Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Tập sách của những tủi nhục

     rước khi đi du lịch Aurel Popesco rẽ qua Bộ tư lệnh quân lực Đại Tây Dương. Hắn ký mấy bản báo cáo cuối cùng. Hắn nói chuyện với Zaig Burian, người thay thế hắn. Mấy ông lãnh đạo cho hắn biết những quyết định cuối cùng. Milan Paternik đợi hắn trong xe. Họ cùng đi với nhau nhưng không nói gì cả. Xe vượt qua nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá của vùng Wurfemberg. Sau khi bà Milostiva Debora Paternik, mẹ của anh chết, Milan bị lưu đày bởi chính cha ruột của mình. Người Đức bắt anh. Anh bị giam tù cùng với Aurel Popesco đến khi chiến tranh kết thúc và được phóng thích vào ngày Chiến thắng. Anh có tên trong danh sách các nạn nhân của chế độ phát xít, giống như Aurel Popesco. Và cũng giống như Aurel Popesco, anh được bổ nhiệm làm cố vấn chính trị ở Bộ tư lệnh Hoa Kỳ.
Giờ đây, anh được nghỉ một tháng và anh muốn đi cùng với Aurel Popesco qua Ý vì anh muốn nghỉ ngơi tại đây.
- Tại sao anh nhất quyết phải đi ngang qua Trieste? - Aurel Popesco hỏi. - Trieste là thành phố buồn nhất Châu Âu, buồn hơn Berlin, buồn hơn Vienne. Vienne và Berlin bị chiếm đóng bởi bốn lực lượng hùng mạnh. Ngoài bốn lực lượng chiếm đóng, Trieste còn có chính quyền Ý và “Slaves”. Trieste là một thành phố bị sáu loại cảnh sát bóp nghẹt. Chúng ta cần phải tránh xa Trieste. Anh sẽ vui thú hơn nhiều ở Roma..
- Tôi nhất quyết ở lại Trieste vài hôm. - Milan Paternik trả lời Anh cứ bỏ tôi lại đấy và tiếp tục cuộc hành trình của anh.
Aurel Popesco đã quen Milan Paternik tại Buchenwold.
Hắn biết rõ là anh đã trục xuất tám trăm nghìn người Do Thái khỏi quốc gia Slaves phía Nam. Đó là một con người không vướng mắc gì tình cảm.
- Tổ quốc là một cái gì đó không thể chữa lành. Tôi muốn đến Trieste để sờ mó, đụng đến mảnh đất quê hương, dù chỉ đụng chân vào thôi, hay để hít không khí, gió và mùi đất cha ông mình. Tôi muốn xem mình như là một con người không có nguồn gốc nhưng tôi đã lầm. Không một nền văn hóa nào, không một chính sách nào có thể tách anh hoàn toàn khỏi quê hương, Tổ quốc anh. Người ta không thể tự tách rời khỏi chính thân xác mình. Tổ quốc cũng giống như một thân thể được kéo dài ra của mỗi con người. Tiếng nói của đất nước được nghe thấy nơi những kẻ lưu đày cũng như tiếng gọi tình yêu hay nhục dục xảy đến với các đạo sĩ và các thầy tu trong những đêm hè. Đó là một cái gì đó sẵn trong máu, ta không thể giết đi và thỉnh thoảng nó lại trồi lên trên bề mặt. Tình yêu tổ quốc giống như thế đấy. Cả năm châu trên thế giới đều không thể làm anh quên được tiếng hát kia của Joreley về mảnh đất quê hương, tiếng hát gọi anh khi anh không hề để ý đến. Anh chưa bao giờ cảm thấy điều đó à?
- Và anh muốn làm gì ở Trieste? Nhìn xuyên qua hàng rào kẽm gai biên giới, tốp lính gác của xứ sở anh à? Chỉ vậy thôi à?
- Chỉ vậy thôi. Không cần gì hơn nữa. - Milan Paternik nói - Tôi sung sướng được nhìn thấy quê hương tôi. Chừng đó đủ rồi. Tôi nhớ quê hương. Một ngày nào đó điều ấy cũng sẽ đến với anh. Điều đó xảy đến với mỗi người, không trừ ai.
Trong suốt quãng đường còn lại của cuộc hành trình, họ không nói đến Tổ quốc nữa. Ở Trieste, trong khi Aurel Popesco đến hiệu ăn, Milan Paternik đi bộ một mình, đến khu vực phía đông thành phố, đến biên giới nước Anh. Anh trình thẻ chứng minh xác nhận anh là nhân viên quân lực Đại Tây Dương cho các tốp lính tuần tiễu nước Anh, người Mỹ, người Ý và người Slaves.
Anh dừng lại gần hàng rào kẽm gai chia cách khu đất quốc tế thuộc thành phố ranh giới quốc gia Slaves phía Nam.
Anh nhìn qua bên kia. Milan Paternik đã sinh ra trong lưu đày, đã sống trong lưu đày. Anh chỉ sống vài năm ở quê hương anh, nhưng giờ đây, đất quê hương thu hút anh giống như một cục nam châm khổng lồ. Anh không thể tự giải thích điều gì đã xảy ra. Không có một lối giải thích hợp lý nào đối với điều ấy cũng giống như không có một lối giải thích hợp lý nào đối với tình yêu. Đối với anh, hình như anh rất thích nghe nhiều tiếng nói bằng tiếng mẹ đẻ của anh và thích nhìn thấy những ngôi nhà trắng toát của quê hương anh ở phía bên kia hàng rào kẽm gai.
Nhìn chúng, anh cảm thấy mạch máu căng lên, mắt anh mờ hơn khi mạch nhảy nhanh và mắt anh mở lớn khi một người thân yêu đến gần.
Anh tháo cặp găng tay và cất vào túi áo. Anh tự để bị lộ.
Những lính gác người Anh ở vùng đất quốc tế và những lính gác Slaves trên quê hương anh đều nhìn anh qua ống nhòm. Milan Paternik ở trong tình trạng hợp pháp. Anh không vượt quá đường phân giới. Anh là một khách du lịch như những người khác.
Người ta nghe điện thoại reo ở trạm biên giới tổ quốc.
Tiếng chuông reo xuyên qua thân thể Milan như một dòng điện. Kế đó người ta nghe giọng nói của anh lính gác trả lời trong điện thoại. Người ta không thể hiểu được lời nói nhưng chỉ hiểu ám hiệu của tiếng mẹ đẻ. Từ miệng anh lính chỉ có một tiếng có thể hiểu được đó là Uredex có nghĩa là đúng luật lệ Đồng ý, tốt cả. Trong thâm tâm Milan Paternik, giờ đây tất cả đều đúng luật. Anh nhìn quang cảnh quê hương với đôi mắt mở lớn. Anh hít vào người, hương thơm của mảnh đất vùng biên giới bỏ hoang, hát với đôi môi hé mở và lỗ mũi căng đầy. Anh để tiếng đó reo hát trong tai, để nó ở lại đó, luôn mãi trường cửu.
Anh lính Slaves trước mặt Milan Paternik nhìn anh chăm chú, súng máy cầm tay. Anh thấy rõ kẻ lạ mặt không vượt lấn sang đất anh ta bảo vệ với khẩu súng tự động của anh ta. Milan Paternik tỏ ra như muốn nuốt vào mắt, vào miệng mình mảnh đất bên kia hàng rào kẽm gai, mênh mông mà anh lính đang bảo vệ. Anh lính đoán ra được ý đồ. Anh ta lại quan sát Milan Paternik qua ống nhòm. Anh ta không hiểu rằng kẻ lạ mặt kia nhìn mảnh đất anh ta đang bảo vệ với một thích thú như thế.
Chỉ có hai người thôi, anh ta và kẻ lạ mặt, đối diện nhau.
Một bên hàng rào kẽm gai là anh lính Slaves với ống nhòm và súng máy, gác một cách chăm chú và đầy nghi kỵ.
Bên kia, là Milan Paternik đang hát, mảnh đất cấm bằng lỗ mũi, bằng con mắt, bằng miệng, bằng mỗi lỗ chân lông của thân xác anh. Trò chơi không thể kéo dài lâu hơn. Kẻ bảo vệ quê hương cảm thấy người ta đang hát một cái gì đó của mảnh đất anh đang bảo vệ. Nhiệm vụ của người lính là bảo vệ quê hương. Anh nhắm Milan Paternik với cây súng máy như cố làm cho anh sợ và cấm không cho anh nhìn quê hương của những người Slaves với vẻ thèm khát như thế. Milan Paternik vừa mỉm cười thân ái vừa nhìn nòng súng máy đang bảo vệ mảnh đất của Tổ quốc anh. Anh lính xem nụ cười như là một sự khiêu khích thế là anh ấn nhẹ lên cò súng; một làn đạn tự động xuyên qua thân hình Milan Paternik. Anh ngã người sóng soài ở phía bên này đường phân giới.
Milan Paternik có thể ngả xuống nằm sấp trên ngực, mặt sát đất. Như thể thân hình anh có thể đổ dài qua phía bên kia đường phân giới, đầu và ngực anh có thể đụng được đất quê hương anh.
Và như thế anh có thể chết, đầu được nằm trên quê cha đất tổ mình. Nhưng Milan Paternik đã té xuống và đổ máu trên đất xa lạ, đất ngoại quốc, vùng đất quốc tế của thành phố Trieste.
Hơi thở nóng ấm của anh, làn hơi nóng ấm nhất của sự hô hấp, làn hơi của một sự co giật cơ trước khi chết, bị hút sạch bởi mảnh đất quốc tế. Làn môi khô của Milan Paternik tìm đất.
Làn môi của một con người luôn tìm đất trước khi chết, nhưng môi anh ta chỉ tìm thấy đất quốc tế chứ không phải đất tổ quốc.
Môi anh ta kiếm tìm tận nơi sâu thẳm hơn nhưng trong sự co giật trước tử thần, miệng Milan Paternik chỉ đầy ắp đất ngoại bang.
Có hiệu còi báo động. Tại Trieste, nhiều chuyện bất ngờ ở biên giới thường xảy ra nhiều lần trong một ngày. Lần này, cảnh sát của cả bốn cường quốc đều phản đối kịch liệt vì Milan Paternik bị sát hạ không lý do bởi một người Slaves trên vùng đất quốc tế ông ta muốn đi qua phía bên này. - Người lính gác nói ông ấy muốn chạy qua.
- Không ai lại muốn thử vượt qua một cách bí mật lúc mười một giờ sáng. - Tên người Anh nói.
Người ta muốn thiết lập lại các sự kiện của sự việc bất ngờ đó. Các sự kiện không rõ ràng. Hồi hôm, những người Anh đã bắn hạ một người Slaves. Lần này thì người Slaves bắn hạ một công dân vùng quốc tế.
- Vậy là huề. - Mấy anh lính gác biên giới kết luận - Một trả một. Hôm qua, các anh giết một người của chúng tôi, hôm nay chúng tôi giết một người của các anh. Vụ này thế là xong, coi như thanh toán sòng phẳng. Một trả một. Uredex nghĩa là gì thế? - Một người Slaves hỏi.
- All right. - Người Anh trả lời - Vụ này đã xong. Đồng ý.
Một chiếc xe Jeep chở xác Milan Paternik đến nhà xác thành phố. Người ta kiểm lại giấy tờ của anh và báo tin cho Aurel Popesco biết.
Bộ tư lệnh Hoa Kỳ lo việc mai táng Milan Paternik vì anh ta là nhân viên của Bộ này. Aurel Popesco bị buộc phải đi ngay. Hắn hối tiếc là đã không tham dự vào việc chôn cất Milan. Chương trình của hắn đã được tính từng giờ một. Hắn đã có vé máy bay và các cuộc hẹn được ấn định rồi vì thế hắn không thể ở lại dự đám tang. Hắn đứng tưởng niệm một lúc trước thi hài Milan Paternik. Phía sau hắn cũng có một người nào đó đang tưởng niệm. Đó là một người ngoại quốc. Khi Popesco muốn đi, người lạ mặt chặn hắn lại và tự giới thiệu.
Đó là vị đại diện cho cộng đồng người Do Thái tại Trieste.
- Cộng đồng chúng tôi đã liên hệ với Bộ tư lệnh Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ lo việc tống táng người quá cố với tất cả vinh dự theo lễ nhạc tôn giáo của chúng tôi.
Hai người Do Thái khác xuất hiện. Bây giờ có đến ba thành viên của Hội đồng. Họ muốn đưa người chết đến nghĩa trang của họ. Aurel Popesco tái mặt. Hắn nghĩ đến việc Milan Paternik đã tàn sát tám trăm ngàn người Do Thái trong lúc hắn ta điều hành ngành cảnh sát.
- Mẹ của Milan Paternik là Do Thái. - Aurel Popesco nói - Nhưng anh ta, người chết đây, không thuộc giáo hội Do Thái, ít nhất là theo chỗ tôi biết. Tôi nghĩ điều này sẽ là một sự quá khích.
- Nếu mẹ anh ta là Do Thái và điều này đã được chứng minh qua giấy tờ của anh ta thì anh ta cũng là người Do Thái. Vị đại diện cộng đồng nói - Việc anh ta không hành đạo Kitô quan trọng gì cả. Việc nhiều người Do Thái quên hẳn họ là Do Thái thường rất xảy ra. Nhiệm vụ của những người đồng đạo, đồng hương là trả lại cho họ tất cả vinh dự họ có quyền hưởng, sau khi họ chết, ngay cả trong trường hợp họ không làm gì cả để xứng đáng với các vinh dự đó. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Vì thế cộng đồng sẽ lo cho anh ta.
Aurel Popesco hiểu rõ là có nài nỉ cũng vô ích. Anh không thể ngăn cản những người Do Thái ở Trieste chôn Milan Paternik trong nghĩa trang của họ. Họ đã đọc trong giấy tờ của Milan rằng mẹ anh ta là người Do Thái và không đọc thấy gì ở mục “tôn giáo”, tuy vậy nếu anh muốn ngăn cản họ thì điều đó vẫn vô ích.
- Vậy thì các anh hãy chôn cất anh ta, theo nghi lễ Do Thái, chôn ở nghĩa trang Do Thái. - Popesco nói.
Hắn rời khỏi Trieste thật nhanh không nhìn lại đằng sau.
Sự kiện Milan Paternik, tên đao phủ của những người Do Thái, lại được chôn cất ở nghĩa trang Do Thái và được khóc thương bởi cộng đồng Do Thái làm hắn ghê tởm. Đó là một sự bội giáo, nghịch đạo. Hắn muốn đi trở vào và nói cho họ biết sự thật. Những người Do Thái ở Trieste phần lớn là người tị nạn của quốc gia độc lập là người thân của những người Do Thái bị Milan giết chết. Hắn ta, Milan sẽ được nằm cạnh những nạn nhân hoặc những thân nhân của nạn nhân của hắn.
Hắn sẽ là người bạn muôn đời của họ. Aurel Popesco nhớ lại trường hợp của một người Pháp chống Do Thái, đã sống ở Áo dưới một cái tên giả và đã tự xưng là Do Thái để thoát khỏi tai biến, khi ông ta chết, cộng đồng người Do Thái chôn ông trong nghĩa trang của họ giống như Milan hiện nay. Vài tuần sau, người ta khám phá ra lý lịch thật của người chết, thế là đêm đến, cả hòm lẫn xác đều bị vất qua tường, vất ra khỏi nghĩa trang. Một đêm nào đó, có thể Milan Paternik cũng bị quẳng qua khỏi tường nghĩa trang Trieste.

II

Aurel Popesco đến Palestine, đầu óc luôn bị ám ảnh bởi cái chết của Milan Paternik.
Hắn không sao tưởng tượng nổi cái cảnh cộng đồng Do Thái ở Trieste đưa đám ma Milan Paternik đến nghĩa địa và người Do Thái vừa khóc vừa đi theo sau quan tài.
Hắn nhìn các kiến trúc kiểu Hoa Kỳ của quốc gia mới.
Hắn muốn nhìn thấy tất cả, thâu lại tất cả. Cuộc du lịch của hắn ở Palestine này có cả cái mà người ta gọi là đen đủi, rủi ro. Aurel Popesco suy nghĩ trong khi máy bay đáp xuống đất hứa. Đã hàng ngàn năm nay, dân tộc Do Thái mơ ước mình là dân tộc được chọn và có nhiệm vụ là thống trị hành tinh. Họ cố gắng hết mình để đạt được sự thống trị thế giới. Cứ mỗi lần họ tưởng là sắp thực hiện được giấc mơ như nhiều nhà tiên tri đã hứa hẹn với họ thì họ lại thất bại không có nguyên nhân nào cả. Họ thất bại vì xui xẻo, rủi ro. Họ bịa đặt ra thuyết Mác-xít.
Đó là một con đường tốt dẫn đến sự thống trị thế giới. Họ làm nên cuộc cách mạng Nga và họ đã thành công. Họ chỉ còn việc chinh phục thế giới. Đúng lúc họ thành lập quốc gia Cộng sản đầu tiên thì họ bị đuổi khỏi nước Nga, đầu sỏ là Trosky. Sau đó, họ cố gắng hướng dẫn thế giới bằng việc thành lập Hội quốc liên tại Genève, một hội do cổ phần Do Thái thống lãnh lại thất bại, phá sản. Trong thế chiến thế giới lần hai, Do Thái có sáu triệu người chết, một trên ba nhưng họ đã thắng. Khi chiến tranh kết thúc, người Do Thái có một cơ xưởng quan trọng nhất hoàn cầu và với cơ xưởng đó họ có thể chế ngự hành tinh; xưởng bom nguyên tử tại Hoa Kỳ; chủ tịch xưởng bom nguyên tử này, ông David Lisienthal là một người Do Thái gốc Châu Âu.
Đúng lúc họ muốn giết hại nửa triệu người Nhật với chỉ một quả bom thì người Anh đã giam giữ họ trong các trại rào bằng dây kẽm gai trên bờ Địa Trung Hải và biển Đỏ. Đúng là không giải thích nổi. Xui xẻo, đen đủi... Người Do Thái, cuối cùng đã thành lập quốc gia này, quốc gia Israel và trong đó là quốc gia của họ, họ phải thâm nhập vào quốc gia của mình một cách bí mật vì ngay khi người Anh phát giác họ nhập vào quốc gia mình thì người Anh sẽ giam họ vào các trại rào kẽm gai ngay. Người Anh đã rời bỏ Palestine và người Do Thái trở thành người chủ duy nhất của xứ sở của mình. Công việc đầu tiên họ thấy cần xây dựng trong quốc gia họ, đó là các trại tập trung. Họ đã tự xây dựng lấy các trại tập trung đó. Khi có một người Do Thái mới muốn vào quốc gia Israel, thì người đó được tiếp nhận trong một trại rào kẽm gai gọi là “cửa nhập cư”. Mọi cửa biên giới đều đóng chặt bằng dây kẽm gai, theo kiểu các trại tù. Giờ đây, khi chỉ còn lại mình họ; những người theo đạo Thiên Chúa Kitô còn ở đó để tàn sát họ vì những lý do tôn giáo, thì họ tự tàn sát nhau cũng vẫn vì những lý do ấy.
Ngay khi Aurel Popesco rời khỏi phi trường, tay xách vali thì anh nghe gọi. Đó là Varlaam.
- Ôi Thượng đế đã gởi anh đến rồi. - Varlaam nói - Phải cho tôi ra khỏi đây thôi.
Varlaam mập ra, ăn mặc chỉnh tề, đúng điệu.
- Trông anh tốt mã lắm. - Popesco nói - Có thể kiếm taxi ở đâu?
- Hôm nay thứ bảy, không có taxi. - Varlaam nói - Tôi phải đi khỏi đây. Nếu anh không làm cho tôi đi khỏi Palestine thì tôi không để anh đi đâu. Nếu anh không làm được điều đó thì không ai có thể làm được cả.
Hôm sau Aurel Popesco đi cùng với Varlaam đến Bộ văn hóa. Đó là một Bộ có quyền hành lớn nhất. Mọi vấn đề quốc gia đều lệ thuộc vào Bộ văn hóa. Popesco sẵn sàng can thiệp cho bạn mình. Bằng cách này, hắn có dịp biết rõ các phép tục, tập quán và cuộc sống của quốc gia mới. Tại Bộ văn hóa, hai người được một nhân viên thuộc cấp tiếp đón. Các phòng làm việc đều rộng rãi. Người ta cứ tưởng như đang ở Hoa Kỳ chứ không phải ở Tel Aviv.
- Tôi là trung úy phi công David Oztas. - Varlaam nói.
Anh ta đưa giấy tờ, để lên bàn các mệnh lệnh trong ngày, các huân chương và các tờ báo nói về các hành vi can trường của anh trong cuộc chiến đấu chống lại người Ẳ Rập. Anh nhân viên đứng lên và bắt tay Varlaam.
- Tôi rất hân hạnh được làm quen với một anh hùng. Các anh hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có quyền hưởng mọi vinh dự. Tôi có thể phục vụ người hùng trong việc gì đây?
- Tôi cần một giấy xuất cảnh. - Varlaam nói.
- Giấy xuất cảnh khỏi Israel à? Tại sao lại muốn rời khỏi Israel? - Anh nhân viên hỏi.
- Tôi không thể thích ứng. - Varlaam trả lời - Có quá nhiều sự khác biệt. Ở đây mọi cái đều được tổ chức trên nền tảng tôn giáo. Tôi theo tôn giáo khác. Vì lẽ đó, tôi tự thấy mình ở ngoài xã hội.
- Ai di cư đến Palestine đều phải ở lại đó. - Anh nhân viên nói. Anh ta có giọng nói ấm áp.
- Tôi không phải là một người di dân. - Varlaam nói - Tôi cũng không phải là một người Do Thái.
- Anh là một công dân của quốc gia Israel. - Người nhân viên nói - Hơn nữa, là một công dân ưu tú. Điều đó thấy rõ qua giấy tờ, hồ sơ của anh.
- Giấy tờ thật của tôi đã bị hủy bỏ. Đó là điều kiện đầu tiên để tôi được nhận vào quân đội Israel. Hủy bỏ giấy tờ của tôi và chọn lấy một cái tên chiến đấu.
- Thật đáng tiếc nhưng theo giấy tờ của anh thì không có gì chứng tỏ tên anh là một cái tên thời chiến cả.
- Vậy mà như thế đó. - Varlaam nói - Hãy nhìn kỹ tôi và tôi van xin ông, hãy tin là tôi nói đúng sự thật. Chúng ta đang ở đây, ở tại Bộ văn hóa. Ngoài các luật lệ và điều khoản, ở đây nhân viên còn biết một điều luật lớn hơn nữa, đó là luật của Chúa. Đó là một thứ luật vĩnh cửu. Tôi là một người đáng thương, xin ông giúp tôi. Tôi không thể sống ở đây nữa. Tôi muốn đi. Tôi là một con người, một người đáng thương. Trong các sách thánh của ông, trong sách kinh Jlesra có viết: “Con người trước tiên được dựng nên như là một bản thể duy nhất. Nếu kinh thánh biết được ai đó muốn hủy hoại một sự tồn tại duy nhất nào thì người đó sẽ bị kinh thánh qui tội hoàn toàn giống như người ấy đã hủy hoại toàn thế giới, và nếu có ai đó đã cứu một cuộc sống tồn tại duy nhất nào thì kinh thánh ban thưởng người ấy giống như đã cứu thoát toàn thế giới”.
- Anh là người Do Thái phải không? - Người nhân viên hỏi.
- Tôi không phải là người Do Thái. Không một đấng tổ tiên nào của tôi là người Do Thái cả.
- Anh không thể đòi hỏi công bằng nhân danh một luật mà anh vi phạm. - Người nhân viên nói - Điều luật thứ nhất của sách Jlesra nói rằng: “Không được thêm điều gì và cũng không được bớt điều gì cả ở Bộ luật của ta”. Và Bộ luật nói:
“Ai hủy hoại chỉ một linh hồn dân Israel, thì kinh thánh sẽ qui tội người ấy, v. v... và ai cứu rỗi một linh hồn dân Israel, thì kinh thánh sẽ thưởng người ấy...”.
Anh đã thay thế “chỉ một linh hồn dân Israel” bằng “chỉ một sự sống”. Đó là một sự phạm thượng. Một sự phạm thượng.

III

Aurel Popesco tìm thấy Eddy Thall trong một ngôi nhà nhỏ bằng đá vừa mới xây xong, vách chưa được tô quét, chưa có nước cũng chưa có điện.
Trong phòng Eddy có một cái giường và cả một đống vali chồng lên nhau. Người ta thấy rõ là nàng không bao giờ mở những vali đó, những vali mà nàng cất áo dài và tất cả những gì nàng có. Trong vùng đất hứa, nàng không cần bất cứ vật gì trong số ấy, chỉ cần một quần dài là đủ.
- Tôi làm việc trong nông trường tập thể này. - Eddy Thall nói - Tổ quốc chúng tôi không cần có nghệ sĩ già, có quá nhiều nghệ sĩ trẻ đẹp và nhiều tài năng. Ông muốn Israel phải làm gì với những bà già? Lúc đầu tôi muốn làm giáo sư. Khi người ta chỉ định tôi làm việc tại nông trường này, tôi chỉ muốn tự tử nhưng bây giờ tôi cảm thấy sung sướng. Sung sướng hơn cả khi tôi được làm sâu khấu.
Aurel Popesco đã được người ta cho biết là Eddy Thall đã có đơn xin trở lại Rumani ngay khi nàng vừa mới tới Palestine.
Hắn muốn biết có đích thực như vậy không.
- Đó là trong một lúc tuyệt vọng. - Eddy Thall đáp - Trong những tuần đầu tôi bước chân đến Israel. Tất cả đối với tôi có vẻ sao mà xa lạ, sao mà nghèo nàn và cay nghiệt đến nỗi tôi không kiểm soát nổi thần kinh được nữa. Tôi đã gửi một cái đơn yêu cầu lên lãnh sự quán nước Cộng sản Rumani tại Tel Aviv và xin hộ chiếu Rumani. Người ta trả lời tôi rằng tôi sẽ vĩnh viễn bị cấm cửa Rumani vì tôi đã hành hạ vị anh hùng dân tộc Tinka Neva khi bà ta còn giúp việc cho tôi. Vả lại họ không cấp hộ chiếu cho tôi thế mà hay, bởi có cấp tôi cũng chẳng đi đâu cả. Cái đơn ấy chẳng qua là một hành vi tuyệt vọng nhất thời, thế thôi!
Eddy Thall cười. Nàng đã mập ra khá nhiều. Bàn chân nàng sưng lên. Nàng đi những đôi giày trông giống như những đôi pantup.
- Bây giờ thì tôi chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đi nữa. - Nàng bảo - Vì sao lại rời Israel?
Nàng cảm thấy Aurel Popesco đang nhìn đôi bàn chân sưng của nàng.
- Nó sưng lên là do thời tiết. - Eddy nói - Khí hậu ở đây hơi khắc nghiệt, nhất là đối với tôi từ vùng Oural đến trong tình trạng ốm dở. Nhưng tôi sẽ quen đi thôi. Ngoại trừ cái yếu tố ấy ra tôi bằng lòng và rất bằng lòng là khác.
Nàng Eddy Thall đang nói đây, ngồi trên chiếc vali mặc chiếc quần xanh, không phải là Eddy Thall của miền sa mạc, cũng không phải Eddy Thall của vùng Oural của Varsava, hay của Stuttgart. Đây là một Eddy Thall khác, không có chút gì giống với những Eddy Thall ấy.
- Tôi có cảm giác rằng những luật lệ tôn giáo đang bóp nghẹt sự sống của quốc gia mới. - Aurel Popesco nói - Một quốc gia có một thiết bị thủy nông, một nhà máy điện, một hệ thống đường sắt, những con tàu. Không thể sống ngày thứ bảy hai tay khoanh trước ngực như luật lệ tôn giáo yêu cầu. Người Do Thái có thể tự cho phép mình làm như vậy khi họ còn là một đám dân du mục. Một khi đã trở thành công dân một quốc gia hiện đại họ phải từ bỏ những luật lệ tôn giáo ấy đi. Những luật lệ ấy của thời kỳ xa xưa không còn thích hợp với cuộc sống hiện đại nữa. Đó là một sự lệch lạc lỗi thời.
- Không. - Eddy Thall đáp lại một cách quyết liệt - Thực hành tôn giáo một cách giáo điều có thể ra chiều phi lý, nhưng là một điều kỳ diệu. Lúc đầu, chính tôi cũng nghĩ là phi lý, khi người ta bảo chúng tôi, ở trang trại, không được vắt sữa bò vào ngày thứ bảy bởi vì tôn giáo cấm. Lúc đó tôi cho là phi lý, nhưng giờ đây tôi lại cho là chuyện bình thường. Rất tiếc là tôn giáo đã không có thể áp đặt nổi mọi quan điểm của nó. Chính cái tôn giáo phi lý ấy đã cứu dân tộc Do Thái từ hàng ngàn năm nay. Luật lệ của nó nghiêm khắc. Đó là luật lệ lưu vong nhưng mà bổ ích.
- Giờ đây sự lưu vong đã chấm dứt rồi. - Aurel Popesco nói - Vì sao vẫn cứ thực hiện những luật lệ của nó làm gì khi họ đã có một Tổ quốc.
- Dân tộc Do Thái vẫn luôn luôn là lưu vong cả khi họ có một Tổ quốc. Tại Palestine có hai triệu người Do Thái. - Eddy Thall nói - Nhưng mười triệu người Do Thái vẫn còn lưu vong. Làm sao ai có thể nói được là sự lưu vong của dân tộc Do Thái đã chấm dứt? Chúng tôi sẽ sửa đổi luật lệ khi mười triệu người Do Thái này không còn lưu vong nữa. Bây giờ chưa phải lúc! Các người ở ngoài cuộc, các người chỉ biết phê bình. Còn tôi ở đây tôi nói rằng cuộc sống trong tổ quốc vĩnh hằng đẹp lắm. Đẹp cực kỳ, và tôi rất hạnh phúc tại đây.
Aurel Popesco rất muốn biết Eddy Thall nói thật hay dối, nhưng không làm sao biết nổi.
- Như mọi nghệ sĩ tôi cần phải ngâm thơ, nhưng lần này không phải ngâm thơ. Tôi sẽ đọc cho anh nghe một đoạn trích trong sách Những con số [1] “Người không dẫn chúng tôi đến một xứ sở có nhiều mật ong và nhiều sữa chảy. Người đã không cho chúng tôi những cánh đồng và những ruộng nho...” Tôi biết “Đất hứa hẹn” không phải là đất thật. Đất hứa hẹn là đá.
Người ta đã hứa cho chúng tôi đất và người ta đã cho chúng tôi đá, nhưng ở đây sống được.
- Vậy là cảm thấy thoải mái được sống trong Tổ quốc? - Aurel Popesco hỏi.
Eddy Thall nhìn hắn.
- Anh có biết Tổ quốc của một người phụ nữ là ở đâu không, Aurel Popesco? Tổ quốc một người phụ nữ là cái tuổi thanh xuân. Chỉ ở đấy người phụ nữ mới có hạnh phúc. Tôi đã mất đi Tổ quốc của tôi tức tuổi thanh xuân của tôi không còn bao giờ tìm thấy lại. Những người đàn ông, các dân tộc có thể trở về Tổ quốc của họ, bởi đó là một cái gì có tính vật chất. Còn Tổ quốc của một người đàn bà là một lứa tuổi. Tôi đã mất Tổ quốc tôi vĩnh viễn rồi. Giờ đây tôi là một người không Tổ quốc, một thứ Heimathes. Đừng phí công vô ích mà đi tìm một cái không thể nào tìm lại được. Tôi ở đây và tôi sẽ chết trong lưu vong bởi đối với một người đàn bà, tuổi già chính là cuộc sống lưu vong vậy. Anh hiểu không mỗi người đàn bà đều là lưu vong lúc trở về già. Một khi tuổi thanh xuân qua rồi, người ta chỉ còn được nếm những niềm vui của sự lưu vong. Đến cái tuổi đó thì mình ở đâu nào có gì quan trọng? Ở USA hay Ở URSS cũng vậy thôi, bởi ngày nay các nước không có tên nữa mà chỉ có những chữ cái. Tôi mãi mãi sẽ là con người lưu vong và còn lại cho tôi chỉ là những niềm vui lưu vong khi chua chát, khi đắng cay, chẳng bao giờ dịu ngọt cả tuy vẫn là niềm vui. Tôi bắt đầu yêu loài vật. Công việc ở trang trại làm tôi thích thú. Tôi tự an ủi mình với những con súc vật quanh tôi.
Anh có biết bài thơ của Walt Witman:
“Tôi tưởng tôi có thể đổi đời
Và nhập cuộc sống cùng loài vật
Chúng trầm tĩnh và đầy quả quyết
Tôi đứng đây và nhìn chúng giờ lâu
Số phận hẩm hiu không làm chúng càu nhàu
Không thức thâu đêm khóc mình tội lỗi
Không phiền ai với những lời bàn cãi
Về nghĩa vụ mình đối với Chúa thiêng liêng
Không một con nào không thỏa mãn về mình
Không một con nào biết điên rồ ham của
Không một con nào kêu ca cùng bạn lứa
Hay đồng loại mình đã sống trước vạn ngàn năm
Không một con nào đáng kính hoặc âm thầm
Chịu đau khổ do bàn tay thiên hạ”.
Aurel Popesco đứng lên.
- Tôi mong cô sẽ viết thư cho tôi. - Hắn nói - Nếu một ngày nào đó tôi có thể giúp ích gì cho cô thì cô nhớ viết thư.
- Không. - Eddy Thall nói - Viết thư cho anh làm gì? Tôi chẳng bao giờ thư từ cho ai nữa. Cho bất cứ kẻ nào! Không bao giờ! Không bao giờ nữa.

IV

Như các Xô Viết đã biến Tinka Neva thành một nữ anh hùng huyền thoại ngoài ý muốn của bà ta, người Mỹ cũng muốn biến Anatole Barsov thành một anh hùng huyền thoại vì không chịu nổi những sự khủng bố của Xô Viết mà đã cướp một máy bay trốn sang nước Mỹ. Nhưng Anatole Barsov không muốn làm anh hùng, và dù có muốn cũng chẳng làm được.
Anh đã ở Mỹ một năm nay rồi. Đối với anh mọi việc càng ngày càng xấu đi. Giờ đây anh ta lại đến nhà bạn là Igor Poltarev. Họ không ở chung với nhau và họa hoằn lắm mới gặp nhau một lần. Công việc kinh doanh của Poltarev khá phát đạt. Anh ta đang ở thời kỳ thành đạt. Anh ta viết bài cho các báo và tạp chí nên kiếm được nhiều tiền.
Anatole Barsov làm trong một xưởng may mặc, nhưng rồi phải thôi việc. Anh lại thất nghiệp. Người anh gầy còm, râu ria xồm xoàm và kiệt sức.
- Mình muốn trở về quê hương. - Anatole Barsov nói - Mình tới đây là để nói với cậu là mình muốn trở về Tổ quốc.
Igor Poltarev tự kiềm chế mình. Anh ta đã toan túm lấy vai Barsov và tống khứ ra ngoài.
- Mình mong cậu cho vay thêm ít tiền nữa! - Barsov khẩn khoản đề nghị - Hai hôm nay mình không có chỗ ở, mệt quá sức rồi.
- Anh đã nói là anh muốn trở về Nga. - Poltarev nói - Staline cứ việc cho anh tiền. Anh đến tôi mà làm gì?
Poltarev túm lấy vai Barsov và tống cổ anh ra ngoài thật, miệng thét lớn:
- Nếu anh không về ngay tức khắc với Staline của anh thì báo trước cho anh biết rằng tôi sẽ yêu cầu người Mỹ tống cổ anh về, quân hai lần phản bội!
Anatole Barsov bước ra đường.
Anh đi tới xưởng may mặc, nơi anh đã có làm việc. Ở đây anh có quen một người Mỹ Cộng sản đã nhiều lần khuyên anh ta trở lại nước Nga. Anh muốn nói chuyện với người bạn đó.
Anh bạn Mỹ tên là Ballin.
- Tôi muốn trở về nước tôi. - Barsov nói - Phải làm thế nào?
- Khi tôi tan việc, vào lúc sáu giờ tôi sẽ dẫn anh đến lãnh sự quán Xô Viết và nộp đơn xin trở về Nga.
Lúc chia tay nhau, Ballin nói:
- Ngày mai anh sẽ đợi tôi trước nhà máy, chúng ta sẽ đến lãnh sự quán một lần nữa. Người ta sẽ đưa các giấy tờ cho anh.
Barsov thú nhận với bạn là anh ta không còn lấy một xu dính túi và không biết ngủ vào đâu đêm nay.
Ballin đưa cho anh vài đồng. Không được bao nhiêu, Barsov vào một quán cà phê. Anh cảm thấy khó chịu. Anh muốn uống một chút gì và anh gọi bia. Hai thanh niên đến ngồi sát bên cạnh. Anh có cảm giác là mình đang bị theo dõi. Anh uống vội uống vàng ly bia của anh rồi đi ra.
Anh không có đủ tiền để vào khách sạn, nhưng anh biết một nơi gần đó có thể thuê theo giờ một chỗ để ngủ, có chăng một sợi dây đỡ gối đầu lên, Barsov bước vào quán rượu đó.
- Hai giờ. - Anh nói.
Theo lệ thường, anh phải trả tiền trước để thuê hai giờ ngủ. Thằng nhỏ phục vụ cho anh một chiếc ghế và chăng cho anh một sợi dây gối đầu. Người ta có thể ngủ ở đó như ngủ trong một chiếc ghế bành. Nhiều người ngủ như vậy, nhưng giá thuê vẫn đắt lắm. Barsov ngủ ngay được một giấc. Thằng nhỏ tới lột ngay sợi dây dưới gáy anh và húc đầu gối vào lưng anh một cái anh mới choàng tỉnh dậy. Hai giờ ngủ đã qua.
Barsov lại bước ra đường, lang thang một lúc trên đường phố rồi vào một cái tiệm giải khát. Cái cơ bản là qua được một đêm. Sáng mai anh sẽ tới lãnh sự quán và có thể là anh sắp sửa chấm dứt được cái cảnh sống này rồi.
Trong tiệm anh lại chạm trán với hai thanh niên kia, bọn họ lại đến ngồi cạnh anh. Một trong hai tên xô vào Barsov và tống cho anh một quả đấm vào sườn. Barsov lùi lại, tên thanh niên lại đánh anh, Barsov ngã xuống. Nhiều khách hàng đến, thế là cuộc ẩu đả bắt đầu. Chai ly vỡ loảng xoảng, Barsov đứng lên nhưng anh bị đánh vào mặt, vào ngực, vào hông. Anh lại ngã xuống. Barsov không thích chuyện lôi thôi.
Anh vẫn nằm dài một hồi dưới đất, rồi anh định bụng trườn qua dưới chân đám đông để bò ra ngoài. Anh cảm thấy bị những cái chân giẫm đạp lên người anh.
- Tôi chẳng làm gì ai cả. - Barsov nói - Các người muốn gì tôi?
Giữa lúc đó cảnh sát tới. Mọi người trong quán rượu đã bị bắt vì gây chuyện mất trật tự.
Barsov không hiểu nỗi vì sao đã xảy ra những chuyện lôi thôi này.
Người anh đầy cả máu me. Quần áo, sơ mi anh bị rách bươm. Người ta giam riêng anh vào buồng kín. Anh lăn ra giường và ngủ luôn, không ân hận gì về chuyện mình bị bắt. Anh chỉ sợ ngày mai anh vẫn còn bị giữ, vì anh có hẹn với Ballin.
Hôm sau, người ta thẩm vấn Anatole Barsov. Anh kể hết những gì anh biết. Bốn viên cảnh sát thi nhau hỏi anh đủ mọi thứ chuyện.
- Cả ngày hôm qua anh làm gì?
- Tôi ở nhà một người bạn đã cùng nhau trốn khỏi nước Nga. Anh ta tên là Igor Poltarev.
Bọn cảnh sát nhìn nhau và mỉm cười đắc thắng. Anatole Barsov không nói dối.
- Anh đã nói những chuyện gì với bạn anh?
- Tôi nói với anh ta rằng tôi muốn trở về Nga. Barsov nói (anh nói với cả tấm lòng thơ ngây của đứa trẻ sơ sinh) - Igor bạn tôi đã đánh tôi rồi đuổi tôi ra dường.
-Và sau đó anh đã làm gì?
- Tôi bất bình. - Barsov đáp - Tôi đã đến nhà máy. Tôi muốn xin việc làm, nhưng rồi lại thôi. Tôi gọi Ballin, một trong những người bạn đã làm với tôi ở phòng là cổ áo. Tôi nói với anh ta rằng tôi muốn trở về Tổ quốc. Anh đã nhiều lần khuyên tôi nên về. Tôi chẳng nói với anh ta chuyện gì khác. Chúng tôi cùng nhau đến lãnh sự quán Xô Viết. Tôi đã nộp đơn xin hồi hương. Tôi đã vay tiền Ballin. Tôi đã ngủ hai tiếng đồng hồ tại quán cà phê. Tôi không có đủ tiền thuê phòng. Tôi chỉ thuê một chỗ ngồi để ngủ trong hai tiếng đồng hồ.
- Anh đã thuê một chỗ ngồi để ngủ à? - Một tên cảnh sát sửng sốt hỏi.
Bọn đồng nghiệp của hắn giải thích cho hắn biết rằng ở New York có những nơi mà bọn người nghèo khổ không đủ tiền để thuê phòng, thuê những cái ghế tính giờ để ngủ tại các quán cà phê.
- Sau hai giờ ngủ đó tôi lại ra đường. - Barsov tiếp tục kể - Tôi vào một tiệm giải khát. Hai gã thanh niên đã xô đẩy tôi rồi đánh tôi. Sau đó có chuyện ẩu đả lộn xộn. Cảnh sát đã tới. Người ta dẫn tôi vào đây. Hết! Tất cả có thế.
Mấy tay cảnh sát nét mặt sa sầm. Tất cả những điều Barsov vừa mới kể là sự thực nguyên si, tất cả ăn khớp với lời tường trình của những nhân viên mật vụ đã theo dõi Barsov từ cái lúc anh ra khỏi sứ quán, với lời khai của Poltarev và với lời khai của những tên mật vụ được giao trách nhiệm gây ra chuyện ẩu đả để cho cảnh sát có dịp bắt Barsov.
Barsov đã không hề giấu họ điều gì.
- Anh chỉ muốn được trở về Nga thôi phải không? - Một tay cảnh sát hỏi.
- Vâng. - Barsov đáp - Dĩ nhiên là tôi muốn trở về Nga.
Một viên chức mang đến một tờ giấy và một cuốn sổ con.
Anatole Barsov nhận ra cuốn sổ tay của anh ghi nhật ký mỗi buổi tối. Cuốn sổ cũng như tất cả mọi đồ đạc của anh đều gửi lại làm vật bảo lãnh ở khách sạn anh ở sau cùng, bởi anh chưa thanh toán được tiền thuê phòng. Cuốn nhật ký ấy giờ đây nằm trong tay cảnh sát. Trên tờ giấy là bản dịch tiếng Anh của cuốn nhật ký Barsov được đánh máy lại.
Bọn cảnh sát đọc một cách bất bình những điều ghi chú hàng ngày của Anatole Barsov.
- Ông đã có ý định hồi hương vào lúc nào?
- Lâu rồi, từ những ngày đầu tiên mới đến Mỹ, nhưng tôi đã không có can đảm thực hiện. Bây giờ thì không chịu nổi nữa rồi. Tôi phải về thôi.
- Ông có biết rằng một ngày kia trở về nước, Staline sẽ xử bắn ông không?
- Tôi biết! - Barsov nói - Về tội phản quốc tại nước chúng tôi đó là tội tử hình. Tôi đã phản quốc.
- Và ông về để bị xử bắn à? - Tên cảnh sát hỏi.
- Tôi hy vọng tôi sẽ được chuyển sang án khổ sai mười năm hoặc hai mươi năm, cái tôi đã làm là hết sức nghiêm trọng. Nhưng một khi mãn hạn án rồi, tôi sẽ được khôi phục lại chỗ đứng của tôi giữa những con người.
- Vì sao ông lại bỏ nước Nga ra đi một khi ông đồng tình với chế độ?
Nhớ lại lúc ra đi, Barsov thấy đau nhói trong tim.
- Ông trả lời đi. Vì sao ông ra đi.
- Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình từ ngày tôi sang đây. Tôi suy nghĩ nát óc vẫn không biết chính xác vì sao.
Viên cảnh sát đọc trong cuốn nhật ký của Barsov:
“Tối tối, tôi vò đầu vắt óc để tìm ra cái lý do đã khiến tôi ra đi. Càng suy nghĩ, tôi càng hiểu ra rằng những lý do thực sự đã khiến tôi ra đi là những lý do sau: 1/ Bất hòa với vợ tôi. 2/ Bất hòa với các thủ trưởng phi đội của tôi. 3/ Có nhiều nợ không thanh toán được. 4/ Ảnh hưởng tai hại của Igor Poltarev. Tôi nghĩ tôi có cái máu phiêu lưu, tôi cho rằng chính những lý do đó đã lôi kéo tôi phản bội Tổ quốc”.
- Về mặt chính trị, ông có đồng quan điểm với chế độ Xô Viết không? - Viên cảnh sát hỏi.
- Tôi không bao giờ tự hỏi mình chế độ Xô Viết tốt hay xấu. Không bao giờ. Khi tôi sang đây ai cũng hỏi tôi câu đó. Tôi cho rằng chế độ Xô Viết cũng như mọi chế độ khác: vừa tốt vừa xấu.
- Ông không khi nào bị khủng bố, cũng không khi nào cảm thấy sức nặng của chế độ độc tài đè lên người mình à? - Viên cảnh sát hỏi.
- Tôi không bao giờ cảm thấy sức nặng của bất kỳ một chế độ độc tài nào trên đất nước tôi cả. - Barsov đáp.
Anh nhìn vào mắt người phiên dịch. Anh cố gắng hiểu thật đúng và không bỏ qua một chữ nào. Anh muốn trả lời thẳng thắn, trung thực. Anh chẳng có gì phải giấu giếm cả.
- Chế độ dân chủ Hoa Kỳ không thích hợp với ông à?
Barsov nhìn xuống.
- Ông hãy trả lời trung thực. - Tên cảnh sát nói - Ông không cảm thấy thoải mái trong chế độ tự do và dân chủ của Hoa Kỳ à? Hoa Kỳ là nước dân chủ nhất thế giới, là nền dân chủ hoàn hảo nhất. Ông không sung sướng trong chế độ tự do này à?
Barsov nắm chặt bàn tay.
- Ông trả lời đi. - Tên cảnh sát ra lệnh - Ông có sung sướng hay không trong chế độ tự do này?
- Không! - Barsov đáp - Tôi không sung sướng trong chế độ dân chủ này.
- Ông đã sung sướng hơn trong chế độ Xô Viết à?
- Tôi sung sướng hơn trong chế độ Xô Viết! - Phi công Anatole Barsov đáp.
Bốn tay cảnh sát đưa mắt nhìn nhau. Cả bốn tên đều có chung một ý nghĩ: Anatole Barsov đang bị suy nhược thần kinh, cần phải được nhốt trong một bệnh viện tâm thần. Phải như thế, trong trường hợp anh ta nói sự thật, sống dưới sự khủng bố của chế độ Xô Viết, nhất định là Barsov đã bị chấn động thần kinh rồi.
- Ông có suy nghĩ chín chắn về điều ông mới nói hay đó chỉ là một quyết định bất thần do cái khổ, cái đói, cái thiếu nghỉ ngơi? - Viên cảnh sát hỏi.
- Tôi đã suy nghĩ chín chắn về điều tôi vừa trả lời. Ngay từ lúc đầu, tôi hiểu rằng mình đã phạm một tội lỗi. Đành rằng tôi có mệt mỏi, đói khát, suy nhược nhưng cái điều tôi đã nói là có suy nghĩ cẩn thận. Tôi ưa cái chế độ của Tổ quốc tôi hơn và không thể sống ở Mỹ được nữa.
Bọn cảnh sát mỉm cười. Barsov thấy rõ họ đang chế giễu anh, coi anh như một người điên.
- Ông không thích ở Mỹ, bởi vì chúng tôi không có những trại tập trung. Có phải đây là cái điều làm cho ông không thích ở trên đất nước chúng tôi không? Có phải ông thích trở về Nga bởi vì ở đó có nhiều cái kiểu ấy không?
- Không, không phải vì vậy. Dù khi tôi có hàng triệu đô la trong tay tôi cũng không bao giờ sống được ở Mỹ.
- Ông là kẻ duy nhất trong nhân loại nói lên điều ấy.
- Tất cả bạn bè, đồng chí của tôi cũng sẽ nghĩ và làm như vậy nếu họ ở trong hoàn cảnh của tôi. - Barsov nói.
- Ông định tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản ư?
- Không. - Barsov nói - Xin ông tha thứ.
- Chúng tôi sẽ tha thứ nếu như ông thú nhận chân thực vì sao ông không thích sống ở Mỹ và vì sao ông thích nước Nga hơn nước Hoa Kỳ. Nhất định ông phải có một lý thuyết nào đó khá thú vị.
- Tôi không có một thứ lý thuyết nào cả. - Barsov nói - Tôi không biết làm chính trị, cũng không biết có một lý thuyết nào. Tôi biết và chính mắt tôi trông thấy rằng ở Mỹ, người ta ăn mặc đẹp hơn, sống đầy đủ hơn, họ có những chiếc xe đẹp hơn, lương cao hơn, nhưng tôi không thích ở đây. Tôi thích nước Nga hơn.
- Ông vẫn chưa nói cho tôi hay vì sao ông thích nước Nga hơn, khi mà ở Nga người ta sống kém cỏi hơn, thu nhập ít hơn mà làm việc lại nặng nề hơn.
- Tại nước chúng tôi, con người không cô độc. Ở đây, tôi chỉ một mình, như giữa một đàn sói. Ở Nga ai cũng tìm được một việc làm. Ở đây không ai giúp đỡ ai cả. Không một ai. Ở Nga, có trật tự, có tình đồng chí. Tôi sẽ nêu trường hợp cha tôi làm bằng chứng. Cha tôi là ngư dân. Một lần gặp bão ở biển Đen, thuyền cha tôi bị đắm cùng với toàn bộ thiết bị đánh cá. Ba hôm sau, Nhà nước đã cấp cho cha tôi một chiếc thuyền khác với những thiết bị khác đầy đủ. Cha tôi vẫn tiếp tục kiếm sống được như trước. Ở Mỹ, nếu thuyền bị chìm là cha tôi chỉ còn chết đói. Tôi chẳng hạn, ở Nga thì tôi đã có thể có việc làm. Nhà nước sẽ tìm cho. Ở đây tôi chạy khắp nơi như một con chó và người ta chẳng thèm cả ngó tới.
- Nhưng ông được tự do tha hồ chạy mà! - Tên cảnh sát nói.
- Tôi không muốn nói cái tự do để mà chạy! - Barsov nói - Ông bảo tôi làm gì cái tự do ấy?
- Chế độ dân chủ ban cho mọi người được tự do. Còn sử dụng cái tự do ấy như thế nào thì đó là vấn đề riêng của mỗi cá nhân. Với cái tự do ấy, có kẻ trở thành tổng thống, kẻ khác lại thành đứa sát nhân. Với cái tự do ấy, Poltarev bạn ông viết báo, viết sách. Ông với cái tự do ấy, ông trở về nước Nga để được đày sang Sibéri hoặc đến các mỏ muối cho đến hết đời. Mỗi người có toàn quyền sử dụng tự do của mình theo sở thích. Đó là sự công bằng xã hội lớn nhất tồn tại trên trái đất này: Cái tự do cho mỗi cá nhân được lựa chọn cái gì mình thích, cái gì mình thấy mến yêu hơn tất cả. Và bởi vấn đề là như vậy, chúng tôi tôn trọng cả quan điểm của ông: trở về nước rồi bị cấm cố suốt đời hoặc bị bắn. Ông có thể dùng tự do của ông vào một việc khác hơn là tự nguyện đi vào nhà tù. Ông có thể trở thành phi công, kỹ sư, nhà tài chính, người lính. Ông hoàn toàn tự do. Nhưng ông thích nhà tù hơn. Chúng tôi để ông đi.
Nhưng nhiệm vụ chúng tôi là trước tiên phải gửi ông đến một bác sĩ tâm thần để khám cho ông xem ông có ở trong trạng thái bình thường hay không. Nếu ông không bình thường chúng tôi sẽ săn sóc ông. Chúng tôi sẽ để cho ông quyết định sau khi điều trị.
Anatole Barsov ra chiều bị thuyết phục. Điều người ta vừa nói với anh có vẻ hợp lý.
- Ông có bảo lưu những lời khai lúc đầu của ông không?- Viên cảnh sát hỏi - Ông có cần nói thêm điều gì nữa không?
- Tôi không có gì cần nói thêm cả. - Barsov trả lời - Tôi giữ ý kiến rằng tôi đã không bỏ nước Nga ra đi vì những lý do chính trị. Tôi đã trốn ra đi vì những lý do cá nhân. Chủ yếu vì tôi không hòa hợp được với vợ tôi. Nếu tôi trở về, vẫn là vì lý do cá nhân chứ không phải vì lý do chính trị. Tôi trở về nước vì tôi nhớ quê hương. Vì mong muốn được nhìn thấy lại quê hương. Đó là lý do chủ yếu. Ngoài ra, tôi không thể sống giữa những người xa lạ. Tôi có thể vào nhà giam, nhưng với những người thân của tôi, ông biết không?
- Trước mắt, ông phải ở lại đây để điều tra bổ sung.
Chú thích:
[1] Còn gọi là sách Dân Số. Cuốn sách thứ tư trong bộ Pentateuque gồm cuốn của Moise (Cựu ước thánh kinh) nói về sức mạnh của Thượng đế.