Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Cuốn sách về sự kết thúc

     oris Bodnariuk đã rời Paris nhờ có số tiền của ông Voivod. Anh cũng muốn báo trước cho Bucarest biết, nhưng anh đã không làm như vậy. Anh nghĩ khôn ngoan hơn hết là đừng báo cho một ai, cứ việc bí mật trở về rồi tới dự vụ xử án ông Thống soái.
Anh đi qua nước Pháp. Anh đi qua nước Đức. Đêm trước khi vượt qua đất Xô Viết, anh bị quân Mỹ bắt. Anh bị dẫn đến trước mặt Aurel Popesco, bị thẩm vấn, bị tra khảo để khai báo sự thật. Và khi anh thấy mình sắp trầm luân đến nơi thì tập trung những nghị lực cuối cùng để trốn. Thoát khỏi một nhà giam Mỹ là đồng nghĩa với một ý đồ tự sát. Vậy mà anh đã thành công.
Sau khi bấu mình cheo leo dưới một toa tàu hàng, anh đã theo tàu lọt vào được đất Rumani. Boris Bodnariuk đã băng ngang qua đất Hungary và Ba Lan. Anh có ý định tới Bucarest mới xuống. Nhưng chuyến tàu đã dừng bánh ở phía Bắc Rumani. Bodnariuk tới trình diện với viên cảnh sát trưởng thị trấn Molda. Đây là cái huyện đầu tiên của Rumani mà anh đã đưa vào tập thể. Giờ đây, các nông trang tập thể đang hoạt động tại mỗi làng. Đất đai đã được chuyển thành nông trang.
Người ta xây đắp những con đường mới, những nhà máy. Nông dân đã được chuyển thành công nhân.
Boris Bodnariuk nhìn thấy tất cả những cái đó lúc đi ngang qua các làng. Ở Molda đã có một xưởng sản xuất đồ hộp, những máy kéo, một nhà giam xây gạch đỏ và một sân bay.
- Các đồng chí hãy báo cho cấp trên rằng Boris Bodnariuk đã tới trụ sở các đồng chí và yêu cầu được đưa ngay về Bucarest. Tôi chính thức trao bản báo cáo này cho các đồng chí. Tôi đợi ở đây. Tôi không thể nào tiếp tục cuộc hành trình một mình được.
Boris Bodnariuk mặc bộ quần áo rách rưới tả tơi.
Chiếc măng tô da của anh đã bị hỏng. Anh không có tất chân, không có cả sơ mi. Nhưng anh lấy làm vui sướng được trở về giữa những người Cộng sản. Được trở về nhà. Bây giờ đây anh không còn bị bao vây giữa những quân thù nữa. Và bởi anh không còn luôn luôn phải ở tư thế “ai đó?” nữa, cho nên anh cảm thấy người anh kiệt sức, rã rời.
Viên trưởng đồn cảnh sát báo cáo lên cấp trên. Anh nhường buồng riêng của anh cho Boris Bodnariuk, mang quần áo cho anh thay, dọn cho anh ăn uống và gọi bác sĩ tới. Nhưng muộn quá rồi. Boris Bodnariuk chỉ muốn có một ly nước và một cái giường. Anh đang lên cơn sốt và cảm thấy mình không còn đâu hơi sức nữa.
Trưởng đồn cảnh sát Molda là một người Nga trẻ, thuộc lớp vệ binh mới. Anh ta sung sướng được gặp Bodnariuk. Anh tự tạo ra cho mình một mối liên hệ quan trọng.
Bodnariuk là một nhân vật thần thế. Viên đồn trường cảnh sát biết địa vị của mình có thể có sự đổi thay nhờ Bodnariuk. Anh ta săn sóc Bodnariuk hết lòng.
Hôm sau, trước khi Bodnariuk thức dậy, viên trưởng đồn đã lên thành phố để đích thân nhận các chỉ thị của cấp trên về vấn đề Bodnariuk. Giám đốc cảnh sát khu vực đã báo cáo bằng vô tuyến lên cho Bucarest nắm được sự việc rồi. Vài giờ sau đã có điện trả lời: Bucarest không gửi máy bay xuống đón Bodnariuk đâu, ôtô cũng không, xe cứu thương cũng không.
“Ban Tham mưu đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra thường lệ nhằm xác định căn cước của con người tự xưng là Boris Bodnariuk ấy. Sau đó, cứ theo thủ tục. Đây là lệnh”.
- Đồng chí cho rằng ông ta không phải Boris Bodnariuk à? - Viên trướng đồn cảnh sát Molda hỏi.
- Đồng chí được lệnh điều tra căn cước thật của ông ta và thông báo lên trong báo cáo hàng tháng. Vậy thôi, tôi không thể bình luận gì hơn cả. Nhưng khi đó là lệnh, có nghĩa là ông khách của đồng chí chẳng có một liên quan nào với Boris Bodnariuk cả. Đó là một gã bịp bợm.
Viên trưởng đồn cảnh sát trở về đồn, bừng bừng nổi giận.
Boris Bodnariuk vẫn còn ngủ. Người ta dựng anh dậy, gọi vào văn phòng để thẩm vấn.
Bodnariuk đến trước mặt viên trường đồn cảnh sát trong bộ quần áo mới nhận hôm qua, với một chiếc sơ mi sạch sẽ.
Anh đã tắm rửa, đã cạo râu, nét mặt anh tươi tắn hẳn lên. Từ hôm trốn khỏi trại giam của quân Mỹ, anh chưa một đêm nào được ngủ thật ngon lành. Đây là đêm đầu tiên anh có được một giấc mơ thực sự. Cơ thể anh đã phục hồi sức sống kiên cường của nó trước kia. Anh muốn ngồi. Một nụ cười bằng lòng thoáng hiện trên môi anh. Rốt cuộc, anh đã đạt được mục đích.
- Ai cho phép anh ngồi? - Tên trưởng đồn cảnh sát hỏi.
Bodnariuk mà vừa đây được gã viên chức này đối xử như một nhân vật lừng danh. Tưởng y đùa, anh mỉm cười.
Bàn tay của tên trưởng đồn tát mạnh và má Bodnariuk, một tát bên trái, một tát bên phải. Bodnariuk cắn vào môi và máu từ đôi môi chảy giọt xuống cằm. Anh cảm thấy trong miệng có mùi vị bạc hà đăng đắng - cái mùi vị anh đã cảm thấy khi anh bị rơi cùng với chiếc máy bay.
- Người ta không đùa giỡn tôi được đâu. - Tên đội trưởng cảnh sát nói - Tôi đã biết hết sự thực.
Hắn lắc chuông. Một dân quân vào, định chào Bodnariuk trước. Nhưng thoáng thấy miệng anh chảy máu, anh dân quân xấu hổ liền rụt tay khỏi chiếc mũ lưỡi trai. Anh ta nhìn viên trưởng đồn.
- Lột hết quần áo, sơ mi, cà vạt nó ra! Lột hết! Để nó mặc lại những tấm giẻ rách của nó! - Tên đồn trưởng ra lệnh. - Sau thì dẫn nó giam vào hầm kín. Mày nhằm mục đích gì mà dám tự xưng là cựu Bộ trưởng và tên là Boris Bodnariuk hả? - Viên đồn trưởng hỏi.
- Tôi không nói dối. Tôi là Boris Bodnariuk.
Tên đồn trưởng nhảy một phát ra khỏi ghế. Hắn toan đánh Bodnariuk. Tên dân quân đã trở lại với gói quần áo rách và ra lệnh cho Bodnariuk cởi chiếc quần ra.
- Lột nết cả sơ mi, giày, tất tần tật! - Tên dân quân bảo.
Bodnariuk làm đúng như lệnh. Anh cởi trần ra, sau đó anh xỏ chân vào đôi giày ống rách của anh, không tất. Anh khoác tấm áo choàng da lên tấm thân trần và quấn chiếc khăn quàng vào cổ. Anh mặc lại chiếc quần đen thủng lỗ của anh.
- Trả lời! - Tên đồn trưởng ra lệnh.
Một dòng máu chảy từ trên môi xuống tận cằm Bodnariuk, nó cũng đỏ như chiếc khăn quàng của anh trước kia. Giờ đây nó chẳng còn màu gì ra màu gì, nó bẩn. Bodnariuk một lần nữa trở lại rách rưới, bị đánh đập, cảm thấy lần đầu tiên trong đời mình bị người ta làm nhục đến thế.
- Tôi là nạn nhân của một sai lầm nào đây. - Anh nói (anh cố kìm nén sự nổi loạn của mình) - Tôi là Boris Bodnariuk và tôi chỉ nói sự thật.
Tên đồn trưởng nhìn tấm ảnh của Bodnariuk trên một tờ báo cũ và so sánh với nét mặt của con người đang đứng trước mặt hắn. Rất giống. Nhưng cái đó không chứng minh rằng hai người là một.
- Tôi muốn biết sự thật đầy đủ. Tôi không muốn tỏ ra lố bịch trước mặt cấp trên. - Tên cảnh sát nói - Trong lúc tiếp chuyện hôm qua tôi có nhận xét rằng anh không đến nỗi ngu si lắm. Anh còn thông minh hơn nhiều người khác. Anh hãy nói thực cho tôi biết vì sao anh đã dám mạo xưng là Boris Bodnariuk, cựu Bộ trưởng Chiến tranh? Anh đã bịa ra câu chuyện đó nhằm mục đích gì?
- Tôi chỉ nói hoàn toàn sự thật. - Boris Bodnariuk nói.
- Nếu như anh và Boris Bodnariuk là một, thì Bucarest đã gửi máy bay tới đón anh về. Nhưng Bucarest đã chẳng gửi máy bay, gửi xe gì tới cả. Bucarest yêu cầu chúng tôi lập căn cước thật của anh. Anh hiểu chưa? Căn cước thật của anh! Anh là ai? Một cựu Bộ trưởng dù có phạm tội đi chăng nữa vẫn được đưa về Bucarest hoặc Moscow. Tại đó, người ta làm một việc thẩm tra. Và nếu ông ta là kẻ phạm pháp thì người ta treo cổ. Còn anh, chúng tôi đã nhận được lệnh giữ anh lại tại chỗ để điều tra căn cước. Chỉ vẻn vẹn thế thôi. Với một cựu Bộ trưởng, không bao giờ người ta xử lý như vậy Tôi muốn biết sự thật.
Tên đồn trưởng bước tới cạnh Bodnariuk.
- Người ta không cả bảo tôi dành một chế độ gì đặc biệt cho anh. Phiếu bình thường như mọi người thôi.
- Đây là một sự lầm lẫn! - Bodnariuk đáp. - Một sự lầm lẫn nghiêm trọng.
- Không, làm gì có chuyện lầm lẫn! - Tên đồn trưởng nói.
- Cái lầm lẫn duy nhất là cái lầm lẫn của tôi, bởi vì tôi đã tin cái điều anh nói hôm qua. Đó, lầm lẫn là ở chỗ đó. Cái lầm lẫn lớn nhất trong cả đời công tác của tôi.
Hai cái tát mạnh lại giáng vào má Bodnariuk. Anh lảo đảo. Tên đồn trưởng bắt đầu nện những quả đấm lên đầu Bodnariuk. Anh ngã nhào xuống đất. Anh cảm thấy có những mũi giày đá vào đầu, vào hông, vào ngực anh. Cái gót giày giẫm đạp lên anh nóng lắm. Anh cảm thấy cái chân nóng của tên cảnh sát qua làn da của đôi giày.
- Tao muốn mày thú nhận sự thực với tao. - Tên đồn trưởng thét.
Bodnariuk có cảm giác người ta nâng bổng anh lên đưa ra khỏi văn phòng. Rồi anh thấy mình bị ngạt thở. Anh bị ném xuống nền xi măng. Người ta đã đặt lên ngực anh một mảnh ván để khỏi làm gãy xương sườn, rồi một tên dân quân đứng lên trên mà chà mà đạp.
Boris Bodnariuk không rõ cái hành vi dã man đó kéo dài bao nhiêu lâu. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình bị đặt nằm trên hai chiếc ghế. Họ đang đánh anh, đang nện vào lòng bàn chân anh.
Lòng bàn chân anh đau như bị một tấm sắt nung đỏ áp vào. Anh cảm thấy bị cháy suốt lên tận đỉnh đầu. Óc não anh bị nát nhừ như thể tấm sắt đỏ cũng dí vào óc não anh vậy.
Khi anh ngã lăn ra đất thì những vết cháy cũng chấm dứt.
- Tao muốn sự thật! - Tên đồn trưởng nhắc lại.
Cái giọng nói ấy cũng làm cho Bodnariuk đau nhói không kém gì những quả đánh vào gan bàn chân.
- Nếu mày không nói sự thật, tao giết mày. Tao giết mày ngay tại chỗ! Và chẳng ai biết là tao giết! Nếu mày muốn cứu lấy cái thân của mày thì hãy nói sự thật!
Boris Bodnariuk muốn nói lại rằng đây là một sự lầm lẫn, nhưng anh không còn hơi sức nói nữa. Vả lại anh cũng không biết có phải đây là một sự lầm lẫn hay không. Anh chỉ biết anh không còn có khả năng chịu đựng nữa rồi. Chỉ muốn chết chứ không muốn bất cứ điều gì khác nữa cả.
Khi anh mở mắt ra lần nữa thì thấy mình đang ở trong một xà lim kín, nằm ngay trên nền xi măng. Xà lim trống trải, không giường, không có gì. Chỉ có những bức tường, những song sắt và cái nền xi măng trên đó anh đang nằm. Anh nhìn xung quanh lâu lắm, rồi anh chẳng nhìn gì nữa, anh không nhìn thấy bàn tay, không nhìn thấy ngực của mình. Anh mân mê sờ lên môi, lên mặt. Anh cảm thấy nó là của anh nhưng lại có cảm giác như mới phát hiện ra nó là những vật xa lạ, ngoài anh. Anh sờ lên trán. Mí mắt, làn môi, đôi má, cái ngực đều nhớt nhát và đau. Boris Bodnariuk lấy ngón tay sờ vào mí mắt.
Mắt trái nhắm. Chết. Anh nhìn thấy ánh sáng bên ngoài nhưng chỉ bằng con mắt phải.
Trên các bức tường xà lim người ta đã vẽ đầy những hình thập tự. Boris Bodnariuk đã nhìn thấy bằng một con mắt. Đó là những hình thập tự vẽ lên thạch cao bằng móng tay. Cũng có một cái tên nữa: Ileana Kostaky. Một hình thập tự trước cái tên, và sau cái tên là một hình thập tự khác. Boris Bodnariuk không nhìn nữa. Những người Kulăc khi họ ở tù thường có thói quen vẽ những hình thập tự lên tường.
Cánh cửa xà lim mở ra, và Bodnariuk có cảm giác người ta nâng bổng anh lên và dìu anh ra phòng làm việc của tên đồn trưởng cảnh sát. Giờ đây, tên cảnh sát đã bình tĩnh. Hắn nhìn tấm áo choàng da của Boris Bodnariuk. Chỉ là một tấm giẻ rách. Chiếc khăn quàng đỏ cũng không còn màu đỏ nữa.
Những đầu ngón chân tê cóng thò ra ngoài mũi giày há mồm.
Boris Bodnariuk không cạo râu, một mắt anh vẫn nhắm. Người anh đầy máu, và cái sẹo trên trán anh giờ đây có vẻ như rộng hơn và đỏ hơn.
- Ta tổng kết lại, đồng chí Bodnariuk? - Tên cảnh sát nói - Có đúng đó là cái tên đồng chí đã chọn cho mình đấy chứ?
- Đó là tên tôi.
- Một cái tên, rất quen thuộc trong lịch sử của Đảng Cộng sản. - Tên cảnh sát nói - Đó là tên của vị cựu Bộ trưởng Chiến tranh, cái tên một vị anh hùng của cuộc đấu tranh giai cấp, của một vị tướng Hồng quân. Một cái tên có mặt trên mọi tờ báo. Tìm một cái tên như thế này chẳng khó khăn gì. Ai cũng biết mà. Ta hãy qua sự việc thôi, và xem xét từng sự việc một.
Bodnariuk cố gắng tập trung hết nghị lực của mình. Anh đã không nghĩ đến trường hợp của anh. Anh chỉ mong muốn rọi được chút ánh sáng vào vấn đề này. Anh chăm chú lắng nghe.
- Khi đến đây, đồng chí có một số lời khai. Yêu cầu đồng chí khai lại.
- Sau khi trốn khỏi trại giam của quân Mỹ, ở Heidelberg, tôi đã bí mật lên tàu đi cho tới lúc tàu đỗ lại mới xuống và đi thẳng về đồn. Trong bản báo cáo giao cho đồng chí, tôi đã ghi rõ từng chi tiết cả cái thời gian biểu của tôi từ lúc bị tai nạn máy bay cho tới ngày hôm nay. Vả lại dễ thôi: đồng chí có thể đối chiếu với những người cộng tác của tôi, so sánh những bức ảnh của tôi, mọi người ai cũng đều biết cả. Người ta có thể xác nhận cả giọng nói của tôi qua điện thoại. Sau khi bị tai nạn, mặt tôi có bị biến dạng ít nhiều, quả vậy, nhưng cái đó không trở ngại gì đến việc xác minh căn cước của tôi. Tất cả những điều tôi yêu cầu có thế. Tôi cũng đã yêu cầu cho tôi được về ngay Bucarest vì tôi có một công việc quan trọng cần thực hiện tại đây.
- Tôi tìm thấy cái đoạn sau đây trong tờ báo cáo mà đồng chí đã viết:
“Sứ mệnh của tôi (diệt tên Thống soái của Quốc gia những người Slaves phương Nam) đã thất bại do tai nạn máy bay mà tôi là người duy nhất sống sót. Tại bệnh viện quân sự mà người ta dẫn tôi tới, tôi đã thấy một người bạn học cũ của tôi là Pierre Pillat - cũng đến sau tôi một lúc. Tôi nghĩ ngay là người ta dẫn Pierre Pillat đến để xác minh lý lịch của tôi. Tôi lập tức trốn khỏi viện, bởi vì các sĩ quan Xô Viết ở Vienne tới thăm tôi đã ra lệnh cho tôi tránh đừng để ai xác minh được tôi là ai. Tôi bèn qua Pháp. Trong thời gian này tôi lấy tên là Boris Neva. Các sĩ quan Xô Viết đã yêu cầu tôi cứ giữ cái tên đó. Tôi đã chấp hành mệnh lệnh và tôi chỉ nói tên thật của tôi một khi đã trở về đất Xô Viết tại Molda. Sở dĩ tôi đã vội vàng rời Paris trở về là để hoàn thành một nhiệm vụ mà tôi được giao phó trong vụ án ông Thống soái”.
Tên cảnh sát dừng lại.
- Nhiệm vụ ấy là gì?
- Nhiệm vụ do Đảng giao phó và tôi đã nhận được qua các sĩ quan Xô Viết đã đến thăm tôi tại bệnh viện. Trong vụ án này, tôi đóng vai người bị cáo chính. Tôi phải tự buộc tội bản thân tôi để tố giác tất cả những chuyện phản bội của tên Thống soái. Tôi đã chịu mọi sự hy sinh để khỏi đến chậm trễ. Tôi biết lợi ích của Đảng đòi hỏi phải tổ chức vụ án một cách khẩn trương. Và tôi hy vọng sẽ tới kịp thời tại Bucarest. Vì Đảng, tôi đã nhận một sự hy sinh cuối cùng: hy sinh tính mạng.
- Chúng tôi hiểu rõ sự việc này. - Tên cảnh sát nói, giọng mỉa mai. - Đồng chí phải đóng vai tên đồng lõa số một của tên Thống soái, phải không? Đồng chí tưởng rằng người Xô Viết phải tạo ra những thằng phản bội và dựng lên những tòa án giả ư? Đồng chí lý giải sao cho xuôi những lời khai đó?
Đồng chí tưởng các Xô Viết phải chọn những kẻ vô tội để biến thành người bị cáo trong các vụ án trò hề sao? Đó là những luận điệu tuyên truyền chống Cộng sản, đó là một cử chỉ khiêu khích, một sự nói xấu.
- Một bọn phản bội vẫn thoát được đấy, như Trosky và tên Thống soái chẳng hạn. Tuy vậy vẫn cứ phải xét xử và kết án Nhiệm vụ chính trị đòi hỏi phải làm như vậy. Người ta luôn luôn tìm thấy những phần tử ưu tú trong dân sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, dùng biện pháp tự buộc tội mình để tố cáo trước công luận các giai đoạn khúc mắc của tội ác phản dân hại nước.
- Đó là luận điệu tuyên truyền phản bội! - Tên đồn trưởng cảnh sát nói. - Các Xô Viết không bao giờ làm những vụ án như vậy. Các Xô Viết bao giờ cũng bắt và xử những tên tội phạm thực sự. Kẻ nào bênh vực cho những điều trái lại chính là kẻ phản bội, là kẻ thù phản động. Các Xô Viết đã tóm cổ mọi tên mưu phản của bè lũ tên Thống soái kia lâu rồi. Khi đã tóm được bọn chúng rồi thì cần gì phải sử dụng những tên tội phạm giả vờ và phải yêu cầu đồng chí tự buộc tội mình vì một tội ác do người khác phạm?
- Bọn đồng lõa của tên Thống soái đang ở cả bên kia biên giới mà! - Bodnariuk nói.
- Từ năm 1942, cảnh sát Xô Viết đã để mắt tới tất cả những bọn đồng lõa của tên Thống soái đó. - Tên đồn trưởng đáp - Chúng nó bị theo dõi trên nhiều năm nay. Những cuộc trao đổi điện thoại của chúng đều bị nghe trộm, không một tên nào chạy trốn nổi. Tất cả đều bị bắt. Tên đồng lõa số một là hung thủ người Hungary Rajk. Mọi tờ báo đã đăng lời khai của họ. Đây, đọc đi!
Boris Bodnariuk xem những tiêu đề trên các tờ báo để ở bàn của tên cảnh sát. - Rajk đã thú nhận đầy đủ. - Tên cảnh sát nói. - Sao đồng chí lại còn muốn các Xô Viết cần thiết phải dựng lên một vụ án giả vờ làm gì nữa khi Rajk đã bị bắt và đã khai báo hoàn toàn không thiếu một chi tiết nào? Đồng chí giải thích lời tuyên bố tội lỗi ấy như thế nào đây?
Bodnariuk thấy ngay ở trang đầu tấm hình của Rajk, đồng sự của anh tại Budapest, đang đứng trước các quan tòa.
“Tôi đã phạm tội đồng lõa với tên thống soái ở Quốc gia những người Slaves phương Nam nhằm thiết lập một liên bang Đông Nam châu Âu và đặt nó dưới sự thống trị của Anh-Mỹ”.
Cái đầu đề bài báo viết như vậy.
- Đồng chí thấy rằng trung tâm vụ phản bội của tên Thống soái là ở Budapest chứ không phải Bucarest. Các Xô Viết đã biết chuyện đó từ nhiều năm nay rồi. Các Xô Viết rất cảnh giác. Người ta đã bắt bọn mưu phản vào lúc thích hợp. Rajk đã thú nhận toàn bộ.
Boris Bodnariuk là một người bạn tâm giao của Rajk. Họ từng cùng nhau là sinh viên tại Viện Hàn lâm đỏ Moscow. Rồi họ đã gặp nhau trong các kỳ đại hội. Rajk là một đảng viên Cộng sản hoàn hảo. Boris Bodnariuk không bao giờ nghi ngờ bạn.
Rajk cũng trung thành với chủ nghĩa Cộng sản như chính anh.
“Khi mình rời khỏi bệnh viện” - Bodnariuk suy nghĩ - “không để lại một dấu hiệu gì là mình còn sống, thì các Xô Viết đã coi như mình mất tích. Vụ án tên Thống soái vẫn phải tiến hành. Điện Kremlin đã quyết định phải chọn một anh hùng khác. Rajk đã nhận trách nhiệm đóng thay vai người ta đã trao cho mình - vai người bị cáo chính và đồng lõa của tên Thống soái. Vụ án đã được di chuyển từ Bucarest sang Budapest chỉ vì lý do không có mình ở Bucarest. Rajk đã đóng cái vai của mình. Anh là diễn viên đóng thay mình, vậy thôi. Người ta đã tổ chức buổi biểu diễn tại Budapest chứ không phải ở Bucarest như dự định ban đầu”.
Bodnariuk không để lộ suy nghĩ của mình. Anh vui sướng vì vai của anh đã được một người khác thay thế. Người đó chắc là đã đóng vai mình với một tài nghệ bậc thầy. Rajk không phải là một tên phản bội. Rajk là một anh hùng.
Tên tội phạm Rajk từ lâu đã làm gián điệp cho bọn tư bản. - Tên cảnh sát nói. - Hắn đã thú nhận đầy đủ.
“Đó là điều mà người ta có thể đã nói về mình”. - Bodnariuk suy nghĩ - “Tất cả mọi người có thể sẽ tin rằng mình là tên tội phạm thật. Quần chúng tin. Những vụ án ấy thực tình là có hiệu quả”.
- Đồng chí có thừa nhận là mình nói dối và tất cả câu chuyện vụ án kia là sản phẩm của trí tưởng tượng hoang đường của đồng chí không nào?
- Tôi thừa nhận! Tôi đã nói dối! - Bodnariuk nói. Anh biết rằng mục đích lớn đã đạt được.
- Sau những lời nói dối đó, còn ai có thể tin vào những lời khai khác của anh. - Tên cảnh sát hỏi.
- Người ta có thể tin vào những điều tôi khẳng định. - Bodnariuk đáp.
- Anh sẽ ký một bản tuyên bố qua đó anh thừa nhận toàn bộ câu chuyện về vụ án là dối trá. Thêm một câu hỏi nữa. Tên thật của anh là gì?
Đây là thời điểm nặng nề nhất của đời anh. Hy sinh tính mạng đi còn dễ hơn là tự phủ nhận mình.
- Tên tôi là Boris Neva. - Boris Bodnariuk đáp. Anh đã nói không suy nghĩ. Ở phương Tây, anh đã lấy tên là Boris Neva. Vì vậy anh nhắc lại.
- Thực tên tôi là Boris Neva.
- Thôi đừng bố láo nữa! - Tên cảnh sát quát - Neva là tên một nữ anh hùng lớn. Đó là tên bà nội cuộc Cách mạng chúng ta. Neva không phải là cái tên sinh ra để khoác cho một thằng du thủ du thực loại mày, một cái thùng rác rưởi, một thằng khốn nạn, nghe chưa?
Bodnariuk cắn môi. Cho đến hôm nay, anh không biết rằng anh tha thiết gắn bó với cái tên của mình đến thế.
- Nào, tên thật mày là gì, nói? - Tên cảnh sát quát.
- Boris Bodnar? - Boris Bodnariuk nói.
Đây là lần đầu tiên từ bao nhiêu năm nay anh nói thật tên mình. Anh khai lên cái tên thật của anh mà anh đã bỏ đi, với một niềm tin sâu sắc.
- Thực tế tên gọi của tôi là như vậy: Boris Bodnar. Tất cả những tên gọi khác của tôi đều là giả, là những sản phẩm của óc tưởng tượng của tôi, những cái tên bịa đặt.
- Bây giờ thì cút xéo! - Tên cảnh sát ra lệnh. - Và chấm dứt những chuyện dối trá từ hôm nay. Không ai có thể khoác tên một người khác được! Nếu mày là Bodnar thì xưng là Bodnariuk làm gì? Nếu mày là Bodnar thì sao lại để người ta gọi là Neva làm gì? Đó là những cái tên của những vị anh hùng. Đó không phải là cái tên cho những kẻ tầm thường. Bọn tầm thường bị nện vào đầu thì kêu, bị đánh đập thì chảy máu.
Bodnariuk và Neva đều vượt lên trên sự đau đớn, vượt lên trên chính bản thân mình. Đó là những anh hùng Xô Viết. Mày là Bodnar. Bodnariuk và Neva là một chuyện khác, hoàn toàn khác. Trong trường hợp mà chúng tao không phát hiện ra mày là một tên tội phạm và nếu mày không tiếp tục nói những điều dối trá, chúng tao sẽ tống cổ mày vào trại cải tạo lao động vì tội vô nghề nghiệp, lang thang. Trong đất nước Xô Viết, cả bọn lang thang cũng có dịp may để lao động cho sự nghiệp chung. Vậy là mày sẽ được đưa vào một trại cải tạo nào đó với điều kiện, tao nhắc lại, mày không phải là một tên hung thủ.

II

Boris Bodnariuk bị đưa vào nhà tù xây bằng gạch đỏ của Molda. Qua song cửa sắt, anh có thể nhìn thấy sân bay Piatra - nơi anh đã lên máy bay đi tiêu diệt tên Thống soái người Slaves phương Nam và cũng là nơi mà Anatole Barsov bỏ trốn. Boris nhìn tất cả những cái đó bằng một con mắt. Con mắt kia, mắt trái, chết rồi. Anh nhớ tới Paris, nhớ tới sứ quán Xô Viết mà anh không làm sao bắt liên lạc được sau khi trở về, đến những cố gắng của anh nhằm có mặt tại vụ án Bucarest mà anh đã đến quá muộn màng. Anh đã được Rajk thay thế. Vụ án đã được xử tại Budapest chứ không phải tại Bucarest. Boris hiểu tất cả những điều đó, nhưng có một điều anh không làm sao hiểu nổi là việc Bucarest đã bỏ rơi anh ở đây, trong cái làng quê hẻo lánh này cho một tên cảnh sát tùy nghi hành hạ?
“Đây là một sự lầm lẫn!” Bodnariuk tự nhủ. “Nếu ta bị tình nghi chuyện gì thì người ta phải dẫn ta về Bucarest và thẩm vấn. Ta sẽ phải xét xử và kết án chứ. Rõ ràng có một sự nhầm lẫn, không nghi ngờ gì nữa!”
Bodnariuk nhìn ra sân bay Piatra. Anh rất muốn biết mình đã sai phạm điều gì. Anh có cảm giác tội lỗi nhưng không tìm ra cái tội của mình.
Bodnariuk nghĩ rằng giờ đây anh đã được ghi tên vào sổ tù dưới cái tên thật của anh, Boris Bodnar. Người ta đã cách chức anh, lột hết mọi quyền hạn, lột hết cả quân hàm, ngạch bậc của anh. Người ta đã tước đi của anh cái tên Bodnariuk.
Bây giờ tên anh là Boris Bodnar như lúc anh ra đời. Chính với cái tên ấy mà anh đã trốn sang Nga. Bây giờ cũng như thuở trước đó, anh trở lại rách rưới, như hệt khi anh bị đuổi khỏi trường quân sự Kichinev. Hoàn toàn y hệt như vậy.
Tất cả mọi công trình xuất sắc của anh như cải tạo khí hậu, thành lập đạo quân du kích, Cộng sản hóa Rumani, cải tạo lại quân đội... đều do Bodnariuk thực hiện hoàn thành. Anh có cảm giác Bodnariuk là một con người nào khác, một con người xa lạ. Anh đã trở lại là Boris Bodnar, tức chính bản thân anh lúc đầu Anh đã trở lại với những bộ áo quần tả tơi anh đã từng mặc trước khi anh trở thành Bodnariuk, trở lại với chuyện bị đuổi học trước khi là Bodnariuk, với sự cô đơn trước kia. Anh đã lấy lại cái tên của anh trước ngày anh làm nên cả một thiên huyền thoại. Thực ra, Bodnariuk chỉ là một ảo ảnh. Còn anh, anh là Boris Bodnar. Trong hầm tối của anh, cô độc, rách rưới, bị mọi người xua đuổi, ốm đau, bị đánh đập, anh chỉ còn lại là một con người. Boris Bodnar là một con người. Anh cảm thấy mình già. Anh đau đớn trong cơ thể của anh. Anh cũng đau cả trong tâm hồn.
Trước kia, chỉ có Boris Bodnar là thực - anh nghĩ - và khi mình chết thì chính là Boris Bodnar sẽ được đem đi chôn, bởi vì Bodnariuk sẽ không chết bao giờ. Bởi Bodnariuk là một huyền thoại. Nó đã xuất hiện chứ không phải sinh ra và sẽ không thể nào chết được.
Anh đã tranh đấu suốt đời cho vinh quang của Bodnariuk.
Và chẳng làm gì cho Boris Bodnar.
Anh nghe thấy những tiếng kêu ở xà lim bên cạnh. Anh lắng tai nghe. Hai người đàn bà đang gây chuyện cãi cọ nhau, một người còn trẻ, giọng the thé quả quyết, và một bà già. Họ đánh nhau. Boris nghe tiếng bọn gác tù mở cửa xà lim hai người đàn bà.
- Bà ta muốn để ngỏ cửa sổ xà lim! - Giọng trẻ nói.Từ sáng nay, từ lúc tôi vào, bà ấy không chịu đóng cửa sổ.
- Nếu đóng cửa sổ lại, tôi sẽ tự tử. - Bà già trả lời. - Hàng bao nhiêu năm nay trong tù, tôi có bao giờ bị đóng băng chút nào đâu? Chị ta còn trẻ và chỉ mới vào đây vài tiếng đồng hồ. Chị ta cũng sẽ chẳng đóng băng đâu mà sợ, dù mọi cửa sổ có mở toang ra.
Bà già khóc.
Bodnariuk nghe tiếng bọn gác tù muốn đóng cửa sổ lại.
Chúng bảo rằng quy chế nhà tù bắt phải đóng cửa sổ. Bà già liền lăn xả vào bọn gác. Chúng đánh bà, bà ngã xuống. Bà lại đứng lên và lại toan mở cửa sổ. Bà lại bị đánh nữa. Bà kêu lên.
Bodnariuk nghe tiếng đấm thùi thụi, những cái tát vào mặt và những tiếng gào. Sau đó, người ta lôi bà ra khỏi xà lim.
Bà là Ileana Kostaky. Bao giờ bà ta cũng chỉ có một mình trong xà lim của bà tại Molda. Đó là một nữ tù nhân yên tĩnh, không gây chuyện với bọn lính gác bao giờ. Bà ta cầu nguyện và nhẫn nhục chờ đợi. Đêm vừa rồi lại có thêm những vụ bắt bớ mới và người ta đã đưa một người đàn bà khác vào xà lim của Ileana Kostaky vì trại giam thiếu chỗ.
Bodnariuk lắng nghe giọng nói của người đàn bà phân trần với bọn lính gác. Bà già nói rằng chồng bà ta đã trốn vào rừng. Bà không hy vọng gì còn được gặp chồng vì bà ta đã bị kết án tù mười lăm năm và bà ta biết mình sắp chết trong nhà tù. Nhưng ngay từ hôm đầu tiên bà ta để cửa sổ mở cả ngày đêm. Bà ta tưởng tượng rằng nếu chồng bà chết thì linh hồn ông sẽ đến với bà dưới dạng một con chim câu để cùng bà nói lời vĩnh biệt. Bà để cửa sổ ngỏ để hồn của chồng bà vào được trong xà lim.
Người ta đưa bà già vào trở lại. Người ta đã đánh đập bà.
Người ta đã trói cả chân tay bà để bà khỏi bò ra cửa sổ.
- Tôi phải mở cái cửa sổ này ra. - Bà ta thét. - Nếu chồng tôi chết, hồn ông không thể nào vào được tại đây để vĩnh biệt tôi. Và tôi sẽ không biết là chồng tôi đã chết vì hồn ông vẫn ở trên đời.
Bà Ileana cầu xin người bạn trẻ mở cửa ra cho bà. Chị ta từ chối.
Bọn lính gác trói bà vào giường.
- Tôi đã mở cửa sổ trong bao nhiêu năm nay và tôi có chết rét đâu, kể cả những ngày giá lạnh đến nứt nẻ đá. Tôi không muốn cho người ta đóng cửa sổ. Tôi không muốn bị cách ly với chồng tôi, ít nhất trong lúc chồng tôi chết tôi muốn chồng tôi đến được với tôi. Tôi chờ chồng tôi. Nếu cửa sổ đóng, chồng tôi không vào được. Tôi phải chờ chồng tôi. Nếu có gì xảy ra cho chồng tôi, tôi phải biết. Các người không có quyền gì chia rẽ tôi với chồng tôi!
Bọn lính gác cười. Ileana Kostaky bị trói vào giường.
Người nữ tù nhân trẻ cũng cười.
- Tôi phải đợi chồng tôi bên cửa sổ để ngỏ. - Ileana gào lên. Nếu các người đóng lại thì chồng tôi không vào được.
Boris Bodnariuk ngả mình ra giường. Anh không muốn nghe những tiếng kêu gào của người đàn bà nhà quê nữa; nhưng anh nghe những tiếng gõ ở buồng bên cạnh. Dễ chừng đã hơn hai tiếng đồng hồ Ileana bị trói và cửa sổ buồng bị đóng.
- Bà già chết rồi! - Người nữ tù nhân trẻ kêu lên và gọi bọn lính gác. - Tôi không muốn ở cùng xà lim với người chết.- Tôi sợ.
Ileana đã chết vào lúc bọn lính gác đóng hẳn cánh cửa sổ lại. Bà là vợ và sứ mệnh bà là phải đợi chồng. Và bởi bà không còn hy vọng được trông thấy chồng khi chồng còn sống, nên bà đã mở cửa sổ ra để đợi chồng sau khi chồng chết. Khi cánh cửa sổ bị đóng lại cũng là Ileana Kostaky nhắm mắt lìa đời, bởi bà không còn chuyện gì làm trên đời này nữa. Bởi cuộc đời bà đã trở thành vô ích khi bà không còn có thể đợi chờ chồng ở giây phút lâm chung. Sứ mệnh làm vợ của bà đã chấm dứt.
Bọn lính gác đã lôi xác bà Ileana đi và đem chôn dưới lớp đất giá băng ngay cạnh cái nhà tù chật ních những người. Linh hồn bà - nếu thực tế có như lòng bà mong ước - đã rời bỏ cái lồng ngực già nua của bà để băng qua núi cao biển rộng đi tìm Ion Kostaky và nói với nhau những lời vĩnh biệt trên trái đất này. Nhưng chẳng ai biết sự thật về những câu chuyện trên đây. Không một người nào, không một linh mục nào biết được.
Tất cả những gì mà những người chứng kiến và bọn lính gác biết được về cái chết của Ileana Kostaky chẳng có bao nhiêu. Họ chỉ biết rằng thi hài lạnh giá của bà được cởi xiềng và đặt xuống trong lòng đất lạnh giá, và trên cái xác không hòm ấy người ta đã ném lên một vài nắm đất trộn tuyết và băng... Rằng những chiếc xiềng xích tay chân Ileana Kostaky đã được lau chùi và cất đi cẩn thận trong phòng gác, treo trên một chiếc đinh để lại đem dùng cho một tù nhân khác. Tất cả chỉ có thế, nhưng mà quá ít. Quá ít để nói là tất cả.

III

Boris Bodnariuk đã đạt được sự bình yên và thư thái tâm hồn của những kẻ từ bỏ cuộc sống trần gian để hướng về một lý tưởng. Anh biết tất cả những cái gì của một người Cộng sản đều thuộc về Đảng. Dù người ta có lột đi mọi thứ của anh vì lầm lẫn hay vì chủ định, cái đó không có gì quan trọng: Đảng có quyền lấy đi tất cả - còn anh thì không có quyền kêu khổ vì Đảng đã lấy đi tất cả mọi cái của anh. Lúc đầu, anh cũng hơi ân hận vì không còn được mang cái tên Boris Bodnariuk nữa. Bây giờ thì anh lấy chuyện đó làm tự hào. Anh từng chứng kiến bao nhiêu cái tên bị tước đoạt. Chỉ có những cái tên nổi tiếng mới bị tước đoạt đi. Khi các anh hùng Cộng sản Đức, Pháp, Tây Ban Nha đến Nga, người ta tịch thu những cái tên anh hùng của họ trước hết. Họ được nhận những cái tên khác thay vào. Những cái tên chiến thắng và vinh quang của họ không phải là của cá nhân nào mà là của Lịch sử và Tập thể.
Những kẻ mới đến là những con người bằng xương bằng thịt, có thể say rượu, có thể gây ra những xì-căng-đan, có thể sinh sự với nhau như tất cả mọi người. Sẽ là vô lý và bất công nếu như cứ để họ mang những cái tên anh hùng và cho phép họ phạm tội lỗi với những cái tên anh hùng đó. Vậy thì cái tên phải được tước đi, để riêng ra trên các ngăn tầng của Lịch sử. Con người mang những tên đó có thể già đi và làm bất cứ việc gì, với những cái tên khác, không thể với cái tên của một anh hùng.
Bodnariuk tự hào vì tên anh được giữ gìn trong Lịch sử, còn bản thân anh thì cứ tiếp tục cuộc đời với một cái tên tầm thường, một cái tên không có huyền thoại.
Có người nào đó thì thầm ngoài cửa buồng anh:
- Người ta vừa bắt Thánh Angelo!
Bước chân đi xa và giọng nói nhắc lại cái thông báo ở các cửa xà lim khác.
- Thánh Angelo đã bị bắt!
Giọng nói vọng đến nhỏ dần trước cửa những xà lim ở cuối hành lang.
Boris biết rằng tất cả những người bị giam trong cái nhà tù gạch đỏ của Molda đều là những kẻ thù của các Xô Viết.
Anh không muốn tham gia vào cuộc sống của họ. Họ là những kẻ thù của anh và anh muốn đứng xa họ ra.
“Đây là một khẩu hiệu của bọn phản động trong nhà tù đây!” Anh tự bảo.
Giọng nói một lần nữa lại vang đến trước cửa anh, và lần này nó nói thầm qua lỗ khóa rằng “Thánh Angelo đã bị bắt”.
Bodnariuk chú ý lắng nghe, tai dán chặt vào tường. Trong xà lim bên trái, có nhiều tù nhân, nhưng người ta chỉ nghe có một giọng nói:
- Thưa cha, cha có nghĩ rằng linh hồn của Ion Kostaky sau khi chết sẽ về dưới hình dạng một con chim bồ câu để vĩnh biệt vợ mình trong hầm kín giam bà ta không? Nhà Thờ có dạy những điều như vậy hay không?
- Ileana tin như vậy. - Linh mục Thomas Scobai đáp.
- Lòng tin ấy có hay không có căn cứ, thưa cha? Hay nó là một tà thuyết dị giáo? - Người tù nhân hỏi.
Bodnariuk muốn biết xem ông linh mục sẽ trả lời phải hay không phải.
- Lòng tin sắt đá của Ileana rằng linh hồn chồng bà sẽ tới tìm bà trước khi rời xa trái đất, cái ý chí của bà sẽ đợi và thức chờ với cái cửa sổ để ngỏ, ngày nào cũng như ngày nào, mùa hè cũng như mùa đông, đã bắt nguồn từ lòng yêu mến chồng, từ lòng thủy chung và bổn phận làm vợ của bà, bổn phận đó là chờ đợi, chịu đau khổ và không để cho sự lãng quên chiến thắng được mình.
Đó là những đức tính cao đẹp nhất của người đàn bà. Nếu như niềm tin xuất phát từ những đức tính đó là giả tạo thì Chúa phép tắc vô cùng cũng sẽ tha thứ cho bà vì bà tin vào một điều sai do quá yêu thương, do quá trung thành và quá nhẫn nhục.
Vị linh mục nói tiếp:
- Cầu xin Chúa ban ơn lành cho Ileana Kostaky và cho linh hồn bà được lên thiên đường, nơi chẳng có bóng đêm và nước mắt, mà chỉ có cuộc sống vĩnh hằng bất tận. A men!
Trong xà lim của mình, Boris Bodnariuk đã quyết định nhẫn nhục chịu đựng, chấp nhận tên mới của mình và không phản kháng nữa. Trong trường hợp mà tất cả mọi sự việc không hay đã xảy đến cho anh từ hôm anh trở về Rumani là hậu quả của một sự lầm lẫn, thì nhất định các Xô Viết sẽ gọi anh trở lại và sẽ sửa chữa sai lầm. Trong trường hợp mà mọi sự đều đã được sắp đặt như vậy, có nghĩa là do lợi ích của Lịch sử yêu cầu, thì anh sẽ tiếp tục phục vụ dưới cái tên mới và trong tình thế mới của anh, cũng với một dạ trung thành như vậy và cuối cùng rồi anh cũng sẽ thắng như anh đã thắng trước kia.
Nhưng những giọng nói mấy phút trước đây chỉ thì thầm với nhau rằng Thánh Angelo bị bắt, giờ đây không còn là những tiếng thì thầm nữa. Giờ đây người ta đã nói to lên.
Quần chúng đã tập hợp lại.
- Nông dân đang đến giải phóng cho vị Thánh. - Người ta la lớn ở các hành lang.
Có tiếng ồn ào của rất đông người; những nông dân phẫn nộ, những phụ nữ chạy, những người chen chúc xô đẩy nhau.
Cửa các xà lim bị mở tung. Các bức tường kêu răng rắc. Người ta nghe tiếng cả một quần chúng đông đảo đang đổ tới giải thoát cho Thánh Angelo. Bodnariuk không biết gì về vị Thánh ấy cả. Anh chỉ nghe thấy tiếng chìa khóa xoay trong ổ khóa buồng anh. Có những người đàn ông bước vào và nói với anh rằng anh đã được tự do. Anh khó khăn lắm mới chen được ra ngoài. Các hành lang của nhà tù Molda đã bị nông dân chiếm hết. Người bên ngoài muốn vào nhưng không còn chỗ. Không thấy bóng dáng một tên lính gác nào, một tên cảnh sát nào. Chỉ có quần chúng, lớp lớp, tầng tầng xô tới như những đợt sóng lớn, phá cửa, đập tường bằng những lưỡi cuốc. Những người bị giam ra khỏi xà lim. Các nông dân liền kéo đổ các cánh cửa với những bức tường ngăn. Quần chúng đã chiếm nhà tù và triệt hạ nó đi. Nhà tù không có tầng gác. Nông dân đã phá đổ hết các bức tường.
Họ đi ra, bê những chồng gạch dưới tay và bỏ lên xe của họ.
Bodnariuk chui qua một cái lỗ phá ở tường mà ra. Anh cố len lỏi tìm một lối đi. Mắt anh quen ước lượng số người dự trong các cuộc hội nghị, tính ra có thể đến khoảng một vạn người nông dân tấn công vào nhà tù Molda. Họ khuân tất cả những gạch, đá, gỗ, ván của cái nhà tù bị phá và mang đi.
- Thánh Angelo đã được giải thoát rồi! - Một người nào đó kêu lên.
Cả đám đông liền quỳ gối như dưới một sự điều khiển chung, ngay tại chỗ, với những gạch, đá của nhà tù trong tay.
Quần chúng đã giải thoát khỏi nhà tù một tu sĩ trẻ. Nông dân công kênh vị tu sĩ lên vai và rước ra xe. Đó là Vị Thánh - Thánh Angelo - chính vì vị Thánh đó mà các làng mạc đã nổi dậy và chạy đến cứu thoát cho Người. Bodnariuk rất muốn nhìn thấy mặt vị Thánh lắm, nhưng các nông dân đang rước Người đi cho nên thánh Angelo lúc này quay lưng lại với Bodnariuk.
- Chúng tôi không còn ai để chữa bệnh cho người ốm của chúng tôi. - Một người đàn bà bên cạnh Bodnariuk nói - Thánh Angelo an ủi linh hồn chúng tôi, chữa bệnh tật cho người ốm chúng tôi và cầu nguyện cho chúng tôi. Bao nhiêu năm nay, Thánh Angelo là nguồn an ủi động viên duy nhất của nông dân. Các Xô Viết đã tới bắt Người trong tận rừng sâu.
Thật quá quắt lắm rồi. Chúa Kitô thể nào dung thứ được. Giờ đây, Thánh Angelo đã trở lại tự do.
Sau khi vị Thánh đi qua, quần chúng đứng dậy và đi theo Người. Vị tu sĩ ngồi trên một chiếc xe thắng những con ngựa trắng. Chiếc xe bắt đầu từ từ chạy trên con đường rừng chật hẹp.
Bodnariuk bị xô đẩy cả bốn phía. Một mình anh là tay không. Một mình anh không lấy một viên gạch nào của nhà giam. Mọi người đều lấy cả.
- Anh cũng phải lấy chứ! - Một người đàn bà bảo. Bà ta đưa một viên cho Bodnariuk. - Những viên đá nhà tù đã giam giữ Thánh Angelo sẽ mang may mắn. Anh cứ đặt nó trước nhà anh hoặc trong một bức tường nhà.
Bodnariuk cầm lấy viên gạch đỏ. Những viên gạch các bức tường nhà giam cứ vợi dần đi trông thấy. Nếu như mỗi người nông dân mang đi một viên gạch và một tảng đá thì trong vài tiếng đồng hồ cái nhà giam của Cộng sản ở Molda ấy chỉ còn lại một mảnh đất bị giẫm nát.
Bodnariuk buông mình vào trong biển người theo sau chiếc xe của vị Thánh. Anh cứ để cho người ta lôi cuốn anh đi, tay vẫn cầm viên gạch, trong dòng thác những người nông dân hát vang những khúc thánh ca.
Đoàn người đi về phía rừng. Không còn bóng một tên lính gác nào. Không còn một ai để ngăn cản cuộc nổi dậy của nông dân. Đoàn người tiến vào trong rừng núi.
Boris Bodnariuk được người ta mời lên một chiếc xe: Anh bước lên, và chiếc xe của anh đi theo những chiếc xe khác tiến sâu vào trung tâm khu rừng. Dọc đường đi, anh được nghe kể lại rằng nhà thờ các làng đã lần lượt bị đóng cửa cái nọ sau cái kia. Ở những nhà thờ còn mở thì các linh mục toàn là linh mục Cộng sản. Nông dân đua nhau vào rừng tìm đến với Thánh Angelo, một vị tu sĩ trẻ có khả năng làm phép lạ. Đây là một sự đổi mới trong tinh thần sùng đạo của quần chúng muốn giữ vững đức tin. Và khi các Xô Viết bắt giam vị Thánh trẻ, thế là toàn bộ các làng đã nổi lên và chạy tới giải thoát cho Người.
- Phép lạ chính là không có một người lính Nga nào cản bước chúng ta. - Người đàn bà đánh xe bảo. - Đúng là một phép lạ thật sự của Chúa lòng lành. Chỉ có một tên lính gác tại nhà giam. Ở Molda, chúng tôi không gặp lấy một tên lính, một tên cảnh sát nào. Chúa đã cách li chúng nó thật xa để chúng ta giải thoát cho Thánh Angelo được trót lọt.
- Anh hãy quỳ gối xuống! - Người đàn bà bảo. - Thánh Angelo đang đọc kinh cầu nguyện cảm tạ Chúa lòng lành đã cứu thoát Người ra khỏi nhà tù Cộng sản!
Bodnariuk vâng lời. Anh xuống xe và quỳ gối cùng với hàng ngàn nông dân trên bụi đất của con đường rừng nhỏ hẹp.
“Không thể cả một phong trào quần chúng sâu rộng như vậy xảy ra mà các Xô Viết không có biện pháp đề phòng về mặt an ninh xã hội”. Bodnariuk nghĩ bụng. “Đây quả thật sự là một cuộc cách mạng”.
- Anh hãy giữ kỹ lấy viên gạch của anh! - Một người đàn bà nào đó nói với Bodnariuk. - Mất đi là không lấy lại được đâu. Người ta đã nhặt đến cả những hòn đá cuội của nhà tù. Không còn một cái gì nữa cả. Anh hãy giữ nó cẩn thận! Mất đi là uổng lắm đó. Anh không thể tìm lại được một hòn nào khác nữa đâu!
Bodnariuk cầm lấy viên gạch. Chưa bao giờ anh được chứng kiến một phong trào quần chúng mãnh liệt như thế. Mọi người như một. Hoàn toàn.

IV

Ion Kostaky và Pierre Pillat làm cuộc hành trình từ Đức về Rumani bằng cách đi đêm xuyên đường rừng để khỏi bị lính Nga bắt gặp. Một lần nữa, họ đang ở khu rừng cao nhìn xuống Piatra. Họ vừa mới đến. Trời chưa rạng Ion Kostaky muốn tiếp tục đi xuống để về làng, nhưng con rể ông không cho.
- Anh yêu cầu bố dừng lại ở đây mà không xuống làng là anh chẳng hiểu lòng bố chút nào cả. - Ion Kostaky nói. - Anh tưởng bố có thể đứng đây nhìn về mà không xuống làng sau khi đã vượt cả đại dương để về lại Piatra sao? Anh tưởng bố cam lòng chỉ đứng xa xa mà nhìn về thôi sao?
- Bố hãy đợi đến tối! - Pierre nói - Bây giờ thì nguy hiểm vô cùng. Bố thừa biết. Từ Heidelberg, chúng ta chỉ đi vào ban đêm. Bố hãy kiên nhẫn thêm chút nữa. Còn hai giờ nữa thôi là trời đã sáng hẳn.
Ion Kostaky nhìn những ngôi sao buổi sáng. Ông biết ngày sắp đến rồi. Thời tiết đang giữa xuân. Trong ánh phơn phớt màu xanh của ban đêm, qua những cây thông cao, người ta nhìn thấy làng Piatra dưới thung lũng, bao phủ một làn mây trắng trong suốt như tấm khăn che mặt của cô dâu.
- Anh tưởng bố có thể đứng đây cả một ngày ròng mà nhìn về làng từ xa à? - Ion Kostaky hỏi. - Anh muốn bố chỉ nhìn từ xa về cái nhà của bố, về ruộng vườn của bố à? Anh tưởng bố đã băng qua tất cả những đất nước kia, tất cả những núi rừng kia như một con chó, như một thằng kẻ trộm, chỉ để được có vậy thôi ư?
Làng Piatra đang trải ra dưới chân họ. Nhưng vì ở Piatra có người Nga, có dân quân, có cảnh sát và có bọn dân phòng, nên họ đã quyết định đợi tối hôm sau mới xuống làng.
Nhưng giờ đây, khi mà họ đang ở ngay phía trên làng, đã thấy làng ngay dưới chân họ thì Kostaky không làm sao kiên nhẫn được nữa. Tay phải ông cầm một chiếc gậy to tướng. Ông lấy hết sức bình sinh ôm chặt nó vào người.
- Xuống làng ban ngày là liều lĩnh, thiếu thận trọng. - Pillat nói. - Con biết phải đợi đến tối là một việc khó khăn, nhưng nếu xuống chúng ta sẽ bị tóm cổ ngay, bố ạ. Chúng ta sẽ bị tóm cổ ngay tức khắc. Con hiểu bố đang sất ruột muốn xuống lắm. Con cũng vậy, cũng rất sốt ruột. Đất đai mình, nơi sinh quán của mình, nhà cửa của mình, bao nhiêu thứ là bấy nhiêu cục nam châm thu hút chúng ta. Sự khôn ngoan cũng bất lực so với những sức hút đó. Con biết chúng ta có thể khôn ngoan và không xuống những làng xa lạ ban ngày. Nhưng khi đó là làng xóm của ta, là nhà cửa của ta, thì khó lòng mà chịu nhịn không đi xuống được, khó lòng mà đứng đó từ xa nhìn về! Nếu bố muốn vậy, con sẽ theo bố cùng xuống, nhưng làm như thế không khôn ngoan chút nào!
- Bố sẽ đi một mình. - Kostaky bảo. - Bố giao chiếc túi của bố lại cho anh. Bố chỉ xuống làng với một chiếc gậy trong tay, nhưng bố đi một mình. Chỉ cần nhìn cái làng, cái nhà một cái và bố sẽ trở lên ngay trước lúc trời sáng. Anh hãy đợi bố chỗ này!
- Bao nhiêu năm tháng nay, bố con ta chưa một lần nào tách rời nhau cả. - Pillat nói - Bây giờ nữa, chúng ta hãy đi với nhau.
- Bố xuống một mình! - Kostaky nói, giọng quả quyết như một mệnh lệnh. - Bố chỉ liếc mắt qua một cái thôi, và chúng ta sẽ trở lại cả hai người trong đêm sắp tới. Anh nói có lý. Nên đi ban đêm thì hơn. Bây giờ thì anh hãy đợi bố ở đây. Bố đi xuống cánh đồng một lát để cảm giác được mảnh đất mình đang ở dưới chân mình, để được nhìn thấy ruộng nương, bờ giếng, được thở cái không khí trong lành của quê hương.
Phải thế, anh hiểu không? Ta đã tưởng không còn bao giờ được bước đi trên những nẻo đường làng. Chúa thật vô cùng cao cả vì đã ban cho ta cái ân huệ cuối cùng của cuộc đời ta: đặt chân lên những con đường nhỏ hẹp của cái làng Piatra nhỏ bé của ta này!
Kostaky đi một lát đã thấy mệt. Trước kia, bao giờ cũng là ông đưa ra ý kiến nghỉ chân đầu tiên. Bây giờ thì có thể nói ông đã nghỉ đủ rồi, ông không muốn dừng nữa, không cả ngồi nghỉ lấy một giây nào nữa.
- Bố thuộc đường - Kostaky nói. - Nếu có quân tuần tiễu thì bố không vào làng. Bố sẽ gặp lại anh ở chỗ này đây. Một giờ thôi, bố sẽ trở lại. Ion Kostaky đi.
Có thể bố sẽ mang về một chút gì để ăn. - Ông nói - Biết đâu! Nhưng không, bố sẽ không nói với bất cứ ai điều gì. Tạm biệt. Bố chỉ liếc qua làng một cái thôi.
Ion Kostaky rảo bước xuống làng. Ông đi như chạy, chiếc gậy to tướng trên tay. Kostaky đi thẳng người, như một cây thông.
Bước chân ông trên đường xuống làng là bước chân của một thanh niên. Mảnh đất Rumani đã trả lại cho ông sức cường tráng của những ngày chưa di tản. Pillat đứng nhìn theo bước ông đi.
Bóng dáng Ion Kostaky khuất xa trên nẻo đường mòn giữa những hàng cây. Nó xuất hiện trở lại với cái dáng trẻ trung của một con nai cái vội vàng, khao khát.
Ion Kostaky giờ đây là một con người khác chứ không phải Kostaky ngày ở Canada hoặc ở Hungary. Không phải Kostaky ghi trong sách “nhóm trung kiên”, cặn bã của xã hội Mỹ. Mà là một Kostaky đi hiên ngang như một chúa đất. Bước đi của ông chạm lên mặt đường một cách quen thuộc như cái quen thuộc của người nghệ sĩ trên dây chiếc vĩ cầm.
Ông lại khuất đi sau những lùm cây và nhảy qua các vật chướng ngại. Rồi khuất hẳn. Đường về Piatra không xa. Chỉ phải luôn luôn luồn rừng đi xuống.
Pillat ngả mình trên cỏ. Anh ân hận đã không đi theo Kostaky. Nhưng Kostaky thì cả quyết chỉ đi một mình. Đó là ý muốn của ông. Bây giờ đây, chắc chấn ông đã đặt chân về làng rồi.
Pillat vuốt ve những ngọn cỏ còn ngậm sương. Anh ngắt một nắm cỏ và áp mặt mình lên. Anh rất mệt nhưng không sao ngủ được. Chỉ cứ việc nằm mà ngửi mùi thơm của đất cũng là nghỉ ngơi rồi. Tai anh luôn luôn lắng nghe xem có tiếng súng nào nổ dưới thung lũng hay không, bởi Cộng sản không một giây phút nào ngừng việc tuần tiễu các làng và bảo vệ các con đường. Chỗ nào cũng nhan nhản những nhân viên cảnh sát.
Pierre lắng nghe như thể mong muốn được nghe tiếng chân Kostaky lại dội lên trên con đường Piatra.
Đáng lẽ mình cũng đi mới phải! Ai lại để bố đi một mình.

V

Ion Kostaky đi sâu vào các con đường nhỏ của Piatra.
Ông dí đầu ngón chân lên bụi đất như để kiểm tra xem người ta có thay đổi gì con đường hay không. Vẫn con đường ấy và mảnh đất ấy. Ông bước đi, vui vẻ vì đã tìm thấy lại con đường, tựa hồ như tiếp xúc nó không phải bằng đôi chân mà bằng con tim. Ông định cởi cả giày ra và đi chân không, nhưng không cần thiết. Qua những chiếc giày đinh Đức thô kệch ông vẫn cảm thấy dưới gan bàn chân mình là đất của những con đường Piatra, đất của làng mình, và bước đi của ông không như trước nữa. Đó là đất của ông. Kostaky đi tới. Ông nhìn ngôi nhà đầu tiên. Vẫn y nguyên như ngày xưa. Không có gì thay đổi cả. Ông nhìn các mảnh sân. Hàng rào không còn nữa, nhưng vẫn là những mảnh sân ấy. Giữa làng có một cái giếng. Ion Kostaky mong ước được uống một hớp nước của nó. Ông bỗng dưng thấy khát cái nước của làng, nước của cái giếng này. Ông đành chỉ đặt bàn tay âu yếm sờ lên thành giếng như sờ lên lưng một người đàn bà. Ông nhìn cái cần múc nước rồi lại tiếp tục bước đi. Trước kia, bên cạnh giếng có một cây liễu rũ. Kostaky dừng lại. Cây liễu không còn, Kostaky thấy lòng bực bội.
- Vì sao chúng nó lại chặt mất cây liễu? - Ông tự hỏi mình. Chắc nó bị khô héo nên người ta mới chặt nó đi chăng?
Ông tiếp tục đi tới nữa và lại cảm thấy buồn buồn. - Nếu chúng nó chặt cây liễu đi thì ít ra phải trồng một cây khác thay vào. Bao giờ ở cái làng Piatra này, sự việc cũng đều theo thông lệ ấy. Cạnh cái giếng là một cây liễu rũ.
Ion Kostaky siết chặt chiếc gậy của mình. Ông nhìn thoáng qua các ngôi nhà một cách vội vàng. Ông ngửi mùi hương của cỏ. Tất cả các cửa sổ đều chìm trong bóng tối. Có lúc ông đã toan gõ vào một cái cửa kính, nhưng rồi ông nghĩ lại không nên để ai trông thấy mình thì hơn.
- Ta đã hứa với Pierre ta sẽ chỉ liếc mắt qua nhà một chút thôi. Đêm sau trở lại, lúc đó sẽ đi gặp tất cả bà con ta.
Bước chân ông càng bước tới càng nhanh nhẹn. Bỗng ông nhìn thấy những bức tường trắng mà ông tìm kiếm, những bức tường của nhà mình. Ông nhìn xung quanh ông. Phía sau có một khoảng trống, một khoảng trống xấu xí, một khoảng trống có thể nhìn thấy từ xa. Tại đó, ngày xưa là cái nhà của Pillat và Marie. Căn nhà đã cháy.
- Chúng ta sẽ xây cái khác. - Kostaky nói. Nhưng ông nhớ lại rằng Marie không còn ở đó nữa.
Qua những cây hồ đào, ông nhìn thấy những bức tường, đôi mái nhà màu xám, những chiếc cửa sổ con con của ngôi nhà ông. Một nếp nhà nép mình dưới ba gốc hồ đào. Một ngôi nhà, giống y như một thực thể sống. Trái tim của Kostaky đập mạnh. Ông quên căn nhà bị cháy. Ông quên những người Nga. Ông ngắm nghía ngôi nhà của mình và bước tới bên cạnh.
- Có lẽ Ileana đang ngủ. - Ông tự bảo. Rồi ông nghĩ rằng Ileana có thể không ở nhà nữa, bà có thể còn ở trong tù hoặc một nơi nào đó chỉ có Chúa mới biết được. Có thể người ta đã lấy mất nhà của ông.
Kostaky đi vào mảnh sân không có hàng giậu. Ông buồn rầu quan sát. Cạnh ngôi nhà ngày trước có một cái chái làm chỗ cất chứa những dụng cụ của ông, cái cày, cái bừa, chiếc xe. Cái chái đó nay không còn nữa. Kostaky cáu kỉnh.
- Ai đã phá mất cái chái của ta? - Ông tự hỏi, thái độ bất bình. Không ai có quyền được thay đổi bất cứ cái gì. Chính ông là người chủ, ông, Ion Kostaky. Và chính vì vậy mà ông đâm cáu; ông nghĩ: có thể nhà ông đã bị cộng đồng tịch thu. Mà cộng đồng thì muốn thay đổi cái gì tùy ý nó. Ion Kostaky nghiến răng ken két. Ông nhìn những bức tường. Nó vừa được quét vôi lại trắng xóa. Chính ông đã cùng với Ileana quét vôi những bức tường đó, mỗi mùa xuân, trước Pâques, trong Tuần lễ thánh, để có những bức tường mới chào mừng ngày lễ Phục Sinh. Ông sờ tay lên tường.
- Có thể Ileana đang ở nhà và chính bà quét vôi các bức tường cũng nên. - Ông tự bảo mình.
Ông đi đến bên cửa sổ.
- Chúa vẫn làm nên những phép lạ. Có thể Ileana còn ở nhà và bọn chúng không đuổi bà đi chăng? Có thể bà đang ngủ...
Bàn tay ông mân mê bức tường như đang mân mê thân thể một con vật sống, một con ngựa hay một con bò. Tay để trên bức tường do chính ông đã xây dựng lên, ông đưa mắt tìm cái chuồng bò, nhưng ở chỗ chuồng bò xưa kia bây giờ chỉ còn là một khoảng trống.
- Mình không còn lấy một con súc vật nào nữa cả. - Kostaky tự nói với mình, rồi ông nghĩ chẳng nên bực bội làm gì. Nếu trở lại, ta sẽ lại xây dựng lần nữa. Chẳng sao. - Ông nghĩ tới hai con ngựa hồng của ông, tới con bò cái giống Thụy Sĩ của ông, tới những con lợn của ông và ông lại nổi giận lần nữa.
- Chúng nó phải trả lại cho ta! Không ai được cướp đoạt của ta cả. Đó là những con vật do tay ta nuôi, bằng mồ hôi của ta. Ta cau có mà làm gì ư? Làm sao ta lại không cau có được? Cho đến bây giờ, ta không nghĩ đến chuyện đó. Ta cũng đoán chừng chúng nó đã chiếm đoạt ngôi nhà của ta, nhưng chưa bao giờ cái đó khiến lòng ta phiền muộn cho bằng bây giờ.
Nhưng mà... cũng có thể chúng nó không lấy nhà ta chăng?
Ông nhón chân nhìn qua cửa kính về phía trong nhà. Bàn tay ông vẫn mân mê bức tường. Mắt ông đẫm lệ. Ông biết rằng bên cửa sổ trước kia có một chiếc tủ bằng gỗ hồ đào. Ông không thấy nữa. Trong nhà tối om. Ông toan gọi Ileana, nhưng ông thấy rằng làm như vậy là thiếu thận trọng. Ileana có thể không có mặt ở nhà.
Bọn Cộng sản đã tịch thu nhà cửa của bất kỳ ai vắng mặt.
Ông đi quanh nhà, tay vẫn mân mê bức tường.
Đất đai ông, ba hecta bao quanh nhà bị bỏ hoang. Người ta đã xây dựng lên ở đó những chiếc lán cao ngang với nhà thờ.
- Có những hàng rào dây thép gai. - Đây là sân bay đây! - Kostaky tự bảo - Đất chết, bị bỏ hoang, bỏ hóa. Đất của ta chỉ còn dùng cho máy bay Nga hạ cánh. Đây là loại đất thượng hạng của Piatra, một loại đất đen. Ngô trồng ở đây cao tới hai mét. Kostaky quay lưng lại với sân bay.
Ông lại đến bên cạnh cửa sổ. Ông không muốn xa chỗ đó ra.
Một mảng vữa trên tường rơi xuống. Kostaky nổi cáu.
- Chúng nó bỏ cho ngôi nhà hoang tàn? Vữa tường của ta trước kia không bao giờ sứt mẻ ra cả. Ông dùng ngón tay dí nát mảng vữa tường màu trắng rồi thử mở cánh cửa.
Vẫn cái quả xoay ngày xưa, nhưng cửa đóng khóa. Ông nhìn qua cửa sổ. Ông sờ lên tấm kính lạnh. Cửa sổ đóng từ bên trong.
- Nếu ta ở lại thêm nửa giờ, trời sẽ sáng, và ta có thể nhìn rõ bên trong. - Ông tự nói với mình, nhưng ông lại vội nhận ra rằng đó không phải một lý do để ở lại trong làng đợi trời sáng.
- Ta sẽ trở lại ngày mai.
Ông nhìn làng. Mọi sự đều yên tĩnh. Không một con mèo, con chó, còn gà, con người nào cả.
- Có lẽ nhà không ai ở chăng? - Kostaky suy nghĩ. - Ta vào thử xem?
Xúc động, ông gõ gõ vào cửa kính.
- Có ai ngoài cửa sổ ấy! - Một giọng đàn bà nói từ bên trong.
Đó là một giọng nói lạ.
Kostaky đứng tựa vào tường. Người ta nghe có một giọng đàn ông. Có những người lạ trong nhà. Và điều ấy làm ông khó chịu. Nhà của ông mà ông cứ phải đứng bên ngoài cửa khóa không sao vào được.
- Ai đó? - Người đàn ông hỏi.
Kostaky nhìn qua cửa sổ thấy một người đàn bà đứng lên và thắp đèn. Tất cả mọi tiện nghi trong nhà đều lạ. Người đàn bà thắp đèn là một người lạ. Không nhìn thấy được mặt bà ta.
Người đàn ông ở trên chiếc giường sắt là một người lạ. Chiếc giường cũng lạ, và lạ cả cái đèn.
- Ai đó? - Người đàn ông hỏi.
Hắn đã đứng lên và vớ lấy một chiếc búa. Hắn mặc sơ mi, đi tới cạnh cửa sổ.
- Hãy cẩn thận? - Người đàn bà nói.
Người đàn ông nắm chiếc búa trong tay. Hắn nhìn ra cửa sổ Trong giây lát, Kostaky đã có cái ý định toan đánh nhau một trận với những người trong nhà và đuổi chúng đi.
Thật là phi lý? Dù ông có đuổi họ đi chăng nữa thì ông đâu có thể trở về ở trong ngôi nhà của mình? Bọn lính gác sẽ lại đuổi ông đi.
Kostaky đành nhẫn nhục. Ông đi xa ra rồi lại quay trở lại.
Trong nhà có ánh sáng. Người đàn ông cầm búa vẫn đứng kề cửa sổ.
- Hãy nghe. - Kostaky nói.
Người đàn ông giơ cao chiếc búa, sẵn sàng tự vệ.
- Đừng có sợ! - Kostaky nói. - Chẳng có ai muốn giết hoặc cướp cái gì của anh đâu?
- Ông là ai? - Người đàn ông hỏi.
- Tôi là Ion Kostaky, người đã dựng lên ngôi nhà này. Tôi là chủ sở hữu của ngôi nhà. Anh hiểu không? Ông chủ Ion Kostaky!
- Chúng tôi không biết! - Người đàn bà nói - Nhà này là của chúng tôi.
- Các người hiện nay đang ở đây, tôi hiểu, nhưng đây là ngôi nhà của tôi, Ion Kostaky.
- Ông điên rồi! - Người đàn bà thét.
- Em im đi! - Người đàn ông nói.
Đoạn y hỏi Kostaky:
- Ông nói ông là...?
- Tôi là Ion Kostaky. Các người chưa bao giờ nghe nói tên tôi à?
- Chưa bao giờ? Ông muốn gì?
- Tôi là Ion Kostaky. Tôi là ông chủ sở hữu của ngôi nhà này.
Người đàn ông nói với người đàn bà:
- Chắc là tên Kulăc ở ngôi nhà này trước chúng ta.
- Bảo ông ta cút xéo đi! - Người đàn bà nói - Đừng có mang vạ vào thân! Nếu đúng là tên Kulăc, có nghĩa là hắn đã bỏ trốn đi. Ngày mai cảnh sát sẽ đến và nếu họ biết tên Kulăc đã có mặt ở đây thì họ sẽ bắt chúng ta. Bảo hắn xéo ngay đi!
- Ông muốn nói gì thì nói đi, ông già ạ! Rồi cút ngay đi cho tôi nhờ! - Người đàn ông bảo.
- Anh có thể cho tôi biết hiện vợ tôi ở đâu không? - Kostaky hỏi - Anh không biết Ileana Kostaky ở đâu à?
- Em đã bảo anh đúng nó đã bỏ trốn đi mà! - Người đàn bà nói - Thôi hãy tắt đèn đi. Nếu có ai thấy chúng ta nói chuyện với hắn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt đó.
- Ông hãy tới đồn cảnh sát mà hỏi. Tôi không biết Ileana là ai. Cả ông nữa, tôi cũng không biết. Ông cút đi!
- Anh hãy nghe tôi nói, một câu nhỏ thôi! - Kostaky nói.
- Tôi không có gì phải nghe, không có gì phải nói cả. Hỏi cảnh sát ấy! Ông hiểu chưa? Tôi không biết gì tất. Nếu ông không đi ngay khỏi nhà này thì tôi đi gọi cảnh sát. - Người đàn bà nói - Tôi đi gọi ngay đây!
- Tôi không định làm gì các người đâu, những kẻ tốt bụng ơi! - Kostaky nói.
- Ông từ đâu tới? - Người đàn ông hỏi.
- Từ chỗ cùng trời cuối đất, từ phía bên kia biển rộng núi cao. Đây là nhà của tôi.
- Nhà của chúng tôi! Nếu ông muốn gì, hãy đến ban ngày, đừng đến ban đêm. Vì sao ông lại đến ban đêm?
- Các người không có tin tức gì về vợ tôi à? Tôi chỉ muốn hỏi các người có chừng ấy thôi.
- Tôi không biết Ileana Kostaky. - Người đàn ông đáp - Tôi chưa bao giờ nghe cái tên ấy. Tôi không phải người ở Piatra.
- Anh không nghe nói bà ta còn sống hay không à?
- Ở đây, không có Ileana Kostaky!
Người đàn bà thổi tắt ngọn đèn. Cả phòng ngập chìm trong bóng tối.
Ion Kostaky mân mê cái gờ cửa sổ với lòng bàn tay của mình. Vữa vôi trên tường lại nứt nẻ và rơi xuống. Kostaky thấy nó rơi mà chua xót trong lòng. Ông vốc một nắm trong tay và bóp vụn nó ra, trong khi tay phải ông vẫn tiếp tục mân mê cái khung cửa sổ.
Trong nhà tối om. Người đàn bà tiếp tục tranh luận với chồng. Anh chồng bảo:
- Chắc là Ion Kostaky, người đã bị đày biệt xứ, ở cái nhà này xưa kia.
- Đây là nhà của chúng ta! Em không nghe nói về bất cứ chuyện gì và bất cứ người nào bao giờ. Và em cũng chẳng muốn nghe gì tất cả những chuyện đó!
- Sao em lại bảo không bao giờ nghe nói đến Ion Kostaky? - Người đàn ông nói. - Em vẫn thường nghe người ta nói về ông ta. Ion Kostaky là người trước kia ở cái nhà này. Ông ta đã bị bắt, lão Kulăc Ion Kostaky ấy!
- Bọn Kulăc đã bị diệt sạch rồi! - Người đàn bà nói - Nhà của lão đã thuộc về tập thể và tập thể đã phân cho ta rồi.
- Nhưng trước khi nó thuộc về tập thể thì nó là nhà của Ion Kostaky.
- Điều đó chẳng can hệ gì đến chúng ta cả. - Người đàn bà nói.
- Đáng lẽ ít ra chúng ta cũng nên nói cho ông ta biết vợ ông ta đã chết. - Người đàn ông đáp - Biết được như vậy thì Ion Kostaky đã đi ngay rồi! Em là đàn bà. Vì sao em không có được một con tim? Ông ta chỉ hỏi có thế. Vợ ông ta còn sống hay không? Ông ta chẳng còn ai cả. Nếu chúng ta nói thật cho ông ta biết, ông ta đã đi rồi! Ông già tội nghiệp có yêu cầu gì nhiều hơn đâu! Có thể ông ta từ Sibérie về. Có thể ông ta đã đi hàng ngàn cây số để đến đây hỏi xem vợ mình còn sống hay không. Vì sao em lại thiếu chút tình thương đến thế? Anh sẽ chạy theo tìm ông ta và nói cho ông biết vợ ông đã chết trong tù. Anh sẽ nói với ông ta cái gì anh biết. Anh sẽ mang cho ông ta một ít thức ăn nữa. Một ngày kia, bất hạnh cũng có thể đến với chúng ta. Thử tưởng tượng anh ở vào địa vị ông ta và đến đây hỏi thăm tin tức em thì sao?
- Anh đi, người ta sẽ bắt luôn anh cùng với ông ta đó!
Người đàn ông mặc quần áo. - Anh đi tìm ông ta đây. Sao lại không nói thật với ông ta được một lời? Người ta chỉ muốn biết có một điều: vợ mình sống hay chết, thế thôi.
- Anh đừng đí! - Người đàn bà thét.
Kostaky nghe người đàn bà giằng lấy áo quần của chồng để ngăn cản không cho chồng mặc vào.
Kostaky rời tay khỏi bức tường. Ông rời bỏ ngôi nhà. Trán ông toát mồ hôi lạnh. Trong nhà vẫn nghe người đàn bà cãi cọ với chồng.
- Tôi sẽ đi, tố cáo anh với cảnh sát! - Người đàn bà thét.
- Anh cứ bước chân ra khỏi nhà là tôi đi báo ngay lập tức cho anh xem.
Ion Kostaky thấy hai cây táo trồng trước nhà đã bị chặt mà lòng bùi ngùi. Ông không biết vì sao những người Cộng sản lại chặt mất mấy cây táo.
- Anh mà đi là tôi tố cáo.- Người đàn bà càu nhàu trong mồm.
Kostaky đi xa. Đôi mắt ông đầm đìa nước mắt. Ông ngoái đầu lại một lần nữa. Ngôi nhà của ông chìm trong bóng tối.
Người đàn bà đã thổi tắt đèn.
- Cầu Chúa cho Linh hồn Ileana được hằng sống trên thiên đường của Người! - Kostaky nói.
Ông cất chiếc mũ calô Mỹ đội trên đầu và làm đấu thánh giá.
- Cầu xin Chúa tha tội cho Ileana!
Ông đội lại cái mũ lên đầu ướt đẫm mồ hôi rồi thẳng đường đi trở lại rừng. Làng xóm vắng vẻ quạnh hiu. Đường xá vắng vẻ. Ileana thiếu đi, cả trời đất đối với ông dường như cũng hoàn toàn hiu quạnh.
Kostaky trông thấy ba bóng người đi về phía ông trên con đường làng. Ông muốn đi tắt vào một khu vườn. Nhưng bọn lính gác đã nhìn thấy. Kostaky bò sát đất để tìm đường lẩn tránh. Ông ngửi thấy tất cả cái hương vị của đất thấm sâu vào người ông, vào tim phổi của ông. Bọn lính gác bắn súng phía sau lưng. Người ta báo động cả trên sân bay. Lính đổ ra đầy đường. Tất cả những ai muốn ra ngoài đều bị giữ lại.
- Bọn chó Cộng sản! - Kostaky nói.
Ông không đi về chỗ Pillat đang đợi ông, bởi bọn lính gác đi từ phía ấy tới, và ông đi theo hướng ngược lại.
Đó là con đường đi ra nghĩa địa. Ông quen thuộc lắm. Ở đó chẳng ai có thể phát hiện ra ông. Ông tiến dần qua các bụi gai. ông nghĩ đến Ileana chứ không nghĩ đến bọn lính gác đang săn đuổi ông khiến cả làng phải thức dậy.
- Cầu xin Chúa bảo vệ cho linh hồn của Ileana. - Ông tự nhủ - Chắc bà ấy đã phải chịu đau khổ nhiều. Nhiều lắm. Không đau đớn nào đáng sợ cho bằng phải chết trong tù. Ileana tội nghiệp.