Cái xác đuổi người

    
ôi tắt đèn điện trong phòng khách, mở rộng hai cánh cửa sổ, rồi ngồi ngắm cảnh ngoài vườn. Lúc ấy vào khoảng hơn mười giờ, một đêm trăng mùa hạ.
Ngoài vườn, gió thổi trong đám cây âm u, làm nhấp nhánh những ánh trăng trên lá, thỉnh thoảng lại đưa vào một lớp hương êm mảt của cỏ hoa. Tôi đang lắng nghe những tiếng rì rào kín đáo của ban đêm, bỗng có người rón rén bước tới rồi nói:
- Thảo nào! Chả nhẽ anh đi ngủ sớm thế?
Tôi quay lại thì là Ngô Đàm. Đàm là một người bạn tôi quen được ít lâu nay, và tôi đã có lần giới thiệu với độc giả nhân một câu chuyện ly kỳ [1].
- Ngồi đó mơ tưởng gì thế?
- Ngồi ngắm cảnh đêm trăng. Anh đi đâu rồi ghé qua vào đây hẳn?
- Chả đi đâu cả. Tôi định lại nói chuyện với anh cho đỡ buồn, thấy đèn tắt, tôi ngạc nhiên, vì thường anh vẫn làm việc khuya lắm.
Tôi kéo ghế mời bạn ngồi rồi toan đi bật đèn. Nhưng Đàm ngăn lại:
- Để tối thế này, thú hơn... Thế hợp với câu chuyện tôi định kể cho anh nghe hơn. Nhưng thuốc lá đâu? Đưa tôi một điếu.
Tôi đưa thuốc lá cho Đàm và hỏi:
- Chuyện gì?
- Một chuyện ly kỳ lắm. Vừa rồi nhân đọc một cuốn sách Tây mới sực nhớ đến. Anh là người ưa những chuyện lạ, chắc anh thích nghe.
Trong nhà mờ tối một cách huyền ảo. Người bạn ngồi trước mặt tôi chỉ là cái bóng nửa thực, nửa hư. Chốc chốc lửa thuốc lại làm cho mặt anh ta sáng đỏ lên một lát.
- Chuyện thế nào? Anh kể đi.
Bạn tôi gật đầu, hút một hơi thuốc dài, ngả người lên lưng ghế rồi bắt đầu nói:
- Anh có biết thế nào là một cái nhà tràng không? - Nhà tràng tức là một thứ trường học lớn, một nơi đào luyện các nhà tu hành của đạo Thiên Chúa ấy mà, anh hiểu chưa? Câu chuyện này xảy ra ở đó; mà chính một người “nhà thầy” đang học ban “phi lô” thuật lại cho tôi nghe. Anh nên biết rằng người ấy không đời nào bịa đặt ra một điều gì cả.
Hồi bấy giờ, anh ta còn đang học ở lớp La Tinh năm thứ tư, nghĩa là trước khi lên ban “phi lô”, còn phải học ba năm nữa. Học sinh ở năm ấy đã qua cái thời kỳ làm “cậu bé”, nhưng chưa lên tới bực “các thầy lý đoán”; phần nhiều đã nghiêm trang, đạo mạo, song cũng có người tính hay đùa bỡn, hay nghịch tinh. Cho nên trong cuộc đời học tập nguyện cầu kia mới có những chuyện vui, chuyện lý thú, với cả những chuyện lạ như chuyện này nữa.
Hôm ấy, đang buổi học chiều, cha Chính coi tràng vào báo cho học trò năm thứ tư biết tin một người bạn cùng năm mới tạ thế, và hỏi lấy hai người tình nguyện coi xác người chết trong một đêm.
Mọi người xì xào bàn tán một hồi lâu rồi ngồi im, không ai nói chi hết. Bởi vì ai cũng biết rằng nhà xác đứng trơ trọi ở một góc vườn rộng và vắng, - mà những chuyện ma quỷ hiện hình không phải là những chuyện họ sẵn lòng bỏ ngoài tai. Mọi khi thì vẫn giao việc coi xác cho một bõ già, không biết gì là sợ hãi, nhưng lần này ông ta lại có việc lên nhà xứ mãi hôm sau mới về.
Cha Chính phải hỏi đến ba, bốn lượt mới có một người đứng dậy: Đó là anh Phê. Anh Phê là một người học trò ranh mãnh, táo tợn nhất, nên không ai lấy làm lạ mấy. Nhưng đến lúc một anh khác, tên là Nhiệm, cũng xin đi coi xác, thì mọi người cùng ngạc nhiên. Anh này chẳng qua chỉ làm mặt bạo dạn đấy thôi, chứ cả trường La Tinh người sợ ma nhất lại là anh Nhiệm. Song có lẽ sợ ma là một chuyện, mà có lòng tốt với một người bạn qua đời là một chuyện khác, nên lúc cha Chính hỏi lại lần nữa, thì Nhiệm vẫn quả quyết xin thức với Phê. Một vài anh thì thầm: “Anh chàng trót nhận lời rồi, hối lại không kịp nữa”. Cha Chính hẹn cho hai người sau hồi chuông nguyện sáu giờ sẽ xuống nhà xác.
Nhà xác là một chiếc nhà gạch cũ và thấp có hiên rộng đằng trước và hai bên. Trong nhà kê ba chiếc giường nhỏ phòng khi có xác các chú bé. Người bạn mới từ trần nằm trên một chiếc phản gỗ hẹp và dài, mình phủ tấm khăn liệm trắng. Chiếc phản gỗ kê phía trong, sau một bức màn gió xanh kéo che gần một nửa gian nhà, hai cây nến hai bên phản đang yên lặng cháy.
Lúc mới bước vào, Nhiệm bạo dạn lôi một chiếc ghế đẩu ngồi ở phía ngoài bức màn, ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ đằng sau, tươi cười nói:
- Ở đây mát thật, anh Phê nhỉ?
Phê không trả lời. Anh ta nhìn Nhiệm một cách hóm hỉnh và mỉm cười, vì anh ta biết rằng Nhiệm chỉ làm ra mặt bạo dạn. Một lát, Phê bỗng gọi Nhiệm:
- Này! Anh Nhiệm coi!
- Cái gì!
- Coi cái tấm màn nó động đậy!
Nhiệm thản nhiên đáp:
- Gió làm động đấy chứ có gì đâu!
- Thế mà trông như có ma nấp ấy nhỉ?
Câu nói nửa thực nửa ngờ của Phê làm cho Nhiệm khó chịu. Nhưng anh lẳng lặng đưa mắt nhìn bốn góc nhà xác, nhìn cái săng đặt bên tường và không đậy nắp, nhìn những tấm ảnh nhân từ với một tượng chịu nạn phía trên đầu người chết. Mắt anh chỉ liếc qua lên mặt cái xác nằm trơ đó rồi tức khắc quay đi. Anh ta lấy tràng hạt ra và khuyên Phê đọc kinh, nhân để tránh những câu nói không vui gì của bạn. Nhưng nào có đọc kinh được! Trong lòng Nhiệm cứ nao nao như sợ một cái nguy hại vô hình.
Trời đất một thâm dần lại. Hai ngọn nến cao sáng thêm ra. Nhiệm thở dài. Cái yên lặng dai dẳng càng khắc càng nặng nề. Cảnh vật chung quanh như liệm vào cõi chết.
Nhiệm se sẽ nói:
- Này anh Phê ạ, bây giờ hơn bảy giờ mà cũng chưa tối lắm nhỉ?
- Phải, vì ngày tháng năm thì dài.
- Trong này còn nến nữa không?
- Để làm gì?
- Để tí nữa... tối rồi thắp lên cho thêm sáng.
- Tôi thì tôi thích tối. Anh sợ tối à?
Nhiệm trả lời:
- Việc gì mà sợ! Tưởng còn nến thì thắp lên cũng được, mà không thì... chậc... cũng không cần.
Nhiệm nói rồi lại nhìn đi, mặt cố giữ vẻ bình tĩnh. Phê nghĩ bụng: “Cu cậu sợ chết đi ấy lại còn cứ vờ”.
Rồi anh ta tìm cách ghẹo bạn chơi. Thỉnh thoảng anh nói với Nhiệm một câu rất đột ngột, một câu “nát đảm” để được thấy cái lo sợ thoảng trên mặt Nhiệm.
Đêm ấy là đêm rằm. Trăng lúc ấy soi vào gần tới bậc cửa. Hai người ngồi lẳng lặng trông thì giờ dần qua.
Đồng hồ trên nhà nguyện văng vẳng điểm tám giờ... Rồi điểm chín giờ... Rồi mười giờ... Phê thỉnh thoảng lại định nói chuyện nhưng Nhiệm không thèm nghe. Sau cùng, Phê bỗng kéo tay Nhiệm, ghé tai nói:
- Bây giờ mà cái xác kia đứng dậy đi ra ngoài với chúng mình thì anh bảo sao?
Nhiệm rợn người lên, nhìn Phê ra ý trách móc:
- Khiếp! Nói toàn những cái...
- Cái gì?
- Cái vô lý chứ gì?
- Phải. Vô lý. Nhưng anh cứ thú thực ngay rằng anh sợ...
- Tôi chả sợ gì hết. Anh nói vậy chứ, giá có ma thực hiện lên, tôi cũng không coi vào đâu.
Phê nghĩ thầm:
“Nếu vậy được lắm”.
Rồi anh ta không nói qua một lời nào nữa, làm mặt tử tế ngồi giả tảng đọc kinh.
Trăng lên cao càng thêm sáng. Cái tối tăm chỗ hai người ngồi trong nhà xác thực lạnh lẽo, âm thầm. Tiếng giun dế rủ rỉ dưới chân cỏ.. Tiếng gió thổi làm động những tàu chuối... Bỗng chốc một tiếng chim đêm, kêu dài và thảm.. Mười một giờ rồi.
Đồng hồ vừa dứt tiếng sau cùng thì Phê bỗng lại nói:
- Anh Nhiệm ạ, anh ngồi đầy để tôi ra ngoài một lát nhé.
- Hử? Anh ra ngoài à?
- Ừ. Mình ngồi suông đây với cái xác kia một đêm cũng buồn... Tôi muốn ra vườn tảo cái gì vào đây chén.
Ý kiến hay lắm. Song Nhiệm vẫn ngần ngừ chưa biết trả lời ra sao thì Phê lại nói:
- Ngoài vườn nhiều ổi, nhãn, tôi muốn trẩy về đây ăn với anh cho đỡ buồn... Nhưng tôi trèo vụng quá! Mà ổi, nhãn ở những cây thấp thì còn xanh. Này! Hay là... anh để tôi ngồi coi đây... anh ra vườn trẩy hộ tôi...
Nhiệm tuy không muốn ra vườn, nhưng lại càng không muốn ngồi một mình trong này, nên anh ta liền nhận lời bạn.
Phê dặn với:
- Anh lấy cho rõ nhiều nhãn ấy nhé, cả ổi nữa, rõ nhiều ổi, ta ăn suốt đêm kia mà.
- Được, được. Anh cứ để mặc tôi.
Thế là Nhiệm bị trúng kế.
Nhiệm vừa đi khuất, Phê liền đứng ngay dậy vừa đi đến bên cái xác vừa nói:
- Cứ làm bộ can đảm mãi... nào, thử xem bạo được đến đâu.
Rồi không rụt rè, anh ta lật bỏ cái khăn trắng phủ người chết ra một bên và dựng cái xác đứng xuống đất.
Cái xác vẫn cứng thẳng như một bó nứa, và nặng lắm, không tiện vác lên vai: anh ta phải kéo giật lùi đến bên cạnh cửa rồi dựng ở đấy. Đoạn, ngó nhanh ra ngoài một cái, anh ta đến nhảy lên cái phản gỗ, tắt bớt một ngọn nến đi, ngả lưng xuống, duỗi thẳng cẳng ra, kéo cái khăn trắng lên phủ khắp mình, và nằm đợi.
Được chừng năm phút thì thấy tiếng chân Nhiệm bước vào, Nhiệm tới cửa đã vui vẻ nói:
- Nhiều ổi chín thơm lắm, nhưng chỉ lấy được có ít nhãn... Mà... ô này! Anh Phê đâu?
Không ai trả lời.
Nhiệm vẫn cẩn thận giữ bọc ổi, nhãn trên vạt áo. Anh ta bước đến bên cái ghế đẩu mà Phê ngồi lúc nãy. Cái xác đứng trong phía tối; song anh ta vừa ở ngoài sáng vào nên không trông thấy.
- Anh Phê đâu?
Im lìm.
- Anh Phê?
Vẫn im. Nhiệm sẽ đưa mắt vào phía trong, phía người chết nằm, nghẹn tiếng gọi nữa:
- Anh Phê?
Phê liền thở lên một tiếng thực dài... rồi chậm chạp ngồi lên, nói lơ lớ tiếng:
- Hử! Cá... ái gì?
Nhiệm chưa hiểu, trợn mắt rất to nhìn, bỗng thét lên một tiếng ghê gớm, bao nhiêu ổi, nhãn tung cả xuống đất, rồi vùng chạy ra.
Phê sằng sặc lên cười, khoác cái chăn liệm trên mình toan đuổi theo, thì... cái xác chết chạy ra đuổi trước.
Tôi hỏi:
- Hử! Anh bảo sao? Cái xác đuổi?
Đàm gật:
- Phải! Lúc Nhiệm chạy ra khỏi cửa thì cái xác đuổi theo liền... rồi cứ Nhiệm đuổi hoài.
Phê ở rrong này nằm điếng người đi vì khiếp.
Còn Nhiệm thì chạy bán sống, bán chết. Anh ta lúc ấy cũng còn đủ thần hồn để hiểu rõ cái tình thế quái gở: là bị một cái thây ma đuổi theo. Thế mà chạy càng nhanh càng bị đuổi gấp, anh ta không dám quay cổ lại, không dám nghĩ đến lúc kết cục, chỉ biết rằng nếu chậm một tí là bị người chết nắm được mình. Hình như anh ta có kêu lớn lên hai, ba lần nhưng tai chẳng nghe thấy gì cả.
Chạy khỏi những ruộng cỏ đầy nhưng vũng nước, anh ta qua một ruộng khoai gồ ghề thì tưởng đứt ruột ra không chạy được nữa. Cố hết sức dướng lên một độ nữa thì bỗng vướng quần ngã dúi xuống bên một luống dâu. Cái xác nằm đè lên như ôm choàng lấy Nhiệm.
Nói đến đó, bạn tôi ngồi yên, với tay lấy diêm châm điếu thuốc lá nữa. Tôi nóng ruột hỏi:
- Thế là hết?
- Không. Còn! Nhưng không còn gì là lạ mấy! Lúc cả nhà chung, vì tiếng chó cắn dữ quá thức đậy, đổ tìm khắp các ngả thì thấy Nhiệm nằm như chết dưới cái thây ma. Nhưng anh ta mới ngất đi thôi: trống ngực vẫn thoi thóp đập.
Mọi người cùng kinh ngạc, khiêng hai cái thây: thây người sống và thây người chết vào nhà xác, thì Phê ở trên chiếc phản gỗ bấy giờ đã tỉnh dậy ngơ ngác nhìn.
Song mọi người không phải kinh ngạc lâu, vì lúc Phê hoàn hồn liền đem đầu đuôi việc tinh nghịch của mình thú thực hết cả.
- Nhiệm cũng không hề gì chứ?
- Không hề gì. Các cố tìm cách cứu tỉnh ngay. Nhưng mất đến một tháng, anh ta cứ ngẩn ngơ như người ra dại. Bây giờ thì khỏi hẳn, vẫn học hành tấn tới như thường. Anh ta không hay nhắc tới chuyện xưa, nhưng vẫn nhớ rõ rệt cái cảm tưởng quái gở của mình trong lúc bị xác chết đuổi.
Tôi hỏi Đàm:
- Nhưng quái lạ! Sao cái xác chết lại đuổi nhỉ? Anh có tin là có ma quỷ thực không?
- Tin hay không thuộc về chuyện khác. Nhưng trong việc này, tôi quyết không có ma quỷ nào hết. Tôi cũng cùng một ý kiến với một vài ông cố Y Pha Nho ở đấy, lấy nhẽ khoa học cắt nghĩa ra... Tôi cho việc này cũng gần có một tính cách như những “quỷ nhập tràng” mà tôi vẫn để tâm nghiên cứu.
Người chết ở đây tuy không bị một con vật gì nhảy qua, nhưng bị một thứ “hấp lực” làm cho chuyển động.
Người sống thì tưởng là bị xác chết kia đuổi, nhưng thực ra thì cái xác bị cái “hấp lực” kia hút theo. Lúc các người trong nhà tràng tìm được người học trò lớp La Tinh ở luống dâu thì thấy cái xác đè sấp trên lưng anh ta, chân tay vẫn cứng thẳng như lúc còn ở trong nhà xác; vừa rồi tôi nói cái xác chuyển động thì chưa đúng, vì cái xác không động chỉ bị chuyển thôi, nghĩa là bị hút theo người tưởng là mình bị đuổi. Mà cái “hấp lực” ấy, tôi cho là cái sợ hãi quá sức của người sống, lúc vụt chạy ra...
Tuy vậy, cắt nghĩa như thế cũng chưa đủ, việc này đối với tôi vẫn còn bí mật như các điều huyền bí khác mà ánh sáng khoa học mới lờ mờ ló tới. Cho nên các điều tôi phân giải chỉ là một “giả thuyết” tầm thường thôi.
 
Chú thích:
[1] Người thiếu niên ở trong truyện “Dòng máu đứt quãng”.