Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Cuốn sách về sự đắm chìm vào bóng tối

    
ác sĩ Ante Petrovici là kẻ hạnh phúc nhất trong số những người di tản Châu Âu. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông ta đã trở thành một con người tai mắt tại Achentina.
Ante Petrovici là sở hữu chủ của xí nghiệp sản xuất đồng hồ lớn nhất châu Mỹ Latinh.
Mỗi nhà đều có những đồng hồ đánh thức, những đồng hồ treo, đồng hồ đeo tay do xưởng ông chế tạo. Ante Petrovici rất giàu.. Ông đã trở thành công dân Achentina. Bạn bè ông khuyến khích ông tham gia chính trị.
Trong lúc này, bác sĩ Petrovici đang kiểm tra nhà máy của mình mỗi ngày như thường lệ. Đây là một kiến trúc đồ sộ, siêu hiện đại, vừa được hoàn thành mấy tháng nay. Ông vào các bàn giấy, các phân xưởng, các kho giờ hàng. Các nhân viên và công nhân chào hỏi ông thân mật. Thành đạt của ông là một cái gì đó có tính chất hiếm hoi. Khởi đầu là hai bàn tay trắng, vậy mà chỉ trong vài ba năm ông đã nghiễm nhiên trở thành sở hữu chủ của cái xí nghiệp khổng lồ này. Ông đọc cho thư ký viết một số thư, rồi ông đi xuống đường. Tài xế đưa ông xuống khu biệt thự thành phố Buenos Aires và dừng xe trước một ngôi nhà có đóng một cái biển mang dòng chữ “BỆNH VIỆN THẦN KINH TƯ CỦA BÁC SĨ BRUNN”. Tài xế quay trở về nhà máy. Ante Petrovici xúc động bước vào trong bệnh viện.
Giám đốc bệnh viện này, một người Thụy Sĩ - bác sĩ Rudolf Brunn - là một người bạn lớn của Ante Petrovici.
Giờ đây, Rudolf Brunn đang ở một mình trong bàn giấy với Ante Petrovici. Hai người cùng tuổi. Bác sĩ thì to cao, tóc hung. Ông thuộc nòi giống những người lao động cần cù, theo đạo Tin lành, tính tiết kiệm. Ông ta yêu tôn giáo và yêu công việc.
- Tôi đã chuẩn bị mọi điều cần thiết để chuyển các vali của tôi đến nội sáng hôm nay. - Ante Petrovici nói. - Tình thế rõ ràng rồi. Hôm qua tôi đã nói chuyện với ông giám đốc sở Cảnh sát. Kể từ hôm nay, tôi chờ đợi trở thành đối tượng của một lệnh tống giam. Những điểm chính người ta buộc tội tôi là: man khai trước một tiểu ban di tản và đổi quốc tịch; man khai với Bộ công nghiệp và Bộ thương nghiệp. Cuộc điều tra tiến hành trên cơ sở nhiều bản tố cáo đã làm xong. Người ta đang chờ để bắt tôi, kết án tù và trục xuất tôi.
- Đừng nói quá! - Bác sĩ Rudolf Brunn nói - Người ta không thể khiển trách anh điều gì về tất cả những chuyện đó. Có lỗi chăng chỉ vì anh đã thay đổi một vài thời điểm của anh ở Châu Âu hòng được di tản ra nước ngoài. Một tờ khai không đúng sự thật trong một lúc tuyệt vọng, không có chủ định phạm pháp. Anh tới đây đã hòa nhập ngay vào với xã hội và trở thành một trong những nhân vật có nhiều công trình xây đắp cho xã hội hơn cả. Mọi nước đều cần những con người như anh. Trường hợp của anh sẽ trở thành một chủ đề tranh luận tại Quốc hội. Mới hôm qua, Ngài Tổng thống đã khẳng định với chúng tôi, thông qua một ông bạn chung, rằng vấn đề đó đã xếp lại rồi. Các giấy tờ của anh sẽ được điều chỉnh và anh có thể trở lại địa vị của anh trong xã hội thôi.
- Nhưng trong thời gian chờ đợi đó, người ta sẽ đến bắt mất tôi. - Ante Petrovici nói - Đi tù thì tôi hết khả năng chịu nỗi nữa rồi. Quá mức chịu đựng của thần kinh.
- Anh sẽ không bị bắt giữ đâu. - Bác sĩ Rudolf Brunn đáp - Bây giờ thì anh hãy ở lại đây trong bệnh viện tư của tôi cho đế ân ngày có lệnh ân xá. Không ai có phép tới bắt anh tại một bệnh viện cả. Sách Cựu ước có ghi rằng: Moise đã yêu cầu những người kế nghiệp ông, một khi trở về Tổ quốc, phải lập ngay những Thành phố Tị nạn làm chỗ nương thân cho những người bị lùng bắt một cách bất công. Trái ngược với thời những xã hội Kinh Thánh, xã hội ngày nay không còn nghĩ gì đến những con người. Ngày nay, những kẻ vô tội thì bị pháp luật giày xéo như một lũ chó rừng. Những nơi duy nhất có thể binh vực cho con người chống lại với pháp luật là những tổ chức như bệnh viện của tôi đây. Ở đây, con người là bất khả xâm phạm. Hãy là vị khách quý của tôi, bạn đồng nghiệp.
Ante Petrovici nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường.
Chính cái đồng hồ ông đã làm. Sau đó, ông thoáng nhìn thấy mặt mình trên tấm gương. Đôi má của Ante Petrovici bạc phếch. ông đã già đi bao nhiêu. Cái nhìn của ông đã tắt. - Quả tôi không ngờ rằng một ngày kia tội lại phải tới xin nương nhờ cánh cửa của một nhà thương điên! - Ông buồn rầu nói - Công trình của anh đối với tôi như là một việc làm quái đản. Anh là chủ nhân một ngôi nhà của những người điên. Bệnh viện của anh là một cái nghĩa địa của những người chết đang sống. Thế nhưng nếu không đến đây thì người ta bắt tôi. Người ta có thể bắt tôi tại nhà riêng, tại nhà máy, hay ngoài đường. Tôi bắt buộc phải đến chỗ anh. May mà trên thế gian còn có những nơi như thế, cảnh sát không có quyền bén mảng tới. Tôi cũng tin như anh rằng trong giờ khắc này đây, cái nơi duy nhất pháp luật không có quyền bén gót tới chính là nhà thương điên. Ở đây, pháp luật chịu bất lực..Một người điên là một con người tự do. Con người duy nhất không thể bị pháp luật hành hung, giày xéo.
Rudolf Brunn nhìn con mắt của bạn. Ông thấy bạn ông đang bị cơn sốt, và ông yêu cầu Petrovici đi nằm nghỉ.
- Sau những chuyện phiền muộn như thế này, tôi có nổi điên lên cũng là chuyện bình thường thôi. - Ante Petrovici nói.
- Không cứ phải ốm đau mới run. Không nhất thiết phải lên cơn sốt nóng con mắt phải đỏ ngầu. Để rời khỏi Châu Âu và tránh một cái chết mỏi mòn chậm rãi, tôi đã phải dùng biện pháp khai gian. Tôi đã không khai rằng chân tôi bị khập khiễng một vài milimét, rằng tuổi thực tế của tôi có nhiều hơn một vài năm, chiều cao của tôi là 1,57 mét chứ không phải 1,60 mét và tôi không phải tín đồ Kitô giáo. Những điều khai đó chẳng làm thiệt hại gì cho ai và nhất là không gây một chút thiệt hại nào cho Tổ quốc mới của tôi cả. Những chi tiết vụn vặt ngăn cản việc di cư của tôi đâu có trở ngại gì tới việc tôi xây dựng lên nhà máy làm đồng hồ này, cung cấp việc làm cho hàng nghìn con người cùng một lúc, tạo dựng nên một nền công nghiệp mới, làm ra tiền và đi đến vinh quang. Thực tế chứng minh rằng thiếu vòm gan bàn chân phải, người ta vẫn có thể là một yếu tố có ích cho cuộc sống. Nhưng giờ đây, pháp luật xuất hiện, nó muốn đi ngược lại với thực tế. Pháp luật muốn trừng phạt tôi, lấy tiền bạc của tôi, tự do của tôi và trục xuất tôi đi mặc dầu là trái ngược hoàn toàn với thực tế. Vì sao lại cấm tôi di tản chỉ vì chân phải của tôi thiếu chút vòm gang?
Bây giờ thì ai cũng rõ, một người thiếu vòm gang chân phải vẫn làm nên được những công trình mang tính chất xây dựng. Một người có những chiếc răng khập khiễng vẫn có thể làm nên được một cái gì. Tôi, tôi đã làm được như vậy... Cớ sao pháp luật lại muốn trừng phạt tôi? Phải chăng chỉ vì một lẽ duy nhất nó là pháp luật? Đó là một lý do không đầy đủ.
Bác sĩ Rudolf Brunn cùng với Ante Petrovici đi dạo quanh vườn.
- Giá anh biết được, từ khi tôi bước chân tới cái đất Achentina này, tôi đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ! - Ante Petrovici nói - Gặp một tên cảnh sát ngoài đường, tôi phải dừng bước lại sợ hắn nhìn thấy tôi đi khập khiễng. Vào một cơ quan hay một nơi công cộng, tôi vội vàng tìm một cái ghế để ngồi. Tôi sợ phải đứng. Tôi sợ người ta để ý thấy rằng tôi thấp mất ba phân so với chiều cao trong giấy tờ nhận dạng của tôi. Trong mỗi người phụ nữ tôi ưa, tôi thấy đó có thể là một gián điệp len lỏi vào cuộc đời tình cảm của tôi để biết được có phải tôi là một tín đồ Hồi giáo. Vậy là tôi lánh mặt đàn bà. Tôi đã muốn tới gặp ông tổng thống, thú nhận tất cả và xin khoan hồng về chuyện khai man trước ngày di tản của tôi. Tôi đã không đủ can đảm làm việc đó. Bây giờ thì muộn quá mất rồi. Tôi đành phải ẩn náu trong cái nhà thương điên này, hoặc chấp nhận vào tù và bị trục xuất. Tình thế éo le là như vậy. Tôi đã mệt mỏi lắm rồi. Tôi không còn đâu sức lực nữa để đấu tranh.
Bác sĩ Rudolf Brunn nắm lấy cánh tay Ante Petrovici.
- Chúng ta sẽ sớm tìm ra một lối thoát. Achentina là một đất nước mà con người còn ít nhiều mang tính nhân đạo. Anh có nhiều bạn bè. Anh được nhiều người quý mến. Mọi chuyện sẽ thu xếp được thôi. Đây chỉ là vấn đề thời gian, một vài ngày hay cùng lắm là vài tuần.
Một phụ nữ lịch sự dáng điệu rụt rè bước tới cạnh hai người.
- Thưa bác sĩ, tôi phải thông báo với bác sĩ một điều cấp bách. - Nàng nói (những móng tay đỏ chót của nàng bấm sâu vào làn da trắng bàn tay) - Bác sĩ có thể nghe tôi nói một lúc được không? Việc rất hệ trọng và cấp bách, rất cấp bách.
Bác sĩ Rudolf toan bước đi.
- Một con bệnh của tôi đó. - Ông ta nói - Tên nàng là O’Hara, vợ một kỹ nghệ gia lớn người Anh.
- Tôi cứ nói chuyện với Ngài tuy rằng chưa quen biết và xin Ngài thứ lỗi. - Nàng nói với Ante Petrovici. - Đang xảy ra những sự kiện bất thường và nghiêm trọng, cho nên tôi phải nói. Các ngài có biết họ làm gì không? Chao ôi, thật là kinh khủng! Tối nay, họ muốn thiêu tôi! Họ sắp sửa thiêu sống tôi, đêm nay!
Những móng tay của bà O’Hara càng bấm sâu vào gan bàn tay tái ngắt.
- Thật không thể nào tin được! Thiêu sống một người đàn bà, trong thế kỷ chúng ta? Ngay giữa nền văn minh Kitô giáo? Không thể nào tin được! Xử thiêu sống một người đàn bà! Tôi không biết vì sao tôi bị kết án, vì lý do nào mà bị kết án, không cả biết người kết án tôi là ai! Tôi không biết họ có quyền gì và căn cứ luật pháp nào mà xử án tôi. Đêm nay họ sẽ thiêu sống tôi.
- Ô, thưa bà, không đúng đâu? - Bác sĩ Rudolf nói.
- Bác sĩ muốn an ủi tôi thôi, nhưng là sự thật đó, thưa bác sĩ - Bà O’Hara nói. - Tôi biết chuyện này có vẻ phi lý, không ai tin được. Nhưng tiếc thay nó là sự thật! Họ sắp đem đi thiêu sống tôi!
- Bác sĩ Ante Petrovici đây là bạn thân của tôi. - Bác sĩ Rudolf nói - Ông là một bệnh nhân mới vào. Ông ở phòng ngay cạnh phòng bà.
- Ngài sẽ ở buồng ngay cạnh tôi ư? Nếu Ngài ở buồng cạnh tôi thì Ngài sẽ được chứng kiến. Ngài sẽ thấy tối nay họ đến thiêu tôi. Đây là một hành vi ghê tởm, rùng rợn và không thể nào tin được, trong một thế kỷ văn minh và Kitô giáo. Họ sẽ thiêu tôi mặc dù tôi không làm gì cả. Tôi hoàn toàn đã không làm gì cả. Và cái điều làm tôi sôi tiết nhất là không biết kẻ nào đã kết án tôi. Nếu Ngài ở buồng bên cạnh tôi thì Ngài sẽ là người chứng kiến.
Từng bước nhỏ chậm chạp, bà O’Hara bước đi, móng tay vẫn bấm vào lòng bàn tay nước da mịn màng mà tái nhợt.
- Nàng đã trải qua những vụ oanh tạc ở London. - Bác sĩ Rudolf kể - Trong chiến tranh, nàng đã chịu đựng tất cả một cách thật anh hùng. Từ ngày đến Achentina, chồng nàng là chủ một nhà máy sản xuất xe hơi ở đây, thì nàng ngả bệnh. Người ta đã phải đưa nàng tới nhà thương này. Nàng luôn luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ quyết đoán rằng người ta đã xử tội nàng phải bị thiêu sống. Ngày nào cũng như ngày nào, nàng thức dậy từ năm giờ sáng và tự giày vò mình với cái ý nghĩ trên.
Cuộc gặp gỡ này xúc động Ante Petrovici tận sâu thẳm của tâm hồn. Ông quên khuấy đi rằng ông tới đây là để trốn tránh sự bắt bớ. Ông quên tình huống bản thân ông. Ông nghĩ tới những lời bà O’Hara nói: “Vì sao họ lại kết án tôi bị thiêu sống?” Lidia, vợ của Petrovici, đã bị xử thiêu. Và Lidia đã bị thiêu thực sự.
- Vì sao người ta đã xử thiêu Lidia? - Petrovici tự hỏi mình - Ai đã kết án nàng? Và lấy quyền gì để kết án nàng?
Ai đã kết án Lidia phải bị thiêu sống? Lidia đã bị kết án và đã bị thiêu sống ngay giữa cái thế kỷ Kitô giáo và giữa nền văn minh đang phát triển. Sáu triệu người Do Thái đã bị chết thiêu. Vài triệu người Đức đã bị chết thiêu dưới đống gạch vụn của những thành phố Đức bị máy bay Mỹ ném bom, cùng với mấy triệu người Nhật, người Ba Lan. Vì sao người ta đã thiêu đốt họ? Ai đã xử án họ, nhằm mục đích nào và vì tội gì?
Ngay trong giờ phút hiện tại, có hàng trăm triệu người tị nạn trên mọi nẻo đường thế giới, cả họ cũng đang bị thiêu sống, trên ngọn lửa nhỏ, dần dần: Pierre Pillat, Eddy Thall, Varlaam, Kostaky...
- Anh có nhớ chuyện Candide không? - Ante Petrovici hỏi - Trường đại học Coimbra đã quyết định thỉnh thoảng đốt một người trên ngọn lửa nhỏ để tránh những trận động đất có thể xảy ra. Ngày nay, hàng triệu người cùng một lúc đang bị thiêu, trên ngọn lửa nhỏ, hoặc lửa to nhằm mục đích cho các Chính phủ duy trì với nhau những mối quan hệ hữu hảo. Một vài ngàn quân du kích Nga đã bị người Mỹ thiêu chết để mối tình hữu nghị giữa ông tổng thống Hoa Kỳ với Staline không bị nhạt phai. Tôi đã đích thị nhìn thấy những chuyện này. Một nửa Châu Âu với tất cả thành phố, làng mạc, người và gia súc đã bị dâng cho quân Nga hủy diệt là để cho người Anh có mức sống cao hơn và cho người Mỹ bán được ở món hàng Coca Cola của họ dễ dàng hơn tại Nga. Nhưng bao nhiêu người đã bị giết, người Anh vẫn không có được mức ăn cao hơn mặc dù họ đã bán cho người Nga những con người của Ba Lan, Hungary, Bungary, Estonie, Lettonie, Lithuanie, Phổ, Đức, Albanie... Những nước phương Tây lấy quyền gì để bán cho nước Nga những đất nước nói trên cùng với hàng triệu con người? Người Anh lấy quyền gì để bán cho Nga những người dân nước Lithuanie? Duy nhất chỉ vì những mục đích chính trị. Chính trị, chính là tiếng hát thiên nga của một nền văn minh.
- Hãy bình tĩnh! Anh bạn đồng nghiệp thân mến ơi! - Bác sĩ Rudolf bảo. - Những câu nói của bà O’Hara đáng thương đã gây cho anh một ấn tượng sâu sắc. Tình huống quả là đáng xúc động. Nhưng mà anh phải giữ gìn sức khỏe của anh. Đừng nhìn sự việc bằng con mắt quá bi quan như vậy!
- Bà O’Hara nói đúng. - Ante Petrovici đáp. - Nàng biết mối tai họa lớn của thế giới hiện đại là con người đang bị thiêu sống. Bà O’Hara sẽ không bao giờ bị thiêu sống, nhưng đang cảm thấy mối tai họa đó trong bầu khí quyển tại mọi quốc gia trên toàn cầu. Vợ của tôi không hề sợ, tuy vậy nàng vẫn bị thiêu. Tướng du kích Gisha Costak đâu có biết mình sẽ bị người Mỹ thiêu, nhưng ông ta đã bị người Mỹ thiêu thật. Cái sợ của bà O’Hara là hoàn toàn có căn cứ.
- Nào, nào! - Bác sĩ Rudolf vừa nói vừa nắm lấy cánh tay Ante Petrovici.
Họ lên sân thượng.
- Hàng mấy năm nay, tôi cũng cảm thấy tôi đang bị đốt cháy.- Ante Petrovici nói. - Tôi bị đốt cháy trên ngọn lửa mấy năm nay rồi, bởi vì chân phải của tôi bị ngắn đi vài milimét. Bây giờ thì đám cháy đã bùng lên. Ngày hôm nay, người ta sắp xuống một cái lệnh bắt tôi vì chân phải của tôi hụt vài milimét. Để lẩn tránh bắt bớ, tôi phải nương mình trong một nhà thương điên. Tất cả những nỗi đó, chỉ vì bàn chân phải của tôi phẳng bẹt.
Ante Petrovici ở lại một mình. Ông cầm tờ báo xem: người ta đang nói đến cuộc chiến tranh thánh của Hoa Kỳ tại Triều Tiên. Tướng Mac Arthur đã làm nên những chiến thắng mới chống Cộng sản. Ở cột báo bên cạnh, người ta đọc thấy: Ông chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc - tức người đang chỉ huy cuộc chiến tranh chống Cộng sản tại Triều Tiên là ông Cộng sản Malik. Vậy là Liên hiệp quốc, dưới quyền chỉ huy của Staline do Malik đại diện chống lại Staline. Malik chiến đấu chống Malik. Mac Arthur nhận chỉ thị của Malik để đấu tranh chống lại Malik Ante Petrovici giụi mắt.
Ông nhìn thấy bà O Ham.
- Bà có muốn chúng ta nói chuyện một lúc không? - Ông hỏi.
- Không! Tôi chỉ muốn Ngài hiểu tôi. Trước kia tôi đọc rất nhiều. Tôi đã từng yêu nghệ thuật và cái đẹp. Bây giờ tôi không nói được nữa. Tình huống của tôi thật là đặc biệt. Giờ đây khi tôi biết đêm nay tôi sẽ bị người ta thiêu cháy, Ngài bảo tôi làm sao có thể nói chuyện được nữa và cái khủng khiếp nhất là không biết vì sao mình đã bị xử án và không biết ai đã xử án tôi. Một việc tày trời như vậy làm sao lại có thể xảy ra trong một thế kỷ gọi là văn minh được kia chứ? Không ai có thể giúp đỡ cho tôi và đây quả thật là một tấn bi kịch. Không một ai, không một người nào có thể đến cứu trợ tôi. Tôi quan hệ khá rộng rãi, vậy mà chẳng ai làm gì được cho tôi cả.
Ante Petrovici trở vào buồng mình. Ông suy nghĩ. Ông cũng có nhiều quan hệ rộng rãi ở Achentina. Ông quen tất cả những thành viên của Chính phủ. Và chẳng một ai làm gì được để ngăn cản lệnh bắt giam ông. Khi người ta thiêu sống Lidia thì ông đang làm Bộ trưởng bộ Nội vụ. Ông đã không thể làm gì được cho nàng. Chồng của Milostiva Debora Paternik là Quốc trưởng của Quốc gia độc lập và cũng không làm gì được cho bà. Không ai có thể làm gì được cho ai nữa, tai họa lớn quá mất rồi!
Con người bị thiêu đốt dần dần trên ngọn lửa nhỏ. Vị tướng quân du kích Costak là đồng minh của các nước Đồng Minh và các nước Đồng Minh đã không ngăn cản nổi người ta thiêu sống ông. Không ai có thể làm gì cho ai nữa.
Ante Petrovici cảm thấy cái nhìn của mình nhòa đi, bị đảo lộn. Ông bị choáng, ông nằm dài lên chiếc đi-văng và nhắm mắt lại. Nhưng khi mắt nhắm là lý trí cũng đồng thời tắt đi.
Một đêm tối bao phủ lấy quanh mình ông và giờ đây ông có cảm giác dễ chịu lạ thường. Tinh thần ông đã chết. Và cái chết tinh thần đối với Petrovici chính là một sự hạ xác khỏi cây thập tự. Sự chìm sâu xuống vực tối của ông. Trong bóng tối, có hòa bình và yên tĩnh. Cuộc đóng đinh vào cây thập tự đã chấm dứt rồi. Trong bóng tối, ông cảm thấy dễ chịu. Ante Petrovici không còn bị đóng đinh vào cây thập tự nữa. Lý trí đã đầu hàng và nhường chỗ cho bóng đêm. Ông cảm thấy có một bàn tay đặt lên mình ông. Ông nghe thấy một giọng nói mà không nhớ đã nghe bao giờ.
- Mọi việc đã được xếp đặt ổn thỏa với các nhà chức trách. Việc khiếu tố anh đã được dập tắt. Phu nhân của Tổng thống đã đích thân can thiệp cho anh. Anh có thể đi lúc nào anh muốn. Anh được ân xá rồi.
Bác sĩ Rudolf Brunn rất sung sướng. Ông cầm tay Ante Petrovici.
- Thắng lợi này đáng cho chúng mình mở nút một chai sâm banh! - Ông ta nói - Đây là một thắng lợi lớn. Achentina là một đất nước tuyệt vời không đất nước nào sánh được. Đó là lý do khiến cho tôi tin tưởng vào tương lai của Achentina.
Cái cử chỉ hào hiệp ấy càng tăng thêm vinh dự cho nó. Anh là một con người có phẩm giá cao thượng. Người ta không thể xử án anh vì những chuyện không đâu. Bắt đầu từ hôm nay anh sẽ hạnh phúc. Anh hiểu không, kollega [1]?
Ante Petrovici nhìn lên, thanh thản và thoải mái.
- Anh có vẻ tươi tỉnh hơn - Bác sĩ Rudolf nói. - Anh đã hồi sức lại. Tôi vui mừng cho thắng lợi của anh. Anh xứng đáng chiến thắng. Anh là một bản lĩnh, một bản lĩnh lớn trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người: nhà toán học, nhà luật học, nhà bách khoa và giờ đây nhà kỹ nghệ lớn.
- Có đúng trước kia tôi đã ở Nam Mỹ không nhỉ? - Ante Petrovici hỏi.
- Hiện anh đang ở Nam Mỹ. Anh quên rồi sao?
Con mắt của Ante Petrovici mở to, nhìn vào nơi xa xôi. Ante có vẻ mỉm cười. Trước khi nghe câu trả lời, anh đã không còn chú ý lắng nghe nữa.
- Du bist doch in America [2].- Rudolf cầm tay ông và nói.
Đôi mắt của Ante Petrovici mở to. Ông không nghe gì cả. ông nằm yên tĩnh, chìm sâu trong bóng đêm. Người ta đã hạ xác ông xuống khỏi cây thập tự của mình. Sự đóng đinh vào cây thập tự của ông đã chấm dứt. Lý trí của ông đã chìm vào trong đêm, trong nấm mồ, trong bóng tối.
- Tu es en Amérique du Sud. - Bác sĩ Rudolf Brunn nói - Anh có nghe tôi nói không? You are now in South America.
Nhưng Ante Petrovici không còn hiểu một ngôn ngữ nào nữa. Ông không còn biết gì nữa. Cuộc chiến đấu của ông đã xong... Ông nhìn trong đêm. Lý trí ông đã chìm vào bóng tối.
- Ante, mein Freund - Bác sĩ Rudolf nói - my friend... mon ami... amigo mio.. [3]
Nhưng Ante không còn nghe ông nữa. Ông ta sẽ không còn nghe gì nữa, không bao giờ nghe gì nữa.
Chú thích:
[1] Bạn đồng nghiệp.
[2] Hiện anh đang ở Nam Mỹ.
[3] Bạn của tôi.