Chương 9
KIM SA ĐẢO

     im Sa Đảo nằm giữa Đông Hải, quanh năm đối đầu với sóng dữ. Người dân ở đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt. Họ rất ít giao lưu với người ngoài đảo, trừ những lúc trao đổi hàng hoá hoặc lương thực.
Vì sống với nghề đầu sóng ngọn gió nên mọi người đều thông thạo việc nắm bắt thời tiết. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, ai cũng thông thạo địa hình và tự vẽ trong lòng một hải đồ cho riêng mình. Họ có thể nhìn sao, xem nước, biết trước một ngày về tiết trời. Lịch đánh bắt trong năm như: Tháng một động dài, tháng hai động tố, tháng ba nồm rộ, tháng tư năm non, tháng năm thổi giòn … Ai nấy đều thông thạo để vận dụng phù hợp theo từng mùa. Tập quán lâu đời của tiền nhân để lại, cho dù bận trăm công ngàn việc họ vẫn tổ chức lễ hội Hùng Đức. Hằng năm đều tổ chức cúng biển, để cầu phúc cho người ra khơi. Sống cùng biển, sẽ có sinh có tử với nghề. Nhưng mọi người vẫn lạc quan với công việc mà họ theo đuổi. Vì vậy Kim Sa đảo còn lưu truyền câu ca dao, vừa dí dỏm, lại ngọt ngào:

Muốn ăn cá rựa Bình Thiên,
Cưới con Cả Quyền đóng đáy hàng khơi …
 Nguy cơ của biển cũng nhiều, nhưng nguy cơ con người mang lại cũng không nhỏ. Nạn cướp bóc trên biển vẫn thường xuyên xảy ra đối với thuyền nhân. Và chính điều này thúc đẩy Kim Sa bang ra đời. Một bang phái chuyên hổ trợ và bảo vệ cho ngư dân. Người đứng đầu là Triệu Nam Sơn. Một nhân vật lỗi lạc, nổi danh khắp miền biển nam, thuộc Đông Hải.
Hơn ba mươi năm phát dương quang đại cho Kim Sa bang, Triệu Nam Sơn với mái đầu bạc trắng đã được mọi người gọi theo danh xưng “lão anh hùng”. Chàng trai khôi ngô, oai dũng một thời đã lùi vào dĩ vãng. Chỉ còn một lão già phải oằn lưng gánh vác trọng trách, chăm lo cho  người dân trên đảo.
Đứng trên một chỏm núi, xa trong đất liền, Triệu lão anh hùng mơ màng ôn lại quá khứ thời trai trẻ của mình. Đại cao thủ Kim Sa bang từng tung hoành ngang dọc khắp Đông Hải, làm kinh hồn bạt vía các bang phái hắc đạo. Đại hội anh hùng hằng năm, lão anh hùng đều có mặt. Ở đấy, mọi người đều kính trọng vị tiền bối thanh danh chói rạng, đóng góp rất nhiều cho sự thăng hoa của võ học.
Mấy ngày nay, Triệu Nam Sơn nặng nỗi ưu tư. Việc tìm được Long Quân Thần Kiếm đã khiến nhiều bang phái trên giang hồ nuôi ý chiếm đoạt. Nếu giấu nhẹm sự kiện trên như chưa hề biết, sẽ  làm giảm đi oai phong của võ lâm châu thổ. Còn phô trương thanh thế, thì có nguy cơ kiếm báu lọt vào tay người. Những trăn trở day dứt mãi, làm mái đầu của lão anh hùng càng óng ánh sợi bạc. Triệu Nam Sơn có rất nhiều bằng hữu trên giang hồ. Những nhân vật đứng đầu châu thổ cũng có mối quan hệ rất tốt với lão. Nhưng nhiều bức thư do bồ câu đưa tin, chưa có ý kiến nào hữu hiệu, nhằm tìm giải pháp bảo vệ thanh kiếm oai chấn một thời. Giải pháp chưa có, mà lễ hội Quan Kiếm đã cận kề. Bên ngoài quần ma nổi lên khắp chốn, quấy nhiễu võ lâm không phút yên bình. Bích Huyết Ma Cung ở quan ngoại, Bạch Y Song Yêu ở Tây Tạng. Hai thế lực yêu tà không biết có quan hệ gì mà tiến thoái đồng hành, ám hại rất nhiều cao thủ của võ lâm. Mấy ngày nay tin tức từ đất liền, liên tục cho hay: Tam Đảo Môn, Đông Sơn Huyền Môn, Nam Hà Môn và cả Ngũ Hành Môn, có rất nhiều cao thủ bị ám toán. Các lộ trình trải dài xuống phương nam đều bị tập kích. Cao thủ võ lâm muốn vượt biển ra Kim Sa không phải là chuyện dễ dàng…
Từ những biến cố trên, Kim Sa Bang tổ chức tuần tra nghiêm ngặt các vùng biển phụ cận, quanh đảo. Trên các đỉnh núi, đều thiết lập vọng gác để quan sát và báo tin. Chỉ cần có thuyền lạ xâm nhập, lập tức bị phát hiện và phong toả ngay.
Triệu Nam Sơn nhíu mày nhìn ra biển. Nơi xuất hiện gần chục chiếc thuyền đang căng buồm tiến vào đảo. Trên mũi thuyền có cắm cờ vàng, biểu hiện tình bạn mà võ lâm châu thổ ngầm thoả thuận với nhau. Nhìn màu y phục lão anh hùng biết, tứ đại phái của võ lâm đã đến Kim Sa. Ngũ Hành Môn vận ngũ sắc phục, gồm: đen, vàng, trắng, đỏ, xanh. Tam Đảo Môn sắc phục xanh nhạt. Nam Hà Môn vận huỳnh y. Đông Sơn Huyền Môn toàn một màu huyền.
Những người mới đến thân thủ rất nhanh nhẹn. Thuyền vừa tiến vào bãi, đã thấy họ an nhiên trên mộc kiều. Đoàn người lũ lượt tiến vào đại sảnh, dưới sự hướng dẫn của môn hạ Kim Sa Bang. Triệu Nam Sơn nét mặt rạng rỡ tiến ra đón khách.
Từ xa vang lên tiếng cười làm rung chuyển không gian.
 -  Đã lâu ngày không gặp, Triệu bang chủ vẫn khang kiện như thuở nào. Từ đại hội anh hùng mười năm trước, mới có dịp hạnh ngộ cố nhân. Không biết công phu Long Trảo Thủ đã phát huy đến nhường nào?
Triệu Nam Sơn cười ha hả:
-  Ngô chưởng môn quá khen, làm lão phu hổ thẹn trong lòng! So với Đông Sơn Huyền Đao danh chấn võ lâm, công phu Long Trảo Thủ chỉ là trò đùa của trẻ nhỏ. Đông Sơn Huyền môn trải qua gần trăm năm lịch sử, thời nào cũng có anh hùng xuất chúng, oai chấn võ lâm. Luận lịch sử và võ học, Kim Sa bang đâu dám sánh cùng.
Chưởng môn Đông Sơn Huyền môn là Ngô Cương. Một người mà võ lâm ai cũng kính nể. Đảm nhiệm chức chưởng môn trên bốn mươi năm, trải bao thăng trầm biến đổi, Ngô Cương được mọi người biết đến bởi tính tình trung trực ngay thẳng. Chưởng môn nhân Ngô Cương, thành danh bởi ba mươi sáu đường huyền đao bạt chúng. Đao pháp này được tiền nhân sáng tạo ra. Nhưng đến đời Ngô Cương đã trở thành đao pháp độc bá thiên hạ. Nguyên thuỷ đao pháp được sáng tạo ra trong một cơn bão lớn. Lúc trời nổi phong ba, mây đen vần vũ. Một vị tiền bối của Đông Sơn nảy sinh ý định, mượn cảnh hoá đao hình. Thế là võ lâm châu thổ có thêm một tuyệt kỹ đoạt vía quần ma. Đến đời của Ngô Cương, chiêu số được cải tiến thành Tam Thập Lục thức, biến ảo khôn cùng. Giang hồ gọi đao pháp của Đông Sơn là Huyền Đao Nhị Hình. Bởi lúc xuất chiêu, đao phong có sắc đen, lúc lại chuyển thành bạc. Màu bạc ẩn tàng, còn màu đen hiển hiện như hắc vân. Sức mạnh thật sự của Huyền Đao Nhị Hình là lúc đao phong chuyển hoàn toàn thành màu đen. Lúc này giống như thiên địa nổi phong ba, không gì có thể ngăn cản sức mạnh ẩn tàng của nó. Người luyện đao pháp lúc đầu chỉ thấy lấp lánh ánh bạc, sau chuyển sang đen. Màu đen càng huyền, đến lúc nhất sắc, công phu sẽ đạt cảnh giới cao nhất. Từ lúc sáng tạo đến nay, duy nhất Ngô Cương là người sử Huyền Đao nhất sắc. Như vậy đủ thấy tài năng xuất chúng của chưởng môn Đông Sơn huyền môn.
-  Triệu bang chủ không nên khách khí! Luận công phu tu luyện, võ lâm hiện nay ngoài Tam Tăng ra, còn ai dám sính cường với Long Trảo Thủ.
 Nói đến đây Ngô Cương bước đến, choàng tay qua người Triệu Nam Sơn với cử chỉ thật thân mật. Hai người kết bạn đã lâu năm nhưng vẫn không bỏ cách nói chuyện khách sáo như thuở nào.
Ba người từ phía sau tiến lên vái chào. Triệu Nam Sơn nhận ra họ là người đứng đầu của Ngũ Hành môn, Tam Đảo môn và Nam Hà môn. Nổi bật trong số này là chưởng môn của Ngũ Hành, vì đây là một nữ nhân. Người thiếu phụ tuổi đã ngoài bốn mươi, nhưng vẫn giữ được phần nào dung nhan diễm lệ thời con gái. Chiếc áo tứ thân bốn màu. Mái tóc đen nhánh. Tạo cho Lý Hồng Vân vẻ quyến rủ ngây ngất lòng người. Chiếc áo của chưởng môn Ngũ Hành rất đặc biệt. Nó được phối màu sao cho phù hợp với năm sắc. Nhưng là một nữ nhân có thân hình tuyệt mỹ, sao chịu khoác lên người chiếc áo như đồng bóng. Lý Hồng Vân chọn giải pháp tượng trưng. Lấy vàng làm nền. Còn trắng xanh đỏ là màu thêu. Bốn màu ấy cộng với mái tóc đen nhánh, vừa tròn năm sắc của ngũ hành.
Đi giữa Trần Anh, chưởng môn nhân Nam Hà. Và Đinh Kiên, một trong ba đại diện của Tam Đảo môn. Lý Hồng Vân rực rỡ bên cạnh hai lão già tóc đã pha sương.
Triệu bang chủ nhìn ba vị khách đi cùng, nói:
-  Chúng ta mãi tán tụng nhau, lại bỏ quên ba vị cao nhân đây! Nam Hà Địa Đao, Tam Gia Đao Pháp, Ngũ Hành Kiếm Trận chẳng phải là tuyệt thế võ học hay sao?
Trần Anh mỉm cười nhìn Lý Hồng Vân và Đinh Kiên. Cả ba không hẹn cùng cười phá lên. Lý Hồng Vân cất tiếng nói thật dịu dàng:
-  Chúng ta đừng tâng bốc nhau nữa! Nếu để thiên hạ nghe thấy, lại nói châu thổ chỉ nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Chẳng phải vừa qua tứ đại phái đã tổn thất dưới tay Bích Huyết Ma Cung và Song Yêu Tây Vực hay sao?
Đinh Kiên sắc mặt trầm trọng nói:
-  Nói đến việc này chúng ta thật sơ xuất! Cứ tưởng trời đất của ta thì không ai xâm phạm, không ngờ hai thế lực của ma giáo lại đồng lúc ra tay, hãm hại anh hùng hào kiệt trong võ lâm. Tứ đại phái xưa nay chưa từng phối hợp nhau. Việc của môn hộ chỉ đơn cử vài người lo liệu. Không ngờ bọn yêu ma tập kích bất ngờ, làm tổn hại nhiều nhân lực của bổn phái…
Trần Anh vội góp lời:
-  Sự tổn thất đã thành tất yếu! Nhưng bọn yêu nghiệt cũng trả giá đắt cho hành động điên cuồng của mình. Cứ ỷ vào số đông để cầu thắng là tối kỵ của binh gia. Binh không cần nhiều chỉ cầu tinh nhuệ. Người đông chỉ tạo thêm hỗn độn, khó tận dụng sở trường. Ít người mà điêu luyện, được gọi là kỳ binh. Hơn ba trăm tên yêu tà đã bỏ mình vì lối đánh thiêu thân ấy.
Tiếng nói dịu dàng, êm ái của Lý Hồng Vân lại vang lên:
-  Bọn chúng chết là đáng tội! Nhưng môn hạ của tứ phái bị tổn hại, làm ai cũng đau lòng. Cái chết xét cho cùng, vì lý do gì cũng là tang thương…không làm cho ai vui cả.
Câu nói của Lý Hồng Vân làm không khí như chìm xuống.
Mọi người vào đến đại sảnh, cùng ngồi xuống thạch kỷ đã đổ màu rêu phong. Giữa sảnh có một từ đường, dùng cúng bái linh hồn hào kiệt của bổn bang. Trên cao có một tấm liễn, khắc dòng đại tự: Duy nghĩa vi bảo. Ngụ ý khuyên bảo chúng đệ tử trong bang, phải tu dưỡng nghĩa khí và hành sự như việc thiêng liêng.
Vừa yên vị, tiếng tù và vang đến làm mọi người kinh ngạc. Chỉ có Triệu Nam Sơn vẫn ngồi bất động. Miệng lão mỉm cười trước mật âm của bổn bang truyền đến. Tiếng tù ngân nga, lúc trầm lúc bổng. Sau đó như giục giã lòng người, làm ai nấy nao nao trong dạ.
Giọng trầm ấm của Triệu Nam Sơn lại vang lên:
-  Sước Sơn bang, Hoán Hàng bang, Vi Mễ bang, cùng thập lộ anh hùng tứ phương đáo giá. Không ngờ hôm nay Kim Sa Đảo hội thủ quần long, địa danh vang xa bốn cõi.
Lý Hồng Vân cảm cảnh thở dài:
-  Long Quân Thần Kiếm đã làm một vùng đảo vắng vẻ, trở nên nhộn nhịp. Không biết rồi đây bình yên còn ngự trị nơi này như thuở ban đầu?
Trần Anh và Đinh Kiên nhìn nhau, nhưng không ai muốn mở lời. Lúc này ngôn ngữ như thừa thải. Mọi người bất động mà nghe hồn thiêng sông núi chảy vào huyết quản, nội tạng. Cái vô cùng đã lấn át sự hữu hạn. Sự việc có ra sao đi nữa, nhân sĩ võ lâm cũng ra sức bảo tồn thanh bảo kiếm.
Mọi người tiến ra ngoài, tiếp đón anh hùng tứ phương. Quan cảnh trước mắt làm ai nấy sửng sờ. Cờ xí ngợp một góc trời. Trống chiêng đủ sắc màu như ngày lễ hội. Hào kiệt bốn phương có dịp hợp mặt, trong lòng rất phấn khích. Ai nấy chào hỏi không ngớt lời, vẫn không điểm hết những người quen…
Một lão già tiến đến cạnh Triệu Nam Sơn và chưởng môn tứ phái. Mọi người chợt nhận ra, là Độc Điếu Phong Can Đinh Túc.
Triệu bang chủ nhìn lão cười lớn:
-  Đinh lão quái vẫn như thuở nào. Hôm nay câu được con cá nào đủ to, để huynh đệ bọn ta đối ẩm  thoả thích.
Đinh lão nhân cười nắc nẻ:
-  Có đấy! Đúng ra đến Kim Sa đảo không nên mang theo cá. Nhưng nghề của ta vốn dĩ gắn liền với cá, không có cá còn đâu Độc Điếu Phong Can  
 Nói đến đây lão cúi xuống mở cái giỏ, lôi ra một con cá lớn.
-  Chừng này đã đủ cho chúng ta uống rượu, mừng cuộc tao ngộ.
Đinh Kiên nhìn con cá lắc đầu nói:
-  Chúng ta vừa trải qua một hải trình dài dằng dặc. Bụng đã đói, chân đã run. Một con cá bé tí thế kia...ai ăn, ai nhịn…Xem ra hôm nay phải nhờ Triệu bang chủ, bổ sung thêm các món hải sản tươi sống, để nở mặt, nở mày đảo Kim Sa.
Mọi người cùng cười vui vẻ. Người đông của hiếm. Chúng thuộc hạ Kim Sa bang có một ngày bận rộn phục vụ tân khách. Vì lượng khách đến quá đông nên không thể nào chu toàn việc ăn uống. Những hào sĩ võ lâm cũng biết vậy, nên lúc đến đây ai cũng mang theo lương thực và đồ nhắm. Đảo chủ chỉ việc lo rượu cho họ uống đã là chuyện phúc đức mấy đời. Còn như chuyện nghỉ ngơi, càng không liệu nỗi. Ai nấy cứ tuỳ ý lựa chọn những bóng mát, đặt lưng thoả thích.
Trời càng về chiều, số thuyền đến Kim Sa mỗi lúc một đông. Từ khơi xa, thỉnh thoảng lại lấp ló những cánh buồm. Chim chóc trên đảo bấy lâu sống trong bình yên. Nay thấy cảnh nhộn nhịp, nháo nhác kêu vang khắp chốn.
Triệu Nam Kha, con trai trưởng của Triệu lão anh hùng ngập lút trong đám đông tân khách. Từ sáng tinh mơ, hắn đã tất bật với khối công việc nặng nhọc. Là con trưởng nên hầu hết những công việc quan trọng trong bang, đều một tay hắn gánh vác. Muội muội của Triệu Nam Kha là Triệu Ngọc Linh, tuổi vừa mười tám, tánh khí hời hợt, chỉ thích công phu võ học hơn là thêu thùa may vá. Nếu nói đến chuyện đánh nhau Ngọc Linh rất thích. Còn như chuyện phụ giúp bếp núc, đừng hòng nàng ta ra tay phụ trợ.
Triệu Nam Sơn rất mực cưng cô con gái kiều diễm. Thường nhật vẫn để nàng ta luyện tập đao kiếm, nên dần dà cũng quen mắt bắt thói. Nếu như có ngày Ngọc Linh ra tay nấu nướng, đó mới là điều lạ đối với Triệu lão anh hùng. Tuy không yểu điệu như phận quần thoa, nhưng Ngọc Linh  được trời phú cho sự thông minh tột đỉnh. Đối với võ học, nàng tiếp thu không kém huynh trưởng. Có khi còn vượt trội hơn Nam Kha về sự tinh tế nữa là. Không riêng Kim Sa đảo, mà tại châu thổ các cao thủ cũng biết về cô con gái kỳ tài của bang chủ Kim Sa.
Tuy mới trưởng thành, nhưng được nhiều người quan tâm chỉ dạy, công phu võ học của Triệu Ngọc Linh rất khó đoán định. Giang hồ đồn đại, nàng ta từng một thân đối mặt với nhóm thảo khấu khét tiếng tại Đông Hải. Trong trận chiến bảo vệ người già và trẻ nhỏ đó, Ngọc Linh đã tiểu trừ một cao thủ trong giới hắc đạo. Từ đó huyền thoại về nàng cứ lan truyền mãi trong giới võ lâm…
Tiếng huyên náo từ bãi biển làm mọi người chú ý. Một đám đông vây quanh một trũng cát thấp. Nhiều người hô hào cổ vũ như có một cuộc đọ sức đang diễn ra. Đinh Túc tuy tuổi đã cao, nhưng là người nhanh nhẹn nhất. Thoắt một cái lão đã có mặt tại nơi xảy ra sự việc. Giữa một trũng cát sềnh sệt nước, một con rùa nặng mấy trăm cân, đang tìm cách thoát ra biển. Một đại hán vạm vỡ, đang dạng chân trụ vững, cố sức lật ngửa con rùa. Mặc dù đã dùng toàn lực, đại hán vẫn không sao cản được con vật. Tiếng cười oà vỡ, trong cảnh tượng hết sức ngoạn mục.
-  Nếu ngươi không nhấc nó được thì hãy tránh ra để người khác thử sức.
Nhiều tiếng nói đồng tình vang lên:
-  Đúng! Đúng! Hãy tránh ra để lão tử ra tay.
-  Ngươi mà là lão tử! Lão tử chỉ có mà nhìn…
-  Xê ra! Xê ra! Hãy để ta ra tay cho mọi người mở rộng tầm mắt.
-  Có được không đấy! Công phu mèo quèn thì đừng có giở ra…
Con rùa lùi bước, đẩy một người loạng choạng ra sau. Một người khác lướt đến, quát:
-  Để ta!
Dư âm tiếng nói còn vang, hắn đã cúi xuống ôm lấy cái mai to lớn. Con rùa ngọ nguậy muốn hất người này. Tiếng cười chợt tắt lịm. Có người nhận ra đó chính là Triệu Nam Kha, thiếu bang chủ của Kim Sa bang.
Hai chân của Nam Kha ngập sâu trong cát. Bàn tay của hắn nắm chặt lấy mai con vật. Miệng quát lên một tiếng lớn. Đây chính là Bá Vương Cử Đỉnh trong nội gia quyền họ Triệu. Kình lực vừa phát huy, con rùa liền bị nhấc bổng lên, rồi lật ngửa ra. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang dội.
-  Trụ bộ thật đáng khâm phục!
- Hảo công phu!
Đinh Túc bước đến vỗ vai Nam Kha, khen:
-  Đúng là hổ tử được hổ phụ sinh ra. Công phu của ngươi có thể sánh cùng nhất lưu cao thủ  đương thời. Nếu chịu khó trao dồi, sau này tiền đồ không người bì kịp.
Triệu Nam Kha vòng tay thi lễ, rồi đáp:
-  Tiền bối quá khen! Công phu nhỏ nhoi này chỉ làm bẩn mắt người. Vãn bối nghe châu thổ còn lắm người tài, chỉ vì không lộ chân tướng mà thôi.
Hai người vừa quay đi đã thấy tứ đại chưởng môn đứng sau lưng mỉm cười. Ai nấy nhìn thiếu bang chủ Kim Sa đảo với đôi mắt ngợi khen. Công phu vừa rồi không thể sánh với họ, nhưng tiền đồ của chàng thanh niên hai mươi tuổi đầy hứa hẹn.
 Mọi người thấy chuyện vui đã mãn nên tản đi hết. Đinh Túc và chưởng môn các phái theo Triệu thiếu gia trở vào đại sảnh. Lúc này nhà bếp đã dọn thức ăn lên. Mùi thơm của hải sản lừng ba. Mọi người ai nấy đều ngây ngất. Những cao thủ khắp nơi được tiếp đãi tại thực quán. Nơi này rộng rãi nhưng vẫn không chứa hết người đến đảo.
Đại sảnh có sự góp mặt của chưởng môn các phái và bang chủ Sước Sơn bang, Hoán hàng bang,  Vi Mễ bang. Những người này thành danh trong võ lâm đã lâu, nên ai nấy đều kính nhường, để họ ngồi riêng tại đại sảnh.
Sau vài tuần rượu, câu chuyện mở đầu dễ dàng hơn. Triệu bang chủ tay nâng chén rượu nói với mọi người:
-  Hạnh ngộ hôm nay là kỳ duyên hiếm thấy. Nếu không có sự xuất hiện của Long Quân Thần Kiếm, e rằng có lấy kiệu rước cũng không mời được các vị quá bộ đến Kim Sa.
Trần Anh vội đỡ lời:
-  Triệu bang chủ đừng quá lời! Không phải Kim Sa đảo còn có lễ hội Hùng Đức, lâu nay thu hút khách vãng lai hay sao. Cho dù không có thanh Long Quân Kiếm thì Kim Sa đảo vẫn không thiếu những bậc anh hùng tương hội. Tại hạ cùng các vị đây cũng mượn gió du đông, cho thêm phần náo nhiệt.
-  Phải đó! – Đinh Kiên tiếp lời cho đồng đạo – Nếu không vì lý do hữu ý nào, thì ít nhất chúng ta cũng được thấy qua Long Trảo Thủ danh bất hư truyền.
Mọi người cười phá lên sau câu nói trào lộng của Đinh Kiên. Câu chuyện mãi vui nên trời tối lúc nào không ai hay. Lúc này đèn đuốc đã được thắp lên. Kim Sa đảo ngập tràn trong ánh lửa chập chờn như sao sa. Nhìn cảnh tượng tuyệt đẹp, Lý Hồng Vân bất giác suýt xoa:
-  Thật là bồng lai ở chốn hồng trần! Không ngờ nơi đây lại sở hữu quan cảnh có một không hai. Mai sau có dịp, ta nhất định trở lại chốn này.
Đinh Túc lặng nhìn ánh lửa, lòng chìm đắm trong nghĩ ngợi. Không biết lão nhớ đến chuyện gì mà hồn phách thờ thẩn. Những người đứng cạnh có Triệu Nam Sơn là tinh ý, thấy được nét khác lạ của Độc Điếu lão nhân. Lớp người sau như Lý Hồng Vân, Trần Anh, Đinh Kiên đều không biết nhiều về Độc Điếu Phong Can. Chỉ có Triệu Nam Sơn tuổi đời suýt soát với Đinh Túc, mới hiểu được tâm sự của lão. Võ lâm đương thời, người hiểu chuyện của Độc Điếu cực hiếm. Và ngoại hiệu Độc Điếu Phong Can càng không tìm được người lý giải…
Triệu Nam Sơn gạt bỏ suy nghĩ vừa nảy sinh trong đầu. Lão anh hùng thà trải qua trăm ngàn trận quyết đấu, còn hơn nghĩ đến một số phận quá nhiều trắc trở…
Bữa tiệc đã nhạt. Người phục vụ trong bang thi nhau dọn dẹp. Mọi người kéo nhau bách bộ dưới những hàng cây. Đâu đâu cũng có người của võ lâm. Họ đối ẩm, ca hát, thi quyền, múa kiếm, trông náo nhiệt vô cùng. Đã gần ngày Hùng Đức, dân trên đảo đã chọn sẵn một bãi cát, tiếp giáp với biển, đối diện là núi nhỏ nằm kề nhau như hình rồng. Để lập đàn tế lễ và mở hội Quan Kiếm, ngư dân cho rằng địa hình như vậy, mới thể hiện hết anh khí của châu thổ. Có sơn hà, có xã tắc (đất đai, thổ trạch) mới có thái bình thịnh trị. Gần chân núi có đào một cái hố to, không biết để làm gì. Chưởng môn các phái và Đinh Túc thỉnh ý Triệu Nam Sơn, nhưng lão anh hùng chỉ cười mà không nói. Mọi người phán đoán trước sau một lúc rồi đành chịu. Sự việc cứ chờ đến ngày hội tất sẽ minh bạch.
 Lúc này tất cả đang đứng trước một cái vịnh, rộng mênh mông như một mặt hồ. Ở biển có một loài thuỷ thảo lá xanh, hoa sắc tím, hay mọc cạnh bờ. Đôi lúc sóng biển cuốn nó trôi dạt ra xa, vật vờ theo thuỷ triều.
  Vừa trông thấy hoa lạ, Lý Hồng Vân reo lên:
-  Ở đây cũng có hoa! Trông đẹp vô cùng.
Mặc dù đã trung niên nhưng chưởng môn của Ngũ Hành vẫn là nữ nhân. Vừa thấy hoa, bà đã bộc lộ nữ tính của thời còn trẻ. Thấy nữ chưởng môn tỏ ra cao hứng nên ai cũng quan tâm. Chùm hoa dại cách bờ ước khoảng năm mươi xích. Nếu muốn ra đấy mang nó về, phải có công phu di hình thật cao thâm. Các chưởng môn, bang chủ của các bang hội võ công đều rất cao cường. Nhưng công phu mỗi bang phái đều có sở trường riêng. Nếu phô trương không đúng chỗ chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Nghĩ vậy nên ai nấy nhìn nhau phân vân…
Đinh Túc nhìn bông hoa ngoài xa như nhớ đến một hồi ức. Lão nhân thờ thẩn đi đến một chòm cây.  Như  thành thục công việc này đã lâu, lão dùng hai ngón tay kẹp lấy một nhành lớn, khẽ lắc một cái. Nhánh cây rời khỏi thân với những chiếc lá còn xum xuê. Thuận đà Độc Điếu Phong Can phóng cành cây ra phía biển. Lão hành động thì chậm, nhưng lúc ra tay vừa nhanh, vừa chuẩn xác. Cành cây rơi xuống chia đôi khoảng cách từ bờ đến chỗ bông hoa. Mọi người chưa kịp ước lượng khoảng cách, đã thấy một bóng xám lao vút đi. Thân pháp của lão quái cực nhanh, thoáng một cái đã rơi xuống cành cây, đang bập bềnh trên nước. Mũi giầy khẽ điểm một cái, Đinh Túc như khang tiêu (chuồn chuồn) du thuỷ, lướt ra cạnh bông hoa. Lão uốn người trên không một vòng, tay đã đoạt được vật. Mọi người chưa hết sững sờ vì công phu tuyệt hảo, lão đã đứng cạnh bên tự lúc nào.
Triệu Nam Sơn khen:
-  Hảo công phu! Ngày xưa Đạt Ma Thiền Sư vượt Dương Tử (Trường Giang) bằng một cành lau. Nay Độc Điếu Phong Can đoạt hoa cũng bằng một cành lá. Luận công phu, đâu kém gì bậc đốn giác sáng lập ra Thiếu Lâm Tung Sơn.
Lý Hồng Vân nhận hoa, nhưng mắt lại chăm chắm nhìn Đinh Túc. Bà thật không ngờ một ông lão tuổi vượt quá thất tuần mà hùng khí vẫn còn như thuở nào. Nhìn lão thi triển khinh thân, không ai tin trên đời lại có người như thế. Nếu như còn thanh niên tráng kiện, nữ nhân nào thấy lão  cũng động lòng vì sự quyết đoán không chút do dự.
Những người còn lại, ngoại trừ Triệu Nam Sơn ai cũng tấm tắc khen công phu của Đinh Túc. Nếu lâm trận diệt địch mọi người đều không ngại. Nhưng trổ tài phi hành trên nước đòi hỏi nhiều công sức luyện tập. Công phu này nếu dễ dàng thành tựu thì Lăng Ba Vi Bộ không còn là tuyệt kỹ của võ học.
Chưởng môn của Ngũ Hành rất xúc động trước sự quan hoài của Đinh Túc. Nếu lúc bình thường bà cũng có đôi lời cảm tạ. Song ở đây có nhiểu người, xử sự không khéo sẽ mất thân phận của chưởng môn một phái. Bà đành dùng ánh mắt dịu dàng nhìn lão, thay lời cảm tạ.
Đinh Túc lão nhân lại không quan tâm đến việc làm của mình. Đối với lão, hành động bộc phát vừa rồi dường như để nhớ lại quá khứ. Nó nhằm nhắc lại một thói quen hơn là thịnh tình đãi nhân, gây thiện cảm.
Triệu Nam Sơn nhìn Đinh Túc với ánh mắt thông cảm, xen chút u buồn. Lão biết Độc Điếu Phong Can đang nhớ về ai. Một người mà dù trải qua một đời phong ba, cũng không sao làm lão quái quên được…
Mọi người trở lại đại sảnh. Lúc này trăng đã lên. Ánh sáng nhàn nhạt soi xuống rừng hồ tiêu. Phong cảnh hữu tình khiến lòng ai cũng thơ thới. Bên chén trà thơm nghi ngút khói, mọi người cùng ôn lại những chuyện đã qua…
Âm thanh của gió biển. Tiếng hò hét của quần hùng. Ánh lửa chập chờn ở khắp mọi nơi. Tạo cho Kim Sa đảo một không khí huyền ảo vô bờ. Nhưng khung cảnh ấy bỗng bị một tiếng hú vang vọng phá hỏng. Tiếng hú làm ai nấy giật mình.
Từ cánh rừng phía sau núi nhiều bóng người chạy đến. Thân pháp những người này cực nhanh, thoáng chốc họ đã len vào đám đông quần hùng. Tiếng la hét hỗn độn vang lên:
-  Các ngươi từ đâu mà tự tiện xâm nhập đảo?
-  Bọn này không phải là người châu thổ! Sắc phục không giống chúng ta.
Triệu Nam Sơn ngước nhìn những người mới đến. Lão lạnh lùng hừ lên một tiếng:
-  Chúng ta có khách không mong đợi. Những người này đến đảo từ bãi sau, nơi thuộc hạ của Kim Sa Bang ít khi sử dụng.
Mọi người lao xao bàn luận.
  Tiếng Ngô Cương sang sảng:
-  Bọn yêu nghiệt càng lúc lộng hành. Chẳng lẽ chúng cho rằng võ lâm châu thổ không còn anh hùng hào kiệt hay sao!
 Bên ngoài tiếng của Triệu Nam Kha vang lên:
-  Bằng hữu! Xin dừng bước. Nơi đây không hoan hô những người có hành tung lén lút. Đã lên đảo nên đi bằng bãi trước, mới chứng thực thân phận của chính nhân quân tử.
Những tên lạ mặt bị giữ chặt trong một vòng người. Một tên chợt cất tiếng cười lớn:
-  Không ngờ châu thổ lại lấy đông hiếp ít! Cách tiếp đãi này không biết là thói quen chăng?
Giọng của thiếu bang chủ vẫn nhã nhặn:
-  Đây không phải là tiếp đãi, mà là ngăn chặn. Các hạ đang đêm xâm nhập đảo mà không một lời giải thích, thử hỏi phải quá xem thường người khác hay không. Chúng tôi chỉ làm bổn phận người giữ nhà. Bạn thì tiếp…còn ngược lại không khách sáo...
Một hán tử mập béo bật cười:
-  Không khách sáo nghĩa là sao? Các người định lấy số đông để thủ thắng, hay muốn thử sức với cao thủ đến từ quan ngoại. Trời đất vốn không có chủ, chuyện lên đảo của bọn ta thuận đâu làm đó, sao gọi là tự ý hay không tự ý.
Trong số quần hào có tiếng phản đối:
-  Nhập gia tuỳ tục. Các ngươi từ quan ngoại đến, chẳng phải đang về nhà mình. Nếu nói lý như thế thì nhà nhà là của chung, làm sao phân biệt đâu là châu thổ, đâu quan ngoại…
Có nhiều tiếng thét lên:
-  Không nói nhiều với bọn chúng. Hãy cho chúng một bài học về lễ nghi lúc nhập gia.
-  Không cần ức hiếp kẻ lạ! Chúng ta đơn đả độc đấu, cho mọi người thấy được thế nào là khí phách của đấng mày râu.
Một tên trong bọn ô hợp quát:
-  Được! Ta muốn biết cao thủ của châu thổ bản lĩnh ra sao…
Câu nói hắn chưa dứt đã thấy một bóng người băng ra. Người này sử dụng thân pháp rất kỳ lạ. Trong nháy mắt đã tiếp cận đối thủ mà không để lại một tiếng động.
   Bên ngoài có tiếng la:
-  Cuồng phong di hình bộ pháp! Hắn là Thẩm Quyến danh chấn Tây Đô.
Hán tử của quan ngoại chưa trông rõ kẻ tấn công, đã thấy gió lạnh thổi vào gáy. Gã vừa xoay người toan xuất thủ thì đối phương đã biến mất. Không gian quanh hắn xao động như có trận gió  thổi qua. Đầu hắn nhẹ tênh như mất đi một bộ phận. Trong cơn hốt hoảng hắn nhảy vội ra sau, đưa tay lên sờ lấy mũ. Nhìn chiếc mũ, mặt hắn cắt không còn giọt máu. Chiếc mũ bị một vết rạch, cắt ngọt hết nửa bên. Nếu như đối thủ không hạ thủ lưu tình còn đâu cái mạng của hắn. Những cao thủ  châu thổ vỗ tay hoan hô ầm ĩ, trong sự sững sờ của các cao thủ quan ngoại.
Thẩm Quyến là một hảo hán của Tây Đô, võ công người này chỉ nghe mà chưa ai được thấy bao giờ. Bây giờ chứng thực, lời đồn quả không ngoa. Với bộ pháp nổi tiếng ấy, bọn tả đạo trên chốn giang hồ không bao giờ muốn chạm mặt Thẩm đại hiệp. Những cao thủ quan ngoại không phải là kẻ tầm thường. Thuật khinh thân của chúng lúc mới xuất hiện làm nhiều người rất ngạc nhiên. Tuy nhiên đem so với Cuồng phong di hình bộ pháp thì chẳng thấm tháp gì…
Tình thế đang căng thẳng, chợt có tiếng nói vang lên:
-  Mọi người dù hữu ý hay vô tình đến đảo, đều là khách của Kim Sa. Chúng ta đừng vì những điều nhỏ nhặt mà làm mất hoà khí của giang hồ.
Đó là tiếng nói của Triệu Nam Kha. Hắn thấy tình hình sắp có đánh nhau nên lựa lời bình hoà để giải toả sự hiềm khích. Đây là một đức tính của thiếu bang chủ mà Triệu Nam Sơn đã có lần ngợi khen. Lão anh hùng thường nói:
- Một người muốn làm được việc lớn phải nhẫn nhịn được cái nhỏ. Không phải ngẩu nhiên mà cổ nhân nói, học nhẫn cực khó. Bởi chữ “nhẫn”trên có chữ nhận có nhĩa là lưỡi đao, dưới có chữ tâm. Học “nhẫn” giống như bị ai đâm vào tim nhưng vẫn bình thản, thần khí kiên định. Đó cũng là cái thần mà người luyện võ cần đạt đến…
Thấy câu nói của mình có phần hiệu quả, Triệu Nam Kha lại lên tiếng:
-  Mọi người đến đây đều là khách của Kim Sa. Còn mấy ngày nữa là đến lễ hội Hùng Đức, chúng ta hãy giữ mình, đừng làm hoen ố sự thiêng liêng của ngày hội.
Nhiều tiếng xì xào tán đồng nổi lên khắp nơi. Có người lên tiếng:
-  Chúng ta không muốn gây hấn. Chỉ tại bọn họ ngang ngạnh không hiểu lý lẽ mà thôi.
-  Ai thèm hơn thua với bọn tiểu nhân. Hãy mặc kệ bọn chúng.
-  Đúng! Chúng ta cứ vui chơi thoả thích, đừng quan tâm đến bọn chúng.
Một trận chiến kinh thiên sắp xảy ra, bỗng chốc hoá giải can qua như không có việc gì. Mọi người tản ra khắp nơi, không còn quan tâm đến những kẻ xâm nhập trái nết.
Từ trong đại sảnh, Triệu Nam Sơn cười mãn nguyện. Người con trưởng của lão đã làm hãnh diện cho bang phái bằng sự bình tỉnh hiếm thấy. Nếu không chứng kiến sự việc, lão anh hùng cũng không tin Nam Kha có cách xử sự ôn hoà như vậy.
-  Bang chủ có một người con rất xứng đáng - Lý Hồng Vân dịu dàng lên tiếng – Một thanh niên mới lớn thường hay nóng nảy, cư xử theo cá tính. Thiếu bang chủ quý bang phong thái ung dung, bặt thiệp hiếm thấy. Kim Sa bang đã có người kế thừa cho thế hệ đi trước rồi.
Triệu bang chủ nhìn chưởng môn Ngũ Hành mỉm cười, thay lời cảm tạ. Lão không muốn tâng bốc con mình, nhưng quả thật trong lòng đang vui mừng khôn xiết. Nhìn chung trong võ lâm hiện nay, ít người có thể sánh cùng Triệu Nam Kha…