng bay qua.
Sau bữa tối phong phú, đầy đủ và ngon miệng, mà dù cho còn một vài sơ suất nhưng Artermise quả là có năng lực tổ chức, thì dường như những ý nghĩ rùng rợn kia không còn ám ảnh nặng nề quá trong tôi nữa. Tôi lại trở lại là một thanh niên khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi ăn một cách ngon lành như thường, uống vừa phải và sau đó có thể ngủ một cách ngon lành. Như bình thường, mỗi khi có một điều gì không hài lòng trong tất cả những hoạt động ấy khiến tôi rơi vào trang thái lo lắng mơ hồ thì ngay lập tức một chiếc cánh gà ngon lành cũng có thể giúp tôi xua tan đi cảm giác ấy. Hôm đó cũng giống như mọi ngày, tôi nhớ mình đã thông báo một cách hoàn toàn thoải mái tự nhiên với bà chủ nhà về chuyến trở về sắp tới của đôi uyên ương.
Một loạt những tiếng kêu rít vừa thú vị vừa kinh ngạc, phẫn nộ ô ô a a, rồi những tiếng than vãn đại loại như “không thể thế được”, “không thể tin được”, “ngoài sức tưởng tượng, sao họ lại dám như vậy, không hiểu họ nghĩ gì đây?”, “đó không phải là sự thật chứ?”,... Tóm lại là bà ta đưa ra vô số các câu hỏi không thể trả lời được.
Không thể kiên nhẫn hơn, chính chồng bà, ông Thị trưởng, phải nói một cách bực bội: “Em yêu của anh, anh không thấy có gì đáng phải ngạc nhiên đến thế”. Chính cách nói “em yêu của anh” - cách nói mỗi khi ông bực mình - đã khiến bà ta im bặt. “Anh không thấy có gì đáng ngạc nhiên khi người ta nói ‘Ngài Caussinade’ (ông nhấn mạnh) về thăm cha mẹ ông ta. Cũng chẳng có gì lạ lùng khi nữ Bá tước Margelasse về thăm lại ngôi nhà của tổ tiên. Thực thế, anh không hiểu nổi sự kinh ngạc của em. Còn anh thì sao, Lomont, và cả ông nữa, ông d’Orty?”
“Tôi cũng thế” - ông d’Orty trả lời sau một thoáng suy nghĩ, cau mày và trề môi. “Tôi cũng không thấy có gì đáng ngạc nhiên, Artermise thân mến” - Ông ta kết thúc một cách chậm chạp - “Suy cho cùng thì đó là nhà của họ. Anh ta trở về thăm cha mẹ, cô ta trở về thăm nhà và họ ở cùng nhau, thế thôi”.
“Còn anh, Nicholas, anh không bị sốc đấy chứ?”
“Ơn Chúa” - Tôi nói một cách thản nhiên, hay ít ra là tỏ ra thản nhiên - “Theo hiểu biết của tôi thì không ai trong số họ là người lăng loàn hay thông dâm. Ông Caussinade là một công dân mà chúng ta có thể tự hào. Vị trí xã hội của ông ta đã được xác định- rõ ràng, được mọi người công nhận. Thậm chí đích thân Hoàng hậu đã tiếp đón ông ta ngay tại điện Toulouse. Quả thực ông ta mang vinh quang về cho thị trấn nhỏ bé cùa chúng ta”.
Artermise hướng về tôi một ánh mắt đầy ẩn ý, vừa nghi ngờ, dò xét vừa như xoa dịu:
“Ông thật kiên nhẫn và bao dung độ lượng, Lomont thân mến” - Bà ta nhún vai và nâng cốc với một ánh mắt đong đưa, một cái cổ quá mảnh và một cái mũi quá dài - “Hãy cạn ly vì những con người si tình nổi tiếng của chúng ta” - Bà ta uống can ly sâm banh một cách điệu đàng thái quá, miệng ly chạm cả vào mũi - “Dù sao thì tôi cxìng sẽ không phải là người đầu tiên tiếp đón họ trong ngôi nhà của mình”.
“Dĩ nhiên là không rồi” - Ông Honoré nói một cách sắc sảo tới mức không ngờ - “Nhưng bà sẽ là người đầu tiên tới thăm cô ta ngay khi cô ta gửi giấy mời”.
“Ngày mai mấy giờ chúng ta sẽ lên đường, thưa các quý ông? Anh biết không, Lomont, người ta đã trông thấy một con lợn lòi...”
Nếu như câu chuyện của tôi có vẻ như không liền mạch, sa vào quá nhiều tình tiết vụn vặt mà sao lãng mất những điểm chính, hoặc quá tỉ mỉ về hai nhân vật quan trọng trong câu chuyện, quan trọng vì họ là những người duy nhất yêu nhau, nói cho nhau biết tình yêu của mình và hàng ngày chứng tỏ tình yêu của mình - đó là bởi vì tôi sợ khiến cho độc giả quên mất tình tiết diễn biến của câu chuyện mà quả thực là cả bối cảnh cũng như diễn viên chính đều diễn ra nơi thị trấn thanh bình Angoulême.
Mọi việc diễn ra sau đó được ghi dấu bằng máu và nước mắt, bằng những sự xô xát, lang chạ, những tiếng kêu ầm ĩ. Tất cả đều như nhuốm màu đỏ đen, sẽ khiến cho bầu trời xanh nhạt của mùa hè năm đó trở nên tối sầm xuống, sẽ chuyển màu vàng rực rỡ thành màu đỏ quái gở nhuộm lên những ngôi nhà và những dòng sông vốn xanh trong tinh khiết nơi đây. Vở kịch đáng sợ và chết người này, tội ác nguy hiểm này diễn ra tại một thị trấn nhỏ mà như Ronsard mô tả là cả những con sông cũng luôn êm đềm chảy, có chăng chỉ hơi gợn sóng nhấp nhô, không bao giờ cuộn sóng, ở một thị trấn như Carpaccio đã đưa lên tranh với những cây tiêu huyền duyên dáng, những con chim câu hiền lành xinh đẹp, những ban công trang trí chạm trổ bằng kim loại tinh tế, những con phố thanh bình, những con người đắm chìm trong sự buồn tẻ, trong một phong cách sống mẫu mực, những chuyện bí mật tầm thường. Nếu tôi mô tả ai đó như một người ngu ngơ khờ khạo, người khác lại ân cần nhã nhặn một cách giả dối, hai mặt, người thứ ba lại có ác tâm rõ rệt, và liên hệ với những lời bình luận vô nghĩa của họ, với sự đau quặn thắt trong dạ dày tôi và sự thay đổi mà dường như những con chim én mang tới như đoạn trước tôi đã nói, thì đó có phải là một sự gợi ý với độc giả về điều mà tôi định nói hay không? Với tôi, một độc giả duy nhất của chính mình thì thật rõ ràng rằng vào năm đó ở Angoulême, tất cả các nhân vật chính trong câu chuyện đều đang mắc kẹt trong một bi kịch bế tắc của chính họ. Giá như họ vẫn cứ ở Paris thì chắc chẳng có điều gì xảy ra, và mọi việc sẽ diễn ra khác hẳn. Ý tôi là nếu không có những bí mật đó và không cần thiết phải giữ kín những bí mật đó, nếu không tuân theo những chuẩn mực đúng đắn của dư luận, nếu không có sự phản kháng không ngừng ẩn sau sự tôn trọng ấy, vốn là căn nguyên tạo ra bản chất và tâm hồn của những con người nơi thị trấn của chúng tôi, thì có thể sẽ chẳng bao giờ dẫn đến sự chết chóc, chẳng bao giờ xảy ra tất cả những đổ nát này, những nỗi đau âm ỉ nung nấu này trong ký ức của tôi cũng như trong ký ức của tất cả những người từng chứng kiến sự việc kia. Nếu ở Paris, một nơi ăn chơi phóng đãng, thì câu chuyện rất có thể sẽ diễn ra theo một chiều hướng khác, hoặc nếu không thì nó cũng dễ bị quên lãng, bị chôn vùi nơi gầm cầu, nắp cống ngầm của thành phố thủ đô. Nhưng không khí ở thị trấn nhỏ bé này quá trong lành tinh khiết, mặt nước và bầu trời quá trong trẻo mát lành. Nếu như người ta có bị bối rối vì nỗi đam mê thì điều đó cũng lộ ngay ra trong ánh mắt; và nếu nỗi đam mê của họ tự thân lộ tẩy ra thì điều đó được coi như một việc bất bình thường.
Sau bữa tối ấy, ra về tôi thầm cười một cách cay đắng về sự bàng hoàng của tôi và cái tách vỡ, về bộ cánh loang bẩn của ông d’Orty. Nói gì đi nữa, tôi vẫn còn đầy cảm xúc với Flora de Margelasse, giờ đã là của vị Hầu tước - Nông dân kia. Có lúc tôi không hề băn khoăn gì về sự hiện diện của cô, nhưng đôi khi tôi nghĩ mãi mà không hiểu nổi vai trò của cô trong cuộc đời tôi. Đã một năm trôi qua kể từ khi tôi thôi không nghĩ về cô trừ một vài dịp hiếm hoi mà tôi tự cho phép mình. Tôi đã phải lòng cô ngay từ cái nhìn đầu tiên với tất cả sự đắm say, tôn thờ. Rồi cô bỏ đi, để tôi phải mất hai năm để thu xếp con tim mình, hai năm trôi qua tôi tưởng mình đã thoát khỏi ảnh hưởng của cô, tôi tưởng đã quên được cô cùng những ký ức liên quan tới cô. Và hôm sau, khi nhận được một bức thư ngắn của cô, trong đó cô đề nghị được gặp, thì tôi ung dung thong thả cưỡi ngựa qua con đường quen thuộc tối Margelasse. Vẫn là con đường mà tôi đã đi một buổi tối hai năm trước, vẫn hàng rào ấy, cánh cổng ấy, ngôi nhà ấy, căn phòng ấy. Khi bước lên những bậc thềm tôi vẫn mỉm cười, chào người hầu gái có khuôn mặt không chút thân thiện mà chắc cô mới đưa từ Paris về - cô ta thậm chí không thèm nhìn tôi, không thèm hỏi tên tôi, cứ thế dẫn tôi tới căn phòng khách màu xanh. Thậm chí đến lúc đó tôi vẫn còn mỉm cười mà nghĩ về nỗi đau khổ day dứt, sự ghen tuông mình đã trải qua vào một ngày mùa hè năm nao, một sự thật không thể thay đổi đã qua.
Bỗng Flora bước vào và ngay lập tức tôi không thể cười được nữa.
Khi quay trở về Angoulême tôi hầu như rối loạn, không thể ngồi vững trên lưng ngựa được nữa. Tôi hiểu ra một điều: Tôi vẫn còn yêu, mãi mãi còn yêu người phụ nữ này tới phát điên. Và những con chim én cùng với những tiếng than mơ hồ của chúng đã báo trước điều này mà tôi không hay.
Tôi nhớ tối hôm qua mình đã viết trong trạng thái bộc phát trào dâng những cảm xúc về dĩ vãng. Tôi cố tái hiện lại ký ức về cái ngày thê thảm ấy nhưng vô hiệu. Tôi phải dùng đúng từ “thê thảm” ấy để thể hiện nỗi lòng của một kẻ yêu trong đơn phương vô vọng, bị dày vò cả thể xác và tinh thần, một người cứ tưởng rằng nỗi đam mê điên cuồng của mình đã chết nhưng bỗng nhiên như một con thú hoang, nó trỗi dậy mãnh liệt, thở hổn hển và thèm khát, hai con mắt trắng dã của nó trông thật kinh hoàng trong bóng đêm, những chiếc răng nanh của nó nhe ra dữ tợn. Phải nói là chiều hôm đó tôi không thể nhớ được một lời nào hay một hành động, cử chỉ nào của Flora. Tôi không biết có phải ký ức mà tôi đã chôn kín bấy lâu trong một ngăn sâu thẳm của cõi lòng, đã được lắng xuống sau một thời gian dài cách xa, nay lại trở về khiến trong tôi trỗi dậy một thứ bản năng mà lý trí không thể cưỡng lại được... Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ có thể nhớ lại một sự cố đã phai mờ, một khoảng xanh nho nhỏ trên bầu trời xám xịt, một chi tiết buồn cười: cái yên ngựa của tôi đột nhiên kêu lên rin rít ngay khi chúng tôi bắt đầu cho ngựa chạy nước kiệu. Tôi nhớ đến những giải pháp buồn cười đại loại như “sẽ chỉnh cho người coi ngựa một trận ngay khi về đến nhà” hay “sẽ đổi ngay một chiếc yên cương khác” mà những điều này đã ngắt quãng một cách không đúng lúc sự suy nghĩ của tôi về phát hiện lớn mà giờ tràn ngập trong tôi, khiến tự tôi cũng thấy tư duy của mình thật vô lý. Tôi đang làm gì vậy? Thậm chí giờ đây tôi còn yêu cô gấp bội so với trước kia. Tôi sẽ phải làm gì? Điều gì đang chờ đợi tôi? Có lẽ là phải bỏ đi thật xa ư? Nhưng chẳng nơi nào là không có bóng dáng của cô, vì cô luôn ở trong tâm tưởng tôi, làm sao tôi thoát khỏi cô được. Và tôi sẽ làm cách nào mà bỏ đi với âm thanh kinh khủng này bám theo đây? Như thể tôi không còn cách lựa chọn nào khác.
Đúng như dự đoán của ông Thị trưởng, chẳng bao lâu sau khi trở về Flora mở một buổi tiệc lớn tại Margelasse. Cô mời rất đông, cả khách Angoulême lẫn cả khách ở những vùng lân cận. Dĩ nhiên là không thể vắng mặt người tình của nữ chủ nhân. Dường như chẳng có gì thay đổi ngoại trừ một điều nếu trước kia người ta lăng mạ, sỉ nhục Gildas, thì giờ đây không ai có thể phủ nhận nơi anh ta có quyền đòi hỏi một sự tôn trọng đúng mực, đó là một thách thức đối với uy quyền tuyệt đối. Ông Thị trưởng của chúng tôi, không phải là một nhà cách mạng thích hợp, cũng không phải là để tránh cho một người nào khác không phải gánh chịu rủi ro này, đã trở thảnh sự thách thức ấy. Không chỉ là một Hầu tước mới được tấn phong một người sẵn sàng tiếp kiến với bất kỳ một ai vứt găng tay ra thách thức, anh ta còn trở thành một con ngươi hoàn toàn khác. Giờ anh ta đang ở tuổi hai mươi lăm, độ tuổi rực rỡ trong cuộc đời. Khuôn mặt anh ta giờ đã phù hơp với cơ thể. Trông anh ta vừa có vẻ rắn rỏi nhưng lại vừa là một người dễ xúc cảm như chúng ta đã biết. Về ngoại hình trông anh ta không thay đổi nhiều, duy chỉ có vẻ chửng chạc, cương nghị hơn. Trong anh ta là sự kết hợp hài hòa giữa sự duyên dáng bẩm sinh và sự quyến rũ do rèn luyện mà có. Ánh mắt anh ta đã mất đi nét ngây thơ nhưng vẫn giữ được sự thẳng thắn. Những tác phong, cử chỉ của anh ta đều quả quyết hơn. Thái độ tôn trọng của anh ta với chúng tôi là sự kết hợp giữa bản chất tự nhiên và những gì anh ta học được. Tóm lại, Gildas là một người đàn ông trông hết sức đặc biệt, xứng đáng được nhận sự tôn trọng từ tất cả các vị khách của Flora tối hôm đó.
Ngược lại, với Flora mọi nét đều đằm thắm hơn, như thể sự quyến rũ của cô không lúc nào vơi, càng tiếp xúc càng phát hiện ra nhiều hơn. Tất cả là nhờ vào tình yêu của cô, một tình yêu chân chính và mãnh liệt, nhờ vào người đàn ông điển trai có mái tóc đen đang ở góc kia cười với Artermise đỏm dáng vui nhộn. Lúc anh ta cười, tôi đang nói chuyện với Flora, tôi nhớ mình đã nhìn rõ qua làn da trong mờ mờ của cô - da cô trong tới mức như không có thực - những mạch máu đỏ hồng chỉ có được nơi những người có một cuộc sống tình dục đầy đủ, thỏa mãn. Nó mang tới cho cô đôi môi hồng đầy đặn, làm căng những mạch máu nơi thái dương và cổ cô, làm dịu đi ánh mắt khát khao cháy bỏng của cô: lòng trắng của mắt cô hầu như trở thành màu xanh biếc. Cô nhìn vào mọi người, kể cả tôi, với một ánh mắt trong trẻo không hề thay đổi. Vẻ đẹp lộng lẫy của cô khiến cho bất kỳ người đàn ông nào cũng muốn quỳ gối trước mặt cô, khiến cho tất cả những người đàn ông hôm đó cứ phải loanh quanh quay đi quay lại, đến gần rồi lại rút lui không biết bao nhiêu lần mà không hay. Khi người phụ nữ được hưởng một tình yêu đầy đủ theo đúng nghĩa của nó thì bỗng dưng cô ta trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Tình yêu quả là vị thuốc tiên tuyệt vời.
“Trông họ thật là hạnh phúc phải không?” - Đó là nhận xét điềm tĩnh của ông Thị trưởng khi chúng tôi ra về lúc bình minh trên cỗ xe của tôi. Một trong số các con ngựa của ông đột nhiên bị đau chân, bước đi khập khiễng.
“Hạnh phúc ư? Ông không lầm đấy chứ?” - Artermise bắt đầu nhưng dường như ông Honoré d’Aubec không muốn nhượng bộ.
“Họ là một cặp thật sự đẹp đôi” - Ông nói một cách chắc chắn như đinh đóng cột, với giọng như không để cho ai có thể nói qua nói lại nữa. Dừng lại một lát ông quay sang tôi:
“Lomont, anh có biết cô gái phục vụ nước chanh ở bàn tiệc đứng không?”
“Có, tôi biết. Hôm trước cô ta đã mở cửa cho tôi, tên là Martha. Tôi nghĩ rằng cô ta từ Paris tới”.
“Anh nghĩ thế ư? Tôi nghĩ rằng mình đã gặp cô ta ở đâu rồi thì phải”.
Tôi rất bối rối trước câu hỏi của ông ta. Không phải là cánh đàn ông chúng tôi không bao giờ bàn luận riêng về một cô gái ở quán trọ chúng tôi cùng trải qua, mà vì việc đó lại diễn ra trước mặt Artermise, một việc mà tôi cho rằng hơi thiếu tế nhị.
“Thật là một câu chuyện hay ho, anh thân mến” - Artermise lại xen vào, song cũng như những lần trước, bà ta vẫn thất bại. Không hề để ý một chút nào, ông Honort vẫn tiếp tục:
“Anh nghĩ gì về cô ta, Lomont?”
Vẫn bối rối, tôi nhớ lại rằng trong bữa tiệc, hầu như tất cả những người đàn ông chia ra hai trường phái: một thì cứ lảng vảng xung quanh bàn tiệc đứng, nơi Martha làm việc, số còn lại thì bị cuốn hút về phía Flora với sự quyến rũ của cô. Đột nhiên tôi nhớ lại hình dáng gọn gàng mềm mại như một con mèo của người hầu mới đó. Cô ta có một mái tóc đen huyền ôm lấy khuôn mặt rồi cuộn gọn gàng phía sau, đôi mắt xám như mắt mèo, khuôn miệng trễ nải đầy nhục cảm. Phải nói cô ta có một thân hình cân đối và đẹp. Trong bóng tối, tôi nháy mắt với Honoré, một cái nháy mắt chỉ có riêng cánh đàn ông hiểu được, vì tôi nhận ra sự lơ đãng của ông đối với bà vợ lúc nào cũng xoắn bên cạnh như một cái cây leo dại.
Có lẽ những nhận xét trên của tôi chỉ là thoáng qua nếu không phải hôm sau, qua câu chuyện của hầu hết những người đàn ông được mời hôm đó, tôi được biết rằng điểm số của Flora và của người hầu gái ấy tương đương nhau. Tôi hiểu ra rằng họ quan tâm nhiều tới Martha vì cô là mục tiêu mà họ có thể tiếp cận và có khả năng thành công, trong khi Flora tuy cuốn hút nhưng họ sẽ không bao giờ bén được tới gót chân cô, vì cô đã là của Gildas và sẽ chỉ là của anh ta mà thôi.