Dịch giả: Hoàng Hải Thủy
Sebastopol, tháng Tám năm 1855

     ào một ngày cuối tháng Tám trên con đường đá nối liền hai quận Douvanka và Baktchisarai ở bên ngoài thành phố Sebastopol có một chiếc xe ngựa đang di chuyển chầm chậm về phía thành phố bị bao vây.
Trên chiếc xe ngựa này có hai người ngồi, một sĩ quan và gã đầy tớ của chàng. Gã gia nhân cầm cương ngựa, chàng sĩ quan ngồi cạnh. Chàng sĩ quan hãy còn trẻ, có đôi vai nở và tấm thân vạm vỡ, lực lưỡng. Chàng có thể được coi là quân nhân đẹp trai nếu làn da mặt chàng đừng có màu vàng úa như màu lá chết và đừng có quá nhiều vết răn. Đôi mắt chàng màu nâu, linh động và có vẻ rất sắc rất tinh. Bộ ria mép của chàng hơi dầy và chàng có thói quen đưa lên môi cắn nhẹ đầu ria. Hai ngày nay chàng không được cạo râu nên dưới cằm chàng, nhiều sợi râu đen mọc ra lởm chởm. Chàng bị thương vì mảnh đạn đại bác ghim vào đầu trong ngày 10 tháng Năm, hiện nay đầu chàng vẫn còn được băng bó, nhưng chàng đã cảm thấy chàng khỏe lại hoàn toàn, chàng vừa rời bệnh viện Symperopol để trở về với Trung đoàn của chàng, đơn vị ấy hiện đang đóng ở đâu đó trong vùng vang động tiếng súng kia, nhưng cho tới lúc này, chàng vẫn chưa biết chắc là đơn vị của chàng hiện đang ở trong Sebastopol hay ở Severnia, ở Inkerman.
Tiếng trọng pháo nổ nghe thật gần, nhất là khi chiếc xe ngựa đưa chàng sĩ quan về với mặt trận đi vào một vùng đồng trống không có những ngọn đồi bao quanh ngăn đi tiếng động được gió đưa tới. Thỉnh thoảng, một tiếng nổ lớn lại làm rung chuyển mặt đất và làm cho chàng sĩ quan rùng mình mặc dầu chàng không muốn. Có lúc tai chàng lại nghe được những tiếng động khác nhỏ hon, như trống thúc quân hòa với những tràng súng tay. Tất cả những tiếng ấy hòa lẫn với nhau như tiếng sấm của một trận bão mùa hè, khi mưa bắt đầu rơi xuống. Mọi người chàng sĩ quan gặp trên đường đều nói rằng trong Sebastopol đang có trận pháo kích dữ dội. Không cần nghe mọi người nói, những tiếng nổ vang tới cũng cho chàng sĩ quan biết như thế. Chàng dục gã gia nhân thúc ngựa đi nhanh hơn.
Họ gặp một chiếc xe ngựa khác đi ngược đường. Đây là xe của những người nông dân chở lương thực tới tiếp tế cho Sebastopol nay trên đường trở về. Xe chở nhiều thương binh và bệnh binh. Trên xe nằm ngồi hỗn độn những người lính bộ binh bận quân phục xám, những binh sĩ hải quân bận áo xanh, những thanh niên dân sự tình nguyện lên chiến trường phục vụ đội mũ đỏ và những người lính địa phương râu ria. Khi hai chiếc xe gặp nhau trên con đường đá, chiếc xe của chàng sĩ quan phải dừng lại và nép vào vệ đường. Chàng sĩ quan nhăn mặt và nheo mắt nhìn qua đám bụi khô sang chiếc xe đang đi ngang để nhìn mặt những người nằm ngồi trong đó.
- Thưa ông... trong xe có người lính ở đơn vị mình...
Gã gia nhân nói với chủ, tay gã chỉ vào lòng chiếc xe ngựa đi ngang.
Một người lính, hai tay bị thương, ngồi thẳng người trong xe ngay sau lưng người nông dân đánh xe. Trông thấy chàng sĩ quan đang nhìn mình, anh định giơ tay lên mũ chào và cử động này làm cho anh chợt nhớ là hai tay anh đang bị thương. Một binh sĩ khác nằm cạnh anh. Chàng sĩ quan chỉ trông thấy hai bàn tay anh lính này đưa lên nắm lấy thành xe và hai đầu gối anh nhô lên. Người thương binh thứ ba có vẻ cùng đơn vị với hai anh vừa kể ngồi ở cuối xe, lưng quay lại, hai chân bỏ ra ngoài xe. Anh này chưa trông thấy chàng sĩ quan.
- Mấy anh kia... Trung đoàn H. phải không? - Chàng sĩ quan lớn tiếng hỏi.
- Thưa vâng. Kính Trung úy... - Người lính bị thương hai tay đáp.
- Trung đoàn đang ở đâu?
- Thưa ở Sebastopol. Nhưng hôm thứ tư, chúng tôi nghe nói Trung đoàn sắp di chuyển...
- Di chuyển đi đâu?
- Thưa Trung úy... đi đâu chúng tôi không được biết rõ. Có thể là sang Severnia. Chắc là sang Severnia...
Người thương binh kể lể như để chứng minh trường hợp bị thương của mình với thượng cấp:
- Từ nửa tháng nay, chúng nó bắn ta dữ quá. Chúng nó có quá nhiều đạn, chúng nó bắn cả ra biển. Dữ dội lắm.
Nét mặt người lính diễn tả sự khủng khiếp nhiều hơn là lời nói, nhưng Trung úy Koseltzoff, người từ ngày nhập ngũ đến giờ chỉ quen làm những công việc văn phòng và đây là lần chàng lên mặt trận lần thứ hai, tỏ ra khinh thường lời nói của người lính. Chàng nghĩ thầm: “Bọn lính ngu ngốc bao giờ cũng sợ quân địch, cũng đề cao quân địch”. Tuy vậy, trong đáy lòng chàng, Koseltzoff cũng sao xuyến. Để ngăn nỗi lo sợ có thể dâng lên, chàng gắt với gã gia nhân:
- Nicolaieff. Đi đi chứ. Bộ mày ngủ hay sao đó?
Nicolaieff giựt dây cương, gã thốt ra mấy tiếng dục ngựa trên vành môi dầy và chiếc xe ngựa lọc cọc chuyển bánh.
- Chỉ ngừng để cho ngựa ăn thôi - Chàng sĩ quan quyết định - Đi mau tới để gặp Trung đoàn trước khi họ di chuyển.

II

 
Vừa tiến vào đường Douvanka, nơi hai dãy nhà bên đường đều sụp đổ, chiếc xe ngựa của Trung úy Koseltzoff phải ngừng lại vì một doàn xe chở đạn đại bác dừng ở giữa đường.
Hai người lính bộ binh, ngồi trên tảng đá dưới bức tường đổ bên đường, đang ăn bánh mì và dưa hấu.
- Bạn đi đâu đây? Còn xa lắm không?
Người lính đang ăn dưa hấu cất tiếng hỏi một người lính bộ binh khác, vai đeo túi quân trang, đang đứng gần họ.
- Bọn tôi được lệnh đi lên nhập vào Trung đoàn - Người lính được hỏi đáp - Bọn tôi từ hậu phương xa lắm tới đây. Bọn tôi giữ hậu cứ của Trung đoàn nhưng mới đây, nhận được lệnh về là tất cả đều phải lên mặt trận, có điều rắc rối là bọn tôi không biết đích xác Trung đoàn hiện đóng ở đâu. Có người nói rằng tuần trước, Trung đoàn chúng tôi ở Korabelnaia. Bạn có biết Korabelnaia ở đâu không?
Một người lính già trên xe chở đạn nói xuống:
- Ngay trong thành phố, ngay trong thành phố... Korobelnaia là một mặt của Sebastopol. Mấy hôm trước bọn tôi vừa phải lên đó. Chỗ đó dữ lắm...
- Dữ? Dữ là thế nào? - Người lính vừa từ hậu phương tới lo sợ hỏi.
- Dữ là đánh nhau dữ chứ còn là thế nào nữa? - Người lính già thản nhiên dùng dao cắt miếng dưa ứa nước - Bạn có nghe tiếng nổ không? Đó, tiếng nổ ở Korabelnaia đó. Trên ấy, quân mình không có hầm tránh đạn, không có chiến hào, cứ nằm trên mặt đất mà chịu trận. Quân mình chết ở đó nhiều lắm...
Người lính mới đến có vẻ suy nghĩ rồi anh móc tẩu thuốc trong túi ra, đứng yên lặng nhồi thuốc, sau khi xin lửa châm thuốc, anh hút vài hơi rồi nói:
- Chúa cho ai sống là người ấy được sống. Chào các bạn, tôi đến Korabelnaia đây...
Nói xong anh rảo bước đi về phía tiếng nổ.
Người lính đang ăn bánh mì nói với theo:
- Nghỉ ở đây chút đã nào. Làm cái gì mà vội dữ vậy?
Người lính lên mặt trận vẫn bước đi bên đoàn xe chở đạn, anh nói nhỏ như người nói một mình:
- Vội hay không thì cũng vậy thôi. Mình đâu có thể ngồi ở đây mãi được...

III

 
Ở trạm liên lạc, nơi những sĩ quan đi công tác có quyền dừng lại ăn nghỉ, lấy ngựa, lấy xe để đi tiếp, Koseltzoff thấy nhiều người đứng chật trong trạm và trước cửa trạm. Khuôn mặt nổi bật nhất trong đám đông mà chàng nhìn thấy là mặt lão Trạm trưởng. Lão này gầy khẳng gầy kheo và có vẻ khó tính, đang cãi nhau với hai sĩ quan.
- Các ông mới chờ có hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã ăn nhằm gì, còn phải chờ ít nhất là hai trăm bốn mươi bốn tiếng đồng hồ nữa may ra các ông mới có ngựa. Các ông Tướng đến đây cũng phải chờ...
Lão hung hăng tiếp:
- Không có ngựa là không có ngựa. Không lẽ tôi biến tôi thành ngựa cho các ông cưỡi sao?
Một chàng sĩ quan hầm hầm cao giọng:
- Nếu trạm không có ngựa là tất cả mọi người đều không có ngựa. Tại sao hồi nãy thằng đầy tớ ông nào đó mang đồ tiếp tế đi lại được cấp ngựa?
Chàng sĩ quan này có vẻ tránh nói đến tiếng “mày” nhưng mọi người nghe giọng chàng đều cảm thấy muốn “mày tao” với lão Trạm trưởng.
Người sĩ quan bạn chàng trẻ tuổi hơn, dịu giọng nói vói lão:
- Trạm trưởng... Ông nên biết rằng chúng tôi không cần ngựa để đi chơi. Chúng tôi đi có công tác khẩn cấp. Chúng tôi sẽ bắt buộc phải báo cáo tình trạng bê bối này với ông Tướng. Chúng tôi cũng sẽ phải báo cáo cả thái độ của ông, ông có vẻ bất kể quyền ưu tiên của những sĩ quan đi công tác...
Người sĩ quan thứ nhất gắt lên:
- Việc gì phải nói tử tế với nó? Hạng này tử tế không được...
Và đột nhiên, chàng quát:
- Ngựa... Mang ngựa ra đây...
Im lặng một lúc sau tiếng quát ấy. Rồi lão Trạm trưởng bắt đầu nói:
- Tôi không muốn gì hơn là cấp ngựa cho các ông. Để các ông chờ đợi, tôi được lợi cái gì? Ông nào đến cũng đòi có ngựa để đi ngay, ngựa mà lại là ngựa tốt nữa. Nhưng trạm tôi hết ngựa rồi thì tôi làm thế nào? Ở đây tôi bị chửi bới mỗi ngày. Đầy tớ các ông, các ông còn không nỡ nói nặng như nói với tôi. Các ông giết tôi, tôi chịu. Nhưng ngựa thì hiện giờ không có. Các ông muốn làm gì thì làm...
Nói xong, lão bỏ vào trạm và biển mất.
Koseltzoff xuống xe. Chàng đi vào trạm cùng với hai sĩ quan nọ.
- Chẳng sao - Chàng sĩ quan trẻ tuổi nói với bạn như để làm dịu cơn giận của bạn - Chúng mình đã làm hết sức mình có thể làm được. Chờ thêm vài ngày nữa cũng đâu có chết ai...
Koseltzoff phải vất vả nhiều mới tìm được một chỗ ngồi trong căn phòng đầy người, đầy khói thuốc, ngổn ngang những hành lý của trạm liên lạc. Chỗ chàng ngồi ở gần cửa sổ. Chàng ngồi đó và những ngón tay bận rộn vấn một điếu thuốc lá, chàng bắt đầu quan sát những khuôn mặt chung quanh và nghe tiếng nói chuyện quanh chàng. Đám đông tụ lại ở quanh bếp than cạnh cửa ra vào, trên bếp có một ấm đun nước trà bằng đồng méo mó và một nồi đun món gì đó đang sôi, nhiều gói giấy nhỏ đựng đường rơi vãi trên mặt cái bàn gỗ nhỏ đặt cạnh bếp. Một chàng sĩ quan trẻ tuổi, mặt nhăn không một sợi râu, đang bỏ trà vào ấm. Bốn chàng sĩ quan khác trạc tuổi chàng này nằm ngồi rải rác ở nhiều chỗ khác quanh đó. Một chàng, đầu gối lên cái áo khoác gập lại, nằm ngủ há miệng trên chiếc ghế dài. Một chàng khác đang bận rộn cầm dao thái nhỏ từng miếng thịt trừu cho người bạn cụt một tay cầm chĩa xiên ăn. Hai sĩ quan khác, một người bận chiếc áo khoác đặc biệt của những sĩ quan hầu cận, người kia bận bộ quân phục bộ binh mới đẹp, có hai cái yên ngựa để cạnh, ngồi riêng một nơi. Chỉ cần nhìn qua quân phục của hai sĩ quan này, người ta cũng biết họ không phải là sĩ quan chiến đấu trên mặt trận. Nét mặt họ biểu lộ vẻ hài lòng vì tình trạng đặc biệt của họ. Họ ngồi đó thảnh thơi hút thuốc như hai kẻ thỏa mãn nhất đời với hiện tại. Trong phòng còn có một y sĩ có đôi môi dày, một hạ sĩ pháo thủ trông có vẻ như người Đức đang ngồi đếm tiền. Bốn gã gia nhân, gã thì ngồi ngủ gật, gã thì mở rương hành lý ra kiểm soát lại đồ của chủ, là bốn người đàn ông cuối cùng trong phòng.
Koseltzoff nhìn một lượt quanh phòng và thấy chàng chẳng quen mặt một ai. Chàng thấy chàng có cảm tình với nhóm bốn chàng sĩ quan trẻ ngồi gần bếp lửa. Qua nét mặt và dáng điệu của họ, chàng đoán được ngay rằng họ là những sĩ quan mới ra trường, việc này làm chàng nhớ đến cậu em của chàng. Em chàng vừa ở trường huấn luyện sĩ quan pháo binh ra và đã đi thẳng tới chỉ huy một dàn trọng pháo nào đó trong Sevastopol. Nguợc lại, chàng có ác cảm nặng nề ngay với hai sĩ quan ăn mặc đẹp đang ngồi hút thuốc và nói chuyện riêng với nhau ở góc kia. Chàng thấy họ hỗn xược thật đáng ghét. Là sĩ quan từng chiến đấu và bị thương trên mặt trận, chàng vẫn còn mang dấu vết thương tích trên đầu, Koseltzoff thấy chàng có quyền và có bổn phận phải nói vài lời gì đó, phải làm vài cử chỉ nào đó, cho hai sĩ quan văn phòng kia cảm thấy tình trạng đáng khinh của họ, nghĩ vậy, chàng quyết định nhập bọn vói bốn chàng sĩ quan trẻ.

IV

 
- Mình sui. Sui thật là sui. Chờ đợi từ ngày đầu mà đến trận kết cục mình lại không được dự. Mấy trận lớn này là những trận cuối cùng đây...
Người nòi câu trên là chàng sĩ quan trẻ nhất bọn. Chàng nói với giọng ngại ngùng, do dư của người sợ mình nói ra một câu gì không đúng làm cho mọi người cười nhạo. Hai má chàng hồng lên như má con gái.
Chàng sĩ quan cụt một tay nhìn chàng trẻ tuổi và mỉm cười:
- Bạn còn có nhiều cơ hội dự trận mà, tin tôi đi...
Nét mặt chàng sĩ quan độc thù tươi hẳn lên vì nụ cười ấy. Chàng sĩ quan trẻ tuổi má hồng cũng cười, nhưng nụ cười của chàng là nụ cười lễ phép, kính nể. Chàng rót trà nóng ra ly bưng đến cho người đàn anh cụt tay. Và thật vậy, vẻ mặt, giọng nói, kiểu ngồi và nhất là cánh tay áo rỗng của người sĩ quan độc thủ làm cho chàng có cái vẻ thản nhiên, tự tại của người đã chịu đựng tất cả những gì người khác từng chịu đựng, đã biết rõ tất cả những chuyện người khác nói, đã trả xong nợ và đã thảnh thơi.
Đặt ly nước trà bốc khỏi cạnh lay người sĩ quan độc thủ, chàng sĩ quan trẻ nhất trong bọn trở lại hỏi người bạn ngồi bên bếp lửa:
- Đại úy quyết định sao ạ? Chúng mình nghĩ lại đây đêm nay nữa hay là sẽ tiếp tục đi với con ngựa ốm sắp chết của mình?
Người được hỏi chán chường lắc đầu tỏ ý bất lực không quyết định được. Chàng trẻ tuổi quay lại nói với chàng sĩ quan độc thủ:
- Đại úy nghĩ coi... Bọn chúng tôi bốn người, đi chung trên cái xe chở rơm, con ngựa của chúng tôi kiệt sức rồi, bắt nó kéo chúng tôi đi nữa chắc nó chết. Ở Sebastopol, Đại úy có vài ký vàng cũng không mua được một con ngựa. Chúng tôi phải đi bộ tới Symperopol mới mua được con ngựa này, mua bằng tiền túi của chúng tôi..
Chàng sĩ quan độc thủ gật đầu:
- Chắc là đắt lắm, hả?
- Thưa Đại úy, tôi không biết giá cả ra sao. Họ đòi bao nhiều tiền, chúng tôi phải trả từng ấy không có chuyện mặc cả, mở miệng mặc cả là họ quay đi luôn, không thèm nói chuyện với mình nữa. Chúng tôi mua cả ngựa, cả xe với giá 90 ruble. Đại úy nghĩ giá đó có đắt không?
Khi nói câu này, chàng nhìn cả Koseltzoff như để mời chàng phát biều.
Koseltzoff lên tiếng:
- Không đắt đâu nếu là ngựa tốt...
- Thật ạ? Ngựa tốt thì không tốt lắm nhưng cũng không hẳn là ngựa xấu. Nó chỉ hơi thọt một chân. Nhưng mấy ngày đầu nó cũng đi khỏe lắm. Có lẽ tại vì chúng tôi bắt nó kéo nặng quá. Có ngày lại không mua đủ được lúa mạch cho nó ăn no nên nó mới kiệt sức.
- Các bạn đang trên đường lên mặt trận? - Koseltzoff hỏi.
- Thưa vâng.
Hy vong dò hỏi được tin em trai mình, Koseltzoff lại hỏi:
- Đơn vị nào vậy?
- Thưa Trung úy, Trung đoàn Pháo 92. Sáu anh em chúng tôi vừa tốt nghiệp và tình nguyện lên phục vụ ở Sebastopol. Hai người đi trước chắc bây giờ đang khoái trá nã những viên đạn xuống đầu địch, có điều cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết chắc Trung đoàn Pháo 92 đóng ở đâu. Có người nói là ở Sebaslopol, có người lại nói là đóng ở Odessa.
- Sao các bạn không hỏi cho rõ ở Sympheropol? Ở đó người ta phải biết chứ?
- Không ai ở đó biết rõ qua một chuyện gì cả. Thật là quái dị, chuyện không ai có thể tưởng tượng được. Bạn tôi đến hỏi ở Bộ Chỉ Huy Tiểu khu còn bị họ chửi nữa. Họ bảo chúng tôi cứ đến Sebastopol khắc biết. Họ làm như chúng tôi sợ lên mặt trận vậy. Nếu sợ, anh em tôi đã không tình nguyện. Thái độ của bọn đó thật khốn nạn...
Koseltzoff được dịp đẩy nhẹ một câu:
- Những tên ở văn phòng tên nào cũng thế cả...
Trước vẻ thân thiện của Koseltzoff, chàng sĩ quan má hồng, cằm không râu tỏ ra bạo dạn hơn. Chàng móc bao thuốc lá đến mời Koseltzoff:
- Trung úy hút điếu này, khỏi phải vấn mất công.
Koseltzoff rút một điếu. Chàng sĩ quan mang bao thuốc đến mời người sĩ quan độc thủ:
- Mời Đại úy...
Chàng có vẻ do dự không biết mình có nên tự tay rút điếu thuốc gắn lên môi cho người đàn anh cụt tay để bàn tay còn lại của ông ta khỏi phải làm việc hay không. Người sĩ quan độc thủ đưa bàn tay trái ra rút điếu thuốc đưa lên môi và chàng trẻ tuổi vội vã đánh diêm.
- Đại úy vừa từ Sebastopol về đến đây - Chàng nói với giọng nói vừa nồng nàn vừa thành kính - Ở Petesburg, chúng tôi suốt bgày suốt đêm nói với nhau về các vị, những anh hùng của Sebastopol...
Đoạn cuối của câu này chàng nhìn về phía Koseltzoff. Cử chỉ này biểu lộ sự kiện chàng coi Koseltzoff cũng là một anh hùng của Sebastopol như người Đại úy cụt tay. Vẻ mặt, lời nói và cả dáng người của chàng đều biểu lộ sự kính trọng.
- Các bạn nghĩ sao nếu đơn vị của các bạn đã rút ra khỏi mật trận và các bạn phải trở về trưởng? - Koseltzoff vừa cười vừa hõi.
- Thưa... anh em chúng tôi đang sợ như thế. Đã đi rồi mà phải trở về thì... không còn biết nói sao. Lại còn chuyện chúng tôi vội vã ra đi nên không chờ nhà gửi đến thêm tiền, anh em tôi lại phải chung tiền mua con ngựa và cỗ xe, rồi còn mua thêm bao nhiêu thứ nữa. Ấm đun nước trà này là của chúng tôi...
Chàng trẻ tuổi hạ giọng:
- Chúng tôi tiêu gần hết tiền rồi. Bây giờ mà phải trở về thì lôi thôi to...
- Đi đường các bạn không được lãnh tiền à?
- Thưa không. Họ cho chúng tôi biết là tới Sebastopol, chúng tôi sẽ được lãnh lương ngay ở Trung đoàn. Cứ đến được Trung đoàn, dù không có lương ngay, chúng tôi cũng chẳng lo.
Koseltzoff và người sĩ quan cụt tay cùng gật đầu tỏ vẻ đồng ý.

V

 
Đúng lúc ấy, một mụ đàn bà trạc bốn mươi tuổi ngoài, tay bưng cái bát sành to gần bằng cái tượng xuất hiện ở giữa khung cửa ra vào. Mụ gọi lớn vào phòng:
- Ông nào gọi nấu cháo gà, làm ơn lấy dùm nha...
Moi người trong phòng đều yên lặng, người nọ nhìn người kia, rồi tất cả đều quay lại nhìn mụ đàn bà. Dường như trong phòng không hề có ai bảo mụ nấu cháo gà hết cả.
Mu đàn bà lại hộc lên:
- Ông nào gọi cháo gà...
Chàng sĩ quan trẻ tuổi đang đứng cạnh người Đại úy cụt tay bỗng lên tiếng:
- A.. Koseltzoff gọi cháo gà... Chờ chút... Để tôi gọi hắn.
Koseltzoff ngạc nhiên đến sững sờ. Chàng tên là Koseltzoff, ở đây còn có ai trùng tên với chàng? Chàng có gọi cháo gà, cháo vịt hồi nào đâu? Hay là Nicolaieff, gã đầy tớ của chàng, gọi cháo cho chủ? Chàng chưa kịp nói gì người sĩ quan trẻ tuổi đã đi đến cuối phòng, gọi lớn:
- Koseltzoff... Dậy ăn cháo...
Đằng sau những rương hành lý xếp cao ở cuối phòng còn một người nam ngủ nữa mà Koseltzoff không biết. Từ sau những rương hành lý ấy một chàng thanh niên đúng bật dậy. Chàng này còn quá trẻ, chỉ đáng gọi là thiếu niên. Chàng trạc mười bảy, mười tám tuổi, tóc đen, mắt sáng. Chàng nhanh nhẹn bước qua chân ông y sĩ môi dầy ngồi ở đầu ghế, miệng nói:
- Xin lỗi... Xin lỗi...
Trung úy Koseitzoff nhận ra chàng thiếu niên đó là em ruột của mình. Chàng nén mừng rỡ để khỏi phải đứng bật dậy. Chờ cho em đi ngang mặt, chàng gọi:
- Này chú...
Koseltzoff Em nghiêng đầu nhìn:
- Chú có biết tôi là ai không? - Koseltzoff Anh hất hàm hỏi.
- Trời ơi... Trời... Nhất rồi...
Koseltzoff Em sung sướng la lên, rồi trước sự ngạc nhiên của mọi người, hai anh em ôm nhau, hôn lên má nhau. Họ hôn nhau hai lần, Koseltzoff Anh nói:
- Tao đang định hỏi thăm chú mày không ngờ chú mày nằm ngủ khoèo ở ngay bên cạnh...
Vẫn nắm cánh tay anh, Koseltzoff Em nói với chàng sĩ quan trẻ tuổi:
- Féderson... Ông anh mình đây... Ông anh ở Sebastopol mình vẫn nói chuyện với cậu đó... Mình được tin ổng bị thương, tưởng là đến Sebastopol phen này anh em không gặp nhau chứ... Không ngờ mới tới đây đã đụng ổng rồi...
Rồi chàng liến láu tiếp:
- Féderson... Lấy dùm tô cháo. Ăn dùm đi. Cho anh em mình nói chuyện với nhau một lát. Đi... Dùm tí...
Féderson, chàng sĩ quan trẻ tuổi má hồng đi ra cửa đỡ lấy tô cháo:
- Cứ để đây, nói chuyện xong hai anh em cùng ăn...
- Mừng quá không ăn được nữa... Ăn dùm đi cho nóng. Lát nữa mình gọi tô khác, còn tiền mà sợ gì... Ăn dùm mình đi Féderson...
Hai anh em dắt nhau ra khỏi phòng. Họ ngồi bên nhau trên thềm nhà lạnh. Koseltzoff Em líu tíu hỏi anh liên tiếp hết câu nọ đến câu kia, chàng không để cho ông anh kịp hỏi một câu nào về chàng. Koseltzoff Anh chưa kịp trả lời câu này, Koseltzoff Em đã hỏi câu khác. Chàng đòi cởi cả băng ra để xem vết thương trên đầu ông anh. Koseltzoff Anh mỉm cười và chịu khó trả lời các câu hỏi của em. Mãi đến lúc cậu em thưa hỏi, chàng mới hỏi em câu hỏi duy nhất mà chàng cần hỏi: tại sao em chàng lại không gia nhập Ngự Lâm Quân như gia đình đã xin cho mà lại tình nguyên đến Sebastopol?
- Tại vì em muốn đến Sebastopol, tại vì em muốn được chiến đấu...
Koseltzoff Em đáp. Rồi như thấy rằng đó chưa đủ lý do để mình làm trái ý muốn của gia đình, chàng vội vã tiếp:
- Anh nghĩ coi... Đi chiến đấu, em có cơ hội thăng cấp nhanh hơn phục vụ trong cái binh chủng cù lần chuyên môn gác cửa đó, em phải mất ít nhất là mười năm mới lên được cấp Đại tá. Mười năm là hết đời mình rồi còn gì? Chắc anh biết Pháo binh bọn em có ông Todtleben? Lúc ổng đến Sebastopol, ổng đeo lon Trung tá... Chỉ hai năm sau ổng đã đeo lon Thiếu tướng... Đi đánh nhau, đâu phải ai cũng chết? Mà có chết đi nữa thì... thì... mình cũng như người khác...
Và chàng thiếu niên mỉm cười, đôi mắt nhìn anh long lanh trìu mến:
- Em nghe nói ông Tướng giữ anh ở hậu cứ, anh nhất định đòi lên Sebastopol...
Koseltzoff Anh mỉm cười:
- Chú mày nói khéo lắm... Mồm mép chú mày trơn như thoa mỡ...
Kozeltzoff Em cũng cười. Hai anh em im lặng nhìn nhau một lát, rồi Koseltzoff Em lại nói, lần này giọng chàng trang trọng hơn và chàng cũng, nói với vẻ khó khăn hơn:
- Thực ra, chuyện mau được lên cấp với em cũng chẳng phải là việc quan trọng. Lý do chính của em là... - Nói đến đây hai má chàng đỏ lên như chàng đang thú nhận một chuyện gì đáng xấu hổ - lương tâm em sẽ cắn rứt em nếu em không đi... Em chắc anh hiểu em hơn ba má. Em biết ba giận em lắm khi em đã không chịu vào Ngự Lâm Quân như ba bảo, em còn ra đi không về chào ba. Em sợ nếu em về nhà, nhìn thấy ba má, nhất là thấy má, em sẽ không còn đi nổi nữa. Em sẽ khổ lắm nếu em phải sống ở Pelesburg trong lúc mỗi ngày có bao nhiêu người chết để bảo vệ tổ quốc. Em cũng muốn đến Sebastopol để được gần anh nữa...
Koseltzoff Anh cũng cảm động, chàng giấu sự xúc động của mình bằng cách móc túi đựng thuốc lá ra vấn:
- Chủ mày chỉ là thằng tò mò muốn biết đánh nhau ra làm sao. Chú mày muốn làm người hùng... Nhưng thôi, đã quyết định thì đừng bao giờ hối hận...
Như sợ làm cho em buồn, chàng đổi chuyện:
- Sebastopol rộng lắm. Anh em mình đâu có ở chung một chỗ được.
- Nói cho em biết sự thật về những chiến hào ra sao? Có thực là khủng khiếp như người ta nói không?
- Cũng khá... khủng khiếp. Lúc đầu đến đó ai cũng sợ, nhưng sống ở đó đuợc ít ngày, mình sẽ quen đi. Rồi em sẽ thấy.
- Còn chuyện này nữa... Sebastopol có thể bị thất thủ không anh? Em thì nghĩ rằng chuyện đó không thể nào xểy ra được.
- Chuyện đóỏ chỉ có Chúa mới biết...
- Đi chuyến này em gặp nhiều chuyện sui sẻo quá. Em bị mất cắp nhiều đồ quá. Cả cái mũ sắt của em cũng bị chúng lấy mất. Lúc em đến trình diện ở đơn vị, không biết các sĩ quan sẽ nhìn em ra sao.
Vladimir Koseltzoff, người em, có nét mặt giống như Michael Koseltzoff, người anh. Cái khác nhau giữa hai anh em chỉ là cái khác nhau giữa một nụ hoa vừa hé nở và một bông hoa đã nở. Mái tóc của Vladimir dầy hơn tóc anh, có nhiều lọn quăn lại ở hai bên mang tai, tóc ở sau gáy chàng bồng lên, kiểu tóc bồng, ở nhưng chàng thiếu niên đẹp trai mà những người đàn bà đa tình rất thích. Làn da mặt chàng chưa dầy dặn phong sương, vẫn còn nhiều lúc ửng hồng lên ở hai má. Đôi mắt chàng lớn hơn và trong sáng hơn mắt anh. Và trên vành môi hồng của chàng chỉ mới có những sợi ria nâu thật mịn. Vành môi ấy luôn luôn nở nụ cười để lộ hàm răng trắng bóng. Chàng đứng đó trong chiếc áo ngoài cởi nút để lộ chiếc sơ-mi đỏ bên trong, cổ quấn khăn choàng hoa theo kiểu nhưng thanh niên quý phái, thân hình mảnh mai nhưng vẫn không yếu đuối, đôi vai nở, điếu thuốc lá tỏa khói xanh ở những ngón tay dài, một bên mông dựa nhẹ vào thành lan can, vẻ mặt sáng lên vì niềm vui hồn nhiên, đôi mắt nhìn chằm chặp vào mặt người anh chàng là hiện thân của người thiếu niên yêu đời đáng yêu nhất. Người ta khó có thể rời mắt nhìn chàng. Chàng thành thật sung sướng với việc tình cờ gặp gỡ ông anh của chàng ở đây, người anh mà chàng vẫn cho là người hùng và vẫn kiêu hãnh kể chuyện với các bạn. Chàng biết anh chàng không được học nhiều, học cao bằng chàng nhưng ngược lại, anh chàng là người mà chàng coi là đã có đầy đủ kinh nghiệm về cuộc đời, là người không kém cạnh bất cứ một ai.
Vladimir Koseltzoff chỉ mới được biết về đời nhờ một người đàn bà thích gần những chàng trẻ tuổi đẹp trai. Trong thời gian ở trường huấn luyện Sĩ quan Pháo binh, những ngày nghỉ, chàng đều sống ở nhà nàng. Mạc Tư Khoa cũng giúp cho chàng biết thế nào là cuộc đời vì chàng có lần được dự một dạ hội khiêu vũ lớn tổ chức ở nhà ông Thượng nghị sĩ bác ruột của chàng. Chính ông bác Thượng nghị sĩ này đã xin cho chàng gia nhập ngành Ngự Lâm Quân.

VI

 
Tuy yêu thương nhau, anh em Koseltzoff vẫn có những tính nết khác nhau. Sau vài giây im lặng. Koseltzoff Anh bỗng nói:
- Anh có xe, anh đưa em đến Sebastopol. Em vào lấy đồ đi, chúng ta lên đường ngay.
Người em đỏ mặt và tỏ vẻ bối rối:
- Đi thẳng tới Sebastopol ư?
- Ừ. Đi thẳng tới Sebastopol. Anh chắc em không có nhiều hành lý, xe anh còn đủ chỗ cho em. Con ngựa của các bạn em sẽ đỡ phải kéo thêm một người. Như thế tiện cho em mà cũng tiện cho cả các bạn em nữa.
- Để em vào nói cho các bạn em biết...
Chàng tuổi trẻ đi vào nhà trạm. Trước khi bước qua khung cửa, chàng cúi đầu nghĩ thầm:
“Đi thẳng tới Sebastopol? Mình sắp đi vào chỗ chết? Mình sợ ư? Nhưng sớm hay muộn gì mình cũng tới đó. Chi bằng tới đó với anh mình”.
Sự thực là khi còn ở Petesburg, chàng sôi nổi muốn được có mặt trong thành phố Sebastopol dũng cảm ngay, nhưng càng đến gần mặt trận, sự nồng nàn của chàng càng dịu đi. Nhiều lúc chàng thầm mơ ước cứ được đi như thế mãi không bao giờ đến nơi. Tất nhiên là chàng không thổ lộ ý muốn thầm kín này với bất cứ ai. Ngoài mặt, chàng vẫn tỏ ra nóng nảy muốn được tới ngay mặt trận.
Koseltzoff Em vào nhà trạm ở lại trong đó quá lâu, lâu đến nỗi Koseltzoff Anh sốt ruột phải bước vào xem có chuyện gì xảy ra. Ông anh đẩy cửa nhìn vào và thấy cậu em đứng trước mặt người Đại úy trưởng nhóm như cậu học sinh đang bị ông Hiệu trưởng sỉ mắng. Trông thấy ông anh nhìn vào, Koseltzoff Em vội nói:
- Em đi ngay, chờ em chút nữa.
Một lát sau người em bước ra khỏi nhà trạm tìm anh. Chàng thở dài:
- Em không đi với anh được...
- Nói chi vậy? Tại sao?
- Để em nói anh nghe. Em hết tiền, em thiếu tiền ông Đại úy...
Người anh nhíu đôi lông mày. Sau đó một lúc khá lâu anh mới hỏi:
- Nhiều không?
- Không nhiều lắm - Người em ngượng ngùng đáp - Ba trạm đường vừa qua, ông ấy bỏ tiền ra chi hết mọi thứ cho em. Em lại có đánh bài với ông ấy, bị thua...
- Volodia... Đã không có tiền ăn đường mà còn đánh bài là bậy lắm. Nếu em không gần anh ở đây rồi em sẽ giải quyết ra sao?
Người anh nói bằng một giọng nghiêm khắc nhưng tránh không nhìn vào mặt em.
- Em sẽ được lãnh tiền di chuyển và tiền lương ở Sebastopol. Tới đó, em sẽ trả nợ ông ấy. Vì vậy em phải cùng đi với ổng...
Người anh móc túi đựng tiền ra và lấy hai tờ giấy 10 ruble và một đồng 3 ruble:
- Anh chỉ có từng này... Em cần bao nhiêu?
Koseltzoff Anh tỏ ra hơi quá đáng một chút khi nói rằng mình chỉ có khoản tiền này mà thôi, chàng còn bốn đồng tiền vàng nửa khâu giấu trong nẹp áo nhưng chàng tự hứa là sẽ không bao giờ chàng đụng đến những đồng vàng đó.
Sau khi cộng mọi thứ tiền nợ lại, Kosetlzoff Em chỉ nợ có 8 đồng ruble mà thôi. Người anh đưa cho người em số tiền ấy với lời nói thêm rằng người ta không bao giờ nên đánh bạc khi người ta không có tiền để trả. Người em không nói gì nhưng lời nói của ông anh làm cho chàng cảm thấy chàng là kẻ không được lương thiện mấy. Bất mãn vì thái độ của người anh mà chàng thương mến và kính trọng về câu chuyện rắc rối mà chàng cho là nhỏ mọn này, Koseltzoff Em lẳng lặng cầm tiền vào nhà trạm thanh toán để ra đi.

VII

 
Nikolaieff, sau khi tỉnh táo lại bằng hai ly rượu brandy gã mua lại được của một người lính, giựt dây cương và chiếc xe lại lọc cọc đi trên con đường đá nối liền Belbek với Sebastopol. Hai anh em ngồi sánh vai nhau trên xe thân hình họ sát vào nhau nhưng mỗi người theo đuổi một dòng ý nghĩ riêng. Họ không nói gì vời nhau từ lúc xe chuyển bánh.
“Tại sao anh mình lại giận mình?” Người em nghĩ: “Bộ ảnh nghi rằng mình bày đặt ra chuyện thiếu nợ để lấy tiền của ảnh sao? Anh có vẻ giận mình lắm. Thật tội, anh em vừa mới gặp nhau đã giận nhau rồi, mà lại giận nhau vì chuyện tiền bạc thật là hạ tiện. Lẽ ra anh em mình phải vui lắm mới phải chứ? Hai anh em thương yêu nhau cùng chiến đấu dũng cảm trong Sebastopol anh dũng. Mình còn trẻ nhưng chỉ sống ở Sebastopol một tuần, hai tuần là nhiều, mình sẽ tỏ cho mọi người thấy mình cũng già dặn không kém gì ai. Rất có thể là trước buổi tối hôm nay, anh em mình đã tới đó và anh em mình sẽ tham dự ngay một trận đánh dữ dội. Ông anh mình chắc chắn phải can đảm lắm. Ảnh thuộc loại người nói ít mà làm nhiều. Tối nay, anh em mình sẽ đi lên thẳng chiến hào, mình đến với dàn trọng pháo đang chờ đợi mình để rót đạn xuống đầu quân địch, anh mình trở lại chỉ huy Đại đội của ảnh. Bỗng dưng bọn Pháp ào ạt tràn sang tấn công. Mình bắn chúng chết thật nhiều nhưng chúng quá đông, chúng chạy thẳng đến trước họng súng của mình. Không còn bắn được nữa - mình nguy rồi. Bỗng anh mình xuất hiện, tay kiếm vung lên chém ngã bọn Pháp súm lại ở cửa hầm. Mình vớ lấy khẩu súng tay và chạy theo anh. Binh sĩ chạy theo mình. Bọn Pháp vây anh mình. Mình trở lại cứu anh. Rồi mình bị thương ở cánh tay. Đang chạy, anh mình ngã xuống vì một viên đạn trúng đầu. Mình dừng lại để đỡ anh nhưng anh đã chết. Đặt anh nằm xuống, mình cầm cây kiếm đẫm máu của anh, hô lớn: ‘Những người dũng cảm hãy theo tôi... Chúng ta phải trở lại báo thù cho những người đã chết...’ Binh sĩ phấn khởi quay trở lại hết với mình... Nhưng bọn Pháp quá đông... Càng giết chúng càng kéo đến... Rồi mình cũng ngã xuống... Hai anh em cùng hy sinh anh dũng... Đẹp biết chừng nào...!”
Koseltzoff Em mơ màng như thế theo nhịp lắc lư của chiếc xe. Tuy đó chỉ là tưởng tượng và mơ mộng, nhưng ai có thể biết chắc rằng một chuyện như thế có xảy ra hay không?
Chợt quên giận hờn, người em cất tiếng:
- Anh đã đánh cận chiến với địch lần nào chưa?
Người anh lắc đầu:
- Chưa. Sư đoàn anh đã mất hai ngàn người nhưng toàn là chết vì đạn trọng pháo của địch. Anh cũng bị thương vì mảnh đạn trọng pháo. Chiến tranh không diễn ra như em tưởng đâu. Volodia ơi...
Tiếng gọi thân làm cho người em mủi lòng. Lòng chàng ấm lại và chàng hỏi anh sau vài giây im lặng:
- Anh giận em ư?
- Giận em? Sao anh lại giận em?
- Em tưởng anh giận em vì chuyện hồi nãy...
- Không đâu.
Người anh quay lại nhìn mặt người em, bàn tay anh vỗ nhẹ lên đầu gối em.
- Em xin lỗi. Vậy mà em tưởng anh giận em.
Koseltzoff Em quay đi để giấu đôi mắt ứa lệ.

VIII

 
- Đây là Sebastopol ư?
Volodia cất tiếng hỏi khi chiếc xe đưa hai anh em lên đến đỉnh ngọn đồi.
Dưới mắt họ hiện ra vùng biển, bến tậu với cả ngàn cây cột buồm, rồi mặt biển xanh thẫm màu dưới bóng chiều đang xuống, dàn chiến hạm đậu riêng một khu, bãi cát ngổn ngang những thùng gỗ, thùng sắt, những tòa nhà kho viền quanh bến tàu rồi những căn nhà trong thành phố. Nhiều đợt khói trắng xanh, bốc lên từ những sườn đồi bao quanh thành phố. Mặt trời đã lặn xuống biển.
Volodia nhìn xuống thành phố chàng hằng mơ tưởng trong bao nhiêu đêm mà trong lòng không cảm thấy qua một chút sợ hãi, kinh hoàng nào cả. Trái lại chàng cảm thấy sung suớng thấy hài lòng với ý nghĩ là chỉ nửa tiếng đồng hồ nữa thôi, chàng sẽ được đi, được sống ở ngay trong lòng thành phố tượng trưng cho nguy hiểm và anh dũng đó. Chàng say sưa ngắm nhìn cảnh vật như muốn làm quen thật nhanh với chúng.
Trước khi vào thành phố, hai anh em phải đi hỏi đơn vị của họ hiện đóng ở đâu và họ phải tới trình diện ở đâu. Để hỏi rõ những chuyện cần biết này họ dừng lại trạm liên lạc ở bên ngoai thành phố. Trạm liên lạc và chỉ dẫn đặt trong một lều vải nằm gần một khu toàn là nhà gỗ. Một đống lớn gồm những khúc cây vừa được chặt xuống nằm bên căn lều vải nảy. Trong lều, hai anh em Koseltzoff thấy một sĩ quan mặt cái áo sơ-mi trần màu vàng bẩn ngồi sau mặt bàn bừa bộn những giấy tờ, những quyển sổ và một bình trà, một bình rượu, một cái ly dơ không rõ bên trong có cặn trà hay cặn rượu. Vài mẩu bánh, vài miếng trứng cá vụn rơi trên bàn. Người sĩ quan ngồi đó đang mải đếm một tạp giấy bạc. Sau lưng ông ta có kê một cái giường sắt, trên giường nệm, gối, mền, tất cả đều có vẻ bẩn. Dưới gầm giường xếp đầy những chai rượu, nhiều chai không, nhiều chai còn rượu. Một tấm thảm rách ngăn đôi căn lều. Sau tấm thảm căng đó còn kê một cái giường sắt nữa giống hệt cái giường bên ngoài, trên giường trong này, một sĩ quan khác đang nằm ngủ.
- Nhiều tiền quá... Chết chửa... Nhiều tiền quá... - Koseltzoff Anh nói lớn khi bước chân vào lều - Vassili Mikhailovich... Cho anh em vay một ít được không?
Ngưồi sĩ quan đang đếm tiền có vẻ không vui khi thấy có người bước vào, y thu tập giấy bạc lại, tay phải giơ lên chào nhưng vẫn không đứng dậy:
- Nếu là tiền riêng của tôi, tôi chia với bạn ngay. Rất tiếc đây là tiền của Nhà nước...
Y nhìn Koselizoff Anh và hỏi tiếp:
- Trung úy đi với ai vậy?
- Đây là em ruột tôi. Sĩ quan pháo binh vừa mới ở trường ra. Bọn này ghé vào hỏi thăm đơn vị hiện đóng ở đâu...
- Mời ngồi... Mời hai vị ngồi... Mời hai vị uống Porter, được không?
- Porter thì được lắm...
Volodia, bị khớp vì vẻ từng trải đầy chất ngạo mạn bất cần đời, bất cần kỷ luật của người sĩ quan phụ trách trạm liên lạc nhất là vì vẻ nể nang mà ông anh chàng biểu lộ với người sĩ quan này, ngồi xuống mép ghế, nghĩ thầm: “Ông này được mọi người kính trọng như vầy chắc là phải tài ba và can đảm lắm”.
- Trung đoàn tôi hiện đang ở đầu, ông? - Koseltzoff Anh hỏi.
Đang mải cúi xuống tìm chai rượu dưới gầm giường, người sĩ quan hỏi lại:
- Trung úy nói chi?
Koseltzoff Anh nhắc lại câu hỏi.
- Sáng nay tôi vừa gặp Seifer. Hắn cho biết là Trung đoàn đang đóng ở Pháo đài Số Năm.
- Chắc không?
- Chắc chứ. Seifer nói mà. Thằng cha đó nói dối tổ mẹ đi nhưng chắc là nó không nói dối về nơi đóng quân đâu.
Rượu được rót ra ly. Ba người đang uống thì một sĩ quan khác vào lều. Ông này mang phù hiệu sĩ quan tiếp vận trên vai. Sau cái hất hàm chào lại mọi người, ông sĩ quan tiếp vận này ngồi ngay xuống ghế:
- Vassili Mikhailovich... Cho một ly với...
Rồi ông quay lại thân mật hỏi Vounha:
- Chú này chắc là vừa mới từ Petesburg đến hả?
Volodia vội vã gật đầu:
- Thưa vâng.
- Chú tình nguyện đến đây ư?
- Dạ.
- Sao lại tình nguyện? Bộ chú hết chuyện làm rồi hay sao? Quái lạ... Tôi không thể hiểu được tại sao lại có người tình nguyện đến cái chỗ chết rấp, chết rúi này..
Và ông quay lại nói với hai sĩ quan ngang hàng:
- Nếu tôi có thể, tôi sẽ đi bộ về Petesburg. Tôi chán ngấy đến mang tai cuộc sống ở đây rồi.
- Sống ở đây ông khổ sở gì nào? - Koseltzoff Anh hỏi - Sĩ quan tiếp vận như ông là sướng nhất rồi... Nhiều người muốn được sống như ông mà không được...
Người sĩ quan tiếp vận quay lại nói với Volodia:
- Cuộc sống ở đây nhiều nguy hiểm, thiếu thốn đủ mọi thứ, có tiền cũng không mua được những thứ mình cần có. Sống như trong địa ngục. Tôi không hiểu nổi tâm trạng những người trẻ tuổi như chú này. Chú đòi đến đây để làm cái gì? Để được cái lợi gì? Chú muốn được cụt chân, cụt tay cho đến hết đời ư?
Koselizoff Anh bất mãn trả lời thay em:
- Người chiến đấu vì tiền, người chiến đấu vì danh dự...
Người sĩ quan tiếp vận cười khẩy:
- Danh dự cái khỉ mốc, danh dự ở chỗ nào khi mình chẳng có gì mà ăn cả? Bạn trả lời dùm tôi danh dự ở chỗ nào khi ta sống như những con vật chờ chết?
Rồi, với nụ cười khinh thị như đã chán nói chuyện với bọn ngớ ngẩn, ông ta nói với người sĩ quan liên lạc:
- Máy hát để đâu rồi? Mở nghe chơi vài bản cho vui đi. Cho nghe bản Lucia. Mình khoái nghe bản đó ghê đi...
Trong bóng tối xuống dầy đặc, hai anh em Koselfzsoff lại tiếp tục đi vào Sebastopol, Volodia hỏi anh:
- Vassili Mikhailovich có phải là một sĩ quan tốt không anh?
- Không tốt mà cũng không xấu - Người anh đáp - Hắn chỉ có cái tật là hà tiện chịu không nổi. Số tiền mà mình thấy hắn đem hồi nãy là tiền hắn để dành được đấy. Còn tên Tiếp vận thì thật tệ. Có ngày anh cho nó một bài học...

IX

 
Đêm đã xuống hoàn toàn khi hai anh em đến đầu cây cầu lớn ở ngoài thảnh phố. Tâm trạng của Volodia không hẳn là buồn nhưng như có một khối đá đè nặng lên tim chàng. Tất cả những gì chàng nhìn thấy, tất cả những gì chàng nghe thấy đều chẳng phù hợp chút nào vói những gì chàng nghĩ về Sebastopol, những gì chàng tưởng tượng về người và cảnh Sebastopol trong thời gian chàng còn ở trong trường huấn luyện, nhất là trong những ngày chàng và các bạn vừa mãn khóa, kiêu hãnh trong những bộ quân phục mới, đứng sắp hàng trong phòng khánh tiết bóng lộn, sáng choang của nhà trường để chờ đón Nga hoàng. Khi từ biệt họ, Nga hoàng đã gọi họ là “các con yêu” với đôi mắt rưng rưng lệ. Người và cảnh thật của Sthastopol khác hẳn với người và cảnh Sebastopol trong giấc mơ của chàng.
- Tới đây là mình bắt đầu vào Sebastopol - Koseltzoff cất tiếng - Nếu họ để cho mình qua cầu trong đêm nay, anh sẽ đưa em đến trại Nicholas. Em sẽ ngủ tạm ở đấy đêm nay. Còn anh, anh đi thẳng lên chiến hào. Anh sẽ hỏi đúng đơn vị của em ở đâu và sáng mai, anh trở lại đưa em đi.
Volodia cầu khẩn:
- Làm vậy mất công. Cho em theo lên chiến hào, em muốn được ngủ cùng một chỗ với anh đêm nay Trước sau gì em cũng phải lên đó. Chẳng thà làm quen trước đi. Anh lên đó được, em cũng lên đó được.
- Em đừng nên lên ngay đêm nay.
- Cho em lên với. Xin anh cho em đi theo.
- Anh khuyên em đừng đi theo, nhưng nếu em muốn...
Nền trời không mây tối đen, chỉ có vài ánh sao cùng với những vệt sáng đạn bay và ánh lửa phát ra từ những nòng súng, những trái đạn nổ, soi sáng trời đêm. Đầu cầu với nhiều chiếc xe đậu chờ vào thành phố in hình trên nền trời. Những tiếng nổ giờ đây nghe rõ hơn, gần hơn, làm rung động không khí và chuyển động mặt đất. Tiếng sóng biển rì rào nghe như tiếng nhạc đệm cho những tiếng nổ. Gió từ biển thổi vào làm lạnh da mặt mọi người. Hai anh em xuống xe đi bộ đến gần đầu cầu.
Người binh sĩ gác cầu la lên trong bóng tối:
- Ai?
Koseltzoff Anh đáp:
- Hai sĩ quan muốn vào thành phố.
- Không được qua cầu. Hết giờ rồi...
- Chúng tôi phải vào...
- Hỏi sĩ quan trực.
Người sĩ quan ngồi ngủ gật trên phiến đá dưới gầm cầu nghe tiếng người đứng dậy nói lên:
- Các bạn vào được nhưng đi ra không được ạ. Muốn vào thì vào đi.
Nước chảy mạnh dưới gầm cầu, nước đập vào chân cầu bắn lên gần chỗ hai anh em đứng chờ chiếc xe ngựa của họ tới. Gió ở đây thổi mạnh hơn và nước biển đang dâng lên, thủy triều chảy vào trong đất làm cho cây cầu gỗ như nghiêng đi. Sóng biển vỗ ì ầm. Ngoài xa kia có ánh đèn từ đoàn chiến hạm chiếu xuống. Một chiếc tàu đi từ Severnia tới nổ máy phành phạch trên mặt nước đen. Ánh lửa của một trái đạn nổ nháng lên soi sáng trong một giây đồng hồ bóng hai người đứng ở đầu mũi tàu
Vết lửa của những đường đạn bay tiếp tục kẻ vạch nền trời trên Sebastopol, tiếng nổ mỗi lúc một gần hơn, lớn hơn và đáng sợ hơn. Một làn sóng lớn đánh tới chân cầu bắn lên làm ướt gấu quần Volodia. Hai người lính súng trên vai kéo lê chân đi qua cầu. Rồi có tiêng chân ngựa chạy tới. Có người từ trong thành phố đi ra. Koseltzoff Anh nhìn bóng dáng quen thuộc của người ngồi trên lưng ngựa lộp cộp qua cầu gỗ và kêu lên:
- Mikhail Semenovich... phải không?
Người sĩ quan trên lưng ngựa ghì cương:
- Ai đó?
Koseltzoff Anh xưng tên.
- Ủa? Trở lại rồi à? Bình phục hoàn toàn chưa?
- Chiến đấu được rồi. Còn anh, đi đâu đó?
- Đi Severnia lấy đạn. Mình có thể bị địch đánh sang bất cứ lúc nào...
- Martzeff đâu? Việc đi lấy đạn là của hắn mà?
- Martzeff bị thương rồi, mất một chân.
- Tội chưa. Trung đoàn mình ở Pháo đài Năm phải không?
- Phải. Nhưng trước khi tới đó, anh nên ghé qua Quân Y Viện trong thành phố. Anh em mình nằm ở đó đông lắm. Họ sẽ nói nhiều chuyện mới cho anh biết...
- Phòng của tôi ở Morskaia còn nguyên không?
- Trúng đạn sụp từ lâu rồi bạn ơi? Lâu lắm rồi. Lần nầy trở lại, bạn sẽ không còn nhận ra Sebastopol nữa. Không còn qua một người đàn bà nào ở trong Sebastopol, không còn một quán ăn, quán rượu nào mở cửa hết. Quán cà-phê cuối cùng đóng cửa hôm qua. Không cả những cuộc tấu nhạc ngoài trời. Không còn gì cả. Chán lắm. Thôi, chào bạn. Chúng mình gặp lại nhau sau...
Nói xong, người sĩ quan dục ngựa chạy đi.
Một cảm giác kinh hoàng ghê gớm đến bóp chặt lấy trái tim Volodia. Chàng có linh tính như một trái đạn đại bác sắp rớt xuống đúng chỗ chàng đứng và chàng nhất định phải chết vì nó. Màn đêm ẩm ướt, những tiếng động ghê rợn của chiến tranh hòa với tiếng sóng biển ì ầm đập vào ghềnh đá... tất cả như muốn ngăn cản không cho chàng bước thêm một bước tới nữa, tất cả như muốn nói cho chàng biết rằng không có gì tốt lành đợi chờ chàng ở trước mặt, rằng nếu đi tới nữa, chàng không còn bao giờ có dịp đi trở lại, tất cả như khuyên chàng mau mau quay lại, mau đi thật nhanh ra khỏi vùng đất do Tử Thần ngự trị này. Chàng nghĩ thầm: “Ai biết có những gì sẽ xảy ra? Có thể đã muộn quá mất rồi. Định mệnh đã an bài...” Và chàng rùng mình vì ý nghĩ thầm kín ấy. Chàng cũng rùng mình vì nước biển lạnh đã thấm vào bên trong đôi giày bốt dưới chân chàng. Chàng thở dài và đi xa người anh hơn chút nữa.
“Lạy Chúa... tôi sẽ phải chết ở đây ư?” Volodia nghĩ thầm và bàn tay chàng tự động đưa lên làm dấu thánh giá “Xin Chúa cứu tôi...”
- Chúng mình lại lên xe đi tiếp, Volodia - Người anh nói khi chiếc xe ngựa qua cầu theo kịp họ - Em có nhìn thấy đạn nổ không?
Tới đầu cầu bên kia, hai anh em gặp một đoàn xe ngựa chở thương binh ra khỏi thành phố. Một xe, trên chất đầy đồ đạc, do một thiếu phụ cầm dây cương.
Hai anh em ngồi sánh vai nhau trên chiếc xe ngựa cọc cạch đi dài theo bức vách trại Nicholas, cả hai cùng im lặng, tai họ lắng nghe tiếng đạn nổ quanh họ, tiếng đạn bay qua đầu họ và những tiếng nổ trên chiến hào. Sau cùng, họ đến cổng trại Nicholas. Ở đây, họ được cho biết rằng Tiểu đoàn Pháo Số Năm, đơn vị mà Volodia phải đến, hiện đang đóng ở Korabelnaia. Người anh quyết định đưa người em đến đó và trên đường đi, họ ghé vào bệnh viện thăm một sĩ quan bạn bị thương.

X

 
Vừa bước chân vào căn phòng đâu tiên đầy những chiếc giường sắt, giường nào cũng có người nằm, hai anh em như muốn nôn mửa vì thứ mùi khó ngửi, nặng nề đặc biệt của những phòng nhà thương. Hai Dì Phước bước tới gặp họ. Một bà trạc năm mươi tuổi, nét mặt nghiêm khắc, tay ôm một đống bông, băng và nẹp gỗ. Dì Phước thứ hai đi theo còn rất trẻ, chỉ khoảng hai mươi tuổi, nước da trắng xanh với đôi mắt mở lớn trông thật xinh. Dì Phước trẻ này trông thật hiền từ và yếu đuối dưới vành mũ vải trắng che mái tóc vàng. Koseltzoff Anh nói với Dì Phước già là chàng muốn thăm Đại úy Martzeff, người vừa bị cụt một chân trong ngày hôm trước.
- Đại úy Martzeff? - Di Phước già hỏi lại - Trung úy là người nhà của ông hay là...?
- Thưa... tôi là bọn đồng ngủ của ảnh.
- Đưa hai ông này đến giường Đại úy Martzeff - Dì Phước già quay lại nói bằng tiếng Pháp với Dì Phước trẻ. Sau đó, Dì ôm bông, băng đến đứng với một y sĩ đang săn sóc thương binh trong phòng.
Volodia đứng nhìn ngây và Koseltzoff gọi giựt em:
- Đi... Nhìn gì nữa?
Dì Phước trẻ nhìn Volodia và hỏi Koseltzoff:
- Ông này mới tới, phải không ạ?
- Thưa vâng. Nó mới tới. Nó là em tôi.
Di Phước nhìn Volodia kỹ hơn, đột nhiên Dì khóc nức lên một tiếng nghẹn ngào:
- Lạy Chúa... Lạy Chúa... Bao giờ mới hết người chết?
Hai anh em theo chân Dì Phước trẻ vào gian phòng dành riêng cho sĩ quan. Martzeff nằm đó. Y nằm ngửa, một cánh tay gân guốc đặt dưới đầu. Những nét răn rúm trên khuôn mặt vàng nhợt của y là nét mặt của người đàn ông đang nghiến chặt hai hàm răng lại để khỏi kêu lên vì đau đớn. Từ chiếc mền nỉ phủ phần người dưới của Martzeff chỉ có một bàn chân thò ra. Bàn chân duy nhất này vẫn đi vớ và những ngón chân ngọ nguậy như đang bị cù nhột.
- Ông thấy sao? Dễ chịu không?
Dì Phước khẽ hỏi Martzeff, Dì cúi xuống nhẹ nâng đầu y lên để đặt lại chiếc gối. Volodia nhìn rõ những ngón tay dài búp măng của Dì Phước, trên một ngón tay ấy có đeo một chiếc nhẫn vàng.
- Có các bạn ông đến thăm ông... - Dì Phước trẻ dịu dàng nói tiếp.
Martzeff có vẻ bất mãn và khó khăn khi y nói:
- Tôi đang đau mà, để tôi nằm yên. Khổ lắm... Đừng đụng vào người tôi...
Và y mở mắt nhìn lên khuôn mặt Koseltzoff:
- Anh là ai?
Koseltzoff ngạc nhiên khi thấy Martzeff không nhận ra mình, nhưng cũng xưng tên. Martzeff thở dài:
- Xin lỗi... Xin lỗi... Đau quá nên quên cả bạn. Chúng mình từng sống với nhau một chỗ...
Martzeff không tỏ vẻ gì vui mừng khi có bạn đến thăm. Y nhìn ngây Volodia đứng sau lưng Koseltzoff.
- Đây là em tôi. Nó mới từ Petersburg tới...
Koseltzoff vội vã giới thiệu. Martzeff lại thở dài:
- Chiến tranh kết thúc với tôi rồi. Vậy là hết. Trời ơi... Đau quá... Chết luôn còn đỡ khổ hơn... Không biết làm sao cho nó chóng hết đau...
Y đưa cả hai bàn tay lên che mặt như muốn giấu không cho người bạn đồng ngũ nhìn thấy những giọt lệ ứa ra trên mắt y.
- Để cho ông ấy nằm yên. Ông ấy đau...
Dì Phước trẻ nói như thì thầm với hai anh em. Đôi mắt Dì cũng đầy lệ.
Hai anh em ra khỏi nhà thương, trước đó họ đã quyết định sẽ cùng đi lên Pháo đài Số Năm và cùng ngủ ở đó một đêm nhưng tới đây, họ đột ngột thay đổi chương trình. Họ chia tay ở đây nhưng người anh không nói cho người em biết về lý do chính làm chàng thay đổi: chàng không muốn để cho em mình chịu đựng những nguy hiểm vô ích trong đêm đầu tiên em chàng đặt chân vào Sebastopol.
- Nikolaieff sẽ đưa em đến Korabelnaia. Bây giờ, để anh đi một mình. Nội trong ngày mai, anh sẽ gặp lại em...
Đó là lời cuối cùng người anh nói với người em trong cuộc gặp gỡ nhau bất ngờ này.

XI

 
Tiếng trọng pháo vẫn nổ dữ dội như khi Volodia mới đặt những bước chân đầu tiên vào Sebastopol. Giờ đây Volodia đi trên đường phố Ekatherinenskaia vắng tanh không một bóng người và tràn đầy bóng tối. Gã gia nhân Nikolaieff đưa chàng đi đến Korabelnaia nhưng gã vẫn đi sau chân chàng. Chàng tuổi trẻ chỉ có thể nhìn thấy những bức tường trắng đứng trơ vơ giữa những tòa nhà sụp đổ và những phiến đá nằm hai bên đường chàng đi. Chỉ thỉnh thoảng chàng mới gặp vài binh sĩ, vài sĩ quan lầm lũi đi. Chàng nhận thấy mọi người đều đi sát vào những vách tường. Đi qua Bộ Tư lệnh Hải quân, chàng nhìn thấy ánh lửa le lói cháy trong vườn cây. Tiếng chân của chàng và tiếng chân của Nikolaieff, gã này vừa đi vừa thở phì phò như người chạy mệt, vang lên trong im lặng.
Những ý nghĩ mơ hồ, lẫn lộn trong óc Volodia. Hình ảnh Dì Phước trẻ đẹp với đôi mắt đẫm lệ, cái chân cụt của Martzeff, bàn chân duy nhất cua Martzeff ngọ nguậy trong chiếc vớ len, bóng tối ánh lửa đạn nổ, những cảnh chết chóc... theo nhau ẩn hiện trước mắt chàng. Tâm hồn trẻ trung và dễ xúc cảm của Volodia như bất mãn vì sự cô đơn của chính chàng: chàng tình nguyện tới chỗ chết này nhưng chẳng ai thèm để ý gì đến chàng. Chàng cũng chịu đựng nguy hiểm như mọi người, chàng cũng có thể chết hoặc bị thương như mọi người vậy, chàng đâu có kém gì ai? “Mình sẽ đau đớn, mình sẽ chết... xong họ vẫn thản nhiên. Chẳng ai thèm khóc mình”. Volodia nghĩ thầm. Chàng vẫn tưởng rằng tới đây, chàng sẽ được mọi người chào đón, bày tỏ cảm tình như với một người hùng. Nhưng sự thật hoàn toàn khác hẳn. Ở đây ai lo thân người ấy và tất cả đều lạnh nhạt với nhau. Tiếng đạn nổ mỗi lúc một lớn hơn, gần hơn và Nikolaieff càng đi càng thở dài nhiều hơn mặc dầu gã không mở miệng ra nói nửa lời.
Khi hai hai người đi ngang cây cầu gỗ sang khu Konibelnaia, họ cùng nhìn thấy một trái đạn xé gió rơi xuống mặt biển làm cho sóng bắn tung lên. Tiếp đó, hình như cũng trái đạn ấy lại từ dưới nước bắn lên, vọt đi chỗ khác truóc khi chịu chìm hẳn.
Nikolaieff kêu lên:
- Mẹ kiếp. Đã rơi xuống rồi nó vẫn không chịu nằm yên.
- Đạn xuống nước bắn trở lên như thế là thường...
Volodia nói, và chàng ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng nói của chàng sắc the thé như tiếng đàn bà.
Qua khỏi cầu, họ gặp một đoàn người khiêng cáng trên có thương binh, một đoàn xe ngựa rồi một đơn vị binh sĩ khoảng một Đại đội đi ngược đường. Người sĩ quan chỉ huy đơn vị này ghì cương ngựa và cúi xuống nhìn tận mặt Volodia. Khi nhận ra chàng không phai là người quen, y thúc ngựa đi không nói một tiếng.
“Cô đơn. Cô đơn. Mình sống hay mình chết, chẳng ai thèm biết đến mình...” Volodia cay đắng nghĩ và chỉ thêm chút nữa là chàng bật khóc thành tiếng.
Chàng đi vào một khu phố có những căn nhà nhỏ, gần như nhà nào cũng đổ nát chẳng ít thì nhiều, nhà nào cũng từng trúng ít nhất là một trái đạn trọng pháo. Đêm tối luôn luôn sáng lên vì ánh lửa những trái đạn nổ. Một người đàn bà có vẻ say rượu, quần áo rách rưới cùng với một gã thủy thủ, trong một căn nhà đổ kia bước ra, đâm sầm phải Volodia “Xin lỗi... Xin lỗi..” Mụ vội vã nói và chàng trẻ tuổi tránh xa mụ. Trái tim chàng càng lúc càng nặng hơn trong ngực chàng.
Bỗng dưng, Nikolaieff nói sau một tiếng thở dài. Volodia cảm thấy gã gia nhân hầu hạ ông anh chàng đang sợ hãi ghê gớm:
- Không biết ông ấy vội đến đây làm gì? Nằm bệnh viện ở hậu phương sướng hơn ư? Ông ấy thúc đi thật nhanh đến đây. Tôi hỏi cậu ở đây có cái gì cho mình phải đến?
Volodia không trả lời được câu hỏi này. Nếu còn ở Petersburg, chắc chắn chàng đã trả lời được dễ dàng bằng một câu hùng hồn, nhưng giữa cảnh này thì nói thế không được. Tâm trạng áo não, nặng nề của chàng cũng không cho phép chàng nói được một câu hùng hồn. Vì vậy, chàng chỉ nói để cho có nói:
- Vết thương của ổng lành rồi...
- Lành đâu mà lành. Đó rồi cậu coi. Tới đây ổng sẽ đau lại và lần này, tôi khó còn đưa ổng về được tới nhà. Ở bệnh viện chỗ ổng nằm, còn nhiều sĩ quan bị thương nhẹ hơn ổng nhiều, họ khỏe hơn ổng nhiều, mà họ đâu có vội đi tới đây như ổng... Tới đây thì sung sướng nỗi gì? Cậu nghĩ coi... không cụt cái tay thì đi đứt cái chân. Trước sau cũng lãnh đủ. Chẳng có ai thoát. Chúng nó bắn như vầy làm sao mình không chết? Cả ngày lẫn đêm... Biết đạn rơi chỗ nào mà tránh... Người ta cứ nói... đạn tránh mình chớ mình không tránh được đạn nhưng theo tôi thấy thì ở dây, đạn nổ không có tránh mình rồi đó. Đạn nó cứ nhè đúng đầu mình mà rớt xuống...
Gã thở phì phò rồi nói tiếp bằng giọng than thở:
- Tôi phải đưa cậu đi nên tôi đưa cậu đi, song tôi lo lắm. Xe với ngựa tôi gửi thằng bạn giữ dùm. Thằng đó không tin được. Hành lý còn để nguyên trên xe. Nếu mất món gì, tôi phải chịu trách nhiệm.
Đi vài bước nữa họ đến trước một bãi đất rộng. Nikolaieff dừng lại. Volodia thấy rõ là gã vội vã xa chàng:
- Đến rồi đó cậu - Nikolaieff nói - Cậu chỉ việc đi vào hỏi người lính canh.
Volodia bước lên một mình. Khi không còn nghe thấy tiếng thở phì phò của Nikolaieff sau lưng nữa, chàng cảm thấy chàng cô đơn và bị bỏ rơi hoàn toàn. Trái tim chàng lạnh như băng đá. Đứng lại giữa bãi đất trống, chàng nhìn quanh xem có kẻ nào nhìn mình hay không? Rồi chàng đưa hai tay lên ôm lấy đầu, nói nhỏ một mình, giọng lạc đi vì sợ hãi:
- Mình sợ ư? Mình là một thằng hèn nhát ư? Mình từng ước mơ được chết vì Tổ quốc, chết vì Nga hoàng kia mà? Mình vẫn nghĩ mình sẽ sung sướng và hãnh diện chết trên mặt trận. Sao tới đây mình lại hèn như thế này? Mình là thằng khốn nạn. Mình thật đáng khinh...
Và chàng khóc nức lên vì thất vọng. Sau đó khi cơn xúc động dịu đi, chàng lau nước mắt và đi thẳng tới vọng gác, hỏi lính canh đường vào nhà ông Tiểu đoàn trưởng.

XII

 
Ông Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo binh ở trong một toà nhà nhỏ hai tầng lầu hãy còn nguyên vẹn. Một lối đi trải sỏi dẫn đến cửa chính vào nhà. Qua khung cửa sổ vỡ kiếng được che bằng giấy bồi có ánh đèn le lói. Người lính hầu ngồi ngay trước cửa phòng, miệng ngậm tẩu thuốc, đang ngủ gật khi Volodia tới trước mặt y. Y đứng bật dậy nhưng không chào nghiêm chàng. Sau khi vào phòng báo có Chuẩn úy Koselizoff tới trình diện với ông Tiểu đoàn trưởng, y bước ra mời Volodia vào phòng.
Trong phòng này, giữa hai khung cửa sổ, trước một tấm kiếng soi mặt nứt rạn nhiều vết như một tấm mạng nhện khổng lồ, Volodia thấy kê một cái bàn gỗ, trên bàn đầy giấy tờ, nhiều chiếc ghế gỗ hình dáng khác nhau chung quanh hàn. Sau bàn là một cái giường sắt có tấm màn căng che. Một viên Trung sĩ có bộ ria khá đẹp, đeo kiếm ngắn, đứng gần bàn. Trên ngực áo viên Trung sĩ rậm râu này sáng lóng lánh một cây thánh giá bằng bạc và chiếc huy chương kỷ niệm Chiến dịch Hung Gia Lợi.
Ông Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, một sĩ quan trạc bốn mươi tuổi, người thấp lùn và hơi mập quá khổ, trán hói tóc, bộ ria mép cũng rậm lâu ngày không tỉa, xén như che kín cả miệng, ngồi sau bàn.
Volodia bước vào phòng. Chàng chào nghiêm và nói dõng dạc, trơn tru câu nói chàng đã thuộc nằm lòng:
- Chuẩn úy Pháo binh Koseltzoff xin trình diện Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
Ông Thiểu tá giơ tay lên làm phác một cử chỉ chào lại chàng, rồi không đưa tay ra bắt tay Volodia, ông chỉ tay xuống ghế, mời chàng ngồi. Volodia đến ngồi mớm lên cái ghế ở một đầu bàn. Trong lúc bối rối, chàng cầm cày kéo để gàn bên tay và nghịch với cây kéo.
Ông Thiếu tá đứng dậy, hai tay chắp sau lưng đi đi lại lại quanh phòng. Dường như ông đang bàn tính một chuyện gì đó chưa xong với viên Trung sĩ. Ông có vẻ suy nghĩ, thỉnh thoảng mắt lại nhìn cây kéo trong tay Chuẩn úy Koseltzoff.
Sau cùng, ông đừng lại và nói với viên Trung sĩ:
- Từ ngày mai phải cấp thêm lúa mạch cho ngựa kéo pháo ăn. Hồi này, ngựa của tiểu đoàn mình coi bộ gầy ốm lắm rồi. Trung sĩ nghĩ sao?
- Thưa Thiếu tá, nên lắm. Bây giờ lúa mạch đang rẻ, kho dự trữ của tiểu đoàn mình có nhiều...
Viên Trung sĩ tán đồng ngay ý muốn của thượng cấp. Như nhân dịp, y nói tiếp ngay:
- Thưa Thiếu tá... còn việc Thượng sĩ Frantzone xin tiền mua cây thay trục bánh xe? Trong kho của mình hết trục dự trữ rồi.. Xin Thiếu tá cho lệnh...
- Mua chứ. Cái gì chứ trục bánh xe kéo pháo là phải lo trước. Mai xuất tiền cho hắn mua... Chỉ đừng có mua sẵn nhiều quá thôi. Tiểu đoàn mình có thể sẽ không ở đây lâu. Di chuyển mà mang theo nhiều thứ, phiền lắm...
Ông Thiếu tá lại bước đi. Chợt ông ngừng trước mắt Volodia:
- Quân trang của Chuẩn úy đâu?
Tội nghiệp Volodia. Lúc ấy, không thấy ai để ý đến mình, chàng đang suy nghĩ đến những chuyện đâu đâu và câu hỏi đột ngột ấy làm chàng giựt mình. Vội buông kéo xuống bàn, chàng ấp úng nói là chàng đến đây với ông anh chàng, Trung úy Bộ binh Koseltzoff, và quân trang của chàng còn để trong xe của ông này. Ngày mai ông anh chàng sẽ cho người mang quân trang đến cho chàng.
Như không cần nghe lời giải thích của Volodia, ông Thiếu tá quay phắt lại hỏi viên Trung sĩ:
- Mình để ông Chuẩn úy này ở đâu cho tiện đây?
- Ông Chuẩn úy? - Viên Trung sĩ nhắc lại. Rồi y liếc mắt nhìn Volodia, cái liếc mắt của y như ngầm nói: “Trời đất... Sĩ quan gì còn con nít như vầy nè?”. Rồi y trả lời:
- Thưa Thiếu tá, để ông Chuẩn úy ngủ ngay dưới nhà, trong phòng ông Đại úy. Ông Đại úy đêm nay lên Pháo đài nên giường ông ấy bỏ trống...
- Chắc Chuẩn úy đang mệt, cần nghỉ ngơi... Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng nói với Volodia - Ông xuống nhà dưới ngủ đi. Ngày mai tôi sẽ gặp lại ông.
Volodia đứng lên, chào nghiêm.
- Chuẩn úy uống trà không? Để tôi bảo nó đun?
Ông Thiếu tá hỏi tiếp, nhưng Volodia đã ra tới cửa. Chàng quay lại, chào nghiêm lần nữa rồi ra khỏi phòng.
Người lính hầu ngồi trước cửa đưa chàng xuống nhà dưới. Volodia theo y vào một căn phòng hẹp sặc mùi ẩm mốc, bên trong có những đống đồ đạc xếp lên nhau như phòng chứa đồ. Trong góc phòng, trên chiếc giường sắt, có một người đàn ông mà Volodia nghĩ là một binh nhì đang nằm ngủ. Người này nằm không mền, không gối, chỉ có cái áo choàng khoác lên người.
Người lính tới lay vai người đang ngủ:
- Peter Nikolaievitch... Dậy đi... Có ông Chuẩn úy mới tới ngủ giường này...
Y quay lại nói với Volodia:
- Anh này là Vlang, hạ sĩ...
Volodia vội vã nói:
- Cứ để cho anh ấy ngủ, tôi tìm chỗ khác...
Nhưng Vlang đã nhổm dậy và ra khỏi giường. Vlang là một thanh niên cao, to, thân thể nở nang với khuôn mặt bảnh trai nhưng có vẻ không được thông minh lắm. Vlang vắt tấm áo lên vai, vừa ngái ngủ vừa đi ra cửa, miệng nói:
- Không sao. Tôi ra ngoài sân ngủ cũng được.