Lưỡi tầm sét

     ên ngoài mưa như trút bao nhiêu nước xuống; sấm chớp làm rung chuyển các cửa kính. Trong một phòng ngủ trường Cao Đẳng tối hôm đó, các sinh viên đã mặc quần áo tử tế, ngồi bực dọc trên mấy chiếc giường con. Một người Sài Gòn tì trán vào mặt kính cửa sổ trông ra, nhắc đi nhắc lại mãi một câu:
“Giận quá! Trời mưa hoài”.
Vì tối hôm đó là một tối thứ bảy, họ tự cho phép lãng quên sách vở để đi diễu các phố hay tìm đến những nơi hò hẹn, tư tình. Cái buổi tối vui thú chờ đợi trong cả một tuần lễ nay mà lại gặp phải trời mưa, ai chẳng lấy làm khó chịu?
Năm, sáu người đang xúm nhau nói đến những chuyện tình duyên, chuyện “săn đuổi” cho qua thì giờ, bỗng một tiếng cười bật to lên; ai nấy quay lại xem, thì là anh Chung, một sinh viên mỹ thuật. Chung vứt mẩu thuốc lá xuống, chống tay ngồi thẳng dậy:
- Tôi sực nhớ đến một câu chuyện kỳ khôi lắm, các anh muốn nghe không?
Mọi người giục kể, thì Chung thong thả nói:
- Phải. Một chuyện lạ thường, lại hình như huyền hoặc nữa. Nhưng các anh nên biết là chuyện có thực, vì chính có cả tôi ở trong.
Mùa hè năm kia, tôi về chơi nhà một người bạn học cũ tên là anh Lê Kỳ. Một chiếc nhà mái lá cửa gỗ ba gian, đứng trơ trọi ở bên con đường đất đi về làng Phương Canh, dưới một cây đa. Chung quanh toàn là đồng khoai ruộng lúa rộng bát ngát.
Thỉnh thoảng bỏ cảnh náo động Hà Nội về nghỉ đây ít ngày còn chịu được, chứ cứ ở luôn trong nơi vắng yên đó thì tôi đến chết vì buồn.
Kỳ lại khác. Anh ta yêu chỗ ở của mình một cách lạ lùng, không bao giờ vắng nhà đến một ngày. Quanh năm cặm cụi với đống sách mà anh ta không bao giờ tiếc tiền mua. Anh ta là hạng người sống về ngòi bút như ta thường nói, sống một cách thanh đạm, bình tĩnh, nhưng tự do. Cái vui thú duy nhất của anh là viết được bài khảo cứu hay, hoặc tìm được quyển sách có giá trị. Lại phải nói cho các anh biết rằng Kỳ không ưa đàn bà một ly nào cà. Đó là vì bẩm tính của anh ta cũng có, nhưng phần nhiều vì anh ta là người cư xử rất vụng về. Cái đời làm việc bằng trí khôn ở trong một xó nhà quê đã khiến cho anh ta thành yên lặng và không thiết để ý đến sự ăn mặc. Đầu húi ngắn, vẻ mặt thật thà, trông anh ta chẳng khác gì một bác “nhà thầy” hiền lành. Người như thế, ở một nơi như thế thật hợp lắm.
Trong các bạn học cũ ở Bưởi chỉ có tôi là còn đi lại với anh Kỳ, chỉ có tôi hiểu và yêu tấm lòng giản dị của anh ấy thôi. Một, hai năm, rồi lại về ở với anh mấy ngày. Năm ấy, tôi định ở chơi luôn hai tháng hè và nghỉ dưỡng sức ở đó nhân thể.
Chiều hôm đầu tôi đến, Kỳ nghỉ làm việc sớm, hai tay xoa vào nhau, cười một cách rất sung sướng thơ ngây và bảo tôi:
- Nào, lại buông võng ngồi nói chuyện như mọi khi đi! Rồi anh kể cho tôi biết việc học hành của anh nhé.
Đó là một cái thú riêng của chúng tôi. Những lúc hai người cùng đưa qua đưa lại trên chiẽc võng đay, nghe tiếng kẽo kẹt trên kèo tre trong cái yên lặng mông mênh của nhà quê, mà nhắc đến những hồi còn nhỏ, hồi mới biết nhau; nói đến những việc mình đang làm, mình định làm, hay là bàn về chuyện tương lai, thì thấy sung sướng như được đọc một quyển sách rất hay hoặc đi xem những cảnh thích mắt. Chúng tôi ngồi với nhau như thế hằng bốn năm giờ một, có khi quên cả buồn ngủ, quên cả đêm khuya.
Chiều hôm ấy, mới có hơn năm giờ, lại về mùa hè, mà trời bỗng tối sầm xuống. Chiếc mành trước nhà vật mãi vào cửa, trên mái lá tiếng kêu sột soạt như có tay ai xoa lên hoài. Không khí nóng bức và nặng nề rất khó chịu. Chúng tôi ăn vội bữa cơm thằng nhỏ dọn lên, rồi đóng các cửa vào, thì mưa bắt đầu đổ xuống tường không đời nào hết nước. Cứ thế cho đến tám giờ tối. Chúng tôi chắc cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, không ngờ mười lăm phút sau, nước trút xuống càng dữ. Gió đổi chiều táp mãi hạt mưa với bức mành lên mặt gỗ, nước trên cửa chảy xuống chạy vào cả trong nhà. Sấm sét bắt đầu nổi lên ầm ầm, luôn bên tai chúng tôi thấy như núi lăn, đá vỡ. Chiếc đèn treo giữa nhà se sẽ đưa đẩy, bóng đèn va vào chụp thành những tiếng kêu khẽ, ngọn lửa bồng bồng, chốc chốc lại đưa cao lên một lát, trông đỏ lừ.
Giỏ thổi càng già thêm, tiếng vụt qua khe cửa nghe rít lên từng hồi giận dữ và thê thảm. Không khí trước mát, sau hóa lạnh dần.
Mỗi lúc sấm dồn sét nổ lên, tôi lại lo ngại thêm.
Anh Kỳ ngồi trên võng sát với tôi, vẫn thản nhiên như đã quen với những phút kinh hoảng ấy. Tôi muốn bắt chước Kỳ, nhưng không thể nào trấn tĩnh được. Trong bầu trời mưa gió ầm ầm tối hôm ấy hình như nồng nặc chất chứa những luồng điện, khiến cho lòng người càng khắc càng nặng thêm.
Mấy lần tôi nói ra được một câu đều bị tiếng sấm sét át đi mất; sau tôi hỏi Kỳ:
- Anh có sợ sét không?
- Không. Việc gì mà sợ?
Một cái chớp loáng, làm tôi nín thở. Sau một tiếng nổ to và gần, Kỳ thấy sắc mặt tôi biến mới hỏi:
- Thế ra anh sợ sét ư?
Tôi gật:
- Sợ. Nhưng không phải sợ bị sét đánh. Tôi dẫu ở trong trường có cột thu lôi cũng thế, cứ nghe tiếng sấm sét là khó chịu rồi. Nhưng khi có người ngồi cạnh hay có đông người là tôi đỡ hồi hộp.
Tôi thú thực được cái tính nhát của mình với anh Kỳ nên không phải giữ gìn như trước nữa, tôi ngồi sát lại mình bạn mỗi khi có chớp loáng, và hai tay bịt chặt lấy hai tai.
Nhân đó, câu chuyện của chúng tôi xoay ra nói về sấm sét. Tôi được dịp thấy cái học rộng rãi và những điều phán đoán sâu sắc của anh Kỳ. Anh kể cho tôi nghe đến những sách lạ khảo cứu về điện học và những lý thuyết mới về “thiên lôi”. Lại không quên kể những điều dị đoan của từng dân tộc. Tôi chú ý nhất đến những chuyện truyền thuyết của ta về “lưỡi sầm sét” mà Kỳ kể ra một cách rất có duyên... Nhưng sự chú ý của tôi chỉ làm cho tôi thêm mạnh lòng mê tín.
Nghe tiếng gió chạy như cuống, tiếng mưa đập từng trận trên mái nhà và bốn chung quanh, nghe tiếng sấm sét rung chuyển cả một bầu trời tối tăm, tôi lại tưởng đến những chuyện yêu quái núp vào những gốc đa hay chùa cổ để ẩn tránh lưỡi tầm sét. Khi người ta gặp điều lo sự thì lòng dễ sinh yếu đuối, dễ nhận những điều mê hoặc, dẫu mình là người có học thức. Tôi cũng vậy. Kỳ thấy tôi mỗi lúc một băn khoăn thêm thì nói đùa:
- Thế giá anh ở một mình ở đây thì sợ đến đâu?
Tôi đáp:
- Chả bao giờ tôi ở một mình.
Im một lúc, tôi lại nói:
- Này anh Kỳ ạ, nói bỡn mà chơi chứ, nếu có con ma, con tinh nào chạy trốn vào đây bây giờ thực thì anh bảo sao?
Kỳ phá lên cười, nhưng một luồng chớp sáng lạ lùng loáng lên, rồi liền đỏ một tràng sét đổ lăn bên tai chúng tôi cùng một tiếng ghê gớm. Cả chiếc nhà rung lên một lượt. Tôi nắm rất chặt lấy tay Kỳ, quả tim chừng đứng lại.
Tiếng sét nổ gần lắm, đến nỗi mùi điện khét lẹt xông nặc lên. Đến gần mười phút đồng hồ, chúng tôi không ai nói gì qua: Kỳ như cũng lây cái sợ của tôi. Mưa bên ngoài vẫn như thác rộn, sóng gầm, sấm sét cứ liên hồi chạy từ góc trời này sang góc trời nọ.
Kỳ lắng tai, đưa một ngón tay thong thả đánh nhịp lên trên không như đếm cái gì... Tôi hỏi:
- Anh làm gì thế?
- Nhà dột... Đấy, anh có nghe tiếng nước nhỏ xuống không?
- Có. Nhà hay dột thế kia ư?
- Không. Tại hôm nay mưa to quá. Tôi phải đi xem mới được.
Rồi Kỳ nhảy xuống đất, đến bên cái bàn ở gian bên kia, thu gọn đám sách bị ướt sang một chỗ rồi lấy cái cốc lớn hứng lấy những giọt nước rơi.
Một cái chớp loáng nữa, Kỳ vội chạy đến với tôi. Tiếng sét vừa nổ xong thì bỗng có tiếng đập cửa sầm sầm. Chúng tôi kinh ngạc trông ra thì tiếng đập cửa càng thêm mạnh, càng thêm gấp, Kỳ hỏi lớn:
- Ai đấy?
Nhưng chỉ có tiếng tay nện vào cánh cửa trả lời. Một lát mới thấy tiếng kêu, tiếng kêu the thé rít lên cùng với tiếng gió thổi:
- Mở... cửa... cho tôi...! Mở cửa cho tôi với!
Chúng tôi nhìn nhau không nói gì. Ngoài cửa, tiếng gọi, tiếng đập như thúc giục:
- Mở cửa mau lên!
Tôi hỏi Kỳ:
- Thẳng nhỏ đâu?
- Nó đắp chiếu ngủ kia.
- Đánh thức nó dậy mở cửa xem.
- Thôi, để tôi mở.
Tuy vậy, Kỳ vẫn ra chiều lưỡng lự. Anh chậm chạp xỏ chân vào đôi guổc, như người đang suy tính. Tiếng đập cửa càng thêm gấp. Kỳ chắc lưỡi một cái rồi quay ra mở cửa liền.
Then vừa rút thì cánh cửa bị đẩy mở tung ra. Một trận gió mạnh xông ồ vào làm cho ngộn đèn treo vụt tắt. Tôi thoáng thấy một bóng trắng ở ngoài vừa chạy qua bực cửa vào nhà. Kỳ cố sức đẩy mới đóng được cánh gỗ lại và gọi tôi rối rít:
- Anh Chung, anh Chung lấy hộ tôi bao diêm...!
- Để đâu?
- Trên mặt hòm ấy!
Tôi đánh diêm thắp được đèn lên thì thấy hiện ra mộc cảnh tượng rất quái lạ: một người đàn bà - một người con gái thì đúng hơn - mình mẩy trần truồng, chỉ còn mấy mảnh quần rách bươm không đủ che thân, đang đứng vừa run vừa nhìn chúng tôi một cách kinh hoàng. Mặt xanh xám, nhưng trông vẫn thấy vẻ đẹp. Lạ hơn hết là đầu tóc cô ta trụi như mới cạo - cả đôi lông mày cũng trụi, chỉ còn trên mắt hai nét lờ mờ xanh.
Kỳ đứng ngay cạnh cô ta, trông lại nực cười hơn. Anh chàng há mồm ra, đôi mắt mở rất to, đến hơn một phút đồng hồ không cử động mà cũng không nói nửa tiếng. Các anh nên nhớ rằng Kỳ không ưa gần đàn bà, con gái; thường ngày cứ gặp họ thì đâm ra lúng túng, mặt đỏ đến tận tai.
Ba người đương giương mắt nhìn nhau bỗng chớp lại loáng lên, một hồi sét nổ dồn lại nghe rất gần. Người con gái đang run, bỗng giật nẩy mình, cuống cuồng lên, rồi... ôm choàng ngay lấy Kỳ không chịu bỏ ra nữa. Mặt cô ta lộ ra vẻ kinh hãi hết sức, mắt long lên sòng sọc, môi lẩy bẩy kêu mãi mới ra một câu: “Giời ơi! Sét! Sét đánh!”
Kỳ vừa toan gỡ cái cánh tay trắng xanh kia ra, vừa trông tôi ra ý cầu cứu. Anh ta thấy tôi phì cười lại càng lúng túng, mắt ngơ ngác nhìn quanh nhìn quẩn, lúc nhìn đến cái thân lõa lồ của người con gái, anh ta mắm miệng lại một cách chán nản rồi quay đi.
Mưa lúc ấy tuy ngớt dần, nhưng sấm vẫn cứ ù ì chuyển.
Kỳ ngượng quá, phát cáu, ghé vào tai cô kia hỏi lớn:
- Làm sao lại thế này mới được chứ?
Thì người con gái chỉ lắc đâu không thưa.
Sau cùng tôi phải lấy cái áo đi mưa của Kỳ khoác cho cô ta, cố sức giằng cô ta ra và ấn ngồi xuống bộ ngựa gần đó. Cô ta run như cầy sấy, ngồi nép vào vách, đôi mắt mở lớn nhìn trân trân về một phía như không nghĩ ngợi gì.
Tôi cúi xuống se sẽ hỏi, nhưng cô ta không đáp, hình như không nghe thấy lời tôi.
Kỳ kéo tay tôi bảo:
- Người ta vẫn còn sợ, anh đừng hỏi vội, để người ta hoàn hồn đã.
Chúng tôi lui sang gian bên cạnh, bàn nhau lấy mấy cái quần áo đưa cho cô mượn. Nhưng khi mang quần áo ra thì người con gái vẫn ngồi nép vào vách, ngơ ngác như người mất trí khôn. Cô ta giương tráo mắt nhìn bộ quần áo rồi lại lén lút nhìn chúng tôi. Tôi nói:
- Cô mặc áo vào.
Cô ta không nói gì. Tôi phải giục:
- Cô mặc áo vào cho khỏi lạnh.
Cô ta vẫn ngồi yên. Tôi quay lại khẽ gọi Kỳ:
- Có lẽ cô ta điên, anh Kỳ ạ.
- Không. Họ sợ chứ không phải điên.
- Nhưng sợ gì?
- Chắc họ gặp sét. Họ bị sét đánh!
- Tôi không hiểu. Gặp sét đánh sao không chết...?
- Cái đó, tôi cũng không hiểu nốt.
Tôi nói:
- Dẫu sao, ta để cho cô ta thế cũng không tiện, ta mặc quần áo hộ cô ta.
Người con gái để chúng tôi đỡ dậy và mặc xống áo cho như đứa trẻ con, không ngượng, không thẹn, mơ hồ không biết gì hết.
Nhìn đồng hồ thì đã gần mười rưỡi. Gió đã đỡ mạnh, mưa cũng tạnh dần. Tôi khoác thêm lên vai cô khách kỳ khôi kia một cái chăn mỏng mà Kỳ vừa đưa cho tôi, và để cô ta ngồi yên đó.
Kỳ mặc tôi coi người con gái, còn mình thì đi súc ấm, lấy chè và đánh thức thằng nhỏ dậy xuống bếp lấy nước lên đun. Thằng nhỏ thấy người lạ thì hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì cả.
Khi ấm nước trên ngọn đèn cồn đã sôi, chúng tôi đang chăm chú pha chè thì cô khách bỗng thở một tiếng dài.
Không hiểu sao, tôi lại thấy rợn người lên; quay lại xem, thì cô ta đã ngồi thẳng dậy, hai mắt tinh nhanh vừa chớp vừa nhìn chúng tôi như người đang tỉnh giấc mộng.
Cô ta thong thả trông sau trông trước, trông ngọn lửa đèn cồn đang nhảy nhót rồi nhìn xuống bộ quần áo đàn ông rộng và xốc xếch cô mặc trên mình... Rồi cô đưa tay lên đầu, thấy đầu trọc nhẵn không còn qua sợi tóc nào thì giật mình. Nước da tái mét lúc trước đã dần dần đỏ, mặt có vẻ e thẹn và ngượng ngập quá chừng. Cô hé miệng ra toan nói, nhưng lại thôi ngay, bỏ cái chăn đơn với chiếc áo tơi phủ trên mình xuống.
Tôi bưng một chén nước nóng lại mời, nhưng cô ta bẽn lẽn không cầm. Trông cái đầu ni cô không có khăn vuông kia với bộ quần áo cộc trắng đàn ông lụng thụng phủ chiếc thân bé nhỏ kia, lúc khác thì tôi buồn cười, nhưng lúc ấy tôi chỉ lấy làm lạ.
Chúng tôi đứng yên xem cô ta định làm gì, thì thấy cô ta tiến lên, bước nhẹ nhàng và e dè, ra mở cánh cửa mà thằng nhỏ chưa cài then, quay lại nhìn chúng tôi lần sau cùng, rồi bước ra, một tay đóng trái cửa lại.
Chúng tôi càng thêm kinh ngạc, đứng nhìn nhau đến ba, bốn phút, anh Kỳ thì vừa cắn môi, vừa nghĩ, còn tôi thì ngờ ngờ, vực vực, lẩm bẩm nói:
- Người hay là ma?
Rồi cái ý tưởng vô lý này cứ vẩn vơ trong trí tôi hoài, muốn quên đi mà không được, tôi bỗng trông thẳng vào mặt Kỳ, nói:
- Người gì mà lạ thế, anh nhỉ?
Kỳ không đáp.
Tôi nhắc lại:
- Người gì mà lạ lùng kỳ quái đến thế?
Trong hai tiếng “người gì”, tôi có ý nói không phải là người thường... không phải là người.
Kỳ như hiểu tôi, sẽ lắc đầu, trả lời như có ý trách:
- Sao anh lại có óc mê tín đến thế!
Tôi đáp:
- Có lẽ tôi mê tín thực, nhưng ta thử ra xem “hắn” đi đâu?
Chúng tôi mở cửa ra ngoài. Một cơn gió lạnh thổi qua mặt tôi. Mưa đã tạnh hẳn.
Chung quanh, những ếch, nhái đã bắt đầu lên tiếng. Trên trời, một nửa trăng đang chui qua vừng mây đen lớn: hồi ấy vào khoảng trung tuần tháng năm.
Chúng tôi ra khỏi cái cổng không đóng bao giờ, nhìn lên con đường mờ mờ và xa tít len lỏi vào đám ruộng bát ngát.
Trên mặt đường, từng vũng nước lấp lánh vì ánh trăng sáng. Không thấy bóng người mặc quần áo trắng đâu.
Đêm ấy, chúng tôi cứ lấy làm kinh dị hoài gần sáng mới ngủ được.
Chung kể đến đó thì ngừng lại lấy thuốc lá hút. Một người bạn nóng ruột hỏi:
- Thế rồi sao nữa?
- Thế là hết câu chuyện dị kỳ đêm hôm ấy...
- Nhưng chả nhẽ câu chuyện chỉ có thế. Anh phải kể nốt: rồi sau ra sao?
- Rồi sau chúng tôi không còn thấy gì nữa. Trong hơn một tuần lễ, tôi ở chơi với Kỳ, ngày nào chúng tôi cũng nói đến người con gái hôm xưa. Tôi đã có lần ngờ là gặp ma, còn Kỳ thì chẳng ngờ gì hết. Anh ta cũng không phân giải được ra sao. Rồi chuyện đó quên dần đi, chúng tôi chỉ để tâm đến công việc riêng mình. Hồi ấy Kỳ đang soạn một cuốn sách mà anh ta muốn làm cho thành một tác phẩm có giá trị.
Tôi ở đó lâu cũng sinh chán, muốn từ giã Kỳ để đi chơi nơi khác, nhưng bạn tôi cố giữ lại cho đến gần hết nghỉ hè.
Một hôm, tôi đi dạo một mình, lúc trở về đến cổng thì gặp một người con gái nhà quê ở đó đi ra; cô này trông rất đẹp, áo nâu, quần lĩnh, đầu chít khăn vuông. Dáng người nhỏ nhắn, dịu dàng, tôi cứ tấm tắc khen ngợi mãi. Tôi lấy làm lạ rằng cái bác “thầy tu” kia sao lại có người khách yểu điệu đến thế, sực nhớ ra cô gái trần truồng, trụi mày trụi tóc đêm xưa.
Tôi bước vội vào nhà thì Kỳ ta mặt đỏ bừng, đang ngồi giở xem một bộ quần áo trắng để bên mấy bao chè tàu mới nguyên. Thấy tôi, Kỳ vừa bẽn lẽn, vừa vui mừng, anh nói với tôi mà giọng run run, ra chiều cảm động:
- Cô con gái hôm nọ lại cảm ơn chúng mình đấy.
- Thảo nào tôi trông quen quen.
- Thế ra cô gặp anh?
Tôi gật, rồi mỉm cười trông bạn. Anh ta lại đỏ bừng mặt lên.
Một lát, Kỳ trấn tĩnh được ngay, anh nói:
- Cô ta đến để trả bộ quần áo đêm nọ mình cho mượn, và đền ơn mấy bao chè. Tôi đã cố chối từ, nhưng cô ấy cứ nài, nên tôi chả làm thế nào được. Cô ta kể cho tôi n