Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Cuốn sách của chiến thắng

     hiến tranh tiếp tục. Quân đội Đức tiến vào nước Nga.
Hàng triệu nô lệ bị dồn vào những chiếc xe tải có lính áp giải đưa sang vùng Uran làm trong các khu công nghiệp quốc phòng Xô Viết. Đây là một vùng đất băng giá. Nhìn hết tầm mắt cũng chỉ thấy những bãi đầy dây thép gai, những đường ray, những núi quặng, những ống khói ngất trời.
- Chị phải làm việc tại văn phòng! - Người lính gác nói.
Y ra hiệu cho Eddy Thall tách khỏi hàng tù nhân nữ và chỉ cho nàng cái chổi. Họ đang ở trong một buồng giấy ở đó các tù nhân nam tới ghi tên trước khi đi lao động ở mỏ, dưới mặt đất.
Eddy bắt tay vào công việc. Nàng dùng chổi quét sạch những đất và ghét mà bọn nô lệ tha vào, dưới đế giày của họ.
Tất cả đều là dân nước ngoài.
Tất cả những người này đã bỏ nước trốn đi vì sợ quân Đức.
Họ đã bị các Xô Viết bắt và cho đi lao động khổ sai. Tổ quốc họ chỉ còn lại chút đất dính dưới đế giày; đó là bùn đất của cả châu Âu. Eddy Thall vừa quét dọn vừa nhìn nó qua dòng nước mắt.
Tới giữa trưa, người lính gác chịu trách nhiệm ghi tên tù nhân rời buồng giấy của mình. Hắn đặt tay lên vai Eddy Thall, một bàn tay nặng nề hăng hắc mùi mồ hôi và mùi thuốc lá.
Eddy lùi lại. Hắn mỉm cười, đưa cho nàng một chiếc chìa khóa.
- Chị hãy lau sạch cái buồng bên cạnh. Buồng của tôi đó.
Rồi hắn bỏ đi.
Eddy vào trong buồng một mình. Đó là một căn buồng bốn vách xung quanh làm bằng ván ghép, một chiếc giường, những bức ảnh cắt ở các báo ra, dán lên tường và một cái lò sưởi bằng gang. Nàng quét nhanh cho xong và đóng cửa, sang bên buồng giấy. Qua cửa sổ, nàng nhìn thấy những người đàn bà khiêng những tấm tà vẹt trên vai.
- Tôi tên là Ivan. - Người lính gác vừa trở về nói.
Lần nữa, hắn đặt tay lên vai Eddy Thall, nhưng nàng lùi lại. Tên lính buông mình ngồi phịch xuống ghế. Hắn ta luôn luôn đội mũ. Bỗng nhiên hắn trở nên buồn. Hắn chẳng nói gì.
Mắt hắn bất thần tối sầm lại. Vầng trán xương xương của hắn cũng buồn. Một nỗi u sầu bỗng đổ xuống trên đôi vai đeo phù hiệu của hắn. Có thể nói những mảnh xương to lớn của hắn đã bị làm mềm đi do một nỗi buồn. Cơ thể của hắn khoác màu ảm đạm. Hắn nhìn xuống đất như một người đang mất thăng bằng.
Hắn trỗi dậy với những động tác chậm chạp, uể oải như buồn ngủ. Hắn mở toang cánh cửa chính của phòng bên cạnh, cái phòng có giường.
- Vào đi - Hắn bảo.
Khi thấy Eddy Thall không nhúc nhích, hắn chìa về phía nàng bàn tay của hắn, trông giống như một cái móng to. Hắn túm lấy ngực nàng một cách thô bạo và đẩy nàng vào căn buồng có chiếc giường, khóa trái cửa lại. Chỉ còn lại một mình nàng với hắn. Hắn nhìn nàng:
- Vì sao cô không chịu vào? - Hắn hỏi.
Eddy Thall đứng giữa nhà. Nàng đưa mắt nhìn lên và thấy hai tay hắn nắm chặt, cái mặt ngựa của hắn với đôi môi nóng bỏng, đôi má cạo lôm nhôm.
Hắn rút một điếu thuốc và đốt. Thân hình to lớn của hắn dựa vào thành cửa.
- Cô thích ra mỏ làm việc mười bốn giờ mỗi ngày với chiếc xà beng nặng trĩu hơn ở đây với tôi ư?
Ivan cắn vào điếu thuốc.
- Tất cả những phụ nữ nước ngoài mặc áo dài như cô, tóc xoắn như cô, nước da trắng trẻo như cô, đều thích chui xuống đất, xuống hầm mỏ mà làm việc chứ không màng ở lại bàn giấy với tôi! - Hắn nói - Tôi muốn biết vì sao? Tôi muốn biết chắc sự thực. Hãy trả lời cho tôi rõ vì sao, tôi sẽ không làm gì cô cả.
Eddy Thall im lặng.
- Nếu cô không trả lời, tôi sẽ có cách làm cho cô lè lưỡi ra cùng một lúc với hơi thở!
Hắn tiếp tục cắn điếu thuốc.
- Nếu cô nói thực với tôi, tôi sẽ để cô ra. - Hắn nói - Tôi hứa sẽ giúp đỡ cô. Tôi muốn biết vì sao bọn đàn bà tư sản thích làm mười bốn tiếng đồng hồ mỗi ngày trong hầm mỏ hơn là sống với tôi?
- Ông làm ơn thả cho tôi đi. - Eddy Thall van nài.
Bàn tay Ivan giơ lên. Hắn muốn kìm chế mình, nhưng bắp thịt cánh tay hắn căng thẳng quá mức rồi. Hắn để nắm đấm của hắn nện một quả thật mạnh vào ngực Eddy Thall. Đó là một quả đấm có khả năng giết chết một con ngựa. Eddy Thall ngã lăn xuống, nhưng vẫn nghe được cái giọng của Ivan nói trong cơn bừng sôi:
- Có phải tôi xấu xí hơn hầm mỏ không? - Hắn thét - Có phải tôi đáng kinh tởm hơn hầm mỏ không?
Eddy Thall không nghe hắn nói nữa. Nàng thấy đau ở ngực bên trái, xương sườn của nàng dường như đã bỏ rời vị trí của nó. Nàng bỗng nhớ lại tiếng kêu răng rắc của con tàu trên bến Constantza cái đêm bão tố hãi hùng. Nàng bỗng thấy mình đang chìm đắm và như không phải Ivan vừa đánh nàng xong, mà là người đàn ông mặc áo choàng da và quàng khăn đỏ, người đã la thét ở Kichinev và ở sa mạc.
Giờ đây Eddy Thall không còn ở Constantza trên chiếc tàu chìm xuống đáy biển nữa. Chỉ còn một chút ánh sáng hiện lên trong cằm nàng và xuống dần tới ngực, một thứ ánh sáng nóng từ trong miệng chảy xuống vú trên thân hình nàng cho đến thắt lưng - một thứ ánh sáng nóng như chất dầu cao... Toàn thân của Eddy Thall thôi không giãy giụa nữa. Khi máu chảy ra từ trên ngực thâm tím của nàng, từ những tĩnh mạch bị vỡ của nàng và đã bắt đầu chảy trên môi, trên má, trên vú của nàng, dưới tấm áo lót mỏng, thì mọi sự dường như hết tồn tại.
Eddy cảm thấy bên mình có một cái gì nóng bỏng và mơn trớn. Đó là máu của nàng đang chảy trên ngực, như vuốt ve thân thể nàng. Dòng máu cuộn mình trong bàn tay nhỏ bé trắng trẻo của nàng bằng một động tác nhẹ nhàng mềm mại như một con mèo và âu yếm dịu dàng như một bàn tay người mẹ. Có thể nàng không có cảm giác sợ sệt nữa. Đó là bước đầu của sự yên tĩnh, của sự nguôi ngoai. Tất cả chan hòa với ngọn lửa cháy bỏng dòng máu nóng của nàng. Eddy muốn giơ tay sờ mó nó, nhưng dòng máu đã tách xa ra khỏi nàng, rất xa.
- Tôi không cố ý làm cho cô đau. - Ivan nói - Tôi không phải là một con người tàn bạo!

II

Eddy Thall mở mắt ra. Nàng nhận ra những bức tường ngăn làm bằng ván ghép với những tranh ảnh cắt ở báo dán lên. Nàng nhận ra chiếc giường trên đó nàng đang nằm, đầu quấn băng. Nàng nhớ mường tượng mình bị người ta đánh ngã xỉu, mình đầy máu me, nhưng không nhớ rõ chuyện đó xảy ra lúc nào. Có lẽ hôm qua chăng? Qua những ô cửa sổ con con, nàng nhìn thấy những bãi đầy dây thép gai, những đống to quặng và than đá. Nàng nhìn thấy những thứ đó qua đôi dòng nước mắt. Rồi nàng nhìn cái chậu, cái lò sưởi bằng gang, cái sàn nhà bằng gỗ mà nàng đã lau chùi sạch sẽ.
Cánh cửa mở và Ivan bước vào. Eddy Thall không muốn nhìn mặt hắn ta. Nàng nhắm mắt lại. Nàng nghe tiếng bước chân hắn rón rén tới gần rồi quỳ gối bên giường.
- Cô tha lỗi cho tôi! - Hắn nói. Đúng giọng của hắn, nàng nhận ra, nhưng không còn là cái giọng cau có nữa - Tất cả những người đàn bà tư sản thà ở lại trong hầm mỏ chứ không ai muốn sống với tôi. Chỉ riêng các cô gái nông thôn chấp nhận. Vì sao các cô gái tư sản không muốn? Vì vậy mà tôi thành ra mất bình tĩnh. Tôi muốn biết, chỉ cần một lần thôi, vì sao các bà xinh đẹp của giai cấp tư sản lại trốn tránh tôi. Nếu cô nói cái điều ấy với tôi thì tôi đã để cho cô đi rồi, tôi đã chẳng đánh cô!
- Tôi xấu xí đến thế ư? Tôi đã làm cho cô sợ ư? Vì sao cô lại định bỏ đi? - Hắn nói tiếp.
Nàng vẫn lặng im.
Hắn, vẫn quỳ gối bên giường.
- Giá cô biết rằng cô đẹp biết bao nhiêu! - Hắn nói - Chưa bao giờ tôi thấy một người phụ nữ nào đẹp như cô.
Mắt Eddy vẫn nhắm, nhưng nước mắt nàng chảy ràn rụa.
Nó chảy qua cằm, xuống cổ, xuống gần tai. Ivan đưa tay lau dòng nước mắt ấy trên cổ nàng, chính cái bàn tay đã đánh nàng hôm trước, cái bàn tay to và nặng nề, nhưng không cào cấu nữa.
- Cô tha lỗi cho tôi đã đánh cô! Tôi sẽ không bao giờ đánh cô nữa. Hôm qua tôi bế cô lên trên cánh tay tôi. Tôi đã đặt cô nằm lên giường của tôi. Cô nhẹ như một cái lông chim, tôi đã ôm nhiều người đàn bà trong cánh tay tôi nhưng cô thì khác hẳn. Cô giống như một thiên thần, có thể nói là không có trọng lượng. Tôi đã gọi y tá của bệnh xá đến. Tôi sợ cô chết.
Cả hai người chúng tôi đã săn sóc cô. Mình cô đầy máu. Chúng tôi đã phải cởi bỏ hết áo quần ra. Tôi chưa bao giờ thấy cô gái nào đẹp như vậy... Tất cả như một cái bọt biển trắng ngần.
Nách cô, cánh tay cô giống như nách và cánh tay đứa trẻ sơ sinh, người ta không dám đụng vào, sợ làm tan gãy.
Eddy Thall nhìn cái mặt ngựa của Ivan.
- Suốt đêm, tôi đã ngồi thức bên cô! - Hắn nói.
Sau đó hắn đứng lên. Hắn pha trà và đưa một ly cho Eddy Thall.
- Y tá bảo rằng cô bị đau một bên phổi. - Ivan nói tiếp - Tôi đã hài lòng vì không bắt cô xuống làm nơi hầm mỏ. Những người đau phổi mà xuống đó thì chỉ vài tuần là chết thôi.
Ivan đội chiếc mũ lưỡi trai lên đầu.
- Cô có vui lòng cho tôi được nhìn bàn chân cô một chút không? Chỉ đầu ngón chân thôi cũng được. Nó đẹp làm sao!
Hắn kéo chăn ra. Eddy Thall co chân lại, sợ hãi. Nhưng lvan đã nhìn thấy và hắn sung sướng. Hắn bước ra. Cái đầu ngựa của hắn như rực rỡ hào quang.
Lần nữa, Eddy Thall lại một mình. Chưa bao giờ có ai nhìn bàn chân của nàng với bao nhiêu nhiệt tình hâm mộ như anh chàng khổng lồ vừa mới ở phòng này ra. Thall lấy làm xấu hổ mà nghĩ rằng: người đàn ông đã quỳ dưới chân nàng như một vật thánh ấy chính là tên cai tù đã đánh nàng hôm trước.
Nhưng những lời ca ngợi của hắn vừa rồi làm nàng dễ chịu. Hắn yêu nàng và không một người đàn bà nào có thể thờ ơ khi mình được yêu và được thần thánh hóa kể cả khi người đàn ông yêu mình đó chỉ là một con vật.
Trong một vài phút, nàng quên đi rằng mình đã bị đẩy sang Uran, rằng nàng bị đưa xuống làm tại hầm mỏ. Nàng quên rằng nàng đã đi từ sa mạc lên đây, rằng hôm qua nàng đã bị đánh tàn nhẫn đến đổ máu. Nàng quên đi tất cả rồi và tất cả đối với nàng chẳng có gì là quan trọng. Cái chính, giờ đây, là một người đàn ông đang quỳ gối dưới bàn chân nóng bỏng của nàng. Vùng Đất Thánh mà người phụ nữ tìm đến đâu phải là một vùng đất, mà là cái giờ khắc một người đàn ông yêu thương mình hơn tất cả mọi sự trên đời. Nhưng khi nàng nghĩ tới Ivan thì nàng thấy xấu hổ. Nàng cảm thấy mình đang bị ngập chìm trong ghê tởm, kinh hoàng.

III

Doris Bodnariuk đang nằm ở bệnh viện.
Không những Đảng không coi anh như kẻ tội phạm mà còn công khai khen ngợi anh đã hoạt động tích cực trong công cuộc cải tạo khí hậu và làm cho sa mạc trở thành phì nhiêu.
Trán anh bị còng sắt đập vào bị thương nay đã lành, chỉ để lại một cái sẹo, một mảnh da chết hình dáng một lá cây.
Boris Bodnariuk nằm ở bệnh viện đợi chờ cấp trên chấp nhận cho ra tiền tuyến theo yêu cầu của anh. Phần lớn những người bị thương là các sĩ quan trẻ của không quân Đỏ, những anh hùng đầu tiên của cuộc đấu tranh chống phát xít Đức.
- Cá nhân không thể sống bên ngoài Đảng được! - Boris Bodnariuk nói. Anh ta đang đứng ở sân thượng Viện điều dưỡng cùng với một hạ sĩ quan lái máy bay, Anatole Barsov, bị thương gần Kiev - Một cá nhân tách ra khỏi Đảng sẽ đi đến mất thăng bằng hoặc đi đến cái chết. Với con người Cộng sản, không thể có một cuộc sống ngoài Đảng của mình. Tách ra ngoài Đảng, một người Cộng sản sẽ rơi vào chân không.
Viên hạ sĩ quan không quân nghe rất chăm chú. Mọi người ở bệnh viện cũng đều lắng nghe những lời của Boris Bodnariuk, người anh hùng đã thử thách trong công cuộc cải tạo thiên nhiên.
- Bất hạnh lớn nhất có thể xảy tới cho một người Cộng sản là bị khai trừ ra khỏi Đảng và sống trong một thế giới tư sản.
Một cô y tá mời Boris Bodnariuk lên văn phòng Ban giám đốc. Anh phi công Anatole Barsov đợi anh nơi sân thượng nhưng không thấy Bodnariuk trở lại.
Tại văn phòng của ông giám đốc, có hai vị tướng từ Moscow đến gặp anh và giờ đây cả ba người đang trao đổi ý kiến với nhau.
Trước sân bệnh viện, chiếc xe mang huy hiệu Đại bản doanh Hồng quân đang đợi Boris Bodnariuk; anh phải đi ngay trong đêm.
Các vị tướng Xô Viết đến bắt tay Boris Bodnariuk. Họ nhìn cái sẹo vàng giữa trán và chiếc áo choàng da khoác lên bộ pyjama của anh.
- Tổ quốc Xô Viết đang trở qua những giờ phút gay go! - Vị tướng nói.
Đó là một quân nhân cũ của Budieny.
- Quân phát xít hiện đang tiến nhanh về hướng Moscow. Chúng đã chiếm Ukraina. Tổ quốc đang kêu gọi tất cả những phần tử ưu tú. Chúng tôi tới mời đồng chí về Moscow nhận một sứ mệnh xứng đáng với đồng chí. Đồng chí đã làm nên những phép lạ thần kỳ trên vùng thảo nguyên. Không may chúng ta đành bỏ dở công việc để hiến dâng mọi sức lực vào kỹ nghệ chiến tranh. Nhưng sau chiến tranh, chúng ta lại tiếp tục hoạt động và thực hiện những kế hoạch cải tạo khí hậu và trồng cây sa mạc của chúng ta.
Boris Bodnariuk đỏ mặt vì xúc động. Giấc mơ tiền tuyến của anh đã thành hiện thực.
- Bộ Tư lệnh Hồng quân có ý định phong tướng cho đồng chí. - Vị tướng già nói - Ngay sau khi sức khỏe của đồng chí được hồi phục và trao cho đồng chí một công tác quan trọng hàng đầu.
Boris Bodnariuk chỉ nghe một tiếng “tướng”. Anh thấy lại trong tưởng tượng, như một cuốn phim, cả cuộc đời mình từ sự kiện Angelo, trường trung học, những bộ áo quần của người học sinh bị đuổi, cuộc bơi qua sông Dniestr... cho đến Viện Hàn lâm Moscow, sa mạc, những nông trường trên cát trắng, Natacha, bệnh viện, Anatole Barsov. Và giờ đây là hai vị tướng đến loan báo cho anh “Bộ Tư lệnh Hồng quân có ý đinh phong tướng cho đồng chí”.
- Bộ tham mưu muốn tiến hành công việc khẩn trương. - Ông tướng già bảo - Quân Đức đang tiến một cách dữ dội. Chúng ta dự định tổ chức lại Hồng quân phía sau lưng địch.
Nếu đồng chí thấy khỏe hẳn rồi, chúng tôi đề nghị giao cho đồng chí chức vụ Tư lệnh toàn lực lượng hậu địch của Hồng quân. Về Moscow, đồng chí sẽ biết thêm nhiều chi tiết. Trong lúc đi đường, đồng chí hãy dự thảo trước một phương án và sẵn sàng đâu đó một khi tới Moscow. Đồng chí sẽ phải vượt qua phía bên kia tiền tuyến địch và tổ chức bên đó một Đạo Hồng quân khác. Lúc đầu là một đạo quân du kích, sau đó là một đạo quân chính quy. Cái chính là đi đến chiến thắng càng nhanh càng hay.
Cũng cần nghĩ tới ngay từ bây giờ cái địa điểm mà đồng chí dự định đặt Đại bản doanh: Bucarest, Varsava, nơi nào tùy thích. Đồng chí được toàn quyền tự do.
Hãy mặc áo quần đi và vạch ngay kế hoạch!

IV

Một tháng sau.
Boris Bodnariuk xuống ga xe lửa Bucarest. Anh là tướng nhưng tướng không quân phục. Anh là tư lệnh tối cao của quân đội Xô Viết phía sau lưng quân Đức, nhưng đạo quân ấy chưa có, chính anh sẽ phải thành lập ra nó.
Các bảng yết thị thông báo quân Đức đã tới cửa ngõ Moscow. Boris mỉm cười.
- Nếu quân Đức tiêu diệt đạo quân chính quy của Xô Viết thì chúng sẽ phải đánh nhau với đạo quân bí mật mà ta sẽ thành lập ra.
Anh đi về phía khách sạn. Hôm sau, anh mặc bộ quân phục đại úy Rumani, bắt tay vào việc dự thảo kế hoạch tổ chức ra một đạo quân bí mật.
Ngay từ đầu, anh chỉ gặp toàn những khó khăn trở ngại.
Sứ mệnh của anh tỏ ra khó lòng thực hiện nổi. Anh đi khắp những vùng lân cận. Anh thâm nhập vào mọi tập thể, mọi tổ chức. Nhiệm vụ của anh dường như phải chịu số phận thất bại từ đầu. Trong số hai mươi triệu người Rumani, chỉ có tám trăm đảng viên Cộng sản. Tám trăm người đó bị theo dõi rất chặt chẽ và thường xuyên. Người ta không thể làm việc được với họ. Ở Hungary, Bungary, Tiệp Khắc cũng vậy. Nhóm Cộng sản thuần túy duy nhất ở Serbie. Đó là những đảng viên Cộng sản của vị Nguyên soái Slaves ở phương Nam. Với ông, người ta cũng không thể nào cộng tác nổi. Đó là một con người kêu căng. Trong nhiều tháng, hoạt động của Boris chỉ gói gọn lại trong một vài vụ phá hoại và vài trăm bức điện mật mã thông báo những nội dung không có gì quan trọng.
Boris lên buồng mình như mọi khi. Đã gần nửa đêm. Anh muốn chuyển một bức điện. Anh vừa bắt đầu dựng máy phát thì có còi báo động. Anh khoác vội chiếc áo dài và bước ra đường. Anh muốn đánh giá về hậu quả trận ném bom. Thông thường thì những quả bom Xô Viết ném không nổ. Anh vào một quán rượu, gọi một ly cà phê. Anh lắng nghe tiếng máy bay rú và thử đoán xem lần này nhằm những mục tiêu nào. Đó là những máy bay Xô Viết. Các khách hàng nhìn bộ quân phục đại úy của Boris Bodnariuk và nói đùa với nhau về chuyện bom Xô Viết không nổ bao giờ. Bodnariuk ngẩng đầu. Anh thấy một bà già say rượu, tay cầm một chiếc đèn bỏ túi con con. Bà ta muốn đi ra, nhưng người ta không cho. Vì trong lúc bom đạn, có lệnh cấm đi lại. Bà già không muốn nghe. Bà ta chửi thề một tiếng rồi đi ra đường cái.
- Đó là một người ở. - Ông chủ quán nói - Bà ta ở gần đây, chỉ cách hai chục mét.
Ông chủ quán muốn thanh minh cho bà ta trước mặt Boris - là nhà chức trách duy nhất của ngôi nhà này, bởi trong lúc chiến tranh, bất cứ một vị sĩ quan nào cũng đều được coi là một nhà chức trách.
- Một bà già nghiện rượu. - Ông chủ quán nói tiếp - Một bà già bất hạnh. Bà ta nguyên là đày tớ của một nữ nghệ sĩ Do Thái. Nữ nghệ sĩ đã ra đi, và bà ta không muốn làm thuê cho bất cứ một ông chủ nào khác nữa. Bây giờ thì tiền dành dụm được bao nhiêu bà ta uống rượu hết bấy nhiêu. Vậy đó.
Boris Bodnariuk nghe câu chuyện của ông chủ quán kể mà chẳng hào hứng gì. Đó cũng chỉ là một câu chuyện như bao nhiêu câu chuyện khác.
Một tiếng bom nổ đâu đây. Các cửa kính rung lên. Nhiều quả bom khác nổ gần hơn. Một ngôi nhà sụp đổ và cháy.
Người ta nghe tiếng mô tô và tiếng xe cứu hỏa. Xe đậu ngay trước quán rượu. Các khách hàng xuống cả dưới hầm. Boris Bodnariuk nhớ tới cái máy phát của mình và ra đi. Anh lần theo bức tường. Nhà của anh ở ngay trước mặt, nhưng nó đã bị bao vây bởi một lớp đông vừa lính vừa cảnh sát. Các nhân viên chưa ai vào nhà. Tim Bodnariuk đập thình thịch.
- Có thể là mình bị phát hiện? - Anh nghĩ.
Cùng lúc, một quả bom rơi ngay xuống ngôi nhà sáu tầng anh đang ở. Các tầng trên sụp đổ. Bodnariuk ép mình vào tường. Người ta nghe những tiếng kêu la. Khói tỏa lên nghi ngút, ngôi nhà cháy. Người ta lao cả ra đường. Bodnariuk vẫn đứng đó, lưng tựa vào tường, bất động. Anh chỉ nghĩ duy nhất tới một điều: cái máy phát thanh của anh. Nếu đám cháy không xảy ra và nếu căn buồng của anh không bị phá hủy thì người ta có thể phát hiện ra cái máy. Cái máy có thể rơi vào tay kẻ địch. Nhưng anh không thể thấy gì vì trời tối quá.
Người ta chỉ nghe những tiếng kêu la và xô đẩy lẫn nhau.

V

Đám đông nhốn nháo trong bóng tối la to:
- Bắt được gián điệp Xô Viết!
Bodnariuk cảm thấy mồ hôi lạnh trên trán. Anh càng dán chặt mình vào bức tường trong bóng tối đen. Anh đã cất giấu chiếc máy của anh trong một hốc tường buồng anh. Nếu chiếc máy bị phát hiện, là hoạt động bí mật của anh ở vùng hậu địch coi như chấm dứt. Anh sẽ bị bắt và bị bắn.
Bodnariuk hòa mình vào đám đông. Một hàng rào cảnh sát được thành lập trước cửa ra vào. Còi báo động rú lên. Các đội cứu chữa khiêng một bà già nằm trên chiếc cáng thương.
Boris Bodnariuk lọt vào giữa đám quần chúng. Vì anh mặc quần áo lính nên người ta né ra cho anh chen vào. Tuy không muốn, nhưng Bodnariuk giờ đây đã đứng ngay mặt các viên cảnh sát và trước cái cáng thương với bà già bị thương ấy. Một thẩm phán quân sự y phục màu xanh nước biển xuất hiện. Đó là một công tố viên. Tên cảnh sát báo cáo:
- Ngay sau khi có lệnh báo động, người ta cho biết là có một người đang làm những tín hiệu với chiếc đèn điện trên sân thượng tòa nhà. Chúng tôi lập tức tới tại chỗ. Cùng lúc, bom rơi.
Người ta đã tìm thấy người làm tín hiệu. Hắn đã chết giữa đống gạch vụn, trên sân thượng, chiếc đèn vẫn cầm trong tay.
Viên cảnh sát chỉ bà già nằm trong chiếc cáng:
- Không nghi ngờ gì nữa, chính nó là đương sự. Chúng ta sẽ xác định nó là ai.
Người gác cổng của ngôi nhà bị bom len vào đám đông.
Hắn nhìn người đàn bà chết.
- Đây là Tinka Neva. - Hắn nói - Tôi biết bà ta. Bà ta là người thuê căn buồng áp mái.
Boris Bodnariuk cũng nhìn mặt bà già. Chính là người anh ta đã thấy ở quán rượu khi còi vừa báo động.
- Đó là người ở của một gia đình Do Thái, gia đình Thall. Sau khi các người Do Thái ra đi, bà ta ở một cái buồng áp mái. Bà ta trở thành nghiện ngập. Đó là Tinka Neva. Đúng. Chính bà ta.
Đèn của các viên cảnh sát rọi sáng vào khuôn mặt nhăn nheo của người đày tớ già.
- Tôi không biết bà ta là Cộng sản. - Người gác cổng nói.Và không ai có thể nảy ra cái ý nghĩ: Tinka là Cộng sản.
Người ta chỉ thấy bà ta cũng là một con người đứng đắn, nghiện rượu, thế thôi.
Bodnariuk nhìn viên công tố quân sự. Anh đã thấy ông ta.
Anh nhớ tới trường trung học hoàng gia. Ông công tố quân sự đó là bạn học cũ của anh, Pierre Pillat. Boris Bodnariuk lại đứng xa ra, lẩn vào trong đám quần chúng. Mọi người đều nói chuyện Tinka Neva, gián điệp Cộng sản. Bodnariuk lắng nghe những câu chuyện họ nói với nhau.
- Nếu bà ta không làm gián điệp cho Cộng sản thì lấy đâu ra lắm tiền uống rượu suốt ngày thế?
Một người khác khẳng định:
- Mỗi lần báo động, Tinka Neva trèo lên mái nhà với cái đèn của bà ta. Tôi đã để ý chiếc đèn to quá cỡ của bà ta. Cốt dùng làm tín hiệu cho máy bay mà!
Bodnariuk khắc sâu vào tâm trí mình cái tên Tinka Neva mà anh mới nghe lần đầu tiên. Anh biết tên thật của từng điệp viên Xô Viết ở Bucarest. Không có tên Tinka Neva. Nhưng quần chúng chỉ nói đến mình bà.
Thì ra vì lẽ đó mà Tinka Neva, sau khi Eddy Thall đi rồi, không muốn tìm việc làm nơi khác. Bà ta là gián điệp.
Boris Bodnariuk nhìn thi hài Tinka Neva, người ta đang đặt lên một xe cứu thương. Ông công tố Pillat nói với viên cảnh sát:
- Tinka có thể là một gián điệp Xô Viết; mà đây cũng chỉ có thể là cái ngông nghênh của một bà già nghiện rượu. Tôi có biết Tinka. Theo ý riêng của tôi, tôi không nghĩ rằng đó là một điệp viên Xô Viết. Chúng ta sẽ cố gắng làm sáng tỏ thêm vấn đề Chúng ta sẽ cho tiến hành một cuộc điều tra.
Bodnariuk lên buồng mình. Tất cả đều ngăn nắp trật tự.
Riêng chỉ cái buồng phía Bắc bị hư hại. Ở buồng anh các bức tường vẫn nguyên vẹn. Chiếc máy phát thanh vẫn ở chỗ cũ của nó trong hốc tường. Tiền cũng vẫn ở nơi anh để cùng với tất cả giấy tờ. Boris Bodnariuk cởi cổ áo ra. Trong khoảnh khắc anh nghĩ tới người bạn học cũ của mình, tới Pierre Pillat, giờ đây là công tố viên quân sự. Anh nghĩ tới Tinka Neva và đám dân chúng hay bình luận về những sự kiện xảy ra. Trước mặt anh hiện lên, dưới ngọn đèn các viên cảnh sát, khuôn mặt bạc phếch của bà già đã chết, một khuôn mặt của con người lao động. Nhiều nếp nhăn. Một cái đầu tóc bạc có chiếc khăn mùi xoa trùm lên rồi thắt lại dưới cắm.
Đây là khuôn mặt cổ điển của một bà già vô sản. - Boris Bodnariuk tự nói với mình - Dù bà ta đã lên sân thượng với chiếc đèn tay thắp sáng một cách vô ý thức hoặc vì say rượu đi chăng nữa, thì việc làm của bà vẫn có một giá trị nhất định.
Riêng cái đó đủ làm đề tài cho một câu chuyện huyền thoại rồi.
Bodnariuk nghĩ tới hoạt động bí mật của mình, tới sức ỳ của quần chúng, tới sự uể oải của những người lao động. Quần chúng của châu Âu cần có những người anh hùng để gây dựng phong trào hoạt động, để được động viên cổ vũ, khích lệ đấu tranh, như con thuyền phải có buồm vậy.
Bodnariuk bắt tay viết báo cáo.
Anh dùng lối văn hành chính. Anh nói tới những người vô sản bị giai cấp tư sản châu Âu áp bức, đến Hồng quân được mọi người lao động chờ đợi tới giải phóng cho mình.
“Một bà già vô sản - Tinka Neva - thất nghiệp, lâu nay ở Bucarest, đường Apolodor số 165, từ đêm tối của đau thương, đã xuất hiện trên sân thượng các ngôi nhà thành phố như trên một chiến lũy để làm hiệu cho máy bay Hồng quân giải phóng.
Trên mái tòa nhà cao nhất, bà đã hy sinh. Bà đã biểu thị tinh thần chiến đấu kiên cường của giai cấp công nhân dưới chế độ tư bản phát xít. Bà là tấm gương sáng chói cho lao động toàn thế giới noi theo. Tinka Neva là người nữ anh hùng, người tuẫn đạo, biểu tượng sáng ngời của giai cấp công nhân”.
Boris Bodnariuk viết rất lâu. Đây là bản báo cáo dài nhất của anh kể từ ngày anh bước vào cuộc đấu tranh bí mật. Bên ngoài trời đã sáng. Boris khoác bộ quân phục của mình và xuống đường. Anh nói chuyện với bác gác cổng, với người hàng xóm. Ai cũng tin Tinka Neva là gián điệp Xô Viết - nếu không thì bà ta trèo lên mái nhà cao làm tín hiệu cho máy bay làm gì? Boris Bodnariuk sung sướng. Huyền thoại về Tinka Neva sẽ tồn tại lâu dài. Anh gửi bài viết của mình bằng chuyến xe thư Ankara rồi từ Ankara sang Moscow.
Bốn mươi tám giờ sau, tất cả mọi tờ báo thế giới dành nguyên những cột dài để đăng tin bà già vô sản Tinka Neva một hành đơn độc đã chiến đấu chống lại chủ nghĩa nazi, chủ nghĩa phát xít và mọi kẻ thù, vì tự do.
Nhờ có Thông tấn xã TASS và báo chí Mỹ, ngay trong tuần, Tinka Neva đã trở thành một cái tên quen thuộc với các thính giả các đài phát thanh. Nó được nhắc tới trong mọi tờ báo viết về chiến đấu và tự do. Tinka Neva đã trở thành lá cờ của các nước Đồng Minh.

VI

Trong khi cả thế giới văn minh phương Tây nói đến Tinka Neva như một biểu tượng của Tự do, trong khi các nhà soạn nhạc, các tác giả những bài báo dùng tên bà như một thứ di vật thánh và các tạp chí có minh họa bỏ ra những số tiền để có được một tấm ảnh huyền thoại của người nữ anh hùng chống phát xít chết trên sân thượng tòa nhà cao nhất thành phố thì thi hài Tinka Neva để ở nhà xác Bucarest.
Người ta lột hết áo quần của bà ra. Người ta khám xét làn da, mái tóc, móng tay. Rồi xác Tinka bị cắt xẻ ra từng mảnh nhỏ để trên bàn khám nghiệm. Người ta xét nghiệm rất kỹ càng phổi, não, tim, gan.
Người ta lôi cả ruột ra, cân đo từng cái. Người ta đun lên, cho màu vào và hòa tan trong những ống nghiệm và bình cổ cong. Ngày thứ ba, sau khi chết, Tinka Neva vẫn trần truồng, bị cắt ra từng mảnh trong phòng mổ - Người đàn bà mà suốt cả cuộc đời vô cùng kinh tởm những giấy tờ và nhà chức trách. Bà, mà suốt cuộc đời sáu mươi năm không cân bao giờ, thì bây giờ lại được bỏ lên bàn cân, hết miếng này sang miếng khác. Người ta cân gan bà, người ta cân óc và trái tim đã chết của bà. Người ta khám nghiệm tất cả những gì chứa đựng trong bao tử, trong ruột và trong bong bóng của bà. Người ta kê rõ bà đã ăn những gì uống những gì. Và trong lúc thi hài của bà chết rồi bị phanh phui tất cả, thì tên tuổi của bà được nhắc đi nhắc lại trên tất cả các máy thu thanh bằng mọi thứ tiếng trên thế giới. Tên tuổi bà được viết lên và đưa đi khắp mọi nơi.
Nếu sống, Tinka Neva chắc sẽ chết trăm lần vì xấu hổ bởi có những chuyện lố lăng như vậy xảy đến cho bà.
Nhưng Tinka Neva không biết gì về những chuyện xảy ra trên trái đất nữa. Bà đã chết rồi. Sau khi chết, bà tin tưởng đi tìm cửa vào thiên đường, ở đó có thánh Pierre với chùm chìa khóa trên tay. Suốt cuộc đời mình, Tinka Neva đã tin một cách say mê vào thiên đường, địa ngục và sự tồn tại của thánh Pierre. Chính vì lẽ đó mà bà đi tìm thánh Pierre sau khi bà chết. Bà chỉ có một mình thánh Pierre. Và nếu như bà thấy Người ở kiếp sống bên kia và nếu như Người hỏi bà: “Tinka Neva! Bà nghĩ sao mà lại trèo lên mái nhà - bà, một người đàn bà có tuổi - với một chiếc đèn thắp sáng trong khi còn báo động máy bay đêm?” Tinka Neva sẽ trả lời: “Thưa thánh Pierre, con đâu có lên mái nhà! Con chỉ ở sân thượng. Muốn vào buồng áp mái của con, con phải băng qua cái sân thượng của tòa nhà. Một bà già bước đi trong bóng tối khó tìm ra được hướng đi, đó là lý do khiến con phải có cái đèn. Nhưng con đâu có tưởng tượng ra rằng giữa lúc đó mấy ông lái máy bay trên mây lại dòm xuống con!”
- Bà lúc đó không uống rượu chứ?
Câu hỏi đặt ra, Tinka Neva có thể đã cúi đầu và có thể trả lời:
- Con đã uống rượu vì lo sợ, thưa thánh Pierre! Sau khi con bà chủ của con, Eddy Thall ra đi. Con buồn phiền vô hạn, cho nên con đã uống rượu và con đã buồn phiền suốt ngày, ngày nào cũng như ngày ấy. Con không uống rượu vì tính phóng túng đâu, thưa thánh Pierre. Con đã uống rượu vì đau buồn chứ không phải vì phóng túng. Không!
Lúc đó, thánh Pierre - nếu như Tinka Neva gặp Người ở thế giới bên kia đúng như bà đã hình dung về Người - sẽ đặt bàn tay đầy tình yêu thương phụ tử lên vai bà và cho bà đi sang hàng ngũ những người nghèo hèn trong tư tưởng với những con chiên mẹ, những con thỏ non và con chim câu, với linh hồn những con người đầu tiên đã chết cũng như tất cả những con người trinh khiết. Bởi nếu có một thiên đường thật, thì đó là thiên đường được sáng tạo nên do chính những con người đó.
Và Tinka Neva sẽ được tha thứ tội lỗi, cái tội lỗi đã làm cho cái đêm hôm ấy hai người đã bị chết nghẹt trong vụ ném bom vào Bucarest.

VII

Eddy Thall không khỏi bệnh. Nhưng bây giờ nàng có một chiếc giường để nằm mà chịu đựng cái đau. Ivan thì nằm ngủ trên bàn. Hắn đã trở thành y tá của nàng và đau khổ như đã đau khổ vì một người em gái mỗi khi những tia máu từ lá phổi bị tàn phế do bệnh lao lại ộc ra đỏ hồng cả gối. Nếu như anh lính gác Ivan tuyên bố Eddy bị bệnh thì nàng đã chẳng bị đưa ra hầm mỏ mà chuyển sang bệnh xá của trại. Và không một ai còn sống mà ra được khỏi bệnh xá cả. Hằng ngày, người ta mang đi những xác chết trần truồng, lạnh giá và ném xuống những cái hố chung. Ivan tiếp tục khai Eddy Thall là phụ nữ lao công ở ngay tại bàn giấy và chờ đợi ngày thắng trận. Hắn đưa về những tin tức liên quan đến sự mở rộng của chiến tranh.
- Quân đội Xô Viết đã chiếm Bucarest! - Một hôm hắn nói.
Eddy Thall khóc òa lên vì sung sướng. Đây là một sự kiện lớn: quân đội Xô Viết vào Bucarest. Nhưng Chiến thắng thì chưa đến. Còn phải chiếm đóng một số nước khác nữa. Tuy vậy, các tù nhân ở mỏ cũng đã lấy lại tinh thần. Các thân hình còm cõi của hàng ngàn người Do Thái đang lao động ở vùng băng giá này, chuyển những vật liệu nặng, đẩy từng đoàn xe goòng chất đầy quặng, hoặc bốc dỡ những thanh tà vẹt, bỗng đứng thẳng người lên. Mỗi người Do Thái ở mỏ đều có ý thức mình là một tên lính chiến đấu kề vai sát cánh với cả năm mươi hai dân tộc vì Chiến thắng và Tự do. Mỗi người tự động viên mình, tấm thân già còm cõi, bị gặm mòn vì ung nhọt và chấy rận, trơ xương ra vì đói và rét, như thể người ta động viên con ngựa trong một cuộc chạy đua tuyệt vọng và nói với nó rằng: “Cố lên chút nữa! Một chút nữa thôi! Nhưng cái tấm thân sao mà nó nặng nề!”
Có một đêm, Eddy Thall mơ thấy Tinka Neva. Sau đó thì mơ thấy Lidia Petrovici và Milostiva Debora Paternik. Ba người rời bỏ ngôi mồ của họ. Đất mở ra, nắp quan tài bị bật văng đi, và những người Do Thái từ các quan tài chui ra để mừng Chiến thắng. Esther và Rebecca Reingold thì hiện nổi lên trên sóng Biển Đen, mình mặc y phục ngày lễ. Trên một cái sân khấu, như trong những bức tượng, có Churchill, Roosevelt và Staline. Họ mỉm cười với những người tuẫn đạo xuất hiện từ lòng đất, sóng biển và tro tàn, và ngợi khen họ đã góp công sức vào Chiến thắng. Churchill ngậm một điếu xì gà, còn Roosevelt thì thắt một chiếc cà vạt vàng. Họ ngồi như hai vị thần trên ngai ánh sáng và nói với người Do Thái rằng họ đã kháng cự tốt trong các hầm mỏ, trong nhà tù, trong sa mạc cát và trong những nơi ẩn nấp của họ. Một giấc mơ thật đẹp.
Eddy Thall muốn cho giấc mơ kéo dài vô tận. Nhưng tiếng của Ivan làm nàng chợt tỉnh:
- Chiến thắng rồi! - Hắn gào lên - Chúng tôi được lệnh để cho người nước ngoài trở về nước họ. Chỉ cần đưa một lá đơn, thế là trở về thôi.
Eddy Thall nức nở khóc.
- Chiến thắng! - Nàng nói - Ta đã biết ngày đó thế nào cũng đến. Ta mong đợi nó làm sao! Hàng triệu người đã mong đợi nó quá lâu rồi! Nó không thể nào không đến. Và thế là nó đã đến rồi! Chiến thắng!
Nàng muốn đứng lên.
- Tôi sẽ nộp hộ lá đơn của cô. - Ivan nói.
Hắn van xin nàng hãy cứ nằm yên, đừng dậy.
- Tôi muốn tự tay tôi đưa lá đơn hồi hương! - Eddy Thall vừa khóc vừa nói - Hãy để tôi tự mặc áo quần và đưa đơn một mình!
Ivan ra đi.
Eddy Thall đi đến chiếc gương treo trên tường ngày thường Ivan vẫn dùng để cạo râu. Nàng soi mình trong gương.
Nàng thấy có những sợi tóc bạc, nhiều sợi tóc bạc. Tóc nàng đã mất hết vẻ mượt mà. Và buồn. “Ở những người đàn bà đau khổ, bao giờ cũng là tóc chết trước tiên”. Eddy Thall suy nghĩ.
Nó đã trở thành sẫm, buồn, màu xỉn. Người đàn bà vui thì có mái tóc sống động, đầy ánh sáng. Trong đau khổ cái ánh sáng ấy mất đi. Dần dần trở thành màu xỉn, thiếu sức sống, như một tấm vải bông hay vải len.
Eddy Thall nhìn thấy trong tấm gương soi của Ivan mái tóc mình đã chết.
- Mình biết mái tóc mình có những sợi bạc. Nhưng có ngờ đâu sợi bạc lại nhiều như thế?
Nàng chải mái tóc xám xịt, lưa thưa, chết héo với chiếc lược của Ivan.
- Bao giờ mình có thể ra hiệu làm đầu lại, tóc mình sẽ có lại sức sống.
Sau đó, nàng lại ngắm nghía đôi mắt của nàng. Vẫn hoàn toàn như xưa, chỉ khác một điều: mất hết ánh sáng. Cái nhìn không có ánh sáng cũng như một cái nhìn đã chết. Vẫn là nàng, Eddy Thall, ngày xưa vẫn lên sân khấu, nhưng không phải là đôi mắt nàng nữa. Ở những người đàn bà đau khổ, ánh sáng đôi mắt chết đi và cái nhìn của nó trở nên chính xác, rõ ràng, dè dặt như hòn đất. Đôi mắt của người đàn bà đã từng chịu khổ đau trở thành một mảnh đất trên đó hoa tàn cỏ héo, nguồn nước cạn khô, một mảnh đất chìm trong băng giá.
Mắt của Eddy Thall giờ đây là như thế, vẫn đôi mắt ngày xưa, nhưng ánh sáng đã tắt. Eddy Thall nghĩ tới bài báo nàng đã đọc trên tờ Pravda - Sự Thật. Người ta nói sáu triệu người Do Thái đã bị đưa vào các lò thiêu của quân Đức. Nàng nằm trong số hiếm hoi đặc ân đặc huệ, bởi nàng vẫn còn sống cho tới ngày Thắng lợi. Đôi mắt nàng thiếu ánh sáng nhưng mà vẫn còn sống. Mười hai triệu con mắt đã bị cháy hoặc bị thối rữa đi và không được thấy ngày Chiến thắng hôm nay. Ngoài mười hai triệu con mắt Do Thái đó, còn bao nhiêu con mắt khác nữa: Những con mắt đen của người Hy Lạp; những con mắt xinh đẹp của người phụ nữ Pháp; những con mắt xanh của người đàn bà Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan; những con mắt nảy lửa của các phụ nữ Ý... và cơ man nào những con mắt khác đã rữa thối đi, đã cháy đi, không còn thấy được ngày Chiến thắng.
Eddy Thall rất biết ơn số phận. Dù với những cái nhìn chết khô chăng nữa, nàng vẫn được nhìn thấy ngày Giải phóng đây rồi.
Bây giờ nàng mới phát hiện ra những quầng thâm quanh mắt, những quầng thâm màu mực. - “Khi con mắt chết” - nàng tự bảo - “thì nó ẩn mình trong cái hốc của nó như trong một hang sâu”. Hốc mắt của nàng giờ đây cũng giống như hai cái mồ mở ra trong đó chôn chặt nhãn cầu. Trán nàng đầy nếp nhăn. Nàng muốn xóa bằng nó đi, nhưng nếp nhăn sâu quá, hằn lên như những vết dao. Lại có những nốt chân chim và những nếp nhăn ở khóe miệng và cằm. Nhiều lắm. Trên cổ nàng cũng có những nếp nhăn như vậy.
Eddy Thall ngẩng đầu lên. Lúc đó nàng bị một cơn ho và máu lại thấm đỏ cả chiếc mùi xoa của nàng, như những cánh hồng đỏ chói. Nhưng nàng không sợ. Bệnh ho lao có thể chữa trị được. Cái chính là ngày Chiến thắng đã đến. Nàng nhớ tới những rặng núi Rumani với những rừng thông bát ngát xanh tươi. Qua cửa sổ, người ta thấy những bãi chất đầy dây thép gai và những đống quặng kim loại to sù. Một nữ tù nhân bị lính đánh đang la hét om sòm. Eddy Thall muốn mặc chiếc áo vào.
Nàng nhìn xuống ngực mình, thấy đôi vú mình mềm nhũn, buồn, trễ xuống như những trái cây khô lủng lẳng trên cành.
Nàng lấy tay xoa bóp vai. Những xương đòn nhô ra, thân hình nàng như bị treo vào xương như một chiếc áo treo vào một cái móc áo quá to.
Eddy Thall mặc một chiếc áo vải thô của lính. Nàng nhớ tới những bộ com lê bằng lụa ngắn mịn màng của nàng. Nàng đi một đôi ba ta bằng len và mặc một chiếc váy dày. Nàng không nhớ cái váy này nàng lấy ở đâu ra. Quần áo nàng xấu xí. Nàng soi mặt. Có được một chút son lên đôi môi tím ngắt thì hay biết bao nhiêu, nó sẽ thay đổi tất cả.
Ivan mang đến cho nàng một tờ giấy và một cây bút để nàng viết đơn xin hồi hương. Eddy nằm duỗi mình trên giường.
Mặc quần áo xong, nàng mệt quá. Ivan đã viết xong lá đơn, đọc cho nàng nghe. Eddy Thall chú ý những chữ cuối cùng:
“Tôi trân trọng yêu cầu các Ngài chấp nhận cho tôi được trở về quê hương tôi tại Rumani”.
Nàng đưa tay lên, chậm rãi ký “Eddy Thall”.
Vẫn nét chữ ấy như xưa. Nàng nhớ nàng đã có một chiếc bút máy. Chưa bao giờ nàng nghĩ đến nó. Nó đã biến mất đâu đó tại Kichinev.
Nàng cũng nhớ mình còn có bao nhiêu thứ khác nữa: một hộp phấn nho nhỏ bằng bạc, một cái ví tay. Tất cả những thứ đó cũng na ná như da thịt của nàng. Trong lúc đi trốn, nàng đã để lại tất cả ở trại hoặc mất đi, như con nai bị săn đuổi đã để lại những mảnh da thịt của mình. Nhưng cũng như con nai luôn luôn bị nỗi sợ giày vò và mãi chạy sao cho thoát, không cả để ý những chuyện lặt vặt thế này. Và nàng không còn cảm thấy cái đau thương của những mất mát. Mãi tới bây giờ nàng mới nghĩ đến những thứ mà nàng đã bỏ lại khắp các nơi cùng với những giọt máu và những mảnh da thịt của nàng. Eddy Thall nhớ đến cả cái cắt móng tay, cái lược khảm bạc, cái khâu tay dùng để may, cái giũa móng tay... tất cả. Nàng bây giờ thậm chí không còn cả cái bàn chải đánh răng. Lâu nay, chưa bao giờ nàng lưu ý đến sự còn mất của những thứ này. Trong những tình thế nghiêm trọng, những trường hợp nguy hiểm, người ta thường không thấy được là mình đang bỏ mất một cái gì đó.
Lần đầu tiên, nàng nhận thấy rằng mình không còn có lấy một cái gì cả, tất cả đã rồi.
Eddy Thall đứng dậy, bíu lấy cánh tay Ivan mà bước tới phía cái bàn giấy để nộp lá đơn của mình một cách khẩn trương.
Trong lán, hàng trăm con người vui vẻ đợi chờ để nộp đơn.
Toàn những người còn trẻ. Các hầm mỏ đã thực hiện sự chọn lọc nô lệ. Những người già và người bệnh đã chết hết lâu rồi.
Chỉ còn lại những người trẻ và khỏe. Eddy Thall ho, nhưng nàng nghĩ:
- Mình, mình cũng khỏe! Mình cũng đã chống chọi nổi!
Nàng tiếp tục ho và nắm chắc trong tay cái đơn xin của nàng trong đó có viết:
“Tôi trân trọng yêu cầu các Ngài chấp nhận cho tôi được trở về quê hương tôi tại Rumani”.

VIII

Nhiều tháng trôi qua. Một hôm người ta nhận được lệnh: “Chỉ duy nhất cho phép những người gốc gác Ba Lan được hồi hương. Sẽ không còn những chuyến hồi hương nào khác! Tất cả các đơn đều bị hủy. Những tù nhân khác phải ở lại Liên Xô”.
Thoạt tiên Eddy Thall không muốn tin. Sau đó, nàng muốn phản đối. Cuối cùng thì nàng nằm lăn ra giường mà khóc nức nở. Rồi nàng hỏi những bức tường, hỏi minh, hỏi Ivan vì nàng không còn biết hỏi ai khác nữa.
- Người ta còn giữ chúng tôi lại đây cho đến bao giờ? Tôi còn phải ở lại đây cho đến bao giờ?
- Sẽ là hạnh phúc lớn nếu như cô còn được ở lại chỗ này! - Ivan nói, cân nhắc từng chữ - Tình thế sẽ không trở thành nghiêm trọng nếu như cô còn được ở lại đây... Ngày mai tôi sẽ đi nơi khác. Tôi chuyển về một trại khác ở Sibérie. Bọn lính gác chúng tôi, người ta chuyển đi đâu phải đi đấy.
- Anh muốn đi đâu tùy anh! - Eddy Thall thét - Tôi, tôi chỉ muốn biết người ta còn giữ tôi lại đây bao lâu nữa. Vậy thôi! Không gì khác!
- Đây là phòng ở của người gác văn phòng. - Ivan nói - Ngày mai sẽ có một người lính gác khác. Còn tôi, tôi phải đi!
Eddy Thall nhìn hắn kinh hoàng.
- Có những vấn đề khác, quan trọng hơn vấn đề hồi hương. - Ivan nói - Người thay tôi sẽ dọn tới đây ngày mai. Cô sẽ làm gì?
Ivan đứng lên và đặt chiếc mũ lưỡi trai lên đầu.
- Nếu cô ra mỏ, cô sẽ chết! - Hắn nói - Chỉ vài tuần thôi, cô sẽ chết. Chết! Tình thế là như vậy!
Ivan chờ đợi một câu trả lời.
- Cô có muốn tôi nói với người thay tôi cứ để cho cô ở đây không? - Điều anh phải nói ra quả thật là chua xót, nhưng vẫn cứ phải nói ra - Tôi có thể nói với anh ta. Đúng là tôi có thể. Nhưng mà cô, cô phải hiểu cho tôi. Anh ta sẽ ngủ ở buồng này. Anh ta sẽ không chịu ngủ trên bàn như tôi đâu! Cô nói đi: cô sẽ làm gì? Tình thế là như vậy đó!
Eddy Thall đứng lên. Nàng hết choáng váng rồi. Nàng không mệt mỏi nữa. Cơn sốt đã qua. Nàng mặc áo vội vàng.
- Cô định làm gì? - Ivan hỏi.
Nàng tiếp tục mặc quần áo vội vàng, như có đám cháy đang xảy ra.
- Cô muốn ở lại với anh ta, hay là ra mỏ. Cô lựa chọn chưa?
Eddy Thall đứng sừng sững trước mặt hắn, răng cắn chặt vào nhau, nét mặt gân guốc.
- Cái chết! - Nàng đáp.
Rồi nàng cắn chặt môi và cắn chặt hai hàm răng, biến mất, cửa để ngõ, để lại Ivan, các bức tường với những tấm ảnh cắt trong báo ra, chiếc giường và âm thanh của câu nói thốt ra qua làn môi cau có: “Cái chết!”

IX

Eddy Thall chạy giữa những hàng cột quấn dây thép gai, trên những tấm tà vẹt. Ngọn gió lạnh buốt cắt ngang hơi thở của nàng, như một lưỡi dao. Nàng không nghĩ gì nữa. Nàng cứ hai tay ôm ngực mà chạy. Rồi nàng ngã xuống trên một đống mỡ bò đóng băng và lại nổi cơn ho. Nàng nằm bất động, không chờ đợi một cái gì nữa.
Có ai đó đụng vào vai nàng, gọi tên nàng. Rồi những cánh tay nhấc nàng lên, mang nàng đi.
- Sao cô lại khóc?
Nàng mở mắt. Nàng đang ở trong một căn lán làm bằng ván ghép, nằm trên một cái giường. Hai người đàn ông đứng kề bên - hai tù nhân. Đó là ông bác sĩ và anh hậu cần.
Họ ở lán quản trị hành chính.
-Sao cô lại khóc?
- Vì tôi là người Do Thái! - Eddy Thall đáp, rồi nàng càng khóc to hơn nữa.
- Chúng tôi cũng là người Do Thái.
- Vì sao người ta lại đưa chúng ta ra mỏ sau khi đã chiến thắng? Hàng triệu sinh linh chết trong chiến tranh còn có tác dụng gì nếu như trong ngày chiến thắng mà các nô lệ không được giải phóng? Vì sao Churchill đã uống sâm banh trước những tay nhiếp ảnh?
- Cô hãy bình tĩnh! Chúng ta sẽ được giải phóng! - Ông bác sĩ nói.
- Người ta không thể trả tự do cho những cái xác chết! - Eddy Thall đáp.
Tôi sẽ tiêm cho cô một ống thuốc. - Ông bác sĩ nói. Nó sẽ giúp cô ổn định lại tinh thần.
Câu đề nghị của Ivan khuyên cô làm “tình nhân của người lính gác” trở lại trong trí nhớ của nàng. Nàng ôm trán trong hai bàn tay nắm chặt và nhào ra cửa.
- Tôi không muốn tiêm! Tôi không muốn người ta sỉ nhục, đánh đập, chà đạp dưới chân! Tiêm cho tôi? Để làm gì? Tôi không muốn bị ô nhục Một mũi tiêm, được cái gì?
Eddy Thall lại ngã lăn ra nhà trong một cơn ho. Miệng nàng ứ đầy máu. Cái ấm áp duy nhất mà nàng cảm nhận được lúc này chính là cái ấm áp của dòng máu chính mình. Ông bác sĩ tù nhân tiêm cho nàng một mũi. Nàng lại mở mắt ra và nàng hiểu rằng ngoài máu của mình ra vẫn có một thứ khác cũng ấm áp trong hoàn cảnh nô lệ: đó là máu của những người anh em chị em cùng nòi giống.
- Chúng ta có một tổ chức lo cứu chữa những người cùng tôn giáo của ta ở những nước khác. - Ông bác sĩ nói - Chỉ riêng những người Do Thái ở Ba Lan được phép hồi hương. Vài hôm nữa, đoàn hồi hương đó sẽ lên đường. Chúng tôi được quyền mang vợ con theo. Cô có muốn làm một đám cưới, hoàn toàn chính thức, với một người Do Thái Ba Lan để có điều kiện rời bỏ nơi này không?
Eddy Thall nhìn ông bác sĩ với con mắt mở rộng vì ngạc nhiên.
- Hàng trăm phụ nữ Do Thái của Rumani, Hungary và mọi quốc tịch khác sẽ rời bỏ được hầm mỏ bằng cách thức này. Anh bạn Isaac Salomon của tôi còn độc thân. Cô sẽ cùng anh ấy làm một cuộc hôn nhân giả. Và cô sẽ được đi. Cô đồng ý không?
- Xin bác sĩ nói lại! Eddy Thall nói.
- Đây chỉ là một hình thức, một thủ tục đơn giản để rời khỏi đất nước này thôi. Mỗi người đàn ông Do Thái Ba Lan có thể bằng cách ấy cứu thoát một người cùng tôn giáo của mình ra khỏi lao động hầm mỏ. Cô có đồng ý không?
Eddy Thall bỗng đầm đìa nước mắt.
- Sao cô vẫn khóc hoài như vậy?
- Bao nhiêu lâu rồi không một ai hỏi tôi có đồng ý hay không. Đây là lần đầu tiên từ nhiều năm nay cái điều ấy mới đến với tôi. Mỗi người ai muốn làm gì tôi tùy ý, không bao giờ hỏi ý kiến của tôi. Người ta không bao giờ hỏi bọn nô lệ có đồng ý hay không. Nếu có người đặt cho tôi câu hỏi đó, có nghĩa là tôi không còn là một con nô lệ nữa! Tôi đồng ý, đồng ý, đồng ý!

X

Eddy Thall lấy Isaac Salomon và dọn qua ở lán của những người Ba Lan. Bây giờ nàng đã là công dân Ba Lan và chờ ngày về xứ sở.
Vào lúc anh bị đày sang Nga, cách đây năm năm, Isaac Salomon là sinh viên. Đó là một chàng trai tóc hung, giàu tình cảm. Trong các trại giam Nga, anh vẫn luôn luôn giữ được tính vui tươi của tuổi vị thành niên.
Isaac, Eddy Thall và hàng ngàn người Ba Lan tháng tháng cứ phải di chuyển trại này sang trại khác. Họ xích dần tới địa phận Ba Lan, nhưng chuyện hồi hương thì cứ kéo dài. Họ đành chờ đợi. Những cuộc hôn nhân thuần túy hình thức ấy, trong những tháng ngày chờ đợi, đã biến thành những cuộc hôn nhân tình yêu. Nhưng chuyện hồi hương vẫn không có được. Mà là một đứa con. Eddy Thall trở thành người mẹ. Họ đặt tên cho con là Orly, một cái tên dịch từ tiếng hêbrơ, có nghĩa là “Ánh sáng của tôi”.
Trong cuộc sống ăn đợi nằm chờ, Orly đã trở thành ánh sáng của họ thật. Khi Orly được bốn tháng, thì những đoàn dân Ba Lan đã từng sống sáu năm trong các hầm mỏ Xô Viết đặt chân lên mảnh đất quê hương. Eddy Thall ôm chặt Orly vào lòng mà khóc vì sung sướng, cũng như mọi người Ba Lan khác khi mảnh đất quê hương đã thật sự ở dưới chân mình.
Các tù nhân về tới nhà là quên hết mọi đau thương đã chịu. Eddy Thall cũng quên hết bao nhiêu nỗi đau thương khổ nhục của nàng.
Được là người Ba Lan quả là một đặc ân.
Những tù nhân khác còn ở lại trong các hầm mỏ Xô Viết.
Nàng xuống Varsava, về nhà bà con với Orly và chồng.
Lúc trời tối, họ lại sum vầy với nhau trong một căn buồng chật hẹp nghèo nàn. Dù sao, đây là đêm đầu tiên sau bao nhiêu năm nay họ được nằm ngủ ở một nơi không phải trại tù nhân, trong một căn buồng không có lính canh trước cửa.
- Đừng nói cho ai biết các cháu là người Do Thái. - Bà dì của Salomon bảo - Phải hết sức thận trọng.
Trên bàn, có một chiếc bếp cồn để đun nước pha trà. Orly nằm ngủ. Trong buồng, cái giường mà họ được nằm nghỉ đêm đầu tiên được tự do từ ngày thắng trận, có vẻ nhỏ hẹp nhưng đó là chiếc giường nằm của những con người tự do chứ không phải của tù nhân.
Mỗi sáng, người ta tìm thấy những người Do Thái bị giết trong đêm, ngoài đường cái, giữa sân, bất cứ đâu, từ đầu này đến đầu kia của đất nước Ba Lan.
Bà dì của Salomon rót trà. Bà ta đầm đìa nước mắt, nhưng mà bà chịu đựng.
- Hãy thận trọng! - Bà nói - Rất thận trọng!
- Chẳng phải người ta đã tiêu diệt chủ nghĩa phát xít rồi sao? Thế Chính phủ làm cái gì?
Ba Lan là một nước bị đóng đinh trên cây thập tự. Khi quân quốc xã rút đi, chúng chỉ để lại có hoang tàn, mỗi nấm mồ mỗi bước. Ba Lan đáng thương! Một nghĩa địa bị phá hủy. Quân Xô Viết vào. Họ lấy nốt những cái gì còn lại: đường sắt, tuổi trẻ, cả những cái lò trong nhà bếp. Tất tần tật. Ba Lan tội nghiệp, đáng thương. Vì sao Chính phủ lại để cho người ta tàn sát người Do Thái? Hãy thận trọng? - Bà già nói - Nguy hiểm lắm đó! Rất!
Isaac Solomon đứng lên. Anh lại để tách trà xuống. Anh biết rằng ở Ba Lan là sự đói khổ nghèo nàn. Rằng người Nga cướp bóc những thứ mà quân Đức không cướp hết. Nhưng anh không thể hiểu rằng người ta giết người Do Thái ngay trên đường cái. Có những bộ trưởng Do Thái, những sĩ quan Do Thái, những lãnh tụ chính trị là người Do Thái. Chính phủ phải bảo vệ người Do Thái mới đúng chứ?
“Người dân Ba Lan đói khát đã bị săn đuổi để lưu đày sang Nga, đang tìm cách trốn tránh. Núi rừng đầy rẫy những nơi ẩn nấp của họ. Họ bỏ nhà cửa, tất cả để trốn đi. Những người đi trốn thường đi vào những lúc ban đêm như những con sói đói. Họ lăn xả vào người Do Thái bởi vì họ biết Chính phủ mà người Nga áp đặt cho họ là Do Thái, rằng những tay trưởng trại là Do Thái. Họ tin rằng người Do Thái đang nắm giữ quyền hành và đang phạm nhiều tội ác tày trời. Nhưng ngược lại, chẳng những không trả thù xuống đầu người Nga mà dân chúng lại trút xuống đầu người Do Thái tất cả, bởi vì chẳng khó khăn gì. Các cháu thấy đó. Và các cháu cần phải hết sức thận trọng”.
Orly thét lên một tiếng trong khi em ngủ.
Những giọt nước mắt chảy trên má bà dì của Isaac Salomon và rơi xuống tách trà.
- Dì sợ quân phát xít từ tận trong dòng máu! - Salomon nói - Dì sợ ngay cái bóng của mình. Thế là quá sức! Ngày nay, chúng ta sẽ xem. Cháu tin chắc rằng không phải tất cả các băng nhóm phát xít hoặc S.S (quốc xã) đều đã được diệt sạch đâu! Dì chớ quên rằng Chiến thắng là có thật. Chúng ta có một Chính phủ bù nhìn thân Xô Viết, nhưng không phải là một Chính phủ phát xít. Còn lại là chuyện phóng đại cả thôi.
Isaac và Eddy Thall mở chăn ra cho bé Orly. Đôi má mát mẻ của bé bây giờ đỏ bừng. Cả người bé nóng bỏng. Isaac ghé tai vào người bé để nghe nhịp đập của trái tim, rồi nói với Eddy Thall:
- Orly mới được bốn tháng. Đi đường xa mệt nhọc là chuyện tất nhiên. Khóc trong giấc ngủ hoặc nhiệt độ lên cao cũng là chuyện thường. Nhưng nó không lên cơn sốt. Nó không bị gì cả. Nếu em muốn, ta thử kiếm cái cặp nhiệt độ xem.
Eddy ôm chặt bé Orly vào lòng và nàng nựng bé bằng tiếng Rumani, gọi nó là “Luminitza” - ánh sáng nhỏ của tôi.
Orly khóc. Má bé đỏ bừng như đóa hoa hồng. Eddy và con gái của nàng - ánh sáng của nàng - ở lại một mình trong khi Salomon và bà dì đi tìm cái cặp nhiệt độ. Nhưng Isaac trở lại, vẻ hài lòng.
- Trong ngôi nhà này, có một ông bác sĩ, ở lầu sáu. Ta lên đó xem. Ông ta sẽ cặp nhiệt độ và sẽ khám cho Orly, ánh sáng của chúng ta. Rồi em xem, nó chẳng có sao đâu. Chỉ hơi mệt chút thôi.
Isaac trèo lên lầu sáu, tay cầm một cây nến và chú ý không để cho gió thổi tắt. Eddy theo sau, tay ôm Orly. Cầu thang rất hẹp. Một người đàn ông rất trẻ mở cửa buồng áp mái.
- Tôi là bác sĩ. - Ông ta nói - Xin cứ vào và miễn thứ cho cái nghèo khổ của tôi.
Ông ta mời Eddy Thall cùng bé Orly và Isaac Salomon vào một căn buồng nhỏ xíu. Không có giường. Chỉ có tấm chăn trải ngay ra sàn nhà, trong góc. Và cũng ngay giữa sàn nhà là từng chồng sách, những lọ thuốc, một cái đèn dầu. Đây là một bác sĩ trẻ. Những mớ tóc hung rũ xuống trên đôi mắt to đỏ ngầu vì sốt. Ông ta có vẻ đau đớn.
- Nhà không có ghế, xin thông cảm. - Ông ta nói.
Ông ta nhìn Eddy Thall, cháu bé và Isaac Salomon để đoán xem ai trong ba người bị bệnh. Ông lại xin lỗi lần nữa:
- Tôi rất tiếc là không có nổi một cái ghế, chỉ một cái ghế thôi cũng không. Không phải lỗi của tôi. Chính phủ đã lấy nhà của tôi, tiện nghi của tôi, phòng khám của tôi, sách của tôi, tất cả, sạch sành sanh, ngay hôm tôi ở tù về. Chỉ trong hai giờ, tôi bị tống ra hè phố.
Bác sĩ ôm lấy bé Orly trong tay, cởi áo bé và đặt nằm trên chồng sách thay bàn. ông ta khám cho bé rất cẩn thận. Ông bắt mạch và cặp nhiệt độ cho bé.
- Tôi không có những thứ thuốc cần cho cháu. - Ông ta bảo - Nhưng mà không có gì nghiêm trọng đâu. Không! Không nghiêm trọng chút nào! Ngày mai sẽ khỏi thôi.
Ông lại mặc quần áo vào cho cái thân hình bé bỏng của Orly. Sau đó, ông xắn tay áo và hơ cái ống tiêm lên ngọn đèn cồn để vô trùng.
- Sau Ngày Chiến thắng, tôi ở Đức về. Người ta bảo tôi: “Quân Đức đã giết sạch những người chống phát xít. Chỉ có những cộng tác viên là còn sống”. Anh hiểu nghĩa là thế nào không?
Bàn tay của ông bác sĩ run run trên ngọn đèn cồn đang vô trùng hóa dụng cụ của ông ta.
- Chỉ việc “còn sống” thôi cũng đủ là một tội ác rồi? Và bởi vì tôi vẫn còn sống và trở về sau bốn năm tù đày, cho nên người ta đã tịch thu nhà cửa, phòng khám, sách vở của tôi, tất tần tật! Chính phủ Do Thái - Xô Viết Ba Lan cho rằng bất cứ người Ba Lan nào không bị bọn nazi tiêu diệt đều là phát xít, cần phải thủ tiêu. Đó là cái lôgic thông thường Do Thái Xô Viết.
Nhưng ngày nay, chúng ta đã thanh toán xong bọn phát xít rồi, người Ba Lan chúng ta phải thống nhất lực lượng để tiếp tục đấu tranh chống lại bọn Do Thái và Cộng sản.
Ông bác sĩ lau trán. Ông ta đang bị cơn sốt. Ông ta đang bị giày vò trăm ngả, nào bệnh tật, nào căm ghét, nào khát vọng trả thù.
- Tôi bị ho lao ở giai đoạn cuối. Nhưng tôi chưa muốn chết trước khi tôi tự tay diệt trừ ít nhất cũng một tên trong những tên Do Thái - Xô Viết đang giết chết Tổ quốc Ba Lan. Tôi muốn tự tay tôi bóp ngạt hơi thở của chúng nó!
Orly khóc. Bàn tay nhợt nhạt của ông bác sĩ run run. Bàn tay ấy nhẹ nhàng chạm vào người bé Orly âu yếm vuốt ve.
- Trước kia tôi cũng từng mơ ước có một đứa con, nó là ánh sáng trong cuộc đời một con người (ông ta nhìn bé Orly âu yếm). Tên nó là gì? Cô thiên thần bé con này? - Ông ta hỏi.
- Orly! - Eddy Thall nói, trong khi ông bác sĩ nhìn chăm chắm vào nàng.
Rồi đôi mắt to đang cơn sốt lại nhìn sang Isaac.
- Orly! - Ông nói - Một cái tên tuyệt đẹp. Orly, một cái tên đẹp cực kỳ!
Bàn tay của bác sĩ không run nữa. Nó vuốt ve làn da thịt của cháu bé một cách tin tưởng. Trán ông ướt đẫm mồ hôi, nhưng bàn tay không run nữa.
Giọng Nga của Eddy Thall, khuôn mặt của Salomon, cái tên Orly... thế đủ rồi! Ông ta đang tiếp xúc với những người Do Thái đây. Bây giờ thì ông ta chắc chắn lắm rồi. Ông ta đặt mũi kim tiêm, bơm hết ống thuốc cho Orly với một bàn tay vững vàng.
- Từ đây đến sáng mai, tất cả sẽ trở lại trật tự. Ngày mai, các người lại đến. Nhưng tôi nghĩ sẽ không cần thiết.
Ông bác sĩ nhận điếu thuốc của Isaac mời và tiếp tục nhìn anh ta rất chăm chú. Bây giờ ông ta chắc chắn lắm rồi. Ông ta đã không lầm. Trước mặt ông ta, đúng là những người Do Thái!
Các người sẽ thanh toán thù lao cho tôi ngày mai. - Ông ta bảo - Vì ngày mai các người sẽ còn tới tìm tôi.
Ông ta vẫn để ngỏ cửa cho đến khi tiếng chân của Eddy Thall và Isaac Salomon đã tắt đi hoàn toàn.

XI

Đêm ấy Eddy Thall thức dậy nhiều lần để theo dõi tình hình của Orly trong khi bé ngủ. Nhịp thở của bé nhè nhẹ, đều đều.
- Anh đã bảo em không có chuyện gì nghiêm trọng cả mà! - Isaac Salomon nói. Anh ôm hôn vợ - Chúng mình sẽ có một cuộc sống đẹp. Chúng mình sẽ hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên từ năm 1939 anh được trở lại quê hương xứ sở của mình và được nằm ngủ trong một ngôi nhà thật sự, nhà của bà con mình. Tại thành phố của anh, tại nhà người thân của anh.
Chiến thắng được chính thức công nhận từ bao lâu rồi, cuối cùng cũng đã đến với họ. Tốt biết bao được nằm ngủ sau Chiến thắng, tự do giữa gia đình! Đây là một giấc ngủ mà người ta có thể buông thả mình một cách thoải mái an toàn.
Khi Eddy Thall bừng tỉnh dậy thì thấy Isaac Salomon đang đứng ôm chặt bé Orly vào lòng.
- Orly không còn nữa! - Anh kêu to - Orly chết rồi!
Cánh cửa mở ra. Bà dì của Isaac Salomon xuất hiện, theo sau bà là bà gác cổng và xóm giềng. Người ta chở Eddy đi bệnh viện. Nhà đầy những người. Có cả những cảnh sát mặc thường phục và những cảnh sát mặc đồng phục. Salomon nhắc lại những câu nói của ông bác sĩ, và gào to rằng con gái của anh đã bị giết.
- Buộc tội người ta như vậy là vô căn cứ - Viên cảnh sát trưởng nói - Đó là một tội ác kinh tởm. Chưa bao giờ có một hành vi man rợ như vậy ở Varsava. Ngay cái giả thiết tiêm thuốc chết người cũng chưa bao giờ được đặt ra. Vả lại cuộc khám nghiệm sẽ cho chúng ta những bằng chứng chính xác.
- Chúng ta sẽ thực hiện một cuộc điều tra tại chỗ! - Viên cảnh sát nói.
Họ ghi tên Eddy Thall và Isaac Salomon rồi lập một biên bản về cái chết của bé Orly. Họ ghi nhận những lời khai của bà gác cổng và những người láng giềng.
Họ giúp Isaac trèo lên sáu tầng nhà mà anh đã trèo lên đêm hôm qua cùng với vợ và con gái anh. Cửa buồng áp mái không đóng. Các viên cảnh sát cứ để cửa mở như vậy. Buồng của ông bác sĩ trống rỗng. Chỉ có những bức tường và sàn nhà trần trụi. Salomon nhìn mọi sự qua dòng nước mắt. Anh bị cơn choáng. Các viên cảnh sát đỡ lấy anh.
- Chúng tôi đã đến chỗ này đây.
Anh cố nhận ra những bức tường, cái cửa sổ, chỗ anh đã đứng hôm qua.
- Hôm qua cũng trống trải như bây giờ à?
- Hôm qua có thêm một vài thứ. - Isaac Salomon nói - Sách, thuốc men, chăn màn, một cây đàn.
- Làm sao ông ta có thể đi mà bác không nghe thấy? - Một cảnh sát viên rất trẻ và đầy tự tin hỏi người gác cổng.
- Anh thấy là có thể được lắm chứ! - Người gác cổng đáp. - Tôi, tôi không nghe thấy gì hết.
- Chúng ta sẽ đăng ảnh hắn lên mọi tờ báo. Có thể hắn là một tên khủng bố hoặc một tên S.S. Việc hắn bỏ đi trốn chứng tỏ lương tâm hắn không yên. Hắn mất tích, đó là đầu mối của chứng lý.
- Eddy đâu? Eddy đâu rồi? - Isaac hỏi - Tôi muốn gặp nàng. Ít ra nàng...
- Ông có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tóm cổ được hắn ta.
- Muộn quá mất rồi! Orly chết rồi! - Salomon nói - Cháu là ánh sáng của chúng tôi và giờ đây ánh sáng đã bị tắt.
Vai trò của cảnh sát là bắt bọn sát nhân, và chúng tôi sẽ làm được! - Viên cảnh sát nói.
- Eddy đâu rồi? - Salomon hỏi. - Tôi muốn gặp Eddy!
Và lần đầu tiên trong đời mình, Isaac Salomon khóc.
Từ năm 1939, anh đã chịu mọi đau thương, gian khổ và nhục nhã một cách kiên nhẫn. Bây giờ anh hết chịu nổi rồi.
- Tôi muốn gặp Eddy! - Anh kêu xin.
Ba ngày sau, Isaac Salomon và Eddy Thall lại lên đường đi sang phía Tây lần nữa, với hai tay không và tâm hồn tê dại hơn bao giờ hết.
Họ rời bỏ Ba Lan. Phương Tây không thể trả lại Orly cho họ. Không trả lại được máu mà Eddy Thall đã mất. Phương Tây không chữa nổi những vết thương của họ ngày xưa, nhưng có thể để họ cứ sống với những vết thương, nỗi khổ, với những dấu vết của sự hành hung.
Ba Lan không thể nào ở được nữa, mặc dầu họ đâu có đòi hỏi gì hơn đâu!