Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Cuốn sách của miền sa mạc

     húng ta đã đến biên thùy sa mạc! - Anh thanh niên khoác áo ngủ và khăn quàng cổ màu đỏ tươi ngồi cạnh anh tài xế chiếc xe tải, nói.
Đôi mắt anh tò mò, chăm chú nhìn biển cát mênh mông tới tận chân trời. Phía sau, còn nhiều chuyến xe nữa đang tiếp tục đến, xe nào xe nấy đầy chặt những thanh niên sinh viên nam và nữ. Bánh xe lún sâu xuống cát bỏng. Các bạn trẻ nhìn ra sa mạc. Gió thổi, cát đập vào tấm áo choàng của anh thanh niên khoác chiếc khăn quàng đỏ, vào những bộ quần áo vải chéo của những thanh niên khác, vào những chiếc xe tải mui tôn nóng như nung.
- Lều lán kia rồi!
Anh thanh niên mặc áo choàng da ngoảnh lại. Anh ta đưa mắt nhìn theo cánh tay của cô gái đang chỉ ba cái gò màu tro xa xa. Đoàn xe giảm tốc độ dần rồi chậm rãi rẽ sang bên phải, bánh xe vẫn lún trong cát. Người ta thấy rõ một loạt những căn lán mới làm xong chưa lâu.
Các sinh viên chăm chắm nhìn như muốn vồ lấy chúng.
Xe đậu lại kề sát ba dãy lán làm bằng ván gỗ thông và mọi người xuống xe. Các cô gái mở cửa. Không có khóa. Bên trong trống trơn chẳng có một thứ gì ngoài cái nền nhà, những bức tường và cái trần làm bằng ván ghép. Chẳng có gì ngoài cái mùi nằng nặng của gỗ đã khô.
Sa mạc đã bắt đầu sấy khô nó một cách dữ dội và hút cạn những giọt sống cuối cùng của những tấm gỗ lán dựng ngay trên mặt cát ấy. Xung quanh, chỉ có cát và cát, một màu xám xịt bao la. Gió thổi mạnh làm cho nó bay tung lên như những đám mây, mắt người nào người nấy đỏ ngầu và nhìn thấy mọi vật như qua một tấm màn thưa. Để bảo vệ mui và bánh xe chống lại với cát và nắng, bọn tài xế lấy vải trùm kín lên trên.
Hai chục thanh niên vừa trai vừa gái giờ đây đang đứng trước dãy lán.
- Đừng bốc dụng cụ xuống! - Anh thanh niên mặc áo choàng da và khăn quàng đỏ nói. Anh ta là người chỉ huy, Boris Bodnariuk. Anh đứng lên ngưỡng cửa của lán trung tâm.
Bọn trẻ vây quanh anh, lưng quay về phía gió.
- Tôi biết các bạn đang đói và khát! - Boris Bodnariuk nói. Anh nhìn những chiếc xe tải xếp hàng trước lán - Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào công việc, tôi muốn nói với các ban một vài lời - Chúng ta đang sống trong một giai đoạn hiếm có. Trước mặt chúng ta trải dài vài mươi triệu hecta sa mạc. Đây là sa mạc Karakum rộng năm mươi ba triệu hecta. Xa hơn là sa mạc Kizilkun rộng hai mươi triệu hecta. Tổ quốc Xô Viết từ lâu đã nghiên cứu phương án tái sinh những vùng đất chết, những sa mạc cát. Kế hoạch đã lập xong. Chúng ta là tốp sinh viên đầu tiên của trường đại học Xô Viết đi vào sa mạc. Chúng ta là đội tiền phong của Chiến dịch tiến công đại quy mô có nhiệm vụ làm sống lại miền đất chết của sa mạc, cải tạo khí hậu, thay đổi phương hướng và cường độ của gió, thay đổi luôn cả những dòng suối, dòng sông. Đây là sự nghiệp xây dựng đồ sộ nhất trong lịch sử. Nhờ các Xô Viết, chúng ta - hai mươi người có mặt ở đây, vừa từ trên xe bước xuống đây, chúng ta có khả năng đặt viên đá đầu tiên lên sa mạc nóng bỏng.
Hoạt động này chính là điều cao cả nhất mà một thanh niên có thể ước mơ và mong muốn trên đời. Vậy chúng ta hãy lớn tiếng nói lên lòng biết ơn của chúng ta đối với Tổ quốc Xô Viết đã ban cho chúng ta đặc ân này Một tràng vỗ tay vang như sấm. Không ai còn nghĩ tới nước nữa, mặc dù môi miệng ai nấy đều khô rang. Và tất cả, mặc dầu môi miệng khô rang, đều hát vang lên “Khúc hát của rừng” của Dimitri Chostakovich.
Boris giơ tay làm một dấu hiệu. Lập tức “Khúc hát của rừng” im bặt.
- Các bạn...Còn vấn đề khác nữa. - Boris Bodnariuk nhìn đồng hồ tay của mình - Bây giờ là năm giờ chiều. Cách đây đúng mười lăm năm, cũng vào giờ này, tôi đã lần đầu tiên đặt chân lên đất nước Xô Viết. Lúc đó, tên tôi là Boris Bodnar. Ngày kỷ niệm này mang nhiều ý nghĩa giáo dục.
Bàn tay của Boris Bodnariuk chỉ sa mạc.
- Tất cả các bạn đều biết rằng cái sa mạc kia, cũng như tất cả các sa mạc khác, không phải là công trình của thiên nhiên. Sa mạc, đó là công trình sự nghiệp của con người. Những xã hội dã man kế tục nhau trên mặt đất trước kỷ nguyên Cộng sản đã phá hoại các vành đai thực vật, các nguồn nước, các khu vực trồng cây. Họ phá hoại vì ngu dốt, vì khao khát lợi nhuận. Bị tước mất đồ trang sức của mình, trái đất đã chết. Nó trở thành hoang vắng. Cát đã lan rộng ra như một vết thương. Sa mạc, là sản phẩm của sự tham ăn man rợ của những con người từng lãnh đạo các xã hội phản Cộng sản từ lúc xuất hiện loài người trên trái đất cho tới ngày cuộc Đại chiến Cách mạng tháng Mười thành công.
Nhìn hết tầm mắt, người ta không thấy một cái gì trên miền đất bị con người giết chết ấy. Không một sinh vật, không một mầm cây, không một dấu vết cỏn con nào của cuộc sống.
Mọi cái đều là vật chết. Chỉ có cát và cát. Trời cũng mang màu sắc vô sinh. Ánh trời, ánh sao, ánh trăng đã chết. Các tinh tú cháy lên mà sức sống không còn. Gió khô đã tới, cuồn cuộn hàng triệu tấn cát tung lên và gào thét như đàn sói đói. Lịch sử sa mạc này, thưa các bạn, chính là lịch sử cuộc đời tôi, một cuộc đời của Boris Bodnariuk, cuộc đời của bất cứ một đứa trẻ nào sinh ra tại một nước tư bản.
Các bạn, tôi không được cái may mắn sinh ra trên đất nước Xô Viết như các bạn, mà sinh ra trong một đất nước tư bản. Từ cái tuổi ấu thơ bé bỏng, mẹ tôi, cha tôi, hàng xóm láng giềng tôi, cả ông linh mục và tất cả mọi thành viên của cái xã hội tư sản nơi tôi đã chào đời, đã bắt đầu hủy diệt sự sống trong tôi như những xã hội chống Cộng sản tham ăn và tàn bạo đã bóc lột và giẫm đạp lên trái đất này để biến nó thành sa mạc.
Mười lăm tuổi, tôi cũng như trái đất là một thanh niên chết. Vậy là tôi bơi qua sông Dniestr và đặt chân lên xứ sở Xô Viết. Khi mới tới đây, tôi không hề có một niềm tin, không một ảo tưởng, không một khát vọng. Trong tôi, tất cả đều chết, chết hết! Tất cả những gì làm nên cuộc sống của một con người đã chết trong cái sa mạc bao quanh chúng ta. Xã hội tư sản đã cướp đoạt đi trong tôi hết cả tín ngưỡng, ảo vọng mơ hồ, tình cảm đoàn kết thương yêu nhân loại, tất cả! Khi tôi đặt chân lên trên đất nước Xô Viết cách đây mười lăm năm, lúc năm giờ chiều, tôi chỉ biết có sợ sệt, kinh hoàng và cô đơn.
Tất cả những gì tôi mang sang đây từ một xã hội tư sản, đó là tất cả những gì tôi có.
Cuộc sống của tôi chỉ bắt đầu thật sự cách đây mười lăm năm. Người Xô Viết đã cho tôi một lý tưởng, một niềm tin. Cái cơ may sống vì một điều gì đó. Trước tiên, nó đã cho tôi cái ý thức đoàn kết thân ái, tinh thần tập thể cộng đồng. Trong các nước tư sản, tôi chỉ biết có nỗi cô đơn đau buồn, như cái nỗi cô đơn của vùng sa mạc sáu mươi triệu hecta kia, một nỗi cô đơn còn lớn hơn cả nỗi cô đơn của sa mạc.
Boris Bodnariuk cúi xuống. Anh vốc một nắm cát trước lán, siết chặt bàn tay lại. Anh cảm thấy cát ráp và khô. Anh nghĩ tới mẹ anh đã từng đánh đập anh ngày ngày, máu me đầy mình rồi bỏ mặc. Anh nghĩ tới những bạn bè mỗi lúc anh đi ngang qua là đưa tay che mắt mình lại và mắng vào mặt anh: Đồ giết người! Anh nghĩ tới làng quê anh, tới ngôi nhà của cha mẹ, mà ở đó mọi người cầu mong cho anh chết. Đôi mắt Boris Bodnariuk thấm lệ rưng rưng. Anh lại siết chặt nắm cát chết trong tay và tiếp tục.
- Tay siết chặt nắm cát chết này và mắt bao quát miền sa mạc này cho tới tận chân trời vô tận, tôi thề trước mặt các bạn và tôi yêu cầu các bạn cùng thề với tôi rằng chúng ta sẽ mang sự sống trở lại cho mảnh đất chết là một phần xương thịt của Tổ quốc Xô Viết chúng ta. Nhiệt tình say mê của tôi không phải tồn tại chỉ vì tôi là đứa con nuôi của mảnh đất này, mà vì, hơn cả các bạn, tôi hiểu thế nào là chết, là bị chà đạp, bị tàn sát vì cái man rợ của con người. Và vì tôi cũng đã hiểu thế nào là “Được một người nào đó trả mình về cho cuộc sống. Tôi đã biết sự lìa đời và sự tái sinh”.
Bài diễn văn của Boris Bodnariuk kết thúc trong tiếng vỗ tay và trong nhịp điệu những bài hát ca ngợi sự nghiệp vinh quang cải tạo khí hậu và đưa canh tác vào miền sa mạc hoang vu. Anh vô cùng sung sướng. Và khi người đồng chí Natacha Olt đến bên anh và ôm hôn anh thắm thiết thì trên khuôn mặt anh đôi dòng nước mắt chan hòa.

II

Ngay sau hôm mới đến, nhóm của Boris Bodnariuk đã lao vào hoạt động một cách hăng say. Các sinh viên được phiên chế thành từng toán tùy theo chuyên môn của họ.
Người ta chờ đợi nhiều toán khác tới thêm. Trong ba dãy lán và những chiếc lều xung quanh, người ta đặt những trạm vô tuyến và máy móc đo cường độ và hướng gió, độ nóng, độ ẩm, cự li...
Các tiểu ban khảo cổ và trồng trọt đã thiết lập cả phòng điều tra và khảo sát thường xuyên về chất đất và cây trồng. Các tiểu ban thú y và làm vườn cũng bắt tay vào hoạt động. Boris Bodnariuk làm việc tại lán trung tâm cùng với Natacha Olt - cô thư ký - và Vladimir Kanayan, phụ trách chính trị khu vực, người Mông Cổ. Ngoài Kanayan ra chỉ toàn là sinh viên. Boris Bodnariuk bước ra ngưỡng cửa, nơi hôm qua anh đứng nói chuyện. Anh ra lệnh tập hợp. Bọn trẻ lại xúm tới quanh anh.
- Các bạn! Các bạn đại diện cho tất cả các ngành hoạt động khoa học và các bạn đều có trải qua một thời gian tập sự đặc biệt tại Viện Hàn lâm trồng cây sa mạc. Tôi không cần thiết phải nêu lên vấn đề kỹ thuật với các bạn, vì các bạn đã trực tiếp ghi nhận từ các nhà bác học Xô Viết vĩ đại hiện đang chỉ đạo sự nghiệp chúng ta. Tuy nhiên tôi phải nói thêm đôi điều có thể chỉ dẫn cho các bạn trong hoạt động của mình.
“Những sinh vật đầu tiên xuất hiện trong sa mạc sẽ là tên gián điệp, tên phản bội và tên phá hoại”. Giọng nói của Boris Bodnariuk không phải là cái giọng hôm qua khi mỗi lời anh nói ra say sưa tràn đầy nhiệt huyết ảo tưởng và mơ mộng. Giờ đây là một giọng nói mệnh lệnh, độc tài.
- Các bạn hóa học, động vật học, nông học, thiên văn học, khí tượng học, kỹ sư... các bạn thuộc mọi ngành chuyên môn, các bạn đừng để một giây phút nào lãng quên điều này: Trong sự nghiệp lớn trồng cây vùng sa mạc và cải tạo khí hậu của chúng ta, sinh vật đầu tiên xuất hiện ở đây sẽ là kẻ thù của Tổ quốc Nơi nào xuất hiện các Xô Viết - tức là sự sống - thì nơi đó cũng xuất hiện kẻ thù của sự sống tức là tên ăn bám. Hãy luôn luôn cảnh giác, luôn luôn mở mắt nhìn. Hãy diệt ngay tức khắc con vật dơ bẩn, kẻ thù của Tổ quốc ấy! Nếu các bạn không chú ý, các bạn sẽ trở thành người có tội đối với Tổ quốc và tất cả mọi công trình xây dựng của chúng ta bị tiêu tan.
Khẩu hiệu của chúng ta là: “Phát hiện và tiêu diệt tận gốc kẻ thù của Tổ quốc!”. Biết đâu nó đã lọt vào trong sa mạc này, trước cả chúng ta!
Boris Bodnariuk nhìn những gương mặt chăm chú của các đồng chí cấp dưới mình.
- Tên ăn bám tội lỗi ấy, nó có thể xuất hiện khắp mọi nơi. Các bạn đã biết trường hợp đồng chí phụ trách tiểu ban trồng vườn Léningrad và sự cẩu thả tội lỗi của anh ta.
Trong số tám trăm hạt giống và mầm cây sa mạc mà các cộng tác viên Xô Viết vùng sa mạc Nam Mỹ gửi cho chúng ta trồng thử ở đây, có một cây mầm Brésil có khả năng mọc tốt. Anh bạn đã trồng một vài hạt vào nhà kính trường Đại học, còn lại bao nhiêu anh ta gói hết gửi cho vùng thảo nguyên. Nhưng anh ta đã làm việc cẩu thả, tức tội lỗi. May sao một đồng chí ở phòng thí nghiệm đã không quên rằng “kẻ thù của Tổ quốc lẩn lút ở mọi nơi” nên đã dùng kính hiển vi phân tích bộ rễ của cây đó. Anh ta biết rằng kẻ thù của Tổ quốc có thể ẩn nấp cả trong cái rễ của một cây con, và quả nhiên con vật dơ bẩn ẩn nấp ở đó thật. Một lũ phản động người Brésil - chắc chắn là bọn Troskystes - đã tiêm vào rễ những cây con dự định gửi cho nước Nga, những ấu trùng của loài kiến đỏ.
Loài kiến ấy không những có khả năng phá hoại cây cối ở Brésil mà còn phá hoại cả các vùng xung quanh nữa. Nhờ tinh thần cảnh giác của các đồng chí ở phòng thí nghiệm, con kiến đỏ đã bị tiêu diệt, bọn phá hoại và bè lũ chúng bị bắt, tai họa tránh được. Tôi xin cảnh báo các bạn: không được cẩu thả! Những kẻ thù của Tổ quốc, những bọn phá hoại, bọn gián điệp, bọn phản bội sẽ mong muốn xâm nhập vào sa mạc bằng cách ẩn nấp trong các rễ cây, trong những hạt giống, trong bất cứ cái gì. Nhiệm vụ của bất cứ người Cộng sản nào là phát hiện và tiêu diệt con mọt ăn bám đó. Đi làm đi! Nhưng phải lưu ý: Việc tiêu diệt kẻ thù có lẽ còn quan trọng hơn nữa là đằng khác. Và bây giờ, hãy bất tay vào công việc.

III

Ngày thứ ba, có cuộc hội nghị toàn đội. Các bạn trẻ ốm đau, khó chịu vì khí hậu, nhưng ai cũng giấu nỗi mệt mỏi và đau ốm của mình. Boris Bodnariuk chủ tọa cuộc họp.
Bên phải anh ta là Natacha Olt làm thư ký, ghi biên bản. Phía cuối, khuôn mặt xanh xao với gò má nhô và nghiêng vẹo một bên là Vladimir Kanayan. Boris Bodnariuk chưa đến ba mươi tuổi. Anh đã học xong chương trình Viện Hàn lâm đỏ ở khoa Chính sách khủng bố, chuẩn bị cho anh vào cuộc tranh đấu ở nước ngoài. Nhưng năm học sau cùng, anh chuyển sang ban “Trồng trọt ở sa mạc”. Đối với anh, chính sách Cộng sản hết sức rõ ràng. Bây giờ anh đứng trong đội ngũ những “kỹ sư xây dựng con người” chứ không phải trong số không nhiều những kẻ sùng tín tại các Xô Viết. Anh biết rằng tuổi trẻ phải được đưa vào những kế hoạch quy mô, anh biết nhu cầu hằng ngày của tuổi trẻ là phải có một thần tượng, một tín ngưỡng đáp ứng cái nhu cầu phiêu lưu mạo hiểm tính hứng thú bất thường, và cái ý thức quên mình vì kẻ khác. Mỗi thanh niên đều ước mơ làm một anh hùng vào tạo cơ hội cho anh ta thấy rằng Đảng đang tạo ra cho anh ta trong công việc hằng ngày cái khả năng trở thành anh hùng.
Hoạt động khô khan nhất có thể do tính chất khô khan đó mà nuôi dưỡng lâu dài khát vọng thiết tha của tuổi trẻ: trở thành một anh hùng thực hiện những hành vi xuất chúng, trở thành con người độc nhất vô nhị. Nhằm mục đích đó, Boris Bodnariuk đã quyết định hằng ngày, mỗi buổi sáng, các trưởng tiểu ban phải kiểm điểm những điểm tiến bộ đã đạt được trong khuôn khổ kế hoạch lớn cải tạo khí hậu, do bàn tay và khối óc của mỗi một con người có mặt.
Báo cáo đặc biệt lắm mới được vượt qua mười câu. Nó ghi rõ mục đích yêu cầu và tiến bộ đạt được. Câu văn rõ ràng, chính xác như toán học. Đó sẽ là bản nhạc ban mai duy nhất của họ, nó sẽ chỉ cho họ thấy mình đang trực tiếp tham gia vào một bản hợp xướng vĩ đại biết ngần nào!
Boris Bodnariuk có cảm giác mình đang làm nhiệm vụ của một nhạc trưởng. Anh ta nhìn chăm chú vào các trưởng tiểu ban chế tạo phương tiện thủy lực cho việc tưới tiêu nước và giao thông đường thủy.
- Tiểu ban của tôi là một trong những nhóm chế tạo hệ thống con kênh cho thuyền bè đi lại. Mục đích cuối cùng nối liền sáu biển: biển Caspienne, biển Azov, biển Đen, biển Trắng, biển Anh và biển Baltique. Nhờ hệ thống đường kênh này, Moscow sẽ trở thành cái cảng chung cho sáu biển. (Có những tiếng vỗ tay) Con kênh Turmène sẽ là con kênh dài nhất thế giới: 1.100 kilômét. Nó sẽ được hoàn thành trong vòng bảy năm. Kênh Panama do bọn tư sản làm chỉ đo được 84 kilômét, người ta đã phải mất ba mươi tư năm mới xong. Sau đó, đến kênh Volga- Don. Hàng triệu hecta đất chết của sa mạc hiện nay sẽ biến thành vườn một khi những con kênh này xuất hiện.
Để thực hiện kế hoạch, người ta sẽ dùng vào sa mạc này năm triệu khối đá. Dòng sông Amou-Daria đã chảy trên cát rồi. Ít lâu nữa thôi, tại một chỗ không xa, nơi mà hiện nay không hề có một giọt nước, tàu bè sẽ ngược xuôi đi lại giữa sáu biển liền nhau, cắm cao ngọn cờ Xô Viết. Chúng sẽ qua lại giữa sa mạc này.
Nhóm chúng tôi sẽ bắt tay xây dựng khẩn trương một đường xe lửa và một đường bộ dài 80 kilômét nối liền nhà ga cuối cùng với hiện trường chúng ta. Vậy là chúng ta sẽ mang đến tận đây, trong vòng vài ba tháng nữa, đủ nước dùng cho các đồng chí chúng ta và cho các nông trường.
Boris Bodnariuk lại đưa mắt nhìn sang một thanh niên khác.
- Tiểu ban Khí tượng thủy văn sẽ có trong khu vực trồng cây để làm một chiếc cầu cây xanh nối liền chúng ta với nhà ga đầu tiên, một đội máy bay sẽ tạo ra mỗi tối một trận mưa nhân tạo trên một diện tích chừng 100 hecta. Khoảng một tuần lễ nữa, đội máy bay ấy sẽ đến với ta.
Theo một dấu hiệu của Boris Bodnariuk, một cô gái đứng lên. Cô làm ở tiểu ban thực vật học. Cô đọc tên những hạt và những cây con phải sử dụng.
- Dọc theo những nông trường hoàn toàn lộ thiên của chúng ta, các máy bay phục vụ ngành sẽ làm công việc gieo hạt. Trong sáu tháng, với tám nghìn giống cây khác nhau, chúng ta sẽ phủ xanh một diện tích hai trăm hecta. Không thể có kinh nghiệm nào sâu rộng hơn từ ngày con người xuất hiện trên trái đất này.
Một cô gái khác đứng lên.
- Cùng một lúc với sự thay đổi độ ẩm thì sức gió cũng giảm đi. Chẳng bao lâu, chúng ta hoàn toàn có khả năng điều khiển hướng gió. Chúng ta có thể cưỡng bách những đám mây từ phương Bắc tới phải đổ mưa xuống vùng ta. Tiểu ban tôi luôn luôn thông báo cho Trung ương biết những con số về áp suất khí quyển và những hố không khí, những hố này có thể lấp kín do đổi hướng đi của gió. Tôi xin nhường lời cho đồng chí tiểu ban thiên văn.
Nhà thiên văn - một cô gái cao, tóc nâu - nói tiếp:
- Ngay từ bây giờ, chúng tôi có thể thông báo rằng nhờ công lao chúng tôi, ở cái phần trời Xô Viết rộng bằng cả nước Anh này, màu trời sẽ thay đổi. Theo điều tra của chúng tôi, song song với việc cải tạo khí hậu, bầu trời ở đây cũng sẽ trở nên xanh biếc như bầu trời Ukraina. Trăng sao sẽ chiếu sáng hơn. Mặt trời sẽ có màu vàng hơn và những quầng mây vàng mắt trần nhìn được ấy sẽ biến tan xung quanh mặt trăng lẫn mặt trời. Đêm sẽ có một độ sáng cao hơn những vùng khác hai mươi lăm phần trăm. Sự thay đổi màu trời, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và tinh tú, của màu sắc ban đêm là điều có khả năng thực hiện nhờ có các Xô Viết và lãnh tụ vĩ đại của chúng ta!
Những tràng vỗ tay nổ ran. Việc đọc các bản báo cáo đã mài cái nhìn của mọi người thêm sắc sảo. Boris Bodnariuk biết rằng giờ đây cuộc hòa nhạc ban mai có thể chấm dứt. Với mối nhiệt tình đậm đà như vậy thì khí hậu và nắng nôi sa mạc cũng trở thành dễ chịu. Tuy nhiên, cái nhìn của anh lần này lại xoáy vào Kanayan.
- Có một vài nghìn dân bản xứ sống du mục trong sa mạc. Phải lôi kéo họ về hoạt động với chúng ta. Đây là những công dân Xô Viết duy nhất không được hưởng thụ những đặc ân của chế độ. Xin mời đồng chí Kanayan hãy nói cho chúng tôi biết làm sao tìm ra và đưa được những thổ dân đó vào sự nghiệp xây dựng của chúng ta.
Con mắt của Kanayan nhỏ, đen láy và không chớp. Chỉ có đôi môi của ông ta mấp máy.
- Có những người dân du mục trên sa mạc nhưng không thể nào đến gần và gặp được họ. Họ cũng như cát. Họ đi, họ đến và khó phân biệt được đâu là cát và đâu là người.
- Ban Chính trị có đặt dưới quyền đồng chí một vài chiếc máy bay trinh sát hay không?
Kanayan không đáp.
- Theo ý kiến đồng chí thì chúng ta có thể tiến hành điều tra số dân du mục trong thời gian bao nhiêu lâu thì xong?
- Tôi đã là Cộng sản từ cái buổi thiếu thời. Cha tôi cũng là Cộng sản. Nhưng khó mà đi sâu vào sa mạc được. Lê nin vĩ đại đã nhanh chóng chiếm được toàn bộ nước Nga. Vậy mà đi từ Moscow đến làng tôi, chỉ có tám mươi cây số, đã phải mất bảy năm mới đi nổi. Người Xô Viết chỉ mới đi tới biên thùy của sa mạc vào năm 1925. Nhưng để tiến sâu hơn nữa vào trong sa mạc, tôi không biết họ đã mất bao nhiêu thời giờ, nhưng mà khó lắm. Đó là tất cả những điều tôi biết.
Boris Bodnariuk mỉm cười.
- Các bạn! Tôi mong muốn rằng lời tuyên bố của đồng chí Kanayan sẽ là một bài học bổ ích cho các bạn. Nó chứng minh cho các bạn thấy dưới những chế độ phi Cộng sản những người đó ở địa vị thấp kém biết bao nhiêu!
Những người du mục đó chịu đói chịu khát và sống trong địa ngục sa mạc này một kiếp sống mà không một con thú nào chịu sống. Vậy mà họ cũng là những con người và là những con người Xô Viết. Họ khủng khiếp, kinh hoàng và bị hạ thấp nhân cách đến mức độ không còn đủ can đảm nhìn đến tương lai. Chúng ta đem lại cho họ nước nôi, nhà ở, một khí hậu tốt hơn, một cuộc sống xứng đáng với con người hơn. Và họ sợ. Đó là những sản phẩm của xã hội phi Cộng sản. Nó biến con người thành một con vật khiếp sợ đến nỗi họ thà bị giết hại chứ không muốn từ bỏ cái cực khổ của mình, đổi lấy một cuộc sống dễ chịu hơn. Chúng ta sẽ giúp đỡ họ mặc dù họ không thích. Ai biết yêu người, các đồng chí ạ, thì phải biết làm điều tốt cho con người và không ngại đổi mới. Sứ mệnh chúng ta là mang lại cho thế hệ mai sau một khí hậu trong lành, một trái đất phồn vinh sinh sản và một xã hội công bằng. Vì lợi ích của xã hội, chúng ta sẽ không bắt con số vài ba ngàn người ấy trở thành những người cộng tác với ta. Đó là tình nhân đạo cao cả nhất. Ngoài các Xô Viết ra, không có một tôn giáo nào có được một lòng nhân ái sâu sắc như vậy. Chúng ta biến họ thành người cộng sự của ta mặc dầu trái ý họ, vì lợi ích bản thân họ và con cháu họ mai sau. Các Xô Viết đã được thành lập trên nền tảng tình đoàn kết của con người.
Bodnariuk đứng lên.
Ta đi làm đi, vì lợi ích của nhân loại! - Anh nói.
Kanayan vẫn đứng yên.

IV

Doris Bodnariuk tổ chức lao động trên các hiện trường.
Rồi anh đi máy bay về Moscow. Anh nhận thêm những chỉ thị mới. Và giờ đây anh ở Kichinev vừa sáp nhập vào nước Nga.
Anh phụ trách tuyển nhân công và chuyển họ tới sa mạc để lao động, khoảng vài trăm ngàn người dân tị nạn. Họ sẽ làm các công việc cải tạo khí hậu.
- Đây không phải lần đầu tiên người Do Thái tiếp xúc với sa mạc! - Boris Bodnariuk nói - Theo dòng lịch sử, người Do Thái đã từng ở giữa những cánh đồng cát vô tận bao la.
Boris Bodnariuk có ý muốn nhìn lại cái nhà trường trung học hoàng gia, nơi anh đã bị đuổi ra với bộ đồng phục nhục nhã, khuy áo bị cắt, cách đây vừa tròn mười lăm năm. Đằng sau anh, cạnh bàn giấy là đại tá Novirok phụ trách thẩm vấn những người tị nạn. Novirok là một gã đàn ông mập mạp, thụ động.
- Hàng trăm ngàn người Do Thái ấy, những kẻ tuyệt vọng ấy tới xin cư trú trên đất Xô Viết là để khỏi bị thiêu sống như những con chuột trong các lò thiêu người của bọn phát xít. Họ là những kẻ chống phát xít vì sợ cái chết, sợ những trại tập trung, nhưng họ cũng lại chống Cộng sản. Chuyện họ tới Nga không có ý nghĩa gì. Dân Do Thái tới Nga vì họ không thể đi đâu khác. Các nước dân chủ không chịu tiếp nhận họ, trừ khi họ có tài khoản tại ngân hàng. Như nước Thụy Sĩ chẳng hạn. Những nước khác thì xa quá, nhưng chúng ta phải cách ly họ ra bởi họ đều là những kẻ chống cộng.
- Điện Kremlin đã chấp nhận kế hoạch của ta. Vị trí của người Do Thái là ở ngoài sa mạc. Nước Nga có hàng triệu hecta cát.
- Đại tá Novirok chuẩn bị danh sách và hồ sơ của hàng ngàn người Do Thái ngay ngày mai sẽ phải dồn vào những toa tàu đóng kín cửa và chuyển đến những hiện trường để lao động cải tạo khí hậu và xanh hóa sa mạc! - Boris Bodnanuk nói.
- Các bạn đã học vật lý và biết rằng một nguyên tử hydro vẫn là do một nguyên tử hydro trong bất cứ một phân tử nào có nó ở trong. Một cá nhân là một vật sáng tạo của xã hội mà ở đó nó đã sinh ra. Nó luôn luôn vẫn là nó dù nó có bị đào gốc lên và trồng vào bất cứ một xã hội nào khác.
Đó là một quy luật sắt. Theo đúng kế hoạch đã trù định, tôi có thể điều chỉnh lại, tại vùng sa mạc, màu trời, hướng gió và mức nước ở các biển, nhưng tôi biết rằng: bản chất của cá nhân thì không thể nào điều chỉnh được. Trừ phi tiêu diệt nó đi. Moise đã biết rõ điều đó, nên ông ta mới ở bốn mươi năm nơi sa mạc trước khi thử tạo ra một nước Israel mới. Ông đã ở bốn mươi năm nơi sa mạc đợi cho cái thế hệ mà ông không cần nữa chết đi. Và chỉ sau đó, với một thế hệ trẻ, ông mới bắt tay vào xây dựng. Quả là lãng mạn chính trị nếu cho rằng chúng ta có khả năng cải tạo những con người gốc tư sản thành người Cộng sản. Cũng như là lãng mạn về phía một người nếu như có một lúc nào đó hắn tin rằng có thể cải tạo một con người Cộng sản thành tư sản. Quả là ngu đần! Khoa học xã hội chưa phát hiện ra cái bí quyết hoán cải cá nhân. Chúng ta phải chờ thêm một thế hệ nữa. Các cá nhân, tôi xin nói thêm, cũng như những nguyên tử: cuộc sống của họ không đơn độc và người ta không thể nào biến cải bản chất của họ được. Họ là sản phẩm của xã hội. Tất cả mọi cá nhân từ một nước tư sản là tư sản, dù họ là Do Thái hay chống phát xít. Vậy nên họ sẽ được đưa ra sa mạc. Ở đó, họ sẽ chết. Ở đó, họ không có thể lây lan sang những người xung quanh với những con vi trùng tinh thần và chính trị của họ. Ở sa mạc, họ sẽ như nằm trong một cái lò hấp.
Thực ra, cũng là một điều có ích cho họ bởi dù sao chúng ta cũng đã đưa họ tham gia phần nào vào một sự nghiệp lớn lao tuy có trái ý trái lòng của họ chút ít. Chúng ta mang lại lợi ích cho toàn nhân loại và cho những thế hệ tương lai. Những thế hệ này sẽ được hưởng hiệu quả những công việc khổ sai mà họ đang thực hiện hôm nay. Đối với họ, đây là một cơ may hiếm có, khác với cái cơ may chết trong các trại tập trung nazi, một cái chết hoàn toàn vô bổ. Còn với chúng ta thì dù sao họ cũng đã gặp cái may mắn ấy. Lâu nay, đối với những người Do Thái từ các nước tư bản tới, anh đã xử trí như thế nào?
- Giáo dục cải tạo. - Đại tá Novirok nói.
- Kẻ đã ra lệnh giáo dục cải tạo đó là tội phạm của chủ nghĩa lãng mạn chính trị! - Bodnariuk nói - Buổi đầu cách mạng, chúng ta đã thử nghiệm giáo dục cải tạo với các nông dân, với các sĩ quan chế độ Nga hoàng, với các linh mục. Và chúng ta đã thất bại một cách thảm hại. Một con người từ phương Tây tới phải được cách ly, đưa đi lao động hoặc tiêu diệt. Nó là loại thối rữa rồi, thối rữa! Các bạn hiểu không?
Boris Bodnariuk nhìn thành phố. Bên trên các mái nhà, lầu chuông các nhà thờ nhô cao như những ngón tay chỉ thẳng lên trời. Anh ta quay mình lại.
- Bao giờ tôi hoàn thành thắng lợi kế hoạch cải tạo khí hậu rồi, tôi sẽ phải thực hiện một ước mơ khác nữa: tham gia biến đổi phương Tây thành một sa mạc tro. Nhìn thấy các thủ đô lần lượt cái này sau cái kia sụp đổ tan tành với những bức tường thành và những ngôi nhà thờ trung cổ của chúng! Tham gia vào chiến dịch, các máy kéo Xô Viết sẽ tới cày xới mảnh đất cháy khô của châu Âu. Chúng ta sẽ trồng rừng lên đó, chúng ta sẽ xây cất lên đó những thành phố mới, những nhà máy, nhưng trước tiên ta hãy để cho mảnh đất ấy cháy trụi. Hoàn toàn! Để từ Odessa thấy ngọn lửa London, Berlin, Paris... Những ngọn lửa thiêu hủy cả phương Tây và tiêu diệt hết lũ vi trùng và mọi dấu vết của cái xã hội phương Tây đã kìm hãm cả nhân loại trong bóng tối dưới cái dấu thánh giá suốt hai mươi thế kỷ ròng kia! Trong áp bức, trong khủng bố và kinh hoàng! Dưới dấu hiệu cả cây thánh giá! Các bạn không muốn cái cảnh tượng đó sao?
Novirok nhìn đăm đăm vào mắt của Bodnariuk. Y không nói gì. Đại tá Novirok biết rằng nếu những ý kiến của Boris Bodnariuk được các Xô Viết chấp nhận thì y có thể trả lời “có” mà không sợ gì. Nhưng nếu ngày mai Chính phủ Xô Viết lại coi ý kiến của Bodnariuk là “quá sớm”, hoặc không đúng thực tế thời sự thì tất cả những người trả lời “có” đều có thể bị nguy hiểm. Cho nên tốt hơn hết là im lặng, không nói “có” cũng chẳng nói “không” và nhất là đừng có nói ỡm ờ “có thể”, vì chữ “có thể” ấy có thể hiểu “có” cũng được mà “không” cũng được. Vấn đề sống chết là phải giữ im lặng với một cái nhìn không bao hàm ý nghĩa “có” cũng chẳng bao hàm ý nghĩa “không”, một cái nhìn không trung lập cũng chẳng nước đôi, nghĩa là một cái nhìn tương tự cái nhìn của con bò, bò cái hay bò đực cũng là con bò. Đó là một thái độ bảo đảm, thái độ của viên đại tá Novirok lúc này.
Và cả dân tộc Xô Viết nữa, nó cũng cố gắng có cái nhìn như vậy.

V

Tại Kichnev, Boris Bodnariuk thăm các trại tị nạn của người Do Thái ở Nga. Dựa vào các bản báo cáo, anh tính con số những người đến tị nạn hằng ngày. Anh yêu cầu phải đưa họ ra sa mạc hằng tuần. Khi đi ngang qua trước trường trung học hoàng gia, đại tá Novirok chỉ ngôi nhà nguyện.
- Nó đã được chuyển thành Nhà hát. - Y nói - Một nhóm tị nạn chính trị có nhiệm vụ biểu diễn bằng tiếng Rumani.
Boris Bodnariuk và đại tá Novirok bước vào trong nhà nguyện. Một người đàn ông và ba bốn người đàn bà làm việc tại đó. Nơi xưa kia là chỗ bàn thờ Chúa, nay là sân khấu. Màn sân khấu được may bằng những chiếc áo lễ lột từ các bức tượng và các cây thánh giá ra, còn tượng và thánh giá thì ném xuống đất. Boris Bodnariuk bước tới, hai tay đút túi quần.
Những bức tượng thiên thần mắt xanh nhìn xuống những chiếc ủng bóng nhoáng của người đàn ông mặc áo khoác da đang chà đạp họ dưới bàn chân. Thánh Nicolas, các Tổng lãnh Thiên thần Michel và Gabriel, Thánh Tông đồ Pierre vẽ bằng sơn trên tường nhìn chằm chặp vào chiếc khăn quàng màu đỏ quấn quanh cổ Bodnariuk. Anh tiến lên phía sân khấu. Một cô gái đang ngâm thơ bằng tiếng Rumani.
- Đây không phải nghệ thuật Xô Viết! - Bodnariuk kêu lên, tay chỉ các bức tranh trang trí.
Cô gái đang ngâm thơ bỗng im bặt.
- Ẳnh trang trí này biểu hiện dòng sông Prut đang ngăn cách Tổ quốc Xô Viết với thế giới tư sản. - Một thanh niên trả lời. Anh ta là họa sĩ của đội - Bờ sông phía tư sản thì nghèo nàn, toàn là những nô lệ làm việc. Còn bờ sông phía Xô Viết thì phồn vinh, tràn đầy hoa lá tươi xanh.
- Những cây dương phía bờ Xô Viết nói lên ý nghĩa gì? - Boris Bodnariuk hỏi.
- Những cây dương ấy góp phần phản ánh không khí nên thơ của đất nước Xô Viết. - Anh chàng họa sĩ đáp - Đối với chúng tôi, những nghệ sĩ tị nạn, cái bờ sông của Xô Viết là bờ bến của Tự Do.
Anh chàng họa sĩ, nữ nghệ sĩ đang biểu diễn trên sân khấu, đại tá Novirok, các nghệ sĩ khác đang ở trong phòng kinh hãi nhìn Boris Bodnariuk. Họ cảm nhận rằng Boris là một cán bộ cấp cao của Chính quyền Xô Viết. Số phận nhà hát phụ thuộc vào anh ta. Các Thánh, các Thiên thần, Đức Mẹ, Chúa Trời, các Tổng lãnh Thiên thần cũng nhìn Boris Bodnariuk, nhưng con mắt họ vẫn bình thản. Họ biết rằng số phận họ trong cái nhà thờ này đã được quyết định rồi. Họ được bọc thêm một lớp sơn bằng xi măng và bằng những câu châm ngôn Cộng sản, vì vậy mà họ chẳng sợ gì.
- Trong bức bích họa này, - anh chàng họa sĩ nói - chúng tôi kể lại đoàn kịch Eddy Thall chúng tôi ở Bucarest. Chúng tôi đã trốn tránh sự khủng bố của phát xít và tìm một nơi tị nạn tại đất nước Xô Viết tự do. Đây là một câu chuyện có thực.
- Khi các người đặt chân lên bến bờ Xô Viết, các người không trông thấy một nhà máy, một xưởng sản xuất nào ư? Vì sao các người chỉ biểu hiện dòng nước sông Prut chảy qua trên những lớp cỏ dại và những khoảng đất khô cằn?
- Tôi đã cố gắng biểu hiện cho được tính chất diễm tình của bờ sông Xô Viết! - Họa sĩ đáp.
- Nước một con sông khi chảy qua giữa những đám cây dương liễu và cỏ dại phải chăng chứa đựng nhiều chất thơ hơn là khi nó quay bánh xe của một nhà máy điện cho ánh sáng tràn ngập đôi bờ? Bodnariuk hỏi - Phải chăng có nhiều thơ hơn trong một cây dương liễu và hai con bò cái so với một nhà máy cung cấp ánh sáng cho hàng chục làng mạc, hàng nghìn ngôi nhà trong đó có công dân Xô Viết đang sống? Một con bò cái lại nên thơ hơn một nhà máy thủy điện ư? Và một cây dương liễu nên thơ hơn một cỗ máy kéo?
- Ý định chúng tôi là biểu hiện tấm lòng tri ân của chúng tôi đối với các Xô Viết đã ban cho chúng tôi cái quyền trú ngụ.
- Anh chàng họa sĩ nói (anh ta đã bắt đầu run lên) - Tôi đã lý tưởng hóa tất cả ở phía bờ Xô Viết.
- Các người biểu thị tấm lòng tri ân đối với các Xô Viết bằng cách khuyến khích khán giả quay lưng lại với những thành tựu xã hội chúng ta đã đạt được để nhìn một mảnh đất khô cằn trên đó có những con bò cái và những con cừu gặm cỏ ư? Các người khuyến khích khán giả quay lưng lại với nhà máy, với lao động, với tiến bộ và với những thành tựu xã hội, và các người bảo đó là tấm lòng tri ân đối với các Xô Viết ư? Ở đất nước Xô Viết, cái đó gọi là tội phá hoại nghệ thuật và bị trừng phạt ngang hàng với các trọng tội khác.
- Tôi xin ăn năn tội lỗi [1] - Họa sĩ nói - Chúng tôi sẽ làm lại toàn bộ phần trang trí. Ngài có muốn nghe một màn hát do nghệ sĩ ưu tú Eddy Thall của chúng tôi biểu diễn không ạ?
Eddy Thall mặc bộ áo quần dân tộc đang biểu diễn một bài độc tấu. Đó chính là câu chuyện của chính đời nàng. Nàng kể lại việc nhà hát của nàng bị đóng cửa như thế nào, ngôi nhà riêng của nàng bị trưng thu như thế nào, Tinka Neva đã bị đuổi đi như thế nào, Lidia Petrovici đã bị thiêu như thế nào. Nàng kể lại cái chết của Milostiva Debora Paternik và của hàng triệu sinh linh. Nàng kể lại những mưu toan di tản về Palestine cùng với một số bạn bè, đâu biết rằng một khi trở về Đất thánh rồi họ sẽ tức khắc bị người Anh bắt giam giữ. Họ đã muốn di tản, vì tuyệt vọng, nhưng chiếc tàu Adassa đã bị đắm tại Biển Đen với toàn bộ “kho hàng Do Thái” của nó. Những kẻ sống sót đã quay về nước Nga và nước Nga đã đón tiếp họ như nó đón tiếp tất cả những người bị khủng bố.
- Vì sao các người lại mặc y phục này? - Boris Bodnariuk đột ngột hỏi.
Đây là y phục nước Cộng hòa Xô Viết Moldavia. - Người họa sĩ trả lời.
- Một công dân Xô Viết không mặc y phục như vậy - Boris Bodnariuk nói - Bởi đây là y phục một xã hội lạc hậu, y phục dân tộc ấy chỉ là y phục một người đàn bà nô lệ! Với y phục ấy, người đàn bà không thể nào làm việc được. Với y phục ấy, người đàn bà bị coi như bị xích tay ở nhà máy cũng như trong giờ thể thao, trong giờ nghỉ ngơi. Các nữ nghệ sĩ lên sấn khấu phải mặc quần áo như thế nào để có tác dụng hướng dẫn cho các nữ công dân Xô Viết trong việc lựa chọn cách ăn mặc. Cô gợi ý cho các khán giả của cô lựa chọn những y phục nô lệ và đặt tên cho nó là y phục dân tộc.
- Chúng tôi sẽ thay những y phục khác! - Người họa sĩ nói. - Lỗi tại tôi.
Eddy Thall lại tiếp tục độc tấu, nhưng nàng run lên vì kinh hãi. Boris Bodnariuk ngắt lời nàng.
- Nữ nghệ sĩ đang kể chuyện gì? - Anh ta hỏi.
- Đây là đoạn những người tị nạn vừa phát hiện ra dân tộc Xô Viết tự do mà lâu nay họ không hề biết chút gì về nó, bởi sự tuyên truyền tư bản đã giấu sự thật về nước Nga.
- Trong các nước tư sản có hàng triệu người Cộng sản chết như những người tuẫn đạo vì đã dám kể cho đồng bào họ biết sự thật về các Xô Viết chúng ta. Không nhớ chuyện đó tức là phủ nhận chuyện đấu tranh và xuyên tạc lịch sử. Người nghệ sĩ nào xuyên tạc lịch sử là phạm một trọng tội.
Boris Bodnariuk đi ra phía cửa. Với đôi ủng đen của mình, anh ta đạp chân lên những hình thánh giá thêu, những bức tượng thánh bằng sứ men và nhung lụa bị ném ngổn ngang dưới đất.
- Không có khả năng giáo dục cải tạo đối với bọn tư sản!
- Anh ta nói - Đồng chí hãy gửi bọn nó sang vùng sa mạc, ngay chuyến xe đầu tiên. Các đoàn khác về sau đến khi nào cho đi khi nấy. Mỗi tuần có một chuyến đi. Con người của giai cấp tư sản không thể nào giáo dục trở lại được. Nếu chúng ta nghĩ ngược lại, chúng ta sẽ trở thành thủ phạm về tội lãng mạn chính trị!

VI

Đoàn người Do Thái đầu tiên đã đến sa mạc. Họ thu xếp ở trong các căn lều và bắt tay xây dựng con đường sắt nối liền nhà ga cuối cùng với hiện trường của họ.
Trong buổi họp ban sáng vài ngày sau khi đám tù binh tới và ổn định nơi ăn chốn ở trong lều, Boris Bodnariuk nói:
- Hiện nay có vài ngàn thợ gốc tư sản đang xây dựng con đường dẫn nước, đường sắt và đường bộ nối liền hiện trường với vùng đất màu mỡ. Tuyệt đối không được tiếp xúc với họ. Số lượng những người này mỗi tuần đông thêm và chúng ta sẽ có một nguồn nhân lực vô tận cho công việc đang làm của chúng ta.
Boris Bodnariuk làm hiệu cho một cô gái tiểu ban địa chất. Đây là một sự mở đầu buổi “Ca nhạc ban mai”. Cô gái đứng thẳng người lên và đọc một mạch thuộc lòng:
- Mảnh đất mà hiện nay chúng ta đang có mặt, theo kiểm nghiệm của chúng tôi, có chứa đựng những túi dầu quan trọng. Ngoài dầu hỏa, chúng ta còn tìm khai thác một số quặng kim loại khác nữa và than đá. Sự hiện hữu của khí đốt tự nhiên là chắc chắn rồi. Công cuộc khai thác những kho tàng dưới đất vùng sa mạc sắp sửa tiến hành và chúng ta có thể đảm bảo với các đồng chí rằng, trong một thời gian rất ngắn, những chỗ mà ngày nay chỉ là cát trắng sẽ mọc lên những thành phố công nghiệp lớn với những nhà máy lọc dầu, những xưởng chế tạo hóa chất. Tất cả những công việc ấy đều có thể thực hiện được nhờ có sự hợp đồng cố gắng trong kế hoạch nhà nước Xô Viết về trồng cây và cải tạo khí hậu vùng sa mạc.
Những tiếng vỗ tay lan rộng vừa dứt thì theo một cái ra hiệu của Boris Bodnariuk, trưởng tiểu ban hóa chất đứng lên.
- Những cây con mà các đồng chí tiểu ban khác đã gieo, chúng tôi đã kiểm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng qua phòng thí nghiệm hóa học. Chúng ta đã có thể khẳng định ngay từ bây giờ rằng: một số hóa chất không có hoặc rất hiếm trên thị trường sẽ được cung cấp tại các nông trường sa mạc. Như vậy, chúng ta sẽ có ngay nơi này những nhà máy hóa chất lớn. Đây tôi xin nêu vài con số: Runex humenobepalus là một cây rất giàu chất tamin. Nó cũng có thể cho chúng ta một số chất kháng sinh hữu hiệu trong việc điều trị bệnh lao. Một loại cây Agave thì có chất rượu cồn và một thứ sợi thực vật rất giá trị trên thị trường. Larea Divaricata một loại cây thảo quanh năm xanh tốt, chứa đựng một thứ nguyên liệu cực kỳ quan trọng trong công nghiệp hóa chất. Bằng cách trồng cây phủ sa mạc, ngành hóa học tìm ra được một kho dự trữ lớn về nguyên liệu mà không một chỗ nào cung cấp đủ.
Chúng ta đã xác minh được trên năm trăm loại cây rất quý cho chúng ta. Chúng ta có đủ chứng lý để khẳng định rằng sa mạc chính là trang trại của những phòng thí nghiệm và những nhà máy hóa chất tương lai.
Boris Bodnariuk lại chỉ định trưởng tiểu ban rau quả đứng lên phát biểu ý kiến.
- Sa mạc có thể cung cấp cho chúng ta, theo thí nghiệm của chúng tôi, khoảng 12 kilô khoai tây trên mỗi mét vuông, một bắp cải có thể cân nặng năm kilô, một củ hành trồng ở đây có thể cân nặng 380 gam. Mảnh đất chết này sẽ còn dành cho tiểu ban trồng vườn nhiều chuyện bất ngờ vô cùng to lớn. Chúng tôi đang chờ những kết quả quan trọng trong tương lai.
Một thanh niên khác đứng lên. Đó là người phụ trách tiểu ban vệ sinh.
- Các trại tù nhân đặt cách hiện trường năm mươi cây số, có thể trở thành một nguồn ô nhiễm cho cả sa mạc. Do gốc gác tư sản, bọn thợ ấy vóc lực mỏng manh, tỷ lệ chết cao. Sa mạc là nơi khó xây những nghĩa địa. Gió sẽ thổi bay mồ mã đi một cách dễ dàng. Vi trùng có thể di chuyển hàng trăm cây số và có nguy cơ ô nhiễm cả bầu không khí, gây ra nạn dịch tễ ở cả những vùng cách xa hàng ngàn cây số. Tôi đã đề xuất ý kiến là các xác chết phải được hỏa thiêu chứ không chôn cất. Lý do: các ngôi mộ có thể bị gió đào xới đến tan hoang.
Boris Bodnariuk mỉm cười. Anh nhìn đồng chí phụ trách cảnh sát. Sau đó anh giơ tay làm hiệu và cô thư ký Natacha Olt đứng lên. Cô cầm một mảnh giấy và đọc:
- Đồng chí trưởng ban vệ sinh vừa cho chúng ta biết một thông báo thú vị: Văn phòng Trung ương Vụ trồng cây sa mạc, bao gồm những nhà bác học Xô Viết vĩ đại, đã từ lâu giải quyết xong vấn đề xây dựng nghĩa địa ở vùng sa mạc. Đành rằng không thể dựng những ngôi mộ trên cát vì sợ xác chết dễ dàng bị gió thổi lật tung lên, nhưng sự hỏa thiêu hài cốt là một sai lầm. Ủy ban Trung ương Trồng cây ở vùng sa mạc cát đã có một quyết định thiên tài. Nữ đồng chí tiểu ban nông trường cây ăn quả sẽ thông báo quyết định cho các đồng chí rõ.
Một cô gái khác đứng lên:
- Vấn đề xác người chết ở sa mạc đã được giải quyết như sau: người chết sẽ được chôn sâu 60 centimét dọc theo đường ống dẫn nước, xác nọ cách xác kia 5 mét. Trên mỗi xác chết sẽ phủ một lớp đất sét dày 10 phân để cố định nó một chỗ. Sau đó dưới sự kiểm soát của tiểu ban trồng cây, người ta sẽ trồng lên mỗi chỗ đó một cây ăn quả, mỗi ngày tưới năm lít nước trong một thời gian cần thiết cho cây bén rễ và xác chết rữa ra, nhằm cố định chất đất. Qua cách đó, chúng tôi đã xác nhận qua những thí nghiệm lặp đi lặp lại nhiều lần tại nhiều khu vực của sa mạc, cát được cố kết chắc lại và cái mộ không còn có thể bị gió thổi bật ra ngoài được nữa. Những thuận lợi của phương pháp này có thể nói là vô cùng phong phú. Con đường dẫn nước, con đường sắt, con đường bộ có trồng cây hai bên sẽ được che kín cả gió cả cát như bởi hai bức bình phong. Sau đó, người ta sẽ tạo ra một cái “cầu cây xanh” nó sẽ góp phần củng cố khoảng đất xung quanh và cho phép mở rộng khu vực trồng cây ra hai bên. Con đường máng dẫn nước khuất dưới bóng cây, sẽ không còn bị phơi dưới ánh nắng mặt trời chói chang nữa. Cây cối sẽ sai trĩu quả. Ủy ban Trung ương đã kiểm nghiệm và thấy rằng một cây ăn quả trồng ở nghĩa địa trên một xác chết như vậy, sản xuất ra một lượng trái nhiều gấp đôi những cây khác. Và như vậy, trong thời gian năm tháng, tức thời gian cần cho xác chết thối rữa. Chất lượng trái cây thu hoạch được từ những cây trồng trên xác chết như vậy thật là hoàn hảo, không gì so sánh được. Những trái anh đào chẳng hạn, dày cơm và ngọt hơn. Và phương pháp này đã được áp dụng từ thời kỳ xa xưa. Chính vì vậy mà tất cả các nghĩa trang nông thôn đều có trồng cây trên mộ. Nhờ các Xô Viết, phương pháp này đã được đưa vào kế hoạch và nó sẽ được vận dụng trên một quy mô khổng lồ ở đây, trên sa mạc, tại hiện trường của chúng ta!
Boris Bodnariuk mỉm cười.
- Các Xô Viết không quên điều gì bao giờ, kể cả những xác người chết nơi sa mạc. Mọi sự đều đã được nghiên cứu kỹ càng.
Anh ta lại mỉm cười lần nữa và tuyên bố bế mạc cuộc họp.

VII

Một chiếc xe tải xuất hiện tại hiện trường xây dựng đường ống dẫn nước và con đường sắt. Đây là một cuộc thanh tra bất ngờ. Boris Bodnariuk xuống xe trước, tiếp theo là Natacha, ông trưởng ban nông trường, ông chính trị viên, ông bác sĩ và ba thanh niên khác. Người xuống xe cuối cùng là Vladimir Kanayan.
Người ta ra lệnh trồng cây và chôn cất hằng ngày những người bị chết. Trong lúc Boris Bodnariuk xem xét công việc đắp nền đường mà dọc hai bên người ta đã đào sẵn hai mươi bảy cái hố hình chữ nhật sâu sáu mươi phân, thì hai mươi bảy nữ tù nhân, áo quần rách rưới, bế hai mươi bảy cây keo như hai mươi bảy bó đuốc, từ trong một căn lều có lính gác đi ra.
- Chúng ta trồng cây keo vì loại cây này có thể bén rễ ở đất cát dễ dàng hơn loại cây khác. Trong mười bốn tháng nữa, những cây keo sẽ được ghép mầm và trở thành cây ăn quả.
Cũng từ căn lều mà những phụ nữ bê những cây con đã khô như bê những bó đuốc vừa đi ra ấy, bọn tù nhân đàn ông hai hàng dọc đi ra, cứ hai người khiêng một xác người mới chết trong ngày đi ra đặt xuống cát, gần bên miệng hố. Boris Bodnariuk không nhìn những xác chết trần truồng. Các xác chết đều đặt nằm sấp để người ta không phân biệt được đàn ông hay đàn bà. Viên trưởng ban nông trường ra hiệu một cái là hai người đàn ông lập tức túm chân và đầu người chết ném xuống hố. Sau đó, người ta mang tới, trên những chiếc xe cút kít một khối lượng đất vàng. Tên tổ trưởng kiểm lại xem người ta có phủ lên mỗi xác chết đủ khối lượng mười phân đất sét hay không. Người ta mang những cây con lại và chăm chút, cẩn thận trồng lên đúng chỗ ngực người chết.
Công việc này do đàn ông làm. Đàn bà chỉ đứng nhìn. Tất cả diễn ra trong yên tĩnh cho tới khi xuất hiện năm thùng nước lớn chở đến trên những chiếc xe to. Lập tức con mắt của các tù nhân sáng lên. Khát! Mấy thùng nước càng chuyển gần tới hàng cây con mới trồng thì mắt các tù nhân càng mở to hơn nữa, sáng lên hơn nữa, đàn bà cũng như đàn ông. Người ta cảm thấy được rằng mỗi người họ đang nắm chặt tay lại để khỏi lao vào những thùng nước kia. Những cái lưỡi khô không khốc liếm mạnh lên những làn môi cháy bỏng vì khát nước. Khi người ta tưới nước xuống cát thì con mắt các tù nhân cháy lên như con mắt những người kinh hoảng. Nhưng đồng thời với vòi nước chảy xuống cát người ta thấy cạnh những chiếc thùng tua tủa những lưỡi lê của bọn lính canh.
- Những vi phạm duy nhất cần báo lên là những vụ trộm nước. Mỗi thùng phải được canh gác ngày đêm bởi một số lính gấp đôi. - Ông chính trị viên nói. Bodnariuk nhìn dòng nước chảy ra trên cát. Anh ta không nói gì. Natacha đã rời hiện trường ngay khi người ta khiêng những xác chết đến. Xa xa, cô nghe một giọng nói quen thuộc. Cô quay mình lại. Vladimir Kanayan đang nói với một nữ tù nhân.
- Không ai được phép tiếp xúc với các công nhân hiện trường! - Natacha toan hét lớn lên như vậy. Nhưng rồi giọng nói của Kạnayan vọng đến tai cô, rành rọt.
- Cứ đưa tôi năm đồng vàng, tôi sẽ đưa bà về Israel. Cho đến nay, tôi đã thực hiện được bốn chuyến rồi. Công việc dễ ợt. Đi phía này, qua Iraq, Israel gần lắm mà! Và chẳng phải là đắt đâu. Chỉ có năm đồng vàng. Có những tốp dân địa phương họ sẽ đưa người đi sang Iraq mỗi đêm. Ngay đêm nay nếu như cô muốn.
Người đàn bà mà Kanayan đang nói chuyện tầm vóc to cao và đẹp, hơi gầy. Nàng lắng nghe, không nói gì. Natacha nhẹ nhàng bước tới gần, vẫn quay lưng lại.
Người ta nghe người đàn bà, với giọng thanh thót, hỏi lại Kanayan bằng một câu tiếng Nga không xuôi lắm, vừa đủ hiểu:
- Ông có bảo đảm đưa chúng tôi qua bên kia biên giới sau khi chúng tôi đã đưa tiền không? Chúng tôi có thể yên tâm rằng ông sẽ không giết chúng tôi không?
Giọng của Kanayan lại vọng lên lần nữa:
- Khi bà tới gặp bác sĩ - hắn nói - thì cái điều duy nhất bà hỏi là ông ta có lành nghề hay không. Thế thôi. Sau đó, bà ở trong tay ông ta và không thể kiểm tra xem ông ta làm cho bà những gì nữa. Một khi nằm trong tay ông ta rồi, chỉ còn vấn đề tin cậy. Tại phòng khám của bác sĩ, không có chuyện bảo đảm.
Với những đoàn du mục chỉ huy những cuộc vận chuyển sang Israel cũng vậy. Cái chính là biết chắc chắn họ thuộc đường qua sa mạc. Và thật sự là họ thuộc đường. Còn lại là vấn đề tin cậy.
Người đàn bà suy nghĩ.
- Ngày mai, sau nửa đêm, sẽ có những người đàn ông tới đây, nhận của những người Do Thái có năm đồng vàng. Họ sẽ gặp các người ở chỗ những ngôi mộ chôn những người chết hôm nay. Họ sẽ tới bằng cách trườn lê sát đất. Đừng có sợ. Tối mai không có trăng và đừng có ai tới mà trong túi không có năm đồng vàng! Dân du mục là hạng người bà có thể tin cậy được. Họ không phải là dân Xô Viết. Không một ai.
Eddy Thall nhìn thẳng vào mặt Kanayan, hắn ta cũng nhìn lại và mỉm cười.
Người ta nghe tiếng Bodnariuk nói bên cạnh:
- Kẻ nào chỉ sống trong hiện tại mà thôi là một kẻ dã man hoặc một tên phản bội. Con người cũng phải sống trong tương lai nữa và họ chỉ có thể sống như vậy khi hòa mình vào trong một kế hoạch. Kế hoạch là dịp may duy nhất thực tế của con người. Người ta có thể chinh phục tương lai không phải bằng cá nhân mình mà bằng tập thể và theo đúng kế hoạch. Những người hôm nay đang sống nơi sa mạc, đang khổ sở vì cơn khát. Đó là hiện tại. Nhưng họ chịu đựng cơn khát cho các thế hệ mai sau có nước trên trái đất này. Nhờ kế hoạch của chúng ta mà con người của tương lai không còn biết đến cơn khát nước và hạn hán. Chúng ta sẽ chôn vùi dưới các nông trường vài trăm nghìn người hòng cứu lấy hàng triệu người trong tương lai. Còn tình cảm nhân đạo nào cho bằng? Có lòng nhân ái nào cao đẹp bằng?
Chiếc xe tải lăn bánh. Natacha cắn môi không dám nhìn Kanayan. “Tối nay mình sẽ nói cho Boris Bodnariuk những điều mình vừa nghe thấy. Anh ấy sẽ bắt chúng nó quả tang”.
“Đây là sinh vật đầu tiên xuất hiện trên sa mạc!”
Cô ta nhìn Kanayan với thái độ kinh tởm và nghĩ rằng các Xô Viết đã làm đúng khi họ đi tìm kẻ thù của nhân dân trên bãi cát, trong chùm rễ cây và trong các mồ mả của người chết, bởi kẻ thù đó ở khắp mọi nơi.

VIII

Một chiếc xe tải đầy những lính canh chờ trước lán. Xung quanh Bodnariuk có nhiều sĩ quan cảnh sát với những quân hàm rộng bản.
Boris Bodnariuk vui vẻ hoan nghênh sự hiện diện của họ trong sa mạc. Anh ta có vẻ như quen biết họ. Anh ta bắt đầu kể cho họ nghe việc trồng cây trên xác chết ven đường ống dẫn nước. Các sĩ quan nhìn đồng hồ. Bodnariuk cùng với họ đi vào phòng làm việc của hiện trường. Natacha và Kanayan mang ghế tới. Cô thư ký da mặt xanh mét. Cô cúi xuống và nói nhỏ vào tai Bodnariuk:
- Em muốn báo cáo với thủ trướng một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng.
Cô muốn nhắc lại từng chữ nguyên văn cuộc hội thoại giữa Kanayan và người nữ tù nhân. Mắt cô nhìn đăm đăm vào quân hàm của các sĩ quan chưa quen biết.
- Những thông báo quan trọng sẽ thực hiện sau. Hãy để chúng tôi một mình! - Một viên sĩ quan nói.
Boris Bodnariuk ra hiệu cho Natacha Olt ra ngoài.
- Đây là một việc hết sức nghiêm trọng! - Viên sĩ quan đã ra lệnh cho Natacha ra ngoài nói (hắn ta đang đứng ngay trước cửa sổ) - Cơ quan tình báo của ta đã bắt giữ toán tù nhân thứ hai chạy trốn thuộc khu vực đồng chí.
Các sĩ quan nhìn Bodnariuk đăm đăm. Qua bức tường bằng ván ghép, Natacha nghe lỏm được câu chuyện của phòng bên cạnh. Và cũng qua bức tường bằng ván ghép, phía sau lán, Vladimir Kanayan cũng đang đứng nghe.
- Có một tổ chức làm cái việc chuyển tù nhân ra nước ngoài.
Sáu viên sĩ quan ngồi ở ghế. Một trong bọn họ ghi biên bản. Những người khác nhìn Boris Bodnariuk.
- Những người chết trong trại đã được tận dụng cho các nông trường. Người ta đã phát hiện ra rằng con số những cây trồng thấp hơn số tù nhân chết. Tôi đã báo cáo sự kiện này kịp thời. Thiếu năm ngôi mộ và tôi cũng đã mạnh dạn nói lên những giả thiết của tôi.
- Chúng tôi yêu cầu được nghe những giả thiết ấy.
Boris Bodnariuk mỉm cười. Anh nhìn sáu viên sĩ quan đang ngồi trước mặt. Họ đang khát nước. Họ đang mệt mỏi.
- Chúng ta chôn người chết dọc theo đường dẫn nước và trồng lên trên mỗi xác chết một cây con nhằm tạo nên một nhịp cầu cây xanh, không những trên xác tù nhân mà cả trên xác loài vật. Chắc chắn là bọn tù nhân đã đánh cắp xác năm con ngựa, lừa và la để ăn thịt. Đây là một suy diễn hợp lý. Muốn kiểm tra cho chính xác là xác vật hay xác người, thì cần phải kiểm tra cả bốn trăm cái mộ, nghĩa là phải hy sinh đi bốn trăm cây con. Chúng tôi đã phản đối cách làm này. Mỗi một cây trồng lên tốn của chúng ta năm lít nước. Tôi tin chắc đó là những xác vật chứ không phải xác tù nhân.
Bodnariuk nói tiếp:
- Bọn tù nhân không thể đi lại được. Muốn trốn sang phía Tây, họ phải vượt nhiều tầng dây thép gai. Mọi mưu toan trốn về phía Đông thì ta có thể loại trừ. Đi về phía Nam là một ngàn cây số sa mạc cát mênh mông. Đó là những tên lính canh giỏi nhất. Không một con chim nào có đủ nghị lực để bay qua, sợ cháy cả cánh. Sa mạc là tên lính canh có hiệu lực hơn tất cả.
- Về phương diện cảnh sát, chẳng có gì gọi là chắc chắn tuyệt đối - Một sĩ quan khác nói - Mỗi một cộng tác viên đều phải được kiểm soát cẩn mật đêm cũng như ngày.
- Nghi vấn cả sa mạc cát quả là điều phi lý. Nó không để cho một người nào băng qua nó được đâu. Các đồng chí hãy ra và thử đi về phương Đông hoặc phương Nam xem! Các đồng chí không đi nổi hai cây số. Các đồng chí sẽ bị khô người, bị quay sống lập tức!
- Tất cả những tù nhân trốn thoát của khu vực đồng chí đều đi theo hướng đó. Họ đã làm những bản tường trình đầy đủ về sự kiện này, mọi việc đều đã rõ ràng. Chúng tôi đến đây là để bắt những tên đồng lõa, tức những người đã cho phép họ băng qua khu vực cấm.
Viên đại tá rút trong túi ra một vài cái giấy thông hành.
Những giấy thông hành chỉ có thể do Bodnariuk cấp. Anh xem những cái giấy đó.
- Chúng tôi muốn biết những tên đồng lõa nào trong văn phòng của đồng chí đã cấp giấy thông hành cho bọn kẻ cướp ấy?
Con mắt các viên sĩ quan đổ dồn về phía Bodnariuk. Họ quan sát từng thớ thịt trên khuôn mặt của anh. Ngay lúc đó, ở phòng bên cạnh, Natacha Olt đứng dậy. Cô phải nói sự thật, bởi một mình cô biết sự thật đó. Kẻ thù của nhân dân, con rắn lục cần phải đánh dập đầu, kẻ tổ chức trốn tù, chính là Vladimir Kanayan.
Cô bước ra cửa. Cô chuẩn bị những câu cần thiết để tố cáo. Từ cửa sổ của căn lều, Vladimir Kanayan theo dõi từng cử chỉ, từng động tác của Natacha. Và khi cô đặt tay lên quả đấm của cánh cửa, hắn lập tức nhắm vào chiếc áo hở vai màu trắng của cô thư ký và bắn liền ba phát súng ngắn. Đoạn hắn ném khẩu súng vào chân Natacha. Và trước khi cô ngã xuống, hắn đã đứng phía bên kia lán để tiếp tục nghe trộm cuộc tranh luận.
Nhưng cuộc tranh luận không còn. Có tiếng bàn ghế đổ, tiếng cửa đóng rầm, tiếng giày, tiếng ủng. Lưng Kanayan nhỏ giọt từng dòng mồ hôi lạnh như kim loại, nhưng nét mặt hắn không thay đổi, thân thể hắn bất động. Các viên sĩ quan lạ ùa vào phòng của Natacha. Họ thấy cô ta đã chết. Họ thấy khẩu súng lục, những vết máu, chiếc áo hở vai bị thủng.
- Tên thủ phạm đầu tiên đã tự thú một cách đầy đủ. - Viên đại tá thét - Không có lời thú tội nào đầy đủ hơn, tự phát hơn của chính kẻ phạm tội.
Vladimir Kanayan đã hóa thành trơ như một tảng đá. Hắn nghe tiếng nói của viên đại tá:
- Anh bị bắt để điều tra, Boris Bodnariuk!
Kanayan đứng lên. Qua cánh cửa sổ để ngỏ, hắn nhìn thấy vầng trán cao của Bons Bodnariuk, hắn nhìn thấy cái dáng người trí thức lỏng khỏng của anh. Hắn nhìn thấy một viên sĩ quan trẻ túm lấy lưng anh, một tên khác cầm lấy bàn tay anh cho một tên khác trói lại, những bàn tay trắng của Boris Bodnariuk. Và hắn đứng thẳng người, rất thẳng, bất động. Như một pho tượng thạch cao.
Một viên sĩ quan rút ngăn kéo lấy ra một số giấy tờ.
- Tử hình những tên phản bội và những kẻ không phát hiện ra nó! - Boris Bodnariuk nói.
Anh ta tự nói với lòng, như thầm thì, dằn từng tiếng.
“Ta đã không được hạnh phúc xử tử người con gái phản bội, nhưng ta muốn làm tròn nhiệm vụ ta đối với các Xô Viết bằng cách giết những kẻ đã không phát hiện ra vụ phản bội mặc dù nó diễn ra ngay bên cạnh ta, dưới sự bảo hộ của ta. Kẻ nào không thấy được kẻ thù của các Xô Viết thì không phải là người Xô Viết. Một người mù không thể là Cộng sản. Không! Boris Bodnariuk, không! Bodnarik!”
Bàn tay Bodnariuk nắm chặt lại. Nó có vẻ như to lớn hơn, mênh mông hơn. Có thể nói những nắm tay đó không thể nằm trong những chiếc còng kia được, và trong đầu óc anh ta cũng như nắm tay phồng lên đầy uất hận, là cái tội ác mà anh phạm phải: không kịp thời phát hiện những quân phản bội làm việc ngay bên cạnh anh ta, nó như phồng to lên với một mức độ kinh hoàng. Bodnariuk biết rằng có những tội ác mà sau khi nó đã qua rồi người ta cũng không sao sống nổi. Anh nắm chặt bàn tay, hai hàm răng nghiến chặt. Đôi cánh tay anh bỗng giơ lên với một nghị lực quả quyết đến nỗi như không còn một cái gì giữ nó lại được nữa. Đôi cánh tay ấy giơ lên, bàn tay nắm chặt trước ngực bằng tất cả sức mạnh của cơ bắp và tất cả sức mạnh của tinh thần; và những chiếc còng giơ lên đập vào vầng trán với một sức mạnh kinh khủng khiến cho cái nhìn của anh trong nháy mắt đã bị chìm đắm. Trong cái phân số của một phần giây đồng hồ đó, mắt anh chỉ nhìn thấy một trời vô tận những ngôi sao xanh, nhỏ li ti, hằng hà sa số. Rồi những ngôi sao ấy đỏ rực lên như những dòng máu đang đầm đìa trên trán của anh. Anh cảm thấy miệng nóng ran và trong một giây lát mặt anh chạm sàn nhà lát gỗ. Bây giờ chỉ còn là một bóng tối sẫm màu tím. Rồi sau đó, chẳng còn gì nữa. Hoàn toàn chẳng còn gì nữa!
- Lôi hắn đặt lên xe - Viên đại tá ra lệnh (hắn nói với thái độ căm thù). - Một người Cộng sản, dù đã phạm tội ác vẫn cứ phải làm việc cho Đảng bằng cách vạch mặt những tên đồng lõa khác. Boris Bodnariuk đã bỏ quên nhiệm vụ đó của mình. Cái chết đó có tên là đào nhiệm. Đó không phải là cái chết mà là một tội ác, tội trốn tránh trách nhiệm của mình.

IX

Sau khi chiếc xe tải đi rồi, chỉ còn lại trên ngưỡng cửa một vệt máu: máu của Boris Bodnariuk. Đó là tất cả những gì anh ta còn để lại sau mình. Cho đến lúc này, từ hồi mới ba tuổi, bao giờ anh cũng để lại sau anh những vệt máu; nhưng cho tới khi chiếc xe tải ấy tới, là máu của người khác.
Bây giờ thì anh để lại chính máu của anh ta.
Ngày hôm sau, những biện pháp cảnh sát được tăng cường. Người ta chôn Natacha dưới một cây con như mọi xác tù nhân hoặc xác loài vật chết tại hiện trường. Mỗi tối, người ta vẫn tiến hành đều đặn việc chôn xác người chết dọc theo đường ống nước. Bây giờ có máy bay tới gieo hạt cây lê, bãi cát, một tuần hai lần. Vladimir Kanayan giúp đỡ cho bọn trẻ trong công tác tìm tòi khảo sát. Một hôm, hắn gặp Eddy Thall, người nữ tù nhân xinh đẹp. Nàng ra hiệu cho hắn biết nàng đã có đủ năm đồng vàng.
Vladimir Kanayan nhún vai. Giờ đây, sa mạc được canh gác quá cẩn mật. Không thể nào trốn thoát được nữa rồi.
Nhiều tháng sau đó, một đoàn xe tải xuất hiện. Các tù nhân bị xếp hàng đôi và đưa ra khỏi sa mạc, không phải dưới sự chỉ đạo của Moise mà dưới sự áp giải của lính canh Xô Viết. Kế hoạch cải tạo khí hậu và trồng cây sa mạc đã phải hoãn lại.
Chiến tranh đã được tuyên bố. Nhân lực phải được sử đụng vào những nơi khác. Lều lán được gỡ đi. Gió lại thổi về cùng với những trận bão cát sa mạc, và dấu tích của các Xô Viết đã bị xóa sạch trơn. Trở lại chỉ có cát và mặt trời đốt cháy mọi vật, kể cả thi hài người chết. Bodnariuk đã để lại máu. Kế hoạch của các Xô Viết để lại những thi hài. Vladimir Kanayan lần nữa lại sống một mình với cái nắng hạn, với cái lò nung, với cát - Mình, mình đã biết chúng nó không thể nào biến sa mạc thành vườn cây. Dù cho chiến tranh không xảy ra chăng nữa, thì chúng nó cũng không bao giờ thành công. Để có kết quả, chúng nó đã trồng cây lên xác chết. Và không ai có thể giết đủ số người để phủ kín sa mạc mênh mông bằng những nấm mồ.
Kể cả với máy móc, con người ta không làm sao giết nổi được bấy nhiêu người.
Trước khi rời bỏ sa mạc, Vladimir Kanayan châm lửa đốt hết các nông trường. Cây cối trồng đã được hàng ngàn hàng vạn. Chúng bắt cháy rất nhanh. Kanayan suy nghĩ.
Nếu các Xô Viết thắng cuộc chiến tranh, thì họ sẽ trở lại sa mạc. Và họ sẽ lại bắt đầu trồng cây trên xác chết.
Vậy thì những cây con kia cháy đi là phải, để họ không còn tìm ra dấu vết những người chết nữa. Người chết phải được tự do.
Người chết phải được đứng bên ngoài kế hoạch.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: “Tôi xin đọc mea culpa”. Mea culpa (lời trong kinh Sám hối) có nghĩa là “Lỗi tại tôi”.