Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Thế giới duy nhất

    
ừ ngày Ion Kostaky mất tích, nhiều tháng đã trôi qua.
Ông ta đã lên đường nhìn lại đất đai của mình, nhìn lại làng xóm của mình và thăm dò tin tức vợ.
Và Kostaky đã không trở về.
Pierre Pillat chờ tại chỗ đó một ngày, một tuần, một tháng, nhiều tháng.
Gần một năm qua rồi kể từ ngày Ion Kostaky ra đi. Anh buộc phải lên cao hơn nữa, trên núi. Quân đội và cảnh sát đã phát động một cuộc tấn công mới hết sức mãnh liệt chống những kẻ bỏ trốn lên rừng. Và núi rừng chật ních những người trốn tránh, bởi những con người đó từ ngàn đời nay đã cuốc đất cày ruộng, đã chở trên vai mình cùng với các con gia súc của họ, với cánh tay của họ, nào gỗ, nào đá, và bao nhiêu những vật liệu khác để xây dựng lên những thành phố, làng mạc, thị trấn, những con người đó đã bị cưỡng bức rồi bỏ tất cả ra đi.
Họ phải rời bỏ những thành phố, những xóm, những làng và những thị trấn mà chính bàn tay họ đã xây dựng lên từng ngôi nhà, từng con đường, để trốn lên rừng sống như những con thú không cửa không nhà, chui rúc dưới những mái lều bằng cỏ tranh và trong hang đá.
Đó là “Cuộc Ra Đi” mà thánh tiên tri Jérémie đã nói đến.
“Hãy rời bỏ phố phường, hãy nương mình giữa rừng cây núi đá, hãy như những con chim sâu xây tổ của mình trên dốc đá cheo leo!”
Pierre Pillat nhớ tới cuộc ra đi của Ante Petrovici, cuộc chạy trốn của Daniel Motok. Anh nghĩ tới Eddy Thall, tới Varlaam, với Marie. Anh quay đầu đi. Anh tưởng mắt anh ẩm ướt do nắng mặt trời, nhưng mặt trời chẳng có tác dụng gì tới đôi mắt anh cả.
Có tiếng súng bắn từ dưới thung lũng vọng lên. Máy bay liệng dọc liệng ngang trên khu rừng, làng xóm, Pierre Pillat nấp mình dưới các lùm cây. Anh nghĩ tới Ion Kostaky đã ra đi với chiếc gậy to đẽo từ cây rừng, một chiếc gậy huyền thoại như chiếc gậy của Tannhauser hay của Aaron nói trong Cựu ước.
Pillat lấy mũi dao nhíp khắc lên cái thân cây che chở anh tên của Marie. Rồi tiếp theo anh khắc tên Pierre Pillat, Ion Kostaky, Ante Petrovici, Eddy Thall, Daniel Motok, Varlaam, Max Reingold, Isaac Salomon, Milan Paternik. Anh khắc tên tất cả những người anh quen trong “Cuộc Ra Đi” lớn. Anh khắc tên họ vì thấy mình lúc này cô đơn quá, muốn có một người nào đó bên mình. Anh chỉ có một thân, một thân với núi rừng, một thân với Sự Vĩnh hằng, một thân với Chúa.
Và con người không thể sống cô đơn.
- Lạy Chúa. - Pierre Pillat nhìn những dòng tên khắc lên vỏ cây - Trái tim của Người chắc phải vỡ tan ra vì đớn đau khi những con người đến trước mặt Chúa để được phán xét. Con tin rằng Chúa Kitô phán xét Con Người, mà Chúa phải thương hại Con Người, chỉ một chút lòng thương hại! Bởi Con Người nghèo khổ biết bao ở giữa thời gian? Ngay cả Lý Trí là cái cao cả nhất mà Con người có được, cũng chẳng nhìn được gì ngoài những điều mắt thấy tai nghe. Lý trí con người yếu đuối lắm. Toàn bộ Con Người đều yếu đuối, và nghèo nàn.
- Ông là thầy tu phải không? - Một giọng đàn bà hỏi.
Pierre Pillat ngoái đầu lại. Một cô gái đang đứng sau anh. Một cô gái khoảng mười bảy tuổi. Một cô gái nông thôn. Cô có cái đầu tròn như một trái cây xinh và cái nhìn e lệ.
- Vì sao? - Pillat hỏi - Tôi có một cái đầu thầy tu sao?
- Em nghĩ vậy vì em thấy ông viết và ông không được người ta yêu? - Cô đáp. - Người biết viết không phải là kẻ cướp. Rừng núi nhan nhản những quân cướp, nhưng quân cướp không viết. Vả lại ông không có vũ khí. Chỉ có các thầy tu mới không có vũ khí thôi.
Cô gái im lặng. Pierre Pillat cất con dao vào túi.
- Em không biết đọc, nhưng em thích nhìn người ta viết. Tên em là Magdalena.
Pierre đứng lên và giơ tay về phía cô.
- Vì sao ông không mặc áo thầy tu? - Cô ta hỏi. - Ông sợ phải không? Tất cả các tu sĩ trong rừng đều sợ mặc áo dài trắng của họ.
Magdalena ngừng nói. Cô đã nói quá nhiều và giờ đây những câu cô vừa nói ra lại khiến cô lo ngại.
- Cô ở đâu lên đây, Magdalena?
- Từ ngày quân Xô Viết đến, chúng em sống tại đây, trong rừng. Người ta đã kêu gọi chúng em từ bờ Biển Đen tới. Người ta cho chúng em một căn nhà và đất đai tại nông trường tập thể trong thung lũng. Nhưng cha em đã trốn lên rừng cùng với gia súc. Chúng em sống trong rừng. Sống ở đây thích hơn ở nông trường.
- Cô quen biết làng Piatra không? - Pierre Pillat hỏi.
Anh có ý định nhờ cô xuống đó hỏi thăm tin tức của Ion Kostaky. Chính anh đã mấy lần xuống làng nhưng không dò hỏi được tin tức gì của bố vợ.
- Em không biết! - Cô gái đáp.
Cô hái một bông hoa đỏ thắm đưa lên môi. Cô nhay nhay bông hoa với đôi hàm răng trắng nõn.
- Sao ông lại ở đây mà không lên chỗ núi đá? - Cô gái hỏi. - Trên kia có nhiều tu sĩ lắm. Từ trên đó, người ta có thể nhìn thấy quân đội và cảnh sát đến. Nếu là đêm thì cha em đốt nến, nếu là ngày thì cha em thổi tù và. Tức thì các tu sĩ đều nấp đi. Ông biết không? Trên đó cuộc sống dễ dàng hơn.
Người ta có cái mà ăn. Cha em và những nông dân trốn làng lên đó đều mang theo những tổ ong, gia súc và tất cả những gì họ có. Các tu sĩ làm việc chỗ cha em hoặc chỗ các nông dân để được nuôi ăn. Các tu sĩ không mang gì theo họ lên núi cả. Nhưng họ rất trung thực. Em không thể nói chuyện được với họ vì họ không biết một tiếng Rumani nào. Người ta không nói chuyện được với họ. Ông làm sao lại nói được tiếng Rumani? Vậy ông không phải là một tu sĩ người nước ngoài à?
- Tôi là người làng Piatra. - Pillat nói. - Cô không quen ai ở Piatra cả sao?
- Em không biết Piatra ở chỗ nào.
Cô tiếp tục nhay nhay cái hoa đỏ.
- Đây là cuộc tấn công lớn nhất. - Cô nói. - Nó kéo dài mấy hôm nay rồi. Bọn cảnh sát bắn vào chúng em và máy bay ném bom các nơi trên núi.
Tiếng nổ dưới thung lũng ngày càng đinh tai nhức óc. Ở trên núi, người ta có cảm giác là súng nổ ngay bên cạnh mình, nhưng thực ra thì rất xa.
- Ông mặc loại áo dòng nào? - Magdalena hỏi. - Nhiều tu sĩ mặc áo dài trắng. Đẹp lắm! Em thích những chiếc áo dài trắng hơn hết. Có những tu sĩ khác dùng dây thừng làm thắt lưng. Họ là bạn của chim chóc và chim chóc thường hay sà xuống đậu bên cạnh họ, bởi họ hiền lành lắm. Lại có những người mặc áo dài bó chặt như quân phục sĩ quan. Mặt họ nghiêm nghị. Họ không ăn thịt bao giờ, và họ sống cộng đồng. Họ không cả nói chuyện với nông dân và làm nông nghiệp một mình.
Magdalena không biết đó là những tu sĩ Dòng Tên.
- Cô có tin chắc rằng những người cô nói đó là tu sĩ không? - Pierre Pillat hỏi.
- Tất cả đều là tu sĩ. Họ đọc sách, họ cầu kinh và không mang vũ khí. Đó là những tu sĩ.
Tiếng súng dưới thung lũng ngày càng dồn dập. Máy bay ném bom xuống núi.
- Nếu ông lên trên đó, ông có thể có sữa dùng. Em sẽ nói với cha em. - Magdalena bảo. - Ông mặc loại áo dài nào? Và sao ông lại để râu? Các tu sĩ khác có để râu đâu?
Cô gái bỗng bỏ đi ngay không kịp nghe câu trả lời. Pillat gọi, nhưng cô đi xuống rất nhanh.
Pierre Pillat nhìn thấy những toán lính đang ngược thung lũng đi lên theo đội hình tiến công. Anh không nhìn thấy Magdalena nữa.
Những hôm sau, bọn lính xâm chiếm khu rừng. Chỗ nào cũng có lính.
Pillat đi lang thang, bụng đói như một con chó. Anh rất mong được gặp Magdalena. Anh muốn ngược lên phía cao nguyên nơi có các tu sĩ, nhưng quân đội đã chiếm mất những đỉnh cao rồi.
Pillat gặp một người chết. Anh mò túi y và thấy có mấy điếu thuốc lá, ít tiền Nga và một hộp quẹt. Trong túi rết của y còn có một ít đồ hộp và những gói thuốc khác nữa. Pillat lấy chiếc túi rết rồi lột áo quần người chết, lột cả giày. Đó là một dân quân, không phải dân thường, cũng chẳng phải quân nhân.
Y có một khẩu súng tự động và một bao đạn. Pierre Pillat dùng lưỡi lê của y đào một cái hố rồi lăn xác chết trần truồng xuống đó, lấp đất lên, để thiên hạ biết ở đây có một ngôi mộ, anh chặt cành cây làm một cây thập tự cắm vào chỗ đất mới.
Anh đọc một kinh “Lạy Cha”.
- Em đã đoán đúng ông là một tu sĩ mà! - Một giọng đàn bà nói khẽ bên cạnh anh.
Magdalena đứng sau lưng Pillat. Anh thấy mình vui lên.
- Em đã thấy đúng ông là tu sĩ. Chỉ có các tu sĩ mới chôn cất người chết thôi. - Cô ta nói.
Magdalena suy nghĩ một lát. Cô ta không biết có nên nói hay không nên nói, đoạn cô bảo:
- Hôm qua, quân lính đã tới trên kia bắt các tu sĩ đi. Cha em trốn được, nhưng nhiều tu sĩ đã bị bắt.
- Sao lại có chuyện các tu sĩ ở đây? Ở đây có một tu viện à? Họ từ đâu tới?
- Đó là những tu sĩ của Tòa thánh Vatican. - Magdalena nói. - Ông đã có lần nào đi Vatican chưa?
Trên đỉnh núi, người ta nghe một tiếng tù và đi săn.
- Cha em đó! - Magdalena nói, và cô ta lại biến mất trong rừng cây.
Pillat một lần nữa lại trở thành cô độc. Anh lắng nghe tiếng vang rền của đại liên và những tiếng nổ. Anh đốt một điếu thuốc mà anh đã tìm thấy trong túi áo người chết. Trên đầu anh, những máy bay trực thăng liệng vòng sát núi. Đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy trực thăng. Chưa bao giờ núi rừng lại vang dội đầy âm thanh như vậy. Pierre Pillat đâm sợ. Sợ hơn bất cứ bao giờ. Cái chết đã đến kề bên anh.

II
 
Boris Bodnariuk thả mình cho đám dân chúng vừa phá tan cái nhà tù ấy lôi cuốn anh đi, theo hướng lên rừng. Nông dân đã triệt hạ nhà tù để giải thoát thánh Angelo đồng thời cũng đã cứu thoát Boris Bodnariuk. Họ cho anh lánh mình nơi chốn ẩn nấp của họ. Anh bị bệnh. Mỗi một ngày qua, anh chỉ mong muốn được trở về sống hợp pháp. Đối với anh, tất cả những kẻ trốn lên rừng đều là kẻ thù của các Xô Viết.
Họ là những bọn phản động thù địch của nhân dân.
Chỗ đứng của ta không phải ở giữa những con người này.
Ngày ngày anh suy nghĩ vậy. Anh trông chờ phục hồi sức khỏe để xuống thung lũng. Anh họa hoằn mới chuyện với nông dân. Chính họ đã giải thoát cho anh nhưng anh lại vô tâm hờ hững với chuyện đó. Bệnh tình đã buộc anh phải ở lại mấy tuần liền trên núi. Nông dân vắng mặt luôn. Trong cô đơn, Bodnariuk suy nghĩ về cuộc nổi loạn của những người nông dân đó. Một cuộc nổi loạn thực tình. Một cuộc nổi loạn như chưa bao giờ anh dám hy vọng gây nên được tại Rumani khi anh được giao trách nhiệm tới đây tổ chức những công tác phá hoại và gây dựng một đạo quân ngầm.
Đó là một cuộc nổi dậy của quần chúng đông đảo, cũng như cuộc nổi dậy đã phá tan trại giam ở Molda không còn một hòn đá nhỏ - một cuộc nổi loạn như anh từng mong muốn tổ chức mà không thành công được bao giờ! Anh chỉ thực hiện nổi những vụ phá hoại vụn vặt hoàn toàn không đáng kể. Dưới bàn tay Bodnariuk và đồng chí của anh, ai cũng chỉ ì ra bất động.
Anh chống lại những người nông dân đã giải thoát anh vì cuộc nổi loạn của họ chống lại các Xô Viết. Anh thấy rõ sức mạnh những kẻ thù của các Xô Viết, nhưng không hiểu được sức mạnh đó bắt nguồn từ đâu.
Đầu óc của anh đã tạo ra được một nữ anh hùng như Tinka Neva, nhưng những kiểu sáng tạo ấy cũng giống hệt như những lâu đài bằng giấy, hoàn hảo nhưng lắp ráp sẵn.
Nông dân quả là một sức mạnh. Anh đã thấy họ, từng người một, nhặt sạch sành sanh hết mọi thứ gạch, đá của trại giam Molda. Bây giờ thì anh hiểu được kẻ thù của anh như thế nào rồi. Cái sức mạnh đã phá trại nhà tù Molda thật to lớn vô cùng.
Anh rất mong muốn sử dụng sức mạnh đó phục vụ cho Chính quyền Xô Viết. Cái sức mạnh đó, cái sức mạnh của nông dân ấy từ đâu mà có?
Bodnariuk nghĩ đến tất cả những gì có thể làm nên sức mạnh của một đảng chính trị, của một tổ chức. Anh nghĩ tới một sự quản lý khôn ngoan, một sự cảnh sát có tổ chức. Anh nghĩ đến sự trung thành của các thành viên, đến những tòa án thật vững vàng, đến những hình phạt thật nghiêm khắc đối với những kẻ do dự, lập lờ. Các Xô Viết có tất cả những đức tính đó. Ngoài ra họ còn có nhiều cán bộ, những cán bộ siêu nhân.
Boris Bodnariuk muốn ở lại trong khuôn khổ Cộng sản - nó vượt ra ngoài những điều kiện con người, vượt hẳn lên trên những cán bộ công giáo và chỉ có những người Cộng sản có thể thống trị cả cái chết.
Một người duy nhất trong những người Kitô, kẻ đã sáng lập ra Kitô giáo - Jesus Christ - đã thành công trong việc thống trị cái chết, thành công trong cái chết và trong cái sống lại. Trong chế độ Xô Viết, có hàng trăm nghìn, hàng triệu con người không có ý thức gì về quyền sống cá nhân mình, những con người vì Đảng mà xả thân đi vào cái chết không hề do dự, ví dụ bản thân anh, ví dụ Rajk, ví dụ cái đội cận vệ cũ đã hoàn toàn bị xóa sổ, đã tự mình mong muốn sự hy sinh của chính mình. Trái với những người Kitô giáo, người Xô Viết sẵn sàng hy sinh mà không trông chờ phần thưởng.
Vậy cớ sao với những yếu tố như thế, Boris Bodnariuk đã không làm sao gieo mầm được tại Rumani cho một cuộc nổi loạn giống như cuộc nổi loạn đã cứu anh ra khỏi nhà giam Molda? Còn những nông dân đói khát thiếu cán bộ, tổ chức và vũ khí, không có tuyệt đối một phương tiện gì gọi là để làm cách mạng ấy - đã dựa vào sự viện trợ nào và lực lượng nào mà đã làm nên chuyện lớn?
Boris Bodnariuk giật nẩy người. Bên cạnh căn lều của anh, đâu đây trong rừng, người ta nghe một điệu sáo thổi. Đó là một điệu Doina. Doina là một điệu hát buồn, một điệu hát có thể so sánh với cuộc sống riêng tư của mỗi con người, xác thực mà hơi buồn.
Boris Bodnariuk cài chiếc khuy áo của mình. Anh không còn chiếc áo choàng bằng da nữa. Lần đầu tiên từ ngày trở thành Cộng sản, anh không còn chiếc áo choàng da. Khăn quàng đỏ không còn, đôi ủng đen cũng không còn. Anh đi chân đất. Anh lánh mặt đi để người thổi sáo điệu Doina không trông thấy anh. Anh nhìn những viên gạch đỏ lấy ở nhà tù Molda về, các nông dân đã đem lát xung quanh căn lều. Toàn thân anh bỗng rung lên một cơn giận ghê gớm đối với những nông dân phản động. Anh muốn phá tan cái lều anh đang trú thân, hủy sạch mọi ổ phản động trong rừng.
Anh nghe có những tiếng nói xa xa.
- Em chưa bao giờ biết mặt người thổi sáo. - Một giọng nữ nói - Người thổi sáo chính là “Tên Cướp Lớn” đó.
Cô gái nói chuyện ấy đang trong lúc kinh sợ. Magdalena kể cho Pillat nghe những điều cô biết về Tên Cướp Lớn giờ đây có lẽ còn ở đâu xung quanh đây.
Boris Bodnariuk nghe họ nói mà không nhìn thấy họ, cũng không bị họ nhìn thấy.
- Ta chớ có đến gần! - Magdalena nói - Đó là một hung thủ giết người mà ngày nay không còn ai như vậy nữa. Hắn ta làm cho cả vùng kinh hoàng khiếp sợ và hắn ta điên. Ông hiểu không? Hắn vừa là kẻ giết người vừa điên.
Pierre Pillat lắng nghe, những lời Magdalena nói như hòa làm một với làn điệu Doina. Anh thuộc lời của làn điệu ấy. Đứa con gái bé bỏng của anh cũng đã mang tên Doina. Tâm hồn Pillat cũng như điệu hát Doina vậy. Cả Marie nữa cũng có thể mang tên Doina. Đó là điệu hát của con người ngắm trời cao mà nghĩ về cái chết, nghĩ tới tình yêu, tới Chúa, tới cuộc đời.
Chủ đề điệu hát Doina là vậy đó: con người suy nghĩ về những vấn đề cơ bản. Và Tên Cướp Lớn từng làm cho Magdalena sợ run kia đang ngân nga làn điệu Doina, chỉ cách họ tấc gang.
- Ta hãy đợi cho hắn đi khuất đã! - Magdalena nói - Em sợ lắm. Hắn mà thấy là hắn giết chết chúng ta ngay.
“Ion Kostaky cũng có một cuộc sống, một tâm hồn và một cái nhìn giống như điệu hát Doina”. Pierre Pillat suy nghĩ. Ion Kostaky bao giờ cũng mở cửa sổ tâm hồn hướng về những sự kiện lớn của con người: Sự Vĩnh hằng, Cái Chết và Tình Yêu, hướng về Trời và những cái xung quanh ta.
- Nếu chúng ta đến gần, hắn sẽ giết chết chúng ta! - Magdalena nói - Hàng binh đoàn cảnh sát sục sạo tìm Tên Cướp Lớn trong rừng. Người ta gọi hắn là Gã Nông Dân. Không bao giờ người ta thấy tay hắn cầm vũ khí. Hắn giấu vũ khí ở các gốc cây rừng. Không bao giờ hắn mang vũ khí trên người cho nên người ta gọi hắn là “Tên Cướp Lớn Tay Không”.
Nhưng hắn có vũ khí và đạn dược ở mỗi gốc cây. Ông hiểu không? Ở mỗi gốc cây.
- Cô gặp hắn lần nào chưa? - Pillat hỏi.
- Chỉ gặp một lần. - Magdalena đáp. - Em gặp hắn một lần trong lúc đi lấy nước, nhưng không dám nhìn. Em sợ run bắn cả người lên và bỏ chạy. Em có liếc nhìn hắn ta một cái qua khóe mắt. Hắn nằm ngả lưng ra cỏ vừa thổi sáo, vừa nhìn trời xanh. Bọn cảnh sát tìm kiếm hắn bằng cách lần theo tiếng sáo. Nhưng hắn đứng lên và bước đi. Tai hắn có thể nghe bước chân của bọn cảnh sát xa hàng cây số.
Magdalena kể chuyện “Tên Cướp Lớn Tay Không” và nỗi kinh hoàng mà hắn ta gieo vào lòng mọi người trong vùng.
- Hắn ta có nhiều đồng minh không? - Pillat hỏi.
Magdalena nhún vai.
Boris Bodnariuk lắng nghe chăm chú. Anh muốn biết những ai là đồng minh của Tên Cướp Lớn Tay Không, của Gã Nông Dân. Bodnariuk đã đoán chừng những đồng minh đó chính là bọn cầm đầu cuộc khởi loạn đã phá tan nhà tù Molda. Không thể có ai khác. Bao giờ anh xuống dưới đó, anh sẽ cho các Xô Viết biết tên những tên tướng cướp kia.
- Cô không bao giờ thấy bọn đồng lõa của Tên Cướp Lớn Tay Không à? - Pillat hỏi.
- Em chẳng thấy một tên nào trong bọn đồng lõa ấy. Nếu gặp, chắc là em chết vì sợ.
Boris Bodnariuk vẫn lắng tai nghe.
Bây giờ chỉ còn vọng lên điệu hát Doina. Cây sáo vang lên trong yên tĩnh của núi rùng những âm điệu du dương của nó, nói về Tình Yêu, về sự Vĩnh Hằng và về nỗi buồn thương của con người trên trái đất. Đó là tiếng hát của Tên Cướp Lớn Tay Không.
- Chẳng ai gặp những đồng minh của Tên Cướp Lớn Tay Không bao giờ. - Magdalena nói - Chẳng một ai có thể nhìn thấy họ bao giờ. Chẳng một ai. Vậy nhưng ở đâu cũng có họ.
Bodnariuk hình dung ra cảnh núi rừng và làng mạc bị bọn đồng minh của Tên Cướp Lớn Tay Không chiếm lĩnh. Nhưng tuy rằng họ ở khắp nơi mà chẳng ai biết họ. Họ đã xúi giục nông dân nổi loạn. Họ đã phá nhà tù và cứu vị thánh linh mục cùng với các tù nhân. Chính là những kẻ đồng minh như vậy mà Bodnariuk từng ước ao có được cạnh mình, khi anh tổ chức những cuộc phá hoại.
Những đồng minh ở khắp mọi nơi mà cảnh sát không sao bắt được, dù bằng máy bay trực thăng hay xe tăng bọc thép hay bằng quân nhảy dù. Kẻ đồng minh mà chẳng một ai nhìn thấy đó, Boris Bodnariuk không thể nào nộp cho cảnh sát, không thể nào tiêu diệt được. Kẻ đồng minh ấy không thể nào bắt giam vào hầm tối của nhà tù, không thể chụp ảnh được nó, không làm sao lấy được dấu tay nó. Đó là một kẻ đồng minh không thể nào bắt đem ra tra tấn được. Một đồng minh hoàn hảo cho những hoạt động bí mật. Lý tưởng trong những tình thế khó khăn.
Chính là những đồng minh như vậy mà các Xô Viết phải có ở phương Tây để hòng chinh phục thế giới. - Bodnariuk tự nói với mình. - Với những cộng sự như vậy, người ta có thể cải tạo khí hậu, người ta có thể thiết lập một Chính phủ toàn cầu, người ta có thể thực hiện nền hòa bình Cộng sản trên toàn thế giới. Với một người cộng sự như vậy, người ta có thể nâng cao địa vị con người và giải phóng con người, khỏi các thành kiến. Boris Bodnariuk từng mong muốn có những kẻ cộng sự như vậy, nhưng anh chẳng bao giờ tìm được. Anh chỉ gặp những người cộng sự phản trắc và khi nào cũng cần theo dõi, do thám. Boris Bodnariuk đâu có tưởng tượng được rằng những đồng minh như vậy tồn tại trong thiên nhiên. Chỉ cần có lấy một đồng minh như vậy anh cũng có thể làm dấy lên những chiến tích thần kỳ.
“Nhất định họ phải có những cái tên bí mật”. Bodnariuk suy nghĩ. “Tên họ có thể là gì nhỉ?” Bodnariuk suy nghĩ nhưng anh không thể nào hình dung ra nổi chỉ một cái tên người bạn đồng minh của những con người của núi rừng, những con người ngoài vòng pháp luật ấy. Anh không biết cả chính cái tên của Tên Cướp Lớn - mặc dù mọi người nhắc đến trên môi.
Boris Bodnariuk sẽ không bao giờ nói đến cái tên này. Anh không cả ngờ đến nữa: Chúa! Một cái tên mà anh - con người biết đủ mọi chuyện - không hề biết đến. Một cái tên xa lạ với anh. Một đồng minh hoàn hảo mà Bodnariuk hoàn toàn không biết..Cái tên của người Chiến sĩ chống Xô Viết ấy không nằm trên một tấm thẻ căn cước nào của Cảnh sát mật vụ Nga.
Không có một vị thủ lĩnh như vậy thì không thể nào chỉ trong vài tiếng đồng hồ mà phá tan được những cái nhà tù.
Chỉ một mình Người làm nổi. Không có những kẻ cộng sự như vậy, người ta giỏi lắm chỉ thực hiện nổi một đôi vụ phá hoại vụn vặt. Những vụ phá hoại cỏn con bằng cái đầu móng tay, như vụ Tinka Neva - mà thực ra có phá được gì đâu!
Tiếc thay, sao ta lại không biết kẻ cộng sự ấy nhỉ? - Boris Bodnariuk tự nói với mình - Có một tay cộng sự như vậy, ta đã có thể cải tạo được cả khí hậu toàn Liên bang Xô Viết, ta đã có thể đổi dòng cho các con sông. Với những người cộng sự khác, người ta có cảm giác như làm việc trong chân không ấy!
Boris Bodnariuk bắt đầu đi sâu xuống thung lũng. Một đợt tấn công mới đang bắt đầu. Trực thăng, lính nhảy dù, xe tăng, đại liên đi ngược lên sườn núi. Nhưng Boris Bodnariuk không sợ súng đạn. Anh không sợ chết. Người ta chỉ chết nếu người ta tưởng mình chống lại Đảng với lý do chính đáng. Bodnariuk vẫn sống. Anh biết những cái gì anh còn phải làm. Anh đã luôn luôn làm tròn nhiệm vụ của một người trung thành với Đảng mặc dù Đảng đã quyết định dùng anh như một người đày tớ vô danh. Bodnariuk nhớ tới một vị tướng Tây Ban Nha mà tên tuổi luôn luôn có mặt trên mọi tờ báo, trên mỗi một cái bao diêm của Liên Xô. Trên đỉnh cao của sự vinh quang ấy, Đảng đã quyết định rút tên ông đi để ông ta khỏi làm mất uy tín của Đảng hoặc phạm những sai lầm trong khi còn mang tên đó. Người ta đã thay cho ông một cái tên khác.
Có thể người ta cũng đã làm như vậy với Bodnariuk chăng?
Trong một quốc gia Xã hội chủ nghĩa khoa học, không để cho một người không giá trị mang mãi một cái tên có giá trị là chuyện thường tình. Có thể Bodnariuk giờ đây không còn một giá trị nào nữa chăng?
Chẳng sao cả! - Bodnariuk suy nghĩ. - Nhiệm vụ của ta là trình diện với các Xô Viết và nói với họ rằng ta sẵn sàng nhận bất cứ một nhiệm vụ nào họ muốn phân cho ta. Ta là người Cộng sản. Thế là đủ. Ta phải sống những giờ khắc cuối cùng cuộc đời ta, như một người Cộng sản chân chính mù quáng phục tùng.
Anh đi xuống phía thung lũng, vào một cái làng. Từng binh đoàn cảnh sát cơ giới đi lên.
Boris Bodnariuk muốn đầu hàng toán quân đầu tiên anh gặp. Cả vùng núi đã bị bao vây. Một con chim sâu cũng khó lòng lọt ra khỏi được.
- Để có được một đạo quân và một tổ chức như vậy, không một cái giá nào là quá đắt bao giờ, kể cả khi có hàng triệu người chết. Ta lấy làm tự hào về sự nghiệp của các Xô Viết. Ta chưa bao giờ thấy một tổ chức quân sự hoàn chỉnh tuyệt vời như cái tổ chức đang được sử dụng để quét sạch rừng núi giờ đây.
Bodnariuk khâm phục nhìn những toán quân cơ giới đang từ dưới tiến lên.
Bodnariuk bị ứ máu chân, sưng vù lên. Anh không có giày nhưng anh không thấy đau. Anh mải ngắm đội quân hoàn hảo và cảm thấy chưa bao giờ anh được hạnh phúc như bây giờ.
Anh bất giác hát lên “Bài hát của rừng” - bài hát mà anh đã hát trong thời gian anh cải tạo khí hậu Nga.
Anh bước đi trên những con đường cỏ mềm về phía những toán cảnh sát cơ giới và vừa hát vừa đi xuống phía quân đội Nga. Anh đang sung sướng.
Anh biết rằng với anh, về khía cạnh cá nhân thì không còn gì cả. Nhưng với các Xô Viết thì cuộc sống mới bắt đầu, rằng các Xô Viết sẽ trở nên mạnh mẽ, ngày càng thêm mạnh mẽ nhờ những sự hy sinh cá nhân và nhờ sự hy sinh của chính anh.
Bodnariuk hát càng ngày càng to. Đó là bài hát của sự trồng rừng trên sa mạc và sự cải tạo khí hậu. Anh nhìn những chiếc xe tăng, anh nhìn những chiếc trực thăng.
Anh biết mình đang gắn chặt như một chiếc răng cưa, dù không tên tuổi, dù không quân hàm, vào sự nghiệp Xô Viết vĩ đại. Đó là cái chính: được gắn mình vào sự nghiệp lớn duy nhất của Lịch sử - sự nghiệp Xô Viết.
Anh đi xuống rất nhanh.
Một tên lính mắt lé, nước da vàng khè, thò đầu ra ngoài xe tăng nhìn Bodnariuk và để anh ta đi tới gần. Hắn nhìn đôi chân không giày của anh, manh áo rách như xơ mướp của anh.
Tên lính đội chiếc mũ sắt và mặc áo quần da. Toàn thân hắn như bọc thép, y hệt một vị thần, một vị thần cơ khí. Chỉ có gò má hắn là vàng. Hai hàm răng cắn chặt. Một người lính thật sự. Một đạo quân thật sự. Một sự vũ trang thật sự. Lại thêm những chiếc xe tăng đồ sộ, cao hơn cả những ngôi nhà thờ làng.
Bodnariuk sung sướng nghĩ rằng đó là đạo quân Xô Viết.
Anh cảm thấy ra khỏi rừng và một lần nữa gia nhập cái bộ máy khổng lồ của lực lượng Xô Viết - mà nhiệm vụ chính là chinh phục hoàn cầu - là làm trọn vẹn cái hành vi hệ trọng nhất đời anh. Anh nhìn cái mặt vàng của tên lính xe tăng và nghĩ rằng, nòi giống da vàng - người Nhật và người Hoa - cũng là bộ phận các Xô Viết. Không phải là một sức mạnh của riêng giống da trắng. Cuối chiếc xe tăng, có một người da đen.
Giống da đen nữa cũng đã sung vào, cũng như giống người phương Bắc. Bodnariuk cảm thấy tất cả mọi giống người đều kề vai sát cánh cùng nhau trong cuộc chiến đấu dưới ngọn cờ Xô Viết. Tất cả mọi giống người đều có mặt trong cùng một chiếc xe tăng, dưới một ngọn cờ. Những người lính da vàng, da đen, da hung. Bodnariuk giơ tay lên. Anh tiến tới, hai tay vẫn giơ cao trên đầu, về hướng những nòng đại liên đang chĩa thẳng vào anh. Anh đi thẳng tới những người lính da đen, da vàng, da hung, như đến với những người anh em. Anh sung sướng được tiến lên như vậy. Anh không hát nữa.
Bỗng anh nghe lệnh:
- Halt!
Anh dừng lại.
Chính là người lính da hung ra lệnh bằng tiếng Đức.
Bodnariuk nghĩ rằng hàng triệu lính đủ mọi màu da và mọi thứ tiếng đã được tuyển vào đạo quân Xô Viết. Anh lính da vàng, nhỏ bé như một con búp bê máy, xuống khỏi chiếc xe tăng, và tiến tới phía Bodnariuk.
- Các Xô Viết muôn năm! - Bodnariuk hô vang.
Anh hô lên không phải để làm vui lòng bọn lính mà để làm vui lòng cho chính anh. Anh đã hô lên vì cảm phục và vì lòng trung thành với các Xô Viết. Anh tìm ngôi sao đỏ trên mũ người lính đang khám xét anh xem có mang vũ khí hay không.
Những người lính khác đứng và nòng súng vẫn chĩa vào Bodnariuk. Người ta nghe những tiếng nổ phía sau thung lũng. Cuộc hành quân đang tiếp diễn.
- Tôi sung sướng được ra hàng các lực lượng Xô Viết!
Mắt anh rực ánh lửa. Nó sáng lên như những ngọn đèn.
Anh không hề thấy chán khi được ngắm nghía một cách say sưa bộ quân phục dã chiến, những chiếc áo choàng da, những vũ khí và tác phong gọn ghẽ của đoàn quân.
Tên lính da vàng ra hiệu cho Bodnariuk đi xa ra theo hướng ngọn lê của hắn đang chỉ.
- Hoan hô lực lượng Xô Viết! - Bodnariuk hô.
Bọn lính không biết anh, nhưng anh thì thấy cần thiết phải nói với họ. Anh lấy làm khổ sở khi thấy bọn chúng nhìn đâu đâu. Nếu các đồng chí biết tôi đã đợi chờ cái giây phút này biết bao nhiêu lâu rồi, cái giây phút tôi được trở về trong hàng quân Xô Viết!
- Anh chờ đợi cái gì? - Người lính hỏi bằng tiếng Anh.
Hắn cười vang lên.
- Đồng chí không nói tiếng Nga à? - Bodnariuk hỏi.
Anh biết rằng các Xô Viết có tổ chức những đội quân người nước ngoài.
Tên lính phá ra cười. Hắn ra lệnh cho Bodnariuk đi xa ra.
- Tôi rất tự hào được trông thấy đội quân Xô Viết!
Tên lính xe tăng chỉ hiểu một chữ “Xô Viết”.
- Kein Sovieten mehr. - Tên lính da hung nói. - Sovieten kaput. Kaput. Nicht mehr Sovieten [1]. Đi! Cút đi!
Tên lính da nâu - chắc hẳn người Ý - chỉ cho Bodnariuk cái huy hiệu trên ngực hắn. Người ta có thể đọc được:
One World ninth federation - East European forces.
- Các anh không phải lính của quân đội Xô Viết à? - Bodnariuk hỏi.
- No more Soviet. No more Russia. - Một tên lính đáp. - Now One World! [2] Hiểu chưa?
Boris Bodnariuk nhìn những chiếc xe tăng, những bộ quân phục, những khuôn mặt lính. Mắt anh nhìn thấy trên tay cầm của chiếc súng ngắn đeo ở thắt lưng người lính, chân dung vị thống soái mê chó. Trên bức chân dung có mấy chữ:
“The Commander”.
Boris Bodnariuk không sao tin được. Vậy ra không phải đội quân Xô Viết thực sao? Đó là một đạo quân khác. Và người chỉ huy nó là viên thống soái mê chó. Và lính không phải là lính Xô Viết.
Bodnariuk cảm thấy mình đang bị một cái báng súng thúc vào lưng. Bọn lính, tên da vàng, tên da đen, tên da hung cười vang và ra hiệu cho anh ta đi. Họ đều cùng mang một phù hiệu: Liên bang thứ Chín - Thế Giới Duy Nhất - Lực lượng Đông Âu.
Không phải phù hiệu Xô Viết. Không phải Ngôi sao đỏ. Mắt Bodnariuk đẫm lệ và qua dòng lệ anh đọc được chữ dòng chữ to trên chiếc xe tăng “MADE IN USA”.
Cái báng súng tiếp tục đẩy anh đi từ phía sau lưng, và giờ đây Bodnariuk nhìn thấy qua dòng nước mắt cái trại tập trung bao bọc trong những hàng rào dây thép gai mà bọn lính đang dẫn anh tới.

III
 
Trên núi, những người lánh nạn đều kinh hoàng trước cuộc tấn công đang phát triển. Một tuần như vậy rồi.
Chưa bao giờ họ giết nhiều người đến thế. Chưa bao giờ người ta ném nhiều bom đến thế. Chưa bao giờ người ta tiến công vào núi rừng với nhiều vũ khí, xe tăng, máy bay và quân lính đến thế. Có tin đồn từ lâu rằng quân Xô Viết đã đầu hàng và dân có thể bình yên trở về làng xóm, thành phố của mình.
Hồng quân đã biến mất. Người ta không thấy quân Nga nữa.
Nông dân đã dám nổi lên phá tan nhà tù Molda là vì quân Nga không còn. Nhưng giữa lúc lòng dạ ngập tràn hy vọng, khi ai nấy tin chắc họ đã thanh toán xong với người Nga và có thể trở về nhà mình - những ngôi nhà mà người Nga đã đuổi họ đi - thì một cuộc tiến công ác liệt nhất đã diễn ra.
Magdalena run lên vì sợ. Bao nhiêu người tị nạn mới lại tìm đường lên núi, không ngừng. Số phận đã hết đường cải thiện.
Magdalena là sinh vật đẹp duy nhất trong núi rừng bị cảnh sát tiến công - trong chỗ núi rừng mà hơn một tuần nay con người bị săn đuổi như những con thú vật.
Pillat nhìn đôi chân Magdalena. Anh say mê cô. Một phụ nữ là một cái gì đẹp. Một phụ nữ cũng như bầu trời, như vầng dương. Một phụ nữ chiếu sáng cuộc đời của người đàn ông ngay cả trong bóng tối sâu thẳm. Người phụ nữ giống như mặt trăng, nó xua tan bóng tối, nó làm cho bóng tối sáng bừng lên.
Người phụ nữ chiếu soi cho bộ mặt thế gian trở thành lấp lánh và cho trái đất thêm thắm tươi.
Cặp chân của Magdalena thoăn thoắt bước nhanh. Cô bước đi mà tựa hồ như khiêu vũ. Toàn thân cô cũng khiêu vũ giữa rừng cây mỗi lúc cô đi. Cô biến mất đâu rồi cô lại từ đâu trở lại, trong tiếng khóc sụt sùi. Cô buông mình ngồi xuống cạnh Pillat. Cô đã trở về với chiếc vò không.
Chúng nó giết chết Tên Cướp Lớn Tay Không rồi! - Cô nói. - Em đã nhìn thấy xác ông ta. Ông chết rồi! Ông chết mất rồi!
Cô khóc nức khóc nở, nước mắt giàn giụa, đầy kinh hãi, lo âu.
- Ai chết?
- Gã Nông Dân - Magdalena đáp. - Tên Cướp Lớn Tay Không chết rồi. Em đã vấp chân vào thi hài ông. Ông chết trong một khu rừng bị chặt. Đến với em đi! Em sợ không dám đến gần ông một mình. Có thể là ông ta giả vờ chết chăng? Ông đến với em đi!
Magdalena nói tiếp:
- Ông ta dễ sợ lắm. Chết rồi, em vẫn sợ ông ta. Ông ta là Quỷ Sứ.
Magdalena làm dấu thánh giá.
Pillat cầm tay cô. Hai người đi đến chỗ Tên Cướp chết.
Trong thung lũng, trên sườn núi đá, giữa cỏ và hoa, mắt nhìn lên trời và cây sáo trên ngực, mặt đầy vết khói và máu, Gã Nông Dân đang nằm chính tại nơi đây.
Magdalena lấy tay che mắt để khỏi nhìn thấy Tên Cướp đã bị bọn cảnh sát giết.
Cảnh sát Xô Viết đã không hạ nổi ông, mặc dù đã huy động hàng trung đoàn hiến binh. Và giờ đây ông bị giết vì bàn tay của cảnh sát “Quốc gia Thế giới” - đang làm tiếp cuộc tấn công của quân Xô Viết chống lại những người bỏ trốn.
- Chính ông ta! - Magdalena nói. Cô che mặt mình đi.
- Chính là Người! - Pillat nói khẽ.
Anh nhắm mắt lại và quỳ gối xuống bên.
- Chính là Người, Ion Kostaky, cha của tôi, cha của Marie!
Pillat cầm lấy bàn tay đã chết đang ôm chặt cây sáo lên ngực của mình.
Ion Kostaky vẫn mặc một chiếc áo Canada ấy. Pillat nắm lấy bàn tay lạnh giá của Ion Kostaky trong bàn tay anh. Anh nhìn chiếc calô Mỹ, chiếc quần Anh, đôi giày Đức nặng trình trịch. Anh nhìn cây sáo Rumani. Anh nhìn cái miệng Kostaky vấy máu. Anh lấy tay lau sạch máu cho ông. Rồi anh kính cẩn vuốt mắt cho ông, những con mắt to vẫn mở nhìn lên trời, nhìn lên Người bạn Đồng minh Lớn của ông, nhìn lên Chúa.
Kostaky có vẻ như mỉm cười với đôi môi đầy máu của mình.
Ông đã chết rồi, nhưng ông chết bên cạnh Người bạn Đồng minh của ông, bên cạnh Chúa.
Pillat nhìn cái dây đai Xô Viết buộc quanh người Kostaky.
Anh nhìn những áo quần ông đang mặc. Những chiếc áo chiếc quần của mọi dân tộc, mọi nước, đã làm chảy máu cả tâm hồn và thể xác của ông. Những áo những quần của những nước mà ở đó Kostaky đã chết dần chết mòn từng mảnh nhỏ. Mỗi nước đã giết chết ông. Ông là nước Rumani bị đóng đinh vào cây thập tự.
- Chúng ta hãy chôn cất cho ông. - Pillat nói.
Magdalena tìm thấy một chiếc lê. Hai người cùng nhau đào huyệt. Họ đặt Kostaky xuống và lấp đất lên. Ở phía đằng đầu, thay vì cây Thập tự, họ cắm cây sáo của ông, cây sáo ông đã từng ngân nga điệu Doina. Cùng nhau, Pierre Pillat và Magdalena quỳ xuống cạnh mồ của Ion Kostaky.
Lạy Cha chúng tôi ở trên trời...
Rồi họ đi ra chỗ khác.
- Ta lên trên ấy đi! - Magdalena vừa nói vừa kéo tay Pillat - Càng cao càng hay. Ở trên đó, không ai có thể đụng đến chúng ta.
- Ông ta không phải là kẻ giết người đâu? - Pillat nói. - Ion Kostaky bố tôi không phải là một kẻ giết người. Mặc dù bị tất cả các chính phủ trên trái đất này truy đuổi, kể cả Chính phủ Thế giới. Kostaky không phải là kẻ giết người.
Một chiếc trực thăng vừa phát hiện ra Pillat và Magdalena, giữa đường họ đi lên đỉnh núi. Họ phải nép vào một bụi cây.
- Có lẽ tôi cũng nên chết nốt thì hơn! - Pillat nói. - Vì sao những tổ chức đó cứ bám riết mà khủng bố con người? Các người nói tôi nghe đi. Kostaky chỉ là một CON NGƯỜI, một CON NGƯỜI, một CON NGƯỜI? Thế thôi? Vì sao bọn chúng nó giết ông?
Nhiều lính chiến với những chiếc dù trắng đáp xuống trên các đỉnh núi. Pierre Pillat và Magdalena nấp vào trong một cái hố. Lại có một người chết, một linh mục mặc áo dài trắng chôn tạm ở đây. Một cây thập tự gỗ đặt bên cạnh. Chắc là một người anh em mang xác ông ta lại đó và chưa kịp chôn. Các tu sĩ bao giờ cũng chôn cất tử tế người chết của họ.
Pillat nhìn chiếc áo dài trắng. Đây là một người vừa mới chết trong ngày hôm nay. Magdalena cầu nguyện.
- Vì sao họ lại giết vị tu sĩ? - Pillat hỏi.
- Họ đã bắn chết ông vì ông đã bỏ trốn khỏi nhà dòng tu. - Magdalena nói - Các tu sĩ không được quyền rời bỏ dòng tu. Nếu họ rời bỏ nhà tu họ liền bị coi là nổi loạn. Những người mặc áo dài trắng, những người thắt lưng bằng dây thừng, những người làm nông nghiệp trên kia đã trốn khỏi Vatican.
Magdalena rút trong áo lót của mình ra một mảnh giấy.
Đó là cái lệnh của Liên bang thứ Chín Đông Âu gửi các tu sĩ Công giáo nổi loạn đã bỏ trốn nhà tu. Người ta buộc họ trở về tu viện. Lệnh đó do một tướng Mỹ, chỉ huy tối cao các lực lượng an ninh thế giới và vị thống soái người Slaves phương Nam, lãnh tụ quân sự của Liên bang thứ Chín của Chính phủ Thế giới One World.
Những tu sĩ tội nghiệp này đã làm gì nên tội chống lại Chính phủ Thế giới? Vì sao lại bắn chết họ? Các tu sĩ luôn luôn truyền giảng lòng nhân ái giữa mọi người trên trái đất. Vì sao Chính phủ Thế giới lại muốn giết chết họ? Họ phạm tội gì chống lại One World?
- Các tu sĩ đã phạm vào tội đã không muốn thừa nhận nguyên thủ quốc gia của họ. - Magdalena đáp - Họ đã kể với em rằng: về phía những người Kitô giáo, họ rất có kỷ luật. Khi hòa bình vừa được công bố, Đức Giáo hoàng, Đức Thánh Cha của người Kitô giáo, đã được cử làm Bộ trưởng trong Đại chính phủ thế giới. Nhưng Đức Thánh Cha không muốn làm Bộ trưởng. Rồi Người đã tạ thế. Người tạ thế chủ yếu vì Người lo âu. Thế rồi người ta cử một Đức Thánh Cha khác từ bên kia bờ Đại Dương qua, rất xa. Nhưng Đức Thánh Cha này không biết tiếng Latin, và những tu sĩ ở Vatican thường chỉ quen nói tiếng Latin. Trong nhà thờ của họ không thể nào đồng tâm nhất trí với Người được. Các tu sĩ không hề nói cái gì chống lại Người, bởi Người là Đức Thánh Cha mới của họ. Nhưng tất cả họ đều bỏ lên rừng. Vì lý do ấy mà họ đã tới chỗ rừng núi chúng tôi và cảnh sát truy tìm họ. Tuy vậy họ cũng chỉ có cầu nguyện. Thế thôi.
Một đợt máy bay khác lại xuất hiện trên núi. Nhiều chiếc dù lại được tung ra, đúng ngay trên đỉnh cao.
- Ngày Tận Thế đây rồi chăng? - Magdalena nói.
Pillat nhìn đôi mắt đẹp và khiếp sợ của cô mà nhớ tới một câu của Martin Luther [3]. Câu nói liên quan đến vấn đề ngày tận thế, và người ta tìm thấy trong câu đó một sự thanh thản nhẹ nhàng như trong câu nói của Magdalena.
Pillat nói:
- Und wenn morgen Weltuntergang wareich werde am hautigen Tage doch Apfelbaume plantzen!
- Họ bắn vào chúng mình? - Magdalena nói. - Chúng ta làm gì bây giờ? - Cô ta hoảng hết - Chúng ta có thể làm được gì?
- Cái điều mà người ta vẫn làm xưa nay. - Pillat bảo - “Und wenn morgen Weltuntergang ware...” Tiếng đạn rít trong các lùm cây và trong những táng lá trên đầu họ.
Magdalena áp má xuống mặt đất.
- Ông nói gì? - Cô hỏi trong tiếng thì thầm.
Pillat bắt đầu phiên dịch:
“Dù ngày mai đã là ngày tận thế đi chăng nữa thì tôi vẫn trồng những cây táo hôm nay!”
Một loạt đạn liên thanh đã khép lại cái miệng của Pierre Pillat đang nói và lỗ tai của Magdalena xinh đẹp đang nghe.
Cái loa truyền thanh của một chiếc trực thăng đang truyền đi những tin dự báo thời tiết nhằm phục vụ cho những người lính của Chính phủ Thế giới, và những lời sau đây vang lên tận trong thung lũng sâu:
“Trời tiếp tục nắng đẹp! Trời tiếp tục nắng đẹp!”
Chú thích:
[1] Không còn Xô Viết nữa! Hết rồi! Hết rồi! Không còn Xô Viết nữa!
[2] Không còn Xô Viết nữa! Không còn nước Nga nữa! Một thế giới duy nhất.
[3] Luther: Nhà cải cách tôn giáo Đức.
 

HẾT

Xem Tiếp: ----