Dịch giả: Hoàng Hữu Đản
Tập sách nói về những tủi nhục

     ierre và Marie Pillat nhìn thật lâu chiếc xe tải lớn chở Ante Petrovici và những người tị nạn khác thuộc các quốc gia đồng minh rời khỏi trại. Hai người bỗng cảm thấy cô đơn trong một xứ sở xa lạ mà ở đó họ không quen biết ai, cũng như chưa bao giờ đặt chân đến. Nỗi sợ hãi xâm chiếm họ. Họ không có tiền, cũng không có chỗ trú ẩn.
- Chúng ta đã tính sai khi rời bỏ cánh rừng. - Pierre thốt lên - Bây giờ thì chúng ta đi đâu và làm gì đây?
Chàng cho tay vào túi áo và tìm thấy hai tờ giấy bạc một trăm đồng Mark. Chàng biết rõ xuất xứ của chúng. Trước khi ra đi, tiến sĩ Ante Petrovici đã nhét chúng vào túi áo chàng. Số tiền này đã giúp chàng lấy lại can đảm. Họ tiến về nhà ga và nghiên cứu bản đồ. Thành phố được biết đến nhiều nhất và gần nhất là thành phố Heidelberg [1]. Và thế là họ leo lên tàu hỏa.
- Heidelberg là một trung tâm văn hóa. - Pillat nói - Anh sẽ tìm được việc làm ở trường đại học, cũng có thể trong một thư viện, hay một nơi nào đó, điều đó không mấy quan trọng.
Họ lại tiếp tục nói về Ante Petrovici. Trông họ tràn trề hy vọng. Vừa đến Heidelberg, họ đã có một lô dự tính về tương lai. Họ dừng chân bên bờ sông Neckar, ở đây người ta đang xây cất một cây cầu.
- Anh sẽ đến đó xin một chân thợ. - Pillat nói - Ngay ngày hôm nay. Chúng ta không nên để mất một phút nào cả. Còn những chuyện khác chúng ta sẽ ráng thu xếp sau.
Chàng để Marie ngồi lại trên một chiếc băng dài, rồi một mình đi xuống xưởng xây cất nằm trên bờ sông. Lúc bấy giờ là buổi chiều.
- Chúng tôi đang cần công nhân. - Ông chủ xưởng nói - Chúng tôi trả tiền công hậu. Ngoài tiền lương công nhân còn được ăn xúp và hút thuốc lá. Anh có thể đến làm ngay sáng mai.
Pillat rất sung sướng. Chàng cho rằng đã gặp được nhiều may mắn.
- Anh chỉ cần mang cho tôi giấy chứng nhận cư trú tại Heidelberg là đủ. Chỉ có thế và tôi sẽ nhận anh vào làm việc.
Pillat cảm ơn ông ta và vội vàng chạy đi báo cho Marie biết tin vui ấy.
- Ta đi thôi em. Chúng ta đi xin giấy chứng nhận cư trú. - Chàng nói - Văn phòng cấp giấy cư trú gần đây thôi.
Marie lại mang túi xách hành lý lên.
Họ phải đợi một lúc trước khi được ông trưởng phòng tiếp.
Ông ta lịch sự mời họ ngồi và họ bỗng cảm thấy lại được thâm nhập vào cuộc sống.
- Anh sẽ có giấy chứng nhận cư trú ngay. - Người trường phòng nói - Nhưng anh phải có giấy xác nhận đã có việc làm.
- Tôi đã thưa chuyện với ông trưởng xưởng xây cất cầu. - Pillat nói - Ông ta cho biết là sẽ nhận tôi vào làm ngay sau khi có giấy chứng nhận cư trú.
- Anh phải có giấy xác nhận đã có việc làm. - Người nhân viên nói.
- Việc làm thì tôi đã tìm được rồi, người ta có thể cho tôi giấy xác nhận. Tôi sẽ mang giấy đó lại cho ông trong vòng mười phút thôi. - Pillat nói.
- Tôi không thể cấp cho anh giấy cư trú nếu anh không có giấy chứng nhận đã có việc làm.
Người nhân viên văn phòng cư trú là một người tị nạn Đức, thuộc vùng bị người Nga chiếm đóng. Ông ta hiểu rõ sự mệt mỏi và nỗi thất vọng của Pillat và Marie.
- Anh chị không thể tìm được việc làm nếu không có chứng chỉ cư trú. - Ông ta nói - Nhưng không có giấy chứng nhận đã có việc làm thì người ta không cấp giấy cư trú, không cấp thẻ lương thực, không cấp chỗ ở, không cấp gì hết.
- Người ta cấm chúng tôi cư ngụ tại đây sao? Tại Heidelberg sao?
- Trên lý thuyết người ta không cấm, nhưng trên thực tế, việc anh chị xin cư ngụ tại đây là việc không thể được. Tại sao anh chị không thử tìm những thành phố khác? Heidelberg là một thành phố quá đông người. Người ta chỉ cho những người cư ngụ tại đây có công việc làm mà thôi. Tóm lại chừng nào anh mang lại cho tôi giấy xác nhận đã có công việc làm, thì tôi mới cấp cho anh giấy chứng nhận cư trú.
- Tôi thử lại xưởng xây cất một lần nữa xem sao. - Pillat nói. Chàng lại xuống bờ sông Neckar sau khi để Marie ngồi lại trên chiếc ghế dài.
Người tổ trưởng của nhóm nhân công xây cầu không có mặt tại văn phòng. Pillat ngồi đợi ông ta trong cái lều bằng gỗ.
Marie mệt mỏi. Khi Pillat đi rồi, nàng ngồi dựa đầu vào lưng ghế, tay phải nắm chặt chiếc xách hành lý để sát bên cô vì sợ bị kẻ gian đánh cắp. Nàng thiu thiu ngủ. Marie bỗng cảm thấy một bàn tay sờ vào vai mình. Nàng run rẩy và muốn đứng lên, nhưng bàn tay giữ chặt lấy cô.
Đó là những viên cảnh binh người Đức, với găng tay bằng da, giày bốt bằng da và súng ngắn trong những chiếc túi bằng da. Một trong những cảnh binh giật lấy chiếc túi xách của Marie và liệng lên một chiếc xe cam nhông. Rồi họ kéo tay Marie, đẩy nàng lên theo. Marie muốn gọi Pierre, nàng nhìn về phía xưởng cầu, nhưng chiếc xe chở cô đã bắt đầu nổ máy.
Marie la lên. Bàn tay mang găng da bịt miệng nàng lại, nàng muốn cắn nó để có thể la, nhưng bàn tay của người cảnh binh cứng như sắt vậy. Trên xe còn có những người phụ nữ khác nữa.
Họ còn trẻ và môi son đỏ choét. Họ nhìn Marie với vẻ tò mò.
Marie cảm thấy sức nặng bàn tay không chỉ trên miệng mà trên cả toàn thân mình. Nàng cảm thấy bàn tay đeo găng đè nặng trên toàn thân mình nhưng nhất là trên hai cái vú.
Chiếc xe dừng lại trước sân của một ngôi nhà. Cảnh binh dẫn những người đàn bà vào nhà trong một phòng trống. Marie thì khóc nức nở.
- Chị đến bệnh viện lần đầu tiên à? - Một cô trong đám hỏi Marie.
- Đây là bệnh viện à? (Marie lau nước mắt). Tại sao người ta đưa tôi đến bệnh viện?
- Nếu chị không bị gì cả, người ta sẽ thả chị về.
Marie ngồi sát vào hai túi xách hành lý. Chúng chứa đựng những gì vợ chồng nàng có được. Chúng có mùi da thịt của nàng và chồng nàng. Trong nhiều tháng qua vợ chồng nàng đã dùng chúng để gối đầu. Giờ đây Marie ôm chặt chúng vào lòng và khóc. Nàng nghĩ đến chồng nàng với vẻ mặt hốt hoảng lo âu khi không tìm thấy nàng trên chiếc ghế dài trên bờ sông.
Nàng muốn van xin người ta cho nàng đi khỏi đây, nhưng không còn ai làm việc cả. Và suốt đêm nàng chỉ còn biết ôm chặt hai chiếc túi xách mà khóc.
Sáng sớm hôm sau, những người đàn bà sắp thành hai hàng và người ta dẫn đi tắm.
- Thôi đừng khóc nữa. - Một người đàn bà đứng cạnh chị nói lớn - Tôi cũng có hai cháu hiện đang ở nhà một mình vậy, mà tôi có khóc đâu. Phải can đảm mới được.
- Tại sao chúng ta lại bị bắt? - Marie hỏi.
- Chúng ta không bị bắt. Đây chỉ là một cuộc bố ráp. Chị chưa bao giờ bị bắt trong một cuộc bố ráp sao?
- Chưa. - Marie nói - Tại sao lại bị bắt trong một cuộc bố ráp?
- Tất cả phụ nữ đều bị bắt. Đó là chuyện bình thường, nhằm đề phòng họ không truyền bệnh sang cho binh sĩ Mỹ. Bất cứ người phụ nữ nào ở ngoài đường cũng có khả năng truyền bệnh cho binh sĩ Mỹ. Tôi bị tóm bốn lần rồi. Còn chị? Chưa bao giờ à? Tại sao?
Marie bỗng cảm thấy gần như có lỗi vì nàng chưa bao giờ bị bắt giữ trong một cuộc bố ráp.
- Tôi không ở thành phố này. - Marie trả lời.
Bây giờ họ đang ở trong gian phòng của tầng lầu một.
- Nếu chị ở lại thành phố này, chị sẽ có dịp trở lại nơi này. Lần tới chị sẽ không khóc nữa.
Sau khi tắm xong, họ được dẫn đến một hành lang. Lần lượt từng người được gọi tên vào phòng khám. Marie nghe gọi đến tên mình. Nàng bước vào một căn phòng, có hai người đàn ông mặc áo blu trắng đang khám cho một người đàn bà nằm trần truồng trên một chiếc bàn trắng.
Những người đàn ông tay mang găng cao su. Họ có vẻ không hài lòng.
- Tại sao cô chưa cởi quần áo ra? - Một trong hai người đàn ông hét lớn. (Ông ta có một giọng nói thô bạo và đanh đá mà Marie chưa bao giờ nghe thấy) Cởi quần áo ra ngay.
Marie muốn bị đánh đập hơn là nghe mệnh lệnh này.
Nàng cảm thấy bàn tay cô y tá đặt lên vai mình. Tiếp theo là một bàn tay khác nữa. Hai cô y tá cởi bỏ áo quần nàng ra vừa mắng mỏ. Họ mắng nàng lớn tiếng. Marie nhắm mắt lại và cố trì người xuống. Nhưng họ kéo nàng đứng lên, đè nàng nằm dài trên bàn. Marie trần truồng, nàng bắt đầu la hét, chống cự hết sức mình. Những bàn tay xa lạ đã đè nàng xuống, làm cho nàng không còn cử động được. Marie khép chặt hai chân và chống trả mãnh liệt. Những người đàn ông thì giận dữ. Nhiều người đàn bà khác chạy lại. Marie phải chống trả lại với vô số bàn tay. Tiếp đến nàng bỗng cảm thấy một làn mây lạnh tỏa xuống mặt nàng. Nàng không còn chống trả nữa. Thân xác nàng đã thuần phục theo ý muốn của những bàn tay xa lạ. Khi nàng rời khỏi bàn khám, nàng có cảm giác như mới hồi tỉnh.
Nàng cố tìm cách che giấu để khỏi trần truồng trước những người đàn ông xa lạ kia. Nhưng khi nàng cố tìm cách che dấu sự trần truồng của mình, thì tay nàng sờ đúng những gai gốc lởm chởm ngay chỗ chùm lông mịn màng và mềm mại như những sợi chỉ tơ. Người ta đã cạo nhẵn nhụi. Thay vào chỗ những sợi lông mượt mà là những mũi nhọn châm chích vào lòng bàn tay. Marie, tuyệt vọng, mặc quần áo vào.
- Cô có thể đi được rồi. - Cô y tá nói.
Nàng cầm lấy hai chiếc túi xách và cúi đầu đi ra cửa.
Nàng cảm thấy hai chiếc túi xách nặng như những tảng đá cối xay. Và mỗi bước nàng đi như có những mũi kim chích. Những cơn khóc nức nở làm thắt nghẹn cổ họng. Nàng có cảm giác như xuyên qua áo quần nàng đang mặc người ta đã nhìn thấy nàng bị cạo nhẵn nhụi. Marie tự cảm thấy mình là người đàn bà bị sỉ nhục nhất trần gian.
Nàng muốn kêu cứu, nhưng chẳng biết kêu ai. Ngay cả việc nghĩ đến chồng nàng, nàng cũng không thể làm nổi nữa.
Nàng đi về phía sông Neckar như một người máy. Nàng muốn trầm mình xuống đó. Những chân lông đâm vào da thịt nàng như những gai nhọn.
- Em đã ở đâu? - Pierre hỏi - Anh tìm em suốt cả đêm. - Em đã đi đâu? - Giọng chàng rất khắc nghiệt.
- Em không thể nói cho anh nghe được, anh Pierre à.
(Nàng bắt đầu khóc và cảm thấy những chân lông bị cạo nhẵn nhụi.) Em muốn chết hơn là nói cho anh nghe điều đó.
Pierre cầm lấy tay nàng.
- Em trở về lại Piatra thôi. - Nàng nói - Em không muốn ở lại đây nữa.
II
Pierre Pillat và Marie rời khỏi Heidelberg. Họ không có quyền ở lại thành phố. Họ đi tàu đến Stuttgart. Ante Petrovici đã tiếp đón họ như những người bạn thân. Họ chỉ mới vừa quen biết nhau trong thời gian một đêm, có những cuộc hội ngộ ngắn ngủi, nhưng lại có giá trị hơn cả một cuộc đời sống bên nhau.
Petrovici mời họ ăn bánh mì, thịt hộp và hút thuốc lá. Tổ chức quốc tế của những người tị nạn thuộc phe Đồng Minh, cấp cho họ lương thực và nhà ở. Mặc dù vậy, Ante Petrovici ngày càng khập khiễng hơn, điều đó nói lên rằng ông ta đau khổ và tâm hồn đang bị xao động mạnh.
- Trong bất cứ thành phố nào của nước Đức, anh chị sẽ không thể nào được cấp giấy phép cư trú khi không có giấy chứng nhận có công ăn việc làm. - Ông ta nói - Và ngược lại, anh chị sẽ không thể nào kiếm được công ăn việc làm khi không có giấy phép cư trú. Đó là một vòng lẩn quẩn. Trên thực tế, anh chị không được phép cư trú tại đây, nhưng anh chị cũng không có phép rời khỏi nơi này. Mỗi thước đất tại biên giới Đức đều có xe tăng canh giữ. Người ta đóng biên giới bằng dây kẽm gai. Anh chị chỉ còn cách là sống trong không khí. Đáng tiếc là con người không thể sống bằng không khí và trong không khí được.
Để được sống còn, phương Tây đã bán đứng phân nửa châu Âu cho người Xô Viết. Nhiều người của những nước bị bán đứng cho người Nga đã trốn chạy sang phương Tây để thoát khỏi cái chết và nỗi kinh hoàng.
- Phương Tây là vận may thứ hai của mỗi người dân thuộc các nước đang bị người Nga chiếm đóng. Những kẻ trốn chạy từ những quốc gia này đi ngang qua nước Đức, và tại đây họ đã bị bắt và bị nhốt vào các trại tập trung. Họ không thể nào ra khỏi đây.
- Anh có nghĩ là không còn lối thoát nào nữa không? - Marie hỏi - Chúng tôi không đòi hỏi điều gì to tát cả. Chúng tôi chỉ muốn làm việc. Chỉ có thế thôi. Tôi biết chắc chắn là chúng tôi không thể nào có lại nhà cửa và cuộc sống xưa kia, nhưng xin hãy để chúng tôi sống cách nào cũng được.
- Tôi không phải là nhà tiên tri. - Ante Petrovici nói - Nhưng tôi cho rằng không còn lối thoát nào khác. Châu Âu không còn nữa. Chỉ còn châu Mỹ và nước Nga, và họ đang chia nhau châu Âu. Cả hai, Liên Xô và Hoa Kỳ đều muốn áp đặt cách sống của họ trên toàn cõi địa cầu. Và để thực hiện điều đó, họ muốn xóa bỏ cá nhân. Liên Xô tiêu diệt hàng triệu con người, nhiều giai cấp xã hội. Nước Mỹ không tự tay tiêu diệt những nạn nhân của mình, mà đem họ biếu cho người Nga để họ bị tiêu diệt. Giống như các giáo sư của trường đại học Coimbre, châu Mỹ tưởng là có thể tránh khỏi thảm họa bằng cách thường xuyên thiêu sống một số người nào đó. Họ đã thiêu sống nhiều tù binh người Nga trước mắt chúng ta chỉ vì muốn tránh một cuộc xung đột ngoại giao với những người Xô Viết. Nước Mỹ đã dâng hiến cho người Nga các nước Lithuani và Esthonie để tránh cuộc xung đột chính trị với những người Xô Viết. Nước Mỹ đã hy sinh nước Ba Lan cùng với nhân dân và gia súc của họ để tránh một sự bất đồng ý kiến với nước Nga. Sau đó nước Mỹ đã hy sinh Rumani và những người sống ở đó. Nước Mỹ đã lần lượt hy sinh Tiệp Khắc rồi Hungary.
Marie đã khóc một cách thầm lặng.
- Sự hiểm nguy đã trở nên quá lớn lao đối với mỗi cá nhân, mỗi giai cấp, mỗi dân tộc cho đến nổi phải tự lừa dối cả chính mình. Thời gian không để một sự trì hoãn nào, không biết đến một sự ngưng đọng nào, không thể có một mưu mô hay một sự ruồng bỏ xảo quyệt nào. Chỉ những người mơ mộng mới có thể tin vào những xảo kế mà thôi.
Lạc quan là một phần nào hèn nhát. Chúng ta được sinh ra trong thời đại này, và chúng ta phải can đảm đi theo con đường đã được vạch sẵn, không còn con đường nào khác. Nhiệm vụ bắt buộc phải tồn tại, ngay cả trong những tình huống xấu nhất, không còn một chút hy vọng nào. Phải kiên trì như người lính La Mã kia mà hài cốt đã được tìm thấy trước cửa thành Pompéi. Anh ta đã chết chỉ vì người ta đã quên đổi phiên gác khi núi Vesuve bắt đầu phun lửa.
Duy nhất chỉ có cái chết vinh quang ấy là người ta không thể cướp đi của con người.
- Các bộ phận chính yếu của cơ thể con người, như tim, phổi đều hoạt động một cách tự nhiên. - Pillat nói - Sự khao khát sống, sự hy vọng cũng hoàn toàn tự nhiên. Chấp nhận cái chết chỉ là một điều dối trá trong văn chương chữ nghĩa mà thôi. Người lính La Mã của nhà văn Spengler đã chờ cho nham thạch chôn vùi thân xác mình chỉ là một hư cấu không mấy thật. Khi những người Nga bất đầu tràn vào đất nước chúng ta như những dòng nham thạch, và khi chúng ta hiểu được rằng họ muốn hủy diệt chúng ta, thì chúng ta đã trốn chạy. Đó là một hành động hết sức tự nhiên của con người trước hiểm họa chết chóc. Chúng ta đã may mắn thoát khỏi những dòng nham thạch nóng bỏng úp chụp xuống chúng ta, thoát khỏi những người Xô Viết, và chúng ta cũng sẽ tìm cách để ra khỏi cái làn lửa này, đó là nước Đức. Nếu không nói đến những gì anh đã suy nghĩ trên cương vị của một con người, thì anh có tìm cách để tự cứu lấy mình, để thoát khỏi nơi đây không? Anh hãy thành thật trả lời đi, anh Ante Petrovici.
- Tôi cũng thế thôi, tôi cũng đang cầu may đây. - Ante Petrovici trả lời.
Ông ta chỉ những bình mực nhỏ, những cục tẩy, những con dấu ở trên bàn.
- Tôi cũng thế, tôi đang tìm cách để thoát khỏi nơi đây, bằng lối thoát duy nhất là đi đâu. Các nước bên kia Đại Tây Dương đã gởi những đoàn đại diện kinh doanh đến nước Đức để tuyển chọn lao động trong số hàng trăm ngàn người tị nạn.
Họ tuyển chọn người cũng như mua súc vật, họ chỉ giữ lại những thứ hàng hóa hảo hạng thôi. Họ thích những người trẻ.
Tôi đã vượt qua giới hạn tuổi trẻ rồi. Tôi phải làm khai sinh giả, và đó là những gì tôi đang làm đây. Tôi bị khuyết tật. Dưới lòng bàn chân phải của tôi bị thiếu vài ly. Tôi thấp bé hơn một người thuộc loại lý tưởng, loại này phải cao ít nhất là một thước sáu. Tôi theo đạo Hồi. Một người thuộc loại lý tưởng phải theo đạo Thiên chúa. Tôi sẽ phải sửa chữa tất cả những thứ đó. Tôi sẽ làm giấy tờ giả. Tôi rất phân vân. Nhưng cái khó thật ra là cái khác kia. Cái khó là tôi sẽ xa nấm mồ châu Âu.
Châu Âu đã chết. Cũng giống như những người trí thức tư sản, tôi tôn thờ những ngôi mộ. Tôi đau đớn khi phải rời xa nó.
Châu Âu bắt đầu chết cùng lúc với sự xây dựng những trại tập trung của Đức quốc xã.
Châu Âu đã chết với từng người tù binh đã bị Đức quốc xã thiêu hủy, nó đã chết phần nào với sự thiêu hủy Lidia, vợ tôi.
Nhưng thật ra Châu Âu đã trút hơi thở cuối cùng tại Torgau. Tại nơi đó người ta sẽ tìm thấy ngôi mộ của Châu Âu. Đó là một thành phố nhỏ bé trên bờ sông Elbe, ở đó quân đội Nga và Mỹ đã gặp gỡ nhau năm 1945. Chính tại nơi đây, trên thi thể của Châu Âu, những người lính Nga và những người lính Mỹ đã ôm hôn nhau, và đã uống rượu Whisky và Vodka. Bữa tiệc tang của Châu Âu đã được thiết đãi bằng những thứ rượu ngoại chứ không phải rượu của Châu Âu, đó là Whisky và Vodka. Cũng giống như anh và vợ anh, các bạn sẽ không thấy thoải mái bất cứ ở đâu ngoài làng Piatra ở Rumani. Tôi cũng thế thôi, tôi chỉ cảm thấy thoải mái ở Châu Âu mà thôi. Chính vì tất cả những lý do đó mà tôi xem cái cơ may mà người ta dành cho tôi ở đâu đó và vì nó tôi đã đấu tranh, đã giả mạo giấy tờ, như một cơ may không kỳ lạ. Sự lưu đày ra khỏi xứ sở của tôi đã là phần đầu của cuộc lưu đày ra khỏi Châu Âu.
Một người đàn ông thanh lịch xách chiếc cặp da bước vào phòng. Ông ta bắt tay Ante Petrovici, lạnh lùng chào Marie và Pierre.
- Tôi vừa được bầu làm cố vấn chính trị về những vấn đề thuộc bán đảo Balkan cho bộ tư lệnh Mỹ tại Châu Âu.
Với tất cả những lời chúc mừng của tôi. - Ante Petrovici nói. Tiếp theo ông giới thiệu người mới đến với Marie và Pillat. - Một trong những người đồng hương của anh chị, ông Aurel Popesco.
- Rất hân hạnh. - Popesco nói - Tôi rất hân hạnh được biết ông bà.
Nói xong Popesco nhanh chóng rời khỏi phòng, nhưng đến ngưỡng cửa ông ta quay lại.
- Hội đồng Canada sẽ đến ngày mai, thưa ngài tiến sĩ. - Ông ta nói - Và việc tuyển mộ những người di dân sẽ bắt đầu vào lúc tám giờ sáng. Nếu ngài muốn đến trình diện, xin hãy thức dậy sớm.
- Aurel Popesco thuộc thành phần của những công dân được ưu đãi - Ante Petrovici nói - Ông ta có thể là nạn nhân phát xít, và do đó ông ta được bầu làm cố vấn cho bộ tư lệnh Mỹ. Ông ta là một trong những thủ lãnh của phong trào phát xít tại Rumani. Chắc chắn anh phải biết ông ta. Ông ta đã phạm nhiều tội ác và có nhiều hành động man rợ, vô nhân đạo, ông ta phải trốn qua Đức. Người Đức đã bắt nhốt ông ta vào ngục Buchenwald cùng với những tên phát xít khác đã trốn khỏi Rumani. Người Mỹ đã giải thoát tất cả tù binh của ngục Buchenwald và cấp cho họ thẻ “nạn nhân phát xít”. Trong chủng loại này có những tội phạm vì quá lạm dụng chủ nghĩa phát xít. Đó là trường hợp của Aurel Popesco.
Ante Petrovici ngừng kể và nói với Pillat.
- Ngày mai anh phải đến trình diện đúng giờ trước hội đồng Canada. - Ông nói - Tôi không thể đến đó, tôi chưa ngụy tạo đầy đủ các giấy tờ cho tôi. Tôi rất tiếc vì không biết bao lâu nữa mới có hội đồng kế tiếp, nhưng anh thì anh phải đến đó. Anh sẽ ngủ lại đây và ngày mai tôi sẽ dẫn anh đến đó.
III
Bảy giờ sáng hôm sau, Pillat và vợ đã có mặt trong hàng người đứng đợi trước hội đồng Canada. Những ứng viên làm thành một khối xám xịt gồm những người đàn ông tuyệt vọng, đủ mọi lứa tuổi, thuộc mọi quốc tịch. Tất cả họ chỉ có chung một mơ ước: trở thành người tiều phu ở Canada.
Đó là những người xưa kia cũng có nhà, có nghề nghiệp, có gia đình như bao nhiêu người khác. Ngày Chiến thắng, quê hương của họ bị những người Xô Viết chiếm đóng. Và họ buộc lòng phải trốn đi, phải bỏ lại tất cả, nhà cửa, gia đình, súc vật.
Bây giờ thì họ đã trở thành một thứ giai cấp vô sản chính hiệu nhất của thế giới. Và những người vô sản như thế đó hiện có hàng trăm triệu trên các nẻo đường. Mắt nhìn xuống đất, họ chờ đợi cơ may được tuyển chọn đi Canada, nhưng thật là khó khăn. Giữa hàng trăm triệu người vô sản đang mơ ước đợi chờ, những người Canada chỉ chọn những người lý tưởng nhất.
Đến chín giờ, đoàn xe của hội đồng Canada xuất hiện.
Những chiếc xe rộng và to như những con bò, vừa di chuyển vừa kéo còi inh ỏi giữa đám người vô vọng đang đợi chờ.
Liền sau đó việc gọi tên những ứng viên bắt đầu. Người ta gọi từng nhóm mười người. Khi bước vào phòng, Pillat ngửi thấy mùi nước hoa, mùi thuốc lá thơm và mùi xà phòng thơm.
Đó là dấu hiệu của sự hoàn hảo của những tên lái buôn này.
Ba tên người Canada nhìn một cách xoi mói từng ứng cử viên từ chân đến đầu như thể người ta quan sát một con ngựa được đem bán vậy. Những người lái buôn sẽ trả tiền vận chuyển cho mỗi người di trú.
- Quốc tịch của ông?
- Tôi là người Rumani. - Pierre Pillat nói.
Cũng giống những hội đồng khác, hội đồng Canada thích những giống dân miền Bắc hơn. Người phương Bắc khỏe mạnh hơn. Họ không nổi loạn và sống lâu hơn.
- Nghề nghiệp của ông? - Tên lái buôn hỏi vừa tiếp tục quan sát Pillat.
- Luật gia kỳ cựu. - Pillat nói.
Chàng cảm thấy điều chàng vừa nói không làm vừa lòng hội đồng.
Mọi người nhìn chàng không hài lòng.
- Người tiếp theo. - Tên lái buôn ngồi giữa hô lớn. Hắn ra dấu cho Pillat đi ra.
- Ông không nhận tôi à? - Pillat hỏi.
- Phần anh đã xong. - Tên Canada trả lời một cách nghiêm khắc, bực tức vì câu hỏi của Pillat.
- Tôi muốn biết xem tôi có được nhận hay không.
- Chúng tôi không nhận ông. - Tên Canada trả lời.
- Các ông thấy tôi có khuyết điểm gì nào?
- Chúng tôi không thâu nhận những người trí thức. Ông có thể đi được rồi. - Tên lái buôn nói.
Từ “trí thức” được thốt lên với vẻ căm thù thô bạo.
- Các ông cho rằng người trí thức không thể đốn cây ở Canada sao? - Pillat hỏi.
Giọng chàng bỗng trở nên khẩn khoản.
- Xin các ông nhân từ và nhận cho tôi cùng đi. Tôi van xin các ông.
- Không. - Tên lái buôn trả lời.
- Các ông trách cứ gì ở người trí thức nào? Chúng tôi cũng có thể làm công việc như những người khác.
- Các ông không thể làm được công việc. - Tên lái buôn nói.
- Trí thức các anh không thể lao động được. Người trí thức không có bắp thịt. Ông có thể đi được rồi. Ông đã bị từ chối rồi đó.
Pillat bước ra. Chàng không còn gì để hỏi nữa. Chàng đã được thuyết phục rồi. Chàng rời khỏi văn phòng hội đồng mà không nhận ra mình đã đi qua những đâu. Chàng đã đi ra bằng lối cửa khác. Marie đợi chàng ở ngoài đường. Nàng đã chạy như bay về phía chàng, mặt hồng lên vì sung sướng. Marie ôm hôn chàng và đu người lên cổ chàng.
- Em được nhận rồi. - Nàng nói - Nhóm của em gồm mười ứng viên và chỉ mình em được nhận.
Marie ôm chặt Pillat trong vòng tay. Kể từ khi trốn thoát khỏi làng Piatra, đây là lần đầu tiên nàng cảm thấy sung sướng thật sự.
Nhưng trong niềm hân hoan sung sướng của chính mình, nàng có cảm giác là vai, mặt, cổ của chồng nàng giá lạnh, tê liệt không còn sức sống.
- Họ không nhận anh à? - Nàng sợ hãi hỏi Pillat.
- Không. - Chàng nói - Họ không nhận trí thức. Trí thức thiếu bắp thịt.
IV
Trong khi Pierre Pillat và Marie rời xa dãy nhà của hội đồng, thì một nhóm mười người khác bước vào văn phòng hội đồng Canada. Trong đó có một người khỏe mạnh, đã luống tuổi. Ông ta bước vào văn phòng, xúc động, nhưng bước đi vững vàng, tin tưởng. Ông ta cúi đầu trước ba người Canada giống như ông ta đã có thói quen cúi đầu trước vị mục sư ở làng ông.
- Ông người nước nào? - Tên lái buôn Canada hỏi.
Người nông dân có đôi mắt đen lưỡng lự một giây rồi nói:
- Tên tôi là Ion Kostaky. Tôi là người Rumani. Tôi được bốn mươi tuổi. Tôi là dân cày ruộng, và ngoài những chi tiết trên tôi không hề biết thêm một tiếng Đức nào nữa.
Kostaky đọc lại bằng tiếng Đức những câu chữ của ông không sai một lỗi như thể ông đọc thơ vậy. Ông nhìn ba người ngồi đối diện với mình để xem họ sẽ quyết định thế nào. Ông đã chờ đợi như chờ đợi ngày phán xét cuối cùng vậy.
Cả ba người nổi lên cười.
- Ông đã học những chữ này ở đâu thế? - Tên ngồi giữa hỏi.
Ion Kostaky muốn đoán nghĩa câu hỏi, nhưng ông đã không đoán nổi. Tuy thế, ông nhận thấy là ba người đang ngồi ở bàn trước mặt ông đang nhìn ông chăm chú, và không có vẻ gì thù hận cả. Ông ta bắt buộc phải trả lời. Ông nuốt nước miếng và đọc lại câu trả lời duy nhất mà ông đã thuộc lòng:
- Tôi tên là Ion Kostaky. Tôi là người Rumani. Tôi được bốn mươi tuổi. Tôi là dân cày ruộng, và ngoài những chi tiết trên tôi không hề biết thêm một tiếng Đức nào nữa.
- Hoan hô! - Những tên lái buôn la lớn. - Hoan hô, tuyệt lắm! (Chúng cười lớn tiếng) Đó chính là một công dân ưu tú tương lai của Canada. Ông đã được chấp nhận rồi đấy.
Ion Kostaky nhìn họ. Ông thấy họ vui mừng nhưng không hiểu gì về những điều họ nói.
- Ông đã là người Canada rồi, ông hiểu không? - Vị chủ tịch nói.
Kostaky nhìn thấy ngón tay của tên lái buôn chỉ vào mình và nghe được tiếng Canada. Ông hiểu là ông đã được nhận rồi.
Trong thâm tâm ông cảm ơn Chúa. Sau đó ông nghiêng mình trước hội đồng, như xưa kia ông đã nghiêng mình trước vị mục sư Thomas Skobai ở Piatra, và tỏ ý muốn ra khỏi văn phòng.
Người thư ký hội đồng nắm vai ông và giải thích:
- Ông rất dễ mến. Ông sẽ ăn và ngủ tại đây. Sau đó ông sẽ đi Canada với các ông đây. Trong lúc chờ đợi hội đồng sẽ mướn ông.
Kostaky được dẫn xuống nhà bếp của hội đồng Canada.
Người ta cho ông ăn và thuốc hút. Ông xem như đã vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Nhưng thay vì sung sướng hạnh phúc, mất ông ngập đầy nước mắt.
Ileana, ngôi nhà ở làng Piatra, Marie, con gái của ông, Pierre. Tất cả hiện ra trong trí nhớ ông. Không làng xóm, không gia đình, không nhà cửa, thì cũng không có một niềm vui nào nữa. Kostaky không thể ăn được. Ông nhìn ra ngoài cửa sổ qua màn nước mắt. Ông ước chừng nhìn thấy làng cũ, ngôi nhà của ông, đoàn gia súc của ông, tất cả những người thân yêu của ông, nhưng chỉ có những người xa lạ qua lại trước cửa sổ, chỉ toàn những người xa lạ.
V
Tất cả những người tị nạn rồi sẽ gặp nhau tại Đức bất kể họ khởi hành từ đâu.
Pillat gặp lại Motok. Viên Schaffner ăn bận rất thanh lịch. Hắn có một chiếc đồng hồ vàng, một cặp xách bằng da và hắn hút thuốc lá Mỹ. Cùng với Aurel Popesco, các ông Salomon và Varlaam hắn buôn bán hàng lậu. Thế nhưng hắn cũng muốn ra đi.
Tại Đức, người ta có thể hoặc chết đói hoặc buôn bán chợ đen và sau đó đi tù. Vì thế Motok tới trình diện cùng lúc với Marie, Varlaam, Pierre Pillat và Ante Petrovici trước ủy ban Úc vừa mới đến Stuttgart.
Theo thói quen, tiến sĩ Ante Petrovici lại phán xét về các vấn đề thời sự nóng bỏng.
- Châu Âu là một lục địa bị mất gốc hơn cả. - Ông nói - Châu Âu bán dân mình theo đơn vị thước và ký cho những lục địa khác. Tất cả những ủy ban vừa đến kia đều mua chúng ta theo thước và ký. Trong bản chất con người không gì làm cho các ủy ban đó thích thú cả, ngoại trừ trọng lượng và chiều cao.
Họ được mời bổ sung các mẫu khai lý lịch. Tiếp đó họ được đưa vào một phòng rộng chứa đựng dụng cụ y khoa. Tại đây họ sẽ được cân, đo, khám bệnh. Phụ nữ đứng một bên, đàn ông một bên.
Việc khám xét những người đăng ký di tản bất đầu như trong một bệnh viện.
- Không được để giấy tờ các ông bà xuống đất, có vi trùng đấy. Một cô ý tá người Anh lễ phép nói.
Ante Petrovici giữ giấy tờ của mình giữa hai hàm răng và cởi bỏ quần áo. Tất cả những người dự tuyển bây giờ đều trần truồng trước ba cô y tá tóc vàng hung hơi nâu sẫm và trước những y cụ trắng tinh. Những y cụ đang chứng kiến họ đứng trần truồng chờ đợi, những người tị nạn như thoáng thấy miền đất Úc châu như là miền Đất hứa vậy [2].
- Ông hãy siết chặt, siết chặt hết sức ông đi! - Một cô y tá nói.
Ante Petrovici giữ trong bàn tay phải của mình một cái máy hình chuôi kiếm và siết lại.
Cô y tá cười - Ông chưa bao giờ đo lực của bắp thịt ông à? - Cô ta hỏi Ante Petrovici.
Tiếp theo, cô đưa máy cho Pillat và anh cũng siết mạnh hết sức mình. Đường đến Úc châu phải vượt qua cái máy này.
Sau khi được đánh giá về sức mạnh của bắp thịt, mười người đàn ông trần truồng bị cô y tá dùng một dụng cụ không lớn hơn cái thìa tráng miệng chích vào đầu ngón tay trỏ. Mỗi người được lấy một giọt máu và máu này được ép vào những miếng kính nho nhỏ hình vuông.
Không ai có thể đi qua Úc mà không phải cho một giọt máu.
Ante Petrovici run rẩy, ông cảm thấy sợ hãi. Pillat nhìn những miếng kính có dán tên được đặt ngay hàng trên mặt bàn trắng mang những giọt máu của anh và các bạn đồng hành.
Cô ý tá tiến lại gần, tay cầm một ống chích.
- Không đau đâu! - Cô nói.
Tiếp đó, cô rút máu từ tĩnh mạch tay trái của mỗi người. Máu được cho vào các ống nghiệm có dán tên.
Còn một thử thách nữa. Người ta lịch sự mời người tị nạn thổi vào trong một cái ống cao su nối liền với một thiết bị hình dạng một bình bơm hơi rửa ruột. Máy này đo khả năng hô hấp của phổi.
Sau đó là cuộc thử thách quyết định đối với Ante Petrovici. Mặt ông xanh mét khi ông tới đứng dưới cái thước đo chiều cao. Pillat quan sát Ante Petrovici xem ông ta thóp bụng và nhón chân lên như thế nào.
- Ông hãy đứng bình thường cho! - Cô y tá ra lệnh.
Ante Petrovici thóp bụng và cố nhón chân cao dần lên.
Ông cần kiếm thêm vài phân nên gắng hết sức mình làm cho dài người ra.
Cô y tá đọc to số đo chiều cao của Ante Petrovici. Trông ông hớn hở, phơi phới. Ông đã thắng.
- Tôi chỉ cần hai phân. - Ông rỉ tai Pillat - Chỉ hai phân thôi và tôi đã có được.
Ông ta thật xem hoan hỉ. Người ta cân những kẻ dự tuyển và dẫn từng người một vào sau một bức màn đen, nơi đó đã sẵn máy chụp X-quang. Đó là thiết bị màu đen duy nhất trong cả căn phòng. Pillat, Motok, Ante Petrovici đều đi qua trước máy. Họ cảm thấy găng tay cao su của bác sĩ sờ lên vai họ, kế đó là tấm bảng lạnh ngắt áp vào ngực. Tất cả những động tác đó đều diễn ra trong bóng tối. Hai phút cho mỗi người. Đến lượt trung úy Varlaam. Đó là nhà thể thao duy nhất trong số những người dự tuyển. Thân hình ông rất vạm vỡ. Da ông ngăm ngăm màu đồng.
- Ông nằm bệnh viện bao nhiêu lâu? - Bác sĩ hỏi.
Ông ta xem xét phổi của trung úy Varlaam qua quang tuyến X.
- Tôi chưa bao giờ nằm viện cả! - Varlaam vừa nói vừa rời khỏi bức màn đen.
Bác sĩ khám xét làn da ngực của Varlaam và ngừng tay lại trên một vết sẹo.
- Ông bị thương ở chỗ này. Sao ông lại chối là chưa bao giờ nằm viện? - Bác sĩ hỏi.
- Tôi chưa bao giờ nằm bệnh viện. - Varlaam lại nói - Cái mà ông thấy chỉ là một vết trầy xước thôi. Tôi là phi công. Một hôm, tôi bị trúng một mảnh vỡ nhưng tôi đã không bị thương. Chỉ có áo khoác của tôi bị cháy, còn tôi chỉ bị sây sát. Người ta đã dùng tanh tuya iod (teinture d’iode) để rửa và dùng vải bông băng lại cho tôi. Hôm sau, tôi lại đi làm nhiệm vụ. Căn cứ vào đâu mà ông bảo tôi bị thương?
- Trong phổi ông có một vật thể lạ. - Bác sĩ nói - Đúng ngay chỗ có vết sẹo. Có thể đó là một mảnh đạn rất nhỏ.
- Nếu tôi có một mảnh đạn ở trong lồng ngực, - Varlaam nói, giọng chế giễu - thì tôi phải cảm thấy nó chứ? Tôi nghĩ là bất cứ ai cũng cảm thấy được khi một mảnh vỡ chui vào phổi mình.
- Tôi sẽ chụp hình phổi cho ông và ông sẽ tận mắt nhìn thấy.
Varlaam lại được dẫn vào sau bức màn đen. Người ta chụp hình phổi của ông. Những người tị nạn khác mặc lại áo quần.
- Ông cũng mặc áo quần vào - Bác sĩ bảo Varlaam.
Khi Varlaam mặc xong quần áo thì tấm hình phổi cũng đã rửa xong. Bác sĩ đưa nó ra gần cửa sổ và chăm chú xem.
- Nếu như tôi có một mảnh vỡ ở trong phổi thì tôi đã không làm sao hoàn thành được hàng nghìn phi vụ trên tuyến đường bay của kẻ thù ở bên Nga, và tôi làm sao có thể nhận cả nửa tá huy chương được? - Varlaam bực tức nói.
- Ông hãy tự mình nhìn kỹ đi. - Bác sĩ bảo.
Varlaam cầm lấy tấm phim và đặt nó trước cửa sổ. Đó là tấm hình phổi của viên phi công Varlaam. Hắn nhìn tấm phim và thấy những bóng tối. Điều đó không làm hắn ta thích thú chút nào.
- Ông có nhìn thấy cái chấm đen kia không? Cái chấm to bằng hạt đậu ấy? Đó là vật thể lạ và nó đang nằm trong phổi của ông.
- Nếu thật sự trong phổi tôi có một mụn mảnh vỡ, - Varlaam nói - thì điều đó đối với tôi chẳng quan trọng gì một khi nó không làm tôi khó chịu. Vật lạ kia đã không cản trở tôi thực hiện những phi vụ trên bầu trời địch trong suốt hai năm đêm cũng như ngày. Vật lạ kia đã không cản trở tôi ăn, ngủ và khiêu vũ. Tôi hoàn toàn khỏe mạnh. Một khi mảnh vụn kia không làm phiền gì tôi thì nó chẳng là gì cả, chả có gì quan trọng cả? Tôi đã bay với nó trên hàng nghìn mét độ cao, xuyên qua bao nhiêu hàng rào đại pháo và tôi không cảm thấy mảy may ảnh hưởng gì. Nếu như trước đây, cùng với mảnh vụn kia, tôi đã có thể trở thành ngôi sao sáng của không quân, thì tôi cho rằng bây giờ đây, cùng với nó tôi có thể thành một kẻ chăn cừu, một người nông dân hay một anh quét đường ở Úc. Bởi tôi đoán chắc các ông không dành những công việc nào khác hơn cho người tị nạn!
Chúng tôi chỉ nhận những di dân có phổi hoàn toàn sạch!
- Cầu Chúa cho tất cả mọi người Úc đều có những lá phổi sạch như phổi của tôi? - Varlaam nói.
Anh ta cài lại nút chiếc áo quân phục đã biến thành áo dân sự.
Varlaam rời khỏi phòng khám bệnh không thèm chào ai cả Anh đóng sập cánh cửa và đi ra.
- Đáng lẽ chúng ta có thể cho hắn một dịp may. - Vị y sĩ nói - Việc mổ lấy mảnh đạn không phức tạp gì lắm.
Bác sĩ nhìn tấm hình phổi.
- Nếu hắn ta chịu nghe theo lời khuyên của tôi thì người ta sẽ mổ cho hắn và hắn có thể đến trình diện lại, nhưng với cách thức của hắn ta thì...
Những người tị nạn đã mặc lại quần áo. Họ lại được đưa vào sau tấm màn đen. Một y sĩ khác khám răng cho họ qua quang tuyến X. Việc khám xét này nhanh thôi.
- Ông cần phải chụp hình. - Viên nha sĩ nói với Ante Petrovici - Mong ông không xem đó là điều kỳ cục. Tại Úc chúng tôi có một mức độ sinh hoạt mà ông không biết đến ở Châu Âu. Có thể về phương điện văn hóa, Châu Âu hơn chúng tôi, nhưng về những gì liên quan đến tiêu chuẩn sinh hoạt thì chúng tôi tiến xa hơn các ông. Đó cũng là chuyện bình thường thôi, chúng tôi là một lục địa trẻ mà.
Người nha sĩ vẫn nói chuyện sau bức màn đen đẹp khi ông chụp hình hàm răng của Ante Petrovici.
- Các ngành khoa học xã hội của chúng tôi rất cập nhật chứ không như ở Châu Âu các ông, chẳng hạn chúng tôi đã có một ngành vệ sinh xã hội và một ngành lai giống hiện đại. Chúng tôi đã giải quyết vấn đề chủng tộc, nhưng giải quyết một cách khoa học vì nước Úc chúng tôi có tinh thần khoa học. Nhờ tinh thần khoa học đó, chúng tôi tin chắc rằng trong vài năm nữa, ở tại Úc chúng tôi sẽ có một giống người thật sự siêu việt Chúng tôi thực hiện giống người siêu việt đó qua việc giám sát các cuộc hôn nhân, các cuộc gây giống và việc di trú một cách khoa học, nghĩa là bằng con đường hòa bình và khoa học. Chúng tôi không giải quyết vấn đề chủng tộc như các ông làm ở Châu Âu. Các ông giải quyết bằng sự tàn bạo kiểu Hitler, nghĩa là bằng việc thiêu sống người Do Thái, người Tzigan và các dân tộc thấp kém. Chúng tôi đối xử với các dân tộc thấp kém bằng những phương tiện khoa học, chúng tôi không thiêu sống họ. Vấn đề chủng tộc tồn tại trên phương diện khoa học nhưng chúng tôi không giải quyết nó trong các trại tập trung. Chúng tôi nghiên cứu nó trong các thư viện và phòng làm việc. Chúng tôi đề ra được một lối giải quyết nhân đạo.
Ante Petrovici chỉ muốn bịt tai lại. Từ khi người vợ cũ Lidia của ông chết, ông không còn có thể nghe nổi những cuộc tranh cãi về các dòng giống thượng đẳng và hạ đẳng. Từ ngày mà Milan Paternik nhân danh những nguyên tắc đó, đã giết chết mẹ ruột mình cùng với tám trăm ngàn người Sorbon và Do Thái, thì Ante Petrovici không còn có thể nghe nói về vấn đề chủng tộc nữa, ngay cả khi cách giải quyết vấn đề đó mang tính chất hòa bình.
Chỉ nghe nói đến chữ “nòi giống” là Ante Petrovici đã cảm thấy đau nhói trong lòng rồi.
Nhân danh chữ này, Lidia đã bị thiêu cháy. Thân thể nàng đã không nằm ngủ cạnh ông, những ngón tay nàng đã thiêu rụng trên chiếc vĩ cầm, tất cả, tất cả đều bị thiêu cháy nhân danh chữ này. Ante Petrovici cảm thấy tim bị hẫng, đau nhói khi nghe tiếng “nòi giống”. Chữ này đối với ông đồng nghĩa với lò thiêu, đồng nghĩa với giết người.
Trong cửa miệng của tên người Úc kia, hắn ta muốn nói lai giống người cũng như lai giống súc vật.
Ante Petrovici chỉ muốn trốn khỏi căn phòng. Viên nha sĩ đưa tấm phim ra trước cửa sổ:
- Ông hãy đến xem răng ông đây. - Viên nha sĩ nói vẻ chế giễu - Ông nhìn kỹ đi. Răng của ông đó.
Ante Petrovici lại gần. Ông nhìn hình chụp sọ não ông.
Ông cảm thấy một mùi vị đăng đắng tuôn đầy trong miệng.
Không ai muốn người khác chỉ cho mình sọ não của mình và bảo đó là đầu của mình. Vì rằng trên bức hình có xương đầu của ông, sọ não ông giống y hệt sọ não một người chết.
- Ông nhìn thấy răng ông chứ? - Viên nha sĩ hỏi. Ông ta chiếu rõ hơn tấm phim sọ não của Ante Petrovici. Người ta nhìn thấy trên tấm phim những cái xương màu đen, nhưng có thịt, những cái răng, những quai hàm giống như của người chết.
- Ông thấy đầu ông không? - Nha sĩ lại hỏi nữa, Ante Petrovici tái xanh mặt.
- Ông nhìn thấy đầu ông, phải không? Thế đấy, vậy thì ông không thể vào nước Úc với một cái đầu như thế được.
Ante Petrovici không còn gì để trả lời nữa.
Nhưng sau đó ông tự bảo: tốt hơn nên thử năn nỉ thêm chút nữa xem sao.
- Tôi sẽ chăm sóc răng của tôi. - Ông nói - Mong bác sĩ hiểu cho, bao nhiêu biến cố đã dội xuống đầu chúng tôi, những người Châu Âu.
- Trước mắt thì việc di trú của ông không thể giải quyết được, hoàn toàn không thể được. Trên nguyên tắc, chúng tôi không thể tiếp nhận những người di trú có răng hư được sửa chữa lại; nhưng ông vẫn có thể thử vận may sau khi chữa trị. Chúng tôi không nhận những hàm răng giả. Úc châu không tiếp nhận những di dân có răng giả. Ông hãy nhìn đây, mà ông thì cần phải làm răng giả, ông không thể đi được, không thể được.
- Tôi đã qua được tất cả các cuộc xét nghiệm khác. - Ante Petrovici nói.
Ông thắt chặt chiếc cà vạt làm như ông muốn thắt cổ chết luôn vì nỗi tủi nhục quá lớn, quá sức chịu đựng.
- Việc khám xét răng rất cần thiết. - Viên nha sĩ nói - Rất cần thiết. Tôi không biết tại Châu Âu các ông, việc đó xảy ra như thế nào chứ tại Úc hàm răng đóng vai trò hàng đầu. Hàng đầu, đúng nghĩa của chữ đó!
Ante Petrovici sửng sốt vì những gì đã xảy đến với ông, vì những gì ông nghe được.
- Ngay cả khi tôi là một người có tài năng lớn, hiện nay thì tôi không phải con người như vậy. - Ante Petrovici nói - Nếu như tôi là một Michel Ange hoặc một Goethe, chẳng hạn như thế, thì liệu ông có khước từ tôi cái quốc tịch Úc bởi vì tôi thiếu vài cái răng không? Tôi hỏi ông hoàn toàn do tò mò, chỉ vì tò mò. Bởi vì nếu đúng như thế thì chúng ta rất dễ trở thành lố bịch. Tôi muốn nói là trong mỗi con người, có thể có những đức tính siêu việt ví dụ như phẩm chất đạo đức, phẩm chất trí năng, phẩm chất mỹ thuật... và những phẩm chất này có thể bù đắp vào chỗ thiếu một vài cái răng.
- Không gì có thể cân bằng và thay thế một hàm răng tốt. - Vị nha sĩ nói - Nhiều công trình nghiên cứu khoa học mới đây hết sức chính xác. Khi chúng tôi đảm trách vấn đề di dân, chúng tôi chỉ dựa vào những nguyên tắc khoa học. Ông nói đến những phẩm chất đạo đức ư? Tất cả phải đi qua lỗ miệng. Tất cả mọi thứ đạo đức, ông biết không? Mà đi qua một cái lỗ miệng xấu thì chỉ có những điều xấu. Răng xấu sẽ làm cho tiêu hóa xấu. Tiêu hóa xấu khiến hiệu suất làm việc kém đi, dễ nóng giận. Điều này dẫn tới sự bất bình, sự bất bình dẫn tới những xích mích, đến chỗ mất việc làm chẳng hạn. Mất hợp đồng lao động sẽ dẫn tới thất nghiệp. Thất nghiệp bao hàm sự nghèo đói và sự nổi loạn. Và đó là con đường dẫn đến tội phạm, đến tình trạng vô kỷ luật, vô chính phủ, dẫn đến các âm mưu chính trị. Nếu ông hỏi tại sao thì đây là câu trả lời rạch ròi, quả quyết: vì ông không đủ răng. Một quốc gia mà những công dân có hàm răng xấu là một quốc gia yếu kém, thua thiệt cả về mặt trí thức, tinh thần lẫn đạo đức và kinh tế. Tôi nói với ông tất cả những điều này một cách sơ lược thôi, nhưng vấn đề đã được nghiên cứu kỹ càng rồi.
Một thoáng im lặng. Vị nha sĩ cầm tấm phim sọ não của Ante Petrovici.
Mọi người đều im lặng: cả Motok, Pillat và Petrovici.
- Trước mắt ông không thể đi di cư được. Chúng tôi không nhận ông.
Pillat kéo tay Ante Petrovici. Họ đi ra đường. Marie đã đứng trước cổng. Cô đứng đợi, cố che giấu một nụ cười thỏa mãn. Cô sợ chồng cô không được chấp nhận như chuyện đã xảy ra khi họ xin đi Canada.
- Được tuyển chứ? - Marie hỏi.
Cô sợ câu trả lời. Cô đoán nó sẽ là phủ định.
Pillat gật đầu là anh đã “trúng tuyển”. Marie bay tới ôm anh hôn.
- Em cũng thế. Em được nhận rồi! - Cô nói.
Pillat đứng bất động như một bức tượng. Anh không đáp lại nụ hôn của cô.
- Mong rằng sự thất bại của tôi không làm phiền anh chị! -Ante Petrovici nói - Sung sướng vì sự thành công của mình là lẽ tự nhiên.
VI
Trước khi khởi hành qua Úc châu, Pierre Pillat đi đến Hội Hồng thập tự Frankfort.
- Chúng tôi di trú sang Úc. - Pierre Pillat nói - Vài tuần nữa chúng tôi sẽ xuống tàu. Trước khi đi, chúng tôi muốn tìm xem ở một nước Đức có một người tị nạn Rumani tên là Ion Kostaky. Đó là ông bố vợ tôi. Hội Hồng thập tự có danh sách tất cả những người tị nạn. Nếu ông cụ không đến nước Đức thì hoặc ông cụ bị chết hoặc ông cụ bị người Nga bắt giữ.
Marie Pillat đứng chờ.
- Không hy vọng là ông bà còn gặp lại được cụ Ion Kostaky. - Người nhân viên nói - Tại sao ông bà không tìm cụ sớm hơn? Cụ đã di trú qua Canada cách đây mười lăm hôm.
Người nhân viên đọc tấm phiếu mang tên, nơi sinh, tuổi và nghề nghiệp của Ion Kostaky. Tiếp đó, anh ta hỏi họ có phải đúng người họ kiếm hay không.
- Đúng là bố rồi. - Marie vừa khóc vừa nói.
Họ đi bộ đến nhà ga, nhưng chuyến tàu đi Stuttgart vừa khởi hành.
Chuyến tàu kế tiếp thì khởi hành vào sáng hôm sau. Họ ngồi nghỉ trên một ghế băng, quyết định qua đêm trong phòng đợi. Họ ân hận đã không tìm Ion Kostaky sớm hơn. Phía trên đầu họ, có một tấm áp phích ghi rõ:
“Nhà ga đóng cửa lúc 10 giờ. Hành khách không được nghỉ lại trong phòng đợi hoặc ngoài sân ga”.
Bên cạnh, một áp phích khác viết:
“Bất cứ người nào đi lại trên đường phố sau 11 giờ sẽ bị bắn bỏ không cần cảnh cáo trước”.
Marie và Pillat đứng lên, lưng mang xắc. Khách sạn không có. Nhà cửa bị bom tàn phá hết. Có ai đó chỉ cho họ một chỗ ẩn núp phía đối diện nhà ga, ở đó họ có thể nằm nghỉ. Họ len sâu vào trong các đống gạch đổ nát. Trong hầm rượu có những cái giường bằng ván mà người ta có thể cho thuê ban đêm. Quá mỏi mệt, họ nằm dài ra, đầu gối lên xắc. Marie vừa khóc vừa tự nhủ là chẳng bao giờ cô gặp lại cha cô nữa. Rồi cô nghĩ đến đứa bé mà cô đang mong đợi.
- Em biết không, anh đã tìm được một cái tên cho con chúng ta rồi. - Pierre Pillat nói - Nếu là con gái, ta sẽ gọi nó là Doina Australia. Doina, vì đó là tên của bài ca Rumani nói về sự lưu đày và nỗi uất ức sầu muộn. Còn Australia vì đó là quê hương mới của chúng ta.
Marie thích thú với ý nghĩ là sắp tới họ sẽ ở Úc và con họ sẽ được sinh ra trong một quê hương thật sự chứ không phải trên những chặng đường lưu đày.
Họ ngủ say, tâm tư ngập tràn cái tên của bé Doina Australia. Khi họ tỉnh giấc, ánh nắng chiếu rọi vào hầm rượu xuyên qua ô cửa sổ nhỏ không kính ở bên trên giường họ. Cái áo dài cô đã cởi ra mắc lên đầu giường cho khỏi bị nhăn không còn đấy nữa. Nó đã biến mất. Cả đôi giày cũng biến luôn.
Trong hầm ẩn núp chẳng còn ai, các phòng đều trống. Họ không thể than phiền về chuyện mất quần áo với ai.
Pillat đổ hết đồ trong xắc ra. Anh tìm thấy một đôi giày vải bố của quân đội. Marie mang giày ấy vào. Khi cô nhìn thấy đôi chân nhỏ bé của mình trong đôi giày khổng lồ thì cô bật khóc. Bây giờ cô chỉ còn quần áo lót thôi. Pillat lại đổ xắc của Marie ra. Anh tìm thấy một gói gì mềm mềm. Đó là cái áo dài bằng vải voan trắng. Anh mở nó ra, ngạc nhiên.
- Đó là áo cưới của mẹ. - Marie nói - Em mang nó theo khi chúng ta ra đi. Em nghĩ là...
Cô đã kết hôn theo thủ tục dân sự. Ở xứ cô người ta không tổ chức lễ cưới ở nhà thờ nữa. Marie đem cái áo của mẹ theo với hy vọng một ngày nào đó cô có thể làm phép cưới ở nhà thờ.
- Em mặc áo này đi. - Pillat nói - Em sẽ khâu ngắn lên với cái dây nịt, như thế áo sẽ bớt dài.
Marie không chịu nhưng rồi cô buộc lòng phải mặc áo cô dâu đó vào vì không còn giải pháp nào khác. Thế là với đôi giày bốt của chồng mang ở chân, với áo cưới của mẹ che thân, lưng mang xắc, Marie vừa khóc vừa rời khỏi nơi trú ẩn. Thế nhưng ra ngoài đường, chẳng ai ngoái lại nhìn cô cả, chẳng ai thèm ngạc nhiên một điều gì.
Họ đến đồn công an. Anh cảnh sát nghe họ nói.
- Tôi có thể cấp cho anh chị giấy xác nhận là anh chị có nộp đơn thông báo bị mất trộm. - Viên cảnh sát nói - Với giấy này anh chị có thể đến phòng dịch vụ may mặc và xin phiếu mua một áo dài. Hãy cảm ơn Thượng đế là anh chị chỉ bị lấy cắp quần áo. Lần sau thì đừng có vào một nơi trú ẩn như thế nữa. Trong những hầm rượu gần nhà ga, hằng đêm người ta tìm thấy nhiều kẻ bị giết hại.
Phòng dịch vụ may mặc ở ngay bên cạnh. Người nhân viên đưa ghế mời họ ngồi và chăm chú nghe họ nói. Sau đó anh ta hỏi họ giấy chứng nhận cư trú.
- Chúng tôi có một giấy xác nhận chúng tôi phải đi di dân và một giấy xác nhận chúng tôi bị mất trộm. - Pillat nói.
- Chúng tôi không thể cấp phiếu mua quần áo nếu ông bà không có chứng chỉ cư trú. - Tay nhân viên nói.
- Đây là một trường hợp ngoại lệ. - Pierre Pillat nói - Ông hãy nhìn xem, vợ tôi không thể du lịch với chiếc áo cô dâu và đôi giày lính. Điều đó tùy ông bình xét. Tôi chỉ xin ông chiếu cố đến trường hợp ngoại lệ của vợ tôi, vì ngoài chiếc áo đó, cô ấy không còn gì cả.
- Thế theo luật định thì vợ ông đã trần truồng. - Tay nhân viên nói - Chiếc áo cưới không thể xem như là một vật dụng dùng để mặc. Trước mặt tôi, nghĩa là trước mặt luật pháp, bà đây là người trần truồng, tuyệt đối trần truồng và mặc dù thế, chúng tôi cũng không thể cấp phiếu cho bà mua áo. Chúng tôi cần phải có giấy cư trú của ông bà.
Pillat lại nghĩ đến cái vòng lẩn quẩn là muốn có giấy cư trú thì phải có giấy xác nhận có việc làm, muốn có việc làm cần có chứng nhận cư trú và bây giờ... Mọi sự năn nỉ van xin đều vô hiệu. Một giờ sau, Marie lên tàu đi Stuttgart với chiếc áo cưới, với đôi giày lính và với cặp mắt đỏ kè. Niềm an ủi duy nhất của cô là trên xe lửa không ai để ý nhìn cô. Không ai chú ý đến chiếc áo cưới vì người ta không nhìn lẫn nhau nữa. Không còn gì kỳ lạ nữa. Và đó là điều kỳ lạ nhất trong tất cả mọi điều: cái hiện tượng đó không còn gì là kỳ lạ nữa.
VII
Trong khi Pillat vắng mặt thì một Hội đồng Achentina đến Stuttgart. Tất cả những người đã bị các hội đồng trước đây từ chối đều muốn thử vận may lần nữa. Trong hàng người da mặt xám tro người ta nhìn thấy viên Schaffner Daniel Motok, phi công Varlaam, tiến sĩ Ante Petrovici. Họ đứng cạnh nhau, Ante Petrovici giữ chặt trong tay các giấy tờ giả ông tự mạo ra.
Khi được dẫn vào văn phòng, những người tị nạn nhìn xung quanh đầy ngạc nhiên: Hội đồng Achentina không có cân bàn, không có máy đo lực cơ bắp, không có máy chụp hình não sọ và hình phổi cho những người dự tuyển. Không có một loại máy nào hết.
Hai người đàn ông và một người đàn bà mặc đồ đen, cổ đeo tượng thánh giá lớn bằng vàng, ngồi ở một chiếc bàn hình chữ nhật. Chính người đàn bà chủ tọa. Hình như bà ta gốc người Tây Ban Nha. Da nâu nghiêm nghị, tóc bà chải rẽ ngược lên trên thái dương. Bà mặc một chiếc áo đen cổ đứng.
- Ông làm nghề gì? - Bà mặc áo đen và mang thánh giá vàng hỏi Motok.
- Nhân viên đường sắt. - Motok trả lời.
- Loại nhân viên nào?
- Kiểm soát viên các toa giường. - Motok nói - Tôi biết bốn thứ tiếng. Tôi đã hành nghề mười bốn năm.
- Trong lúc này chúng tôi chỉ nhận những người có nghề chân tay, thợ máy, thợ mộc, thợ luyện kim, thợ xây cất. - Bà chủ tịch nói - Sắp tới đây, chúng tôi sẽ tiếp nhận các nghề khác. Đừng mất hy vọng. Hãy tin vào Chúa. Chúa thử thách loài người, nhưng nhờ Chúa, ông sẽ thắng. Chỉ có Đức Chúa trời mới ban chiến thắng cho loài người.
Motok thấy mắt người đàn bà phủ kín một tia sáng lạnh như thủy tinh. Ông ngẩng đầu lên và bắt gặp đôi mắt của Đức Jesus trên cây Thập giá. Đức Jesus như muốn giải thoát Motok lại có thể muốn để ông ta phát biểu ý kiến. Nhưng bà chủ tịch ra lệnh:
- Người kế tiếp.
Bà ta ra dấu cho Varlaam tiến lại và hỏi nghề nghiệp của anh ta.
- Phi công. Varlaam nói.
- Chúng tôi có thừa phi công rồi. Tất cả phi công các nước chiến bại đều đến tị nạn ở Achentina. Lúc này chúng tôi chỉ thâu nhận những thợ máy không quân. Rất tiếc là ông không phải thợ máy.
Đến lượt Ante Petrovici.
- Tôi là thợ sửa đồng hồ ở Iéna.
Ông đặt mảnh bằng bằng giấy da thuộc do ông Chủ tịch nghiệp đoàn thợ đồng hồ ở Thurigue và mười hai thợ sửa đồng hồ khác ký ở lên bàn. Trên mảnh bằng viết rõ bằng chữ vàng rằng nghiệp đoàn thợ đồng hồ ở Thurigue nhận tiến sĩ luật khoa và toán học Ante Petrovici vào nghiệp đoàn của họ với tư cách là thợ chính sửa đồng hồ. Người đàn bà mỉm cười với Ante Petrovici như một người mẹ.
- Khi tôi còn là sinh viên, - Ông ta nói - tôi đã học tập sự ba năm ở một tiệm đồng hồ tại Iéna. Sinh viên hồi đó có thông lệ là học thêm một nghề chân tay. Năm tôi đỗ tiến sĩ luật khoa và toán học cũng là năm tôi có được cái bằng thợ sửa đồng hồ này. Tôi phải tháo ra và ráp lại một đồng hồ bỏ túi trong vòng ba mươi phút. Việc sát hạch để có mảnh bằng trên thật là khó.
- Và đó là điểm quan trọng nhất. - Bà chủ tịch nói - Achentina giờ đây cần thợ sửa đồng hồ. Bây giờ ông hãy đến trình diện tại phòng khám bệnh. Tôi chắc là ông hoàn toàn khỏe mạnh. Một con người có một nghề chân tay là một con người mạnh về thể xác.
Ante Petrovici nghĩ:
- Đây là vận may của mình: một mảnh bằng thợ đồng hồ. Mảnh bằng mà mình đã có được hồi còn trẻ nhờ thể thao.
Achentina sẽ không nhận mình với tư cách là tiến sĩ luật khoa, hay tiến sĩ toán học, cũng không với tư cách là một công chức có kinh nghiệm hành chánh lâu năm. Cái mà Achentina thấy có giá hơn cả ở mình đó là anh thợ đồng hồ. Mình quên khía cạnh đó của con người mình. Thợ đồng hồ trong vị tiến sĩ luật và toán học Ante Petrovici. Đấy, chỉ có điều đó là có giá thôi: thợ đồng hồ.
Người đàn bà ngồi dưới tượng Chúa ghi giấy chấp nhận cho Ante Petrovici đi khám bệnh.
“Đây là cái mà cuối cùng tôi được tồn tại”. - Ante Petrovici tự nhủ - “Một tên sửa đồng hồ tại Tân thế giới. Một tên sẽ thay đổi lò xo đồng hồ, sẽ thay thế mặt kính bể của những đồng hồ bỏ túi và đồng hồ đeo tay, sẽ sửa dây reo các đồng hồ treo tường và đồng hồ báo thức cho những người ở Tân thế giới. Đó là những gì Tân thế giới thấy có giá nhất, tốt nhất ở con người tôi. Hoan hô tiến sĩ Ante Petrovici. Đó là điều duy nhất Tân thế giới đòi hỏi ở một người thợ đồng hồ. May thay cho ngươi, ít nhất ngươi cũng là thợ sửa đồng hồ, nếu không ngươi sẽ chết.Vì chính Tân thế giới điều khiển vũ trụ và Tân thế giới không đòi hỏi trí thức nhưng cần những thợ đồng hồ. Vậy đó, điều duy nhất Châu Âu cần hiến dâng cho con cái mình, đó là việc đem bán chúng ta cho Tân thế giới, bán theo mét, theo ký, bán từng lá phổi, bán từng centimét. Và Tân thế giới chọn lựa trong chúng ta cái mà nó thích hơn cả. Ở tôi, Tân thế giới đã chọn thợ sửa đồng hồ”.
- Ông theo đạo Thiên chúa, đúng thế chứ? - Người đàn bà ngồi dưới cây thập giá hỏi.
- Đạo Chúa. - Ante Petrovici khẳng định - Dĩ nhiên là theo đạo Thiên chúa.
Ante Petrovici nuốt nước bọt. Ông cảm thấy nghẹt thở. Ông dướn cổ lên như muốn kiếm tìm ở nơi cao hơn cái không khí thở được.
Phía sau Hội đồng, Đức Kitô được chạm vào gỗ cây thập giá như quằn quại không phải vì đau đớn nhưng vì thương hại Ante Petrovici đã buộc lòng phải nói dối. Ante sinh ra ở Bosnie, dưới thời quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng, dân chúng Bosnie bị buộc theo đạo Hồi, nếu không thì phải chết. Ông nội của Ante Petrovici đã chối bỏ đạo Thiên chúa vì sợ bị chém đầu và theo đạo Hồi. Đó là lý do tại sao Ante sinh ra không là tín đồ đạo Chúa mà là đạo Hồi như bao nhiêu người dân khác ở Bosnie.
- Chúng tôi chỉ nhận những người theo đạo Thiên chúa. - Bà chủ tịch nói.
Bà nhìn thấy chứng nhận rửa tội theo đạo Thiên chúa mà Ante Petrovici tự tay làm ra để có được giấy phép hành nghề sửa đồng hồ ở Achentina.
- Ông qua khám bệnh đi. - Người đàn bà nói - Sau đó ông trở lại đây. Tuổi giới hạn là bốn mươi, xem ra ông chưa quá hạn tuổi đó. Tôi nghĩ là ông không có khuyết tật gì chứ?
Bà xem giấy tờ. Tất cả đều là giấy giả. Ante Petrovici đã quá bốn mươi tuổi rồi.
- Thật là hoàn hảo. - Bà nói - Ông qua gặp bác sĩ và ông có thể xem như mình là người Achentina.
Ante Petrovici nghĩ đến mấy centimét thiếu ở chiều cao, nhưng bây giờ ông ta biết cách thóp bụng và nhón chân dưới thước đo chiều cao rồi.
Ông lại nghĩ đến mấy cái răng bị thiếu, nghĩ đến bàn chân phải cạn quá vì không có vòm. Mặt ông xanh mét.
Những người thợ giỏi, những người Thiên chúa tốt, những người khỏe mạnh. Đó là những người của Achentina tìm kiếm. Ông hội đủ các điều kiện đó. - Bà chủ tịch nói.
Ante Petrovici lại nghểnh cổ lên tìm phía trên cao cái không khí thở được. Ông ngột quá. Cao hơn, không khí chắc phải trong lành hơn. Ông ngẩng đầu lên, trên cây thánh giá, chúa Jesus nhìn vào mắt Ante Petrovici và như nói với ông:
- Chúa sẽ giúp đỡ những ai không có vòm bàn chân phải, những ai không cao được 1,60 mét. Không nên sợ tiến sĩ Ante Petrovici vì anh theo đạo Hồi. Chúa sẽ giúp những người đạo Hồi. Chúa Jesus ở bên cạnh anh cả khi giáo hội của ta không chấp nhận anh và xua đuổi anh.
Ante Petrovici đi ra không khập khiễng chút nào. Ông bước đi như không có một chân ngắn hơn chân kia. Chúa Jesus phù hộ, nâng đỡ cánh tay Ante Petrovici để người đàn bà mang thánh giá vàng không nhìn thấy ông ta đi khập khiễng.
VIII
Sau khi ở Hội đồng Achentina trở về, Ante Petrovici thấy Pillat ngồi sẵn trong phòng ông. Marie mặc chiếc áo cưới bằng voan trắng. Họ từ Frankfort trở về.
Quân cảnh đến đó thường xuyên; họ bố ráp, tịch thu hết đô la và trong vài phút các nhà triệu phú đã trở lại nghèo xơ như khi họ ở trại tập trung ra vậy.
Ante Petrovici đi vào trong ngôi nhà của bà Salomon - Ông không biết bà Salomon trước kia có tên là Eddy Thall, nhưng khi biết bà ta là bạn của Lidia, vợ ông, khi biết bà từ Sural đến, khi biết bà làm việc cho kế hoạch biến đổi khí hậu ở Nga và ông cũng không biết là con bé gái Orly của bà ta đã bị giết ở Varsava. Không ai biết gì về bà Salomon và Isaac Salomon, ngoại trừ bà là nạn nhân của phát xít và bà Salomon là một trong những người đàn bà giàu nhất xóm Do Thái tại Stuttgart.
- Tôi đến xin bà một chiếc áo dài. - Ante Petrovici nói - Không phải xin cho một cô nhân tình nhưng cho vợ của một người bạn. Cô ấy bị trộm và không có gì để mặc nữa hết.
Bà Salomon mở vali và lấy ra hai chiếc áo cũ rồi đưa cho Ante Petrovici.
Trong phòng của bà chỉ có một cái giường, hai cái ghế, một cái bàn gỗ và nhiều chiếc vali chồng lên nhau.
- Tôi đã được chấp nhận đi di dân qua Achentina. - Ante Petrovici nói.
Bà Salomon chỉ cho ông xem bức hình một trang trại, bà treo phía bên trên đầu giường bà.
- Tôi cũng thế, tôi sẽ đi di dân. - Bà ta nói - Đó là Hany, trại chúng tôi mới mua ở Canada. Chúng tôi hy vọng sẽ ra đi trong vài tuần nữa.
- Tôi sẽ kiếm cho chị một chiếc áo dài và đôi giày. - Ante Petrovici nói - Hãy đợi tôi ở đây.
Ante Petrovici đi ra và tiến về phía ngọn đồi đứng sừng sững nhìn xuống thành phố Stuttgart. Ông đi khập khiễng nhiều hơn.
Khu vực trên đồi là vùng duy nhất không bị tàn phá.
Những biệt thự trắng được người Mỹ trưng dụng và cấp cho mấy người Do Thái đã thoát chết ở các trại tập trung. Đó là xóm người Do Thái mới.
Hằng ngày kể từ khi Chiến thắng, hàng triệu hàng triệu đồng Mark đã đi qua xóm Do Thái đó. Mỗi một đồ hộp Mỹ ngay sau khi ra khỏi cửa hàng đều đi qua xóm Do Thái trước khi ra chợ đen. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật, tất cả vàng bạc, tất cả những cái gì có giá ở Đức đều đi qua xóm Do Thái trước khi được đưa xuống tàu qua Mỹ.
Mỗi gói thuốc lá khi ra khỏi túi anh lính Mỹ đều đi qua xóm Do Thái trước khi đến tay một anh dân thường.
Ở đó không thiếu một thứ gì. Có một số người đã trở thành triệu phú trong vài ngày. Xóm Do Thái trở nên thịnh vượng. Người ta có thể mua ở đó nào là áo lông thú, nào là mỹ phẩm, nào là đồ ăn, nào là trái cây ngoại, thuốc lá, có đủ tất cả. Cái duy nhất mà xóm Do Thái không có quyền được giữ đó là đồng đô la Mỹ.
- Isaac đang đi lo công chuyện làm ăn. - Bà Salomon nói - Chiều mai anh ấy sẽ trở về cùng với số tiền còn lại mà chúng tôi cần dùng để đi Canada. Đây là chuyến du lịch làm ăn cuối cùng của ông ấy, sau đó chúng tôi sẽ đi. Cuối cùng chúng tôi sẽ có một cuộc sống thanh thản.
Ante Petrovici biết rằng Motok đã đi cùng với Isaac Salomon để bán lậu nhiều xe hàng hóa ở vùng Xô Viết.
Nếu họ không bị bắt, họ sẽ trở về giàu có. Ante Petrovici muốn chào ra về những bà Salomon giữ ông ta lại.
- Aurel Popesco sắp đến. Ông hãy ngồi lại với tôi. - Bà ta nói.
Bà Salomon bắt đầu nói về trang trại ở Canada. Bà nhìn bức ảnh. Bà ăn mặc thật lịch sự, bà đeo một chuỗi hạt ngọc, nhiều vòng đeo tay và nhẫn nạm đá quý. Mũi giày và gót giày của bà đều có những hạt ngọc óng ánh đúng mốt Mỹ.
- Tôi nóng lòng muốn xa lánh những người Mỹ cũng giống như trước đây tôi nôn nóng muốn trốn khỏi cái trại tập trung. - Bà Salomon nói - Người Mỹ đã tranh đấu để giải phóng người Do Thái ra khỏi các trại tập trung và đã tiêu diệt chủ nghĩa bài xích Do Thái. Chiến thắng đã đến, chúng tôi đang ở đây, ở trong xóm Do Thái được ưu đãi này. Chúng tôi được cho không cơm ăn và nhà ở. Chúng tôi được tự do làm gì chúng tôi muốn. Chúng tôi có thể trở thành triệu phú nhưng đúng lúc chúng tôi có tiền thì người Mỹ đến và họ tịch thu hết. Isaac đã giàu bao nhiêu lần rồi chứ? Nhưng mỗi lần giàu lên thì quân cảnh Mỹ lại đến và họ lấy của chúng tôi đến đồng xu cuối cùng. Và không chỉ có thế, đúng lúc đồng đô la đến tay người Do Thái là nó mất giá trị. Chúng tôi, người Do Thái, chúng tôi không trả một chuyến du lịch ra nước ngoài, chúng tôi không thể mua một ngôi nhà vì chúng tôi bị cấm trả bằng đô la. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm được với đồng tiền của mình, đó là chôn chúng. Tuy nhiên, tôi tin là chúng tôi đã kết thúc, đã xong xuôi với câu chuyện ảo tưởng này. Tất cả những gì chúng tôi có, chúng tôi chia đôi với một người Mỹ và người này sẽ chuyển tài sản chúng tôi qua Canada. Trong vòng vài tuần nữa thôi, chúng tôi sẽ rời xa xóm Do Thái này.
Aurel Popesco cùng đi với trung úy phi công Varlaam vào phòng. Và Salomon vội giấu tấm hình chụp trang trại. Bà nhìn người mới đến và nhận ra ngay đó là Varlaam.
Đó chính là viên sĩ quan đổi đến Bucarest lấy căn nhà của bà bị trưng dụng theo luật chủng tộc. Bà Salomon nhìn ngay vào mắt hắn nhưng hắn không nhận ra bà.
- Tôi tin là chúng ta đã có gặp nhau rồi. - Bà Salomon nói.
Varlaam nhìn đôi giày cườm nhung, cái áo, vòng đeo cổ, khuôn mặt, những nếp nhăn ở trán và mái tóc nhuộm. Hắn không nhớ ra được là đã gặp bà rồi.
- Tôi tin chắc là chúng ta đã gặp nhau rồi. - Bà Salomon nói nhưng bà không nài nỉ nữa.
Bà nghĩ: “Tôi đã già đến nỗi người ta không nhận ra được nữa sao?” Một nỗi buồn chán mênh mông xâm chiếm tâm hồn bà.
- Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã gặp nhau. - Varlaam nói - Tuy rằng tôi có một trí nhớ tuyệt vời.
- Không lỗi gì cả, thưa ông. - Bà Salomon nói - Chúng ta hãy bàn công chuyện làm ăn đi. Người bạn chung của chúng ta, ông Aurel Popesco có cho tôi hay là ông đã xin đi di dân nhưng ông bị tất cả các hội đồng từ chối. Tôi có thể giúp ông một dịp may. Dịp may trở lại làm phi công. Ông sẽ có một hợp đồng với quốc gia Israel. Ông vào không quân Israel với cấp bậc ông đã có, nghĩa là trung úy phi công, với trọn lương tháng như cũ cộng thêm với tiền công tác phí! Hợp đồng có giá trị suốt trong thời gian có chiến tranh giữa Israel và Ẳ Rập.
Bà Salomon giải thích cho Varlaam hiểu rõ là người ta không thể có được một “affaire” tốt hơn.
- Thay vì ở đây, ở lại nước Đức này, để làm một tên buôn lậu bơ và thuốc lá với viễn cảnh thường nhật là đi tù với những tên vô lại, tốt hơn nên làm một chiến sĩ, trên phương diện đạo đức, chiến đấu để bảo vệ đất Thánh ở Palestine là một việc làm vĩ đại.
Varlaam nghĩ đến những viễn cảnh sắp tới tất cả các nước ngoài đại dương (?) đều từ chối nhận hắn như một thợ mộc, một tên chăn bò hay một tên quét đường.
- Tôi chấp nhận. - Hắn nói.
- Chấp nhận không chưa đủ. - Bà Salomon nói - Ông phải đi ngay vào ngày mai.
- Không gì giữ tôi lại đây cả. - Hắn trả lời.
Bà Salomon giải thích cho Varlaam biết còn vài thủ tục nhớ phải làm. Hắn phải đến văn phòng quân sự phía đối diện để ký bản hợp đồng, để chụp hình và để đo kích thước cho quần áo đồng phục.
- Ông sẽ đi khỏi đây với đồng phục sĩ quan quốc gia Israel. - Bà Salomon nói - Nhưng ông được tuyển mộ trước tên ông.
- Có thật sự cần thiết phải đổi tên không? - Varlaam hỏi.
- Ông phải mang một tên Do Thái một khi ông mặc đồng phục sĩ quan quốc gia Do Thái. - Bà ta nói - Chúng tôi sẽ tìm cho ông một cái tên. Ông thích cái tên David không? Đó là một cái tên chiến đấu. Tiếp theo là Oztas, phi công trong quân đội Israel.
Bà Salomon đưa cho Varlaam năm trăm đô la và bảo hắn đấy là tiền đặt trước. Trước khi khởi hành, hắn sẽ nhận tiền lương tháng bằng đô la.
- Ông biết hối suất hiện nay ở Sở giao dịch chứng khoán chứ? - Bà Salomon hỏi - Về phương diện hối đoái, đây là một “affaire” đặc biệt đối với ông. Thời buổi bây giờ, một con người không đáng giá gì hết ở Sở giao dịch chứng khoán tại Moscow. Không đáng một đồng franc. Tại New York, một con người cũng không đáng giá bằng con số không. Các hội đồng mua người ở đây, ở nước Đức này, vì lợi ích các nước ngoài Đại Tây Dương đã trả một giá quá hạ cho một người đàn ông hay đàn bà. Còn hạ hơn giá một vé đi tàu thủy hạng ba. Đó là lý do tại sao họ mua người tại Đức theo mét và theo ký, và cho họ đi trên những chiếc tàu chở súc vật. Trước khi đi ông sẽ nhận hơn hai nghìn đô la, ở sở giao dịch chứng khoán Tel Aviv, giá trị cá nhân mới là cao hơn hết. Tôi nghĩ rằng hiện tượng này có thể giải thích bởi sự kiện Israel là một quốc gia có tín ngưỡng, có đạo giáo. Trong một quốc gia như thế, con người còn giữ được giá trị của mình và Israel là quốc gia có đạo giáo duy nhất trên thế giới.
Varlaam muốn đi khỏi.
- Ông hãy nhìn kỹ tôi một lần nữa đi và hãy nói cho tôi biết ông có nhận ra tôi không.
Varlaam nhìn đầu tóc nhuộm, bạc trắng ở chân tóc, nhìn mấy nếp nhăn quanh mắt, nhìn đôi lông mày nhuộm, nhìn cái cổ quấn đầy ngọc quí và nói:
- Tôi chưa bao giờ gặp bà, thưa bà Salomon.
Bà Salomon cảm thấy mắt đầy nước khi tiễn Varìaam ra cửa.
- Đừng quên tên ông đấy. Tên ông bây giờ là David Oztas. - Bà ta nói.
Trong khi đó bà vẫn nghĩ: “Tôi đã già trên thế sao?”
Aurel Popesco bắt đầu nói chính trị theo thói quen của ông ta.
- Trong vài ngày nữa, Hội nghị các nước Châu Âu bị người Nga chiếm đóng sẽ họp. Tôi sẽ có cách nói cho người Mỹ biết là một biến cố chính trị quan trọng hơn hết lúc này đang được chuẩn bị tại Hội nghị đó. Các thủ lãnh Cộng sản Đông Âu muốn tách khỏi nước Nga và thành lập khối Liên minh quốc gia Cộng sản vùng Sông Danube. Người ta sẽ chọn thống soái các quốc gia Slaves phía Nam đứng đầu khối liên minh này.
Moscow đã biết kế hoạch đó và đã giao cho Boris Bodnariuk nhiệm vụ ám sát thống soái, đồng thời nhiều toán quân sẽ tập trung trên bờ Địa Trung Hải. Cũng có thể giả thuyết là quân Đỏ sẽ tiến vào Ý đại lợi. Nhờ thông tin này, tôi giúp người Mỹ cảnh giác và tôi không chỉ cứu nước Ý và Vatican mà còn cứu cả nền văn minh phương Tây. Nhờ thông tin của tôi quân đội Mỹ biết trước sự hiện hữu của kế hoạch tiến quân của Nga Xô. Công lao cứu thoát phương Tây khỏi ách xâm lược Nga Xô.
- Ông dành thì giờ của ông để cứu vớt nền văn minh và để giết người. - Ante Petrovici nói - Các ông giết người để cứu nền văn minh, nền văn hóa và giáo hội à? Cứu một người và sự kiện sẽ nổi tiếng kêu cứu cả nhân loại bởi vì không có nhân loại, chỉ có những con người, những con người sống, thưa Ngài Aurel Popesco!
Ante Petrovici cảm ơn bà Salomon lần nữa về những chiếc áo rồi đi ra, chân bước khập khiễng nhiều hơn lúc nào hết.
IX
Aurel Popesco muốn giải thích cho bà Salomon rõ tại sao các lãnh tụ Cộng sản các nước bị người Nga chiếm đóng, muốn nổi dậy chống lại Moscow cùng thống soái các quốc gia Slaves phía Nam là người cầm đầu, tại sao những người Xô Viết sắp giết thống soái và lợi dụng cơ hội đó để tiến quân vào Tây Âu.
Bà Salomon nghĩ đến trang trại của bà ở Canada. Bà nhìn qua cửa sổ và thấy Varlaam từ văn phòng quân sự đi ra.
- Chính trị không làm tôi thích thú chút nào. - Bà nói.
Tiếp đó, bà mời Aurel Popesco cùng đi xuống. Đúng là hoàng hôn. Tất cả người Do Thái đổ ra đường ngay trước nhà họ. Trong tất cả các xóm người Do Thái và trong tất cả các khu vực Do Thái, người ta có thể quan sát cùng một hiện tượng. Đó là: Khi chiều xuống, người Do Thái rời khỏi nhà họ. Họ không thể đi ngủ sau bữa ăn chiều. Họ đi xuống đường phố để xem và nghe những gì xảy ra. Đó là nỗi kinh hãi đã ăn sâu vào máu họ. Trước khi trở về nhà, trước khi cài kỹ cửa và đi ngủ, họ đi ra đường và dò hỏi tin tức về Sở giao dịch chứng khoán, về chính trị hay về các bước hoạt động của phong trào chống Do Thái. Họ hỏi thăm mọi chuyện, hỏi đủ chuyện để biết xem, tùy theo trường hợp hoặc là họ có thể đi ngủ hoặc là phải thức suốt đêm.
Họ tính toán và tự hỏi không biết có chuyện gì đến với họ trong đêm không, không biết họ có thể ngủ không, không biết họ có thể thay quần áo không.
Aurel Popesco nhìn những người Do Thái tụ tập thành từng nhóm nhỏ trước nhà họ. Một chiếc xe cam nhông xuất hiện trước cửa xóm Do Thái, theo sau thêm một chiến khác và cuối cùng là cả một số lớn xe cam nhông chở đầy lính Mỹ đội mũ có hai chữ M.P (Quân cảnh). Họ bao vây khu vực các biệt thự.
Những người Do Thái đứng nhìn sững làm như họ cố giăng cao dây ăng ten để thấy tất cả và nghe mọi việc.
- Họ lại đến kiếm đô la. - Bà Salomon nói - Mỗi tuần họ đến hai hoặc ba lần.
Những người Mỹ đi vào trong mấy con đường của khu phố.
- Quân cảnh Mỹ xuất hiện mỗi khi có người báo cho họ một vụ có thể mang lại nhiều đô la. Họ tra soát, chiếm lấy đô la rồi biến đi như khi họ đến. Ngoài đô la, không còn gì làm cho ho thích thú.
Nhiều người lính đã lập những chiến hào ngăn hàng rào quanh vài ngôi nhà.
- Isaac không có mặt ở đây vẫn hơn. Tôi thích thế nhưng cuộc cướp đoạt như thế này hành hạ thần kinh chúng tôi quá. Nếu như ông biết được là tôi muốn ra đi biết chừng nào. Bao lâu chúng tôi chưa ra khỏi đây thì tôi vẫn không thể tự do được. Thật may mắn là Isaac đã đi vắng. Về mặt tinh thần anh ấy không thể chịu đựng thêm một cuộc cướp đoạt nào nữa, không một cuộc nào nữa. Đã bao nhiêu lần họ đã lấy hết tiền chỗ tôi, lấy đến đồng đô la cuối cùng. Bây giờ, nếu họ lên phòng tôi, họ chỉ tìm thấy quần áo bẩn.
Bà Salomon và ông Aurel Popesco ngừng lại và nhìn. Họ không thể tiến lên nữa, đường đã bị rào chặn lại rồi.
- Chúng ta sẽ được yên ổn ở Canada. Chúng ta sẽ có thể sống như mọi người, như mọi người khác.
Đúng lúc đó người ta nghe một tiếng ồn lớn, giống như vật gì đó đổ xuống.
Đám đông bắt đầu hét lớn, la to và huýt gió.
- Ai đó nhảy từ cửa sổ xuống. - Aurel Popesco vừa nói, vừa nhón chân cao hơn.
Đám đông xô lấn nhau quanh ngôi nhà có ai đó nhảy từ trên cửa sổ xuống nhưng không người nào có thể lại gần được.
Bà Salomon níu lấy cánh tay Aurel Popesco. Bà dựa hẳn vào người ông ta, mặt xanh mét.
- Thần kinh không thể chịu đựng nữa những xúc động như thế. - Bà nói - Tôi không thể chịu nổi nữa. Tôi phải đi ngay, phải ra khỏi nơi này.
Xe cứu thương đến. Mấy người y tá chở xác của kẻ đã nhảy qua cửa sổ. Tất cả chỉ kéo dài trong vài phút.
Eddy Thall nhờ Aurel Popesco dẫn bà về phòng.
- Thật quá sức chịu đựng đến nỗi tôi cảm thấy không thể lên phòng một mình. - Bà nói.
Họ rẽ một lối đi qua đám đông, mọi người đều nói và bàn tán về vụ tự tử.
Bà Salomon cảm thấy có cái gì nhầy nhầy dưới chân mình, ngay trước nhà bà. Bà đã bước đi trong vũng máu đúng ngay chỗ cái xác rơi xuống.
Eddy Thall muốn hỏi xem ai tự tử nhưng mắt bà nhìn chăm chú vệt máu trên đường nhựa, vệt máu bà đã dẫm bước lên với đế giày có nạm ngọc vàng ánh, đúng mốt Mỹ. Giày bà bị vấy máu và trên vũng máu ruồi đã kêu vo vo.
- Chúng ta lên đi, lên đi. - Bà nói.
Bà vẫn nhìn thấy trước mắt vệt máu, chiếc xe cứu thương trắng, đám đông vây quanh bà.
Một người Do Thái nhảy qua cửa sổ và điều đó xảy ra sau Chiến thắng! Xảy ra khi mà hiện tại người Do Thái làm chủ bom nguyên tử và ông trùm nền kỹ nghệ nguyên tử, ông Lisienthal là một người Do Thái sinh trưởng cùng làng với Lidia!
- May mắn là chúng tôi sắp đi Canada. - Bà ta nói.
Bà thấy choáng váng phải dựa vào tay Aurel Popesco khi đi lên bậc thang. Bà muốn lau chùi giày để không vào nhà với đôi giày đầy máu.
- Ai tự tử thế? - Bà hỏi.
- Tôi không biết. - Aurel Popesco nói - Người ta đã chở người ấy đến bệnh viện và ông ta đã chết.
Vào tới phòng bà Salomon nằm lăn ra giường.
- Hãy cho tôi chút gì uống đi. - Bà nói - Cái gì mát lạnh ấy. May phước là chúng tôi sắp đi khỏi đây, sắp rời bỏ cái xứ đáng nguyền rủa này. Hăng hái ra đi. Phải chi Isaac trở về sớm hơn nhỉ... nhưng Isaac chỉ về vào ngày mai lúc 6 giờ. Và cho đến 6 giờ ngày mai tôi phải ở một mình, một mình, một mình...
Bà khóc âm thầm, qua làn nước mắt, bà nhìn thấy cái mũ của Isaac trên một ghế dựa. Bà mở mắt lớn hơn và thấy rõ cái áo “ba đờ xuy” và áo vét của Isaac ở gầm giường ngủ. Bà nhảy thót dậy, tưởng như ngủ mơ.
- Isaac về rồi sao? - Bà hỏi - Anh ấy đâu rồi?
Cửa không mở ra và hai cảnh sát Do Thái mang sao hiệu của Salomon lặng lẽ đi vào.
- Isaac về rồi hả? - Bà Salomon vừa hỏi vừa cầm lấy áo vét của chồng.
Hai cảnh binh lặng thinh. Bà Salomon chạy bổ về phía họ, áo vét ôm ở ngực. Bà hỏi họ Isaac đâu. Bà muốn bám lấy họ và buộc họ phải nói Isaac ở đâu nhưng mấy ông cảnh binh vẫn nín lặng. Họ chỉ động đậy khi bà Salomon té xỉu xuống nền nhà với áo vét của chồng ôm chặt trong tay.
Lúc đó mấy cảnh binh mới đến nâng bà lên và để bà nằm vào giường.
- Có nhiều người Mỹ ở trên lầu một. - Viên cảnh binh nói - Ông Isaac đã trở về; ông chạy lên cầu thang từng bốn bước một. Mấy người Mỹ thấy ông vào phòng. Mấy giây sau, ông nhảy qua cửa sổ.
- Ôi, vậy chính là ông ta? - Aurel Popesco hỏi.
Mấy viên cảnh binh liếc nhìn về phía bà Salomon. Bà không thấy và không nghe gì nữa.
- Đúng rồi, đúng là ông ta đã nhảy qua cửa sổ, ông Isaac Salomon. Ông ấy là một trong những bạn ông à? Hình như ông ấy có nhiều đô la, phải không? Ông ấy sợ bị tra soát.
Hai cô y tá vào trong phòng. Họ bắt đầu chà xát, xoa bóp trán cho bà Salomon vẫn nằm ngửa, bất động.
- Cũng có thể Isaac quá mệt mỏi, kiệt sức. - Một cảnh binh nói - Vì ông là bạn của ông ấy, chắc ông biết rõ. Ông ấy quá kiệt sức. Chúng ta không thể phiền trách ai về chuyện đã xảy ra. Mấy người Mỹ không có ý định kiểm tra, soát xét nhà ông ấy. Họ bị xúc động mạnh vì vụ tự tử. Họ đã ra lệnh ngưng ngay cuộc vơ vét.
Ở trên giường, dưới lưng bà Salomon, có chiếc cặp da của Isaac Salomon đựng đầy đô la.
Mấy cô y tá kéo xích chiếc cặp da ra để bà Eddy Thall nằm thoải mái hơn.
Khi rời khỏi căn phòng, mấy ông cảnh binh nói với Aurel Popesco:
- Xin chào ông. Không phải lỗi ai hết, lại càng không phải lỗi của người Mỹ. Chúng tôi là nhân chứng. Ngay sau khi Isaac nhảy ra cửa sổ, người ta cho ngừng cuộc vơ vét.
X
Tin tức của Aurel Popesco thật đúng. Ngay tối Isaac Salomon tự tử chết, Boris Bodnariuk được lệnh ám sát thống soái các quốc gia Slaves phía Nam.
Sau khi thanh toán xong các thành phần từ sau loại một, Boris Bodnariuk được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Hắn đến quận Néamtz vài ngày, đến bằng máy bay riêng, do Anatole Barsov lái, Anatole Barsov là viên phi công trẻ của hắn làm quen được ở một bệnh viện gần Moscow. Họ đáp xuống phi trường Piatra.
Người ta đã xây cất một phi trường tại chỗ trước đây là nhà của Pierre Pillat, tại nơi trước kia là ruộng lúa, là vườn rau của Ion Kostaky. Trong ngôi nhà của Ion Kostaky người ta đặt nhiều bàn làm việc. Làng Piatra đã thay đổi. Bodnariuk lên xe.
Hắn bắt tay Anatole Barsov và Igor Poltarev, anh phi công phụ tá và chúc họ vui chơi thỏa thích.
Đường sá Piatra giờ đây rộng rãi và đã tráng nhựa, người ta xây dựng một nhà máy ở làng Piatra. Giữa thành phố Molda và làng Piatra có một dãy nhà mới xây ngói đỏ rực, đó là nhà tù.
Người ta tập thể hóa, quốc hữu hóa đất đai. Đa số nông dân làm việc ở nhà máy và ăn cơm ở “căng tin” (nhà ăn của nhà máy). Họ chỉ trở về nhà để ngủ.
Nhà cửa ở Piatra gần như trống vắng. Người ta không còn đốt lửa nữa vì nông dân từ nhà máy trở về quá khuya, họ vội vàng đi ngủ để lại ra đi lúc rạng đông. Người ta không còn thấy lò sưởi phun khói nữa; không còn thấy bờ rào nữa, không còn thấy mèo nữa, không còn thấy chó nữa, không còn hoa trên cửa sổ nữa. Và ngay cả không còn thấy người ở trong làng nữa, trừ ngày chủ nhật, nhưng ngay cả ngày này, họ cũng phải đi họp ở xã. Và như thế là nhà cửa trống không.
Xe chở Boris lên phía rừng dương. Hắn hài lòng, thỏa mãn vì công việc đã hoàn thành.
- Lần đầu tiên, nhờ những rừng Xô Viết, người ta ban cho con người khả năng không đấu tranh nữa vì sự tồn tại riêng của mình, theo kiểu súc vật. Cá nhân được bảo đảm về mối lo âu ngày mai. Cuộc đấu tranh sinh tồn được tổ chức chung. Đó là đặc ân lớn hơn hết mà người ta đã làm cho con người. Vậy mà họ lại chống đối. Vậy thì họ phải bị tiêu diệt để cho cuộc cách mạng đầu tiên thật sự vĩ đại của lịch sử có thể hoàn thành.
Trong ngôi biệt thự ở miền núi có nhiều rừng dương. Boris Bodnariuk phải chuẩn bị bài thuyết giảng cho Hội nghị các quốc gia Đông Nam Châu Âu. Trước đó hắn đến nghỉ ngơi ba ngày tại đây, trong sự yên tĩnh của núi rừng. Trời lạnh, hắn thắt chặt hơn chiếc khăn quanh cổ, cài nút áo măng tô da và che kín chân trong tấm chăn.
Boris chưa bao giờ có ngày nghỉ. Đây là những ngày nghỉ đầu tiên trong cuộc đời hắn. Hắn sẽ ở trên núi một mình thanh thản trong ba ngày. Hắn mỉm cười, đi xuống ngôi biệt thự có tường trắng được bố trí, sắp đặt theo nguyện vọng của hắn.
Trong thời gian đó, Anatole Barsov và Igor Poltarev, hai anh lái máy bay của Bodnariuk, nghỉ ngơi tại Piatra, một chai rượu Vodka trước mặt.
Anatole Barsov sung sướng vì cuối cùng được xa cô vợ Olga của anh. Đó là một phụ nữ không ngừng làm anh điên đầu Anh thất vọng, chán nản vì chuyện này. Anh không trách Olga điều gì, trừ việc cô ta luôn kiếm chuyện gây gổ. Đó là một loại cối xay không bao giờ nghỉ.
- Tối nay, không còn bận cãi cọ với Olga nữa. - Igor nói - Không tối nay và không bao giờ nữa, không bao giờ. Cô ta sẽ gây gổ với những bức tường. Vì với cậu, việc đó không thể có được nữa. Chúng ta khởi hành tối nay.
- Chúng ta đi đâu? - Anatole Barsov hỏi.
- Như chúng ta đã quyết định. - Igor nói thật bình tĩnh - Chúng ta có đủ dầu xăng. Chúng ta có tất cả. Bay từ phi trường Piatra dễ hơn là từ Bucarest. Tớ có thể chỉ cho cậu dầu xăng. Nó nằm trong phi cơ.
Anatole Barsov nhớ lại cuộc bàn luận của họ, nhớ từng chỗ một, nhớ như còn nghe thấy từng lời của Igor Poltarev.
Một tối kia, họ đi công tác chung. Igor Poltarev đã đi nước ngoài làm những công tác cho người Xô Viết. Anh đã biết London, Paris, Milan, Berlin. Anh kể chuyện. Igor Poltarev đường đột hỏi Barsov:
- Cậu không muốn trốn qua Mỹ với tớ sao?
- Tớ không phải là một thằng phản nghịch. - Barsov trả lời, giận dữ vì câu hỏi.
- Tớ cũng thế, tớ cũng đâu phải là thằng phản. - Igor nói.- Trước tiên, tớ hỏi cậu đã, cậu không hợp với vợ cậu và cậu không hợp với các thủ trưởng phi đội cậu, cậu là bạn của bộ trưởng Bodnariuk, đấy là sự thật, đồng ý, nhưng ông ta quá bận việc, không có thì giờ dành cho cậu. Tớ hỏi xem cậu có muốn đánh cắp máy bay và trốn đi, trốn Olga, phi đội, nợ nần, chương trình mỗi ngày. Trốn xa mọi sự. Bay đến một nước xa lạ, trở thành giàu có và tự do, tự do, không vợ con, không thủ trưởng.
Barsov nhớ hết tất cả những gì bạn anh nói.
- Tớ nghĩ đến chuyện đó mỗi tối, trong nhiều giờ liền. - Poltarev nói tiếp - Tớ tưởng tượng tớ lên máy bay với một rừng bạn và bay đến một nơi xa lạ, một xứ sở nóng ran. Khi nghĩ đến việc ra đi, tớ sống những giây phút đẹp nhất đời tớ. Thật giống như tớ uống rượu vậy. Tớ sưởi ấm nhờ ánh sáng.
- Cậu không nhận thấy đó là những giấc mơ của một kẻ phản nghịch à? - Barsov hỏi - Nếu như tớ tố cáo cậu với chỉ huy?
- Cậu sẽ không tố cáo mình đâu. - Poltarev trả lời - Tớ biết cậu là bạn tốt của tớ. Trước hết mình là chiến sĩ và công dân Xô Viết và chỉ sau đó mới là bạn cậu.
- Cậu sẽ không tố cáo mình. - Poltarev vẫn nói - Không có gì xấu trong những điều mình kể cho cậu nghe cả. Tớ biết là cậu cũng mơ ước ra đi với phi cơ và bay đến tận cùng thế giới, mỗi phi công đều mơ ước như thế, đó là chuyện bình thường.
- Tớ công nhận điều đó. - Barsov nói - Tớ cũng vậy. Tớ mơ những chuyến du lịch dài ngày, mơ chuyến bay nhưng cùng lúc tớ cũng mơ trở về và tớ hạ cánh trên đất quê hương Xô Viết mà tớ yêu mến và trung thành.
- Tớ cũng thế. Tớ thích trở về trên đất quê hương Xô Viết.- Poltarev nói - Tớ trung thành và yêu quê hương nhưng cậu phải nhìn nhận một điều quá khắc nghiệt, quá nặng nề đó là: sau những giờ bay vào nơi sâu thẳm nhất của bầu trời, thay vì cậu có đủ mọi thứ dưới chân cậu thì khi hạ cánh xuống đất, cậu lại phải chịu đựng bao nhiêu lời phê bình, nhận xét của phi đội trưởng chỉ vì cậu không cài hết tất cả nút áo?!
Igor Poltarev biết cách nói chuyện.
- Cậu thấy chưa, đối với một phi công, đáp máy bay trở về lại quả đất là một điều phũ phàng, đau khổ. Quả đất xấu xí, chật hẹp và dơ bẩn. Quả đất không giống bầu trời. Sau một lần bay, tim cậu thổn thức vì ý nghĩ trở về mặt đất với bao nhiêu chuyện bực mình đang chờ đón cậu: cậu phải vào trại lính, phải trả nợ, phải tiết kiệm, phải thi hành những mệnh lệnh ngu xuẩn, phải cãi cọ với chỉ huy, với mẹ vợ, với vợ, phải chịu đựng những trò vui đùa ngu ngốc của các bạn (đồng chí). Thật là khổ sở khi sau chuyến bay cậu phải trở về lại với tất cả những chuyện đó.
Thật đau khổ vì phải rời bỏ bầu trời ở đó cậu là vua của chính cậu, ở đó những vì sao che phủ vai cậu như quân hàm thống soái. Tớ không thể tin được là cậu không cảm thấy những điều đó, như tớ. Tất cả phi công đều mơ ước như vậy.
Anatole ngồi trước mặt Igor Poltarev, cố nhớ lại buổi nói chuyện. Anh nhớ rõ vì từ sáu tháng nay rồi, anh không ngừng nghĩ đến nó. Anh nghĩ đến từng lời được trao đổi. Anh đã trả lời Igor Poltarev:
- Theo quan điểm của cậu thì cậu có lý, nhưng trước hết chúng ta là những công dân Xô Viết và thứ đến, chỉ thứ đến thôi, chúng ta mới là phi công, hoa tiêu.
Cuộc tranh luận chấm dứt với những tiếng sau cùng đó, nhưng chính anh Anatole Barsov đã gợi lại câu chuyện ít lâu sau. Đây là lỗi anh.
- Cậu biết không, tớ cũng thế, tớ nghĩ đến việc ra đi với máy bay. - Barsov nói - Tớ nghĩ là tớ sẽ đi với một người bạn và tớ sẽ không về lại phi đội nữa.
- Cậu tin đó là điều tốt chứ? - Igor hỏi dò.
- Tớ nghĩ đến điều đó, mỗi tối. Tớ phải công nhận đó là những giờ đẹp nhất trong ngày.
- Người ta thấy rõ là cậu đã tìm được một thời hạnh phúc. Poltarev nói - Lúc sau này, cậu uống ít, cậu mập ra, ít nổi giận, một giọt ước mơ làm dịu cuộc đời.
- Nếu có ai đó nghe chúng ta nói chuyện thế này, chắc chúng ta sẽ bị tóm cổ cả hai đứa quá. - Barsov nói - Chúng ta sẽ bị kết án tù chung thân khổ sai về những điều chúng ta nói.
- Mơ ước là trọng tội sao? - Poltarev nói.
- Tất cả mọi thứ tội ác và tất cả mọi sự phản bội đều bắt nguồn trước tiên từ những giấc mơ. Mộng mơ là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Vì lẽ đó mà đồng chí Boris Bodnariuk cho rằng sự mơ mộng cũng phải bị trừng phạt nặng như hành động. Từ mộng mơ đến hiện thực chỉ là một bước rất ngắn. Công lý phải xử phạt cùng mức độ như nhau, giấc mơ, một tội ác còn trong giấc mơ và một tội ác đã phạm rồi. Vả lại, tớ tin chắc là công lý Xô Viết đã bắt đầu xử phạt giấc mơ cũng như hành động. Khi mơ, tớ có ý thức phạm tội ác.
- Vậy cậu có thể chuyển những điều cậu mơ thành hiện thực không? - Poltarev hỏi - Ví dụ, leo lên máy bay và đi?
- Điều đó thì không. - Barsov nói - Tớ không bao giờ trở thành một tên phản bội thật sự.
- Nếu cậu là một tên phản bội trong giấc mơ thì cậu sẽ là một tên phản bội trên thực tế. - Poltarev nói.
Cuộc tranh luận trở nên gay cấn.
Anatole Barsov dọa sẽ mách lại hết với Boris Bodnariuk.
- Cậu chỉ mách khi cậu phải khai báo với tòa án là mỗi tối cậu mơ trốn thoát như thế nào. - Poltarev nói - Cậu sẽ phải khai là cậu mơ, cậu lấy cắp máy bay để trốn thoát, đào ngũ như thế nào. Cậu có biết một lời khai như thế có nghĩa gì không? Có nghĩa là đào ngũ nhưng chưa thực hiện vì thiếu phương tiện. Mấy ông quan tòa biết rõ là cậu nếu có xăng dầu, cậu sẽ chuyển giấc mơ thành hiện thực và họ sẽ kết tội cậu vì ý định, vì chủ tâm. Cũng giống tớ vậy.
- Tớ sẽ không bao giờ là một tên phản bội. - Barsov vẫn chống chế - Cậu là một thành phần nguy hiểm. Tớ không tố cậu nhưng tớ sẽ tránh không nói với cậu chuyện ra đi tối nay. Tớ không bao giờ trở thành một kẻ phản bội.
- Không phải là một sự phản bội. - Poltarev nói - Đó là một chuyện tự nhiên, bình thường đối với một phi công. Một phi công thường mơ bay cao, đi xa. Đó không phải là một sự phản bội đối với mảnh đất Xô Viết. Đó là lòng trung thành của mỗi người phi công đối với bầu trời, Barsov thân yêu ạ. Chúng ta, những phi công, chúng ta cũng yêu mến bầu trời như quả đất và đó là chuyện tự nhiên vì chúng ta cũng thuộc về bầu trời nữa. Nếu có một sự phản bội trong tất cả những gì chúng ta làm, thì mỗi phi công là một kẻ phản bội vì tất cả những phi công trên thế giới đều làm như thế. Và khi những chàng phi công ước mơ bay, họ không phản bội một mảnh đất nào đó, đặc biệt là mảnh đất quê hương họ, mà họ phản bội cả trái đất. Đó cũng là chuyện tự nhiên. Bầu trời đẹp hơn. Quả đất dơ bẩn, xấu xí. Đó là lý do tại sao, cậu, một phi công thực thụ, cậu sẽ bay với tớ. Hơn nữa, cậu thích xa hoa, tiền bạc, âm nhạc, đàn bà, tất cả những gì đẹp đẽ và vì thế cậu sẽ ra đi với tớ. Chúng ta sẽ thực hiện giấc mơ mỗi tối của chúng ta.
- Giấc mơ phản bội Tổ quốc à? - Barsov hỏi, giận dữ.
- Tớ cũng thế, tớ yêu quê hương tớ, tim tớ sẽ ngập tràn Tổ quốc tớ, bất cứ nơi nào tớ dừng lại. Nhưng tớ ra đi, với cậu như tớ đã ước mơ. Và tớ sẽ tổ chức, sắp xếp cuộc đời mình theo sở thích. Tớ muốn biết các nước xa lạ. Tớ muốn có tiền, muốn khiêu vũ, muốn nghe nhạc, muốn có nhân tình đẹp, lịch thiệp. Đấy không phải là phản bội.
- Cậu không phải là một công dân Xô Viết. - Barsov nói - Cậu là một tên phản bội.
- Tớ đã kiếm được một nghìn lít xăng. - Poltarev nói tiếp. Ngay sau khi tớ có đủ số lượng xăng cần thiết, tớ sẽ cho cậu biết. Tớ sẽ gọi cậu và cậu sẽ đến.
Anatole Barsov không tố Poltarev tối hôm đó, cũng không tố vào ngày hôm sau. Anh tự bảo là sẽ kể lại tất cả cho Boris Bodnariuk nghe nếu anh gặp hắn, nhưng Boris Bodnariuk đã đi khỏi và Barsov không thể kể lại chuyện đó với một ai khác.
Vài ngày sau, Igor Poltarev nói:
- Chúng ta sắp đi được rồi. Tớ rất hài lòng vì cậu đã chấp nhận. Thật tuyệt vời được bay với một người bạn. Vả lại trên thực tế, tớ không thể nào đi một mình, tớ cần phải có ai đó.
- Tớ không chấp nhận gì cả. - Barsov nói.
- Việc cậu không tố cáo tớ mặc dù tớ chỉ cho cậu thấy chỗ giấu xăng lấy cắp, có nghĩa là cậu chấp nhận đi với tớ. Bây giờ thì đã quá trễ để cậu tố giác tớ. Nếu cậu tố, cậu cũng bị bắn chết. Đơn giản là thế.
Igor Poltarev cười lớn rồi khuyên Barsov cũng nên đánh cắp xăng. Barsov từ chối.
Còn bây giờ, anh vừa nghĩ đến tất cả những chuyện đó, vừa nhìn những ngôi nhà trống ở Piatra. Anh uống thêm một ly nữa. Poltarev giấu chai rượu.
- Không được uống nữa. Chúng ta sắp khởi hành trong vài giờ nữa thôi. Tớ có đủ số xăng cần thiết rồi. Mọi cái đã sẵn sàng.
- Tớ không muốn phản bội. Tớ thích chết hơn. - Barsov nói.
- Quá trễ để từ chối. - Poltarev chỉ chiếc máy bay trên đường băng- Mọi sự sung sướng, tốt đẹp đang chờ đón chúng ta ở phía bên kia. Cậu có biết một anh phi công dân sự Mỹ lãnh lương tháng bao nhiêu không? Hơn chúng ta lãnh một năm. Và nếu như cậu biết cuộc đời ở bên đó đẹp như thế nào? Rồi cậu sẽ biết ơn tớ.
- Tớ không chấp nhận phản bội. - Barsov nói. Anh nhìn máy bay. - Tớ không phản bội. - Anh lặp lại.
- Tớ giấu xăng trong mấy lon đồ hộp, để trong khoang chứa của phi cơ. Chúng ta có đủ tất cả những gì cần thiết để khởi hành. - Poltarev nói.
- Và nếu như người Mỹ tóm cổ chúng ta và giao cho người Xô Viết? - Barsov hỏi.
- Đừng sợ gì cả. - Poltarev nói - Tớ bảo đảm với cậu là từ đây đến tám ngày nữa thôi, chúng ta sẽ ở trung tâm thành phố New York, môi phì phèo thuốc lá và túi đầy tiền.
- Cậu đảm bảo với tớ điều ấy à? - Barsov hỏi - Làm sao cậu có thể biết được điều gì sẽ xảy đến?
- Tớ đã ở ngoại quốc và tớ biết nó là cái gì.
Họ im lặng nhìn máy bay.
Barsov nghĩ đến Olga và nói:
- Tớ sẽ đi với cậu: Nếu việc không thành thì tớ tự sát. Và như thế là rất đúng. Một kẻ phản bội thật đáng chết, phải chết. Tớ đã là một kẻ phản bội. Tớ đã trở thành phản bội ngay hôm đầu tiên tớ chấp nhận tranh cãi với cậu, cách nay sáu tháng.
Hai giờ sau, khi họ lên máy bay, Barsov cảm thấy sung sướng. Anh nói với Igor Poltarev:
- Tớ vui sướng được ra đi, vui sướng như chưa bao giờ vui sướng.
- Hạnh phúc của cậu sẽ tồn tại trong tương lai. Cuộc sống chỉ mới bắt đầu. Cậu chưa biết là cuộc sống tốt đẹp như thế nào.
Mọi người đều mơ ước ra đi. Cậu may mắn được ra đi như cậu mơ ước. Và đó là một dịp may vĩ đại.
Phi cơ riêng của Boris Bodnariuk, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Rumani, bay về hướng Tây. Nó nhắm hướng nước Áo với hai phi công đào tẩu.
- Đây là giây phút quan trọng của đời tớ. - Anatole Barsov nói.
Lần đầu tiên trong cuộc đời phi công của anh, anh cảm thấy anh bay thật sự, anh cảm thấy anh được tự do. Anh bay như những con chim, bay theo ý muốn mình. Một chuyến bay thật sự.